Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 58/2020/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 16/06/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Đây là nội dung nổi bật tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2020.

Theo đó, không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong 07 trường hợp sau đây:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 58/2020/QH14

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2020

LUẬT

HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Chương l

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

2. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

3. Luật này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi là Hòa giải viên) là người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

2. Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này.

3. Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này.

4. Hòa giải thành là thông qua hòa giải, các bên tham gia hòa giải tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự mà phần này không liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự đó.

5. Đối thoại thành là thông qua đối thoại, các bên tham gia đối thoại tự nguyện thống nhất về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần khiếu kiện hành chính mà phần này không liên quan đến những phần khác của khiếu kiện hành chính đó.

6. Các bên tham gia hòa giải là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

7. Các bên tham gia đối thoại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

8. Người đại diện bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 3. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại (sau đây gọi là các bên) phải tự nguyện hòa giải, đối thoại.

2. Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

3. Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

5. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật này.

6. Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

7. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật.

8. Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

9. Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại.

Điều 4. Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục, vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

b) Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật này làm Hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 6. Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Điều 7. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này;

b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và việc sử dụng thẻ Hòa giải viên;

c) Phối hợp với Chính phủ trong việc trình Quốc hội quyết định kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật;

đ) Kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại;

e) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

g) Báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác hằng năm;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này;

b) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên;

c) Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên;

d) Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

đ) Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

e) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh về việc buộc thôi làm Hòa giải viên;

g) Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

3. Tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này;

b) Đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên;

c) Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đề xuất khen thưởng, đề nghị xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện;

d) Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

đ) Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Điều 8. Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Các bên có các quyền sau đây:

a) Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

b) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này tham gia hòa giải, đối thoại;

c) Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

d) Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

e) Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

g) Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

h) Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

i) Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

k) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật này.

2. Các bên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật;

b) Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

c) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thi kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

d) Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

e) Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

Điều 9. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

a) Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

b) Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

c) Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

3. Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương II

HÒA GIẢI VIÊN

Điều 10. Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:

a) Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

b) Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

c) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:

a) Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.

3. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Điều 11. Bổ nhiệm Hòa giải viên

1. Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm;

b) Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

d) Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật này;

đ) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 của Luật này.

3. Căn cứ nhu cầu bổ nhiệm Hòa giải viên, Tòa án nơi nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên lựa chọn người có đủ điều kiện đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm.

4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên, trường hợp từ chối bổ nhiệm thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

6. Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

7. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Điều 12. Bổ nhiệm lại Hòa giải viên

1. Hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ được xem xét, bổ nhiệm lại, trừ các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ;

b) Không hoàn thành nhiệm vụ;

c) Thuộc 10% tổng số Hòa giải viên nơi họ làm việc mà trong 02 năm có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất, cần được thay thế.

2. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại Hòa giải viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm lại;

b) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

c) Báo cáo về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên;

d) Đánh, giá, nhận xét của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc về quá trình thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại.

3. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại, công bố danh sách Hòa giải viên thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 11 của Luật này.

4. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Điều 13. Miễn nhiệm Hòa giải viên

1. Việc miễn nhiệm Hòa giải viên được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nguyện vọng của Hòa giải viên;

b) Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật này hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Luật này.

2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm Hòa giải viên. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Hòa giải viên. Quyết định này được gửi cho người bị miễn nhiệm và Tòa án nơi họ làm việc.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định miễn nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xóa tên Hòa giải viên bị miễn nhiệm khỏi danh sách Hòa giải viên, công bố danh sách Hòa giải viên bị miễn nhiệm trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên đã làm việc; đồng thời gửi đến Tòa án nhân dân tối cao để công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

4. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thu hồi thẻ Hòa giải viên sau khi xóa tên Hòa giải viên.

Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên

1. Hòa giải viên có các quyền sau đây:

a) Tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật này;

b) Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện; các thông tin, tài liệu liên quan khác càn thiết cho việc hòa giải, đối thoại;

c) Xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của một trong các bên;

d) Mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện;

đ) Không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;

e) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;

g) Từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

h) Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

i) Được cấp thẻ Hòa giải viên;

k) Được hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ;

l) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này;

b) Tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan;

c) Bảo đảm bí mật thông tin theo quy định của Luật này;

d) Không ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ;

đ) Không được nhận tiền, lợi ích từ các bên;

e) Từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 của Luật này;

g) Tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên, nếu nội dung thỏa thuận, thống nhất đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

h) Từ chối tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đối với vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành và được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 15. Khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên

1. Hòa giải viên có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Hòa giải viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hoặc bị xử lý bằng hình thức buộc thôi làm Hòa giải viên.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã bổ nhiệm Hòa giải viên có thẩm quyền xử lý Hòa giải viên vi phạm bằng hình thức buộc thôi làm Hòa giải viên.

4. Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên thì bị xóa tên khỏi danh sách Hòa giải viên và thu hồi thẻ Hòa giải viên. Thủ tục thông báo xử lý, xóa tên Hòa giải viên và thu hồi thẻ Hòa giải viên được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 13 của Luật này.

5. Người bị buộc thôi làm Hòa giải viên có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định buộc thôi làm Hòa giải viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành.

6. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI VÀ CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Điều 16. Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên

1. Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 119 của Luật Tố tụng hành chính.

2. Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của Luật này.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu tại khoản 3 Điều này phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về những nội dung đã được Tòa án thông báo. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp, Tòa án xử lý như sau:

a) Phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại;

b) Chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại;

c) Thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên nếu người này chưa có ý kiến trả lời.

5. Nếu quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai quy định tại điểm c khoản 4 Điều này mà người khởi kiện, người yêu cầu vẫn không trả lời thì Tòa án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

6. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu đồng ý hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này hoặc trường hợp họ không trả lời Tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều này thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Điều 17 của Luật này.

7. Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì văn bản chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó.

8. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều này, người bị kiện phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp mà xử lý như sau:

a) Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu người bị kiện đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc không trả lời Tòa án;

b) Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên;

c) Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người bị kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại.

9. Thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật này không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng.

10. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này.

Điều 17. Lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên

1. Mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.

2. Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó.

3. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc và Hòa giải viên được lựa chọn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và người khởi kiện, người yêu cầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Hòa giải viên, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự lựa chọn của Hòa giải viên gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hòa giải viên; Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết.

Trường hợp nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác.

4. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Theo quy định tại khoản 3 Điều này khi được sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn và Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc;

c) Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này.

5. Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc tự mình chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:

a) Người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Không có sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn, của Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều này mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

c) Hòa giải viên từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

d) Người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 16 của Luật này.

6. Việc chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại khoản 5 Điều này phải căn cứ vào tính chất của từng vụ việc; trường hợp vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

Điều 18. Từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên

1. Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;

b) Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;

d) Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

đ) Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định của Luật này.

2. Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này phải thông báo lý do cho các bên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

Các bên đề nghị thay đổi Hòa giải viên phải thông báo lý do cho Hòa giải viên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi mà các bên không thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác để tiến hành hòa giải, đối thoại và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp các bên lựa chọn Hòa giải viên khác thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của các bên và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì phải thông báo cho Tòa án đó biết.

Điều 19. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

3. Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

2. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.

Điều 21. Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên bao gồm:

1. Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

2. Vào sổ theo dõi vụ việc;

3. Nghiên cứu đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

4. Xác định tư cách của các bên, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại;

5. Yêu cầu các bên bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

6. Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại;

7. Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho; việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

8. Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

9. Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

10. Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.

Điều 22. Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

2. Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

3. Phiên hòa giải, đối thoại có thể dược thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

4. Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

Điều 23. Nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên.

2. Tạo điều kiện để các bên đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

3. Phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất.

Điều 24. Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

2. Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình, thức khác thuận tiện cho các bên.

Điều 25. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Thành phần phiên hòa giải, đối thoại gồm có:

a) Hòa giải viên;

b) Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

c) Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

2. Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại; đồng thời phải thông báo bằng văn bản về họ, tên, địa chỉ của người đại diện cho bên kia và Hòa giải viên biết. Đối với hòa giải việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải.

Quyền và nghĩa vụ của người đại diện của các bên được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại. Người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

Điều 26. Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.

2. Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

3. Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

5. Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.

6. Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 23 của Luật này để hỗ trợ các bên trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

7. Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.

Điều 27. Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.

Hòa giải viên phải thông báo cho những người quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

2. Hòa giải viên tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Điều 28. Thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại gồm có:

a) Hòa giải viên;

b) Các bên, người đại diện, người phiên dịch;

c) Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp).

2. Việc ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này.

Điều 29. Hoãn phiền họp, mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Một trong các bên đã được thông báo mà vắng mặt. Trường hợp vắng mặt lần thứ hai mà không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì chấm dứt hòa giải, đối thoại; Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 41 của Luật này;

b) Hòa giải viên, Thẩm phán tham gia phiên họp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

c) Theo yêu cầu của các bên.

2. Khi hoãn phiên họp, Hòa giải viên phải thông báo bằng văn bản cho những người quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này. Thời gian hoãn phiên họp là không quá 07 ngày kể từ ngày ra thông báo hoãn phiên họp.

3. Hết thời gian quy định tại khoản 2 Điều này, Hòa giải viên phải mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Điều 30. Trình tự phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên trình bày tóm tắt diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại và nội dung các bên đã thỏa thuận, thống nhất.

2. Các bên, người đại diện phát biểu ý kiến về nội dung đã thỏa thuận, thống nhất.

3. Trường hợp nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu các bên trình bày bổ sung.

4. Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này và đọc lại biên bản cho các bên nghe.

5. Các bên, người đại diện, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ, Hòa giải viên ký vào biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại.

6. Thẩm phán tham gia phiên họp ký xác nhận biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và phải giữ bí mật thông tin về nội dung hòa giải, đối thoại do các bên cung cấp tại phiên họp theo yêu cầu của họ.

Điều 31. Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm, địa điểm tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

b) Thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

c) Diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trường hợp có những nội dung mà các bên không thỏa thuận, thống nhất thì cũng được ghi trong biên bản;

d) Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, còn đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

đ) Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì phải ghi rõ trong biên bản;

e) Ý kiến của các bên về việc yêu cầu hoặc không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

h) Chữ ký của Hòa giải viên;

i) Chữ ký xác nhận của Thẩm phán tham gia phiên họp.

2. Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại được lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên có mặt.

Trường hợp những người quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này vắng mặt thì Hòa giải viên phải gửi biên bản cho họ để họ có ý kiến.

3. Hòa giải viên từ chối lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật này.

Điều 32. Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

2. Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

3. Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

b) Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.

4. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Điều 33. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

3. Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

4. Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

5. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

6. Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Điều 34. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định;

2. Tên Tòa án ra quyết định;

3. Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

4. Họ, tên, địa chỉ của các bên, người đại diện, người phiên dịch;

5. Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

6. Căn cứ ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Điều 35. Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

2. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

3. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Điều 36. Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đúng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

3. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.

Điều 37. Thủ tục đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải gửi đơn đề nghị, văn bản kiến nghị đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Điều 38. Thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoặc văn bản kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, Tòa án cấp trên trực tiếp yêu cầu Tòa án đã ra quyết định chuyển hồ sơ, tài liệu. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu, Tòa án cấp trên trực tiếp phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo cho người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu.

Trường hợp có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó và làm thủ tục chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp không có căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không chấp nhận đề nghị, kiến nghị và giữ nguyên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trường hợp người đề nghị rút đề nghị, Viện kiểm sát rút kiến nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét đề nghị, kiến nghị.

3. Quyết định quy định tại khoản 2 Điều này phải được gửi cho Viện kiểm sát đã kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp, người đề nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc đề nghị, kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Điều 39. Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

1. Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

d) Họ, tên, địa chỉ của người đề nghị; tên của Viện Kiểm sát kiến nghị;

đ) Họ, tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

e) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị, kiến nghị;

h) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị, kiến nghị;

i) Quyết định của Tòa án.

2. Quyết định, của Tòa án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Điều 40. Chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Hòa giải thành, đối thoại thành;

2. Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

3. Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại;

4. Trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này;

5. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp Khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại;

6. Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện; đơn yêu cầu.

Điều 41. Xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1. Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này, trừ tài liệu phải bảo mật quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này.

2. Trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết.

Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

3. Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3,4 và 5 Điều 40 của Luật này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2020.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

Law No. 58/2020/QH14

Hanoi, June 16, 2020

 

LAW

MEDIATION OR DIALOGUE AT COURT

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on mediation or dialogue at the Court.

Chapter l

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law sets forth the State's principles and policies on mediation or dialogue at court; rights and obligations of mediators at court, parties to mediation or dialogues at court; responsibilities of the court in mediation or dialogue activities; procedures for mediation, dialogue and recognition of successful mediation or successful dialogue at court.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. This Law does not apply to mediation or dialogues activities provided for by other laws.

Article 2. Interpretation of terms

For the purpose of this Law, the terms below are construed as follows:

1. “mediator at court” (hereinafter referred to as mediator) means a person who is eligible and appointed by the Chief Judge of the People's Court of province to mediate disputes over civil matters, marriage and family, business, commerce, labor, requests for recognition of amicable divorce (hereinafter referred to as civil cases) and dialogues for administrative lawsuits in accordance with this Law.

2. “mediation at court” refers to mediation activity conducted by a Mediator before the court accepts a civil case in order to assist parties in mediation to negotiate the civil case settlement as per this Law.

3. “dialogue at court” means a dialogue conducted by a mediator before the court accepts an administrative case, in order to assist the parties in dialogue to negotiate the settlement of administrative lawsuit as per this Law.

4. “successful mediation” means that parties in mediation, through mediation, voluntarily agree on the settlement of all or part of the civil case which is not related to other parts of the civil case.

5. “successful dialogue” means that parties in dialogue, through dialogue, voluntarily agree on the resolution of all or part of the administrative lawsuit, which is not related to other parts of that administrative lawsuit.

6. “parties in mediation” are agencies, organizations and individuals (hereinafter referred to as entities) involved in civil cases as per the Civil Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. “representatives” refers to legal representatives and authorized representatives as per the Civil Code.

Article 3. Principles of mediation or dialogue at court

1. Parties in mediation or dialogue (hereinafter referred to as parties) must voluntarily participate in mediation or dialogue.

2. Respect the willingness and agreement of the parties; it is forbidden to force the parties to agree against their will.

3. Ensure equality of rights and obligations between the parties.

4. The content of a mediation or dialogue agreement does not violate the prohibition of the law, is not contrary to social morality, is not intended to evade obligations to the State or other agencies, organizations or individuals, and does not infringe lawful rights and interests of other entities.

5. Information relating to mediation or dialogue must be kept confidential in accordance with Article 4 of this Law.

6. Methods of mediation or dialogue are conducted flexibly and in accordance with the actual situation and features of each type of case.

7. Mediators shall conduct mediation or dialogue in an independent manner and in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Participants in mediation or dialogue are people who have hearing, speech, or vision disabilities have the right to use language, symbols and words dedicated for people with disabilities; in this case, sign language interpreters, oral interpreters, or cued-speech interpreters must be engaged.

9. Ensuring gender equality, protecting children's legitimate rights and interests in mediation or dialogue.

Article 4. Confidentiality of mediation or dialogue at court

1. Mediators, parties, and other entities who are invited to participate in mediation or dialogue must not disclose information they know in the process of mediation or dialogue.

2. During the mediation or dialogue process, no audio-recording or video-recording is allowed and no minutes of mediation or dialogue is taken. The minutes is only taken to record the outcome of mediation or dialogue as prescribed in Article 31 of this Law. Mediators and the parties may only take notes for the purpose of mediation or dialogue and must keep the notes confidential.

3. Documents and presentations of the parties in the process of mediation or dialogue must not be used as evidence in the course of case settlement as per the law, except for the following cases:

a) The party that has presented documents and presented opinions during the mediation or dialogue process has agreed to use the documents and presentations during the mediation or dialogue process as evidence;

b) The documents and presentations must be used as evidence in accordance with the law.

4. Entities that violate the provisions of Clauses 1, 2 and 3 of this Article shall be sanctioned as per the law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The State encourages the parties to resolve civil cases and administrative lawsuits in the form of mediation or dialogue at court; encourage qualified persons as prescribed in this Law to act as mediators and facilitate mediation or dialogue activities at court.

Article 6. Budget for mediation or dialogue at court

1. The State shall set aside funding for mediation or dialogue at court from the state budget and other lawful funding sources in accordance with law.

2. The budget for mediation or dialogue at court shall be submitted to the National Assembly for decision after obtaining consent of the Supreme People's Court.

3. The Minister of Finance shall stipulate the making of budget estimates, management, use and settlement of budget for mediation or dialogue at court.

Article 7. Responsibilities of the people's courts in mediation or dialogue at court

1. The Supreme People's Court has the following responsibilities:

a) Organize and manage mediation or dialogue activities as per this Law;

b) Provide training, refresher courses on professional practices, mediation or dialogue skills; stipulate procedures for the grant, withdrawal and use of the Mediator card;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Guide and inspect the management, use and settlement of budget for mediation or dialogue at court in accordance with law;

dd) Examine the implementation and handling of violations in mediation or dialogue;

e) Handle complaints against decisions on claim handling of People's Court of province;

g) Report to the National Assembly on mediation or dialogues at court in their annual reports;

h) Perform other duties as prescribed in this Law.

2. The People's Court of province has the following responsibilities:

a) Organize mediation or dialogue activities as per this Law;

b) Appoint, re-appoint, dismiss, delete the mediator's name; grant and withdraw mediators' cards;

c) Provide refresher courses in professional practices; give commendation and deal with violations committed by mediators;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Arrange locations, equipment and other conditions for mediation or dialogue at court;

e) Handle complaints about decisions of the Chief Judge of People's Court of province on discharge of mediators;

g) Report on mediation or dialogue at court as per regulations of the Chief Justice of the Supreme People's Court;

h) Perform other duties as prescribed in this Law.

3. The People's Court of district has the following responsibilities:

a) Organize mediation or dialogue activities as per this Law;

b) Request the People’s Court of province to appoint, re-appoint or dismiss the mediator;

c) Appoint, support and guide the mediator to conduct mediation or dialogue; evaluate and comment on the performance of the mediator; provide refresher courses in professional practices; give commendation and request actions against violations committed by mediators of People's Court of districts;

d) Arrange locations, equipment and other conditions for mediation or dialogue at court;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Perform other duties as prescribed in this Law.

4. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall elaborate this Article.

Article 8. Rights and obligations of parties in mediation or dialogue at court

1. The parties have the following rights:

a) Agree or refuse to participate in mediation, dialogue or terminate mediation or dialogue;

b) Participate in mediation or dialogue in person or through a representative as specified in Clauses 2 and 3, Article 25 of this Law;

c) Choose a mediator from the list of mediators of a court that has jurisdiction to settle civil cases or administrative lawsuits; in cases falling under the jurisdiction of People's Court of district, a mediator of other People's Court of district in the same administrative boundaries with the People’s Court of province may be selected;

d) Propose to change the mediator in accordance with this Law;

d) Engage an interpreter, by themselves or upon request to the mediator, in case where the participants in the mediation or dialogues do not know Vietnamese or have hearing, speech or vision disabilities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Express will, propose methods and solutions for settling disputes, requests and complaints; agree on the content of mediation or dialogue;

h) Request the court to recognize the successful mediation or successful dialogue;

i) Request the obligor to fulfill obligations as agreed in the successful mediation or successful dialogue;

k) Request the competent court to reconsider the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue in accordance with this Law.

2. The parties have the following obligations:

a) Comply with law;

b) Participate in mediation, dialogue in an amicable and cooperative manner to promote the mediation process, dialogue to achieve positive outcome; present accurately the details and contents of the case, promptly provide complete information, documents and evidence related to the case at the request of the mediator;

c) Take responsibility for the authenticity of the information, documents and evidence provided during the mediation or dialogue process; if any information, document or evidence provided is fake, the outcome of mediation or dialogue will be invalidated; in case of any criminal indication, they shall be handled as per the criminal law; if causing damage to other entities, they must pay restitution therefor as per the law;

d) Respect mediators and relevant parties; execute requests of mediators in accordance with this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Fulfill obligations as agreed in the successful mediation or successful dialogue.

Article 9. Costs incurred in mediation or dialogue at court

1. The costs incurred in mediation or dialogue at court shall be covered by the state budget, except for the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. The parties in mediation or dialogue at court must bear the following costs:

a) Mediation costs for disputes on business and trade related to monetary claim;

b) Costs incurred when the parties agree to select a place for mediation or dialogue outside the court's headquarters; costs incurred when the mediator examines the current state of assets related to the civil case or administrative lawsuit which are outside the administrative boundaries of the province where the competent court is located;

c) Costs incurred in foreign language interpretation.

3. The Government shall elaborate the rates and procedures for collection and remittance, management and use of the costs prescribed in Clause 2 of this Article.

Chapter II

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Requirements for appointment of mediators

1. A Vietnamese citizen who is permanently residing in Vietnam, loyal to the Fatherland and the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, has full legal capacity, good moral qualities, is exemplary in the observance of the law and meets all requirements below may be appointed as a mediator:

a) Used to be a Judge, Court Examiner, Court Clerk, Procurator, Procurator Inspector, Civil Judgment Executor, Inspector; having at least 10 years of experience as a lawyer, expert, or professional; being knowledgeable about customs and traditions and having prestige in the community;

b) Having experience and skills in mediation or dialogue;

c) Attaining fitness to complete the assigned tasks;

d) Possessing a certificate of professional training in mediation or dialogue conducted by a training facility of the Supreme People's Court, unless he/she has been a judge, court examiner of chief examiner or senior examiner level, court clerk of chief clerk or senior clerk level, procurator, executor of civil judgment, or inspector.

2. A person who falls into one of the following cases may not be appointed as a mediator:

a) Failing to meet the requirements specified in Clause 1 of this Article;

b) Having been an official or public employee; commissioned officer or non-commissioned officer of the People's Army, professional solider, worker and defense officer; People's Public Security commissioned officer or non-commissioned officer, or police worker.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Appointment of mediators

1. A person who finds himself/herself satisfactory with all the requirements specified in Clause 1, Article 10 of this Law may submit an application for appointment of mediator to the court where he/she wishes to act as a mediator.

2. An application for appointment of a mediator comprises:

a) An application form for appointment;

b) A curriculum vitae and police (clearance) certificate;

c) A fitness to work certificate issued by a competent health authority;

d) A proof of eligibility prescribed at Point a, Clause 1, Article 10 of this Law;

dd) A certificate of professional training in mediation or dialogue prescribed at Point d, Clause 1, Article 10 of this Law.

3. Based on the need to appoint a mediator, the court which receives an application for appointment of mediator shall choose a qualified person and then request the chief judge of the People’s Court of province to consider appointment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Within 7 days after issuing the appointment decision, the chief judge of the People’s Court of province shall publish the list of mediators on the website of the People’s Court of province and post up at the head office of the court where the mediator has worked; and at the same time send it to the Supreme People's Court for publication on the web portal of the Supreme People's Court.

6. The term of office of a mediator is 3 years from the date of appointment.

7. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall elaborate this Article.

Article 12. Re-appointment of mediators

1. A mediator, upon the end of his/her term of office is considered for reappointment, except for the following cases:

a) He/she is no longer fit to work;

b) He has not completed the task;

c) He/she belongs to the list of 10% of mediators, in their workplace, who have the poorest performance to be substituted.

2. An application for re-appointment of a mediator comprises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) A fitness to work certificate issued by a competent health authority;

c) A report on the process of performing mediation or dialogue tasks;

d) Evaluation and remarks of the court where the mediator has worked on the process of performing of the mediation or dialogue tasks.

3. The procedures for re-appointment and announcement of the list of mediators comply with Clauses 4 and 5, Article 11 of this Law.

4. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall elaborate this Article.

Article 13. Dismissal of mediators

1. A mediator shall be dismissed in any of the following cases:

a) Upon the wish of the mediator;

b) The mediator no longer meets one of the requirements specified in Clause 1, Article 10 of this Law or in the case specified at Point b, Clause 2, Article 10 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Within 7 days after issuing the dismissal decision, the chief judge of the People’s Court of province shall remove the name of the dismissed mediator from the list of mediators and publish a list of dismissed mediators on the website of the People’s Court of province and post up at the head office of the court for which the dismissed mediator has worked; and at the same time send it to the Supreme People's Court for publication on the web portal of the Supreme People's Court.

4. The People’s Court of province shall revoke the mediator's card after removing the name of the mediator.

Article 14. Rights and obligations of mediators

1. Mediators have the following rights:

a) Conduct mediation for civil cases, dialogue for administrative lawsuits in accordance with this Law;

b) Request the parties to provide information, documents and evidence related to the content of the dispute and lawsuit; other relevant information and documents necessary for mediation or dialogue;

c) Examine the current conditions of assets related to the dispute or lawsuit before making a record on the outcome of the mediation or dialogue at the request of either party;

d) Invite prestigious persons to participate in mediation or dialogue; consult with entities with expertise in the field related to the dispute or lawsuit;

dd) Take no legal responsibility for the accuracy of information, documents and evidence provided by the parties;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Refuse to make a record on the outcome of mediation or dialogue if there are sufficient grounds to determine that such agreement or agreement violates the prohibition of the law, is contrary to social ethics or is intended to evade obligations to the State or other entities;

h) Be provided with training in professional practices, mediation or dialogue skills;

i) Be granted a mediator card;

k) Receive remuneration as prescribed by the Government;

l) Be given commendation as per the law.

2. Mediators have the following obligations:

a) Conduct mediation or dialogue according to the procedures specified in this Law;

b) Comply with laws, keep independent, impartial and objective;

c) Ensure confidentiality of information as prescribed by this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Refrain from receiving money, benefits from the parties;

e) Refuse to conduct mediation or dialogue if falling into one of the cases prescribed at Points a, b and d, Clause 1, Article 18 of this Law;

g) Respect the agreement of the parties, if the content of such agreement does not violate the prohibition of the law, is not contrary to social ethics, is not intended to evade obligations to the State or other entities;

h) Refuse to participate in proceedings as a presiding authority or officer in a case that he/she has conducted an unsuccessful mediation or dialogue and the case has been referred to the court for litigation settlement, unless otherwise provided for by law.

Article 15. Commendation and handling of violations committed by mediators

1. Any mediator who records achievements in performing their tasks shall be rewarded as per the law.

2. Any mediator who violates the provisions of this Law shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be handled according to law provisions or be discharged from mediator job.

3. The chief justice of the People’s Court of province who has appointed a mediator is competent to impose a discharge on that mediator if he/she violates this Law.

4. A mediator who is discharged shall be removed from the list of mediators and has his/her mediator's card revoked. Procedures for handling, removal of name of the mediator and revocation of mediator's card shall comply with the provisions of Clauses 3 and 4, Article 13 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

In case of disagreeing with the complaint settlement decision, the complainant may continue to appeal to the Chief Justice of the Supreme People's Court within 15 days after receiving the complaint settlement decision. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall handle the complaint within 30 days after receiving it. The decision on resolution of complaint made by the Chief Justice of the Supreme People's Court shall be final.

6. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall elaborate this Article.

Chapter III

PROCEDURES FOR MEDIATION OR DIALOGUE AND RECOGNITION OF OUTCOME OF MEDIATION OR DIALOGUE AT COURT

Article 16. Procedures for receiving and handling lawsuit petitions and petitions at courts and appointing mediators

1. The lawsuit petitioner or petitioner (hereinafter referred to as petitioner) shall send a petition to resolve civil case or administrative lawsuit enclosed with documents and evidences to the competent as prescribed in Article 190 of Civil Procedure Code, Article 119 of the Administrative Procedure Law.

2. The Court shall receive the petition, record it the register, and acknowledge the petition as provided for in Clause 1, Article 191 of the Civil Procedure Code, Clause 1, Article 121 of the Administrative Procedure Law.

3. Within 2 working days after receiving such a petition, if it does not fall into one of the cases prescribed in Clauses 1, 2, 4, 6 and 7, Article 19 of this Law, the Court shall notify in writing the petitioner of the right to choose mediation or dialogue and to select mediator in accordance with this Law.

4. Within 3 working days after receiving the court's notice, the petitioner in Clause 3 of this Article must reply in writing or in other forms to the court as to the court’s notice. In case the petitioner comes to the court in person to present his/her opinion, the court shall make a record bearing his/her signature or fingerprint. Upon expiry of this time limit, as the case may be, the court shall take the following actions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Transfer the petition for handling in accordance with the procedural law if the petitioner refuses to participate in mediation or dialogue;

c) Notify the petitioner for the second time to choose mediation or dialogue and select a mediator if he/she has not yet provided a reply.

5. After 3 working days after receiving the second notice specified at Point c, Clause 4 of this Article, if the petitioner still fails to respond, the court shall assign the judge in charge of mediation or dialogue to perform the tasks prescribed by this Law.

6. In cases where the petitioner agrees to participate in mediation or dialogue under the provisions of Point a, Clause 4 of this Article or where he/she fails to reply to the courts under Clause 5 of this Article, within 03 working days, the judge in charge of mediation or dialogue shall appoint a mediator in accordance with Article 17 of this Law.

7. The Court shall notify in writing the transfer of the case to mediation or dialogue and decision on appointment of mediator to the mediator, the petitioner, the respondent, and persons with related rights and obligations.

If the selected mediator is on the list of mediators of another district-level People's Court, the decision on appointment of the mediator must be sent to that Court.

8. Within 03 working days after receiving the court's notice prescribed in Clause 7 of this Article, the respondent must reply in writing or in other forms expressing his/her consent or dissent to the mediation or dialogue. Upon expiry of this time limit, as the case may be, the court shall take the following actions:

a) The mediator shall conduct mediation or dialogue if the respondent agrees to mediation, dialogue or does not answer the court;

b) The judge in charge of mediation or dialogue shall appoint another mediator if the respondent requests to change the mediator;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. The length of time for receipt and handling of the petition prescribed in this Law does not count towards the prescriptive period for initiating a lawsuit, the time limit for processing the petition as per the Civil Procedure Code and the Law on Administrative Procedure if the case is resolved in accordance with the procedural law.

10. The Chief Justice of the Supreme People's Court shall elaborate this Article.

Article 17. Selection and appointment of mediators

1. Each case is mediated by 01 mediator.

2. The petitioner may select a mediator from the list of mediators of the court that is competent to settle the case and must notify the full name and address of the mediator to that court.

3. In cases where the petitioner chooses a mediator from the list of mediators of other district-level People's Courts on the same administrative division with the People’s Court of province, the petitioner must notify the name and address of the mediator to the court that is competent to resolve the case and the court where the mediator has worked and the selected mediator.

Within 03 working days after receiving the notice of selection of mediator, the selected mediator must give a written consent or dissent to the judge in charge of mediation or dialogue, the court where the mediator has worked and the petitioner.

Within 02 working days after receiving the written consent of the mediator, the court where the mediator has worked shall give a written consent or dissent to such selection and send it to the court that is competent to resolve the case and the mediator; and the mediator shall send such a notice to the petitioner.

In case of receiving a dissent from the mediator or from the court where the mediator has worked, the petitioner may choose another mediator.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) According to Clause 2 of this Article;

b) According to Clause 3 of this Article, with the consent of the selected mediator and the court for which that mediator has worked;

c) According to Point c Clause 1 Article 18 of this Law.

5. The judge in charge of mediation or dialogue of the court where the case is settled shall, at his/her discretion, appoint the mediator in the following cases:

a) The petitioner fails to select the mediator as per Clauses 2 and 3 of this Article;

b) The selected mediator or the court for which that mediator has worked gives dissent to the selection as prescribed in Clause 3 of this Article and the parties do not choose another mediator;

c) The mediator refuses to conduct mediation, dialogue or is requested to be changed as prescribed in Clause 1, Article 18 of this Law but the parties do not choose another mediator;

d) The respondent requests a change of mediator as prescribed in Point b Clause 8 Article 16 of this Law.

6. The appointment of mediators as per Clause 5 of this Article must be based on the nature of each case; in cases where the case is related to a person under 18 years of age, the judge shall appoint a mediator with experience and psychological knowledge of persons under 18 years of age.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A mediator must give a refusal when selected, appointed or changed in one of the following cases:

a) He/she has rights and obligations related to the case undergoing the mediation or dialogue;

b) It is well founded that he/she may not be impartial and objective while performing his/her duties;

c) The parties change the assigned mediator and agree to select another mediator;

d) The mediation, dialogue cannot be conducted due to force majeure events or objective hindrance;

dd) He/she is dismissed or discharged in accordance with this Law.

2. Mediators who refuse to conduct mediation or dialogue specified at Points a, b and d, Clause 1 of this Article must notify the reasons to the parties, the court competent to settle the case and the court where the mediator has worked.

Parties that request to change the mediator must notify the reason to the mediator, the court competent to resolve the case and the court where the mediator has worked.

3. Within 3 working days after the mediator refuses to conduct mediation or dialogue or is requested to be changed but the parties do not agree to select a mediator, the judge in charge of mediation or dialogue shall appoint another mediator to conduct mediation, dialogue and give such a notice to the mediator and the parties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the judge appoints a mediator of another district-level People's Court, that Court must be notified.

Article 19. Non-conduction of mediation or dialogue at court

1. Claim compensation for damage to the State's properties.

2. Cases arising from civil transactions that violate the prohibition of law or social ethics.

3. The petitioner, the respondent, persons with related interests and obligations have been duly invited to participate in mediation or dialogue for the second time but still absent due to force majeure events or objective obstacles or unable to participate in mediation or dialogue for valid reasons.

4. A spouse in a divorce dispute is legally incapacitated.

5. One of the parties proposes not to conduct mediation or dialogue.

6. One of the parties requests the application of a provisional emergency measure as per the Civil Procedure Code and the Administrative Procedure Law.

7. Other cases as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The time limit for mediation or dialogue is 20 days from the date on which the mediator is appointed; for complicated cases, this time limit may be extended but must not exceed 30 days.

2. The parties may agree to extend the time for mediation or dialogue, but not exceeding 02 months.

Article 21. Preparation for mediation or dialogue at court

The work of preparing mediation or dialogue of mediators includes:

1. Receiving the application and attached documents transferred by the court;

2. Record the case in the logbook;

3. Examining the application and attached documents transferred by the court;

4. Determining litigation positions of the parties, their representatives and interpreters in the civil case or administrative lawsuit; notify them of mediation or dialogue;

5. Requesting the parties to supplement information, documents and evidence; proposing plans and solutions to resolve the civil case or administrative lawsuit;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Invite reputable people capable of influencing each party to the mediation or dialogues for further support when necessary;

8. Studying relevant laws and regulations, understanding customs, practices and circumstances of the parties intended for mediation or dialogue when necessary;

9. Consulting with entities with expertise in fields related to the civil case or administrative lawsuit intended for mediation or dialogue when necessary;

10. Other contents necessary for mediation or dialogue.

Article 22. Modes of mediation or dialogue at courts

1. Mediation or dialogue may be conducted in one or more sessions.

2. Mediation or dialogue may be conducted at or outside the head office of the court at the parties' discretion.

3. Sessions of mediation or dialogue may be conducted in the form of direct or other appropriate forms at the request of the parties.

4. Mediators may conduct mediation or dialogue in presence of the parties or meet them separately; request each party to present their opinions on issues of the civil case or administrative lawsuit; propose solutions for mediation or dialogue.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Tasks of mediators in the process of conducting mediation or dialogue at court

1. Disseminate and explain rights and obligations of the parties.

2. Enable the parties to propose and discuss plans or solutions to settle the civil case or administrative lawsuit.

3. Analyze the effectiveness and feasibility of each plan and solution for resolving the civil case or administrative lawsuit; assist parties to reach an agreement.

Article 24. Conduction of mediation or dialogue sessions at court

1. When the parties agree to meet to agree on a plan to resolve a civil case or an administrative lawsuit, the mediator shall determine the time and place for the mediation or dialogue session and give notice to the parties, representatives and interpreters at least 05 days before the opening of the mediation or dialogue session.

2. Such notice may be made in writing or in another form convenient to the parties.

Article 25. Composition of mediation or dialogue sessions at court

1. Composition of a mediation or dialogue session:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Parties, representatives, interpreters;

c) Persons invited to participate in the mediation or dialogue session in necessary cases.

2. The parties may, in person or through their representatives, participate in mediation or dialogue; and each party must further notify the other party and the mediator in writing of the full name and address of their representative. For divorce mediation, the parties in the spousal relationship must participate in the mediation in person.

The rights and obligations of the representatives of the parties are determined in accordance with the Civil Code.

3. The respondent in an administrative lawsuit may authorize a representative to participate in the dialogue. The authorized representative must have full authority to resolve the lawsuit.

Article 26. Procedures for mediation or dialogue sessions at court

1. The mediator introduces participants in the mediation session; present the content that needs mediation or dialogue; the process of preparation for mediation or dialogue; read the provisions of law related to the resolution of civil case or administrative lawsuit, analyze legal consequences of successful mediation or dialogue.

2. The petitioner, or his/her representative, presents the contents of the petition; proposes his/her points of view on issues that need mediation, dialogue and directions for settling the dispute or lawsuit.

3. The respondent, or his/her representative, presents his/her opinions as to the petition; proposes his/her points of view on issues that need mediation, dialogue and directions for settling the dispute or lawsuit.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Persons who are invited to participate in mediation or dialogue express their opinions.

6. The mediator performs the tasks prescribed in Article 23 of this Law to assist the parties in exchanging their opinions, making additional presentations on unclear contents and reaching agreement on the settlement of dispute or lawsuit.

7. The mediator summarizes matters that the parties have agreed upon or have not agreed upon.

Article 27. Holding a session to record the outcome of mediation or dialogue at court

1. When the parties reach an agreement on the settlement of all or part of the civil case or administrative lawsuit, the mediator shall set a time and place for the meeting to record the outcome of mediation or dialogue.

A meeting to record the outcome of the mediation or dialogue may be held immediately after the mediation or dialogue session or at another appropriate time.

The mediator must notify the persons specified in Clause 1, Article 28 of this Law.

2. The mediator shall hold a session to record the outcome of the mediation or dialogue at the head office of the court which is competent to resolve the case.

Article 28. Composition in a session to record the outcome of mediation or dialogue at court

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The mediator;

b) Parties, representatives, interpreters;

c) The judge in charge of mediation or dialogue or another judge assigned by the Chief Justice of the court (hereinafter referred to as the judge attending the session).

2. The authorization of the representative to attend the session to record the outcome of mediation or dialogue shall comply with the provisions of Clauses 2 and 3, Article 25 of this Law.

Article 29. Postponement of a session to record the outcome of mediation and dialogue at court

1. The mediator shall postpone a session to record the outcome of mediation or dialogue in one of the following cases:

a) One of the parties has been notified and is absent. In case of second absence not due to force majeure events or objective hindrance, the mediation or dialogue shall terminate; the mediator shall forward the application and accompanying documents to the court for settlement in accordance with Article 41 of this Law;

b) The mediator or and the judge attending the session is absent due to force majeure events or objective hindrance;

c) At the request of the parties.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. After the time limit specified in Clause 2 of this Article, the mediator must reopen the session to record the outcome of the mediation or dialogue.

Article 30. Procedures for a session to record the outcome of mediation and dialogue at court

1. The mediator presents a brief of the mediation or dialogue process and the contents agreed upon by the parties.

2. The parties and their representatives present their opinions on the agreed content.

3. Where the content of the agreement of the parties is unclear, the judge shall request the parties to present additional content.

4. The mediator makes a record on the mediation outcome, a record on the dialogue outcome as prescribed in Article 31 of this Law and re-reads the record to the parties.

5. The parties, representatives, interpreters bear their signatures or fingerprints, the mediator signs the record of mediation outcome and the record of dialogue outcome.

6. The judge attending the session signs the record of mediation outcome, the record of dialogue outcome and must keep the contents of mediation or dialogue provided by the parties at the session confidential at their requests.

Article 31. Record of outcome of mediation or dialogue at court

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Date of the session to record outcome of mediation or dialogue;

b) Composition in the session to record the outcome of mediation or dialogue;

c) Progress of the mediation or dialogue; successful mediation or successful dialogue.

In case there is any content that the parties do not agree on, it is also written in the record;

d) In case the parties agree an amicable divorce, the agreement of the parties must contain all matters related to on divorce, property division, care for and education of minor children and/or adult children who are legally incapacitated, are incapable of work and have no property to support themselves on the basis of ensuring the legitimate interests of their spouses and children in accordance with the Law on Marriage and Family;

dd) If the content of the agreement on mediation or dialogue of the parties is related to the rights and obligations of another person but such person is not present at the mediation or dialogue session, it must be clearly stated in the record;

e) Opinions of the parties on whether or not to request the court to issue a decision on recognition of the successful mediation or successful dialogue;

g) Signatures or fingerprints of the parties, their representatives and interpreters;

h) Signature of the mediator;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The record of mediation outcome or the record of dialogue outcome shall be kept in the documentation of mediation or dialogue and delivered to the present parties.

If the persons specified at Point e, Clause 1 of this Article are absent, the mediator must send the record to them so that they can give their comments.

3. The mediator refuses to make a record of mediation outcome or a record of dialogue outcome if falling into the cases prescribed at Point g, Clause 1, Article 14 of this Law.

Article 32. Procedures for issuing a decision to recognize or not recognize the successful mediation or successful dialogue at court

1. After making a record of mediation outcome or a record of dialogue outcome, the mediator shall transfer the record and accompanying documents to the court competent to settle the civil case or administrative lawsuit in order to issue a decision on recognition of successful mediation or successful dialogue in cases where the parties so request.

2. The time limit for preparing a decision on recognition of successful mediation or successful dialogue is 15 days from the date on which the court receives the record and accompanying documents. Within this time limit, the judge assigned by the chief justice to consider issuing the decision shall have the following rights:

a) Request one or both parties to present their opinions on the successful mediation or successful dialogue written in the record;

b) Request competent entities to provide the court with documents as the basis for making the decision when necessary. Entities receiving such a request from the court shall reply the court within 5 working days after the receipt.

3. Upon the expiry of the time limit prescribed in Clause 2 of this Article, the judge must issue one of the following decisions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If all requirements prescribed in Article 33 of this Law are not met, the judge shall issue a decision on non-recognition of successful mediation or successful dialogue and provide explanation. The judge shall transfer the decision, the record and the attached documents to the court that is competent to resolve the case in accordance with the procedural law.

4. A decision on recognition or non-recognition of successful mediation or successful dialogue shall be sent to the parties and the Procuracy of the same level within 3 working days after the court issues the decision.

Article 33. Requirements for recognition of successful mediation or successful dialogue at court

The successful mediation or successful dialogue are recognized when the following requirements are fully met:

1. The parties have full legal capacity;

2. The parties have rights and obligations with respect to the content of agreement;

3. The agreement of the parties is completely voluntary, does not violate the prohibition of the law, is not contrary to social ethics, is not intended to evade obligations to the State or other entities;

4. In case the parties agree an amicable divorce, the agreement of the parties must contain all matters related to on divorce, property division, care for and education of minor children and/or adult children who are legally incapacitated, are incapable of work and have no property to support themselves on the basis of ensuring the legitimate interests of their spouses and children in accordance with the Law on Marriage and Family;

5. If the content of the agreement on mediation or dialogue of the parties is related to the rights and obligations of another person but such person is not present at the mediation or dialogue session, such agreement shall be recognized only if such person gives consent in writing;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

A decision on recognition of successful mediation or successful dialogue must at least contain the following:

1. The date of decision;

2. Name of the issuing court;

3. Full name of the issuing judge;

4. Full names and addresses of the parties, their representatives and interpreters;

5. Content of successful mediation or successful dialogue;

6. Bases for issuing the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue.

Article 35. Effect of decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The decision on recognition of successful mediation shall be enforced in accordance with the law on civil judgment enforcement.

3. The decision on recognition of successful dialogue shall be enforced in accordance with the law on civil judgment enforcement.

Article 36. Proposals for reviewing decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

1. A decision on recognition of successful mediation or successful dialogue may be reviewed at the request of involved parties, representatives or persons with interests and obligations related to the court’s decision and the proposal of the Procuracy, if there are grounds for presuming that the agreement of the parties violates one of the requirements prescribed in Article 33 of this Law.

2. The parties, their representatives or persons with interests and obligations related to the court's decision have the right to request a review of the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue within 15 days from the date on which they have received or have known the decision. If they, due to force majeure or other objective hindrance, fail to exercise the right to make such a request within the time limit, such length of time does not count towards the time limit for the request.

3. The Procuracy of the same level has the right to propose a review of the decision on recognition or non-recognition of successful mediation or successful dialogue within 15 working days after receiving such decision of the court.

Article 37. Procedures for proposal for reviewing decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

The person or the Procuracy proposing to reconsider the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue must send the written request to the immediate superior Court of the court that issued such a decision.

Article 38. Procedures for handling proposal for reviewing decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 30 days after being assigned, the judge shall verify, take evidence and examine the documentation.

If there are sufficient grounds for concluding that the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue violates one of the requirements prescribed in Article 33 of this Law, the judge shall issue a decision to cancel such decision and carry out the procedures for transfer the case to a competent court for settlement as per the Civil Procedure Code and the Administrative Procedure Law.

If there is no grounds for concluding that the decision on recognition of successful mediation or successful dialogue violates one of the requirements specified in Article 33 of this Law, the judge shall issue a decision not to accept the request and uphold the decision in question.

In case the person or procuracy making the request withdraws such request, the judge shall issue a decision to suspend the consideration of the request.

3. The decision specified in Clause 2 of this Article must be sent to the procuracy making the request, the procuracy of the same level, the persons with interests and obligations related to the request within 05 working days after making the decision.

Article 39. Decision to settle proposal for reviewing decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court

1. Decision to settle proposal for reviewing decision on recognition of successful mediation or successful dialogue at court must at least contain the following:

a) The date of decision:

b) Name of the issuing court;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Full name and address of the person making request; name of the Procuracy making request;

dd) Full name and address of the person with related rights and obligations;

e) Specific issues to be resolved by the court;

g) Legal grounds for handling the request;

h) Judgments of the court and grounds for accepting or not accepting the request;

i) Decision of the court.

2. The decision of the court takes legal effect from the date of issuance.

Article 40. Termination of mediation and dialogue at court

Mediation or dialogue shall terminate in one of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The parties fail to reach an agreement, agree on the whole contents of the civil case or administrative lawsuit or only agree on and reach agreement on a part of the civil case or administrative lawsuit but that part is related to other parts of the civil case or administrative lawsuit;

3. One party or the parties do not agree to continue mediation, dialogue or is/are absent after 02 valid notices of the mediation or dialogue;

4. In the course of mediation or dialogue, it is found that the case falls into circumstances prescribed in Article 19 of this Law;

5. One of the parties requests the application of a provisional emergency measure as per the Civil Procedure Code and the Administrative Procedure Law during the mediation or dialogue process;

6. The petitioner withdraws the petition.

Article 41. Handling of termination of mediation and dialogue at court

1. The mediator shall forward the application and accompanying documents to the court that has accepted the application for consideration and acceptance of the case in accordance with the Civil Procedure Code and the Law on Administrative Procedure in the cases prescribed in Clauses 2, 3, 4 and 5, Article 40 of this Law, except confidential documents prescribed in Clause 3, Article 4 of this Law.

2. In cases where the petitioner withdraws the petition as prescribed in Clause 6, Article 40 of this Law, the mediator shall forward the petition and accompanying documents to the court that has received the petition for resolution according to general regulations and notify the parties.

The judge who attends the session to recognize the outcome of mediation or dialogue must not participate in the resolution of such case according to the civil procedure or administrative proceedings.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 42. Entry in force

This Law comes into force as of January 1, 2021.

This Law is passed by the 14th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam during the 9th session on June 16, 2020.

 

 

PRESIDENT OF NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


138.353

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.112.23
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!