Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 mới nhất áp dụng năm 2024

Số hiệu: 72/2020/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 17/11/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Từ 2022, tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích

Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020.

Theo đó, từ 01/01/2022, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau:

- Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

- Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá thu gom, vận chuyển và xử lý.

Ngoài ra, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt hoặc không sử dụng bao bì đúng quy định thì cơ sở thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời báo cho cơ quan thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, riêng khoản 3 Điều 29 (quy định về nội dung đánh giá tác động môi trường) có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 72/2020/QH14

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020

LUẬT

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.

2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác.

4. Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là việc sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định.

5. Đánh giá môi trường chiến lược là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong chính sách, chiến lược, quy hoạch.

6. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường là việc xem xét, nhận dạng các vấn đề môi trường chính của dự án đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc giai đoạn đề xuất thực hiện dự án đầu tư.

7. Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

8. Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

9. Đăng ký môi trường là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là dự án đầu tư, cơ sở).

10. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là quy định bắt buộc áp dụng mức giới hạn của thông số về chất lượng môi trường, hàm lượng của chất ô nhiễm có trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

11. Tiêu chuẩn môi trường là quy định tự nguyện áp dụng mức giới hạn của thông số về chất lượng môi trường, hàm lượng của chất ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức công bố theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

12. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

13. Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

14. Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng.

15. Chất ô nhiễm là chất hóa học hoặc tác nhân vật lý, sinh học mà khi xuất hiện trong môi trường vượt mức cho phép sẽ gây ô nhiễm môi trường.

16. Chất ô nhiễm khó phân hủy là chất ô nhiễm có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

17. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định trong Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi là Công ước Stockholm).

18. Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

19. Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.

20. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

21. Đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.

22. Kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.

23. Khả năng chịu tải của môi trường là giới hạn chịu đựng của môi trường đối với các nhân tố tác động để môi trường có thể tự phục hồi.

24. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, quan trắc môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác.

25. Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.

26. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải là việc vận hành nhằm kiểm tra, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với công trình xử lý chất thải của chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

27. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.

28. Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

29. Khí nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

30. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng năng lượng bức xạ của Mặt Trời được hấp thụ trong khí quyển, chuyển hóa thành nhiệt lượng gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.

31. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động nhằm giảm nhẹ mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính, tăng cường hấp thụ khí nhà kính.

32. Ứng phó với biến đổi khí hậu là hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

33. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

34. Tầng ô-dôn là một lớp trong tầng bình lưu của Trái Đất, có tác dụng bảo vệ Trái Đất khỏi các bức xạ cực tím có hại từ Mặt Trời.

35. Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

36. Kỹ thuật hiện có tốt nhất là giải pháp kỹ thuật tốt nhất được lựa chọn bảo đảm phù hợp với thực tế, hiệu quả trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

37. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung gồm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế.

38. Chủ dự án đầu tư là chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng.

Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

1. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.

3. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

4. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

7. Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

3. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

4. Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

6. Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

7. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

8. Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

9. Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

10. Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.

11. Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường

1. Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.

3. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

5. Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

6. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

7. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

8. Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

9. Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

10. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

11. Sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

13. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chương II

BẢO VỆ CÁC THÀNH PHẦN MÔI TRƯỜNG, DI SẢN THIÊN NHIÊN

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC

Điều 7. Quy định chung về bảo vệ môi trường nước mặt

1. Chất lượng nước, trầm tích và môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt phải được theo dõi, đánh giá; khả năng chịu tải của môi trường nước mặt phải được tính toán, xác định và công bố.

2. Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm.

3. Bảo vệ môi trường nước sông phải trên cơ sở tiếp cận quản lý tổng hợp theo lưu vực, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thủy sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước.

Điều 8. Hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt

1. Nội dung bảo vệ môi trường nước mặt bao gồm:

a) Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;

b) Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt;

c) Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; đánh giá hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt;

d) Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm;

đ) Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích sông liên quốc gia và chia sẻ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt;

b) Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường;

c) Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng nước tại sông, hồ liên tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; xác định khu vực sinh thủy;

b) Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định;

c) Tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt trên địa bàn; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn theo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

d) Tổ chức đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, đánh giá khả năng chịu tải, hạn ngạch xả nước thải đối với nguồn nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; công bố thông tin về môi trường nước mặt trên địa bàn không còn khả năng chịu tải;

đ) Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn.

Điều 9. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt

1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 của Luật này phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

2. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt bao gồm:

a) Đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy;

b) Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động; nguy cơ ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới;

c) Loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt;

d) Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải;

đ) Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; giải pháp hợp tác, chia sẻ thông tin và quản lý ô nhiễm nước mặt xuyên biên giới;

e) Giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng nước mặt;

g) Tổ chức thực hiện.

3. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt được lập theo thời kỳ 05 năm.

4. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.

Điều 10. Bảo vệ môi trường nước dưới đất

1. Các nguồn nước dưới đất phải được quan trắc, đánh giá để có biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có thông số môi trường vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia hoặc có sự suy giảm mực nước theo quy định.

2. Hoạt động khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước dưới đất.

3. Cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước dưới đất.

4. Cơ sở, kho, bãi chứa, lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất, khu vực lưu giữ, xử lý chất thải phải được xây dựng bảo đảm an toàn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất.

5. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm xử lý ô nhiễm.

6. Việc bảo vệ môi trường nước dưới đất phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc bảo vệ môi trường nước dưới đất.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo vệ môi trường nước dưới đất trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Bảo vệ môi trường nước biển

1. Các nguồn thải vào môi trường nước biển phải được điều tra, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá, xác định và công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế - xã hội khác phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

4. Bảo vệ môi trường nước biển phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.

5. Việc bảo vệ môi trường nước biển phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ

Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.

3. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.

4. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí

1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí gồm Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh phải phù hợp với Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, quy hoạch tỉnh, là căn cứ để tổ chức thực hiện và quản lý chất lượng môi trường không khí.

2. Thời hạn của Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí là 05 năm. Thời hạn của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được xác định trên cơ sở phạm vi, mức độ ô nhiễm không khí, giải pháp quản lý, cải thiện và điều kiện, nguồn lực thực hiện của địa phương.

3. Nội dung chính của Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí bao gồm:

a) Đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí;

b) Mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể;

c) Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;

d) Chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp; xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh;

đ) Tổ chức thực hiện.

4. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh bao gồm:

a) Đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương;

b) Đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí;

c) Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí;

d) Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng;

đ) Mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí;

e) Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;

g) Tổ chức thực hiện.

5. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.

Điều 14. Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí

1. Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và tổ chức thực hiện;

b) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;

b) Đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng;

c) Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

Điều 15. Quy định chung về bảo vệ môi trường đất

1. Quy hoạch, kế hoạch, dự án và hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.

2. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do mình gây ra.

3. Nhà nước xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ môi trường đất.

Điều 16. Phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất

1. Khu vực ô nhiễm môi trường đất là khu vực đất có chất ô nhiễm vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

2. Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại theo tiêu chí nguồn gây ô nhiễm, khả năng lan truyền, đối tượng chịu tác động.

3. Khu vực ô nhiễm môi trường đất được phân loại theo mức độ ô nhiễm, gồm khu vực ô nhiễm, khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 17. Quản lý chất lượng môi trường đất

1. Chất lượng môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, phân loại và công khai thông tin theo quy định của pháp luật.

2. Khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm phải được theo dõi và giám sát.

3. Khu vực ô nhiễm môi trường đất phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

4. Vùng đất bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 18. Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất

1. Điều tra, đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, xác định nguyên nhân, phạm vi và mức độ ô nhiễm, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

2. Thực hiện biện pháp kiểm soát khu vực ô nhiễm môi trường đất gồm khoanh vùng, cảnh báo, không cho phép hoặc hạn chế hoạt động nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người.

3. Lập, thực hiện phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất; ưu tiên xử lý các khu vực có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường đất sau xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất.

Điều 19. Trách nhiệm bảo vệ môi trường đất

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Quy định chi tiết tiêu chí xác định, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất theo mức độ ô nhiễm;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổ chức điều tra, đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này;

d) Tổng hợp danh mục các khu vực ô nhiễm môi trường đất; xây dựng, cập nhật vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về các khu vực ô nhiễm môi trường đất trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất quốc phòng, đất an ninh và khu vực khác theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm;

b) Xử lý khu vực ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này;

c) Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường đất liên tỉnh, khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng;

d) Cập nhật thông tin về khu vực ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường theo quy định.

Mục 4. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DI SẢN THIÊN NHIÊN

Điều 20. Di sản thiên nhiên

1. Di sản thiên nhiên bao gồm:

a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;

c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.

2. Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên thuộc điểm c khoản 1 Điều này căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên;

b) Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn;

c) Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất;

d) Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

3. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 21. Nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên

1. Điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

2. Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

3. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.

Chương III

CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA, QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA; NỘI DUNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG QUY HOẠCH VÙNG, QUY HOẠCH TỈNH

Điều 22. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

1. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia là cơ sở để xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nội dung của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia bao gồm:

a) Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu;

b) Các nhiệm vụ;

c) Các giải pháp thực hiện;

d) Chương trình, đề án, dự án trọng điểm;

đ) Kế hoạch, nguồn lực thực hiện.

3. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

Điều 23. Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

1. Căn cứ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia trong cùng giai đoạn phát triển;

b) Kịch bản biến đổi khí hậu trong cùng giai đoạn phát triển.

2. Nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, thời kỳ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

4. Chính phủ quy định việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia.

Điều 24. Nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh

1. Nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch.

2. Chính phủ quy định việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch tỉnh. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng; hướng dẫn xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh.

3. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG

Mục 1. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Điều 25. Đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên cấp quốc gia.

2. Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

3. Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

4. Việc điều chỉnh mục tiêu của quy hoạch quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 26. Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

1. Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 của Luật này có trách nhiệm đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch đó.

2. Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 của Luật này được tích hợp trong hồ sơ trình phê duyệt chiến lược.

3. Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này được lập thành báo cáo riêng kèm theo hồ sơ trình thẩm định quy hoạch.

4. Cơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch có trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định quy hoạch. Cơ quan phê duyệt chiến lược có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình phê duyệt.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về nội dung đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch.

6. Kết quả đánh giá môi trường chiến lược là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt chiến lược, quy hoạch.

Điều 27. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược

1. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chiến lược với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này;

b) Đề xuất phương án điều chỉnh, hoàn thiện nội dung của chiến lược để bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này.

2. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch bao gồm:

a) Các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường;

b) Phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

c) Thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch;

d) Các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng;

đ) So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;

e) Kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch;

g) Tác động của biến đổi khí hậu;

h) Kết quả dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;

i) Định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch;

k) Kết quả tham vấn các bên có liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;

l) Vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường (nếu có), kiến nghị phương hướnggiải pháp khắc phục.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. TIÊU CHÍ VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÂN LOẠI DỰ ÁN ĐẦU TƯ, ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 28. Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư

1. Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư bao gồm:

a) Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b) Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên;

c) Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung; nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, thủy sản; các loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên khác; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; vùng đất ngập nước quan trọng; yêu cầu di dân, tái định cư và yếu tố nhạy cảm khác về môi trường.

2. Căn cứ tiêu chí về môi trường quy định tại khoản 1 Điều này, dự án đầu tư được phân thành nhóm I, II, III và IV.

3. Dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

b) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.

4. Dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình;

b) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

c) Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

d) Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

đ) Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;

e) Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

5. Dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, trừ dự án quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, bao gồm:

a) Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất nhỏ;

b) Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có phát sinh nước thải, bụi, khí thải phải được xử lý hoặc có phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải.

6. Dự án đầu tư nhóm IV là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gồm dự án không thuộc quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và ban hành danh mục loại dự án đầu tư quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 29. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường là dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

2. Thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng.

3. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm:

a) Đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan;

b) Nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án;

c) Nhận diện yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có);

d) Phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và biện pháp giảm thiểu tác động môi trường;

đ) Xác định các vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất dự án đầu tư thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đồng thời với hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mục 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Điều 30. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;

b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Điều 31. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

1. Đánh giá tác động môi trường do chủ dự án đầu tư tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện thực hiện. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

2. Kết quả đánh giá tác động môi trường được thể hiện bằng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 32. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);

b) Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

d) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư;

đ) Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;

e) Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;

g) Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

h) Chương trình quản lý và giám sát môi trường;

i) Kết quả tham vấn;

k) Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 33. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường

1. Đối tượng được tham vấn bao gồm:

a) Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư;

b) Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư.

2. Trách nhiệm thực hiện tham vấn được quy định như sau:

a) Chủ dự án đầu tư phải thực hiện tham vấn đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, được khuyến khích tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường;

b) Cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời chủ dự án đầu tư bằng văn bản về nội dung được tham vấn trong thời hạn quy định; trường hợp hết thời hạn quy định mà không có văn bản trả lời thì được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.

3. Nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Vị trí thực hiện dự án đầu tư;

b) Tác động môi trường của dự án đầu tư;

c) Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;

d) Chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

đ) Các nội dung khác có liên quan đến dự án đầu tư.

4. Việc tham vấn được thực hiện thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và một hoặc các hình thức sau đây:

a) Tổ chức họp lấy ý kiến;

b) Lấy ý kiến bằng văn bản.

5. Kết quả tham vấn là thông tin quan trọng để chủ dự án đầu tư nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đầu tư đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả tham vấn phải được tiếp thu, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của đối tượng được tham vấn, đối tượng quan tâm đến dự án đầu tư (nếu có). Trường hợp ý kiến, kiến nghị không được tiếp thu, chủ dự án đầu tư phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Chủ dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

6. Dự án đầu tư thuộc danh mục bí mật nhà nước không phải thực hiện tham vấn.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng, chủ dự án đầu tư được trình đồng thời hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; thời điểm trình do chủ dự án đầu tư quyết định nhưng phải bảo đảm trước khi có kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

3. Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:

a) Cơ quan thẩm định ban hành quyết định thành lập hội đồng thẩm định gồm ít nhất là 07 thành viên; gửi quyết định thành lập hội đồng kèm theo tài liệu quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này đến từng thành viên hội đồng;

b) Hội đồng thẩm định phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là chuyên gia. Chuyên gia là thành viên hội đồng phải có chuyên môn về môi trường hoặc lĩnh vực khác có liên quan đến dự án đầu tư và có kinh nghiệm công tác ít nhất là 07 năm nếu có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương, ít nhất là 03 năm nếu có bằng thạc sĩ hoặc văn bằng trình độ tương đương, ít nhất là 02 năm nếu có bằng tiến sĩ hoặc văn bằng trình độ tương đương;

c) Chuyên gia tham gia thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư không được tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đó;

d) Trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi thì hội đồng thẩm định phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó; cơ quan thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi phê duyệt kết quả thẩm định.

Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, có ý kiến bằng văn bản về việc phê duyệt kết quả thẩm định trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường;

đ) Thành viên hội đồng thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ đề nghị thẩm định, viết bản nhận xét về nội dung thẩm định quy định tại khoản 7 Điều này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình;

e) Cơ quan thẩm định xem xét, đánh giá và tổng hợp ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan (nếu có) để làm căn cứ quyết định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

5. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư để thực hiện.

6. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:

a) Không quá 45 ngày đối với dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;

b) Không quá 30 ngày đối với dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này;

c) Trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư về kết quả thẩm định. Thời gian chủ dự án đầu tư chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và thời gian xem xét, ra quyết định phê duyệt quy định tại khoản 9 Điều này không tính vào thời hạn thẩm định;

d) Thời hạn thẩm định quy định tại điểm a và điểm b khoản này có thể được kéo dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Sự phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Sự phù hợp của phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);

c) Sự phù hợp về việc nhận dạng, xác định hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

d) Sự phù hợp của kết quả đánh giá hiện trạng môi trường, đa dạng sinh học; nhận dạng đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư;

đ) Sự phù hợp của kết quả nhận dạng, dự báo các tác động chính, chất thải phát sinh từ dự án đầu tư đến môi trường; dự báo sự cố môi trường;

e) Sự phù hợp, tính khả thi của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của dự án đầu tư;

g) Sự phù hợp của chương trình quản lý và giám sát môi trường; tính đầy đủ, khả thi đối với các cam kết bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư.

8. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư vượt quá khả năng thẩm định trong nước, cần thuê tư vấn nước ngoài thẩm định. Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của tư vấn nước ngoài là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 của Luật này phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

9. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu (nếu có) của cơ quan thẩm định, người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm ra quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt thì phải trả lời bằng văn bản cho chủ dự án đầu tư và nêu rõ lý do.

10. Việc gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tiếp nhận, giải quyết và thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua một trong các hình thức gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư.

11. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định; công khai danh sách hội đồng thẩm định; biểu mẫu văn bản, tài liệu của hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thời hạn lấy ý kiến quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

Điều 35. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sau đây, trừ dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này;

b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật này thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; dự án đầu tư nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án phải thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Điều 36. Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện các việc sau đây:

a) Cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản;

b) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí;

c) Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

d) Kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng;

đ) Cấp giấy phép môi trường;

e) Cấp giấy phép nhận chìm ở biển; quyết định giao khu vực biển;

g) Quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.

2. Trừ dự án đầu tư liên quan đến bí mật nhà nước, cơ quan thẩm định gửi quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ dự án đầu tư và cơ quan có liên quan theo quy định sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án đầu tư và cơ quan khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với dự án đầu tư thực hiện trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đầu tư và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với dự án đầu tư thực hiện trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

3. Trường hợp có thay đổi chủ dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thông báo cho cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Điều 37. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Điều chỉnh, bổ sung nội dung của dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

4. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư khi có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường;

b) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong trường hợp thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này; bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

c) Tự đánh giá tác động đến môi trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thay đổi khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này; tích hợp trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (nếu có).

5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này.

Điều 38. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2. Công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu về đánh giá tác động môi trường vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Mục 4. GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG

Điều 39. Đối tượng phải có giấy phép môi trường

1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

Điều 40. Nội dung giấy phép môi trường

1. Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).

2. Nội dung cấp phép môi trường bao gồm:

a) Nguồn phát sinh nước thải; lưu lượng xả nước thải tối đa; dòng nước thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng nước thải; vị trí, phương thức xả nước thải và nguồn tiếp nhận nước thải;

b) Nguồn phát sinh khí thải; lưu lượng xả khí thải tối đa; dòng khí thải; các chất ô nhiễm và giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm theo dòng khí thải; vị trí, phương thức xả khí thải;

c) Nguồn phát sinh và giá trị giới hạn đối với tiếng ồn, độ rung;

d) Công trình, hệ thống thiết bị xử lý chất thải nguy hại; mã chất thải nguy hại và khối lượng được phép xử lý, số lượng trạm trung chuyển chất thải nguy hại, địa bàn hoạt động đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

đ) Loại, khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

3. Yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Có công trình, biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu; trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với nguồn nước công trình thủy lợi;

b) Có biện pháp, hệ thống, công trình, thiết bị lưu giữ, vận chuyển, trung chuyển, sơ chế, xử lý đáp ứng yêu cầu quy trình kỹ thuật và quản lý đối với dự án đầu tư, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;

c) Có kho, bãi lưu giữ phế liệu đáp ứng quy định; hệ thống thiết bị tái chế; phương án xử lý tạp chất; phương án tái xuất đối với dự án đầu tư, cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

d) Có kế hoạch quản lý và giám sát môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; trang thiết bị, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quan trắc môi trường;

đ) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; cải tạo, phục hồi môi trường; bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật;

e) Yêu cầu khác về bảo vệ môi trường (nếu có).

4. Thời hạn của giấy phép môi trường được quy định như sau:

a) 07 năm đối với dự án đầu tư nhóm I;

b) 07 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I;

c) 10 năm đối với đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này;

d) Thời hạn của giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (sau đây gọi chung là chủ dự án đầu tư, cơ sở).

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu giấy phép môi trường.

Điều 41. Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cơ sở có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các đối tượng sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này:

a) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại Điều 39 của Luật này;

b) Dự án đầu tư nhóm III quy định tại Điều 39 của Luật này nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

c) Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép môi trường đối với đối tượng quy định tại Điều 39 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 42. Căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường

1. Căn cứ cấp giấy phép môi trường bao gồm:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);

c) Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;

d) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

đ) Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, trường hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các điểm a, b, d và đ khoản này.

2. Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:

a) Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

b) Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật này. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;

c) Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm. Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.

3. Trường hợp dự án đầu tư hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.

4. Giấy phép môi trường là căn cứ để thực hiện hoạt động sau đây:

a) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

b) Thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở.

5. Trường hợp có thay đổi tên dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc chủ dự án đầu tư, cơ sở thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tiếp tục thực hiện giấy phép môi trường và thông báo cho cơ quan cấp giấy phép môi trường biết để được cấp đổi giấy phép.

6. Kể từ ngày giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.

Điều 43. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường;

b) Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường;

c) Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

2. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:

a) Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 41 của Luật này. Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; công khai nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiểm tra thực tế thông tin dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; tổ chức việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường.

Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và thông báo kết quả được thực hiện trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc gửi bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở;

c) Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường;

d) Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường.

3. Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên cơ sở thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra theo quy định của Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, trong thành phần hội đồng thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, đoàn kiểm tra phải có đại diện cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó.

Cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm cử thành viên tham gia hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản về việc cấp giấy phép môi trường trong thời hạn lấy ý kiến; trường hợp hết thời hạn lấy ý kiến mà không có văn bản trả lời thì được coi là đồng thuận với việc cấp giấy phép môi trường.

4. Thời hạn cấp giấy phép môi trường được tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và được quy định như sau:

a) Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

5. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường có tiến hành công việc bức xạ thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật này còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường

1. Giấy phép môi trường được cấp đổi trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 42 của Luật này nhưng không thay đổi các nội dung khác quy định trong giấy phép.

2. Giấy phép môi trường được xem xét điều chỉnh trong thời hạn của giấy phép khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi nội dung cấp phép quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở hoặc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Dự án đầu tư, cơ sở có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất sau khi kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm để phù hợp với năng lực hoạt động thực tế.

3. Giấy phép môi trường được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép hết hạn;

b) Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường so với giấy phép môi trường đã được cấp, trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

4. Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường khi chủ dự án đầu tư, cơ sở thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến mức phải tước quyền sử dụng giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

5. Giấy phép môi trường bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền;

b) Giấy phép có nội dung trái quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 45. Phí thẩm định cấp giấy phép môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của cơ quan nhà nước ở trung ương.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Công trình bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư sau khi được cấp giấy phép môi trường

1. Công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm:

a) Công trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;

b) Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;

c) Công trình bảo vệ môi trường khác.

2. Chủ dự án đầu tư có công trình xử lý chất thải quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, sau khi được cấp giấy phép môi trường, phải thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án đầu tư hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu có) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư phải tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Đối với dự án đầu tư có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trước khi kết thúc vận hành thử nghiệm 45 ngày, chủ dự án đầu tư phải gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của dự án. Cơ quan cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kiểm tra và quyết định việc điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền sau đây:

a) Được thực hiện các nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;

b) Đề nghị cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;

c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;

b) Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;

c) Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

d) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;

đ) Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép môi trường

1. Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định, cấp giấy phép môi trường; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở; chịu trách nhiệm về nội dung của giấy phép môi trường; quản lý, lưu giữ hồ sơ, dữ liệu về giấy phép môi trường; đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, thu hồi giấy phép môi trường.

2. Công khai trên cổng thông tin điện tử giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung quy định trong giấy phép môi trường; hướng dẫn chủ dự án đầu tư vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường (nếu có) trong quá trình vận hành thử nghiệm.

5. Cơ quan cấp giấy phép môi trường vận hành, cập nhật, tích hợp dữ liệu về giấy phép môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường. Việc báo cáo, chia sẻ thông tin, số liệu, dữ liệu về giấy phép môi trường được thực hiện liên thông, trực tuyến trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

Điều 49. Đăng ký môi trường

1. Đối tượng phải đăng ký môi trường bao gồm:

a) Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;

b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được miễn đăng ký môi trường bao gồm:

a) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh;

b) Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải với khối lượng nhỏ, được xử lý bằng công trình xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương;

c) Đối tượng khác.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc nhận bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đăng ký môi trường của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký môi trường.

4. Nội dung đăng ký môi trường bao gồm:

a) Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;

b) Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);

c) Loại và khối lượng chất thải phát sinh;

d) Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định;

đ) Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

5. Trong quá trình hoạt động, nếu dự án đầu tư, cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện các thay đổi đó.

Trường hợp việc thay đổi quy mô, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc phải có giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường theo quy định của Luật này.

6. Thời điểm đăng ký môi trường được quy định như sau:

a) Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi vận hành chính thức;

b) Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Tiếp nhận đăng ký môi trường;

b) Kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn và giải quyết kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung đã được tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường;

d) Cập nhật dữ liệu về đăng ký môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

8. Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

9. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu đăng ký môi trường và hướng dẫn việc tiếp nhận đăng ký môi trường.

Chương V

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ; ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN; TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 50. Bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế

1. Khu kinh tế phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn;

b) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa;

c) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với trường hợp khu kinh tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải quan trắc tự động, liên tục theo quy định của Luật này;

d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường, có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm.

3. Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường các khu chức năng sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong khu kinh tế theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của pháp luật;

e) Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của khu kinh tế theo quy định của pháp luật;

g) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 51. Bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung

1. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;

c) Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này;

d) Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường, có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm.

3. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thanh tra về bảo vệ môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền theo quy định của pháp luật;

g) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

4. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung có trách nhiệm sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bố trí khu vực chức năng, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường;

c) Đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

đ) Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

e) Bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;

g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;

k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phù hợp yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;

m) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật;

n) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung do Nhà nước đầu tư trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

c) Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung;

d) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 52. Bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp

1. Cụm công nghiệp phải có hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này.

2. Cụm công nghiệp đang hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Các trường hợp đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường; có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật.

3. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

d) Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung;

đ) Yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

e) Bố trí ít nhất một nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp với công việc được đảm nhiệm;

g) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở khi đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp;

i) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật;

k) Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp gửi cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cơ quan cấp giấy phép môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;

m) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên địa bàn.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp trong trường hợp không có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp;

b) Lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp;

b) Ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp;

c) Ban hành lộ trình di dời dân cư sinh sống (nếu có) ra khỏi cụm công nghiệp.

Điều 53. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

b) Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật này;

c) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật này;

d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;

đ) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật này phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;

g) Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật này.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;

đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải phải có công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp đối với công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lộ trình thực hiện đối với cơ sở quy định tại khoản 2 Điều này đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường.

Điều 54. Trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:

a) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì;

b) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hằng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì;

b) Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết và lộ trình thực hiện Điều này.

Điều 55. Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.

3. Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm:

a) Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;

b) Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

c) Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

4. Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Bảo vệ môi trường làng nghề

1. Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm:

a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;

b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.

2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;

b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường;

b) Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn;

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề;

đ) Có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

Điều 57. Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư

1. Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa, lịch sử và bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch.

2. Khu đô thị, khu dân cư tập trung phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Mạng lưới cấp, thoát nước, công trình vệ sinh nơi công cộng đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; trường hợp khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 86 của Luật này;

b) Thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lượng, loại chất thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trong khu đô thị, khu dân cư tập trung;

c) Có diện tích cây xanh, mặt nước, không gian thoáng trong khu đô thị, khu dân cư tập trung theo quy định của pháp luật.

3. Công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích.

4. Khu dân cư, cụm dân cư phân tán phải có địa điểm lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường trước khi vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định.

5. Chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung phải thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 58. Bảo vệ môi trường nông thôn

1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn được quy định như sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến phải phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh; chất thải phải được thu gom, tái sử dụng, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Cụm dân cư nông thôn phải có hệ thống thoát nước và biện pháp xử lý nước thải phù hợp; điểm tập kết chất thải phải được bố trí hợp lý; không chăn, thả động vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng; khuyến khích hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường;

c) Cảnh quan, cây xanh, ao hồ, hệ sinh thái nước mặt, nguồn nước phải được giữ gìn, bảo vệ, phục hồi và cải tạo;

d) Chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn phải được quản lý theo quy định của pháp luật; chất thải sinh hoạt hữu cơ, chất thải từ chăn nuôi, chế biến và phụ phẩm nông nghiệp phải được thu hồi, tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu sản xuất;

đ) Chất lượng môi trường nông thôn phải được theo dõi, đánh giá; khu vực ô nhiễm phải được xác định, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thống kê và quản lý các loại chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát sinh trên địa bàn; tổ chức hoạt động giữ gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan nông thôn; quy định về hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; quản lý công tác thu gom và xử lý chất thải quy mô cấp huyện; đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn; tổ chức theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường; khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường tại các điểm, khu vực ô nhiễm trên địa bàn nông thôn;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện nội dung về bảo vệ môi trường nông thôn; chỉ đạo, tổ chức việc xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn nông thôn; ban hành, hướng dẫn áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung, tiêu chí về bảo vệ môi trường nông thôn, biện pháp thu gom và xử lý chất thải phù hợp, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường nông thôn;

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án, cơ chế, chính sách phát triển nông thôn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn.

Điều 59. Bảo vệ môi trường nơi công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

2. Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác có trách nhiệm sau đây:

a) Bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát;

b) Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

c) Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý;

d) Phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Chính phủ.

Điều 60. Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân

1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;

b) Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;

c) Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;

d) Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

đ) Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;

e) Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân ở đô thị theo quy định của pháp luật về xây dựng có trách nhiệm thẩm định, cấp giấy phép xây dựng trong đó bao gồm công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Mục 3. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC

Điều 61. Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.

4. Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.

5. Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

6. Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 62. Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người

1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;

c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;

d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;

đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.

2. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

3. Chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:

a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;

b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;

c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm; xác định và công bố về giới hạn của các chất ô nhiễm trong cơ thể con người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con người; quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố thông tin về các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi phí và thiệt hại kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường; xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai biện pháp giám sát, dự phòng bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.

Điều 63. Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng

1. Khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong hoạt động mai táng, hỏa táng phù hợp đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Việc quàn, ướp, di chuyển, chôn cất thi thể, hài cốt phải bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ mai táng, hỏa táng phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

4. Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, mai táng hợp vệ sinh, trong khu nghĩa trang theo quy hoạch; xóa bỏ hủ tục trong mai táng, hỏa táng gây ô nhiễm môi trường.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm.

Điều 64. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng

1. Quy hoạch xây dựng phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Việc quy hoạch khu đô thị, khu dân cư tập trung phải hướng tới phát triển khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước, cảnh quan theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ hoạt động xây dựng, sử dụng vật liệu không nung và vật liệu thân thiện môi trường trong xây dựng.

4. Khi cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng phải bảo đảm các công trình, hạng mục công trình, thiết bị xử lý chất thải, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

5. Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;

đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;

e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

6. Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thực hiện theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 5 Điều này.

7. Chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước.

9. Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ; chung cư kết hợp với văn phòng; tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp.

Điều 65. Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải

1. Phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải phải được che chắn, không để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông.

3. Tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện, năng lực về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường phải được thực hiện bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.

5. Việc xây dựng công trình giao thông phải có giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động đến địa hình, cảnh quan, địa chất, di sản thiên nhiên.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định khu vực, địa điểm đổ thải, nhận chìm đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa và đường biển; có giải pháp phân luồng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường không khí đối với đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I.

7. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, mức tiêu hao nhiên liệu thấp, phát thải thấp hoặc không phát thải; lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan; hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo quy định.

Điều 66. Bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này.

2. Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, địa điểm tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao, địa điểm diễn ra lễ hội phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường;

b) Thải bỏ chất thải đúng nơi quy định; hạn chế phát sinh chất thải nhựa;

c) Giữ gìn vệ sinh công cộng;

d) Không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật.

3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường;

b) Tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Điều 67. Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải theo quy định;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

d) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản;

đ) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này.

2. Đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm:

a) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;

b) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt;

c) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường được quy định như sau:

a) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

b) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

c) Kế hoạch thực hiện phân chia theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quan trắc môi trường trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án;

d) Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.

4. Khoáng sản có tính chất độc hại phải được lưu giữ, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng, được che chắn bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường.

5. Việc sử dụng máy móc, thiết bị có tác động xấu đến môi trường, hóa chất độc hại trong thăm dò, khai thác, đóng cửa mỏ, chế biến khoáng sản phải được đánh giá tác động môi trường, khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường.

6. Việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản khác có chất phóng xạ, chất độc hại, chất nổ phải thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về an toàn hóa chất, năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; quy định yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường trong vận hành thử nghiệm, quản lý chất thải, quan trắc môi trường đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí và các dịch vụ liên quan trên biển.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành biểu mẫu, hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện Điều này.

Điều 68. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm

1. Cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm phải thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;

c) Xử lý, tiêu hủy mẫu, vật phẩm phân tích thí nghiệm, hóa chất bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

d) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

đ) Yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Điều 69. Bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy

1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

a) Không được sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và sử dụng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc Phụ lục A của Công ước Stockholm có hàm lượng vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật, trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đã được đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm;

b) Phải kiểm soát nguồn phát sinh và công bố thông tin, dán nhãn, đánh giá sự phù hợp, kiểm tra đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật;

c) Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định của pháp luật được phép tái chế, tiêu hủy, với điều kiện việc tái chế và tiêu hủy không dẫn đến thu hồi các chất này để tái sử dụng và phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy vượt giới hạn tối đa cho phép phải được lưu giữ, thu hồi, quản lý và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp đã tái chế, tiêu hủy theo quy định tại điểm c khoản này;

đ) Chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ báo cáo về chủng loại và kết quả tính toán lượng chất ô nhiễm phát thải vào môi trường nước, không khí, đất theo danh mục và chuyển giao xử lý để quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường theo quy định của pháp luật;

e) Khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất ô nhiễm khó phân hủy phải được đánh giá, xác định, cảnh báo rủi ro và đề xuất biện pháp quản lý an toàn, xử lý và cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này; tích hợp thông tin quan trắc các chất ô nhiễm khó phân hủy trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình phụ trách theo quy định của Công ước Stockholm, điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của pháp luật;

d) Chính phủ quy định chi tiết về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm và điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 70. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa

1. Tổ chức, cá nhân không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu, hàng hóa sau đây:

a) Máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng để phá dỡ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Máy móc, thiết bị, phương tiện, hàng hóa, nguyên liệu, phế liệu bị nhiễm bẩn phóng xạ, vi trùng gây bệnh, chất độc khác chưa được tẩy rửa hoặc không có khả năng làm sạch.

2. Việc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.

3. Hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

Điều 71. Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài

1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;

b) Có giấy phép môi trường;

c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;

d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Chương VI

QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ KIỂM SOÁT CÁC CHẤT Ô NHIỄM KHÁC

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 72. Yêu cầu về quản lý chất thải

1. Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như sau:

a) Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

b) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;

c) Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chất thải công nghiệp sau khi phân định phải được quản lý theo quy định của pháp luật;

d) Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất;

đ) Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp;

e) Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

2. Yêu cầu chung về quản lý nước thải được quy định như sau:

a) Nước thải phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận;

b) Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước;

c) Nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại;

d) Việc xả nước thải sau xử lý ra môi trường phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận.

3. Khí thải phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải có trách nhiệm áp dụng giải pháp tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; áp dụng công nghệ, chương trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát môi trường và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải; cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia khi chuyển giao chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp.

5. Nhà nước có chính sách xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chất thải trên địa bàn; ban hành quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

8. Chính phủ quy định chi tiết về phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải.

Điều 73. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.

2. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.

3. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

4. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.

5. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.

7. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Điều 74. Kiểm toán môi trường

1. Kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

2. Nội dung chính của kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm:

a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

3. Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Mục 2. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 75. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;

b) Chất thải thực phẩm;

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

3. Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

4. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:

a) Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;

b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

c) Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

d) Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Điều 76. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 77. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật này.

3. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.

4. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

6. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật này; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

7. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt;

c) Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Điều 78. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã.

4. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Điều 79. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;

b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;

c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 của Luật này hoặc quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

7. Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Điều 80. Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

1. Bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt sau khi đóng bãi và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Chủ dự án đầu tư hoặc cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm sau đây:

a) Ngay sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải tiến hành cải tạo cảnh quan khu vực đồng thời có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường;

b) Tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt kể từ ngày kết thúc việc đóng bãi chôn lấp và báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh theo quy định;

c) Hoàn thành việc xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường, lập hồ sơ và bàn giao mặt bằng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc hoạt động.

3. Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do Nhà nước quản lý và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát trên địa bàn.

Mục 3. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG

Điều 81. Phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm sau đây:

a) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất;

b) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;

c) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn theo quy định tại khoản 1 Điều này; lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn công nghiệp thông thường không được phân loại phải được quản lý như chất thải quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

4. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường; lưu giữ bằng các thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ phù hợp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Việc vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Chất thải phải được chứa, đựng trong các thiết bị, dụng cụ bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển, trừ trường hợp chất thải đặc thù có khối lượng lớn phải chứa, đựng trực tiếp bằng các thiết bị, thùng chứa của phương tiện vận chuyển;

b) Chất thải phải được vận chuyển theo loại sau khi đã được phân loại theo quy định;

c) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 82. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau đây:

a) Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;

c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;

d) Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại các điểm a, b hoặc c khoản này.

2. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này.

3. Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị, lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định;

b) Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thì phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định;

c) Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình phát sinh, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

d) Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý đối với mỗi lần nhận chuyển giao; lập nhật ký vận hành các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường; sổ theo dõi số lượng các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn công nghiệp thông thường (nếu có).

4. Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định;

b) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường;

c) Không đầu tư mới lò đốt và bãi chôn lấp để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, trừ trường hợp phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch có liên quan.

Mục 4. QUẢN LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 83. Khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại

1. Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm sau đây:

a) Khai báo khối lượng, loại chất thải nguy hại trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường;

b) Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;

c) Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.

2. Việc lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại;

b) Không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường;

c) Không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường;

d) Chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

3. Chất thải nguy hại khi vận chuyển phải được lưu chứa và vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng phù hợp đến cơ sở xử lý chất thải. Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải lắp đặt thiết bị định vị; hoạt động theo tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Đối tượng được phép vận chuyển chất thải nguy hại bao gồm:

a) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật và biểu mẫu khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại; hướng dẫn kỹ thuật về phương tiện, thiết bị lưu chứa, vận chuyển, phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại; hướng dẫn đăng ký, vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng.

Điều 84. Xử lý chất thải nguy hại

1. Chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; khuyến khích việc đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng; khuyến khích đồng xử lý chất thải nguy hại.

3. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại;

b) Bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định;

c) Công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng;

d) Có giấy phép môi trường;

đ) Có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp;

e) Có quy trình vận hành an toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp;

g) Có kế hoạch quản lý môi trường gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động;

h) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải nguy hại; hướng dẫn thực hiện điểm g khoản 3 Điều này.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại; không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn.

Điều 85. Trách nhiệm của chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại

1. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật này.

2. Thu gom, vận chuyển, tiếp nhận, xử lý số lượng, loại chất thải nguy hại theo đúng nội dung giấy phép môi trường được cấp.

3. Bảo đảm hệ thống, phương tiện, thiết bị lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.

4. Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động mà không có khả năng xử lý.

5. Đăng ký với cơ quan cấp phép môi trường theo thẩm quyền để được chấp thuận khi có nhu cầu liên kết vận chuyển chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường của mình cho chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại khác có chức năng phù hợp theo quy định của Chính phủ.

6. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.

7. Công khai, cung cấp thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý và các thông tin về môi trường khác cần phải công khai, cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 114 của Luật này.

Mục 5. QUẢN LÝ NƯỚC THẢI

Điều 86. Thu gom, xử lý nước thải

1. Đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

2. Quản lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung được quy định như sau:

a) Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải;

b) Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị phải được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị; nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương;

c) Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị chưa có công trình xử lý nước thải tập trung phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

3. Quản lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định như sau:

a) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thu gom và xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp bảo đảm nước thải phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không kết nối được vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

4. Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Đầu tư, khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải;

c) Ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung đã hình thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

d) Ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải tại chỗ.

7. Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung quy định tại Điều này.

Điều 87. Hệ thống xử lý nước thải

1. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Công nghệ phù hợp với loại hình, đặc tính nước thải cần xử lý;

b) Công suất hệ thống xử lý nước phải phù hợp với lượng nước thải phát sinh tối đa;

c) Xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Vận hành công trình xử lý nước thải theo đúng quy trình kỹ thuật;

đ) Có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải; điểm xả thải phải có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát xả thải.

2. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Mục 6. QUẢN LÝ BỤI, KHÍ THẢI VÀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM KHÁC

Điều 88. Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí.

Điều 89. Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu

1. Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường và bức xạ.

2. Tổ chức, cá nhân trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ, mùi khó chịu phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm tác động xấu đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương VII

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Điều 90. Thích ứng với biến đổi khí hậu

1. Thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

2. Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm:

a) Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội;

b) Triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị;

c) Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và định kỳ rà soát, cập nhật 05 năm một lần; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu;

c) Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu;

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu;

đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.

4. Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; định kỳ hằng năm tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp ngành, cấp địa phương trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.

Điều 91. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

1. Các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3).

2. Nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế;

b) Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan;

c) Kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

d) Xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

đ) Tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

3. Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật 02 năm một lần trên cơ sở tỷ trọng phát thải khí nhà kính trên tổng phát thải khí nhà kính quốc gia; điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm, dịch vụ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;

b) Định kỳ xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia 02 năm một lần;

c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

5. Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;

c) Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

đ) Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

7. Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

c) Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 92. Bảo vệ tầng ô-dôn

1. Bảo vệ tầng ô-dôn là hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm ngăn ngừa sự suy giảm tầng ô-dôn, hạn chế tác động có hại của bức xạ cực tím từ Mặt Trời.

2. Nội dung bảo vệ tầng ô-dôn bao gồm:

a) Quản lý hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về bảo vệ tầng ô-dôn trong thiết bị có các chất này khi không còn sử dụng;

c) Phát triển và ứng dụng công nghệ, thiết bị sử dụng các chất không làm suy giảm tầng ô-dôn, chất thân thiện khí hậu.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Ban hành danh mục và hướng dẫn sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát phù hợp với lộ trình thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và loại trừ các chất thuộc danh mục quy định tại điểm b khoản này; tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.

4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền quản lý thực hiện kiểm soát hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ các chất thuộc danh mục quy định tại điểm b khoản 3 Điều này. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định quản lý, chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ loại trừ, giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát.

5. Cơ sở sản xuất thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sử dụng chất thuộc danh mục quy định tại điểm b khoản 3 Điều này phải xây dựng lộ trình phù hợp để thay thế, loại bỏ chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát thuộc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về bảo vệ tầng ô-dôn.

6. Cơ sở sử dụng thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sử dụng chất thuộc danh mục quy định tại điểm b khoản 3 Điều này phải thực hiện quy định về thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

7. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng chất thuộc danh mục quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thực hiện việc chuyển đổi công nghệ bảo vệ tầng ô-dôn được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật này và pháp luật về chuyển giao công nghệ.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 93. Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch

1. Nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch bao gồm:

a) Kịch bản biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu được sử dụng trong việc xác định mục tiêu dài hạn của chiến lược, quy hoạch;

b) Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép vào nội dung của chiến lược, quy hoạch;

c) Kết quả phân tích, đánh giá giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch.

2. Chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 25 của Luật này phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 94. Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm thông tin, dữ liệu sau đây:

a) Văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và quy trình chuyên môn, định mức kinh tế - kỹ thuật về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

b) Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội;

c) Phát thải khí nhà kính và hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan đến phát thải khí nhà kính;

d) Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu;

đ) Bảo vệ tầng ô-dôn và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn;

e) Kết quả đánh giá khí hậu quốc gia;

g) Kịch bản biến đổi khí hậu các thời kỳ;

h) Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

i) Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

k) Các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, cập nhật và hướng dẫn khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu được quy định tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 95. Báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Nội dung báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm:

a) Tổng quan diễn biến, tác động của biến đổi khí hậu;

b) Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính;

c) Nỗ lực và hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu;

d) Nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu;

đ) Tình hình thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu;

e) Dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế, xã hội, môi trường;

g) Kiến nghị giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hằng năm lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ 05 năm một lần xây dựng báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 96. Thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Là đầu mối tổ chức thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Tổ chức xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, Báo cáo minh bạch 02 năm một lần và các báo cáo quốc gia khác về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Xây dựng cơ chế, chính sách huy động và quản lý nguồn lực để thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tham gia triển khai thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Chương VIII

QUY CHUẨN KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG, TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Điều 97. Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh bao gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng đất, trầm tích;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt, nước dưới đất và nước biển;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng không khí;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ánh sáng, bức xạ;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về tiếng ồn, độ rung.

2. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải bao gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khí thải của phương tiện giao thông vận tải.

3. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý chất thải bao gồm:

a) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải nguy hại;

b) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về bãi chôn lấp chất thải rắn;

c) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ;

d) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về lò đốt chất thải;

đ) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường về đồng xử lý chất thải;

e) Nhóm quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác về thiết bị xử lý, tái chế chất thải.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị.

6. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường khác theo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Điều 98. Nguyên tắc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh; quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị

1. Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Đáp ứng mục tiêu bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống nhằm bảo đảm sức khỏe của con người, phát triển của các loài sinh vật và phát triển bền vững các hệ sinh thái; phục vụ hoạt động quy hoạch, phân vùng môi trường, đánh giá chất lượng môi trường;

b) Bảo đảm tương đương với các quốc gia phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng.

2. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Làm căn cứ để phân loại, đánh giá chất lượng môi trường tại một vị trí hoặc một khu vực;

b) Làm căn cứ để thực hiện phân vùng môi trường phù hợp với mục đích quản lý và sử dụng;

c) Làm căn cứ để xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, xem xét, cấp phép môi trường cho đối tượng có hoạt động xả thải vào môi trường, bảo đảm việc xả thải phù hợp với mục đích quản lý chất lượng môi trường tại khu vực đã được quy hoạch, phân vùng hoặc phân loại.

3. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 99. Nguyên tắc xây dựng và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

1. Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải phải phù hợp với trình độ kỹ thuật, công nghệ, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; hài hòa với quy định của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chuyển đổi và áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường;

b) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải phải phù hợp với vùng, khu vực môi trường tiếp nhận; được xây dựng căn cứ vào quy hoạch, phân vùng môi trường; duy trì mục đích quản lý chất lượng môi trường và cải thiện chất lượng môi trường;

c) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý chất thải phải phù hợp với mục đích, yêu cầu trong thu gom, lưu giữ, xử lý của từng loại chất thải;

d) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải bảo đảm phòng ngừa từ xa và ngăn chặn việc lợi dụng để đưa chất thải vào Việt Nam;

đ) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải được rà soát, cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm một lần hoặc khi cần thiết, theo hướng nghiêm ngặt hơn trong trường hợp chất lượng môi trường không bảo đảm duy trì mục đích quản lý chất lượng môi trường;

e) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương về chất thải, quản lý chất thải phải được xây dựng theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

2. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải phải được áp dụng để kiểm soát các chất ô nhiễm phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;

b) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải phải được áp dụng theo mục đích quản lý chất lượng môi trường của vùng, khu vực môi trường tiếp nhận và quy mô, lưu lượng thải;

c) Dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng phải đáp ứng yêu cầu mới nhất quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải;

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động phải có kế hoạch thực hiện lộ trình áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải hoặc kế hoạch di dời nếu không đáp ứng được yêu cầu;

đ) Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia liên quan đến công nghệ, thiết bị có phát sinh chất thải, thông số về chất lượng môi trường hoặc chất ô nhiễm có trong chất thải thì áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường của một trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển.

3. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất là một trong các căn cứ để thông quan lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, phải tái xuất theo quy định của pháp luật;

b) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất được áp dụng đối với từng lô hàng phế liệu nhập khẩu đăng ký kiểm tra, trừ trường hợp được miễn kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Điều 100. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh

1. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải quy định mức giá trị giới hạn cho phép của các thông số môi trường phù hợp với mục đích sử dụng của thành phần môi trường tương ứng, bao gồm:

a) Giá trị tối thiểu của các thông số môi trường bảo đảm sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật;

b) Giá trị tối đa cho phép của các thông số môi trường trong thành phần môi trường bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.

2. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải chỉ dẫn phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số môi trường.

Điều 101. Yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải, quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

1. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải phải quy định mức giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm có trong chất thải. Giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm có trong chất thải phải được xác định căn cứ vào tính chất độc hại của chất ô nhiễm, quy mô xả thải, phân vùng môi trường.

2. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý chất thải phải quy định các yêu cầu kỹ thuật và quản lý trong thu gom, lưu giữ, xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

3. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất phải quy định yêu cầu kỹ thuật, quản lý và tỷ lệ tạp chất tối đa được phép có trong lô hàng phế liệu nhập khẩu.

4. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải, quản lý chất thải phải có quy định về lộ trình áp dụng phù hợp.

5. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định tại Điều này phải có chỉ dẫn phương pháp chuẩn về lấy mẫu, đo đạc và phân tích để xác định các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật.

Điều 102. Xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn kỹ thuật về tái sử dụng, tái chế và sử dụng chất thải làm nguyên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

5. Trường hợp chất lượng môi trường xung quanh không bảo đảm duy trì mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải của địa phương trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

Điều 103. Tiêu chuẩn môi trường

1. Tiêu chuẩn môi trường gồm tiêu chuẩn chất lượng môi trường xung quanh, tiêu chuẩn môi trường đối với quản lý chất thải và các tiêu chuẩn môi trường khác.

2. Toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng khi được viện dẫn trong văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Tiêu chuẩn môi trường cơ sở áp dụng trong phạm vi quản lý của tổ chức công bố tiêu chuẩn.

Điều 104. Xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng và đề nghị thẩm định tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường.

4. Cơ quan, tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 105. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo lộ trình do Chính phủ quy định; cung cấp thông tin theo yêu cầu để phục vụ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất.

2. Tiêu chí xác định kỹ thuật hiện có tốt nhất bao gồm:

a) Khả năng giảm lượng chất ô nhiễm;

b) Khả năng tăng lượng chất thải có thể tái chế;

c) Chi phí cho việc áp dụng và vận hành kỹ thuật hiện có tốt nhất;

d) Khả năng tiết kiệm năng lượng;

đ) Tính chủ động trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất hoặc xem xét công nhận kỹ thuật hiện có tốt nhất đã được áp dụng tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển được phép áp dụng tại Việt Nam; rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục kỹ thuật hiện có tốt nhất bảo đảm sự phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; hướng dẫn áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Chương IX

QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG, THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU MÔI TRƯỜNG VÀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Mục 1. QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG

Điều 106. Quy định chung về quan trắc môi trường

1. Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 của Luật này, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

4. Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp kết quả quan trắc chính xác, tin cậy.

5. Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.

Điều 107. Hệ thống quan trắc môi trường

1. Hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

a) Quan trắc môi trường quốc gia là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới;

b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực trên địa bàn;

c) Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 109 của Luật này;

d) Quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

đ) Quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên.

2. Các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về quan trắc môi trường;

b) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;

c) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;

d) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;

đ) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.

3. Hệ thống quan trắc môi trường phải được quy hoạch đồng bộ, có tính liên kết, tạo thành mạng lưới thống nhất và toàn diện trên phạm vi cả nước.

4. Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phân tích, đánh giá hiện trạng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

b) Quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường;

c) Bố trí mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gồm định hướng các điểm, thông số, tần suất quan trắc các thành phần môi trường trên phạm vi cả nước và các trạm quan trắc tự động; định hướng phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, phân tích môi trường và hệ thống quản lý số liệu, dữ liệu quan trắc môi trường;

d) Danh mục dự án quan trắc môi trường quốc gia;

đ) Định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường;

e) Lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Điều 108. Đối tượng quan trắc môi trường

1. Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:

a) Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển;

b) Môi trường không khí xung quanh;

c) Môi trường đất, trầm tích;

d) Đa dạng sinh học;

đ) Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.

2. Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:

a) Nước thải, khí thải;

b) Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;

c) Phóng xạ;

d) Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường;

đ) Các chất ô nhiễm khác.

Điều 109. Trách nhiệm quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường sông và hồ liên tỉnh, biển, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù; thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên;

b) Lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

c) Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và cấp tỉnh; quan trắc đa dạng sinh học.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện chương trình quan trắc phóng xạ gồm các chương trình quan trắc thành phần phóng xạ trong môi trường.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý nông nghiệp gồm các chương trình quan trắc nước, đất, trầm tích phục vụ mục đích thủy lợi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp.

4. Bộ Y tế tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường lao động trong khu vực làm việc.

5. Bộ Quốc phòng tham gia hoạt động quan trắc nước biển xa bờ, môi trường xuyên biên giới.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường hằng năm.

Điều 110. Điều kiện hoạt động quan trắc môi trường

1. Chương trình quan trắc môi trường quốc gia, chương trình quan trắc môi trường địa phương, chương trình quan trắc môi trường của tổ chức kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường và hoạt động quan trắc khác phục vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định về quan trắc môi trường phải được thực hiện bởi các tổ chức được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

2. Tổ chức đáp ứng yêu cầu về nhân lực quan trắc môi trường, trang thiết bị quan trắc môi trường, điều kiện kỹ thuật của phòng thí nghiệm và có quy trình phương pháp về quan trắc môi trường được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Tổ chức được cấp giấy chứng nhận phải bảo đảm hoạt động phù hợp với năng lực và phạm vi đã được chứng nhận.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 111. Quan trắc nước thải

1. Đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục bao gồm:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải trung bình trở lên ra môi trường;

c) Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

2. Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ bao gồm:

a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;

b) Dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.

3. Việc quan trắc nước thải tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

4. Việc quan trắc nước thải định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.

5. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;

b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

6. Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc nước thải để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý nước thải của mình.

7. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc nước thải; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc nước thải định kỳ.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc nước thải.

Điều 112. Quan trắc bụi, khí thải công nghiệp

1. Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục gồm dự án đầu tư, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí với lưu lượng xả bụi, khí thải lớn ra môi trường.

2. Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ gồm dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả thải lớn ra môi trường.

3. Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

4. Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.

5. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Giám sát dữ liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép đối với các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;

b) Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

6. Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải của mình.

7. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc bụi, khí thải công nghiệp.

Điều 113. Quản lý số liệu quan trắc môi trường

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý số liệu quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tích hợp các dữ liệu quan trắc môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, công bố thông tin về chất lượng môi trường quốc gia; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật quản lý số liệu quan trắc môi trường của địa phương.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường theo thẩm quyền và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý số liệu quan trắc môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường trên địa bàn bảo đảm thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường của địa phương trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường địa phương.

4. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quản lý số liệu quan trắc chất thải và công bố công khai kết quả quan trắc chất thải theo quy định của pháp luật.

Mục 2. HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 114. Thông tin về môi trường

1. Thông tin về môi trường bao gồm:

a) Thông tin về chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường, nguồn ô nhiễm; công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

b) Thông tin về chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải và các loại chất thải khác theo quy định của pháp luật;

c) Thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, thông tin thuộc bí mật nhà nước; nội dung cấp phép, đăng ký, chứng nhận, xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định;

d) Thông tin về chỉ tiêu thống kê môi trường, chất lượng môi trường, ô nhiễm môi trường;

đ) Thông tin về di sản thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật và nguồn gen; khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; vùng đất ngập nước quan trọng.

2. Việc thu nhận, lưu trữ, quản lý thông tin về môi trường được quy định như sau:

a) Thông tin về môi trường được thu nhận bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời;

b) Chủ dự án đầu tư, cơ sở chịu trách nhiệm thường xuyên thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

d) Ủy ban nhân dân các cấp thu nhận, lưu trữ và quản lý thông tin về môi trường trên địa bàn và theo phân cấp quản lý;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường thu nhận, tổng hợp thông tin về môi trường quốc gia.

3. Việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin về môi trường;

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường thuộc trách nhiệm thu nhận, lưu trữ và quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật;

c) Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm cung cấp thông tin về môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia hoặc báo cáo theo quy định của pháp luật;

d) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Việc công khai thông tin về môi trường phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết nội dung và việc quản lý thông tin về môi trường; trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin về môi trường.

Điều 115. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường

1. Hệ thống thông tin môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thông tin môi trường, hướng tới phát triển nền tảng số, kinh tế số về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường quốc gia; hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin môi trường Bộ, ngành, cấp tỉnh;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin môi trường Bộ, ngành, cấp tỉnh, bảo đảm đồng bộ với hệ thống thông tin môi trường quốc gia.

2. Cơ sở dữ liệu môi trường được quy định như sau:

a) Cơ sở dữ liệu môi trường là tập hợp thông tin về môi trường được xây dựng, cập nhật, lưu trữ và quản lý đáp ứng yêu cầu truy nhập, cung cấp, sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cung cấp dịch vụ công về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu về môi trường của mình;

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu môi trường của mình; bảo đảm tích hợp, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 116. Dịch vụ công trực tuyến về môi trường

1. Dịch vụ công trực tuyến về môi trường gồm dịch vụ hành chính công về môi trường, dịch vụ cung cấp thông tin về môi trường và dịch vụ công khác về môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ công trực tuyến về môi trường theo quy định của Chính phủ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận tiện, đơn giản, an toàn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về môi trường, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông theo quy định của pháp luật.

Mục 3. BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG

Điều 117. Chỉ tiêu thống kê về môi trường

1. Chỉ tiêu thống kê về môi trường là một bộ phận của hệ thống chỉ tiêu thống kê Việt Nam, nhằm đo lường, đánh giá hoạt động bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

2. Chỉ tiêu thống kê về môi trường bao gồm chỉ tiêu thống kê môi trường quốc gia và chỉ tiêu thống kê môi trường của ngành tài nguyên và môi trường, được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thống kê.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công tác thống kê chỉ tiêu môi trường thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; hằng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường các chỉ tiêu thống kê về môi trường.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê về môi trường; ban hành bộ chỉ tiêu thống kê về môi trường của ngành tài nguyên và môi trường.

Điều 118. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường

1. Hằng năm, việc báo cáo công tác bảo vệ môi trường của năm trước đó được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 01;

b) Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 01;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02;

d) Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 02;

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên trong năm của Quốc hội.

2. Nội dung chính của báo cáo công tác bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường đất, nước, không khí; di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học;

b) Bối cảnh chung kinh tế - xã hội và các tác động đến môi trường;

c) Kết quả hoạt động bảo vệ môi trường gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; quản lý chất lượng môi trường đất, nước, không khí; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học;

d) Hệ thống quan trắc và cảnh báo về môi trường;

đ) Xây dựng chính sách, pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường;

e) Điều kiện và nguồn lực về bảo vệ môi trường;

g) Kết quả thực hiện các chỉ tiêu thống kê về môi trường;

h) Đánh giá chung;

i) Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường thời gian tới.

3. Kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường được gửi bằng bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc xây dựng báo cáo công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn, tổ chức đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 119. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hằng năm. Kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo;

b) Báo cáo công tác bảo vệ môi trường đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nội dung chính của báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ bao gồm:

a) Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải;

b) Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

c) Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục;

d) Công tác quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại;

đ) Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);

e) Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (nếu có);

g) Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác.

4. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường được gửi bằng bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định của pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, biểu mẫu, hình thức và thời gian gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Điều 120. Báo cáo hiện trạng môi trường

1. Báo cáo hiện trạng môi trường gồm báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường.

2. Trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng môi trường được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia 05 năm một lần để phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường của địa phương 05 năm một lần; hằng năm, lập báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; căn cứ các vấn đề bức xúc về môi trường của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định lập thêm báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường trên địa bàn.

3. Nội dung chính của báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm:

a) Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội;

b) Các tác động môi trường;

c) Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường;

d) Các vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân;

đ) Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội;

e) Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

g) Dự báo thách thức về môi trường;

h) Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.

4. Hình thức báo cáo hiện trạng môi trường được quy định như sau:

a) Báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp trước kỳ họp cuối năm của năm cuối cùng của nhiệm kỳ; báo cáo tổng quan về hiện trạng môi trường cấp tỉnh được trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp thường lệ cuối năm của năm cuối cùng của nhiệm kỳ;

b) Báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia được công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước kỳ họp Quốc hội đầu tiên của năm tiếp theo; báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường địa phương được công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước kỳ họp thường lệ đầu tiên của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của năm tiếp theo.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập báo cáo hiện trạng môi trường; hướng dẫn việc triển khai thực hiện, lập báo cáo hiện trạng môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chương X

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 121. Quy định chung về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

1. Việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường.

2. Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

3. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường.

4. Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức ứng phó sự cố môi trường. Ứng phó sự cố môi trường phải theo sự phân công, phân cấp, chỉ huy thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường.

5. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố môi trường.

6. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải (sau đây gọi chung là sự cố chất thải) được thực hiện theo quy định của Luật này. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh và do nguyên nhân khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Điều 122. Trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn;

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trên địa bàn.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phòng ngừa sự cố môi trường theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 127 của Luật này.

Điều 123. Phân cấp sự cố môi trường và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường

1. Việc phân cấp sự cố môi trường được căn cứ vào phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường tại thời điểm phát hiện sự cố để xác định cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó, bao gồm các cấp sau đây:

a) Sự cố môi trường cấp cơ sở là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b) Sự cố môi trường cấp huyện là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố cấp cơ sở và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp huyện;

c) Sự cố môi trường cấp tỉnh là sự cố môi trường vượt quá phạm vi sự cố môi trường cấp huyện và có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trong địa bàn của một đơn vị hành chính cấp tỉnh;

d) Sự cố môi trường cấp quốc gia là sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.

2. Ứng phó sự cố môi trường gồm các giai đoạn sau đây:

a) Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường;

b) Tổ chức ứng phó sự cố môi trường;

c) Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường.

Điều 124. Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường

1. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình; chỉ đạo tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do mình phê duyệt.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, xây dựng lực lượng và bố trí nguồn lực, trang thiết bị ứng phó sự cố môi trường cho Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện.

3. Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải có công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, huấn luyện lực lượng tại chỗ cho ứng phó sự cố môi trường.

4. Việc ban hành, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành và thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh ban hành;

b) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh ban hành và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh; kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện ban hành;

c) Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện ban hành và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp huyện;

d) Chủ dự án đầu tư, cơ sở ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của cơ sở mình.

5. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường phải có kịch bản sự cố để có phương án ứng phó tương ứng và phải được công khai theo quy định của pháp luật.

6. Việc lồng ghép, tích hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại các điểm a, b và c khoản 4 Điều này có thể được lồng ghép, tích hợp với các kế hoạch phòng thủ dân sự hoặc kế hoạch ứng phó sự cố khác;

b) Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại điểm d khoản 4 Điều này được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng kế hoạch ứng phó sự cố khác.

7. Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở được thực hiện ít nhất 02 năm một lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện theo kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Diễn tập ứng phó sự cố môi trường phải có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, lực lượng có liên quan, đại diện đầu mối liên lạc của cộng đồng dân cư, các cơ sở xung quanh có khả năng bị ảnh hưởng do sự cố gây ra.

Điều 125. Tổ chức ứng phó sự cố môi trường

1. Thông tin về sự cố môi trường phải được thông báo kịp thời đến Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố.

2. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố trực tiếp xác minh, tổ chức ứng phó sự cố kịp thời và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để công bố sự cố môi trường hoặc thông báo cấp có thẩm quyền để tổ chức ứng phó theo phân cấp quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này.

3. Ứng phó sự cố môi trường bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xác định nguyên nhân sự cố môi trường; loại, số lượng, khối lượng chất ô nhiễm bị phát tán, thải ra môi trường;

b) Đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật;

c) Thực hiện các biện pháp cô lập, giới hạn phạm vi, đối tượng và mức độ tác động; thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, sinh vật và môi trường;

d) Thu hồi, xử lý, loại bỏ chất ô nhiễm hoặc nguyên nhân gây ô nhiễm;

đ) Thông báo, cung cấp thông tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố môi trường.

4. Trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường được quy định như sau:

a) Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm tổ chức ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để phối hợp ứng phó;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp huyện xảy ra trên địa bàn;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp tỉnh xảy ra trên địa bàn;

d) Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp quốc gia.

5. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ ứng phó sự cố môi trường khi được yêu cầu.

6. Trường hợp phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường của sự cố môi trường vượt ra ngoài phạm vi cơ sở, đơn vị hành chính thì người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp để chỉ đạo ứng phó sự cố.

7. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường quy định tại khoản 4 Điều này quyết định thành lập sở chỉ huy ứng phó sự cố môi trường và tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố môi trường trong trường hợp cần thiết.

8. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp đánh giá phạm vi, đối tượng, mức độ tác động của sự cố môi trường đến sức khỏe con người và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động.

Điều 126. Phục hồi môi trường sau sự cố môi trường

1. Chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố môi trường phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường.

2. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp huyện; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp tỉnh; trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp quốc gia; trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường.

3. Nội dung kế hoạch phục hồi môi trường bao gồm:

a) Mô tả, đánh giá hiện trạng môi trường sau sự cố gồm mức độ, phạm vi, tính chất ô nhiễm môi trường của từng khu vực; hiện trạng môi trường, mặt bằng, hệ sinh thái trước khi có sự cố môi trường (nếu có); yêu cầu xử lý môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh, khôi phục mặt bằng, phục hồi một số đặc điểm chính của hệ sinh thái;

b) Các giải pháp phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

c) Danh mục, khối lượng các hạng mục phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

d) Kế hoạch thực hiện; phân chia kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn phục hồi môi trường; chương trình quản lý, quan trắc, giám sát trong thời gian phục hồi môi trường; kế hoạch nghiệm thu kết quả phục hồi môi trường.

4. Việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường tự mình thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; cơ quan phê duyệt kế hoạch có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc phục hồi môi trường theo kế hoạch đã được phê duyệt;

b) Trường hợp cơ quan phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có quyền tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu hoàn thành việc phục hồi môi trường.

5. Việc phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh.

6. Cơ quan phê duyệt kế hoạch phục hồi môi trường có trách nhiệm công bố kết thúc giai đoạn phục hồi môi trường cho cộng đồng dân cư, cơ quan báo chí, truyền thông.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Điều 127. Trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan chuyên môn các cấp

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; các hoạt động chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn nội dung kế hoạch ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý nhà nước; quy trình, kỹ thuật ứng phó sự cố môi trường, kịch bản sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng, đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý;

d) Tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo phân công của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp xây dựng, ban hành kế hoạch ứng phó sự cố môi trường; hướng dẫn thực hiện hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải; hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải;

b) Tham gia tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia theo phân công của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn;

c) Chỉ đạo tổ chức thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường cấp quốc gia; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường.

4. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trên địa bàn.

Điều 128. Tài chính cho ứng phó sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm chi trả kịp thời, toàn bộ các chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường; trường hợp Nhà nước tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thanh toán chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Sự cố môi trường không xác định được nguyên nhân hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường thì chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường do Nhà nước chi trả.

3. Nguồn kinh phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường quy định tại khoản 2 Điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Nhân công, vật tư, phương tiện được sử dụng, huy động để ứng phó sự cố môi trường được bồi hoàn và thanh toán theo quy định của pháp luật.

Điều 129. Công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

1. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường phải được thông báo về nguy cơ sự cố và biện pháp ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở xung quanh; được thông tin, tham gia và giám sát hoạt động ứng phó sự cố môi trường.

2. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về nguy cơ sự cố môi trường và biện pháp ứng phó sự cố môi trường để thông tin cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư xung quanh.

3. Thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường phải được cơ quan, người có thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư biết, tham gia và giám sát.

4. Người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời về sự cố môi trường cho cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng dân cư. Thông tin về sự cố môi trường do người có trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường và người phát ngôn về sự cố môi trường cung cấp, công bố là thông tin chính thức.

5. Cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm thông tin chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời về sự cố môi trường và ứng phó sự cố môi trường.

Mục 2. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 130. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường và nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm:

a) Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

b) Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

2. Việc xác định tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bảo đảm kịp thời, khách quan và công bằng. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

3. Trường hợp có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường, việc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

a) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường của từng đối tượng được xác định theo loại chất ô nhiễm, lượng phát thải và các yếu tố khác;

b) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với từng đối tượng được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường; trường hợp các bên liên quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quyết định theo thẩm quyền.

4. Tổ chức, cá nhân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chứng minh được rằng không gây thiệt hại về môi trường thì không phải bồi thường thiệt hại về môi trường, không phải chịu các chi phí liên quan đến xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 131. Trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường

1. Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 132. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

1. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;

b) Xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại;

c) Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài.

2. Việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.

3. Việc xác định thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Điều 133. Giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Trong trường hợp không thương lượng được, các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức sau đây:

a) Hòa giải;

b) Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài;

c) Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.

2. Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra. Việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường.

Điều 134. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường

1. Chi phí bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật này được tính căn cứ vào các nội dung sau đây:

a) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

b) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường;

c) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường;

d) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục bồi thường thiệt hại về môi trường;

đ) Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.

Điều 135. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường

1. Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại.

3. Tổ chức giám định thiệt hại do bên yêu cầu giám định thiệt hại lựa chọn; trường hợp không có sự thống nhất của các bên thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại quyết định.

4. Chính phủ quy định chi tiết về giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.

Chương XI

CÔNG CỤ KINH TẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Mục 1. CÔNG CỤ KINH TẾ CHO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 136. Chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường

1. Thuế bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường;

b) Mức thuế bảo vệ môi trường được xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường;

c) Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về thuế bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Phí bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Phí bảo vệ môi trường áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường; dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

b) Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; tính chất dịch vụ công thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường;

c) Việc ban hành, tổ chức thực hiện quy định về phí bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường và phương pháp tính phí bảo vệ môi trường, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 137. Ký quỹ bảo vệ môi trường

1. Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động dưới đây phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường:

a) Khai thác khoáng sản;

b) Chôn lấp chất thải;

c) Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

3. Việc ký quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện bằng tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ như sau:

a) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

b) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc tổ chức tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và mức ký quỹ, hình thức ký quỹ, nguyên tắc áp dụng lãi suất ký quỹ, hoàn trả ký quỹ bảo vệ môi trường.

Điều 138. Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên

1. Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên là việc tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung ứng giá trị môi trường, cảnh quan do hệ sinh thái tự nhiên tạo ra để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

2. Các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả bao gồm:

a) Dịch vụ môi trường rừng của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

b) Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản;

c) Dịch vụ hệ sinh thái biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản;

d) Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí;

đ) Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

3. Nguyên tắc chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng một hoặc một số dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên;

b) Việc chi trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được thực hiện bằng hình thức trả tiền trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp thông qua ủy thác;

c) Tiền chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được hạch toán vào giá thành sản phẩm, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, phải bảo đảm bù đắp chi phí cho hoạt động bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên;

d) Tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải sử dụng tiền thu được từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

4. Tổ chức, cá nhân phải trả tiền dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên khi có hoạt động sau đây:

a) Khai thác, sử dụng mặt nước, mặt biển của hệ sinh thái cho nuôi trồng thủy sản, dịch vụ giải trí dưới nước;

b) Khai thác, sử dụng cảnh quan của hệ sinh thái cho dịch vụ du lịch, giải trí;

c) Sản xuất, kinh doanh có phát thải khí nhà kính phải sử dụng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon của hệ sinh thái để thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 139. Tổ chức và phát triển thị trường các-bon

1. Thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.

3. Căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính bao gồm:

a) Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan;

b) Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, lĩnh vực và cơ sở thuộc danh mục quy định tại khoản 3 Điều 91 của Luật này;

c) Lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.

4. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường các-bon trong nước.

5. Cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường các-bon trong nước.

6. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được phép trao đổi tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước.

7. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường các-bon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ các-bon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

8. Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước.

10. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều này; tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

11. Chính phủ quy định chi tiết Điều này, chi phí phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính, lộ trình, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 140. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường

1. Khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

2. Căn cứ nhóm dự án đầu tư được phân loại theo quy định tại Điều 28 của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

3. Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Mục 2. CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ MÔI TRƯỜNG

Điều 141. Ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường

1. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Nhà nước thực hiện ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ tương ứng đối với các hoạt động đó;

c) Trường hợp hoạt động bảo vệ môi trường cùng được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo văn bản có quy định mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn;

d) Mức độ và phạm vi ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được điều chỉnh bảo đảm phù hợp với chính sách về bảo vệ môi trường từng thời kỳ.

2. Các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm:

a) Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải;

b) Doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường gồm công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; công nghệ tiết kiệm năng lượng; dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

3. Các hoạt động bảo vệ môi trường không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh được hưởng ưu đãi, hỗ trợ bao gồm:

a) Hoạt động đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải theo lộ trình do pháp luật về bảo vệ môi trường quy định;

b) Hoạt động di dời hộ gia đình ra khỏi khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc di dời cơ sở đang hoạt động để đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường;

c) Hoạt động đầu tư phát triển vốn tự nhiên, bảo vệ di sản thiên nhiên.

4. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 142. Kinh tế tuần hoàn

1. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

4. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 143. Phát triển ngành công nghiệp môi trường

1. Công nghiệp môi trường là ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cung cấp công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ yêu cầu về bảo vệ môi trường.

2. Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường, thực hiện lộ trình mở cửa thị trường hàng hóa môi trường phù hợp với cam kết quốc tế.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 144. Phát triển dịch vụ môi trường

1. Dịch vụ môi trường là ngành kinh tế cung cấp dịch vụ đo lường, kiểm soát, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xử lý chất thải, các chất ô nhiễm khác; bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ khác có liên quan.

2. Nhà nước có chính sách phát triển thị trường dịch vụ môi trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với dịch vụ môi trường theo lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, cung cấp dịch vụ môi trường.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ môi trường trong các lĩnh vực sau đây:

a) Thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải;

b) Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường;

c) Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái;

d) Tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;

đ) Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng;

e) Giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ;

g) Giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người;

h) Các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

4. Giá cung cấp dịch vụ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 145. Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường

1. Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận.

2. Nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Việc quan trắc, phân tích, đánh giá sự phù hợp để đối chứng với tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ phải được thực hiện bởi tổ chức quan trắc môi trường theo quy định của Luật này và tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về đo lường và pháp luật khác có liên quan.

3. Việt Nam công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường đã được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam chứng nhận.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 146. Mua sắm xanh

1. Mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công 006Ehận theo quy định của pháp luật.

2. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 147. Khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên

1. Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gồm đất, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.

2. Việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Vốn tự nhiên được kiểm kê, đánh giá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật;

b) Nhà nước ưu tiên đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên có khả năng tái tạo, cung cấp dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên;

c) Nguồn thu từ vốn tự nhiên được ưu tiên tái đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, phát huy lợi thế, đầu tư duy trì, phát triển vốn tự nhiên.

4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép đầu tư phát triển vốn tự nhiên trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Mục 3. NGUỒN LỰC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 148. Nguồn lực cho bảo vệ môi trường

1. Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường sau đây:

a) Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải;

b) Xử lý, cải tạo, phục hồi chất lượng môi trường;

c) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường;

d) Kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường;

đ) Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu;

e) Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ môi trường;

g) Truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường;

h) Hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

i) Các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn lực để thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường;

b) Nguồn vốn xã hội hóa cho bảo vệ môi trường.

3. Ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường và bố trí tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.

4. Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho các hoạt động bảo vệ môi trường sau đây:

a) Đầu tư đổi mới công nghệ xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

b) Đầu tư xây dựng, vận hành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường (nếu có);

d) Thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường (nếu có);

đ) Các hoạt động bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại khoản 4 Điều này phải được thống kê, hạch toán và công khai trên hệ thống kế toán của cơ sở và báo cáo theo quy định của pháp luật.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thống kê, theo dõi và công bố nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 149. Tín dụng xanh

1. Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

b) Ứng phó với biến đổi khí hậu;

c) Quản lý chất thải;

d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường;

đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên;

e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

2. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay.

3. Khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

5. Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh.

Điều 150. Trái phiếu xanh

1. Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

2. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm:

a) Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường;

b) Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất;

c) Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon;

d) Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

đ) Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường;

e) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo;

g) Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường;

h) Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải;

i) Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên;

k) Dự án đầu tư khác theo quy định.

3. Chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải cung cấp thông tin về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường của dự án đầu tư và sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu xanh cho nhà đầu tư.

4. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 151. Quỹ bảo vệ môi trường

1. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cho vay ưu đãi, nhận ký quỹ, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường.

2. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

c) Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành lập quỹ bảo vệ môi trường và hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định nguồn vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Điều 152. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được hưởng ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ bao gồm:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thân thiện môi trường;

b) Tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi môi trường;

c) Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; quan trắc, dự báo các biến đổi môi trường;

d) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục 4. GIÁO DỤC VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 153. Giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng về bảo vệ môi trường

1. Nội dung, chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nhà nước ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo vệ môi trường; đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, người làm công tác kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục về bảo vệ môi trường và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

Điều 154. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường

1. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên và rộng rãi.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực quản lý.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí có trách nhiệm truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Chương XII

HỘI NHẬP VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 155. Nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ pháp luật của mỗi bên, pháp luật quốc tế và cam kết trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường.

2. Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có lợi cho việc bảo vệ môi trường của quốc gia, khu vực và toàn cầu, phù hợp với lợi ích và năng lực của Việt Nam được ưu tiên xem xét để ký kết.

3. Tranh chấp quốc tế liên quan đến môi trường được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.

Điều 156. Trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

1. Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, tập trung cho các lĩnh vực quản lý và bảo vệ các thành phần môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm về nguồn lực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến môi trường, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế.

2. Nhà nước khuyến khích đầu tư, hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin và dữ liệu môi trường, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các hoạt động khác về bảo vệ môi trường; ứng phó, giải quyết sự cố môi trường và các vấn đề liên quan đến môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới.

3. Tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến môi trường được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế; phòng ngừa và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Chương XIII

TRÁCH NHIỆM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 157. Trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Điều 158. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có quyền sau đây:

a) Được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Tham vấn đối với dự án đầu tư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

c) Tư vấn, phản biện về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án đầu tư, cơ sở có liên quan theo quy định của pháp luật;

d) Tham gia hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 159. Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư

1. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu chủ dự án đầu tư, cơ sở cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường thông qua đối thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức tìm hiểu thực tế về công tác bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thu thập, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

2. Đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn chịu tác động môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với dự án đầu tư, cơ sở đó, trừ trường hợp các thông tin này thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

4. Chủ dự án đầu tư, cơ sở phải thực hiện yêu cầu của đại diện cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường.

Chương XIV

KIỂM TRA, THANH TRA, KIỂM TOÁN, XỬ LÝ VI PHẠM, TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ MÔI TRƯỜNG

Điều 160. Kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường

1. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước;

b) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng;

c) Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm d khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Thẩm quyền, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:

a) Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;

b) Thanh tra đột xuất được tiến hành theo quy định khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Việc thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết;

c) Trừ trường hợp thanh tra đột xuất theo quy định tại Luật này, số lần thanh tra về bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân;

d) Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

3. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường là hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp kiểm tra để giải quyết các thủ tục hành chính quy định tại Luật này, được thực hiện như sau:

a) Việc kiểm tra đột xuất không báo trước của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được thực hiện khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để tổng hợp, theo dõi.

4. Hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường bảo đảm không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bình thường của tổ chức, cá nhân; có sự phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và các cơ quan khác có liên quan.

5. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 161. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 162. Tranh chấp về môi trường

1. Nội dung tranh chấp về môi trường bao gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về môi trường.

2. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường được thực hiện theo Điều 133 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường là ngày tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

4. Tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 163. Khiếu nại, tố cáo về môi trường

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Chương XV

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 164. Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường.

2. Thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường; đăng ký môi trường; cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận về môi trường.

3. Kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

4. Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường; tổ chức quan trắc môi trường.

5. Xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo về môi trường.

6. Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

7. Kiểm kê khí nhà kính; xây dựng và cập nhật kịch bản, cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ngập lụt đô thị; đánh giá khí hậu quốc gia; hướng dẫn việc sử dụng thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu và lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch.

8. Tổ chức thực hiện thị trường các-bon trong nước; thực hiện cơ chế trao đổi tín chỉ, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

9. Thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường.

10. Truyền thông, giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về bảo vệ môi trường.

11. Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ, hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

12. Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành; thống kê, theo dõi và công bố các nguồn chi cho bảo vệ môi trường.

Điều 165. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường.

2. Quyết định chính sách về bảo vệ, cải thiện và giữ gìn môi trường; chỉ đạo tập trung giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường ở các khu vực trọng điểm; kiểm soát ô nhiễm, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; phát triển năng lượng sạch, sản xuất và tiêu dùng bền vững; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

3. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý; phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; bố trí nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường; chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ; hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

4. Hằng năm, báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường.

Điều 166. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và có trách nhiệm sau đây:

1. Chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường;

2. Có ý kiến về nội dung đánh giá môi trường chiến lược; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận về môi trường theo thẩm quyền;

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải, chất lượng môi trường; cải tạo và phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật;

4. Tổ chức xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường; thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật;

5. Tổ chức xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng; hướng dẫn việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

6. Tổ chức thống kê, xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

7. Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

8. Đề xuất chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường, phát hành trái phiếu xanh và các công cụ kinh tế khác để huy động, sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

9. Tổ chức xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia;

10. Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, kịch bản biến đổi khí hậu; hướng dẫn việc sử dụng thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu và lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch;

11. Tổng hợp để đề xuất phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hướng dẫn việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc thống kê, theo dõi và công bố nguồn chi cho bảo vệ môi trường;

12. Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về môi trường; thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

13. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

14. Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

15. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động về bảo vệ môi trường;

16. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 167. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quốc phòng; xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tham gia quan trắc môi trường xuyên biên giới, nước biển xa bờ theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; chỉ đạo, tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm về môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này.

Điều 168. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường của địa phương; nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh;

b) Tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại thu hồi giấy phép môi trường theo thẩm quyền;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

d) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

đ) Đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường theo quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường của địa phương; thông tin, cảnh báo về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; đánh giá, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

i) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành; hướng dẫn, phân bổ, kiểm tra việc thực hiện chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường của địa phương;

k) Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

l) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường của địa phương;

b) Cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường theo thẩm quyền;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

d) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường;

e) Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường; giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng;

g) Thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo phân cấp ngân sách hiện hành;

i) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

c) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

d) Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa;

đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

e) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

4. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó, trừ trường hợp pháp luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã quy định.

Chương XVI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 169. Sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến bảo vệ môi trường

1. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14Luật số 35/2018/QH14 như sau:

a) Bãi bỏ Điều 37 và điểm đ khoản 1 Điều 38;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:

“1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước.

Việc cấp giấy phép môi trường trong đó có nội dung xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”.

2. Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14Luật số 59/2020/QH14.

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30 như sau:

“g) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 31 như sau:

“6. Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội;”.

4. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX - Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 - Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14Luật số 23/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm 1.4 như sau:

1.4

Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện;
* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

b) Bổ sung điểm 1.6 vào sau điểm 1.5 như sau:

1.6

Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường

* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện;
* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

c) Bãi bỏ điểm 5.4, điểm 6.3 và tiểu mục 9.

Điều 170. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

3. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 39/2019/QH14Luật số 61/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 171. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận để giải quyết theo thủ tục hành chính về môi trường trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và văn bản xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là văn bản tương đương với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xem xét, cấp giấy phép môi trường.

3. Quyết định phê duyệt đề án ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường; dự án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành là một phần của quyết định phê duyệt, văn bản xác nhận quy định tại khoản 2 Điều này đối với dự án khai thác khoáng sản khi xem xét, cấp giấy phép môi trường.

4. Giấy chứng nhận, xác nhận có thời hạn về môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 của Luật này, được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn.

5. Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được cấp theo quy định của Luật Tài nguyên nướcLuật Thủy lợi được tiếp tục sử dụng đến hết thời hạn của giấy phép và là một phần của giấy phép môi trường quy định tại Luật này. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường trong trường hợp đã hoàn thành công trình, thiết bị xử lý khí thải, quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 72/2020/QH14

Hanoi, November 17, 2020

 

LAW

ON ENVIRONMENTAL PROTECTION

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Environmental Protection.

Chapter I

GENERAL

Article 1. Scope

This Law provides for environmental protection activities; rights, obligations and responsibilities of agencies, organizations, residential communities, households and individuals involved in environmental protection activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Law applies to agencies, organizations, residential communities, households and individuals within the territory of the Socialist Republic of Vietnam, including mainland, islands, territorial waters, underground space and airspace.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Law, the terms below shall be construed as follows:

1. “environment” encompasses natural and artificial physical factors that are closely related to each other, surround humans and affect life, economy, society, existence and development of humans, creatures and nature.

2. “environmental protection activity” means preventing and reducing adverse impacts on the environment; responding to environmental emergencies; mitigating environmental pollution and degradation, improving environmental quality; reasonably using natural resources and biodiversity, and adapting to climate change.

3. “environment components” mean physical constituent elements forming an integral part of the environment, including land, water, air, sound, light and other physical forms.

4. “national environmental protection planning” means the spatial arrangement and distribution and zoning of areas for environmental quality management, nature and biodiversity conservation, waste management, environmental monitoring and warning within a defined territory in order to protect the environment and accomplish the objective for national sustainable development for a defined period.

5. “strategic environmental assessment” means the process of identifying and predicting trends in major environmental issues to form a basis for incorporating environmental protection measures into a policy, strategy or planning.

6. “preliminary environmental impact assessment” (hereinafter referred to as “PEIA”) means the consideration and identification of major environmental issues of an investment project during the pre-feasibility study or the investment project proposal.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. “environmental license” means a document issued by a competent authority to an organization or individual (hereinafter referred to as “entity”) involved in business activities, permitting such organization or individual to discharge waste into the environment and manage waste and scrap imported from foreign countries as production materials in accordance with environmental protection requirements as prescribed by law.

9. “environmental registration” means a business investment project owner or business owner registering with a regulatory body waste discharge-related contents and environmental protection measures of such business investment project owner or business owner (hereinafter referred to as “the investment project/business”).

10. “technical regulation on environment” means a regulation requiring mandatory application of limits of parameters regarding environmental quality, concentration of pollutants in raw materials, fuels, materials, equipment, products, goods and waste, and technical and managerial requirements. The regulation is issued by a competent authority in accordance with regulations of law on standards and technical regulations.

11. “environmental standard” means a regulation for which an entity opts at its/his/her discretion in order to apply limits of parameters regarding environmental quality, concentration of pollutants in waste, and technical and managerial requirements. The standard is issued by a competent authority or organization in accordance with regulations of law on standards and technical regulations.

12. “environmental pollution” means any change in the physical, chemical or biological properties of an environmental component in breach of a technical regulation on environment or environmental standard resulting in adverse impacts on humans, creatures and nature.

13. “environmental degradation” means a reduction in the quality and amount of environment components resulting in adverse impacts on the health of humans and creatures, and nature.

14. “environmental emergency” means an accident resulting from human-induced factors or natural changes that cause severe environmental pollution or degradation.

15. “pollutant” means any chemical, physical or biological substance which, when introduced into the environment, exceeds the permissible limits resulting in environmental pollution.

16. “persistent pollutant” means a highly toxic and persistent pollutant that has the ability to bio-accumulate and spread in the environment, thereby adversely affecting the environment and human health.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

18. “waste” means any matter in a solid, liquid or gaseous form or other form which is discharged from production, business operation, service provision or living activities or from other activities.

19. “solid waste” means any waste in a solid form or sludge.

20. “hazardous waste” means any waste that exhibits any one or more of the following characteristic properties: toxicity, radioactivity, infectivity, ignitability, reactivity or corrosivity or exhibits any other hazardous characteristic properties.

21. “waste co-processing” means the utilization of one available manufacturing process for the purpose of recycling, treating or recovering energy from waste in which waste is used as alternative raw material and fuel or is processed.

22. “pollution control” means the process of preventing, detecting and eliminating pollution.

23. “carrying capacity”of an environment means the maximum resistance of the environment against influencing factors in order for the environment to be able to recover itself.

24. “technical infrastructure serving environmental protection” means a system of facilities used for collecting, storing, transporting and treating waste and monitoring the environment, and other environmental protection works.

25. “environmental monitoring” means the continuous, periodic or unscheduled monitoring of environmental components and factors impacting the environment, and waste in a systematic in order to provide necessary information in favor of assessment of state of the environment, changes in the environmental quality and adverse impacts on the environment.

26. “trial operation of waste treatment work” means the operation being carried out by an investment project owner, owner of business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster to test and assess efficiency of a waste treatment work and its conformity with environmental protection requirements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

28. “residential community” means a community of people living in the same village, hamlet, population group, ward or similar settlement within the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

29. “greenhouse gas” (hereinafter referred to as “GHG”) means gas in the atmosphere causing the greenhouse effect.

30. “greenhouse effect” means a process where radiant energy from the sun penetrates into the atmosphere and is converted to heat, causing global warming.

31. “reduction of GHG emissions” means the act of reducing GHG emissions intensity and increasing GHG absorption.

32. “climate change adaptation” means actions that humans may take to adapt to climate change and reduce GHG emissions.

33. “GHG emission quotas” mean the amount of GHG emissions caused by a country or entity for a specified period of time, expressed as tonnes of carbon dioxide (CO2) or tonnes of carbon dioxide equivalent (CO2).

34. “ozone layer” means a layer in the Earth's stratosphere which protects the Earth from the sun’s harmful ultraviolet radiation.

35. “carbon credit” means any tradable certificate representing the right to emit one tonne of carbon dioxide (CO2) or one tonne of carbon dioxide (CO2) equivalent.

36. “best available techniques” means the technical solutions which are the best for preventing or controlling pollution and minimizing adverse impacts on the environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

38. “investment project owner” or “investor” means an investor in a project according to regulations of the Law on Investment, Law on Public Investment, Law on Public-Private Partnership Investment and Law on Construction.

Article 4. Principles of environmental protection

1. Environmental protection is the right, obligation and responsibility of every agency, organization, residential community, household and individual.

2. Environmental protection serves as a basis, key factor and prerequisite for sustainable socio-economic development. Environmental protection activities are associated with economic development and natural resource management, and considered and assessed in the process of carrying out development activities.

3. Environmental protection harmonizes with social security, protection of children’s right, promotion of gender equality and protection of the human right to live in a pure environment.

4. Environmental protection activities are carried out in a regular, public and transparent manner; priority is given to prediction and prevention of environmental pollution, emergencies and degradation, environmental risk management, waste minimization and strengthening of reuse and recycling of waste with a view to maximization of its value.

5. Environmental protection complies with natural law, natural, cultural and historical characteristics, and the level of socio-economic development; boost development in ethnic minority and mountainous areas.

6. Any agency, organization, residential community, household or individual profiting from the environment is obliged to make their financial contribution to the environmental protection activities; pay compensation for damage, take remedial measures and assume other responsibilities as prescribed by law if causing environmental pollution, emergencies and degradation.

7. Environmental protection is not detrimental to the national sovereignty, security and interests, and is associated with regional and global environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Facilitate the involvement of agencies, organizations, residential communities, households and individuals in performance, inspection and supervision of environmental protection activities.

2. Disseminate information in association with taking administrative and economic measures and other measures to strengthen compliance with law on environmental protection and build a culture of environmental protection.

3. Focus on biodiversity conservation and protection of environment in natural heritage sites; efficiently and economically extract and use natural resources; develop green and renewable energy; develop technical infrastructure serving environmental protection.

4. Give priority to environmental pollution elimination and recovery of degraded natural ecosystem, and attach great importance to environmental protection in residential areas.

5. Diversify sources of investment capital for environmental protection; set a specific expenditure on environmental protection within the state budget and according to environmental protection requirements and tasks; prioritize the use of sources of funding for key environmental protection tasks.

6. Safeguard interests of organizations, residential communities, households and individuals making their contribution to environmental protection activities; provide incentives and assistance for environmental protection activities; promote environmentally-friendly products and services.

7. Intensify scientific research and development of technologies for pollution elimination, waste recycling and treatment; give priority to transfer and application of advanced, high and environmentally-friendly technologies and best available techniques; strengthen training in human resources in environmental protection.

8. Honor and reward agencies, organizations, residential communities, households and individuals for their active role in environmental protection activities as prescribed by law.

9. Expand and promote integration and international cooperation in environmental protection, and adhere to all international environmental agreements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11. Incorporate and promote circular economy and green economy in formulation and implementation of socio-economic development strategies, planning, plans, programs and projects.

Article 6. Prohibited acts

1. Failure to transport, bury, discharge and burn solid and hazardous waste in accordance with technical process and regulations of law on environmental protection.

2. Discharging wastewater and exhaust gases that have yet to be treated according to technical regulations on environment into the environment.

3. Dispersing and releasing into the environment hazardous substances and harmful viruses capable of infecting humans and animals, untested microorganisms, dead bodies of animals dying of epidemics and other agents harmful to human health, creatures and nature.

4. Generating noise and vibration in excess of the permissible level stipulated in technical regulations on environment; discharging smokes, dusts and noxious gases into the air.

5. Executing investment projects or discharging waste in case of failure to satisfy all conditions prescribed by the Law on Environmental Protection.

6. Importing, temporarily importing, re-exporting and transiting waste from foreign countries in any shape or form.

7. Illegally importing used vehicles, machinery and equipment for the purposes of dismantling or recycling.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Concealing acts of polluting the environment, obstructing and falsifying information concerning environmental protection activities, thereby resulting in adverse effects on the environment.

10. Manufacturing and trading products harmful to humans, creatures and nature; manufacturing and using raw materials and building materials containing toxic factors in excess of the permissible level prescribed in technical regulations on environment.

11. Manufacturing, importing, temporarily importing, re-exporting and selling ozone depleting substances prescribed in the international treaty on substances that deplete the ozone layer to which Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

12. Sabotaging or infringing upon natural heritage sites.

13. Sabotaging or infringing upon structures, equipment and facilities serving environmental protection activities.

14. Abusing positions or powers to commit violations against regulations of law on environmental protection.

Chapter II

PROTECTION OF ENVIRONMENTAL COMPONENTS AND NATURAL HERITAGE SITES

Section 1. WATER PROTECTION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Quality of surface water, sediments and aquatic environment must be monitored and evaluated; surface water carrying capacity must be calculated, determined and announced.

2. Sources of waste discharged into surface water must be managed in a manner that is appropriate to intended use and carrying capacity of surface water. Result of appraisal of the environmental impact assessment report shall not be approved for or environmental license shall not be issued to the new investment project that discharges wastewater directly into the surface water that has reached its carrying capacity as announced by a competent authority, except for the case in which the investment project owner has adopted a scheme to treat wastewater in accordance with technical regulation on environment regarding quality of surface water before discharging it into a water body or has adopted a circulation or recycling scheme in order not to generate more wastewater or the case where the project aims to deal with pollution and improve quality of the environment in a pollution area.

3. River water shall be protected by applying the principles of integrated river basin management and associated with biodiversity conservation, aquatic environment protection, management of water source protection corridors, and reasonable extraction and use of water.

Article 8. Surface water protection activities

1. Surface water protection shall focus on:

a) Statistically reporting, assessing, minimizing and treating wastewater discharged into surface water;

b) Monitoring and assessing quality of surface water, sediment and aquatic environment and publishing information in service of management, extraction and use of water surface;

c) Investigating and assessing carrying capacity of surface water; announcing areas where the surface water has reached its carrying capacity; assessing quotas for discharge of wastewater into the surface water;

d) Eliminating pollution, remediating and improving polluted surface water;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Natural Resources and Environment has the responsibility to:

a) provide guidance on assessing surface water carrying capacity of rivers and lakes; provide guidance on assessing surface water quality;

b) organize assessment of surface water and sediment quality, surface water carrying capacity of inter-provincial rivers and lakes; organize inventorying and assessment of waste sources and pollution level, and organize elimination of inter-provincial river and lake pollution; formulate and submit to the Government a surface water quality management plan for inter-provincial rivers and lakes that play a key role in socio-economic development and environmental protection;

c) inspect the implementation of the surface water quality management plan for inter-provincial rivers and lakes and measures to prevent and mitigate water pollution and improve water quality in inter-provincial rivers and lakes.

3. People’s Committees have the responsibility to:

a) determine provincial rivers and lakes and other surface water sources in areas that play important role in socio-economic development and environmental protection; determine domestic water safeguard zones and water source protection corridors within provinces; determine aquatic areas;

b) publish information about sources of waste discharged into the surface water within provinces; collect information and data on state of surface water, waste sources and total amount of waste discharged into surface water in inter-provincial rivers and lakes within provinces under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment; direct organizations to assess damage caused by pollution and remediate surface water pollution within provinces as prescribed;

c) prevent and control sources of waste discharged into surface water sources within provinces; take measures to prevent and minimize surface water pollution, improve surface water quality within provinces according to the surface water quality management plan;

d) organize assessment of surface water and sediment quality, carrying capacity and quotas for discharge of wastewater with respect to the surface water sources mentioned in Point a of this Clause; publish information about areas where surface water has reached its carrying capacity;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Surface water quality management plan

1. The surface water quality management plan for inter-provincial rivers and lakes must be conformable with the national environmental protection planning.

The surface water quality management plan for the water sources mentioned in Point a Clause 3 Article 8 of this Law must be conformable with the national environmental protection planning and environmental protection contents specified in the regional and provincial planning.

2. Contents of the surface water quality management plan include:

a) Assessing and predicting trends in changes in surface water quality; objectives and targets of the plan; determining domestic water safeguard zones and water source protection corridors; determining aquatic areas;

b) Current distribution of point source pollution, and non-point source pollution with pollutants released into the water in the affected area; risk of transboundary surface water pollution;

c) Types and total amount of pollutants discharged into the surface water;

d) Assessing carrying capacity, zoning and quotas for wastewater discharge; determining objectives and roadmap for reducing wastewater discharge into the surface water that has reached its carrying capacity;

dd) Measures to prevent and reduce surface water pollution; solutions for cooperation in, sharing of information and management of transboundary surface water pollution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Organizing implementation.

3. The surface water quality management plan is formulated for 5-year periods.

4. The Government shall elaborate contents of, sequence and procedures for promulgating a surface water quality management plan.

Article 10. Groundwater protection

1. Sources of groundwater must be monitored and assessed so that measures are taken promptly if any environmental parameter is found exceeding the permissible level prescribed in a national technical regulation on environment or there is a reduction in the water level.

2. Groundwater protection measures must be taken upon carrying out groundwater exploration and extraction.

3. Establishments using toxic chemicals and radioactive substances must take measures to prevent leakage and release of toxic chemicals and radioactive substances into groundwater.

4. Establishments, warehouses and yards containing materials, raw materials and chemicals and areas for containing and treating waste must be constructed in such a manner that ensures technical safety and does not cause groundwater pollution.

5. Agencies, organizations, residential communities, households and individuals causing groundwater pollution shall remediate pollution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate groundwater protection.

8. People’s Committees of provinces shall protect groundwater within provinces as prescribed by law.

Article 11. Seawater protection

1. Sources of waste discharged into seawater must be investigated and assessed and subject to any measure to be taken to prevent, minimize, control and treat them to satisfy the environmental protection requirements.

2. Areas at risk of sea and island environment pollution must be assessed, identified and announced in accordance with regulations of law on natural resources and environment of sea and islands.

3. The extraction of resources from sea and islands and other socio-economic activities shall comply with the planning, and environmental protection and sustainable development requirements.

4. Upon seawater protection, it is required to ensure close and effective cooperation between relevant organizations and individuals; between Vietnam’s regulatory bodies and foreign bodies in sharing information, assessing seawater quality and controlling cross-border seawater pollution.

5. The seawater protection shall comply with regulations of this Law, law on natural resources and environment of sea and islands and other relevant regulations of law.

Section 2. AIR PROTECTION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Entities and households involved in production, business operation and service provision and discharging dusts and exhaust gases resulting in adverse impacts on the environment have the responsibility to reduce the discharge and take remedial measures as prescribed by law.

2. Air quality must be monitored on a regular and continuous basis and announced as prescribed by law.

3. Air pollution must be notified and warned in a timely manner to minimize its impacts on community health.

4. Sources of dusts and exhaust gases must be monitored, assessed and controlled as prescribed by law.

Article 13. Air quality management plans

1. Air quality management plans include national air quality management plan and provincial air quality management plan. The national environment quality management plan must be conformable to the national environmental protection planning. The provincial air quality management plan must be conformable with the national air quality management plan and provincial planning, and serve as the basis for organizing implementation thereof and managing air quality.

2. The national environment quality management plan covers a period of 05 years. The period of a provincial air quality management plan shall be determined according to the extent and level of air pollution, management and improvement solutions, local conditions and resources for implementation.

3. Main contents of the national air quality management plan include:

a) Assessing management and control of air pollution at national level; identifying major causes of air pollution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Tasks and solutions for air quality management;

d) Prioritized programs and projects for implementation of tasks and solutions; formulating regulations on cooperation in and measures for managing quality of inter-regional and inter-provincial air.

dd) Organizing implementation.

4. Main contents of a provincial air quality management plan include:

a) Assessing quality of air in the province;

b) Assessing management of air quality; monitoring air; determining and assessing main sources of exhaust gases; emission inventory; air quality modeling;

c) Analyzing and identifying causes of air pollution;

d) Assessing impacts of air pollution on community health;

dd) Objectives and scope of air quality management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Organizing implementation.

5. The Government shall elaborate contents of, sequence and procedures for promulgating an air quality management plan.

Article 14. Responsibility for air quality management

1. The Prime Minister shall promulgate and provide instructions on implementation of the national air quality management plan; provide instructions on implementation of emergency measures in the case of inter-provincial, regional or cross-border serious air pollution.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) formulate and submit to the Prime Minister the national air quality management plan and organize the implementation thereof.

b) provide guidance on formulating provincial air quality management plans and air quality assessment methods.

3. People’s Committees of provinces shall:

a) formulate and organize the implementation of provincial air quality management plans;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) organize the implementation of emergency measures if serious air pollution occurs in their provinces.

4. The Government shall elaborate this Article.

Section 3. SOIL PROTECTION

Article 15. General regulations on soil protection

1. If land is used to implement a planning, plan, project or activity, it is required to consider its impacts on soil and take measures for environmental pollution or degradation prevention and control and soil protection.

2. Agencies, organizations, residential communities, households and individuals that use land have the responsibility to protect soil environment; improve and remediate soil environment if causing soil pollution.

3. The State shall improve and remediate soil environment in areas where soil pollution caused by a historic event occurs or in the case of failure to identify the entity causing pollution.

4. The Government shall elaborate soil protection.

Article 16. Classification of areas where soil pollution occurs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Soil pollution areas shall be classified according to the following criteria: source of pollution, spreading capacity and affected entities.

3. The soil pollution areas classified according to the level of pollution include soil pollution area, serious soil pollution area and extremely serious soil pollution area.

Article 17. Soil quality management

1. Soil quality must be investigated, assessed, classified and made publicly available as prescribed by law.

2. Areas at risk of soil pollution must be monitored and supervised.

3. Soil pollution areas must be investigated, assessed, zoned, dealt with, renovated and improved.

4. Areas polluted by dioxins derived from herbicides used in war, residual agrochemicals and other hazardous substances must be investigated, assessed, zoned and dealt with in accordance with environmental protection requirements.

Article 18. Soil environment improvement and remediation

1. Investigate, assess and classify soil pollution areas, determine causes, extent and level of pollution, improve and remediate soil environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Prepare and carry out schemes to improve and remediate soil environment; give priority to dealing with serious and extremely serious pollution areas.

4. Monitor and assess soil quality after improvement and remediation.

Article 19. Responsibility for soil protection

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) elaborate criteria for determining and classifying soil pollution areas according to level of pollution;

b) preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies and agencies concerned in formulating and providing instructions on implementation of the plan to improve and remediate extremely serious soil pollution areas in the case specified in Clause 3 Article 15 of this Law; investigate, assess and make publicly available soil quality;

c) Submit to the Prime Minister a plan to improve and remediate extremely serious soil pollution areas in the case specified in Clause 3 Article 15 of this Law;

dd) consolidate lists of soil pollution areas; establish and update information about soil pollution areas nationwide to the national environmental information system and environmental database and publish such information.

2. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall preside over and cooperate with provincial People’s Committees in improving and remediating soil environment in the case of national defense and security land and in other areas as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) investigate, assess, determine and zone areas at risk of soil pollution areas and soil pollution areas within their provinces, and assign responsibilities to entities causing pollution;

b) remediate soil pollution areas and extremely serious soil pollution areas in the case specified in Clause 3 Article 15 of this Law;

c) report areas showing signs of inter-provincial soil pollution and extremely serious pollution areas to the Ministry of Natural Resources and Environment;

d) update information about soil pollution areas within their provinces to the environmental information system and database as prescribed.

Section 4. NATURAL HERITAGE SITE ENVIRONMENT PROTECTION

Article 20. Natural heritage sites

1. Natural heritage sites include:

a) National parks, nature reserves, habitat/species management areas, landscape protected areas established in accordance with the law on biodiversity, forestry and fisheries; landscapes recognized as cultural heritage established in accordance with the law on cultural heritage;

b) Natural heritage sites recognized by international organizations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The establishment and recognition of natural heritage sites in Point c Clause 1 of this Article shall be based on any of the following criteria:

a) They are of outstanding, unique or exceptional natural beauty;

b) They provide excellent examples of ongoing ecological and biological evolutionary processes or furnishes habitats for endangered, precious, rare or endemic species or are sites of exceptional biodiversity or are of significance for biological diversity conservation;

c) They are outstanding examples representing major stages of earth's history, including the record of life or significant geomorphic or physiographic features;

d) They play a significantly important role in climate regulation, water protection, ecological balance and provision of ecosystem services.

3. The Government shall elaborate criteria, procedures and power for establishing and recognizing natural heritage sites in Point c Clause 1 of this Article; procedures and power for applying for recognition of natural heritage sites in Point b Clause 1 of this Article.

Article 21. Natural heritage site environment protection

1. Natural heritage site environment shall be investigated, assessed, managed and protected.

2. Natural heritage site environment protection is a content of the national environmental protection planning, regional planning and provincial planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article.

Chapter III

NATIONAL ENVIRONMENTAL PROTECTION STRATEGY AND NATIONAL ENVIRONMENTAL PROTECTION PLANNING; ENVIRONMENTAL PROTECTION CONTENTS IN REGIONAL PLANNING AND PROVINCAL PLANNING

Article 22. National environmental protection strategy

1. A national environmental protection strategy shall serve as the basis for formulating the national environmental protection planning and incorporating environmental protection requirements in the socio-economic development strategy and planning.

2. Contents of the national environmental protection strategy include:

a) Viewpoints, vision and objectives;

b) Tasks;

c) Solutions for implementation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Plan and resources for implementation.

3. The national environmental protection strategy is formulated for 10-year periods. Its orientations cover a period of 30 years.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall formulate and submit the national environmental protection strategy to the Prime Minister.

Article 23. National environmental protection planning

1. Bases for formulating the national environmental protection planning are prescribed by the Law on Planning and include:

a) The national environmental protection strategy during the same development period;

b) Climate change scenarios during the same development period.

2. Contents of the national environmental protection planning; the formulation, appraisal, approval and adjustment of the national environmental protection planning and national environmental protection planning period shall comply with regulations of the Law on Planning.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize formulation of the national environmental protection planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Environmental protection contents in regional planning and provincial planning

1. Environmental protection contents specified in regional planning and provincial planning shall comply with regulations of law on planning.

2. The Government shall provide for environmental zoning upon formulation of the provincial planning. The Ministry of Natural Resources and Environment shall develop environmental protection contents for the regional planning; provide guidelines for developing environmental protection contents for the provincial planning.

3. Provincial specialized environmental protection authorities shall develop environmental protection contents for the provincial planning.

Chapter IV

STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT, ENVIORNMENTAL IMPACT ASSESSMENT AND ENVIRONMENTAL LICENSES

Section 1. STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT

Article 25. Subjects required to undergo strategic environmental assessment

1. National strategy for extraction and use of natural resources.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. National and regional strategy for field and sector development, national sector planning and technical and specialized planning having great impacts on the environment on the list prescribed by the Government.

4. Adjustments to the planning specified in Clauses 2 and 3 of this Article.

Article 26. Carrying out strategic environmental assessment

1. Organizations assigned to formulate the strategy and planning specified in Article 25 of this Law shall carry out strategic environmental assessment in the process of formulating such strategy and planning.

2. The result of strategic environmental assessment of the strategy specified in Clauses 1 and 3 Article 25 of this Law shall be incorporated in the application for approval of the strategy.

3. The result of strategic environmental assessment of the planning specified in Clauses 2 and 3 Article 25 of this Law shall be presented in a report enclosed with the application for approval of the planning.

4. The agency presiding over appraising planning shall appraise strategic environmental assessment result during the appraisal. The agency approving the strategy shall consider strategic environmental assessment result during the approval.

5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall give its written opinions on contents of strategic environmental assessment of strategies and planning.

6. The strategic environmental assessment result shall serve as one of the bases for the competent authority to consider approving a strategy or planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Contents of strategic environmental assessment include:

a) Assessing conformity of the environmental protection policy with viewpoints, objectives and policies on environmental protection and sustainable development, and international environmental agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and regulations of this Law;

b) Proposing schemes for adjustment and completion of contents of conformity of the environmental protection policy with viewpoints, objectives and policies on environmental protection and sustainable development, and international environmental agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and regulations of this Law.

2. Contents of strategic environmental assessment of the planning include:

a) Planning contents that may impact the environment;

b) Scope of strategic environmental assessment;

c) Environmental components and natural heritage sites that may be affected by the planning;

d) Strategic environmental assessment methods applied;

dd) Comparing and assessing conformity of viewpoints and objectives of the planning with viewpoints, objectives and policies on environmental protection, national environmental protection strategy and planning, and environmental protection contents in the regional and provincial planning;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Impacts of climate change;

h) Results of forecasting negative and positive trends of major environmental issues upon implementing the planning; solutions for maintaining positive trends and reducing negative trends of major environmental issues;

i) Orientations for environmental protection during the implementation of planning;

k) Results of consultation with relevant parties during the strategic environmental assessment;

l) Noteworthy environment protection-related issues (if any), proposed directions and solutions for resolution.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Section 2. ENVIRONMENTAL CRITERIA FOR INVESTMENT PROJECT CLASSIFICATION, PRELIMINARY ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT

Article 28. Environmental criteria for investment project classification

1. Environmental criteria for investment project classification include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Area of land, land with water surface, and sea used; scale of extraction of natural resources;

c) Environmentally sensitive factors including high density residential areas; water source used for supply of domestic water; wildlife sanctuaries prescribed by the law on biodiversity and fisheries; types of forests prescribed by the law on forestry; other tangible cultural heritage and natural heritage sites; land meant for growing wet rice during 02 or more cropping seasons; important wetlands; migration and relocation requirements and other environmental sensitive factors.

2. According to the environmental criteria set out in Clause 1 of this Article, investment projects shall be classified into Group I, II, III and IV.

3. Group I investment projects are those that pose a high risk of adverse environmental impacts, including:

a) Large-scale and capacity projects involved in types of production, business and services that are likely to cause environmental pollution; projects providing hazardous waste treatment service; projects involving import of scrap from foreign countries as production materials;

b) Medium-scale and capacity projects involved in types of production, business and services with environmentally sensitive factors that are likely to cause; large-scale and capacity projects not involved in types of production, business and services with environmentally sensitive factors that are likely to cause environmental pollution;

c) Large- or medium-scale projects using land, land with water surface and marine area with environmentally sensitive factors;

d) Large- or medium-scale and capacity projects on extraction of minerals and water resources with environmentally sensitive factors;

dd) Projects requiring repurposing of land on at least medium scale with environmentally sensitive factors;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Group II investment projects are those that pose a risk of adverse environmental impacts, except for those specified in Clause 3 of this Article, including:

a) Medium-scale and capacity projects involved in types of production, business and services that are likely to cause environmental pollution;

b) Small-scale and capacity projects involved in types of production, business and services with environmentally sensitive factors that are likely to cause environmental pollution; medium-scale and capacity projects not involved in types of production, business and services with environmentally sensitive factors that are likely to cause environmental pollution;

c) Large- or medium-scale projects using land, land with water surface and marine area with environmentally sensitive factors;

d) Small-scale and capacity projects on extraction of minerals and water resources with environmentally sensitive factors;

dd) Small-scale projects requiring repurposing of land with environmentally sensitive factors;

e) Medium-scale projects requiring migration and relocation.

5. Group III investment projects are those that pose a risk of adverse environmental impacts, except for those specified in Clauses 3 and 4 of this Article, including:

a) Small-scale and capacity projects involved in types of production, business and services that are likely to cause environmental pollution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Group IV investment projects are those that do not pose a risk of adverse environmental impacts, except for those specified in Clauses 3, 4 and 5 of this Article.

7. The Government shall elaborate Clause 1 and promulgate a list of investment projects specified in Clauses 3, 4 and 5 of this Article.

Article 29. Preliminary environmental impact assessment

1. Projects subject to PEIA are group I investment projects specified in Clause 3 Article 28 of this Law.

2. The PEIA shall be conducted during the period of pre-feasibility study on investment in construction, proposal for investment guidelines and request for approval of investment guidelines for investment projects subject to investment guideline decision or approval in accordance with the Law on Investment, Law on Public Investment, Law on Public-Private Partnership and Law on Construction.

3. The PEIA shall focus on:

a) Assessing the conformity of the investment project location with the national environmental protection strategy, national environmental protection planning and environmental protection contents in regional planning, provincial planning and other relevant planning;

b) Identifying and predicting major environmental impacts of the investment project on the basis of scale, production technology and location of the project;

c) Identifying environmentally sensitive factors present in the investment project location according to the location selection methods (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Determining notable major environmental issues and environmental impacts during the EIA.

4. Entities proposing the investment projects in Clause 1 of this Article shall conduct PEIA. PEIA contents shall be considered by a competent authority together with the application for investment guideline decision or approval.

Section 3. ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT

Article 30. Projects subject to EIA

1.  Projects subject to EIA include:

a) Group I investment projects mentioned in Clause 3 Article 28 of this Law;

b) Group II investment projects mentioned in Points c, d, dd and e Clause 4 Article 28 of this Law.

2. If the projects specified in Clause 1 of this Article are urgent public investment projects as prescribed by the Law on Public Investment, they shall not be subject to EIA.

Article 31. Carrying out EIA

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The EIA result shall be presented in an environmental impact assessment report.

3. An environmental impact assessment report is prepared for each investment project.

Article 32. Contents of environmental impact assessment report

1. Main contents of an environmental impact assessment report (hereinafter referred to as “EIAR”) include:

a) Origin of the investment project, project owner, authority approving the project; legal and technical bases; EIA methods and other methods adopted (if any);

b) Conformity of the investment project with the national environmental protection planning, regional planning, provincial planning, regulations of law on environmental protection and other relevant regulations of law;

c) Assessing selected technologies and work items and activities that may result in adverse environmental impacts;

d) Natural, socio-economic and biodiversity conditions; assessment of state of the environment; identifying affected subjects and sensitive environmental factor at the project location; demonstration of the suitability of the project location;

dd) Identifying, assessing and predicting major environmental impacts and waste generated in the phases of the investment project quantity and nature of waste; impacts on biodiversity, natural heritage sites, historical-cultural sites/monuments and other sensitive factors; impacts caused by land clearance, migration and relocation (if any); identifying and assessing environmental emergencies that are likely to occur;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Methods for reducing other adverse environmental impacts of the investment project; environmental improvement and remediation scheme (if any); biodiversity offsets scheme (if any); environmental emergency prevention and response plan;

h) Environmental management and supervision program;

i) Consultation result;

k) Conclusions, propositions and commitments made by the investment project owner.

2. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Article 33. Consultation during EIA

1. Consultees include:

a) Residential communities and individuals under direct impact of the investment project;

b) Agencies and organizations directly related to the investment project.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The investment project owner shall hold a consultation with the consultees specified in Clause 1 of this Article. It is advisable to consult experts during the EIA;

b) Agencies and organizations mentioned in Point b Clause 1 of this Article shall give a written response to the investment project owner within the prescribed time limit; if the time limit expires and a written response fails to be given, it is considered that such agencies and organizations agree to the consultation contents.

3. Contents of a consultation consist of:

a) Location of the investment project;

b) Environmental impacts of the investment project;

c) Measures to reduce adverse environmental impacts;

d) Environmental management and supervision program; environmental emergency prevention and response scheme;

dd) Other contents related to the investment project.

4. The consultation shall be held by publishing it on websites and adopting one or more of the following methods:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Collecting written comments.

5. The consultation result is important for the investment project owner to work out solutions for minimizing environmental impacts and complete the environmental impact assessment report. The consultation result shall be processed and fully and truthfully present comments and propositions made by consultees and entities getting interested in the investment project (if any). If the comments or propositions are objected, the investment project owner is required to provide a clear explanation. The investment project owner shall take legal responsibility for consultation contents and result specified in the environmental impact assessment report.

6. Investment projects on the list of state secrets are not subject to consultation.

7. The Government shall elaborate this Article.

Article 34. Appraisal of EIAR

1. An application for EIAR appraisal consists of:

a) An application form EIAR appraisal;

b) The EIAR;

c) A feasibility study report of the investment project or equivalent document.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The EIAR shall be appraised as follows:

a) The appraising authority shall decide to establish an appraisal council consisting of at least 07 members; send the council establishment decision together with the documents specified in Points b and c Clause 1 of this Article to each member;

b) At least one-third of the appraisal council’s members are experts. An expert must have expertise in environment or another field related to the investment project and at least 07 years' working experience if he/she holds a bachelor's degree or equivalent qualification, at least 03 years’ working experience if he/she holds a master's degree or equivalent qualification or at least 02 years’ working experience if he/she holds a doctorate degree or equivalent qualification;

c) Experts participating in conducting EIA of the investment project are not allowed to join the council appraising the EIAR of such project;

d) If the investment project discharges wastewater into a hydraulic structure, the appraisal council must have a representative of the regulatory body managing such hydraulic structure; the appraising authority shall collect written comments and reach an agreement with that regulatory body before approving the appraisal result.

The regulatory body managing the hydraulic structure shall appoint a member to join the appraisal council and comment on the approval of the appraisal result in writing within the time limit for comment collection; if such time limit expires and a written response fails to be given, it is considered that such body agrees to the EIAR contents;

d) Council's members shall consider the application for appraisal, make remarks about the appraisal contents specified in Clause 7 of this Article and take legal responsibility for their remarks;

e) The appraising authority shall consider, evaluate and consolidate comments of council’s members and relevant organizations (if any) to form a basis for deciding to approve the EIAR appraisal result.

4. If necessary, the appraising authority shall carry out a survey to collect comments of organizations and experts to appraise the EIAR.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The time limit for EIAR appraisal begins on the date of receiving a satisfactory application and is as follows:

a) Not exceeding 45 days with respect to the Group I investment project mentioned in Clause 3 Article 28 of this Law;

b) Not exceeding 30 days with respect to the Group II investment project mentioned in Point c, d, dd or e Clause 4 Article 28 of this Law.

c) Within the time limit specified in Points a and b of this Clause, the appraising authority shall notify the investment project owner in writing of the appraisal result. The time when the investment project owner revises the EIAR at the request of the appraising authority and the time when the approval decision is considered to be issued as prescribed in Clause 9 of this Article shall not be included in the time limit for appraisal;

d) The time limit mentioned in Points a and b of this Clause may be extended under the Prime Minister’s decision.

7. Contents of EIAR appraisal are composed of:

a) Conformity with the national environmental protection planning, regional planning, provincial planning and regulations of law on environmental protection;

b) Conformity of the EIA method and other methods adopted (if any);

c) Conformity of result of identification of a work item or activity likely to result in adverse environmental impacts;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Conformity of result of identification and prediction of major environmental impacts and waste generated from the investment project; prediction of environmental emergencies;

e) Conformity and feasibility of environmental protection works and measures; environmental improvement and remediation scheme (if any); biodiversity offsetting plan (if any); environmental emergency prevention and response scheme;

g) Conformity of the environmental management and supervision program; adequacy and feasibility of environmental commitments made by the investment project owner.

8. The Prime Minister shall decide to organize the EIAR appraisal that needs foreign consultants. Result of the EIAR appraisal carried out by foreign consultants shall serve as the basis for the competent authority specified in Article 35 of this Law to approve the EIAR appraisal result.

9. Within 20 days from the receipt of the EIAR revised (if any) as requested by the appraising authority, the head of the appraising authority shall decide to approve the appraisal result; in case of refusal to grant approval, respond to the investment project owner and provide explanation in writing.

10. The submission of application for EIAR appraisal, receipt, processing and notification of the EIAR appraisal result shall be carried out in person or by post or through the online public service system at the request of the investment project owner.

11. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate organizational structures and operation of appraisal councils; make publicly available list of appraisal councils; forms of documents included in the application for EIAR appraisal and decision to approve EIAR appraisal result; time limit for comment collection specified in Point d Clause 3 of this Article.

Article 35. Power to appraise EIAR

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize appraisal of EIARs for the following investment projects, except for the investment projects specified in Clause 2 of this Article:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Group II investment projects in Points c, d, dd and e Clause 4 Article 28 of this Law subject to investment guideline decision or approval by the National Assembly and Prime Minister; investment projects involving 02 provinces or more; investment projects located within territorial waters to which responsibility of the provincial People’s Committee for administrative management are yet to be assigned; investment projects subject to issuance of the mineral mining license, license to extract and use water resources, ocean dumping permit and marine area transfer decision by the Ministry of Natural Resources and Environment.

2. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall organize appraisal of EIARs for investment projects classified as state secrets in the field of national defense and security.

3. Provincial People’s Committees shall organize appraisal of EIARs for investment projects within their provinces, except for the investment projects in Clauses 1 and 2 of this Article. Ministries and ministerial agencies shall cooperate with provincial People’s Committees shall appraise EIARs for investment projects subject to investment guideline and decision by such provincial People’s Committees.

Article 36. Decision on approval of EIAR appraisal result

1. The decision on approval of EIAR appraisal result shall serve as the basis for a competent authority to perform the following tasks:

a) Issue and adjust the mineral mining license for mineral mining projects;

b) Approve oil and gas exploration and field development plan for oil and gas exploration and extraction projects;

c) Approve feasibility study reports for public-private partnership investment projects;

d) Give conclusions on appraisal of feasibility study reports for construction projects;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Issue ocean dumping permits; marine area transfer decisions;

g) Issue investment decisions for investment projects not mentioned in Points a, b, c, d, dd and e of this Clause.

2. Except for the investment projects classified as state secrets, the appraising authority shall send the decision on approval of EIAR appraisal result to the investment project owner and agencies concerned as follows:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall send it to the People’s Committee of the province where the investment project is executed and other agencies in accordance with relevant regulations of law. The provincial People’s Committee shall send it to the provincial specialized environmental protection authority, People’s Committee of the district or commune where the investment project is executed and management board of an industrial park, export-processing zone, hi-tech zone or economic zone of the province or central-affiliated city for the investment project executed in the dedicated area for production, business operation and service provision;

b) The provincial People’s Committee shall send it to the Ministry of Natural Resources and Environment, provincial specialized environmental protection authority, People’s Committee of the district or commune where the investment project is executed and management board of an industrial park, export-processing zone, hi-tech zone or economic zone of the province or central-affiliated city for the investment project executed in the dedicated area for production, business operation and service provision.

3. If the investment project owner is changed, the new one shall continue to implement the decision on approval of EIAR result and inform the EIAR appraising authority and provincial specialized environmental protection authority.

Article 37. Responsibility of investment project owner after obtaining decision on approval of EIAR appraisal result

1. Revise contents of the investment project and EIAR in conformity with environmental protection contents and requirements set out in the decision on approval of EIAR appraisal result.

2. Fully comply with the decision on approval of EIAR appraisal result.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. During the preparation and execution of the investment project before being put into operation, in case of deviation from the decision on approval of EIAR appraisal result, the investment project owner shall:

a) conduct EIA of the investment project if there is any change to scale, capacity or production technology or another change resulting in an increase in environmental adverse impacts;

b) notify the competent authority for approval during the issuance of the environmental license to the investment project required to obtain the environmental license in the case of change of a production technology, waste treatment technology or location into which treated wastewater is directly discharged other than the case specified in Point a of this Clause; addition of an industry or business line in which investment is encouraged to the dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster;

c) conduct environmental impact self-assessment, consider, decide and take legal responsibility for other changes other than those specified in Points a and b of this Clause; incorporate the environmental impact self-assessment in the report on proposal for issuance of the environmental license (if any).

5. Make publicly available the EIAR of which the result of appraisal has been approved as prescribed in Article 114 of this Law, except for the information classified as state secrets or enterprise’s secrets as prescribed by law.

6. Perform other tasks as prescribed by the law on environmental protection.

7. The Government shall elaborate Clause 4 of this Article.

Article 38. Responsibility of EIAR appraising authority

1. Take responsibility for EIAR appraisal results and decisions on approval of EIAR appraisal results.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Establish and integrate EIA database to the national environmental database.

Section 4. ENVIRONMENTAL LICENSE

Article 39. Obliged applicants for environmental license

1. Group I, II and III projects that generate wastewater, dusts and exhaust gases that must be treated into the environment or generate hazardous waste that must be managed in accordance with regulations on waste management before officially being put into operation.

2. Investment projects, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters operating before the effective date of this Law and applying environmental criteria as the projects mentioned in Clause 1 of this Article.

3. If the projects mentioned in Clause 1 of this Article are urgent public investment projects as prescribed by the Law on Public Investment, they are exempt from the environmental license.

Article 40. Contents of environmental license

1. Contents of an environmental license include general information about the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster; items to be licensed; environmental protection requirements; validity period; other contents (if any).

2. Items to be licensed include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Source of emissions; maximum exhaust gas flow rate; wastewater flow; pollutants and permissible limits of pollutants in the emissions flow; location and method of exhaust gas discharge;

c) Source and permissible limits of noise and vibration;

d) Works and system for hazardous waste treatment; hazardous waste code and quantity of waste permitted for treatment, quantity of hazardous waste transfer stations, operating area with regard to the investment project, hazardous waste treatment service providers;

dd) Type and quantity of scrap permitted for import with regard to the investment project, establishments importing scrap from foreign countries as production materials

3. Environmental protection requirements are as follows:

a) There should be appropriate works and measures for collecting and treating waste and emissions and reducing noise and vibration; in the case of discharge of wastewater into hydraulic structures, environmental protection requirements should be in place to be applied to the source of water discharged into hydraulic structures;

b) Regarding investment projects and hazardous waste treatment providers, there should be measures, systems, works and equipment serving storage, transport, transfer, preliminary processing and treatment which satisfy technical and managerial requirements,;

c) Regarding investment projects and establishments importing scrap from foreign countries as production materials, there should be appropriate warehouses and yards for scrap storage; recycling equipment; impurity treatment scheme; re-export scheme;

d) There should be environmental management and supervision plans, environmental emergency prevention and response plans; equipment and works serving environmental emergency prevention and response and environmental monitoring;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Other environmental protection requirements (if any).

4. The environmental license shall be valid for:

a) 07 years, regarding group I investment projects;

b) 07 years, regarding businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters operating before the effective date of this Law and applying environmental criteria as Group I investment projects;

c) 10 years, regarding the license holders not mentioned in Points a and b of this Clause;

d) The validity period may be shorter than that specified in Points a, b and c of this Clause at the request of the investment project owners, businesses, investors in construction and commercial operation of infrastructure in dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters (hereinafter collectively referred to as “investment project/business owners”).

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate form of the environmental license.

Article 41. The power to issue environmental license

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall issue the environmental license to the following applicants, except for the case specified in Clause 2 of this Article:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The projects specified in Article 39 hereof that involve 02 provinces or more or are located within territorial waters to which responsibility of the provincial People’s Committee for administrative management are yet to be assigned; establishments importing scrap from foreign countries as production materials, hazardous waste treatment service providers.

2. The Ministry of National Defense and Ministry of Public Security shall issue the environmental license to investment projects and establishments classified as state secrets in the field of national defense and security.

3. Provincial People’s Committees shall issue the environmental license to the following obliged applicants, except for the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article:

a) Group II investment projects in Article 39 hereof;

b) Group II investment projects in Article 39 hereof that involve 02 districts or more;

c) The investment projects in Clause 2 Article 39 hereof for which the EIAR appraisal result has been approved by the provincial People’s Committee or Ministry of Natural Resources and Environment or ministerial agency.

4. District-level People’s Committees shall issue the environmental license to the applicants in Article 39 hereof, except for the cases specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

Article 42. Bases and time for issuance of environmental license

1. Bases for issuance of the environmental license include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The EIAR of which result of appraisal has been approved by the competent authority (if any);

c) National environmental protection planning, provincial planning, regulations on environmental zoning and environment’s carrying capacity under the competent authority’s decision, except for the case specified in Point e of this Clause;

d) Technical regulation on environment;

dd) Regulations of law on environmental protection, water resources and other relevant regulations of law;

e) At the time of issuing the environmental license, if the national environmental protection planning, provincial planning or regulation on environmental zoning or environment’s carrying capacity has not yet been promulgated by the competent authority, the environmental license shall be issued according to Points a, b, d and dd of this Clause.

2. The time for issuance of the environmental license is as follows:

a) An investment project subject to EIA must obtain the environmental license before trial operation of the waste treatment work, except for the case in Point c of this Clause;

b) An investment project not subject to EIA must obtain the environmental license before the competent authority promulgates the document specified in Points a, b, c, d and g Clause 1 Article 36 of this Law. If a construction project is not subject to feasibility study report appraisal by the specialized construction authority in accordance with regulations of law on construction, it must obtain the environmental license before the competent authority issues or adjusts the construction permit;

c) If the waste treatment work of the investment project in Clause 2 Article 39 hereof is currently under trial operation as prescribed by law before the effective date of this Law, the project owner is entitled to continue the trial operation to obtain the environmental license after the trial operation is done or prepare an application for the environmental license before the trial operation is done. The project owner is not required to carry out the trial operation again, however, the result of trial operation must be reported and evaluated as prescribed in Article 46 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. If the investment project or project on construction of a business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster is executed in multiple phases or has multiple works or work items, the environmental license may be issued to each phase, work or item work that generates waste. The later issued environmental license shall incorporate contents of the previously issued license that is still effective.

4. The environmental license shall serve as the basis for carrying out the following activities:

a) Inspection and supervision by competent authorities of environmental protection activities of investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters;

b) Assumption of responsibility for environmental protection by investment project/business owners.

5. If name of the investment project, business or dedicated area production, business operation and service provision or investment project/business owner is changed, the investment project/business owner shall continue to comply with the environmental license and notify the licensing authority for renewal of the license.

6. From the effective date of the environmental license, the decision on approval of EIAR appraisal result and component environmental license becomes null and void.

Article 43. Applications and procedures for issuance of environmental license

1. An application for issuance of an environmental license includes:

a) An application form;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Legal and technical documentation of the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster.

2. Procedures for issuance of the environmental license are as follows:

a) An investment project/business owner shall send an application for issuance of the environmental license to the competent authority specified in Article 41 hereof. The application may be submitted in person or by post or through the online public service system;

b) The licensing authority shall receive the application and inspect its adequacy and validity; make publicly available contents of the report on proposal for issuance of the environmental license, except for information classified as state secrets or enterprise's secrets as prescribed by law; consult relevant organizations and individuals; carry out a site inspection of the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster; carry out appraisal and issue the environmental license.

The sequence of receiving and handling administrative procedures shall be followed in person, by post or through the online public service system at the request of the investment project/business owner;

c) If the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster discharges wastewater into a hydraulic structure, the licensing authority shall collect written comments and reach an agreement with the regulatory body managing such hydraulic structure before issuing the environmental license;

d) If the investment project or business is located within a dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster, the licensing authority shall collect written comments of the investor in construction and commercial operation of such dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster before issuing the environmental license;

3. The licensing shall be based on appraisal of the report on proposal for issuance of the environmental license. The licensing authority shall establish an appraisal council and inspectorate in accordance with the Government's regulations.

Regarding the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster that discharges wastewater into a hydraulic structure, the appraisal council and inspectorate shall include a representative from the regulatory body managing such hydraulic structure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The time limit for licensing begins on the date of receiving a satisfactory application and is as follow:

a) Not exceeding 45 days if the environmental license is issued by the Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of National Defense and Ministry of Public Security;

b) Not exceeding 30 days if the environmental license is issued by a provincial or district-level People’s Committee;

c) The licensing authority may impose a shorter time limit than that specified in Points a and b of this Clause according to the type, scale and nature of the investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster.

5. If an investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision required to obtain the environmental license performs radiation works, it shall, in addition to complying with regulations of this Law, comply with regulations of law on atomic energy.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 44. Renewal, adjustment, re-issuance, suspension and revocation of environmental license

1. An environmental license shall be renewed in the case specified in Clause 5 Article 42 of this Law but other information in the license remains unchanged.

2. An environmental license may be adjusted within its validity period in one of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The investment project or business provides hazardous waste services or imports scrap from a foreign country as production materials after the trial operation is done to suit its operating capacity.

3. An environmental license may be re-issued in the following cases:

a) The license expires;

b) The investment project, business, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster makes any of the changes in the total scale, capacity or technology production or another change resulting in adverse impacts on the environment, except for the case where the investment project making the change is not subject to EIA.

4. The environmental license shall be suspended if the investment project/business owner commits an administrative violation against regulations on environmental protection which is so serious that the environmental license is suspended in accordance with regulations of law on penalties for administrative violations.

5. An environmental license shall be revoked in one of the following cases:

a) The license is issued ultra vires;

b) Its contents are against the law.

6. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The investment project/business owner shall pay fees for issuance, re-issuance and adjustment of the environmental license.

2. The Minister of Finance shall provide for collection, payment, management and use of fees for issuance, re-issuance and adjustment of the environmental license issued by central government authorities.

3. Provincial People's Councils shall provide for collection, payment, management and use of fees for issuance, re-issuance and adjustment of the environmental license issued by provincial and district-level People’s Committees as prescribed by law.

Article 46. Environmental protection works and trial operation of waste treatment works of investment projects after obtaining environmental license

1. Environmental protection works of an investment project include:

a) Waste treatment works which are works and equipment serving treatment of wastewater, dusts, emissions, solid waste and hazardous waste;

b) Works for solid waste collection and storage which are works and equipment serving collection and storage of normal solid waste, medical solid waste and hazardous waste to satisfy the requirements for classifying, collecting, storing, reusing, recycling and transporting solid waste to places of treatment, reuse or recycling;

c) Other environmental protection works.

2. Every investment project owner that has the waste treatment work specified in Point a Clause 1 of this Article shall, after obtaining the environmental license, carry out trial operation of such waste treatment work together with the trial operation of the entire investment project or for each investment phase of the project (if any) or for the independent waste treatment work item of the project to assess the conformity and satisfaction of a technical regulation on environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. For the investment project that involves provision of hazardous waste treatment services or import of scrap from a foreign country as production materials, at least 45 days before the end of its trial operation, the investment project owner shall send a report on trial operation to the authority issuing the environmental license to the project. The licensing authority shall carry out an inspection and decide to adjust the type and quantity of hazardous waste licensed for treatment or quantity of scrap licensed for import and impose penalties for violations (if any) as prescribed by law.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 47. Rights and obligations of investment project/business owners issued with the environmental license

1. Every investment project/business owner issued with the environmental license has the right to:

a) perform the licensed tasks specified in the environmental license;

b) apply for renewal, adjustment or re-issuance of the environmental license;

c) Other rights prescribed by law.

2. Every investment project/business owner issued with the environmental license has the obligation to:

a) correctly and fully comply with the environmental protection requirements specified in the issued environmental license. If any content of the issued environmental license is changed, notify the licensing authority for consideration;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) correctly comply with regulations on trial operation of waste treatment works of investment projects as prescribed in Article 46 of this Law;

d) take responsibility for the accuracy and truthfulness of the application for issuance of the environmental license;

dd) make publicly available the environmental license, except for information classified as state secrets and enterprise’s secrets as prescribed by law;

e) provide relevant information at the request of environmental protection authorities during the inspection;

g) Other obligations prescribed by law.

Article 48. Responsibilities of licensing authorities

Each licensing authority has the responsibility to:

1. Receive, inspect and appraise the application for environmental license and issue environmental licenses; renew, adjust or re-issue the environmental license at the request of investment project/business owners; take responsibility for contents of the environmental license; manage and store documents and data on the environmental license; partially suspend any investment projects, business, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters’ activity that causes or is likely to cause serious consequences the environment; revoke environmental licenses.

2. Publish environmental licenses on its website, except for information classified as state secrets and enterprise’s secrets as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Receive and handle propositions about environmental protection regarding the contents specified in the environmental license; instruct project investment owners to carry out trial operation of waste treatment works, remediation the environment and respond to environmental emergencies (if any) during trial operation.

5. Operate, update and integrate data on environmental licenses into the environmental information system and database. The reporting and sharing of information and data on environmental licenses shall be carried out in an interconnected manner and online within the environmental information system and database.

Article 49. Environmental registration

1. Obliged registrants:

a) Waste-generating investment projects not required to obtain an environmental license;

b) Waste-generating businesses operating before the effective date of this Law not required to obtain an environmental license.

2. The registrants specified in Clause 1 of this Article shall be exempt from environmental registration, including:

a) Investment projects and businesses classified as state secrets in the field of national defense and security;

b) Investment projects when put into operation and businesses that do not generate waste or only generate a small quantity of waste which is treated using in situ waste treatment works or managed in accordance with regulations of the local government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Communal People’s Committees shall receive environmental registration forms of the registrants specified in Clause 1 of this Article in person, by post or through the online public service system.

For an investment project or business that involves at least 02 communes, the investment project/business owner is entitled to select the People’s Committee of any commune to carry out environmental registration.

4. Environmental registration shall cover:

a) General information about the investment project/business;

b) Type of production, business and service; technologies, capacity, products; raw materials, fuels and chemicals used (if any);

c) Type and quantity of waste generated;

d) A scheme to collect, manage and treat waste as prescribed;

dd) Commitments to environmental protection.

5. During the operation, if the investment project or business changes any registered content, the investment project/business owner shall carry out environmental registration again before making a change.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The time for environmental registration is as follows:

a) The investment projects that are specified in Point a Clause 1 of this Article and subject to EIA and environmental registration before being put into official operation;

b) The investment projects that are specified in Point a Clause 1 of this Article but not subject to EIA and environmental registration before the competent authority issue the construction permit if a construction permit is required in accordance with regulations of law on construction or before waste is discharged into the environment if a construction permit is not required in accordance with regulations of law on construction;

c) The businesses that are specified in Point b Clause 1 of this Article and subject to environmental registration within 24 months from the effective date of this Law.

7. Communal People’s Committees shall:

a) receive environmental registration forms;

b) carry out inspections and impose penalties for violations against the law on environmental protection committed by entities carrying out environmental registration;

c) provide guidance and handle propositions about environmental protection regarding the contents registered by the entities carrying out environmental registration;

d) update data on environmental protection to the national environmental information system and database.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate environmental registration forms and provide guidelines for receipt of environmental registration forms.

Chapter V

ENVIRONMENTAL PROTECTION DURING PRODUCTION, BUSINESS OPERATION AND SERVICE PROVISION; URBAN AND RURAL ENVIRONMENTAL PROTECTION; ENVIRONMENTAL PROTECTION IN SOME FIELDS

Section 1. ENVIRONMENTAL PROTECTION DURING PRODUCTION, BUSINESS OPERATION AND SERVICE PROVISION

Article 50. Environmental protection in economic zones

1. An economic zone must have environmental protection infrastructure, including:

a) A solid waste collection and storage system;

b) A rainwater collection and drainage system;

c) A wastewater collection, drainage and treatment system which ensures that treated wastewater complies with environmental protection requirements; automatic and continuous wastewater monitoring system if the economic zone has a centralized wastewater treatment system and is required to carry out automatic and continuous monitoring in accordance with this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Economic zone management boards must have an environmental protection department and personnel in charge of environmental protection majoring in environment or field suitable for their assigned tasks.

3. Every economic zone management board shall:

a) inspect and supervise the construction of environmental protection infrastructure in dedicated areas for industrial production of the economic zone as prescribed by law;

b) cooperate with local environmental protection authorities in appraising EIARs, issuing environmental licenses, carrying out environmental protection inspection and perform other environmental protection-related tasks in the economic zone as prescribed by law;

c) carry out inspection of environmental protection by businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial cluster in the economic zone according to the plan approved by the provincial People’s Committee;

b) promptly discover violations against the law on environmental protection committed by entities and propose penalties therefor as prescribed by law;

dd) perform other environmental protection-related tasks assigned by the provincial People’s Committee as prescribed by law;

e) submit a report on environmental protection by the economic zone as prescribed by law;

g) assume other responsibilities prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A dedicated area for production, business operation and service provision must have environmental protection infrastructure, including:

a) A rainwater collection and drainage system; centralized wastewater collection, drainage and treatment system which ensures that treated wastewater satisfies environmental protection requirements;

b) Works and equipment serving environmental emergency prevention and response for wastewater as prescribed by law;

c) An automatic and continuous wastewater monitoring system for the centralized wastewater treatment system as prescribed by this Law;

d) Green space with the ratio prescribed by the law on construction.

2. Management boards of industrial parks, export-processing zones and hi-tech zones of provinces and central-affiliated cities must have an environmental protection department and personnel in charge of environmental protection majoring in environment or field suitable for their assigned tasks.

3. Every management board of an industrial park, export-processing zone or hi-tech zone of a province or central-affiliated city shall:

a) inspect and supervise the construction of environmental protection infrastructure in dedicated areas for production, business operation and service provision as prescribed by law;

b) cooperate with local environmental protection authorities in appraising EIARs, issuing environmental licenses, carrying out environmental protection inspection and perform other environmental protection-related tasks in dedicated areas for production, business operation and service provision as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) promptly discover violations against the law on environmental protection committed by entities and propose penalties therefor as prescribed by law;

dd) submit a report on environmental protection in dedicated areas for production, business operation and service provision as prescribed by law;

e) perform other environmental protection-related tasks assigned by the provincial People’s Committee as prescribed by law;

g) assume other responsibilities prescribed by law.

4. Every investor in construction and commercial operation of infrastructure of a dedicated area for production, business operation and service provision shall:

a) satisfy the requirements set out in Clause 1 of this Article;

b) arrange dedicated areas and types of production, business and services in conformity with environmental protection requirements;

c) construct a rainwater collection and drainage system separately from the centralized wastewater collection, drainage and treatment system;

d) collect and connect wastewater of facilities in the dedicated area for production, business operation and service provision to the centralized water collection, drainage and treatment system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) provide personnel in charge of environmental protection majoring in environment or field suitable for their assigned tasks;

g) cooperate with an environmental protection authority, management board of an industrial park, export-processing zone, hi-tech zone or economic zone of a province or central-affiliated city in environmental protection; cooperate in organizing inspection of environmental protection by facilities in the dedicated area for production, business operation and service provision as prescribed by law;

h) organize the inspection of fulfillment of environmental commitments by the investment project/business owner upon registering investment in the dedicated area for production, business operation and service provision;

i) promptly discover violations against the law on environmental protection committed by entities and propose penalties therefor as prescribed by law;

k) promulgate environmental protection regulations of the dedicated area for production, business operation and service provision in conformity with environmental protection requirements as prescribed by law;

i) carry out environmental monitoring as prescribed by law;

m) prepare a report on environmental protection in the dedicated area for production, business operation and service provision and send it to the provincial specialized environmental protection authority, licensing authority and management board of the industrial park, export-processing zone, hi-tech zone or economic zone of the province or central-affiliated city as prescribed by law;

n) assume other responsibilities prescribed by law.

5. Provincial People’s Committees shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) direct specialized agencies and management boards of industrial parks, export-processing zones, hi-tech zones and economic zones of provinces and central-affiliated cities to comply with regulations of law on environmental protection applicable to dedicated areas for production, business and service provision;

c) promulgate regulations on encouraging involvement of private sector in construction, commercial operation and operation of infrastructure serving environmental protection in dedicated areas for production, business and service provision;

d) assume other responsibilities prescribed by law.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 52. Environmental protection in industrial clusters

1. Every industrial cluster must have the environmental protection infrastructure specified in Clause 1 Article 51 of this Law.

2. An industrial cluster that is operating must satisfy the following requirements:

a) The environmental protection infrastructure specified in Clause 1 Article 51 of this Law must be completed within 24 months from the effective date of this Law;

b) In the case of exemption from connection to the centralized wastewater collection, drainage and treatment system, it is required to ensure that treated wastewater complies with environmental protection requirements before discharging it into the environment; there should be an environmental emergency prevention and response scheme tailored for the wastewater and automatic and continuous wastewater monitoring system as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) satisfy the requirements set out in Clause 1 of this Article;

b) construct, manage and operate environmental protection infrastructure as prescribed in Clause 1 of this Article.

c) not accept new projects and capacity increase of existing projects that generate waste in the industrial cluster before a centralized wastewater collection, drainage and treatment system is available;

d) collect and connect wastewater of facilities in the industrial cluster to the centralized water collection, drainage and treatment system;

dd) request facilities discharging treated wastewater into the rainwater collection and drainage system to halt discharge of treated wastewater into the rainwater collection and drainage system within 24 months from the effective date of this Law;

e) assign at least one person in charge of environmental protection majoring in environment or field suitable for his/her assigned tasks;

g) cooperate with an environmental protection authority in environmental protection; cooperate in organizing inspection of environmental protection by facilities in the industrial cluster as prescribed by law;

h) organize the inspection of fulfillment of environmental commitments by the investment project/business owner upon registering investment in the industrial cluster;

i) promptly discover violations against the law on environmental protection committed by entities and propose penalties therefor as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) prepare a report on environmental protection by the industrial cluster and send it to the provincial specialized environmental protection authority, licensing authority and district-level People’s Committee as prescribed by law;

m) assume other responsibilities prescribed by law.

4. Encouragement of private sector involvement and provision of incentives and assistance to investors in construction and commercial operation of environmental protection infrastructure of industrial clusters shall comply with regulations of the Government and provincial People’s Committees.

5. District-level People’s Committees shall:

a) construct, manage and operate infrastructure serving environmental protection in industrial clusters if investors on construction and commercial operation of industrial cluster infrastructure are not available.

b) prepare a list of industrial clusters that fail to have a centralized wastewater collection, drainage and treatment system within their districts and notify the provincial People’s Committees;

c) assume other responsibilities prescribed by law.

6. Provincial People’s Committees shall:

a) direct specialized agencies, district and communal-level People’s Committee to comply with regulations of law on environmental protection of industrial clusters;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) introduce a roadmap for relocate residents (if any) from industrial clusters.

Article 53. Environmental protection in businesses

1. Every business shall:

a) collect and treat wastewater in line with environmental protection requirements. If the business operates in an industrial cluster, dedicated area for production, business operation and service provision, urban area or high density residential area that has a centralized wastewater collection, drainage and treatment system, the business owner shall connect wastewater to the centralized wastewater collection, drainage and treatment of the investor in construction and commercial operation of that centralized wastewater collection, drainage and treatment system, except for the case where the business has been exempted from wastewater connection before the effective date of this Law;

b) comply with regulations set forth in Point dd Clause 4 Article 51 and Point dd Clause 3 Article 52 of this Law, regarding the business operating in an industrial cluster or dedicated area for production, business operation and service provision and discharging treated wastewater into the rainwater collection and drainage system;

c) collect, classify, store, reuse, recycle and treat waste as prescribe by this Law;

d) reduce, collect and treat dusts, emissions and unpleasant odors; ensure noxious gases are not leaked or released into the environment; control noise, vibration, light and heat radiation;

dd) provide resources and equipment for environmental emergency prevention and response;

e) regarding the business specified in Point b Clause 2 Article 111 and Clause 2 Article 112 hereof, provide personnel in charge of environmental protection majoring in environment or field suitable for their assigned tasks; establish an environmental management system according to the national standard TCVN ISO 14001 or international standard ISO 14001;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. In the following cases, businesses and warehouses must maintain a safe environmental distance from residential areas:

a) Flammable and explosive substances are present;

b) Radioactive substances, radioactive waste or radiation equipment is present;

c) Substances harmful to humans and animals are present;

d) There is a risk of generating dusts, unpleasant odors or noise resulting in adverse impacts on human health;

dd) There is a risk of causing water contamination.

3. Household or individual businesses that generate wastewater or exhaust gases must have works or equipment for in situ waste treatment in accordance with environmental protection requirements or regulations of the provincial People’s Committee.

4. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide technical guidance and assess conformity of works or equipment for in situ waste treatment specified in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 54. Responsibility of producers and importers for recycling

1. Producers and importers of recyclable products and packages must recycle them according to the mandatory recycling rate and specifications, except for products and packages exported/temporarily imported or produced/imported for research, learning or testing purposes.

2. The producers and importers specified in Clause 1 of this Article are entitled to recycle products and packages adopting one of the following methods:

a) Organize recycling of products and packages;

b) Make a financial contribution to the Vietnam Environment Protection Fund to support recycling of products and packages.

3. The producers and importers specified in Clause 1 of this Article shall register their recycling plans and submit annual reports on recycling results to the Ministry of Natural Resources and Environment, except for the case in Point b Clause 2 of this Article.

4. The financial contribution and use of financial assistance in recycling of products and packages specified in Point b Clause 2 of this Article shall adhere to the following principles:

a) The financial contributions and financial assistance in recycling are determined according to the quantity or unit of products/packages;

b) Financial contributions are used to support the recycling of products and packages specified in Clause 1 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Government shall elaborate and introduce a roadmap for implementation of this Article.

Article 55. Responsibility of producers and importers for waste collection and treatment

1. The producers and importers of products and packages which contain toxic substances, are difficult to recycle or cause a difficulty in collection and treatment must make a financial contribution to support the activities mentioned in Clause 3 of this Article, except for products exported/temporarily imported or produced/imported for research, learning or testing purposes.

2. The producers and importers specified in Clause 1 of this Article shall make a financial contribution to the Vietnam Environment Protection Fund; the financial contributions shall be determined according to the quantity or unit of products/packages.

3. Activities supported by the Vietnam Environment Protection Fund include:

a) Collecting, transporting and treating domestic solid waste generated from households and individuals;

b) Researching and developing technologies, techniques and initiatives for domestic solid waste treatment;

c) Collecting, transporting and handling packages containing agrochemicals.

4. The receipt and use of financial contributions must be carried out in a public and transparent manner and for intended purposes in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 56. Environmental protection in craft villages

1. Every craft village must have an environmental protection plan, an autonomous environmental protection organization and environmental protection infrastructure. Environmental protection infrastructure of a craft village includes:

a) A wastewater and rainwater collection system which meets the craft village’s needs for water drainage;

b) A centralized wastewater collection, drainage and treatment system (if any) which ensures that treated wastewater satisfies environmental protection requirements;

c) A solid waste aggregation point which satisfies technical requirements for environmental protection; a solid waste treatment facility (if any) which complies with regulations on solid waste management or a scheme to transport solid waste to a solid waste treatment facility outside the craft village.

2. Manufacturing establishments and households in a craft village must seek and implement environmental protection measures as prescribed by law; implement measures for noise, vibration, light, dusts, heat radiation, emissions and wastewater reduction and in situ pollution remediation; collect, classify, store and treat solid waste as prescribed by law.

3. Manufacturing establishments and households involved in industries and business lines that are not recommended in craft villages shall comply with the regulations laid down in Clause 2 of this Article and adhere to the plans for relocation or industry and business line conversion made by competent authorities.

4. Communal People’s Committees shall:

a) prepare and implement environmental protection plans for craft villages within their communes;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. District-level People’s Committees shall:

a) estimate budget for environmental protection of craft villages;

b) provide instructions on and develop models for environmental protection of craft villages; produce and operate solid waste collection and treatment models and in situ waste water treatment systems that satisfy environmental protection requirements, which are funded by the State from the budget for construction and environmental protection, and contributions of entities in accordance with regulations of law.

6. Provincial People’s Committees shall:

a) formulate planning for, build, renovate and develop craft villages and craft villages clusters in association with environmental protection;

b) provide funding for environmental protection of craft villages;

c) direct and organize assessment of pollution levels and remediation of environmental pollution in local craft villages;

d) direct the construction of wastewater collection and treatment systems; hazardous waste and normal solid waste dump sites and hazardous waste and normal solid waste aggregation points and treatment facilities in craft villages;

dd) formulate a plan to relocate facilities causing long-lasting or serious environmental pollution from residential areas and craft villages.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2. URBAN AND RURAL ENVIRONMENTAL PROTECTION

Article 57. Environmental protection of urban areas and residential areas

1. Environmental protection of urban areas and high density residential areas shall must ensure sustainable development associated with sustention of natural, cultural, historical elements, the ratio of green space, and satisfaction of requirements concerning landscape and environmental hygiene according to the planning.

2. Urban areas and high density residential areas shall satisfy environmental protection requirements. To be specific:

a) Water supply and drainage networks and public sanitation facilities must satisfy environmental protection requirements; wastewater collection and treatment systems must be consistent and conformable with the approved planning; if such urban areas and high density residential areas are form before the effective date of this Circular but fail to provide land for construction of wastewater collection and treatment systems, they shall comply with Point c Clause 5 Article 86 of this Law;

b) Equipment, vehicles and places for classifying solid waste at source, collecting and storing domestic solid waste must suit the quantity and type of waste generated from households and individuals in the urban areas and high density residential areas;

c) The green space, water surface and open space are present in urban areas and high density residential areas as prescribed by law.

3. Parks, flower gardens, trees, water surface, public roads and natural ecosystem must be protected, preserved and renewed in accordance with requirements concerning aesthetics and environmental protection and must not be encroached upon, leveled or used for wrong purposes.

4. Residential areas and residential clusters must designate a pollution-free place for temporary storage of domestic solid waste before being transported a designated place for treatment as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 58. Rural environmental protection

1. Requirements for rural environmental protection:

a) Organizations, households and individuals involved in handicraft production, agricultural production and processing must adhere to the planning and regulations of law on environmental protection without affecting ambient environment quality; waste must be collected, reused and treated in accordance with environmental protection requirements;

c) Rural residential clusters must have water drainage systems and take appropriate measures for waste treatment; waste aggregation points must be properly located; domestic animals must not be pastured in public places; autonomy in environmental protection is encouraged;

c) Landscapes, trees, lakes, ponds and surface water ecosystems; water sources must be preserved, protected, remediated and improved;

d) Waste generated in rural areas must be managed in accordance with law; organic domestic waste, waste generated from livestock production and processing, and agricultural by-products must be recalled, reused or used as production materials;

dd) Rural environmental quality must be monitored and assessed; pollution areas must be determined, zoned, dealt with, improved and remediated and measures must be implemented to improve environmental quality.

2. Responsibility for rural environmental protection:

a) Communal People’s Committees shall statistically report and manage types of domestic waste, agricultural waste and handicraft industry waste generated within their communes; organize activities aimed at maintaining environmental hygiene and improving rural landscape; promulgate regulations on autonomy in environmental protection in rural areas;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Provincial People’s Committees shall provide directions and resources for rural environmental protection; direct and organize treatment of waste generated in rural areas; promulgate and provide guidelines for application of policies on provision of incentive and assistance for waste treatment, landscaping and environmental protection in rural areas;

d) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in providing guidelines for satisfying criteria for rural environmental protection, implementing measures for waste collection and treatment, monitoring changes in environmental quality, dealing with pollution and improving and remediating environment in rural areas;

dd) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for collecting and treating livestock waste and agriculture by-products to be reused for other purposes; preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in formulating and organizing the execution of rural development programs, projects, mechanisms and policies in association with the objectives for environmental protection and climate change adaptation;

e) The Prime Minister shall lay down criteria for environmental protection in rural development.

Article 59. Environmental protection of public places

1. Organizations, households and individuals shall implement regulations on environmental protection and maintain hygiene in public places; classify waste and put it into each type of public trashcan or designated places; not let domestic animals spoil public hygiene.

2. Managers of parks, recreation areas, concentrations of businesses and service providers, markets, train stations, bus stations, ports, ferry terminals and other public areas shall:

a) assign personnel to collect waste and clean the environment in places under their management; have personnel or teams in charge of environmental protection for supervision purpose;

b) build and install public sanitation facilities and in situ waste treatment works in accordance with environmental protection; have vehicles and equipment for collecting, managing and treating waste in line with environmental protection requirements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) promptly discover violations against the law on environmental protection committed by entities and propose penalties therefor as prescribed by law.

3. The authority appraising construction designs and issuing construction permits to the managers specified in Clause 2 of this Article shall, according to regulations of law on construction, collect specialized environmental protection authorities’ comments about the works and equipment for in situ wastewater treatment and equipment for collection and temporary storage of waste during the appraisal and issuance in accordance with the Government’s regulations.

Article 60. Environmental protection by households and individuals

1. Households and individuals shall:

a) minimize and classify domestic solid waste at source, collect and transport classified domestic waste to designated places;

b) minimize, treat and discharge wastewater into designated places; not let domestic animals spoil hygiene in residential areas;

c) not emit exhaust gases, make noises, vibration, and other impacts which cause negative impacts to the local community;

d) pay the fees for waste collection, transport and treatment services as prescribed by law;;

d) participate in environmental protection in residential community;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Household scale livestock farms must maintain hygiene, not make noises and emit unpleasant odors; livestock waste must be collected and treated in accordance with regulations of law on environmental protection and other relevant regulations of law.

3. Authorities appraising construction designs and issuing construction permits to construction works and residential houses of households and individuals in urban areas in accordance with regulations of law on construction shall appraise construction designs and issue construction permits, including works and equipment for in situ wastewater treatment in accordance with environmental protection requirements.

Section 3. ENVIRONMENTAL PROTECTION IN CERTAIN FIELDS

Article 61. Environmental protection in agricultural production

1. Every entity that produces, imports, sells and/or uses chemicals, agrochemicals, veterinary drugs and fertilizers must comply with regulations of law on environmental protection regulations and other relevant regulations of law.

2. It is required to register, inventory, control, manage information about, assess and manage risks and handle chemicals, agrochemicals and veterinary drugs that are highly toxic, persist, spread and accumulate in the environment resulting in adverse impacts on environment and human health.

3. Expired fertilizers, environmental remediation products in livestock production, agrochemicals, veterinary drugs, aquaculture feeds and environmental remediation products in aquaculture must be managed in accordance with relevant regulations of law. Containers of fertilizers, animal feeds, aquaculture feeds, agrochemicals, veterinary drugs, environmental remediation products in aquaculture and products for livestock waste treatment after use, and sludge and feeds accumulated after cleaning of aquaculture ponds must be managed in accordance with waste management regulations. Sludge dredged from channels and hydraulic structures must be collected, reused, recycled and managed as prescribed by law. Dead animals must be collected and dealt with in accordance with regulations on hazardous waste management and preventive medicine.

4. Agricultural by-products must be collected to manufacture products and goods, used as raw materials and fuels, used for production of fertilizers and energy or managed as prescribed; by-products of plants must not be burned in the open air to avoid causing environmental pollution.

5. The use of livestock waste as organic fertilizers or for plant watering or for other purposes must comply with the Government’s regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall direct and organize management of sludge dredged from channels and hydraulic structures in compliance with environmental protection requirements.

Article 62. Environmental protection in medical activities and control of effects of environmental pollution on human health

1. Hospitals and other health facilities must satisfy environmental protection requirements, including:

a) collecting and treating wastewater in line with environmental protection requirements before discharging it into the environment;

b) classifying solid waste at source; collecting, storing, transporting and treating solid waste in line with environmental protection requirements. Domestic solid waste or normal solid waste that is mixed with infectious biomedical waste must be managed as the infectious biomedical waste;

c) giving priority to non-incineration and environmentally-friendly technologies which must satisfy requirements for environmental protection in management of infectious biomedical waste;

d) encouraging disinfection of infectious biomedical waste to remove pathogens that are potentially infectious before transporting them to central treatment facilities;

dd) having plans and equipment for prevention of and response to environmental emergencies caused by biomedical waste;

e) treating exhaust gases in line with environmental protection requirements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Health facilities that use radioactive sources and radiation equipment must comply with regulations of law on atomic energy.

3. Pollutants that directly impact human health must be managed as follows:

a) Identify, assess, warn, prevent and control pollutants that are likely to impact human health; issues concerning diseases and human health directly related to pollutants;

b) Control and deal with sources of pollutants that impact human health and issues concerning diseases directly caused by pollutants;

c) Manage, share and publish information about pollutants that directly impact human health.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate the transport and treatment of biomedical waste.

5. The Minister of Health shall elaborate the classification, collection, storage and management of biomedical waste within health facilities; determination, assessment, warning, monitoring and discovery of symptoms and causes of diseases and human health issues directly related to directly related to pollutants; identification and announcement of limits of pollutants in human body that are likely to affect human health; management, statistical reporting, sharing and publishing of information on disease issues associated with pollutants; assessment of costs and economic loss caused by diseases, health issues associated with environmental pollution; formulation, provision of instructions on and organization of implementation of measures to monitor and prevent diseases and human health issues related to pollutants; management, sharing, exchange and publishing of information about pollutants affecting human health.

6. Provincial People’s Committees shall provide for collection, transport and treatment of biomedical solid waste in conformity with local conditions; take responsibility for managing pollutants in connection with issues concerning diseases and human health within their provinces.

Article 63. Environmental protection during burial and cremation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Government shall provide for environmental protection during burial and cremation in conformity with customs, practices, folk beliefs and religions.

2. Corpses and bones shall be mummified, transported, and buried in accordance with environmental hygiene requirements.

3. Provider of burial and cremation services must comply with regulations of law on environmental protection and prevention and control of infectious diseases.

4. The State recommends that cremation and burial be carried out in cemeteries according to planning and unsound customs that cause environmental pollution be eliminated.

5. The Minister of Health shall provide for the burial and cremation of people who die of dangerous epidemics.

Article 64. Environmental protection in construction

1. Construction planning must comply with requirements for environmental protection and climate change adaptation.

2. Planning for urban areas and high density residential areas shall be formulated in a manner that develops eco cities, saves energy, uses renewable energy and ensures the ratio of green space, water surface and landscape as prescribed by law.

3. The State shall encourage the reuse of waste generated from construction and use of non-baked and environmentally-friendly materials in construction.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The construction, renovation, repair and dismantling of construction works must comply with the following environmental protection requirements:

a) There must be measures to avoid generating dust, heat, noise, vibration and light in excess of the permissible limits according to technical regulations on environment;

b) During construction, materials and waste must be transported using appropriate vehicles that ensure no leakage or environmental pollution;

c) Wastewater must be collected and treated in line with environmental protection requirements;

d) Usable solid waste and scrap shall be recycled and reused as prescribed; soil, rocks and solid waste generated from construction shall be reused as production materials and for leveling as prescribed;

dd) Soil and sewage sludge generated from excavation, dredging of topsoil and foundation excavation are used to fortify soil for planting trees or suitable soil areas;

e) Sewage sludge generated from septic tanks and cesspools must be managed in accordance with regulations on management of normal industrial solid waste;

g) Solid waste and other types of waste must be collected, stored and transported to treatment facilities in accordance with waste management regulations.

6. Waste generated from renovation and dismantling of construction works of households and individuals in urban areas must be collected and transferred to facilities licensed for treatment thereof in accordance with regulations of provincial People's Committees, except for the cases specified in Points d and dd Clause 5 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Provincial People's Committees shall provide for collection, transport and treatment of construction solid waste and planning for sites for dumping of construction waste; sewage sludge from septic tanks, cesspools and water drainage systems.

9. The Minister of Construction shall formulate standards and technical regulations on design requirements for solid waste collection systems in line with the classification of solid waste at source of shopping-residential complexes; officetels; complex of mixed-use high-rise buildings.

Article 65. Environmental protection in transport

1. Transport vehicles must be tested and certified conformable with technical regulations on environment by registration authorities in accordance with regulations of law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Vehicles used for transporting raw materials, materials and waste must be covered while they are using public roads in order to avoid leakage and pollution.

3. Entities involved in transport of dangerous goods must have necessary qualifications in environmental protection as prescribed by law.

4. The goods and materials at risk of pollution and environmental emergencies must be transported using specialized equipment and vehicles to ensure no leakage or discharge.

5. Upon construction of traffic works, measures should be in place to minimize and reduce impacts on topography, landscape, geology and natural heritage sites.

6. Provincial People’s Committees shall specify areas and sites for discharge and dumping of materials dredged from the inland waterway and sea transport system; introduce measures for traffic diversion and control of environmental pollution in order to limit air pollution in special class and class I cities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. The Minister of Transport shall promulgate national technical regulations on technical and environmental safety inspection of vehicles in accordance with regulations of law on transport and quality of products and goods and other relevant regulations of law; provide guidance on and organize the dredging within seaport waters and inland waterway waters as prescribed.

Article 66. Environmental protection during culture, sport and tourism activities

1. Every entity that manages and operates sites/monuments, tourism areas, tourist attractions, tourist accommodation establishments and places for sports practice, performance and competition and every festival organizer shall comply with the regulations set out in Clause 2 Article 59 of this Law.

2. Visitors to sites/monuments, tourism areas, tourist attractions, tourist accommodation establishments, places for sports practice, performance and competition and festivals must:

a) comply with the regulations on hygiene maintenance and environmental protection;

b) dispose of waste in designated places; limit the generation of plastic waste;

c) maintain public hygiene;

d) not infringe upon landscapes and animals.

3. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) organize the implementation of regulations on encouraging the reduction, reuse and recycling of plastic waste in culture, sport and tourism activities.

Article 67. Environmental protection during exploration, mining and processing of minerals and oil and gas activities

1. Every entity that explores, mines and processes minerals must formulate an environmental emergency prevention and response scheme and satisfy the following requirements for environmental protection, improvement and remediation:

a) Collect and treat wastewater as prescribed;

b) Collect and treat solid waste in accordance with solid waste management regulations;

c) Take measures to prevent and restrict the discharge of dusts and exhaust gases and other adverse impacts on the surroundings;

d) Formulate an environment improvement and remediation scheme and improve and remediate environment during mineral mining in accordance with regulations of this Law and regulations of law on minerals;

dd) Pay deposits on environmental protection as prescribed in Article 137 of this Law.

2. Projects and facilities required to formulate an environmental improvement and remediation scheme include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Mineral mining facilities operating before the effective date of this Law but failing to formulate an environmental improvement and remediation scheme or changing the environmental improvement and remediation contents specified in the approved plan;

c) Mineral mining facilities operating before the effective date of this Law and having their environmental improvement and remediation scheme approved but failing to cover the cost of implementation thereof as prescribed by law.

3. Contents of an environmental protection and remediation scheme include:

a) Solutions for environmental improvement and remediation; analyzing and assessing the solutions and selecting the best solutions;

b) List and quantity of items serving environmental improvement and remediation for the selected solution;

c) The implementation plan divided into multiple years and stages of environmental improvement and remediation; environmental monitoring program during the environmental improvement and remediation; plan to inspect and confirm completion of the scheme;

d) An estimate of costs of environmental improvement and remediation for each item serving environmental improvement and remediation; deposits paid according to a roadmap.

4. Toxic minerals must be stored and transported using specialized equipment and vehicles and covered to ensure no leakage or discharge.

5. The use of machinery and equipment adversely impacting the environment and toxic chemicals in mineral exploration, mining and processing and mine closure must be subject to EIA and specified in the application for environmental license.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The Government shall elaborate the formulation and appraisal of schemes for environmental improvement and remediation in mineral mining; provide for specific requirements for environmental protection during trial operation, waste management and environmental monitoring in the case of oil and gas exploration, extraction and transport and relevant services at sea.

8. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide forms and technical guidance to implement this Article.

Article 68. Environmental protection by research institutes, training institutes and laboratories

1. Research institutes, training institutes and laboratories must:

a) Collect and treat wastewater and exhaust gases in accordance with environmental protection requirements;

b) Classify solid waste at sources; collect and manage solid waste in accordance with regulations of law on waste management;

c) Process and destroy test specimens and chemicals in accordance with technical regulations on environment;

d) Make plans and provide equipment for prevention of and response to environmental emergencies;

dd) Satisfy other requirements in accordance with relevant regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 69. Environmental protection during management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants

1. Requirements for environmental protection during management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants are as follows:

a) It is not permitted to produce, export, import and use persistent organic pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent organic pollutants in the Annex A of the Stockholm Convention whose content exceeds the maximum permissible limits as prescribed by law, except for the persistent organic pollutants registered for the specific exemptions under the Stockholm Convention;

b) It is required to control sources of, publish information about, label, assess the conformity of and check persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants as prescribed by law;

c) Persistent organic pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent organic pollutants whose content exceeds the maximum permissible limits as prescribed by law are permitted to be recycled and disposed of provided that the recycling and disposal do not result in the recall thereof for reuse purpose, and satisfy environmental protection requirements;

d) Persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants whose content exceeds the maximum permissible limits must be stored, recalled, managed and handed in compliance with environmental protection requirements, except for the case where they have been recycled or disposed of as prescribed in Point c of this Clause;

dd) Businesses shall include types and quantity of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants discharged into water, air and soil in a list and send it to a competent authority for the purposes of information management, assessment and management of environmental risks as prescribed by law;

e) Areas in which persistent pollutants remain or which are contaminated by persistent pollutants must be assessed, determined and warned with respect to the risks they may pose, and safe management, environmental improvement and remediation measures must be taken.

2. Responsibility for environmental protection during management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants is as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries and ministerial agencies concerned in providing guidance on and organizing the compliance with the requirements in Clause 1 of this Article; incorporate information relating to monitoring of persistent pollutants into the national state of the environment report under the Stockholm Convention, other international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and regulations of law;

c) Ministries and ministerial agencies concerned and provincial People’s Committees shall organize the compliance with requirements for environmental protection during management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants in the sectors and local authorities under their management according to the Stockholm Convention, other international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and regulations of law.

d) The Government shall elaborate the environmental protection during management of persistent pollutants and raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment containing persistent pollutants according to the Stockholm Convention and other international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 70. Environmental protection during import, temporary import, re-export and transit of goods

1. Entities shall not import:

a) used machinery, equipment and vehicles for dismantling purposes, except for the case in Clause 2 of this Article;

b) machinery, equipment, vehicles, goods, raw materials and scrap contaminated by radioactive substances, germs or other toxins, which have not yet been cleaned or cannot be cleaned.

2. The import and demolition of used ships must comply with national regulations on environment. The Government shall provide for entities eligible and conditions for import and demolition of used ships.

3. The import, temporary import, re-export and transit of goods at risk of environmental pollution shall comply with regulations of law on foreign trade management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Scrap imported into Vietnam must comply with technical regulations on environment and be included in the list of scrap permitted for import from foreign countries as production materials promulgated by the Prime Minister.

2. Entities are only permitted to import scrap from foreign countries as production materials for their manufacturing establishments and must:

a) have manufacturing establishments with technologies and equipment serving scrap recycling and reuse, warehouses and sites exclusively reserved for aggregation of scrap which satisfy environmental protection requirements; prepare a scheme to deal with impurities in the imported scrap;

b) have environmental licenses;

c) pay deposits on environmental protection as prescribed in Article 137 of this Law before scrap is unloaded in the case where it is imported through sea border checkpoint or before scrap is imported into Vietnam in other cases;

d) have a written commitment to re-export or treatment of scrap if the scrap is imported without satisfying environmental protection requirements.

3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Chapter VI

WASTE MANAGEMENT AND CONTROL OF OTHER POLLUTANTS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 72. Waste management requirements

1. General requirements for management of domestic solid waste, hazardous waste and normal industrial solid waste are as follows:

a) Waste must be managed during its generation, reduction, classification, collection, storage, transfer, transport, reuse, recycling, treatment and disposal;

b) Hazardous waste and normal industrial solid waste source owners shall reuse, recycle, treat and recover energy from such waste or transfer them to licensed facilities having appropriate environmental license;

c) Controlled industrial waste source owner shall identify whether waste is hazardous waste or normal industrial solid waste through the sample collection and analysis carried out by competent facilities in accordance with regulations of law. After the identification, industrial waste must be managed as prescribed by law;

d) Waste that satisfies standards and technical regulations applicable to raw materials, fuels and materials in accordance with regulations of law on quality of products and goods must be managed as the products and goods and is permitted to be used as raw materials, fuels and materials in production activities;

dd) Entities that transport domestic solid waste, hazardous waste and normal industrial solid waste subject to treatment shall transport waste to licensed facilities having appropriate environmental licenses or transfer them to other transporters to be transported to licensed facilities having an appropriate environmental license;

c) The management of radioactive waste shall comply with regulations of law atomic energy.

2. General requirements for waste management are as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) It is advisable to reuse wastewater that satisfies environmental protection requirements and serves intended purposes;

c) Wastewater whose environmental parameters exceed the permissible levels must be managed in accordance with hazardous waste management;

d) The discharge of treated wastewater into the environment must be managed in accordance with regulations of law on environmental protection and relevant to the carrying capacity of receiving water bodies;

3. Exhaust gases must be collected and treated in accordance with environmental protection requirements;

4. Every entity that generates waste shall adopt resource- and energy-efficient solutions; use environmentally-friendly raw materials, fuels and materials and renewable energy; apply cleaner production technologies and programs, control environment and other measures to minimize waste generation; update information to the national environmental database upon transfer of hazardous waste and normal industrial solid waste subject to treatment to facilities having an appropriate environmental license.

5. The State shall introduce a policy to encourage private sector involvement in collection, transport, reuse, recycling and treatment of waste and recovery of energy from the treatment of waste; apply advanced and environmentally-friendly technologies for waste management and best available techniques in order to minimize and control the generation of secondary waste, minimize solid waste ending up buried; encourage the co-processing of waste and use of waste as substitute materials, fuels and materials.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate a list of hazardous waste, controlled industrial waste and normal industrial solid waste; technical requirements for environmental protection for vehicles transporting domestic solid waste, normal industrial solid waste and hazardous waste.

7. Provincial People’s Committees shall manage waste within their provinces; promulgate waste management regulations and implement policies to provide incentives and assistance for waste management as prescribed by law.

8. The Government shall elaborate the prevention, reduction, classification, collection, transport, reuse, recycling and treatment of waste.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Entities shall reduce, classify and dispose of waste that is single-use plastic products and non-biodegradable plastic packaging according to regulations; not discharge plastic waste directly into the systems for drainage of water to rivers, ponds, lakes, channels and oceans.

2. Plastic waste generated from marine tourism and services, maritime economy, extraction of oil and gas and marine mineral resources, aquaculture and commercial fishing must be collected, stored and transferred to facilities licensed for recycling and treatment.

3. Environmentally-friendly products, single-use plastic alternatives and non-biodegradable plastic packaging alternatives that have been certified are entitled to incentives and assistance as prescribed by law.

4. Plastic waste must be collected and classified for reuse, recycling or treatment purpose as prescribed by law. Unrecyclable plastic waste must be transferred to licensed facilities for treatment as prescribed. Plastic waste generated from economic activities at sea must be collected for reuse, recycling or treatment and must not be discharged into the sea.

5. The State shall encourage the reuse and recycling of plastic waste in service of production of goods and building materials and construction of traffic works; encourage the research and development of systems for collecting and treating plastic waste floating at sea and in the ocean; introduce policies to promote reuse and recycling of plastic waste.

6. Provincial People’s Committees shall organize the collection and treatment of plastic waste within their provinces; encourage the reduction of non-biodegradable plastic packaging and single-use plastic products; disseminate information about harmful effects of dumping of fishing gear into the sea and plastic waste on the ecosystem.

7. The Government shall introduce a roadmap for reducing production and import of single-use plastic products, non-biodegradable plastic packaging and products and goods containing microplastics.

Article 74. Environmental auditing

1. Environmental auditing means the systematic, comprehensive and effective consideration and assessment of environmental management and pollution control by businesses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The use of energy, chemicals, raw materials and scrap imported from foreign countries as production materials;

b) Pollution control and waste management.

3. Businesses are encouraged to carry out environmental auditing themselves.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide technical guidance on environmental self-auditing by businesses.

Section 2. DOMESTIC SOLID WASTE MANAGEMENT

Article 75. Classification, storage and transfer of domestic solid waste

1. Domestic waste generated by households and individuals is classified as:

a) Reusable and recyclable solid waste;

b) Food waste;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Provincial People’s Committees shall to classify domestic solid waste specified in Point c Clause 1 of this Article within their provinces under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment; introduce policies to encourage the classification of hazardous waste present in domestic solid waste generated by households and individuals.

3. Households and individuals in urban areas must contain the domestic solid waste already classified as prescribed in Clause 1 of this Article in packages for transfer as follows:

a) Reusable and recyclable solid waste shall be transferred to entities for reuse and recycling or facilities licensed for collection and transport of domestic solid waste;

b) Food waste and other domestic solid waste must be contained in packages as prescribed and transferred to facilities licensed for collection and transport of domestic solid waste; food waste may be used as organic fertilizers and animal feeds.

4. Households and individuals in rural areas that generate domestic solid waste and classify them as prescribed in Clause 1 of this Article shall manage them as follows:

a) Households and individuals are encouraged to make the most of waste food to be used as organic fertilizers and animal feeds;

b) Reusable and recyclable solid waste shall be transferred to entities for reuse and recycling or facilities licensed for collection and transport of domestic solid waste;

c) If not used as prescribed in Point a of this Clause, food waste shall be transferred to or facilities licensed for collection and transport of domestic solid waste;

d) Other domestic solid waste must be contained in packages as prescribed and transferred to facilities licensed for collection and transport of domestic solid waste.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The classification, collection, transport and treatment of bulky waste shall comply with regulations imposed by provincial People’s Committees.

7. The Vietnamese Fatherland Front Committee and socio-political organizations at all levels shall encourage residential communities, households and individuals to classify domestic solid waste at source. Internal residential communities and socio-political organizations shall supervise the classification of domestic solid waste by households and individuals.

Article 76. Domestic solid waste aggregation points and transfer stations

1. Every domestic solid waste aggregation point and transfer station must have different areas to store types of domestic solid waste to avoid mix-ups.

2. People’s Committees at all levels shall reserve land area for aggregation points and transfer stations in accordance with environmental protection according to the regulations imposed by the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 77. Collection and transport of domestic solid waste

1. People’s Committees at all levels shall select facilities for collection and transport of domestic solid waste through bidding in accordance with regulations of law on bidding. In case of failure to make a selection through bidding, the method of order placement or task assignment shall be adopted as prescribed by law.

2. Facilities collecting and transporting domestic solid waste are entitled to refuse to collect and transport households and individuals’ domestic solid waste that is not classified or contained in inappropriate packages and notify competent authorities as prescribed by law, except for the case where households and individuals use packages intended for other domestic solid waste as prescribed in Point c Clause 1 Article 75 of this Law.

3. Facilities collecting and transporting domestic solid waste shall cooperate with communal People’s Committees, residential communities and representatives of residential areas in determining time, places, frequency and routes for collecting domestic solid waste, and make them publicly available.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Households and individuals shall transport classified domestic solid waste to aggregation points as prescribed or transfer them to facilities collecting and transporting domestic solid waste.

6. Investment project owners, owners, management boards of new urban areas, high-rise apartment buildings and office buildings must provide equipment and works for storage of domestic solid waste suitable for waste types specified in Clause 1 Article 75 of this Law; organize the collection of waste from households and individuals and transfer them to facilities collecting and transporting domestic solid waste.

7. Communal People’s Committees shall:

a) inspect the compliance with regulations of law on environmental protection regarding collection and transport of domestic solid waste; take actions against violations of regulations on domestic solid waste management within their power; consider and handle feedback and comments of organizations, residential communities, households and individuals involved in collection and transport of domestic solid waste;

b) preside over and cooperate with facilities collecting and transporting domestic solid waste, residential communities and socio-political organizations in determining time, places, frequency and routes for collecting domestic solid waste;

c) instruct households and individuals to transfer domestic solid waste to facilities in charge of collection and transport or aggregation points as prescribed; instruct residential communities to supervise and make publicly available cases of failure to comply with regulations on domestic solid waste classification and collection.

Article 78. Domestic solid waste treatment

1. The State shall encourage and provide incentives for entities involved in investment in and provision of domestic solid waste treatment services; encourage co-processing of domestic solid waste.

2. People’s Committees at all levels shall select domestic solid waste treatment facilities through bidding in accordance with regulations of law on bidding. In case of failure to make a selection through bidding, the method of order placement or task assignment shall be adopted as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Domestic solid waste must be treated using appropriate technologies and satisfying technical regulations on environment. The Government shall provide for a roadmap for restricting treatment of domestic solid waste using direct landfill disposal technology.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate criteria for domestic solid waste treatment technologies; provide guidelines for domestic solid waste treatment models in urban and rural areas.

6. Provincial People’s Committees shall formulate planning and reserve land area for domestic solid waste treatment facilities, promptly transfer land to build and operate domestic solid waste treatment facilities within their provinces; provide funding for construction and operation of systems for collection, storage, transfer, transport and treatment of domestic solid waste treatment; works, measures and public equipment serving domestic solid waste management within their provinces.

Article 79. Costs of collection, transport and treatment of domestic solid waste

1. Charges for domestic solid waste collection, transport and treatment services payable by households and individuals shall be calculated as follows:

a) The charges shall be calculated in accordance with regulations of law on prices;

b) The charges vary by quantity or volume of the classified waste;

c) If solid waste are reusable and recyclable and hazardous waste is classified, households and individuals are not required to pay charges for collection, transport and treatment services.

2. Any household or individual that fails to classify or correctly classify domestic solid waste as prescribed in Points a and b Clause 1 Article 75 of this Law must pay charges for collection, transport and treatment services as other types of domestic solid waste.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Organizations, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters that generate waste from their daily and office activities in large quantities prescribed by the Government must transfer it to a facility licensed for waste recycling, reuse and treatment or to a facility collecting and treating waste with appropriate vehicles and equipment to be transported to the facility licensed for waste recycling, reuse and treatment.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide guidance on method for determining charges for domestic solid waste treatment services; provide for economic and technical norms for collection, transport and treatment of domestic solid waste; provide technical guidance on classification of domestic solid waste; provide guidelines for implementation of Clause 1 of this Article.

6. Provincial People’s Committees shall elaborate the management of domestic solid waste of households and individuals within their provinces; impose specific charges for domestic solid waste collection, transport and treatment services; promulgate specific provisions on method of payment of charges and charges for domestic solid waste collection, transport and treatment services payable by households and individuals according to the quantity or volume of the classified waste.

7. The regulation set out in Clause 1 of this Article and Clause 1 Article 75 of this Law must be implemented by December 31, 2024.

Article 80. Environmental remediation and improvement in domestic solid waste landfills

1. Closed and unsanitary domestic solid waste landfills must be remediated and improved in accordance with environmental protection requirements.

2. Every owner of project on investment in or facility managing a domestic solid waste landfill has the responsibility to:

a) After closure of a landfill, it is required to improve landscape and take measures to prevent environmental pollution;

b) organize monitoring of environmental changes in the landfill from the date on which the landfill closure is completed and notify the provincial specialized environmental protection as prescribed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Government shall provide incentives and encourage entities to invest in environmental remediation and improvement in Domestic solid waste landfills.  

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide guidelines for closure of Domestic solid waste landfills.

5. Provincial People’s Committees shall provide resources and funding for environmental improvement and remediation in landfills managed by the State and unauthorized landfills within their provinces.

Section 3. NORMAL INDUSTRIAL SOLID WASTE MANAGEMENT

Article 81. Classification, storage and transport of normal industrial solid waste

1. Normal industrial solid waste (“NISW”) shall be classified into the following groups:

a) NISW reused and recycled as production materials;

b) NISW in compliance with standards, technical regulations and technical guidance used in production of building materials and leveling;

c) NISW subject to treatment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. NISW containing hazardous waste that has not been classified or cannot be classified must be managed in accordance with hazardous waste management regulations.

4. Classified NISW must be stored separately without being mixed with hazardous waste; without release of dust and leakage of wastewater into the environment; with appropriate equipment and tools and in appropriate storage areas in accordance with regulations laid down by the Minister of Natural Resources and Environment.

5. NISW must be transported in accordance with the following requirements:

a) NISW must be contained in equipment and tools to avoid leakage during transport, except for the case where the waste in large quantity must be contained in equipment or tank of the transport vehicle;

b) Classified NISW must be transported separately prescribed;

c) The vehicle used for transporting NISW subject to treatment must have a GPS tracking device meeting technical requirements and comply with regulations on routes and time of operation adopted by the provincial People's Committee.

Article 82. Treatment of NISW

1. Businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision, industrial clusters and organizations that produce NISW must reuse, recycle, recover energy from and treat NISW or transfer it to the following entities:

a) Manufacturing establishments directly using NISW as production materials and for production of building materials or leveling, which is licensed to operate as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Facilities licensed for NISW treatment;

d) Facilities transporting NISW, which have signed a transfer contract with the entity in Points a, b or c of this Clause.

2. NISW treatment service providers must comply with environmental protection requirements in accordance with regulations of this Law.

3. Every owner of NISW treatment service provider has the following responsibilities:

a) Ensure that systems, vehicles and equipment in service of storage and treatment of NISW, including preliminary processing, reuse, recycling, co-processing, treatment of and recovery of energy from NISW in accordance with technical requirements and management process as prescribed;

b) If the provider produces hazardous waste, responsibilities of the hazardous waste source owner shall be assumed;

c) Submit periodic or ad hoc reports on NISW generation and treatment at the request of the competent authority;

d) make a record on transfer of NISW subject to treatment for each transfer; prepare a logbook recording operation of systems, vehicles and equipment in service of NISW treatment including preliminary processing, reuse, recycling, co-processing and recovery of energy from NISW; a logbook recording quantity of products recycled or recovered from NISW (if any).

4. Every entity that generates NISW subject to treatment is entitled to recycle, treat, co-process or recover energy from NISW itself/himself/herself if the following requirements are met:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Conform to the decision on approval of EIAR appraisal result and environmental license;

c) Do not build any new incinerator or landfill to treat NISW, except for the case where contents regarding solid waste management in relevant planning are conformable with.

Section 4. HAZARDOUS WASTE MANAGEMENT

Article 83. Declaration, classification, collection, storage and transport of hazardous waste

1. Every hazardous waste source owner has the responsibility to:

a) specify quantity and type of hazardous waste in the application for issuance of the environmental license or environmental registration contents;

b) identify, classify, collect and separately store hazardous waste and not to mix it with non-hazardous waste, avoid causing environmental pollution;

c) reuse, recycle, treat, co-process and recover energy himself/herself in accordance with regulations of law or transfer hazardous waste to facilities having an appropriate environmental license.

2. Hazardous waste must be stored in accordance with the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Hazardous waste must not be mixed with normal waste;

c) The storage must not result in release of dust or leakage of liquid waste into the environment;

d) Hazardous waste shall be only stored for a given period of time as prescribed by law.

3. When transported, hazardous waste must be contained and transported using appropriate equipment and vehicles to waste treatment facilities. The vehicle used for transporting hazardous waste must have a GPS tracking device and comply with regulations on routes and time of operation adopted by the provincial People's Committee.

4. Entities permitted to transport hazardous waste include:

a) Hazardous waste source owner that has appropriate vehicles and equipment satisfying technical requirements and management process in accordance with regulations of law on environmental protection;

b) Environmental license holders licensed to treat hazardous waste in conformity with the type of waste to be transported.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide technical guidance on and forms used for declaration, classification, collection, and storage of hazardous waste; provide guidance on vehicles and equipment for storage, transport, prevention of and response to incidents during the transport and treatment of hazardous waste; provide guidance on registration and transboundary movements of hazardous waste under the Basel Convention on Basel Convention on the Control of Transboundary Movements of Hazardous Wastes and their Disposal.

Article 84. Hazardous waste treatment

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The State shall encourage and provide incentives to entities involved in investment in and provision of hazardous waste treatment services; encourage the investment in hazardous waste treatment service providers at regional level; encourage the co-processing of hazardous waste.

3. Every hazardous waste treatment service provider must satisfy the following requirements:

a) The national environmental protection planning or planning containing contents regarding hazardous waste treatment is conformed to, except for the case of hazardous waste co-processing;

b) Safe environmental distance is maintained as prescribed;

c) It is required to appraise and comment on the hazardous waste treatment technology in accordance with regulations of law on technology transfer; the application of environmentally-friendly technologies, best available techniques and combined waste treatment and waste-to-energy technologies is encouraged;

d) The environmental license is available;

dd) Personnel in charge of environmental protection majoring in environment or suitable field is available;

e) An appropriate process for safe operation of special-purpose technologies, vehicles and equipment is available;

g) There is an environmental management plan containing contents regarding pollution control and waste management; occupational safety and health; environmental emergency prevention and response; annual training; environmental monitoring program; assessment of efficiency in hazardous waste treatment; environmental improvement and remediation plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate criteria applied to hazardous waste treatment technologies; provide guidelines for implementing Point g Clause 3 of this Article.

5 . The provincial People’s Committee shall organize implementation of the planning containing contents regarding hazardous waste treatment; shall not impose restrictions on collection of hazardous waste produced in another province for treatment by hazardous waste treatment service providers located within its province.

Article 85. Responsibilities of owners of hazardous waste treatment service providers

Every owner of hazardous waste treatment service provider has the responsibility to:

1. satisfy all requirements specified in Clause 3 Article 8 of this Law.

2. collect, transport, receive and handle quantity and types of hazardous waste in accordance with the issued environmental license.

3. Ensure that systems, vehicles and equipment for storage and treatment of hazardous waste satisfy technical requirements and management process as prescribed.

4. assume responsibilities of the hazardous waste source owner if the hazardous waste is generated from the operating process but fails to be treated.

5. register with the authority issuing the environmental license within his/her power to obtain approval if wishing to transport the hazardous waste not mentioned in his/her environmental license to the another qualified owner of hazardous waste treatment service provider in accordance with the Government’s regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Make publicly available and provide information about types and quantity of hazardous waste collected and treated, and treatment methods; information about name and address of the owner of collected and treated hazardous waste source and other environmental information that needs to be made publicly available and provided as prescribed in Article 114 of this Law.

Section 5. WASTEWATER MANAGEMENT

Article 86. Collection and treatment of wastewater

1. Every new urban area, new high density residential area, business, dedicated area for production, business operation and service provision and industrial cluster must have a wastewater collection and treatment system separated from the rainwater drainage system, except for special cases prescribed by the Government.

2. Wastewater of an urban area or high density residential area shall be managed as follows:

a) Domestic wastewater generated from organizations and households must be collected and connected to the wastewater collection and treatment system;

b) Wastewater generated from production, business operation and service provision in an urban area must be collected and undergo preliminary treatment before being connected to the urban wastewater collection and treatment system; preliminarily treated wastewater must comply with regulations of the urban area or high density residential area or regulations of the local authority;

c) Wastewater generated from production, business operation and service provision in an urban area that fails to have a centralized wastewater treatment work must be collected and treated in accordance with environmental protection requirements before being discharged into a receiving body.

3. Wastewater generated from production, business operation and service provision shall be managed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If wastewater produced by a business located outside an urban area, high density residential area, dedicated area for production, business operation and service provision or industrial cluster cannot be connected to the wastewater collection and treatment system, it must be collected and treated in accordance with environmental protection requirements before being discharged into a receiving body.

4. Wastewater generated from organizations and households in a low density residential area must be collected and treated on the spot in accordance with environmental protection requirements before being discharged into receiving bodies.

5. Provincial People’s Committees shall:

a) invest in and encourage investment in construction of wastewater collection and treatment systems in urban areas and high density residential areas within their provinces by the State in accordance with regulations of law;

b) introduce a roadmap for reserving land area, investing in or encouraging investment in construction of wastewater collection and treatment systems in urban areas and high density residential areas if a wastewater collection and treatment system is not available;

c) introduce a roadmap and assistance policy in order for organizations and households in urban areas and high density residential areas to build works and install equipment for in situ wastewater treatment in accordance with environmental protection requirements before being discharged into receiving bodies in case of failure to reserve land area for construction of wastewater collection and treatment systems in urban areas and high density residential areas established before the effective date of this Law;

d) introduce a roadmap and policy for provision of assistance in collection and in situ treatment of domestic wastewater produced by organizations, households and low density residential areas.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide guidance on technologies and techniques for in situ wastewater treatment.

7. The Minister of Construction shall provide guidance on technical infrastructural facilities serving wastewater collection and drainage in urban areas and high density residential areas specified in this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A wastewater treatment system must satisfy the following requirements:

a) Its technology conforms to type and characteristics of wastewater to be treated;

b) Its capacity is relevant to the maximum volume of wastewater generated;

c) Wastewater is treated in accordance with environmental protection requirements;

d) Wastewater treatment works are operated in accordance with technical process;

dd) An environmental emergency prevention and response plan is tailored for the wastewater treatment system; the discharge point must have coordinates and be marked with signs to facilitate inspection and supervision of discharge.

2. Sewage sludge from the wastewater treatment system must be managed in accordance with regulations of law on solid waste management; sewage sludge whose hazardous elements exceed the permissible limits must be managed in accordance with regulations of law on hazardous waste management.

Section 6. MANAGEMENT OF DUSTS, EXHAUST GASES AND OTHER POLLUTANTS

Article 88. Management and control of dusts and emissions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Vehicles, machinery, equipment, constructions that produce dust and/or exhaust gases must have filters, covers, or other parts to minimize exhaust gases and reduce dusts in accordance with technical regulations on environment.

3. Ministries and ministerial agencies concerned shall provide guidelines for prevention, inspection, supervision and treatment of sources of dusts and exhaust gases that cause air pollution.

Article 89. Management and control of noise, vibration, light, radiation and unpleasant odors

1. Any entity that creates noise, vibration, light and/or radiation must take measures to control and treat them in accordance with technical regulations on environment and radiation.

2. Entities in residential areas that create noise, vibration, light, radiation and unpleasant odors must take measures to minimize them to avoid affecting residential communities.

3. Managers of the routes with heavy traffic that produces noise, vibration, light and radiation must take measures to minimize them in accordance with technical regulations on environment.

4. It is prohibited to manufacture, import, transport, sell and use firecrackers. The Prime Minister shall decide the manufacture, import, transport, sale and use of firework.

Chapter VII

ADAPTATION TO CLIMATE CHANGE

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Climate change adaptation refers to actions taken to strengthen the resilience of social-ecological systems, minimize adverse impacts of climate change and seize the opportunities offered by climate change.

2. Climate change adaptation shall cover:

a) Assessment of impacts, vulnerabilities, risks, loss and damage caused by climate change to sectors, regions and residential communities based on the climate change scenario and socio-economic development forecast;

b) Climate change adaptation, disaster risk reduction, community- and ecosystem-based climate change adaptation model; response to sea level rise and urban inundation;

c) Construction and operation of the system for supervising and assessing climate change adaptation.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with Ministries and ministerial agencies in:

a) organizing the implementation of regulations in Points a and c Clause 2 of this Article;

b) requesting the Prime Minister to promulgate the national climate change adaptation plan, reviewing and updating it every 05 years; to establish the national system for supervising and assessing climate change; criteria for determining climate adaptation projects and tasks approved by the Prime Minister; criteria for assessing climate risks;

c) providing guidelines for assessing impacts, vulnerabilities, risks, loss and damaged caused by climate change;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) building and operating the national system for supervising and assessing climate change adaptation.

4. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall:

a) implement the regulations laid down in Point b Clause 2 of this Article in accordance with this Law and other relevant regulations of law; organize assessment of impacts, vulnerabilities, risks, loss and damaged caused by climate change; submit an annual consolidated report to the Ministry of Natural Resources and Environment;

b) build and operate the sectoral or local system for supervising and assessing climate change adaptation under their management of sectors and fields.

Article 91. Reduction of GHG emissions

1. Major GHGs include carbon dioxide (CO2), methane (CH4) and nitrous oxide (N2O). Low-concentration gases that have high global warming potential include hydrofluorocarbons (HFCS), perfluorocarbons (PFCS), sulphur hexafluoride (SF6) and nitrogen, trifluoride (NF3).

2. The reduction of GHG emissions shall focus on:

a) organizing reduction of GHG emissions and GHG absorption according to a roadmap and method for reducing GHG emissions in conformity with national conditions and international commitments.

b) inventorying GHGs, measuring, reporting and appraising reduction of GHG emissions at national, sector, or field level or relevant internal level;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) formulating and implementing the mechanism and method for cooperation in reduction of GHG emissions in accordance with regulations of law and international treaties to which Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

dd) organizing and developing the domestic carbon market.

3. The Prime Minister shall promulgate a list of sectors and GHG emitting facilities subject to GHG inventory, update it every 02 years according to the ratio of GHG emissions to the total national GHG emissions; socio-economic development conditions and situation; consumption of fuels and energy per unit of product or service by businesses.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) compile and submit to the Prime Minister a list of sectors and GHG emitting facilities subject to GHG inventory for approval; introduce the national GHG inventory system; system for measuring, reporting and appraising reduction of GHG emissions;

b) prepare a national GHG inventory report every 02 years;

c) provide guidance on and organize appraisal of results of GHG inventory results and plans to reduce GHG emissions with respect to the sectors and facilities subject to GHG inventory.

5. Any Ministry that manages sectors subject to GHG inventory has the responsibility to:

a) organize GHG inventory and send inventory results to the Ministry of Natural Resources and Environment every 02 years by January 31 of the next reporting period for consolidation and reporting to the Prime Minister;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) provide guidance on technical processes and regulations regarding measurement, reporting and appraisal of reduction of GHG emissions in fields and sectors under its management;

d) annually consolidate and report results of reduction of GHG emissions within its scope of management to the Ministry of Natural Resources and Environment before January 15 of the next reporting period for consolidation and reporting to the Prime Minister;

dd) provide guidance on selection and application of technological and managerial methods to reduce GHG emissions in conformity with the scale, industries and business lines under its management.

6. Provincial People’s Committees shall provide information and data in service of the national and sectoral GHG inventory to the Ministry of Natural Resources and Environment, other Ministries and ministerial agencies concerned; inspect the performance of activities relating to reduction of GHG emissions under their management.

7. A GHG emitting facility on the list of facilities subject to GHG inventory has the responsibility to:

a) organize GHG inventory, build and maintain a database of GHG emissions and send inventory results to the Ministry of Natural Resources and Environment every 02 years by December 01 of the reporting period for consolidation and reporting to the Prime Minister;

b) formulate and implement the annual plan to reduce GHG emissions; integrate the reduction of GHG emissions into its quality management program, cleaner production program and environmental protection program;

c) prepare an annual report on reduction of GHG emissions to implement its GHG emissions reduction plan using the measurement, reporting and appraisal system, and submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment, other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees concerned by December 31 of the reporting period.

8. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Ozone layer protection refer to an action taken to adapt to climate change in order to prevent ozone depletion and minimize harmful effects of ultraviolet radiation from the Sun.

2. Ozone layer protection shall focus on:

a) managing production, export, import, sale and elimination of controlled ozone-depleting substances and GHGs under the international treaty on the protection of the ozone layer to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

b) collecting, recycling, reusing or disposing of controlled ozone-depleting substances and GHGs under the international treaty on the protection of the ozone layer to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory in equipment containing them when they are no longer used;

c) developing and applying technologies and equipment using non-ozone-depleting substances and climate-friendly substances.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) preside over and cooperate with other Ministries and ministerial agencies concerned in requesting the Prime Minister to promulgate the national plan for management and elimination of controlled ozone-depleting substances and GHGs under the international treaty on the protection of the ozone layer to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

b) promulgate a list and provide guidelines for use of controlled ozone-depleting substances and GHGs in conformity with the roadmap for implementing the international treaty on the protection of the ozone layer to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

c) preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees in managing, controlling, minimizing and eliminating the substances and gases on the list specified in Point b of this Clause; organize implementation of the national plan for management and elimination of ozone-depleting substances and GHGs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Manufacturers of equipment and products containing the substances and gases on the list specified in Point b Clause 3 of this Article must develop an appropriate roadmap for replacing and eliminating controlled ozone-depleting substances and GHGs under the international treaty on the protection of the ozone layer to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

6. Facilities using equipment and products containing or using the substances and gases on the list specified in Point b Clause 3 of this Article must comply with regulations on collection, transport, recycling and disposal under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment.

7. Businesses that use the substances and gases on the list specified in Point b Clause 3 of this Article shall make a transfer of ozone layer protection technology entitled to incentives and assistance as prescribed by this Law and Law on Technology Transfer.

8. The Government shall elaborate this Article.

Article 93. Integration of contents of adaptation to climate change with strategies and planning

1. Contents of adaptation to climate change to be integrated with a strategy or planning include:

a) Climate change scenario and impacts of climate change used to determine long-term objectives of the strategy or planning;

b) Climate change adaptation solutions integrated with the strategy or planning;

c) Results of analysis and assessment of climate change adaptation solutions used to determine socio-economic indicators of the strategy or planning.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 94. National climate change database

1. The national climate change database includes the following information and data:

a) Legislative documents, policies, strategies, planning, plans, standards, technical regulations, technical requirements, professional processes, socio-economic norms regarding climate change and ozone layer protection;

b) Impacts of climate change on natural resources, environment, ecosystems, living conditions and socio-economic activities;

c) GHG emissions and socio-economic activities relating to GHG emissions;

d) Reduction of GHG emissions and climate change adaptation

dd) Protection of ozone layer and management of ozone-depleting substances;

e) Results of national climate assessment;

g) Climate change scenarios over periods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Resources for climate change adaptation and ozone layer protection;

k) International cooperation in climate change adaptation and ozone layer protection.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize establishment and updating and providing guidelines for operation and use of the national climate change database.

3. Other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall organize the investigation into, surveying and collection of the information and data mentioned in Clause 1 of this Article within the scope and areas under their management and send them to the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 95. National climate change adaptation report

1. The national climate change adaptation report includes:

a) Overview of climate change developments and impacts;

b) Results of national GHG inventory;

c) Efforts and efficiency in adaptation to climate change;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Fulfillment of international climate change commitments;

e) Prediction of impacts of climate change on economy, society and environment;

g) Proposed solutions for climate change adaptation.

2. Other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall prepare an annual report on climate change adaptation within the scope and fields under their management and send it to the Ministry of Natural Resources and Environment.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall prepare a national climate change adaptation report every 05 years and submit it to the Government for reporting to the National Assembly; instruct other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees to prepare climate change adaptation reports.

Article 96. Implementation of climate change and ozone layer protection clauses

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) play the leading role in implementing climate change and ozone layer protection clauses in the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory;

b) organize the preparation, updating and implementation of Intended Nationally Determined Contributions, prepare a report on climate change and ozone layer protection every 02 years and other national reports thereon under the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall implement climate change and ozone layer protection clauses in the international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; submit reports on implementation thereof to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation and reporting as prescribed.

Chapter VIII

ENVIRONMENTAL TECHNICAL REGULATIONS AND ENVIRONMENTAL STANDARDS

Article 97. Environmental technical regulations

1. Environmental technical regulations on ambient environment quality, including:

a) Environmental technical regulations on soil and sediment quality;

b) Environmental technical regulations on surface water, groundwater and seawater quality;

c) Environmental technical regulations on air quality;

d) Environmental technical regulations on light and radiation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Environmental technical regulations on waste, including:

a) Environmental technical regulations on wastewater;

b) Environmental technical regulations on exhaust gases from production, business operation and service provision and exhaust gases from vehicles.

3. Environmental technical regulations on waste management, including:

a) Environmental technical regulations on hazardous waste;

b) Environmental technical regulations on solid waste landfills;

c) Environmental technical regulations on works and equipment for in situ wastewater treatment;

d) Environmental technical regulations on waste incinerators;

dd) Environmental technical regulations on waste co-processing;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Environmental technical regulation on management of scrap imported from foreign countries as production materials.

5. Environmental technical regulation on limits of persistent pollutants present in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment.

6. Other environmental technical regulations in accordance with environmental protection requirements.

Article 98. Rules for formulating and applying environmental technical regulation ambient environment quality; environmental technical regulations on limits of persistent pollutants present in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment

1. The formulation of environmental technical regulations on ambient environment quality must adhere to the following rules:

a) Achieve the objectives for protecting and improving the living environment to ensure human health, development of creatures and sustainable of ecosystems; serve planning activities, environmental zoning and environmental quality assessment;

b) Ensure that they are equivalent to those of developing countries and conform to national and regional natural and socio-economic conditions.

2. The application of environmental technical regulations on ambient environment quality must adhere to the following rules:

a) Serve as the basis for classifying and assessing environmental quality in one location or one area;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Serve as the basis for formulating environmental quality management plans, considering issuing environmental licenses to entities that discharge waste into the environment and ensuring the discharge serves the purpose of environmental quality management in planned, zoned or classified areas.

3. Environmental technical regulation on limits of persistent pollutants present in raw materials, fuels, materials, products, goods and equipment must aim to protect human health and prevent environmental protection under the international treaties to which Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 99. Rules for formulation and application of environmental technical regulations on waste, waste management and management of scrap imported from foreign countries as production materials

1. The formulation of environmental technical regulations on waste, waste management and management of scrap imported from foreign countries as production materials must adhere to the following rules:

a) Environmental technical regulations on waste and waste management must be relevant to technical and technological level, technology, socio-economic development level from time to time; harmonize with regulations of countries in the region and in the world; encourage businesses to transfer and apply new technologies, best available techniques, clean technologies and environmentally-friendly technologies;

b) Environmental technical regulation on waste must suit the receiving zones and areas; be formulated according to the planning and environmental zoning; serve the purpose of environmental quality management and improvement;

c) Environmental technical regulation on waste management must be in line with the purposes and requirements concerning collection, storage and treatment of each type of waste;

d) Environmental technical regulation on management of scrap imported from foreign countries as production materials must function as a barrier to prevent and control the import of waste into Vietnam in the future;

dd) Environmental technical regulations on waste, waste management and management of scrap imported from foreign countries as production materials must be reviewed, updated and adjusted every 05 years or when necessary, in a more stringent manner if the environmental quality fails to serve the purpose of environmental quality management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The application of environmental technical regulations on waste and waste management must adhere to the following rules:

a) Environmental technical regulations on waste and waste management must be applied to control pollutants produced by businesses; ensure no environmental pollution is caused;

b) Environmental technical regulation on waste must be applied to serve the purpose of environmental quality management in receiving areas and zones and according to the quantity and volume of waste;

c) New investment projects and expansion projects must satisfy the latest requirements specified in the environmental technical regulations on waste and waste management;

d) Businesses that are operating must formulate a plan to implement the roadmap for application of environmental technical regulations on waste and waste management or relocation plan in case of failure to satisfy the requirements;

dd) If a national environmental technical regulation on technology or equipment that produces waste, environmental quality parameters or pollutants present in waste is yet to be available, the national environmental technical regulation of one of the developed countries shall apply.

3. The application of the environmental technical regulation management of scrap imported from foreign countries as production materials must adhere to the following rules:

a) The environmental technical regulation management of scrap imported from foreign countries as production materials shall serve as one of the bases for customs clearance of shipments of scrap. In case of failure to satisfy the requirements, it is required to re-export them as prescribed;

b) The environmental technical regulation management of scrap imported from foreign countries as production materials must be applied to each shipment of scrap registered for inspection, except for the case of exemption from inspection prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Environmental technical regulations on ambient environment quality must define permissible limits of environmental parameters suitable for use of corresponding environmental components, including:

a) Minimum values of parameters ensuring life and normal growth of humans and creatures;

b) Maximum permissible values of environmental parameters that ensure no negative effects produced on life and normal growth of humans and creatures.

2. Technical regulations on ambient environment quality must provide guidance on reference method for measuring, collecting and analyzing samples to determine environmental parameters.

Article 101. Requirements concerning environmental technical regulations on waste, waste management and management of scrap imported from foreign countries as production materials

1. Environmental technical regulations on waste must define permissible limits of pollutants present in waste. Permissible limits of pollutants present in waste must be determined according to toxic properties of the pollutants, volume and environmental zoning.

2. The environmental technical regulation on waste management must define technical and managerial requirements for collection, storage and treatment to avoid environmental pollution. 

3. The environmental technical regulation on management of scrap imported from foreign countries as production materials must define technical and managerial requirements and maximum permissible levels of impurities present in scrap shipments.

4. The environmental technical regulations on waste and waste management must introduce an appropriate roadmap for application thereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 102. Formulation, appraisal and promulgation of environmental technical regulations

1. Power and procedures for formulating and promulgating national and local environmental technical regulations must comply with regulations of law on standards and technical regulations.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) formulate and promulgate national environmental technical regulations;

b) preside over and cooperate with the Ministry of Transport in requesting the Prime Minister to promulgate a roadmap for application of national standards and technical regulations on emissions of motor vehicles operating in Vietnam.

3. Ministries and ministerial agencies shall promulgate standards, technical regulations or technical guidance on recycling, reuse and use of waste as raw materials and materials for production, business operation and service provision under their management after obtaining comments of the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. The Ministry of Science and Technology shall carry out appraisal of environmental technical regulations in accordance with regulations of law on standards and technical regulations.

5. If the ambient environment quality fails to achieve the objectives for environmental protection, the provincial People’s Committee shall promulgate a local environmental technical regulation on waste within 02 years from the date of promulgating the national environmental technical regulation.

Article 103. Environmental standards

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Whole or part of an environmental standard becomes compulsorily applicable if it is referred to in a legal document or environmental technical regulation.

3. An internal environmental standard shall be applicable within the organization issuing such standard.

Article 104. Establishment, appraisal and announcement of environmental standards

1. Power and procedures for establishing and appraising environmental standards must comply with regulations of law on standards and technical regulations.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the establishment and request appraisal of national environmental standards.

3. The Ministry of Science and Technology shall organize appraisal of and announce national environmental standards.

4. Agencies and organizations shall establish and announce internal environmental standards in accordance with regulations of law on standards and technical regulations.

Article 105. Application of best available techniques

1. Owners of investment project and businesses involved in types of production, business and services that are likely to cause environmental pollution shall study and apply best available techniques according to the roadmap prescribed by the Government; provide information upon request to serve the development of technical guidance on application of best available techniques.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The ability to reduce amount of pollutants;

b) The ability to increase amount of recyclable waste;

c) Costs of application and operation of the best available techniques;

d) The ability to save energy;

dd) Proactivity in pollution prevention and control

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Science and Technology, other Ministries and ministerial agencies concerned in developing and providing technical guidance on application of best available techniques or consider recognizing the best available techniques already applied by developed countries and permitted for application in Vietnam; review, update and supplement the list of best available techniques in a manner that is relevant to the current situation and level of science and technology development; provide technical guidance on application of best available techniques for each type of production, business or service that is likely cause environmental pollution.

Chapter IX

ENVIRONMENTAL MONITORING, ENVIRONMENTAL INFORMATION AND DATA AND ENVIRONMENTAL REPORTING

Section 1. ENVIRONMENTAL MONITORING

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Environmental monitoring also includes waste monitoring and is carried out on an automatic, continuous or periodic basis or at the request of a competent authority.

2. Investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters that release waste into the environment must carry out monitoring as prescribed in Articles 111 and 112 of this Law and in accordance with environmental technical regulations.

3. Entities are encouraged to engage in environmental monitoring and provide information on environmental quality to the community as prescribed by law. Such entities shall take legal responsibility for the accuracy of the information provided.

4. Environmental monitoring must ensure and control quality and give accurate and reliable monitoring results.

5. Vehicles and equipment used for environmental monitoring must be verified and calibrated in accordance with regulations of law on measurement.

Article 107. Environmental monitoring system

1. The environmental monitoring system shall cover:

a) National environmental monitoring, which is a network of background and impact environmental monitoring stations and locations serving the monitoring and providing information on background and impact environmental quality in inter-regional, inter-provincial and transboundary areas.

b) Provincial environmental monitoring, which is a network of background and impact environmental monitoring stations and locations serving the monitoring and providing information on background and impact environmental quality in areas within a province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Environmental monitoring for investment projects, in businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters;

dd) Biodiversity monitoring in wildlife sanctuaries.

2. Organizations joining the environmental monitoring system include:

a) Environmental monitoring authorities;

b) Organizations in charge of on-site sampling and sample measurement;

c) Environmental sample testing and analysis laboratories;

d) Organizations verifying and calibrating environmental monitoring equipment;

dd) Organizations managing and processing environmental monitoring data and preparing environmental monitoring reports.

3. The environmental monitoring system must be must be synchronized and interconnected to create a consistent and comprehensive network nationwide.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Analyzing and assessing current state of the national environmental monitoring network; system of environmental testing and analysis laboratories and environmental monitoring data management system;

b) Viewpoints, objectives and selected scheme for comprehensive planning for national environmental monitoring in conformity with environmental zoning, monitoring orientations and environmental warning in the environmental protection planning;

c) National environmental monitoring network, including orientations for environmental component monitoring points, parameters and frequency nationwide and automatic monitoring stations; orientations for development of system of environmental testing and analysis laboratories and environmental monitoring data management system;

d) List of national environmental monitoring projects;

dd) Orientations for connection of national environmental monitoring network, database and data with provincial environmental monitoring network and connection of environmental monitoring network;

e) Roadmap and resources available for the implementation of the planning.

Article 108. Objects subject to environmental monitoring

1. Environmental components to be monitored include:

a) Water, including surface water, groundwater and seawater;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Soil and sediments;

d) Biodiversity;

dd) Noise, vibration, radiation, light.

2. Waste sources, waste and pollutants to be monitored include:

a) Wastewater and exhaust gases;

b) Controlled industrial waste for identifying hazardous waste as prescribed by law;

c) Radioactivity;

d) Persistent pollutants that are released into and accumulate in the environment;

dd) Other pollutants.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

a) direct, provide guidance on and inspect environmental monitoring nationwide; organize the execution of the national environmental monitoring programs including environmental monitoring programs for inter-provincial rivers and lakes, sea, key economic regions, inter-regional, inter-provincial and transboundary areas and environment in geographically distinct zones; carry out biodiversity monitoring in wildlife sanctuaries;

b) Formulate, appraise and submit to the Prime Minister the comprehensive planning for national environmental monitoring for approval in accordance with regulations of law on planning;

c) provide technical guidance on building national and provincial environmental monitoring systems; biodiversity monitoring.

2. The Ministry of Science and Technology shall organize the execution of radioactivity monitoring programs including programs for monitoring radioactive components in the environment.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall organize the execution of environmental monitoring programs serving agricultural management including water, soil and sediment monitoring programs serving the purposes of irrigation, fishing, aquaculture, agriculture, forestry and salt production.

4. The Ministry of Health shall organize the execution of occupational environment monitoring programs in the workplace.

5. The Ministry of National Defense shall participate in offshore water monitoring and transboundary environmental monitoring.

6. Provincial People’s Committees shall organize the execution of environmental monitoring programs within their provinces, submit annual environmental monitoring reports to provincial People's Councils and the Ministry of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. National environmental monitoring programs, local environmental monitoring programs and environmental monitoring programs of businesses and service providers prescribed by regulations of law on environmental protection and other monitoring activities serving state management of environmental protection in accordance with regulations on environmental monitoring must be carried out by organizations certified as eligible to provide environmental monitoring services.

2. Organizations that satisfy requirements concerning personnel and equipment for environmental monitoring and technical conditions applied to laboratories and adopt environmental monitoring methods shall be issued with the certificate of eligibility to provide environmental monitoring services. Certificate holders must operate within the certified scope.

3. Entities carrying out environmental monitoring on a periodic, regular and continuous manner in order to provide and publish information about environmental quality to the community must comply with technical requirements for environmental monitoring as prescribed by law.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 111. Wastewater monitoring

1. Subjects required to carry out automatic and continuous wastewater monitoring include:

a) Dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters that discharge wastewater into the environment;

b) Investment projects and businesses involved in a type that is likely to cause environmental protection with an average or higher flow rate of wastewater discharged into the environment;0}

c) Investment projects and businesses not involved in a type that is likely to cause environmental protection with a large flow rate of wastewater discharged into the environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters that discharge wastewater into the environment;

b) Investment projects and businesses that discharge wastewater into the environment at a large flow rate.

3. The automatic and continuous wastewater monitoring must comply with regulations on environmental monitoring techniques. Data of the monitoring system must be directly transmitted to the provincial specialized environmental protection authority.

4. The periodic wastewater monitoring must comply with regulations on time, frequency and parameters; parameters that have been automatically and continuously monitored are not required to be periodically monitored.

5. Every provincial specialized environmental protection authority shall:

a) monitor automatic and continuous wastewater monitoring data; assess automatic and continuous wastewater monitoring results and compare them with permissible limits of pollutants specified in the environmental technical regulation on wastewater; supervise and inspect the correction if the monitoring data transmission is interrupted; find monitored parameters which exceed the permissible limits and propose remedial measures as prescribed;

b) aggregate and transmit data on automatic and continuous monitoring carried out within the province to the Ministry of Natural Resources and Environment as prescribed.

6. Subjects other than those specified in Clauses 1 and 2 of this Article are encouraged to monitor wastewater to supervise their own wastewater treatment systems and equipment.

7. The Government shall elaborate subjects required to carry out wastewater monitoring; parameters and roadmap for carrying out automatic and continuous wastewater monitoring; time and frequency of periodic wastewater monitoring.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 112. Industrial dust and exhaust gas monitoring

1. Subjects required to carry out automatic and continuous monitoring of industrial dusts and exhaust gases include investment projects and businesses likely to cause air pollution with large flow rates of dusts and exhaust gases released into the environment.

2. Subjects required to carry out periodic monitoring of industrial dusts and exhaust gases include investment projects and businesses discharging dusts and exhaust gases into the environment at large flow rates.

3. The automatic and continuous monitoring of industrial dusts and exhaust gases must comply with regulations on environmental monitoring techniques. Data of the monitoring system must be directly transmitted to the provincial specialized environmental protection authority.

4. The monitoring of industrial dusts and exhaust gases must comply with regulations on time, frequency and parameters as prescribed by law. The parameters that have been automatically and continuously monitored are not required to be periodically monitored.

5. Every provincial specialized environmental protection authority shall:

a) monitor data on automatic and continuous monitoring of industrial exhaust gases; assess results of automatic and continuous monitoring of industrial exhaust gases and compare them with permissible limits of pollutants specified in the environmental technical regulation on exhaust gases; supervise and inspect the correction if the monitoring data transmission is interrupted; find monitored parameters which exceed the permissible limits and propose remedial measures as prescribed;

b) aggregate and transmit data on automatic and continuous monitoring carried out within the province to the Ministry of Natural Resources and Environment as prescribed.

6. Subjects other than those specified in Clauses 1 and 2 of this Article are encouraged to monitor industrial dusts and exhaust gases to supervise their own dust and exhaust gas treatment systems and equipment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. The Minister of Natural Resources and Environment shall impose regulations on industrial dust and exhaust gas monitoring techniques.

Article 113. Environmental monitoring data management

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall manage national environmental monitoring data; establish environmental monitoring database to be incorporated in the national environmental information system and database; integrate  environmental monitoring data of Ministries, ministerial agencies and local authorities, publish information about national environmental quality; provide professional guidance on and technical assistance in local environmental monitoring data management.

2. Ministries and ministerial agencies shall set up environmental monitoring database within their power and integrate it into the national environmental monitoring database.

3. Provincial People’s Committees shall manage environmental monitoring data; establish environmental monitoring database within their provinces in a manner that is consistent, synchronized and interconnected with the national environmental information system and database and publish information on local environmental quality on the basis of the local environmental monitoring results.

4. Investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters shall manage waste monitoring data and make waste monitoring results publicly available as prescribed by law.

Section 2. ENVIRONMENTAL INFORMATION SYSTEMS AND DATABASE

Article 114. Environmental information

1. Environmental information consists of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Information about solid waste, hazardous waste, wastewater, exhaust gases and other types of waste prescribed by law;

c) Information about decision to approve appraisal results, EIARs, except for trade secrets and information classified as state secrets; matters concerning licensing, registration, certification and confirmation; results of inspection of environmental protection by investment projects, businesses and dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters;

d) Information about statistical indicators regarding environment, environmental quality and environmental pollution;

dd) Information about natural heritage sites, natural ecosystems, species and genetic resources; wildlife sanctuaries and biodiversity conservation facilities; important wetlands;

2. The collection, storage and management of environmental information shall comply with the following regulations:

a) Environmental information shall be collected in an accurate, adequate and timely manner;

b) Investment project/business owners shall regularly collect, store and manage the environmental information mentioned in Points a, b and c Clause 1 of this Article;

c) Ministries and ministerial agencies shall collect, store and manage environmental information under their management specified in Points d and dd Clause 1 of this Article;

d) People’s Committees at all levels shall collect, store and manage environmental information within their areas and as assigned;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The provision and publishing of environmental information shall comply with the following regulations:

a) The State shall encourage entities to participate in providing environmental information;

b) Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall provide environmental information which they collect, store and manage to the Ministry of Natural Resources and Environment through the environmental information system and database or submit reports as prescribed by law;

c) Investment project/business owners shall provide the environmental information mentioned in Points a, b and c Clause 1 of this Article to an environmental protection authority through the environmental information system and database or submit reports as prescribed by law;

d) Entities shall publish environmental information as prescribed on their websites or in another manner to facilitate access to information.  The publishing of environmental information shall comply with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

4. The Government shall elaborate on contents and management of environmental information; procedures, time and method for providing and publishing environmental information.

Article 115. Environmental information systems and database

1. Regarding environmental information systems:

a) The State shall introduce a policy to build and operate the environmental information system with the aim of developing a digital environmental platform and economy in the future;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall build, manage and operate ministerial, sectoral and provincial environmental information systems in synchronization with the national environmental information system.

2. Regarding environmental database:

a) Environmental database means a collection of environmental information, is built, updated, stored and managed to meet the needs for access, provision and use from central to local government and serve the state management of environmental protection and provision of public environmental services;

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall build and manage the national environmental database; instruct other Ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees to organize the operation of their environmental database;

c) Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall organize the operation of their environmental database; ensure that it is integrated, connected and interconnected with the national environmental database.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 116. Online public environmental services

1. Online public environmental services include public administrative environmental services, environmental information provision services and other public environmental services prescribed by law.

2. The provision of online public environmental services shall comply with the following regulations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People's Committees shall operate and provide guidance on provision of online public environmental services ensuring the synchronization, connection and interconnection as prescribed by law.

Section 3. ENVIRONMENTAL REPORTING

Article 117. Environmental statistical indicators

1. Environmental statistical indicators are part of the Vietnam's statistical indicator system aiming to measure and assess environmental protection activities for sustainable development in the future and in line with the UN’s sustainable development indicator system.

2. Environmental statistical indicators include national environmental indicators and environmental statistical indicators of the natural resource and environment sector and are compiled in compliance with regulations of this Law and law on statistics.

3. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall organize production of statistics on environmental indicators in the fields, sectors and areas under their management; submit annual reports on environmental statistical indicators to the Ministry of Natural Resources and Environment.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall produce, provide guidance on and organize the production of environmental statistics; promulgate a set of statistical indicators of the natural resource and environment sector.

Article 118. Reporting of environmental protection

1. On an annual basis, the environmental protection carried out in the previous year shall be reported as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The industrial park, export-processing zone, hi-tech zone or economic zone management board shall submit a report to the provincial People’s Committee before January 31;

c) The provincial People’s Committee shall submit a report to the People's Council of the province and the Ministry of Natural Resources and Environment before February 15;

d) The Ministry or ministerial agency shall submit a report on performance of its environmental protection tasks to the Ministry of Natural Resources and Environment before February 15;

dd) The Ministry of Natural Resources and Environment shall prepare a report on environmental protection nationwide and submit it to the Government for reporting to the National Assembly at its first session of the year.

2. Main contents of an environmental protection report:

a) State of soil, water and air and changes in soil, water and air quality; natural heritage site and biodiversity;

b) General socio-economic context and impacts on the environment;

c) Results of performance of environmental protection activities including control of pollution sources; solid and hazardous waste management; management of soil, water and air quality; pollution remediation, environmental quality improvement; environmental emergency prevention and response; environmental protection of natural heritage sites and biodiversity;

d) Environmental monitoring and warning system;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Conditions and resources for environmental protection;

g) Results of compilation of environmental statistical indicators;

h) General assessment;

i) Orientations, tasks and solutions for environmental protection in the coming time.

3. The environmental protection reporting period begins from January 01 to December 31 inclusive of the reporting year.

4. The environmental protection report shall be submitted physically or electronically as prescribed by law.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide guidance on preparation of environmental protection reports; provide guidance on and organize the assessment of environmental protection by Ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees.

Article 119. Reporting of environmental protection during production, business operation and service provision

1. Every investment project/business owner shall prepare and submit an environmental protection report to the competent authority as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Annual environmental protection reports. The reporting period begins from January 01 to December 31 inclusive of the reporting year;

b) Ad hoc environmental protection reports requested by the competent authority.

3. Main contents of a periodic environmental protection report include:

a) Results of operation of works and implementation of environmental protection measures for waste;

b) Results of implementation of remedial measures required by the inspecting authority and competent authority (if any);

c) Results of periodic, automatic and continuous monitoring;

d) Management of solid waste and hazardous solid waste;

dd) Management of imported scrap (if any);

e) Provision of environmental monitoring services (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The environmental protection report shall be submitted physically or electronically as prescribed by law.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate contents, forms, methods and time for sending reports on environmental protection during production, business operation and service provision.

Article 120. State of the environment reports

1. State of the environment reports include general reports on state of the environment and thematic reports on state of the environment.

2. Responsibility for preparing state of the environment reports:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall prepare a general report on national state of the environment every 05 years to serve the assessment of results of implementation of the socio-economic development plan; prepare an annual thematic report on national state of the environment;

b) Provincial People’s Committees shall prepare a general report on local state of the environment every 05 years; prepare an annual thematic report on state of the environment under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment; according to the pressing local environmental issues, the provincial People's Committees may decide to prepare a thematic report on state of the environment within provinces.

3. Main contents of a state of the environment report include:

a) Overview of nature, economy and society;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) State of the environment and environmental quality changes;

d) Pressing environmental issues and causes thereof;

dd) Impacts of the environment on economy and society;

e) Results of implementation of policies, law and environmental protection activities; international cooperation in environmental protection;

g) Predicted environmental challenges;

h) Directions and solutions for environmental protection.

4. Method for state of the environment reporting:

a) The general report on national state of the environment shall be submitted to the National Assembly at the session prior to the final session of the last year of the tenure;

b) The thematic report on national state of the environment shall be published on the website of the Ministry of Natural Resources and Environment prior to the National Assembly’s first session of the next year; the thematic report on local state of the environment shall be published on the website of the provincial People’s Committee prior to the regular session of the provincial People's Council of the next year.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter X

ENVIRONMENTAL EMERGENCY PREVENTION AND RESPONSE AND COMPENSATION FOR ENVIRONMENTAL DAMAGE

Section 1. ENVIRONMENTAL EMERGENCY PREVENTION AND RESPONSE

Article 121. General regulations on environmental emergency prevention and response

1. The environmental emergency prevention and response shall adhere to technical processes and regulations on safety and environment.

2. The motto “leadership on-the-spot, forces on-the-spot, means and materials on-the-spot, and logistics on-the-spot” shall be used for environmental emergency response.

3. Entities causing environmental emergencies shall respond to them and pay costs of response.

4. An environmental emergency that occurs in an establishment or administrative division, the head of such establishment or administrative division shall direct and organize the response to the environmental emergency. There must be a commander, who will assign specific tasks and coordinate different forces, vehicles and equipment involved in response to the environmental emergency.

5. The State shall encourage and enable entities to invest in environmental emergency response services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The Government shall elaborate on the prevention of and response to environmental emergencies.

Article 122. Responsibility for environmental emergency response

1. Every investment project/business owner shall perform the following tasks:

a) Comply with requirements concerning plans, measures and equipment for environmental emergency prevention and response as prescribed by law;

b) Carry out regular inspection and adopt managerial and technical plans and measures to eliminate and reduce the risk of environmental emergencies.

2. Provincial People’s Committees shall:

a) investigate, statistically report and assess the risk of environmental emergencies within their provinces;

b) build database and compile and publish information about sources that are likely to cause environmental emergencies within their provinces as prescribed by law;

c) build and direct district- and communal-level People’s Committees to build capacity for environmental emergency prevention and response within their provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 123. Classification of environmental emergencies by scale and stages of response to environmental emergencies

1. The classification of an environmental emergency shall be based on the extent of environmental pollution or degradation at the time of discovering the emergency in order to determine an authority responsible for direction and response, including:

a) In-facility environmental emergency: environmental pollution or degradation occurs within a facility;

b) District-level environmental emergency: environmental pollution or degradation occurs beyond a facility and within a district;

c) Provincial-level environmental emergency: environmental pollution or degradation occurs beyond a district and within a province;

d) National-level environmental emergency: environmental pollution or degradation occurs within 02 provinces or more or across the nation.

2. Stages of environmental emergency response include:

a) Preparing for environmental emergency;

b) Organizing environmental emergency response;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 124. Preparing for environmental emergency

1. The person responsible for directing environmental emergency response specified in Clause 4 Article 125 of this Law shall direct the formulation and approval of the environmental emergency response plan within his/her jurisdiction; direct organization of environmental emergency response drills for which he/she grants approval.

2. The Ministry of National Defense shall preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies and provincial People’s Committees in providing guidance on, forming forces and providing resources and equipment in response to environmental emergencies to the National Committee for Natural Disaster Management and Response and Command Centers for Natural Disaster Management of provinces and districts.

3. Investment project/business owners must have works, equipment and vehicles serving response to environmental emergencies as prescribed by law; form and train forces on-the-spot for the purpose of environmental emergency response.

4. An environmental emergency response plan shall be promulgated and implemented as follows:

a) The National Committee for Natural Disaster Management and Response shall promulgate and implement the national environmental emergency response plan; inspect the implementation of the environmental emergency response plan promulgated by the provincial Command Center for Natural Disaster Management;

b) The provincial Command Center for Natural Disaster Management shall promulgate and implement the provincial environmental emergency response plan; inspect the implementation of the environmental emergency response plan promulgated by the district-level Command Center for Natural Disaster Management;

c) The district-level Command Center for Natural Disaster Management shall promulgate and implement the district-level environmental emergency response plan;

d) The investment project/business owner shall promulgate and organize the implementation of its environmental emergency response plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The environmental emergency response plan shall be integrated as follows:

a) The environmental emergency response plan mentioned in Point a, b or c Clause 4 of this Article may be integrated with the civil defense plan or plan for response to another emergency;

b) The environmental emergency response plan mentioned in Point d Clause 4 of this Article is integrated with and approved together with the plan for response to another emergency.

7. An environmental emergency response drill shall be organized as follows:

a) The drill in response to in-facility environmental emergencies shall be conducted at least every 02 years unless otherwise prescribed by law;

b) The drills in response to district, provincial and national-level environmental emergencies shall be conducted according to the environmental emergency response plan approved by the competent authority;

c) The environmental emergency response drill must be joined by relevant organizations and forces, representatives of residential communities and surrounding facilities potentially affected by the emergency.

Article 125. Organizing environmental emergency response

1. Information about an environmental emergency must be promptly notified to the district-level Command Center for Natural Disaster Management and People’s Committee of the commune where the emergency occurs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The response to an environmental emergency shall mainly focus on:

a) identifying causes of the emergency; type, amount and weight of pollutants released into the environment;

b) preliminary assessment of extent, objects and level of impacts on soil, water, air, humans and creatures;

c) implementation of measures for isolating and limiting the extent, objects and level of impacts; urgent implementation of measures to ensure safety of humans, property, creature and environment;

d) recovering, treating and eliminating pollutants or causes of pollution;

dd) publishing and providing information about the emergency to the community to prevent and avoid adverse impacts of the emergency.

4. Responsibility for response to the environmental emergency:

a) Investment project/facility owner has the responsibility to organize response to the environmental emergency within the facility, if it is beyond the response capacity, promptly notify the People’s Committee of the province where the emergency occurs and the district-level Command Center for Natural Disaster Management for cooperation;

b) The President of the district-level People's Committee and the head of the district-level Command Center for Natural Disaster Management shall direct emergency response, mobilize resources, equipment and vehicles and appoint a commander and spokesman to respond to the emergency occurring within the district;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The Chair of the National Committee for Natural Disaster Management and Response shall direct emergency response, mobilize resources, equipment and vehicles and appoint a commander and spokesman to respond to the national emergency.

5. If it is beyond the response capacity, the emergency response director shall notify the supervisory authority. Entities shall cooperate and assist in response to the environmental emergency upon request.

6. If the environmental pollution or degradation occurs beyond a facility or administrative division, the emergency response director shall notify the supervisory authority, which will direct the emergency response.

7. Where necessary, the emergency response director specified in Clause 4 of this Article shall decide to establish a command center and working team responsible to identify causes of the emergency.

8. The Ministry of Health and People’s Committees at all levels shall assess the extent, objects and level of impacts of the environmental emergency on human health and take measures to prevent and minimize those impacts.

Article 126. Remediating environment after emergency

1. The owner of the investment project/facility causing an environmental emergency shall remediate the environment after the emergency occurs within such facility. The People’s Committee of the commune where the emergency occurs shall inspect and supervise the environmental remediation.

2. After a district, provincial or national-level environmental emergency occurs, the environmental remediation shall be carried out as follows:

a) The district-level People’s Committee shall conduct survey and assessment of state of the environment, formulate, approve and direct the implementation of the environmental remediation plan for the district-level environmental emergency. Within 30 days from the end of the stage of organizing the response, the district-level People’s Committee must approve the environmental remediation plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall conduct survey and assessment of state of the environment, formulate, approve and direct the implementation of the environmental remediation plan for the national environmental emergency. Within 90 days from the end of the stage of organizing the response, the Ministry of Natural Resources and Environment must approve the environmental remediation plan.

3. Contents of the environmental remediation plan consist of:

a) Description and assessment of the state of the environment after the emergency occurrence including the level, extent and characteristics of environmental pollution in each area; state of the environment, premises and ecosystems (if any) before the emergency occurrence; requirements for remediating the environment in accordance with the environmental technical regulation on ambient environment quality, premises restoration and recovery of main characteristics of the ecosystem;

b) Environmental remediation measures; analysis, assessment and selection of the best solution for environmental improvement and remediation;

c) List and volume of items serving environmental remediation regarding the selected solution;

d) The implementation plan divided into multiple stages of environmental remediation; program for management, monitoring and supervision during environmental remediation period; plan to commission environmental remediation results.

4. The inspection, supervision and commissioning of the environmental remediation plan specified in Clause 2 of this Article shall comply with the following regulations:

a) If an entity causes an environmental emergency implements the approved plan itself/himself/herself; the authority approving the plan shall inspect and supervise environmental remediation according to the approved plan;

b) If the authority approving the plan shall organize the implementation of the plan, the entity causing the emergency is entitled to participate in supervision, appraisal, inspection and commissioning of remedial remediation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The authority approving the environmental remediation plan shall announce the end of the environmental remediation stage to residential communities, press agencies and communications agencies.

7. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Article 127. Responsibility of Ministries, ministerial agencies and specialized agencies at all levels for environmental emergency prevention and response

1. Ministries and ministerial agencies shall:

a) provide guidance on, inspect and build capacity for prevention and warning of environmental emergencies in the fields and sectors under their management; preparation for environmental emergencies and organization of environmental emergency response within the scope of management as prescribed by law;

b) provide guidance on contents of environmental emergency response plans under their management; technical processes and techniques for environmental emergency response and environmental emergency scenarios under their management as prescribed by law;

c) formulate and request the National Committee for Natural Disaster Management and Response to promulgate the national environmental emergency response plan within the scope of management;

d) participate in response to national environmental emergencies within the scope of management as assigned by the National Committee for Natural Disaster Management and Response.

2. Specialized agencies affiliated to district- and provincial-level People’s Committees shall, within their jurisdiction, advise district- and provincial-level People's Committees, district- and provincial-level Command Centers for Natural Disaster Management to formulate and promulgate environmental emergency response plans; provide guidelines for preparing for and organizing response to environmental emergencies within their districts and provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) formulate and submit to the Prime Minister the Regulation on waste-related emergency response; provide technical guidance on waste-related emergency prevention and response;

b) participate in organizing response to national environmental emergencies as assigned by the National Committee for Natural Disaster Management and Response;

c) direct the environmental remediation after the national environmental emergency; provide technical guidance on environmental remediation after emergency.

4. Provincial- and district-level specialized environmental protection authorities shall advise provincial- and district-level People’s Committees on environmental remediation after emergency within their provinces and districts.

Article 128. Finance for environmental emergency response

1. Any entity that causes an environmental emergency shall promptly and sufficiently pay costs incurred in connection with emergency response and environmental remediation. If the State organizes emergency response and environmental remediation, the entity causing the emergency shall pay costs of emergency response and environmental remediation to the State as prescribed by law.

2. In case of failure to identify causes of the emergency or the entity causing the emergency, the costs of emergency response and environmental remediation shall be paid by the State.

3. The funding for emergency response and environmental remediation specified in Clause 2 of this Article is covered by the state budget and other funding sources prescribed by law.

4. The costs of manpower, materials and vehicles used and mobilized to respond to environmental emergencies will be reimbursed and paid for as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Any entity or residential community that may be affected by an environmental emergency must be notified of its risks and measures to respond to the environmental emergency implemented by surrounding facilities; are entitled to be informed, participate and supervise environmental emergency response.

2. Investment project/business owners shall notify communal People’s Committees of risks of environmental emergencies and response measures to inform entities and surrounding residential community.

3. The time of starting and ending the stage of organizing environmental emergency response and stage of environmental remediation must be published by competent person or authority on mass media.

4. Environmental emergency directors and spokesmen for environmental emergencies shall promptly provide and update information about environmental emergencies to communications agencies, press agencies and residential communities. Information about environmental emergencies provided by environmental emergency directors and spokesmen for environmental emergencies are official information.

5. Communications agencies and press agencies shall accurately, truthfully, sufficiently and promptly provide information about environmental emergencies and response to environmental emergencies.

Section 2. COMPENSATION FOR ENVIRONMENTAL DAMAGE

Article 130. Damage caused by environmental pollution and remediation and rules for determining liability for compensation for environmental damage

1. Damage caused by environmental pollution and degradation includes:

a) Impairment of environmental functions and usefulness;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Entities that cause environmental emergencies must be determined in a prompt, objective and fair manner. Entities that cause environmental emergencies must provide compensation for damage they cause and pay costs of assessing damage and following procedures for claiming compensation for damage as prescribed.

3. If there are at least 02 entities causing damage to environment, the compensation shall be provided as follows:

a) The liability of each entity for compensation for environmental damage shall be determined according to the type of pollutant, amount of exhaust gases and other factors.

b) The liability for compensation for environmental damage and payment of costs of assessing damage and following procedures for claiming compensation for damage shall be determined in proportion to damage rate in the total environmental damage; if relevant parties or environment authority fails to determine the liability, the international arbitration or court shall make a decision within its power;

4. The entities that comply with all regulations of law on environmental protection, build waste treatment systems that satisfy the requirements and prove that no environmental damage is caused are not required to provide compensation for environmental damage and incur the costs of assessing damage and following procedures for claiming compensation for damage.

Article 131. Responsibility for claiming compensation for damage and assessing environmental damage

1. Any People’s Committee or entity that finds that the environment shows signs of pollution or degradation shall notify the authority settling claims for environmental damage and organizing collection and verification of data and evidence to determine environmental damage caused by the pollution or degradation as prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Responsibility for claiming compensation and organizing collection and verification of data and evidence to determine environmental damage caused by pollution and degradation:

a) The communal People’s Committee shall claim compensation for environmental damage caused within areas under its management. In this case, the communal People’s Committee shall request the district-level People’s Committee to organize collection and verification of data and evidence to determine environmental damage caused by pollution or degradation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The provincial People’s Committee shall claim compensation for damage and organize collection and verification of data and evidence to determine environmental damage caused by pollution or degradation within at least 02 districts;

d) The Ministry of Natural Resources and Environment shall claim compensation for damage and preside and cooperate with the provincial People’s Committees in organizing collection and verification of data and evidence to determine environmental damage caused by pollution or degradation within at least 02 provinces.

3. Any entity that suffers loss of life, damage to health, property and legitimate interests due to the impairment of the environmental function or usefulness shall determine or authorize a regulatory body or another entity to determine damage and claim compensation for environmental damage in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 132. Assessment of damage caused by environmental pollution and degradation

1. The assessment of damage caused by environmental pollution or degradation shall cover the following:

a) Area of environmental pollution or degradation;

b) Amount of environmental components degraded and types of ecosystems and species damaged;

c) Degree of damage to each environmental component, ecosystem and species.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The assessment of fatality and damage to entities’ health, property and legitimate interests caused by the impairment of the environmental functions or usefulness shall be carried out in accordance with regulations of law.

4. The Government shall elaborate on assessment of damage caused by environmental pollution and degradation.

Article 133. Settlement of claims for compensation for environmental damage

1. A claim for compensation for environmental damage shall be settled by negotiation between parties. In case of failure to reach an agreement, the parties may adopt the following methods:

a) Mediation;

b) Settlement of the dispute by arbitration;

c) Settlement of the dispute by a Court.

2. The settlement by a Court may be carried out in accordance with regulations on tort and law on civil procedures, except for regulations on proving the causal connection between violations against law and the damage caused. Entities that commit violations and cause environmental pollution have the responsibility to prove the causal connection between a violation against the law on environment and the damage caused.

Article 134. Compensations for environmental damage

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Costs of short-term and long-term damage caused by the impairment of the environmental function or usefulness;

b) Costs of environmental improvement and remediation;

c) Costs of minimizing or eliminating damage-causing sources or organizing environmental emergency response;

d) Costs of assessing damage and following procedures for claiming compensation for environmental damage;

dd) Depending on specific condition, Points a, b, c or d of this Clause may be applied to calculate costs of environmental damage and serve as the basis for claiming compensation and settling compensation claims.

2. Compensations for environmental damage shall be directly paid by entities or paid to the Vietnam Environment Protection Fund or provincial environment protection fund, which will make the payment.

Article 135. Verification of damage caused by impairment of environmental functions and usefulness

1. The verification of damage caused by impairment of environmental functions and usefulness shall be carried out at the request of the entity suffering the damage or compensation body.

2. The bases for verifying damage include a claim for environmental compensation, information, data, evidence and others related to compensation and the subject causing damage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Government shall elaborate on verification of damage caused by impairment of environmental functions and usefulness.

Chapter XI

ECONOMIC INSTRUMENTS, POLICIES AND RESOURCES FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Section 1. ECONOMIC INSTRUMENTS FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

Article 136. Policies on environmental protection taxes and fees

1. Regarding environmental protection taxes:

a) Environmental protection taxes shall be imposed on products and goods of which the use adversely impacts the environment or substances that cause environmental pollution;

b) Environmental protection tax rates shall be determined according to the levels of adverse impacts on the environment;

c) The promulgation and implementation of regulations on environmental protection taxes shall comply with regulations of law on taxation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Environmental protection fees on discharge of waste into the environment; mineral mining or creation of adverse impacts on the environment; public services in the field of environmental protection in accordance with regulations of law on fees and charges;

b) Environmental protection fees shall be determined according to the amount and toxicity of pollutants released into the environment, characteristics of the waste receiving environment; levels of adverse impacts of mineral mining activities on the environment; nature of public services in the field of environmental protection;

c) The promulgation and implementation of regulations on environmental protection fees shall comply with regulations of law on fees and charges.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over assessing the level of environmental pollution and greenhouse effect caused by waste or products or goods of which the use adversely impacts the environment to propose a list of objects subject to environmental protection taxes and fees, bracket and rates of taxes and fees on each object subject to environmental protection taxes and fees and methods for calculating environmental taxes and shall send them to the Ministry of Finance, which will request a competent authority for consideration and decision.

Article 137. Payment of deposits on environmental protection

1. The payment of deposits on environmental protection aims to ensure that entities take responsibility for remediating environment and manage risks of environmental pollution caused by the activities specified in Clause 2 of this Article.

2. Entities that carry out the activities below must pay deposits on environmental protection:

a) Mineral mining;

b) Waste burial;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The payment of deposits on environmental protection shall be made in cash, precious metals, precious stones or financial instruments as prescribed by law.

4. The payment of deposits on environmental protection shall be made as follows:

a) Entities that carry out the activities in Points a and b Clause 2 of this Article shall pay deposits to the Vietnam Environment Protection Fund or provincial environment protection fund;

b) Entities that carry out the activity in Point c Clause 2 of this Article shall pay deposits to the Vietnam Environment Protection Fund or provincial environment protection fund or financial institution or credit institution as prescribed by law.

5. The Government shall elaborate this Article, deposits, deposit payment methods, principles of deposit interest rates and return of deposits on environmental protection.

Article 138. Payments for ecosystem services

1. Payments for ecosystem services occur when a user of an ecosystem service makes a payment to the provider of environmental and landscape values created by the ecosystem to protect, maintain and develop the ecosystem.

2. Ecosystem services for which payments are made include:

a) Forest environmental services provided by forest ecosystems in accordance with regulations of law on forestry;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Marine ecosystem services serving the purposes of tourism business, leisure and aquaculture;

d) Rocky mountain, cave and geopark ecosystem services serving the purposes of tourism business and leisure;

dd) Ecosystem services serving the purposes of carbon sequestration and storage, except for the case in Point a of this Clause.

3. Principles of making payments for ecosystem services:

a) Every user of one or more ecosystem services must make payments for ecosystem services;

b) Users may make a direct or indirect payment through entrustees;

c) Payments for ecosystem services shall be included in the prices of finished products or services of users of ecosystem services and offset the costs of protecting, maintaining and developing ecosystems;

d) Ecosystem service providers must use payments for ecosystem services to protect, maintain and develop ecosystems.

4. Entities must make payments for ecosystem services when they:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) use landscapes of ecosystems for tourism and recreation services;

c) The production and business operation that emit GHGs must use carbon sequestration and storage services provided by ecosystems to reduce GHG emission.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 139. Organizing and developing domestic carbon market

1. The domestic carbon market covers the exchange of GHG emission quotas and carbon credits obtained from the participation in domestic and international carbon credit exchange and offsetting mechanisms in accordance with regulations of law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. GHG-emitting facilities that are required to conduct an inventory of GHGs on the list specified in Clause 3 Article 91 of this Law are given GHG emission quotas and reserves the right to exchange and trade quotas on the domestic carbon market.

3. Bases for determining GHG emission quotas include:

a) National climate change strategy and other relevant development strategies and planning;

b) Results of national GHG inventory, fields and facilities on the list specified in Clause 3 Article 91 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. GHG-emitting facilities are only allowed to emit GHGs within the allocated quotas; if they wish to emit GHGs in excess of the allocated quotas, they shall purchase quotas from other entities through the domestic carbon market.

5. Any GHG-emitting facility that reduces GHG emissions or has not used up its allocated quotas is entitled to sell its unused quotas to another entity through the domestic carbon market.

6. Every GHG-emitting facility participating in the domestic and international carbon credit exchange and offsetting mechanisms in accordance with regulations of law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory is allowed to exchange carbon credits on the domestic carbon market.

7. Every GHG-emitting facility participating in the domestic and international carbon credit exchange and offsetting mechanisms shall exchange, auction, borrow, pay for and transfer carbon quotas and credits in accordance with regulations of law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

8. The Ministry of Natural Resources and Environment shall request the Prime Minister to grant approval for total GHG emission quotas at the end of each stage and every year.

9. The Ministry of Finance shall preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and other Ministries and ministerial agencies concerned to establish the domestic carbon market.

10. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize allocation of GHG emission quotas to entities as prescribed in Clause 2 of this Article; organize operation of the domestic carbon market and participation in international carbon markets.

11. The Government shall elaborate this Article and costs of allocating GHG emission quotas, roadmap and time for operating the domestic carbon market in conformity with national socio-economic conditions and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 140. Liability insurance against environmental damage

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. According to investment projects classified as prescribed in Article 28 of this Law, the Government shall elaborate on entities required to buy liability insurance against environmental damage.

3. Entities other than those specified in Clause 2 of this Article are encouraged to buy liability insurance against environmental damage.

Section 2. POLICIES TO PROVIDE INCENTIVES AND ASSISTANCE AND DEVELOP ENVIRONMENTAL ECONOMY

Article 141. Incentives for and assistance in environmental protection

1. The policy to provide incentives and assistance for environmental protection is as follows:

a) The State shall provide incentives and assistance regarding land and capital; exemption and reduction of environmental protection taxes and fees; provision of freight subsidies to environmentally-friendly products and other incentives and assistance for environmental protection activities as prescribed by law;

b) Entities that carry out multiple environmental protection activities eligible for incentives and assistance are entitled to the incentives and assistance corresponding to such activities;

c) If an environmental protection activity is eligible for the same incentives or assistance in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law, the higher rates of incentives or assistance provided for in a document shall apply;

d) The rate and scope of incentives and assistance for environmental protection shall be adjusted to ensure the consistency with the environmental protection policy in each period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Investment projects involving collection, treatment, recycling or reuse of waste;

b) Enterprises manufacturing and providing technologies, equipment, products and services in support of satisfying the environmental protection requirements, including combined waste treatment and waste-to-energy technology; centralized domestic wastewater treatment services; ambient environment monitoring services; electric and renewable energy-powered public transport services; manufacturing clean and renewable energy; manufacturing and supplying environmental monitoring equipment and equipment for in situ wastewater treatment, Vietnam Green Label certified environmentally-friendly products and services.

3. Environmental protection activities eligible for incentives and assistance other than investment and business activities include:

a) Technology innovation and renovation and upgrading of waste treatment works according to the roadmap prescribed by the law on environmental protection;

b) Relocation of households from dedicated areas for production, business operation and service provision or relocation of operating facilities to maintain environmental safe distance;

c) Investment in development of natural capital and protection of natural heritage sites.

4. Scientific research into and development of technologies and transfer of technologies for environmental protection are eligible for incentives and assistance in accordance with regulations of law on science, technology and technology transfer.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 142. Circular economy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall incorporate circular economy immediately at the stage of formulating a development strategy, planning, plan, program or project; managing, reusing and recycling waste.

3. Every business shall establish a management system and take measures to reduce extraction of natural resources, reduce waste and increase waste recycling and reuse from setting up a project and designing a product or goods to production and distribution.

4. The Government shall elaborate on criteria, roadmap and mechanisms for encouraging the implementation of circular economy in conformity with the national socio-economic conditions.

Article 143. Development of environmental industry

1. Environmental industry refers to an industry sector in the Vietnam Standard Industrial Classification providing technologies, equipment and products serving the environmental protection.

2. The State shall invest in and introduce policies to assist entities in developing environmental industry and implementing the roadmap for opening up the environmental goods market in accordance with international commitments.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 144. Development of environmental services

1. Environmental services refers to an industry sector including services provided to measure, control, limit, prevention or minimize water, air and soil pollution, efficiently use natural resources; treat waste and other pollutants; conserve biodiversity, and other relevant services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Entities are encouraged to provide environmental services related to:

a) Collection, transport, recycling and treatment of waste;

b) Environmental monitoring and analysis, environmental impact assessment;

c) Improvement and remediation of environment and ecosystems in polluted and degraded areas;

d) Consulting and transfer of environmentally-friendly production technologies; energy-saving technologies, production of clean and renewable energy;

dd) Environmental consulting and training, provision of environmental information about environment; clean energy, renewable energy and energy saving;

e) Environmental assessment for goods, machinery, equipment and technologies;

g) Environmental and biodiversity damage assessment; assessment of pollutants that directly affect human health;

h) Other environmental protection services.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 145. Environmentally-friendly products and services

1. Environmentally-friendly product or service refers to a product or service created using environmentally-friendly materials and production and management technology to minimize its environmental impacts during its use or after it is disposed of in a manner that ensures environmental safety and human health, and is certified or recognized by a competent authority.

2. Vietnam ecolabel is a label that is awarded by a Vietnamese competent authority to an environmentally-friendly product or service. The monitoring, analysis and conformity assessment for comparison with Vietnam Green Label criteria applicable to a product or service must be carried out by an environmental monitoring organization as prescribed by this Law and conformity assessment body in accordance with regulations of law on quality of products and goods, law on measurement and other relevant laws.

3. Vietnam shall recognize environmentally-friendly products and services already certified by international organizations and countries signing the mutual recognition agreements with Vietnam.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 146. Green procurement

1. Green procurement means the purchase of environmentally-friendly products and services awarded Vietnam Ecolabel or recognized as prescribed by law.

2. Priority is given to green procurement for investment projects or tasks funded by the state budget as prescribed by the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Natural capital is the stock of natural resources, which includes soil, water, forests, aquatic resources, minerals, fossil fuels, natural energy sources and natural ecosystem services.

2. The exploitation, use and development of natural capital shall adhere to the following principles:

a) The natural capital is inventoried and evaluated to serve the socio-economic development as prescribed by law;

b) The State gives priority to investment in maintenance and development of natural capital that has the ability to regenerate itself and provide natural ecosystem services.

c) Priority is given to re-investment of revenues from natural capital in maintenance and development of natural capital.

3. The State shall encourage entities to exploit, use, enhance and invest in maintenance and development of natural capital.

4. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall incorporate investment in development of natural capital in their socio-economic development strategies, planning, plans, programs, schemes and projects.

Section 3. RESOURCES FOR ENVIORNMENTAL PROTECTION

Article 148. Resources for environmental protection

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Waste management and assistance in waste treatment;

b) Environmental improvement and remediation;

c) Construction of technical infrastructure serving environmental protection; equipment for environmental protection; environmental monitoring;

d) Inspection and supervision of environmental protection;

dd) Nature and biodiversity conservation; environmental protection of natural heritage sites; adaptation to climate change;

e) Scientific research into, development and transfer of environmental technologies;

g) Disseminating information about and raising awareness of environmental protection; spreading knowledge of and disseminating the law on environmental protection;

h) International integration and cooperation in environmental protection;

i) Other activities prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) State budget for covering current expenses and development investment expenditures on environmental protection;

b) Private capital for environmental protection.

3. The state budget shall cover specific expenditures on environmental protection and gradually increase them in each period within its budget and in line with environmental protection requirements and tasks.

4. Investment project/business owners shall provide funding for the following environmental protection activities:

a) Innovation of waste treatment technologies as prescribed by law;

b) Construction and operation of environmental protection works as prescribed by law;

c) Execution of environmental monitoring programs (if any);

d) Execution of environmental emergency prevention and response plans (if any);

dd) Other activities prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide guidelines for statistically reporting, supervising and announcing resources for environmental protection.

7. The Government shall elaborate on Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 149. Green credit

1. Green credit is the credit granted to the following investment projects:

a) Efficient use of natural resources;

b) Adaptation to climate change;

c) Waste management;

d) Pollution remediation and environmental quality improvement;

dd) Natural ecosystem restoration;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Creation of other environmental benefits.

2. Lending by credit institutions and foreign branch banks in Vietnam to investment projects must comply with regulations of law on management of environmental risks in lending.

3. Credit institutions and foreign branch banks in Vietnam are encouraged to finance and grant concessional loans to the projects in Clause 1 of this Article.

4. The Governor of the State Bank shall provide guidelines for management of environmental risks in credit extension by credit institutions and foreign branch banks in Vietnam.

5. The Government shall introduce a roadmap for grant of green credit and mechanisms for encouraging grant of green credit.

Article 150. Green bonds

1. Green bonds are bonds issued by the Government, local authorities and enterprises in accordance with regulations of law on bonds to raise capital for environmental protection activities and investment projects that offer environmental benefits.

2. Revenues from issuance of green bonds must be recorded and monitored in accordance with regulations of law on bond issuance and used for executing investment projects involving environmental protection and investment projects offering environmental benefits, including:

a) Renovation and upgrading of environmental protection works;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Application of circular economy and green economy, and reduction of carbon emissions;

d) Prevention and reduction of environmental pollution;

d) Environmental remediation after environmental emergency;

e) Efficient use of natural resources, soil resources, energy saving and development of renewable energy;

g) Construction of multi-purpose and environmentally-friendly infrastructure;

h) Efficient management of water and treatment of wastewater;

i) Climate change adaptation and investment in development of natural capital;

k) Other investment projects.

3. Issuers of green bonds must provide information about environmental impact assessment and environmental licenses of investment projects, and use capital raised from issuance of green bonds to investors.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 151. Environmental protection funds

1. Vietnam Environment Protection Fund and provincial environment protection funds are state financial agencies established at the central level, in provinces and central-affiliated cities to grant concessional loans, receive deposits, donations, assistance and financial contributions for environmental protection.

The State encourages enterprises and entities to establish environment protection funds.

2. The power to establish an environment protection fund:

a) The Prime Minister shall decide on the establishment, organizational structure and operation of the Vietnam Environment Protection Fund;

b) A provincial People’s Committee shall decide on the establishment, organizational structure and operation of the provincial environment protection fund;

c) An organization, enterprise or individual shall establish its/his/her own environment protection fund and operate it as prescribed by law.

3. The Government shall prescribe operating funding of the Vietnam Environment Protection Fund and provincial environment protection funds.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Entities investing in scientific research into, development, application and transfer of environmental protection technologies are eligible for the incentives and assistance provided by the State.

2. Activities related to scientific research into, development, application and transfer of environmental protection technologies eligible for the incentives and assistance provided by the State include:

a) Efficient use of natural resources, energy saving, nature and biodiversity conservation and environmentally-friendly activities;

b) Reuse, recycling and treatment of waste and environmental remediation;

c) Control and reduction of environmental pollution; environmental monitoring and prediction of environmental changes;

d) Production of solutions for climate change adaptation.

Section 4. ENVIRONMENTAL EDUCATION AND COMMUNICATION

Article 153. Environmental education and training

1. Education contents and programs of the National Education System shall be integrated with knowledge and law relating to environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Minister of Education and Training shall preside over and cooperate with the Minister of Natural Resources and Environment in providing for environmental education contents and programs and development of human resources for environmental protection.

Article 154. Communication and dissemination of knowledge and law relating to environmental protection

1. The communication and dissemination of knowledge and law relating to environmental protection shall be carried out regularly and widely.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, socio-political organizations, communication agencies and press agencies in communicating and disseminating knowledge and law relating to environmental protection.

3. Ministries and ministerial agencies shall preside over and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, communication agencies and press agencies in communicating and disseminating knowledge and law relating to environmental protection in the fields under their management.

4. Provincial People’s Committees shall preside over and cooperate with communication agencies and press agencies in communicating and disseminating knowledge and law relating to environmental protection within their provinces.

Chapter XII

INTERNATIONAL INTEGRATION AND COOPERATION IN ENVIRONMENTAL PROTECTION

Article 155. Principles of international integration and cooperation in environmental protection

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Priority shall be given to signature of international treaties and agreements beneficial for national, regional and global environmental protection and relevant to interests and capacity of Vietnam.

3. International environmental disputes shall be resolved by peaceful means and in accordance with international practices and laws and laws of relevant parties.

Article 156. Responsibility for international integration and cooperation in environmental protection

1. The State shall encourage the proactivity in international integration in environmental protection and focus on management and protection of environmental components, biodiversity conservation, green growth, sustainable development and climate change adaptation; provide adequate resources and fully fulfill the commitments in international environmental treaties and agreements, follow the international integration trend and assist in the international economic integration.

2. The State shall encourage the investment, international cooperation and assistance in state management, training of human resources, sharing of environmental information and data, scientific research into and transfer of advanced technologies, nature and biodiversity conservation and other environmental protection activities; respond to environmental emergencies and environmental issues at national, regional, global and transnational levels.

3. Entities shall proactively comply with the requirements, conditions and international standards related to environment internationally recognized and widely applied to improve the competitiveness in international trade; prevent and minimize adverse impacts on the environment.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall play the leading role in reviewing activities related to international integration and cooperation in environmental protection. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall organize international integration and cooperation in environmental protection within their scope of management.

Chapter XIII

RESPONSIBILITIES OF VIETNAMESE FATHERLAND FRONT, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIO-POLITICAL-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS, SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS AND RESIDENTIAL COMMUNITIES FOR ENVIRONMENTAL PROTECTION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Vietnamese Fatherland Front shall, within its jurisdiction, encourage its member organizations and the people to participate in environmental protection activities.

2. The Vietnamese Fatherland Front shall offer consultation and criticism about and supervise the implementation of policies and law on environmental protection as prescribed by law. Regulatory bodies at all levels shall enable the Vietnamese Fatherland Front to participate in environmental protection.

Article 158. Responsibilities and entitlements of socio-political organizations, socio-political-professional organizations and socio-professional organizations

1. Socio-political organizations, socio-political-professional organizations and socio-professional organizations have the responsibility to:

a) comply with the law on environmental protection;

b) engage in environmental protection activities.

2. Socio-political organizations, socio-political-professional organizations and socio-professional organizations are entitled to:

a) be provided with and request information about environmental protection as prescribed by law;

b) provide counseling on investment projects related to their functions, tasks and entitlements;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) participate in inspecting environmental protection by investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters in relation to their functions, tasks and entitlements;

dd) request competent authorities to take actions against violations of law on environmental protection.

3. Environmental protection authorities at all levels shall enable socio-political organizations, socio-political-professional organizations and socio-professional organizations to exercise the entitlements mentioned in Clause 2 of this Article.

4. The Government shall elaborate on Clause 3 of this Article.

Article 159. Entitlements and obligations of residential communities

1. Representatives of residential communities in areas under environmental impacts made by investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters are entitled to request investment project/business owners to provide information about environmental protection through face-to-face meetings or in writing; shall conduct fact-finding visits to collect information about environmental protection by investment projects, businesses and dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters; collect and provide information to competent authorities and take responsibility for the information provided.

2. Representatives of residential communities in areas under environmental impacts made by investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters are entitled to request relevant regulatory bodies to provide results of inspection and handling of such investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters, except for the case these results are classified as state secrets or enterprises' secrets as prescribed by law.

3. Representatives of residential communities are entitled to participate in assessing results of environmental protection by investment projects, businesses, dedicated areas for production, business operation and service provision and industrial clusters; take measures to protect rights and interests of residential communities as prescribed by law.

4. Investment project/business owners shall comply with requests from representatives of residential communities as prescribed by law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter XIV

INSPECTION, AUDITING, PENALTIES FOR VIOLATIONS, ENVIRONMENTAL DISPUTES, COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS

Article 160. Inspection of environmental inspection and environmental auditing

1. Responsibility for organizing and directing inspection of environmental protection:

a) The Minister of Natural Resources and Environment shall organize the inspection of environmental protection nationwide;

b) The Minister of National Defense shall organize the inspection of environmental protection by investment projects and businesses classified as state secrets in the field of national defense;

c) The Minister of Public Security shall organize the inspection of environmental protection by investment projects and businesses classified as state secrets in the field of security; direct the Environmental Police to inspect the implementation of the law on environmental protection;

d) Presidents of Provincial People’s Committees shall organize the inspection of environmental protection within their provinces; direct the cooperation in inspecting environmental protection in the case specified in Point a of this Clause or at the request of competent authorities;

dd) Presidents of district-level People’s Committees shall organize the inspection of environmental protection within their districts; direct the cooperation in inspecting environmental protection in the case specified in Point d of this Clause or at the request of competent authorities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Specialized inspections of environmental protection shall be conducted in accordance with regulations of law on inspection and specific regulations on environmental protection. To be specific:

a) Regular inspections shall be conducted on the basis of functions and tasks of agencies assigned to conduct specialized inspection;

b) Unscheduled inspections shall be conducted as prescribed if any entity is suspected of violating the law on environmental protection; upon request if it is necessary to handle complaints or denunciations or prevent and control corruption or as assigned by the Minister of Natural Resources and Environment or Presidents of provincial People’s Committees. Where necessary, an unscheduled inspection shall not be announced in advance;

c) Except for the unscheduled inspections prescribed by this Law, the number of inspections of environmental protection shall not exceed once a year for an organization or individual;

d) During the inspection, environmental protection authorities at all levels shall transfer the violation case to a competent authority for investigation and penalty imposition as prescribed by law; cooperate with the Environmental Police to inspect the compliance with the law on environmental protection by entities upon request.

3. Inspection of compliance with the law on environmental protection means an inspection by a competent authority of entities, except for the case where the inspection is conducted to handle administrative procedures specified in this Law. To be specific:

a) An unscheduled inspection without advance notice shall be carried out if there are grounds for presuming that an entity is suspected of violating the law on environmental protection or under decision of the Minister of Natural Resources and Environment or President of provincial People’s Committee.

b) The Environmental Police shall conduct an inspection if an entity is suspected of conducting an criminal activity or violating the law in relation to environmental crimes; when there is a crime report or petition for prosecution or report on a violation against the law in relation to environmental crimes, and inform an environmental protection authority at the same level for cooperation; cooperate in inspecting the compliance with the law on environmental protection in other cases by entities according to the plan approved by the Minister of Natural Resources and Environment or President of the provincial People’s Committee.  On an annual basis, send a notification of results of environmental protection inspection and imposition of penalties for violations against the law on environmental protection to the environmental protection authority at the same level.

4. The inspections of environmental protection shall not overlap and not affect production, business operation and service provision by entities; require the cooperation between environmental protection authorities, Environmental Police and other agencies concerned.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. The Government shall elaborate on Clauses 2, 3 and 4 of this Article.

Article 161. Imposition of penalties for violations

1. Any entity violating the law on environmental protection resulting in environmental pollution or degradation or environmental emergency or damage to the State shall remediate the pollution and environment, provide compensation for damage and incur penalties in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law.

2. Any head of an agency, cadre, public official, public employee or personnel in charge of environmental protection that abuses his/her position and powers to harass organizations and individuals or to screen violators of the law on environmental protection or that causes environmental pollution or emergency as a result of his/her negligence shall incur disciplinary penalties, administrative penalties or criminal prosecution on a case-by-case basis and compensate for any damage he/she causes.

Article 162. Environmental disputes

1. Environmental disputes include:

a) Disputes over rights and responsibilities for environmental protection during exploitation and use of environmental components;

b) Disputes over causes of environmental pollution, environmental degradation and environmental emergencies;

c) Disputes over responsibilities for environmental remediation and compensation for environmental damage.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The time limit for filing an environmental lawsuit begins on the date on which the organization or individual suffering the damage entitled to request knows or should know the damage caused by the violation against the law on environmental protection committed by another organization or individual.

4. An environmental dispute that takes place within the territory of the Socialist Republic of Vietnam in which either or both of the parties are foreign organization(s) or individual(s) shall be settled in accordance with the law of the Socialist Republic of Vietnam unless otherwise prescribed by the international treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 163. Environmental complaints and denunciations

1. Organizations and individuals are entitled to file complaints about violations against the law on environmental protection committed by agencies, organizations and individuals in accordance with law.

2. Individuals are entitled to denounce violations against the law on environmental protection to competent authorities and persons as prescribed by the law on denunciation.

Chapter XV

RESPONSIBILITY FOR STATE MANAGEMENT OF ENVIRONMENTAL PROTECTION

Article 164. Contents of state management of environmental protection

1. Promulgating and organizing the implementation of policies and laws; standards, technical regulations and technical guidance; strategies, planning and plans; programs, schemes and projects on environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Controlling sources of pollution; managing waste and environmental quality; improving and remediating environment; protecting environment at natural heritage sites, conserving nature and biodiversity; preventing and responding to environmental emergencies.

4. Building and managing environmental monitoring systems; organizing environmental monitoring.

5. Building and updating environmental information and reporting systems and database.

6. Building and operating systems for supervising and assessing activities aimed at climate change adaptation; systems for measuring, reporting and appraising reduction of GHG emissions.

7. Conducting GHG inventories; building and updating climate change, sea level rise and urban inundation scenarios and database; assessing national climate; providing guidelines for using climate change information and data and integrating contents of adaptation to climate change with strategies and planning.

8. Organizing development of the domestic carbon market; implementation of the credit exchange mechanisms and fulfillment of international commitments to GHG emissions reduction.

9. Carrying out inspections; handling complaints and denunciations; imposing penalties for violations against the law on environmental protection; assessing damage and claiming compensation for environmental damage.

10. Environmental communication and education, increasing awareness of environmental protection; provide professional training in environmental protection.

11. Scientific research into, development, application and transfer of environmental protection technologies, international integration and cooperation in environmental protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 165. Responsibility of the Government for state management of environmental protection

1. Perform uniform state management of environmental protection nationwide; promulgate or propose the promulgation of legislative documents, mechanisms and policies on environmental protection.

2. Decide on policies on environmental protection, improvement and preservation; direct the remediation of environmental pollution and degradation and improvement of environmental quality in key areas; control of pollution and response to environmental emergencies; development of clean energy, sustainable production and consumption; development of environmental industry and services.

3. Consolidate environmental protection authorities to satisfy managerial requirements; assign authorities to perform state management of environmental protection; provide resources for environmental protection; direct research into and application of technological and scientific advances; boost international integration and cooperation in environmental protection.

4. Submit annual environmental protection reports to the National Assembly.

Article 166. Responsibility of the Ministry of Natural Resources and Environment for state management of environmental protection

The Ministry of Natural Resources and Environment shall be responsible to the Government for performing uniform state management of environmental protection and has the responsibility to:

1. Preside over formulating, promulgate, propose the promulgation and organize the implementation of legislative documents on environmental protection; national environmental standards and technical regulations; strategies, planning and plans; programs, schemes and projects on environmental protection;

2. Comment on EIA contents; organize appraisal of EIARs; issue, renew, adjust, re-issue and revoke environmental licenses; issue, renew and re-issue environmental certificates within its power;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Organize the establishment and management of the national environmental monitoring network; approve and organize the execution of environmental monitoring programs; provide information and warnings about environmental pollution as prescribed by law;

5. Organize the development of environmental protection contents to be included in regional planning; provide guidelines for developing environmental protection contents to be included in provincial planning and special administrative-economic unit planning;

6. Organize the statistical reporting, building, maintenance and operation of environmental information and reporting systems and database as prescribed by law;

7. Communicating and disseminating knowledge and law relating to environmental protection, increase awareness of environmental protection; provide professional training in environmental protection as prescribed by law;

8. Propose policies on environmental protection taxes and fees, issuance of green bonds and other economic instruments to mobilize and use resources for environmental protection as prescribed by law;

9. Organize the establishment and operation of the national system for supervising and assessing activities aimed at climate change adaptation; national system for measuring, reporting and appraising reduction of GHG emissions;

10. Conduct national GHG inventories; build and update the national climate change scenario and database; assessing national climate; provide guidelines for using climate change information and data and integrating contents of adaptation to climate change with strategies and planning;

11. Consolidate proposals for allocation of state budget estimates for environmental protection activities from Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees and provide guidelines for implementing the law on state budget; provide guidelines for statistically reporting, monitoring and publishing expenditures on environmental protection;

12. Request the Government to grant approval for participation in international organizations and signature of international environmental treaties and agreements; international integration and cooperation in environmental in the fields under its management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

14. Organize scientific researches into, development, application and transfer of environmental protection technologies as prescribed by law;

15. Cooperate with the Vietnamese Fatherland Front and central government authorities of socio-political organizations in organizing the implementation of the State’s policies and law on environmental protection and supervising environmental protection activities;

16. Perform other environmental protection tasks assigned by the Government and the Prime Minister.

Article 167. Responsibility of Ministries and ministerial agencies for state management of environmental protection

1. The Ministry of National Defense shall organize the implementation of the law on environmental protection in the field of national defense; form and assign forces and vehicles in response to environmental emergencies; participate in transboundary environmental monitoring and offshore water monitoring as prescribed by law.

2. The Ministry of Public Security shall organize the implementation of the law on environmental protection in activities of the People’s Public Security Force; direct and organize the prevention of crimes and violations against the law in relation to environmental crimes; maintain security, social order and safety in the field of environment as prescribed by law; mobilize resources for response to environmental emergencies as prescribed by law.

3. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in performing state management of environmental protection.

4. The Government shall elaborate on responsibilities of Ministries and ministerial agencies for performing state management of environmental protection as prescribed by this Law.

Article 168. Responsibility of People's Committees at all levels for state management of environmental protection

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Formulate, promulgate or request provincial People's Councils to promulgate and organize the implementation of legislative documents on environmental protection; local standards and technical regulations on environment; local strategies, planning and plans; programs, schemes and projects on environmental protection; environmental protection contents in provincial planning;

b) Organize appraisal of EIARs and approve EIAR appraisal results; issue, renew, adjust and re-issue environmental licenses within their power;

c) Direct, provide guidance on, inspect and organize the control of sources of pollution and environmental emergencies prevention and control within their provinces as prescribed by law; organize the management of waste sources within their provinces as assigned; be responsible to the Government for environmental pollution occurring within their provinces;

d) Organize the monitoring, supervision, warning and management of environmental quality, and waste management in their provinces within their power and under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment; environmental improvement and remediation; protection of environment at natural heritage sites, nature and biodiversity conservation;

dd) Invest in building, managing and operating environmental monitoring networks according to the comprehensive planning for national environmental monitoring; formulate, approve and organize the execution of local environmental monitoring programs; provide information and warnings about environmental pollution as prescribed by law;

e) Organize the investigation, statistical reporting and updating of environmental information and reporting systems and database as prescribed by law;

g) Communicate and disseminate knowledge and law relating to environmental protection; increase awareness of environmental protection; provide professional training in environmental protection as prescribed by law;

h) Carry out inspections of compliance with the law on environmental protection and assumption of responsibility for state management of environmental protection; handle environmental complaints and denunciations; assess damage and claim compensation for environmental damage; impose penalties for violations against the law on environmental protection as prescribed by law;

i) Mobilize and use resources for environmental protection as prescribed by law; request provincial People’s Councils to providing funding for performance of environmental protection tasks within the current budget; provide guidelines for, allocate and inspect the enactment of state budget expenditures for local environmental protection activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) Perform other environmental protection tasks assigned by the Government and the Prime Minister.

2. District-level People’s Committees shall, within their jurisdiction, have the following responsibilities:

a) Formulate, promulgate or request competent authorities to promulgate legislative documents on environmental protection, local environmental protection plans, programs, schemes and projects;

b) Issue, renew, adjust, re-issue and revoke environmental licenses within their power;

c) Direct, provide guidance on, inspect and organize the control of sources of pollution and environmental emergencies prevention and control within their districts as prescribed by law; organize the management of waste sources within their provinces as assigned; be responsible to the Government for environmental pollution occurring within their districts;

d) Organize the monitoring, supervision, warning and management of environmental quality, and waste management in their provinces within their power and under the guidance of the Ministry of Natural Resources and Environment; environmental improvement and remediation; nature and biodiversity conservation;

d) Carry out inspections and impose penalties for violations against the law on environmental protection within their power or transfer violation cases to competent persons as prescribed by law; handle environmental complaints, denunciations and propositions;

e) Communicate and disseminate knowledge and law relating to environmental protection; raise public awareness of environmental protection;

g) Provide environmental information and carry out environmental reporting as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Perform other environmental protection tasks assigned by provincial People’s Committees.

3. Communal People’s Committees shall, within their jurisdiction, have the following responsibilities:

a) Formulate, promulgate and organize the implementation of legislative documents, regulations and conventions on environmental hygiene maintenance and environmental protection; set up and organize the execution of environmental protection projects and tasks;

b) Direct, provide guidance on, inspect and organize the control of sources of pollution; receipt of environmental registration forms;  environmental emergencies prevention and control within their communes as prescribed by law; organize the management of waste sources within their communes as assigned; be responsible to district-level People’s Committees for environmental pollution occurring within their communes;

c) Organize the monitoring, supervision, warning and management of environmental quality, and waste management in their communes within their power or as assigned by district-level People's Committees; environmental improvement and remediation; nature and biodiversity conservation;

d) Build and increase public awareness of environmental protection; encourage the people to participate in maintaining environmental hygiene and protecting the environment; instruct residential communities within their communes to incorporate environmental protection contents into village regulations and conventions and development of new rural areas and courteous families;

dd) Carry out inspections and impose penalties for violations against the law on environmental protection within their power or transfer violation cases to competent persons as prescribed by law; handle environmental complaints, denunciations and propositions within their power;

e) Mobilize and use resources for environmental protection as prescribed by law;

g) Organize the collection of environmental information and carry out environmental reporting as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Responsibility of a local government in a special administrative-economic unit for environmental protection shall be defined by the National Assembly upon establishing such special administrative-economic unit, unless otherwise prescribed by the law on special administrative-economic units.

Chapter XVI

IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 169. Amendments to certain Laws relating to environmental protection

1. Certain Articles of the Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 amended by the Law No. 08/2017/QH14 and Law No. 35/2018/QH14 are amended as follows:

a) Article 37 and Point d Clause 1 of Article 38 are annulled;

b) Clause 1 of Article 73 is amended as follows:

“1. The Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees shall issue, extend, adjust, suspend and revoke water resource licenses.

The issuance of the environmental license covering the discharge of wastewater to water sources shall comply with the law on environmental protection.”.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Certain Articles of the Law on Public Investment No. 39/2019/QH14 amended by the Law No. 64/2020/QH14 are amended as follows:

a) Point g Clause 2 of Article 30 is amended as follows:

“g) Preliminary analysis and assessment of social impacts; preliminary assessment of environmental impacts (if any) as prescribed by the law on environmental protection;”;

b) Clause 6 of Article 31 is amended as follows:

“6. Preliminarily analyzing and assessing social impacts; preliminarily assessing environmental impacts (if any) as prescribed by the law on environmental protection; preliminarily determining investment efficiency in socio-economic aspects;”.

4. Certain Points in Section IX - Fees pertaining to natural resources and environment in the Appendix 01 - List of fees and charges enclosed with the Law No. Fees and Charges No. 97/2015/QH13 amended by the Law No. 09/2017/QH14 and Law No. 23/2018/QH14 are annulled and amended as follows:

a) Point 1.4 is amended as follows:

1.4

Fees for appraisal of environmental impact assessment reports

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

* Provincial People’s Councils with respect to the appraisal conducted by local agencies.

b) Point 1.6 is added after Point 1.5 as follows:

1.6

Fees for appraising applications for issuance, re-issuance and adjustment of environmental licenses

* Ministry of Finance with respect to the appraisal conducted by central government agencies;

* Provincial People’s Councils with respect to the appraisal conducted by local agencies.

c) Points 5.4 and 6.3 and Subsection 9 are annulled.

Article 170. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2022, except for the case in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13 amended by the Law No. 35/2018/QH14, Law No. 39/2019/QH14 and Law No. 61/2020/QH14 shall cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 171. Grandfather clauses

1. Sufficient and valid documents received by competent regulatory bodies to be processed according to administrative procedures concerning the environment before the effective date of this Law shall be processed in accordance with the law at the time of receipt, unless the organization or individual wishes to apply this Law.

2. The decisions to approve environmental impact assessment reports, preliminary environmental impact assessment reports, detailed environmental impact assessment reports, additional environmental impact assessment reports, re-prepared environmental impact assessment reports and detailed environmental protection projects, written confirmations of simple environmental protection projects, certificates of registration of satisfaction of environmental standards, environmental protection commitments and environmental protection plans which were promulgated by competent authorities before the effective date of this Law are equivalent to the decision to approve EIAR appraisal result upon considering issuing the environmental license.

3. The decisions to approve projects on deposit payment, environmental improvement and remediation; environmental improvement and remediation projects; environmental improvement and remediation schemes; additional environmental improvement and remediation schemes which were promulgated by competent authorities before the effective date of this Law are part of the approval decisions and written confirmations specified in Clause 2 of this Article with respect to mineral mining projects upon considering issuing the environmental license.

4. Environmental certificates and conformations which were promulgated by competent authorities before the effective date of this Law, except for the case in Point d Clause 2 Article 42 of this Law, may be used until their expiry.

5. Licenses to discharge wastewater into water sources and licenses to discharge wastewater into hydraulic structures issued in accordance with the Law on Water Resource and Law on Irrigation may be used until their expiry and constitute part of the environmental license specified in this Law. Holders of licenses to discharge wastewater into water sources and licenses to discharge wastewater into hydraulic structures are entitled to request a competent authority to issue the environmental license if their works and equipment for exhaust gas treatment and solid waste treatment have been completed as prescribed by this Law.

6. The Government shall elaborate this Article.

This Law is adopted by the 14th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on this 17th of November 2020 during its 10th session.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

CHAIRWOMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Thi Kim Ngan

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Bảo vệ môi trường 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.357.813

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.93.227
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!