Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Thanh tra 2022 số 11/2022/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 11/2022/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 14/11/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Luật Thanh tra 2022: Nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra

Luật Thanh tra 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, với nhiều điểm mới nổi bật giúp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.

Một trong những điểm mới đó là quy định về thời gian ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Theo đó, tại Điều 78 Luật Thanh tra 2022 có quy định về thời hạn ban hành kết luận thanh tra như sau:

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

- Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo;

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất 30 ngày từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Thanh tra 2010.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 11/2022/QH15

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2022

LUẬT

THANH TRA

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Thanh tra.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

2. Thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

3. Thanh tra chuyên ngành là thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực.

4. Định hướng chương trình thanh tra là văn bản xác định phương hướng và trọng tâm hoạt động thanh tra trong 01 năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ.

5. Kế hoạch thanh tra là văn bản xác định nhiệm vụ chủ yếu về thanh tra trong 01 năm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện Định hướng chương trình thanh tra và phục vụ yêu cầu quản lý.

6. Kế hoạch tiến hành thanh tra là kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

7. Phạm vi thanh tra là giới hạn cụ thể về nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra và thời kỳ thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.

8. Nội dung thanh tra là việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

9. Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra.

10. Thời kỳ thanh tra là khoảng thời gian thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực của đối tượng thanh tra được xem xét, đánh giá trong một cuộc thanh tra.

11. Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

12. Kết luận thanh tra là văn bản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành để đánh giá, kết luận và kiến nghị về nội dung đã thanh tra.

13. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

14. Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra.

15. Quyết định xử lý về thanh tra bao gồm quyết định của người tiến hành thanh tra để thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra để thực hiện kết luận thanh tra.

16. Người tiến hành thanh tra bao gồm người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác của Đoàn thanh tra.

17. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra bao gồm cơ quan thanh tra và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

18. Cơ quan thanh tra là cơ quan được thành lập theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

19. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

20. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là người được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Điều 3. Mục đích hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động thanh tra

1. Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.

2. Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

3. Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.

Điều 5. Chức năng của cơ quan thanh tra

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị về nội dung thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 7. Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan, người có thẩm quyền trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; lạm quyền trong quá trình tiến hành thanh tra.

2. Thanh tra không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt.

3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra.

5. Tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai.

6. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra.

7. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.

8. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người tiến hành thanh tra, người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.

9. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Chương II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA

Điều 9. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra

1. Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm:

a) Thanh tra Chính phủ;

b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);

c) Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện);

d) Cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

2. Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực bao gồm:

a) Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ);

b) Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra Tổng cục, Cục);

c) Thanh tra sở.

3. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

4. Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ.

5. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Mục 1. THANH TRA CHÍNH PHỦ

Điều 10. Vị trí, chức năng của Thanh tra Chính phủ

Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng chính sách, pháp luật về thanh tra;

b) Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Xây dựng kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ), cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra;

d) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra;

đ) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao;

g) Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

h) Thanh tra vụ việc khác khi được Thủ tướng Chính phủ giao;

i) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

k) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ;

l) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết;

m) Phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước;

n) Chỉ đạo công tác thanh tra, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, cấp chứng chỉ nghiệp vụ ngạch thanh tra viên;

o) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ

1. Tổng Thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Trong lĩnh vực thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra; ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện;

d) Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

đ) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thực hiện thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo;

e) Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

g) Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 1, điểm b, điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 55 của Luật này;

h) Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra mà Chánh Thanh tra Bộ không nhất trí với chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra tỉnh không nhất trí với chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đồng ý thì Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

i) Kiến nghị Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Thanh tra Chính phủ được phát hiện qua thanh tra; trường hợp kiến nghị không được chấp thuận thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

k) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nội dung trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên được phát hiện qua thanh tra;

l) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra, trừ trường hợp đã kiến nghị theo quy định tại điểm i và điểm k khoản này;

m) Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra Chính phủ phát hiện qua thanh tra;

n) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý đối với cá nhân thuộc quyền quản lý của Thủ tướng Chính phủ, của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 13. Tổ chức của Thanh tra Chính phủ

1. Thanh tra Chính phủ có Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra viên và công chức, viên chức.

2. Tổ chức của Thanh tra Chính phủ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 2. THANH TRA BỘ

Điều 14. Vị trí, chức năng của Thanh tra Bộ

1. Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của Bộ trưởng, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Tổng cục, Cục và cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu, xây dựng trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ;

b) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, hướng dẫn xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ trình Bộ trưởng ban hành;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

d) Thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trừ lĩnh vực được phân cấp cho Thanh tra Tổng cục, Cục, cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện;

đ) Thanh tra về nội dung có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

e) Thanh tra vụ việc khác khi được Bộ trưởng giao;

g) Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

h) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bộ, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng;

i) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết;

k) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với Thanh tra Tổng cục, Cục, cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra sở;

l) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; lãnh đạo Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

3. Quyết định thanh tra vụ việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ do Bộ trưởng giao;

4. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

5. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

6. Yêu cầu Tổng Cục trưởng, Cục trưởng chỉ đạo Thanh tra Tổng cục, Cục, yêu cầu Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của cơ quan đó; trường hợp Thủ trưởng các cơ quan đó không thực hiện yêu cầu thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định;

7. Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 55 của Luật này; báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các cơ quan thanh tra theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 55 của Luật này;

8. Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra chuyên ngành mà Chánh Thanh tra sở không nhất trí với Giám đốc sở, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục không nhất trí với Tổng Cục trưởng, Cục trưởng; trường hợp Giám đốc sở, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng không đồng ý với việc xử lý thì Chánh Thanh tra Bộ báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định;

9. Kiến nghị Bộ trưởng đình chỉ theo thẩm quyền việc thi hành quyết định trái pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ được phát hiện qua thanh tra;

10. Kiến nghị Bộ trưởng giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;

11. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra;

12. Kiến nghị Bộ trưởng xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 17. Tổ chức của Thanh tra Bộ

1. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Tổ chức của Thanh tra Bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 3. THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC

Điều 18. Vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục

1. Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của luật;

b) Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

3. Thanh tra Tổng cục, Cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tổng cục, Cục

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra Tổng cục, Cục giúp Tổng Cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, báo cáo Tổng Cục trưởng, Cục trưởng xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra Bộ tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục trong kế hoạch thanh tra của Bộ; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý;

c) Thanh tra vụ việc khác khi được Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng giao;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Tổng cục, Cục, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Cục trưởng, Cục trưởng;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của Tổng cục, Cục; lãnh đạo Thanh tra Tổng cục, Cục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

3. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

4. Báo cáo Tổng Cục trưởng, Cục trưởng để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Điều 21. Tổ chức của Thanh tra Tổng cục, Cục

1. Thanh tra Tổng cục, Cục có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục do Tổng Cục trưởng, Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra Bộ.

2. Tổ chức của Thanh tra Tổng cục, Cục được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 4. THANH TRA TỈNH

Điều 22. Vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là kế hoạch thanh tra của tỉnh), hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, Thanh tra huyện;

c) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;

đ) Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra;

e) Thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao;

g) Thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

h) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh, quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

i) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra sở, Thanh tra huyện và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi cần thiết;

k) Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với Thanh tra sở, Thanh tra huyện; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức thanh tra của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

l) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

3. Đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không thực hiện hoặc sở không có cơ quan thanh tra thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

4. Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

5. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

6. Đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra tỉnh phát hiện qua thanh tra;

7. Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra sở theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 55 của Luật này;

8. Xem xét, xử lý những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra hành chính mà Chánh Thanh tra sở không nhất trí với Giám đốc sở, Chánh Thanh tra huyện không nhất trí với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không đồng ý với việc xử lý của Chánh Thanh tra tỉnh thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

9. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;

10. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra;

11. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 25. Tổ chức của Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ.

2. Tổ chức của Thanh tra tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 5. THANH TRA SỞ

Điều 26. Vị trí, chức năng của Thanh tra sở

1. Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của luật;

b) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

c) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

3. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ.

Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra sở giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, báo cáo Giám đốc sở xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra sở trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra hành chính đối với đơn vị, cá nhân thuộc sở; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước;

c) Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra sở và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc sở;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra sở có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

3. Kiến nghị Giám đốc sở đình chỉ việc thi hành quyết định hoặc hành vi trái pháp luật của đơn vị, cá nhân thuộc sở;

4. Kiến nghị Giám đốc sở giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;

5. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 29. Tổ chức của Thanh tra sở

1. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh.

2. Tổ chức của Thanh tra sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 6. THANH TRA HUYỆN

Điều 30. Vị trí, chức năng của Thanh tra huyện

1. Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh.

Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra huyện giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra huyện, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra huyện trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và của Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra huyện và quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra huyện

Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra huyện có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện; lãnh đạo Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

2. Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

3. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra;

4. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;

5. Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức khác xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra;

6. Đề nghị người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra huyện phát hiện qua thanh tra.

Điều 33. Tổ chức của Thanh tra huyện

1. Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Chánh Thanh tra tỉnh.

2. Tổ chức của Thanh tra huyện được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 7. CƠ QUAN THANH TRA Ở CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Điều 34. Việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ

1. Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước;

b) Được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

2. Tổ chức của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Chính phủ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ

1. Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ.

Mục 8. CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 36. Giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong các trường hợp sau đây:

1. Theo quy định của luật;

2. Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Chính phủ giao cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực có liên quan.

Điều 37. Hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

1. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 1 Điều 34 của Luật này; hoạt động thanh tra do người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra là Thanh tra viên theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan.

3. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định về hoạt động thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chương III

THANH TRA VIÊN, NGƯỜI ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 38. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật.

2. Ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.

3. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trừ trường hợp là viên chức ở cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của Chính phủ.

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra và có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, không kể thời gian tập sự.

4. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên

1. Là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật này.

2. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.

3. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên trong lĩnh vực chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó.

4. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

5. Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.

Điều 40. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 của Luật này.

2. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

3. Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm.

4. Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 41. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp

1. Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 của Luật này.

2. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

3. Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên chính hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm.

4. Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 42. Miễn nhiệm Thanh tra viên

1. Việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;

b) Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;

c) Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

d) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của Luật này;

đ) Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;

e) Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch;

g) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

2. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm Thanh tra viên.

Điều 43. Trang phục, thẻ thanh tra

1. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra theo quy định của Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 44. Xây dựng, ban hành Định hướng chương trình thanh tra

1. Chậm nhất vào ngày 30 tháng 9 hằng năm, Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra của năm sau.

2. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 10 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm xem xét, phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra của năm sau.

Điều 45. Xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra

1. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên, yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực và địa phương.

2. Kế hoạch thanh tra bao gồm kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, kế hoạch thanh tra của Bộ và kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Kế hoạch thanh tra của Bộ bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục.

Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện; bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện.

3. Chậm nhất vào ngày 25 tháng 10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ, kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Chậm nhất vào ngày 30 tháng 10 hằng năm, căn cứ vào Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ hướng dẫn Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra tỉnh hướng dẫn Thanh tra sở, Thanh tra huyện xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

4. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của cơ quan mình.

5. Chậm nhất vào ngày 10 tháng 11 hằng năm, Thanh tra Tổng cục, Cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ; Thanh tra sở, Thanh tra huyện gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến Thanh tra tỉnh để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh.

6. Chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hằng năm, Chánh Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ; Chánh Thanh tra tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 hằng năm, Bộ trưởng có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ.

Chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

7. Kế hoạch thanh tra quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều này được gửi ngay đến đối tượng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 46. Hình thức thanh tra

1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.

2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.

3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 47. Thời hạn thanh tra

1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được quy định như sau:

a) Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày;

b) Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;

c) Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

2. Thời gian tạm dừng cuộc thanh tra quy định tại Điều 70 của Luật này không tính vào thời hạn thanh tra.

Điều 48. Gia hạn thời hạn thanh tra

1. Các trường hợp phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm:

a) Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra;

b) Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

c) Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.

2. Các trường hợp đặc biệt phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm:

a) Cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương;

b) Cuộc thanh tra có ít nhất 02 yếu tố quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trưởng đoàn thanh tra có văn bản gửi người ra quyết định thanh tra đề nghị gia hạn thời hạn thanh tra kèm theo dự thảo quyết định gia hạn thời hạn thanh tra; văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn.

4. Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi đến Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 49. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính

1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây:

a) Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;

b) Ban hành quyết định thanh tra;

c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;

d) Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây:

a) Công bố quyết định thanh tra;

b) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

c) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;

d) Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây:

a) Báo cáo kết quả thanh tra;

b) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;

c) Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;

d) Ban hành kết luận thanh tra;

đ) Công khai kết luận thanh tra.

Điều 50. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:

a) Chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.

Trường hợp để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp, trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thể quyết định việc thu thập thông tin theo quy định tại Điều 58 của Luật này;

b) Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp;

c) Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.

2. Trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

3. Trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, lĩnh vực, theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải bảo đảm có tối thiểu các thủ tục về ban hành quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, ban hành kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra.

Điều 51. Căn cứ ra quyết định thanh tra

Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:

1. Kế hoạch thanh tra;

2. Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;

3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

5. Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.

Điều 52. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

b) Bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc hoạt động thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra;

c) Xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các kiến nghị của Đoàn thanh tra và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

3. Trưởng đoàn thanh tra là người đứng đầu Đoàn thanh tra, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng phạm vi, nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.

Điều 53. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra

1. Hoạt động thanh tra thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Thành viên Đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của Trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

2. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về kết quả thanh tra của mình.

Điều 54. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng Trưởng đoàn thanh tra không xử lý thì thành viên đó không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

1. Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.

2. Chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra được xử lý như sau:

a) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Chính phủ với cơ quan thanh tra khác thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra;

b) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra Bộ thì các Chánh Thanh tra Bộ trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định;

c) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra;

d) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Bộ hoặc Thanh tra Tổng cục, Cục với cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ thì Chánh Thanh tra Bộ trao đổi với Thủ trưởng cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Chánh Thanh tra Bộ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định;

đ) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra;

e) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra Tổng cục, Cục với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thanh tra;

g) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra Tổng cục, Cục trong cùng một Bộ thì các Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Chánh Thanh tra Bộ xem xét, quyết định;

h) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra tỉnh với Thanh tra sở hoặc Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra tỉnh trao đổi với Chánh Thanh tra sở hoặc Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra;

i) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của các Thanh tra sở thì các Chánh Thanh tra sở trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xem xét, quyết định;

k) Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra sở với Thanh tra huyện thì Chánh Thanh tra sở trao đổi với Chánh Thanh tra huyện để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra sở tiến hành thanh tra;

l) Việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của cơ quan thanh tra của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với cơ quan thanh tra khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quy định khi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thành lập.

3. Việc xử lý chồng chéo, trùng lặp phát sinh trong hoạt động của các cơ quan thanh tra không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này do Tổng Thanh tra Chính phủ quy định hoặc xem xét, xử lý.

Điều 56. Thanh tra lại

1. Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

c) Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra;

d) Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

đ) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

2. Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.

3. Kết luận thanh tra lại phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này và phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 57. Hồ sơ thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc lập, bàn giao hồ sơ thanh tra.

2. Việc mở hồ sơ thanh tra bắt đầu từ ngày người có thẩm quyền ký ban hành quyết định thanh tra và kết thúc hồ sơ vào ngày người có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

3. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc hồ sơ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm hoàn thành việc lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.

Mục 2. CHUẨN BỊ THANH TRA

Điều 58. Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra

1. Trước khi ban hành quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phân công người thu thập thông tin có liên quan để làm rõ sự cần thiết tiến hành thanh tra, bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp.

2. Trường hợp cần làm rõ hoặc bổ sung thông tin để ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra cung cấp thông tin bằng văn bản về nội dung dự kiến thanh tra hoặc cử người thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến là đối tượng thanh tra.

3. Người thu thập thông tin có trách nhiệm báo cáo kết quả bằng văn bản với Thủ trưởng cơ quan thanh tra, trong đó nêu rõ những nội dung cần tiến hành thanh tra.

Điều 59. Ban hành quyết định thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.

2. Quyết định thanh tra bao gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ ra quyết định thanh tra;

b) Phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ thanh tra, nhiệm vụ thanh tra;

c) Thời hạn thanh tra;

d) Thành lập Đoàn thanh tra, bao gồm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên khác của Đoàn thanh tra.

3. Đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp.

4. Đối với cuộc thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này.

Điều 60. Đoàn thanh tra

1. Đoàn thanh tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và tự giải thể sau khi Trưởng đoàn thanh tra bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.

2. Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra và thành viên khác. Thành viên khác của Đoàn thanh tra bao gồm Thanh tra viên và người khác tham gia Đoàn thanh tra nhưng không phải là Thanh tra viên.

Trường hợp cần thiết, Đoàn thanh tra có Phó Trưởng đoàn thanh tra để giúp Trưởng đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được giao, phụ trách một số hoạt động của Đoàn thanh tra khi được Trưởng đoàn thanh tra giao.

Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có) phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên.

Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.

3. Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thanh tra trưng tập Thanh tra viên của cơ quan thanh tra cấp dưới hoặc người có chuyên môn, nghiệp vụ ở cơ quan, đơn vị khác tham gia Đoàn thanh tra. Việc trưng tập và tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập do Chính phủ quy định.

4. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

5. Người ra quyết định thanh tra có thể đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 61. Xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

2. Kế hoạch tiến hành thanh tra bao gồm các nội dung sau đây:

a) Mục đích, yêu cầu;

b) Phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ thanh tra, thời hạn thanh tra;

c) Phương pháp tiến hành thanh tra;

d) Tiến độ thực hiện;

đ) Chế độ thông tin, báo cáo;

e) Việc sử dụng phương tiện, kinh phí và điều kiện vật chất khác phục vụ hoạt động của Đoàn thanh tra.

3. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra và phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Đoàn thanh tra.

Điều 62. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo

1. Căn cứ nội dung thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

2. Chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra chuẩn bị báo cáo về nội dung thanh tra theo đề cương yêu cầu báo cáo. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ nội dung, hình thức báo cáo và thời hạn báo cáo.

Điều 63. Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra; văn bản thông báo phải nêu rõ địa điểm, thời gian, thành phần tham dự.

2. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì không thông báo việc công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra.

Mục 3. TIẾN HÀNH THANH TRA TRỰC TIẾP

Điều 64. Công bố quyết định thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra chủ trì việc công bố quyết định thanh tra.

2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm: Đoàn thanh tra, đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra mời đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.

Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản.

3. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản về hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra; trường hợp đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và tiếp tục thực hiện thanh tra theo kế hoạch.

Điều 65. Địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn thanh tra

1. Đoàn thanh tra làm việc tại trụ sở, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra, trụ sở cơ quan tiến hành thanh tra hoặc tại nơi tiến hành kiểm tra, xác minh theo kế hoạch tiến hành thanh tra.

2. Đoàn thanh tra làm việc với đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong giờ hành chính. Trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra quyết định về thời gian cụ thể sau khi đã trao đổi với đối tượng thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3. Địa điểm, thời gian làm việc của Đoàn thanh tra và việc thay đổi địa điểm, thời gian làm việc phải được thông báo trước đến đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 66. Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra

1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương; yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.

2. Đối với hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ thì người nhận hồ sơ, tài liệu có trách nhiệm trả lại đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thời gian trả lại chậm nhất là khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

3. Việc giao nhận, trả lại hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản.

4. Việc quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 67. Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu

1. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu thông tin, tài liệu đã thu thập được; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công.

Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên có quyền yêu cầu người có trách nhiệm, người có liên quan giải trình về những vấn đề chưa rõ; trường hợp cần làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra, người có liên quan thì Thanh tra viên báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

2. Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu, làm rõ vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra mời đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc hoặc yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

3. Trong trường hợp cần kiểm tra, xác minh sự việc hoặc làm rõ những vấn đề liên quan đến sự việc đã và đang xảy ra thì người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoặc đối tượng thanh tra có thể mời thêm đại diện chính quyền địa phương hoặc người khác làm chứng.

Điều 68. Xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra

1. Người tiến hành thanh tra phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền được quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để chấm dứt hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong trường hợp vi phạm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

2. Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì buộc chấm dứt hành vi vi phạm đó, xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, tiến hành xử phạt ngay theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không phải đợi kết luận thanh tra.

3. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.

Đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã phê duyệt; người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thanh tra về kết quả giải quyết vụ việc; trường hợp hết thời hạn xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không nhận được thông báo bằng văn bản hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết thì trao đổi với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để làm rõ lý do, nếu vẫn không đồng ý thì kiến nghị với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, giải quyết và báo cáo cơ quan thanh tra cấp trên.

4. Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị nghiêm cấm hoặc vi phạm nghĩa vụ của đối tượng thanh tra quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 69. Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra

1. Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra theo đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

2. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra đến các thành viên Đoàn thanh tra.

Điều 70. Tạm dừng cuộc thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong trường hợp sau đây:

a) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;

b) Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.

2. Khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

3. Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, quyết định tiếp tục cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.

Điều 71. Đình chỉ cuộc thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ;

b) Nội dung thanh tra đã được cơ quan thanh tra cấp trên kết luận;

c) Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra;

d) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có văn bản yêu cầu đình chỉ cuộc thanh tra;

đ) Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

2. Khi đình chỉ cuộc thanh tra, người tiến hành thanh tra có trách nhiệm hủy bỏ các biện pháp đã áp dụng theo thẩm quyền trong quá trình thanh tra.

3. Quyết định đình chỉ cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.

Điều 72. Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp

Khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và thông báo bằng văn bản cho đối tượng thanh tra biết; trường hợp cần thiết thì tổ chức buổi làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.

Mục 4. KẾT THÚC CUỘC THANH TRA

Điều 73. Báo cáo kết quả thanh tra

1. Sau khi kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo kết quả thanh tra gửi đến người ra quyết định thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:

a) Kết luận cụ thể về từng nội dung đã tiến hành thanh tra;

b) Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

c) Ý kiến khác nhau (nếu có) giữa thành viên khác của Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra;

d) Biện pháp xử lý đã được áp dụng và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có).

2. Trường hợp qua thanh tra phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra còn phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ sau đây:

a) Yếu kém về năng lực quản lý;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý;

c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

3. Báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ quy định của pháp luật làm căn cứ để xác định tính chất, mức độ vi phạm, kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả.

4. Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra được tính từ ngày Đoàn thanh tra kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp và được quy định như sau:

a) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;

b) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;

c) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Điều 74. Xem xét báo cáo kết quả thanh tra

Người ra quyết định thanh tra xem xét, đánh giá các nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.

Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra làm rõ hoặc bổ sung nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra.

Điều 75. Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra giao Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. Dự thảo kết luận thanh tra bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 78 của Luật này.

2. Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ thêm những vấn đề dự kiến kết luận về nội dung thanh tra.

3. Việc giải trình phải thực hiện bằng văn bản kèm theo thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung giải trình. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với người ra quyết định thanh tra xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.

4. Dự thảo kết luận thanh tra được gửi đến thành viên khác của Đoàn thanh tra để tham gia ý kiến trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Thành viên khác của Đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có quyền bảo lưu ý kiến về nội dung trong kết luận thanh tra trước người ra quyết định thanh tra. Ý kiến bảo lưu được thể hiện bằng văn bản gửi kèm theo dự thảo kết luận thanh tra.

5. Thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được tính từ ngày người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và được quy định như sau:

a) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;

b) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày;

c) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Điều 76. Tham khảo ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra

Trong quá trình xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể quyết định việc xin ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về một hoặc một số nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được đề nghị có văn bản trả lời về nội dung được xin ý kiến trong thời hạn theo đề nghị của người ra quyết định thanh tra.

Điều 77. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

1. Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

2. Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện thẩm định) để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

3. Người thực hiện thẩm định có quyền yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thẩm định; xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về kết quả thẩm định.

4. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Điều 78. Ban hành kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

2. Kết luận thanh tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra hành chính; đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên ngành;

b) Kết luận về nội dung thanh tra;

c) Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

d) Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

đ) Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục.

3. Trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

4. Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

5. Kết luận thanh tra sau khi công khai được gửi đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 79. Công khai kết luận thanh tra

1. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra theo hình thức quy định tại điểm a khoản 3 Điều này và một trong các hình thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều này.

2. Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật.

3. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:

a) Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;

b) Tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;

c) Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng. Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương; đối với cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương;

d) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 5. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI TIẾN HÀNH THANH TRA

Điều 80. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra;

c) Quyết định việc trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

d) Quyết định hoặc yêu cầu người có thẩm quyền quyết định tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị sử dụng trái pháp luật;

đ) Đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm;

e) Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản hoặc để bảo đảm thực hiện quyết định thu hồi tài sản của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;

g) Quyết định kiểm kê tài sản;

h) Quyết định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát;

i) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, chuyển công tác, cho thôi việc, cho nghỉ hưu đối với đối tượng thanh tra hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra nếu có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho hoạt động thanh tra;

k) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở hoạt động thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra;

l) Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra;

m) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra;

n) Đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra;

o) Ban hành kết luận thanh tra;

p) Chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Luật này;

q) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

r) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật.

2. Khi việc áp dụng biện pháp quy định tại các điểm d, đ, e, i và k khoản 1 Điều này không còn cần thiết thì người ra quyết định thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.

Điều 81. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;

b) Kiến nghị người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm thực hiện yêu cầu, mục đích thanh tra;

c) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra;

d) Yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quyết định việc tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị sử dụng trái pháp luật; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tạm giữ tài sản kiểm kê;

đ) Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản;

e) Quyết định niêm phong tài liệu;

g) Quyết định kiểm kê tài sản;

h) Đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm;

i) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, chuyển công tác, cho thôi việc, cho nghỉ hưu đối với đối tượng thanh tra hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra nếu có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho hoạt động thanh tra;

k) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

l) Báo cáo người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;

m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật.

2. Khi việc áp dụng biện pháp quy định tại các điểm d, đ, e, h và i khoản 1 Điều này không còn cần thiết thì Trưởng đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.

Điều 82. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của Đoàn thanh tra

1. Thành viên khác của Đoàn thanh tra là Thanh tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra;

b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra;

c) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

d) Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 81 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

đ) Báo cáo Trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo;

e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật.

2. Thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải là Thanh tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 1 Điều này.

Điều 83. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình

1. Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra là Thanh tra viên có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

2. Đối tượng thanh tra được yêu cầu có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Người tiến hành thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin và tài liệu đúng mục đích. Đối với tài liệu là bản gốc thì người tiến hành thanh tra có trách nhiệm trả lại đối tượng thanh tra sau khi kết thúc cuộc thanh tra.

Điều 84. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu

1. Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra là Thanh tra viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Người tiến hành thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu đúng mục đích. Đối với tài liệu là bản gốc thì người tiến hành thanh tra có trách nhiệm trả lại cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp sau khi khai thác, sử dụng.

Điều 85. Niêm phong tài liệu

1. Trưởng đoàn thanh tra quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng tài liệu đó có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu.

Quyết định niêm phong tài liệu phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài liệu cần niêm phong, thời hạn niêm phong và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Tài liệu niêm phong phải được lập thành danh mục có chữ ký của đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra.

2. Thời hạn niêm phong tài liệu không được dài hơn thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Việc khai thác, sử dụng tài liệu niêm phong phải được sự đồng ý của Trưởng đoàn thanh tra.

Điều 86. Kiểm kê tài sản

1. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra có liên quan đến nội dung thanh tra khi phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu, có hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản.

2. Quyết định kiểm kê tài sản phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài sản, thời gian và địa điểm kiểm kê, trách nhiệm của người tiến hành kiểm kê, nghĩa vụ của đối tượng có tài sản kiểm kê. Việc kiểm kê tài sản phải lập thành biên bản, trường hợp tài sản kiểm kê cần tạm giữ thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền quyết định tạm giữ theo quy định tại Điều 89 của Luật này.

Điều 87. Trưng cầu giám định

1. Khi cần đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn - kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định việc trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.

2. Cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định phải thực hiện việc giám định, thông báo kết quả giám định trong thời hạn theo đề nghị của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.

3. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 88. Đình chỉ hành vi vi phạm

1. Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện có hành vi vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm.

2. Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian đình chỉ, đối tượng có trách nhiệm thực hiện.

Điều 89. Tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

1. Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện việc sử dụng trái pháp luật tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền quyết định tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

2. Quyết định tạm giữ phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, thời gian tạm giữ, trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ, nghĩa vụ của đối tượng có tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Việc tạm giữ phải được lập thành biên bản.

3. Việc bảo quản, trông giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 90. Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra

1. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, quyết định thu hồi tài sản của người có thẩm quyền quy định tại Điều 89 và Điều 91 của Luật này thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

2. Trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

3. Việc yêu cầu phong tỏa tài khoản phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ mục đích phong tỏa, đối tượng có tài khoản bị phong tỏa, thời điểm, thời gian phong tỏa, trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng.

4. Tổ chức tín dụng nơi có tài khoản của đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ và báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu phong tỏa tài khoản.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 91. Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra

1. Người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi tài sản khi đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Quyết định thu hồi tài sản phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài sản phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thời gian thực hiện, trách nhiệm của đối tượng có tài sản bị thu hồi. Đối tượng có tài sản bị thu hồi phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi.

Người ra quyết định thu hồi tài sản có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 6. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐỐI TƯỢNG THANH TRA; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 92. Quyền của đối tượng thanh tra

1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:

a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác;

c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 93. Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra

1. Chấp hành quyết định thanh tra.

2. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người tiến hành thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

3. Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người tiến hành thanh tra và của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

Điều 94. Khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.

Điều 95. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của mình, của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý về thanh tra của mình và của các cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Điều 96. Tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra

1. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người kiến nghị.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra.

4. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra.

Mục 7. GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH TRA

Điều 97. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát người đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Điều 98. Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

1. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

2. Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.

3. Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Điều 99. Nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát

1. Xây dựng kế hoạch giám sát trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

2. Làm việc với Đoàn thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát. Người thực hiện giám sát chỉ làm việc với đối tượng thanh tra khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.

3. Yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu sau đây:

a) Quyết định thanh tra, quyết định gia hạn thời hạn thanh tra, quyết định đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra, quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra;

b) Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên khác của Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra và của Trưởng đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra;

c) Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra (nếu có);

d) Tài liệu khác theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

4. Báo cáo người ra quyết định thanh tra về nội dung theo kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và nội dung khác theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; trường hợp hoạt động của Đoàn thanh tra không đúng với kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc phát hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra thì phải báo cáo người ra quyết định thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 100. Trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát

1. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 99 của Luật này.

2. Giải trình, làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người thực hiện giám sát.

3. Báo cáo người ra quyết định thanh tra khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của người thực hiện giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Điều 101. Tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát

1. Việc giám sát được thực hiện trên cơ sở kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

2. Người thực hiện giám sát tiến hành xem xét, đánh giá báo cáo của Đoàn thanh tra và thông tin, tài liệu khác có liên quan đến nội dung trong kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

3. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp, người thực hiện giám sát phải gửi báo cáo kết quả giám sát đến người ra quyết định thanh tra; trường hợp giám sát đột xuất theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra thì thời hạn gửi báo cáo do người ra quyết định thanh tra quyết định.

4. Kết quả giám sát là một trong các căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ban hành kết luận thanh tra.

Chương V

THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 102. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải có văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp để chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra.

Văn bản kiến nghị phải được gửi đồng thời với kết luận thanh tra, trong đó đề xuất cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện đối với các kiến nghị trong kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Điều 103. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

1. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.

Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra sở.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra. Đối với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản tổ chức thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra. Văn bản tổ chức thực hiện có các nội dung sau đây:

a) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

3. Khi chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra trình phương án khắc phục sai phạm về kinh tế, giao người ban hành kết luận thanh tra và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, trình để phê duyệt phương án khắc phục sai phạm bảo đảm thu hồi triệt để tiền và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

4. Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tiến hành xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được nêu trong kết luận thanh tra; giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức không xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật hoặc xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 104. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Đối tượng thanh tra phải thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn.

Đối với những nội dung trong kết luận thanh tra mà chưa thực hiện được ngay, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra phải xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra trình người có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tiến độ và giải thích lý do.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, căn cứ nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình;

b) Kịp thời chỉ đạo đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

d) Kiểm tra việc xây dựng phương án thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra.

3. Đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Điều 105. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, công khai việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh.

2. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

3. Cơ quan thanh tra tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 106. Xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra

1. Người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mà không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

Chương VI

PHỐI HỢP TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC, ĐIỀU TRA

Điều 107. Trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra

Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

Điều 108. Trách nhiệm phối hợp của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước

1. Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Tổng Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước.

2. Việc phối hợp được thực hiện trong quá trình xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; cung cấp, trao đổi thông tin về thanh tra, kiểm toán; sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm toán.

3. Hằng năm, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đánh giá, tổng kết việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước để khắc phục khi xây dựng kế hoạch, trong thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước cho năm sau.

Điều 109. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, chuyên ngành

Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động, trao đổi thường xuyên để tránh chồng chéo, trùng lặp khi tiến hành thanh tra, kiểm toán.

Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thanh tra khác hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên và thông báo cho cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 110. Tham khảo ý kiến, sử dụng kết quả trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước

1. Trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước hoặc trước khi ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán nhà nước có thể tham khảo ý kiến của nhau về những nội dung cần thiết để bảo đảm cho kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán chính xác, khách quan, đầy đủ.

2. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có quyền sử dụng thông tin, số liệu, kết luận trong báo cáo kiểm toán của kiểm toán nhà nước để phục vụ cho việc kết luận thanh tra. Cơ quan kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cung cấp kết quả kiểm toán, kết luận, kiến nghị kiểm toán cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Điều 111. Trách nhiệm của cơ quan điều tra

Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kiến nghị khởi tố và hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tài liệu có liên quan do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Chương VII

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 112. Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên

1. Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2. Việc quản lý, cấp và sử dụng ngân sách của cơ quan thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

4. Chế độ, chính sách, phụ cấp và chế độ đặc thù đối với Thanh tra viên do Chính phủ quy định.

Điều 113. Đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra

1. Nhà nước có chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác để bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

2. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để tăng cường hoạt động thanh tra và thúc đẩy hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 114. Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ

1. Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Chính phủ quy định.

2. Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về ngân hàng.

3. Tổ chức và hoạt động thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về cơ yếu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 115. Tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ

1. Cơ quan thanh tra của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước được thành lập theo quy định của pháp luật, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ vào quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan khác của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ theo quy định của Chính phủ để giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ quan, đơn vị mình.

Điều 116. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14 và Luật số 67/2020/QH14 như sau:

a) Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục khác thuộc Bộ và tương đương;” vào sau cụm từ “Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;” tại đoạn mở đầu khoản 2;

b) Bổ sung cụm từ “Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh,” vào trước cụm từ “Cục trưởng Cục Thống kê,” tại đoạn mở đầu khoản 3.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 160 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 như sau:

“a) Thanh tra theo kế hoạch;”.

Điều 117. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 118. Quy định chuyển tiếp

Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12./.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--------------

No. 11/2022/QH15

Hanoi, November 14, 2022

 

LAW

INSPECTION

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Inspection.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law elaborates organization and activities of inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



For the purposes of this Law, the terms below are construed as follows:

1. Inspection means examination, assessment and handling of inspection-conducting authorities for implementation of policies and laws, performance of tasks and exercise of powers of agencies, organizations and individuals according to procedures as specified by the law Inspection includes administrative inspection and specialized inspection.

2. Administrative inspection means inspection of implementation of the assigned policies and laws, performance of the assigned tasks and exercise of the assigned powers of agencies, organizations and individuals under management of the state agencies.

3. Specialized inspection means inspection of the observance of specialized laws, professional-technical regulations and management rules of agencies, organizations and individuals under management according to sectors and domains.

4. Inspection program orientation means a document on orientations and focus on inspection in a year, approved by the Prime Minister upon the request of the Inspector General of the Government Inspectorate.

5. Annual inspection plan means a document on major tasks in inspection in a year that has been issued by the competent state agency for implementation of the inspection program orientations and management requirements.

6. Detailed inspection plan means a plan to conduct an inspection made by the chief of the inspectorate and approved by the person who makes decision on inspection.

7. Inspection scope means specific limit on contents of inspection, inspected entities and period of inspection specified in the decision on inspection.

8. Inspection contents include implementation of the assigned policies and laws, performance of the assigned tasks and exercise of the assigned powers, professional-technical regulations and management rules of the sectors and domains of inspected entities and relevant agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Inspection period means the duration of implementation of the assigned policies and laws, performance of the assigned tasks and exercise of the assigned powers, professional-technical regulations and management rules of the sectors and domains of inspected entities under consideration and assessment in an inspection.

11. Duration of inspection means the duration from the date of declaration of the decision on inspection to the date of completion of the direct inspection.

12. Inspection conclusion means a document signed and issued by the head of the inspection-conducting authority to assess, conclude and make recommendations on the inspected contents.

13. Appraisal of the draft inspection conclusions means consideration and assessment to make comments and recommendations for improvement of the draft inspection conclusions.

14. Supervision of operation of an inspectorate means monitoring, consideration and assessment of the observance of the law, the compliance with ethical standards, code of conduct, the sense of discipline and the performance of the assigned tasks of the chief and other members of the inspectorate throughout the duration of inspection.

15. Inspection-related decisions include the decisions of inspection-conducting persons to exercise the rights in inspection and the decision of the head of the competent state management agency or the head of the inspection-conducting authority to make inspection conclusions.

16. Inspection-conducting persons include the person who issues the decision on inspection, the chief and other members of the inspectorate.

17. Inspection-conducting authority includes an inspection authority and a specialized authority assigned to conduct inspection.

18. An inspection authority means an authority established under this Law and other relevant laws. The inspection authority shall conduct inspection, receive citizens, settle complaints and denunciations, and organize anti-corruption in accordance with the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20. Person assigned to perform specialized inspection means a person assigned to perform inspection of the specialized authority assigned to conduct inspection.

Article 3. Purposes of inspection

Inspection aims to detect limitations and shortcomings in management mechanisms, policies and laws, then recommend solutions and remedies to competent state agencies; prevent, detect and handle law violations; assist agencies, organizations and individuals in properly observing law; promote positive factors; contribute to raising the efficiency and effectiveness of state management; and protect the interests of the State and the rights and legal interests of agencies, organizations and individuals.

Article 4. Principles of inspection

1. Compliance with law and assurance about accuracy, objectiveness, transparency, democracy and promptness.

2. No obstruction to normal operations of inspected entities and other agencies, organizations and individuals.

3. No duplication in the scope and duration of inspection among inspection authorities, between inspection authorities and state audit agencies; no duplication in exercise of the rights in case of inspection.

Article 5. Functions of inspection authorities

The inspection authority shall, within the scope of its tasks and powers, assist competent state agencies in performing the state management of inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption; and inspect, receive citizens, settle complaints and denunciations and organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The heads of state management agencies shall, within the scope of their tasks and powers, organize and direct inspection and examination in order to ensure the effectiveness and efficiency of state management.

2. The heads of state management agencies shall regularly examine the performance of the assigned tasks and powers of agencies, organizations and individuals under their management; the observance of policies and laws of agencies, organizations and individuals in the sectors and domains under their responsibilities to ensure the effectiveness and efficiency of state management.

During the inspection, the heads of state management agencies shall, in case of detection of violations, adopt or request competent state agencies to adopt measures as prescribed by law to promptly handle violations; request competent agencies to conduct inspection, if necessary; in case criminal offences are suspected, propose prosecution and transfer the relevant documents and case files to the investigation agencies for consideration and decision on the prosecution of criminal cases in accordance with regulations of the law.

3. The Prime Minister, ministers and the heads of ministerial-level agencies (hereinafter referred to as “ministers”), the heads of Governmental agencies, the presidents of the People's Committees of provinces, the heads of specialized agencies under the People's Committees of provinces, the presidents of the People's Committees of districts and heads of other state management agencies shall, within the scope of their tasks and powers, organize and direct inspection and promptly handle conclusions and recommendations on inspection contents and take responsibilities to the law for their decisions.

Article 7. Cooperation between the inspection-conducting authority and relevant agencies and organizations

1. The inspection-conducting authority shall, within the scope of their tasks and powers, cooperate with the Public Security, the People’s Procuracy, state audit agencies, relevant agencies and organizations and competent persons in preventing, detecting and handling law violations.

2. The investigation agency and the People’s Procuracy shall, within the scope of their tasks and powers, consider proposal for prosecution of criminal cases from the inspection-conducting authority and reply in writing on handling of such proposal.

3. Relevant agencies, organizations and individuals shall comply with requests, recommendations of the inspection-conducting authority and inspection-related decisions; and reply in writing on their compliance.

Article 8. Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Conducting inspection beyond competence, contents of decision on inspection and detailed inspection plans that have been approved.

3. Intentionally refraining from issuance of decisions on inspection in case of detection of signs of violations that must be inspected according to regulations of the law; intentionally making untruthful conclusions; covering up inspected entities; making conclusions, decisions or taking actions against the law; failing to propose prosecution and transfer the files of cases with signs of criminal offences detected during inspection to the investigation agencies, which will decide whether to initiate prosecution in accordance with regulations of the law.

4. Giving, receiving or brokering bribes.

5. Disclosing information or documents related to inspection before publishing official conclusions.

6. Illegally intervening in inspection; falsifying inspection results, conclusions and recommendations.

7. Failing to provide information or documents, or promptly provide accurate or truthful information or documents; appropriating or destroying documents or material evidences related to inspection contents.

8. Opposing, obstructing, bribing, intimidating, taking revenge on or victimize inspection-conducting persons, supervisors, appraisers or persons who provide information or documents to the inspection-conducting authority; causing difficulties to inspection.

9. Committing other acts prohibited by law.

Chapter II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 9. Inspection-conducting authorities

1. Inspection authorities according to administrative divisions include:

a) Government Inspectorate;

b) Inspectorates of central-affiliated cities and provinces (hereinafter referred as ”provincial inspectorates”);

c) Inspectorates of districts, district-level towns and cities (hereinafter referred as ”district inspectorates”);

d) Inspection authorities at special administrative-economic units according to regulations of the National Assembly.

2. Inspection authorities according to the sectors and domains include:

a) Inspectorates of ministries and ministerial-level agencies (hereinafter referred to as “ministerial inspectorates”);

b) Inspectorates of the Departments of the Ministries and equivalents agencies (hereinafter referred to as “sub-ministerial inspectorates”);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Inspection authorities of Governmental agencies

4. Inspection authorities in the People's Army, the People's Public Security, the State Bank of Vietnam and cipher agencies of the Government.

5. Specialized authorities assigned to conduct inspection.

Section 1. GOVERNMENT INSPECTORATE

Article 10. Position and functions of Government Inspectorate

The Government Inspectorate is an agency of the Government which assists the Government in performing state management of inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption nationwide; and directly inspects, receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 11. Tasks and powers of the Government Inspectorate

1. The Government Inspectorate shall assist the Government in performing state management of inspection and have the following tasks and powers:

a) Develop policies and laws on inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Develop annual inspection plans of the Government Inspectorate; direct ministries, ministerial-level agencies (hereinafter referred to as “ministries”), Governmental agencies and the People's Committees of provinces to develop annual inspection plans;

d) Organize implementation and direct ministries, Governmental agencies and the People's Committees of provinces to organize the implementation of annual inspection plans;

dd) Inspect implementation of policies and laws, performance of tasks and exercise of powers of ministries, Governmental agencies and the People's Committees of provinces;

e) Inspect management of state capital and assets in state enterprises under assignment of the Prime Minister;

g) Inspect complicated cases related to management responsibilities of many ministries, Governmental agencies and the People's Committees of provinces;

h) Inspect other cases assigned by the Prime Minister;

i) Re-inspect cases which the conclusions have been made by the ministerial inspectorates, the inspection authorities of Governmental agencies or the provincial inspectorates in case of detection of signs of law violations.

k) Monitor, urge and examine the implementation of conclusions, recommendations and inspection-related decisions of the Prime Minister and the Government Inspectorate;

l) If necessary, examine the accuracy and lawfulness of conclusions on inspection of the ministerial inspectorates, the inspection authorities of Governmental agencies or the provincial inspectorates and decisions on handling after inspection of the ministers, the heads of Governmental agencies or the presidents of the People's Committees of provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



n) Direct inspection, carry out refresher training and provide professional guidance on inspection, grant certificates of inspector training;

o) Summarize and report the results of inspection.

2. Assist the Government in performing state management of reception of citizens, settlement of complaints and denunciations; perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Assist the Government in performing state management of anti-corruption; perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 12. Tasks and powers of the Inspector General of the Government Inspectorate

1. The Inspector General of the Government Inspectorate is a member of the Government. The Inspector General shall be responsible to the National Assembly, the Government and the Prime Minister for inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption.

Deputy Inspectors General shall assist the Inspector General in performing duties under assignment of the Inspector General.

2. The Inspector General shall have the following tasks and powers:

a) Lead, direct and examine inspection within the scope of state management of the Government; direct the Government Inspectorate to perform its tasks and powers under this Law and other regulations of relevant laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Submit to the Prime Minister for approval for inspection program orientations; make annual inspection plans of the Government Inspectorate, organize and direct the implementation;

d) Decide inspection in case of detection of signs of law violation;

dd) Request ministers, the heads of Governmental agencies and the presidents of the People's Committees of provinces to decide inspection of cases with signs of law violation; in case the Ministers, the heads of Governmental agencies and the presidents of the People's Committees of provinces fail to decide inspection, the Inspector General shall issue decision on inspection or report to the Prime Minister for direction;

e) Decide re-inspection of cases which the conclusions have been made by the ministerial inspectorates, the inspection authorities of Governmental agencies or the provincial inspectorates in case of detection of signs of law violation;

g) Handle overlaps and duplications between inspection and state audit; among inspection of inspection authorities specified in Clause 1, points b and d Clauses 2 and 3 of Article 55 of this Law;

h) Consider and settle inspection-related matters which opinions of the ministerial chief inspectors are different from direction of ministers or opinions of the provincial chief inspectors are different from direction of the presidents of the People's Committees of provinces. In case the ministers and the presidents of the People's Committees of provinces disagree with the Inspector General, the Inspector General shall report to the Prime Minister for consideration and decision.

i) Recommend the ministers and the presidents of the People's Committees of provinces to terminate the implementation or annul legal documents issued by those which are contrary to Constitution, laws, legal documents of superior state agencies or the Inspector General in case of detection via inspection. Request the Prime Minister to considerate and decide in case of refusal of recommendation;

k) Recommend the Prime Minister to terminate the implementation of a part or the whole of Resolution of the People's Council of province which is contrary to the Constitution, laws and legal documents of superior state agencies in case of detection via inspection; report to the Prime Minister to request the Standing Committee of National Assembly to annul a part or the whole of Resolution of the People's Council of province which is contrary to the Constitution, laws and legal documents of superior state agencies in case of detection via inspection;

l) Recommend competent state agencies to amend or promulgate regulations to meet management requirements; recommend the termination of implementation or annulment of unlawful regulations that have been detected via inspection, except for cases that have been recommended at points i and k of this Clause.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



n) Recommend the Prime Minister, competent agencies and organizations to consider liability and handle individuals under the management of the Prime Minister, competent agencies and organizations, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions, recommendations and inspection-related decisions; request the heads of other agencies or organizations to consider liability and handle individuals under their management, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions, recommendations and inspection-related decisions.

Article 13. Organization of Government Inspectorate

1. The Government Inspectorate includes the Inspector General, Deputy Inspectors General, inspectors, officials and public employees.

2. The organization of Government Inspectorate shall comply with regulations of the law on organization of the Government and other regulations of relevant laws.

Section 2. MINISTERIAL INSPECTORATES

Article 14. Position and functions of ministerial inspectorates

1. The ministerial inspectorate is an agency of the Ministry, which assists the Minister in performing state management of inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption; conducts administrative inspection for agencies, organizations and individuals under the management of the Ministry; performs specialized inspection in sectors under state management of the Ministry according to regulations of the Minister and ensures no duplications with the functions and tasks of sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the Ministry; receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

2. The ministerial inspectorates shall be subject to the direction and management of the ministers and the direction of inspection, professional guidance of the Government Inspectorate.

Article 15. Tasks and powers of ministerial inspectorates

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Advise, develop and submit to the ministers for promulgation of regulations, guide and urge the implementation of regulations on organization and inspection under state management competence of ministries;

b) Develop draft plans for inspection of the ministries, guide the development of draft plans for inspection of sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries to synthesize into annual inspection plans of the ministries for submission to the ministers for promulgation;

c) Organize implementation of annual inspection plans of ministerial inspectorates; monitor, urge and examine implementation of annual inspection plans of sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries

d) Conduct administrative inspection for agencies, organizations and individuals under the management of the ministers; conduct specialized inspection in the sectors under state management of the ministries, except for sectors that the sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries have been assigned to implement;

dd) Inspect contents relevant to many sectors under state management of the ministries;

e) Inspect other cases assigned by the ministers;

i) Re-inspect cases which the conclusions have been made by sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries; cases under state management of the ministries, which the conclusions have been made by inspectorates of provincial-level departments in case of detection of signs of law violations via consideration and handling of complaints, denunciations, recommendations and reflections;

h) Monitor, urge and examine the implementation of conclusions, recommendations of ministerial inspectorates and inspection-related decisions of the ministers;

i) Examine the accuracy and lawfulness of conclusions on inspection of sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries and decisions on handling after inspection of the presidents of the People's Committees of provinces with regard to cases under the management of the ministries, if necessary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Summarize and report the results of inspection.

2. Assist the ministers in performing state management of reception of citizens, settlement of complaints and denunciations; perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Assist the ministers in performing state management of anti-corruption; perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 16. Tasks and powers of ministerial chief inspectors

The ministerial chief inspectors shall have the following tasks and powers:

1. Lead, direct and examine inspection within state management of the ministries; direct the ministerial inspectorates to perform their tasks and powers under this Law and other regulations of relevant laws;

2. Decide inspection in case of detection of signs of law violation;

3. Decide inspection of cases relevant to many sectors under state management of the ministries and assignment of the ministers;

4. Decide re-inspection of cases which the conclusions have been made by sub-ministerial inspectorates and other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries; cases under state management of the ministries which the conclusions have been made by inspectorates of provincial-level departments in case of detection of signs of law violations via consideration and handling of complaints, denunciations, recommendations and reflections;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Request the Director General and Directors to direct sub-ministerial inspectorates, request the heads of other specialized authorities assigned to conduct inspection under the ministries to conduct inspections within the scope of management of such agencies. In case the heads of such agencies fail to comply with requests, the ministerial chief inspectors shall report to the ministers for consideration and decision;

7. Handle overlaps and duplications among inspection of inspection authorities according to regulations of point g, Clause 2 Article 55 of this Law; report to the Inspector General of the Government Inspectorate for consideration and decision on handling of overlaps and duplications among inspection of inspection authorities as prescribed at Point d, Clause 2, Article 55 of this Law;

8. Consider and settle specialized inspection-related matters which opinions of the chief inspectors of provincial-level departments are different from those of the directors of provincial-level departments or opinions of the chief inspectors of sub-ministerial inspectorates are different from those of General Director and Directors. If the Directors of Departments, General Director and Directors disagree with the settlement, the ministerial chief inspectors shall report to the ministers for consideration and decision;

9. Recommend the ministers to terminate the implementation of decisions which are contrary to laws in state management of the ministries in case of detection via inspection under their competence;

10. Recommend the ministers to settle inspection-related matters;

11. Recommend competent state agencies to amend or promulgate regulations to meet management requirements; recommend the termination of implementation or annulment of unlawful regulations that have been detected via inspection; 

12. Recommend the ministers to consider liability and handle individuals under the management of the ministers, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions, recommendations and inspection-related decisions; request the heads of other agencies or organizations to consider liability and handle individuals under their management, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions, recommendations and inspection-related decisions.

Article 17. Organization of ministerial inspectorates

1. A ministerial inspectorate includes the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other public employees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The organization of ministerial inspectorates shall comply with regulations of the law on organization of the Government and other regulations of relevant laws.

Section 3. SUB-MINISTERIAL INSPECTORATES

Article 18. Positions and functions of sub-ministerial inspectorates

1. The sub-ministerial inspectorate is an agency of General Department or Department affiliated to the Ministry, which conducts specialized inspection within the scope of state management that the General Department or Department has been assigned to manage; receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

2. The sub-ministerial inspectorate is established:

a) According to regulations of the law;

b) According to regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

c) At General Department or Department affiliated to the Ministry having authority over a large quantity of entities in sectors and industries that are complicated and important to socio-economic development according to regulations of the Government.

The establishment of sub-ministerial inspectorates must not increase the number of focal points of affiliated units and the payroll of the General Department or Department affiliated to the Ministry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Tasks and powers of sub-ministerial inspectorates

1. The sub-ministerial inspectorates shall assist Director General and Directors in carrying out inspection and have the following tasks and powers:

a) Develop draft plans for inspection of sub-ministerial inspectorates, report to Director General and Directors for consideration and decision before submission to ministerial inspectorates to synthesize into annual inspection plans of the ministries;

b) Organize implementation of inspection of sub-ministerial inspectorates in annual inspection plans of the ministries; specialized inspection for agencies, organizations and individuals within the scope of state management that General Department and Departments have been assigned to manage;

c) Inspect other cases assigned by the ministers, Director General and Directors;

d) Monitor, urge and examine the implementation of conclusions, recommendations of sub-ministerial inspectorates and inspection-related decisions of the Director General and Directors;

dd) Summarize and report the results of inspection.

2. Perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The sub-ministerial chief inspectors shall have the following tasks and powers:

1. Lead, direct and examine inspection within the scope of management of General Department and Departments; direct the sub-ministerial inspectorates to perform their tasks and powers under this Law and other regulations of relevant laws;

2. Decide inspection in case of detection of signs of law violation;

3. Impose penalties for administrative violations or request competent persons to impose penalties for administrative violations in accordance with the law on handling of administrative violations;

4. Report to Director General and Directors to recommend competent state agencies to amend or promulgate regulations to meet management requirements; recommend the termination of implementation or annulment of unlawful regulations that have been detected via inspection; 

Article 21. Organization of sub-ministerial inspectorates

1. An sub-ministerial inspectorate includes the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other public employees.

The sub-ministerial chief inspector is appointed, dismissed, assigned, reassigned or seconded by General Director or Director after collection of opinions from the ministerial chief inspector.

2. The organization of sub-ministerial inspectorates shall comply with regulations of the law on organization of the Government and other regulations of relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 22. Position and functions of provincial inspectorates

1. The provincial inspectorate is an agency of the People's Committee of province, which assists the People's Committee of province in performing state management of inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption; inspects within the scope of state management of the People's Committee of province; receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

2. The provincial inspectorate shall be subject to the direction and management of the president of the People's Committee of province and the direction of inspection, professional guidance of the Government Inspectorate.

Article 23. Tasks and powers of provincial inspectorates

1. The provincial inspectorates shall assist the People's Committees at the same level in performing state management of inspection and have the following tasks and powers:

a) Develop draft plans for inspection of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “annual inspection plans of provinces”), direct the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates to develop the draft plans for inspection to synthesize into the annual inspection plans of provinces for submission to the presidents of the People's Committees of provinces for promulgation;

b) Organize implementation of annual inspection plans of the provincial inspectorates; monitor, urge and examine implementation of annual inspection plans of the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates

c) Inspect implementation of policies and laws, performance of tasks and exercise of powers of agencies, units of the People's Committees of provinces and the People's Committees of districts;

d) Inspect the management of state capital and assets at a state-owned enterprise that the People's Committee of province is the owner's representative when the president of the People's Committee of province assigns the provincial inspectorate to conduct inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Inspect other cases assigned by the presidents of the People's Committees of provinces;

g) Re-inspect cases which the conclusions have been made by the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates in case of detection of signs of law violation;

h) Monitor, urge and examine the implementation of conclusions, recommendations of the provincial inspectorates and inspection-related decisions of the presidents of the People's Committees of provinces;

i) if necessary, examine the accuracy and lawfulness of conclusions on inspection of the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates and decisions on handling after inspection of the directors of provincial-level departments, the presidents of the People's Committees of districts.

k) Provide professional guidance on inspection for the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates; organize professional training for inspectors of provinces and central-affiliated cities;

l) Summarize and report the results of inspection.

2. Assist the People's Committees of provinces in performing state management of reception of citizens, settlement of complaints and denunciations; perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Assist the People's Committees of provinces in performing state management of anti-corruption; perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 24. Tasks and powers of provincial chief inspectors

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Lead, direct and examine inspection within state management of the People's Committees of provinces; direct the provincial inspectorates to perform their tasks and powers under this Law and other regulations of relevant laws;

2. Decide inspection in case of detection of signs of law violation;

3. Request the directors of provincial-level departments and the presidents of the People's Committees of districts to direct the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates to conduct inspection in case of detection of signs of law violations; in case the directors of provincial-level departments and the presidents of the People's Committees of districts fail to conduct inspection or the departments fail to establish inspection authorities, the provincial chief inspectors shall issue decisions on inspection or report to the presidents of the People's Committees of provinces for consideration and decision;

4. Re-inspect cases which the conclusions have been made by the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates in case of detection of signs of law violation;

5. Impose penalties for administrative violations or request competent persons to impose penalties for administrative violations in accordance with the law on handling of administrative violations;

6. Request the directors of provincial-level departments and the presidents of the People's Committees of districts to consider, rectify and correct mistakes in sectors, domains and local areas under their management that have been detected by the provincial inspectorates via inspection;

7. Handle overlaps and duplications among inspection of the inspectorates of provincial-level departments specified in point i Clause 2 Article 55 of this Law;

8. Consider and settle administrative inspection-related matters which opinions of the chief inspectors of provincial-level departments are different from those of the directors of provincial-level departments or opinions of the district chief inspectors are different from those of the presidents of the People's Committees of districts. If the directors of provincial-level departments, the presidents of the People's Committees of districts disagree with the settlement of the provincial chief inspectors, the provincial chief inspectors shall report to the presidents of the People's Committees of provinces for consideration and decision;

9. Recommend the presidents of the People's Committees of provinces to settle inspection-related matters;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. Recommend the presidents of the People's Committees of provinces to consider liability and handle individuals under the management of the presidents of the People's Committees of provinces, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions and inspection-related decisions; request the heads of other agencies or organizations to consider liability and handle individuals under their management, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions and inspection-related decisions.

Article 25. Organization of provincial inspectorates

1. A provincial inspectorate includes the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other public employees.

The provincial chief inspector is appointed, dismissed, assigned, reassigned or seconded by the president of the People's Committee of province after collection of opinions from the Inspector General of the Government Inspectorate.

2. The organization of provincial inspectorates shall comply with regulations of the law on organization of the Local Government and other regulations of relevant laws.

Section 5. INSPECTORATES OF PROVINCIAL-LEVEL DEPARTMENTS

Article 26. Position and functions of inspectorates of provincial-level departments

1. The inspectorate of provincial-level department is an agency of the department, which conducts inspection within the scope that the department is assigned to advise and assist the People's Committee of province in performing state management; receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

2. The inspectorate of provincial-level department is established:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) At the department, which has a wide scope of management and complex requirement for specialized management according to the Government's regulations;

c) At the department, which is decided by the People's Committee of province according to the requirement for state management at province and the assigned payroll.

3. At the departments where the inspection authorities have not been established, the directors of provincial-level departments assigns the units of the departments to perform the tasks and powers to receive citizens, settle complaints and denunciations and organize anti-corruption.

4. The inspectorates of provincial-level departments shall be subject to the direction and management of the directors of provincial-level departments; the direction of inspection, professional guidance on administrative inspection of the provincial inspectorates; professional guidance on specialized inspection of the ministerial inspectorates.

Article 27. Tasks and powers of inspectorates of provincial-level departments

1. The inspectorates of provincial-level departments shall assist the directors of provincial-level departments in conducting inspection and have the following tasks and powers:

a) Develop draft plans for inspection of inspectorates of provincial-level departments, report to the directors of provincial-level departments for consideration and decision before submission to the provincial inspectorates to synthesize into annual inspection plans of provinces;

b) Organize implementation of inspection of inspectorates of provincial-level departments in annual inspection plans of provinces; administrative inspection for units, individuals under the departments; specialized inspection for agencies, organizations and individuals within the scope that the departments have been assigned to advise and assist the People's Committees of provinces in performing state management;

c) Inspect other cases assigned by the directors of provincial-level departments;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Summarize and report the results of inspection.

2. Perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 28. Tasks and powers of chief inspectors of provincial-level departments

The chief inspectors of provincial-level departments shall have the following tasks and powers:

1. Direct the inspectorates of provincial-level departments to perform their tasks and powers under this Law and other regulations of relevant laws;

2. Decide inspection in case of detection of signs of law violation;

3. Recommend the directors of provincial-level departments to terminate execution of the illegal decisions or acts of units or individuals under the departments;

4. Recommend the directors of provincial-level departments to settle inspection-related matters;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 29. Organization of inspectorates of provincial-level departments

1. An inspectorate of provincial-level department includes the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other public employees.

The chief inspector of provincial-level department is appointed, dismissed, assigned, reassigned or seconded by the director of provincial-level department after collection of opinions from the provincial inspectorate.

2. The organization of inspectorates of provincial-level departments shall comply with regulations of the law on organization of the Local Government and other regulations of relevant laws.

Section 6. DISTRICT INSPECTORATES

Article 30. Position and functions of district inspectorates

1. The district inspectorate is an agency of the People's Committee of district, which assists the People's Committee of district in performing state management of inspection, reception of citizens, settlement of complaints and denunciations and anti-corruption; inspects within the scope of state management of the People's Committee of district; receives citizens, settles complaints and denunciations and organizes anti-corruption in accordance with regulations of the law.

2. The district inspectorate shall be subject to the direction and management of the president of the People's Committee of district and the direction of inspection, professional guidance of the provincial inspectorate.

Article 31. Tasks and powers of district inspectorates

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Develop draft plans for inspection of district inspectorates, report to the presidents of the People's Committees of districts for consideration and decision before submission to the provincial inspectorates to synthesize into annual inspection plans of provinces;

b) Perform tasks of the district inspectorates in annual inspection plans of provinces; inspect implementation of policies and laws, performance of tasks and exercise of powers of professional agencies of the People's Committees of districts and the People's Committees of communes;

c) Inspect other cases assigned by the presidents of the People's Committee of districts;

d) Monitor, urge and examine the implementation of conclusions, recommendations of the district inspectorates and inspection-related decisions of the presidents of the People's Committee of districts;

dd) Summarize and report the results of inspection.

2. Assist the People's Committees of districts in performing state management of reception of citizens, settlement of complaints and denunciations; perform tasks and exercise powers to receive citizens and settle complaints and denunciations in accordance with regulations of the law.

3. Assist the People's Committees of districts in performing state management of anti-corruption; perform tasks and exercise powers to organize anti-corruption in accordance with regulations of the law.

Article 32. Tasks and powers of district chief inspectors

The district chief inspectors shall have the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Decide inspection in case of detection of signs of law violations;

3. Recommend competent state agencies to amend or promulgate regulations to meet management requirements; recommend the termination of implementation or annulment of unlawful regulations that have been detected via inspection; 

4. Recommend the presidents of the People's Committees of districts to settle inspection-related matters;

5. Recommend the presidents of the People's Committees of districts to consider liability and handle individuals under the management of the presidents of the People's Committees of districts, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions and inspection-related decisions; request the heads of other agencies or organizations to consider liability and handle individuals under their management, who commit violations that have been detected via inspection or fail to comply with conclusions and inspection-related decisions;

6. Request the heads of professional agencies of the People's Committees of districts and the presidents of the People's Committees of communes to consider, rectify and correct mistakes in sectors, domains and local areas under their management that have been detected by the district inspectorates via inspection.

Article 33. Organization of district inspectorates

1. An district inspectorate includes the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other public employees.

The district chief inspector is appointed, dismissed, assigned, reassigned or seconded by the president of the People's Committee of district after collection of opinions from the provincial chief inspector

2. The organization of district inspectorates shall comply with regulations of the law on organization of the Local Government and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 34. Establishment of inspection authorities of Governmental agencies

1. The Government considers and decides establishment of inspection authorities of Governmental agencies to:

a) Perform some tasks in state management;

b) Perform the assigned tasks in inspection by the law.

2. The organization of inspection authorities of Governmental agencies shall comply with regulations of the law on organization of the Government and other relevant laws.

Article 35. Tasks and powers of inspection authorities of Governmental agencies

1. The inspection authorities of Governmental agencies shall carry out inspection under management of Governmental agencies.

2. The Government elaborates tasks, powers and operation of the inspection authorities of Governmental agencies.

Section 8. SPECIALIZED AUTHORITY ASSIGNED TO CONDUCT INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



An authority will be assigned to carry out specialized inspection in the following cases:

1. The assignment is carried out according to regulations of the law;

2. The Government finds it necessary to assign the authority conduct the specialized inspection upon the request of the Inspector General of the Government Inspectorate after agreement with the ministers who are in charge of relevant sectors and domains.

Article 37. Inspection of specialized authorities assigned to conduct inspection

1. The specialized authorities assigned to conduct inspection shall not establish inspection authorities, except for cases specified in Clause 2 Article 18 and Clause 1 Article 34 of this Law. The inspection shall be carried out by persons assigned to conduct specialized inspection in accordance with regulations of this Law and other relevant laws.

2. In inspection, the heads of specialized authorities assigned to conduct inspection shall perform tasks and exercise powers of the heads of inspection agencies. The persons assigned to conduct specialized inspection shall perform tasks and exercise powers of members of inspectorate who are inspectors in accordance with this Law and other relevant laws.

3. Pursuant to regulations of this Law, the Government elaborates inspection and implementation of conclusions on inspection of specialized authorities assigned to conduct inspection.

Chapter III

INSPECTORS AND PERSONS ASSIGNED TO CARRY OUT SPECIALIZED INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The inspector means a person awarded the rank of inspector to perform tasks and exercise powers in inspection in accordance with regulations of the law.

2. The inspector ranks include inspector, principal inspector and senior inspector.

3. The persons assigned to conduct specialized inspection shall be officials of the specialized authorities assigned to conduct inspection, except for pubic employees of Governmental agencies according to regulations of the Government.

The persons assigned to conduct specialized inspection shall have professional qualifications and skills suitable to their specialized work, legal knowledge and inspection skills, and have been engaged in professional works in sectors which the persons have been assigned to conduct specialized inspection for at least one year (excluding probation period)

4. The inspectors and persons assigned to conduct specialized inspection shall comply with the law and take responsibility to the heads of agencies that directly manage them and to the law for performance of their assigned tasks and powers.

5. The Government elaborates this Article.

Article 39. Criteria for appointment to inspectors

1. Be officials, officers of the People's Army or the People's Public Security, cipher workers, except for cases under other regulations of the Government with regard to inspectors of inspection authorities that have been established according to regulations of the law or international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory or as prescribed in Clause 3, Article 9 of this Law.

2. Be loyal to the Fatherland and the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam; have good ethical qualities, good sense of responsibility; be incorruptible, honest, just and objective;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Have certificates of professional training for inspectors and other certificates as prescribed by the law on officials and public employees.

5. Have been at least 2 years’ experience of inspection works (excluding probation period). The officials, public employees, officers of the People's Army and the People's Public Security, cipher workers at agencies, organizations or units who have been transferred to inspection agencies need to have at least 5 years’ experience of inspection works.

Article 40. Criteria for appointment to principal inspectors

1. Meet standards specified in Article 39 of this Law;

2. Have certificates of professional training for principal inspectors and other certificates as prescribed by the law on officials and public employees.

3. Hold then rank of inspector or equivalent for at least 9 years.

4. Successfully pass exams for promotion; be considered for promotion from inspector to principal inspector; or be considered for same-grade reassignment in accordance with the regulations of the law on officials and public employees.

Article 41. Criteria for appointment to senior inspectors

1. Meet standards specified in Article 39 of this Regulation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Hold the rank of principal inspector (or equivalent) for at least 6 years.

4. Successfully pass exams for promotion; be considered for promotion from principal inspector to senior inspector; or be considered for same-grade reassignment in accordance with the regulations of the law on officials and public employees.

Article 42. Dismissal of inspectors

1. An inspector is dismissed in the following cases:

a) Retiring, resigning and changing career;

b) Dismissing the inspector who cannot complete the assigned tasks due to health, family circumstances or other reasons;

c) Being convicted by the Court. The judgment or decision came into force;

d) Committing violations specified in Article 8 of this Law;

dd) Falling to complete tasks while holding the current rank after 01 year;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Other cases as prescribed by the law on officials and public employees.

2. The Government elaborates competence and procedures for dismissal of inspectors.

Article 43. Uniforms and cards of inspectors

1. The inspectors shall be provided uniforms and cards according to the Government's regulations to use when they conduct inspection.

2. The persons assigned to perform specialized inspection shall be provided uniforms and cards according to regulations of the ministers and the heads of Governmental agencies to use when they conduct specialized inspection.

Chapter IV

INSPECTION

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 44. Development and promulgation of inspection program orientations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. By October 15 every year, the Prime Minister is responsible for review and approval for inspection program orientations of the following year

Article 45. Development and provision of annual inspection plans

1. The development and provision of annual inspection plans shall follow inspection program orientations, guidelines of superior inspection agencies, requirements for socio-economic development and management within the scope of management of sectors, domains and local authorities.

2. The annual inspection plans include the annual inspection plan of the Government Inspectorate, the annual inspection plan of the ministries and the annual inspection plan of provinces.

The annual inspection plans of the ministries include annual inspection plans of ministerial inspectorates, sub-ministerial inspectorates; ensure no overlaps and duplications in inspection between ministerial inspectorates and sub-ministerial inspectorates.

The annual inspection plans of provinces include annual inspection plans of provincial inspectorates, inspectorates of provincial-level departments and district inspectorates; ensure no overlaps and duplications in inspection between provincial inspectorates, inspectorates of provincial-level departments and district inspectorates.

3. By October 25 every year, according to inspection program orientations, the Inspector General of the Government Inspectorate shall provide guidance for ministerial inspectorates and provincial inspectorates on development of the draft plans for inspection of ministries and annual inspection plans of provinces.

By October 30 every year, according to inspection program orientations and guidelines of the Government Inspectorate, the ministerial inspectorates shall provide guidance for sub-ministerial inspectorates and the provincial inspectorates shall provide guidance for inspectorates of provincial-level departments and district inspectorates on development of the draft plans for inspection of their authorities.

4. By November 15 every year, the Government Inspectorate shall be responsible for provision of the annual inspection plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. By November 30 every year, the ministerial chief inspectors of the ministries shall submit to the ministers for provision of the annual inspection plans of the ministries; the provincial chief inspectors shall submit to the presidents of the People's Committees of provinces for provision of the annual inspection plans of provinces.

By December 10 every year, the ministers shall be responsible for provision of annual inspection plans of the ministries

By December 20 every year, the presidents of the People's Committees of provinces shall be responsible for provision of annual inspection plans of provinces.

7. The annual inspection plans specified in Clauses 4 and 6 of this Article shall be immediately sent to the inspected entities, state audit agencies and relevant agencies and organizations.

Article 46. Inspection forms

1. The inspection shall be conducted in the form of planned inspection or ad-hoc inspection.

2. The planned inspection shall be conducted under the annual inspection plans that have been approved.

3. The ad-hoc inspection shall be conducted in case of detection of signs of law violations of agencies, organizations or individuals, or upon the request for the settlement of complaints and denunciations, anti-corruption or under assignment of the heads of competent state management agencies.

Article 47. Duration of inspection

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The duration of an inspection conducted by the Government Inspectorate must not exceed 60 days. With regard to complicated cases, this duration may be extended once but the extended duration must not exceed 30 days. With regard to extremely complicated cases, the duration may be extended for the second time but the extended duration must not exceed 30 days:

b) The duration of an inspection conducted by the ministerial inspectorate, sub-ministerial inspectorate or provincial inspectorate must not exceed 45 days. With regard to complicated cases, this duration may be extended once but the extended duration must not exceed 30 days.

c) The duration of an inspection conducted by the inspectorate of provincial-level department or district inspectorate must not exceed 30 days. With regard to complicated cases or inspection at mountainous areas, border areas, islands and rural areas with difficult access, this duration may be extended once but the extended duration must not exceed 15 days.

2. The duration of suspension of the inspection shall comply with regulations of Article 70 of this Law and it shall not be included in the duration of inspection.

Article 48. Extension of duration of inspection

1. Complicated cases subject to extension of duration of inspection:

a) Request for external assessment or verification and clarification of cases involved in foreign elements within the contents and scope of inspection;

b) Verification and clarification of corruption according to regulations of the law on anti-corruption;

c) The inspected entities, relevant agencies, organizations and individuals fail to cooperate, obstruct, oppose or cause difficulties for inspection, thereby affecting the duration of inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Complicated inspection involved in many domains and local areas;

b) Inspection with at least 02 elements specified in Clause 1 of this Article.

3. The extension of the duration of inspection shall be considered and decided by the person who issues the decision on inspection.

The chief of the inspectorate shall send a written request for extension of the duration of inspection to the person who issues the decision on inspection, enclosed with the draft decision on extension of the duration of inspection. The written request must clearly state reasons and the duration of extension.

4. Decision on extension of the duration of inspection shall be sent to the inspectorate, the inspected entities and relevant agencies, organizations and individuals.

Article 49. Procedures for conducting an administrative inspection

1. Inspection preparation:

a) Collect information to prepare inspection;

b) Issue decision on inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Notify declaration of decision on inspection.

2. Direct inspection:  

a) Declare decision on inspection;

a) Collect information and documents related to contents of inspection;

c) Examine and verify information and documents;

d) Complete direct inspection.

3. Completion of inspection:

a) Report the result of inspection.

d) Develop draft inspection conclusion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Issue inspection conclusion;

dd) Publish inspection conclusion;

Article 50. Procedures for conducting an specialized inspection

1. Procedures for conducting an specialized inspection:

a) Inspection preparation: issue the decision on inspection; notify declaration of the decision on inspection, except for cases specified in Clause 2, Article 63 of this Law.

Before issuance of the decision on inspection, the head of the inspection authority may decide the collection of information according to regulations of Article 58 of this Law to ensure specificity of the inspection and avoid overlaps and duplications;

b) Direct inspection: Declare the decision on inspection, except for cases specified in Clause 3, Article 64 of this Law; collect information and documents related to contents of inspection; examine and verify information and documents; impose penalties for administrative violations throughout inspection (if any); complete the direct inspection;

c) Completion of inspection: report the result of inspection; develop draft inspection conclusion; appraise draft inspection conclusion, except for cases specified in Clause 1, Article 77 of this Law; issue inspection conclusion; publish inspection conclusion.

2. If the other laws elaborate the procedures for conducting a specialized inspection other than regulations of Clause 1 of this Article, the regulations of those laws shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 51. Grounds for issuance of decision on inspection;

The issuance of decision on inspection shall follow one of the following grounds: 

1. Annual inspection plans; 

2. Request of the head of the state management agency;

3. Detection of signs of law violation;

4. Request for settlement of complaints and denunciations, anti-corruption.

5. Other grounds according to regulations of the law.

Article 52. Responsibilities of the heads of state management agencies, persons who issue decisions on inspection and the chiefs of inspectorates

1. The heads of the state management agencies shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Ensure inspection of inspectorates in accordance with the purposes, requirements and principles of inspection; fail to illegally interfere in inspection;

c) Promptly handle recommendations on inspection; direct and organize the implementation of inspection conclusion in accordance with the law.

2. The person who issues decision on inspection shall be responsible for organization and provision of guidelines for inspectorate, assurance about the principles of inspection, assurance about compliance with the law, the intended purposes and requirements of inspection; promptly settle recommendations of inspectorates, complaints, denunciations, recommendations and reflections relevant to the operation of inspectorate.

3. The chief of the inspectorate shall be responsible for organization and provision of guidance for members of inspectorate to properly implement the scope, contents and progress in inspection according to the decision on inspection and the detailed inspection plan; implement information and reporting regime upon the request of the person who issues decision on inspection; be responsible to the person who issues decision on inspection for the operation of the inspectorate.

Article 53. Assurance about discipline in inspection

1. The head of the inspection authority shall be responsible for all inspection-related activities therein. The members of the inspectorate shall abide by the decisions and directions of the chief of the inspectorate. The chief and other members of the inspectorate must abide by the decisions and directions of the person who issues the decision on inspection.

2. The chief and other members of the inspectorate shall be entitled to have their opinions on the results of inspection recorded.

Article 54. Handling of violations of inspection-conducting persons

1. If the person who issues the decision on inspection, the chief of the inspectorate, the inspector and other members of the inspectorate fail to complete inspection, intentionally fail to detect violations, detect violations without handling or recommendations on handling or commit other violations against regulations on inspection, according to the nature and danger of their violations, they shall incur disciplinary penalties or face criminal prosecution. In case of damage, they must pay compensation according to regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If the inspectorate has detected and reported cases with signs of law violations but the person who issues decision on inspection fails to handle, the chief and other members of the inspectorate shall not bear responsibility. In this case, the person who issues decision on inspection shall bear responsibility according to regulations of the law.

If the members of inspectorate have detected and reported cases with signs of law violations but the chief of the inspectorate fails to handle, such members shall not bear responsibility. In this case, the chief of inspectorate shall bear responsibility according to regulations of the law.

Article 55. Handling of overlaps and duplications in inspection

1. With regard to state audit and inspection, in case of detection of overlaps and duplications, the inspection authority shall cooperate with the state audit agency in handling them according to regulations of the Law on state audit office and this Law so that each operation is inspected by only one inspection authority or audit authority.

2. Handling of overlaps and duplications in inspection:

a) In case of overlaps and duplications in inspection between the Government Inspectorate and other inspection authorities, the Government Inspectorate shall conduct inspection;

b) In case of overlaps and duplications in inspection among ministerial inspectorates, the ministerial chief inspectors shall discuss to handle. In case of disagreement, the ministerial inspectorate shall report the Inspector General of Government Inspectorate for consideration and decision;

c) In case of overlaps and duplications in inspection of the ministerial inspectorate and the provincial inspectorate, inspectorate of provincial-level department or the district inspectorate, the ministerial chief inspector shall discuss with the provincial chief inspector, the chief inspector of the department or the chief inspector of district to handle. In case of disagreement, the ministerial inspectorate shall conduct the inspection;

d) In case of overlaps and duplications in inspection of the ministerial inspectorate or the sub-ministerial inspectorate and inspection authority of the governmental agency, the ministerial chief inspector shall discuss with the head of the inspection authority of the governmental agency to handle. In case of disagreement, the ministerial chief inspector shall report to the Inspector General of the Government Inspectorate for consideration and decision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) In case of overlaps and duplications in inspection of the sub-ministerial inspectorate and the provincial inspectorate, inspectorate of provincial-level department or the district inspectorate, the sub-ministerial chief inspector shall discuss with the provincial chief inspector, the chief inspector of the department or the chief inspector of district to handle. In case of disagreement, the sub-ministerial inspectorate shall conduct the inspection;

g) In case of overlaps and duplications in inspection of the sub-ministerial inspectorates of the Ministry, the sub-ministerial chief inspectors shall discuss together to handle. In case of disagreement, the sub-ministerial inspectorates shall report to the ministerial chief inspector for consideration and decision;

i) In case of overlaps and duplications in inspection of the inspectorates of provincial-level departments, the chief inspectors of provincial-level departments shall discuss together to handle. In case of disagreement, the chief inspectors of provincial-level departments shall report to the provincial chief inspector for consideration and decision;

k) In case of overlaps and duplications in inspection of the inspectorate of provincial-level department and the district inspectorate, the chief inspector of provincial-level department shall discuss with the chief inspector of district to handle. In case of disagreement, the inspectorate of provincial-level department shall conduct the inspection;

l) The handling of overlaps and duplications in operation of inspection authorities of special administrative-economic units and other inspection authorities shall comply with regulations of the Inspector General of the Government Inspectorate in case of establishment of special administrative-economic units.

3. The handling of overlaps and duplications that arise in the operation of inspection authorities other than cases specified in Clause 2 of this Article shall be prescribed, considered or handled by the Inspector General of the Government Inspectorate.

Article 56. Re-inspection

1. The re-inspection shall be carried out when there is one of the following grounds:

a) There are serious violations against regulations on the procedures in the process of inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The contents of inspection conclusions are not consistent with the evidence that have been collected in the process of inspection;

d) The inspection-conducting persons intentionally falsify the case files or make illegal conclusions;

dd) There are signs of serious violations of the inspected entities but the signs of serious violations have not been fully detected throughout the inspection.

2. The limitation period of re-inspection is 2 years from the date of signing and issuance of the inspection conclusion.

3. The re-inspection conclusion shall contain the contents specified in Clause 2, Article 78 of this Law and clearly identify the liability of the inspection authority and the inspection-conducting persons of the previous inspection.

4. The Government elaborates this Article.

Article 57. Inspection dossiers

1. The person who issues the decision on inspection shall be responsible for direction and examination of the preparation and handover of the inspection dossier.

2. The inspection dossier shall be compiled from the date on which the competent person signs and promulgates the decision on inspection; and closed on the date on which the competent person issues the document to organize the implementation of the inspection conclusion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. INSPECTION PREPARATION

Article 58. Collection of information for preparation for inspection

1. Before issuance of the decision on inspection, according to the assigned tasks, powers and functions, the head of the inspection authority shall assign relevant information collectors to clarify the necessity to conduct the inspection in order to ensure specificity of the inspection and avoid overlaps and duplications

2. If it is necessary to clarify or supplement information to issue the decision on inspection, the head of the inspection authority shall request the agency, organization or individual that has been expected to be the inspected entity to provide written information on the expected contents of the inspection or appoint information collectors to directly work with the agency, organization or individual that has been expected to be the inspected entity.

3. The information collector shall be responsible for report on the results in writing to the head of the inspection authority. In particular, the contents subject to inspection shall be clearly stated.

Article 59. Issuance of decision on inspection

1. The heads of inspection authorities shall issue the decisions on inspection according to the regulations of Article 51 of this Law

2. A decision on inspection contains the following contents:

a) Basis for issuance of decision on inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Duration of inspection;

d) Establishment of inspectorate. An inspectorate includes the chief, the deputy chief (if any) and other members.

3. With regard to planned inspection, the inspection decision shall be sent to the inspected entity and declared at least 15 days before the date of direct inspection.

4. With regard to ad hoc inspection, the inspection decision shall be sent to the inspected entity and declared before the direct inspection, except for cases specified in Clause 3 Article 64 of this Law.

Article 60. Inspectorate

1. The inspectorate is established to conduct the inspection. The inspectorate shall self-dissolve after the chief of the inspectorate hands over the inspection dossier to the inspection-conducting agency.

2. An inspectorate includes the chief and other members.  Other members of the inspectorate include inspectors and other persons who participate in the inspectorate but are not inspectors.

If necessary, the inspectorate has a deputy chief to assist the chief in performing the assigned tasks and take charge of operation of the inspectorate under assignment of the chief.

The chief and the deputy chief (if any) of the inspectorate shall be persons who have been appointed as inspectors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. If necessary, the heads of inspection authorities shall summon inspectors of inferior inspection agencies or persons with expertise in other agencies or units to join the inspectorates. The summons, standards, regimes and policies applicable to the summoned persons shall comply with regulations of the Government.

4. The chief and other members of the inspectorate shall have good ethical qualities and professional skills; and have no conflicts about interest throughout the process of performance of inspection tasks.

5. The person who issues the decision on inspection may suspend or change the chief or other members of the inspectorate when the inspectorate fails to meet the requirement for inspection, complete inspection tasks, commits violations or causes conflicts of interest; or when the inspectorate cannot conduct inspection due to other objective reasons.

6. The Government elaborates this Article.

Article 61. Development and announcement about detailed inspection plans

1. The chief of inspectorate shall take charge of development of the detailed inspection plan and submit to the person who issues decision on inspection for approval.

2. A detailed inspection plan contains the following contents:

a) Objectives and requests;

b) Scope, contents, inspected entities, the period of inspection and duration of inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Progress;

dd) Information and reporting regime; 

e) Use of means, funding and other material conditions for operation of the inspectorate.

3. The chief of the inspectorate shall hold a meeting to announce the detailed inspection plan and assign tasks to the members of the inspectorate.

Article 62. Development of a list of issues to be reported on (by the inspected entity)

1. According to contents of inspection and the detailed inspection plan, the chief of inspectorate shall develop the list of issues to be reported on (by the inspected entity).

2. At least 05 working days before the date of declaration of the decision on inspection, the chief of the inspectorate shall send a written request to the inspected entity to prepare a report on the contents of inspection according to the list of issues to be reported on. The written request shall clearly state contents, forms and duration of report.

Article 63. Notification of declaration of decision on inspection.

1. The chief of the inspectorate shall notify in writing the inspected entity of the declaration of the decision on inspection. The written notification shall clearly state the location, time and participants.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 3. DIRECT INSPECTION

Article 64. Declaration of decision on inspection

1. The chief of inspectorate shall take charge of declaration of the decision on inspection.  If necessary, the person who issues the decision on inspection shall take charge of declaration of the decision on inspection.

2. The participants in the session on declaration of the decision on inspection include the inspectorate, the representative of the head of agency, organization or individual who is the inspected entity. If necessary, the chief of the inspectorate shall invite the representative of the head of the inspection-conducting agency, the representative of relevant agency, organization or individual to participate in the session on declaration of the decision on inspection.

The declaration of the decision on inspection shall be recorded in writing.

3. With regard to specialized inspection, in case of detection of violations that require immediate inspection, the decision on inspection may be declared after making of the record of violations of the inspected entity; in case the inspected entity is intentionally absent, the chief of the inspectorate shall make a record certified by the People's Committee of commune and continue to conduct the planned inspection.

Article 65. Location, time for working of inspectorate

1. The inspectorate shall work at the headquarter or workplace of the agency or organization that is the inspected entity, the headquarter of the inspection-conducting agency or at the place of inspection and verification according to the detailed inspection plan.

2. The inspectorate shall work with the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals throughout working time. If it is obligatory to work outside working time, the chief of the inspectorate shall decide the specific time after discussion with the inspected entity and take responsibility for his/her decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 66. Collection of information and documents related to contents of inspection

1. Throughout the inspection, the chief of the inspectorate and the inspector shall request the inspected entity to report according to the list of issues to be reported on; request the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to contents of inspection.

2. If it is not necessary to keep the dossiers and documents, the recipients of such dossiers and documents shall return them to the inspected subjects, relevant agencies, organizations and individuals not later than the completion of the direct inspection.

3. The delivery, receipt and return of dossiers and documents shall be recorded in writing.

4. The management, extraction and use of information and documents on inspection shall comply with regulations of the law on inspection and other relevant laws.

Article 67. Examination and verification of information and documents

1. The chief and other members of the inspectorate shall research the collected information and documents; assess the observance of policies, laws, tasks and powers of the inspected entities relevant to the assigned contents of inspection.

The chief of inspectorate and inspectors shall be entitled to request the persons who have liability and relevant persons to explain unclear matters; in case it is necessary to work directly with the inspected entity and relevant persons, the inspectors shall report to the chief of the inspectorate for consideration and decision.

2. If it is necessary to examine, verify information and documents and clarify matters relevant to contents of inspection, the chief of the inspectorate or the person who issues the decision on inspection shall invite the inspected entity, the representative of relevant agency, organization or individual to work or request the inspected entity to report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 68. Handling of violations in the process of inspection

1. The inspection-conducting persons shall adopt measures according to their competence specified in this Law and other relevant laws to terminate violations and promptly protect the interests of the State, the legal rights and interests of agencies, organizations and individuals. In case the violations committed by the inspected entity and relevant agencies, organizations and individuals fall outside their competence in handling, the chief of the inspectorate shall request the person who issues the decision on inspection or the head of competent state agency to handle.

2. If the chief of the inspectorate or the inspector detects administrative violations, he or she shall compel the violators to terminate such violations, consider adopting measures to prevent and ensure the handling of administrative violations, and immediately impose penalties according to the regulations of the Law on Handling of Administrative Violations without wait for inspection conclusion.

3. In case criminal offences are suspected, the chief of the inspectorate shall make report so that the person who issues the decision on inspection immediately transfers the relevant document and case file enclosed with the written recommendation for prosecution to the competent investigation agency for consideration and handling in accordance with the law; and notify the People's Procuracy at the same level.

The inspectorate shall continue to conduct inspection according to the detailed inspection plan that has been approved. The person who issues the decision on inspection shall issue inspection conclusion in accordance with the law.

The investigation agency shall notify the inspection authority of the result of the settlement of the case. In case the duration of consideration and settlement of proposal for prosecution has expired according to regulations of the Criminal Procedure Code, but the inspection authority that has proposed the prosecution fails to receive a written notification or agree with the result of settlement, the inspection authority shall discuss with the investigation agency or the People's Procuracy at the same level to clarify reasons. If the inspection authority still disagrees with the result, the inspection authority shall propose the investigation agency, the Superior People's Procuracy for consideration, settlement and report to the superior inspection authority.

4. The inspected entities, agencies, organizations and individuals that commit prohibited acts or violate the obligations of the inspected entities specified in this Law shall, according to the nature and danger of their violations, incur disciplinary and administrative penalties or face criminal prosecution. In case of damage, they must pay compensation according to regulations of the law.

Article 69. Amendments to contents of detailed inspection plans                 

1. Throughout inspection, the person who issues the decision on inspection may amend the contents of the detailed inspection plan upon the request of the chief of the inspectorate or the head of the state management agency at the same level.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 70. Suspension of inspection

1. The person who issues the decision on inspection shall suspend inspection in the following cases:

a) There are force majeure events that impact on the progress in inspection;

b) The inspected entity requests suspension of the inspection with legitimate reasons and the person who issues the decision on inspection agrees with such suspension. In this case, the duration of suspension of the inspection shall not exceed 30 days.

2. In case of suspension of the inspection, the person who issues the decision on inspection shall consider cancelation of the adopted measure or adopt measures according to its competence and ensure no obstruction of the operation of the inspected entity.

3. The person who issues the decision on inspection shall continue to conduct inspection when the reason for the suspension of the inspection no longer exists or the duration of suspension specified at Point b, Clause 1 of this Article expires.

4. The decision on suspension of the inspection or the decision on inspection shall be sent to the inspected entity.

Article 71. Termination of inspection

1. The person who issues the decision on inspection shall terminate inspection in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The inspection contents have been concluded by the superior inspection authority;

c) The investigation agency has issued the decision on prosecution of a criminal case on the same contents of inspection;

d) The head of the state management agency at the same level has made a written request for termination of the inspection;

dd) It is one of the cases of overlaps and duplications that have been handled according to regulations of Article 55 of this Law.

2. In case of termination of the inspection, inspection-conducting persons shall cancel the adopted measures according to their competence throughout the inspection.

3. The decision on termination of the inspection shall be sent to the inspected entity.

Article 72. Completion of direct inspection.

In case of completion of direct inspection at the inspected entity, the chief of the inspectorate shall report in writing to the person who issues the decision on inspection and notify in writing the inspected entity. If necessary, the working session with the inspected entity shall be held to notify the completion of the direct inspection.

Section 4. COMPLETION OF INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. After completion of direct inspection, the chief of inspectorate shall make report on the result of inspection and send to the person who issues the decision on inspection.  A report on the result of inspection shall contain the following contents:

a) Specific conclusions on each content that has been inspected;

b) Identification of the nature, extent and consequences of violations; causes and responsibilities of agencies, organizations and individuals that commit violations (if any);

c) Different opinions (if any) between the chief and other members of the inspectorate on the contents of the report on the result of inspection;

d) Adopted measures for handling and recommendations on solutions, handling and remedial measures (if any).

2. In case of detection of corruption via inspection, the report on the result of inspection shall clearly state the responsibilities of the heads of agencies or organizations in which corruption occurs. To be specific:

a) Incapability of management;  

b) Irresponsibility in management;

c) Cover-up of corrupted persons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The duration of development of the report on the result of inspection shall be calculated from the date on which the inspectorate completes the direct inspection and stipulated as follows:

a) With regard to inspection conducted by the Government Inspectorate, the duration for development of the report on the result of inspection must not exceed 30 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 45 days;

b) With regard to inspection conducted by the ministerial inspectorate, the sub-ministerial inspectorate, or the provincial inspectorate, the duration for development of the report on the result of inspection must not exceed 20 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 30 days;

c) With regard to inspection conducted by the inspectorate of provincial-level department, or the district inspectorate, the duration for development of the report on the result of inspection must not exceed 15 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 20 days;

Article 74. Consideration of report on the result of inspection.

The person who issues the decision on inspection shall consider and assess contents of the report on the result of inspection of the inspectorate.

If necessary, the person who issues the decision on inspection shall request the chief of the inspectorate to clarify or amend contents of the report on the result of inspection.

Article 75. Development of draft inspection conclusions

1. Within 05 working days from the date of receipt of the report on the result of inspection, the person who issues the decision on inspection shall assign the chief of inspectorate to develop the draft inspection conclusion. The draft inspection conclusion include contents specified in Clause 2 Article 78 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The explanation shall be recorded in writing. The information, documents and evidences shall be enclosed with such explanation to prove the contents of explanation. The chief of the inspectorate shall research and request the person who issues the decision on inspection to handle the contents of explanation of the inspected entity.

4. The draft inspection conclusion shall be sent to other members of the inspectorate to make comments before submission to the person who issues the decision on inspection.

Other members of the inspectorate shall be entitled to have their opinions on contents of draft inspection conclusion recorded.  The chief of the inspectorate shall be entitled to have their opinions on contents of draft inspection conclusion recorded The recorded opinions shall be made in writing and enclosed with draft inspection conclusion

5. The duration of development of draft inspection conclusion shall be calculated from the date on which the person who issues the decision on inspection assigns the development of draft inspection conclusion and prescribed as follows:

a) With regard to inspection conducted by the Government Inspectorate, the duration of development of the draft inspection conclusion must not exceed 30 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 45 days;

b) With regard to inspection conducted by the ministerial inspectorate, the sub-ministerial inspectorate, or the provincial inspectorate, the duration of development of the draft inspection conclusion must not exceed 20 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 30 days;

c) With regard to inspection conducted by the inspectorate of provincial-level department, or the district inspectorate, the duration of development of the draft inspection conclusion must not exceed 15 days. With regard to complicated cases, the duration can be prolonged but it must not exceed 20 days;

Article 76. Collection of opinions on draft inspection conclusions

During the process of development of the draft inspection conclusion, the person who issues the decision on inspection may decide collection of opinions from relevant agencies, organizations or individuals on one or several contents of the draft inspection conclusion. The requested agency, organization or individual shall give a written reply on contents about which opinions are sought within the duration upon the request of the person who issues the decision on inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The draft inspection conclusion of the Government Inspectorate, the draft administrative inspection conclusions of the ministerial inspectorate and the provincial inspectorate shall be appraised before signing for issuance The draft specialized inspection conclusions of the ministerial inspectorate and the provincial inspectorate, other inspection authorities shall be appraised when necessary.

2. The person who issues the decision on inspection shall consider and decide the assignment of units or individuals to appraise the draft inspection conclusion (hereinafter referred to as “appraisers”) to ensure the purposes, requirements and contents according to the approved decision on inspection and the detailed inspection plan. The assignment of appraisal of the draft inspection conclusion shall be made in writing. In particular, the contents and duration of appraisal shall be clearly stated.

3. The appraiser shall be entitled to request the inspectorate to provide necessary information and documents for appraisal; develop report on the result of appraisal and take responsibility to the person who issues the decision on inspection for the result of appraisal.

4. The person who issues the decision on inspection shall be responsible for direction of consideration and receipt of opinions on appraisal and completion of the draft inspection conclusion.

Article 78. Issuance of inspection conclusions;

1. Within 15 working days from the date of receipt of the draft inspection conclusion, the person who issues the decision on inspection shall sign and issue the draft inspection conclusion; and take responsibility for his/her conclusion and recommendations. The head of state management agency at the same level shall urge and examine to ensure the issuance of inspection conclusion before the deadline according to regulations.

With regard to the draft inspection conclusions on cases involved in national defense and security, important and complicated cases under the direction and monitoring of the Central Steering Committee for anti-corruption, the provincial-level Steering Committees for anti-corruption or upon the request of the head of the state management agency at the same level, the person who issues the decision on inspection shall make written report and send it to the head of the state management agency at the same level.

Within 30 days from the date of receipt of the written report, the head of the state management agency at the same level shall give his/her written opinion on the reported contents; if the head of the state management agency fails to respond or have opinions that are different from the draft inspection conclusion, the person who issues the decision on inspection shall immediately issue inspection conclusion. If the head of the state management agency at the same level which gives written opinions requests amendment or clarification of the contents of draft inspection conclusion, within 30 days from the date of receipt of such written opinions, the person who issues the decision on inspection shall complete and issue inspection conclusion.

2. The inspection conclusion shall ensure accuracy, objectivity and feasibility and include the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Conclusion on contents of inspection;

c) Identification of the nature, extent and consequences of violations; causes and responsibilities of agencies, organizations and individuals that commit violations (if any);

d) Handling measures according to the competence and recommendations on solutions, handling and remedial measures (if any) for assurance about the interests of the State, the legal rights and interests of the inspected entity and relevant agencies, organizations and individuals;

dd) Limitations and inadequacies of relevant management mechanisms, policies, laws and recommendations for remedy.

3. In the process of inspection, the person who issues the decision on inspection may issue inspection conclusion for the examined and verified contents that have enough grounds for conclusion; and continue to inspect other contents in the decision on inspection. An inspection can have many inspection conclusions in order to promptly serve requirements for state management.

4. Before publishing inspection conclusion, the person who issues the decision on inspection may amend the issued inspection conclusion to ensure accuracy, objectivity and feasibility.

5. After publishing inspection conclusion, the inspection conclusion shall be sent to the head of the state management agency at the same level, the superior inspection authority, the inspected entity and other relevant agencies, organizations and individuals.

Article 79. Publishing inspection conclusions;

1. Within 10 days from the date of signing and issuance of the inspection conclusion, the person who issues the decision on inspection shall publish the inspection conclusion in the form specified at Point a, Clause 3 of this Article or in one of the forms specified in Points b, c and d, Clause 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Forms of publishing inspection conclusions:

a) Publishing on the web portal of the inspection authority or the state management agency at the same level;

b) Organizing press conference or meeting to publish inspection conclusions. The participants include the person who issues the decision on inspection, inspectorate, the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals;

c) Publishing on at least one mass media. The inspection conducted by the Government Inspectorate, the ministerial inspectorate or the sub-ministerial inspectorate shall be published on the central mass media. The inspection conducted by the provincial inspectorate, the inspectorate of provincial-level department or the district inspectorate shall be published on the local mass media;

d) Public displaying at the premises of the inspected entity.

4. The Government elaborates this Article.

Section 5. TASKS AND POWERS OF THE INSPECTION-CONDUCTING PERSONS

Article 80. Tasks and powers of the person who issues the decision on inspection

1. A person who issues the decision on inspection shall have the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Request inspected entities to provide information and documents, report or explain matters related to inspection contents; request relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to inspection contents;

c) Decide request for external assessment of matters related to inspection contents;

d) Decide or request the competent person to decide to temporarily seize assets, licenses or practice certificates that have been illegally used;

dd) Terminate or recommend the competent person to terminate violations;

e) Request credit institutions to freeze account of the inspected entity; request the agency which controls asset and income and other competent agencies to adopt measures to promptly prevent the inspected entity from destroying or dispersing assets or ensure the implementation of the decision on recall of assets of the head of the inspection authority and the head of the state management agency;

g) Decide stocktaking of assets;

h) Decide to recall assets which are appropriated, illegally used or lost

i) Recommend the competent person to suspend the execution of the decision on discipline, transfer to other jobs, dismissal or retirement of the inspected entity or persons who provide information, documents on contents of inspection in case the execution of the decision may obstruct the inspection;

k) Recommend competent persons to suspend work and handle officials and public employees who intentionally obstruct inspection activities or fail to comply with requests, recommendations or the decision on inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Settle complaints, denunciations, recommendations and reflections related to the responsibilities of the chief and other members of the inspectorate;

n) Terminate, change the chief and other members of the inspectorate;

o) Issue inspection conclusion;

p) Transfers the relevant document and case file enclosed with the written recommendation for prosecution to the investigation agency in case criminal offences are suspected specified in Clause 3 Article 68 of this Law.

q) Impose administrative penalties according to its competence;

r) Perform other duties and powers as prescribed per the law.

2. If it is not necessary to adopt measures specified in points d, dd, e, i and k Clause 1 of this Article, the person who issues the decision on inspection shall decide or recommend immediate cancellation of implementation of the measures.

Article 81. Tasks and powers of the chief of inspectorate

1. The chief of inspectorate shall have the following tasks and powers:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Recommend the person who issues the decision on inspection to adopt measures under its competence according to regulations of this Law and other relevant laws to ensure the fulfillment of requirements and purposes of inspection;

c) Request the inspected entity to provide information and documents, report or explain matters related to inspection contents; request relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to inspection contents;

d) Request the person competent to decide to temporarily seize assets, licenses or practice certificates that have been illegally used; request the competent agency to temporarily seize the assets undergoing stocktaking;

dd) Request credit institutions to freeze account of the inspected entity; request the agency which controls asset and income and other competent agencies to adopt measures to promptly prevent the inspected entity from destroying or dispersing assets;

e) Decide to seal documents;

g) Decide stocktaking of assets;

h) Terminate or request the competent person to terminate violations;

i) Request the competent person to suspend the execution of the decision on discipline, transfer to other jobs, dismissal or retirement of the inspected entity or persons who provide information, documents on contents of inspection in case the execution of the decision may obstruct the inspection;

k) Impose administrative penalties according to its competence;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Perform other duties and powers as prescribed per the law.

2. If it is not necessary to adopt measures specified in points d, dd, e, h and i Clause 1 of this Article, the chief of the inspectorate shall decide or recommend immediate cancellation of implementation of the measures.

Article 82. Tasks and powers of other members of inspectorate

1. Other members of inspectorate who are inspectors shall have the following tasks and powers:

a) Perform tasks under assignment of the chief of inspectorate;  

b) Request inspected entities to provide information and documents, report or explain matters related to inspection contents; request relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to inspection contents;

c) Impose administrative penalties according to its competence;

d) Recommend the chief of the inspectorate to adopt measures under the tasks and powers of the chief specified in Clause 1, Article 81 of this Law to ensure the performance of the assigned tasks;

dd) Report the result of the performance of the assigned tasks to the chief of the inspectorate and take responsibilities to the chief and the law for the accuracy, truthfulness and objectivity of such report;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Other members of inspectorate who are not inspectors shall have tasks and powers specified in points a, d, dd and e Clause 1 of this Article.

Article 83. Requesting inspected entities to provide information, documents, report and explanation

1. Throughout inspection, the person who issues the decision on inspection, the chief and other members of the inspectorate who are inspectors shall be entitled to request the inspected entity to provide information, document, written report and explanation for matters related to contents of inspection.

2. The inspected entity shall provide information and documents in a prompt, complete and accurate manner and take responsibility to law for the accuracy and truthfulness of the provided information and documents.

3. The inspection-conducting person shall be responsible for preservation, extraction and use information and documents for the intended purposes. With regard to document that is original copy, the inspection-conducting person shall be responsible for return to the inspected entity after completion of the inspection.

Article 84. Requesting relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents

1. Throughout inspection, the person who issues the decision on inspection, the chief and other members of the inspectorate who are inspectors shall be entitled to request relevant agencies, organizations and individuals to provide information and documents related to inspection contents.

2. Relevant agencies, organizations and individuals shall provide information and documents in a prompt, complete and accurate manner and take responsibilities to law for the accuracy and truthfulness of the provided information and documents.

3. The inspection-conducting person shall be responsible for preservation, extraction and use information and documents for the intended purposes. With regard to document that is original copy, the inspection-conducting person shall be responsible for return to the agencies, organizations and individuals which have provided information and documents after extraction and use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The chief of the inspectorate shall decide to seal a part of or all the documents of the inspected entity when there are grounds to believe that such documents are relevant to violations or such documents shall be kept completely intact.

The decision on sealing documents shall be made in writing. In particular, the documents that must be sealed, the duration of sealing and the obligations of the inspected entity shall be clearly stated. The sealed documents shall be made into the list with the signatures of the representative of the inspectorate and the inspected entity.

Article 86. Asset stocktaking

1. The person who issues the decision on inspection or the chief of the inspectorate shall decide stocktaking of the assets of the inspected entity relevant to the contents of inspection in case of detection of any difference between assets recorded in accounting books and actual assets; or detection of signs or abnormalities of legal use or appropriation of assets.

2. The decision on stocktaking of the assets shall be made in writing. In particular, the assets, the time and location for stocktaking, the responsibility of the person who conducts the stocktaking, and the obligations of the person who has assets undergoing stocktaking shall be clearly stated. The stocktaking of assets shall be recorded in writing. In case, the assets subject to stocktaking must be temporarily seized, the chief of the inspectorate shall request the person who issues the decision on inspection or the competent person to decide temporary seizure according to regulations of Article 89 of this Law.

Article 87. Request for external assessment

1. If it is necessary to assess the contents related to expertise and techniques to serve as the basis for conclusions, the chief of the inspectorate shall request the person who issues the decision on inspection to decide request for external assessment. The request for external assessment shall be recorded in writing. In particular, the requirements, contents, the duration of implementation, agencies and organizations that carry out assessment shall be clearly stated.

2. The agencies and organizations which have received request for external assessment shall carry out the assessment and notify the results of assessment within the duration upon the request of the inspection authorities and take responsibilities to the law for the accuracy, objectivity and promptness of the results of assessment.

3. The funding for request for external assessment shall be paid by the inspection-conducting agency. If the inspected entities commit violations, the inspected entities shall pay funding for request for external assessment, except for cases under other regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 88. Termination of violations;

1. Throughout inspection, in case of detection of violations that cause serious damage to the interests of the State, the legal rights and interests of agencies, organizations and individuals, the person who issues the decision on inspection, the chief of the inspectorate shall decide to terminate violations or recommend the competent person to issue the decision on termination of violations.

2. The decision on termination of violations shall be made in writing. In particular, the reasons, contents, duration of termination and persons who are responsible for implementation shall be clearly stated.

Article 89. Temporary seizure of assets, licenses and practice certificates

1. Throughout inspection, the chief of inspectorate shall request the person who issues the decision on inspection or competent person to decide temporary seizure of assets, licenses or practice certificates in case of detection of illegal use of assets, licenses or practice certificates that must be prevented promptly; or to verify circumstances to serve as evidences for conclusion and handling.

2. The decision on temporary seizure shall be made in writing. In particular, the assets, licenses and practice certificates subject to temporary seizure, the duration of seizure, the responsibility of the person who issues the decision on seizure and the obligations of the person whose the asset, license or practice certificate is temporarily seized shall be clearly stated. The temporary seizure shall be recorded in writing.

3. The preservation and custody of assets, licenses and practice certificates shall comply with regulations of the Government.

Article 90. Requesting credit institution to freeze account of the inspected entity

1. If there are grounds to believe that the inspected entity has dispersed assets, failed to comply with the decision on seizure or recall of assets of the competent person specified in Articles 89 and 91 of this Law, the person who issues the decision on inspection shall request the credit institution where the inspected entity has account to freeze such account to serve inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The request for freeze on the account shall be recorded in writing. In particular, the purpose of the freeze, the person whose account is frozen, the time and duration of the freeze and the responsibility for implementation of the credit institution shall be clearly stated.

4. The credit institution at which the inspected entity has account shall promptly, fully implement and make written report on the implementation of the request for freeze on account.

5. The Government elaborates this Article.

Article 91. Recall of assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations

1. The person who issues the decision on inspection shall issue the decision on recall of assets when the inspected entity appropriates, illegally uses or loses assets of the State without wait for inspection conclusion, except for cases under other regulations of the law.

2. The decision on recall of assets shall be made in writing. In particular, the assets that must be recalled, the responsibilities of relevant agencies, organizations and individuals, duration of implementation and the responsibilities of persons whose assets are recalled shall be clearly stated.  The persons whose assets are recalled shall strictly comply with the decision on recall.

The person who issues the decision on recall shall monitor, examine, urge the implementation of such decision.

3. The Government elaborates this Article.

Section 6. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF INSPECTED ENTITIES; SETTLEMENT OF COMPLAINTS, DENUNCIATIONS, RECOMMENDATIONS AND REFLECTIONS ON INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An inspected entity shall have the following rights:

a) Explain matters related to inspection contents;

b) Complain about the decisions and acts of inspection-conducting persons throughout inspection; complain about the inspection-related decisions in accordance with the law on complaints; make recommendations on the contents of inspection conclusion in case such contents are not accurate;

c) Request compensation for damage, restore other lawful rights and interests as prescribed by the law.

2. Individuals who are the inspected entities shall have the right to denounce violations committed by the inspection-conducting persons in accordance with the law on denunciation.

Article 93. Obligations of inspected entities

1. Comply with the decision on inspection;

2. Provide information and documents in a prompt, complete and accurate manner upon the requests of the inspection-conducting persons and take responsibilities to law for the accuracy and truthfulness of the provided information and documents.

3. Comply with requests, recommendations, inspection conclusions and inspection-related decisions of inspection-conducting persons and competent agencies and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Relevant agencies, organizations and individuals shall have rights to complain about the administrative decisions and acts of inspection-conducting persons and inspection-related decisions according to regulations of the law on complaints when there are grounds to believe that the decisions or acts are illegal or infringe upon their legal rights and interests; make recommendations on the contents of inspection conclusions in case the contents are not accurate.

Article 95. Competence and procedures for settlement of complaints about inspection

1. The head of inspection authority shall settle complaints about his/her decisions and acts, the decisions and acts of the chief and other members of the inspectorate.

2. The head of the state management agency shall settle complaints about his/her inspection-related decision and the inspection-related decisions of agencies and individuals under its management.

3. The procedures for settlement of complaints about inspection shall comply with regulations of the law on complaints

Article 96. Denunciations, recommendations and reflections; settlement of denunciations, recommendations and reflections on inspection

1. The denunciations and settlement of denunciations of inspection shall comply with regulations of the law on denunciation

2. The head of the state management agency and the head of the inspection authority shall receive and settle recommendations on contents of inspection conclusion in a prompt and legal manner; notify in writing of the result of settlement to the petitioner.

3. The head of the state management agency, the head of inspection authority or the chief of inspectorate shall receive and settle recommendations and reflections on inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 7. SUPERVISION OF OPERATION OF INSPECTORATE

Article 97. Responsibilities of persons who issue decisions on inspection and the heads of agencies and units that directly manage members of inspectorates

1. A person who issues the decision on inspection shall supervise operation of the inspectorate.

If necessary, the person who issues the decision on inspection shall issue a decision on assignment of officials or establishment of a supervision team to supervise the operation of the inspectorate (hereinafter referred to as “supervisors”). In particular, the contents, composition, time and method of supervising shall be clearly stated. The decisions on supervision and inspection shall be issued at the same time or the decision on supervision shall be issued in the process of inspection in case there are recommendations, denunciations, information or reflections about the operation of the inspectorate.

2. The heads of agencies and units that directly manage the members of inspectorates shall supervise such members in the process of inspection.

Article 98. Contents of supervision of operation of inspectorate

1. Observance of regulations of the law on grounds, competence and procedures for performance of tasks and exercise of powers in inspection of the chief and other members of the inspectorate.

2. Compliance with the direction of the person who issues the decision on inspection; implementation of the decision on inspection and the detailed inspection plan; compliance with the information and reporting regime.

3. Observance of regulations of the law on prohibited acts of the chief and other members of the inspectorate; receipt of complaints, denunciations, recommendations and reflections in the operation of the inspectorate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Make the plan for supervision and submit to the person who issues the decision on inspection for approval.

2. Discuss with the inspectorate and relevant agencies, organizations and individuals about contents of supervision.  The supervisor only works with the inspected entity when there is request of the person who issues the decision on inspection.

3. Request the inspectorate to provide the following information and documents:

a) Decision on inspection, decision on extension of the duration of inspection, decision on termination or change of the chief, other members of the inspectorate, decision on amendment to contents of inspection, the detailed inspection plan, list of issues to be reported on (by the inspected entity), written direction of the person who issues the decision on inspection;

b) Report on performance of tasks of the members of inspectorate to the chief; and the chief of the inspectorate to the person who issues the decision on inspection;

c) Forms of complaints, denunciations, recommendations and reflections related to the operation of the inspectorate (if any);

d) Other documents under the direction of the person who issues the decision on inspection.

4. Report to the person who issues the decision on inspection on contents according to the plan for supervision of operation of the inspectorate and other contents upon the request of the person who issues the decision on inspection. In case of any difference between the operation of the inspectorate and the detailed inspection plan or detection of prohibited acts in inspection of the chief or other members of the inspectorate, the inspectorate shall report to the person who issues the decision on inspection for handling according to regulations of the law.

Article 100. Responsibilities of the chief and other members of inspectorate in supervision

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Explain and clarify matters related to contents of supervision upon the request of supervisors.

3. Report to the person who issues the decision on inspection in case of detection of violations of the supervisor in the process of inspection.

Article 101. Organization of supervision, report on the result of supervision

1. The supervision shall be carried out according to the plan for supervision of operation of the inspectorate; and approved by the person who issues the decision on inspection.

2. The supervisor shall review and assess the report of the inspectorate and other information and documents related to the contents of the plan for supervision of the operation of the inspectorate.

3. Within 15 days from the date of completion of direct inspection, the supervisor shall send a report on the result of supervision to the person who issues the decision on inspection. In case of ad hoc supervision upon the request of the person who issues the decision on inspection, the deadline for submission of the report shall be decided by the person who issues the decision on inspection.

4. The result of supervision is one of the grounds for consideration and issuance of inspection conclusions of the person who issues the decision on inspection

Chapter V

IMPLEMENTATION OF SPECTION CONCLUSION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The head of the inspection authority shall make a written recommendation to the head of the management agency at the same level to direct the implementation of contents of inspection conclusion.

The written recommendation and the inspection conclusion shall be sent at the same time. In particular, the methods and measures shall be proposed to organize the implementation of the recommendations in inspection conclusion under handling competence of the head of the management agency at the same level.

2. The head of the inspection authority shall report the result of implementation of the inspection conclusion to the head of the management agency at the same level.

Article 103. Responsibility of the head of the state management agency

1. The Prime Minister, the ministers, the presidents of the People's Committees of provinces and the presidents of the People's Committee of districts shall direct the implementation of inspection conclusions of the Government Inspectorate, the ministerial inspectorates, the provincial inspectorates and the district inspectorates.

Director General, Directors and Directors of provincial-level departments shall direct implementation of inspection conclusions of sub-ministerial inspectorates and inspectorates of provincial-level departments;

2. Within 15 days from the date of receipt of the inspection conclusion, the head of the state management agency at the same level shall issue a document on organization of the implementation of the inspection conclusion of the inspection agency. With regard to conclusion of Government Inspectorate, the Prime Minister shall issue a document on organization of the implementation within 30 days from the date of receipt of the inspection conclusion. A document on organization of inspection conclusion contains the following contents:

a) Handling or request, recommendation to the competent state agency for handling of such violations;

b) Handling or request, recommendation to the competent state agency for handling of officials or public employees who commit violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In case of direction of the implementation of inspection conclusions, the Prime Minister, the ministers, General Directors, Directors, the presidents of the People's Committees of provinces, Directors of provincial-level departments, the presidents of the People's Committees of district shall be entitled to request the inspected entities to submit the plans to remedy economic violations, assign person who issue inspection conclusions and the heads of relevant agencies and units to consider and submit for approval for the plans to remedy economic violations in order to ensure the thorough recall of state money and assets, and create conditions for the inspected entities to continue to maintain and develop production and trade.

4. The Prime Minister, the ministers, General Directors, Directors, the presidents of the People's Committees of provinces, Directors of provincial-level departments, the presidents of the People's Committees of districts shall assign agencies and units that take charge of organization and officials to preside over and cooperate with supervisory authorities of officials and public employees in handling officials and public employees who commit violations stated in the inspection conclusions; assign Government Inspectorate, the ministerial inspectorates, the provincial inspectorates and the district inspectorates to monitor and urge the implementation.

If the heads of supervisory authorities of officials and public employees fail to take actions officials and public employees who commit violations or fail to take actions that are appropriate for the nature and extent of their violations, the Prime Minister, the ministers, the presidents of the People's Committees of provinces, the presidents of the People's Committees of districts shall hold the heads of these supervisory authorities accountable.

Article 104. Responsibilities of inspected entities, the heads of agencies or organizations that directly manage inspected entities and relevant agencies, organizations and individuals

1. The inspected entity shall implement the inspection conclusion in a complete and prompt manner before the deadline.

With regard to contents of the inspection conclusion that cannot be immediately implemented, within 10 days from the date of publishing the inspection conclusion, the inspected entity shall develop a plan for implementation of the inspection conclusion and submit it to the competent person. In particular, the progress and reasons shall be clearly stated.

2. Within 15 days from the date of publishing the inspection conclusion, according to the contents of the inspection conclusion, document on organization of the implementation of the inspection conclusion, requests, recommendations and inspection-related decisions, the head of agency or organization that directly manages the inspected entity shall:

a) Completely, promptly and punctually fulfill requests, recommendations and inspection-related decisions within the scope of his/her responsibility;

b) Promptly direct the inspected entity to organize implementation of inspection conclusion, requests, recommendations and inspection-related decisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Examine the development of the plan for implementation of inspection conclusion of the inspected entity.

3. The inspected entity, the head of agency or organization that directly manages the inspected entity and relevant agencies, organizations and individuals shall be responsible for report on the  result of implementation of inspection conclusion to the competent authority and the head of the inspection authority.

Article 105. Monitoring, urging and examining the implementation of inspection conclusion

1. The heads of inspection authorities, the heads of state management agencies at the same level shall, within the scope of their tasks and powers, monitor, urge, examine and publish the implementation of inspection conclusions and promptly handle problems.

2. The Government Inspectorate shall monitor, urge and examine the implementation of its inspection conclusion and inspection-related decision and the inspection conclusion and inspection-related decision of the Prime Minister.

The ministerial inspectorates, the sub-ministerial inspectorates, the provincial inspectorates, the inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates shall monitor, urge and examine the implementation of their inspection conclusions and inspection-related decisions and the inspection conclusions and inspection-related decisions of the heads of state management agencies at the same level.

3. The inspection authority shall directly examine the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions of the inspected entity and relevant agencies, organizations and individuals.

4. The Government elaborates this Article.

Article 106. Handling of violations in implementation of inspection conclusions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The inspected entities, agencies, organizations and individuals that are responsible for implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions but fail to perform or fully perform their duties shall, according to the nature and danger of their violations, incur disciplinary and administrative penalties or face criminal prosecution. In case of damage, they must pay compensation according to regulations of the law.

3. The Government elaborates the handling of violations in implementation of inspection conclusions

Chapter VI

COOPERATION IN INSPECTION, STATE AUDIT AND INVESTIGATION

Article 107. Responsibility for cooperation in inspection, state audit and investigation

The inspection-conducting authority, the state audit agency and the investigation agency shall be responsible for cooperation to improve the effectiveness of inspection, state audit and investigation and contribute to prevention and control of crime and other violations in state management.

Article 108. Responsibility for cooperation between Inspector General of the Government Inspectorate and State Auditor General

1. The Inspector General of the Government Inspectorate shall responsible for cooperation with the State Auditor General according to regulations of the Law on State Audit and this Law to ensure the effectiveness and efficiency of inspection and state audit.

2. The cooperation shall be carried out in the process of development and implementation of the annual inspection plan and state audit; handling of overlaps and duplications between inspection and state audit; provision and exchange of information on inspection and audit; use of the result of inspection and audit; training and refresher training of inspection and audit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 109. Responsibilities of the heads of the inspection-conducting authorities and chief auditors of specialized and local state audit units

The head of the inspection-conducting authority and the chief auditor of specialized or local state audit unit shall be responsible for cooperation, regular discussion to avoid overlaps and duplications in case of inspection and audit.

In case of detection of overlaps or duplications in contents and scope of inspection with other inspection authorities or state audit agencies, the head of the inspection-conducting authority shall immediately report to the head of the management agency at the same level, the superior inspection authority and notify the relevant state audit agencies, authorities, organizations and units for appropriate solutions to avoid overlaps and duplications and ensure continuity in operation among agencies, organizations and units.

Article 110. Collection of opinions, use of the results of inspection, state audit

1. Throughout state audit and inspection or before issuance of inspection conclusions and audit reports, the state audit and inspection-conducting authorities may collect opinions each other on the necessary contents to ensure accuracy, objectivity, completeness of inspection conclusions and audit reports

2. The inspection-conducting authority shall be entitled to use information, data and conclusion in audit report of state audit for conclusion on inspection. The state audit agency shall be responsible for provision of the result, conclusions and recommendations on audit to the inspection-conducting authority; and the accuracy of the provided information and documents.

Article 111. Responsibility of the investigation agency

The investigation agency shall be responsible for receipt of the written recommendation for prosecution, the case file that criminal offences are suspected and relevant documents transferred by the inspection-conducting authority for handling in accordance with the criminal procedure law.

Chapter VII

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 112. Funding for operation of the inspection authority; regimes and policies for inspectors

1. The funding for operation of the inspection authority shall be covered by state budget

2. The management, allocation and use of budget of the inspection authority shall comply with the law on state budget.

3. The inspection authorities shall be entitled to use a part from the amount recovered through inspection and paid to the state budget in accordance with regulations of Standing Committee of the National Assembly to support improvement of the capacity for inspection, strengthen facilities and reward, and encourage organizations and individuals with achievements in inspection.

4. The Government elaborates the regimes, policies, allowances and specific regimes for inspectors.

Article 113. Investment in modernization of inspection

1. The State shall adopt policies on investment and development of science and technology and other means to ensure organization and operation of the inspection-conducting authorities; develop database for inspection; apply information technology and digital technology to inspection; develop standards of inspection to ensure the quality, effectiveness, feasibility, lawfulness, publicity and transparency of inspection.

2. The ministers and the presidents of the People's Committees of provinces shall be responsible for assurance about conditions for enhancement and promotion of inspection in a professional, formal manner and ensure gradual modernization, thereby contributing to improvement of the efficiency and effectiveness of state management.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 114. Organization and implementation of inspection in the People's Army, the People's Public Security, the State Bank of Vietnam and cipher agencies of the Government.

1. The Government elaborates organization and implementation of inspection in the People's Army and the People's Public Security.

2. The organization and implementation of inspection in State Bank of Vietnam shall comply with regulations of this Law and the law on bank.

3. The organization of implementation of inspection in cipher agencies of the Government shall comply with regulations of this Law, the law on cipher and other relevant laws

Article 115. Organization and implementation of internal inspection

1. The inspection authorities of the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy of Vietnam and the State Audit Unit shall be established in accordance with the law to assist the Chief Justice of the Supreme People's Court, the Chief Procurator of the Supreme People's Procuracy and the State Auditor General to implement inspection in accordance with the law.

2. According to regulations of this Law and other relevant laws, within the scope of their tasks and powers, other agencies of the State and public service providers shall establish internal inspectorates or arrange staff to implement internal inspection in accordance with the Government's regulations to assist the heads of agencies and units in carrying out inspection within the scope of their management. The heads of agencies or units shall be responsible for organization and direction of internal inspection in their agencies or units.

Article 116. Amendments to some Articles of the laws on inspection

1. Some Clauses of Article 46 of the Law on handling of administrative violations No. 15/2012/QH13 amended under Law No. 54/2014/QH13, Law No. 18/2017/QH14 and Law No. 67/2020/QH14 shall be amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Add the phrase “Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh thanh tra tỉnh,” (chief inspectors of Governmental agencies, the provincial chief inspectors;) before the phrase “Cục trưởng Cục Thống kê;” (Directors of Statistics Offices) at the first part of Clause 3;

2. Point a, Clause 2, Article 160 of the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14 shall be amended as follows:

"a) The planned inspection;”.

Article 117: Entry into force

1. This Law comes into force as of July, 01 2023.

2. Law No. 56/2010/QH12 on inspection ceases to be effective from the effective date of this Law.

Article 118. Transitional clauses

The inspections with decisions on inspection issued before the effective date of this Law shall continue to comply with regulations of the Law No. 56/2010/QH12 on inspection.

This Law was approved by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session on November 14, 2022.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Vuong Dinh Hue

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Thanh tra 2022

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


373.063

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.179.132
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!