QUỐC HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Luật
số: 15/2017/QH14
|
Hà Nội, ngày
21 tháng 6 năm 2017
|
LUẬT
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Quản lý,
sử dụng tài sản công.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với
tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các
cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà
nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được
quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Cơ quan nhà nước.
2. Đơn vị lực lượng vũ trang nhân
dân.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.
5. Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
6. Doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu
toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản
công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an
ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản
công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước
ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên
khác.
2. Nguồn lực tài chính từ tài sản công
là tổng hợp các khả năng có thể khai thác được từ tài sản công thông qua các
hình thức theo quy định của pháp luật nhằm tạo lập nguồn tài chính phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
3. Trụ sở làm việc là đất, nhà làm việc
và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước,
cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính
trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
4. Cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà
làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ
hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập.
5. Tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ
trang nhân dân là tài sản công được sử dụng trong chiến đấu, huấn luyện sẵn
sàng chiến đấu và nghiệp vụ quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang nhân
dân.
6. Tài sản chuyên dùng
là những tài sản có cấu tạo, công năng sử dụng đặc thù được sử dụng
trong một số ngành, lĩnh vực.
7. Đấu giá tài sản công là hình thức bán
tài sản công theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về
đấu giá tài sản.
8. Bán trực tiếp tài sản công là hình thức
bán tài sản công thông qua việc niêm yết giá hoặc chỉ định người mua tài sản.
9. Sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết
là việc cơ quan, người có thẩm quyền cho phép sử dụng tài sản công để hợp
tác với tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh có thời hạn
theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước.
10. Dự án sử dụng vốn nhà nước là các
chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển, nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử
dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của
các nhà tài trợ nước ngoài, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa
vào cân đối ngân sách nhà nước, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn
tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh.
11. Tài sản bị tịch thu là tài sản thuộc
sở hữu của tổ chức, cá nhân bị tịch thu theo bản án, quyết định của Tòa án
hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
12. Hệ thống thông tin về tài sản công là
hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ
liệu và quy trình, thủ tục được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý,
phân tích, tổng hợp và truy xuất thông tin về tài sản công.
13. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
là tập hợp các dữ liệu về tài sản công được sắp xếp, tổ chức để truy cập,
khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.
Điều 4. Phân loại tài sản
công
Tài sản công tại Luật này được
phân loại như sau:
1. Tài sản công phục vụ hoạt động
quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước,
đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp
công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị
- xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội
- nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp
luật về hội, trừ tài sản quy định tại khoản 4 Điều này (sau đây gọi là tài sản
công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);
2. Tài sản
kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết
cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước,
vùng biển gắn với công trình kết cấu hạ tầng, bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng
cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô
thị, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao,
hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục và đào tạo, hạ tầng
khoa học và công nghệ, hạ tầng y tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao, hạ tầng
du lịch và hạ tầng khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản kết
cấu hạ tầng);
3. Tài sản công tại
doanh nghiệp;
4. Tài sản của dự án sử dụng vốn
nhà nước;
5. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật
bao gồm: tài sản bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được
chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp,
chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế và tài sản khác
thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu
cho Nhà nước; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao
không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt
động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho
Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án;
6. Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các
quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước;
7. Đất đai;
tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển,
vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ
tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản
lý theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Chính
sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công
1. Nhà nước có chính sách đầu tư,
khai thác và bảo vệ tài sản công.
2. Nhà nước thực hiện hiện đại
hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý, sử dụng tài sản công; bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính phục vụ
quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Nhà nước khuyến khích tổ
chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thực hiện:
a) Đầu tư vốn, khoa học và công
nghệ để phát triển tài sản công và hiện đại hóa công tác quản lý tài sản
công theo quy định của pháp luật;
b) Nhận chuyển giao quyền đầu
tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công theo quy định của
pháp luật;
c) Cung cấp dịch vụ về tài sản
công theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Nguyên
tắc quản lý, sử dụng tài sản công
1. Mọi tài sản công đều phải được
Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho
cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp
luật có liên quan.
2. Tài sản
công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa
chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có
nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng
khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác
theo quy định của pháp luật.
3. Tài sản công là tài nguyên phải
được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc
điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo
đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật.
4. Tài sản công phục vụ công tác quản
lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức,
đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng
mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo
quy định của pháp luật.
5. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản
công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng
pháp luật.
6. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được
thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
phòng, chống tham nhũng.
7. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được
giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản
lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định
của pháp luật.
Điều 7. Hình thức khai thác
nguồn lực tài chính từ tài sản công
1. Giao quyền sử dụng tài sản công.
2. Cấp quyền khai thác tài sản công.
3. Cho thuê tài sản công.
4. Chuyển nhượng, cho thuê
quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công.
5. Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh,
liên doanh, liên kết.
6. Sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa
vụ của Nhà nước.
7. Bán, thanh lý tài sản công.
8. Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Công khai tài sản
công
1. Việc công khai tài sản công phải được thực hiện
đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định của pháp luật; trường hợp không thực
hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ, kịp thời, chính xác thì bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung công khai bao gồm:
a) Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định
mức, thủ tục hành chính về tài sản công;
b) Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao,
thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán,
thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công;
c) Tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ
tài sản công.
3. Hình thức công khai bao gồm:
a) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của
Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan
khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức,
đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công;
c) Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức,
đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công;
d) Hình thức công khai khác theo quy định của
pháp luật.
4. Trách nhiệm công khai được quy định như sau:
a) Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai đối với
tài sản công của cả nước;
b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm công khai đối
với tài sản công thuộc phạm vi quản lý;
c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử
dụng tài sản công có trách nhiệm công khai đối với tài sản công thuộc phạm vi
quản lý, sử dụng;
d) Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm
công khai kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 9. Giám sát của cộng đồng
đối với tài sản công
1. Việc quản lý, sử dụng tài sản
công được giám sát bởi cộng đồng, trừ tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy
định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan, tổ chức
có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
hoặc thông qua các thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin,
đề nghị giám sát của Nhân dân; chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối
với tài sản công theo kế hoạch và quy định của pháp luật.
3. Nội dung giám sát bao gồm:
a) Việc chấp hành các quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Tình hình đầu tư xây dựng,
mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán,
thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công;
c) Tình hình khai thác nguồn lực
tài chính từ tài sản công;
d) Việc thực hiện công khai tài
sản công.
4. Hình thức giám sát bao gồm:
a) Nghiên cứu, xem xét văn bản của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân để có ý kiến với cơ quan nhà
nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức đoàn giám sát;
c) Tham gia giám sát với cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền;
d) Giám sát thông qua hoạt động của
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập ở cấp
xã.
Điều 10. Các hành vi bị
nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công
1. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt,
chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
2. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng
tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
3. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị,
cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá
nhân không có nhu cầu sử dụng.
4. Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức,
cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
5. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được
giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến
việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để
kinh doanh trái pháp luật.
6. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
7. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
8. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài
sản công.
9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ
trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của
pháp luật.
10. Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử
dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 11. Xử lý vi phạm pháp
luật về quản lý, sử dụng tài sản công
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác có
hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có
trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm
nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ
chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc
bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ TÀI SẢN CÔNG VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN
CÔNG
Điều 12. Nội
dung quản lý nhà nước về tài sản công
1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản
lý, sử dụng tài sản công.
2. Quản lý việc giao tài sản công; đầu tư xây dựng,
mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; xác lập quyền sở hữu
toàn dân về tài sản.
3. Quản lý việc sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa
chữa tài sản công; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.
4. Quản lý việc thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi
công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản
công.
5. Kiểm kê, báo cáo tài sản
công.
6. Xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin về
tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
7. Hợp tác quốc tế về tài sản công.
8. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và
nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng
tài sản công.
9. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát,
theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và
xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
10. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo
trong quản lý, sử dụng tài sản công.
11. Quản lý hoạt động dịch
vụ về tài sản công.
12. Nội dung khác theo quy định của pháp luật có
liên quan.
Điều 13. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Chính phủ
1. Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về quản lý, sử dụng tài sản
công; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công
theo thẩm quyền.
2. Thực hiện chức năng đại diện chủ
sở hữu đối với tài sản công theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý tài
sản công theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan, bảo đảm sự phối
hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quản lý tài sản công.
3. Quy định
chi tiết về: quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản công, khai
thác tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công vào mục
đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng, khai thác
tài sản kết cấu hạ tầng; sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư theo
hình thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu
tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp
đồng xây dựng - chuyển giao; thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
đối với tài sản quy định tại các khoản
2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật này; xử lý tài sản
công; công cụ tài chính quản lý rủi ro đối với tài sản công; xử lý tài sản công
trong trường hợp đấu giá không thành; quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai
thác, xử lý tài sản công; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; Hệ
thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; khai
thác kho số phục vụ quản lý nhà nước; sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản
công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức.
4. Quyết định hoặc phân cấp thẩm
quyền quyết định:
a) Giao, mua
sắm, thuê, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Sử dụng tài sản công vào mục
đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Giao, xử lý tài sản kết cấu hạ
tầng; phê duyệt đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng;
d) Sử dụng tài sản công để tham
gia dự án theo hình thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư
khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng
xây dựng - chuyển giao;
đ) Xác lập
quyền sở hữu toàn dân về tài sản; phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập
quyền sở hữu toàn dân;
e) Mua sắm, thuê, phê duyệt phương
án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước.
5. Tổ chức thực hiện việc bảo vệ,
điều tra, khảo sát, lập kế hoạch khai thác và xử lý đối với tài sản công chưa
giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đối tượng khác quản lý theo quy định của
Luật này và pháp luật có liên quan.
6. Chịu trách nhiệm trước Quốc hội
về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc quản lý, sử dụng
tài sản công; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo yêu cầu của
Quốc hội.
7. Kiểm tra, thanh tra, giải
quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành
vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định
của pháp luật.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Điều 14. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán nhà nước thực hiện
kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công, các hoạt động liên quan
đến việc quản lý, sử dụng tài sản công và báo cáo, công khai kết quả kiểm
toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Điều 15. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính
1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính
phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công.
2. Chủ trì xây dựng, trình cơ
quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:
a) Chế độ quản
lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc phân cấp thẩm quyền
quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ
sở làm việc, xe ô tô, tài sản công của cơ quan đại diện
ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế theo
quy định của pháp luật về cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và cơ
quan, tổ chức, đơn vị khác của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là cơ quan Việt Nam ở nước ngoài), máy móc, thiết bị và các tài sản công
được sử dụng phổ biến tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ nhà ở công vụ và tài sản
đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Chế độ quản lý tài chính
đối với đất đai, tài nguyên; chế độ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền
sở hữu toàn dân; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp; chế
độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được hình
thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử
dụng vốn nhà nước.
3. Tham gia với Bộ, cơ quan ngang
Bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và tiêu chuẩn,
định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan
ngang Bộ đó.
4. Thực hiện quyền, trách nhiệm
của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công theo quy định của pháp luật
và phân cấp của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tài sản
công trong phạm vi được phân công; công khai tài sản công của cả nước.
5. Tổ chức xây dựng, quản lý,
vận hành Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia
về tài sản công; tổng hợp số liệu, tình hình quản lý, sử dụng tài sản công;
thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo về tài sản công.
6. Tổng hợp, trình Chính phủ
để báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng tài sản công.
7. Kiểm tra, thanh tra, giải
quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành
vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định
của pháp luật và phân công của Chính phủ.
8. Thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này, pháp luật có liên
quan và phân cấp của Chính phủ.
Điều 16. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở
trung ương
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung
ương) có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện quyền, trách nhiệm của
đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của
pháp luật và phân cấp của Chính phủ; công khai tài sản công thuộc phạm vi quản
lý;
b) Báo cáo tình hình quản lý, sử
dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
c) Kiểm tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và
phân công của Chính phủ;
d) Thực hiện các nhiệm vụ,
quyền hạn khác được quy định tại Luật này, pháp luật có liên quan
và phân cấp của Chính phủ.
2. Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại khoản 1 Điều này, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của
mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản công; thanh tra việc quản
lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật và phân công
của Chính phủ.
Điều 17. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp
1. Hội đồng nhân dân các cấp giám
sát việc thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản
lý của địa phương; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định
tại Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Căn cứ quy
định của Luật này, phân cấp của Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định
hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công
thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn
của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Thực hiện quyền, trách nhiệm của
đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương
theo quy định của pháp luật. Thống nhất quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản
lý của địa phương; công khai tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa
phương.
2. Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi
quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc yêu cầu của Hội đồng nhân dân cùng
cấp. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo tình hình quản
lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân
cấp trên hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp.
3. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết
kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp
luật.
4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác được quy định tại Luật này, pháp luật có liên quan và
phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Điều 19. Thực hiện nhiệm vụ
quản lý tài sản công
1. Bộ
trưởng Bộ Tài chính giao cơ quan quản lý tài sản công thuộc Bộ giúp Bộ trưởng
Bộ Tài chính:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quản lý nhà nước về tài sản công quy định tại Điều 15 của
Luật này;
b) Trực tiếp quản lý, xử lý
đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và
pháp luật có liên quan.
2. Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan trung ương giao một cơ quan, đơn vị đang thuộc quyền quản lý
của Bộ, cơ quan trung ương làm đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
trung ương:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều
16 của Luật này;
b) Trực tiếp quản lý, xử lý
đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và
pháp luật có liên quan.
3. Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan tài chính cùng cấp
giúp Ủy ban nhân dân:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều
18 của Luật này;
b) Trực tiếp quản lý, xử lý
đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và
pháp luật có liên quan.
4. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp
thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản công theo quy định của pháp
luật.
Chương III
CHẾ ĐỘ QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
Mục 1. QUY ĐỊNH
CHUNG VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
Điều 20. Tài
sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Nhà làm việc, công trình sự
nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc,
cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
2. Quyền sử dụng đất thuộc trụ sở
làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
3. Xe ô tô và phương tiện vận tải
khác; máy móc, thiết bị.
4. Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng
dụng, cơ sở dữ liệu.
5. Tài sản khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 21.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công
1. Cơ
quan nhà nước.
2. Đơn vị lực lượng vũ trang nhân
dân.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Cơ quan Đảng
Cộng sản Việt Nam.
5. Tổ chức chính trị - xã hội; tổ
chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
Điều 22. Quyền
và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản
công
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được
giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản công phục vụ hoạt
động theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ,
khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo chế độ quy định;
c) Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp;
d) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định
của pháp luật;
đ) Quyền khác theo quy định của
pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị
được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo vệ, sử dụng tài sản công
đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm;
b) Lập, quản
lý hồ sơ tài sản công, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định
của Luật này và pháp luật về kế toán;
c) Báo cáo và công khai tài sản
công theo quy định của Luật này;
d) Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng tài sản
công theo quy định của pháp luật;
đ) Giao lại
tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm
quyền;
e) Chịu sự thanh tra, kiểm tra,
giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám sát của cộng đồng, cán bộ,
công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản
công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
g) Nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 23. Quyền
và nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử
dụng tài sản công
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ
chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây:
a) Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng
tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao;
b) Giám sát, kiểm tra việc quản
lý, sử dụng tài sản công được giao quản lý, sử dụng;
c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc
trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản
lý, sử dụng tài sản công;
d) Quyền khác theo quy định của
pháp luật.
2. Người
đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công
có các nghĩa vụ sau đây:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện
quy chế quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;
b) Chấp hành quy định của Luật này
và pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn,
định mức, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp
luật về việc quản lý, sử dụng tài sản công được Nhà nước giao;
d) Giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;
đ) Nghĩa vụ khác theo quy định của
pháp luật.
Mục 2.
TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ
Điều 24.
Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng
tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là các quy định về chủng loại, số
lượng, mức giá, đối tượng được sử dụng do cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành.
Quy định về mức giá trong định
mức sử dụng tài sản công là giá đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định
của pháp luật; trường hợp được miễn các loại thuế thì phải tính đủ số thuế được
miễn để xác định định mức.
2. Tiêu
chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được sử dụng làm căn cứ để lập kế hoạch
và dự toán ngân sách; giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, khoán
kinh phí sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công tại
cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Điều 25.
Nguyên tắc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
1. Đúng thẩm quyền.
2. Tuân thủ trình tự, thủ tục
ban hành theo quy định của pháp luật.
3. Phù hợp với chức năng, nhiệm
vụ được giao; khả năng của ngân sách nhà nước; mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp
công lập.
Điều 26. Thẩm
quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
1. Chính phủ quy định tiêu chuẩn,
định mức sử dụng đối với các tài sản công sau đây:
a) Trụ sở làm
việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;
b) Xe ô tô;
c) Tài sản
công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
2. Thủ tướng Chính phủ quy
định tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các tài sản công sau đây:
a) Tài sản đặc biệt tại đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân;
b) Nhà ở
công vụ;
c) Máy móc,
thiết bị và các loại tài sản công được sử dụng phổ biến tại cơ quan, tổ
chức, đơn vị, trừ tài sản công quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Căn cứ quy định của cơ quan,
người có thẩm quyền tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định
chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc
lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
4. Căn cứ quy định của cơ quan,
người có thẩm quyền tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, Bộ, cơ quan trung ương
quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử
dụng tài sản chuyên dùng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trừ
trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
5. Căn cứ quy định của cơ quan,
người có thẩm quyền tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, sau khi có ý kiến thống
nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng
tài sản chuyên dùng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trừ trường
hợp quy định tại khoản 7 Điều này.
6. Đối với
tài sản công không được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, cơ quan, người
có thẩm quyền quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này quyết định tiêu chuẩn, định
mức để áp dụng trong phạm vi quản lý.
7. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định áp dụng tiêu chuẩn,
định mức sử dụng tài sản công tại đơn vị mình, trừ tiêu chuẩn, định mức diện
tích làm việc, xe ô tô, máy móc, thiết bị của các chức danh quản lý.
Điều 27.
Trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
1. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy
ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn,
định mức sử dụng tài sản công trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được
giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm tự kiểm tra việc tuân thủ
tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
3. Việc kiểm tra tuân thủ tiêu
chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được thực hiện trong toàn bộ quy trình đầu
tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công.
4. Trong quá trình kiểm tra, nếu
phát hiện có hành vi vi phạm tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, cơ
quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải kịp thời xử
lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định
của pháp luật.
Mục 3. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Điều 28.
Hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Nguồn hình thành tài
sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm:
a) Tài sản bằng hiện vật do
Nhà nước giao;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng,
mua sắm từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc hình thành tài
sản công tại cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ được giao; phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành;
b) Phù hợp với nguồn tài
sản và nguồn kinh phí được phép sử dụng;
c) Tuân thủ phương thức,
trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan;
d) Công khai, minh bạch và
đúng chế độ quy định.
Điều 29.
Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan nhà nước
1. Nhà nước giao tài sản bằng hiện vật cho cơ
quan nhà nước trong trường hợp thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức.
2. Tài sản giao cho cơ quan
nhà nước sử dụng bao gồm:
a) Tài sản do Nhà nước đầu tư xây dựng,
mua sắm;
b) Tài sản thu hồi theo quy định tại Điều 41 của Luật này;
c) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước quy định
tại Mục 1 Chương VI của Luật này;
d) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này;
đ) Đất được giao để xây dựng trụ sở theo
quy định của pháp luật về đất đai;
e) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền quyết định
giao tài sản công được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ và các quy định
sau đây:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giao tài sản
công quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này cho Bộ, cơ
quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ tài sản quy định tại điểm b và
điểm c khoản này;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết
định giao tài sản công quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này
do Bộ, cơ quan trung ương đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc quản lý cho cơ quan nhà
nước thuộc phạm vi quản lý;
c) Ủy ban nhân dân các cấp quyết định giao tài sản
công quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này do cấp mình đầu
tư xây dựng, mua sắm hoặc quản lý cho cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản
lý;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao tài
sản công quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này theo quy định của pháp luật về
đất đai.
4. Cơ quan đang quản lý tài sản công thực hiện
bàn giao tài sản theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy
định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này.
Điều 30. Đầu tư xây dựng trụ
sở làm việc của cơ quan nhà nước
1. Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước
được đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước chưa có trụ sở làm
việc hoặc trụ sở làm việc hiện có không bảo đảm điều kiện làm
việc theo quy định của pháp luật mà Nhà nước không có trụ sở làm việc để giao
và không thuộc trường hợp thuê trụ sở làm việc;
b) Sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc để đáp ứng
yêu cầu cải cách hành chính.
2. Trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng theo một
trong các mô hình sau đây:
a) Khu hành chính tập trung;
b) Trụ sở làm việc độc lập.
3. Khu hành chính tập trung là tổ hợp trụ sở làm
việc được quy hoạch và xây dựng tập trung tại một khu vực để bố trí cho nhiều
cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng sử dụng. Việc đầu tư xây dựng khu hành chính
tập trung phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, giảm chi
phí hành chính và thuận tiện trong giao dịch cho các tổ chức và công
dân;
b) Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu hiện đại hóa công sở;
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; phù hợp với định
hướng biên chế được phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc;
c) Nguồn kinh phí xây dựng khu hành chính tập
trung được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác theo quy định của
pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành
chính tập trung có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc được thực
hiện theo các phương thức sau đây:
a) Giao tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư
xây dựng trụ sở làm việc theo mô hình khu hành chính tập trung;
b) Giao cơ quan nhà nước trực tiếp sử dụng trụ sở
làm việc hoặc tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng theo mô hình trụ sở
làm việc độc lập.
Cơ quan, tổ chức được giao thực hiện đầu tư xây
dựng trụ sở làm việc phải có đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật
về xây dựng và pháp luật có liên quan;
c) Đầu tư xây dựng theo
hình thức đối tác công tư;
d) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
5. Việc đầu tư xây dựng trụ
sở làm việc theo hình thức đối tác công tư:
a) Được thực hiện theo quy định của pháp luật về
đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu. Trường hợp sử dụng trụ sở
làm việc hiện có của cơ quan nhà nước để tham gia dự án thì phải có quyết định
của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Cơ quan nhà nước đang quản lý trụ sở làm việc
có trách nhiệm theo dõi, báo cáo phần trụ sở làm việc được sử dụng để tham gia
dự án trong quá trình thực hiện dự án;
c) Nhà đầu tư được quản lý, sử dụng, khai thác
phần tài sản thuộc về nhà đầu tư trong thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng;
nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng, khai thác phần tài
sản của mình cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án, bảo đảm điều kiện kỹ
thuật vận hành công trình bình thường, phù hợp với các yêu cầu của hợp đồng dự
án.
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức
cùng khai thác thì việc khai thác phần tài sản thuộc về nhà đầu tư phải bảo đảm
không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước;
d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xác
lập quyền sở hữu toàn dân và phương án xử lý đối với tài sản do nhà đầu tư chuyển
giao theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này.
Điều 31. Mua sắm tài sản
công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
1. Việc mua sắm trụ sở làm việc và tài sản công
khác được áp dụng trong trường hợp cơ quan nhà nước chưa có tài sản hoặc
còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức nhưng Nhà nước không có tài sản
để giao và không thuộc trường hợp được thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản
công.
2. Việc mua sắm tài sản công được thực hiện theo
phương thức mua sắm tập trung hoặc mua sắm phân tán.
3. Phương thức mua sắm tập
trung được áp dụng bắt buộc đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập
trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với tài sản không thuộc danh mục tài sản mua
sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm tài sản
cùng loại thì có thể thống nhất gộp thành một gói thầu để giao cho một trong
các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc giao cho đơn vị mua sắm tập trung thực
hiện việc mua sắm.
4. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản được
thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều 32. Thuê tài sản phục
vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
1. Cơ quan nhà nước được thuê tài sản phục vụ hoạt
động khi chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản so với tiêu chuẩn, định mức
thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà nước không có tài sản để giao theo quy định
tại Điều 29 của Luật này và không thuộc trường hợp khoán
kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này;
b) Sử dụng tài sản trong thời gian ngắn hoặc sử
dụng không thường xuyên;
c) Việc thuê tài sản hiệu quả hơn so với việc đầu
tư xây dựng, mua sắm.
2. Phương thức thuê, việc lựa chọn nhà cung cấp
dịch vụ cho thuê tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp thuê mua tài sản thì thực hiện
theo quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 33. Khoán kinh phí sử
dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công được
áp dụng đối với nhà ở công vụ, xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công
tác chung của cơ quan nhà nước và tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối
với từng loại tài sản công.
2. Việc khoán kinh phí được áp dụng đối với các
đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng tài sản công.
3. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, phương
pháp xác định mức khoán và việc thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công.
Điều 34. Sử dụng tài sản
công tại cơ quan nhà nước
1. Việc sử dụng tài sản công phải tuân thủ
nguyên tắc quy định tại Điều 6 của Luật này.
2. Không được cho mượn, sử dụng
tài sản công vào mục đích cá nhân.
3. Cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường,
phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt
Nam, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung theo đúng
công năng của tài sản, bảo đảm an ninh, an toàn và được thu một khoản kinh phí
để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản trong thời gian sử dụng
theo quy định của Chính phủ.
4. Cơ quan nhà nước được sử dụng nhà ở công vụ,
quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản công khác để
khai thác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; việc quản lý, sử
dụng số tiền thu được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 35. Quản lý vận hành
tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Phương thức quản lý vận hành
tài sản công bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước được giao
quản lý, sử dụng tài sản công trực tiếp thực hiện quản lý vận hành tài sản công
được giao quản lý, sử dụng;
b) Cơ quan, đơn vị được giao
quản lý khu hành chính tập trung thực hiện việc quản lý vận hành khu hành chính
tập trung;
c) Thuê đơn vị có chức năng thực
hiện quản lý vận hành.
2. Nội dung quản lý vận hành
tài sản công bao gồm:
a) Điều khiển, duy trì hoạt động,
bảo dưỡng thường xuyên tài sản công;
b) Cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ
sinh môi trường và dịch vụ khác bảo đảm cho tài sản công hoạt động bình thường.
3. Việc lựa chọn đơn vị có chức
năng quản lý vận hành tài sản công trong trường hợp áp dụng phương thức quản lý
vận hành quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của
pháp luật về đấu thầu. Cơ quan nhà nước có tài sản công hoặc cơ quan, đơn vị được
giao quản lý khu hành chính tập trung ký hợp đồng và thanh toán chi phí cho đơn
vị quản lý vận hành tài sản công.
Điều 36.
Sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc tại cơ quan nhà nước
1. Cơ quan nhà nước được giao
đất sử dụng ổn định lâu dài theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất
để xây dựng trụ sở làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, tiêu chuẩn,
định mức sử dụng tài sản công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Quyền và nghĩa vụ của cơ
quan nhà nước được giao đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Trước
khi quyết định giao, thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc, cơ quan nhà nước
có thẩm quyền giao, thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai phải
lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính đối với trụ sở làm việc của
cơ quan nhà nước thuộc trung ương hoặc của Sở Tài chính đối với trụ
sở làm việc của cơ quan nhà nước thuộc địa phương về sự phù hợp của
phương án giao, thu hồi với chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tiêu chuẩn, định mức
sử dụng tài sản công.
Điều 37.
Lập, quản lý hồ sơ về tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Cơ quan nhà nước được giao
quản lý, sử dụng tài sản công và cơ quan, đơn vị được giao quản lý khu hành
chính tập trung có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ đối với tài sản
được giao quản lý.
2. Hồ sơ về tài sản công bao gồm:
a) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động
tài sản;
b) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và các báo
cáo khác về tài sản;
c) Dữ liệu về tài sản tại cơ quan nhà nước trong
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Điều 38.
Thống kê, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại, báo cáo tài sản công tại cơ quan nhà
nước
1. Tài sản công phải được thống
kê, kế toán kịp thời, đầy đủ về hiện vật, giá trị theo quy định của pháp luật về
thống kê, pháp luật về kế toán và pháp luật có liên quan.
2. Tài sản công là tài sản cố
định phải được tính hao mòn theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan nhà nước được
giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế
toán năm và kiểm kê theo quyết định kiểm kê, đánh giá lại tài sản công của Thủ
tướng Chính phủ, xác định tài sản thừa, thiếu và nguyên nhân để xử lý theo quy
định của pháp luật; thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Việc đánh giá lại giá trị
tài sản công được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Kiểm kê, đánh giá lại tài sản
công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Nâng cấp, mở rộng tài sản theo
dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giao, kiểm kê, điều chuyển
tài sản mà tài sản đó chưa được hạch toán trên sổ kế toán;
d) Bán, thanh lý tài sản;
đ) Tài sản bị hư hỏng nghiêm
trọng do thiên tai, hoả hoạn hoặc nguyên nhân khác;
e) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
5. Việc đánh giá lại giá trị
tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về kế toán và
pháp luật có liên quan.
Điều 39.
Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Cơ quan nhà nước được giao
quản lý, sử dụng tài sản công hoặc cơ quan, đơn vị quản lý vận hành tài sản
công có trách nhiệm thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo
đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, người có thẩm
quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành.
2. Nhà nước bảo đảm kinh phí bảo
dưỡng, sửa chữa tài sản công tại cơ quan nhà nước theo chế độ, tiêu chuẩn, định
mức kinh tế - kỹ thuật.
3. Thẩm quyền ban hành chế độ,
tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công:
a) Bộ quản lý ngành, lĩnh vực
quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa đối
với tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
b) Đối với tài sản công chưa
có chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại điểm a khoản
này, căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất và thực tế sử dụng tài
sản, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quy định hoặc phân cấp thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế
- kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa áp dụng đối với tài sản công tại các cơ quan thuộc
phạm vi quản lý.
Điều 40.
Hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Thu hồi.
2. Điều chuyển.
3. Bán.
4. Sử dụng tài sản công để
thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công
trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
5. Thanh lý.
6. Tiêu hủy.
7. Xử lý tài sản công trong
trường hợp bị mất, bị hủy hoại.
8. Hình thức khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 41.
Thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài
sản công bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Trụ sở làm việc không sử dụng
liên tục quá 12 tháng;
b) Được Nhà nước giao trụ sở
mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;
c) Tài sản được sử dụng
không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho
mượn;
d) Chuyển nhượng, bán, tặng
cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng
quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh,
liên kết không đúng quy định;
đ) Tài sản đã được giao, được
đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng,
khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ
máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
e) Phải thay thế do yêu cầu đổi
mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
g) Cơ
quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;
h) Trường
hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan nhà nước có tài
sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quy định tại
khoản 3 Điều này theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ,
thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi.
3. Cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3
Điều 19 của Luật này có trách nhiệm:
a) Tổ chức tiếp nhận tài sản
thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện hoặc
ủy quyền cho cơ quan nhà nước có tài sản thu hồi thực hiện việc bảo quản,
bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong thời gian chờ xử lý;
b) Lập phương án xử lý,
khai thác tài sản thu hồi trình cơ quan, người có thẩm quyền phê
duyệt; tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản theo phương án được cơ
quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tài sản
công bị thu hồi được xử lý theo các hình thức sau đây:
a) Giao cơ quan, tổ chức, đơn
vị quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật này;
b) Điều chuyển theo quy định tại
Điều 42 của Luật này;
c) Bán, thanh lý theo quy định
tại Điều 43 và Điều 45 của Luật này;
d) Tiêu hủy theo quy định tại Điều 46 của Luật này;
đ) Hình thức xử lý khác theo
quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 42.
Điều chuyển tài sản công
1. Tài sản công được điều
chuyển trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có sự thay đổi về cơ
quan quản lý, cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý;
b) Từ nơi thừa sang nơi thiếu
theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công do cơ quan, người có thẩm quyền
quy định;
c) Việc điều chuyển tài sản
mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn;
d) Cơ quan nhà nước được giao
quản lý, sử dụng tài sản nhưng không có nhu cầu sử dụng thường xuyên;
đ) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
2. Việc điều chuyển tài sản
công chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân
dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính
trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
3. Cơ quan nhà nước có tài sản
điều chuyển chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiếp nhận tài sản
thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận tài sản. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp
nhận tài sản có trách nhiệm thanh toán các chi phí hợp lý có liên quan đến việc
bàn giao, tiếp nhận tài sản. Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản
trong trường hợp điều chuyển tài sản công.
Điều 43.
Bán tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài sản công được bán trong
các trường hợp sau đây:
a) Tài
sản công bị thu hồi được xử lý theo hình thức bán quy định tại Điều 41 của Luật này;
b) Cơ
quan nhà nước được giao sử dụng tài sản công không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm
nhu cầu sử dụng do thay đổi về tổ chức hoặc thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và
nguyên nhân khác mà không xử lý theo hình thức thu hồi hoặc điều chuyển;
c) Thực hiện sắp xếp lại việc
quản lý, sử dụng tài sản công;
d) Tài sản công được thanh lý
theo hình thức bán quy định tại Điều 45 của Luật này.
2. Việc
bán tài sản công được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp bán
các loại tài sản công có giá trị nhỏ theo hình thức niêm yết giá công
khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ.
3. Cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3
Điều 19 của Luật này hoặc cơ quan nhà nước có tài sản bán có trách
nhiệm tổ chức bán tài sản theo quy định của pháp luật.
Điều 44.
Sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án
đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển
giao
1. Nhà nước cho phép sử dụng
tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng
công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại pháp
luật về đầu tư.
2. Việc sử
dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng
công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thực hiện theo
nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại
thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật.
3. Giá trị dự án đầu tư xây dựng
công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được xác định theo
quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên
quan.
4. Việc lựa chọn nhà đầu tư để
thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng -
chuyển giao được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Giá trị tài sản công được sử
dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây
dựng - chuyển giao được tổng hợp vào ngân sách nhà nước theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước.
6. Việc sử dụng quyền sử dụng
đất và tài sản gắn liền với đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự
án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao
phải thực hiện quy định tại Điều này và Điều 117 của Luật này.
Điều 45.
Thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài sản công được thanh lý
trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản công hết hạn sử dụng
theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản công chưa hết hạn sử
dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu
quả;
c) Nhà làm việc hoặc tài sản khác
gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tài sản công được thanh
lý theo các hình thức sau đây:
a) Phá
dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ tài sản được xử lý
bán;
b) Bán.
3. Căn cứ quyết định của cơ
quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý có trách nhiệm
tổ chức thanh lý theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này. Việc thanh
lý theo hình thức bán thực hiện theo quy định tại Điều 43 của
Luật này.
Điều 46.
Tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Tài sản công bị tiêu hủy
theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, pháp luật
về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
2. Hình thức tiêu hủy tài sản
công bao gồm:
a) Sử dụng hóa chất;
b) Sử dụng biện pháp cơ học;
c) Hủy đốt, hủy chôn;
d) Hình thức khác theo quy định
của pháp luật.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan nhà nước có
tài sản hoặc cơ quan, đơn vị khác thuộc phạm vi quản lý có chức năng tiêu hủy
thực hiện việc tiêu hủy tài sản công theo các hình thức quy định tại
khoản 2 Điều này và pháp luật có liên quan.
Điều 47.
Xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại
1. Trường hợp tài sản công bị
mất, bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn hoặc nguyên nhân khác, cơ quan nhà nước
được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm:
a) Báo cáo cơ quan, người
có thẩm quyền về việc tài sản bị mất, bị hủy hoại và trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Thực hiện ghi giảm tài sản
và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quyết
định của cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Trường hợp tài sản bị mất,
bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân có liên
quan bồi thường thiệt hại thì việc giao tài sản được bồi thường bằng
hiện vật hoặc sử dụng số tiền bồi thường để đầu tư xây dựng, mua sắm
tài sản thay thế được thực hiện theo quy định tại các điều 28, 29, 30
và 31 của Luật này.
Điều 48.
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước
1. Số tiền thu được từ xử lý
tài sản công được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ
đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào
ngân sách nhà nước.
2. Chi phí có liên quan đến xử
lý tài sản công phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt. Chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công bao gồm:
a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ;
b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy
bỏ, tiêu hủy;
c) Chi phí định giá và thẩm định
giá tài sản;
d) Chi phí tổ chức bán đấu
giá;
đ) Chi phí hợp lý khác có liên
quan.
3. Trường hợp cơ quan nhà nước
được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công để mua sắm tài sản
thay thế thì được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước.
Trường hợp cơ quan nhà nước được
cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công là trụ sở làm việc và có
dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc thì được ưu
tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân
sách nhà nước.
Điều 49.
Quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài
1. Việc quản lý, sử dụng tài
sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải phù hợp với tiêu chuẩn, định
mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền của Việt Nam ban hành theo quy định
tại Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản
công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được áp dụng theo thứ tự như sau:
a) Điều ước quốc tế mà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước sở tại là thành viên;
b) Pháp luật của nước sở tại;
c) Pháp luật của Việt Nam.
3. Chính phủ quy định chi
tiết chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
Mục 4. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Điều 50.
Hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Nguồn hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
a) Tài sản công bằng hiện
vật do Nhà nước giao theo quy định áp dụng đối với
cơ quan nhà nước tại Điều 29 của Luật này;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng,
mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao
tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản được hình thành từ
nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân
theo quy định của pháp luật.
2. Việc hình thành tài
sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại
khoản 2 Điều 28 của Luật này.
3. Đối với việc hình thành
tài sản công quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, ngoài việc tuân thủ nguyên
tắc quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này còn phải thực
hiện các quy định sau đây:
a) Có đề án liên doanh, liên kết,
phương án vay vốn, huy động vốn và hoàn trả vốn được cơ quan, người có thẩm quyền
phê duyệt;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập tự
chịu trách nhiệm trả nợ và các chi phí khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước
pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết.
Điều 51.
Đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp
1. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp,
kể cả trong trường hợp sử dụng vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết,
được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Chưa có cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở
hoạt động sự nghiệp hiện có còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định
mức;
b) Nhà nước không có tài sản để giao và không
thuộc trường hợp thuê cơ sở hoạt động sự nghiệp.
2. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp
được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng
và pháp luật có liên quan.
3. Không bố trí vốn đầu tư công, ngân sách nhà
nước để đầu tư xây dựng mới tài sản chỉ sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho
thuê, liên doanh, liên kết.
4. Việc đầu
tư xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công tư được thực
hiện theo quy định áp dụng đối với đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan
nhà nước tại khoản 5 Điều 30 của
Luật này.
Điều 52. Mua sắm tài sản
công phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc mua sắm cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài
sản công khác được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Chưa có tài sản hoặc còn thiếu tài sản
so với tiêu chuẩn, định mức;
b) Nhà nước không có tài sản để giao và không
thuộc trường hợp thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản.
2. Không bố trí ngân sách nhà nước để mua sắm
tài sản công chỉ sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
3. Phương thức mua sắm
tài sản công, hình thức lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản phục vụ hoạt động của
đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại các khoản
2, 3 và 4 Điều 31 của Luật này.
Điều 53. Thuê tài sản,
khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
Việc thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản
công tại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này.
Điều 54. Sử dụng, quản lý vận
hành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc sử dụng tài sản
công phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 6 của Luật này.
2. Không được cho mượn, sử dụng
tài sản công vào mục đích cá nhân.
3. Việc sử dụng tài sản công
vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy
định tại các điều 55, 56, 57 và 58 của Luật này và quy định
của pháp luật có liên quan.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập được
sử dụng nhà ở công vụ, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng,
cơ sở dữ liệu và tài sản công khác để khai thác theo quy định của Luật này và
pháp luật có liên quan; việc quản lý, sử dụng số tiền thu được thực hiện theo
quy định của pháp luật.
5. Đơn vị
sự nghiệp công lập không được sử dụng tài sản công để thế chấp hoặc thực hiện
biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản công do Nhà nước
giao;
b) Tài sản công được đầu tư
xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước;
c) Quyền sử dụng đất, trừ trường
hợp quyền sử dụng đất được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết mà tiền thuê đất đã trả một lần cho cả thời gian thuê không có
nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sau khi được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
trung ương cho phép đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép đối với đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc địa phương quản lý.
6. Việc
quản lý vận hành, lập, quản lý hồ sơ về tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công
lập được thực hiện theo quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước tại Điều 35 và Điều 37 của Luật này.
Điều 55.
Quy định chung về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục
đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
1. Đơn vị sự nghiệp công lập
được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều
57 và khoản 1 Điều 58 của Luật này.
2. Việc
sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải
bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Được cơ quan, người có thẩm
quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2
Điều 58 của Luật này cho phép;
b) Không làm ảnh hưởng đến việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;
c) Không làm mất quyền sở hữu
về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;
d) Sử dụng tài sản đúng mục
đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ của đơn vị;
đ) Phát huy công suất và hiệu
quả sử dụng tài sản;
e) Tính đủ khấu hao tài
sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các
nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
g) Nhà nước không cấp kinh phí
bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh
doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn
thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa
chữa tài sản công theo quy định;
h) Thực
hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên
quan.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập sử
dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết có
trách nhiệm:
a) Lập đề án sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ
quan, người có thẩm quyền quyết định;
b) Tổ chức thực hiện đề án đã
được phê duyệt;
c) Cập nhật thông tin về việc
sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
d) Thực hiện đầy đủ các yêu cầu
quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3
Điều 19 của Luật này có trách nhiệm:
a) Thẩm định để trình cơ quan,
người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều
57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này quyết định hoặc có ý kiến về đề án sử dụng
tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng
dẫn của Bộ Tài chính;
b) Tiếp nhận, quản lý và công
khai thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê,
liên doanh, liên kết.
5. Số tiền
thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được hạch
toán riêng và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán và được quản
lý, sử dụng như sau:
a) Chi trả các chi phí có liên
quan;
b) Trả nợ vốn vay, vốn huy
động (nếu có);
c) Thực hiện nghĩa vụ tài
chính với Nhà nước;
d) Phần còn lại được quản lý,
sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Điều 56.
Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh
1. Đơn vị sự nghiệp công lập
được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu
tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng
chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng,
mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt
động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
2. Thẩm
quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh được quy định như
sau:
a) Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định phê duyệt đề án đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác
có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ;
b) Hội đồng quản lý hoặc người
đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án đối với tài sản không thuộc
phạm vi quy định tại điểm a khoản này.
Điều 57.
Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê
1. Đơn vị sự nghiệp công lập
được cho thuê tài sản công trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu
tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng
chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng,
mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà
không do ngân sách nhà nước đầu tư.
2. Thẩm quyền phê duyệt đề án
cho thuê tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối
với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy
định của Chính phủ;
b) Hội đồng quản lý hoặc người
đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản
không thuộc quy định tại điểm a khoản này.
3. Phương thức và giá cho thuê
tài sản được quy định như sau:
a) Đối với tài sản là cơ sở hoạt
động sự nghiệp và tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ thực
hiện theo phương thức đấu giá; giá cho thuê là giá trúng đấu giá;
b) Đối với tài sản không thuộc
phạm vi quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo phương thức thoả thuận;
giá cho thuê tài sản do người cho thuê và người đi thuê tài sản thoả thuận theo
giá thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn
kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.
Điều 58.
Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh,
liên kết
1. Đơn vị sự nghiệp công lập
được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước
và ngoài nước trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản được giao, được đầu
tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng
chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng,
mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt
động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư;
c) Việc sử dụng tài sản để
liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích liên doanh, liên kết sau khi
có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê
duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý
của địa phương vào mục đích liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến của Thường
trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
3. Trường hợp tài sản được
tính thành vốn góp khi liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật, việc
xác định giá trị tài sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Đối với tài sản là quyền sử
dụng đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai, giá trị
quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường tại thời điểm góp vốn liên
doanh, liên kết;
b) Đối với tài sản gắn liền với
đất đủ điều kiện góp vốn theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có
liên quan, giá trị tài sản được xác định phù hợp với giá trị thực tế còn lại
theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm góp vốn liên doanh, liên kết;
c) Đối với tài sản là thương
hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn
liên doanh, liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam,
pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan;
d) Đối với tài sản không thuộc
quy định tại các điểm a, b và c khoản này, giá trị tài sản được xác định phù hợp
với giá thị trường tại thời điểm liên doanh, liên kết của tài sản cùng loại hoặc
tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.
Điều 59.
Thống kê, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại, báo cáo tài sản công tại đơn vị sự
nghiệp công lập
1. Tài sản công tại đơn vị sự
nghiệp công lập phải được thống kê, kế toán kịp thời, đầy đủ theo quy định của
pháp luật về kế toán, pháp luật về thống kê và pháp luật có liên quan.
2. Việc đánh giá lại
giá trị tài sản công được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Kiểm kê, đánh giá lại tài sản
công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Nâng cấp, mở rộng tài sản
theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giao, kiểm kê, điều chuyển
tài sản mà tài sản đó chưa được hạch toán trên sổ kế toán;
d) Bán, thanh lý tài sản công;
đ) Tài sản bị hư hỏng nghiêm
trọng do thiên tai, hoả hoạn hoặc nguyên nhân khác;
e) Sử dụng tài sản để liên
doanh, liên kết, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự;
g) Xử lý tài sản công khi chuyển
đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;
h) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
3. Việc đánh giá lại giá trị
tài sản công được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về kế toán và
pháp luật có liên quan.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập
được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm kiểm kê tài sản vào cuối
kỳ kế toán năm và kiểm kê theo quyết định kiểm kê, đánh giá lại tài sản công của
Thủ tướng Chính phủ, xác định tài sản thừa, thiếu và nguyên nhân để xử lý theo
quy định của pháp luật; thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản
công.
Điều 60.
Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Việc bảo dưỡng, sửa chữa
tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 39 của Luật này.
2. Kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa
tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập do đơn vị tự bảo đảm bằng nguồn kinh
phí được phép sử dụng; đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh
doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 55 của Luật này.
Điều 61.
Khấu hao và hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Tài sản cố định tại đơn vị
sự nghiệp công lập được tính hao mòn. Các tài sản cố định sau đây tại đơn vị sự
nghiệp công lập phải trích khấu hao:
a) Tài sản cố định tại đơn vị
sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
b) Tài sản cố định tại đơn vị
sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định
vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản cố
định của đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và
điểm b khoản này được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh,
liên kết theo quy định của pháp luật.
2. Chi phí khấu hao tài sản cố
định phải được phân bổ cho từng hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, cho
thuê, liên doanh, liên kết để hạch toán chi phí của từng hoạt động tương ứng.
3. Số tiền trích khấu hao tài
sản cố định được bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp
công lập. Trường hợp tài sản cố định được đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn vay, vốn
huy động thì số tiền trích khấu hao tài sản cố định được dùng để trả nợ; số còn
lại bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Điều 62.
Xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
1. Hình thức xử lý tài sản
công tại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
a) Hình thức xử lý quy định tại
Điều 40 của Luật này;
b) Xử lý tài sản công trong
trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Việc xử lý tài sản công
tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hình thức quy định tại Điều
40 của Luật này được thực hiện theo quy định tại các điều
41, 42, 43, 44, 45, 46 và 47 của Luật này.
Việc xử lý tài sản công trong
trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được thực
hiện theo quy định tại Điều 63 của Luật này.
3. Số tiền
thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, trả nợ
vốn vay, vốn huy động (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước,
phần còn lại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để bổ sung quỹ
phát triển hoạt động sự nghiệp; trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập do
Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì nộp vào ngân sách nhà nước.
Số tiền thu được từ chuyển nhượng
quyền sử dụng đất, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, được xử lý như sau:
a) Nộp ngân sách nhà nước theo
quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công
lập có dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp cơ sở hoạt động sự
nghiệp thì được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự
toán chi ngân sách nhà nước;
b) Bổ sung quỹ phát triển hoạt
động sự nghiệp trong trường hợp quyền sử dụng đất có nguồn gốc nhận chuyển
nhượng hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà
số tiền đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Điều 63.
Xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự
nghiệp công lập
1. Khi có quyết định của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp
công lập thành doanh nghiệp, việc xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công
lập được thực hiện như sau:
a) Tổ chức kiểm kê, phân loại
tài sản đang quản lý, sử dụng;
b) Xử lý đối với tài sản
thừa, thiếu, tài sản không có nhu cầu sử dụng, tài sản chờ thanh lý theo chế
độ quy định;
c) Xác định giá trị tài
sản để tính vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển đổi;
d) Quyết định giao tài sản
công của đơn vị sự nghiệp công lập cho doanh nghiệp sau khi chuyển đổi;
đ) Bàn giao tài sản cho doanh
nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Sau khi nhận bàn giao,
doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập phải hoàn thành hồ sơ
về tài sản, đất đai và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chuyển quyền
quản lý, sử dụng tài sản từ đơn vị sự nghiệp công lập sang doanh nghiệp; thực
hiện thủ tục hành chính và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về đất
đai và pháp luật có liên quan.
2. Chính phủ quy định chi
tiết Điều này.
Mục 5. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI ĐƠN VỊ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
Điều 64.
Tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân
Tài sản công tại đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân là tài sản Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ khác do
Nhà nước giao, bao gồm:
1. Tài sản đặc biệt:
a) Vũ khí, khí tài, vật liệu nổ,
công cụ hỗ trợ đặc biệt; phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ;
b) Đất và công trình gắn liền
với đất, bao gồm: công trình chiến đấu, công trình phòng thủ chiến lược; công
trình nghiệp vụ an ninh; công trình nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, thử
nghiệm vũ khí, khí tài quan trọng và công cụ hỗ trợ đặc biệt.
2. Tài sản
chuyên dùng:
a) Đất, nhà và tài sản khác gắn
liền với đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân, kho tàng, học viện, trường đào
tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam
giữ của lực lượng vũ trang nhân dân;
b) Phương tiện vận tải chuyên
dùng quốc phòng, an ninh;
c) Công cụ hỗ trợ khác ngoài
công cụ hỗ trợ đặc biệt; tài sản khác có cấu tạo đặc biệt phục vụ công tác, chiến
đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Tài sản
phục vụ công tác quản lý là tài sản sử dụng trong công tác, huấn luyện, nghiệp
vụ, học tập của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân:
a) Đất, nhà và tài sản khác gắn
liền với đất thuộc nhà trường, trừ học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc
phòng, an ninh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà an dưỡng, nhà điều dưỡng; nhà
khách, nhà công vụ; nhà thi đấu, nhà tập luyện thể dục, thể thao và cơ sở khác
không thuộc khuôn viên doanh trại, trụ sở đóng quân của lực lượng vũ trang nhân
dân;
b) Xe ô tô chỉ huy, xe ô tô phục
vụ công tác chung, các loại phương tiện vận tải khác;
c) Máy móc, thiết bị;
d) Tài sản khác.
Điều 65.
Quản lý, sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ
trưởng Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành danh mục cụ thể tài sản đặc biệt, tiêu chuẩn, định mức sử dụng
tài sản đặc biệt;
b) Ban hành danh mục cụ thể
tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Ban hành quy chế xây dựng
công trình chiến đấu, công trình phòng thủ chiến lược, công trình nghiệp vụ an
ninh, công trình nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí,
khí tài quan trọng và công cụ hỗ trợ đặc biệt;
d) Quy định hệ thống sổ và mẫu
biểu theo dõi tài sản đặc biệt;
đ) Trình Thủ tướng Chính phủ
quyết định phương thức mua sắm, hình thức bán tài sản đặc biệt.
2. Việc hình thành, quản lý,
sử dụng, xử lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng được thực hiện
theo quy định sau đây:
a) Việc hình thành, sử dụng
tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng phải phù hợp với biên chế tài
sản, bảo đảm an toàn, bí mật;
b) Việc đầu tư xây dựng công
trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ, an ninh phải bảo đảm bí mật nhà nước; thực
hiện giám sát an ninh theo quy định;
c) Hồ sơ và báo cáo về
tài sản đặc biệt được quản lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật về bảo vệ
bí mật nhà nước;
d) Không được sử dụng tài sản
đặc biệt, tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh,
liên kết và hình thức kinh doanh khác;
đ) Việc xử lý tài sản
đặc biệt, tài sản chuyên dùng chỉ được thực hiện sau khi tài sản đó
được loại ra khỏi biên chế tài sản; phế liệu thu hồi từ việc thanh lý tài sản
là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt được thực hiện theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
e) Thủ tướng Chính phủ quyết định
điều chuyển tài sản đặc biệt, trừ trường hợp điều chuyển giữa các đơn vị thuộc
phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
g) Trước khi sử dụng tài sản
đặc biệt, tài sản chuyên dùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an
quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đưa tài sản công vào biên chế
tài sản; khi không còn sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định
thực hiện loại khỏi biên chế tài sản.
3. Các nội dung về hình thành,
quản lý, sử dụng, xử lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân không được quy định tại khoản 2 Điều này được áp dụng
quy định có liên quan tại Mục 3 Chương này; đối với đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì được áp dụng quy định có liên quan tại Mục
4 Chương này.
4. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Điều 66.
Quản lý, sử dụng tài sản phục vụ công tác quản lý tại đơn vị lực lượng
vũ trang nhân dân
1. Việc hình thành, quản lý,
sử dụng, xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý tại đơn vị lực lượng
vũ trang nhân dân được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này; việc
hình thành, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản phục vụ công tác quản lý
tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được
thực hiện theo quy định tại Mục 4 Chương này.
2. Trước khi sử dụng tài sản
phục vụ công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an
quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đưa vào biên chế tài sản; khi
không còn sử dụng tài sản phục vụ công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định loại
khỏi biên chế tài sản.
Mục 6. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC TỔ CHỨC
Điều 67.
Quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam bao gồm:
a) Tài sản được Nhà nước giao
bằng hiện vật và tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước;
b) Tài sản đã có quyết định của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu; tài sản được hình thành
từ đảng phí và nguồn thu khác của Đảng.
2. Việc quản lý, sử dụng tài sản
tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại
Luật này và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Điều 68.
Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội
1. Nhà nước giao tài sản bằng
hiện vật, giao ngân sách nhà nước để tổ chức chính trị - xã hội đầu tư xây dựng,
mua sắm, thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản phù hợp với chức
năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Việc hình thành, quản
lý, sử dụng, xử lý tài sản công quy định tại khoản 1 Điều này thực
hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này; đối với tài sản công tại đơn
vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo
quy định tại Mục 4 Chương này.
Điều 69.
Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp
1. Tài sản là trụ sở làm việc,
cơ sở hoạt động sự nghiệp tại tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được Nhà
nước giao hoặc được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công.
Tài sản khác mà Nhà nước giao
cho tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp sử dụng thuộc sở hữu của tổ chức; việc
quản lý, sử dụng và xử lý tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp
luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức.
2. Tổ chức chính trị xã hội -
nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công theo quy định tại
Mục 3 Chương này; bảo vệ tài sản công theo quy định của pháp luật và thực hiện
việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công bằng kinh phí của tổ chức.
Tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Lập đề án sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ
quan, người có thẩm quyền quyết định;
b) Được cơ quan, người có thẩm
quyền theo phân cấp của Chính phủ phê duyệt đề án;
c) Sử dụng tài sản đúng mục
đích đầu tư xây dựng, mua sắm; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức
năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của tổ chức;
d) Không làm mất quyền sở hữu
tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;
đ) Phát huy công suất và hiệu
quả sử dụng tài sản;
e) Tính đủ và nộp toàn bộ số
tiền khấu hao tài sản cố định vào ngân sách nhà nước, thực hiện đầy đủ
nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước
theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện theo cơ chế thị
trường và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
3. Việc sử dụng tài sản công
vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định
áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Mục 4 Chương này.
Số tiền thu được từ việc sử dụng
tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được
hạch toán riêng và kế toán đầy đủ theo quy định của pháp luật về kế toán và được
quản lý, sử dụng như sau:
a) Chi trả các chi phí có liên
quan;
b) Trả nợ vốn vay, vốn huy
động (nếu có);
c) Thực hiện nghĩa vụ tài
chính với Nhà nước;
d) Phần còn lại được quản lý,
sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Điều 70.
Quản lý, sử dụng tài sản công tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội
1. Tổ chức xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội
tự bảo đảm tài sản để phục vụ hoạt động.
2. Tài sản là trụ sở làm việc,
cơ sở hoạt động sự nghiệp tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ
chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội đã được Nhà nước
giao hoặc đã được hình thành từ ngân sách nhà nước là tài sản công. Tổ chức xã
hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của
pháp luật về hội có trách nhiệm quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công theo quy định
tại Mục 3 Chương này; bảo vệ tài sản được giao theo quy định của pháp luật và
thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản bằng kinh phí của tổ chức.
Việc sử dụng tài sản công được
giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và quản lý, sử dụng
số tiền thu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3
Điều 69 của Luật này.
3. Việc quản lý, sử dụng
đối với tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được thực
hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của
tổ chức.
Mục 7. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN DỰ TRỮ NHÀ
NƯỚC
Điều 71. Tài sản công tại cơ quan dự trữ nhà nước
1. Tài sản
công phục vụ hoạt động của cơ quan dự trữ nhà nước bao gồm:
a) Tài sản
công phục vụ công tác quản lý của cơ quan dự trữ nhà nước;
b) Hệ thống
kho dự trữ quốc gia.
2. Hàng hóa,
vật tư thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Điều 72. Quản lý, sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động của cơ
quan dự trữ nhà nước
1. Việc quản
lý, sử dụng tài sản công phục vụ công tác quản lý của cơ quan dự trữ nhà nước
được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này.
2. Việc quản lý, sử dụng hệ thống
kho dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương này, pháp luật
về dự trữ quốc gia và quy định sau đây:
a) Cơ quan dự trữ nhà nước sử
dụng kho để bảo quản tài sản công đã có quyết định thu hồi hoặc đã có quyết định
xác lập quyền sở hữu toàn dân trong thời gian chờ xử lý theo nhiệm vụ do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền giao;
b) Cơ quan dự trữ nhà nước được
khai thác kho khi chưa sử dụng hết công suất. Việc khai thác kho phải bảo đảm
phù hợp với công năng, không làm ảnh hưởng tới bí mật, an toàn dự trữ quốc gia,
việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được cơ quan, người có
thẩm quyền cho phép.
Số tiền thu được từ việc khai
thác, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phần còn lại được nộp toàn bộ
vào ngân sách nhà nước.
3. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.
Điều 73. Quản lý, sử dụng hàng hóa, vật tư thuộc Danh mục hàng dự
trữ quốc gia
Việc quản lý,
sử dụng hàng hóa, vật tư thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được thực hiện
theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
Chương
IV
CHẾ ĐỘ QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG
Mục 1.
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG
Điều 74.
Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng
1. Việc quản lý, sử dụng tài sản
kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý được thực hiện theo quy định tại
Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Việc quản lý, sử dụng tài
sản kết cấu hạ tầng đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được
thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu
tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Điều 75.
Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng
1. Cơ quan nhà nước.
2. Đơn vị lực lượng vũ trang
nhân dân.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Doanh nghiệp.
5. Đối tượng khác theo quy định
của pháp luật có liên quan.
Điều 76. Quyền
và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng
1. Đối tượng được giao quản lý tài
sản kết cấu hạ tầng có các quyền sau đây:
a) Quyết định biện pháp bảo vệ,
khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý theo quy định tại Luật này
và pháp luật có liên quan;
b) Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp;
c) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định
của pháp luật;
d) Quyền khác theo quy định của
pháp luật.
2. Đối tượng được giao quản lý tài
sản kết cấu hạ tầng có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập, quản lý hồ sơ; hạch toán
tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán;
b) Thực hiện chế độ báo cáo và
công khai về tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật này;
c) Thực hiện biện pháp duy trì,
phát triển, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng theo chế độ quy định;
d) Thực hiện nghĩa vụ tài chính
trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật;
đ) Bàn giao lại tài sản kết cấu
hạ tầng khi Nhà nước có quyết định thu hồi;
e) Nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật.
3. Người đứng đầu cơ quan
nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập,
doanh nghiệp, đối tượng khác quy định tại Điều 75 của Luật này
có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng,
khai thác tài sản được Nhà nước giao quản lý;
b) Giám sát, kiểm tra việc quản
lý, sử dụng tài sản được giao quản lý;
c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc
trình cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản
lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng;
d) Chấp hành quy định của Luật này
và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm sử dụng tài sản đúng mục
đích, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật;
e) Quyền
và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 77.
Tài sản kết cấu hạ tầng giao cho đối tượng quản lý
1. Tài sản kết cấu hạ tầng
hiện có chưa giao cho đối tượng quản lý.
2. Tài sản kết cấu hạ tầng
được đầu tư xây dựng mới.
3. Tài sản kết cấu hạ tầng
bị thu hồi theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
4. Tài sản kết cấu hạ tầng được xác lập quyền sở
hữu toàn dân theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này.
5. Tài sản kết cấu hạ tầng
khác theo quy định của pháp luật.
Mục 2. HỒ SƠ, THỐNG KÊ, KẾ
TOÁN, KIỂM KÊ, ĐÁNH GIÁ LẠI, BÁO CÁO, BẢO TRÌ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG
Điều 78. Hồ sơ, thống kê, kế
toán, kiểm kê, đánh giá lại, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng
1. Hồ sơ về tài sản kết cấu hạ tầng bao gồm:
a) Hồ sơ liên quan đến việc hình thành, biến động
tài sản kết cấu hạ tầng;
b) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và báo cáo
khác về tài sản kết cấu hạ tầng;
c) Dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng trong Cơ sở
dữ liệu quốc gia về tài sản công.
2. Việc thống kê, kế toán, kiểm kê tài sản kết cấu
hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thống
kê và pháp luật có liên quan. Đối tượng được giao quản lý tài
sản kết cấu hạ tầng thực hiện báo cáo tình hình quản
lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật này.
3. Tài sản kết cấu hạ tầng là tài sản cố định được
tính hao mòn theo quy định của pháp luật.
4. Việc đánh giá lại giá trị
tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Kiểm kê, đánh giá lại tài sản
theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Nâng cấp, mở rộng tài sản
theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giao, kiểm kê, điều chuyển
mà tài sản chưa được hạch toán trên sổ kế toán;
d) Bán, thanh lý tài sản;
đ) Tài sản bị hư hỏng nghiêm
trọng do thiên tai, hoả hoạn hoặc nguyên nhân khác;
e) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
5. Việc đánh giá lại giá trị
tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về
kế toán và pháp luật có liên quan.
Điều 79. Bảo trì tài sản kết
cấu hạ tầng
1. Tài sản kết cấu hạ tầng phải được bảo trì
theo tiêu chuẩn, định mức và quy trình kỹ thuật bảo trì nhằm duy trì tình trạng
kỹ thuật của tài sản kết cấu hạ tầng, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn
khi sử dụng.
2. Các hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng
được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Định kỳ hằng năm, đối tượng được giao quản lý
tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm công bố công khai danh mục và kế hoạch bảo
trì tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý.
4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu và năng lực được
đăng ký tham gia thực hiện việc bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng. Việc lựa chọn
tổ chức, cá nhân để bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định
của pháp luật về đấu thầu, trừ trường hợp Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch
hoặc giao việc bảo trì cho nhà thầu thi công theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thu
phí, thuê quyền khai thác, nhận chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng
có trách nhiệm bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật và
theo hợp đồng ký kết.
6. Nguồn kinh phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng
bao gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Mục 3. KHAI THÁC TÀI
SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG
Điều 80. Phương thức khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng
1. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được
thực hiện theo các phương thức sau đây:
a) Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ
tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng;
b) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết
cấu hạ tầng;
c) Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng;
d) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài
sản kết cấu hạ tầng;
đ) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội, yêu cầu quản lý, khả năng khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và phương
thức quy định tại khoản 1 Điều này, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu
hạ tầng chủ động lập hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên lập đề án
khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Căn cứ đề án được cơ quan, người có thẩm quyền
phê duyệt, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tổ chức thực hiện
theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này.
4. Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo
phương thức quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải được lập
thành hợp đồng. Trường hợp căn cứ xác định giá trị hợp đồng có biến động lớn
theo quy định của Chính phủ thì các bên ký kết hợp đồng thực hiện điều chỉnh hợp
đồng.
Sau khi hết thời hạn khai thác theo hợp đồng, tổ
chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thu phí, thuê quyền khai thác, nhận chuyển
nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm bàn
giao lại tài sản cho đối tượng được giao quản lý, bảo đảm điều kiện kỹ thuật vận
hành tài sản bình thường phù hợp với yêu cầu của hợp đồng ký kết.
Điều 81.
Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác
tài sản
1. Đối tượng được giao quản lý
tài sản kết cấu hạ tầng được trực tiếp tổ chức khai thác tài sản trong các
trường hợp sau đây:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng có
liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định
theo đề nghị của cơ quan chủ quản quản lý tài sản kết cấu hạ tầng và cơ quan có
liên quan;
b) Áp dụng phương thức trực
tiếp tổ chức khai thác tài sản hiệu quả hơn hoặc không có tổ chức, cá nhân đăng
ký thực hiện phương thức quy định tại các điểm b, c, d và đ
khoản 1 Điều 80 của Luật này.
2. Đối tượng được giao quản
lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm cung cấp dịch vụ liên quan đến
tài sản kết cấu hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ kèm theo và tổ chức quản lý vận hành
tài sản kết cấu hạ tầng.
3. Nguồn thu từ khai thác tài
sản kết cấu hạ tầng bao gồm: phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và
lệ phí; tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và khoản thu
khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Điều 82.
Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng
1. Chuyển nhượng quyền thu phí
sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng
tài sản kết cấu hạ tầng cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất
định theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển
nhượng có quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và khoản thu khác liên
quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Việc chuyển nhượng quyền
thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ
tầng được thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí và không thuộc
tài sản kết cấu hạ tầng hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quy định tại khoản 2 Điều 84 của
Luật này.
3. Việc chuyển nhượng quyền
thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp
luật về đấu giá tài sản.
4. Thời hạn chuyển nhượng quyền
thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cụ thể cho từng hợp đồng.
Điều 83.
Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
1. Cho thuê quyền khai thác
tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao có thời hạn quyền khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng để nhận một khoản
tiền tương ứng.
Tổ chức, cá nhân thuê quyền
khai thác được thu tiền theo giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và khoản
thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Việc cho thuê quyền khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng đối với tài sản hiện có và không thuộc
tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 82 và khoản 2 Điều 84 của
Luật này.
3. Việc cho thuê quyền khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu
giá tài sản.
4. Thời hạn cho thuê quyền
khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cụ thể cho từng hợp đồng.
Điều 84.
Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
1. Chuyển nhượng có thời hạn
quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước chuyển giao trong một
thời gian nhất định quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng gắn với việc đầu tư
nâng cấp, mở rộng tài sản theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển
nhượng có trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng tài sản theo dự án được cơ quan,
người có thẩm quyền phê duyệt; được thu phí, giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu
hạ tầng và khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của
pháp luật.
2. Việc chuyển nhượng có thời
hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ
tầng hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng
cấp, mở rộng.
3. Việc chuyển nhượng có thời
hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của
pháp luật về đấu giá tài sản.
4. Thời hạn chuyển nhượng quyền
khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được xác định cụ thể cho từng hợp đồng.
Điều 85.
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
1. Số tiền thu được từ khai
thác tài sản kết cấu hạ tầng là phí, lệ phí được quản lý, sử dụng theo quy định
của pháp luật về phí và lệ phí.
2. Số tiền
thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng không thuộc quy định tại khoản 1
Điều này được quản lý, sử dụng như sau:
a) Trường hợp đối tượng được
giao quản lý tài sản là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, số
tiền thu được từ việc khai thác tài sản được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho
bạc Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc khai thác tài sản,
phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước;
b) Trường hợp đối tượng được
giao quản lý tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập, số tiền thu được từ việc
khai thác tài sản theo phương thức quy định tại Điều 81 của Luật
này được quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 55
của Luật này; số tiền thu được từ việc khai thác tài sản theo phương thức
quy định tại các điều 82, 83 và 84 của Luật này được quản
lý, sử dụng theo quy định tại điểm a khoản này;
c) Trường hợp đối tượng được
giao quản lý tài sản là doanh nghiệp, số tiền thu được từ việc khai thác tài sản
được quản lý, sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 99
của Luật này.
3. Nguồn thu từ khai thác tài
sản kết cấu hạ tầng, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí vốn
trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước để
đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Điều 86.
Sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng
1. Hình thức sử dụng đất, chế
độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất gắn
với kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Khi cơ
quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng
đất, chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng gắn liền với đất theo
quy định của pháp luật phải có ý kiến bằng văn bản về các nội dung thuộc phạm
vi quản lý của cơ quan chủ quản quản lý tài sản kết cấu hạ tầng, cơ quan tài
chính cùng cấp và cơ quan khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Mục 4.
XỬ LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG
Điều 87.
Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng
1. Thu hồi.
2. Điều chuyển.
3. Bán.
4. Sử dụng tài sản kết cấu hạ
tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng
công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
5. Thanh lý.
6. Xử lý trong trường hợp bị mất,
bị hủy hoại.
7. Hình thức khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 88.
Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng
1. Tài sản kết cấu hạ tầng bị
thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có sự thay đổi về quy
hoạch, phân cấp quản lý;
b) Tài sản được giao không
đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích; cho mượn tài sản;
c) Bán, cho thuê, tặng cho, thế
chấp, góp vốn, liên doanh, liên kết không đúng quy định;
d) Tài sản đã được giao nhưng
không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả;
đ) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
2. Cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3
Điều 19 của Luật này có trách nhiệm:
a) Tổ chức tiếp nhận tài sản
thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; thực hiện hoặc
ủy quyền cho đối tượng có tài sản thu hồi thực hiện việc bảo quản, bảo vệ,
bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong thời gian chờ xử lý;
b) Lập phương án xử lý,
khai thác tài sản thu hồi trình cơ quan, người có thẩm quyền phê
duyệt; tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản theo phương án được cơ
quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tài sản kết cấu hạ tầng bị
thu hồi được xử lý theo các hình thức sau đây:
a) Giao đối tượng quản lý quy
định tại Điều 75 của Luật này;
b) Điều chuyển theo quy định tại
Điều 89 của Luật này;
c) Bán theo quy định tại Điều 90 của Luật này.
4. Trường hợp tài sản kết cấu
hạ tầng bị thu hồi đang giao cho tổ chức, cá nhân khai thác theo hình thức quy
định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 80 của Luật này
thì việc giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên có liên quan thực hiện theo quy
định của hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 89.
Điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng
1. Việc điều chuyển tài sản kết
cấu hạ tầng được thực hiện giữa các đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu
hạ tầng trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có sự thay đổi về cơ
quan quản lý, phân cấp quản lý;
b) Tài sản đã được giao nhưng
không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả;
c) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
2. Đối tượng có tài sản điều
chuyển chủ trì, phối hợp với đối tượng được tiếp nhận tài sản thực hiện việc
bàn giao, tiếp nhận tài sản. Đối tượng được tiếp nhận tài sản có trách nhiệm
thanh toán các chi phí hợp lý có liên quan đến việc bàn giao, tiếp nhận tài sản
theo quy định. Không thực hiện thanh toán giá trị tài sản trong trường hợp
điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng.
Điều 90.
Bán tài sản kết cấu hạ tầng
1. Tài sản kết cấu hạ tầng được
bán trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản bị thu hồi theo
quy định tại Điều 88 của Luật này;
b) Chuyển mục đích sử dụng đất
gắn với chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng theo quy hoạch được
cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
c) Trường hợp khác theo quy định
của pháp luật.
2. Việc bán tài sản kết cấu hạ
tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
3. Cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3
Điều 19 của Luật này hoặc đối tượng có tài sản bán có trách nhiệm tổ
chức bán tài sản theo quy định của pháp luật.
Điều 91.
Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện
dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển
giao
Việc sử dụng tài sản kết cấu hạ
tầng để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công
trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được thực hiện theo quy
định tại Điều 44 của Luật này.
Điều 92.
Thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng
1. Tài sản kết cấu hạ tầng được
thanh lý trong các trường hợp sau đây:
a) Tài sản kết cấu hạ tầng bị
hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả;
b) Phá dỡ tài sản kết cấu hạ tầng
cũ để đầu tư xây dựng tài sản kết cấu hạ tầng mới theo dự án được cơ quan, người
có thẩm quyền phê duyệt;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm
quyền điều chỉnh quy hoạch làm cho một phần hoặc toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng
không sử dụng được theo công năng của tài sản;
d) Trường hợp khác theo quy
định của pháp luật.
2. Tài sản kết cấu hạ tầng được
thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ. Vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy
bỏ tài sản được xử lý như sau:
a) Giao đối tượng có tài sản
thanh lý để tiếp tục quản lý, sử dụng;
b) Điều chuyển;
c) Bán.
3. Căn cứ quyết định của cơ quan,
người có thẩm quyền, đối tượng có tài sản thanh lý có trách nhiệm:
a) Tổ chức phá dỡ, hủy bỏ tài
sản theo quy định của pháp luật;
b) Lập phương án, báo cáo cơ
quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý vật liệu, vật tư thu hồi theo hình
thức quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Tổ chức bàn giao, bán vật
liệu, vật tư thu hồi theo quy định tại Điều 89 và Điều 90 của
Luật này.
Điều 93.
Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại
1. Trường hợp tài sản kết cấu
hạ tầng bị mất, bị hủy hoại do thiên tai, hỏa hoạn hoặc nguyên nhân khác, đối
tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm:
a) Báo cáo cơ quan, người
có thẩm quyền về việc tài sản bị mất, bị hủy hoại và trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Thực hiện ghi giảm tài sản
và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quyết
định của cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Trường hợp tài sản kết cấu
hạ tầng bị mất, bị hủy hoại được doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá
nhân có liên quan bồi thường thiệt hại thì việc sử dụng số tiền bồi
thường để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thay thế được thực hiện theo
quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Điều 94.
Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng
1. Số tiền thu được từ việc xử
lý tài sản kết cấu hạ tầng được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước,
sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, phần còn lại được
nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
2. Chi phí có liên quan đến việc
xử lý tài sản kết cấu hạ tầng phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền phê duyệt. Chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản bao gồm:
a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ;
b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy
bỏ;
c) Chi phí định giá và thẩm định
giá;
d) Chi phí tổ chức bán;
đ) Chi phí hợp lý khác có liên
quan.
Mục 5.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC
CÔNG TƯ
Điều 95. Đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
theo hình thức đối tác công tư
1. Việc đầu tư xây dựng
tài sản kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp
luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên
quan. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia
đầu tư xây dựng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
2. Trường
hợp sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để
tham gia dự án thì phải được cơ quan, người có thẩm
quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
3. Đối tượng đang được giao quản
lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm theo dõi, báo cáo phần tài sản kết cấu
hạ tầng được sử dụng để tham gia dự án trong quá trình giao cho nhà đầu tư thực
hiện dự án.
4. Nhà đầu tư được quản
lý, sử dụng, khai thác phần tài sản thuộc về nhà đầu
tư trong thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng để thu hồi vốn. Nhà đầu tư có trách nhiệm bảo trì tài sản trong thời hạn hợp đồng dự
án để duy trì hoạt động bình thường của tài sản kết cấu hạ tầng. Trường hợp căn
cứ xác định giá trị hợp đồng có biến động lớn theo quy định của Chính phủ
thì các bên ký kết hợp đồng thực hiện điều chỉnh hợp đồng.
5. Tài sản kết cấu hạ tầng được
đầu tư theo hình thức đối tác công tư phải được kiểm toán ngay khi kết thúc đầu
tư đưa vào khai thác và định kỳ kiểm tra trong quá trình đầu tư, khai thác.
Điều 96.
Chuyển giao tài sản được hình thành thông qua quá trình thực hiện dự án theo
hình thức đối tác công tư cho Nhà nước
1. Nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển giao quyền sở
hữu, quyền sử dụng, quyền khai
thác phần tài sản được hình thành thông qua quá trình thực hiện
dự án cho Nhà nước theo hợp đồng dự án, bảo đảm
điều kiện kỹ thuật vận hành công trình bình thường, phù
hợp với các yêu cầu của hợp đồng dự án.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định
chất lượng, tình trạng tài sản theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án, lập danh mục
tài sản chuyển giao, xác định các hư hại (nếu có) và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện
việc sửa chữa, bảo trì tài sản.
Nhà đầu tư phải bảo đảm tài sản chuyển giao
không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ khác của
nhà đầu tư phát sinh trước thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp hợp đồng dự án
có quy định khác.
3. Xử lý tài sản chuyển giao:
a) Đối với phần tài sản do Nhà nước chuyển giao
cho nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo cơ quan, người có thẩm
quyền quyết định giao cho đối tượng quản lý theo quy định của Luật này;
b) Đối với phần tài sản do nhà đầu tư đầu tư, cơ
quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy
định tại Mục 2 Chương VI của Luật này.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức quản lý,
vận hành tài sản theo chức năng, thẩm quyền trong thời gian chưa giao đối tượng
quản lý;
c) Trường hợp chuyển giao tài sản theo hợp đồng
nhưng sau đó nhà đầu tư được quyền kinh doanh hoặc được quyền cung cấp dịch vụ
trên cơ sở vận hành, khai thác tài sản đó trong một thời gian nhất định theo hợp
đồng thì việc quản lý, khai thác tài sản được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 95 của Luật này.
Chương V
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
TÀI SẢN CÔNG TẠI DOANH NGHIỆP
Điều 97. Tài sản công tại doanh nghiệp
1. Tài sản
công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn
nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không
tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 98. Quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh
nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
1. Việc quản
lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã
được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định
của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào
sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
2. Việc trang
bị, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo tại doanh nghiệp
nhà nước được thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức do Chính phủ quy định.
Điều 99. Quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh
nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
1. Việc quản
lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản
lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy
định sau đây:
a) Doanh nghiệp
có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản được giao đúng mục đích, công năng sử dụng
của tài sản; không được sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự,
góp vốn hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Kinh phí sửa
chữa, bảo trì tài sản do doanh nghiệp bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy
định khác;
c) Doanh nghiệp
có trách nhiệm hạch toán, tính hao mòn tài sản được giao theo quy định của pháp
luật và quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền khi giao tài sản;
d) Số tiền thu được từ khai thác tài sản công được sử dụng để chi
trả các chi phí có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện
nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật, phần còn lại được
nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước;
đ) Số tiền thu được từ xử lý tài sản công được sử dụng để chi trả
các chi phí có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), phần còn lại
được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
2. Các nội
dung về hình thành, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công do Nhà nước giao cho
doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không
được quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng theo các quy định có liên quan
tại Mục 5 Chương III, Chương IV, Mục 1 Chương VI, Chương VII của Luật này và
quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.
Chương
VI
CHẾ ĐỘ QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN
SỞ HỮU TOÀN DÂN
Mục 1. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC
Điều 100. Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước
1. Tài sản phục vụ hoạt động
của dự án.
2. Tài sản là kết quả của
dự án.
Điều 101. Hình thành tài sản của dự án
1. Hình
thành tài sản phục vụ hoạt động của dự án:
a) Nhà nước
giao tài sản bằng hiện vật hoặc cho phép sử dụng nguồn kinh phí của
dự án để đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản phục vụ hoạt động
của từng dự án;
b) Việc
hình thành tài sản thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản
2 Điều 28 của Luật này. Việc giao tài sản, đầu tư xây dựng, mua sắm,
thuê tài sản, khoán kinh phí sử dụng tài sản phục vụ hoạt động của dự án
thực hiện theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này
và văn kiện dự án (nếu có).
2. Hình thành
tài sản là kết quả của dự án:
a) Sử dụng
nguồn vốn của dự án để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản;
b) Việc
hình thành tài sản thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của
pháp luật có liên quan và văn kiện dự án (nếu có).
Điều
102. Sử dụng tài sản phục vụ hoạt động của dự án
Việc sử dụng tài sản
phục vụ hoạt động của dự án được thực hiện theo mục tiêu của dự án, quy
định tại Mục 3 Chương III của Luật này và pháp luật có liên quan.
Điều 103. Xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án
1. Khi có tài
sản cần xử lý, ban quản lý dự án có trách nhiệm:
a) Kiểm kê
tài sản, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ
quan chủ quản dự án, gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài
sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này;
b) Thực
hiện bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý.
2. Cơ
quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có
trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo hình thức quy định tại khoản 3
Điều này, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hình
thức xử lý tài sản bao gồm:
a) Giao cơ quan, tổ chức, đơn
vị quản lý, sử dụng;
b) Điều chuyển;
c) Bán;
d) Thanh lý;
đ) Tiêu hủy;
e) Xử lý tài sản trong trường
hợp bị mất, bị hủy hoại;
g) Hình thức khác theo quy định
của pháp luật.
4. Căn cứ
phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao thực
hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này hoặc ban quản lý dự án tổ chức bàn giao tài sản, điều
chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất,
bị hủy hoại theo quy định tại các điều 29, 42, 43, 45, 46 và 47 của Luật này.
5. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản phục vụ
hoạt động của dự án trong trường hợp ban quản lý dự án được tổ chức và hoạt động
theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này; trường hợp ban quản lý dự án được tổ chức và hoạt động
theo mô hình khác được thực hiện theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều 48 của Luật này.
Điều
104. Xử lý tài sản là kết quả của dự án
1. Sau khi hoàn thành việc đầu
tư xây dựng, mua sắm, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho đối
tượng thụ hưởng được xác định trong dự án để đưa vào khai thác, sử dụng.
Trường hợp dự án không
xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng tài sản, việc xử lý tài sản sau khi
dự án kết thúc được thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Điều chuyển;
b) Bán;
c) Thanh lý;
d) Giao doanh nghiệp quản lý,
sử dụng;
đ) Hình thức khác theo quy định
của pháp luật.
2. Việc điều chuyển, bán,
thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định tại các điều 42,
43 và 45 của Luật này. Việc giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng
được thực hiện theo quy định tại Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn
nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên
quan.
Điều
105. Quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước
1. Tài sản được hình thành
thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn
nhà nước bao gồm:
a) Tài sản được trang bị để
triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
b) Tài sản là kết quả của việc
triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
2. Việc trang bị tài sản để
triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải phù hợp với nhiệm vụ được giao,
dự toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Tài sản phải được sử dụng
đúng mục đích, tiết kiệm, được hạch toán, báo cáo, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý kịp
thời theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử lý tài sản được
trang bị để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo thứ tự
ưu tiên như sau:
a) Giao hoặc bán cho tổ chức
chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát huy kết quả của nhiệm vụ hoặc sử dụng tài sản
để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Trường hợp tổ chức chủ trì
thực hiện nhiệm vụ không nhận hoặc không mua thì được xử lý theo một trong các
hình thức: điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy. Việc điều chuyển, bán, thanh
lý, tiêu hủy được thực hiện theo quy định tại các điều 42, 43,
45 và 46 của Luật này.
4. Việc xử lý tài sản là kết
quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện
theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Giao
quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát
huy kết quả của nhiệm vụ hoặc sử dụng tài sản để thương mại hóa kết quả nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ;
b) Giao quyền sử dụng hoặc quyền
sở hữu cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ
chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ không có nhu cầu hoặc không có khả năng thực hiện
thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
5. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Mục 2. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TOÀN DÂN
Điều 106. Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Tài sản bị tịch thu theo
quy định của pháp luật bao gồm:
a) Tang vật, phương tiện vi phạm
hành chính bị tịch thu;
b) Vật chứng vụ án, tài sản
khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng
hình sự.
2. Tài sản
vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ
quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không
có người nhận thừa kế, tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải
thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao
hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và
tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; hàng
hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải
quan.
3. Tài sản do các chủ sở hữu tự
nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước bao gồm: tài sản do tổ chức, cá
nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ
và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam.
4. Tài sản do doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam
kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
5. Tài sản được đầu tư theo
hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng
dự án.
Điều 107. Thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Việc xác lập quyền sở hữu
toàn dân đối với tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 106 của
Luật này được thực hiện thông qua quyết định tịch thu của người có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc xác lập quyền sở hữu toàn
dân đối với tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 106 của Luật
này được thực hiện thông qua quyết định tịch thu của người có thẩm quyền
theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật
về thi hành án dân sự.
3. Thẩm
quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật này được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.
Điều
108. Bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Đơn vị chủ trì quản lý tài
sản có trách nhiệm bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý, trừ tài sản được
quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp đơn vị chủ trì quản
lý tài sản không có kho bãi để bảo quản tài sản hoặc tài sản là máy móc, thiết
bị đã cố định, khó tháo dỡ thì chuyển giao cho cơ quan dự trữ nhà nước hoặc ủy
quyền, ký hợp đồng thuê với cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất,
kho bãi để bảo quản. Việc chuyển giao, ủy quyền, thuê bảo quản tài sản được thực
hiện theo quy định của pháp luật.
2. Tài sản
sau đây phải chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để bảo quản:
a) Bảo vật quốc gia, cổ vật và
vật khác có giá trị lịch sử, văn hoá;
b) Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ
hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng và tài sản khác
liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy
tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý;
d) Lâm sản quý hiếm không được
sử dụng vào mục đích thương mại;
đ) Tài sản khác có yêu
cầu quản lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ, cơ quan có liên quan công bố danh sách cụ thể các cơ quan quản lý
chuyên ngành quy định tại khoản này.
3. Việc bàn giao tài sản cho
cơ quan quản lý chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều này để bảo quản phải lập
thành biên bản.
4. Cơ quan quản lý chuyên
ngành có trách nhiệm tiếp nhận tài sản chuyển giao, thực hiện việc bảo quản tài
sản theo đúng quy định của pháp luật.
Điều
109. Hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Giao cơ quan quản lý chuyên
ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đối với vũ khí,
vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng,
tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh; bảo vật quốc gia, cổ vật và vật
khác có giá trị lịch sử, văn hoá; hàng lâm sản quý hiếm và tài sản khác có yêu cầu quản lý đặc biệt theo quy định của
pháp luật.
2. Giao hoặc điều chuyển cho
cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đối với tài sản được sử dụng làm trụ
sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; phương tiện vận tải, máy móc,
thiết bị.
3. Giao hoặc điều chuyển cho đối
tượng được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng.
4. Nộp vào ngân sách nhà nước
đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ.
5. Tiêu hủy đối với tài sản
không còn giá trị sử dụng hoặc buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện bán đối với tài sản
không thuộc phạm vi quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều này; tài sản quy định
tại khoản 2 và khoản 3 Điều này nhưng không áp dụng hình thức giao, điều chuyển.
Việc bán tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo quy định
của pháp luật về đấu giá, trừ tài sản sau đây được áp dụng hình thức bán trực
tiếp:
a) Tài sản là hàng hóa, vật phẩm
dễ bị hư hỏng;
b) Tài sản có giá trị nhỏ theo
quy định của Chính phủ.
Điều
110. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Sau
khi có quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân, đơn vị
chủ trì quản lý tài sản có trách nhiệm báo cáo cơ quan được giao thực hiện nhiệm
vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này.
2. Cơ
quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo các hình
thức quy định tại Điều 109 của Luật này, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Căn cứ quyết định phê duyệt
phương án xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao thực hiện
nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và
3 Điều 19 của Luật này hoặc đơn vị chủ trì quản lý tài sản có trách nhiệm tổ
chức xử lý tài sản theo quy định tại Điều 111 của Luật này.
Điều
111. Tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Đối với tài sản có quyết
định giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, xử lý, đơn vị chủ trì
quản lý tài sản tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý chuyên ngành theo
quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Sau khi tiếp nhận tài sản, cơ
quan quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản được tiếp nhận
theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối với tài sản có quyết
định giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng, đơn vị chủ trì quản lý tài sản
tổ chức bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo quyết định
của cơ quan, người có thẩm quyền.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng
tài sản thực hiện hạch toán tăng tài sản và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định
của Luật này và pháp luật có liên quan.
3. Đối với tài sản kết cấu hạ
tầng có quyết định giao cho đối tượng quản lý, đơn vị chủ trì quản lý tài sản tổ
chức bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý.
Đối tượng được giao quản lý
tài sản thực hiện hạch toán tăng tài sản và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản
theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
4. Đối với tài sản là tiền Việt
Nam, ngoại tệ, Kho bạc Nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Đối với tài sản có quyết
định tiêu hủy, đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với các cơ quan có chức
năng thực hiện tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Hình thức tiêu hủy thực hiện
theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật này.
6. Đối với tài sản có quyết
định bán, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định
tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này hoặc đơn vị chủ
trì quản lý tài sản tổ chức bán tài sản theo quy định của Luật này và pháp luật
có liên quan.
Điều
112. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn
dân
Số tiền thu được từ việc xử lý
tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được nộp vào tài khoản tạm giữ tại
Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phần còn lại được nộp
toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Chương
VII
CHẾ ĐỘ QUẢN
LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH TỪ ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN
Mục 1. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH TỪ ĐẤT ĐAI
Điều
113. Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai
1. Đất đai phải được thống kê,
kiểm kê, ghi chép, theo dõi theo quy định của pháp luật.
2. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao đất, cho thuê đất phải hạch toán giá
trị quyền sử dụng đất. Trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng
đất, cho thuê đất mà được miễn tiền thuê đất thì phải xác định giá trị quyền sử
dụng đất để hạch toán vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy
định của Chính phủ.
3. Nguồn lực tài chính từ
đất đai phải được khai thác hợp lý, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,
theo cơ chế thị trường. Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ khai thác nguồn
lực tài chính từ đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước, pháp luật về đất đai, pháp luật về phí và lệ phí và pháp luật có
liên quan.
Điều 114. Khai thác nguồn
lực tài chính từ đất đai
1. Thu tiền sử dụng đất.
2. Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
3. Thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai.
4. Sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh
toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo
hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
5. Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu
hạ tầng.
6. Khai thác nguồn lực tài chính khác từ đất đai
theo quy định của pháp luật.
Điều 115. Thu tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước
Việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt
nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên
quan.
Điều 116. Thu thuế, phí, lệ
phí liên quan đến đất đai
Việc thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển
quyền sử dụng đất, phí, lệ phí trước bạ đất và các loại thuế, phí, lệ phí khác
liên quan đến đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế,
pháp luật về phí và lệ phí.
Điều 117. Sử dụng giá trị
quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu
tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao
Việc sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh
toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức
hợp đồng xây dựng - chuyển giao phải tuân thủ quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 44 của Luật này và các
quy định sau đây:
1. Quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp
với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
và được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả
tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Đối tượng, trình tự, thủ tục giao
đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
2. Giá trị quyền sử dụng đất được
sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng
xây dựng - chuyển giao được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh
toán theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất.
Điều 118. Khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng
1. Khai thác
quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng là việc Nhà nước áp dụng cơ chế
thu hồi đất vùng phụ cận của đất phục vụ dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu
hạ tầng theo quy định của pháp luật về đất đai nhằm tạo quỹ đất để tạo vốn phát
triển kết cấu hạ tầng.
2. Việc khai
thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng phải được lập
thành đề án. Thẩm quyền phê duyệt đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn
phát triển kết cấu hạ tầng thực hiện theo quy định như sau:
a) Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt đối với đề án khai thác quỹ đất để tạo
vốn phát triển kết cấu hạ tầng thuộc trung ương quản lý;
b) Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với đề án khai thác quỹ đất để tạo
vốn phát triển kết cấu hạ tầng thuộc địa phương quản lý.
3. Việc khai
thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng được áp dụng
theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả
tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về
đất đai.
4. Số tiền
thu được từ khai thác quỹ đất, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phần
còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được bố trí trong kế hoạch
đầu tư công và dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện dự án đầu tư được cơ
quan, người có thẩm quyền tại khoản 2 Điều này phê duyệt theo quy định của
pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có
liên quan.
5. Chính
phủ quy định chi tiết Điều này.
Mục 2. CHẾ
ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH TỪ TÀI NGUYÊN
Điều
119. Tài nguyên
Tài nguyên quy định tại Mục
này bao gồm:
1. Tài nguyên nước;
2. Tài nguyên rừng;
3. Khoáng sản;
4. Nguồn lợi ở vùng biển, vùng
trời;
5. Kho số
viễn thông, kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số
vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh;
6. Tài nguyên khác.
Điều
120. Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài nguyên
1. Tài nguyên phải được giao
cho cơ quan nhà nước quản lý, được thống kê, kiểm kê, ghi chép, theo dõi theo
quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
2. Nguồn lực tài chính
từ tài nguyên phải được khai thác hợp lý, căn cứ vào
quy hoạch, kế hoạch và theo cơ chế thị trường.
Điều 121. Khai thác nguồn
lực tài chính từ tài nguyên
1. Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu tiền sử
dụng tài nguyên, tiền thuê tài nguyên.
2. Thu thuế tài nguyên.
3. Thu phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác
tài nguyên.
4. Khai thác nguồn lực tài chính khác từ tài nguyên
theo quy định của pháp luật.
Điều 122. Thu tiền cấp quyền
khai thác tài nguyên, thu tiền sử dụng tài nguyên, tiền thuê tài nguyên
1. Việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên,
thu tiền sử dụng tài nguyên, tiền thuê tài nguyên được thực hiện theo quy định
của các luật về tài nguyên.
2. Mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền khai
thác tài nguyên, tiền sử dụng tài nguyên, tiền thuê tài nguyên thực hiện theo
quy định của Chính phủ.
Điều 123. Thu thuế tài nguyên,
phí, lệ phí trong quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên
Việc thu thuế tài nguyên, phí bay qua vùng trời
Việt Nam, phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí
khai thác, sử dụng nguồn nước, phí khai thác, sử dụng tài liệu, dữ liệu về
tài nguyên và các loại thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến tài nguyên thực
hiện theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về phí và lệ phí.
Điều 124. Quản lý, sử dụng các
khoản thu từ khai thác tài nguyên
Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ khai thác tài
nguyên được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp
luật về phí và lệ phí và pháp luật có liên quan.
Chương VIII
HỆ THỐNG THÔNG TIN VỀ
TÀI SẢN CÔNG VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ TÀI SẢN CÔNG
Điều 125. Hệ thống thông
tin về tài sản công
1. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ
thông tin tài sản công.
2. Hệ thống phần mềm hệ điều hành,
phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng.
3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản
công.
4. Hệ thống
giao dịch điện tử về tài sản công.
Điều 126.
Trách nhiệm xây dựng Hệ thống thông tin về tài sản công
1. Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn,
thiết bị kỹ thuật, phương tiện hiện đại, công nghệ tiên tiến để xây dựng, vận hành, duy trì Hệ thống thông tin về tài sản
công bảo đảm hiệu quả quản lý tài sản công; khuyến khích tổ
chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để
bảo đảm áp dụng phương pháp quản lý tài sản công hiện đại.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức xây dựng,
quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin về tài sản công thuộc phạm vi quản lý.
3. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
có trách nhiệm thực hiện đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, đào tạo
nguồn lực để quản lý, vận hành Hệ thống thông tin về tài sản công thuộc trách
nhiệm quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Điều 127. Cơ sở dữ liệu quốc
gia về tài sản công
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản
công được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước; có chức năng tổng hợp số
lượng, giá trị, cơ cấu phân bổ toàn bộ tài sản công của quốc gia.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản
công bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về tài sản công tại
cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu
hạ tầng;
c) Cơ sở dữ liệu về tài sản công tại
doanh nghiệp;
d) Cơ sở dữ
liệu về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
đ) Cơ sở dữ liệu về đất đai;
e) Cơ sở dữ liệu về tài nguyên.
3. Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản
công do các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng được kết
nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách
nhiệm:
a) Hướng dẫn việc trao đổi thông
tin về tài sản công do các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây
dựng để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
b) Quy định nội dung, cấu trúc, kiểu
thông tin cơ sở dữ liệu về tài sản công để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về
tài sản công;
c) Trực tiếp xây dựng cơ sở dữ liệu
quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này.
5. Bộ, cơ
quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm:
a) Cập nhật dữ liệu các loại tài sản
công quy định tại khoản 2 Điều này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
b) Trực tiếp xây dựng cơ sở dữ liệu
quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều này, bảo đảm kết nối với Cơ sở
dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Điều 128. Quản lý, khai
thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
1. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp có giá trị
pháp lý như thông tin trong hồ sơ giấy.
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản
công phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập
trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài
sản công.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu về
thông tin, dữ liệu tài sản công được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp
luật.
Điều 129. Sử
dụng thông tin về tài sản công
Thông tin lưu giữ trong Cơ sở dữ
liệu quốc gia về tài sản công được sử dụng để:
1. Thực hiện báo cáo tình hình quản
lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền;
2. Làm căn cứ để lập dự toán, xét
duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao
đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng
cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công;
3. Phục vụ mục đích khác theo quyết
định của cơ quan, người có thẩm quyền.
Chương IX
DỊCH VỤ VỀ TÀI SẢN
CÔNG
Điều 130. Nội
dung dịch vụ về tài sản công
1. Cung cấp thông tin, dữ liệu về
tài sản công.
2. Dịch vụ lựa chọn nhà thầu, nhà
đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Định giá, thẩm định giá tài sản
công.
4. Dịch vụ cho thuê, bán, chuyển
nhượng, thanh lý, tiêu hủy tài sản công.
5. Tư vấn về tài sản công.
6. Dịch vụ khác về tài sản công.
Điều
131. Cung cấp dịch vụ về tài sản công
1. Tổ chức, cá nhân được cung
cấp dịch vụ về tài sản công khi đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật
chuyên ngành (nếu có).
2. Việc cung cấp dịch vụ về
tài sản công được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều
132. Sử dụng dịch vụ về tài sản công
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và
đối tượng khác khi thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, bảo trì, bảo dưỡng,
góp vốn, cho thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy
tài sản công và các hoạt động khác trong quản lý, sử dụng tài sản công được
thuê tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 131 của Luật này
cung cấp dịch vụ về tài sản công.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
về thông tin, dữ liệu tài sản công được đề nghị cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu
cung cấp và thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật.
Chương X
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 133. Hiệu lực thi
hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 01 năm 2018.
2.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 hết hiệu lực kể từ
ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
3. Tài sản
nhà nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày
Luật này có hiệu lực thi hành là tài sản công.
Điều 134. Quy định chuyển
tiếp
Căn cứ quy định tại Luật này, Chính phủ quy định
xử lý chuyển tiếp việc sắp xếp lại tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử
lý tài sản công; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết; khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng và các nội
dung khác trong quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm các nguyên tắc quy định tại
Luật này kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2017.
|
CHỦ TỊCH QUỐC
HỘI
Nguyễn Thị Kim Ngân
|