Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 86/2011//NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra

Số hiệu: 86/2011/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 22/09/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH TRA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Xét đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về nguyên tắc hoạt động thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước; hoạt động thanh tra; thanh tra lại; quản lý nhà nước về công tác thanh tra; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm công tác thanh tra; xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước; Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động thanh tra

Hoạt động thanh tra hành chính được tiến hành theo Đoàn thanh tra; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập.

Điều 4. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra

Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác đối với hoạt động thanh tra; chỉ đạo xử lý, thực hiện các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 5. Bảo đảm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra; ban hành quyết định xử lý về thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chấp hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không chấp hành thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN THANH TRA NHÀ NƯỚC

Điều 6. Thanh tra Chính phủ

Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ được quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 18 của Luật Thanh tra.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.

3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và công chức làm công tác thanh tra thuộc Bộ, ngành mình.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

5. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 19 của Luật Thanh tra.

2. Báo cáo Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành đối với tổng cục, cục thuộc Bộ.

4. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

5. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

Điều 9. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ

1. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phó Chánh Thanh tra Bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ. Phó Chánh Thanh tra Bộ giúp Chánh Thanh tra Bộ phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh Thanh tra Bộ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Thanh tra Bộ có các phòng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Thanh tra Bộ có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 20 của Luật Thanh tra; thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, Thanh tra huyện.

3. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra hành chính cho Thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra của Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

5. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 21 của Luật Thanh tra.

2. Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Thanh tra trách nhiệm của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

4. Phối hợp với Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xác định cơ cấu, tổ chức, biên chế, chế độ, chính sách đối với Thanh tra sở, Thanh tra huyện.

5. Phối hợp với Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và thuyên chuyển, điều động Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra huyện và các chức danh thanh tra.

6. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh. Phó Chánh Thanh tra tỉnh giúp Chánh Thanh tra tỉnh phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chánh Thanh tra tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh có các phòng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Thanh tra tỉnh có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 24 của Luật Thanh tra.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở.

3. Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc sở và công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở.

4. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

5. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của sở.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra sở

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 25 của Luật Thanh tra.

2. Báo cáo Giám đốc sở, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của sở trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

4. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

Điều 15. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra sở

1. Thanh tra sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra sở do Giám đốc sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra sở. Phó Chánh Thanh tra sở giúp Chánh Thanh tra sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chánh Thanh tra sở trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Thanh tra sở có con dấu và tài khoản riêng.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra huyện

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 27 của Luật Thanh tra; thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

3. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra huyện

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 28 của Luật Thanh tra.

2. Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra tỉnh về công tác thanh tra trong phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

4. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia hoạt động thanh tra.

Điều 18. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra huyện

1. Thanh tra huyện có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra, các Thanh tra viên và công chức khác.

Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Phó Chánh Thanh tra huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra huyện. Phó Chánh Thanh tra huyện giúp Chánh Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh Thanh tra huyện và chịu trách nhiệm trước phát luật, trước Chánh Thanh tra huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Thanh tra huyện có con dấu và tài khoản riêng.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG THANH TRA

MỤC 1. HOẠT ĐỘNG THANH TRA HÀNH CHÍNH

Điều 19. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính theo kế hoạch

1. Căn cứ kế hoạch thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

2. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị; căn cứ kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn Thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành; căn cứ kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Điều 20. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính đột xuất

1. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao.

2. Căn cứ khoản 1 Điều này, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để báo cáo.

3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

4. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Điều 21. Đoàn thanh tra hành chính

1. Đoàn thanh tra hành chính được thành lập để tiến hành cuộc thanh tra theo phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, thời hạn ghi trong quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra hành chính có Trưởng đoàn thanh tra, các thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn Thanh tra.

Đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện những cơ quan liên quan; Trưởng đoàn thanh tra là đại diện cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra.

Hoạt động của Đoàn thanh tra liên ngành được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định này và các quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 46 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra, người quản lý trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

Trong quá trình tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành những văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện quyền thanh tra.

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra.

3. Thành viên Đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

Điều 22. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra. Kế hoạch tiến hành thanh tra gồm các nội dung: mục đích, yêu cầu; phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra, tiến độ thực hiện, chế độ thông tin báo cáo, việc sử dụng phương tiện, thiết bị, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ hoạt động của Đoàn thanh tra; việc tổ chức thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra.

2. Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra.

3. Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định, nhưng không quá 05 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Trường hợp thanh tra đột xuất thì thời hạn không quá 03 ngày.

Điều 23. Phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra.

1. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để quán triệt kế hoạch tiến hành thanh tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra; thống nhất phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra; khi cần thiết tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Đoàn thanh tra.

2. Thành viên Đoàn thanh tra xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được phân công và báo cáo với Trưởng đoàn thanh tra.

Điều 24. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo

1. Căn cứ kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

2. Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được gửi cho đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra.

Điều 25. Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra hành chính

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chuẩn bị văn bản để người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền thông báo đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra. Thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự.

2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra gồm có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì thanh tra, Đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.

Điều 26. Công bố quyết định thanh tra hành chính

1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.

2. Khi công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn thanh tra, thời hạn thanh tra, quyền và trách nhiệm của đối tượng thanh tra, dự kiến kế hoạch làm việc của Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những nội dung khác liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

3. Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra báo cáo về những nội dung theo đề cương đã yêu cầu.

4. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra.

Điều 27. Thu thập thông tin tài liệu, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật

1. Thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu, phân tích thông tin, tài liệu, chứng cứ; đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra liên quan đến nội dung thanh tra được phân công. Trường hợp cần phải tiến hành kiểm tra, xác minh để việc đánh giá bảo đảm tính khách quan, chính xác thì thành viên Đoàn thanh tra báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

2. Thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra; trường hợp phát hiện những vấn đề cần phải xử lý ngay thì kịp thời báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định.

3. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời kiến nghị của thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Điều 28. Báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra về tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu đột xuất của người ra quyết định thanh tra.

2. Báo cáo được thể hiện bằng văn bản, gồm các nội dung: tiến độ thực hiện nhiệm vụ; nội dung đã hoàn thành; nội dung đang tiến hành; công việc thực hiện trong thời gian tới; những kiến nghị, đề xuất (nếu có) với người ra quyết định thanh tra.

3. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền được quy định tại Điều 48 của Luật Thanh tra để xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Đoàn thanh tra.

Điều 29. Báo cáo kết quả thanh tra hành chính

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức xây dựng báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Thanh tra.

2. Trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp Đoàn thanh tra để thảo luận về dự thảo báo cáo kết quả thanh tra; trường hợp các thành viên Đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau thì Trưởng đoàn thanh tra xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 30. Xây dựng kết luận thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra dự thảo kết luận thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình để làm rõ thêm nội dung thanh tra.

2. Trước khi kết luận chính thức, nếu xét thấy cần thiết thì người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Việc giải trình những vấn đề chưa nhất trí (nếu có) của đối tượng thanh tra với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra được thực hiện bằng văn bản và có các bằng chứng kèm theo.

Điều 31. Kết luận thanh tra hành chính

1. Căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có) và các tài liệu liên quan, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo việc hoàn thiện và ký kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Thanh tra.

2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc công bố kết luận thanh tra hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Trưởng đoàn thanh tra công bố kết luận thanh tra. Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành biên bản.

3. Kết luận thanh tra được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Thanh tra.

MỤC 2. HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 32. Cơ quan tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành

Hoạt động thanh tra chuyên ngành do Thanh tra Bộ, thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành.

Điều 33. Trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành

Trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định này và Nghị định quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

MỤC 3. THỰC HIỆN QUYỀN TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 34. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình

1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

2. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Trường hợp thông tin, tài liệu đối tượng thanh tra đã cung cấp nhưng chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, cung cấp bổ sung.

3. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin và tài liệu đúng mục đích.

4. Trường hợp đối tượng thanh tra không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác hoặc cố tình trì hoãn cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối tượng thanh tra.

Điều 35. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó

1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

Trường hợp thông tin, tài liệu đã cung cấp nhưng chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung.

3. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu đúng mục đích.

4. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cố tình trì hoãn, cung cấp không đầy đủ, không chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Điều 36. Niêm phong tài liệu

1. Khi xét thấy cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra có quyền quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra.

Quyết định niêm phong tài liệu phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài liệu cần niêm phong, thời hạn niêm phong, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Trường hợp cần thiết thì lập biên bản về danh mục tài liệu niêm phong, biên bản phải có chữ ký của đối tượng thanh tra và đại diện Đoàn thanh tra.

2. Thời hạn niêm phong tài liệu không được dài hơn thời gian thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Việc khai thác tài liệu niêm phong phải được sự đồng ý của Trưởng đoàn thanh tra.

3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp niêm phong thì người ra quyết định niêm phong phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Điều 37. Kiểm kê tài sản

1. Khi tiến hành thanh tra nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt, có hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm kê tài sản.

2. Quyết định kiểm kê tài sản phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài sản kiểm kê, thời gian, địa điểm tiến hành, trách nhiệm của những người tiến hành, nghĩa vụ của đối tượng có tài sản kiểm kê. Việc kiểm kê tài sản phải lập thành biên bản. Đối với tài sản xét thấy cần giao cho cơ quan chức năng tạm giữ thì yêu cầu cơ quan đó thực hiện việc tạm giữ. Đối với tài sản riêng của cá nhân thì việc kiểm kê tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp kiểm kê tài sản thì người ra quyết định kiểm kê phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Điều 38. Trưng cầu giám định

1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định.

2. Cơ quan, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.

3. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả, trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định sẽ do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ hướng dẫn việc thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra

Điều 39. Tạm đình chỉ hành vi vi phạm

1. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có hành vi đang hoặc sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm đó; trường hợp cần thiết, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm.

2. Quyết định tạm đình chỉ phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian tạm đình chỉ, đối tượng có trách nhiệm thực hiện.

3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hành vi vi phạm thì người đã ra quyết định tạm đình chỉ phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Điều 40. Tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép

1. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện việc sử dụng trái pháp luật các khoản tiền, đồ vật, giấy phép mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép.

2. Quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tiền, đồ vật, giấy phép bị tạm giữ, thời gian tạm giữ, trách nhiệm của người ra quyết định tạm giữ, nghĩa vụ của đối tượng có tiền, đồ vật, giấy phép tạm giữ. Việc tạm giữ phải được lập thành biên bản. Đối với đồ vật, giấy phép xét thấy cần giao cho cơ quan chức năng giữ thì yêu cầu cơ quan đó thực hiện.

3. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp hoặc sử dụng trái pháp luật phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

Điều 41. Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra

1. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

2. Trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

3. Văn bản yêu cầu phong tỏa tài khoản phải nêu rõ mục đích phong tỏa, đối tượng có tài khoản bị phong tỏa, thời điểm, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng.

4. Tổ chức tín dụng nơi có tài khoản của đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ các yêu cầu tại khoản 3 Điều này và phải báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện phong tỏa tài khoản với người có văn bản yêu cầu phong tỏa.

5. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp đó.

6. Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện phong tỏa tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Điều 42. Thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra

1. Khi có căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra thì người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền, tài sản phải thu hồi, trách nhiệm của cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện, trách nhiệm của đối tượng có tiền, tài sản bị thu hồi.

Người ra quyết định thanh tra tiến hành việc thu giữ tiền hoặc tài sản theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan có chức năng thu giữ, quản lý tiền, tài sản đó.

2. Đối tượng có tiền, tài sản bị thu giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi; trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người ra quyết định thu hồi tiền, tài sản có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó.

MỤC 4. HỒ SƠ THANH TRA, CHUYỂN HỒ SƠ VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU TỘI PHẠM ĐỂ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ, CÔNG KHAI KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 43. Hồ sơ thanh tra

1. Việc thanh tra phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ thanh tra bao gồm những tài liệu được quy định tại Điều 59 của Luật Thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan đã ra quyết định thanh tra. Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập có trách nhiệm lập và bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan đã ra quyết định thanh tra hoặc đã ra văn bản phân công nhiệm vụ tiến hành thanh tra độc lập.

2. Người ra quyết định thanh tra, người ra văn bản phân công nhiệm vụ tiến hành thanh tra độc lập phải chỉ đạo, kiểm tra Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ tiến hành thanh tra chuyên ngành độc lập trong việc lập, bàn giao hồ sơ thanh tra.

3. Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc lập, bàn giao, quản lý, sử dụng hồ sơ thanh tra.

Điều 44. Chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án hình sự

1. Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết.

2. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và bản kiến nghị khởi tố do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

3. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh ở nhiều nơi thì thời hạn trả lời có thể dài hơn, nhưng không quá 60 ngày. Quá thời hạn này, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra không nhận được thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý của cơ quan điều tra thì có quyền kiến nghị với Viện Kiểm sát cùng cấp để xem xét, giải quyết. Trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của Viện Kiểm sát thì cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kiến nghị với Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp để chỉ đạo, giải quyết.

Điều 45. Hồ sơ kiến nghị khởi tố vụ án hình sự

Hồ sơ kiến nghị khởi tố gồm có:

1. Bản kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, trong đó nêu rõ dấu hiệu tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

2. Quyết định thanh tra; biên bản xác minh sự việc có vi phạm pháp luật do Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành lập; báo cáo, giải trình của đối tượng thanh tra; những thông tin, tài liệu khác có liên quan.

3. Báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra về những vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp cuộc thanh tra đã kết thúc, người ra quyết định thanh tra mới có kiến nghị khởi tố, thì hồ sơ phải có bản trích văn bản kết luận thanh tra về vụ việc vi phạm pháp luật mà cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Điều 46. Công khai kết luận thanh tra

1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.

3. Việc công khai kết luận thanh tra theo những hình thức quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thanh tra được thực hiện như sau:

a) Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo Điểm a Khoản 3 Điều này, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói, báo điện tử ít nhất là 02 lần; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 01 số phát hành.

Thông báo trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ít nhất là 05 ngày liên tục. Thời gian niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra ít nhất là 05 ngày.

Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra cung cấp một phần hay toàn bộ kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương 4.

THANH TRA LẠI

Điều 47. Thẩm quyền thanh tra lại

1. Thanh tra lại là việc xem xét, đánh giá, xử lý kết luận thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.

2. Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Bộ trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ giao; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao.

4. Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Giám đốc sở kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra huyện kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

5. Chánh Thanh tra sở quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Giám đốc sở giao.

Điều 48. Căn cứ thanh tra lại

Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong tiến hành thanh tra.

2. Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra.

3. Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra.

4. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

5. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Điều 49. Quyết định thanh tra lại

1. Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung quy định tại Điều 44, Điều 52 của Luật Thanh tra nhưng phải ghi rõ phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra lại

2. Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định, người có thẩm quyền thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho người đã ký kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra lại.

Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký và phải được Đoàn thanh tra lập biên bản.

Điều 50. Thời hiệu thanh tra lại, thời hạn thanh tra lại

1. Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm, kể từ ngày ký kết luận thanh tra.

2. Thời hạn tiến hành thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật Thanh tra.

Điều 51. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lại

Khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các Điều: 48, 46, 47, 53, 54 và Điều 55 của Luật Thanh tra.

Điều 52. Báo cáo kết quả thanh tra lại, kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại

1. Báo cáo kết quả thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật Thanh tra. Nội dung Báo cáo kết quả thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra.

2. Kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật Thanh tra. Nội dung kết luận thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi kết luận thanh tra lại cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên.

3. Việc công khai kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Nghị định này.

Chương 5.

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN, THEO DÕI, KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA

Điều 53. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra:

a) Trong phạm vi thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm về kinh tế, các cá nhân, cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, sửa đổi các quy định không phù hợp;

b) Yêu cầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về kinh tế, các cá nhân, cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

2. Đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra với cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan nhà nước đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đó.

3. Trường hợp đối tượng thanh tra không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải áp dụng các biện pháp để thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận, quyết định xử lý về thanh tra:

a) Trong phạm vi thẩm quyền xử lý kịp thời các vi phạm về kinh tế, các cá nhân, cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, sửa đổi các quy định không phù hợp;

b) Yêu cầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thuộc thẩm quyền quản lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm về kinh tế, các cá nhân, cơ quan, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật; áp dụng các biện pháp khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra với cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan nhà nước đã có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đó.

3. Trường hợp cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm chỉnh kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Trong trường hợp đối tượng thanh tra không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì Thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng thanh tra áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Điều 56. Trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

3. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình.

4. Cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 57. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra

1. Sau khi có kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo kết quả thực hiện những nội dung thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Trong trường hợp phát hiện đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm.

3. Trường hợp phát hiện kết luận thanh tra có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xem xét, quyết định.

Chương 6.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC THANH TRA

MỤC 1. NỘI DUNG, THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 58. Nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh tra

1. Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật về công tác thanh tra.

2. Tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra.

4. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra.

5. Tổng hợp tình hình về công tác thanh tra.

6. Kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra; xử lý vi phạm pháp luật về thanh tra.

7. Tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra.

8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động thanh tra.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác thanh tra.

Điều 59. Cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh tra

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong phạm vi cả nước.

Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức do mình quản lý trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra; thực hiện chế độ báo cáo về công tác thanh tra theo quy định.

Thanh tra nhà nước các cấp giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra;

MỤC 2. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC THANH TRA

Điều 60. Trách nhiệm thông tin, báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, ngành, địa phương) có trách nhiệm thông tin, báo cáo Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại Bộ, ngành, địa phương.

2. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Quốc hội về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Điều 61. Nội dung thông tin, báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương với Thanh tra Chính phủ

1. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng do Bộ, ngành, địa phương ban hành theo thẩm quyền.

2. Kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ, ngành, địa phương.

Điều 62. Nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ với Chính phủ, Quốc hội

1. Kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

2. Kiến nghị chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Điều 63. Hình thức, thời điểm báo cáo

1. Việc thông tin, báo cáo được thực hiện bằng văn bản hành chính.

2. Thời điểm báo cáo được thực hiện như sau:

a) Định kỳ 03 tháng, 06 tháng, Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm báo cáo theo quy định tại Điều 61 Nghị định này;

b) Định kỳ 06 tháng, 01 năm, Thanh tra Chính phủ báo cáo với Chính phủ, Quốc hội theo quy định tại Điều 62 Nghị định này;

c) Thanh tra Chính phủ báo cáo đột xuất với Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội khi có yêu cầu.

Điều 64. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu được báo cáo và về việc vi phạm nghĩa vụ thông tin, báo cáo.

Điều 65. Chế độ thông tin, báo cáo tại Bộ, ngành, địa phương

1. Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Nghị định này quy định chi tiết chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại Bộ, ngành, địa phương mình.

2. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Nghị định này.

MỤC 3. THU THẬP THÔNG TIN CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA NHÀ NƯỚC

Điều 66. Thu thập thông tin phục vụ công tác thanh tra

Cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm thường xuyên thu thập thông tin về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra để phục vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra và hoạt động thanh tra. Việc thu thập thông tin được tiến hành thông qua các hình thức sau đây:

1. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

2. Thu thập, phân tích, đánh giá thông tin từ báo chí; các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra cung cấp thông tin, báo cáo bằng văn bản.

4. Cử công chức thu thập thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra.

Điều 67. Việc cử công chức thu thập thông tin

1. Việc cử công chức thu thập thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra để phục vụ cho việc ra quyết định thanh tra được thực hiện khi Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao tiến hành thanh tra đột xuất đối với những vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp.

Công chức thu thập thông tin khi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin phải xuất trình:

a) Giấy giới thiệu hoặc quyết định của cơ quan thanh tra nhà nước về việc cử công chức thu thập thông tin, thời gian, nội dung làm việc, những thông tin cần thu thập từ cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra biết;

b) Thẻ công chức hoặc thẻ Thanh tra viên.

2. Công chức thu thập thông tin không được có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin; yêu cầu cung cấp những thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao.

Điều 68. Trách nhiệm báo cáo và cung cấp thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin về tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc theo yêu cầu của công chức được cử thu thập thông tin và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của báo cáo và thông tin, tài liệu đó.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có quyền từ chối cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao; có quyền tố cáo, khiếu nại đối với hành vi trái pháp luật của công chức tiến hành thu thập thông tin, tài liệu.

Điều 69. Báo cáo kết quả thu thập thông tin

1. Kết thúc việc thu thập thông tin tại cơ sở, công chức được cử thu thập thông tin phải báo cáo bằng văn bản với Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Báo cáo kết quả thu thập thông tin phải có các nội dung được giao thu thập, trong đó phải có nhận định về những vấn đề có dấu hiệu sai phạm (nếu có), đề xuất những nội dung cần thanh tra và cách thức tổ chức thực hiện; các thông tin liên quan đến những nội dung dự kiến thanh tra.

Chương 7.

TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC BẢO ĐẢM CÔNG TÁC THANH TRA

Điều 70. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm về tổ chức của cơ quan thanh tra nhà nước

1. Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra, chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của mình.

2. Kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm các chức danh thanh tra; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất làm công tác thanh tra.

3. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

Điều 71. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm về hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước

1. Căn cứ yêu cầu công tác quản lý của Bộ, ngành, địa phương và chương trình công tác của cơ quan thanh tra cấp trên, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra thuộc quyền quản lý trực tiếp.

2. Định kỳ hàng tháng nghe cơ quan thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp báo cáo và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về công tác thanh tra; giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc về công tác thanh tra; xử lý việc trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của mình.

3. Xử lý kịp thời kết luận thanh tra.

Điều 72. Bảo đảm về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước

1. Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc cấp, quản lý và sử dụng ngân sách của cơ quan thanh tra nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về việc trích, lập, quản lý, sử dụng kinh phí được trích theo nguyên tắc:

a) Xác định rõ các khoản thu hồi được trích;

b) Mức trích cụ thể phải bảo đảm các khoản thu hồi, hoàn trả cho ngân sách nhà nước, đồng thời hỗ trợ cho công tác thanh tra.

3. Trong quá trình hoạt động, cơ quan thanh tra nhà nước được chủ động sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ hoạt động của cơ quan thanh tra và có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích để phục vụ công tác thanh tra của các cơ quan Thanh tra nhà nước.

Điều 73. Giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra

1. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với quyết định xử lý, hành vi của Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thanh tra thì người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

2. Khiếu nại của đối tượng thanh tra đối với kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra khi có căn cứ cho rằng kết luận, quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã có kết luận hoặc quyết định xử lý có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

3. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý, Thủ trưởng cơ quan thanh tra đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Điều 74. Giải quyết tố cáo trong hoạt động thanh tra

Tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên khác của Đoàn thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của người đó có trách nhiệm giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đó có trách nhiệm giải quyết. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 8.

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 75. Xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra;

c) Vu cáo, vu khống đối với người làm nhiệm vụ thanh tra;

d) Đưa hối lộ;

đ) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra;

b) Chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra;

c) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra;

d) Đưa hối lộ;

đ) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

e) Các hành vi vi phạm pháp luật khác

Điều 76. Xử lý hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thành viên khác của Đoàn thanh tra

Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

2. Thanh tra vượt quá thẩm quyền, phạm vi, nội dung trong quyết định thanh tra.

3. Cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra.

5. Cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự mà không xử lý, xử lý không đầy đủ, không kiến nghị việc xử lý.

6. Làm sai lệch, giả mạo, sửa chữa, tiêu hủy, chiếm đoạt hồ sơ thanh tra.

7. Nhận hối lộ, môi giới hối lộ.

8. Các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 77. Xử lý hành vi không thực hiện trách nhiệm thông tin, báo cáo; không xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác không chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hoặc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra không kịp thời, không đầy đủ việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương; không xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 9.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 78. Tổ chức thanh tra nội bộ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước

Cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ để giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình.

Căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và Nghị định này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị mình.

Điều 79. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2011 và thay thế Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hết hiệu lực thi hành.

Điều 80. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KNTN (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No. 86/2011/ND-CP

Hanoi, September 22, 2011

 

DECREE

DETAILING AND GUIDING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON INSPECTION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the November 15, 2010 Law on Inspection;

At the proposal of the Inspector General of the Government Inspectorate,

DECREES:

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation

This Decree details and guides the implementation of a number of articles of the Law on Inspection on the principles of inspection activities; tasks, powers and organizational structures of state inspection agencies; inspection activities; re-inspection; state management of inspection work; responsibilities of heads of state management agencies for assuring inspection work; and handling of violations in inspection activities.

Article 2. Subjects of application

This Decree applies to state management agencies and heads of state management agencies; state inspection agencies and heads of state inspection agencies; heads of agencies assigned to perform specialized inspection; heads and members of inspection teams, inspectors, civil servants assigned to perform specialized inspection; inspected subjects; and agencies, organizations and individuals related to inspection activities.

Article 3. Principles of inspection activities

Administrative inspection activities shall be carried out by inspection teams; specialized inspection activities shall be carried out by inspection teams or inspectors or civil servants assigned to independently perform specialized inspection.

Article 4. Responsibilities of heads of state management agencies for organizing and directing inspection activities

Within the scope of their respective tasks and powers, the Prime Minister, ministers, heads of ministerial-level agencies, chairpersons of People's Committees of provinces or centrally run cities (below referred collectively to as provincial-level), heads of specialized agencies under provincial-level People's Committees, chairpersons of People's Committees of urban districts, rural districts, towns or provincial cities (below referred collectively to as district-level), and heads of agencies assigned to perform specialized inspection, shall organize, direct and assure funds and other necessary conditions for inspection activities; and direct the handling and implementation of inspection recommendations, conclusions and handling decisions.

Article 5. Assurance of implementation of inspection conclusions and handling decisions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Heads of state inspection agencies shall, within the scope of their respective tasks and powers, supervise, urge and inspect the implementation of inspection conclusions and handling decisions.

3. Agencies, organizations and individuals responsible for abiding by inspection conclusions or handling decisions but failing to do so shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and, if causing damage, shall pay compensation in accordance with law.

Chapter II

TASKS, POWERS AND ORGANIZATIONAL STRUCTURES OF STATE INSPECTION AGENCIES

Article 6. The Government Inspectorate

The Government Inspectorate is a government agency answerable to the Govern­ment for performing the state management of inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption nationwide; and carrying out inspection activities, settling complaints and denunciations and preventing and combating corruption in accordance with law.

The tasks, powers and organization structure of the Government Inspectorate are defined in another decree of the Government.

Article 7. Tasks and powers of ministerial inspectorates

1. To perform the tasks and powers defined in Article 18 of the Inspection Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To organize specialized inspection training for inspectors and civil servants assigned to perform specialized inspection and civil servants engaged in inspection work in their ministries or sectors.

4. To propagate the law on inspection among agencies and units under their ministries' management and guide, inspect and urge them in implementing this law.

5. To review and draw experience from inspection work within the scope of their ministries' state management.

Article 8. Tasks and powers of ministerial chief inspectors

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 19 of the Law on Inspection.

2. To report to their ministers and the Inspector General on inspection work within the ambit of their responsibilities.

3. To advise and propose their ministers to assign the specialized inspection function to their ministries' general departments and departments.

4. To inspect the responsibilities of heads of agencies and units under their ministries' management in observing the law on inspection.

5. To requisition civil servants and public employees of related agencies and units to participate in inspection activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A ministerial inspectorate is composed of the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other civil servants.

The ministerial chief inspector shall be appointed, dismissed or removed from office by the minister after reaching agreement with the Inspector General.

Ministerial deputy chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the minister at the proposal of the ministerial chief inspector. Ministerial deputy chief inspectors shall assist the ministerial chief inspector in taking charge of one or several working areas and are responsible before law and the ministerial chief inspector for the performance of their assigned tasks.

2. A ministerial inspectorate has professional sections to perform assigned tasks.

3. A ministerial inspectorate has its own seal and account.

Article 10. Tasks and powers of provincial inspectorates

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 20 of the Law on Inspection; to inspect agencies, organizations and individuals within the scope of state management of provincial-level People's Committees.

2. To guide, inspect and urge the formulation and implementation of inspection programs and plans of provincial department inspectorates and district inspectorates.

3. To provide administrative inspection training for inspectors and civil servants in charge of inspection work of provincial inspectorates, provincial department inspectorates and district inspectorates.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To review and draw experience from inspection work within the scope of state management of their provincial-level People's Committees.

Article 11. Tasks and powers of provincial chief inspectors

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 21 of the Law on Inspection.

2. To report to provincial-level People's Committee chairpersons and the Inspector General on inspection work within the ambit of their responsibilities.

3. To inspect provincial department directors and district-level People's Committee chairpersons in their observance of the law on inspection.

4. To coordinate with provincial department directors, district-level People's Committee chairpersons and concerned agencies and organizations in determining the organizational structure, payroll, entitlements and policies toward provincial and district inspectorates.

5. To coordinate with provincial department directors or district-level People's Committee chairpersons in the appointment, dismissal, removal from office, transfer or seconding of provincial department chief inspectors or district chief inspectors and other inspection title holders.

6. To requisition civil servants and public employees of related agencies and units to participate in inspection activities.

Article 12. Organizational structure of provincial inspectorates

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The provincial chief inspector shall be appointed, dismissed or removed from office by the provincial-level People's Committee chairperson after reaching agreement with the Inspector General.

Provincial deputy chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the provincial-level People's Committee chairperson at the proposal of the provincial chief inspector. Provincial deputy chief inspectors shall assist the provincial chief inspector in taking charge of one or several working areas and are responsible before law and the provincial chief inspector for the performance of their assigned tasks.

2. A provincial inspectorate has professional sections to perform assigned tasks.

3. A provincial inspectorate has its own seal and account.

Article 13. Tasks and powers of provincial department inspectorates

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 24 of the Law on Inspection.

2. To guide, inspect and urge the formulation and implementation of inspection programs and plans of provincial departments' agencies assigned to perform specialized inspection.

3. To provide specialized inspection training for inspectors and civil servants engaged in inspection work of provincial departments and civil servants assigned to perform specialized inspection of provincial departments' agencies assigned to perform specialized inspection.

4. To propagate the law on inspection among agencies and units under the management of provincial departments, and guide, inspect and urge them in implementing this law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 14. Tasks and powers of provincial department chief inspectors

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 25 of the Law on Inspection.

2. To report to provincial department directors, provincial chief inspectors and ministerial chief inspectors on inspection work within the ambit of their responsibilities.

3. To inspect the responsibilities of heads of agencies and units under the provincial departments' management in implementing the law on inspection.

4. To requisition civil servants and public employees of related agencies and units to participate in inspection activities.

Article 15. Organizational structure of provincial-level department inspectorates

1. A provincial department inspectorate is composed of the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other civil servants.

The provincial department chief inspector shall be appointed, dismissed or removed from office by the provincial department director after reaching agreement with the provincial chief inspector.

Provincial department deputy chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the provincial department director at the proposal of the provincial department chief inspector. Provincial department deputy chief inspectors shall assist the provincial department chief inspector in taking charge of one or several working areas and are responsible before law and the provincial department chief inspector for the performance of their assigned tasks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 16. Tasks and powers of district inspectorates

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 27 of the Law on Inspection; to inspect agencies, organizations and individuals under the state management of district-level People's Committees.

2. To propagate the law on inspection among specialized agencies of district-level and commune-level People's Committees, and guide, inspect and urge them in implementing this law.

3. To review and draw experience from inspection work within the scope of state management of district-level People's Committees.

Article 17. Tasks and powers of district chief inspectors

1. To perform the tasks and exercise the powers defined in Article 28 of the Law on Inspection.

2. To report to district-level People's Committee chairpersons and provincial chief inspectors on inspection work within the scope of their responsibilities.

3. To inspect the responsibilities of heads of specialized agencies of district-level People's Committees and commune-level People's Committee chairpersons in implementing the law on inspection.

4. To requisition civil servants and public employees of related agencies and units to participate in inspection activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A district inspectorate is composed of the chief inspector, deputy chief inspectors, inspectors and other civil servants.

The district chief inspector shall be appointed, dismissed or removed from office by the district-level People's Committee chairperson after reaching agreement with the provincial chief inspector.

District deputy chief inspectors shall be appointed, dismissed or removed from office by the district-level People's Committee chairperson at the proposal of the district chief inspector. District deputy chief inspectors shall assist the district chief inspector in taking charge of one or several working areas and are responsible before law and the district chief inspector for the performance of their assigned tasks.

2. A district inspectorate has its own seal and account.

Chapter III

INSPECTION ACTIVITIES

Section 1: ADMINISTRATIVE INSPECTION ACTIVITIES

Article 19. Competence to issue administrative inspection decisions according to plan

1. Based on inspection plans, the Inspector General and chief inspectors of all levels and sectors shall issue inspection decisions and form inspection teams to perform inspection tasks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. For specially complicated cases related to management responsibilities of many levels and sectors; based on inspection plans, ministers, provincial-level People's Committee chairpersons, provincial department directors or district-level People's Committee chairpersons shall issue inspection decisions and form joint inspection teams to perform inspection tasks.

Article 20. Competence to issue extraordi­nary administrative inspection decisions

1. Extraordinary inspections shall be conducted upon detection of agencies, organizations or persons showing signs of violation; according to requirements of the settlement of complaints and denunciations or prevention and combat of corruption or under assignment of heads of same-level state management agencies.

2. Pursuant to Clause 1 of this Article, the Inspector General or chief inspectors of all levels or sectors shall issue extraordinary inspection decisions and form inspection teams to perform inspection tasks and send such decisions to heads of same-level state management agencies for reporting.

3. For complicated cases related to management responsibilities of many agencies and units, heads of state management agencies shall issue extraordinary inspection decisions and form inspection teams to perform inspection tasks.

4. For specially complicated cases related to management responsibilities of many levels and sectors, heads of state management agencies shall issue extraordinary inspection decisions and form joint inspection teams to perform inspection tasks.

Article 21. Administrative inspection teams

1. An administrative inspection team shall be formed to conduct inspection according to the inspection scope, objects, contents, tasks and duration stated in an inspection decision.

An administrative inspection team is composed of its head and members. In case of necessity, an inspection team may have a deputy head.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A joint inspection team shall carry out inspection activities under the Law on Inspection, this Decree and other provisions of law on inspection.

2. The head of an inspection team has the tasks and powers defined in Article 46 of the Law on Inspection, and shall be held responsible before law, the inspection decision issuer and his/her direct manager for the performance of assigned inspection tasks.

During inspection, the head of an inspection team may use the seal of the agency in prime of inspection, the inspection team, the head of the agency or organization or person to be inspected. In case of necessity, the head of the inspection team may invite representatives of related agencies, organizations and persons to attend the meeting.

Article 26. Announcement of administrative inspection decisions

1. Within 15 days after the issuance of an inspection decision, the head of an inspection team shall announce the inspection decision to the inspected subject.

2. When announcing the inspection decision, the head of an inspection team shall clearly state the tasks and powers of the inspection team, the inspection duration, the rights and responsibilities of the inspected subject, the inspection team's tentative plan on working with the inspected subject, and other contents related to its activities.

3. The head of an inspection team may request the head of the agency or organization or the person to be inspected to report on contents according to the reporting requirement outline.

4. The announcement of an inspection decision must be written in a record bearing the signature of the head of the inspection team and the head of the agency, organization or the person to be inspected.

Article 27. Collection of information and documents, assessment of the observance of policies and laws

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Members of an inspection team shall report on the progress and results of performance of their assigned tasks at the request of the head of the inspection team; if finding matters in need of prompt settlement, they shall immediately report them to the head of the inspection team for consideration and decision.

3. The head of an inspection team shall promptly consider and handle recommendations of inspection team members; for matters beyond his/her competence, he/she shall immediately report them to the inspection decision issuer for consideration and decision.

Article 28. Reporting on progress of performance of administrative inspection tasks

1. The head of an inspection team shall report to the inspection decision issuer on the progress of performance of tasks by the team according to the approved inspection plan or at the extraordinary request of the latter.

2. A report shall be made in writing, covering the progress of performance of tasks; completed contents, contents underway; work to be performed in the coming time; and recommendations and proposals (if any) to the inspection decision issuer.

3. The inspection decision issuer shall direct, examine and supervise the inspection team in properly implementing the inspection decision; and apply measures according to his/her competence defined in Article 48 of the Law on Inspection for consideration and prompt settlement of the inspection team's recommendations and proposals.

Article 29. Reporting on administrative inspection results

1. The head of an inspection team shall organize the making of a report on inspection results, which has the details specified in Clause 2, Article 49 of the Law on Inspection.

2. The head of an inspection team shall hold a meeting of the team to discuss the draft of the report on inspection results; in case of divergence of opinions among team members, the head of the inspection team shall consider and make decision and take responsibility for his/her decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The inspection decision issuer shall direct the head of the inspection team to draft inspection conclusions. In case of necessity, he/she may request the inspected subject and the head and members of the inspection team to report and explain to further clarify inspection contents.

2. Before making official conclusions, if finding it necessary, the inspection decision issuer shall send draft inspection conclusions to the inspected subject. Explanations of the inspected subject on issues in draft inspection conclusions to which the inspected subject still disagrees shall be given in writing and enclosed with evidence.

Article 31. Administrative inspection conclusions

1. Based on inspection result reports, explanations (if any) of the inspected subject and relevant documents, the inspection decision issuer shall direct the finalization of and sign inspection conclusions. Inspection conclusions contain the details specified in Clause 2, Article 50 of the Law on Inspection.

2. The inspection decision issuer shall organize the announcement of inspection conclusions or send inspection conclusions to the inspected subject. In case of necessity, he/ she may authorize the head of the inspection team to announce inspection conclusions. The announcement of inspection conclusions shall be recorded in writing.

3. Inspection conclusions shall be addressed to the agencies, organizations and persons defined in Clause 1, Article 50 of the Law on Inspection.

Section 2: SPECIALIZED INSPECTION ACTIVITIES

Article 32. Agencies conducting specialized inspection activities

Specialized inspection activities shall be carried out by ministerial inspectorates, provincial department inspectorates or agencies assigned to perform specialized inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The order and procedures for specialized inspection comply with the Law on Inspection, this Decree and the decree stipulating agencies assigned to perform the specialized inspection function and specialized inspection activities.

Section 3: EXERCISE OF RIGHTS IN INSPECTION ACTIVITIES

Article 34. Request for provision of information, documents, reports or explanations by inspected subjects

1. During inspection, heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers may request inspected subjects to provide information, documents, report in writing or explain matters related to inspection contents.

2. Inspected subjects are obliged to provide in a timely, full and accurate manner information and documents at the request of heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers and shall be held responsible before law for the accuracy and truthfulness of provided information and documents.

In case information or documents already provided by inspected subjects are inadequate, heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers may request inspected subjects to provide additional information and documents.

3. Heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers shall preserve, exploit and use provided information and documents for proper purposes.

4. In case inspected subjects fail to provide information and documents, provide inadequate or inaccurate information and documents or intentionally delay the provision of information and documents related to inspection contents, heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers shall, depending on the nature and seriousness of violations, apply handling measures according to their competence or propose heads of competent state agencies to apply measures for handling such inspected subjects.

Article 35. Request for provision of information and documents related to inspection contents by agencies, organizations or individuals

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Agencies, organizations or individuals shall provide in a timely, adequate and accurate manner information and documents at the request of heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers and shall be held responsible before law for the accuracy and truthfulness of provided information and documents.

In case provided information or documents are inadequate, heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers may request agencies, organizations or individuals to provide additional information and documents.

3. Heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers shall preserve, exploit and use provided information and documents for proper purposes.

4. In case agencies, organizations or individuals fail to provide information and documents, provide inadequate or inaccurate information and documents or intentionally delay the provision of information and documents related to inspection contents, heads and members of inspection teams, civil servants assigned to perform specialized inspection or inspection decision issuers shall, depending on the nature and seriousness of violations, apply handling measures according to their competence or propose heads of competent state agencies to apply measures for handling such agencies, organizations or individuals.

Article 36. Sealing of documents

1. When finding it necessary to preserve documents intact, heads of inspection teams may decide to seal some or all of documents related to inspection contents.

A decision on sealing documents must be made in writing, clearly stating the documents to be sealed, the sealing duration, and obligations of the inspected subject. In case of necessity, a written record on the list of sealed documents shall be made and signed by the inspected subject and a representative of the inspection team.

2. The document-sealing duration must not exceed the duration of direct inspection at the inspected place. The use of scaled documents must be approved by the head of the inspection team.

3. When finding it no longer necessary to apply the sealing measure, the sealing decision issuer shall issue a decision to immediately cancel this measure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. During inspection, if detecting disparity or irrationality between books or documents and reality or signs or acts of asset appropriation, heads of inspection teams or inspection decision issuers shall decide to inventory assets.

2. An asset inventory decision must be made in writing, clearly stating assets to be inventoried, time and place of inventory, responsibilities of inventorying persons, and obligations of the subject with assets to be inventoried. The asset inventory must be recorded in writing. For assets which need to be handed over to a functional agency for temporary custody, a request must be made to such agency for temporary custody. Private assets of individuals shall be inventoried in accordance with applicable law.

3. When finding it no longer necessary to apply the asset inventory measure, persons who have issued inventory decisions shall issue a decision to immediately cancel this measure.

Article 38. Invitation of assessment

1. When finding it necessary to have professional or technical assessments as a ground for making conclusions, the head of an inspection team shall request the inspection decision issuer to decide on invitation of assessment. The invitation of assessment must be made in writing, clearly stating the requirements, contents and duration of assessment, and the assessment agency or organization.

2. Assessment agencies or organizations shall be held responsible before law for the accuracy, objectivity and promptness of assessment results.

3. Assessment expenses shall be paid by the inspection-conducting agency; if the inspected subject commits wrong-doings, assessment expenses shall be paid by the inspected subject, unless otherwise provided by law.

4. The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Government Inspectorate and ministries and ministerial-level agencies in, guiding the collection, payment, management and use of assessment funds in inspection activities.

Article 39. Suspension of acts of violation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A suspension decision must be made in writing, clearly stating the suspension reason, contents and duration and the subject to comply with the decision.

3. When finding it no longer necessary to apply the suspension measure, the suspension decision issuer shall issue a decision to immediately cancel this measure.

Article 40. Temporary seizure of money, objects or permits

1. During inspection, if detecting the illegal use of money, objects or permits and finding it necessary to promptly prevent such use or to verify circumstances to serve as evidence for conclusion or handling, the head of an inspection team shall request the inspection decision issuer to issue a decision on temporary seizure of such money, objects or permits.

2. A decision on temporary seizure of money, objects or permits must be made in writing, clearly stating the money, objects and permits to be seized, the seizure duration, the responsibility of the decision issuer and obligations of the subject with money, objects and permits to be seized, The seizure must be recorded in writing. For objects and permits which are needed to be handed over to a functional agency for preservation, a request must be made to such agency for preservation.

3. When finding it unnecessary to apply the temporary seizure measure, the issuer of the decision on temporary seizure of money, objects or permits shall issue a decision to immediately cancel this measure.

Article 41. Request for credit institutions to block accounts of inspected subjects

1. When having a ground to believe that the inspected subject disperses assets or fails to comply with the money and asset retrieval decision of the state inspection agency or the head of the state management agency, the inspection decision issuer shall issue a written request for the credit institution at which the inspected subject has an account to block this account to serve inspection activities.

2. During inspection, when having a ground to believe that the inspected subject disperses assets, the head of an inspection team shall issue a written request for the credit institution at which the inspected subject has an account to block this account to serve inspection activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The credit institution at which the inspected subject has an account shall promptly and fully comply with the requests stated in Clause 3 of this Article and report in writing on the account blocking to the person making a written request for blocking.

5. When finding it unnecessary to apply the account-blocking measure, the head of the state management agency, the inspection decision issuer or the head of the inspection team shall issue a decision to immediately cancel this measure.

6. The Government Inspectorate and the State Bank of Vietnam shall guide the blocking of accounts of inspected agencies, organizations or persons.

Article 42. Retrieval of money and assets illegally appropriated or used or lost due to unlawful acts

1. When having a ground to conclude that money and assets are illegally appropriated or used or lost due to unlawful acts of the inspected subject, the inspection decision issuer shall issue a decision to retrieve them. A retrieval decision must be made in writing, clearly stating the money amount and assets to be retrieved, responsibilities of the retrieving agency, the retrieval time and responsibilities of the inspected subject.

The inspection decision issuer shall seize money and assets according to law or assign a functional agency to do so.

2. The inspected subject with money and assets to be seized shall strictly comply with the retrieval decision. In case of failing to comply with or strictly comply with the retrieval decision, the inspected subject shall, depending on the nature and seriousness of the violation, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability and, if causing damage, pay compensation in accordance with law.

3. The retrieval decision issuer shall monitor, examine and urge the execution of the retrieval decision.

Section 4 INSPECTION DOSSIERS, TRANSFER OF DOSSIERS OF CASES SHOWING CRIMINAL SIGNS FOR INSTITUTION OF CRIMINAL CASES, PUBLICIZATION OF INSPECTION CONCLUSIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. An inspection must be recorded in a dossier. An inspection dossier comprises the documents specified in Article 59 of the Law on Inspection.

The head of an inspection team shall compile an inspection dossier and hand it to the inspection decision-issuing agency. Inspectors or civil servants assigned to perform specialized inspection who conduct independent inspections shall compile an inspection dossier and hand it to the agency having issued the inspection decision or a document assigning independent inspection tasks.

2. The inspection decision issuer or person issuing the document to assign independent inspection shall direct and examine the head of the inspection team or inspectors or civil servants assigned to perform independent specialized inspection in compiling and handing the inspection dossier.

3. The Inspector General shall guide the compilation, handing, management and use of inspection dossiers.

Article 44. Transfer of dossiers of cases showing criminal signs for institution of criminal cases

1. During or upon completion of inspection, if the inspection function-performing agency detects that the case shows criminal signs, within 5 days after detecting such criminal signs, the inspection decision issuer shall transfer the case dossier and a proposal for institution of a criminal case to an investigative agency for consideration and institution of a criminal case, while immediately reporting such in writing to a competent procuracy.

2. The investigative agency shall receive the dossier and the proposal for institution of a criminal case sent by the inspection function-performing agency. Within 20 days after receiving the dossier, the investigative agency shall issue any of the following decisions:

a/ Decision to institute a criminal case;

b/ Decision not to institute a criminal case;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. For a case involving many complicated circumstances or requiring examination and verification in different places, the time limit for reply may be longer but must not exceed 60 days. Past this time limit, if the inspection function-performing agency receive no written notice of the result of handling by the investigative agency, it may propose the same-level procuracy to consider and settle the case. If disagreeing with the result of settlement by the procuracy, the inspection function-performing agency may propose the immediate superior procuracy or investigative agency to direct and settle the case.

Article 45. Dossiers of proposal for institution of a criminal case

A dossier of proposal for institution of a criminal case comprises:

1. A written proposal for the investigative agency to consider and institute a criminal case, clearly stating criminal signs, violators, consequences of damage caused by the violation, and time and place of commission of the violation.

2. The inspection decision; the written record confirming the matter involving violations, made by the inspection team, an inspector or a civil servant assigned to perform specialized inspection; report and explanation of the inspected subject; and other relevant information and documents.

3. The report of the head of the inspection team on the inspected subject's violations showing criminal signs. If the inspection decision issuer makes a proposal for institution of a criminal case after the inspection has ended, the dossier must comprise an extract of the written inspection conclusion on the violation for which the inspection agency proposes institution of a criminal case.

Article 46. Publicization of inspection conclusions

1. Inspection conclusions must be publicized, except inspection conclusion contents classified as state secrets.

2. Within 10 days after signing inspection conclusions, the issuer of inspection conclusions shall publicize inspection conclusions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Publicization at a meeting participated by the inspection decision issuer or an authorized person, a representative of the inspection team, the inspected subject, and related agencies, organizations and persons.

b/ In addition to the publicization of inspection conclusions under Point a, Clause 3 of this Article, the issuer of inspection conclusions shall select at least one of the following forms: announcement in the mass media; posting on the website of the inspection agency, the agency assigned to perform specialized inspection or the same-level state management agency; and display at the working office of the inspected agency, organization or person. The mass media include radio, television, print press and online newspapers. Such announcement shall be made at least twice on the radio and electronic newspapers, at least twice on television; and in at least one issue of print press.

Such announcement shall be posted for at least 5 consecutive days on the website of the inspection agency, the agency assigned to perform specialized inspection or the same-level state management agency. The period of display at the working office of the inspected agency or organization is at least 5 days.

The display of inspection conclusions at the working office of the inspected agency or organization shall be implemented by this agency or organization. The period of display is at least 15 consecutive days.

4. Within 10 days after signing inspection conclusions, the inspection decision issuer shall supply inspection conclusions to agencies, organizations and persons related to the implementation of inspection conclusions.

Based on the scope of responsibility for implementing inspection conclusions, the inspection decision issuer shall provide some or all of inspection conclusions to related agencies, organizations and persons.

Chapter IV

RE-INSPECTION

Article 47. Competence to conduct re-inspection

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Inspector General shall decide on re-inspection of cases already concluded by ministers but showing signs of violation as assigned by the Prime Minister; and cases already concluded by provincial-level People's Committee chairpersons or ministerial or provincial chief inspectors but showing signs of violation.

3. Ministerial chief inspectors shall decide on re-inspection of cases already concluded by heads of agencies assigned to perform specialized inspection under ministries or provincial-level People's Committee chairpersons, within the state management scope and competence of their ministries but showing signs of violation as assigned by their ministers.

4. Provincial chief inspectors shall decide on re-inspection of cases already concluded by provincial department directors but showing signs of violation as assigned by provincial-level People's Committee chairpersons; and cases already concluded by district-level People's Committee chairpersons, provincial department chief inspectors or district chief inspectors but showing signs of violation.

5. Provincial department chief inspectors shall decide on re-inspection of cases already concluded by heads of agencies assigned to perform specialized inspection under their provincial departments but showing signs of violation as assigned by provincial department directors.

Article 48. Grounds for re-inspection

Re-inspection shall be conducted when there is any of the following grounds:

1. There is a serious violation of inspection order and procedures.

2. There is a mistake in the application of law when making inspection conclusions.

3. Inspection conclusion contents are not suitable to evidence collected during inspection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. There are signs of serious violation committed by the inspected subject which are not fully detected through inspection.

Article 49. Re-inspection decisions

1. A re-inspection decision has the details specified in Articles 44 and 52 of the Law in Inspection and must clearly state the scope, subject and content of re-inspection.

2. Within 5 days after signing a re-inspection decision, the person with re-inspection competence shall send it to the person having signed inspection conclusions and the subject to be re-inspected.

A re-inspection decision shall be announced within 15 days after the date of its signing. Such announcement shall be recorded in writing by the inspection team.

Article 50. Statute of limitations and time limit for re-inspection

1. The statute of limitations for re-inspection is 2 years, counting from the date of signing of inspection conclusions.

2. The time limit for conducting re-inspection complies with Article 45 of the Law on Inspection.

Article 51. Tasks and powers of re-inspection decision issuers, heads and members of re-inspection teams

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 52. Reporting on re-inspection results, re-inspection conclusions, publicization of re-inspection conclusions

1. Are-inspection result report shall be made under Article 49 of the Law on Inspection, which must clearly state the nature, seriousness and causes of violations, responsibilities of the agency, organization and persons having conducted the inspection and made inspection conclusions, and propose handling measures.

2. Re-inspection conclusions shall be made under Article 49 of the Law on Inspection, which must clearly state the nature and seriousness of violations, causes, responsibili-ties of the agency, organization and persons having conducted the inspection and made inspection conclusions, and propose handling measures.

Within 15 days after signing re-inspection conclusions, the re-inspection decision issuer shall send them to the head of the same-level state management agency and superior state inspection agencies.

3. The publicization of re-inspection conclu­sions complies with Article 46 of this Decree.

Chapter V

RESPONSIBILITIES FOR IMPLEMENTING, SUPERVISING EXAMINING AND URGING THE IMPLEMENTATION OF, INSPECTION CONCLUSIONS, INSPECTION HANDLING DECISIONS

Article 53. Responsibilities of inspected subjects for implementing inspection conclusions and inspection handling decisions

1. Inspected subjects shall strictly discharge their obligations and responsibilities stated in inspection conclusions and inspection handling decisions:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ To request agencies and units under their management or propose competent agencies to handle economic violations and violating persons, agencies and units; to apply measures to address loopholes and weaknesses in management work, and amend, supplement and improve mechanisms, policies and laws.

2. Inspected subjects shall report on results of implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions to state inspection agencies and state agencies which have made inspection conclusions or issued inspection handling decisions, and take responsibility before law for such implementation.

3. Inspected subjects that fail to implement or fully and promptly implement inspection conclusions or inspection handling decisions shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and, if causing damage, pay compensation in accordance with law.

Article 54. Responsibilities of related agencies, organizations and persons for implementing inspection conclusions and inspection handling decisions

1. Related agencies, organizations and persons shall take every measure to strictly discharge their obligations and responsibilities stated in inspection conclusions and inspection handling decisions:

a/ Within the scope of competence to promptly handle economic violations and violating persons, agencies and units; to apply measures to address loopholes and weaknesses in management work, and amend inappropriate regulations;

b/ To request agencies and units under their management or propose competent agencies to handle economic violations and violating persons, agencies and units; to apply measures to address loopholes and weaknesses in management work, and amend, supplement and improve mechanisms, policies and laws.

2. Related agencies, organizations and persons shall report on results of implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions to state inspection agencies and state agencies which have made inspection conclusions or issued inspection handling decisions, and take responsibility before law for such implementation.

3. Related agencies, organizations and persons that fail to implement or fully and promptly implement inspection conclusions or inspection handling decisions shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and, if causing damage, pay compensation in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Within the scope of their tasks and powers, heads of agencies directly managing inspected subjects shall direct and request inspected subjects to strictly implement inspection conclusions or inspection handling decisions.

2. For inspected subjects that fail to implement or fully and promptly implement inspection conclusions or inspection handling decisions, heads of agencies directly managing them shall take measures according to their competence or propose competent agencies to handle these violations.

Article 56. Responsibilities of state inspection agencies and agencies assigned to perform specialized inspection for supervising, examining and urging the implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions

1. The Government Inspectorate shall supervise, examine and urge the implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions of their own and the Prime Minister.

2. Ministerial inspectorates, provincial inspectorates, provincial department inspectorates and district inspectorates shall supervise, examine and urge the implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions of their own and heads of same-level state management agencies.

3. Agencies assigned to perform specialized inspection shall supervise, examine and urge the implementation of their own inspection conclusions and inspection handling decisions.

4. State inspection agencies and agencies assigned to perform specialized inspection shall directly examine the implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions by inspected subjects and related agencies, organizations and persons.

Article 57. Supervision, examination and urging of implementation of inspection conclusions and inspection handling decisions.

1. After having inspection conclusions or inspection handling decisions, state inspection agencies or agencies assigned to perform specialized inspection may request inspected subjects and related agencies, organizations and persons to report on results of implementation of contents under their responsibilities stated in inspection conclusions or inspection handling decisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. If detecting violations in inspection conclusions, to report them to heads of competent state management agencies for consideration and decision.

Chapter VI

STATE MANAGEMENT OF INSPECTION WORK

Section 1: CONTENTS AND COMPETENCE OF STATE MANAGEMENT

Article 58. Contents of state management of inspection work

1. Formulating and submitting to competent state agencies for promulgation or promulgating according to competence legal documents on inspection work.

2. Propagating, guiding, and organizing the implementation of, the law on inspection.

3. Inspecting and examining the implementation of the law on inspection.

4. Training and retraining cadres and civil servants engaged in inspection work.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Examining, supervising and inspecting the implementation of the law on inspection; and handling violations of the law on inspection.

7. Summarizing inspection experience.

8. Settling complaints and denunciations related to inspection activities.

9. Carrying out international cooperation on inspection work.

Article 59. State management agencies in charge of inspection work

1. The Government shall perform the unified state management of inspection work nationwide.

The Government Inspectorate is answerable to the Government for performing the state management of inspection work within the Government's competence.

2. Ministries, ministerial-level agencies and People's Committees at all levels shall perform the state management of inspection work within the scope of their respective management; guide, urge and examine agencies and organizations under their respective management in implementing the law on inspection; and shall implement the regime of reporting on inspection work.

State inspection agencies at all levels shall assist heads of same-level state management agencies in performing the state management of inspection work.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 60. Communication and reporting responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial-level People's Committees

1. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial- level People's Committees (below referred to as ministries, sectors and localities) shall communicate and report to the Government Inspectorate on inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption in their ministries, sectors and localities.

2. The Government Inspectorate shall report to the Government and the National Assembly on inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption nationwide.

Article 61. Contents of communication and reporting by ministries, sectors and localities to the Government Inspectorate

1. Legal documents and other documents related to inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption promulgated by ministries, sectors and localities according to their respective competence.

2. Results of inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption of ministries, sectors and localities.

Article 62. Contents of reporting by the Government Inspectorate to the Government and the National Assembly

1. Results of inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption nationwide.

2. Recommendations on policies and solutions for raising the effect and effectiveness of inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Communication and reporting shall be made through administrative documents.

2. Time of reporting:

a/ Quarterly and biannually, ministries, sectors and localities shall report under Article 61 of this Decree;

b/ Biannually and annually, the Government Inspectorate shall report to the Government and the National Assembly under Article 62 of this Decree.

c/ The Government Inspectorate shall send extraordinary reports to the Government and the National Assembly Standing Committee upon request.

Article 64. Responsibilities of ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees

1. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees shall direct, urge and examine the implementation of the regime of communication and reporting on inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption under the management of their respective ministries, sectors and localities.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees shall take responsibility for reported information and data and for breaches of the communication and reporting obligations.

Article 65. Regime of communication and reporting within ministries, sectors and localities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Government Inspectorate shall guide, examine and urge ministries, sectors and localities in implementing the communication and reporting regime under this Decree.

Section 3: COLLECTION OF INFORMATION OF STATE INSPECTION AGENCIES

Article 66. Collection of information to serve information work

State inspection agencies shall regularly collect information on the implementation of policies, laws and assigned tasks by agencies, organizations and persons within their inspection competence to serve the state management of inspection work and activities. Information shall be collected in the following forms:

1. Activities of state management of inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption.

2. Collection, analysis and assessment of information in the press and supplied by agencies, organizations and persons.

3. Requesting agencies, organizations and persons within the inspection competence to provide written information and reports.

4. Sending civil servants to collect information of agencies, organizations and persons within the inspection competence.

Article 67. Sending of civil servants to collect information

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Upon visiting agencies, organizations and persons to collect information, civil servants shall produce:

a/ The paper of introduction or decision of the state inspection agency on appointing the civil servant to collection information, time and content of work, information to be collected from the agency, organization or person within the scope of inspection;

b/ The civil servant or inspector card.

2. When collecting information, civil servants may neither harass nor trouble agencies, organizations and persons requested to provide information nor request information outside the scope of their assigned tasks.

Article 68. Responsibilities of agencies, organizations and persons within the inspection competence of state inspection agencies for reporting and providing information and documents

Agencies, organizations and persons within the inspection competence of state inspection agencies shall report in writing and provide information on the observance of policies and laws and performance of assigned tasks at the request of state inspection agencies or civil servants sent to collect information, and take responsibility before law for the truthfulness and accuracy of such reports, information and documents.

Agencies, organizations and persons requested to provide information may refuse to provide information outside the scope of their assigned tasks; and may denounce and complain about illegal acts of information- and document-collecting civil servants.

Article 69. Reporting on information collection results

1. Upon completion of the collection of information, civil servants sent to collection information shall report in writing to heads of state inspection agencies on the performance of assigned tasks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter VII

RESPONSIBILITIES OF HEADS OF STATE MANAGEMENT AGENCIES FOR ASSURING INSPECTION WORK

Article 70. Responsibilities of heads of state management agencies for assuring organization of state inspection agencies

1. To lead and direct inspection activities and take responsibility before superior agencies for inspection work under their management.

2. To consolidate organization, appoint inspection titles; and arrange capable and moral personnel to perform inspection work.

3. To regularly inspect and examine agencies, units and persons under their management in implementing the law on inspection.

Article 71. Responsibilities of heads of state management agencies for assuring activities of state inspection agencies

1. Based on management requirements of ministries, sectors or localities and work programs of superior inspectorates, heads of state management agencies shall direct the formulation of inspection programs and plans of inspectorates under their direct management and approve these programs and plans.

2. Monthly, to be reported by inspectorates under their direct management and report to superior state management agencies on inspection work; to promptly deal with difficulties and problems in inspection work; to handle overlaps in inspection and examination activities under their management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 72. Assurance of funds for activities of state inspection agencies

1. Funds for activities of state inspection agencies shall be assured by the state budget. The allocation, management and use of budgets for state inspection agencies comply with the law on the state budget.

2. State inspection agencies may deduct a portion of money amounts retrieved through inspection and actually remitted into the state budget for supporting the building of inspection capacity, improvement of physical foundations and rewarding and encouragement of organizations and persons recording achievements in inspection work.

The Inspector General and the Minister of Finance shall issue detailed regulations on the deduction, management and use of funds on the following principles:

a/ Clear identification of retrieved amounts allowed to be deducted;

b/ Specific deduction levels must assure amounts retrieved and remitted into the state budget while supporting inspection work.

3. In the course of operation, state inspection agencies may take the initiative in using operational funds to serve their activities and report it to competent authorities in accordance with law.

4. The Minister of Finance and the Inspector General shall guide the deduction, management, use and settlement of funds to serve inspection work of state inspection agencies.

Article 73. Settlement of complaints in inspection activities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Complaints of inspected subjects about inspection conclusions, inspection handling decisions, when they have grounds to believe that such conclusions or decisions are illegal, infringing upon the rights and legitimate interests of inspected subjects and related agencies, organizations and persons, shall be considered and settled by heads of inspection agencies or heads of state management agencies which have made such conclusions or issued such handling decisions.

3. In case heads of management agencies or heads of inspection agencies have settled complaints but concerned complainants further lodge complaints, the settlement thereof shall be carried out under the law on complaints.

Article 74. Settlement of denunciations in inspection activities

Denunciations against illegal acts of heads of inspection teams, inspectors or other members of inspection teams shall be settled by heads of agencies directly managing such persons. Denunciations against illegal acts of inspection decision issuers shall be settled by heads of immediate superior agencies of such persons. The competence, order and procedures for settlement of denunciations comply with the law on denunciations. Denunciations against criminal acts shall be examined and settled by procedure-conducting agencies in accordance with law.

Chapter VIII

HANDLING OF VIOLATIONS

Article 75. Handling of violations of inspected subjects and related agencies, organizations and persons

1. Inspected agencies, organizations and persons committing one of the following acts shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and, if causing damage, pay compensation in accordance with law:

a/ Failing to provide information and documents or providing inaccurate and untruthful information and documents, appropriating and destroying documents and exhibits related to inspection contents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Calumniating or slandering persons performing inspection tasks;

d/ Offering bribes;

e/ Failing to discharge or fully discharge their obligations and responsibilities stated in inspection conclusions or inspection handling decisions.

2. Related agencies, organizations and persons that commit one of the following acts, shall, depending on the nature and seriousness of their violation acts, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability, and, if causing damage, pay compensation in accordance with law:

a/ Failing to supply information or documents or supplying inaccurate or untruthful information or documents; appropriating or destroying documents or exhibits related to inspection contents;

b/ Resisting, obstructing, bribing, taking revenge on or oppressing inspectors on duty and persons providing information or documents for inspection activities; causing difficulties to inspection activities;

c/ Illegally interfering in inspection activities; abusing their influence to exert impacts on inspectors in duty;

d/ Offering bribes;

e/ Failing to discharge or fully discharge their obligations and responsibilities stated in inspection conclusions or inspection handling decisions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 76. Handling of violations of persons conducting inspection, civil servants assigned to perform specialized inspection and other members of inspection teams

Inspection decision issuers, heads of inspection teams, inspectors, civil servants assigned to perform specialized inspection, inspection collaborators and other members of inspection teams who commit one of the following acts, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability, and, if causing damage, pay compensation in accordance with law:

1. Abusing inspection positions and powers to commit illegal acts, harass or cause troubles to inspected subjects.

2. Conducting inspection beyond the competence, scope and contents stated in inspection decisions.

3. Intentionally making untruthful conclusions, illegal decisions or handling, covering up persons committing illegal acts.

4. Disclosing information or documents on inspection contents in the course of inspection.

5. Intentionally failing to uncover or uncovering illegal acts which are subject to administrative sanctioning, disciplining or penal liability examination but failing to handle or properly handle them or failing to make proposal on handling them.

6. Distorting, forging, tampering with, destroying or appropriating inspection dossiers.

7. Receiving bribes or acting as bribery intermediaries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 77. Handling of acts of failing to perform communication and reporting responsibilities; failing to handle, and direct the implementation of, inspection conclusions

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of People's Committees at all levels and heads of other state agencies who fail to direct, urge and examine or promptly and properly direct, urge and examine the implementation of the regime of communication and reporting on inspection work, settlement of complaints and denunciations and prevention and combat of corruption within the scope of management of their ministries, sectors or localities, and fail to handle, and direct the implementation of, inspection conclusions shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, and, if causing damage, shall pay compensation in accordance with law.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 78. Internal inspection organizations in state agencies, non-business units, state enterprises

Government-attached agencies and specialized agencies of provincial-level People's Committees which are not assigned state management tasks, non-business units and state enterprises shall set up internal inspection organizations or arrange personnel to perform internal inspection to assist their heads in conducting inspection and examination work within the scope of their respective management.

Pursuant to the Law on Inspection and this Decree, heads of agencies, units and state enterprises shall organize and direct inspection activities within their respective agencies, enterprises and units.

Article 79. Effect

This Decree takes effect on November 15, 2011, and replaces the Government's Decree No. 41/2005/ND-CP of March 25, 2005, detailing and guiding a number of articles of the Law on Inspection; and Decree No. 61/1998/ ND-CP of August 15, 1998, on the work of inspection and examination of enterprises ceases to be effective.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of provincial-level People's Committees, and agencies, organiza­tions and units shall implement this Decree.-

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 hướng dẫn Luật Thanh tra

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


194.956

DMCA.com Protection Status
IP: 18.225.156.91
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!