mCHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 96/2021/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 11 năm 2021
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHUYẾN BAY CHUYÊN CƠ, CHUYÊN KHOANG
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Cảnh vệ
ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Hàng
không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng
không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định về công tác bảo đảm
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về công tác bảo đảm chuyến
bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước
ngoài bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
2. Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm các
tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay trong vùng trời
Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Chuyến bay chuyên cơ là chuyến bay sử dụng tàu
bay riêng biệt chở một trong các đối tượng được quy định tại Điều
4 của Nghị định này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo theo quy
định của Nghị định này.
2. Chuyến bay chuyên khoang (toàn bộ hoặc một phần)
là chuyến bay vận chuyển thương mại được các cơ quan có thẩm quyền mua vé, xác
nhận chỗ cho một trong các đối tượng được quy định tại Điều 4 của
Nghị định này và thông báo theo quy định của Nghị định này.
3. Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam
là chuyến bay do hãng hàng không của Việt Nam hoặc do đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng thực hiện chở một trong các đối tượng được quy định tại Điều
4 của Nghị định này bay trong, ngoài lãnh thổ Việt Nam.
4. Chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài là chuyến
bay do hãng hàng không nước ngoài hoặc do các cơ quan, tổ chức khác của nước
ngoài thực hiện chở một trong các đối tượng được quy định tại Điều
8 của Nghị định này sử dụng tàu bay riêng biệt bay đến, bay đi, bay trong
hoặc bay qua lãnh thổ Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
5. Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của
Việt Nam là văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều
5 của Nghị định này đặt hàng, giao nhiệm vụ bảo đảm chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang cho các cơ quan, đơn vị được quy định tại khoản 2
Điều 7 của Nghị định này.
6. Thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài là
văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 9
giao nhiệm vụ bảo đảm chuyến bay chuyên cơ cho các cơ quan, đơn vị được quy định
tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định này.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang
1. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt
đối.
2. Bảo đảm tiêu chuẩn chuyên
cơ, chuyên khoang theo quy định.
3. Bảo đảm bí mật Kế hoạch đảm bảo an ninh cho đối
tượng chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định của pháp luật.
4. Bảo đảm nghi lễ đón, tiễn chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang theo quy định.
Chương II
BẢO ĐẢM CHUYẾN BAY
CHUYÊN CƠ, CHUYÊN KHOANG CỦA VIỆT NAM
Điều 4. Đối tượng được phục vụ
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam
1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam.
2. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
3. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
4. Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
5. Đối tượng được quy định tại Điều
8 Nghị định này.
Điều 5. Cơ quan có thẩm quyền thông
báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam
1. Văn phòng Trung ương Đảng.
2. Văn phòng Chủ tịch nước.
3. Văn phòng Chính phủ.
4. Văn phòng Quốc hội.
5. Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Điều 6. Doanh nghiệp nhận đặt
hàng, đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt
Nam
1. Doanh nghiệp nhận đặt hàng thực hiện chuyến bay
chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các hãng hàng không của Việt Nam có đủ
tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2. Đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang của Việt Nam là các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có đủ tiêu chuẩn
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 7. Thông báo chuyến bay
chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam
1. Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của
Việt Nam được thực hiện bằng văn bản gồm có các nội dung sau:
a) Đối tượng được phục vụ và số lượng, thành phần
đoàn;
b) Hành trình chuyến bay;
c) Hãng hàng không của Việt Nam hoặc đơn vị thuộc Bộ
Quốc phòng được đặt hàng hoặc giao thực hiện chuyến bay;
d) Yêu cầu về nghi lễ đón, tiễn;
đ) Yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng và các
yêu cầu cụ thể khác.
2. Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của
Việt Nam được gửi tới các cơ quan, đơn vị sau:
a) Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do hãng hàng
không của Việt Nam thực hiện vận chuyển nội địa: Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ),
Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến,
Quân chủng Phòng không - Không quân), doanh nghiệp được đặt hàng thực hiện chuyến
bay;
b) Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do hãng hàng
không của Việt Nam thực hiện vận chuyển quốc tế: Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự, Cục
Lễ tân Nhà nước), Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Bộ Giao thông vận tải (Cục
Hàng không Việt Nam), Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không -
Không quân), doanh nghiệp được đặt hàng thực hiện chuyến bay;
c) Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do đơn vị
thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện vận chuyển nội địa: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (Bộ
Tư lệnh Cảnh vệ), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;
d) Chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do đơn vị
thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện vận chuyển quốc tế: Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự, Cục
Lễ tân Nhà nước), Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông
vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động
bay.
3. Thời hạn gửi văn bản thông báo chuyến bay chuyên
cơ, chuyên khoang của Việt Nam như sau:
a) Đối với các chuyến bay chuyên cơ: tối thiểu 05
ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay nội địa; tối thiểu 10
ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay quốc tế; trừ trường hợp
đặc biệt;
b) Đối với các chuyến bay chuyên khoang: tối thiểu
24 giờ trước giờ dự định cất cánh của chuyến bay đối với bay nội địa; tối thiểu
05 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay đối với bay quốc tế; trừ trường
hợp đặc biệt;
c) Đối với chuyến bay chuyên cơ do đơn vị thuộc Bộ
Quốc phòng thực hiện: tối thiểu 05 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến
bay; trừ trường hợp đặc biệt.
4. Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của
Việt Nam được coi là hình thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng
hoặc đặt hàng đối với các hãng hàng không của Việt Nam.
Chương III
BẢO ĐẢM CHUYẾN BAY
CHUYÊN CƠ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều 8. Áp dụng tiêu chuẩn, quy
trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay đến, đi Việt Nam
Tiêu chuẩn, quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ
của Việt Nam được áp dụng đối với các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài chở
người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước thực hiện chuyến
thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm cá nhân tại Việt Nam.
Điều 9. Cơ quan Việt Nam có thẩm
quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài
1. Các cơ quan quy định tại Điều 5
của Nghị định này.
2. Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng.
3. Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân Nhà nước - Bộ Ngoại
giao.
Điều 10. Thông báo chuyến bay
chuyên cơ của nước ngoài
1. Thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài được
thực hiện bằng văn bản gồm các nội dung sau:
a) Đối tượng được phục vụ và số lượng, thành phần
đoàn;
b) Hành trình chuyến bay;
c) Hãng hàng không, cơ quan, tổ chức khác của nước
ngoài thực hiện;
d) Yêu cầu về nghi lễ đón, tiễn;
đ) Yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn và các yêu cầu
cụ thể khác (nếu có).
2. Văn bản thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước
ngoài được gửi tới: Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), Bộ Giao thông vận tải (Cục
Hàng không Việt Nam), Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không
quân).
3. Thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài được
gửi tối thiểu là 07 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay, trừ trường hợp
đặc biệt.
4. Cơ quan, đơn vị nhận thông báo chuyến bay chuyên
cơ của nước ngoài có trách nhiệm triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Điều 11. Triển khai quy trình
phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài
1. Các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phục vụ
chuyến bay chuyên cơ nước ngoài theo quy định tại Điều 8 của
Nghị định này.
2. Trường hợp bên nước ngoài có yêu cầu áp dụng
tiêu chuẩn, quy trình phục vụ khác với quy định của Việt Nam, Cục Hàng không Việt
Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan căn cứ
theo quy định hiện hành, tình hình thực tế và khả năng đáp ứng báo cáo cơ quan
của Việt Nam có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ để thống nhất với
phía nước ngoài.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN,
ĐƠN VỊ VÀ TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
Điều 12. Trách nhiệm của Văn
phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng
Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng
1. Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của
Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài theo quy định.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang của Việt Nam.
3. Thông báo quyết định của đối tượng được phục vụ
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam quy định tại Điều
4 của Nghị định này về thời điểm khởi hành đối với chuyến bay chuyên cơ của
Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều
7 của Nghị định này.
4. Chủ trì với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
liên quan về việc thuê hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay chuyên
cơ phục vụ đối tượng chuyên cơ của Việt Nam tại nước ngoài trong trường hợp cần
thiết; phối hợp với Bộ Ngoại giao bảo đảm nghi lễ đón, tiễn chuyến bay chuyên
cơ của Việt Nam tại nước ngoài.
5. Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức chuyến bay
chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện.
Điều 13. Trách nhiệm của Bộ
Giao thông vận tải và các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành hàng không Việt Nam
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định về tiêu chuẩn tàu bay, nhân viên hàng không; quy trình quản lý, thực
hiện, điều hành và các công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay
chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện
và quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài; thẩm định và đề nghị
Bộ Tài chính quy định giá thuê tối đa tàu bay chuyên cơ, chuyên khoang chính thức
(có tính đến yếu tố tàu bay dự bị) theo hình thức đặt hàng; quy định giá cụ thể
đặt hàng chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ
sở giá tối đa theo giờ bay cho tàu bay chính thức (có tính đến yếu tố tàu bay dự
bị) do Bộ Tài chính quy định.
2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:
a) Là đầu mối tiếp nhận, triển khai nhiệm vụ bảo đảm
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do hãng hàng không của Việt
Nam thực hiện và chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài;
b) Chỉ đạo, giám sát các cơ quan, đơn vị trong
ngành hàng không thực hiện và phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang theo
tiêu chuẩn an ninh, an toàn;
c) Cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ của Việt
Nam do các hãng hàng không của Việt Nam thực hiện theo quy định, chuyến bay
chuyên cơ của nước ngoài bay qua vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt
Nam quản lý;
d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của
Việt Nam và nước ngoài xử lý các tình huống trong quá trình thực hiện công tác
bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang và triển khai thực hiện nhiệm vụ được
quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.
3. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm:
a) Triển khai công tác bảo đảm chuyến bay chuyên
cơ, chuyên khoang đến các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ
hàng không hoạt động tại cảng hàng không, sân bay;
b) Giám sát trực tiếp việc tổ chức thực hiện công
tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của các tổ chức, cá nhân tại cảng
hàng không, sân bay thuộc trách nhiệm quản lý.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có
trách nhiệm xác định khu vực sân đỗ, vị trí đỗ tàu bay, nhà khách để phục vụ
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang; phối hợp với các hãng hàng không và các
đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay tổ chức phục vụ
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của nước
ngoài.
5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động
bay có trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo thẩm quyền cho
các chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam và chuyến bay chuyên cơ của
nước ngoài.
6. Hãng hàng không của Việt Nam được đặt hàng thực
hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam có trách nhiệm:
a) Bảo đảm tiêu chuẩn chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang của Việt Nam theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; bảo đảm an ninh,
an toàn đối với chuyến bay;
b) Triển khai xây dựng kế hoạch bay chuyến bay
chuyên cơ của Việt Nam bay quốc tế và thông báo hành trình bay cho Cục Lãnh sự
tối thiểu 07 ngày trước ngày dự định thực hiện chuyến bay;
c) Trong trường hợp nhận được văn bản thông báo
chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam muộn hơn thời gian quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này, hãng hàng không của Việt Nam
phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang về các khó khăn, vướng mắc để phối hợp và xử lý kịp thời;
d) Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng
dịch vụ liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ, chuyên khoang.
Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Quốc
phòng
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn tàu
bay, tổ bay, đơn giá thực hiện kế hoạch chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang sử
dụng ngân sách nhà nước và công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay
chuyên cơ, chuyên khoang do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện; quy định về
công tác phối hợp hiệp đồng quản lý, bảo vệ các chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang hoạt động trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản
lý.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an,
Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh đối với chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện.
3. Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không
quân, đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt
Nam: thực hiện quản lý bảo vệ vùng trời, phối hợp với doanh nghiệp bảo đảm hoạt
động bay điều hành bay cho các chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang trong vùng
trời của Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; phối hợp với các
cơ quan liên quan triển khai phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang đi, đến
các sân bay do Bộ Quốc phòng quản lý; cấp phép bay cho các chuyến bay chuyên
cơ, chuyên khoang do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện trong lãnh thổ Việt
Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; trực tiếp tổ chức thực hiện, quản
lý chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam do đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng thực hiện.
4. Thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài
theo quy định tại Điều 9 Nghị định.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ
Ngoại giao
1. Cục Lãnh sự chủ trì, phối hợp với hãng hàng
không của Việt Nam được đặt hàng hoặc đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được giao thực
hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam thực hiện việc xin phép bay của nước
ngoài qua đường ngoại giao đối với chuyến bay chuyên cơ; cấp phép bay cho chuyến
bay chuyên cơ của nước ngoài thuộc thẩm quyền.
2. Cục Lễ tân Nhà nước chủ trì triển khai bảo đảm
các nghi lễ đón, tiễn đối tượng được phục vụ trên chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang của Việt Nam và nước ngoài theo thẩm quyền; liên hệ với cơ quan đại diện
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để đề nghị hoặc trực tiếp
đề nghị Nhà chức trách nước sở tại miễn giảm phí, lệ phí cho chuyến bay chuyên
cơ của Việt Nam đi nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại.
3. Thông báo chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài
bay đến, đi Việt Nam theo quy định tại Điều 9 Nghị định.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ
Công an
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng
dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh đối với chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang của Việt Nam do các hãng hàng không của Việt Nam thực hiện; chuyến
bay chuyên cơ của nước ngoài đến, đi Việt Nam theo quy định.
2. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có trách nhiệm chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an
ninh cho chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam; giám sát việc bảo đảm
an ninh cho chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ
Tài chính
Hướng dẫn việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán,
kinh phí của các cơ quan quản lý nhà nước chi trả các chuyến bay chuyên cơ,
chuyên khoang của Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước; quy định giá thuê tối
đa tàu bay chuyên cơ, chuyên khoang chính thức (có tính đến yếu tố tàu bay dự bị)
thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền thông báo
chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang quy định tại Điều 5 của Nghị
định này đặt hàng trên cơ sở thẩm định và đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện
công tác bảo đảm an ninh chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam, chuyến
bay chuyên cơ của nước ngoài đến, đi Việt Nam tại địa phương và an toàn, trật tự,
nghi lễ đón, tiễn đối tượng được phục vụ trên chuyến bay chuyên cơ, chuyên
khoang.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số
03/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về công tác bảo đảm chuyến
bay chuyên cơ.
Điều 20. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại
Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|