Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự

Số hiệu: 02/2020/NQ-HĐTP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành: 24/09/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Thêm 01 Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Ngày 24/9/2020, TANDTC ban hành Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo đó, khi có một trong các căn cứ sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại Điều 114 BLTTDS:

- Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;

- Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

- Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).

(Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP bắt buộc phải có đầy đủ 03 căn cứ trên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện).

Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020 và thay thế Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005.

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 02/2020/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng dân sự).

Điều 2. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong những trường hợp sau đây:

a) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;

Ví dụ: A gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

b) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

Ví dụ: A khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B, A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời.

c) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;

Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.

d) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Ví dụ: A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho A 1.000.000.000 đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng.

2. Đối với vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải theo dõi, xem xét về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3. Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật Tố tụng dân sự.

4. Trường hợp xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà người yêu cầu có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án nhân dân đang thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 438 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết.

Điều 3. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Khi có một trong các căn cứ sau đây, đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện (đơn khởi kiện phải được làm theo đúng quy định tại Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự:

a) Do tình thế khẩn cấp, tức là cần được giải quyết ngay, không chậm trễ;

b) Cần bảo vệ ngay chứng cứ trong trường hợp nguồn chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;

c) Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (hậu quả về vật chất hoặc về tinh thần).

2. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án theo quy định tại các điều 35, 36, 37, 38, 39 và 40 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

3. Trường hợp đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác thì Tòa án đã nhận đơn khởi kiện chuyển ngay hồ sơ khởi kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

4. Trường hợp đơn khởi kiện đã có các nội dung để xác định việc thụ lý và giải quyết vụ án là thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn nhưng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác thì Tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết này. Việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và thụ lý vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 193 và Điều 195 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 4. Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động.

Ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa toàn bộ tài khoản duy nhất của doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp bị ngừng hoạt động.

2. Việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ quy định tại khoản 7 và khoản 11 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài sản là:

a) Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Dân sự), trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm;

b) Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

3. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác quy định tại khoản 10 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự đối với tài khoản được doanh nghiệp sử dụng để thanh toán nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng.

4. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

a) Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;

b) Tài sản của cá nhân gồm: Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu; thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng dùng để chăm sóc người ốm; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; công cụ lao động cần thiết, có giá trị không lớn được dùng làm phương tiện sinh sống thiết yếu của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồ dùng sinh hoạt thiết yếu;

c) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh; trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Điều 5. Về việc Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 3 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;

b) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 và các điều từ Điều 115 đến Điều 119 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

c) Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.

Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại khoản 2 Điều 114 và Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng; xét thấy việc cấp dưỡng đó là có căn cứ; nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng và đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Khi tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để ra quyết định.

Ví dụ: Trong vụ án xác định cha cho con, nguyên đơn yêu cầu Tòa án xác định ông A là cha cháu C (12 tuổi), mẹ cháu C mất năng lực hành vi dân sự, cháu C không có ai nuôi dưỡng, chăm sóc, không có người thân thích. Bà D có đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự tự nguyện đảm nhận việc giám hộ thì Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao cháu C cho bà D nuôi dưỡng, chăm sóc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Điều 6. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải ghi rõ trong đơn về biện pháp khẩn cấp tạm thời cần áp dụng theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ghi không cụ thể, không chính xác biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng thì Tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu.

2. Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ghi trong đơn yêu cầu.

Ví dụ: Anh A có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản là ngôi nhà X của ông B nhưng Tòa án lại ra quyết định phong tỏa tài sản Y của ông B ở nơi gửi giữ.

3. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân là trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá về phạm vi, quy mô, số lượng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ghi trong đơn yêu cầu.

Ví dụ: Công ty C có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa số tiền một tỷ đồng trong tài khoản của công ty D tại ngân hàng Z, nhưng Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa một tỷ đồng trong tài khoản của công ty D và áp dụng bổ sung biện pháp phong tỏa tài sản Y của công ty D tại nơi gửi giữ.

4. Trường hợp đương sự thay đổi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án yêu cầu họ phải làm đơn yêu cầu bổ sung. Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 7. Về việc kê biên tài sản đang tranh chấp theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp khi có đủ các căn cứ sau đây:

1. Tài sản đang tranh chấp là đối tượng của quan hệ tranh chấp mà Tòa án đang thụ lý giải quyết;

2. Có tài liệu, chứng cứ chứng minh người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản đó.

Ví dụ: Có vi bằng của Thừa phát lại xác định việc người giữ tài sản có hành vi đập phá tài sản đang tranh chấp.

Điều 8. Về việc cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định quy định tại Điều 127 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án là trường hợp đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi cản trở quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Ví dụ: Khi xem xét, thẩm định tại chỗ, bị đơn là ông B khóa cửa không cho vào thẩm định. Theo yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp buộc ông B mở cửa để xem xét, thẩm định tại chỗ.

2. Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết là trường hợp người bị ảnh hưởng không phải là đương sự trong vụ án nhưng việc thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người đó.

Điều 9. Về cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ quy định tại Điều 128 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh được áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây:

a) Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự đang bị đương sự khác yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ;

b) Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Ví dụ: Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án, ông A khởi kiện yêu cầu ông B bồi thường mười tỷ đồng, ông B không có người đại diện, không có tài sản ở Việt Nam. Ông B làm thủ tục xuất cảnh nên ông A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với ông B.

2. Đối với người nước ngoài thì Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ mà áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 28, Điều 29 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 10. Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Nếu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu họ cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của Thẩm phán. Thẩm phán cũng có thể hỏi thêm ý kiến của họ.

Thẩm phán có thể yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trước khi ra quyết định nếu việc trình bày đó bảo đảm cho việc ra quyết định đúng đắn và không làm ảnh hưởng đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán không được yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 206 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Sau khi xem xét đơn yêu cầu, các tài liệu, chứng cứ và nghe trình bày của người yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có), nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 9, 12, 13, 14 và 17 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán buộc người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử giải quyết như sau:

a) Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

b) Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

c) Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ;

d) Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Điều 11. Về thủ tục giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trường hợp nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại khoản 3 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự ngoài giờ làm việc (kể cả ngày nghỉ), người tiếp nhận đơn phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án. Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn.

2. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định yêu cầu khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án đã nhận đơn hay không. Trường hợp yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết này. Trường hợp yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm theo cho họ.

Điều 12. Về xác định giá trị tương đương khi phong tỏa tài khoản, tài sản quy định tại khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự

Khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 và Điều 125 của Bộ luật Tố tụng dân sự cần phân biệt như sau:

1. Việc xác định nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ thực hiện phải căn cứ theo đơn khởi kiện, đơn phản tố của bị đơn và đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

2. Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

3. Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.

Điều 13. Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc Tòa án. Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử có hiệu lực thi hành ngay.

2. Để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3. Việc dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra tùy thuộc vào từng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, từng trường hợp cụ thể và được thực hiện như sau:

a) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Trường hợp hỏi ý kiến của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết này thì đề nghị họ dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra;

b) Dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra phải được lập thành văn bản, trong đó cần nêu rõ các khoản thiệt hại và mức thiệt hại có thể xảy ra, các căn cứ, cơ sở của việc dự kiến và tạm tính đó; nếu tại phiên tòa thì không phải lập thành văn bản nhưng phải ghi vào biên bản phiên tòa;

c) Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử xem xét các dự kiến và tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra, căn cứ vào các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm.

Ví dụ: Anh A đang chiếm giữ một chiếc xe ôtô tải, anh B cho rằng chiếc xe đó thuộc sở hữu của hai người (A và B). Anh B cho rằng anh A có ý định bán chiếc xe ôtô đó nên đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp là chiếc xe ôtô tải. Sau khi anh A dự kiến, tạm tính thiệt hại thực tế có thể xảy ra do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng (nếu sau này Tòa án quyết định chiếc xe ôtô đó thuộc quyền sở hữu của anh A), việc ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải tùy từng trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp anh B có căn cứ cho rằng anh A bán chiếc xe ôtô đó (có bản sao hợp đồng mua bán) thì căn cứ vào hợp đồng mua bán, các quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán để ấn định. Giả sử trong hợp đồng có tiền đặt cọc mà quá hạn không giao ôtô thì bên mua không mua, bên bán phải trả cho bên mua tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra chỉ là khoản tiền bằng tiền đặt cọc; nếu ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba bảo quản thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra còn bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô.

Trường hợp anh B chỉ có các thông tin là anh A đang muốn bán ôtô và ôtô bị kê biên được giao cho người thứ ba quản lý thì thiệt hại thực tế có thể xảy ra bao gồm tiền trả thù lao, thanh toán chi phí bảo quản cho người bảo quản và thiệt hại do không khai thác công dụng ôtô; nếu ôtô bị kê biên vẫn giao cho anh A quản lý, sử dụng thì có thể không có thiệt hại thực tế xảy ra.

Điều 14. Về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm là khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Về nguyên tắc chung, khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nhiều ngân hàng, thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của ngân hàng mà mình lựa chọn cho Tòa án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm.

Trường hợp người phải thực hiện biện pháp bảo đảm có tài khoản hoặc có khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà họ đề nghị Tòa án phong tỏa một phần tài khoản hoặc một phần tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng đó tương đương với nghĩa vụ tài sản của họ thì Tòa án chấp nhận.

2. Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm được phân biệt như sau:

a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu trong giai đoạn từ khi thụ lý vụ án đến trước khi mở phiên tòa, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là 02 ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó có thể dài hơn, nhưng trong mọi trường hợp phải được thực hiện trước ngày Tòa án mở phiên tòa.

Nếu tại phiên tòa thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng phải xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.

Trường hợp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà thuộc trường hợp phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm mà người đó cần có thời gian để thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc không thể có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 02 ngày làm việc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận.

3. Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì Tòa án chỉ nhận tiền đồng Việt Nam (VNĐ) và tiến hành như sau:

a) Thẩm phán yêu cầu thủ quỹ Tòa án đến trụ sở Tòa án và mời thêm người làm chứng;

b) Người gửi tiền cùng thủ quỹ Tòa án giao nhận từng loại tiền. Thẩm phán lập biên bản giao nhận và niêm phong, trong đó cần ghi đầy đủ cụ thể và mô tả đúng thực trạng vào biên bản;

c) Phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản trong thời gian gửi giữ tại Tòa án.

Thẩm phán yêu cầu người gửi, thủ quỹ Tòa án, người làm chứng phải có mặt vào ngày làm việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày lễ hoặc ngày nghỉ để mở niêm phong và giao nhận lại tiền;

d) Ngày làm việc tiếp theo sau khi kết thúc ngày lễ hoặc ngày nghỉ, những người có mặt khi niêm phong cùng chứng kiến mở niêm phong. Thủ quỹ cùng người gửi giao nhận lại từng loại tiền theo biên bản giao nhận và niêm phong. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong và giao nhận lại;

đ) Người phải thực hiện biện pháp bảo đảm mang khoản tiền đó đến gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng dưới sự giám sát của thủ quỹ Tòa án. Thủ quỹ Tòa án yêu cầu ngân hàng giao cho mình chứng từ về việc nhận khoản tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng và nộp cho Thẩm phán lưu vào hồ sơ vụ án.

Trường hợp người phải thực hiện biện pháp bảo đảm không đến Tòa án thì Thẩm phán mời thêm người làm chứng (có thể là Hội thẩm nhân dân) đến Tòa án chứng kiến việc mở niêm phong và giao trách nhiệm cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi tiền vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Thẩm phán phải lập biên bản mở niêm phong vắng mặt người phải thực hiện biện pháp bảo đảm và giao trách nhiệm cho thủ quỹ Tòa án thực hiện việc gửi tiền. Người phải thực hiện biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm do hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án;

e) Việc niêm phong, mở niêm phong phải được tiến hành theo quy định của pháp luật. Biên bản giao nhận và niêm phong, biên bản mở niêm phong và giao nhận lại phải được lập thành hai bản có chữ ký của Thẩm phán, người gửi, thủ quỹ Tòa án và người làm chứng. Một bản được giao cho người gửi và một bản lưu vào hồ sơ vụ án.

Điều 15. Về thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 137 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Tòa án thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại các điều 10, 11 và 12 của Nghị quyết này.

2. Trường hợp thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc phải thực hiện biện pháp bảo đảm ít hơn biện pháp bảo đảm mà họ đã thực hiện thì Tòa án xem xét quyết định cho họ được nhận lại toàn bộ hoặc một phần khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà họ đã gửi trong tài khoản phong tỏa tại ngân hàng theo quyết định của Tòa án, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 16. Về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc về việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án chuyển ngay cho Thẩm phán đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị để xem xét.

Đối với trường hợp khiếu nại, kiến nghị về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án tự mình xem xét, ra một trong các quyết định tại khoản 3 Điều này.

2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, Thẩm phán phải xem xét và xử lý như sau:

a) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đồng thời báo cáo kết quả cho Chánh án Tòa án;

b) Trường hợp Thẩm phán nhận thấy việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ thì Thẩm phán báo cáo về căn cứ ra quyết định của mình để Chánh án Tòa án xem xét, quyết định.

3. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Thẩm phán, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Không chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ.

b) Chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu khiếu nại, kiến nghị có căn cứ. Trường hợp này, Chánh án Tòa án phải quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án theo hướng dẫn tại khoản 3 điều này là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 17. Về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa quy định tại khoản 3 Điều 141 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trường hợp trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị nhưng chưa được Chánh án Tòa án xem xét, giải quyết. Tại phiên tòa, đương sự, Viện kiểm sát có yêu cầu giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó thì Hội đồng xét xử giải thích cho đương sự biết là theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị đó; tại phiên tòa, họ có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng hoặc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.

2. Trường hợp đương sự có khiếu nại, Viện kiểm sát có kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng xét xử tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận và thông qua tại phòng xử án.

3. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị thì không phải ra quyết định bằng văn bản nhưng phải thông báo công khai tại phiên tòa việc không chấp nhận, nêu rõ lý do và phải ghi vào biên bản phiên tòa. Trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận khiếu nại, kiến nghị thì phải ra quyết định bằng văn bản. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định này theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Hội đồng xét xử là quyết định cuối cùng.

Điều 18. Về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 291 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nếu có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc xem xét, giải quyết được thực hiện theo quy định tại các điều tương ứng của Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.

2. Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm mà trong đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho đương sự biết là Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm mà trong đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm giải thích cho đương sự là Tòa án cấp phúc thẩm chưa thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm nên không xem xét, giải quyết khiếu nại yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm. Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết khi đương sự có yêu cầu.

Điều 19. Việc tuyên về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án của Tòa án

1. Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa bằng một quyết định riêng và tuyên trong bản án. Việc tuyên trong bản án theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp không có căn cứ để thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đang được áp dụng thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số.... Ngày.... của Tòa án nhân dân.... về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời....”. Phần tuyên về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án không bị kháng cáo, kháng nghị. Việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại Chương VIII của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra Quyết định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp để bảo đảm thi hành án trong vụ án X. Tại phiên tòa giải quyết vụ án X, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời này thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định số 02/2020/QĐ-BPKCTT ngày 05-12-2020 của Tòa án nhân dân huyện A về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp”.

3. Trường hợp nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án thì Hội đồng xét xử tuyên trong bản án như sau: “Kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số... ngày... của Tòa án nhân dân... trong quá trình giải quyết vụ án bị hủy bỏ”.

Ví dụ: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án về việc giao con cho mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Trường hợp này, nội dung của quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được giải quyết trong bản án của Tòa án. Do đó, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc giao con cho cha trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày bản án đó của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24 tháng 9 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự.

3. Ban hành kèm theo Nghị quyết này là các biểu mẫu sau:

a) Mẫu số 01-DS Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (dành cho Thẩm phán)

b) Mẫu số 02-DS Quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm)

c) Mẫu số 03-DS Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)

d) Mẫu số 04-DS Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm)

đ) Mẫu số 05-DS Quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)

e) Mẫu số 06-DS Quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm)

g) Mẫu số 07-DS Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Thẩm phán)

h) Mẫu số 08-DS Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (dành cho Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm)

4. Các biểu mẫu từ Mẫu số 15-DS đến Mẫu số 22-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực pháp luật.

5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ (02 bản);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Các TAND và TAQS;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN




Nguyễn Hòa Bình

Mẫu số 01-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPBĐ(2)

……., ngày …. tháng ….. năm …….

QUYẾT ĐỊNH

BUỘC THỰC HIỆN BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………..

Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(3)…………..………..

……………………………..của(4)………………………………………………………………..;

địa chỉ(5): …………………………………………………………………………………………..

(6) ………………………………..trong vụ án(7) ……………………………………………….

đối với(8) ………………………………..; địa chỉ(9): …………………………………………….

(10) ……………………………………….. trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Buộc(11) ……………………………………………………………………………………. phải gửi tài sản bảo đảm (tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá) có giá trị là(12): .………………………………………………………………………………………………. vào tài khoản phong tỏa(13) ……………… tại Ngân hàng ………………………………………. địa chỉ(14): ……………………………………

2. Thời hạn thực hiện việc gửi tài sản bảo đảm là(15) ………………… ngày, kể từ ngày ……… tháng ………… năm ……….

3. Ngân hàng(16) ……………………………………. có trách nhiệm nhận vào tài khoản phong tỏa của mình và quản lý theo quy định của pháp luật cho đến khi có quyết định khác của Tòa án xử lý tài sản bảo đảm này.


Nơi nhận:
- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Ngân hàng(17) ……………………….;
- Lưu hồ sơ vụ án.

THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 01-DS

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPBĐ).

(3) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “kê biên tài sản đang tranh chấp” hoặc “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng”).

(4) và (5) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(6) và (7) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.

(8) và (9) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(10) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chú ý: Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các mục (6), (7) và (10).

(11) Ghi đầy đủ tên của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(12) Ghi giá trị được tạm tính.

(13) và (14) Ghi số tài khoản, chủ tài khoản phong tỏa, tên và địa chỉ của Ngân hàng nơi người phải thực hiện biện pháp bảo đảm gửi tài sản bảo đảm.

(15) Tùy từng trường hợp mà ghi thời hạn thực hiện việc gửi tài sản bảo đảm: a) Đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu trong giai đoạn từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi mở phiên tòa, thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là hai ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó có thể dài hơn, nhưng trong mọi trường hợp phải được thực hiện trước ngày Tòa án mở phiên tòa. Nếu tại phiên tòa thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng phải xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án. b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận.

(16) và (17) Ghi đầy đủ tên của Ngân hàng.

Mẫu số 02-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPBĐ(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

BUỘC THỰC HIỆN BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

TÒA ÁN NHÂN DÂN………………….

Với Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà) ………………………………………………..

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà) ………………………………………………………………..

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

2. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

3. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

Căn cứ vào Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(4).......... của(5) ………………………………………..; địa chỉ(6):……………………………. là(7) ……………………………………… trong vụ án(8) ……………………………… đối với(9) ……………………………………..; địa chỉ(10):…………………………………. là(11) ……………………………… trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Buộc(12) ……………………………………………………………………………………. phải gửi tài sản bảo đảm (tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá) có giá trị là(13): .……………………………………………………………………………………………….

Vào tài khoản phong tỏa(14) ……………… tại Ngân hàng ………………………………. địa chỉ(15): ……………………………………

2. Thời hạn thực hiện việc gửi tài sản bảo đảm là …………… ngày, kể từ ngày ……… tháng ……… năm ……….

3. Ngân hàng(16) ……………………………………. có trách nhiệm nhận vào tài khoản phong tỏa của mình và quản lý theo quy định của pháp luật cho đến khi có quyết định khác của Tòa án xử lý tài sản bảo đảm này.


Nơi nhận:
- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Ngân hàng(17) ……………………….;
- Lưu hồ sơ vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 02-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPBĐ).

(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”; đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.

(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “kê biên tài sản đang tranh chấp” hoặc “phong tỏa tài khoản tại ngân hàng”).

(5) và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(7) và (8) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.

(9) và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(11) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(12) Ghi đầy đủ tên của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(13) Ghi giá trị được tạm tính.

(14) và (15) Ghi số tài khoản, chủ tài khoản phong tỏa, tên và địa chỉ của Ngân hàng nơi người phải thực hiện biện pháp bảo đảm gửi tài sản bảo đảm.

(16) và (17) Ghi đầy đủ tên của Ngân hàng.

Mẫu số 03-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm …..

QUYẾT ĐỊNH

ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN…………………….

Căn cứ vào khoản(3)………… Điều 111 và khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời....(4) của(5) ……………………………………….; địa chỉ(6):……………………………………………… là(7)…………………………………………………… trong vụ án(8) ………………………………………………….. đối với(9) ………………………………; địa chỉ(10): ……………………… là(11)……………………………………………. trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(12)…………………………… là cần thiết(13) ………………………………………………………

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………… quy định tại Điều(14) ……… của Bộ luật Tố tụng dân sự;(15) ………………………………………………….

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.


Nơi nhận:
(Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự và lưu hồ sơ vụ án).

THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

- Nếu áp dụng bổ sung thì sau hai chữ "áp dụng" ghi thêm hai chữ “bổ sung”.

- Nếu thuộc trường hợp Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng (áp dụng bổ sung) biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bỏ từ “sau khi xem xét đơn yêu cầu” cho đến “trong vụ án nói trên”.

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 03-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Nếu trong quá trình giải quyết vụ án (thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì ghi khoản 1; nếu cùng với việc nộp đơn khởi kiện (thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì ghi khoản 2; nếu Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự) thì ghi khoản 3.

(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm” hoặc “kê biên tài sản đang tranh chấp”).

(5) và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(7) và (8) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.

(9) và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(11) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chú ý: Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các mục (7), (8) và (11).

(12) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu.

(13) Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự); “do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự).

(14) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng bị và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(15) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Buộc ông Nguyễn Văn A phải thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền là... đồng (hoặc đồng/tháng) cho bà Lê Thị B”; ví dụ 2: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Đại Dương tại Ngân hàng B, chi nhánh tại thành phố H. Số tiền là... đồng”).

Mẫu số 04-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………..

Với Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà) ………………………………………………..

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà) ………………………………………………………………..

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

2. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

3. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

Căn cứ khoản 2 Điều 112 và khoản………. (4) Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(5)..........

của ………………………………………..(6); địa chỉ(7):…………………………….

Là ………………………………………(8) trong vụ án …………………………………………(9)

Đối với ……………………………………..(10); địa chỉ(11):………………………………….

Là ………………………………(12) trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(13)... là cần thiết(14) ……..

QUYẾT ĐỊNH:

1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………. quy định tại Điều(15) …….. của Bộ luật Tố tụng dân sự;………………………………………………………….. (16)

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.


Nơi nhận:
- Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Lưu HS vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú:

- Nếu áp dụng bổ sung thì sau hai chữ “áp dụng” ghi thêm hai chữ “bổ sung”.

- Nếu thuộc trường hợp Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng (áp dụng bổ sung) biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì bỏ từ “sau khi xem xét đơn yêu cầu” cho đến “trong vụ án nói trên”.

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”; đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.

(4) Nếu tại phiên tòa thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi khoản 1; nếu Hội đồng xét xử tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi khoản 3.

(5) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu (ví dụ: “buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm” hoặc “kê biên tài sản đang tranh chấp”.

(6) và (7) Ghi tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(8) và (9) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án mà Tòa án đang giải quyết.

(10) và (11) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(12) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(13) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đã được ghi trong đơn yêu cầu.

(14) Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 (trong mẫu là khoản 2) Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự); “do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (khoản 2 Điều 11 của Bộ luật Tố tụng dân sự).

(15) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(16) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Buộc ông Nguyễn Văn A phải thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng số tiền là... đồng (hoặc đồng/tháng) cho bà Lê Thị B”; ví dụ 2: nếu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 124 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Phong tỏa tài khoản của Công ty TNHH Đại Dương tại Ngân hàng B, chi nhánh tại thành phố H. số tiền là... đồng”).

Mẫu số 05-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

THAY ĐỔI BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN ……………………….

Căn cứ vào khoản 1 Điều 112 và Điều 137 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(3)

…………………………. bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời(4)……………………

của(5) ……………………….……….; địa chỉ(6):………………………………………

là……………………………………(7) trong vụ án(8)………………………………….

đối với ……………………………(9); địa chỉ(10):………………………………………

……………………………………………………………………………………………

(11)……………………… ………. trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời(12) …………………………… đã được áp dụng bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời(13) ………………………………….. là cần thiết(14) …………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

1. Thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………… quy định tại Điều(15) ……… của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ……………… áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………… quy định tại Điều(16) …….. của Bộ luật Tố tụng dân sự……………………….. (17);

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và thay thế Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. của Tòa án nhân dân …………………………………..

3. Quyết định này được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.


Nơi nhận:
(Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự và lưu hồ sơ vụ án).

THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể đó được áp dụng (ví dụ: kê biên tài sản đang tranh chấp).

(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được đề nghị thay đổi (ví dụ: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp).

(5) và (6) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(7) và (8) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.

(9) và (10) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(11) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chú ý: Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì không ghi các mục (7), (8) và (11).

(12) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được áp dụng.

(13) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi.

(14) Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự); “do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (khoản 2 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự)].

(15) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(16) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ.

(17) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “kê biên tài sản đang tranh chấp là...; giao tài sản này cho... quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án).

Mẫu số 06-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

THAY ĐỔI BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN ………………..

Với Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà) ………………………………………………..

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà) ………………………………………………………………..

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

2. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

3. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

Căn cứ vào khoản 2 Điều 112 và Điều 137 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(4)..........………. bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời(5)…………………… của(6) ……………………….; địa chỉ(7): ……………………………………… là(8)…………………………… trong vụ án(9) …………………………………. đối với(10)……………………………; địa chỉ(11): ……………………………………… là……………………………….(12) trong vụ án nói trên;

Sau khi xem xét các chứng cứ liên quan đến việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Xét thấy việc thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời ……………………(13) đã được áp dụng bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………………………..(14) là cần thiết …………………………………..(15)

QUYẾT ĐỊNH:

1. Thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời …………… quy định tại Điều ………(16) của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ……………… áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời …………… quy định tại Điều ……..(17) của Bộ luật Tố tụng dân sự……………………….. (18)

2. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và thay thế Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. của Tòa án nhân dân …………………………………..

3. Quyết định này được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.


Nơi nhận:
(Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự và lưu hồ sơ vụ án).

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 06-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”; đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chủ ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.

(4) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng (ví dụ: kê biên tài sản đang tranh chấp).

(5) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được đề nghị thay đổi (ví dụ: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp).

(6) và (7) Ghi đầy đủ tên và địa chỉ của người làm đơn yêu cầu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(8) và (9) Ghi tư cách đương sự của người làm đơn trong vụ án cụ thể mà Tòa án đang giải quyết.

(10) và (11) Ghi tên và địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(12) Ghi tư cách đương sự của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(13) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể được áp dụng.

(14) Ghi biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi.

(15) Ghi lý do tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự [ví dụ: “để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự” hoặc “để bảo vệ chứng cứ” hoặc “để bảo đảm việc thi hành án” (khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự)].

(16) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(17) Biện pháp khẩn cấp tạm thời được đề nghị thay đổi quy định tại diều luật nào thì ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án áp dụng và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ.

(18) Ghi quyết định cụ thể của Tòa án (ví dụ 1: nếu thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 120 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “kê biên tài sản đang tranh chấp là...; giao tài sản này cho... quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án).

Mẫu số 07-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

HỦY BỎ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN …………………..

Căn cứ vào khoản 1 Điều 112 và Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Xét thấy(3) …………………………………………………………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ………… quy định tại Điều(4) ………… của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ………………. áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm …….. trong vụ án(5) ………………………………………….

2(6) …………………………………………………………………………………….

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay.


Nơi nhận:
(Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Ngân hàng nhận tài sản bảo đảm (nếu có) và lưu hồ sơ vụ án).

THẨM PHÁN
(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 07-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi theo quy định tại điểm đó (ví dụ: nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Xét thấy người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ”).

(4) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án hủy bỏ và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(5) Ghi quan hệ tranh chấp của vụ án mà Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

(6) Tùy từng trường hợp mà Tòa án quyết định việc người đã thực hiện biện pháp bảo đảm được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Mẫu số 08-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN....(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: ..../…../QĐ-BPKCTT(2)

……., ngày …. tháng ….. năm ……..

QUYẾT ĐỊNH

HỦY BỎ BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

TÒA ÁN NHÂN DÂN ………………………..

Với Hội đồng xét xử sơ (phúc) thẩm gồm có:(3)

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông (Bà) ………………………………………………..

(Các) Thẩm phán: Ông (Bà) ………………………………………………………………..

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

2. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

3. Ông (Bà) ……………………………………………………………………………………

Căn cứ vào khoản 2 Điều 112 và Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Xét thấy(4) ……………………………………………………………………………………..

QUYẾT ĐỊNH:

1. Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ………… quy định tại Điều …………(5) của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được Tòa án nhân dân ………………. áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số ……../……../QĐ-BPKCTT ngày …….. tháng …….. năm ……..

2. (6) …………………………………………………………………………………….

3. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay.


Nơi nhận:
- Ghi những nơi mà Tòa án phải cấp hoặc gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Lưu hồ sơ vụ án.

TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 08-DS:

(1) Ghi tên Tòa án nhân dân ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Tòa án nhân dân cấp cao thì ghi: Tòa án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2020/QĐ-BPKCTT).

(3) Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người thì chỉ ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, bỏ dòng “Thẩm phán”; đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ tên hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên Thẩm phán, họ tên ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân. Nếu Hội đồng xét xử giải quyết đơn yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời là Hội đồng xét xử phúc thẩm thì ghi họ tên Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, họ tên hai Thẩm phán, bỏ dòng “Các Hội thẩm nhân dân”.

(4) Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp nào quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi theo quy định tại điểm đó (ví dụ: nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ghi: “Xét thấy người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ”.

(5) Ghi tên biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án hủy bỏ và điều luật của Bộ luật Tố tụng dân sự mà Tòa án căn cứ (ví dụ: Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116).

(6) Tùy từng trường hợp mà Tòa án quyết định việc người đã thực hiện biện pháp bảo đảm được nhận lại chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự.

THE COUNCIL OF JUDGES
THE PEOPLE’S SUPREME COURT
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
-----------------

No. 02/2020/NQ-HDTP

Hanoi, September 24, 2020

 

RESOLUTION

ON GUIDELINES FOR CERTAIN REGULATIONS ON PROVISIONAL EMERGENCY MEASURES OF THE CIVIL PROCEDURE CODE

THE COUNCIL OF JUDGES OF THE PEOPLE’S SUPREME COURT

Pursuant to the Law on Organization of People's Court dated November 24, 2014;

For proper and consistent application of certain regulations on provisional emergency measures of the Civil Procedure Code dated November 25, 2015;

With the consent of Chief Procurator of the Supreme People’s Procuracy and Minister of Justice,

HEREBY RESOLVES:

Article 1. Scope

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Application of provisional emergency measures specified in clause 1 Article 111 of the Civil Procedure Code

1. The involved parties or their lawful representatives or agencies, organizations or individuals instituting the cases defined in Article 187 of this Code may petition the Courts handling such cases to apply one or more provisional emergency measures provided for in Article 114 of the Civil Procedure Code in the following cases:

a) To temporarily settle urgent requests of the involved party directly related to the case which is being settled by the Court which needs to be resolved immediately, if delayed, which will adversely affect the life, health, honor, dignity and property of the involved party;

For example: A inflicted injuries to B. The Court is resolving a claim for damages due to health infringement. B needs money immediately to treat injuries at the hospital, so B asks the Court to apply provisional emergency measures to force A to perform in advance a part of the obligation to make restitution for the damage caused.

b) To take and protect evidence of a case which is being handled or settled by the Court in a case where the involved party obstructs the taking of evidence or the evidence is being destroyed or likely to be destroyed or difficult to take thereafter;

For example: A sues B for a dispute over the boundary of property adjacent to B, A requests the Court to apply a provisional emergency measure in form of prohibiting the change of the current status of the property in dispute and forcing B to maintain the current status of the boundary separating the land, not to be relocated.

c) To preserve the existing state and avoid causing an incurable damage, i.e. preserving the relationship and subject matters directly related to the case being settled by the Court;

For example: In a divorce case, a passbook saving account at the bank is registered under the name of the wife, the husband requests the Court to apply the provisional emergency measure to block the account in the name of the wife to secure the division of the marital property.

d) In order to secure the resolution of the case or judgment enforcement, i.e. to make sure that the grounds for resolving the case are sufficient so that when the court judgments or decisions are enforced, they fully meet the conditions for judgment enforcement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For cases where provisional emergency measures are applied, during the period of suspension of resolution of the cases, the judges assigned to settle the cases must monitor and consider the change or cancellation of provisional emergency measures already applied when there is one of the grounds specified at Points a. b, c, d, e, f, Clause 1, Article 138 of the Civil Procedure Code.

During the time of suspension of resolution of a case, if the court is requested to apply provisional emergency measures, the judge in charge shall consider applying the provisional emergency measures.

3. The courts shall not apply provisional emergency measures in resolving civil cases specified in the Part 6 of the Civil Procedure Code.

4. In case of considering petitions for recognition and enforcement in Vietnam of civil judgments or decisions of foreign courts, if the petitioners have petitions for application of provisional emergency measures, the people's courts which are settling the cases according to first-instance procedures shall apply Clause 6, Article 438 of the Civil Procedure Code for settlement.

Article 3. Application of provisional emergency measures and submission of lawsuit petitions specified in clause 2 Article 111 of the Civil Procedure Code

1. When having one of the following grounds, simultaneously with the filing of lawsuit petitions (lawsuit petitions must be made in accordance with Article 189 of the Civil Procedure Code), agencies, organizations, and individuals may request competent courts to issue decisions on application of provisional emergency measures specified in Article 114 of the Civil Procedure Code:

a) Due to the emergency situation, i.e. it needs to be resolved immediately, without delay;

b) It is necessary to immediately protect evidence in cases where the sources of evidence are being destroyed or likely to be destroyed or difficult to take thereafter;

c) Preventing possible serious consequences (material or mental consequences).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Where the lawsuit petitions are under the jurisdiction of other courts, the courts which have received the lawsuit petitions immediately transfer the lawsuit petitions and petitions for application of provisional emergency measures to the courts competent to settle them.

4. Where the lawsuit petition already has contents to determine that the acceptance and settlement of the case is under the jurisdiction of the court which received the petition but needs further amendments to other contents, the court shall accept the application of the petition for application of provisional emergency measures immediately according to Clause 3, Article 133 of the Civil Procedure Code and the guidance in the Article 11 of this Resolution. The request for amendments to the lawsuit petition and acceptance of the case shall comply with Article 193 and 195 of the Civil Procedure Code.

Article 4. Cases of non-application of provisional emergency measures

1. Application of provisional emergency measures leading to the shutdown of enterprises or cooperatives.

For example: Application of provisional emergency measure to fully freeze the only account of the enterprise leading to the shutdown of the enterprise.

2. Application of prohibition of the transfer of property right over the property in dispute and  freezing of the property of the obligor as prescribed in clause 7 and clause 11 Article 114 of the Civil Procedure Code:

a) The secured property associated with the security that takes effect against a third party as prescribed in Article 297 of the Civil Code No. 91/2015/QH13 dated November 24, 2015
hereinafter referred to as the Civil Code), unless the petitioner for provisional emergency measure is also the secured party;

b) The property was auctioned by the auction house and the buyer has fully paid for purchase of the auctioned property, unless the auction result is cancelled in accordance with the provisions of law or otherwise agreed upon by the involved parties.

3. Application of measure to freeze an account at a bank or other credit institution as prescribed in clause 10 Article 114 of the Civil Procedure Code if the such account is used by the enterprise for discharge of liability to the credit institution as agreed in a credit agreement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The property is banned from circulation as prescribed by law; the property serving national defense, security and public interests;

b) Personal property, including: Food for essential needs; drugs to be used for prevention and treatment; necessary items of disabled people, items used to care for sick people; common worship items according to local customs; necessary and not-so-great-value labor tools shall be used as essential means of living of the person who is liable to provisional emergency measure; essential living items;

c) Property of enterprises, cooperatives, business entities including: Drugs serving the prevention and treatment of employees; food, tools and other assets serving meals to workers; daycare centers, schools, health facilities and other equipment, means and assets belonging to these establishments, if the property is not intended for business; equipment, means and tools to ensure occupational safety, fire prevention and safety, prevention and control of environmental pollution.

Article 5. Application of provisional emergency measures at the Court’s discretion as specified in clause 3 Article 111 of the Civil Procedure Code

1. The Court shall issue decisions at their discretion to apply the provisional emergency measures only if all of the following conditions are met:

a) The application of such provisional emergency measure relates to the case being settled;

b) The application of provisional emergency measure is strictly necessary to meet urgent requirements and falls under the cases specified in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5, Article 114 and Article 115 to Article 119 of the Civil Procedure Code;

c) The involved party’s failure to make a petition for application of provisional urgent measure is for the account of good reasons or objective hindrance.

For example: The Court shall issue a decision at their discretion to apply the provisional emergency measure of “Forcing the prior performance of part of the support obligation” as prescribed in clause 2 Article 114 and 116 of the Criminal Procedure Code when all the conditions below are met: The resolution of the case is related to the support request; it is deemed that such support is grounded; failure to perform part of the support obligation in advance will affect the health and life of the supported person and the involved party has not yet been able to exercise the right to request the court to apply provisional emergency measures.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For example: In a case of paternity establishment, the plaintiff asks the Court to identify Mr. A as father of C (12 years old), mother of C is legally incapacitated,  and C has no one to nurture, care for, no relatives. Deeming that Mrs. D has sufficient conditions specified in Article 49 of the Civil Code to voluntarily assume the guardianship, the Court issues a decision to apply provisional emergency measure at its discretion to assign C to Mrs. D for nurture and care in the course of the Court's resolution of the case.

Article 6. Application of provisional emergency measures specified in points b and c clause 2 Article 113 of the Civil Procedure Code

1. The petitioner for provisional emergency measure shall specify the provisional emergency measure in the petition as prescribed in Article 114 of the Civil Procedure Code. In case the provisional emergency measure is not specific or inaccurate, the Court shall request the amendment or supplementation of the petition.

2. The Court applies a provisional emergency measure different from the provisional emergency measure requested stated in the petition.

For example: Mr. A filed a petition asking the Court to apply the provisional emergency measure of attachment of Mr. B's house X but the Court issued a decision to freeze Mr. B's property Y at the place of deposit.

3. The Court apply provisional emergency measures in excess of the provisional emergency measures requested stated in the petition in terms of scope, size, quantity.

For example: Company C has filed a petition requesting the Court to apply an emergency measure to temporarily block the amount of VND 1 billion in company D's account at bank Z, but the Court applies the provisional emergency measure to block VND 1 billion in the account of company D and apply an additional measure to block company D's Y assets at the place of deposit.

4. Where the involved party changes his/her request for application of provisional emergency measure, the Court shall request him/her to make an additional petition. Procedures for change or supplementation of provisional emergency measures shall comply with Article 133 of the Civil Procedure Code.

Article 7. Attachment of property in dispute specified in Article 120 of the Civil Procedure Code

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The property in dispute is the subject matter of the dispute relationship being settled by the Court.

2. There are documents and evidence proving that the person holding the property in dispute disperses or destroys such property.

For example: There is a written evidence issued by the bailiff determining that the asset holder has smashed the disputed property.

Article 8. Prohibition or forcing the performance of certain acts specified in Article 127 of the Civil Procedure Code

Application of provisional emergency measure in form of prohibition or forcing the performance of certain acts in the following cases:

1. Affecting the resolution of the case is a case where the involved party or other agency, organization or individual commits or does not commit one or several acts of obstructing the process of taking documents and evidence or other acts that cause prejudice to the resolution of the case.

For example: In an appraisal visit, the defendant, Mr. B, locked the door to prevent the appraisal. At the request of the plaintiff, the Court may apply a measure to force Mr. B to open the door for the appraisal visit.

2. Affecting the legitimate rights and interests of other relevant people in a case being settled by the Court means the affected person is not the involved party in the case but the performance or non-performance of one or several acts of the involved party or agency or organization, other individual affects the rights and interests of such person.

Article 9. Prohibition of the obligors from leaving Vietnam specified in Article 128 of the Civil Procedure Code

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The person banned from entry is the involved party who is being asked by another involved party to perform his/her obligations;

b) His/her exit affects the resolution of the case, the interests of the State, the legitimate rights and interests of other agencies, organizations and individuals or to secure the judgment enforcement.

For example: The Court is handling the case, Mr. A initiated a lawsuit asking Mr. B for compensation of ten billion dong, Mr. B has no representative, no property in Vietnam. Mr. B  has applied for exit procedures, so Mr. A asked the Court to apply urgent measure to temporarily ban Mr. B from exit.

2. For foreigners, the courts shall not apply emergency measure to temporarily ban from exit to obligees but apply measures to postpone exit, extend the suspension of exit or relieve the suspension of exit as prescribed in Article 28 and Article 29 of the Law on Entry and Exit , transit and residence of foreigners in Vietnam.

Article 10. Procedures for application of provisional emergency measures specified in clause 2 Article 133 of the Civil Procedure Code

1. In cases where the Court receives the petition for the application of provisional emergency measures before the opening of the court session, the following actions shall be taken:

a) Within 03 working days from the date of receipt of the petition for the application of provisional emergency measures, the judge must consider the petition and accompanying documents and evidence proving the necessity of application of the temporary emergency measures. If a petition for application of provisional emergency measures does not contain the contents specified in Clause 1, Article 133 of the Civil Procedure Code, the Judge may request amendments and supplementation of the petition. If the evidence to support the petition for the application of provisional emergency measures is not sufficient, the Judge will request them to provide additional documents and evidence within 24 hours from the time of receiving the request of the Judge. The Judge can also ask for their opinion.

The Judge may ask the person subject to the provisional emergency measures to present an opinion prior to making a decision if such presentation guarantees the correct decision-making and does not interfere with the implementation of the decision on application of the provisional emergency measures. The Judge may not request the person subject to the provisional urgent measure to present their opinions in the case of the application of the provisional emergency measures at the request of the intellectual property right holder as provided for in Clause 2, Article 206 of the Intellectual Property Law;

b) After considering the petition, documents, evidences and listening to the presentation of the petitioner or the person subject to the application of provisional emergency measures (if any), if the request for application of urgent measures is accepted as specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 9, 12, 13, 14 and 17, Article 114 of the Civil Procedure Code, the Judge shall issue a decision to immediately apply the provisional urgent measure; if accepting the request for application of provisional emergency measures specified in Clauses 6, 7, 8, 10, 11, 15 and 16, Article 114 of the Civil Procedure Code, the Judge shall force the petitioner to furnish security. Immediately after the person presents the evidence that the security has been taken as prescribed in Clause 1, Article 136 of the Civil Procedure Code, the Judge shall issue a decision to immediately apply the provisional emergency measure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) If accepting the request for application of the provisional emergency measure and the petitioner does not have to furnish security, the Trial Panel shall immediately issue a decision to apply the provisional emergency measures;

b) If there are grounds to apply the provisional emergency measures and the petitioner has to furnish security, the Trial Panel shall issue a decision to apply the provisional emergency measures right after that person presents evidence that the security has been completely provided for as provided for in Clause 1, Article 136 of the Civil Procedure Code;

c) If documents and evidence proving the need for application of provisional emergency measures are insufficient, the Trial Panel shall suspend the court hearing as prescribed at Point c, Clause 1, Article 259 of the Civil Procedure Code within 02 working days and request the petitioner to provide additional evidence;

d) If the petition for application of provisional emergency measures is not accepted, the Trial Panel must immediately notify the petitioner in the court room and be recorded in the court session minutes.

Article 11. Procedures for processing petitions for application of provisional urgent measures and submission of lawsuit petitions specified in clause 3 Article 133 of the Civil Procedure Code

1. In case a petition for the application of provisional emergency measures is received as provided for in Clause 3, Article 133 of the Civil Procedure Code outside working hours (including days off), the recipient must report immediately with the Chief Justice of the Court. The Chief Justice of the Court shall immediately assign a Judge to accept and settle the petition.

2. Within 48 hours from the time of receiving the petition for the application of provisional emergency measures, the Judge must consider the lawsuit petition and accompanying evidence to determine whether the petition falls within the jurisdiction of the Court. If the lawsuit petition falls within its jurisdiction, the Court shall continue to consider and settle the petition for application of provisional emergency measures under the guidance in Clause 1, Article 10 of this Resolution. If the lawsuit petition does not fall under its jurisdiction, the lawsuit petition, petition for application of provisional emergency measures and accompanying evidence shall be returned to them.

Article 12. Determination of equivalent value upon freezing accounts, assets as prescribed in clause 4 Article 133 of the Civil Procedure Code

In the course of application of provisional emergency measures specified in Articles 124 and 125 of the Civil Procedure Code, the following should be distinguished:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Court may only freeze accounts and property with a value equal to or lower than the property obligations that the person subject to the provisional emergency measure is obliged to carry out. The petitioner for application of provisional emergency measures is obliged to prove the value of the frozen account or property. The petitioner for the application of provisional emergency measures is responsible for the truthfulness and accuracy of the documents relating to the determination of the value of the property and the account to be frozen. The Court shall take account of documents, evidence and relevant legal provisions to determine the value of the property subject to the application of provisional emergency measures;

3. Where the property requested to be frozen is indivisible property (which cannot freeze part of the property) with a value higher than the property obligation that the person subject to the provisional emergency measures has obligations to comply with the petition, the Court shall explain to the petitioner so that they make a petition for the application of property freezing or other provisional emergency measures. If petitioner still keeps the petition, the Court shall, pursuant to Clause 4, Article 133 of the Civil Procedure Code, refuse the petition for application of provisional emergency measures.

Article 13. Forced furnishing of security specified in clause 1 Article 136 of the Civil Procedure Code

1. The Judge or Trial Panel shall issue a decision to apply the provisional emergency measures when the petitioner has completely provided for a security at a bank, credit institution or court. A Judge's or Trial Panel's decision on enforcement of security takes immediate effect.

2. In order to impose an amount of money, precious metal, gemstones or papers equivalent to loss or damage that may arise as a result of the improper application of the provisional emergency measure, the Judge or the Trial Panel must anticipate and temporarily calculate the actual damage that can actually occur but not less than 20% of the provisional value of the property subject to the provisional emergency measures, unless there is clear evidence that the loss or damage is less than 20% of the provisional value of the property subject to the provisional emergency measure.

3. The anticipation and provisional calculation of possible actual damage depends on each specific provisional emergency measure, each specific case and is done as follows:

a) The Judge or Trial Panel shall request the petitioner to apply provisional emergency measures and temporarily calculate the actual damage that may occur. In case the opinions of the person subject to the application of the provisional emergency measures are sought as guided in Clause 1, Article 10 of this Resolution, they are requested to estimate and temporarily calculate the actual damage that may occur;

b) The estimated and provisional actual damage that may occur must be made in writing, clearly stating the damage amount and possible damage level, the grounds and rationale for the estimate and provisional calculation; in the court session, it is not required to be made in writing but must be recorded in the Court's minutes;

c) The Judge or the Trial Panel considers the estimate and provisional actual damage that may occur, based on the provisions of relevant legal documents to impose an amount of money, precious metal, gems or valuable papers and compel the petitioner for the application of provisional emergency measures to furnish security.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case Mr. B has grounds to believe that Mr. A sells the truck (with a copy of the sale and purchase contract), the sale and purchase contract, the provisions of the law on sale and purchase contracts shall prevail for the imposition. Assuming that there is a deposit in the contract that if the truck is not delivered in due date, the buyer will not buy and the seller must pay the buyer a deposit and an amount equal to the deposit; if the truck is distrained and still handed over to Mr. A for management and use, the actual damage that may occur is only a deposit amount; if the truck is distrained and handed over to a third party to preserve, the actual damage that may occur also includes remuneration, payment of maintenance costs to the custodian and damage caused by non-operation of the use of the truck.

In case Mr. B only has information that Mr. A wants to sell the truck and the truck is distrained and assigned to a third person to manage, the actual damage that may occur includes remuneration and payment of preservation expenses for the custodian and the damage caused by non-operation of the car; if the distrained truck is still handed over to Mr. A for management and use, no actual damage occurs.

Article 14. Forced furnishing security in form of sums of money, precious metals or valuable papers specified in clause 2 Article 136 of the Civil Procedure Code

1. As a general rule, sums of money, precious metals, gemstones or valuable papers must be put into blocked accounts at banks of where the Court making decisions to apply provisional emergency measures are located. If the place where such Court is located has many banks, the person required to furnish security may select one of those banks and notify the name, the address of the bank he/she chooses to the Court to make a decision on forced furnishing of security.

In case the person who must furnish security has an account or has money, precious metals, gems, valuable papers deposited at the bank where the head office of the court which decides to apply the provisional emergency measure is located and he/she request the Court to block part of the account or part of the money, precious metals, gems, and valuable papers deposited at that bank equivalent to their property obligations, the Court shall accept it.

2. The time limit for furnishing security is distinguished as follows:

a) For the case specified in Clause 1, Article 111 of the Civil Procedure Code, for the period from the acceptance of the case to the opening of the court hearing, the time limit for furnishing security is 2 working days from the time the Court issues the decision on forced furnishing security. In cases where there is a grounded reason, such time limit may be longer, but in all cases it must be done before the date the court opens the court hearing.

If at the court session, the furnishing security shall commence from the time when the Trial Panel issues a decision to force the furnishing security, but must present evidence that the security has been furnished before the Trial Panel enters the deliberation room to deliberate.

In case of receiving a request for application of provisional emergency measures at the court hearing, the Trial Panel shall consider, discuss and settle it in the court room. If the Trial Panel accepts the involved party's request to apply the provisional emergency measure and that is a case where security is required and he/she needs time to furnish the security and he/she cannot appear in court, the Trial Panel shall suspend the court session within 2 working days as provided for at Point b, Clause 1, Article 259 of the Civil Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. If the security is furnished on a holiday or a day off, the Court shall accept only Vietnamese Dong (VND) and proceed as follows:

a) The judge requests the Court cashier to come to the headquarters of the Court and invite additional witnesses;

b) The depositor and the Court cashier shall give and receive each type of cash. The judge shall make a record of the handover and seal it, which must fully specify and describe the correct circumstance in the record;

c) Necessary measures must be taken to preserve them while the security is furnished at the Court.

The judge requires the depositor, the Court cashier and the witness to appear on the next working day after the end of the holiday or day off to open the seal and return the money;

d) On the next working day after the end of the holiday or day off, those who were present when sealing shall witness the opening of the seal. The cashier and depositor shall give and receive each type of cash according to the handover record and seal. The judge must make a record of opening the seal and re-handover;

dd) The person who must furnish security shall bring such money to the blocked account at the bank under the supervision of the Court cashier. The Court cashier requires the bank to hand over the record of receipt of the money to the blocked account at the bank and submit it to the Judge for keeping in the case file.

In case the person who must furnish security does not appear in court, the judge will invite more witnesses (possibly the people's jurors) to the Court to witness the opening of the seal and assign the court cashier to deposit money into a blocked account at the bank. The judge must make a record on the opening of the seal in the absence of the person who must  furnish security and assign the court cashier to do the deposit. The person who must furnish security shall be held responsible for the failure to comply with the Court's request;

e) The sealing and opening of the seal must comply with the provisions of law. The record of handover and sealing, the record of opening the seal and the re-handover must be made in two copies and signed by the judge, the depositor, the court cashier and the witness. One copy is given to the depositor and one is kept in the case file.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Where the petitioner for application of provisional emergency measures files a petition requesting the Court to change or supplement other provisional emergency measures, the procedures for change or supplementation of other provisional emergency measures comply with Article 133 of the Civil Procedure Code and instructions in Articles 10, 11 and 12 of this Resolution.

2. In case of change of the provisional emergency measure but the petitioner does not have to furnish security or is required to furnish security less than the one that he/she has furnished, the Court shall consider and decide to allow him/her to receive back all or part of the money, precious metals, gems or valuable papers that he/she has deposited in the blocked account at the bank in accordance with the Court's decision, except for the case specified in Clause 1, Article 113 of the Civil Procedure Code.

Article 16. Settlement of complaint, motion for decisions on application, change or cancellation or non-application, non-change, non-cancellation of provisional emergency measures specified in Clauses 1 and 2, Article 141 of the Code Civil Procedure

1. After receiving the involved parties 'complaint or procuracy motion for a decision on application, change or cancellation of provisional emergency measure or the Judge's failure to issue a decision to apply or change and, to cancel the provisional emergency measure, the Chief Justice of the Court shall immediately transfer it to the Judge who issued the decision against which the complaint or motion is made.

For the case of complaint or motion on the application of exit suspension, extension of exit suspension, or clearance of exit suspension as guided in Clause 2, Article 9 of this Resolution, within 03 days after receiving the complaint or proposal, the Chief Justice shall, at his/her discretion, consider and issue one of the decisions specified in Clause 3 of this Article.

2. Within 24 hours from the time of receiving the complaint or motion, the judge must consider and proceed as follows:

a) If the judge finds that the application, change or cancellation of a provisional emergency measure or the failure to apply, change or cancel the provisional emergency measure is incorrect, the Judge shall issue a decision to change or supplement the provisional emergency measure; to cancel the provisional emergency measure already taken or make a decision to take the provisional emergency measure; at the same time report the results to the Chief Justice of the Court;

b) If the Judge finds that the application, change or cancellation of a provisional emergency measure, or non-application, change or cancellation of provisional emergency measure are justified, the Judge shall report the foundation of his/her decision-making to the Chief Justice of the Court for consideration.

3. Within 48 hours from the time of receiving the judge's report, the Chief Justice of the Court must consider and settle the complaint or motion and issue one of the following decisions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Accept the complaint of the involved party, motion of the procuracy if the complaint or motion is grounded. In this case, the Chief Justice of the Court must decide to change or supplement provisional emergency measures; to cancel the provisional emergency measure already taken or decide to take the provisional emergency measure.

4. The Chief Justice' decision on settlement of complaint, motion shall be the final one and must be issued or sent immediately according to the provisions of Clause 2, Article 139 of the Civil Procedure Code.

Article 17. Settlement of complaint, motion about decision on application, change or cancellation or non-application, non-change, non-cancellation of provisional emergency measure specified in Clause 3, Article 141 of the Code Civil Procedure

1. Before the opening of the court hearing, the Judge shall issue a decision on application, change or cancellation of a provisional emergency measure or non-application, non-change or non-cancellation of provisional emergency measure against which the complaint or motion is made but has not yet been considered and settled by the Chief Justice of the Court. At the court session, if the involved party or procuracy makes a request for settlement of such complaint or motion, the Trial Panel shall explain to the involved party that, according to Article 140 of the Civil Procedure Code, only the Chief Justice in charge shall have the authority to consider and settle such complaint or motion; at the court hearing, they have the right to request the Trial Panel to change or supplement provisional emergency measures; cancel the provisional emergency measure already taken or issue a decision to apply provisional emergency measure in accordance with the general provisions of the Civil Procedure Code and the guidance in this Resolution.

2. In case where the involved party makes complaint or the procuracy makes motion on the decision on application, change or cancellation of the provisional emergency measures or non-application, change or cancellation of the provisional emergency measure at the court hearing, the Trial Panel shall consider, discuss and approve in the court room.

3. If the Trial Panel does not accept the complaint or motion, it is not required to issue a written decision but must publicly announce it at the court session of rejection, clearly state the reasons and must be recorded in the minutes of the court session. If the Trial Panel accepts the complaint or motion, its decision must be made in writing. The Court must issue or send this decision according to the provisions of Clause 2, Article 139 of the Civil Procedure Code. The Trial Panel's decision on settlement of complaint or motion shall be the final one.

Article 18. Decision on application, change and cancellation of provisional emergency measure specified in Article 291 of the Civil Procedure Code

1. In the stage of preparation for appellate trial or at appellate court session, the settlement of any request to the appellate court for application, change or cancellation of the provisional emergency measure shall comply with the provisions of the corresponding articles of Chapter VIII "Provisional emergency measures" of the Civil Procedure Code and the guide in this Resolution.

2. In cases where the involved party files an appeal against the first-instance judgment or ruling with the first-instance Court and in the appeal, the involved party complains about the decision on application, change or cancellation of the provisional emergency measure of the first-instance court, the first-instance court shall notify the involved party that the first-instance court has no jurisdiction to settle such a complaint.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 19. The declaration of the application of provisional emergency measures in the Court's judgment

1. The Court shall apply, change or cancel provisional emergency measures prior to the opening of the court hearing or at the court hearing with a separate decision and pronounced in the judgment. The declaration in the judgment is guided in Clauses 2 and 3 of this Article.

2. In case there is no ground to change or cancel the provisional emergency measure already taken, the Trial Panel shall declare in the judgment as follows: “Continuing to maintain the provisional emergency measure in the Decision No. dated .... of the People's Court .... on the application of provisional emergency measure .... ” The statement of provisional emergency measure in the judgment shall not be appealed or protested. The cancellation of provisional emergency measure shall comply with Chapter VIII of the Civil Procedure Code.

For example: Example: Before the opening of the court hearing, the judge assigned to settle the case issued Decision No. 02/2020/QD-BPKCTT dated December 5, 2020 of the People's Court of district A applying provisional emergency measures in form of attachment of property to secure judgment enforcement in case X. At the court hearing to resolve case X, the Trial Panel finds that there are no grounds to cancel this provisional emergency measure, so the Trial Panel declares in the judgment as follows: “Continuing to maintain provisional emergency measure in Decision No. 02/2020/QD-BPKCTT dated December 5, 2020 of the People's Court of District A on the application of provisional emergency measure in form of attachment of property in dispute”.

3. Where the content of the decision on application of provisional emergency measure has been settled in the court judgment, the Trial Panel shall declare in the judgment as follows: “From the date this judgment takes legal effect by law, the decision on application of provisional emergency measure No ... dated ... of the People's Court ... in the process of settling the case is canceled ”.

For example: For example: Before the hearing, the judge assigned to resolve the case has issued a decision to take provisional emergency measure to grant temporary custody of the child to the father. At the court hearing, the Trial Panel grant the official custody of the child to the mother. In this case, the content of the decision on application of provisional emergency measure has been settled in the court judgment. Therefore, the decision on provisional emergency measure to grant temporary custody of the child to the father will be canceled from the date that such judgment of the Court takes legal effect.

Article 20. Entry into force

1. This Resolution is passed by the Council of Judges of the Supreme People's Court on September 24, 2020 and takes effect on December 1, 2020.

2. This Resolution replaces Resolution No. 02/2005/NQ-HDTP dated April 27, 2005 of the Council of Judges of the Supreme People's Court on guidelines for certain provisions in Chapter VIII “Provisional emergency measures” of the Civil Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Form No. 01-DS Decision on forced furnishing of security (for judges)

b) Form No. 02-DS Decision on forced furnishing of security (for the Trial Panel of First Instance and Appellate Trial Panel)

c) Form No. 03-DS Decision on application of provisional emergency measures (for judges)

d) Form No. 04-DS Decision on application of provisional emergency measures (for the Trial Panel of First Instance and Appellate Trial Panel)

dd) Form No. 05-DS Decision on change of provisional emergency measures (for judges)

e) Form No. 06-DS Decision on change of provisional emergency measures (for the Trial Panel of First Instance and Appellate Trial Panel)

g) Form No. 07-DS Decision on cancellation of provisional emergency measures (for judges)

h) Form No. 08-DS Decision on cancellation of provisional emergency measures (for the Trial Panel of First Instance and Appellate Trial Panel)

4. Forms from Form 15-DS to Form No. 22-DS, issued together with Resolution No. 01/2017/NQ-HDTP dated January 13, 2017 of the Council of Judges of the Supreme People's Court cease to be effective on the effective date of this Resolution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

ON BEHALF OF THE COUNCIL OF JUDGES
CHIEF JUSTICE




Nguyen Hoa Binh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/09/2020 hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


111.283

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.51.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!