BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 65/2024/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 11 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KIỂM TRA KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỂ ĐƯỢC
PHỤC HỒI ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE
Căn cứ Luật Trật tự,
an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng
8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao
thông;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định
kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục
hồi điểm giấy phép lái xe.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định kiểm tra kiến thức pháp luật
về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với người có giấy phép lái xe bị trừ
hết điểm để được phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (sau đây gọi
chung là cán bộ) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm
tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Người được tham gia kiểm
tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Người được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông đường bộ là người có giấy phép lái xe bị trừ hết điểm.
Điều 4. Cơ quan có thẩm quyền
kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật
về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:
1. Cục Cảnh sát giao thông.
2. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương.
Điều 5. Bảo đảm điều kiện tổ chức
kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị thuộc quyền
sử dụng của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra:
a) Có phòng kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự,
an toàn giao thông đường bộ, được trang bị máy tính, máy in dùng cho cán bộ thực
hiện nhiệm vụ kiểm tra và cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết trực tiếp phục vụ
việc kiểm tra; máy tính để người dự kiểm tra sử dụng có kết nối mạng WAN Bộ
Công an đến máy chủ đặt tại Cục Cảnh sát giao thông;
Máy chủ có cài đặt phần mềm kiểm tra kiến thức pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an phê duyệt được kết
nối với máy tính tại các điểm kiểm tra và phải bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu
các máy tính sử dụng để phục vụ kiểm tra, lưu trữ nhật ký kết nối, chỉnh sửa dữ
liệu.
b) Có hệ thống camera giám sát được toàn bộ hình ảnh
phòng kiểm tra, có thiết bị lưu trữ dữ liệu hình ảnh camera. Hệ thống camera
giám sát phải đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên
ngoài;
c) Trường hợp máy tính tại nơi kiểm tra chưa có kết
nối mạng WAN theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền
kiểm tra sử dụng thiết bị có chức năng lưu trữ thông tin bảo đảm an ninh, an
toàn để lưu trữ thông tin của người dự kiểm tra phục vụ việc tổ chức kiểm tra.
2. Cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra kiến thức
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe mô
tô hạng A và giấy phép lái xe ô tô, được Cục Cảnh sát giao thông tổ chức tập huấn,
cấp thẻ Sát hạch viên.
Điều 6. Nội dung, phương pháp,
thời gian, kết cấu bài kiểm tra, kết quả kiểm tra đạt yêu cầu
1. Nội dung kiểm tra, bao gồm:
a) Kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự,
an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp
giấy phép lái xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết
gọn là kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật);
b) Kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn
giao thông đường bộ theo mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính theo
quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (sau đây viết gọn là kiểm tra kiến
thức pháp luật theo mô phỏng).
2. Phương pháp kiểm tra:
a) Đối với kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật,
người dự kiểm tra thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm
kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
b) Đối với kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng,
người dự kiểm tra xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.
3. Thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả kiểm
tra lý thuyết kiến thức pháp luật đạt yêu cầu:
a) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng A1
làm bài kiểm tra trong thời gian 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi
trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm, trong đó có 01 câu hỏi được tính là
điểm liệt. Kết quả từ 21/25 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ
21/25 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì
không đạt yêu cầu;
b) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng A, B1
làm bài kiểm tra trong thời gian 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi
trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm, trong đó có 01 câu hỏi được tính là
điểm liệt. Kết quả đạt từ 23/25 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả
từ 23/25 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì
không đạt yêu cầu;
c) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng B làm
bài kiểm tra trong thời gian 20 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 30 câu hỏi trắc
nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm, trong đó có 01 câu hỏi được tính là điểm
liệt. Kết quả đạt từ 27/30 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ
27/30 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì
không đạt yêu cầu;
d) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng C1
làm bài kiểm tra trong thời gian 22 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 35 câu hỏi
trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm, trong đó có 01 câu hỏi được tính là
điểm liệt. Kết quả đạt từ 32/35 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả
từ 32/35 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì
không đạt yêu cầu;
đ) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng C làm
bài kiểm tra trong thời gian 24 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 40 câu hỏi trắc
nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm, trong đó có 01 câu hỏi được tính là điểm
liệt. Kết quả đạt từ 36/40 điểm trở lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ
36/40 điểm trở lên nhưng trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì
không đạt yêu cầu;
e) Người dự kiểm tra có giấy phép lái xe hạng D1,
D2, D, BE, C1Q, CE, D1E, D2E, DE làm bài kiểm tra trong thời gian 26 phút. Kết
cấu bài kiểm tra gồm 45 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 01 điểm,
trong đó có 01 câu hỏi được tính là điểm liệt. Kết quả đạt từ 41/45 điểm trở
lên là đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả từ 41/45 điểm trở lên nhưng trả lời sai
vào câu hỏi được tính là điểm liệt thì không đạt yêu cầu.
4. Thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả kiểm
tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng đạt yêu cầu:
Thời gian kiểm tra không quá 10 phút. Bài kiểm tra
được thiết kế dưới dạng 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông, mỗi câu
hỏi là 01 tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mỗi câu hỏi có số
điểm tối đa là 05 điểm và số điểm tối thiểu là 0 điểm. Số điểm đạt được của người
dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn
nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt
phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra đạt từ 35/50 điểm trở lên là đạt yêu cầu.
5. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu được phục hồi điểm
giấy phép lái xe:
a) Đối với trường hợp người có giấy phép lái xe mô
tô bị trừ hết điểm: được phục hồi điểm giấy phép lái xe khi có kết quả kiểm tra
lý thuyết kiến thức pháp luật đạt yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b khoản 3
Điều này;
b) Đối với trường hợp người có giấy phép lái xe ô
tô bị trừ hết điểm: được phục hồi điểm giấy phép lái xe khi có kết quả kiểm tra
đạt yêu cầu đối với cả 02 nội dung là kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật và
kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng quy định tại các điểm c, d, đ, e khoản
3 và khoản 4 Điều này.
Người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật
không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng.
Người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật
đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng không đạt
yêu cầu thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật trong
thời gian 01 năm, kể từ ngày kiểm tra có kết quả đạt yêu cầu.
Người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu
cầu có thể đăng ký kiểm tra lại sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm
tra trước đó.
Điều 7. Đăng ký, tổ chức kiểm
tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra:
a) Đơn đề nghị kiểm tra kiến thức pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông đường bộ theo mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư này;
b) Giấy khám sức khoẻ của người lái xe do cơ sở y tế
có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.
2. Thời gian tổ chức và nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra:
a) Thời gian tổ chức kiểm tra được cơ quan có thẩm
quyền kiểm tra thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử thuộc phạm vi quản
lý;
b) Hồ sơ đăng ký kiểm tra nộp cơ quan có thẩm quyền
kiểm tra trước ngày đăng ký kiểm tra một trong các hình thức sau: trực tuyến tại
Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, qua Ứng dụng định
danh quốc gia; qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, người đăng ký kiểm
tra thực hiện kê khai đầy đủ thông tin, đính kèm hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều
này và đăng ký ngày kiểm tra, lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cơ quan tiếp nhận hồ
sơ phân công cán bộ kiểm tra hồ sơ, viết giấy hẹn ghi rõ thời gian, địa điểm tổ
chức kiểm tra.
3. Người đăng ký kiểm tra có thể nộp hồ sơ cho cơ
quan có thẩm quyền kiểm tra quy định tại Điều 4 Thông tư này
tại nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại.
Người có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu có thể
đăng ký kiểm tra lại tại cơ quan có thẩm quyền đã tổ chức kiểm tra trước đó hoặc
lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra để đề nghị kiểm tra lại. Trường hợp đề
nghị kiểm tra lại, nếu giấy khám sức khỏe còn giá trị sử dụng thì người đăng ký
kiểm tra chỉ gửi đơn đề nghị kiểm tra.
4. Thông báo thời gian tổ chức kiểm tra:
a) Trước ngày kiểm tra ít nhất 02 ngày làm việc sau
khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo cho người đã
đăng ký kiểm tra trước đó về thời gian, địa điểm kiểm tra qua địa chỉ email hoặc
tin nhắn điện thoại ghi trong đơn đề nghị;
b) Trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm kiểm tra
đã thông báo trước đó thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phải thông báo cho người
đã đăng ký kiểm tra trước đó qua địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại ghi
trong đơn đề nghị về thời gian, địa điểm kiểm tra.
5. Người dự kiểm tra có mặt theo đúng thời gian, địa
điểm đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo và sử dụng một trong các
loại giấy tờ: thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân; giấy phép lái xe; giấy chứng
nhận căn cước (đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch); thẻ
thường trú, thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài) để cơ quan có thẩm quyền kiểm
tra đối chiếu thông tin với thông tin trong đơn đề nghị.
Trường hợp thông tin của người dự kiểm tra có trong
căn cước điện tử, hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh
quốc gia thì khai thác, sử dụng để đối chiếu với thông tin của người dự kiểm
tra trong đơn đề nghị.
6. Người dự kiểm tra thực hiện đăng nhập vào phần mềm
kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và thực hiện
nội dung kiểm tra theo hướng dẫn của cán bộ kiểm tra. Người dự kiểm tra phải chấp
hành nội quy tại nơi tổ chức kiểm tra.
Người dự kiểm tra là người nước ngoài, người dân tộc
thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt khi đến kiểm tra sử dụng người
phiên dịch do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thuê người phiên dịch. Khi thực hiện
nội dung kiểm tra, người phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi trong phần mềm,
giải thích, hướng dẫn đầy đủ cách thức kiểm tra để người dự kiểm tra thực hiện.
7. Kết thúc thời gian kiểm tra, người dự kiểm tra
ký biên bản theo mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Thông tư này. Trường hợp người dự
kiểm tra là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số có người phiên dịch thì
người dự kiểm tra và người phiên dịch ký tên hoặc điểm chỉ tại vị trí ký tên
trong biên bản kiểm tra.
Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, 01 bản lưu
trữ tại cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, 01 bản giao cho người dự kiểm tra.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan
có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường
bộ
1. Bảo đảm điều kiện tổ chức kiểm tra kiến thức
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Đăng tải công khai tài liệu ôn luyện kiến thức
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên Cổng thông tin điện tử
thuộc phạm vi quản lý.
3. Phân công cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm
tra và cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
4. Định kỳ trước ngày 25 của tháng, cơ quan có thẩm
quyền kiểm tra thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử thuộc phạm vi quản
lý về dự kiến ngày tổ chức kiểm tra của tháng tiếp theo để người đăng ký kiểm
tra lựa chọn và đăng ký ngày kiểm tra trong mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Thông tư
này.
5. Tổ chức kiểm tra ít nhất 02 lần trong 01 tuần và
thông báo công khai ngày kiểm tra trên Cổng thông tin điện tử thuộc phạm vi quản
lý.
6. Phổ biến, hướng dẫn quy trình thực hiện cho người
dự kiểm tra khi tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông đường bộ.
7. Thông báo kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người dự kiểm tra cho cơ quan của người
có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe và cơ quan quản lý giấy phép lái xe khi
chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu.
8. Lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền kiểm tra: dữ
liệu hình ảnh camera giám sát phòng kiểm tra trong thời hạn ít nhất 02 năm; hồ
sơ đăng ký kiểm tra, biên bản kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn
giao thông đường bộ dưới hình thức giấy và dữ liệu điện tử trên phần mềm trong
thời hạn ít nhất 05 năm.
Điều 9. Kinh phí tổ chức kiểm
tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Kinh phí tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông đường bộ được bố trí từ khoản thu tiền xử phạt vi phạm
hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiền đấu giá biển số xe
sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng theo quy định của
pháp luật.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng
01 năm 2025.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông
tư này;
b) Tổ chức nghiên cứu việc xây dựng, quản trị, duy
trì, nâng cấp phần mềm kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông đường bộ, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an;
c) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công
nghệ, quản lý công tác kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao
thông đường bộ;
d) Hướng dẫn thống nhất nội quy tại nơi tổ chức kiểm
tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có trách nhiệm:
a) Định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất báo cáo về
Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) kết quả thực hiện kiểm tra kiến thức
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý;
b) Tổ chức kiểm tra lưu động kiến thức pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi bảo đảm điều kiện tổ chức kiểm tra quy
định tại Điều 5 Thông tư này.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó
khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan
báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ Công an;
- Lưu: VT, V03, C08.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Lương Tam Quang
|
PHỤ LỤC
BIỂU MẪU SỬ DỤNG TRONG KIỂM TRA KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ TRẬT
TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỂ ĐƯỢC PHỤC HỒI ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE
(Kèm theo Thông tư số 65/2024/TT-BCA ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Bộ
trưởng Bộ Công an quy định kiểm tra kiến thức pháp luật trật tự, an toàn giao
thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép xe)
Mẫu
số 01
Kính gửi:
……………………………………………….
Tên tôi là:
....................................................................................................................
Sinh ngày:
..................................................................................................................
Dân tộc: ………………………….. Quốc tịch:
..................................................................
Số định danh cá nhân/Số thẻ thường trú/Số thẻ tạm
trú: ...............................................
Nơi thường trú □ Nơi tạm trú □ Nơi ở hiện tại
□..............................................................
...................................................................................................................................
...................................................................................................................................
Giấy phép lái xe số ……… hạng ……….. ngày cấp …………. tại
...................................
Đã bị trừ hết điểm từ ngày
...........................................................................................
số điện thoại liên hệ: ……………………. Địa chỉ email:
...................................................
Ngày đăng ký kiểm tra:
................................................................................................
Đăng ký người phiên dịch: □ Có
□ Không
Tôi xin cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật
và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
|
………, ngày ….
tháng …. năm ….
NGƯỜI LÀM ĐƠN
(Ký, ghi rõ họ và tên)
|