BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Số:
11-QĐi/TW
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2019
|
QUY ĐỊNH
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP ỦY TRONG VIỆC TIẾP DÂN, ĐỐI THOẠI
TRỰC TIẾP VỚI DÂN VÀ XỬ LÝ NHỮNG PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA DÂN
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XII;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ
tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ,
Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm
của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử
lý những phản ánh, kiến nghị của dân như sau:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định trách nhiệm
của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những
phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những biểu hiện suy
thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
trong cán bộ, đảng viên.
2. Quy định này áp dụng đối với người
đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện, cấp ủy cấp xã; người phản ánh, kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo là người dân, cán bộ, đảng viên, đại diện cơ quan, tổ
chức, đơn vị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc
chung
1. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp
lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải
quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng
và pháp luật của Nhà nước.
2. Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý,
giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng,
lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời,
đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người
dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại,
tố cáo theo quy định.
Điều 3. Trách nhiệm
của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản
ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân
1. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo,
yêu cầu của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cấp trên trong công tác tiếp dân, đối
thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo của dân.
2. Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân,
kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến
nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám
sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm
quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử
lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
4. Ban hành và tổ chức thực hiện nội
quy, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo quy định của Đảng, pháp
luật của Nhà nước; phân công một cơ quan, đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm tiếp
nhận, xử lý thông tin, báo cáo và theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho người đứng đầu
cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử
lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân trên địa bàn; bố
trí địa điểm, điều kiện vật chất, kỹ thuật cần thiết, thuận lợi cho người dân đến
phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
5. Chỉ đạo, hoặc phối hợp với các cơ
quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân;
bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
6. Thông báo thời gian, địa điểm tiếp
dân trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức (nếu có) và trụ sở làm việc
của người đứng đầu cấp ủy hoặc địa điểm tiếp dân.
7. Định kỳ quý I, 6 tháng, 9 tháng,
năm hoặc đột xuất trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ
trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình, kết quả
công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo
của dân.
8. Định kỳ hằng tháng, quý I, 6
tháng, 9 tháng, năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình, kết quả tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của
dân như sau:
a) Bí thư cấp ủy cấp tỉnh báo cáo với
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.
b) Bí thư cấp ủy cấp huyện báo cáo với
bí thư cấp ủy cấp tỉnh, ban nội chính, ban dân vận cấp ủy cấp tỉnh.
c) Bí thư cấp ủy cấp xã báo cáo với
bí thư và ban dân vận cấp ủy cấp huyện.
Điều 4. Thời gian
tiếp dân
1. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định
kỳ như sau:
a) Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp
huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.
b) Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp
dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng.
2. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột
xuất trong các trường hợp sau:
a) Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo
dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ
chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau.
b) Vụ việc có thể gây ra hậu quả
nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Điều 5. Tiếp nhận,
xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy
1. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy thì tiếp nhận để xem
xét, xử lý, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo; hoặc xử lý, giải quyết ngay đối với trường hợp có nội dung căn cứ,
rõ ràng, cụ thể.
2. Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan của các cấp khác nhau thì người đứng đầu
cấp ủy thực hiện như sau:
a) Tiếp nhận, xử lý, giải quyết nội
dung thuộc thẩm quyền; có văn bản chỉ đạo, yêu cầu cấp dưới hoặc các cơ quan,
người có thẩm quyền giải quyết nội dung liên quan, báo cáo kết quả với người đứng
đầu cấp ủy và thông báo kết quả giải quyết cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu
nại, tố cáo.
b) Trường hợp không thuộc phạm vi
trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền xử lý, giải quyết thì hướng dẫn người
phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền đề nghị giải quyết.
Điều 6. Thời hạn
xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể
từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy
thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc
tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử
lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người
dân biết).
Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa
phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng
không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh,
kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể
từ khi nhận được phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo do người đứng đầu cấp ủy
chuyển, chỉ đạo giải quyết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết có
văn bản báo cáo người đứng đầu cấp ủy và thông báo bằng văn bản cho người phản
ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết về kết quả tiếp nhận
để giải quyết và chỉ đạo giải quyết.
Điều 7. Xử lý
đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan, đơn vị của người
đứng đầu cấp ủy
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc,
thực hiện việc xử lý, giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo gửi đến cơ quan, đơn vị, bảo đảm đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo
quy định của Đảng và pháp luật.
2. Trực tiếp chỉ đạo, xử lý, giải quyết
đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên
trong cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 8. Xử lý
trách nhiệm
1. Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử
lý trách nhiệm trong các trường hợp sau:
a) Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng
trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối
thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
b) Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước
về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố
cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính
trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại,
tố cáo bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước nếu lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi
kéo nhiều người; xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh, trật tự, xâm hại đến quyền
và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Điều 9. Tổ chức
thực hiện
1. Cấp ủy các cấp, người đứng đầu cấp
ủy các cấp có trách nhiệm thực hiện Quy định này.
2. Ban Nội chính Trung ương chủ trì,
phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức
Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định; định kỳ báo cáo Bộ Chính
trị, Ban Bí thư. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi
thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Quy định này có hiệu lực thi hành từ
ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.
Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp
Trung ương,
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Quốc Vượng
|