Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 32/2023/TT-BCA quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ

Số hiệu: 32/2023/TT-BCA Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Công An Người ký: Tô Lâm
Ngày ban hành: 01/08/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

04 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm tra từ 15/9/2023

Đây là nội dung tại Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

04 trường hợp CSGT được dừng xe kiểm tra từ 15/9/2023

Theo đó, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;  

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

(So với quy định hiện hành, bổ sung trường hợp dừng xe để kiểm soát phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ)

- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

(Quy định hiện hành là: Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ)

Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2023 và thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2023.

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2023/TT-BCA

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2023

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HÌNH THỨC, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân ngày 22 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết;

Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng;

Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; huy động lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Cảnh sát khác) phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ Cảnh sát giao thông (sau đây gọi chung là cán bộ Cảnh sát giao thông) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm).

2. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát khác được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Công an các đơn vị, địa phương.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Yêu cầu đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.

3. Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.

4. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.

5. Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.

Điều 4. Biểu mẫu dùng trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu:

1. Quyết định về việc phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (Mẫu số 01).

2. Thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 02).

3. Phiếu chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ về hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 03).

4. Phiếu gửi Thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc Thông báo dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 04).

5. Sổ tiếp nhận dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 05).

6. Thông báo dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 06).

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TUYẾN, ĐỊA BÀN TUẦN TRA, KIỂM SOÁT; NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HÌNH THỨC, NỘI DUNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT; TRANG PHỤC; TRANG BỊ CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG KHI TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Mục 1. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TUYẾN, ĐỊA BÀN TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Điều 5. Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Cục Cảnh sát giao thông

1. Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc theo kế hoạch của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trở lên ban hành.

Điều 6. Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương, gồm:

a) Các tuyến đường cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới hành chính của 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị trấn thuộc huyện); các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương;

c) Các tuyến đường đô thị thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Các tuyến đường chính; tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp;

d) Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện), các lực lượng liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành (sau đây gọi chung là Giám đốc Công an cấp tỉnh).

2. Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện, gồm:

a) Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành;

c) Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã và đường khác thuộc địa bàn quản lý; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

d) Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

3. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và tình hình thực tế các tuyến giao thông đường bộ của địa phương, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ giữa Phòng Cảnh sát giao thông và Công an cấp huyện (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này). Quyết định gửi về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để theo dõi, chỉ đạo.

Mục 2. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG TRONG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Điều 7. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

1. Tuân thủ các quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

2. Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.

3. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

4. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

5. Trực tiếp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ. Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định.

6. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ:

a) Phát hiện những sở hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời;

b) Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.

2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

4. Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan của Bộ Công an.

5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Mục 3. HÌNH THỨC TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Điều 9. Kiểm soát thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là Hệ thống giám sát) được trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 135/2021/NĐ-CP) và quy định của Bộ Công an về tiêu chuẩn, quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ Hệ thống giám sát.

2. Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Việc phát hiện, xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 28 Thông tư này.

Điều 10. Tuần tra, kiểm soát công khai

1. Tuần tra, kiểm soát cơ động

Cán bộ Cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trực tiếp quan sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

2. Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông

a) Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định;

b) Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật giao thông đường bộ;

c) Khi tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (camera) được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

3. Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

4. Khi tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và bảo đảm các quy định sau:

a) Sử dụng trang phục Cảnh sát theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này;

b) Sử dụng phương tiện giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công;

c) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Thông tư này.

Điều 11. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

1. Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

2. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm:

a) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

3. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

4. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều này quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;

b) Bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.

Mục 4. NỘI DUNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT; TRANG PHỤC; TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG, PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ  KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ VÀ VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 12. Nội dung tuần tra, kiểm soát

1. Nội dung tuần tra

a) Quan sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông đường bộ; phòng ngừa vi phạm, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định;

c) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ;

d) Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết;

đ) Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định.

2. Nội dung kiểm soát

a) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:

Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ). Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ;

b) Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông

Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, gồm các nội dung: Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định;

c) Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ

Kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ;

d) Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trang phục; trang bị phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát

1. Trang phục của Cảnh sát giao thông

Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.

2. Phương tiện giao thông, gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng

a) Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng); xe chuyên dùng: Có dòng chữ Cảnh sát giao thông song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật;

b) Xe ô tô tuần tra, kiểm soát: Hai bên thành xe có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe; hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp;

c) Xe mô tô tuần tra, kiểm soát: Hai bên bình xăng hoặc hai bên sườn hoặc ở hai bên cốp xe, bên trên có dòng chữ “C.S.G.T”, bên dưới có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang); kích thước khổ chữ “TRAFFIC POLICE” tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “C.S.G.T”. Tùy từng loại xe được bố trí kích thước chữ và khoảng cách giữa các chữ cho cân đối và phù hợp;

d) Xe chuyên dùng: Hai bên thành thùng hoặc sườn xe có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” bằng chất liệu phản quang, kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm; hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” bằng chất liệu phản quang, kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. Tùy từng loại xe, màu sơn của xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ, màu của chữ (trắng hoặc xanh) cho cân đối và phù hợp;

đ) Còi phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: Tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại một điểm vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.

3. Vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.

4. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Bộ Công an. Được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm Cảnh sát giao thông, trên phương tiện giao thông, trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông, do cán bộ Cảnh sát giao thông trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.

5. Phương tiện thông tin liên lạc, gồm: Bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in.

6. Còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng.

7. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ khác được trang bị theo quy định của pháp luật và Bộ Công an.

Chương III

TRÌNH TỰ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM

Mục 1. XÂY DỰNG, BAN HÀNH VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT

Điều 14. Xây dựng, ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch hoặc trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.

3. Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.

4. Đội trưởng các Đội: Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc; Đội Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông đường bộ; Đội Tuần tra, dẫn đoàn; Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động, Đội Cảnh sát quản lý hành chính - giao thông - trật tự - cơ động (sau đây gọi chung là Đội Cảnh sát giao thông - trật tự); Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho các Tổ Cảnh sát giao thông trực thuộc (theo mẫu quy định của Bộ Công an).

Điều 15. Triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát

1. Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông: Trước khi tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng phải phổ biến, quán triệt cho các Tổ viên về nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát và những nội dung khác có liên quan; kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; điểm danh quân số; kiểm tra trang phục; số hiệu Công an nhân dân; Giấy chứng minh Công an nhân dân (khi bố trí cán bộ hóa trang); điều lệnh nội vụ; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; các biểu mẫu có liên quan và phương tiện kỹ thuật khác; nhắc lại vị trí công tác, nhiệm vụ của từng Tổ viên; phát lệnh tiến hành tuần tra, kiểm soát khi các điều kiện đã bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu và an toàn.

2. Tổ viên: Nắm vững nội dung kế hoạch, nhiệm vụ, vị trí, hình thức thông tin liên lạc; chủ động thực hiện công tác chuẩn bị theo sự phân công của Tổ trưởng.

3. Phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện kỹ thuật khác trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông phải được quản lý, sử dụng theo quy định; được thống kê cụ thể trong Sổ theo dõi, quản lý (theo mẫu quy định của Bộ Công an).

Mục 2. TIẾN HÀNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 16. Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát

1. Cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;

c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

d) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

2. Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông;

b) Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

3. Khi dừng, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông phải bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này và yêu cầu sau:

a) Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm tuyến đường giao thông để triển khai chiều dài đoạn rào chắn cho phù hợp, bảo đảm an toàn;

b) Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm; căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, chuyên đề kiểm soát, có thể bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.

4. Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và yêu cầu sau:

a) Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;

b) Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; cứu nạn, cứu hộ; tin báo, tố giác, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Sau khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay;

c) Đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ.

Điều 17. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông

1. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau:

a) Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;

b) Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.

2. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông

a) Cán bộ Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát;

b) Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông.

3. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động

a) Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát

Cán bộ Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất; sử dụng còi, loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông;

b) Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát

Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Trường hợp cần thiết, nếu bảo đảm an toàn, phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có thể vượt lên phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát và thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông theo quy định tại điểm a khoản này. Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.

Điều 18. Tiến hành kiểm soát

Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn thực hiện như sau:

1. Đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện.

2. Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.

3. Thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ có liên quan hoặc thông tin của các giấy tờ có liên quan trong tài khoản định danh điện tử theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này để kiểm soát

a) Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ thì kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó;

b) Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử thì kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử. Quá trình kiểm soát, nếu phát hiện tài khoản định danh điện tử có dấu hiệu làm giả hoặc cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ, tước quyền sử dụng, thu hồi, tịch thu giấy tờ hoặc các trường hợp vi phạm cần phải xác minh về giấy tờ thì đề nghị xuất trình các giấy tờ đó để thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này.

Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, phải trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

4. Kết thúc kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có)biện pháp xử lý.

5. Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

6. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 19. Phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.

2. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.

3. Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:

a) Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;

b) Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư này.

Điều 20. Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát

Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:

1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) chưa thi hành ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ liên quan theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư này để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản

a) Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc lập trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;

b) Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ (nếu có) để nhận thông tin xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an; vào biên bản (trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ), trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trường hợp có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì những người này cùng phải ký vào biên bản; biên bản vi phạm hành chính gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;

c) Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;

d) Việc giao biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Điều 21. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính

1. Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ áp dụng theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ trưởng đơn vị là người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề

a) Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông trực tiếp thông báo hoặc phân công cán bộ trong Tổ thông báo cho người vi phạm và những người liên quan có mặt tại đó biết, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;

b) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề để xem xét ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo ngay Thủ trưởng trực tiếp để xử lý, nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản làm việc, biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi nhận vụ việc; sử dụng các biện pháp đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ (trực tiếp thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện); xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số này); người vi phạm phải chịu chi phí cho việc thuê đưa tang vật, phương tiện vi phạm về nơi tạm giữ;

d) Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì cán bộ Cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt;

đ) Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho người vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;

e) Thẩm quyền, thủ tục tạm giữ và trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được giao cho người vi phạm 01 bản; trường hợp không giao được trực tiếp thì gửi qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc bằng phương thức điện tử (khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin).

Điều 22. Niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ

Việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020)Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

Điều 23. Giải quyết, xử lý tai nạn giao thông; ùn tắc giao thông; sự cố về đường bộ; sự cố cháy nổ xe trên đường bộ

1. Giải quyết, xử lý tai nạn giao thông

Tổ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trực tiếp phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về vụ tai nạn giao thông hoặc được lãnh đạo đơn vị phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, phải khẩn trương triển khai lực lượng có mặt tại hiện trường và thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông theo quy định của Bộ Công an về phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

2. Giải quyết ùn tắc giao thông

a) Trường hợp ùn tắc giao thông không nghiêm trọng, phạm vi hẹp, Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phân công nhiệm vụ cụ thể của từng Tổ viên thực hiện việc hướng dẫn, điều hòa, chỉ huy giao thông để giải tỏa ùn tắc. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương sở tại để giải quyết;

b) Trường hợp ùn tắc giao thông mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên phạm vi rộng thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông sơ bộ xác định nguyên nhân ùn tắc, phân công Tổ viên thực hiện việc hướng dẫn, điều hòa, chỉ huy giao thông để làm giảm mức độ ùn tắc; thông báo và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức phân luồng, điều hòa giao thông từ xa; kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, chính quyền địa phương sở tại để huy động, tăng cường lực lượng phối hợp giải quyết.

3. Giải quyết sự cố về đường bộ

a) Đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đối ngoại); bố trí cán bộ hướng dẫn điều tiết giao thông;

b) Thông báo cho đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ triển khai lực lượng thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn;

c) Thông báo và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông từ xa.

4. Giải quyết sự cố cháy nổ xe trên đường bộ

a) Đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đối ngoại);

b) Báo cháy, sự cố, tai nạn giao thông có người bị mắc kẹt trong phương tiện giao thông trên đường bộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn xảy ra cháy theo số điện thoại 114;

c) Tổ chức cứu người, thoát hiểm cho người ngồi trên xe; tổ chức cấp cứu người bị nạn (nếu có);

d) Sử dụng phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; huy động thiết bị, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường hoặc của cá nhân, tổ chức lân cận theo quy định để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

đ) Tham gia thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

e) Điều tiết, phân luồng giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông.

Điều 24. Ghi Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ

1. Khi giải quyết xong từng vụ việc phải ghi ngay vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (ghi ngắn gọn, rõ ràng và liên tục theo thứ tự thời gian).

2. Đối với vụ việc vi phạm: Ghi rõ thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn); kiểm tra phương tiện giao thông, biển số; người điều khiển phương tiện giao thông; hành vi vi phạm; biện pháp xử lý của Cảnh sát giao thông: Nhắc nhở, quyết định xử phạt cảnh cáo, phạt tiền (số quyết định), biên bản vi phạm hành chính đã lập (số biên bản), áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác.

3. Các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hoạt động tội phạm và các vụ việc khác: Ghi rõ thời gian (giờ, phút, ngày), địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn) xảy ra vụ việc; tóm tắt vụ việc; kết quả giải quyết; lực lượng phối hợp (nếu có).

Điều 25. Kết thúc tuần tra, kiểm soát

Khi kết thúc thời gian tuần tra, kiểm soát, Tổ Cảnh sát giao thông phải thực hiện những công việc sau:

1. Tổ trưởng phải họp Tổ để rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, đề xuất ý kiến, ghi vào nhật ký trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, những vấn đề khác có liên quan, đề xuất, kiến nghị và ký xác nhận.

2. Báo cáo tình hình, kết quả của Tổ.

3. Bàn giao cho cán bộ quản lý của đơn vị: Hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính, các giấy tờ liên quan, tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tiền phạt tại chỗ, các tài liệu, hình ảnh thu thập được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc các phương tiện khác; phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang bị khác. Việc bàn giao phải ghi vào sổ theo quy định, được người giao và người nhận ký, ghi rõ họ tên và phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị về việc bàn giao.

Mục 3. GIẢI QUYẾT, XỬ LÝ VI PHẠM TẠI TRỤ SỞ ĐƠN VỊ

Điều 26. Bố trí cán bộ và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm

1. Công an các đơn vị, địa phương bố trí cán bộ và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

2. Địa điểm giải quyết vi phạm bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, trang nghiêm, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp công dân; biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ; số điện thoại; nội quy tiếp công dân; hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản có liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.

Điều 27. Trình tự giải quyết, xử lý vi phạm

1. Khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm, thực hiện như sau:

a) Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị. Đối với vụ việc cần xác minh làm rõ, thì báo cáo đề xuất người có thẩm quyền tổ chức xác minh;

b) Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định;

c) Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền;

d) Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ;

đ) Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (trừ trường hợp bị tước quyền sử dụng hoặc bị tịch thu) theo quy định của pháp luật;

e) Trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả thu thập được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.

2. Trường hợp người vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an

a) Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; Cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;

b) Người vi phạm truy cập vào Cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích;

c) Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống Cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ theo quy định của pháp luật;

d) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho người vi phạm qua dịch vụ bưu chính công ích.

3. Trường hợp người vi phạm thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích thì thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ) và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ).

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

Điều 28. Trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện như sau:

a) Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan;

b) Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử).

Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nhưng Công an xã, phường, thị trấn chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;

c) Gửi thông báo (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử (khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin).

2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.

3. Trường hợp vụ việc vi phạm do Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay (trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính) kết quả giải quyết, xử lý vụ việc cho cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan Đăng kiểm trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính (nếu đã có thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm đối với vụ việc quy định tại khoản 5 Điều này).

4. Trường hợp vụ việc vi phạm do cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay (trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính) kết quả giải quyết vụ việc cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan Đăng kiểm trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện như sau:

a) Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định;

b) Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan Đăng kiểm trên Hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Đối với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, tiếp tục gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này). Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuyển thông báo đến cho chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính và yêu cầu họ thực hiện theo thông báo vi phạm; kết quả làm việc, thông báo lại cho cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

6. Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Điều 29. Thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính

Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và quy định sau đây:

1. Đơn vị Cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh) gồm:

a) Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt;

b) Phòng Cảnh sát giao thông;

c) Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an cấp huyện.

2. Đơn vị Cảnh sát giao thông quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu (thông tin, hình ảnh).

3. Cán bộ Cảnh sát giao thông khi tiếp nhận, thu thập được dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm yêu cầu quy định thì ghi chép vào sổ (theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:

a) Trường hợp dữ liệu (thông tin, hình ảnh) phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Việc xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện giao thông được thực hiện thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

5. Căn cứ kết quả xác minh quy định tại khoản 4 Điều này, Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc thực hiện gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an đã gửi thông báo để làm rõ vụ việc (theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này).

Trường hợp quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông không đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền thụ lý vụ việc tiếp tục gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này); Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo có trách nhiệm chuyển đến chủ phương tiện, đề nghị chủ phương tiện thực hiện theo thông báo và thông báo lại cho cơ quan Công an đã gửi thông báo (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

Điều 30. Phối hợp, tiếp nhận kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải cung cấp

1. Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, theo tuyến, địa bàn phụ trách phối hợp với các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải để thực hiện:

a) Khai thác, sử dụng dữ liệu camera quản lý, điều hành giao thông, thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo quy định của pháp luật;

b) Tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, thiết bị ghi âm và ghi hình, hệ thống camera điều hành giao thông, camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải) theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP, để xác định vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau khi tiếp nhận kết quả, thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 28 Thông tư này (người vi phạm đến cơ quan Công an đã gửi thông báo vi phạm để giải quyết, xử lý vụ việc).

2. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.

3. Khi tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại điểm b khoản 1 Điều này (bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật), phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký giao nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Chương IV

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT KHÁC PHỐI HỢP VỚI CẢNH SÁT GIAO THÔNG THAM GIA TUẦN TRA, KIỂM SOÁT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT

Điều 31. Yêu cầu, nguyên tắc huy động lực lượng Cảnh sát khác

1. Tuân thủ theo quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 của Chính phủ quy định về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết (sau đây viết gọn là Nghị định số 27/2010/NĐ-CP), Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm đúng tuyến đường, địa bàn, thời gian đã đề ra trong kế hoạch. Việc xử lý vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan.

3. Việc huy động lực lượng Cảnh sát khác tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ và chỉ trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP. Việc phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.

Điều 32. Lực lượng được huy động và điều kiện của cán bộ, chiến sĩ được huy động

1. Lực lượng được huy động: Các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân.

2. Điều kiện đối với cán bộ, chiến sĩ được huy động

Cán bộ, chiến sĩ được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được quán triệt, nắm vững các quy định của pháp luật giao thông đường bộ, quy định về xử lý vi phạm hành chính, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và quy định về tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.

Điều 33. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông và nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác

1. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông

a) Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc huy động thì Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc huy động thì Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch. Trường hợp Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc huy động thì Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an cấp huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch;

b) Thời gian xây dựng kế hoạch và nội dung của kế hoạch

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định huy động, các đơn vị Cảnh sát giao thông quy định tại điểm a Khoản này phải xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền đã ra quyết định huy động ban hành để tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung của kế hoạch phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thời gian, tuyến, địa bàn huy động, nhiệm vụ cụ thể của cán bộ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

2. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác

a) Bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch;

b) Xử lý vi phạm theo thẩm quyền; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch;

c) Trường hợp không có lực lượng Cảnh sát giao thông đi cùng thì Công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng Cảnh sát giao thông.

Công an chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý. Khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; sử dụng ô (dù); chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông, tiến hành kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12, Điều 17, Điều 18, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Thông tư này.

Điều 34. Trang bị và điều kiện bảo đảm của lực lượng Cảnh sát khác thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Lực lượng Cảnh sát khác khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị gồm: còi, loa, gậy chỉ huy giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác theo quy định và các biểu mẫu xử lý vi phạm.

Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu thực hiện theo quy định. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu chỉ được trang bị để làm nhiệm vụ; khi thực hiện xong nhiệm vụ, phải bàn giao lại cho người có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Việc giao nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và biểu mẫu phải ghi vào sổ theo dõi, ký giao nhận và quản lý theo quy định.

2. Các lực lượng Cảnh sát khác trong thời gian tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hưởng bồi dưỡng, phụ cấp theo quy định của pháp luật đối với các lực lượng tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2023.

2. Thông tư số 47/2011/TT-BCA ngày 02/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết; Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Điều 4, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14 Điều 7 Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, Thông tư số 45/2017/TT-BCA ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự đăng ký mẫu con dấu, thu hồi và hủy con dấu, hủy giá trị sử dụng con dấu, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu, Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy, Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì nội dung dẫn chiếu trong Thông tư này cũng được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Điều 36. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thi hành Thông tư này.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để có hướng dẫn kịp thời./.

Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Công an;
- Lưu: VT, C08, V03, QH(150b).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Tô Lâm

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 32/2023/TT-BCA ngày 01/08/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


36.005

DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.202.133
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!