Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu: 02/2024/TT-BYT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
Ngày ban hành: 12/03/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Những đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y từ 12/3/2024

Ngày 12/3/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Những đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y từ 12/3/2024

Theo đó, Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định những đối tượng được quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y bao gồm:

- Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT trước ngày 30/6/2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch.

- Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004.

- Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30/6/2004.

- Đối tượng đã được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

- Đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên.

- Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 13/1999/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền trước ngày 14/02/2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Xem chi tiết tại Thông tư 02/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 12/3/2024.

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2024/TT-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y, GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN, GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN VÀ KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIỆN ĐẠI TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chương I

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Mục 1. ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Điều 1. Đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y

1. Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này trước ngày 30 tháng 6 năm 2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch.

2. Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.

3. Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30 tháng 6 năm 2004.

4. Đối tượng đã được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

5. Đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên.

6. Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT ngày 06 tháng 7 năm 1999 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/1999/TT-BYT) trước ngày 14 tháng 02 năm 2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Điều 2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y

1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này:

a) Có đủ 10 chứng chỉ học phần do cơ sở đào tạo y, dược hoặc Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (Viện, bệnh viện y học cổ truyền) phối hợp với trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế, Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội Đông y tỉnh) tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa và cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004. Các chứng chỉ học phần bao gồm:

- Lý luận cơ bản về y học cổ truyền;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nội khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngoại khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nhi khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh phụ khoa;

- Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngũ quan;

- Chứng chỉ điều trị bằng những phương pháp không dùng thuốc;

- Chứng chỉ dược liệu học;

- Chứng chỉ về bào chế;

- Chứng chỉ về các bài thuốc cổ phương.

b) Trình độ học vấn: Người sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 1960 và dân tộc ít người phải đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ; người sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 1960 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương;

c) Có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư này.

2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này:

a) Có giấy chứng nhận lương y chuyên sâu do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;

b) Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này:

a) Có giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;

b) Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.

4. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư này:

Người có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề được cấp theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, trong đó phạm vi hành nghề là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

5. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư này:

a) Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp từ đủ 30 năm trở lên:

- Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế cấp xã thì phải được Trưởng Trạm y tế xác nhận bằng văn bản; căn cứ để xác nhận dựa vào hợp đồng lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, không có sai sót về chuyên môn và được người bệnh tín nhiệm;

- Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì phải được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó xác nhận;

- Người xác nhận quy định tại điểm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận của mình.

b) Có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên tính đến ngày 26 tháng 11 năm 2015.

6. Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này:

Đạt kết quả kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư số 13/1999/TT-BYT nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Mục 2. THẨM QUYỀN VÀ HỒ SƠ CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Điều 3. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y

1. Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5 và khoản 6 Điều 1 Thông tư này theo mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hợp pháp các chứng chỉ học phần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư này.

3. Bản sao hợp pháp văn bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương đối với người sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 1960 trở về sau.

4. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu cùng bảng điểm do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp.

3. Bản sao hợp pháp văn bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương đối với người sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 1960 trở về sau.

4. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ),

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này,

2. Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận có trình độ y sỹ cấp 2 do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp.

3. Bản sao hợp pháp văn bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương đối với người sinh từ ngày 01 tháng 01 năm 1960 trở về sau.

4. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 7. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề được cấp theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

3. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ),

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản xác nhận quá trình khám bệnh, chữa bệnh của Trưởng Trạm y tế xã hoặc của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao hợp pháp kết quả kiểm tra sát hạch theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này.

3. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 10. Hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận lương y trong trường hợp bị mất, bị hỏng

1. Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận lương y theo mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Mục 3. TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Điều 11. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận lương y đối với các đối tượng phải thi sát hạch quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư này

1. Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Thông tư này qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

2. Trình tự giải quyết:

a) Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có thông báo cho người nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổ thư ký Hội đồng kiểm tra sát hạch phải tiến hành rà soát hồ sơ:

- Trường hợp đủ điều kiện, Tổ thư ký lập danh sách trình Hội đồng.

- Trường hợp không đủ điều kiện, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để thông báo cho người nộp hồ sơ bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách của Tổ thư ký, Hội đồng kiểm tra sát hạch phải họp để giải quyết:

- Trường hợp đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 3 Thông tư này phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thi và chấm điểm.

- Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y hoặc không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch thì báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để thông báo cho người nộp hồ sơ bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Sau khi kiểm tra sát hạch 15 ngày:

- Trường hợp đạt kết quả kiểm tra sát hạch, Tổ thư ký trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Thông tư này cấp giấy chứng nhận lương y.

- Trường hợp không đạt kết quả kiểm tra thi sát hạch thì phải có văn bản thông báo kết quả kiểm tra sát hạch cho từng đối tượng.

Điều 12. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận lương y đối với các đối tượng không phải thi sát hạch quy định tại khoản 4, 5 và khoản 6 Điều 1 Thông tư này

1. Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 3 Thông tư này qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

2. Trình tự giải quyết:

a) Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có thông báo cho người đã nộp hồ sơ để yêu cầu bổ sung.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y cho đối tượng nộp hồ sơ theo quy định.

Điều 13. Trình tự thủ tục cấp lại giấy chứng nhận lương y

1. Cá nhân đề nghị cấp lại giấy chứng nhận lương y gửi 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

2. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành cấp lại giấy chứng nhận lương y cho đối tượng nộp hồ sơ theo quy định.

Mục 4. TỔ CHỨC KIỂM TRA SÁT HẠCH TRƯỚC KHI CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Điều 14. Thành lập Hội đồng và Tổ thư ký kiểm tra sát hạch

1. Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch và Tổ thư ký giúp việc Hội đồng kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y cho các đối tượng thuộc thẩm quyền. Thành viên của Hội đồng là bác sĩ, lương y có kinh nghiệm và có thời gian làm việc trong lĩnh vực y học cổ truyền tối thiểu là 05 năm.

Thành phần của Hội đồng và Tổ thư ký bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền bảo đảm nguyên tắc Chủ tịch Hội đồng không đồng thời là người tổ chức soạn thảo và quản lý ngân hàng đề kiểm tra sát hạch;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam hoặc Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền khác;

c) Các ủy viên Hội đồng bao gồm tối thiểu 06 thành viên các đơn vị sau:

- Đại diện cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trong đó có đào tạo về y, dược cổ truyền;

- Đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Đại diện Hội nghề nghiệp lĩnh vực y, dược cổ truyền;

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc mời thêm các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực y, dược cổ truyền tham gia Hội đồng.

d) Thành phần Tổ thư ký: 04 thành viên

- 02 chuyên viên của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền trong đó chọn một chuyên viên làm Tổ trưởng Tổ thư ký;

- 01 cán bộ của Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền và 01 cán bộ của cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trong đó có đào tạo về y, dược cổ truyền.

2. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch và Tổ thư ký giúp việc Hội đồng kiểm tra sát hạch cấp giấy chứng nhận lương y cho các đối tượng thuộc thẩm quyền. Thành viên của Hội đồng là bác sĩ, lương y có kinh nghiệm và có thời gian làm việc trong lĩnh vực y học cổ truyền tối thiểu là 05 năm

Thành phần của Hội đồng và Tổ thư ký bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo của Hội Đông y cấp tỉnh hoặc Hội Châm cứu cấp tỉnh hoặc Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền khác;

c) Các ủy viên Hội đồng bao gồm tối thiểu 06 thành viên các đơn vị sau:

- Đại diện cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trong đó có đào tạo về y, dược cổ truyền;

- Đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Đại diện Hội nghề nghiệp lĩnh vực y, dược cổ truyền;

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc mời thêm các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực y, dược cổ truyền tham gia Hội đồng.

d) Thành phần Tổ thư ký: 04 thành viên

- 02 chuyên viên của cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong đó chọn một chuyên viên làm Tổ trưởng Tổ thư ký;

- 01 cán bộ của Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền và 01 cán bộ của cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trong đó có đào tạo về y, dược cổ truyền.

Điều 15. Nguyên tắc, nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra sát hạch và Tổ thư ký

1. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng kiểm tra sát hạch:

a) Hội đồng kiểm tra sát hạch hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; ý kiến của thành viên Hội đồng phải bảo đảm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học;

b) Hội đồng kiểm tra sát hạch họp khi có từ 3/4 thành viên Hội đồng tham dự; Trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt phải có văn bản ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Chủ tịch Hội đồng kết luận trên cơ sở có ít nhất 2/3 ý kiến đồng thuận của các thành viên Hội đồng.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra sát hạch:

a) Thẩm định, phê duyệt danh sách các trường hợp đủ và không đủ điều kiện dự kiểm tra sát hạch;

b) Tổ chức kiểm tra sát hạch:

- Báo cáo Bộ Y tế hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch, thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra;

- Tổ chức kiểm tra sát hạch, tổ chức chấm bài theo đúng quy định tại Điều 17 Thông tư này.

c) Phê duyệt kết quả kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng, lập danh sách các trường hợp đạt yêu cầu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận lương y theo thẩm quyền.

3. Nhiệm vụ của Tổ thư ký:

a) Nghiên cứu hồ sơ:

- Phân loại những đối tượng được xem xét cấp giấy chứng nhận lương y không phải qua kiểm tra sát hạch và những đối tượng phải đạt kết quả qua kiểm tra sát hạch trước khi cấp giấy chứng nhận lương y;

- Lập danh sách trích ngang các trường hợp đủ điều kiện và các trường hợp không đủ điều kiện để dự kiểm tra sát hạch.

b) Thông báo thời gian, địa điểm và số báo danh cho từng đối tượng đủ điều kiện tham dự kiểm tra sát hạch;

c) Liên hệ với Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) nhận đề kiểm tra lý thuyết, đáp án và có nhiệm vụ bảo mật, không để lộ đề kiểm tra;

d) Chuẩn bị giấy kiểm tra, người bệnh để tổ chức kiểm tra sát hạch lý thuyết và kiểm tra sát hạch thực hành;

đ) Rọc phách, ghép phách bài kiểm tra sát hạch lý thuyết, lên bảng điểm kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành của từng đối tượng, lập báo cáo Hội đồng kiểm tra sát hạch phê duyệt;

e) Bàn giao tài liệu liên quan đến hoạt động của Hội đồng kiểm tra sát hạch và các bài thi kiểm tra sát hạch cho Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hoặc cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lưu trữ theo thẩm quyền;

g) Lập danh sách đề nghị trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y cho những đối tượng đủ điều kiện.

Điều 16. Thẩm quyền ra đề kiểm tra sát hạch

1. Đề kiểm tra sát hạch lý thuyết: Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tổ chức soạn thảo và quản lý ngân hàng đề kiểm tra sát hạch lý thuyết, đáp án hướng dẫn chấm bài kèm theo đề kiểm tra sát hạch.

Việc xây dựng đề kiểm tra sát hạch lý thuyết, thực hành cho các đối tượng lương y phải căn cứ nội dung chương trình chuẩn hóa lương y, chương trình đào tạo của Trung ương Hội Đông y Việt Nam và chương trình đào tạo của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.

2. Kiểm tra sát hạch thực hành: Chủ tịch Hội đồng kiểm tra sát hạch tổ chức việc kiểm tra sát hạch theo quy định tại Điều 17 Thông tư này.

Điều 17. Tổ chức kiểm tra sát hạch, hình thức kiểm tra sát hạch, nội dung kiểm tra sát hạch, cách chấm điểm, cách tính điểm kiểm tra sát hạch

1. Kế hoạch tổ chức kiểm tra sát hạch:

a) Tùy theo số lượng người dự kiểm tra sát hạch, Hội đồng kiểm tra sát hạch quyết định thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra sát hạch;

b) Trường hợp số người dự kiểm tra sát hạch ít, không đủ kinh phí tổ chức kiểm tra sát hạch thì cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể liên hệ với cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khác để phối hợp tổ chức, trường hợp không phối hợp được thì báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để Bộ Y tế xác định cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khác cùng tổ chức kiểm tra sát hạch;

c) Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo kế hoạch kiểm tra sát hạch với Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để theo dõi, giám sát chung.

2. Hình thức kiểm tra sát hạch:

a) Kiểm tra sát hạch lý thuyết: Kiểm tra lý thuyết bằng hình thức bài viết, thời gian 180 phút;

b) Kiểm tra sát hạch thực hành: Kiểm tra vấn đáp trên chất lượng bệnh án theo y học cổ truyền, các kỹ năng biện chứng luận trị, biện chứng chẩn đoán, lý pháp phương dược trên người bệnh với bệnh, chứng cụ thể.

3. Nội dung kiểm tra sát hạch:

a) Nội dung kiểm tra sát hạch lý thuyết: Lý luận chung; bệnh học và phương pháp điều trị, vị thuốc, bài thuốc (các đối tượng thuộc Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam, phần phương dược kiểm tra theo vị thuốc nam, bài thuốc nam) và các phương pháp không dùng thuốc y học cổ truyền;

b) Kiểm tra thực hành: Mỗi người dự kiểm tra sát hạch thực hành chọn ngẫu nhiên một người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng kiểm tra sát hạch quy định để làm bệnh án điều trị theo y học cổ truyền. Thời gian làm bệnh án điều trị không quá 60 phút. Thành viên Hội đồng kiểm tra sát hạch được phân công xem xét, đánh giá chất lượng bệnh án và kiểm tra một số kỹ năng thực hành như kỹ năng khám bệnh (vọng, văn, vấn, thiết), chẩn đoán, biện luận, thực hành châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt, nhận biết và phân tích tác dụng của vị thuốc, ý nghĩa của sự phối ngũ giữa các vị thuốc trong bài thuốc liên quan đến người bệnh.

4. Tổ chức chấm điểm, cách tính điểm:

a) Bài kiểm tra sát hạch lý thuyết: Bài kiểm tra sát hạch lý thuyết sau khi rọc phách được 02 người trong Hội đồng kiểm tra sát hạch chấm độc lập theo thang điểm 10. Kết quả điểm chấm bài của hai người không được chênh nhau quá 01 (một) điểm. Nếu chênh trên 01 (một) điểm hoặc bài thi có đơn yêu cầu phúc tra thì phải chuyển bài kiểm tra đó để Chủ tịch Hội đồng kiểm tra sát hạch tổ chức chấm công khai toàn Hội đồng. Trường hợp chênh không quá 01 (một) điểm thì điểm bài kiểm tra là điểm trung bình cộng của hai cán bộ chấm thi sát hạch lý thuyết;

b) Chấm điểm kiểm tra thực hành:

- Hai người của Hội đồng kiểm tra sát hạch cùng kiểm tra thực hành và cho điểm độc lập. Điểm kiểm tra thực hành là điểm trung bình cộng của hai cán bộ kiểm tra sát hạch thực hành. Điểm kiểm tra thực hành không tổ chức phúc tra;

- Cách chấm điểm thực hành như sau:

+ Kỹ năng khám bệnh (vọng, văn, vấn, thiết): Tối đa được 02 điểm.

+ Chẩn đoán đúng: 03 điểm, sai: 0 điểm.

+ Phương pháp điều trị, bài thuốc hợp lý: Tối đa được 03 điểm.

+ Phân tích được quân, thần, tá, sứ của bài thuốc: Tối đa được 01 điểm.

+ Kỹ năng châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt: Tối đa được 01 điểm.

5. Kết quả kiểm tra:

a) Người đạt yêu cầu là người có điểm kiểm tra lý thuyết và thực hành đều đạt từ 05 điểm trở lên;

b) Người không đạt yêu cầu là người có điểm kiểm tra sát hạch lý thuyết hoặc thực hành dưới 05 điểm hoặc cả điểm sát hạch lý thuyết và sát hạch thực hành đều dưới 05 điểm.

Trường hợp kiểm tra sát hạch không đạt yêu cầu thì sau 12 tháng được quyền làm đơn đề nghị được kiểm tra và sẽ được bố trí kiểm tra vào đợt tiếp theo. Nội dung kiểm tra sát hạch bao gồm cả phần lý thuyết và thực hành theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 5. THU HỒI, TRÌNH TỰ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

Điều 18. Thu hồi giấy chứng nhận lương y

Giấy chứng nhận lương y bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

1. Giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền.

2. Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y không đúng quy định.

Điều 19. Trình tự thu hồi giấy chứng nhận lương y

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện người đã được cấp giấy chứng nhận lương y thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định tại Điều 18 Thông tư này gửi thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận lương y theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận lương y có trách nhiệm xác minh hồ sơ, tài liệu và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp, nếu thuộc trường hợp thu hồi thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận lương y.

Chương II

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN, GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

Điều 20. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bản sao hợp lệ kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc gia truyền.

4. Bản sao hợp pháp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

5. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do bị mất, bị hỏng

1. Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

Điều 23. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

1. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tới cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà người đề nghị cấp giấy chứng nhận không sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận không còn giá trị. Người đề nghị nộp lại hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 21 Thông tư này nếu có nhu cầu.

3. Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức Hội đồng để thẩm định.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản họp Hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc ban hành văn bản về việc từ chối cấp giấy chứng nhận và nêu rõ lý do từ chối.

Điều 24. Trình tự thủ tục cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

1. Cá nhân đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền gửi 01 bộ hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

2. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho đối tượng đề nghị.

Điều 25. Thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền bao gồm:

1. Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo của Hội Đông y cấp tỉnh hoặc Hội Châm cứu cấp tỉnh hoặc Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y, dược cổ truyền khác.

3. Các ủy viên Hội đồng bao gồm tối thiểu 08 thành viên các đơn vị sau:

a) Đại diện phòng chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Đại diện cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trong đó có đào tạo về y, dược cổ truyền;

c) Đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d) Đại diện Hội nghề nghiệp lĩnh vực y, dược cổ truyền.

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc mời thêm các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực y, dược cổ truyền tham gia Hội đồng.

Điều 26. Thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

1. Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không đúng quy định.

3. Có kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không bảo đảm an toàn, hiệu quả.

4. Có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không phải là người giữ quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều 27. Trình tự thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện người đã được cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền thuộc trường hợp phải thu hồi theo quy định tại Điều 26 Thông tư này gửi thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền có trách nhiệm xác minh hồ sơ, tài liệu và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp; nếu thuộc trường hợp thu hồi thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Chương III

KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI Y HỌC HIỆN ĐẠI TẠI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 28. Nguyên tắc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm sử dụng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để khám bệnh, chữa bệnh và theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Việc kết hợp phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động và các văn bản cho phép thực hiện của cấp có thẩm quyền.

2. Việc kết hợp phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của y học cổ truyền với phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp theo từng giai đoạn bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Điều 29. Chỉ định, thực hiện các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh và kê đơn thuốc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

1. Người hành nghề thuộc một trong các chức danh chuyên môn sau đây được chỉ định, thực hiện kết hợp phương pháp, kỹ thuật chuyên môn y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh:

a) Chức danh Bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa;

b) Chức danh Bác sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền;

c) Chức danh Bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa;

d) Chức danh Y sỹ với phạm vi hành nghề đa khoa;

đ) Chức danh Y sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền.

2. Người hành nghề thuộc một trong các chức danh chuyên môn sau đây được thực hiện kết hợp phương pháp, kỹ thuật chuyên môn chữa bệnh y học cổ truyền với y học hiện đại:

a) Các chức danh chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Chức danh điều dưỡng với phạm vi hành nghề điều dưỡng;

c) Chức danh điều dưỡng với phạm vi hành nghề điều dưỡng chuyên khoa;

d) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề phục hồi chức năng;

đ) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề phục hồi chức năng chuyên khoa.

3. Việc kê đơn thuốc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 44/2018/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược (sau đây viết tắt là Thông tư số 44/2018/TT-BYT).

Điều 30. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại bệnh viện y học cổ truyền

Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các bệnh viện y học cổ truyền bao gồm các nội dung sau:

1. Khám bệnh, chữa bệnh đa khoa nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bệnh viện xây dựng danh mục thuốc phục vụ cấp cứu, phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh tại đơn vị.

3. Sử dụng thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học hiện đại kết hợp thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học cổ truyền để khám bệnh, chữa bệnh và theo dõi, đánh giá kết quả điều trị phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động và các văn bản cho phép thực hiện của cấp có thẩm quyền.

Điều 31. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại bệnh viện khác

Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại bệnh viện khác được thực hiện như sau:

1. Căn cứ nhu cầu, số lượng, trình độ nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị để quyết định việc thành lập khoa hoặc bộ phận chuyên môn về y học cổ truyền tại bệnh viện để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

2. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm chỉ đạo và phê duyệt việc phối hợp giữa các khoa, bộ phận chuyên môn trong việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, trong đó khoa hoặc bộ phận y học cổ truyền là đầu mối.

3. Sử dụng thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học hiện đại để khám bệnh, chữa bệnh và theo dõi, đánh giá kết quả điều trị phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động và các văn bản cho phép thực hiện của cấp có thẩm quyền.

4. Bảo đảm có đủ thuốc đáp ứng việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm cả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Điều 32. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với hình thức tổ chức không phải là bệnh viện

Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với hình thức tổ chức không phải là bệnh viện được thực hiện như sau:

1. Sử dụng thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học cổ truyền kết hợp thuốc, thiết bị y tế, phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học hiện đại để khám bệnh, chữa bệnh và theo dõi, đánh giá kết quả điều trị phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động và các văn bản cho phép thực hiện của cấp có thẩm quyền.

2. Bảo đảm có đủ thuốc đáp ứng việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm cả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 3 năm 2024.

2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế quy định cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y;

b) Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền;

c) Thông tư số 50/2010/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

3. Bãi bỏ khoản 5 Điều 2 Thông tư số 20/2023/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Bộ Y tế bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Điều 34. Điều khoản chuyển tiếp

1. Giấy chứng nhận lương y; giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn tiếp tục sử dụng.

2. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền; giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền nộp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 tháng 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế xét duyệt cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.

Điều 35. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các cơ quan tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, YDCT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

PHỤ LỤC I

CÁC BIỂU MẪU VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y
(kèm theo Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2024 của Bộ Y tế)

Mẫu

Tên phụ lục

Mẫu số 01

Đơn đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

Mẫu số 02

Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

Mẫu số 03

Giấy xác nhận quá trình khám bệnh, chữa bệnh

Mẫu số 04

Giấy chứng nhận lương y

Mẫu số 01: Đơn đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..........1......, ngày....tháng .... năm 20.....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

Kính gửi: ...................................2......................................

Họ và tên: .........................................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ....................................................................................................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu:3 ..........................................................................................................................

Trường hợp đề nghị cấp:4 ................................................................................................

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:5

(1) ......................................................................................................................................

(2) ......................................................................................................................................

(3) ......................................................................................................................................

............................................................................................................................................

Tôi xin cam đoan những thông tin kê khai ở trên là của tôi và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của nội dung kê khai cũng như các giấy tờ trong bộ hồ sơ này. Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y cho tôi.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(ký và ghi rõ họ, tên)

____________________

1 Địa danh

2 Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận lương y (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hoặc cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

3 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Ghi rõ cấp mới hoặc cấp lại giấy chứng nhận lương y theo quy định.

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn.

Mẫu số 02: Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

.............1...........
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /PTN-....2....

..........3......, ngày tháng năm 20.....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận lương y

Họ và tên người đề nghị: .............................................................................................

Địa chỉ cư trú: ..............................................................................................................

Điện thoại: ...................................................................................................................;

Đã nhận hồ sơ đề nghị ..........4..............gồm các giấy tờ sau:5

1 ...................................................................................................................................

2 ...................................................................................................................................

3 ...................................................................................................................................

......................................................................................................................................

NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh, họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

____________________

1 Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận lương y (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hoặc cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2 Chữ viết tắt tên cơ quan cấp giấy chứng nhận lương y

3 Địa danh

4 Ghi rõ tên thủ tục hành chính

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn.

Mẫu số 03: Giấy xác nhận quá trình khám bệnh, chữa bệnh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..........1......, ngày tháng năm 20.....

GIẤY XÁC NHẬN QUÁ TRÌNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Họ và tên: ............................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu:2 .............................................................................................................

Tôi xin kê khai quá trình khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền như sau:

Thời gian
(từ tháng/năm đến tháng/năm)

Phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền

Nơi làm việc

Chức vụ

Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tôi không có sai phạm gì về đạo đức nghề nghiệp cũng như quy chế chuyên môn.

Tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ SỞ
KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
(ký tên, đóng dấu nếu có)

Người khai
(ký, ghi rõ họ tên)

____________________

1 Địa danh

2 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

Mẫu số 04: Giấy chứng nhận lương y

.............1...........
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...2.../..3..-GCNLY

GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

....................4...................

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BYT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Theo đề nghị của 5.....................................................................................................

Ảnh 4x6

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LƯƠNG Y

(Cấp lại lần thứ......)6

Họ và tên: ................................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ...........................................................................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu:.7.......................................

Ngày cấp: .................................... Nơi cấp: ....................................

.......8.......ngày.... tháng... năm....
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

____________________

1 Tên cơ quan cấp, cấp lại giấy chứng nhận lương y (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền hoặc cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2 Số giấy chứng nhận lương y.

3 Chữ viết tắt của cơ quan cấp, cấp lại giấy chứng nhận lương y.

4 Chức vụ của người có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận lương y.

5 Ghi rõ chức vụ người đứng đầu phòng chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận lương y.

6 Áp dụng đối với trường hợp cấp lại giấy chứng nhận lương y.

7 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

8 Địa danh.

PHỤ LỤC II

CÁC BIỂU MẪU VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN, GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN
(kèm theo Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2024 của Bộ Y tế)

Mẫu số 01

Đơn đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Mẫu số 02

Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Mẫu số 03

Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

Mẫu số 04

Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Mẫu số 01: Đơn đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..........1......, ngày....tháng .... năm 20.....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Kính gửi: ................................2...................

Họ và tên: ............................................................................................................

Địa chỉ cư trú: ......................................................................................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu:....................................3...........................................................................

Trường hợp đề nghị cấp: 4....................................................................................

Số giấy chứng nhận đã cấp: ................Ngày cấp: ..............Nơi cấp:..............(đối với trường hợp cấp lại).

Tôi xin gửi kèm theo đơn này bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:5

(1) ..........................................................................................................................

(2) ..........................................................................................................................

(3) ..........................................................................................................................

................................................................................................................................

Tôi xin cam đoan những thông tin kê khai ở trên là của tôi và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của nội dung kê khai cũng như các giấy tờ trong bộ hồ sơ này. Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho tôi./.

NGƯỜI LÀM ĐƠN
(ký và ghi rõ họ, tên)

____________________

1 Địa danh

2 Tên cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp lại giấy chứng nhận nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

3 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

4 Ghi rõ cấp mới hoặc cấp lại giấy chứng nhận nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền theo quy định.

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn.

Mẫu số 02: Phiếu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

.............1...........
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /PTN-....2....

..........3......, ngày....tháng .... năm 20.....

PHIẾU TIẾP NHẬN

Hồ sơ đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Họ và tên người đề nghị: .............................................................................................

Địa chỉ cư trú: ..............................................................................................................

Điện thoại liên hệ: ........................................................................................................

Đã nhận hồ sơ đề nghị ................4.............. gồm các giấy tờ sau:5

1....................................................................................................................................

2 ...................................................................................................................................

3 ...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

NGƯỜI TIẾP NHẬN HỒ SƠ
(Ký, ghi rõ chức danh, họ và tên)

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

Tiếp nhận hồ sơ bổ sung lần:

ngày tháng năm

Ký nhận

____________________

1 Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận.

2 Chữ viết tắt tên cơ quan cấp giấy chứng nhận.

3 Địa danh.

4 Ghi rõ tên thủ tục hành chính.

5 Liệt kê đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn.

Mẫu số 03: Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..........1......, ngày....tháng .... năm 20.....

BẢN THUYẾT MINH VỀ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN, PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

Họ và tên: ............................................................................................................

Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................................................

Địa chỉ cư trú: .......................................................................................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu: ....................................2...........................................................

Ngày cấp: ....................................Nơi cấp: ..........................................................

Tôi có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền: ..............

* Quá trình sử dụng Bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền của gia đình qua các thế hệ:

1. Ông (Bà)................................................... Địa chỉ .................................................

2. Đến Ông (Bà)............................................ Địa chỉ .................................................

3. Đến Ông (Bà)............................................ Địa chỉ .................................................

* Thông tin về bài thuốc gia truyền:

- Tên bài thuốc: ...........................................................................................................

- Xuất xứ của bài thuốc qua các đời trong dòng tộc, gia đình, nơi đã sử dụng bài thuốc để điều trị: ..........................................................................................................

- Công thức của bài thuốc (ghi rõ tên từng vị, liều lượng): .........................................

- Cách bào chế: ............................................................................................................

- Độc tính (nếu có) và phương pháp chế biến giảm độc tính: ......................................

- Dạng thuốc: ................................................................................................................

- Liều dùng, cách dùng, đường dùng: ...........................................................................

- Chỉ định và chống chỉ định: .........................................................................................

- Hiệu quả chữa bệnh: ..................................................................................................

- Tác dụng không mong muốn (nếu có), xử lý khi tác dụng không mong muốn xảy ra:...

* Thông tin về phương pháp chữa bệnh gia truyền:

- Tên phương pháp: .......................................................................................................

- Hiệu quả chữa bệnh: ...................................................................................................

- Chỉ định:........................................Chống chỉ định: .....................................................

- Tai biến (nếu có), cách xử lý tai biến khi xảy ra: .........................................................

- Kỹ thuật (thao tác thực hiện): ......................................................................................

Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của bản thuyết trình, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

NGƯỜI THUYẾT MINH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

____________________

1 Địa danh

2 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

Mẫu số 04: Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền

.............1...........
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...2.../..3..-GCN...4..

GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN/ GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

...............5.................

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023;

Căn cứ Thông tư số /2024/TT-BYT ngày tháng năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Theo đề nghị của 6......................................................................................................

Ảnh 4x6

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN/GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

(Cấp lại lần thứ............)7

Họ và tên: .................................... Ngày, tháng, năm sinh: ....................................

Số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu:8.......................................................................................................................

Ngày cấp: ................................................ Nơi cấp: ..................................................

Địa chỉ cư trú: ............................................................................................................

Bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền: ........................................

(Thành phần bài thuốc gia truyền:.................)9

.......10......., ngày.... tháng... năm....
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu)

____________________

1 Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

2 Số giấy chứng nhận.

3 Chữ viết tắt của cơ quan cấp giấy chứng nhận.

4 Ký hiệu của giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền.

5 Chức vụ của người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền.

6 Ghi rõ chức vụ người đứng đầu phòng chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp lại giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền.

7 Áp dụng đối với trường hợp cấp lại giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền.

8 Ghi một trong năm thông tin về số chứng minh nhân dân/số căn cước công dân/số căn cước/số định danh cá nhân/số hộ chiếu còn hạn sử dụng.

9 Áp dụng đối với giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.

10 Địa danh.

MINISTRY OF HEALTH
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 02/2024/TT-BYT

Hanoi, March 12, 2024

 

CIRCULAR

ON ISSUANCE OF CERTIFICATES OF TRADITIONAL MEDICINE PRACTITIONER, CERTIFICATES OF HOLDERS OF FAMILY REMEDIES, CERTIFICATES OF HOLDERS OF FAMILY TREATMENT METHODS AND COMBINATION OF TRADITIONAL MEDICINE AND MODERN MEDICINE AT MEDICAL FACILITIES

Pursuant to the Law on Medical Examination and Treatment No. 15/2023/QH15 dated January 9, 2023;

Pursuant to Government’s Decree No. 96/2023/ND-CP dated December 30, 2023 on elaboration of the Law on Medical Examination and Treatment;

Pursuant to Government's Decree No. 95/2022/ND-CP dated November 15, 2022 on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Health;

At the request of the Director of the Traditional Medicine Administration;

The Minister of Health promulgates a Circular on issuance of certificates of traditional medicine practitioner, certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods, and combination of traditional medicine and modern medicine at medical examination and treatment facilities (hereinafter referred to as medical facilities).

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. APPLICANTS AND CONDITIONS FOR ISSUANCE OF CERTIFICATES OF TRADITIONAL MEDICINE PRACTITIONER

Article 1. Applicants for certificates of traditional medicine practitioner

1. Those who have been standardized as traditional medicine practitioners and have all the module certificates specified in Point a, Clause 1, Article 2 of this Circular before June 30, 2004 but have not taken examinations.

2. Those who have been granted a certificate of specialized traditional medicine practitioner by Vietnam Orientally Traditional Medicine Association before June 30, 2004.

3. Those who have been trained by the Vietnamese Pure Land Buddhism Association and have been granted a certificate of level 2 or higher physician assistant by the Central Executive Committee of the Vietnamese Pure Land Buddhism Association (according to the classification of Vietnamese Pure Land Buddhism Association) before June 30, 2004.

4. Those who have been granted a certificate of eligibility to practice by a health authority under the Provincial People's Committee in accordance with the Ordinance on the Practice of Private Medicine and Pharmacy with the scope of medical examination and treatment practice with traditional medicine but are not traditional medicine physicians or physician assistants, and have not been granted a certificate of traditional medicine practitioner.

5. Those who have participated in medical examination and treatment with traditional medicine for at least 30 years.

Those who passed the examinations in accordance with Circular No. 13/1999/TT-BYT dated July 6, 1999 of the Ministry of Health on guidelines for the Ordinance on the Practice of Private Medicine and Pharmacy in the field of traditional medicine and pharmacy practice (hereinafter abbreviated as Circular No. 13/1999/TT-BYT) before February 14, 2004 but have not been granted a certificate of traditional medicine practitioner.

Article 2. Conditions for issuing certificates of traditional medicine practitioner

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Obtain all 10 module certificates issued before June 30, 2004 after completion of standardized training programs. These programs are provided by medical or pharmaceutical training facilities, the Vietnam Orientally Traditional Medicine Association, traditional medical facilities (traditional medicine institutes or hospitals) in coordination with medical post-secondary schools or colleges, Orientally Traditional Medicine Associations of provinces and centrally affiliated cities (hereinafter referred to as Provincial Orientally Traditional Medicine Associations). Certificates of completion of the following modules:

Fundamental theory of traditional medicine;

- Certificate of internal medicine pathology and treatment;

- Certificate of surgical pathology and treatment;

- Certificate of pediatric pathology and treatment;

- Certificate of gynecological pathology and treatment;

- Certificate of five-sense-related pathology and treatment;

- Certificate of non-medicament treatment methods;

- Certificate of pharmacology;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Certificate of ancient medical prescriptions.

b) Educational level: Those who were born before January 1, 1960 and ethnic minorities must be able to read and write the Vietnamese language fluently; those who were born on January 1, 1960 or later must have a high school diploma or equivalent;

c) Have passed the examinations as prescribed in this Circular.

2. Conditions for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 2, Article 1 of this Circular:

a) Obtain a certificate of specialized traditional medicine practitioner issued by Vietnam Orientally Traditional Medicine Association before June 30, 2004;

b) Meet all the conditions specified in Points b and c, Clause 1 of this Article.

3. Conditions for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 3, Article 1 of this Circular:

a) Obtain a certificate of level 2 or higher physician assistant (according to the classification of Vietnamese Pure Land Buddhism Association) issued by the Central Executive Committee of the Vietnamese Pure Land Buddhism Association before June 30, 2004;

b) Meet all the conditions specified in Points b and c, Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Those who obtain a certificate of eligibility to practice issued under the Ordinance on the Practice of Private Medicine and Pharmacy, in which the scope of practice is medical examination and treatment with traditional medicine but are not traditional medicine physicians or physician assistants, and have not been granted a certificate of traditional medicine practitioner.

5. Conditions for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 5, Article 1 of this Circular:

a) Have had medical examination and treatment with traditional medicine at legal medical facilities for at least 30 years:

- If this person conducts medical examination and treatment at a commune-level health station, he/she must obtain written confirmation from the head of the health station. This confirmation should be based on the employment contract or other documentation that verifies this person’s participation in traditional medicine services, free from professional medical errors, and his/her positive reputation among patients;

- If this person conducts medical examination and treatment at other medical facilities, he/she must obtain written confirmation from the head of these medical facilities;

- The person providing confirmation under this point shall bear legal responsibility for the content of their confirmation.

b) Be 55 years old or older until November 26, 2015.

6. Conditions for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 6, Article 1 of this Circular:

Have passed the examinations as prescribed in Circular No. 13/1999/TT-BYT but have not been granted a certificate of traditional medicine practitioner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 3. Authority for issuance, re-issuance, or revocation of certificates of traditional medicine practitioner

1. The Minister of Health assigns the Director of the Traditional Medicine Administration to issue, re-issue, and revoke certificates of traditional medicine practitioners to those specified in Clauses 2 and 3, Article 1 of this Circular using the form No. 04 Appendix I issued with this Circular.

2. The head of the health authority under the Provincial People's Committee shall issue, re-issue, and revoke certificates of traditional medicine practitioners to those specified in Clauses 1, 4, 5 and 6, Article 1 of the Circular according to form No. 04, Appendix I issued with this Circular.

Article 4. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 1, Article 1 of this Circular

1. Application form for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner using the form No. 01, Appendix I issued with this Circular.

2. Legal copies of module certificates as prescribed in Point a, Clause 1, Article 2 of this Circular.

3. Legal copy of high school diploma or equivalent for those who were born on January 1, 1960 or later.

4. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 5. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 2, Article 1 of this Circular

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Legal copy of the certificate of specialized traditional medicine practitioner and transcript issued by Vietnam Orientally Traditional Medicine Association.

3. Legal copy of high school diploma or equivalent for those who were born on January 1, 1960 or later.

4. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 6. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 3, Article 1 of this Circular

1. Application form for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner using the form No. 01, Appendix I issued with this Circular.

2. Legal copy of level 2 physician assistant certificate issued by the Central Executive Committee of the Vietnamese Pure Land Buddhism Association.

3. Legal copy of high school diploma or equivalent for those who were born on January 1, 1960 or later.

4. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 7. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 4, Article 1 of this Circular

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Legal copy of the certificate of eligibility to practice issued in accordance with the Ordinance on the Practice of Private Medicine and Pharmacy with the scope of medical examination and treatment with traditional medicine.

3. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 8. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 5, Article 1 of this Circular

1. Application form for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner using the form No. 01, Appendix I issued with this Circular.

2. Confirmation of the medical examination and treatment process issued by the head of the commune-level health station or the head of the medical facility using the form No. 03, Appendix I issued with this Circular.

3. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 9. Application for issuance of certificates of traditional medicine practitioner to those specified in Clause 6, Article 1 of this Circular

1. Application form for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner using the form No. 01, Appendix I issued with this Circular.

2. Legal copy of examination results as prescribed in Clause 6, Article 1 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 10. Application for re-issuance of lost or damaged certificate of traditional medicine practitioner

1. Application form for re-issuance of a certificate of traditional medicine practitioner using the form No. 01, Appendix I issued with this Circular.

2. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Section 3. PROCEDURES FOR ISSUANCE OR RE-ISSUANCE OF CERTIFICATES OF TRADITIONAL MEDICINE PRACTITIONER

Article 11. Procedures for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner to those who must take the examination specified in Clauses 1, 2 and 3, Article 1 of this Circular

1. The applicant shall send an application to the competent authority as prescribed in Article 3 of this Circular by post, in person, or through the National Public Service Portal.

2. Processing procedures:

a) After receiving the application, the receiving entity shall give the applicant an application acknowledgement slip using the form No. 02, Appendix I issued with this Circular.

In case the application is invalid, within 5 working days from the date stated on the application acknowledgement slip, the competent authority shall notify the applicant to supplement the application.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- If eligible, the Secretariat prepares a list to submit to the Council.

- If ineligible, the Secretariat report it to the competent authority to notify each applicant in writing and clearly state the reason.

c) Within 10 working days of receiving the list from the Secretariat, the Examination Council must convene a meeting to resolve the following matters:

- If the applicants are eligible to take the examination, the competent authority specified in Article 3 of this Circular must develop a plan, administer the examination, and do the marking.

- If any applicant is ineligible for a certificate of traditional medicine practitioner or ineligible to take an examination, the Secretariat shall report it to the competent authority to notify the applicant in writing and clearly state the reason.

d) 15 days after the examination:

- If the applicant has passed the examination, the Secretariat shall request the competent authority as prescribed in Article 3 of this Circular to issue a certificate of traditional medicine practitioner.

- If the applicant has failed the examination, they shall be notified in writing.

Article 12. Procedures for issuance of a certificate of traditional medicine practitioner to those who are exempt from examination specified in Clauses 4, 5 and 6, Article 1 of this Circular

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Processing procedures:

a) After receiving the application, the receiving entity shall give the applicant an application acknowledgement slip using the form No. 02, Appendix I issued with this Circular.

In case the application is invalid, within 5 working days from the date stated on the application acknowledgement slip, the competent authority shall notify the applicant to supplement the application.

b) Within 10 working days of receiving the valid application, the competent authority shall issue a certificate of traditional medicine practitioner to the applicant according to regulations.

Article 13. Procedures for re-issuance of certificates of traditional medicine practitioner

1. The applicant for re-issuance of certificate of traditional medicine practitioner shall send an application to the competent authority that previously issued the original certificate by post, in person, or through the National Public Service Portal.

2. After receiving the valid application, the receiving entity shall give the applicant an application acknowledgement slip using the form No. 02, Appendix I issued with this Circular.

3. Within 07 working days of receiving the valid application, the competent authority shall re-issue a certificate of traditional medicine practitioner to the applicant according to regulations.

Section 4. ADMINISTRATION OF EXAMINATION BEFORE ISSUANCE OF CERTIFICATES OF TRADITIONAL MEDICINE PRACTITIONER

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Minister of Health shall establish an Examination Council and a Secretariat to assist the Examination Council to issue certificate of traditional medicine practitioners to the eligible entities under its authority.  Members of the Council are experienced traditional medicine doctors and physicians who have worked in the field of traditional medicine for at least 5 years.

The composition of the Council and Secretariat:

a) President:  Leader of the Traditional Medicine Administration provided that the Council President may not lead the setting and management of examination question bank;

b) Deputy President: Leader(s) of the Traditional Medicine Administration, Vietnam Orientally Traditional Medicine Association or the Central Vietnam Acupuncture Association or other professional associations in the field of traditional medicine and pharmacy;

c) Council members include at least 6 members of the following entities:

- Representative of a health training facility, including training in traditional medicine and pharmacy;

- Representative of medical facility;

- Representative of the professional association in the field of traditional medicine and pharmacy;

Where necessary, the Council President may invite additional relevant experts in the field of traditional medicine and pharmacy to join the Council.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- 2 experts from the Traditional Medicine Administration, of which one expert is selected to be the Head of the Secretariat;

- 1 officer of a professional association in the field of traditional medicine and pharmacy and 1 officer of a health training facility including training in traditional medicine and pharmacy.

2. The head of the health authority under the Provincial People's Committee shall establish an Examination Council and a Secretariat to assist the Examination Council to issue certificate of traditional medicine practitioners to the eligible entities under its authority.  Members of the Council are experienced traditional medicine doctors and physicians who have worked in the field of traditional medicine for at least 5 years.

The composition of the Council and Secretariat:

a) President:  Leader of a specialized health authority under the Provincial People's Committee;

b) Deputy President: Leader of the Provincial Orientally Traditional Medicine Association or the Provincial Acupuncture Association or other professional associations in the field of traditional medicine and pharmacy;

c) Council members include at least 6 members of the following entities:

- Representative of a health training facility, including training in traditional medicine and pharmacy;

- Representative of medical facility;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where necessary, the Council President may invite additional relevant experts in the field of traditional medicine and pharmacy to join the Council.

d) Composition of the Secretariat:  4 members

- 2 experts from the health authority under the Provincial People's Committee, of which one expert is selected to be the Head of the Secretariat;

- 1 officer of a professional association in the field of traditional medicine and pharmacy and 1 officer of a health training facility including training in traditional medicine and pharmacy.

Article 15. Operating principles and duties of the Examination Council and Secretariat

1. Operating principles of the Examination Council:

a) The Examination Council operates according to the principles of mutual consent, democratic centralism, impartiality, openness, and transparency; the opinions expressed by Council members must be grounded in sound legal and scientific principles.

b) The Examination Council can only hold a meeting if at least three-quarters of its members are present; if the Council President is absent, there must be a written authorization for the Deputy President;

c) To reach a decision, the Council President requires at least a two-thirds consensus among the Council members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Appraise and approve the list of eligible and ineligible examinees;

b) Administer examination:

- Report to the Ministry of Health or the head of a specialized health agency under the Provincial People's Committee the plan, time and location of the examination;

- Administer examination and conduct marking in accordance with Article 17 of this Circular.

c) Approve the theoretical and practical examination results of each examinee, make a list of successful examinees, and submit it to the Minister of Health or the head of a specialized health agency under the Provincial People’s Committee to issue certificates of traditional medicine practitioners according to their authority.

3. Duties of the Secretariat:

a) Verify applications:

- Classify those who are considered for a certificate of traditional medicine practitioner without having to pass the examination and those who must pass the examination to obtain a certificate of traditional medicine practitioner;

- Make a list of eligible applicants and ineligible applicants to take the examination.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Contact the Ministry of Health (Traditional Medicine Administration) to receive theoretical examination questions and answers, maintain strict confidentiality and prevent any disclosure of exam questions;

d) Prepare examination papers and patients to administer theoretical examinations and practical examinations;

dd) Cut and match the answer sheet headings of the theoretical examination, create a scoresheet for the theoretical and practical examinations of each examinee, and send a report to the Examination Council for approval;

e) Hand over documents related to the activities of the Examination Council and examination answers to the Traditional Medicine Administration or a specialized health agency under the Provincial People's Committee for record-keeping according to authority;

g) Prepare a list of successful examinees to submit to competent authorities for issuance of certificates of traditional medicine practitioner.

Article 16. Authority to set examination questions

1. Theoretical examination questions:  Director of the Traditional Medicine Administration shall set and manage a bank of theoretical examination questions, answers and marking instructions attached to the examination questions.

The setting of theoretical and practical examination questions for traditional medicine physicians must be based on the content of the traditional medicine physician standardization program, the training program of Vietnam Orientally Traditional Medicine Association, and the training program of the Vietnamese Pure Land Buddhism Association.

2. Practical examination: The Council President shall conduct the practical examination in accordance with Article 17 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Examination administration plan:

a) Depending on the number of examinees, the Examination Council shall decide the time and location of the examination;

b) In case the number of examinees is small and there is not enough funding to administer the examination, the health authority under the Provincial People's Committee can contact the health authority under other Provincial People's Committee to coordinate the administration. In case of failure to coordinate, report to the Ministry of Health (Traditional Medicine Administration) for the Ministry of Health to identify a specialized health agency under the Provincial People's Committee to act as a focal point to coordinate with specialized health agencies under other Provincial People's Committees to co-administer the examination;

c) Health authorities under the Provincial People's Committee must report the examination administration plan to the Ministry of Health (Traditional Medicine Administration) for general monitoring and supervision.

2. Form of examination:

a) Theoretical examination:  Theoretical examination is in written form, with a duration of 180 minutes;

b) Practical examination: Verbal examination on the quality of medical records according to traditional medicine, the skills of dialectical treatment, dialectical diagnosis, traditional Vietnamese pharmacotherapy on patients with specific diseases and conditions.

3. Content of the examination:

a) Theoretical examination content:  General theory; pathology and treatment methods, medicinal herbs, remedies (individuals affiliated with the Vietnamese Pure Land Buddhism Association will be examined on their knowledge of traditional Vietnamese medicaments and remedities as part of the traditional Vietnamese pharmacotherapy section) and non-medicinal methods of traditional medicine;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Marking and scoring method:

a) Theoretical examination:  The theoretical examination answer, after having its answer sheet heading cut off, is graded independently by 2 people in the Examination Council on a 10-point scale. The difference between the two people's scores should not be more than 1 (one) point. If there is a difference of more than 1 (one) point or the examination has a request for review, the examination answer must be transferred to the President of the Examination Council to organize public marking by the entire Council. In case the difference is not more than 1 (one) point, the examination score is the average score of the two theoretical examiners;

b) Practical examination marking:

- Two people from the Examination Council conduct the practical examination together and grade independently.  The final score for the practical examination is the average of the scores given by two examiners. The practical exam scores will not be reviewed;

- Marking method of practical examinations:

+ Medical examination skills (observation, listening and smelling, interrogation, palpation): up to 2 points.

+ Correct diagnosis:  3 points, incorrect:  0 point.

+ Reasonable treatment methods and remedies:  up to 3 points.

+ Correct analysis of main medicament, assistant medicament, supporting medicament, and leading medicament of a remedy: up to 1 point.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Examination results:

a) Successful examinee is a person whose theoretical and practical examination scores both reach 5 points or more;

b) Unsuccessful examinee is a person whose theoretical and/or practical examination scores are less than 5 points.

An unsuccessful examinee may apply for a re-examination after 12 months and will be scheduled for the next examination session. The content of the examination includes both theoretical and practical examinations as prescribed in Clause 3 of this Article.

Section 5. REVOCATION AND PROCEDURES FOR REVOCATION OF CERTIFICATES OF TRADITIONAL MEDICINE PRACTITIONER

Article 18. Revocation of certificates of traditional medicine practitioner

A certificate of traditional medicine practitioner is revoked in the following cases:

1. The certificate was issued by an unauthorized body.

2. The application for issuance of certificate of traditional medicine practitioner was forged.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 19. Procedures for revocation of certificates of traditional medicine practitioner

1. Any organizations or individuals discover that a certificate of traditional medicine practitioner is subject to revocation in accordance with Article 18 of this Circular shall send a notification to the competent authority to revoke the certificate in accordance with Article 3 of this Circular.

2. The agency competent to revoke the certificate of traditional medicine practitioner is responsible for verifying records, documents, and information provided by the mentioned organization or individual. If it is a case of revocation, they shall issue a decision to revoke the certificate.

Chapter II

ISSUANCE OF CERTIFICATES OF HOLDER OF FAMILY REMEDIES, CERTIFICATES OF HOLDER OF FAMILY TREATMENT METHODS

Article 20. Authority to issue, re-issue, or revoke certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods

The head of the health authority under the Provincial People's Committee shall issue, re-issue, and revoke certificates of holder of family remedies and certificates of holders of family treatment methods.

Article 21. Application for certificates of holder of family remedies or certificates of holders of family treatment methods

1. Application form for issuance of certificate using the form No. 01, Appendix II issued with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Valid copy of acute and semi-chronic toxicity test results for traditional remedies.

4. Legal copies of proof of ownership of family remedies, family treatment methods.

5. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 22. Application for re-issuance of lost or damaged certificates of holder of family remedies or certificates of holders of family treatment methods

1. Application form for re-issuance of certificate using the form No. 01, Appendix II issued with this Circular.

2. 2 portrait photos, 4 x 6 cm in size, white background (taken within the last 6 months up to the time of application submission).

Article 23. Procedures for issuance of certificates of holder of family remedies or certificates of holders of family treatment methods

1. The applicant for issuance of certificate shall send an application to the health authority under the Provincial People's Committee of their place of residence by post, in person, or through the National Public Service Portal.

After receiving the application, the health authority under the Provincial People's Committee shall give the applicant an application acknowledgement slip form No. 02, Appendix II issued with this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Within 60 days from the date of request for amendments by the health authority, if the applicant fails to make the required amendments, their application for issuance of certificate shall be invalid. The applicant may submit another application as prescribed in Article 21 of this Circular if necessary.

3. If the application requires no amendments, within 10 working days from the date mentioned in the application acknowledgement slip, the health authority under the Provincial People's Committee shall establish an Appraisal Council.

4. Within 10 working days from the date of the meeting minutes of the Appraisal Council, the health authority under the Provincial People's Committee shall issue a certificate using the form No. 04, Appendix II issued herewith or issue a document on refusal to issue certificate and clearly state the reasons for refusal.

Article 24. Procedures for re-issuance of certificates of holder of family remedies or certificates of holders of family treatment methods

1. The applicant for re-issuance of certificate of holder of family remedies or certificate of holder of family treatment methods shall send an application to the competent authority that previously issued the original certificate by post, in person, or through the National Public Service Portal.

2. After receiving the valid application, the receiving entity shall give the applicant an application acknowledgement slip using the form No. 02, Appendix I issued with this Circular.

3. Within 7 working days of receiving the application for re-issuance of the certificate of holder of family remedies or certificate of holder of family treatment methods, the receiving entity shall re-issue such certificate to the applicant.

Article 25. Establishment of an Appraisal Council to issue certificates of holder of family remedies or certificates of holders of family treatment methods

The head of the health authority under the Provincial People's Committee shall establish an Appraisal Council to issue certificates of holder of family remedies and certificates of holders of family treatment methods, which is composed of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Deputy President: Leader of the Provincial Orientally Traditional Medicine Association or the Provincial Acupuncture Association or other professional associations in the field of traditional medicine and pharmacy.

3. Council members include at least 8 members of the following entities:

a) Representative of the specialized department of the health authority under the Provincial People's Committee;

b) Representative of a health training facility, including training in traditional medicine and pharmacy;

c) Representative of medical facility;

d) Representative of the professional association in the field of traditional medicine and pharmacy.

Where necessary, the Council President may invite additional relevant experts in the field of traditional medicine and pharmacy to join the Council.

Article 26. Revocation of certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods

A certificate of holder of family remedies or certificate of holder of family treatment methods shall be revoked in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The corresponding application for issuance of the certificate did not comply with regulations.

3. The Professional Council established by the health authority under the Provincial People's Committee has concluded that the family remedy or family treatment method in question lacks sufficient evidence to guarantee safety and efficacy.

4. A competent authority has concluded that the holder of family remedy or holder of family treatment method in question is not the owner of that remedy or treatment method.

Article 27. Revocation of certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods

1. Any organizations or individuals discover that a certificate of holder of family remedies, certificate of holder of family treatment methods is subject to revocation in accordance with Article 26 of this Circular shall send a notification to the competent authority to revoke that certificate.

2. The agency competent to revoke the certificate of holder of family remedies, certificate of holder of family treatment methods is responsible for verifying records, documents, and information provided by the mentioned organization or individual. If it is a case of revocation, they shall issue a decision to revoke the certificate.

Chapter III

COMBINATION OF TRADITIONAL MEDICINE AND MODERN MEDICINE AT MEDICAL FACILITIES

Article 28. Principles of combination of traditional medicine and modern medicine in medical examination and treatment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Combining methods and professional techniques of traditional medicine with specialized methods and techniques of modern medicine in medical examination and treatment must comply with regulations on specialized techniques approved by competent authorities and be appropriate with the specific stage and condition of each patient’s disease, ensuring safety and effectiveness.

Article 29. Indication and performance of specialized methods and techniques in medical examination and treatment and prescriptions with combination of traditional medicine and modern medicine

1. Medical practitioners with one of the following professional titles may indicate or perform specialized methods and techniques with combination of  traditional medicine and modern medicine:

a) The title of Doctor with scope of medical practice;

b) The title of Doctor with scope of practicing traditional medicine;

c) The title of Doctor with specialized scope of practice;

d) The title of Physician Assistant with scope of general practice;

dd) The title of Physician Assistant with scope of practicing traditional medicine.

2. Medical practitioners with one of the following professional titles may indicate or perform specialized methods and techniques with combination of  traditional medicine and modern medicine:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The title of nursing with scope of nursing practice;

c) The title of nursing with scope of specialized nursing practice;

d) The title of medical technician with scope of functional rehabilitation;

dd) The title of medical technician with scope of specialized functional rehabilitation.

3. Prescription of drugs by medical examination and treatment practitioners specified in Clause 1 of this Article: comply with Circular No. 44/2018/TT-BYT dated December 28, 2018 of the Ministry of Health on prescribing traditional drugs, herbal drugs and prescribing combinations of traditional drugs, herbal drugs and pharmaceutical drugs (hereinafter abbreviated as Circular No. 44/2018/TT-BYT).

Article 30. Combination of traditional medicine and modern medicine at traditional medicine hospitals

The combination of traditional medicine and modern medicine at traditional medicine hospitals includes the following contents:

1. General medical examination and treatment if meeting the conditions prescribed in Article 41 of Government’s Decree No. 96/2023/ND-CP dated December 30, 2023 on elaboration of the Law on Medical Examination and Treatment.

2. Based on the scope of specialized activities approved by competent authorities, the hospital develops a list of drugs for emergency care, disease prevention, disease diagnosis, and disease treatment at the hospital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 31. Combination of traditional medicine and modern medicine at other hospitals

The combination of traditional medicine and modern medicine at other hospitals is done as follows:

1. Consider establishing a dedicated traditional medicine department or ward at the hospital based on the demand, quantity, human resources, facilities, and equipment in order to perform medical examination and treatment with traditional medicine, or with combination of traditional medicine and modern medicine.

2. The hospital director is responsible for directing and approving the coordination between specialized departments and wards in combination of traditional medicine and modern medicine, in which the traditional medicine department or ward is the focal point.

3. Use drugs, medical equipment, methods, and technical expertise of modern medicine combined with drugs, medical equipment, methods, and technical expertise of traditional medicine for medical examination and treatment, and monitor and evaluate treatment results in accordance with the scope of practice stated in the practice license, operating license and written permission from competent authorities.

4. Ensure sufficient medicine to meet the combination of traditional medicine and modern medicine in medical examination and treatment, including herbal ingredients and traditional medicines.

Article 32. Combination of traditional medicine and modern medicine at non-hospital medical facilities

The combination of traditional medicine and modern medicine at non-hospital medical facilities is carried out as follows:

1. Use drugs, medical equipment, methods, and technical expertise of modern medicine combined with drugs, medical equipment, methods, and technical expertise of traditional medicine for medical examination and treatment, and monitor and evaluate treatment results in accordance with the scope of practice stated in the practice license, operating license and written permission from competent authorities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 33. Implementation

1. This Circular comes into force as of March 12, 2024.

2. The following documents cease to be effective from the effective date of this Circular:

a) Circular No. 29/2015/TT-BYT dated October 12, 2015 of the Ministry of Health on issuance and re-issuance of certificates of traditional medicine practioners;

b) Decision No. 39/2007/QD-BYT dated November 12, 2007 of the Ministry of Health promulgating Regulations on approval and issuance of certificates of family remedies;

c) Circular No. 50/2010/TT-BYT dated December 31, 2010 of the Ministry of Health on guidelines for the combination of traditional medicine and modern medicine in the process of medical examination and treatment.

3. Annul Clause 5, Article 2 of Circular No. 20/2023/TT-BYT dated November 14, 2023 of the Ministry of Health on annulment of certain legislative documents promulgated by the Minister of Health.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Any certificates of traditional medicine practioners; certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods issued before the effective date of this Circular will continue to be used.

2. Any applications for issuance of certificates of traditional medicine practioners; certificates of holder of family remedies, certificates of holder of family treatment methods submitted before the effective date of this Circular will continue complying with Decree No. 155/2018/ND-CP dated November 12, 2018 of the Government on amendments to a number of regulations related to business investment conditions under the state management of the Ministry of Health and Decision No. 39/2007/QD-BYT dated November 12, 2007 of the Ministry of Health on promulgation of Regulations on approval and issuance of certificates of family remedies.

Article 35. Implementation

Chief of the Ministry Office, Director of Traditional Medicine Administration, Director of the Department of Medical Examination and Treatment Management, Directors of Departments under the Ministry of Health, heads of agencies and units under the Ministry of Health, Directors of Health Departments of provinces, heads of health agencies of Ministries, agencies, and relevant organizations shall implement this Circular.

Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Health (Traditional Medicine Administration) for consideration./.

 



PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Do Xuan Tuyen

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 02/2024/TT-BYT ngày 12/03/2024 quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.784

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.234.124
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!