Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 81/2023/QH15 Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 2030

Số hiệu: 81/2023/QH15 Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 09/01/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Quốc hội thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó có nội dung định hướng sử dụng đất quốc gia, đơn cử như:

- Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý;

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước;

Nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới.

Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023.
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 81/2023/QH15

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 506/TTr-CP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo số 1539/BC-UBKT15 ngày 04 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo số 399/BC-UBTVQH15 ngày 08 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tên quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phạm vi ranh giới quy hoạch: toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời Việt Nam.

Điều 2. Quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch

1. Quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 - 2030

a) Quan điểm phát triển

- Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

- Phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; coi văn hóa là trụ cột trong phát triển bền vững, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia để tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá;

b) Quan điểm về tổ chức không gian phát triển

- Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế so sánh của quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; đồng thời, có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa bàn thuận lợi.

- Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và các loại khoáng sản; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng, hành lang kinh tế, hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

- Tổ chức không gian phát triển quốc gia phải gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả không gian ngầm, vùng biển, vùng trời. Khai thác hiệu quả tài nguyên số, không gian số. Chú trọng việc kết nối các hành lang kinh tế trong nước với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy, thống nhất trong đa dạng; công nghiệp văn hóa phát triển mạnh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của biến đổi khí hậu. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.

Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng cac-bon thấp; phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai tương đương với các nước phát triển.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70 - 75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

3. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên;

b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

- Về kinh tế: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3 - 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hoá; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

- Về xã hội: duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); quy mô dân số đạt khoảng 105 triệu người. Chỉ số HDI duy trì ở mức trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Nâng cao chất lượng việc làm, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10 m2. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%.

Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hoá, gồm: trung tâm văn hoá hoặc trung tâm văn hoá - nghệ thuật, bảo tàng và thư viện.

- Về môi trường: tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ đạt 100% ở đô thị và 70% ở nông thôn. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực để phấn đấu nhanh nhất đạt mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng: hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị; phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam; phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm thiểu chi phí logistics.

- Về quốc phòng, an ninh: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

4. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch

a) Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu;

b) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới;

c) Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa bàn, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội và từng bước phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh;

d) Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng; kết nối hiệu quả với các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Điều 3. Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội

1. Phân vùng kinh tế - xã hội, định hướng phát triển và liên kết vùng

a) Phân vùng kinh tế - xã hội

Tổ chức không gian phát triển đất nước thành 06 vùng kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

- Vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.

- Vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

- Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau;

b) Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng

- Vùng trung du và miền núi phía Bắc: phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 8 - 9%/năm. Phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản, mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu. Phát triển kinh tế cửa khẩu. Hình thành các trung tâm du lịch, sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng.

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế nội vùng, liên vùng, kết nối vùng với các trung tâm kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng; tập trung xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng. Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng. Nghiên cứu đầu tư và nâng cấp một số cảng hàng không trong vùng. Xây dựng các tuyến đường sắt từ Lào Cai, Lạng Sơn về Hà Nội, Hải Phòng.

- Vùng đồng bằng sông Hồng: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm. Xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, phục vụ đô thị. Phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép tại các đô thị lớn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất. Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á. Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phát triển các hành lang kinh tế nội vùng và liên vùng, kết nối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng; phát triển vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình). Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Hà Nội với các địa phương trong và ngoài vùng, tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới từ Hà Nội kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế lớn; cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô.

- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%/năm. Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, năng lượng tái tạo; xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics. Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam qua địa bàn vùng và các hành lang Đông - Tây kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn. Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với vùng Tây Nguyên.

- Vùng Tây Nguyên: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%/năm. Bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả với quy mô phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu, rau, hoa. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bô-xit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Phát triển hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, các hành lang Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến đường nối với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt qua địa bàn Tây Nguyên.

- Vùng Đông Nam Bộ: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm. Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung quy mô lớn, hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo. Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, các dịch vụ ngành dầu khí, phát triển du lịch biển. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung gắn với chế biến và thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Phát triển một số cơ sở giáo dục đại học lớn theo hướng trọng tâm, trọng điểm đủ năng lực đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Phát triển công nghiệp văn hóa, các trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng.

Tạo động lực liên kết, lan toả thúc đẩy hợp tác và phát triển qua hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong và ngoài vùng, đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng các tuyến đường sắt kết nối trung tâm đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng giảm lúa gạo, tăng trái cây và thủy sản; sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, hiệu quả hơn. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia về nông nghiệp trên địa bàn vùng. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các hồ chứa nước và nghiên cứu các biện pháp, công trình trữ nước trong sông, kênh, rạch; phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn; bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam tập trung phát triển đoạn Cần Thơ - Long An là hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp động lực của vùng. Hình thành, phát triển một số hành lang kinh tế Đông - Tây. Tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, cảng biển, hạ tầng logistics; nâng cấp các luồng chính, bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn.

2. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia

a) Vùng động lực phía Bắc

Phát triển vùng động lực phía Bắc, bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Xây dựng vùng động lực phía Bắc đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển - đảo và công nghiệp đóng tàu;

b) Vùng động lực phía Nam

Phát triển vùng động lực phía Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Xây dựng vùng động lực phía Nam dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tập trung phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học, công nghệ, logistics. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển;

c) Vùng động lực miền Trung

Hình thành, phát triển vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến biển) thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.

Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô, phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá;

d) Vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long

Hình thành, phát triển vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm thành phố Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và thành phố Phú Quốc; trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực gắn với cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Xây dựng vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp. Hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; xây dựng vùng trở thành trung tâm quốc gia về khoa học, công nghệ nông nghiệp và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới;

đ) Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và đồng bằng sông Hồng; vùng Tây Nguyên; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và phụ cận).

3. Phát triển các hành lang kinh tế

a) Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030

- Phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển và khu vực phía Tây đất nước, kết nối với hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore. Xây dựng phương án, bố trí không gian phát triển các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

- Phát triển hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc, kết nối vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.

- Phát triển hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên;

b) Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn

- Hình thành hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ) nhằm thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; kết nối các vùng nguyên liệu cây công nghiệp, công nghiệp chế biến, liên kết phát triển du lịch “con đường xanh Tây Nguyên”, tăng cường tác động lan tỏa của các đô thị trung tâm vùng.

- Từng bước hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây

Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, kết nối khu vực Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc.

Hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng kết nối các địa phương của Lào với cảng biển tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), kết nối các địa phương phía Nam Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào với cảng biển của miền Trung Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước, phát triển các địa phương Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với cảng biển Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai, thúc đẩy phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, kết nối với hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long và toàn vùng.

Nghiên cứu xây dựng hành lang kinh tế Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng; hành lang kinh tế Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; hành lang kinh tế kết nối khu vực Nam Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng) với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận).

4. Các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển

a) Các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái của các khu bảo tồn thiên nhiên.

- Vùng lõi di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.

- Khu vực bảo vệ I các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt.

- Rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư;

b) Các vùng hạn chế phát triển

- Các khu vực địa hình quan trọng đặc biệt và quan trọng cao ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng được xác định trong quy hoạch tỉnh.

- Vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.

- Các hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng.

- Khu vực bảo vệ II các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt.

- Hành lang bảo vệ nguồn nước.

- Rừng phòng hộ ngoài khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

- Vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Điều 4. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia

1. Định hướng tổng thể phát triển hệ thống đô thị

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá phù hợp với quy hoạch, hình thành hệ thống đô thị, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng phát triển đô thị về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, nhà ở và chất lượng sống của người dân. Nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và hội nhập của hệ thống đô thị.

Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Bảo đảm tính kết nối giữa đô thị - nông thôn. Quy hoạch, phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD); chú trọng khai thác không gian ngầm tại các đô thị lớn. Lựa chọn đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Hình thành và phát triển một số đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống đô thị ven biển và hải đảo theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; chú trọng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, phát huy các yếu tố di sản, văn hóa - lịch sử.

Xây dựng, phát triển thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế để trở thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển. Phát triển các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các đô thị. Chú trọng phát triển các đô thị nhỏ, vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị, nông thôn. Phát triển các mô hình đô thị đặc thù như đô thị du lịch, đô thị đại học, đô thị sáng tạo, đô thị kinh tế cửa khẩu, đô thị đảo.

2. Định hướng phân bố các vùng đô thị lớn

a) Vùng đô thị Hà Nội: xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Hà Nội và các đô thị lân cận của các tỉnh xung quanh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.

Phát triển thành phố Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị.

Xây dựng các thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội, các đô thị vệ tinh có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của thành phố Hà Nội;

b) Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh: xây dựng hệ thống đô thị gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm chia sẻ chức năng về dịch vụ, công nghiệp, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng các trục từ Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt kết nối sân bay, cảng biển cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Nam. Hình thành các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc theo các đường vành đai 3, vành đai 4. Phát triển thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thương với quốc tế. Chú trọng khai thác không gian ngầm gắn với khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị. Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh;

c) Vùng đô thị Đà Nẵng: xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên;

d) Vùng đô thị Cần Thơ: xây dựng hệ thống đô thị với đô thị trung tâm là thành phố Cần Thơ và các đô thị lân cận trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học, công nghệ, văn hoá, thể thao của cả vùng. Khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ - Mỹ Thuận - Trung Lương - Thành phố Hồ Chí Minh để tập trung phát triển đô thị, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng. Phát triển thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

3. Định hướng phát triển nông thôn

Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa; có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức sản xuất hợp lý, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo sinh kế bền vững cho người dân; xã hội nông thôn ổn định, dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được bảo đảm.

Xây dựng các mô hình phân bố dân cư phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên và đặc điểm văn hoá, dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội. Chủ động di dời, bố trí, sắp xếp lại các điểm dân cư đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở.

Đối với nông thôn ven đô, đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị, hình thành các điểm dân cư tập trung nông thôn xanh, sinh thái. Từng bước đưa phát triển đô thị về địa bàn nông thôn.

Đối với nông thôn ở khu vực miền núi phía Bắc, một số vùng ở đồng bằng sông Hồng và các vùng miền khác, phát triển các khu dân cư tập trung có quy mô thích hợp liên kết với đô thị; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với nông thôn thuộc vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với nông thôn thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn gắn với địa bàn sản xuất, các vùng chuyên canh, cụm ngành chế biến - dịch vụ, liên kết hài hòa với các đô thị để bảo đảm cung cấp dịch vụ cơ bản.

Phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Rút ngắn khoảng cách về phát triển và mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với trung bình cả nước.

4. Tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị và nông thôn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định.

Điều 5. Định hướng phát triển không gian biển

1. Phạm vi không gian biển bao gồm vùng đất ven biển, các đảo, các quần đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam.

2. Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển. Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Hình thành các cụm kinh tế biển đa ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh.

3. Vùng biển được phân thành các vùng chức năng về bảo vệ, bảo tồn, phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh và quản lý sử dụng theo các vùng cấm khai thác, khai thác có điều kiện, khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển và vùng cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.

4. Định hướng theo các vùng biển và ven biển: phát triển các vùng biển và ven biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển hành lang giao thông đường bộ ven biển, chuỗi đô thị ven biển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm cơ sở phát triển các hoạt động kinh tế biển.

a) Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; phát triển thành phố Hải Phòng có công nghiệp hiện đại, trung tâm về dịch vụ logistics và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ biển. Phát triển một số ngành công nghiệp biển có lợi thế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển;

b) Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (Thanh Hoá - Bình Thuận): tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển. Tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp;

c) Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí. Xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao;

d) Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): tập trung xây dựng phát triển thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.

5. Định hướng đối với các đảo và quần đảo

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển bao gồm cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Phát triển các trung tâm hậu cần nghề cá, cảng cá, cảng biển, nơi tránh trú bão, tìm kiếm cứu nạn trên một số đảo. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số đảo trọng điểm, có dân cư sinh sống; khuyến khích các hoạt động phát triển kinh tế; nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản ở những khu vực xa bờ; phát triển du lịch, cảng biển, khai thác hải sản tại các đảo; phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền; trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

6. Hoạt động lấn biển phải được tính toán đầy đủ các yếu tố tự nhiên và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Điều 6. Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời

1. Quản lý, giữ vững chủ quyền vùng trời Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc khai thác, sử dụng vùng trời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, hiệu quả, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Khai thác có hiệu quả và quản lý các vùng thông báo bay Hà Nội và vùng thông báo bay Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật. Khai thác hiệu quả và tối ưu hóa việc tổ chức vùng trời và phương thức bay các cảng hàng không, sân bay đang hoạt động và các cảng hàng không, sân bay dự kiến nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới trong thời kỳ quy hoạch.

3. Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động khai thác, sử dụng vùng trời của các tổ chức, cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật; việc cấp phép chiều cao xây dựng đối với các công trình trên mặt đất phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay, hoạt động bình thường của các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng

1. Phát triển nền công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, trong đó có công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, nhất là điện tử, sản xuất chip bán dẫn, công nghiệp sinh học. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, năng lượng; phát triển các khu công nghiệp sinh thái và giảm dần các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại vùng đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, tài nguyên; mở rộng các cụm công nghiệp gắn với các trung tâm phát triển ở khu vực nông thôn. Phân bố các khu, cụm công nghiệp với quy mô hợp lý, tập trung chuyên ngành, gắn kết sản xuất với dịch vụ công nghiệp; phát triển các tổ hợp công nghiệp chuyên sâu trong các lĩnh vực. Hình thành các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại; bảo đảm sự kết nối đồng bộ giữa khu công nghiệp với hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

2. Phát triển khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế. Phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững; phát triển vững chắc thương mại quốc tế đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa. Chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phù hợp với đặc điểm và điều kiện từng vùng. Phát triển mạnh thương mại điện tử.

Xây dựng các trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng, các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch trên các vùng và cả nước. Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên hạ tầng các khu du lịch quốc gia trọng điểm; khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giàu sức cạnh tranh gắn với phát triển các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế; chú trọng xây dựng các hành lang di sản, các sản phẩm du lịch trong hành lang di sản.

3. Phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với công nghiệp chế biến và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp thông minh nhằm thúc đẩy đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh nông nghiệp hữu cơ, vùng chăn nuôi tập trung an toàn dịch bệnh với quy mô phù hợp, hiệu quả cao dựa trên lợi thế vùng, miền, địa phương; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý. Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng diện tích trồng cây ăn quả, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đối với khu vực ven biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển; bố trí lại sinh kế của cộng đồng ngư dân sang phát triển nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, dịch vụ du lịch.

Điều 8. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia

1. Phát triển đồng bộ mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương. Tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, đào tạo gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Phát triển các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia; nâng cấp, xây dựng một số đại học, trường đại học lớn và trường đại học sư phạm, đào tạo y khoa trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và thế giới. Phát triển một số khu đô thị đại học. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Xây dựng các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phù hợp với phát triển các ngành nghề ưu tiên tại các trung tâm kinh tế lớn.

Nâng cao chất lượng, mở rộng và phân bố hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đáp ứng nhu cầu xã hội về tiếp cận dịch vụ giáo dục. Xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật. Phát triển, củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng nhằm thực hiện công tác xóa mù chữ, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Phát triển hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh có quy mô phù hợp với nhiệm vụ đào tạo theo từng địa bàn nhằm củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân.

2. Xây dựng, nâng cấp và sắp xếp, phân bố không gian mạng lưới cơ sở y tế phù hợp, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi đối với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. Bảo đảm mỗi vùng có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu. Xây dựng một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế; hình thành, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu hiện đại. Xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia; xây dựng một số cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin quốc gia. Phát triển các trung tâm kiểm nghiệm cấp vùng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế.

3. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gắn với việc hình thành, phát triển các không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, phát triển văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng các cơ sở văn hóa quốc gia trở thành những thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước. Xây dựng, nâng cấp các bảo tàng quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cải tạo, nâng cấp các thư viện cấp quốc gia, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học… Xây dựng, nâng cấp các cơ sở nghệ thuật biểu diễn quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Đầu tư phát triển, tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là các di sản được UNESCO công nhận. Hình thành kinh tế thể thao chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển cơ sở thể dục thể thao cộng đồng.

4. Phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cả về số lượng và chất lượng. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực của hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện. Hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trên cơ sở liên kết các tổ chức khoa học và công nghệ với các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu.

Đầu tư trọng điểm để phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Rà soát, tinh gọn đầu mối các tổ chức nghiên cứu - phát triển thuộc các Bộ, ngành, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với các định hướng ưu tiên về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành. Củng cố, phát triển các tổ chức nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đầu tư trọng điểm để hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện vai trò gắn kết các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các vùng, địa phương. Phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các công nghệ dẫn dắt, tạo lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khuyến khích các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn ngoài nhà nước hình thành các đơn vị nghiên cứu và phát triển.

5. Tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của các Bộ, ngành trung ương theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Hình thành các nhà xuất bản lớn, phân bố hợp lý hệ thống phát hành xuất bản phẩm.

6. Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công về trợ giúp xã hội tại cơ sở của các nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Từng bước hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, bảo đảm cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội theo tiêu chuẩn quốc gia và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

7. Nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng phương pháp chuyên môn, kỹ thuật sâu tích hợp giữa điều dưỡng và nuôi dưỡng với chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc xã hội khác cho người có công.

Điều 9. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia

1. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên cơ sở phát huy ưu thế của các phương thức vận tải, bảo đảm kết nối rộng khắp tới mọi địa bàn lãnh thổ đất nước, giảm thiểu chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, đường thủy nội địa.

Định hướng tổ chức không gian hệ thống giao thông quốc gia: hình thành các hành lang trục dọc quốc gia Bắc - Nam với đủ 5 phương thức vận tải. Đối với khu vực phía Bắc, hình thành các hành lang hướng tâm kết nối với Hà Nội, các hành lang Đông - Tây để kết nối khu vực miền núi phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông. Đối với khu vực miền Trung, hình thành các trục Đông - Tây kết nối khu vực phía Tây với các cảng biển khu vực phía Đông và liên kết đối ngoại với các nước Lào, Campuchia. Đối với khu vực phía Nam, hình thành các hành lang theo trục Đông - Tây và Bắc - Nam, khai thác lợi thế về vận tải đường thủy nội địa và các cảng biển, cảng hàng không lớn, kết nối giao thông quốc tế. Hình thành các tuyến vành đai và các trục hướng tâm từ các tỉnh lân cận kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Định hướng phát triển của các loại hình kết cấu hạ tầng giao thông:

- Đường bộ: hoàn thành xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, kết nối các cảng biển đặc biệt, sân bay quốc tế, các cửa khẩu quốc tế có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn; các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.

- Đường sắt: phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và cửa khẩu quốc tế quan trọng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hoà - Vũng Tàu. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đầu mối, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Cảng biển: nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh).

- Cảng hàng không: xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; tập trung mở rộng, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; mở rộng các cảng hàng không quốc tế gắn với các vùng động lực. Phấn đấu đến năm 2030, có khoảng 92 - 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Trên cơ sở định hướng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các sân bay chuyên dùng gắn với các vùng sản xuất, trung tâm du lịch quy mô lớn; tận dụng, phục hồi nhanh các sân bay cũ, sân bay quân sự phục vụ lưỡng dụng.

- Đường thủy nội địa: đầu tư, nâng cấp đồng bộ các tuyến sông chính để vận tải hàng hóa, container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên các tuyến đường thuỷ nội địa tại vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên đầu tư và khai thác hiệu quả hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

2. Phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió, điện mặt trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới lưới điện truyền tải 500 kV liên vùng đồng bộ với phát triển nguồn điện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Nghiên cứu kết nối năng lượng với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tăng cường hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Phát triển công nghiệp khí; nghiên cứu đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Phát triển các trung tâm năng lượng gắn với các tổ hợp lọc hóa dầu, đồng thời gia tăng hàm lượng chế biến các sản phẩm sau dầu. Đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường; mở rộng tìm kiếm, thăm dò, nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên.

3. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ và liên kết chặt chẽ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tiên tiến; có khả năng cung cấp các dịch vụ thông tin và truyền thông tin cậy với giá cả phù hợp; bảo đảm an toàn thông tin mạng; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Phát triển hạ tầng Internet quốc gia, tăng cường năng lực kết nối khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Chuyển dịch đầu tư xây dựng hệ thống truyền dẫn trục quốc gia từ tập trung phát triển theo trục Bắc - Nam sang mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây, nâng cao năng lực dự phòng và phân tải cho mạng đường trục quốc gia. Phát triển các vệ tinh VINASAT của Việt Nam.

Hoàn thiện các nền tảng số quy mô quốc gia để vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số vùng có sự phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ thông tin.

4. Phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu, cấp, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh chính để bảo đảm năng lực thiết kế của các hệ thống thủy lợi liên tỉnh. Xây dựng giải pháp điều tiết nguồn nước trên dòng chính các sông có khó khăn về diễn biến hạ thấp đáy sông, mực nước sông phức tạp và nguy cơ xâm nhập mặn cao.

Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện các giải pháp khôi phục dòng chảy và môi trường các dòng sông bị ô nhiễm, giải quyết tình trạng hạ thấp mực nước sông để các công trình thuỷ lợi có thể chủ động lấy nước phục vụ sản xuất tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Xây dựng công trình kiểm soát nguồn nước tại các cửa sông lớn để chủ động kiểm soát mặn, trữ ngọt, bổ sung nước ngọt ra vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng, chống lũ, chống ngập lụt bảo vệ các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển toàn quốc.

5. Phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển các trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

6. Xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; tham gia vào mạng lưới khí tượng thủy văn toàn cầu.

Ưu tiên phát triển các trạm khí tượng thủy văn có nhiều yếu tố quan trắc, trạm giám sát biến đổi khí hậu, các trạm lồng ghép quan trắc tài nguyên môi trường. Phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gắn với các khu vực chịu tác động như các lưu vực sông liên tỉnh, các địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế, các hồ lớn được bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, các khu vực đầu nguồn, khu vực tập trung nhiều nguồn thải lớn, các khu vực biển, khu vực có các điều kiện thủy văn phức tạp. Ưu tiên bố trí các trạm quan trắc thủy văn môi trường hiện đại và tự động hóa tại đầu nguồn các sông lớn xuyên biên giới.

7. Phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện của từng vùng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của Nhân dân.

8. Phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị và ngoại giao với các nước, gắn kết với định hướng phát triển theo vùng, theo các vành đai và hành lang kinh tế. Đến năm 2030, các tỉnh biên giới trên đất liền đều có cửa khẩu; các cửa khẩu quan trọng có cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, hợp tác. Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới.

Điều 10. Định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Định hướng sử dụng tài nguyên

a) Tài nguyên nước: chủ động, ưu tiên và bảo đảm nguồn nước về trữ lượng và chất lượng cấp cho sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước cung cấp cho đô thị, nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư ở đô thị đạt 95 - 100%, ở nông thôn đạt 65% vào năm 2030. Phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy tối thiểu, đạt được hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường trong cả mùa lũ lẫn mùa kiệt trên các lưu vực sông. Khai thác hợp lý nguồn nước dưới đất, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, bảo đảm không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng và phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất. Giải quyết vấn đề mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các ngành, lĩnh vực, nhất là giữa thủy điện và thủy lợi; giữa thượng lưu với hạ lưu; giữa các địa phương trên các lưu vực sông và những mâu thuẫn có tính xuyên quốc gia trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước tại các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lưu vực sông Cả, lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Ba;

b) Tài nguyên thủy sản: giảm dần mức độ khai thác bảo đảm phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Khai thác có chọn lọc các loại thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập và ổn định sinh kế cho ngư dân. Chuyển đổi cơ cấu nghề, khai thác hợp lý giữa các vùng biển, vùng sinh thái nội địa. Chuyển từ hoạt động khai thác xâm hại nguồn lợi, hủy hoại môi trường, sinh thái sang khai thác thân thiện, đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, vùng nội địa theo hướng phát triển hợp lý, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển; các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trên các vùng biển và hệ thống sông, hồ chính;

c) Tài nguyên rừng: quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bố trí không gian và quy mô diện tích rừng bảo đảm yêu cầu phòng hộ hệ thống các sông lớn, các hồ, đập quan trọng và các vùng đất thấp, vùng đất ngập nước, vùng ven biển chịu ảnh hưởng bởi tác động thiên tai và biến đổi khí hậu; duy trì, mở rộng hệ thống rừng đặc dụng; ổn định và bổ sung diện tích rừng sản xuất để cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Tiếp tục duy trì các vùng nguyên liệu quan trọng trong khai thác, chế biến lâm sản. Thiết lập các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp;

d) Tài nguyên khoáng sản: cơ bản hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên phần đất liền; điều tra, phát hiện khoáng sản tại các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Điều tra, thăm dò các loại khoáng sản công nghiệp, tập trung thăm dò các khu vực có triển vọng cao, các khoáng sản quan trọng và khoáng sản có tiềm năng trữ lượng lớn phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ưu tiên thăm dò các mỏ, khu vực phân bố khoáng sản trong vùng phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hoặc các vùng lân cận; những vùng có điều kiện khai thác thuận lợi hoặc có khả năng đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường.

Hạn chế tối đa và tiến tới dừng khai thác các mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, các mỏ khai thác phát sinh tác động lớn đến môi trường, cảnh quan khu vực. Chú trọng sắp xếp, bố trí hình thành các cụm mỏ có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu và áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài; ưu tiên sử dụng các loại khoáng sản cho phát triển công nghiệp quy mô lớn, hiện đại ở trong nước; xuất khẩu khoáng sản trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản; hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô.

2. Định hướng về bảo vệ môi trường

Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả tổng hợp sử dụng đầu vào, đầu ra của các quá trình sản xuất. Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.

Ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại. Cải tạo, nâng cấp, kiểm soát các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt; chuyển đổi các bãi chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt thành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại.

Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn. Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện. Tăng cường quản lý nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường nước mặt, đặc biệt tại các dòng sông, đoạn sông liên tỉnh bị ô nhiễm. Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ, ao, kênh, mương, rạch ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại chất lượng nước ở các đoạn sông, kênh, mương, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tiếp tục bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, vùng lõi di sản thiên nhiên; mở rộng hệ thống, thành lập mới các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn và khu bảo tồn biển; mở rộng hệ thống các khu di sản thiên nhiên được các tổ chức quốc tế công nhận. Khoanh vùng, xây dựng, bảo vệ và sử dụng bền vững các hành lang đa dạng sinh học. Bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước quan trọng có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) hiện có; tiếp tục nâng tổng số khu Ramsar của cả nước; khoanh vùng, bảo vệ và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn. Khoanh vùng, bảo vệ, sử dụng bền vững và thành lập mới các khu vực đa dạng sinh học cao, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng. Xác định hành lang bảo vệ nguồn nước, phân vùng bảo vệ nguồn nước theo mức độ ưu tiên.

3. Phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực.

Củng cố, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê điều, hồ đập bảo đảm chủ động phòng, chống lũ, bão theo mức thiết kế. Bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều, nhất là đối với các đô thị lớn; công trình kiểm soát nguồn nước phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Xây dựng, củng cố công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực diễn biến sạt lở phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng công trình đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng. Đẩy mạnh trồng cây chắn sóng bảo vệ đê, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng, nâng cấp công trình trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt tới tất cả các địa phương, người dân trên cả nước và tàu thuyền hoạt động trên biển. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất; chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng có mức độ rủi ro cao về thiên tai. Xây dựng các bản đồ về rủi ro thiên tai để định hướng sắp xếp, bố trí các hoạt động phát triển, giảm thiểu nguy cơ tác động của thiên tai.

Điều 11. Định hướng củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia

1. Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến; nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm. Phát triển kinh tế biển và vùng ven biển; điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng phù hợp với chiến lược, đề án về quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

3. Xây dựng đồng bộ hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh quốc gia; phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; kiên quyết làm giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Điều 12. Định hướng sử dụng đất quốc gia

1. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia, tạo bước đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới. Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.

3. Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha. Trong phạm vi diện tích phù hợp, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.

4. Quản lý chặt chẽ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, bảo vệ diện tích và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển và nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là rừng trồng gỗ lớn.

5. Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế. Tiếp tục mở rộng đất đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.

Điều 13. Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện

1. Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

2. Trường hợp phát sinh các dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được bổ sung vào Danh mục này đồng thời với trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch

1. Về huy động vốn đầu tư

Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển theo hướng tăng dần cho chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại chi đầu tư công theo hướng trọng tâm, trọng điểm và không dàn trải, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Ưu tiên đầu tư công cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh và kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế, kết nối mạng lưới giao thông khu vực, quốc tế; đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao cho toàn vùng. Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tiền thu được từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng của quốc gia, của địa phương. Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy hoạch và tại các khu vực phát triển đô thị theo TOD để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm nhằm huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển. Định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.

Huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, nâng cao chất lượng môi trường, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Về cơ chế, chính sách

Xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy hoạch.

Xây dựng cơ chế, chính sách cho các địa phương tại các vùng động lực quốc gia có nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cũng như các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia.

Quan tâm đầu tư các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo phát triển văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng biên giới. Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từng bước phát triển khu vực khó khăn thông qua xây dựng hạ tầng kết nối khu vực khó khăn với các hành lang kinh tế, kết nối các khu vực biên giới khó khăn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần xã hội.

3. Về khoa học, công nghệ và môi trường

Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt. Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.

Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại các đô thị lớn, lưu vực sông, biển. Quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Tăng cường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia theo mô hình tiên tiến trên thế giới.

4. Về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về nguồn nhân lực để tăng nhanh tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ; huy động nguồn lực trong nước và quốc tế trong đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực.

Xây dựng các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên và các địa phương trong các vùng động lực; thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật về công tác lâu dài và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ ở các vùng khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, dự án hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để tăng cường kết nối kinh tế trong và ngoài khu vực ASEAN.

Thực hiện hiệu quả các hiệp định song phương và đa phương về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho vận tải hành khách và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức trong khuôn khổ ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) và với các nước trên thế giới.

Chủ động, tích cực hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn nữa với các thị trường lớn, quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, phát huy tối đa lợi ích mà các FTA mang lại.

Chủ động và tham gia tích cực các điều ước quốc tế, cơ chế hợp tác song phương, đa phương, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tài nguyên nước trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích của từng quốc gia có liên quan trong việc khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước xuyên biên giới.

Chủ động và tham gia tích cực vào các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều 15. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch tổng thể quốc gia) được thông qua tại Nghị quyết này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng quốc gia phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và mục tiêu, định hướng đã được xác định tại Nghị quyết này. Các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

2. Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm thống nhất với nội dung của Nghị quyết này;

b) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật; ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch;

c) Chỉ đạo tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch; triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia;

d) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia;

đ) Xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động điều phối vùng; nghiên cứu việc xây dựng cơ chế về phối hợp nguồn lực giữa các địa phương;

e) Xây dựng nguyên tắc ưu tiên sử dụng không gian biển cho các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch không gian biển quốc gia;

g) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội quyết định.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 09 tháng 01 năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ KIẾN CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Kèm theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội)

TT

Dự án

Phân kỳ thực hiện

Giai đoạn 2021 - 2030

Giai đoạn 2031-2050

1

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

X

2

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây

X

3

Đường bộ cao tốc Đông - Tây

X

4

Cảng hàng không quốc tế Long Thành

X

X

5

Đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai Thành phố Hồ Chí Minh

X

6

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

X

X

7

Đường sắt đô thị Hà Nội, đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh

X

X

8

Các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế

X

X

NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

Resolution No. 81/2023/QH15

Hanoi, January 9, 2023

 

RESOLUTION

NATIONAL MASTER PLAN FOR 2021 – 2030 WITH VISION SCHEDULED FOR 2050

NATIONAL ASSEMBLY

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

Pursuant to the Law on National Assembly Organization No. 57/2014/QH13 of which several Articles are amended and supplemented by the Law No. 65/2020/QH14;

Pursuant to the Law on Planning No. 21/2017/QH14;

Pursuant to the Resolution No. 61/2022/QH15 dated June 16, 2022 of the National Assembly on continued strengthening of effectiveness and efficiency of the implementation of planning policies and laws, and a number of measures to handle issues and problems, speed up the formulation and improve the quality of the planning for 2021 – 2030;

In light of the Government's Proposal No. 506/TTr-CP dated December 27, 2022 on the National Master Plan for 2021 - 2030 with vision for 2050; the Report No. 1539/BC-UBKT15 dated January 4, 2023 of the National Assembly's Economic Committee regarding the review of the Dossier on National Master Plan for 2021 - 2030 with vision for 2050; the Report No. 399/BC-UBTVQH15 dated January 8, 2023 of the National Assembly’s Standing Committee on entertaining, revising and responding to the opinions of National Assembly deputies on the National Master Plan for 2021 - 2030 with vision for 2050, and opinions of National Assembly deputies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Title and scope of the Plan  

1. Title: National Master Plan for 2021 – 2030 with vision scheduled for 2050 (hereinafter referred to as “Plan”).

2. Scope: The Plan covers all sovereign territories of Vietnam, including land, islands, archipelagoes, entrails of the earth, waters and airspace.

Article 2. Development perspectives, vision, goals and key tasks in the planning period

1. Development perspectives and spatial organization for development for 2021 - 2030

a) Development perspectives

- Extensive, rapid and sustainable development relies mainly on science, technology, creative innovation, digital transformation, green transformation, and development of the circular economy.

- Maximizing national, regional and local advantages; ensuring that economic development is in harmony with cultural and social development, environmental protection, adaptation to climate change, and maintenance of national defense and security.

- Reform and enhancement of the quality of the socialist-oriented market economy institution with a view to ensuring that it is complete, consistent, modern, and integrative; and effective and efficient law enforcement must serve as the prerequisites to promotion of the national development. The market must play a key role in mobilizing, allocating and efficiently using resources. Rapidly and harmoniously developing economic sectors and business types; developing the private sector so that it is indeed an important driving force for the entire economy.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Building an independent and self-reliant economy must be based on technological mastery; proactive and active international integration; market diversification; and strengthening of adaptability and resilience of the economy. National industrial capacity must be built in order to participate effectively and improve the position of our country in the global value chain. Drawing upon the intrinsic force should be regarded as fundamental, strategic, long-term, and a decisive factor. Meanwhile, the extrinsic force and power of the times should serve as the important and breakthrough factor;

b) Perspectives in spatial organization for development

- The national development space must be effectively and consistently organized on a national scale, ensuring intra-regional, inter-regional, regional and international linkages associated with exploiting the comparative advantages of the entire country, each region and each locality in a region in order to effectively mobilize, allocate and use resources, and improve national competitiveness.

- Allowing the focused and targeted development to be directed towards a number of areas having favorable conditions in terms of geographical location, economic and social infrastructure, high-quality human resources, potentials and other advantages so as to create dynamic regions, economic corridors, growth poles, bringing about a pervasive effect to encourage the country's economy to develop rapidly, effectively and sustainably; at the same time, having mechanisms, policies and resources suitable to the conditions of the economy to ensure social security, provide public services to disadvantaged areas, especially healthcare, education services, in the expectation of gradually bridging the development gap between disadvantaged and advantaged areas.

- Efficiently and economically using natural resources, especially land, water, forest, sea and other mineral resources; ensuring energy security, food security, water source security; developing green economy, circular economy; protecting environment, conserving the nature and improving biodiversity quality; proactively preventing and controlling natural disasters, and adapting to climate change.

- Spatial organization for development of the whole country, regions, economic corridors, and cities or urban areas must be associated with development of consistent, gradual modernization of infrastructure, and harmonious development of urban and rural areas.

- The national development space must be organized in a way that links the mainland with the marine space; ensures effective management, exploitation and use of underground space, waters and airspace. Making an effective use of digital resources and space. Attaching importance to connecting domestic economic corridors with regional and international economic corridors. Closely and harmoniously combining economic, cultural and social development with firmly safeguarding national independence, sovereignty, unity and territorial integrity; consolidating and enhancing national defense and security potentials.

2. Vision scheduled for 2050

Becoming a developed and high-income country with a complete, synchronous, modern socialist-oriented market economic institution, and an equitable, democratic and civilized society; with its society that is governed on a complete digital social platform. The country’s economy is expected to operate according to the mode of digital economy, green economy, or circular economy with science, technology and innovation that serve as a key growth engine. Vietnam will become one of the leading industrialized countries in Asia; be a regional and international financial center; be developed into one of the world-leading high-value agroecological economies. In addition, Vietnam is expected to become a strong maritime country, and a center for marine economy in the Asia-Pacific region; actively and responsibly participate in settlement of international and regional issues relating to the sea and ocean.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The nation’s infrastructure will be made modern and consistent, and effectively adapt to sea level rise and climate change impacts. The country’s regions aim for harmonious and sustainable development, as well as effective exploitation of their potentials and strengths.

The nation’s cities and urban areas will be connected to create a synchronous and unified network that is resistant and adaptable to climate change; will have the signature style of architecture, be culturally rich, green, civilized, modern and smart. Building at least 5 cities of international class that serve as convergence and development hubs with regional and international urban networks.

The nation’s rural areas will become modern with living conditions leveling with those of urban areas, and green, clean, beautiful and culturally rich living environment.

The nation's environment will be of good quality; the nation’s society will be in harmony with the nature; the nation will be effectively developed into a low carbon economy; the nation will strive to achieve the target of net-zero emission as quickly as possible by 2050. The capacity for forecasting and warning of natural disasters, monitoring climate change, and managing disaster risks will be on a level with that of other countries.  

The growth rate of Gross Domestic Product (GDP) during the period of 2031 - 2050 is expected to increase by about 6.5% - 7% on average. By 2050, it is expected that GDP per capita at the current price will reach about 27,000 - 32,000 USD; the urbanization rate will reach 70% - 75%; human development index (HDI) will reach 0.8 or higher; the population lead happy lives; national defense and security will be firmly sustained.

3. Development objectives to be achieved by 2030

a) Overall objectives

By 2030, striving to be a developing country with the modern industry, high average income, economic growth based on science, technology, innovation and digital transformation; an effective, unified and sustainable spatial organization model for national development that helps develop dynamic regions, economic corridors, growth poles, and has a synchronous and modern basic infrastructure network; ensuring major balances, improving the resilience of the economy; ensuring energy security, food security and water source security; protecting ecological environment, adapting to climate change; holistically developing human resources, improving the people's material and spiritual life; maintaining national defense and security; raising Vietnam's position and prestige in the international arena;

b) Specific goals and indicators

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Exploiting the advantages of each socio-economic region; focusing on developing two dynamic regions in the North and the South, associated with two growth poles, Hanoi capital and Ho Chi Minh city, North-South economic corridor, Lao Cai - Hanoi - Hai Phong - Quang Ninh economic corridor, and Moc Bai - Ho Chi Minh City - Bien Hoa - Vung Tau economic corridor with synchronous and modern infrastructure, high growth rate, and great contributions to the overall development of the country.

Developing a sustainable network of cities; ensuring the urbanization rate will reach over 50%; striving for 3 - 5 cities that are of regional and international class. Building new rural areas that develop in all aspects, sustainably, and in line with urbanization goals and objectives; ensuring that the percentage of communes meeting prescribed standards of new rural areas will be over 90%, including 50% of the communes meeting the advanced standards of new rural areas.

Robustly developing digital and data infrastructure with the aim of serving as a foundation for national digital transformation, and developing digital government, digital economy and digital society; expecting that the digital economy will account for about 30% of GDP.

- Regarding society: Sustainably maintaining the replacement level fertility rate (on average, 2.1 children per each woman of reproductive age); expecting that the population will reach about 105 million people. HDI is expected to remain above 0.7. The average life expectancy will be 75 years, including at least 68 years of the healthy life expectancy. The share of agricultural workers in the total social labor will drop to less than 20%. Improving the quality of jobs; keeping the unemployment rate at a reasonable level. The floor area of residential housing on average per capita in urban areas is expected to be 32 m2. The average tree cover per an urban dweller is expected to reach about 8-10 m2. The ratio of land intended for road construction to urban construction land is expected to be about 16-26%.

Developing the education system of Vietnam so that it will be as advanced as others in the region and is ranked one of the top 10 countries with the best higher education system in Asia. The ratio of students enrolled in higher education programs will be 260 per ten thousand people. Trained workers who hold academic qualification or certificates are expected to account for 35% - 40%.

Improving the quality of health services on par with that in advanced countries in the region. Developing a national network of medical facilities meeting the requirements concerning health care, protection and improvement for the entire population that is directed towards the goals of equity, quality, efficiency and international integration. By 2030, expecting that there will be 35 hospital beds and 19 doctors per 10,000 people; the rate of private hospital beds will reach 15%.

Building a healthy cultural environment in all aspects of social life. Developing a network of national cultural establishments that can succeed in fulfilling the task of preserving and promoting national cultural values and identities, and encouraging the development of the cultural industry. Striving to ensure that 100% of provincial-level administrative units will have all three types of cultural institutions, including cultural centers or culture-art centers, museums and libraries.

- Regarding environment: Forest cover rate will stably stand at 42%; improving the quality of forests; increasing the size of ​​nature reserves; protecting and restoring important natural ecosystems; improving the quality of biodiversity; expecting that the measurement of ​​marine and coastal conservation zones will reach 3-5% of the natural size of ​​territorial waters; ensuring that the size of ​​terrestrial nature reserves will reach 3 million ha.

The rate of domestic solid waste in urban areas collected and treated according to prescribed standards and regulations is expected to reach 95%, including about 50% thereof treated through circular economy models; the rate of domestic solid waste in rural areas collected and treated according to prescribed standards and regulations is expected to reach 90%; the rate of domestic solid waste in urban areas treated by using the burial or landfilling method is expected to decrease to 10% compared to total amount of collected waste; the rate of organic waste recycling is expected to reach 100% in urban areas and 70% in rural areas. The rate of hazardous waste collected, transported and treated according to prescribed standards and regulations is expected to reach 98%, including 100% of medical waste to be treated. The rate of treated or reused wastewater discharged into river basins is expected to reach over 70%. Reducing greenhouse gas emissions in all sectors and industries to strive to achieve the national target of reducing net emissions to "zero" by 2050 as quickly as possible.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Regarding national defence and security: Firmly upholding national independence, sovereignty, unity and territorial integrity; closely and harmoniously combine economic, cultural and social development with consolidation of national defense and security; maintaining a peaceful environment, political stability; ensuring social order and safety.

4. Key missions in the planning period

a) Basically creating a national infrastructure framework with more emphasis on transport infrastructure; urban infrastructure; rural infrastructure; energy infrastructure; digital infrastructure; cultural and social infrastructure; irrigation infrastructure; ensuring environmental protection, natural disaster prevention and control, and adaptation to climate change;

b) Accelerating the restructuring of economic sectors, together with innovation of the growth model on the basis of productivity improvement, application of scientific and technological advances and creative innovation. Prioritizing the development of a number of industries and sectors with potentials, advantages and great room for development, associated with new development spaces;

c) Developing key important national dynamic regions and growth poles that can function as a flagship leading the growth of the whole country. Selecting a number of geographical areas, urban areas, or regions having special advantages to build economic, financial centers, or administrative-economic units with special or disruptive institutions, mechanisms, and policies that help increase international competitiveness. Additionally, adopting appropriate mechanisms, policies and resources to ensure social security; gradually develop ethnic minority and mountainous areas, border areas and islands; and contribute to political stability, and maintain national defense and security;

d) Creating and developing economic corridors along the North-South axis route, East-West economic corridors, coastal economic belts; effectively connecting major seaports, airports, international border gates, trade hubs, cities, economic centers, and growth poles; making effective connections with economic corridors in the region and the world. Developing industrial production - urban - service belts in dynamic regions and major urban areas.

Article 3. Socio-economic spatial planning

1. Division of socio-economic regions; regional development and linkage planning

a) Division of socio-economic regions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Northern Midlands and Mountains region, including 14 provinces: Ha Giang, Cao Bang, Lang Son, Bac Giang, Phu Tho, Thai Nguyen, Bac Kan, Tuyen Quang, Lao Cai, Yen Bai, Lai Chau, Son La, Dien Bien and Hoa Binh.

- Red River Delta region, including 11 provinces and centrally-run cities: Hanoi, Hai Phong, Hai Duong, Hung Yen, Vinh Phuc, Bac Ninh, Thai Binh, Nam Dinh, Ha Nam, Ninh Binh and Quang Ninh.

- North Central and Central Coast region, including 14 provinces and centrally-run cities: Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh, Quang Binh, Quang Tri, Thua Thien Hue, Da Nang, Quang Nam, Quang Ngai, Binh Dinh, Phu Yen, Khanh Hoa, Ninh Thuan and Binh Thuan.

- Central Highlands region, including 5 provinces: Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nong and Lam Dong.

- Southeast region, including 6 provinces and centrally-run cities: Ho Chi Minh City, Dong Nai, Ba Ria - Vung Tau, Binh Duong, Binh Phuoc and Tay Ninh.

- Mekong Delta region, including 13 provinces and centrally-run cities: Can Tho, Long An, Tien Giang, Ben Tre, Tra Vinh, Vinh Long, An Giang, Dong Thap, Kien Giang, Hau Giang, Soc Trang, Bac Lieu and Ca Mau;

b) Regional development and linkage planning

- Northern Midlands and Mountains region: Striving to reach about 8 - 9%/year in the Gross Regional Domestic Product (GRDP). Aiming for the green, sustainable and comprehensive development of the region. Focusing on protecting natural forests, special-use forests, watershed protection forests, and restoring forests associated with ensuring water source security and developing a sustainable forestry economy, as well as improving the lives of forest farmers. Effectively extracting and exploiting mineral resources. Developing processing, manufacturing and energy industries; high-tech, organic, specialty crop agriculture, expanding fruit tree and medicinal herb cropping areas. Developing the border economy. Setting up tourist centers and tourism products having particular characteristics of the region.

Creating and developing intra-regional and inter-regional economic corridors; connecting the region with major economic centers of the Red River Delta; focusing on developing Bac Giang - Thai Nguyen - Vinh Phuc - Phu Tho industrial belt to become the growth engine for the whole region. Building expressways and roads connecting localities with expressways, roads in border belts, and important national highways connecting localities in the region. Considering investment in, and upgrading certain airports in the region. Building railway lines from Lao Cai and Lang Son to Hanoi and Hai Phong.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Developing intra-regional and inter-regional economic corridors connecting with the Northern Midlands and Mountains region, and the North-South economic corridor within the region’s boundaries; developing the economic belt of the Gulf of Tonkin (Quang Ninh - Hai Phong - Thai Binh - Nam Dinh - Ninh Binh). Building expressways connecting Hanoi with localities inside and outside the region; coastal roads; ring roads No. 4 and No. 5 for Hanoi capital. Conducting researches on construction of new railway lines connecting Hanoi with major seaports and international border gates; on construction of the second airport for Hanoi capital.

- North Central Coast and Central Coast region: Striving to reach about 7% - 7.5%/year on average in the Gross Regional Domestic Product (GRDP). Robustly developing the marine economy associated with maintaining national defence and security.  Improving the efficiency of seaports, coastal economic zones and industrial parks; developing industries, such as petrochemical refineries, metallurgy, mechanical engineering, agro-forestry-fishery processing, renewable energy; building logistics service centers. Developing sea and island tourism, eco-tourism and cultural-historical tourism. Boosting aquaculture, fishery and seafood processing industries, and developing logistics service centers and fisheries infrastructure. Enhancing capacity for natural disaster prevention and control; for proactive and effective response to climate change. Developing the coastal area comprising Thanh Hoa - Nghe An - Ha Tinh into an industrial development center of the region and the whole country.

 Building a synchronous and modern traffic network, together with setting up the North-South economic corridor running through localities in the region, and the East-West corridors connected with international border gates, major cities and seaports. Building expressways leading to Central Highlands.

- Central Highlands region: Striving to reach about 7% - 7.5%/year on average in the Gross Regional Domestic Product (GRDP). Protecting natural forests, special-use forests and watershed protection forests, associated with ensuring water source security. Developing effective agricultural economy on an appropriate scale that can adapt to climate change; improving effectiveness in developing industrial plants, and expanding the area intended for cultivation of ​​fruit trees, medicinal herbs, vegetables and flowers. Developing the forestry economy, and improving the living condition of forest farmers. Promoting development of the agro-forestry product processing and renewable energy industry; fostering the sustainable development of bauxite mining, alumina processing, and aluminum production industries. Developing eco-tourism, convalescence and cultural tourism, associated with preserving and promoting cultural values ​​and identities of the Central Highlands’ ethnic groups.

Developing economic corridors connecting the Central Highlands with the Southeast region; East-West corridors connecting the Central Highlands region with the South Central Coast. Building a network of expressways; upgrading the intra-regional traffic network, and roads connecting with localities in the Southeast region, Southern Laos, and Northeast Cambodia. Conducting study on construction of railway lines through the Central Highlands.

- Southeast region: Striving to reach about 7% - 8.5%/year on average in the Gross Regional Domestic Product (GRDP). The Southeast region will be developed into a dynamic development region that has the high economic growth rate, and acts as the largest growth engine in the country; a science, technology, creative innovation, high-tech industry, logistics, and international financial center that is quite competitive with others in the Southeast Asia region; will pioneer innovation of the growth model, and digital transformation. Developing modern industrial - service - urban zones and high-tech industrial parks. Building a number of new large-scale centralized information technology parks; establishing a dynamic region for the information technology industry with the aim of attracting investments in manufacturing electrical and electronic products, Internet of Things (IoT) products, and in artificial intelligence. Promoting the development of marine economy, seaport logistics services, oil and gas extraction and processing industry, and service solutions for the oil and gas industry, and developing marine tourism. Improving the efficiency in development of industrial crops, fruit trees, and concentrated animal husbandry, together with crop processing and product branding, and promoting the application of high technologies. The region will be top-ranked nationwide in terms of such domains as culture, society, education, training, and health. Developing a number of large higher education institutions in a focused and concentrated way that are fully capable of training workforce qualified for socio-economic development; reach an advanced level; and are top-ranked in Asia. Developing cultural industry, and premium recreational and entertainment service centers of Southeast-Asia regional and international stature. Basically solving environmental pollution, traffic congestion and inundation issues.

Stimulating linkages, and further promoting cooperation and development through the North-South economic corridor and the Central Highlands-Southeast economic corridor. Developing the industrial – urban chain, Moc Bai - Ho Chi Minh city - Cai Mep - Thi Vai port that is connected with the Trans-Asian economic corridor. Building expressways connecting Ho Chi Minh city with localities inside and outside the region; ring roads No. 3 and No. 4 for Ho Chi Minh city. Building railway lines connecting inner cities to gateway international seaports and airports. Building, operating and commercially using Long Thanh international airport.

- Mekong Delta region: Striving to reach about 6.5% - 7%/year on average in the Gross Regional Domestic Product (GRDP). The Mekong Delta region will be developed into a sustainable, dynamic and highly effective center for agricultural economy of the whole country, the Southeast Asia region and the world. Focusing on promoting modern and large-scale agricultural commodity production associated with farm product processing and branding; restructuring key products with a view to reducing rice products, and increasing fruit and aquatic products; using agricultural land more flexibly and efficiently. Building a national Innovative Entrepreneurship Center for agriculture in the region. Developing the green and renewable energy industry; attaching importance to development of the agricultural, aquatic and industrial product processing industry supporting agriculture, and supporting industries. Developing the Mekong Delta region into an international brand for agricultural, rural, eco-tourism and marine tourism. Actively adapting to climate change and sea level rise; building water reservoirs, and considering application of measures and construction of facilities to store water in rivers and canals; preventing and combating landslides and saltwater intrusion; protecting mangrove ecosystem. Along the North - South economic corridor, focusing on developing Can Tho - Long An section into the economic - urban - industrial corridor acting as the driving force for development of the entire region. Setting up and developing a number of East-West economic corridors. Making increased investments in infrastructure connecting the region with Ho Chi Minh city and the Southeast region; investing in construction of coastal roads running through provinces in the region; developing inland waterway infrastructure, seaports, and logistics infrastructure; upgrading main channels, including navigable channels for large tonnage ships.

2. Development of national dynamic regions and growth poles

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Developing the Northern dynamic region, including Hanoi city and district-level areas located along National Highway 5 and 18 running through the provinces, such as Bac Ninh, Hung Yen, Hai Duong, Hai Phong city and Quang Ninh province, with Hanoi city that acts as a growth pole. For the period following 2030, continuing to expand the size of the dynamic region.

Building the Northern dynamic region that leads the development of high-quality human resources, science, technology, innovation, digital economy, and digital society; drawing upon the role of an economic, cultural, educational, training, health, science, technology and innovation center of the country. Developing a number of modern and high-quality service sectors; processing and manufacturing industries with high technology content, great added value, and deep participation in the global value chain; developing the center for marine economy with shipping industries and seaport services, sea-island tourism and shipbuilding industries;

b) Dynamic region of the South (Southern dynamic region)

Developing the Southern dynamic region, including Ho Chi Minh city and district-level areas located along National Highways 22, 13, 1 and 51 running through the provinces, such as Binh Duong, Dong Nai, Ba Ria – Vung Tau, with Ho Chi Minh city that acts as a growth pole. For the period following 2030, continuing to expand the size of the dynamic region.

Making the Southern dynamic region lead the whole country and top-ranked in Southeast Asia in terms of economy, finance, trade, services, health, education, training and development of high-quality human resources, science, technology, creative innovation, and digital transformation. Focusing on promoting the development of the innovation ecosystem, taking the lead in transforming the growth model, and building digital economy and digital society. Robustly developing financial, banking, science, technology and logistics services. Attracting investments in high-tech industries, software parks, and artificial intelligence. Developing marine economic sectors, such as logistics services, oil and gas extraction and processing, and marine tourism;

c) Dynamic region of the Central Coast

Creating and developing the dynamic region of the Central Coast, including coastal areas (i.e. district-level areas extended from the Eastern North-South expressway to the sea) located within the provinces and centrally-run cities, such as Thua Thien Hue, Da Nang, Quang Nam, Quang Ngai, with Da Nang city that acts as a growth pole. For the period following 2030, continuing to expand the size of the dynamic region.

Continuing to establish and develop coastal cities, marine tourism and eco-tourism centers of Southeast-Asia regional and international stature; the national center for oil refining and petrochemical industry, automobile industry, auxiliary industries for the mechanical engineering sector, and high-tech parks. Developing seaports and seaport services, infrastructure and logistics service centers for fisheries;

d) Dynamic region of Mekong Delta

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Developing the dynamic region of Mekong Delta into a center for services, tourism, logistics, and agriculture-supporting industries. Developing agricultural product processing, mechanical engineering, and chemical industries providing support for agriculture. Setting up agricultural hub centers connected with specialized farming areas; developing the region into a national center for agricultural science and technology and agriculture-supporting services. Developing the marine economy, focusing on making Phu Quoc city (Kien Giang province) become an marine eco-tourism and service center of international stature connected with major economic centers in the Southeast Asia region and the world;

dd) Gradually building and establishing the dynamic region of the Northern Midlands and Mountains region; the North Central region (Thanh Hoa, Nghe An, Ha Tinh) connecting the Central Coast region and the Red River Delta region; the Central Highlands region; the South Central Coast region (Khanh Hoa, Ninh Thuan, Binh Thuan and contiguous areas).

3. Development of economic corridors

a) Prioritized economic corridors to be developed by 2030

- Developing the North-South economic corridor by tapping into the Eastern North-South axis route that connects major dynamic regions, cities and economic centers; makes great contributions to the socio-economic development of the whole country; creates a pervasive effect to foster the development of the coastal strip and the western region of the country, and is connected with the Nanning - Singapore economic corridor. Including the spatial plans and layouts for the development of cities, industrial parks and logistics centers connected with the North-South economic corridor in regional and provincial development plans.

- Developing Lao Cai - Hanoi - Hai Phong - Quang Ninh economic corridor, which serves as the main connector for the Northern dynamic region that connects the Northern Midlands and Mountains region with major economic centers and seaports nationwide, and Kunming - Lao Cai - Hanoi - Hai Phong - Quang Ninh economic corridor; that promotes trade and investment cooperation between localities of Vietnam and the Southwestern region of China.

- Developing Moc Bai - Ho Chi Minh city - Bien Hoa - Vung Tau economic corridor connected to Trans-Asian economic corridor, which functions as the gateway to the sea in ​​the Southeast region, promoting the economic development in the Southeast, Mekong Delta and Central Highlands regions;

b) Gradually establishing and developing economic corridors in the long term

- Forming an economic corridor situated along Ho Chi Minh road and Western North-South expressway running through the Central Highlands and Southeast region (Central Highlands - Southeast economic corridor) in order to promote the regional development, linkage, associated with strengthening national defense and security; to connect areas of industrial crops used as sources of raw materials, and processing industries; to establish links aimed at developing "the green road of the Central Highlands" tours; and to enhance the pervasive effect of cities at the centres of these regions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Developing Dien Bien - Son La - Hoa Binh - Hanoi economic corridor that connects the Northwest region with the Red River Delta region, and promotes the socio-economic development of the Northwest region.

Cau Treo - Vung Ang economic corridor will connect localities of Laos with seaports in Ha Tinh and Quang Binh with a view to promoting the socio-economic development of North Central Coast provinces.

Lao Bao - Dong Ha - Da Nang economic corridor will be linked with East - West economic corridor of the Greater Mekong Subregion (GMS); will connect the Southern regions of Myanmar, the Central region of Thailand and Laos with seaports of the Central Coast region of Vietnam in the expectation of promoting trade, tourism and investment exchanges between those countries, and developing localities in the North Central Coast and Central Coast regions.

Bo Y - Pleiku - Quy Nhon economic corridor, which serves as the gateway to the sea of ​ Cambodia - Laos - Vietnam Development Triangle area, will connect North Central Highlands provinces with South Central Coast provinces and seaports with a view to promoting the socio-economic development of the Central Highlands and South Central Coast regions.

Chau Doc - Can Tho - Soc Trang economic corridor will be connected with Tran De seaport to facilitate direct import and export trades for the entire Mekong Delta region in the future; will stimulate the development of hub centers in the agriculture, industry and service and logistics related to agriculture in the Mekong Delta region.

Ha Tien - Rach Gia - Ca Mau economic corridor will be connected with the Southern Coast corridor of the Greater Mekong Sub-region (GMS) with the aim of promoting the socio-economic development of the Western Coast of the Mekong Delta region and the entire Mekong Delta region.

Conducting researches on development of Bo Y - Quang Nam - Da Nang economic corridor; Buon Ma Thuot - Khanh Hoa economic corridor; and the economic corridor connecting the South Central Highlands region (including Dak Nong, Lam Dong province) with the South Central Coast region (including Ninh Thuan, Binh Thuan provinces).

4. Protected or restricted territorial areas

a) Protected areas

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Core areas of ​​natural heritage sites recognized by international organizations.

- Grade-I protected zones of national historical - cultural relics, or special national historical - cultural relics.

- Watershed protection forests and forests providing protection for water bodies of residential communities;

b) Restricted territorial areas

- Topographical areas of special importance and topographical areas of high importance intended for prioritized national defence uses that are identified in provincial development plans.

- Buffer zones of nature reserves and natural heritage sites recognized by international organizations.

- Important biodiversity corridors, or wetlands.

- Grade-II protected zones of national historical - cultural relics, or special national historical - cultural relics.

- Water body protection corridors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Areas at risk of landslides and flash floods.

Article 4. National urban and rural planning 

1. Master plan for urban development

Accelerating the plan-based urbanization and formation of cities or urban areas as a way to create an important driving force for the rapid and sustainable socio-economic development. Improving the quality of urban development in terms of economy, society, infrastructure, housing and people's quality of life. Improving economic competitiveness and integration of cities or urban areas.

Developing sustainable cities in a way that these cities will form a network, and be arranged in a proper, uniform, consistent, and balanced manner amongst regions; developing cities having integrated functions with a view to developing them into green and smart cities adapting to climate change, and meeting natural disaster and epidemic prevention and control requirements. Ensuring connectivity between urban and rural areas. Attaching urban planning and development to transit-oriented development (TOD) planning; focusing on making best use of underground spaces in large cities. Nominating cities with special advantages that will be developed into economic, financial, commercial, service, etc. centers capable of competing with others at the regional and international level. Forming and developing a number of cities and chains of smart cities connected with others in the region and the world. Developing sustainable and eco-friendly cities along the coast and on the island; focusing on developing cities conforming to the principles that heritage, cultural and historical factors are preserved and upheld.

Building and developing Hanoi city, Ho Chi Minh city and other centrally-affiliated cities so that they become dynamic, creative and leading urban centers that create a pervasive effect and make connection between urban areas; are fully capable of competing and integrating with others in the region and the world, and play an important role in the network of cities in Southeast Asia and Asia.

Prioritizing the development of cities connected with economic corridors to make them become central cities whose functions are adapted for each region with a view to widely spreading the development effect. Developing satellite cities of large cities, especially Hanoi city and Ho Chi Minh city.

Developing small and medium-sized cities with close relationship and functions shared with large cities with a view to gradually reducing the growth gap between cities. Focusing on developing small cities and peri-urban areas to support the development of rural areas through urban-rural linkages. Developing specific urban models, such as tourist cities, college or university towns, creative cities, border-gate economic cities, and island cities.

2. Planning for distribution of large cities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Concentrating on developing consistent and modern urban infrastructure and connectivity infrastructure, including axis routes leading from Hanoi to major cities in the region, ring roads No. 4 and No. 5 of Hanoi capital area, urban rail transit systems, and ring railway lines to the East of Hanoi city, with the aim of promoting linkages and spreading the socio-economic development effect across the whole Northern region. Forming industrial, urban and service belts along ring road No. 4 and No. 5 of Hanoi capital area.

Developing Hanoi city into a smart, dynamic, creative and leading city; a flagship in science and technology activities; a center for international transactions, high-quality education, training, healthcare, financial and banking services; an important transport hub in the region and the world. Giving attention to building modern urban infrastructure, especially traffic and drainage facilities that can help to promptly deal with congestion and flooding situations. Speeding up the completion of urban rail transit projects; building more bridges across Red and Duong rivers. Managing and making best use of underground spaces associated with improving the efficiency in urban land use.

Building cities immediately under Hanoi city, and satellite urban areas that have synchronous infrastructure, urban utilities and services, traffic systems providing convenient traffic connections to the center; help to reduce the load for the inner city and expand the development space of Hanoi city;

b) Ho Chi Minh city area: Building an urban system, including Ho Chi Minh city and other adjacent urban areas of neighboring provinces in the Southeast region and localities in the Mekong Delta region, in order to share the functions of service, industry, education, training, health, science, and technology, and confront overconcentration occurring in Ho Chi Minh central city.

Developing consistent and modern urban infrastructure and connectivity infrastructure, including axis routes leading from Ho Chi Minh city to major cities in the region, ring roads No. 3 and No. 4, urban rail transit systems, railway systems connected to airports, and international gateway seaports, with the aim of promoting linkages and spreading the socio-economic development effect across the whole Southern region. Forming industrial - urban - service belts situated along ring roads No.3 and No.4. Developing Long Thanh international gateway airport city.

Ho Chi Minh city will serve as a core urban area, and a development center of the whole region; will rapidly switch to high-quality services, and become a competitive international financial center in the region; will pioneer high-tech industry, science, technology, innovation, education, training, specialized health care, and be an international trade hub. Attaching importance to exploitation of underground spaces associated with effective use of usable land of cities or urban areas. Conducting researches to find a way to tap its potentials and advantages to develop Thu Duc and Can Gio areas into new growth engines for the entire Ho Chi Minh city;

c) Da Nang city area: Developing an urban system, including Da Nang city and neighboring urban areas, into a center for entrepreneurship, creative innovation, tourism, commerce, finance, logistics, high-tech industry, and information technology believe; one of the centers for education, training, high-quality healthcare, science and technology of the whole country; a convention center of regional and international stature. Developing Da Nang city into a growth pole, and an important driving force, contributing to promoting the socio-economic development in the North Central Coast and Central Coast regions, and in the North Central Highlands region;

d) Can Tho city area: Developing an urban system, including Can Tho city, acting as a central city, and adjacent cities, into a center for trade, service, tourism, logistics, processing industry, high-tech agriculture, education, training, specialized health care, science, technology, culture and sports in the whole region. Exploiting the axis route connecting Can Tho - My Thuan - Trung Luong - Ho Chi Minh city to focus on urban development, and spreading development effects to other local areas in the region. Developing Can Tho city into a growth pole that can help to encourage the development of the entire Mekong Delta region.

3. Planning for rural development

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Building population distribution models suitable to each natural ecological region, and cultural, ethnic and socio-economic conditions. Actively relocating and rearranging residential sites within areas at high risk of natural disasters and landslides.

For peri-urban rural areas, accelerating the urbanization process; developing urban agriculture; gradually improving their infrastructure, and developing social services of a quality close to those in cities or urban areas; and forming green or ecological concentrated rural sites. Gradually applying ways of urban development to rural areas.

For rural areas in the northern mountains region, and some rural areas in the Red River Delta and other regions, developing concentrated residential sites of appropriate size connected with cities or urban areas; supporting construction of essential infrastructure for poor, ethnic or mountainous rural areas.

For rural areas within concentrated agricultural production areas in Mekong Delta and Central Highlands regions, planning to develop rural residential areas connected with production areas, monocropping areas, and processing- service clusters that are in harmony with urban areas to ensure basic services to be provided.

Comprehensively and sustainably developing ethnic minority and mountainous areas; exploiting the region’s potentials, effectively drawing upon the region's comparative advantages, protecting environment and living space of ethnic minorities. Closing the growth and income gap between ethnic minorities and mountainous areas, and the entire nation on average.

4. Continuing organization of urban and rural administrative units with a view to ensuring inclusiveness, consistency and conformity with planning and development requirements, as well as adherence to the prescribed standards of administrative units.

Article 5. Marine spatial planning

1. The maritime territory includes coastal land, islands, archipelagos, waters and airspace of Vietnam.

2. Making Vietnam become a country that is recognized to be powerful in terms of its sea, and be enriched by its sea; ensuring sustainable development, prosperity, security and safety on the basis of maximizing potentials and advantages of the sea. Achieving significant breakthroughs in marine economic sectors, especially marine tourism and services; maritime economy; extraction of oil and gas and other marine mineral resources; aquaculture and fishery production; coastal industry; renewable energy and other new marine economic sectors. Forming marine economic clusters involving multiple sectors as well as building strong marine economic centers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Development planning by sea and coastal zones:  Developing sea and coastal zones by maximizing comparative advantages in terms of geographical location, natural condition, cultural identity and ecosystem diversity; balancing conservation and development activities. Developing coastal road corridors and chains of coastal cities, and completing construction of infrastructure as a basis for the development of marine economic activities.

a) Northern sea and coastal zone (Quang Ninh - Ninh Binh provinces): Continuing to develop Hai Phong - Quang Ninh area into a marine economic center connected with Lach Huyen international port; developing Quang Ninh province into a national tourism center connected with major international tourist centers of the region and the world; developing Hai Phong city into a modern industrial city, and a center for logistics services and research and application of marine science and technology. Developing a number of marine industries of which advantages are attached to coastal economic zones and industrial zones;

b) North Central Coast and North Central Coast and Central Coast zone (Thanh Hoa - Binh Thuan provinces): Promoting the development of the marine economy associated with maintaining national defence and security.  Developing fishery and aquaculture production tied to the processing industry, logistics services and fisheries infrastructure with a view to ensuring sustainability and high efficiency. Improving the effectiveness in development of coastal economic zones. Continuing to establish and develop coastal cities, and centers for marine tourism and ecological tourism of regional and international stature. Developing seaports and seaport services, especially specialized seaports tied to economic zones and industrial parks;

c) Southeastern sea and coastal zone (Ba Ria - Vung Tau province - Ho Chi Minh city): Focusing on developing Cai Mep - Thi Vai port to make it truly become an international transshipment port connected with Trans-Asia economic corridor. Developing seaport logistics services, marine assurance services, oil and gas extraction and processing industries, supporting industries, and services for the gas and oil industry. Building high-quality beach resorts;

d) Southwestern sea and coastal zone (Tien Giang - Ca Mau - Kien Giang provinces): Focusing on developing Phu Quoc city into a strong international marine service and eco-tourism center of international stature. Developing gas industry, gas processing, gas power, renewable energy, aquaculture, fishery production industries, logistics services, and fisheries infrastructure.

5. Planning for development of islands and archipelagos

Promoting economic development of islands in combination with ensuring national defense and security at sea, including Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) islands, in accordance with international law and the United Nations Convention on the Law of the Sea in 1982.

Developing fisheries logistics centers, fishing ports, seaports, storm shelters, search and rescue facilities on some islands. Concentrating on building infrastructure for a number of key populated islands; encouraging economic development activities; developing aquaculture; developing offshore fishery production; developing tourism, seaports, and fishery production on islands; increasing tour routes connecting islands with the mainland; making islands and archipelagos become strongholds defending the country's sovereignty over sea and islands.

6. Allowing for natural factors, impacts of natural disasters and climate change when carrying out sea reclamation activities; minimizing adverse impacts on environment, ecosystem, biodiversity, aquatic resources, natural landscapes, historical-cultural relics and scenic beauties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Managing and upholding sovereignty over Vietnam's airspace in accordance with Vietnam’s domestic law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. Airspace development must stick to the principles of absolute safety, efficiency and harmony between economic development and maintenance of national defense and security.

2. Effectively using and controlling flight information regions of Hanoi and Ho Chi Minh as per laws. Effectively exploiting and optimizing airspace organization and flight modes of airports and airfields in operation, and airports and airfields expected to be upgraded, expanded and built in the planning period.

3. Taking control of heights of obstacles to ensure absolute safety for all airspace operations of designated organizations and authorities in accordance with law; ensuring that licensed heights of construction works on the ground must be absolutely safe for all flight operations, normal operation of airspace management and defence grounds, and aeronautical radio stations in Vietnam under law.

Article 7. Planning for spatial development and distribution of significant sectors

1. Developing an industry with high international competitiveness that is capable of deeply participating in global production networks and value chains; realizing the goal of making Vietnam become a developing country with modern industry and improved autonomy of the economy by 2030. + Focusing on development of several industrial activities to meet the needs for basic production instruments for the economy, including energy, mechanical engineering, metallurgy, chemicals, fertilizers and materials. Prioritizing the development of digital, new and high-tech industries, especially electronics, semiconductor chip production, and biological industry. Attaching importance to developing information technology and manufacturing industries supporting agriculture. Promoting the development of supporting industries; strengthening affiliation between Vietnamese enterprises and foreign-invested enterprises. Developing green industries tied to the model of circular economy, cleaner production, economical and effective use of resources and energy; developing eco-industrial parks and gradually reducing industrial parks, industrial clusters and plants at high risk of causing environmental pollution.

Arranging industrial space to make connections with cities, urban areas and service centers with a view to forming economic corridors and dynamic regions. Expanding the industrial development space to the West of the Eastern North-South expressway, and the midlands to reduce pressure on usable land in the plains, as well as mitigate the impacts of climate change. Developing manufacturing and processing industries tied to raw material and natural resource zones; expanding industrial clusters connected with development centers in rural areas. Distributing industrial zones and clusters that operate on a reasonable scale and according to specialties associated with industrial services; developing specialized industrial complexes in various sectors. Developing modern industrial - service - urban zones; ensuring synchronous connections between industrial parks and the network of technical or social infrastructure.

2. Developing the service sector into a large proportion in the economy according to high quality, efficiency and competitiveness and international integration criteria. Developing domestic trade according to modernity, civilization and sustainability criteria; allowing the sustainable development of international trade in line with the development of industrialization with the aim of maximizing benefits obtained from the globalization process. Attaching importance to branding of Vietnam’s commodities. Developing consistent and modern commercial infrastructure adaptable to the characteristics and conditions of each region. Promoting the e-commerce development.

Building regional and world-class service, commercial, financial and banking centers in large cities, associated with the development of dynamic regions and economic corridors. Developing large logistics centers tied to major international seaports, airports and border gates. Forming dynamic regions for development of tourism, national and regional tourism centers, corridors acting as tourism development hubs to promote and spread tourism development effects across regions and the whole country. Attaching importance to investments in tourism infrastructure with priority given to infrastructure of key national tourist sites; effectively and sustainably exploiting tourism resources; building attractive and highly competitive tourism products, together with growing branded tourism businesses at a regional and international level; focusing on building heritage corridors, and designing tourism products to be offered along these heritage corridors.

3. Developing the modern agriculture according to value chains or industry clusters which is tied to the processing industry, and growing agricultural and rural tourism; implementing the digital transformation and smart farming to promote organizational innovation, and improve the agricultural productivity. Developing a highly competitive agricultural economy which is top-ranked among others in the region and the world; developing commercial production zones, organic monocropping zones, and disease-free concentrated animal farming zones, that operate on an appropriate scale and ensure high productivity based on regional and local advantages; firmly upholding national food security, and adapting to climate change.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Planning for national social infrastructure development

1. Consistently developing a network of higher education institutions to meet requirements concerning high-quality human resources to meet the country's sustainable development objectives; satisfy diverse learning needs and socio-economic development requirements of each region or local administrative subdivisions. Reorganizing or rearranging educational and training institutions with the aim of improving their quality. Developing key national higher education institutions; upgrading and building a number of universities, large colleges and pedagogy and medical universities to make them become high-quality and reputable training centers in the region and the world. Developing a number of college or university towns. Encouraging the development of private higher education institutions.

Developing an open and flexible network of vocational education institutions in the direction of creating opportunities for all people to access and enjoy vocational education services; ensuring that their training scale, structure and quality can conform to labor market and international integration requirements. Building high-quality vocational training centers that meet regional and international standards and are aligned with the growth in prioritized professions or occupations of major economic centers.

Improving the quality, expanding and rationally distributing the network of preschool and general education institutions to meet public demands for access to educational services. Building a network of specialized educational institutions for the disabled, and centers providing support for the development of inclusive education with a view to meeting the needs of the disabled for access to and enjoyment of quality educational services. Developing and maintaining boarding schools for ethnic minorities, continuing education institutions, and community learning centers in order to perform the tasks of illiteracy eradication, training and mentoring aimed at improving professional knowledge and skills necessary for the socio-economic development mission in disadvantaged areas and ethnic minority areas, and ensure educational equity.

Developing large-scale national defense and security education centers suited to training tasks in each local area in order to consolidate and build the all-people national defense, the all-people defense posture, together with the people’s security and the people's security posture.

2. Building, upgrading, arranging and distributing the space for development of the network of medical facilities in an appropriate manner with a view to ensuring that all people can easily access high-quality medical and healthcare services. Building an equitable, accredited, efficient and integrative healthcare system; expecting that the preventive medicine will become the core while the grassroots medicine will become the foundation in the health system; ensuring that the specialized medicine will be consistent and balanced with the community medicine; linking the traditional medicine with the modern medicine, military medicine and civil medicine. Encouraging the development of pharmaceutical materials of natural origin, pharmaceutical industry and medical equipment. Ensuring that each region has specialized medical facilities. Building a number of medical facilities of regional and international stature; forming and developing modern specialized medical centers. Building national disease control centers; building a number of national vaccine research, technology transfer and production facilities. Developing regional testing centers that meet regional and international standards, and satisfy the needs of testing, inspection, and standardization of drugs, cosmetics, food, and medical equipment.

3. Developing the national network of cultural establishments as well as forming and developing cultural spaces in order to meet the People's demands for creation and enjoyment of cultural products, and make cultural activities truly become the spiritual foundation of the society. Developing national cultural establishments into strong brands that are highly competitive and succeed in fulfilling the task of preserving and promoting national cultural values and identities, and encouraging the development of the nation’s cultural industry. Building and upgrading national museums in the direction of ensuring that they will become consistent and modern. Renovating and upgrading national libraries, provincial-level public libraries, specialized libraries, university libraries,...; building and upgrading national performing arts facilities in Hanoi, Ho Chi Minh city and several provinces and centrally-governed cities in the direction of ensuring that they will become consistent and modern, as well as be capable of holding national and international performing art events. Investing in the development, embellishment and preservation of cultural heritages, especially those recognized by UNESCO. Building a professional sports economy; robustly developing a consistent and modern network of national physical training and sports facilities, including several construction works meeting international standards. Developing community sports facilities.

4. Increasing both the quantity and the quality of science and technology organizations. Building and improving the operational efficiency of the national innovation system and the entrepreneurship and creative innovation ecosystem; promoting the potentials of national, regional and local creative innovation and entrepreneurship centers to support and promote technology transfer and innovation activities. Setting up and developing national entrepreneurship and creative innovation support centers in Hanoi capital, Ho Chi Minh city, Da Nang city, Can Tho city, and other eligible provinces or cities. Developing innovation clusters by making connections between science and technology organizations, hi-tech parks, hi-tech agricultural parks, financial centers, venture capital funds, universities and research institutes.

Making focused investments in developing a number of public science and technology institutions to ensure that they will reach the advanced level in the region and the world. Reviewing and streamlining focal points for research and development organizations under ministries and central authorities with a view to addressing duplication and overlapping situations in terms of functions and tasks; ensuring conformity to the planning for prioritization of science and technology and creative innovation, and support for the socio-economic development, of the country and each industry authority. Strengthening and developing research organizations to serve the purposes of formulation of development policies, strategies, and plans for the development of provinces and centrally-governed cities. Making focused investments in forming science and technology organizations that perform the roles in connecting value chains, industry clusters, creative innovation and entrepreneurship ecosystems in regions and localities. Developing science and technology organizations affiliated to state-owned corporations or incorporations into specialized research institutes that will provide leading technologies, create competitive advantages, and support the nation’s socio-economic development.  Encouraging non-state large economic groups and enterprises to establish research and development entities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Developing a network of social assistance facilities of which functions and scale are fully suited to the needs of social protection beneficiaries for access to and enjoyment of benefits from grassroots-level social assistance public services. Gradually modernizing social assistance facilities with the expectation of ensuring social assistance services are supplied according to national standards, and approach international standards.

7. Upgrading facilities for care and nursing of people rendering meritorious services.  Researching, testing, and applying the in-depth professional and technical method that is the result of integration between the nursing and caring approach and other health care and social care approaches for people rendering meritorious services.

Article 9. Planning for national technical infrastructure development

1. Developing unified transport infrastructure on the basis of tapping into advantages of modes of transportation; ensuring widespread connections with all nationwide areas; minimizing logistics costs; improving competitiveness of the economy; paying due attention to the rail and inland water traffic development.

Planning for spatial organization of national traffic systems: Forming the North - South traffic corridor along the country’s longitudinal axis that can accommodate all 5 modes of transportation. In the North, forming radial corridors connected with Hanoi; East-West corridors used for connecting the Western mountains region with seaports in the East. In the Central Coast, forming East-West axes connecting the Western region with seaports in the East, and forming cross-border linkages with Laos and Cambodia. In the South, forming corridors along the East-West and North-South axis to make best use of the advantages in inland waterway transport and large seaports and airports, and international traffic connections. Developing ring routes and radial axes leading from neighboring provinces to Hanoi and Ho Chi Minh city.

Planning for development of types of traffic infrastructure:

- Road infrastructure: Completing construction of the Eastern North-South expressway and other expressways leading to major economic centers; connected with dynamic regions like Hanoi, Ho Chi Minh city, Da Nang, Can Tho; connected with special seaports, international airports, and international border gates through which a large amount of goods can be exported or imported; developing expressways associated with formation of East-West economic corridors.

- Railway infrastructure: Striving to build a number of North - South express railway sections. Building regional railway lines, and railway lines connected to international gateway seaports in Hai Phong - Quang Ninh, Ba Ria - Vung Tau and important international border gates; prioritizing construction of the new railway lines, such as Lao Cai - Hanoi - Hai Phong, and Bien Hoa - Vung Tau. Investing in building key railway lines and urban rail transit systems in Hanoi and Ho Chi Minh city. Researching on construction of railway systems connecting Ho Chi Minh city and Can Tho, and connected to Long Thanh international airport.

- Seaport infrastructure: Upgrading and building gateway seaports having international container transshipment functions in Lach Huyen (Hai Phong), and Cai Mep - Thi Vai (Ba Ria - Vung Tau). Building Can Gio international transshipment seaport (Ho Chi Minh city).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



According to the planning and demands for socio-economic development of regions and local administrative divisions, researching and proposing the construction of specialized airports integrated with large-scale industrial areas and tourist centers; tapping and quickly restoring old airports and dual-use military airports.

- Inland waterway infrastructure: Synchronously investing in and upgrading main river routes to transport freight, freight containers, specialized or overweight cargo on inland waterway in the Red River Delta and Mekong Delta region. Prioritizing efficient investment in and effective use of coastal waterway transport corridors from Quang Ninh to Kien Giang.

2. Developing energy infrastructure to meet the requirements concerning maintenance of national energy security, and fully supply stable and high-quality energy for the socio-economic development process.

Switching to green and clean fuels. Developing the renewable energy, wind and solar power industry, especially sources of energy that can be stored by energy storage systems, biomass electricity and other types of renewable energy; increasing the contribution of renewable energy to the total primary energy supply. Renovating, upgrading and building inter-regional 500 kV transmission grids in sync with the development of power sources, subject to cost-efficiency and effectiveness requirements. Researching on energy connections with countries in Southeast Asia.

Increasing fundamental petroleum investigations. Boosting activities, including prospecting, exploration, field development and oil and gas extraction, in order to increase oil and gas reserve and production output at potential, deep-water and offshore grounds associated with the task of protecting national sovereignty at sea. Developing the gas industry; researching and investing in technical infrastructure providing support for import and consumption of liquefied natural gas (LNG). Developing energy centers associated with complexes of petrochemical refineries, and at the same time increasing the processed content of post-oil products. Greatly boosting domestic coal mining on the basis of ensuring safety, effectiveness, cost efficiency and environmental friendliness; expanding search and exploration grounds, and improving the quality of assessment of reserves and resources.

3. Developing consistent information and communication infrastructure facilities that will be closely connected to form a unified and modern whole on the basis of applying the advanced digital technology; will be able to provide reliable information and communication services at reasonable prices; will ensure cybersecurity; will meet requirements of information technology application and digital transformation in building digital government, digital economy and digital society.

Developing a consistent and modern postal network into one of the essential facilities of the country and the digital economy. Developing national Internet infrastructure to improve regional and international connection capacity, and make Vietnam become one of regional data centers. Building data centers tied to dynamic regions, growth poles, and economic corridors; developing clusters of national data centers in the North and the South. Shifting investment in construction of the national backbone transmission system from focusing on development thereof along the North-South axis to expanding development thereof along the East-West axis; improving the capacity of backup and load distribution for the national backbone network. Developing Vietnamese satellites (VINASAT).

Completing national-scale digital platforms to serve the thorough operation purposes to meet the requirements of digital government, digital economy, and digital society. Continuing to develop concentrated information technology parks and members of the chain of software parks. Attracting investment in, and robustly developing concentrated information technology zones in Ho Chi Minh city, Hanoi, Da Nang, Hai Phong, Can Tho, and some regions where the information technology industry is rapidly developed.

4. Developing irrigation systems to ensure water irrigation, supply and drainage for agriculture, people's livelihood and economic sectors; contributing to the sustainable socio-economic development, environmental protection, prevention and control of natural disasters and adaptation to climate change.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Completing the construction and upgradation of key irrigation works and reservoirs to secure water for industrial and domestic uses, especially in the Central Highlands, South Central Coast and Mekong Delta regions. Implementing measures to restore water currents and environment of polluted rivers; solving the situation relating to river water level lowering so that irrigation works can actively take water for production purposes in the Red River Delta region.

Building water control works at large estuaries to actively control salinity, store fresh water, replenish fresh water flowing to coastal areas for use in people's daily life, aquaculture and agricultural production. Building and reinforcing the system of flood prevention and control works to protect cities and urban areas, especially large cities. Reinforcing and upgrading sea dykes nationwide.

5. Developing fishing ports and storm shelters for fishing vessels to meet the needs of fisheries logistics services, ensure food hygiene and safety, reduce post-harvest losses and ensure safety for fishing vessels and fishermen; improving the efficiency in fisheries management, and bolstering international integration; protecting the marine environment and ecosystem, adapting to climate change, and contributing to maintenance of national defense and security. Developing large fisheries centers in Hai Phong, Da Nang, Khanh Hoa, Ba Ria - Vung Tau, and Kien Giang.

6. Building a complete, consistent and modern national network of hydrometeorological stations and natural resources and environmental monitoring networks with a view to ensuring high automation, openness and capabilities of integrating, connecting and sharing information and data; participating in the global hydrometeorological network.

Prioritizing the development of hydrometeorological stations with a lot of monitoring elements, climate change observation stations, and integrated environmental resources monitoring stations. Developing the national environmental monitoring network associated with affected areas, such as inter-provincial river basins; key economic development areas; large lakes with strictly protected water sources; inter-regional or inter-provincial areas; watershed areas; areas with large concentration of sources of waste; sea zones; areas with complicated hydrological conditions. Prioritizing construction of modern and automated environmental hydrological monitoring stations upstream of large cross-border rivers.

7. Developing a consistent and gradually modern fire control infrastructure suited to the conditions of each region, and meeting safety requirements for socio-economic development and people's life activities.

8. Developing national land border gates that conform to the country's socio-economic development requirements together with maintaining national defense and security, and are suited to the economic, political and diplomatic condition, tied to development planning by regions, economic belts and corridors. By 2030, all provinces located at or near land borders will have border gates; important border gates will be furnished with modern facilities to meet traffic, trade and cooperation needs. Developing border gate economy associated with forming border cities.

Article 10. Planning for use of natural resources; environmental protection; natural disaster prevention and control; and adaptation to climate change

1. Natural resources use planning

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Aquaculture and fishery product resources: Gradually reducing the degree of fishery production according to the aquatic reserve. Catching key aquatic products with high economic and export value with the aim of increasing income as well as stabilizing livelihood of fishermen. Changing the structure of occupations and carrying out rational fishery activities among territorial sea zones and inland ecological zones. Switching from fishery activities that harm aquatic resources and destroy environment and ecosystem to eco-friendly fishery activities with high economic efficiency and sustainability. Reorganizing fishery activities in sea zones and inland waters in the direction of ensuring reasonable development, and connection between sustainable fishery and aquatic resources protection and development. Establishing and effectively managing marine protected areas; aquatic resource protection zones, and areas banned from fishing for a definite time in sea zones, main rivers and lakes;

c) Forest resources: Managing, protecting, developing and sustainably using forest resources; harmoniously combining economic development with environmental protection, biodiversity conservation, and response to climate change. Ensuring spatial arrangement and forest size must conform to the protection requirements of large rivers, important lakes and dams, and lowlands, wetlands and coastal areas susceptible to natural disasters and climate change; maintaining and expanding the system of special-use forests; stabilizing and increasing the area of production forests to supply raw materials for processing and export purposes. Sustaining important raw material areas when carrying out forestry production and forest product processing activities. Establishing hi-tech forestry zones at localities with potentials and advantages for forestry development;

d) Mineral resources: Basically completing the procedures for geological investigation and assessment of mineral potentials on the mainland; investigation and discovery of minerals in sea zones and continental shelf of Vietnam. Investigating and exploring industrial minerals; focusing on exploring minerals at areas with high prospect, important minerals and minerals with the potentially great reserve as a way to support the development of the processing industry. For minerals used as building materials, prioritizing exploration of mines and areas of mineral distribution within building material development zones or adjacent zones; zones having favorable mining conditions or zones where mining activities are likely to take place, with a view to ensuring efficiency and minimized adverse impacts on the environment.

Minimizing and proceeding to cease scattered and small-scale mineral mines, and mines that cause great impacts on the surrounding environment and landscape. Focusing on spatial arrangement to form mine clusters that are large enough to attract uniform investments in exploration, mining to deep processing and application of advanced and modern technology and equipment.

Ensuring the balancing between short-term needs and long-term mineral reserves; prioritizing the use of minerals for large-scale and modern industrial development in the country; exporting minerals on the basis of balancing the efficiency of investment in mining and mineral processing; minimizing the export of raw minerals.

2. Environmental protection planning

Preventing the growing trend of environmental pollution and degradation; solving urgent environmental issues; gradually improving and restoring environmental quality; protecting, conserving and restoring important natural ecosystems; promoting the development of the circular economy, improving the overall efficiency in using inputs and outputs in industrial processes. Protecting environment in the direction of integrating activities, including environmental pollution management and control, and establishing an environmental quality monitoring systems.

Prioritizing the construction of centralized, consistent and modern inter-regional and inter-provincial waste treatment zones, especially hazardous waste treatment facilities. Renovating, upgrading and controlling unsanitary landfills, areas of environmental pollution or degradation caused by solid waste, and ensuring conformance to environmental protection requirements. Classifying domestic solid waste at source; gradually reducing the direct burial of domestic solid waste; converting domestic solid waste landfills into domestic solid waste treatment facilities using modern technologies.

Investing in construction and perfection of wastewater collection and disposal infrastructure of industrial parks, industrial clusters, urban areas, concentrated residential areas, and trade villages on large river basins. Carrying out satisfactory wastewater treatment and disposal activities at all industrial zones, clusters, industrial facilities, and hospitals. Strengthening management of sources of waste; improving the quality of surface water, especially in polluted rivers and inter-provincial river sections. Building a centralized domestic wastewater collection and treatment system associated with renovating and restoring lakes, ponds, canals, ditches and creeks in large cities. Executing projects on wastewater treatment and restoration of water quality in seriously polluted rivers, canals and ditches.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Natural disaster prevention and control; and adaptation to climate change

Actively preventing and controlling natural disasters and adapting to climate change; step-by-step making the nation capable of managing natural disaster risks, protecting communities and society from natural disasters; enabling sustainable socio-economic development, and maintenance of national defense and security. Developing and scaling up nature, ecosystem and community-based climate change adaptation models. Developing and implementing plans to reduce greenhouse gas emissions by sectors or industries.

Maintaining and upgrading natural disaster prevention and control works, especially dykes, lakes and dams, to ensure proactive prevention and control of floods and storms according to their design capacity. Increasing and upgrading water storage and drainage systems; preventing and controlling inundation caused by heavy rains, floods and tides, especially in large cities; water resource management works helping to prevent and control drought and saltwater intrusion.

Constructing and maintaining river bank and coastal erosion prevention and control facilities in areas where landslides occur complicatedly, and there are risks of seriously affecting dykes, populated areas and important infrastructure. Planting more trees to dissipate waves to protect dykes; planting watershed protection forests and coastal protection forests.

Improving capacity for forecasting and warning of natural disasters; building and upgrading meteorological, hydrological, oceanographic or seismic monitoring stations. Upgrading communication systems to ensure smooth communication with all localities, people across the country and ships at sea. Building systems for early warning of flash floods and landslides; proactively evacuating people from areas at high risk of being affected by natural disasters. Drawing the natural hazard maps that help to develop spatial planning as well as minimize the risk of impacts of natural disasters.

Article 11. Planning for consolidation and strengthening of national defense, and maintenance of national security

1. Consolidating and strengthening the all-people defense posture associated with the solid people's security posture; continuing to build the People's Army and the revolutionary People's Police that are regular, elite, gradually modern, politically, ideologically and organizationally strong, absolutely loyal to the Fatherland, the Party, State and People, and meet mission requirements in all situations. Actively and proactively developing combat plans and tactics; raising combat skills and competence to firmly protect independence, sovereignty, unity and territorial integrity, and maintain political stability, national security, social order and safety.

2. Closely combining economic, cultural and social development with consolidating and strengthening national defense and security in all territories, strategic grounds, borders, seas, islands, key economic zones and industrial parks. Developing marine and coastal economy; adjusting, increasing or building economic - defense zones in line with national defense and security strategies and projects; creating synergy to maintain political and social stability, firmly protect independence, sovereignty, unity and territorial integrity of the Fatherland; protecting national and people’s interests; contributing to maintaining a peaceful and stable environment for the development of the country.

3. Consistently building civil defense organization systems; getting ready to respond effectively to traditional and non-traditional security challenges; effectively implementing the work of ensuring economic security in the context of socialist-oriented market economy development and international economic integration. Building a "public goodwill posture" associated with building the people's national defense posture and the solid people's security posture.. Actively struggling to defeat plots and activities causing harm to national security; preventing and combating all kinds of crimes and social evils; resolutely reducing crime and causations and risks of crime; improving the effectiveness and efficiency in state management of national security and order.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Determining land use quotas according to land needs; avoiding any waste occurring during the land allocation and management process; effectively using land resources to realize socio-economic development goals, ensure national defense and security, associating with environmental protection, and adapting to climate change.

2. Making legitimate land available for use to meet the requirements concerning development of consistent infrastructure systems with the aim of ensuring connection of interdisciplinary and inter-regional development spaces, economic corridors and dynamic regions at the national level; creating breakthroughs in order to meet the development requirements of the country, especially transport, energy and digital infrastructure; strengthening connections with the region and the world. Giving priority to using legitimate land to meet the increasing demands relating to education, health care, society, culture, physical activity, sports, social housing, and housing for industrial park workers. Retaining legitimate land used for national defense and security purposes.

3. Managing 3.5 million ha of ​​rice farming land. Within the permitted area of land, allowing the flexible shift in the structure of crops and livestock on rice farming land without changing the nature and conditions for use of rice farming land so that land can be converted back to rice farming land when necessary. Strictly controlling the repurposing of rice farming land, especially wet rice farming land that is converted into non-agricultural land, along with ensuring the interests of rice farmers and rice cultivation localities.

4. Strictly managing protection forest land and special-use forest land; protecting the area of natural forests and restoring natural forests associated with biodiversity conservation, landscape and ecological environment protection. Developing and improving the quality of planted forests, especially large timber planted forests.

5. Expanding land of industrial parks, especially in dynamic regions, connected with economic corridors. Continuing to expand urban land associated with the process of urbanization.

Article 13. Tentative list of projects of national importance and order of priority for implementation thereof

1. The tentative list of projects of national importance for 2021 - 2030 with vision scheduled for 2050 is shown in the Appendix to this Resolution.

2. If any project obtaining the investment policy decision or the approval of the investment policy from the National Assembly newly arises, it will be added to this List at the same time as the order and procedures for decision on the investment policy and approval of the investment policy, subject to the requirements of the law.

Article 14. Measures and resources available for implementation of the Plan

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Continuing to restructure the state budget to ensure a reasonable ratio between recurrent expenditure and capital investment expenditure in the direction of gradually increasing capital investment expenditure. Restructuring public investment expenditure in the direction of ensuring focused, targeted investment and avoidance of distracted investment; improving efficiency and effectiveness in allocation and disbursement of public investment capital. Prioritizing use of public investment capital for development of large-scale inter-regional and inter-provincial infrastructure networks connected with national dynamic regions, economic corridors, and regional and international traffic networks; investing in projects with high pervasive effects, solving essential needs and addressing bottlenecks in regions, as well as ensuring high economic and social effects for the whole region. Increasing the leading role of public investment to activate, mobilize and attract all social resources, especially private-sector resources, for participation in public-private partnership (PPP) investment projects.

Accelerating the divestment of state capital, the equitization of state-owned enterprises that are not on the list of enterprises of which shares need not to be held by the State; transferring or leasing out state-owned enterprises, and making room for mobilizing non-state investment resources for the socio-economic development. Using proceeds from the equitization and divestment of state capital to focus on investing in key national and local infrastructure projects. Eradicating the situation of distracted investment made outside of the main business lines through the divestment procedure with the aim of ensuring that state-owned enterprises focus on their main business lines and sectors.

Perfecting state budget collection policies on land, property and natural resources; adopting an appropriate mechanism to make best use of land resources for socio-economic infrastructure development. Increasing the state budget revenue from auctioning of land use rights, bidding for projects using land as planned and in city development areas according to TOD to invest such revenue in construction of urban infrastructure.

Continuing to promote administrative reform; further improve and raise the quality of the investment and business environment; enable all economic sectors to make investment and do business; ensure fair competition, equality and transparency. Completing the legal and policy frameworks for development of all types of capital markets, especially stock and venture capital markets, in order to mobilize medium and long-term capital for investment and promotion of entrepreneurship and creative innovation activities.

Making significant changes in regulatory policies to incentivize foreign investment, and preparing consistent conditions, such as infrastructure, institution, human resources, etc. to increase the efficiency in foreign investment to serve development goals. Planning to attract large enterprises with advanced technologies, high technologies, modern management systems, and world-leading multinational corporations to invest in dynamic regions and formation of industrial clusters with the aim of creating great pervasive effects, and promoting the development of the domestic economic sector.

Mobilizing foreign loans with preferential conditions and interest rates that are appropriate, effective and are mostly used in a number of key fields of activity; prioritizing investment in projects that directly promote growth, sustainable development and have pervasive effects, such as projects for adaptation to climate change, clean energy, improvement of environmental quality; and cultural, education, health, science, technology and innovation projects.

2. Regarding regulatory mechanisms and policies

Building and perfecting legal institution associated with strictly and effectively enforcing laws as a legal basis for the implementation of the Plan.

Formulating mechanisms and policies in order for localities within national dynamic regions rich in resources to apply to their investment in development of regional infrastructure as well as infrastructure making connections between local development centers and national infrastructure systems.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Formulating particular mechanisms and policies to take care of the development of culture, education, training, health care, and improve the quality of human resources; affording ethnic minorities, especially those in border areas, sustainable livelihood and jobs, and a settled way of life. Effectively executing socio-economic development programs and projects in ethnic minority and mountainous areas and areas faced with extremely difficult socio-economic conditions. Gradually making disadvantaged areas develop by building infrastructure connecting them with economic corridors, or involving disadvantaged border areas in the development of border gate economic zones. Perfecting regulatory cultural mechanisms and policies to meet development requirements so that the culture domain is truly the spiritual foundation of society.

3. Regarding science, technology and environment

Selecting and focusing on supporting research, application and development of technologies for a number of key industries and sectors. Improving the domestic science and technology potential and level to be able to conduct new scientific researches and technological developments, focusing on prioritizing the development of technologies with high applicability, especially digital technology, biological technology, artificial intelligence, mechatronics, automation, biomedical electronics, energy, and environment.

Strengthening measures to manage, improve and restore the quality of air, water and soil environment in large cities, river basins and sea. Duly managing solid waste, particularly domestic solid waste and plastic waste. Reviewing and strictly controlling large sources of waste; tightening measures to prevent the risk of environmental incidents; proactively monitoring potential causators and projects at possible risk of environmental pollution or incidents. Increasing nature and biodiversity conservation.

Continuing to adopt incentive mechanisms and policies for effectively investing in and operating hi-tech parks, hi-tech agricultural zones, information technology parks, and national innovation centers according to the advanced models in the world.

4. Regarding human resource development

Sustainably developing human resources in the direction of ensuring overall balance and harmony with population distribution planning. Developing breakthrough policies and solutions regarding human resources to quickly increase the rate of workers holding academic qualifications or certificates. Formulating policies to support and improve the capacity of training institutions providing training courses on priority disciplines associated with application of advanced technologies and sciences fundamental to the science and technology development; mobilizing domestic and international resources for use in the tasks of training and retraining human resources.

Developing preferential policies to attract high-quality human resources for priority industries and localities within dynamic regions; attracting and effectively using the intelligence and resources of overseas Vietnamese. Innovating policies to attract human resources, especially scientific and technical personnel, for long-term work and develop local human resources in disadvantaged areas, especially in ethnic minority areas.

5. Regarding international cooperation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Effectively implementing bilateral and multilateral agreements on infrastructure development, especially for traffic infrastructure, to facilitate cross-border transport of passengers and goods, inter-country transit, and multimodal transport with countries within the ASEAN region, Greater Mekong Subregion (GMS), and with other countries around the world.

Actively and proactively cooperating with worldwide countries and territories to promote economic, trade and investment relations, especially creating more favorable conditions for access to major and important markets of Vietnamese exports. Effectively carrying out Free Trade Agreements (FTAs), especially new-generation FTAs, ​​of which Vietnam is a member state with the aim of maximizing benefits from FTAs.

Actively and proactively participating in international treaties, bilateral and multilateral cooperation mechanisms; promoting international cooperation relating to water resources on the principle of respecting international law and interests of each partnering country involved in extraction, use and management of transboundary water resources.

Actively and proactively participating in international treaties and agreements on climate change with the expectation of taking advantage of international support resources for response to climate change.

Article 15. Implementation of the Plan1. The Plan approved in this Resolution serves as a basis for developing the national marine spatial planning, the national land use planning, the national industry planning, the regional planning, the provincial planning, the special administrative-economic unit planning, the urban planning, and the rural planning nationwide. The implementation of programs and projects of national importance must conform to the country's practical development requirements and the objectives and orientations identified in this Resolution. The planning specified in the national plan that has been decided or approved by competent authorities in accordance with the Law on Planning must be reviewed and adjusted appropriately, ensuring consistency with the national master plan.2. Assigning the Government and the Prime Minister to perform the following tasks:

a) Bear responsibility for the accuracy of data, documents, diagrams, maps and databases included in the National Master Plan File, ensuring consistency with the contents of this Resolution;

b) Take charge of implementing this Resolution associated with directing the implementation of socio-economic development tasks in accordance with law; introduce the Plan for implementation of the National Master Plan to perform the objectives and tasks set out in the Plan; conduct the review of the implementation of the Plan in accordance with the regulatory provisions of the Law on Planning;

c) Give instructions to organize the announcement of the Plan in accordance with law on planning; implement the Plan for implementation of the National Master Plan;

d) Research and develop regulatory mechanisms, policies and solutions to attract investment; ensure financial resources, social security, national defense, security, development of human resources, science, technology, and environmental protection to implement the objectives, tasks and orientations specified in the National Master Plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Develop the principle of prioritizing the use of marine space for sectors and fields in the national marine spatial planning;

g) Strengthen the examination and inspection of the implementation of the planning; impose strict sanctions on organizations and individuals that violate the Plan decided by the National Assembly.

3. The National Assembly’s Standing Committee, the Council of Ethnic Minorities, the National Assembly’s Committees, the National Assembly’s Delegations and the National Assembly’s delegates shall supervise the implementation of this Resolution.

4. The Vietnam Fatherland Front, its member organizations and other social organizations established in accordance with laws shall supervise and call for public participation in implementation of this Resolution.

This Resolution is passed in the second extraordinary meeting of the 15th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on January 9, 2023.

 

 

CHAIRMAN




Vuong Dinh Hue

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



tentative list of projects of national importance for 2021 - 2030 with vision scheduled for 2050
(to the Resolution No. 81/2023/QH15 dated January 9, 2023 of the National Assembly)

No.

Projects

Phasing

2021 – 2030

2031 – 2050

1

Eastern North-South expressway

X

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2

Western North-South expressway

 

X

3

East-West expressway

X

 

4

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



X

X

5

Ring roads of Hanoi capital area and Ho Chi Minh city area

X

 

6

North-South express railway

X

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7

Urban rail transit systems of Hanoi and Ho Chi Minh city

X

X

8

Railway lines connected to international gateway seaports

X

X

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


30.381

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.184.33
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!