Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Đấu thầu 2023 số 22/2023/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 22/2023/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 23/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Nhiều quy định được sửa đổi tại Luật Đấu thầu 2023

Luật Đấu thầu 2023 là một trong 08 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 23/6/2023.

Luật Đấu thầu 2023 sửa đổi nhiều quy định

Theo đó, Luật Đấu thầu 2023 sửa đổi nhiều quy định đáng chú ý, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vị bị cấm trong hoạt động đấu thầu so với Luật Đấu thầu 2013.

- Bổ sung một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Quyết định 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

- Bổ sung quy định về hình thức chào hàng cạnh tranh tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023.

- Bổ sung quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

- Bổ sung quy định về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu 2023.

- Thay đổi mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu.

- Bổ sung chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Sửa đổi mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu

Theo đó, so với quy định tại Luật Đấu thầu 2013 thì căn cứ quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được sửa đổi như sau:

- Từ 1% - 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng.

- Từ 1,5% - 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp trên.

- Từ 0,5% - 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Bổ sung quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

Theo đó, Điều 10 Luật Đấu thầu 2023 quy định cụ thể các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

- Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

- Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu.

- Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
- Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế.

- Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật.

- Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.

Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và thay thế Luật Đấu thầu 2013.

 

QUỐC HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 22/2023/QH15

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2023

LUẬT

ĐẤU THẦU

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu bao gồm:

1. Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để:

a) Thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác;

b) Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua hàng dự trữ quốc gia, thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trừ hoạt động mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;

c) Thực hiện các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật có liên quan;

2. Hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện:

a) Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước;

3. Hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh gồm:

a) Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực;

4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tự quyết định chọn áp dụng toàn bộ hoặc các điều, khoản, điểm cụ thể của Luật này.

Điều 3. Áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài

1. Hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau về đấu thầu giữa Luật này và luật khác được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

2. Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thực hiện theo quy định của pháp luật về dầu khí.

3. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư theo phương thức PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

4. Việc lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài để thực hiện gói thầu ở nước ngoài của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

5. Việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là điều ước quốc tế), thỏa thuận vay nước ngoài thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đó. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận vay không quy định hoặc quy định phải áp dụng pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định của Luật này.

Trước khi đàm phán, quyết định ký thỏa thuận vay không phải là điều ước quốc tế có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

6. Trường hợp gói thầu bao gồm cả nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này và nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế thì người có thẩm quyền có thể quyết định việc lựa chọn nhà thầu của phần nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế.

7. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình trong các trường hợp sau đây:

a) Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu sử dụng vốn do tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ mà nhà tài trợ yêu cầu không lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này; gói thầu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu ở nước ngoài của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Việc thuê, mua, thuê mua nhà, trụ sở, tài sản gắn liền với đất;

d) Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật này; lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu;

đ) Việc xác định hòa giải viên, thành viên trong ban phân xử tranh chấp, hội đồng trọng tài để xử lý tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng do các bên tự quyết định theo quy định của hợp đồng;

e) Mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá bán do Nhà nước định giá cụ thể theo quy định của pháp luật về giá;

g) Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí phù hợp với hợp đồng dầu khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Dầu khí.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên mời thầu là cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm:

a) Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn;

b) Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

2. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn, quản lý quá trình thực hiện dự án; đơn vị sử dụng ngân sách; đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng dự toán mua sắm ngoài ngân sách nhà nước; đơn vị mua sắm tập trung.

3. Danh sách ngắn là danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển đối với đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển; danh sách nhà thầu, nhà đầu tư được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế; danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm.

4. Dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm: lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập thiết kế, dự toán; tư vấn đấu thầu; tư vấn thẩm tra, thẩm định; tư vấn giám sát; tư vấn quản lý dự án; tư vấn thu xếp tài chính; kiểm toán và các dịch vụ tư vấn khác.

5. Dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, nghiệm thu chạy thử, chụp ảnh vệ tinh; in ấn; vệ sinh; truyền thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và hoạt động dịch vụ khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Dự án đầu tư (sau đây gọi là dự án) bao gồm: chương trình, dự án đầu tư xây dựng mới; dự án mua sắm tài sản; dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng; dự án, nhiệm vụ, đề án quy hoạch; hỗ trợ kỹ thuật; các chương trình, dự án khác theo quy định của pháp luật.

7. Dự toán mua sắm là dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác; dự kiến nguồn kinh phí để mua sắm trong phạm vi nguồn tài chính hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

8. Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

9. Đấu thầu qua mạng là việc thực hiện hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

10. Đấu thầu quốc tế là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu.

11. Đấu thầu trong nước là hoạt động đấu thầu chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự thầu.

12. Giá dự thầu là giá do nhà thầu chào trong đơn dự thầu, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

13. Giá đề nghị trúng thầu là giá dự thầu của nhà thầu được đề nghị trúng thầu sau khi đã được sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).

14. Giá hợp đồng là giá trị ghi trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

15. Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm, có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với dự toán mua sắm, mua sắm tập trung.

16. Gói thầu hỗn hợp là gói thầu thuộc các trường hợp sau: thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP); thiết kế và xây lắp (EC); cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC); thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (chìa khóa trao tay).

17. Hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; sản phẩm; phương tiện; hàng tiêu dùng; thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; phần mềm thương mại.

18. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng.

19. Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức đấu thầu rộng rãi có bước mời quan tâm, sơ tuyển, bao gồm các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm đối với nhà thầu làm căn cứ để bên mời thầu lựa chọn danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển, danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm được đánh giá đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời quan tâm là toàn bộ tài liệu sử dụng cho dự án cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực, bao gồm yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà đầu tư.

20. Hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển là toàn bộ tài liệu do nhà thầu lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là toàn bộ tài liệu do nhà đầu tư lập và nộp theo yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm.

21. Hồ sơ mời thầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh làm căn cứ để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu.

22. Hồ sơ yêu cầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, đàm phán giá, bao gồm các yêu cầu cho gói thầu, làm căn cứ để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ đề xuất và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất.

23. Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là toàn bộ tài liệu do nhà thầu, nhà đầu tư lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

24. Người có thẩm quyền là người quyết định đầu tư hoặc người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

25. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà đầu tư có thể là nhà đầu tư độc lập hoặc nhà đầu tư liên danh.

26. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu.

27. Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp.

28. Nhà thầu phụ đặc biệt là nhà thầu phụ thực hiện công việc quan trọng của gói thầu do nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trên cơ sở yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

29. Nhà thầu nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân có quốc tịch nước ngoài tham dự thầu.

30. Nhà thầu trong nước, nhà đầu tư trong nước là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc cá nhân có quốc tịch Việt Nam tham dự thầu.

31. Thời điểm đóng thầu là thời điểm hết hạn nhận hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

32. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày đóng thầu được tính là 01 ngày.

33. Xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt công trình, hạng mục công trình.

Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài;

b) Hạch toán tài chính độc lập;

c) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

d) Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật này;

g) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

h) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

i) Đối với nhà thầu nước ngoài, phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

2. Nhà thầu là hộ kinh doanh có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Không đang trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm d, đ, e và h khoản 1 Điều này.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định;

c) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.

4. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh.

Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

a) Nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;

b) Nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

c) Nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển;

d) Chủ đầu tư, bên mời thầu, trừ trường hợp nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tính chất gói thầu của cơ quan quản lý nhà nước đó hoặc là công ty thành viên, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính phù hợp với tính chất gói thầu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó.

2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này và với các bên sau đây:

a) Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;

b) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

3. Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng, nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhau.

4. Nhà thầu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;

c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;

d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.

5. Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

a) Cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu;

b) Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 7. Thông tin về đấu thầu

1. Thông tin về lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Thông tin về dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu;

b) Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển;

c) Thông báo mời thầu;

d) Danh sách ngắn;

đ) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và các nội dung sửa đổi, làm rõ hồ sơ (nếu có);

e) Kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;

g) Kết quả lựa chọn nhà thầu;

h) Thông tin chủ yếu của hợp đồng;

i) Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

k) Thông tin về kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu;

l) Thông tin khác có liên quan.

2. Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Thông tin về dự án đầu tư kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này;

b) Thông báo mời quan tâm, hồ sơ mời quan tâm; kết quả mời quan tâm;

c) Thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu và các nội dung sửa đổi, làm rõ hồ sơ (nếu có);

d) Kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

đ) Thông tin chủ yếu của hợp đồng;

e) Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu;

g) Thông tin khác có liên quan.

3. Các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trừ dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu có chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Điều 8. Cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu

1. Trách nhiệm đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Chủ đầu tư có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm a, g, h, i và k khoản 1 Điều 7 của Luật này;

b) Bên mời thầu có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 7 của Luật này. Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 7 của Luật này bằng tiếng Việt và tiếng Anh; đối với thông tin quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 của Luật này, bên mời thầu đăng tải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh;

c) Nhà thầu có trách nhiệm cập nhật, đăng tải thông tin về năng lực, kinh nghiệm của mình vào cơ sở dữ liệu nhà thầu, trong đó bao gồm thông tin quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Luật này.

2. Trách nhiệm đăng tải thông tin về lựa chọn nhà đầu tư được quy định như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm a, b và e khoản 2 Điều 7 của Luật này;

b) Bên mời thầu có trách nhiệm đăng tải thông tin quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 7 của Luật này. Đối với dự án đầu tư kinh doanh được tổ chức đấu thầu quốc tế, bên mời thầu phải đăng tải các thông tin này bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

3. Tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tính thống nhất giữa tài liệu đăng tải với tài liệu đã được phê duyệt.

4. Thông tin quy định tại các điểm a, d, g, h, i khoản 1 và các điểm a, d, đ, e khoản 2 Điều 7 của Luật này phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản được ban hành hoặc hợp đồng có hiệu lực.

Điều 9. Xử lý và lưu trữ hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

1. Hồ sơ đề xuất về tài chính của nhà thầu không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà thầu theo thời hạn sau đây:

a) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;

b) Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ: được thực hiện khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà thầu không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.

2. Hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà đầu tư không vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được trả lại nguyên trạng cho nhà đầu tư khi hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được lựa chọn hoặc khi đăng tải kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

3. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà nhà thầu, nhà đầu tư không nhận lại hồ sơ đề xuất về tài chính của mình thì bên mời thầu xem xét, quyết định việc hủy hồ sơ nhưng phải bảo đảm thông tin không bị tiết lộ.

4. Trường hợp hủy thầu, hồ sơ liên quan được lưu trữ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định hủy thầu được ban hành.

5. Hồ sơ quyết toán, hồ sơ hoàn công và tài liệu liên quan đến nhà thầu trúng thầu của gói thầu được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

6. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được lưu trữ trong thời hạn tối thiểu là 05 năm kể từ ngày quyết toán hợp đồng hoặc ngày chấm dứt hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, trừ hồ sơ quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này.

Điều 10. Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

1. Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam;

b) Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu;

d) Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu;

đ) Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế;

e) Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

g) Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật;

h) Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.

2. Các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Xếp hạng cao hơn cho nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau;

b) Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định, dựa trên kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật và giá để so sánh, xếp hạng;

c) Cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá để so sánh, xếp hạng;

d) Được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu;

đ) Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu. Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.

3. Việc áp dụng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu mua sắm hàng hóa, hỗn hợp;

b) Đối tượng quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu quốc tế;

c) Đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước;

d) Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều này được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm a và điểm đ khoản 2 Điều này khi tham dự gói thầu xây lắp tổ chức đấu thầu trong nước;

đ) Ngoài ưu đãi theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này, nhà thầu quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này còn được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này khi tham dự thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu trong nước;

e) Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất 03 hãng sản xuất cho 01 mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng về kỹ thuật, chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hoá xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này.

4. Đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

5. Các ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Xếp hạng cao hơn cho nhà đầu tư thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi trong trường hợp nhà đầu tư thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi và nhà đầu tư không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được đánh giá ngang nhau;

b) Cộng thêm điểm vào điểm tổng hợp để so sánh, xếp hạng.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 11. Đấu thầu quốc tế

1. Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay;

b) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc gói thầu được sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước trước đó nhưng không có nhà thầu tham gia;

c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án, người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định tổ chức đấu thầu quốc tế;

d) Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế.

2. Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện đối với các dự án đầu tư kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Dự án cần thực hiện đấu thầu trong nước do yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

c) Dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan;

d) Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng;

đ) Dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và đã công bố, thông báo mời quan tâm tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Điều 12. Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu

1. Ngôn ngữ sử dụng đối với đấu thầu trong nước là tiếng Việt.

2. Ngôn ngữ sử dụng đối với đấu thầu quốc tế là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh. Trường hợp ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là tiếng Việt và tiếng Anh thì nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn tiếng Việt hoặc tiếng Anh để tham dự thầu.

Điều 13. Đồng tiền dự thầu

1. Đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu, nhà đầu tư chỉ được chào thầu bằng Đồng Việt Nam.

2. Đối với đấu thầu quốc tế:

a) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá 03 loại tiền tệ;

b) Trường hợp hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu, nhà đầu tư được chào thầu bằng 02 hoặc 03 loại tiền tệ thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu phải quy đổi về 01 loại tiền tệ; trường hợp trong số các đồng tiền đó có Đồng Việt Nam thì phải quy đổi về Đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi;

c) Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh, nhà thầu, nhà đầu tư phải chào thầu bằng Đồng Việt Nam;

d) Đối với chi phí ở nước ngoài liên quan đến việc thực hiện gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh, nhà thầu, nhà đầu tư được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài, Đồng Việt Nam.

Điều 14. Bảo đảm dự thầu

1. Nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:

a) Đặt cọc;

b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

2. Bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;

b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu; trường hợp áp dụng phương thức đấu thầu hai giai đoạn, nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trong giai đoạn hai.

4. Căn cứ quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được quy định như sau:

a) Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng;

b) Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

5. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu cộng thêm 30 ngày.

6. Trường hợp gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Trong trường hợp này, nhà thầu, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu và không được thay đổi nội dung trong hồ sơ dự thầu đã nộp. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư từ chối gia hạn thì hồ sơ dự thầu sẽ không còn giá trị và bị loại; bên mời thầu phải hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày bên mời thầu nhận được văn bản từ chối gia hạn.

7. Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Trường hợp có thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại khoản 9 Điều này thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh không được hoàn trả.

8. Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu nhưng không quá 14 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa khi hợp đồng có hiệu lực.

9. Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:

a) Sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu hoặc có văn bản từ chối thực hiện một hoặc các công việc đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

b) Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật này hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 17 của Luật này;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 68 và Điều 75 của Luật này;

d) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối thương thảo hợp đồng (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với đấu thầu trong nước và 10 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo mời thương thảo hợp đồng hoặc đã thương thảo hợp đồng nhưng từ chối hoàn thiện, ký kết biên bản thương thảo hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

e) Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung trong thời hạn 10 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, thỏa thuận khung, trừ trường hợp bất khả kháng;

g) Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

h) Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối ký kết hợp đồng trong thời hạn 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 30 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày hoàn thiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.

10. Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 9 Điều này, khoản 6 Điều 68khoản 4 Điều 75 của Luật này thì việc quản lý, sử dụng khoản thu từ bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả được thực hiện như sau:

a) Đối với các dự án, gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khoản thu này được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Đối với các dự án, gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án đầu tư kinh doanh, khoản thu này được sử dụng theo quy chế tài chính của chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền;

c) Trường hợp bên mời thầu là đơn vị tư vấn đấu thầu do chủ đầu tư lựa chọn thì khoản thu này phải nộp lại cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư quản lý, sử dụng khoản thu này theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Điều 15. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

1. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu trong nước, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

b) Hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu quốc tế được phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; nhà thầu nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu;

c) Chủ đầu tư, bên mời thầu chịu chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí liên quan đến tổ chức lựa chọn nhà thầu;

d) Nhà thầu chịu chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, tham dự thầu, chi phí giải quyết kiến nghị (nếu có).

2. Chi phí trong lựa chọn nhà đầu tư được quy định như sau:

a) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu trong nước được phát hành miễn phí trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

b) Hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu quốc tế được phát hành trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; nhà đầu tư nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu;

c) Bên mời thầu chịu chi phí đăng tải thông tin về lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí liên quan đến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

d) Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, tham dự thầu, chi phí giải quyết kiến nghị (nếu có).

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu

1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.

3. Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:

a) Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;

b) Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

4. Gian lận bao gồm các hành vi sau đây:

a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;

b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

5. Cản trở bao gồm các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;

d) Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch bao gồm các hành vi sau đây:

a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư không đúng quy định của Luật này;

b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;

c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh;

d) Cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người có thẩm quyền, người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh do người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, phi tư vấn do nhà thầu đó cung cấp dịch vụ tư vấn: lập, thẩm tra, thẩm định dự toán, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED); lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu; kiểm định hàng hóa; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; giám sát thực hiện hợp đồng;

e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác và giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thời gian 12 tháng kể từ ngày không còn làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;

g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do nhà thầu đó giám sát;

h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 44khoản 1 Điều 56 của Luật này;

k) Nêu điều kiện trong hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44khoản 2 Điều 48 của Luật này;

l) Chia nhỏ dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu; chia dự án, dự toán mua sắm nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

7. Tiết lộ những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo quy định tại điểm b khoản 8 và điểm g khoản 9 Điều 77, khoản 11 Điều 78, điểm h khoản 1 Điều 79, khoản 4 Điều 80, khoản 4 Điều 81, khoản 2 Điều 82, điểm b khoản 4 Điều 93 của Luật này, bao gồm:

a) Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;

b) Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; tài liệu ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi được công khai theo quy định;

c) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

d) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được xác định chứa nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

8. Chuyển nhượng thầu trong trường hợp sau đây:

a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt đã nêu trong hợp đồng;

b) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận;

c) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc quy định tại điểm a khoản này;

d) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc quy định tại điểm b khoản này mà vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.

9. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi chưa xác định được nguồn vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này.

Điều 17. Hủy thầu

1. Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

b) Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu;

d) Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật này;

đ) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

2. Các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:

a) Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

b) Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành;

c) Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;

d) Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật này;

đ) Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

3. Hủy thầu được thực hiện trong thời gian từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến trước khi ký kết hợp đồng, thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung.

4. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 và các điểm c, d, đ khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan.

Điều 18. Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

1. Khi có bằng chứng tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi quy định tại Điều 16 của Luật này hoặc hành vi vi phạm quy định của pháp luật có liên quan dẫn đến không bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì người có thẩm quyền thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Đình chỉ cuộc thầu để tạm dừng các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra. Đình chỉ cuộc thầu được thực hiện trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

b) Không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quá trình thực hiện hợp đồng;

c) Xử lý vi phạm trong đấu thầu theo quy định tại Điều 87 của Luật này.

2. Văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian khắc phục vi phạm về đấu thầu.

Điều 19. Tổ chuyên gia, tổ thẩm định

1. Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thành lập hoặc giao nhiệm vụ để thực hiện một hoặc các công việc: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

2. Tổ thẩm định gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập hoặc giao nhiệm vụ để kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định của pháp luật đối với một hoặc các nội dung: kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

3. Thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định phải có tối thiểu 03 năm công tác thuộc một trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh.

4. Chính phủ quy định chi tiết về năng lực, kinh nghiệm của thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định.

Chương II

HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU, NHÀ ĐẦU TƯ

Mục 1. HÌNH THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 20. Các hình thức lựa chọn nhà thầu

1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:

a) Đấu thầu rộng rãi;

b) Đấu thầu hạn chế;

c) Chỉ định thầu;

d) Chào hàng cạnh tranh;

đ) Mua sắm trực tiếp;

e) Tự thực hiện;

g) Tham gia thực hiện của cộng đồng;

h) Đàm phán giá;

i) Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

2. Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1 Điều này, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Điều 21. Đấu thầu rộng rãi

1. Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu tham dự.

2. Đấu thầu rộng rãi được áp dụng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Luật này. Trường hợp không đấu thầu rộng rãi, văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do không thực hiện đấu thầu rộng rãi; người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc không áp dụng đấu thầu rộng rãi.

Điều 22. Đấu thầu hạn chế

Đấu thầu hạn chế là hình thức lựa chọn nhà thầu trong đó chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu được mời tham dự thầu, áp dụng trong các trường hợp sau đây:

1. Gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;

2. Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Điều 23. Chỉ định thầu

1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;

b) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề;

c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường;

d) Gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước;

đ) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền với các trang thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ nhà thầu khác, hãng sản xuất khác;

e) Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ, mua bản quyền chương trình phát sóng; gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay;

g) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của phương án kiến trúc trúng tuyển khi tác giả đó có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng; gói thầu thi công xây dựng, phục chế tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập quy hoạch xây dựng được chỉ định cho tác giả của ý tưởng hoặc đồ án quy hoạch xây dựng đã trúng tuyển thông qua thi tuyển;

h) Gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu tư vấn, rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công;

i) Gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ;

k) Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án;

l) Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ; gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng; gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm;

m) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức quy định tại điểm này để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Đối với gói thầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm việc chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cho nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

3. Việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định đầu tư được phê duyệt đối với dự án, trừ gói thầu tư vấn phục vụ công tác chuẩn bị dự án;

b) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

c) Đã được bố trí vốn để thực hiện gói thầu;

d) Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay.

4. Đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

5. Việc chỉ định thầu phải được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày.

6. Trường hợp gói thầu quy định tại khoản 1 Điều này đáp ứng điều kiện chỉ định thầu quy định tại khoản 3 Điều này nhưng vẫn có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 21, 22, 24 và 25 của Luật này thì khuyến khích người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức khác để lựa chọn nhà thầu.

7. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 24. Chào hàng cạnh tranh

Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

2. Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;

3. Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;

4. Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 25. Mua sắm trực tiếp

1. Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc dự án, dự toán mua sắm của cùng một chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư khác và đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;

b) Chủ đầu tư chỉ được áp dụng mua sắm trực tiếp một lần đối với các loại hàng hóa thuộc gói thầu và khối lượng từng hạng mục công việc nhỏ hơn 130% so với khối lượng hạng mục tương ứng thuộc gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, không bao gồm khối lượng của tùy chọn mua thêm (nếu có);

c) Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời, phù hợp với giá thị trường tại thời điểm hoàn thiện hợp đồng;

d) Thời gian từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.

3. Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu nhà thầu đó đáp ứng đủ các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.

Điều 26. Tự thực hiện

1. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu được tự thực hiện gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động hoặc ngành, nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;

b) Có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu;

c) Có phương án khả thi huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu.

2. Chủ đầu tư trực tiếp tự thực hiện gói thầu hoặc giao đơn vị hạch toán phụ thuộc, phòng, ban thuộc tổ chức đó thực hiện.

3. Tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác khối lượng công việc có giá trị từ 10% trở lên hoặc trên 50 tỷ đồng tính trên giá trị công việc quy định tại thỏa thuận giao việc.

Điều 27. Tham gia thực hiện của cộng đồng

Cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ đủ năng lực tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công mà Nhà nước và Nhân dân cùng làm có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng.

Điều 28. Đàm phán giá

1. Đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu sau đây:

a) Mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu;

b) Mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc áp dụng hình thức đàm phán giá, ban hành danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá.

Điều 29. Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

1. Việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này, bao gồm:

a) Gói thầu mua thuốc, vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng;

b) Gói thầu mua thuốc, vắc xin, thiết bị y tế thông qua các tổ chức quốc tế;

c) Gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ;

d) Lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế;

đ) Gói thầu về đào tạo chuyên sâu cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ sở đào tạo nước ngoài trực tiếp thực hiện tại nước ngoài; mua vé máy bay cho đoàn đi công tác trong nước và quốc tế; gói thầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành đặc thù cho cán bộ, công chức do cần thiết phải mời cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoặc có chức năng, nhiệm vụ đào tạo chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền giao;

e) Gói thầu thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, bao gồm: tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng khác trong trường hợp cơ quan, đơn vị được giao kinh phí tuyên truyền trực tiếp ký hợp đồng với các cơ quan này để thực hiện; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt; hợp tác sản xuất phim;

g) Gói thầu sản xuất và lắp đặt sân khấu phục vụ sản xuất chương trình phát sóng gắn liền với ý tưởng thực hiện; thuê địa điểm để tổ chức sản xuất, ghi hình chương trình mang tính nghệ thuật cao;

h) Gói thầu cung cấp dịch vụ in ấn, cung cấp tem, biên lai, niêm phong theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, hải quan; gói thầu mua chó nghiệp vụ, đào tạo chó nghiệp vụ, mua ma túy, chất nổ, mẫu tẩm nguồn hơi ma túy, chất nổ để huấn luyện chó nghiệp vụ;

i) Trường hợp dự án, gói thầu có điều kiện đặc thù về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung trường hợp áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

2. Thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này.

3. Văn bản đề nghị phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt phải nêu rõ lý do không thể đáp ứng điều kiện về lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Mục 2. PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 30. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật này;

b) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp;

c) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

d) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.

2. Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.

Điều 31. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.

2. Nhà thầu nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

3. Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Điều 32. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ

1. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu tại thời điểm tổ chức đấu thầu.

2. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật không bao gồm giá dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thông số kỹ thuật của gói thầu. Nhà thầu được phép đề xuất phương án thay thế cho nội dung yêu cầu trong hồ sơ mời thầu nhưng phải chào thành phương án riêng cùng với phương án kỹ thuật chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn một được mời tham dự thầu giai đoạn hai.

3. Trong giai đoạn hai, quy trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:

a) Nhà thầu trong danh sách đạt yêu cầu giai đoạn một được mời làm rõ hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật bao gồm việc chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu điều chỉnh đề xuất về kỹ thuật giai đoạn một. Nhà thầu được đưa ra ý kiến góp ý về nội dung hồ sơ mời thầu;

b) Trên cơ sở nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật với từng nhà thầu, hồ sơ mời thầu giai đoạn một được điều chỉnh, bổ sung về chỉ dẫn nhà thầu, tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hợp đồng và các nội dung khác để hình thành hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, kể cả các sai lệch về kỹ thuật của nhà thầu đã được chấp nhận, đề xuất trong phương án thay thế của nhà thầu đã được chấp nhận;

c) Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu trên cơ sở nội dung điều chỉnh đề xuất về kỹ thuật giai đoạn một theo quy định tại điểm a khoản này. Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.

Điều 33. Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ

1. Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu tại thời điểm tổ chức đấu thầu.

2. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật không bao gồm giá dự thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thông số kỹ thuật của gói thầu. Nhà thầu được phép đề xuất phương án thay thế cho nội dung yêu cầu trong hồ sơ mời thầu nhưng phải chào thành phương án riêng cùng với phương án kỹ thuật chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn một được mời tham dự thầu giai đoạn hai.

3. Trong giai đoạn hai, quy trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:

a) Nhà thầu trong danh sách đạt yêu cầu giai đoạn một được mời làm rõ hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật bao gồm việc chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu điều chỉnh đề xuất về kỹ thuật giai đoạn một. Nhà thầu được đưa ra ý kiến góp ý về nội dung hồ sơ mời thầu;

b) Trên cơ sở nội dung làm rõ đề xuất về kỹ thuật với từng nhà thầu, hồ sơ mời thầu giai đoạn một được điều chỉnh, bổ sung về chỉ dẫn nhà thầu, tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hợp đồng và các nội dung khác để hình thành hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, kể cả các sai lệch về kỹ thuật của nhà thầu đã được chấp nhận, đề xuất trong phương án thay thế của nhà thầu đã được chấp nhận;

c) Nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu. Hồ sơ đề xuất tài chính được chào tương ứng theo phương án đề xuất kỹ thuật chính của nhà thầu; trường hợp nhà thầu chào phương án kỹ thuật thay thế thì phải gửi kèm theo phần đề xuất tài chính cho phương án thay thế này. Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

Mục 3. HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 34. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

1. Đấu thầu rộng rãi:

Đấu thầu rộng rãi được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh mà không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự.

2. Đấu thầu hạn chế:

Đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ hoặc có tính đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án được mời tham dự thầu.

Điều 35. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư

1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:

a) Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;

b) Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

c) Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.

2. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:

a) Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc;

b) Nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

c) Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

3. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ:

Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương III

KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 36. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

1. Căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án có thể trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

2. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được lập đồng thời hoặc độc lập với báo cáo nghiên cứu khả thi và được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

3. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xem xét bối cảnh thực hiện dự án đối với công tác đấu thầu;

b) Đánh giá năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm của chủ đầu tư đối với việc thực hiện các hoạt động đấu thầu của dự án;

c) Phân tích thị trường và xác định rủi ro trong đấu thầu;

d) Mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu;

đ) Đề xuất kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án bao gồm: phân chia dự án thành các gói thầu; hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; loại hợp đồng, nguyên tắc phân chia và quản lý rủi ro; tiến độ thực hiện các công việc chính, gói thầu; nội dung khác cần lưu ý trong soạn thảo hồ sơ mời thầu, quản lý thực hiện hợp đồng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 37. Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Đối với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

2. Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, giá gói thầu trên cơ sở toàn bộ thời gian thực hiện gói thầu.

3. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

4. Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có).

5. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt dự án hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

Điều 38. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án:

a) Quyết định phê duyệt dự án và tài liệu có liên quan, trừ trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án. Đối với gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án thì căn cứ theo quyết định của người đứng đầu chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư;

b) Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu (nếu có);

c) Dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

d) Kế hoạch bố trí vốn thực hiện dự án hoặc nguồn vốn thực hiện dự án đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

đ) Điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trừ trường hợp đấu thầu trước quy định tại Điều 42 của Luật này;

e) Văn bản pháp lý có liên quan.

2. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm:

a) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (nếu có);

b) Dự toán mua sắm;

c) Văn bản pháp lý có liên quan.

Điều 39. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Tên gói thầu:

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.

2. Giá gói thầu:

a) Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

b) Đối với gói thầu chia phần thì ghi rõ giá gói thầu và giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu;

c) Đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 8 Điều này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm.

Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

3. Nguồn vốn:

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt. Trường hợp sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước. Đối với dự toán mua sắm, trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

4. Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu:

a) Đối với mỗi gói thầu phải xác định cụ thể hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hoặc quốc tế; áp dụng hoặc không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng;

b) Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

5. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu:

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.

6. Loại hợp đồng:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải xác định cụ thể loại hợp đồng theo quy định tại Điều 64 của Luật này để làm căn cứ lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng;

b) Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

7. Thời gian thực hiện gói thầu:

Thời gian thực hiện gói thầu được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ liên quan, nếu có), dịch vụ phi tư vấn, tư vấn. Thời gian thực hiện gói thầu được tính theo số ngày, số tuần, số tháng hoặc số năm, không bao gồm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thời gian giám sát tác giả đối với gói thầu tư vấn (nếu có).

8. Tùy chọn mua thêm (nếu có):

a) Tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng;

b) Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm;

c) Tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm; đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

9. Giám sát hoạt động đấu thầu (nếu có).

Điều 40. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án

1. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm những nội dung sau đây:

a) Phần công việc đã thực hiện, bao gồm nội dung công việc liên quan đến chuẩn bị dự án, các gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện;

b) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu;

c) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 2829 của Luật này;

d) Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;

đ) Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt tổng mức đầu tư của dự án;

e) Nội dung khác có liên quan.

2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

a) Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu;

b) Người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án không áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Chủ đầu tư hoặc người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án trong trường hợp chưa xác định được chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu đấu thầu trước theo quy định tại Điều 42 của Luật này hoặc gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

3. Người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 2 Điều này tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại Điều 39 của Luật này trước khi phê duyệt.

Điều 41. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm

1. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm những nội dung sau đây:

a) Phần công việc đã thực hiện, bao gồm nội dung công việc của gói thầu thực hiện trước với giá trị tương ứng và căn cứ pháp lý để thực hiện;

b) Phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu;

c) Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành gói thầu được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 2829 của Luật này;

d) Phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có), trong đó nêu rõ nội dung và giá trị của phần công việc này;

đ) Phần tổng hợp giá trị của các phần công việc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này. Tổng giá trị của phần này không được vượt dự toán mua sắm;

e) Nội dung khác có liên quan.

2. Người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

3. Người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 2 Điều này tổ chức thẩm định các nội dung theo quy định tại Điều 39 của Luật này trước khi phê duyệt.

Điều 42. Đấu thầu trước

1. Đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết.

Các hoạt động thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài gồm: lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn.

2. Các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 của Luật này.

Chương IV

QUY TRÌNH, THỦ TỤC LỰA CHỌN NHÀ THẦU, NHÀ ĐẦU TƯ

Mục 1. QUY TRÌNH, THỦ TỤC LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 43. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu

1. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ dự thầu;

d) Thương thảo hợp đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao, trường hợp cần thiết, bên mời thầu có thể thương thảo hợp đồng với nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

đ) Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);

e) Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

2. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của một hoặc các nhà thầu (nếu có);

d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

Đối với trường hợp quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng quy trình rút gọn bao gồm các bước sau: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

3. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với chào hàng cạnh tranh bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ dự thầu;

d) Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và giải thích lý do nhà thầu không trúng thầu theo yêu cầu của nhà thầu (nếu có);

đ) Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

4. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm trực tiếp bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về đề xuất của nhà thầu;

d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

5. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với tự thực hiện bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị phương án tự thực hiện, bao gồm dự thảo thỏa thuận giao việc;

b) Hoàn thiện phương án tự thực hiện;

c) Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

d) Ký kết thỏa thuận giao việc; quản lý việc thực hiện gói thầu.

6. Lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu một hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần sự tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện để thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức. Quy trình, thủ tục lựa chọn tư vấn cá nhân bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học của nhà thầu tư vấn cá nhân;

d) Thương thảo hợp đồng;

đ) Trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

e) Ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

7. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng bao gồm các bước sau đây:

a) Chuẩn bị phương án lựa chọn cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ tại địa phương để triển khai thực hiện gói thầu;

b) Tổ chức lựa chọn;

c) Phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn;

d) Hoàn thiện, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu

1. Hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Chỉ dẫn nhà thầu, tùy chọn mua thêm (nếu có);

b) Bảng dữ liệu đấu thầu;

c) Tiêu chuẩn đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; kỹ thuật; tài chính, thương mại; uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng hàng hóa tương tự đã sử dụng.

Trường hợp sử dụng nhà thầu phụ đặc biệt, hồ sơ mời thầu phải nêu rõ phạm vi công việc và yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phụ đặc biệt;

d) Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;

đ) Phạm vi cung cấp, yêu cầu về kỹ thuật, điều khoản tham chiếu;

e) Điều kiện và biểu mẫu hợp đồng;

g) Các hồ sơ, bản vẽ và nội dung khác (nếu có).

2. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.

3. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

4. Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.

Điều 45. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

1. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

a) Thời gian chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;

b) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế tối thiểu là 18 ngày đối với đấu thầu trong nước, 35 ngày đối với đấu thầu quốc tế kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu; đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 09 ngày đối với đấu thầu trong nước, 18 ngày đối với đấu thầu quốc tế;

c) Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với chào hàng cạnh tranh tối thiểu là 05 ngày làm việc kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;

d) Trường hợp gói thầu đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 09 ngày kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu;

đ) Việc sửa đổi hồ sơ mời thầu được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 10 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu; đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, việc sửa đổi hồ sơ mời thầu được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu. Việc sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được thực hiện trong thời gian tối thiểu là 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu.

2. Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu được phát hành đồng thời với thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu.

3. Đối với các công việc khác ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết định thời gian thực hiện trên cơ sở bảo đảm tiến độ của dự án, gói thầu.

Mục 2. QUY TRÌNH, THỦ TỤC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 46. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư

1. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư bao gồm các bước sau đây:

a) Công bố dự án đầu tư kinh doanh;

b) Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu;

c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: mời thầu; phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút, thay thế hồ sơ dự thầu;

d) Đánh giá hồ sơ dự thầu gồm: mở thầu; kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu;

đ) Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; giải thích lý do nhà đầu tư không trúng thầu theo yêu cầu của nhà đầu tư (nếu có);

e) Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

2. Trường hợp pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm, ngoài các bước quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ mời quan tâm, thông báo mời quan tâm, tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt kết quả mời quan tâm trước khi thực hiện bước chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Công bố dự án đầu tư kinh doanh

1. Cơ quan có thẩm quyền công bố dự án đầu tư kinh doanh trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

2. Nội dung công bố dự án đầu tư kinh doanh bao gồm:

a) Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);

b) Tên dự án; mục tiêu; quy mô đầu tư; vốn đầu tư;

c) Địa điểm thực hiện dự án; hiện trạng sử dụng đất, diện tích khu đất thực hiện dự án; mục đích sử dụng đất; các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt;

d) Thời hạn, tiến độ thực hiện dự án; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư hoặc phân chia dự án thành phần (nếu có); tiến độ thực hiện dự án theo từng giai đoạn (nếu có);

đ) Tên bên mời thầu; hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư; thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

e) Nội dung khác có liên quan.

Điều 48. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư

1. Hồ sơ mời thầu bao gồm:

a) Chỉ dẫn nhà đầu tư;

b) Bảng dữ liệu đấu thầu;

c) Nội dung kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu;

d) Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; phương án đầu tư kinh doanh; hiệu quả sử dụng đất hoặc hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;

đ) Biểu mẫu mời thầu và dự thầu;

e) Thông tin và yêu cầu thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;

g) Dự thảo hợp đồng, biểu mẫu hợp đồng;

h) Nội dung khác có liên quan.

2. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Điều 49. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư

1. Đối với đấu thầu trong nước, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 45 ngày kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu đến ngày có thời điểm đóng thầu.

2. Đối với đấu thầu quốc tế, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 60 ngày kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời thầu đến ngày có thời điểm đóng thầu.

3. Đối với các công việc khác ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền, bên mời thầu có trách nhiệm quyết định thời gian thực hiện trên cơ sở bảo đảm tiến độ thực hiện của dự án đầu tư kinh doanh.

Mục 3. ĐẤU THẦU QUA MẠNG

Điều 50. Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng

1. Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình sau đây:

a) Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ;

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Các nội dung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm:

a) Đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Lập, nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

d) Mở thầu;

đ) Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, mời thương thảo hợp đồng, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

e) Thỏa thuận liên danh, bảo lãnh dự thầu điện tử, bảo lãnh thực hiện hợp đồng điện tử;

g) Làm rõ các nội dung trong đấu thầu;

h) Gửi và nhận đơn kiến nghị;

i) Hợp đồng điện tử;

k) Thanh toán điện tử.

3. Văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có giá trị theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.

4. Chi phí trong đấu thầu qua mạng bao gồm: chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 15 của Luật này, tham dự thầu, ký kết hợp đồng và các chi phí khác khi đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

5. Chính phủ quy định việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật này; kỹ thuật đấu thầu qua mạng phù hợp với tính năng và sự phát triển của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy trình, thủ tục, chi phí đấu thầu qua mạng; lộ trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng; những trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Điều 51. Yêu cầu đối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

1. Công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận đối với thông tin được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2. Nguồn thời gian của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

3. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn thông tin, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu.

4. Thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

5. Bảo đảm nhà thầu, nhà đầu tư không thể gửi hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu.

6. Các thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư được kết nối, chia sẻ từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quản lý thuế, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách, kho bạc và các hệ thống khác. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được kết nối với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống công nghệ thông tin khác để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ đấu thầu qua mạng và quản lý nhà nước về đấu thầu.

Điều 52. Trách nhiệm của tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

1. Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo mật cơ sở dữ liệu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

2. Bảo đảm tính toàn vẹn của các hồ sơ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, ngăn chặn hành vi truy cập trái phép, thay thế hồ sơ bất hợp pháp.

3. Bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật cho người dùng và quản lý hồ sơ người dùng; có cơ chế ghi lại thông tin và truy xuất nguồn gốc thông tin theo thời gian, hành động trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bảo đảm tương thích với các hệ thống khác; giao diện thân thiện, đáp ứng tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

5. Quản trị rủi ro an toàn thông tin, an ninh mạng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

6. Không được sử dụng các thông tin về dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư và thông tin khác trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để phục vụ cho các mục đích không thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức vận hành Hệ thống.

7. Bảo đảm hệ thống phần cứng đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động đấu thầu.

8. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương V

MUA SẮM TẬP TRUNG; MUA THUỐC, HÓA CHẤT, VẬT TƯ XÉT NGHIỆM, THIẾT BỊ Y TẾ; CUNG CẤP SẢN PHẨM, DỊCH VỤ CÔNG

Điều 53. Mua sắm tập trung

1. Mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh;

b) Thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết;

b) Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung cấp quốc gia, trừ danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung (bao gồm cả danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm) thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 của Luật này thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.

4. Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp và thực hiện theo một trong hai cách thức sau đây:

a) Đơn vị mua sắm tập trung tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;

b) Đơn vị mua sắm tập trung tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để đơn vị có nhu cầu mua sắm ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.

5. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cùng loại thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện việc mua sắm.

6. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng ký với các đơn vị có nhu cầu.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định việc tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Điều 54. Thỏa thuận khung

1. Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn đối với gói thầu không chia phần hoặc đối với một phần của gói thầu chia phần.

2. Thỏa thuận khung quy định nội dung và điều kiện để làm cơ sở cho việc mua sắm theo từng hợp đồng cụ thể.

3. Thời hạn áp dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 36 tháng. Tại thời điểm ký thỏa thuận khung, hồ sơ dự thầu của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.

4. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào thỏa thuận khung.

Điều 55. Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo một trong các cách thức sau đây:

a) Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm đó theo yêu cầu của chủ đầu tư; nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật:

Nhà thầu cung cấp cho chủ đầu tư hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện thay thế và các dịch vụ liên quan để vận hành thiết bị y tế theo số lượng dịch vụ kỹ thuật mà chủ đầu tư, bên mời thầu yêu cầu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, không cung cấp nhân công vận hành thiết bị y tế.

Nhà thầu chỉ chuyển giao quyền sử dụng, không chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế cho chủ đầu tư. Giá gói thầu và giá dự thầu được xác định trên cơ sở số lượng dịch vụ kỹ thuật dự kiến. Thời gian thực hiện hợp đồng không quá 05 năm;

c) Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp thiết bị y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm: Nhà thầu chuyển giao quyền sở hữu thiết bị y tế và hóa chất, vật tư xét nghiệm cho chủ đầu tư kể từ khi hợp đồng giữa các bên có hiệu lực;

d) Lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

đ) Lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm để vận hành thiết bị y tế đã có;

e) Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

3. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật này đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; nếu không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Ưu đãi trong mua thuốc

1. Việc ưu đãi trong mua thuốc thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Luật này và quy định sau đây:

a) Đối với thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất đáp ứng về tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước đối với mặt hàng này;

b) Đối với thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm công bố danh mục thuốc quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 57. Lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công

1. Sản phẩm, dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; xây dựng; lao động, thương binh và xã hội; tư pháp và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Sản phẩm, dịch vụ công bao gồm sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công.

2. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Chương II của Luật này, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.

Chương VI

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU VÀ XÉT DUYỆT TRÚNG THẦU

Mục 1. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU VÀ XÉT DUYỆT TRÚNG THẦU TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU

Điều 58. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp

1. Phương pháp giá thấp nhất:

a) Phương pháp giá thấp nhất được áp dụng đối với gói thầu mà các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt bằng khi đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

b) Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất.

2. Phương pháp giá đánh giá:

a) Giá đánh giá là giá dự thầu sau khi đã được sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có), cộng với các yếu tố để quy đổi trên cùng một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình, dịch vụ phi tư vấn. Giá đánh giá dùng để xếp hạng hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn và gói thầu hỗn hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế hoặc chào hàng cạnh tranh;

b) Phương pháp giá đánh giá được áp dụng đối với gói thầu mà các chi phí quy đổi được trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình, dịch vụ phi tư vấn;

c) Một hoặc các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm: chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng và các chi phí khác liên quan đến lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu; công suất, hiệu suất; kết quả thống kê, đánh giá việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó, bao gồm cả việc xem xét xuất xứ; đấu thầu bền vững và các yếu tố khác;

d) Nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng thứ nhất.

3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá:

a) Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá có thể được áp dụng đối với gói thầu công nghệ thông tin, viễn thông, bảo hiểm; gói thầu hàng hóa, xây lắp có đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao mà không áp dụng được phương pháp giá đánh giá và gói thầu cần xem xét trên cơ sở chú trọng tới các yếu tố kỹ thuật và giá;

b) Điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm kỹ thuật và điểm giá. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

4. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt. Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, sử dụng phương pháp chấm điểm hoặc tiêu chí đạt, không đạt. Đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá quy định tại khoản 3 Điều này, sử dụng phương pháp chấm điểm để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. Khi sử dụng phương pháp chấm điểm, phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật.

Điều 59. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn

1. Phương pháp giá thấp nhất:

a) Phương pháp giá thấp nhất được áp dụng đối với các gói thầu tư vấn đơn giản, gói thầu tư vấn có quy trình thực hiện rõ ràng theo các tiêu chuẩn có sẵn;

b) Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất.

2. Phương pháp giá cố định:

a) Phương pháp giá cố định được áp dụng đối với các gói thầu tư vấn đơn giản, phạm vi công việc được xác định chính xác, chi phí thực hiện gói thầu được xác định hợp lý, cụ thể và cố định trong hồ sơ mời thầu;

b) Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) không vượt giá gói thầu và có điểm kỹ thuật cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá:

a) Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá được áp dụng đối với gói thầu tư vấn chú trọng tới cả chất lượng và chi phí thực hiện gói thầu;

b) Điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm kỹ thuật và điểm giá. Khi xây dựng điểm tổng hợp phải bảo đảm nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 70% đến 80%, điểm về giá từ 20% đến 30% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp; tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

4. Phương pháp dựa trên kỹ thuật:

a) Phương pháp dựa trên kỹ thuật được áp dụng đối với gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù;

b) Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và đạt điểm kỹ thuật cao nhất được xếp hạng thứ nhất, được mời đến mở hồ sơ đề xuất tài chính, làm cơ sở để thương thảo hợp đồng.

Điều 60. Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn

1. Nhà thầu tư vấn là tổ chức được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ;

b) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Đối với phương pháp giá thấp nhất: có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất; đối với gói thầu áp dụng loại hợp đồng trọn gói: có giá dự thầu trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất; đối với phương pháp giá cố định và phương pháp dựa trên kỹ thuật: có điểm kỹ thuật cao nhất; đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá: có điểm tổng hợp cao nhất;

d) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.

2. Nhà thầu tư vấn là cá nhân được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật (nếu có) tốt nhất và đáp ứng yêu cầu của điều khoản tham chiếu;

b) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.

3. Đối với nhà thầu không được lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu lý do nhà thầu không trúng thầu.

Điều 61. Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp

1. Nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ;

b) Có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

c) Có đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

d) Có giá trị phần sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu;

đ) Đối với phương pháp giá thấp nhất: có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất; đối với phương pháp giá đánh giá: có giá đánh giá thấp nhất; đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá: có điểm tổng hợp cao nhất;

e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt.

2. Đối với nhà thầu không được lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu lý do nhà thầu không trúng thầu.

Mục 2. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU VÀ XÉT DUYỆT TRÚNG THẦU TRONG LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 62. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu

1. Phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh do nhà đầu tư đề xuất, bao gồm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

2. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn sau đây:

a) Tiêu chuẩn đánh giá năng lực của nhà đầu tư về tài chính, khả năng thu xếp vốn, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự;

b) Tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội, môi trường;

c) Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

3. Đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù về điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý ngành, lĩnh vực thì hồ sơ mời thầu xác định tiêu chí cố định trong số các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được xây dựng theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 63. Xét duyệt trúng thầu

1. Nhà đầu tư được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có hồ sơ dự thầu hợp lệ;

b) Đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm;

c) Đáp ứng yêu cầu về phương án đầu tư kinh doanh;

d) Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;

đ) Có điểm tổng hợp về năng lực, kinh nghiệm, phương án đầu tư kinh doanh và hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương cao nhất.

2. Đối với nhà đầu tư không được lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải nêu lý do nhà đầu tư không trúng thầu.

Chương VII

HỢP ĐỒNG

Mục 1. HỢP ĐỒNG VỚI NHÀ THẦU

Điều 64. Loại hợp đồng

1. Hợp đồng trọn gói:

a) Hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được; gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay;

b) Khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu làm căn cứ xét duyệt trúng thầu bao gồm chi phí dự phòng cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm quản lý rủi ro giao cho nhà thầu trong gói thầu. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả chi phí cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện gói thầu;

c) Giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng đối với phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật và điều khoản quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện dẫn đến giá hợp đồng thay đổi;

d) Việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, khi thanh toán không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.

2. Hợp đồng theo đơn giá cố định:

a) Hợp đồng theo đơn giá cố định được áp dụng đối với gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu bản chất công việc đã xác định được rõ ràng nhưng chưa xác định được chính xác số lượng, khối lượng công việc thực tế phải hoàn thành. Giá hợp đồng ban đầu dựa trên số lượng, khối lượng công việc, đơn giá cố định theo hợp đồng và chi phí dự phòng cho số lượng, khối lượng công việc có thể phát sinh được xác định theo quy định của pháp luật;

b) Hợp đồng theo đơn giá cố định có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc được nghiệm thu và đơn giá cố định quy định tại hợp đồng.

3. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh:

a) Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được áp dụng đối với gói thầu có thời gian thực hiện dài và có rủi ro biến động giá đối với các chi phí đầu vào để thực hiện hợp đồng, có thể tác động tiêu cực đến việc thực hiện gói thầu nếu áp dụng đơn giá cố định. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh có đơn giá, giá hợp đồng có thể được điều chỉnh căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Giá hợp đồng ban đầu dựa trên cơ sở số lượng, khối lượng công việc cần thiết với đơn giá cơ sở theo hợp đồng và chi phí dự phòng cho số lượng, khối lượng công việc có thể phát sinh, chi phí dự phòng trượt giá. Nội dung hợp đồng phải quy định phương pháp tính trượt giá và chi phí dự phòng trượt giá theo quy định của pháp luật;

b) Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc được nghiệm thu và đơn giá quy định tại hợp đồng hoặc đơn giá đã điều chỉnh (nếu có).

4. Hợp đồng theo thời gian:

Hợp đồng theo thời gian có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; sửa chữa, bảo trì công trình, máy móc, thiết bị; dịch vụ tư vấn khi khó xác định được phạm vi và thời gian thực hiện dịch vụ. Giá hợp đồng được tính trên cơ sở đơn giá cho đơn vị thời gian, mức lương đã thỏa thuận theo giờ, ngày, tuần hoặc tháng nêu trong hợp đồng và chi phí phát sinh hợp lý có thể bồi hoàn.

5. Hợp đồng theo chi phí cộng phí:

Hợp đồng theo chi phí cộng phí được áp dụng đối với công việc, dịch vụ mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu chưa đủ cơ sở xác định phạm vi công việc, nhu cầu cần thiết về các yếu tố, chi phí đầu vào để thực hiện các công việc dự kiến của hợp đồng. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên thỏa thuận về chi phí quản lý, chi phí chung, lợi nhuận, phương pháp tính theo chi phí trực tiếp; phương pháp xác định chi phí trực tiếp làm căn cứ để tính toán chi phí trực tiếp và các nội dung khác để thực hiện hợp đồng.

6. Hợp đồng theo kết quả đầu ra:

Hợp đồng theo kết quả đầu ra được áp dụng đối với công việc, dịch vụ mà việc thanh toán căn cứ vào kết quả thực hiện hợp đồng được nghiệm thu về chất lượng, số lượng và các yếu tố khác. Hợp đồng phải nêu rõ yêu cầu cụ thể về số lượng, chất lượng đầu ra, biện pháp kiểm tra, đánh giá, xác định mức độ đáp ứng về chất lượng đầu ra, mức giảm trừ thanh toán, quy định về điều chỉnh giá (nếu có) và các nội dung khác để thực hiện hợp đồng.

7. Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm:

Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm chỉ có thể áp dụng cho gói thầu bảo hiểm công trình mà giá trị hợp đồng được xác định chính xác trên cơ sở giá trị công trình thực tế được nghiệm thu.

8. Hợp đồng hỗn hợp:

Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng có nội dung kết hợp các loại hợp đồng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này. Hợp đồng hỗn hợp phải quy định rõ phạm vi công việc áp dụng đối với từng loại hợp đồng tương ứng và các nội dung bổ sung, điều chỉnh liên quan khi áp dụng đồng thời nhiều loại hợp đồng đối với một nội dung công việc, dịch vụ. Việc thanh toán đối với hợp đồng hỗn hợp phải phù hợp với quy định thanh toán theo từng loại hợp đồng cho phạm vi công việc thực hiện.

Điều 65. Hồ sơ hợp đồng với nhà thầu

1. Hồ sơ hợp đồng với nhà thầu bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Văn bản hợp đồng;

b) Phụ lục hợp đồng gồm danh mục chi tiết về phạm vi công việc, biểu giá, tiến độ thực hiện (nếu có);

c) Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

2. Ngoài các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu, hồ sơ hợp đồng có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau đây:

a) Biên bản hoàn thiện hợp đồng;

b) Biên bản thương thảo hợp đồng (nếu có);

c) Văn bản thỏa thuận của các bên về điều kiện của hợp đồng, bao gồm điều kiện chung, điều kiện cụ thể;

d) Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn;

đ) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

e) Tài liệu khác có liên quan.

Điều 66. Điều kiện ký kết hợp đồng

1. Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực. Đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tại thời điểm ký kết, thỏa thuận khung còn hiệu lực.

2. Tại thời điểm ký kết, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

3. Chủ đầu tư phải bảo đảm các điều kiện về vốn tạm ứng, vốn thanh toán, mặt bằng thực hiện và điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.

Điều 67. Ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

Việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện như sau:

1. Một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 64 của Luật này; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể;

2. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ. Giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt;

3. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng; đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung, tất cả thành viên tham gia liên danh trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng hoặc thành viên liên danh ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm theo phân công tại thỏa thuận liên danh;

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 68. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Nhà thầu phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng:

a) Đặt cọc;

b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau đây:

a) Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;

b) Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;

c) Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này.

3. Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

4. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá hợp đồng.

5. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

6. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Điều 69. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng

1. Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

2. Bảo đảm trung thực, hợp tác và đúng pháp luật.

3. Không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Điều 70. Sửa đổi hợp đồng

1. Sửa đổi hợp đồng có thể thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Trường hợp hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự;

c) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng mà không do lỗi của chủ đầu tư.

2. Nội dung sửa đổi hợp đồng có thể bao gồm: khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm.

3. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên được điều chỉnh các mốc thời gian hoàn thành các nội dung quy định cụ thể trong hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp bất khả kháng hoặc phát sinh các điều kiện bất lợi, cản trở nhà thầu trong việc thực hiện hợp đồng và không liên quan đến vi phạm hoặc sơ suất của các bên tham gia hợp đồng;

b) Thay đổi, điều chỉnh dự án, phạm vi công việc, phạm vi cung cấp, thiết kế, giải pháp thi công chủ đạo, biện pháp cung cấp do yêu cầu khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng;

c) Một hoặc các bên đề xuất sáng kiến, cải tiến thực hiện hợp đồng mà cần thay đổi tiến độ nhằm mục đích mang lại lợi ích cao hơn cho chủ đầu tư;

d) Việc bàn giao mặt bằng không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng, tạm dừng hợp đồng do lỗi của chủ đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng mà không do lỗi của nhà thầu;

đ) Tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của chủ đầu tư, nhà thầu.

4. Khi sửa đổi hợp đồng làm thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng hoặc vượt giá gói thầu (bao gồm dự phòng) được duyệt thì phải được người có thẩm quyền cho phép. Giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm. Trường hợp dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm.

5. Các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng đối với trường hợp thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và nội dung khác đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Không vượt giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp dự toán gói thầu được phê duyệt sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không vượt dự toán gói thầu;

b) Không vượt thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng;

c) Phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết để điều chỉnh đã quy định trong hợp đồng.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. HỢP ĐỒNG DỰ ÁN ĐẦU TƯ KINH DOANH VỚI NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 71. Ký kết hợp đồng và nguyên tắc thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

1. Việc ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn còn hiệu lực;

b) Tại thời điểm ký kết, nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

2. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và biên bản đàm phán, hoàn thiện hợp đồng.

3. Cơ quan có thẩm quyền hoặc bên mời thầu (trong trường hợp được ủy quyền) ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với nhà đầu tư liên danh, tất cả các thành viên liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng.

4. Việc thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 69 của Luật này.

Điều 72. Hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

Hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh bao gồm các tài liệu sau đây:

1. Văn bản hợp đồng;

2. Phụ lục hợp đồng (nếu có);

3. Biên bản đàm phán, hoàn thiện hợp đồng;

4. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

5. Hồ sơ dự thầu và tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn;

6. Hồ sơ mời thầu và tài liệu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu;

7. Tài liệu khác có liên quan.

Điều 73. Nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

1. Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Thông tin về các bên ký kết hợp đồng, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thời hạn hợp đồng;

b) Thông tin về dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: mục tiêu, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án; quy mô và tổng vốn đầu tư; điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác (nếu có); phương án, yêu cầu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức xây dựng công trình phụ trợ (nếu có); bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; trường hợp bất khả kháng và phương án xử lý trong trường hợp bất khả kháng;

c) Trách nhiệm thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức xây dựng công trình phụ trợ (nếu có); giao đất, cho thuê đất (nếu có);

d) Nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc thực hiện các cam kết đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu; việc thành lập doanh nghiệp để quản lý dự án đầu tư kinh doanh (nếu có);

đ) Bảo đảm thực hiện hợp đồng; các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, chấm dứt hợp đồng; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 74. Thời hạn hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

1. Thời hạn hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh là khoảng thời gian thực hiện hợp đồng được xác định trong hợp đồng ký kết giữa các bên.

2. Thời hạn hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được tính từ thời điểm hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh có hiệu lực cho đến khi nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ thực hiện các cam kết đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu và các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.

3. Hết thời hạn hợp đồng, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Điều 75. Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

1. Nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực:

a) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

b) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

2. Căn cứ quy mô, tính chất của dự án đầu tư kinh doanh, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu theo mức xác định từ 1% đến 3% tổng vốn đầu tư.

3. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng được ký chính thức đến ngày chấm dứt hợp đồng. Trường hợp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

4. Nhà đầu tư không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;

b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Điều 76. Sửa đổi hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

1. Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được sửa đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Điều chỉnh dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư dẫn đến thay đổi nội dung hợp đồng đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp này chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện sau khi điều chỉnh dự án đầu tư kinh doanh;

b) Chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Trường hợp khác được các bên thỏa thuận tại hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Việc chuyển nhượng phải được người có thẩm quyền chấp thuận;

b) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phải đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;

c) Nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cam kết kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của bên chuyển nhượng theo quy định tại hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.

Chương VIII

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Điều 77. Trách nhiệm của người có thẩm quyền

1. Phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 36 của Luật này.

2. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 40 và Điều 41 của Luật này.

3. Tổ chức thẩm định nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Hủy thầu đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ khoản 1 và các điểm b, c, d, đ khoản 2 Điều 17 của Luật này.

6. Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật này.

7. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng.

8. Đối với lựa chọn nhà thầu, ngoài trách nhiệm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, người có thẩm quyền còn có trách nhiệm sau đây:

a) Điều chỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền của chủ đầu tư trong trường hợp không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các yêu cầu của dự án, gói thầu;

b) Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu và công việc quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này;

c) Có ý kiến đối với việc xử lý tình huống trong trường hợp phức tạp theo đề nghị của chủ đầu tư quy định tại điểm a khoản 3 Điều 88 của Luật này.

9. Đối với lựa chọn nhà đầu tư, ngoài trách nhiệm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này, người có thẩm quyền còn có trách nhiệm sau đây:

a) Đại diện cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;

b) Quyết định giao đơn vị có nhân sự đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác lựa chọn nhà đầu tư làm bên mời thầu; trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu thì lựa chọn nhà thầu tư vấn để thực hiện một số nhiệm vụ của bên mời thầu;

c) Phê duyệt hồ sơ mời quan tâm; phê duyệt hồ sơ mời thầu hoặc ủy quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu;

d) Phê duyệt kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

đ) Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu;

e) Ký kết hợp đồng trên cơ sở chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức quản lý hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn;

g) Yêu cầu bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu và công việc quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.

10. Giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

11. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 78. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Phê duyệt các nội dung sau đây:

a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp gói thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án, gói thầu đấu thầu trước; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu;

b) Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn;

c) Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

d) Kết quả lựa chọn nhà thầu.

2. Tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Ký kết hoặc ủy quyền ký kết và quản lý hợp đồng với nhà thầu; ký kết và quản lý thỏa thuận khung đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung; thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng đã ký kết.

4. Quyết định thành lập bên mời thầu với nhân sự đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu; trường hợp nhân sự không đáp ứng yêu cầu thì lựa chọn nhà thầu tư vấn để làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của bên mời thầu. Quyết định thành lập tổ chuyên gia đáp ứng quy định tại Điều 19 của Luật này trong trường hợp không thuê đơn vị tư vấn làm bên mời thầu.

5. Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu.

6. Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà thầu.

7. Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

8. Lưu trữ thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Luật này.

9. Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu hằng năm.

10. Hủy thầu đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này.

11. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

12. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu.

13. Trường hợp chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu thì còn phải thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 79 của Luật này.

14. Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng.

15. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của thông tin đã đăng ký, đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi sử dụng chứng thư số của mình.

16. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 79. Trách nhiệm của bên mời thầu

1. Đối với lựa chọn nhà thầu:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

b) Quyết định thành lập tổ chuyên gia trong trường hợp bên mời thầu là đơn vị tư vấn được chủ đầu tư lựa chọn;

c) Yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong quá trình đánh giá hồ sơ;

d) Trình duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Thương thảo (nếu có) và hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu, quản lý thực hiện hợp đồng (nếu có);

e) Thương thảo (nếu có) và hoàn thiện thỏa thuận khung với nhà thầu, quản lý thực hiện thỏa thuận khung (nếu có) đối với mua sắm tập trung áp dụng thỏa thuận khung;

g) Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu;

h) Cung cấp thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu;

i) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư trong phạm vi công việc được giao theo quy định tại khoản này.

2. Đối với lựa chọn nhà đầu tư, ngoài trách nhiệm quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, bên mời thầu còn có trách nhiệm sau đây:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định của Luật này;

b) Quyết định thành lập tổ chuyên gia;

c) Yêu cầu nhà đầu tư làm rõ hồ sơ dự thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ;

d) Trình duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt hồ sơ mời thầu trong trường hợp được ủy quyền;

đ) Đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư; ký kết và quản lý hợp đồng với nhà đầu tư trong trường hợp được ủy quyền;

e) Hủy thầu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Luật này;

g) Bảo mật các thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư;

h) Lưu trữ các thông tin liên quan trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của Luật này;

i) Giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư;

k) Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu hằng năm;

l) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền trong phạm vi công việc được giao theo quy định tại khoản này.

3. Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng.

4. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 80. Trách nhiệm của tổ chuyên gia

1. Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

2. Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; đề xuất với bên mời thầu phương án xử lý tình huống trong trường hợp phát sinh tình huống trong đấu thầu (nếu có).

3. Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

5. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 81. Trách nhiệm của tổ thẩm định

1. Hoạt động độc lập, khách quan khi tiến hành thẩm định.

2. Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan.

3. Bảo mật thông tin, tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định.

4. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, người có thẩm quyền, chủ đầu tư về kết quả thẩm định và các công việc được giao theo quy định tại Điều này.

6. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 82. Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư

1. Yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

3. Ngoài trách nhiệm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn có trách nhiệm sau đây:

a) Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin khi tham gia đấu thầu qua mạng;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của thông tin đã đăng ký, đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Thực hiện các nội dung theo hợp đồng đã ký kết.

5. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương IX

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Mục 1. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU THẦU

Điều 83. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu.

2. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.

3. Quản lý hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước.

4. Giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong đấu thầu và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu.

6. Hợp tác quốc tế về đấu thầu.

Điều 84. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền;

b) Xây dựng, quản lý Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và sản phẩm báo chí về đấu thầu để phục vụ hoạt động đấu thầu qua mạng, công khai thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật này;

c) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà đầu tư, nhà thầu, bao gồm kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa đã sử dụng theo quy định của Chính phủ;

d) Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho người làm công tác đấu thầu; quy định về việc thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu;

đ) Thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu;

e) Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm khác về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 85. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý.

2. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu.

3. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

4. Tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.

5. Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 86. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu

1. Thanh tra hoạt động đấu thầu:

a) Thanh tra hoạt động đấu thầu được tiến hành đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Luật này;

b) Tổ chức và hoạt động của thanh tra về đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Kiểm tra hoạt động đấu thầu:

a) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra;

b) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các hoạt động sau: việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu; việc trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; việc quản lý và thực hiện hợp đồng; các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đấu thầu;

c) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo phương thức kiểm tra trực tiếp hoặc qua báo cáo bằng văn bản;

d) Trình tự, thủ tục kiểm tra: chuẩn bị kiểm tra; tổ chức kiểm tra; kết luận kiểm tra; theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra.

3. Giám sát hoạt động đấu thầu:

a) Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Hoạt động đấu thầu được giám sát bởi cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý;

d) Người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý;

đ) Giám sát hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các nội dung sau: hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

e) Trình tự, thủ tục giám sát hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền: chuẩn bị giám sát; thực hiện giám sát; báo cáo kết quả giám sát.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 87. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.

3. Thẩm quyền quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định như sau:

a) Người có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương;

c) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ và trên phạm vi toàn quốc.

4. Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Mục 2. XỬ LÝ TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Điều 88. Xử lý tình huống trong hoạt động đấu thầu

1. Trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các nội dung khác trong hoạt động đấu thầu, người có thẩm quyền, chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý tình huống theo nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

2. Việc xử lý tình huống căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn; tình hình thực tế triển khai thực hiện gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh.

3. Thẩm quyền xử lý tình huống trong đấu thầu được quy định như sau:

a) Đối với lựa chọn nhà thầu, người quyết định xử lý tình huống là chủ đầu tư. Trong trường hợp phức tạp, chủ đầu tư quyết định xử lý tình huống sau khi có ý kiến của người có thẩm quyền;

b) Đối với lựa chọn nhà đầu tư, người quyết định xử lý tình huống là người có thẩm quyền.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 89. Giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu

1. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức được kiến nghị người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu xem xét lại các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định tại các điều 90, 91 và 92 của Luật này.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét, giải quyết kiến nghị khi chưa gửi đơn khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức khởi kiện, khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức có quyền rút đơn kiến nghị trong quá trình giải quyết kiến nghị.

Điều 90. Điều kiện xem xét, giải quyết kiến nghị

1. Đối với các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, để được xem xét, giải quyết thì đơn kiến nghị phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đối với kiến nghị về nội dung hồ sơ mời thầu, đơn kiến nghị có thể là của các cơ quan, tổ chức quan tâm đến gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh; đối với các nội dung khác về quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đơn kiến nghị phải là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

b) Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

c) Đơn kiến nghị được gửi đến đơn vị giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 91 và khoản 1 Điều 92 của Luật này trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

2. Đối với kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, để được xem xét, giải quyết kiến nghị, nhà thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đơn kiến nghị là của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

b) Đơn kiến nghị phải có chữ ký, đóng dấu (nếu có) của người đại điện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu hoặc được ký số, gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

c) Nội dung kiến nghị chưa được nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện, khiếu nại, tố cáo;

d) Nội dung kiến nghị liên quan trực tiếp đến kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư có đơn kiến nghị;

đ) Chi phí giải quyết kiến nghị được nhà thầu, nhà đầu tư có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị (sau đây gọi là bộ phận thường trực) trước hoặc đồng thời với đơn kiến nghị;

e) Nhà thầu phải gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 91 của Luật này; nhà đầu tư phải gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu, người có thẩm quyền trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 92 của Luật này.

3. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị thông báo bằng văn bản cho nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức về việc không xem xét, giải quyết kiến nghị.

Điều 91. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu

1. Việc giải quyết kiến nghị về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:

a) Nhà thầu, cơ quan, tổ chức gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trước khi kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

b) Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức;

c) Trường hợp nhà thầu, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư;

d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức.

2. Việc giải quyết kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo một trong hai quy trình sau đây:

a) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu.

Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định tại khoản này mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị;

b) Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

3. Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị hoặc ngày gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ đơn kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc ký kết, thực hiện hợp đồng. Trường hợp chấp thuận đề xuất của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, người có thẩm quyền có văn bản thông báo cho chủ đầu tư tạm dừng việc ký kết, thực hiện hợp đồng, trong đó xác định rõ thời gian tạm dừng.

5. Văn bản giải quyết kiến nghị phải có kết luận về nội dung mà nhà thầu kiến nghị; trường hợp kiến nghị được kết luận là đúng thì trong văn bản giải quyết kiến nghị phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có); nhà thầu có kiến nghị được nhận lại chi phí giải quyết kiến nghị đã nộp. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu được kết luận là không đúng thì văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do; nhà thầu có kiến nghị không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị đã nộp.

6. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, nhà thầu có quyền khởi kiện ra Tòa án.

Điều 92. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà đầu tư

1. Việc giải quyết kiến nghị về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:

a) Nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

b) Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức;

c) Trường hợp nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu;

d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức.

2. Việc giải quyết kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo một trong hai quy trình sau đây:

a) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà đầu tư.

Trường hợp nhà đầu tư không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm này mà bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà đầu tư có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của bên mời thầu. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị;

b) Nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

3. Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị hoặc ngày gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ đơn kiến nghị của nhà đầu tư đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng việc ký kết, thực hiện hợp đồng. Trường hợp chấp thuận đề xuất của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng việc ký kết, thực hiện hợp đồng, trong đó xác định rõ thời gian tạm dừng.

5. Văn bản giải quyết kiến nghị phải có kết luận về nội dung mà nhà đầu tư kiến nghị; trường hợp kiến nghị được kết luận là đúng, trong văn bản giải quyết kiến nghị phải nêu rõ biện pháp, cách thức và thời gian để khắc phục hậu quả (nếu có); nhà đầu tư có kiến nghị được nhận lại chi phí giải quyết kiến nghị đã nộp. Trường hợp kiến nghị của nhà đầu tư được kết luận là không đúng thì văn bản trả lời phải giải thích rõ lý do; nhà đầu tư không được hoàn trả chi phí giải quyết kiến nghị đã nộp.

6. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền, bên mời thầu, nhà đầu tư có quyền khởi kiện ra Tòa án.

Điều 93. Thành phần, trách nhiệm và hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị

1. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị bao gồm:

a) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập;

b) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương thành lập;

c) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập.

Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị được thành lập trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư.

2. Thành phần Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị và bộ phận thường trực của Chủ tịch Hội đồng tư vấn được quy định như sau:

a) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nếu cần thiết) và các thành viên khác là đại diện của người có thẩm quyền, cơ quan có liên quan và có thể có đại diện của hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.

Thành viên Hội đồng tư vấn không được là người có quan hệ gia đình theo quy định của Luật Doanh nghiệp với người ký đơn kiến nghị, cá nhân thuộc tổ chuyên gia, tổ thẩm định và người ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

b) Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là đại diện của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này. Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm c khoản 1 Điều này là đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư;

c) Bộ phận thường trực của Chủ tịch Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị là đơn vị được giao quản lý về hoạt động đấu thầu nhưng không gồm các cá nhân thuộc tổ chuyên gia, tổ thẩm định của gói thầu, dự án. Bộ phận thường trực thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định; tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu, nhà đầu tư có kiến nghị nộp.

3. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có trách nhiệm sau đây:

a) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm tư vấn giải quyết kiến nghị trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;

b) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm tư vấn giải quyết kiến nghị đối với tất cả gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm, dự án đầu tư kinh doanh do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương là người có thẩm quyền hoặc quản lý, trừ gói thầu, dự án quy định tại điểm a khoản này;

c) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có trách nhiệm tư vấn giải quyết kiến nghị đối với tất cả gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm, dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ gói thầu, dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

4. Hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị được quy định như sau:

a) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị hoạt động theo từng vụ việc, làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Thành viên được quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình;

b) Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin của gói thầu, dự án, dự án đầu tư kinh doanh và các thông tin liên quan khác để thực hiện nhiệm vụ;

c) Kết quả giải quyết kiến nghị được gửi đến người có thẩm quyền trong thời hạn 25 ngày đối với kiến nghị của nhà thầu, 35 ngày đối với kiến nghị của nhà đầu tư kể từ ngày Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị được thành lập.

Điều 94. Quyền khởi kiện và yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Việc khởi kiện ra Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Khi nộp đơn khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ kiện, các bên có quyền yêu cầu Tòa án tạm dừng việc đóng thầu; phê duyệt danh sách ngắn; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ký kết hợp đồng; thực hiện hợp đồng và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 95. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

2. Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 40/2019/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại Điều 96 của Luật này.

3. Hợp đồng được ký kết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 của Luật này được thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 96. Quy định chuyển tiếp

1. Các gói thầu lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

2. Dự án đầu tư kinh doanh đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng chuyển tiếp đối với dự án đầu tư kinh doanh.

3. Trong thời gian kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

4. Hợp đồng mà nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất đó được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

THE NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 22/2023/QH15

Hanoi, June 23, 2023

 

LAW ON BIDDING

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly of Vietnam herein passes the Law on Bidding.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for state management of bidding activities; powers and responsibilities of authorities, organizations and individuals in bidding activities; selection of contractors executing contract packages and selection of investors executing investment projects.

Article 2. Regulated entities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The selection of contractors which is funded by state budget as prescribed by the Law on state budget or lawful revenues of regulatory authorities and public sector entities for:

a) Executing investment projects or procurement cost estimates of regulatory authorities, political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, socio-professional organizations, social organizations, affiliated units of people’s armed forces, public sector entities and other organizations and individuals;

b) Supplying public goods/services; supplying drugs, chemicals, test equipment and medical devices; supplying national reserve goods or providing storage services for national reserve goods, except direct purchase of goods/services from all sellers/suppliers as prescribed by the Law on national reserve;

c) Performing other tasks which require bidding as prescribed by relevant laws;

2. The selection of contractors for executing:

a) The packages of investment projects of state-owned enterprises as prescribed in the Law on enterprises and wholly state-owned enterprises;

b) The packages for supply of material - technical facilities, machines and equipment for science and technology development funded by science and technology development funds of state-owned enterprises;

3. The selection of investors for the following investment projects, including:

a) Investment projects involving land use which require bidding as prescribed by the Law on land;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Organizations and individuals involved in bidding activities other than those specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article may apply all provisions or some specific Articles, Clauses and/or Points of this Law of their own free will.

Article 3. Application of the Law on Bidding, relevant laws and international conventions, agreements on official development assistance (ODA) and concessional loans of foreign donors

1. Bidding activities within the scope of this Law must comply with the provisions of this Law and other relevant laws. If any provisions of this Law are different from those of any law promulgated before the effective date of this Law, the former shall prevail, except the cases prescribed in Clauses 2 through 7 of this Article.

2. The selection of contractors for petroleum contracts shall comply with the Law on petroleum.

3. The selection of investors for executing investment projects in the form of public-private partnerships (PPP projects) and the selection of contractors for executing packages of PPP projects shall comply with the Law on PPP investment.

4. The selection of foreign contractors for executing overseas packages of Vietnamese missions abroad shall comply with the Law on representative missions of the Socialist Republic of Vietnam in foreign countries.

5. The selection of contractors for projects which are funded by the official development assistance (ODA) or concessional loans of foreign donors under international conventions to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory (hereinafter referred to as “international conventions") or foreign loan agreements shall comply with such international conventions or foreign loan agreements. If the international convention or foreign loan agreement does not provide for the contractor selection or states that the contractor selection is subject to the law of Vietnam, this Law shall apply.

The Government is required to obtain an approval from the Standing Committee of National Assembly before negotiating or deciding to enter into any loan agreement which is not an international agreement and whose provisions on bidding are different from those of this Law or are not included in this Law.

6. In case a package covers both the procurement governed by this Law and that governed by an international convention, the competent person may decide to apply that international convention to the selection of contractor for executing the procurement governed by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Selection of contractors for the packages funded by domestic sponsors on the condition that this Law shall not be applied to contractor selection; the packages of public sector entities funded by borrowed capital, except funding from State investment credit, on-lent from ODA or concessional loans of foreign donors;

b) Selection of contractors in foreign countries by regulatory authorities, public sector entities, state-owned enterprises, or wholly state-owned enterprises, except the cases in Clause 4 of this Article;

c) Leasing, purchase or lease purchase of housing, working offices or property attached to land;

d) Selection of suppliers of goods, consulting and non-consulting services for ensuring business continuity and procurement for maintaining regular activities funded by business budget of state-owned enterprises or wholly state-owned enterprises; selection of contractors for executing the packages of investment projects specified in Clause 3 Article 2 of this Law; selection of suppliers of consulting services, raw materials, supplies, fuels and/or non-consulting services which are directly used for executing the packages in which a public sector entity is the successful bidder;

dd) Determination of mediators, members of dispute settlement panels, arbitration councils by contracting parties to consider disputes that arise during the execution of their signed contracts;

e) Procurement of goods/services whose prices are set by the State in accordance with regulations of the Law on pricing;

g) Selection of suppliers of petroleum services and goods used for performing petroleum activities under petroleum contracts approved by competent authorities in accordance with the Law on petroleum.

Article 4. Definitions

For the purposes of this Law, the following terms shall be construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The employer or the organization established according to the employer's decision or selected by the employer;

b) Competent authorities that approve investment guidelines or decide to conduct bidding for investor selection; units assigned by such competent authorities to organize the investor selection.

2. “employer” means an authority or organization that has their own funds or borrowed funds or to whom funds are allocated to execute the project; a state budget-funded unit; a budget estimate unit that directly uses funding included in off-budget procurement cost estimate; or a centralized procurement unit.

3. “shortlist” means a list of pre-qualified bidders in case of competitive bidding with prequalification; a list of bidders/investors that are invited to bid in case of limited bidding; or a list of bidders whose expressions of interest (EOIs) meet the requirements laid down in the EOI request.

4. “consulting service” means any one or some of the following: preparation and assessment of architecture and development master plans or planning reports; survey and preparation of pre-feasibility study reports, proposals of investment guidelines, applications for approval of investment guidelines, feasibility study reports, technical - economic reports, environmental impact assessment reports; survey and preparation of designs and cost estimates; bidding consulting services; verification and appraisal consulting services; supervision consulting service; project management consulting service; financial arrangement consulting service; auditing and other consulting services.

5. “non-consulting service” means any one or some of the following: logistics, insurance, advertising, acceptance testing and commissioning, satellite imagery; printing; sanitation and cleaning; communications; repair, maintenance and other services which are not defined as consulting services in Clause 4 of this Article.

6. “investment project” (hereinafter referred to as “project”) means a new construction project or program; asset procurement project; renovation, upgrading and expansion project; planning project, task or scheme; technical assistance project; or another program or project as prescribed by laws.

7. “procurement cost estimate” means an estimate of procurement costs to be covered by funding allocated according to the state budget estimate approved by a competent authority to a regulatory authority, political organization, socio-political organization, socio-political-professional organization, socio-professional organization, social organization, affiliated unit of people’s armed forces, public sector entity or another organization or individual; or an estimate of procurement costs to be covered by lawful funds of a regulatory authority or public sector entity.

8. “bidding” means the process by which a qualified bidder will be selected to sign and execute a consulting service contract, non-consulting service contract, contract for supply of goods or construction contract or by which a qualified investor will be selected to sign and execute a project contract in a manner that ensures competitiveness, fairness, transparency, economic efficiency and accountability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. “international bidding” means the bidding process with the participation of both domestic and foreign bidders or investors.

11. “domestic bidding” means the bidding process with the participation of only domestic bidders or investors.

12. “bid price” means the price stated in the bidder's letter of bid, including all costs associated with the execution of the package and fulfillment of all requirements laid down in the bidding documents or the request for proposals (RFP).

13. “proposed successful bid price” means the bid price of the proposed successful bidder after completing error correction and/or deviation adjustment, as prescribed in the bidding documents or RFP, and deducting discounts (if any).

14. “contract price” means the price specified in the contract signed by and between the employer and the contractor.

15. “package” means a part of or the entire project or procurement cost estimate. The package may cover the same procurement of different projects or one-off purchase quantity or purchase quantity for a given period of the procurement cost estimate, or centralized procurement.

16. “mixed package” means one of the following packages: engineering and procurement (EP); engineering and construction (EC); procurement and construction (PC); engineering, procurement and construction (EPC); project preparation, engineering, procurement and construction (turnkey project).

17. “Goods” include machinery, equipment, raw materials, fuels, supplies and spare parts; products; facilities; consumable goods drugs, chemicals, test equipment and medical devices; commercial software.

18. “Vietnam E-Procurement System (VNEPS)” means an information technology system which is developed and managed by regulatory authorities in charge of bidding activities (hereinafter referred to as “bidding authorities”) for consistently managing bidding information and carrying out online bidding activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20. “expression of interest (EOI) or prequalification application” means a set of documents prepared and submitted by a bidder to the procuring entity in accordance with requirements laid down in the EOI request or prequalification document. In case of investor selection, the application for project execution includes all documents prepared and submitted by an investor in accordance with requirements laid down in the EOI request.

21. “bidding documents” means all documents used in competitive bidding, limited bidding or shopping, indicating requirements for a project, package or investment project, as the basis for bidders/investors to prepare their bids and for the procuring entity to organize the bid evaluation.

22. “request for proposals (RFP)” means a set of documents used in direct contracting, direct procurement or price negotiation, indicating requirements for a package, as the basis for bidders to prepare their proposals and for the procuring entity to organize the evaluation of received proposals.

23. “bid or proposal” means a set of documents prepared and submitted by a bidder or investor to the procuring entity in accordance with requirements laid down in the bidding documents or RFP.

24. “competent person” means the person who issues the investment decision or the procurement decision as prescribed by laws. In case of investor selection, the competent person is the head of the competent authority that approves the investment guidelines in accordance with regulations of the Law on investment or that makes a decision to conduct bidding for investor selection.

25. “investor” means an organization or individual that acts as a bidder, has their name specified in the letter of bid, and will directly sign and execute the contract, if winning the bid. An investor may participate in the bidding as an independent investor or a consortium member. During the bidding process, investors are referred to as “bidders”.

26. “contractor” means an organization or individual or a group of organizations or individuals coming together under a consortium agreement that acts as a bidder, has their name specified in the letter of bid, and will directly sign and execute the contract, if winning the bid. In case of a consortium, the consortium agreement must clearly state responsibilities of the lead member, joint responsibilities and specific responsibilities of each member of the consortium for the entire scope of the package. During the bidding process, contractors are referred to as “bidders"

27. “subcontractor” means an organization or individual that is subcontracted by the contractor to perform construction tasks; provide consulting or non-consulting service; provide any part of the related services of the supply of goods package; or perform tasks of a mixed package.

28. “specialist subcontractor” means a subcontractor that will perform important tasks of the package as proposed by the bidder in their bid or proposal in accordance with capacity and experience requirements laid down in the bidding documents or RFP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30. “domestic contractor or domestic investor” means an organization duly established under the law of Vietnam or an individual holding Vietnamese nationality when submitting their bid.

31. “deadline for submission of bids” means the last date and time for receipt of EOIs, prequalification applications, bids or proposals.

32. “validity period” of a bid or proposal means the number of days specified in the bidding documents or RFP, commencing on the deadline for submission of bids till the last day of validity specified in the bidding documents or RFP. The length of time starting from the deadline for submission of bids to the end of 24 hours of the day in which this deadline is set shall be counted as 01 day.

33. “construction” means a range of tasks carried out in connection with the construction and installation of a construction work or work item.

Article 5. Eligibility of bidders or investors

1. A bidder or investor that is an organization shall be deemed to be eligible if meeting the following requirements:

a) A domestic bidder or investor must be an enterprise, cooperative, cooperative union, artel, public sector entity or foreign-invested business organization that is duly established and operating under the law of Vietnam. A foreign bidder or investor must be duly established and operating under the law of a foreign country;

b) It must keep independent accounting records;

c) It is not undergoing dissolution process or subject to revocation of enterprise registration certificate, cooperative/cooperative union/ artel registration certificate; is not facing insolvency as prescribed by the law on bankruptcy;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) It must ensure competitiveness in bidding as prescribed in Article 6 of this Law;

e) It is not being prohibited from participating in bidding according to a decision issued by a competent person, Minister, head of ministerial agency, Governmental agency or another central-government agency, or Chairperson of the provincial-level People’s Committee as prescribed in Clause 3 Article 87 of this Law;

g) It is not liable to criminal prosecution;

h) Its name is included in the shortlist in case the shortlist has been made available;

i) A foreign bidder is requested to enter into a consortium with a domestic bidder or will subcontract domestic bidders, unless domestic bidders are incapable of performing any tasks of the package.

2. A bidder that is a household business shall be deemed to be eligible if meeting the following requirements:

a) It has a valid certificate of household business registration issued in accordance with regulations of law;

b) It is not undergoing the process of operation termination or subject to revocation of certificate of household business registration; the owner of the household business is not liable to criminal prosecution;

c) It meets the requirements laid down in Points d, dd, e and h Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) He/she has full capacity for civil acts in accordance with regulations of the law of the country whose citizenship he/she is holding;

b) He/she possesses appropriate professional certificate(s) if required by laws;

c) He/she meets the requirements laid down in Points e and g Clause 1 of this Article.

4. A bidder or investor that meets the eligibility requirements laid down in Clause 1, 2 or 3 of this Article may participate in the bidding as an independent bidder or consortium bidder.

Article 6. Ensuring competitiveness in bidding

1. When submitting their EOI or prequalification application, a bidder is required to display their legal and financial independence from the following:

a) Consultants on preparation of EOI request or prequalification document, project management consultants, supervision consultants; consultants on preparation, verification and appraisal of design and cost estimation documents; consultants on preparation and appraisal of survey and design tasks;

b) Consultants on evaluation of EOIs or prequalification applications;

c) Consultants on appraisal of EOI selection results or prequalification results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. When submitting their bid, a bidder is required to display their legal and financial independence from the entities specified in Point d Clause 1 of this Article and from the following:

a) Project management consultants, supervision consultants; consultants on preparation, verification and appraisal of design and cost estimation documents; consultants on preparation and appraisal of survey and design tasks; consultants on preparation and appraisal of bidding documents, RFP; consultants on evaluation of bids, proposals; consultants on appraisal of contractor selection result for the same package;

b) Other bidders of the same package in case of limited bidding.

3. The consultant on supervision of contract execution, the bidder for the contract and the consultant on inspection of the same package must be legally and financially from each other.

4. The bidders in Clauses 1, 2 and 3 of this Article are considered to have legal and financial independence when meeting the following requirements:

a) The bidder is not affiliated to the same governing authority or organization with the public sector entity;

b) Neither the bidder nor the employer/procuring entity holds more than 30% of shares or stakes of each other;

c) In case of limited bidding, none of the bidders for the same package holds more than 20% of shares or stakes of each other;

d) None of the bidder and consultants for the same package holds shares or stakes of each other; the bidder and any of these consultants do not jointly hold more than 20% of shares or stakes of another entity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The competent authority, the procuring entity;

b) Consultants on preparation and appraisal of bidding documents; consultants on evaluation of bids; and consultants on appraisal of investor selection result until the day on which the investment project contract is signed.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 7. Bidding information

1. Information on contractor selection includes:

a) Information on the contractor selection plan or project;

b) Invitation for EOIs or invitation for prequalification applications;

c) Invitation for bid;

d) Shortlist;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Bid opening results in case of online bidding;

g) Contractor selection result;

h) Main contents of the contract;

i) Actions against violations of the bidding law;

k) Information on the contractor’s performance;

l) Other relevant information.

2. Information on investor selection includes:

a) Information on the investment project as prescribed in Clause 2 Article 47 of this Law;

b) Invitation for EOIs, EOI request; EOI selection results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Investor selection results;

dd) Main contents of the contract;

e) Actions against violations of the bidding law;

g) Other relevant information.

3. The information in Clauses 1 and 2 of this Article must be published on the VNEPS, except the information on projects, investment projects or packages classified as state secrets.

Article 8. Provision and publishing of bidding information

1. Responsibility to publish information on contractor selection:

a) The employer shall publish the information specified in Points a, g, h, i and k Clause 1 Article 7 of this Law;

b) The procuring entity shall publish the information specified in Points b, c, d and dd Clause 1 Article 7 of this Law; In case of international bidding, the procuring entity shall publish the information specified in Points b, c and d Clause 1 Article 7 of this Law in both Vietnamese and English; the information specified in Point dd Clause 1 Article 7 of this Law may be published in either English or both Vietnamese and English;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Responsibility to publish information on investor selection:

a) The competent authority shall publish the information specified in Points a, b and e Clause 2 Article 7 of this Law;

b) The procuring entity shall publish the information specified in Points c, d and dd Clause 2 Article 7 of this Law. In case of international bidding, the procuring entity shall publish such information in both Vietnamese and English.

3. The organizations and individuals that provide and publish the information specified in Clauses 1 and 2 of this Article shall assume legal responsibility for the accuracy and truthfulness of the information registered and published on VNEPS as well as the consistency of documents published with those approved.

4. The information specified in Points a, d, g, h, I Clause 1 and Points a, d, dd, e Clause 2 Article 7 of this Law must be published on VNEPS within 05 working days from the day on which the relevant document is issued or the contract becomes effective.

Article 9. Processing and retention of documents during contractor/investor selection

1. The financial proposal of a bidder that failed the evaluation of technical proposals shall be returned unopened to that bidder within the following time limits:

a) Regarding a package for consulting services: within 10 days from the day on which the contract is signed with the successful bidder;

b) Regarding a package for non-consulting services, procurement of goods, or construction, or a mixed package for which the contractor is selected adopting the single-stage two-envelope bidding procedure: when the bid security is returned or released to the unsuccessful bidders or when the contractor selection result is published.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Upon the expiry of the time limit specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article, if the bidder or investor fails to receive their technical proposals, the procuring entity shall consider deciding to destroy such proposals in a manner that ensures the confidentiality of information therein.

4. In case of bid cancellation, all relevant documents shall be retained for at least 05 years from the issue date of the bid cancellation decision.

5. Settlement documents, as-built dossiers and other documents concerning the successful bidder of the package shall be retained in accordance with regulations of the Law on archives.

6. All documents concerning the contractor/investor selection shall be retained for at least 05 years from the date of contract settlement or the date of termination of the investment project contract, except the documents specified in Clauses 1, 2, 4 and 5 of this Article.

Article 10. Incentives in contractor and investor selection

1. Subjects eligible for incentives in contractor selection:

a) Originating goods of Vietnam;

b) Eco-friendly products and services as prescribed by the Law on environmental protection;

c) Domestic bidders that produce originating goods of Vietnam meeting the requirements laid down in bidding documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) A domestic bidder that submits a bid as an independent bidder or forms a consortium with other domestic bidders to participate in an international bidding;

e) Bidders that are microenterprises or small enterprises as prescribed in the Law on assistance for small and medium-sized enterprises;

g) Bidders that are startups as prescribed by laws;

h) A bidder that employs the number of female workers, wounded soldiers and people with disabilities, or ethnics, each accounting for at least 25% of their total employees.

2. Incentives in contractor selection:

a) In case where bidders are equally evaluated, the bidder eligible for incentives (eligible bidder) shall be ranked higher than those ineligible for incentives (ineligible bidder);

b) Extra points shall be given to the eligible bidder in case bidders are evaluated and ranked adopting the fixed-price method, technical-based evaluation method, or combined technical and price method;

c) An amount of money shall be added to the bid price or evaluated price of the ineligible bidder in case bidders are evaluated and ranked adopting the lowest-price method or lowest-evaluated price method;

d) Evaluation of capacity, experience and other criteria of eligible bidders shall be given priority during the evaluation of bids;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Application of incentives in contractor selection:

a) The entities specified in Points a, b, c and g Clause 1 of this Article shall be given incentives as prescribed in Point b or Point c Clause 2 of this Article when they participate in packages for procurement of goods or mixed packages;

b) The entities specified in Points d and dd Clause 1 of this Article shall be given incentives as prescribed in Point b or Point c Clause 2 of this Article when they participate in international bidding for packages for consulting services, non-consulting services, construction or mixed packages;

c) The entities specified in Point h Clause 1 of this Article shall be given incentives as prescribed in Point a Clause 2 of this Article when they participate in domestic bidding for packages for consulting services, non-consulting services, construction or mixed packages;

d) The entities specified in Point e Clause 1 of this Article shall be given incentives as prescribed in Points a and dd Clause 2 of this Article when they participate in domestic bidding for construction packages;

dd) In addition to the incentives in Points b and c Clause 2 of this Article, the bidders specified in Points c and g Clause 1 of this Article shall also be entitled to the incentives prescribed in Point b Clause 2 of this Article when they participate in domestic bidding for packages for consulting services, non-consulting services, procurement of goods, construction or mixed packages;

e) In case of domestic bidding for a procurement package, the employer may decide whether to require inclusion of a domestic good in bids if such good can be manufactured by at least 03 domestic manufacturers satisfying technical, quality and price requirements.

4. Investors eligible for incentives in investor selection:

a) Investors that apply technological solutions for reducing environmental pollution to their projects which pose high risk of adverse environmental impacts as prescribed by the Law on environmental protection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Incentives in investor selection:

a) In case where investors are equally evaluated, the investor eligible for incentives shall be ranked higher than those ineligible for incentives;

b) Extra points shall be given to eligible investors during evaluation and ranking of their bids.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 11. International bidding

1. International bidding may be organized if one of the following conditions is satisfied:

a) The international bidding is requested by the donor that finances the project or package under an international convention or loan agreement;

b) In case of a package for consulting services, non-consulting services, construction or mixed package, none of the domestic bidders meets the requirements of the package, or the domestic prequalification or EOI procedure or competitive bidding for the package has been held but none of prequalification applications, EOIs or bids is received;

c) In case of a consulting service package in which the competent person believes that the participation of foreign bidders is necessary for improving the quality of the package or project, the competent person decides to organize international bidding and assumes responsibility for his/her decision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. International bidding shall be organized for selecting qualified investors for the investment projects specified in Clause 3 Article 2 of this Law, except the following cases:

a) Projects involving business lines from which foreign investors are prohibited as prescribed by the Law on investment;

b) Projects for which the domestic bidding is compulsory for the purposes of national defense and security, social order and security;

c) Projects located in land areas or sea areas the use of which is restricted to foreign investors and foreign-invested business organizations as prescribed by the Law on land and relevant laws;

d) Projects with a total investment of less than VND 800 billion;

dd) Projects other than those specified in Points a, b, c and d of this Clause for which the invitation for EOI under international bidding has been sent but no EOIs are received from foreign bidders.

Article 12. Language used in bidding

1. Language used in bidding shall be Vietnamese.

2. The language used in international bidding shall be English or both Vietnamese and English. In case the EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP is made in Vietnamese and English, bidders or investors may submit their bids either in Vietnamese or English.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. In case of domestic bidding, bidders or investors shall be allowed to quote their bids in VND only.

2. In case of international bidding:

a) The bidding documents or RFP shall indicate the specific currencies to be used in the bids or proposals but no more than 03 currencies shall be allowed;

b) If bidders or investors are allowed to quote their bids in 02 or 03 various currencies as prescribed in bidding documents, conversion into a single currency shall be required when conducting the bid evaluation. If such currencies include VND, conversion into VND is required. The currency of conversion, time and basis for determining the exchange rate must be included in the bidding documents;

c) Costs incurred in Vietnam in association with the execution of a package, project or investment project shall be quoted in VND;

d) Costs incurred in a foreign country in association with the execution of a package, project or investment project shall be quoted in the local currency of that country, VND.

Article 14. Bid security

1. Bidders or investors shall furnish bid securities in one of the following forms in order to ensure their fulfillment of responsibilities for a period specified in the bidding documents:

a) Pay a deposit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Submit a certificate of surety bond insurance issued by a domestic non-life insurer or branch of a foreign non-life insurer duly established under the law of Vietnam.

2. The submission of bid security is required in the following cases:

a) Competitive bidding, limited bidding or shopping for a consulting service, procurement, construction or mixed package;

b) Competitive bidding or limited bidding for investor selection.

3. Bid securities must be furnished prior to the deadline for submission of bids specified in the bidding documents. In case of two-stage bidding procedure, bidders or investors shall furnish bid securities in the second stage.

4. Depending on the scale and nature of each project, investment project or package, the amount of bid security specified in the bidding documents shall be:

a) 1% - 1,5% of the price of a construction or mixed package whose price does not exceed VND 20 billion or of a procurement or non-consulting service package whose price does not exceed VND 10 billion;

b) 1,5% - 3% of the price of a package other than that specified in Point a of this Clause; or

c) 0,5% - 1,5% of total investment of the investment project for which the bidding is conducted for investor selection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. In case the validity period of a bid is extended after the deadline for submission of bids, the procuring entity shall request the bidder or investor whose bid is extended to extend the validity period of their bid security for a corresponding additional period. In this case, the bidder or investor shall follow procedures for extending the validity period of their bid security for a corresponding additional period and shall not be permitted to modify their bid. If the bidder or investor refuses to extend the validity period of their bid security, their bid shall be considered invalid and rejected. The procuring entity shall return or release the bid security to the bidder or investor within 14 days from the day on which the procuring entity receives the bidder or investor’s written refusal.

7. In case of a consortium, each consortium member may furnish a separate bid security or reach an agreement to appoint a member to provide bid securities for that member and all other members of the consortium. Total value of bid securities shall not be lower than the amount of bid security specified in the bidding documents. If any member of the consortium commits violations as prescribed in Clause 9 of this Article, the bid securities of all consortium members shall not be returned.

8. The procuring entity shall return or release bid securities to unsuccessful bidders or investors within the time limit specified in the bidding documents which shall not exceed 14 days from the date of approval of the contractor or investor selection result. The bid security shall be returned or released to the successful bidder or investor after the contract becomes effective.

9. The bid security may be forfeited in the following cases:

a) After the deadline for submission of bids and during the validity period of the bid, the bidder or investor withdraws their bid or gives a written refusal to perform one or some tasks proposed in their bid in accordance with the requirements laid down in the bidding documents;

b) The bidder or investor performs any of the prohibited acts specified in Article 16 of this Law or commits violations of the bidding law resulting in bid cancellation as prescribed in Points d, dd Clause 1, Points d, dd Clause 2 Article 17 of this Law;

c) The successful bidder or investor fails to furnish the required performance security as prescribed in Article 68 and Article 75 of this Law;

d) The successful bidder fails or refuses to negotiate the contract (if any) within 05 working days in case of domestic bidding, or within 10 working days in case of international bidding, from the receipt of the invitation for contract negotiation, or, after the contract negotiation has been carried out, refuses to complete the contract and sign the contract negotiation record, except force majeure events;

dd) The successful bidder fails or refuses to carry out the completion of contract or framework agreement within 10 days, in case of domestic bidding, or within 20 days in case of international bidding, from the receipt of the notice of acceptance from the procuring entity, except force majeure events;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) The successful investor fails or refuses to carry out the completion of contract within 15 days, in case of domestic bidding, or within 30 days in case of international bidding, from the receipt of the notice of acceptance from the procuring entity, except force majeure events;

h) The successful investor fails or refuses to sign the contract within 15 days, in case of domestic bidding, or within 30 days in case of international bidding, from the date of completion of that contract, except force majeure events.

10. In case bidders or investors commit violations of the bidding law resulting in forfeiture of their bid securities and/or performance securities as prescribed in Clause 9 of this Article, Clause 6 Article 68 and Clause 4 Article 75 of this Law, amounts of bid securities and/or performance securities forfeited shall be used according to the following provisions:

a) Regarding projects or packages funded by state budget, these amounts shall be paid to state budget in accordance with regulations of the Law on state budget;

b) Regarding projects or packages not funded by state budget, or investment projects, these amounts shall be used according to financial regulations adopted by employers or competent authorities;

c) If the procuring entity is a bidding consultant selected by the employer, these amounts shall be paid to the employer. The employer shall manage and use these amounts in accordance with Points a and b of this Clause.

Article 15. Costs associated with contractor/investor selection

1. Costs associated with the contractor selection:

a) RFP, bidding documents used in domestic bidding, EOI request and prequalification document are issued free of charge on VNEPS;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Employers/procuring entities shall incur costs of publishing bidding information and other costs associated with the contractor selection;

d) Bidders shall incur costs of preparing their EOIs, prequalification applications, bids, proposals, and participating in bidding, and settling bidding-related petitions (if any).

2. Costs associated with the investor selection:

a) EOI request and bidding documents used in domestic bidding are issued free of charge on VNEPS;

b) Bidding documents used in international bidding shall be issued on VNEPS; investors shall make payment for purchase of electronic forms of the bidding documents when submitting their bids;

c) Procuring entities shall incur costs of publishing information on investor selection and other costs associated with the investor selection;

d) Investors shall incur costs of preparing their applications for project execution and bids, and participating in bidding, and settling bidding-related petitions (if any).

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 16. Prohibited acts in bidding

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Abusing positions or entrusted power to influence or illegally intervene in bidding process in any form.

3. Collusive practice, including:

a) Reaching, with or without undue influence, an arrangement or agreement which is designed to let one or more parties to prepare bids for all bidders or to withdraw submitted bids so that one of them will win the bid;

b) Reaching an arrangement or agreement on refusal to supply goods or services, or subcontract, or reaching other agreements to limit competition so that one party will win the bid;

c) A bidder or investor with appropriate qualifications and experience has submitted a bid and meets the requirements laid down in the bidding documents but deliberately refuses to provide additional documents proving their capacity and experience at the procuring entity’s request for clarification of the bid or verification of their submitted documents with the aim of facilitating one party’s winning of the bid.

4. Fraudulent practice, including:

a) Forging or falsifying information and/or documents used in bidding;

b) Deliberately providing information and documents which are not accurate or objective in EOIs, prequalification applications, applications for project execution, bids or proposals with the aim of falsifying the contractor/investor selection result.

5. Obstructive practice, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Obstructing the competent person, employer, procuring entity, bidders (or investors) in the course of contractor (or investor) selection;

c) Impeding competent authorities’ rights of supervision, inspection or audit of bidding activities;

d) Deliberately making false complaints, denunciations or petitions with the aim of impeding bidding process;

dd) Acts of violation against laws and regulations on cybersecurity and safety intended to intervene or impede the online bidding process.

6. Inequality and non-transparency, including:

a) A bidder or investor of a package or investment project is also the procuring entity or employer or takes charge of performing tasks of the procuring entity or employer of that package or investment project;

b) A person or entity concurrently engages in the preparation and appraisal of EOI request, prequalification document, bidding documents, or RFP of the same package or investment project;

c) A person or entity concurrently engages in the evaluation of bids or proposals and the appraisal of the contractor or investor selection result of the same package or investment project;

d) A person who is working for the procuring entity/employer directly engages in the contractor/investor selection, or acts as a member of the expert team or appraising team in charge of appraising the contractor/investor selection result, or is a competent person or head of the procuring entity/employer, for a package or investment project for which his/her family relative, as defined in the Law on enterprises, directly submits a bid or acts as the legal representative of a bidder or investor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) A person acts as a bidder for a package of a project or investment project of the procuring entity or employer for which he/she worked and held the executive or managerial position within 12 months from the date of his/her resignation therefrom;

g) A supervision consultant also acts as the inspection consultant of the same package;

h) Failure to meet relevant requirements laid down in this Law when adopting a method other than the competitive bidding to the contractor/investor selection;

i) Inclusion of specific brand and/or origin requirements in the bidding documents for a procurement or construction or mixed package under the competitive bidding, limited bidding or shopping method, except the provisions of Point e Clause 3 Article 10, Clause 2 Article 44 and Clause 1 Article 56 of this Law;

k) Bidding documents impose conditions that limit the participation of bidder(s) or investor(s) or give advantage for one or some bidders or investors resulting in unfair competition or violation of the Clause 3 Article 44 and Clause 2 Article 48 of this Law;

l) Slitting a project or procurement cost estimate into a series of packages for the purpose of direct contracting or with the aim of limiting the participation of bidders.

7. Unauthorized disclosure of the following information and documents on the contractor/investor selection, except the cases specified in Point b Clause 8 and Point g Clause 9 Article 77, Clause 11 Article 78, Point h Clause 1 Article 79, Clause 4 Article 80, Clause 4 Article 81, Clause 2 Article 82, Point b Clause 4 Article 93 of this Law, including:

a) Contents of EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP before they are issued as prescribed;

b) Contents of EOIs, prequalification applications, applications for project execution, bids or proposals; the procuring entity’s clarification requests and responses from bidders or investors during the evaluation of EOIs, prequalification applications, applications for project execution, bids or proposals; reports of the procuring entity or expert team, appraisal reports, reports of consultants and other relevant specialized agencies during the contractor/investor selection; records or minutes of bid evaluation meetings, opinions or comments on each EOI, prequalification application, application for project execution, bid or proposal before they are disclosed as prescribed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Other documents issued or obtained during the contractor/investor selection and certified to contain state secrets as prescribed by law.

8. Illegal transfer of awarded contract, including the following cases:

a) The contractor transfers a volume of tasks of the package worth more than the maximum value of tasks to be subcontracted and those tasks to be undertaken by specialist subcontractor(s) under the signed contract;

b) The contractor transfers a volume of tasks of the package whose value does not exceed the maximum value of tasks to be subcontracted under the signed contract but beyond the scope of tasks to be subcontracted specified in the bid or proposal without obtaining a prior consent from the employer or supervision consultant;

c) The employer/supervision consultant gives consent to the contractor’s transfer of tasks as prescribed in Point a of this Clause;

d) The employer/supervision consultant gives consent to the contractor’s transfer a volume of tasks as prescribed in Point b of this Clause which is worth more than the maximum value of tasks to be subcontracted under the signed contract.

9. The contractor selection is conducted before determining funding sources as prescribed in Clause 3 Article 39 of this Law.

Article 17. Bid cancellation

1. In case of contractor selection, bid cancellation shall occur when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) there are changes in the objectives and scope of investment specified in the investment decision resulting in changes in volume of tasks and evaluation criteria specified in the EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP;

c) the EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP does not comply with regulations laid down in this Law or other relevant laws to the extent that the selected bidder fails to meet the requirements of the package;

d) the successful bidder commits any of the prohibited acts in Article 16 of this Law; or

dd) another organization or individual that is not the successful bidder commits any of the prohibited acts in Article 16 of this Law resulting in inaccurate contractor selection result.

2. In case of investor selection, bid cancellation shall occur when:

a) all bids are considered substantially nonresponsive to the bidding documents;

b) there are changes in the objectives, scale, location, investment capital or duration of investment project execution due to force majeure events resulting in changes in evaluation criteria specified in the issued bidding documents;

c) one or some contents of the bidding documents does not comply with regulations laid down in this Law or other relevant laws resulting in inaccurate investor selection result or to the extent that the selected investor fails to meet the requirements of the investment project;

d) the successful investor commits any of the prohibited acts in Article 16 of this Law; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Bid cancellation may occur within the period from the issuance of the EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP to the signing date of the contract or framework agreement in case of centralized procurement.

4. Organizations and individuals that commit violations to the extent of bid cancellation as prescribed in Points c, d, dd Clause 1 and Points c, d, dd Clause 2 of this Article shall pay compensation to related parties.

Article 18. Bid suspension, refutation of contractor/investor selection result

1. If there is evidence that an organization or individual participating in the bidding commits any of the prohibited acts in Article 16 of this Law or violations against relevant laws which adversely affect the achievement of competitiveness, fairness, transparency, and economic efficiency or falsify the contractor/investor selection result, the competent person shall adopt one or some of the following measures:

a) Suspend the bidding process in order to suspend all contractor/investor selection activities and take remedial actions against violations immediately. Bid suspension shall be made during the contractor/investor selection and before the contractor/investor selection result is approved;

b) Refuse to recognize the contractor/investor selection result during the contractor/investor selection and the contract execution;

c) Impose penalties for violations as prescribed in Article 87 of this Law.

2. The decision on bid suspension or refutation of contractor/investor selection result must clearly indicate the causes thereof, remedial measures and time limit for completing remedial measures against violations.

Article 19. Expert team, appraising team

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An appraising team consists of capable and experienced individuals who are selected or assigned by the competent person, employer or bidding consultant to inspect and consider the compliance with laws and regulations by one or all of the following contents: contractor selection master plan, contractor selection plan; EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP and EOI selection result, prequalification result, and contractor/investor selection result.

3. In order to become a member of the expert team or appraising team, an individual shall have at least 03 years’ experience in any field relevant to legal, technical or financial contents of the package or investment project.

4. The Government shall elaborate capacity and experience requirements to be satisfied by members of the expert team and appraising team.

Chapter II

METHODS AND PROCEDURES FOR CONTRACTOR AND INVESTOR SELECTION

Section 1. CONTRACTOR SELECTION METHODS

Article 20. Contractor selection methods

1. Contractor selection methods include:

a) Competitive bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Direct contracting;

d) Shopping;

d) Direct procurement;

e) Self-execution;

g) Community participation;

h) Price negotiation;

i) Contractor selection in special circumstances.

2. The Government shall adopt specific regulations on contractor selection methods other than those specified in Clause 1 of this Article which are preeminent and use advanced and modern electronic equipment and facilities, procedures and subjects of such methods in conformity with new features of VNEPS and in a manner that ensures competitiveness, fairness, transparency and economic efficiency in bidding.

Article 21. Competitive bidding

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The competitive bidding method may apply to all packages, except the cases specified in Articles 22 through 29 of this Law. In case a contractor selection method other than competitive bidding is adopted, the written application for approval of the contractor selection plan must indicate the reasons for failure to adopt the competitive bidding; the competent person shall decide the adoption of a contractor selection method other than competitive bidding and assume responsibility for his/her decision.

Article 22. Limited bidding

Limited bidding is a contractor selection method whereby only bidders meeting the requirements of the package are invited to submit bids, and is adopted in the following cases:

1. Packages have high technical requirements or involve special techniques that can only be satisfied by some bidders;

2. The limited bidding method is adopted at the request of the donor that finances the project or package under an international convention or loan agreement.

Article 23. Direct contracting

1. Direct contracting applies to:

a) Emergency packages which need to be executed to defend national sovereignty and national security; packages which need to be executed to immediately remedy or promptly handle consequences of natural disasters, conflagration, accidents, incidents, calamities or other force majeure events;

b) Packages for consulting services, non-consulting services, supply of goods or construction which need to be executed immediately to prevent direct harm to the life and property of local communities or serious impacts on adjacent works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Packages which need to be executed to protect state secrets;

dd) Packages for consulting services which must be purchased from contractors that have previously executed packages in order to ensure technological compatibility and copyright which cannot be purchased from other contractors; packages for procurement of goods or non-consulting services which must be purchased from contractors that have previously executed packages or from manufacturers or their agents in order to ensure their technological compatibility and copyright with existing equipment, machinery, software and services or to meet warranty requirements laid down by contractors or manufacturers which cannot be purchased or acquired from other contractors or manufacturers;

e) Packages for research or testing purposes or purchase of intellectual property rights or copyrighted broadcast programs; packages for transport of national reserves for relief and aid purposes, which must be delivered immediately;

g) Consulting service packages for preparation of feasibility study reports or construction engineering which are designated to the authors of work architecture designs that win the bid or are selected when they satisfy the prescribed capacity requirements laid down in the Law on construction; packages for construction or restoration of monuments, relief, grant murals and artistic works subject to copyright from the stage of creation to the stage of construction; consulting service packages for preparation of construction plannings which are designated to the authors of construction planning schemes or initiatives that has been successful in the construction planning competition;

h) Packages for consulting services, relocation of technical infrastructure facilities to serve the land clearance; packages for consulting services, sweeping and removal of bombs and other explosive objects, demining to prepare for construction sites;

i) Packages for which there is only one bidder capable of performing the contract in the market due to specific technological solution requirements;

k) Packages of nationally important projects eligible for direct contracting according to the National Assembly’s resolutions issued when deciding investment guidelines;

l) Packages for leasing of warehouse facilities for impounded goods; packages for hiring of transport and handling services for impounded goods at seaports and concentrated inspection places in case there is only one entity providing such services in the port; packages for import of sporting weapons to serve training activities and annual sports competitions of sports training centers, schools and clubs;

m) Packages of procurement cost estimates whose price ranges from VND 50 million to VND 100 million; packages of investment projects of state-owned enterprises or wholly state-owned enterprises and investment projects defined in the Law on public investment, including: consulting service packages whose price does not exceed VND 500 million, and packages for non-consulting services, procurement of goods, construction, or mixed packages whose price does not exceed VND 01 billion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Regarding the packages specified in Points a, b and c Clause 1 of this Article, employers shall decide to award contracts under simplified procedures directly to capable and experienced bidders that shall then execute these contracts immediately, and shall assume responsibility for their decision. Within 15 days from the date of the start of the package execution, relevant parties must complete the following direct contracting procedures, including: preparation and delivery of the draft contract to the selected contractor; contract completion; submission for approval and disclosure of contractor selection result; contract signing and management of contract execution.

3. Direct contracting shall apply to one of the packages specified in Points d, dd, e, g, h, i, k, l and m Clause 1 of this Article if all of the following requirements are satisfied:

a) The project has been granted an investment decision, except consulting service packages for project preparation;

b) The contractor selection plan has been approved;

c) Funding is available for the package;

d) The cost estimate has been approved as prescribed, except EP, EC, EPC, turnkey packages.

4. Regarding packages or procurements whose price does not exceed VND 50 million, heads of relevant authorities/units shall decide the procurement in an economic and efficient manner, and assume responsibility for their decision; preparation, appraisal and approval for the contractor selection plan, the package cost estimate, and the signing of contracts with suppliers shall not be required but invoices, vouchers and receipts must be sufficiently provided in accordance with regulations of law.

5. Direct contracting process starting from the date of approval for the RFP to the signing date of the contract shall not exceed 45 days. This period may be extended up to 90 days in case of a large-scale and complicated package.

6. In case a package specified in Clause 1 of this Article meets the direct contracting requirements laid down in Clause 3 of this Article and is also eligible for the contractor selection method specified in Article 21, 22, 24 or 25 of this Law, the latter should be adopted.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Shopping

The shopping method applies to the following packages whose price does not exceed VND 05 billion:

1. Common and uncomplicated non-consulting service packages;

2. Packages for procurement of normal goods which are available on the market, have standardized technical properties and equivalent quality;

3. Simple construction packages for which approved building drawing designs are available;

4. PC packages of which construction tasks meet the requirements laid down in Clause 3 of this Article.

Article 25. Direct procurement

1. Direct procurement applies to packages for purchase of similar goods of projects or procurement cost estimates of the same employer or another employer provided that the requirements laid down in Clause 2 of this Article must be satisfied.

2. The direct procurement shall apply if all of the following requirements are satisfied:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The employer may only make one direct procurement of goods for the current package of which the quantity of each procurement item must be smaller than 130% of that of the corresponding procurement item of the previous package, excluding quantities of additional purchase (if any);

c) Unit prices of component tasks of the package applying the direct procurement do not exceed those of corresponding tasks of the previous package and must be also conformable with the market price at the time of contract completion;

d) The previous contract has been signed no more than 12 months before the date of approval of the direct procurement result.

3. If the previous contractor is no longer capable of executing the direct procurement contract, another contractor who satisfies all capacity, experience, technology and price requirements laid down in the bidding documents and according to the previous contractor selection result may be awarded the contract.

Article 26. Self-execution

1. An employer that directly manages and uses goods/services of a package of a project or procurement cost estimate may themself execute that package if meeting all of the following requirements:

a) Functions, tasks, operating fields or business lines of the employer are conformable with requirements of the package;

b) The employer meets technical and financial capacity and experience requirements of the package;

c) The employer has adopted a feasible plan to mobilize personnel, machinery and equipment to meet the package execution schedule.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The entity mentioned in Clause 2 of this Article is not allowed to transfer a volume of tasks worth either at least 10% or more than VND 50 billion of the value of tasks specified in the written assignment of tasks.

Article 27. Community participation

Residential communities, teams or groups of adequate skilled workers in the local area where a package of a national target program or public investment program that is executed by both the State and the people is to be executed shall be assigned to take charge of the entire or part of that package provided its price does not exceed VND 05 billion.

Article 28. Price negotiation

1. Price negotiation applies to the following packages:

a) Purchase of original brand-name drugs or reference biologicals;

b) Purchase of drugs, medical devices or test equipment of a type which can only be manufactured by 01 or 02 manufacturers.

2. The price negotiation method shall be adopted according to a decision issued by the Minister of Health of Vietnam who shall also issue the list of drugs, medical devices and test equipment to be procured through price negotiation and specific contractor selection procedures and process for packages executed adopting price negotiation method.

Article 29. Contractor selection in special circumstances

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Packages for procurement of drugs or vaccines under trials that can only be purchased under their manufacturers’ specific purchase, payment, guarantee, security requirements and other conditions imposed during the contract execution;

b) Packages for procurement of drugs, vaccines and medical devices through international organizations;

c) Packages with strict national defense and security, external affairs, border and territorial security requirements;

d) Selection of lawyers or solicitors providing legal services for protection of legitimate rights and interests of the State of Vietnam and regulatory authorities at foreign or international jurisdictional bodies;

dd) Packages for direct provision of intensive training for regulatory authorities and public sector entities by foreign training institutions in foreign countries; purchase of plane tickets for domestic and international delegations; packages for provision of professional training courses in specific areas for officials which need the participation of authorities or units that are competent or in charge of performing professional training tasks assigned by competent authorities;

e) Packages for performance of political tasks assigned by the Communist Party or the State of Vietnam, including: dissemination of information on printed newspapers, online newspapers, radio and television stations, and other means of mass media in case such information dissemination activities are performed under contracts signed directly by the authorities or units that are granted information dissemination funding with these organizations; organization of special art programs; cooperation in film production;

g) Packages for design, construction and installation of stages used in production of broadcasting programs; leasing of spaces for production or recording of highly artistic programs;

h) Packages for provision of printing services, stamps, receipts and seals in accordance with regulations of laws on tax administration and customs; packages for purchase of police dogs, police dog training, purchase of drugs, explosives, drug or explosive scent pads used in police dog training;

i) In case of a project or package requiring specific requirements regarding contractor selection criteria and procedures, and contract signing and execution other than those specified in Points a, b, c, d, dd, e, g and h of this Clause, the Government shall request the Standing Committee of National Assembly to decide the selection of contractor for this project or package as a special circumstance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The Prime Minister of Vietnam shall decide the selection of contractors for the packages in Point c Clause 1 of this Article;

b) The Minister of Health of Vietnam shall issue and assume responsibility for his/her decisions on selection of contractors for the packages in Points a and b Clause 1 of this Article;

c) Ministers, heads of ministerial agencies, Governmental agencies, and other central-government agencies, Chairperson of provincial People’s Committees shall issue and assume responsibility for their decisions on selection of contractors for the packages in Points d, dd, e, g and h Clause 1 of this Article.

3. Applications for approval of plans for contractor selection in special circumstances must provide reasons for failure to adopt the contractor selection methods specified in Articles 21 through 28 of this Law.

4. The Government shall elaborate documentation requirement and procedures for contractor selection in special circumstances.

Section 2. CONTRACTOR SELECTION PROCEDURES

Article 30. Single-stage one-envelope procedure

1. Single-stage one-envelope procedure shall be adopted in the following cases:

a) Competitive bidding or limited bidding for non-consulting service, procurement, construction or mixed packages, except the cases specified in Point b Clause 1 Article 31 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Direct contracting for consulting service, non-consulting service, procurement, construction, or mixed packages;

d) Direct procurement for procurement packages.

2. Bidders submit bids or proposals in one envelope containing both the technical proposal and the financial proposal in accordance with the requirements laid down in the bidding documents or RFP.

3. All bids or proposals shall be opened at the same bid opening.

Article 31. Single-stage two-envelope procedure

1. Single-stage two-envelope procedure shall be adopted in the following cases:

a) Competitive bidding or limited bidding for consulting service packages;

b) Competitive bidding or limited bidding for non-consulting service, procurement, construction, or mixed packages with high technical requirements as prescribed by the law on science and technology.

2. A bidder shall simultaneously submit the technical proposal and the financial proposal in two separate envelopes in accordance with the requirements laid down in the bidding documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 32. Two-stage one-envelope procedure

1. Two-stage one-envelope procedure shall be adopted in the competitive bidding or limited bidding for procurement, construction, or mixed packages of which specific and adequate technical requirements are not yet imposed when the bidding is conducted.

2. At the first stage, bidders shall submit their technical proposals, without bid prices, which are prepared in accordance with the requirements laid down in the bidding documents and on the basis of fundamental designs or specifications of the package. Bidders are allowed to offer alternatives to the requirements as described in the bidding documents provided that they must be separately offered in addition to the primary technical plan required in the bidding documents. Technical proposals shall be opened immediately after the deadline for submission of bids. Bidders whose technical proposals are considered to have met the requirements of the bidding documents at the first stage shall be invited to the second stage.

3. At the second stage, the contractor selection process shall be conducted as follows:

a) Bidders on the list of responsive bidders made at the first stage shall be invited to clarify their technical proposals. A request for clarification may include the employer or procuring entity’s request for bidder’s modification of their technical solutions proposed at the first stage. The bidder may also comment on the contents of the bidding documents;

b) On the basis of the request for clarification of technical proposal and response from each bidder, the bidding documents at the first stage shall be modified in terms of instructions to bidders, evaluation criteria, technical requirements, conditions of contract, and other contents deemed necessary to constitute the bidding documents for the second stage, including bidders’ technical deviations and proposed alternatives which have been accepted;

c) Bidders shall submit bids, including both the technical proposal and the financial proposal, which are prepared in accordance with the requirements laid down in the bidding documents at the second stage and in which the bid price and bid security are determined on the basis of technical solutions proposed at the first stage which have been modified as prescribed in Point a of this Clause. All bids shall be opened at the same bid opening.

Article 33. Two-stage two-envelope procedure

1. Two-stage two-envelope procedure shall be adopted in the competitive bidding or limited bidding for procurement, construction, or mixed packages which employ new, complicated and/or special techniques or technologies but of which specific and adequate technical requirements are not yet imposed when the bidding is conducted.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. At the second stage, the contractor selection process shall be conducted as follows:

a) Bidders on the list of responsive bidders made at the first stage shall be invited to clarify their technical proposals. A request for clarification may include the employer or procuring entity’s request for bidder’s modification of their technical solutions proposed at the first stage. The bidder may also comment on the contents of the bidding documents;

b) On the basis of the request for clarification of technical proposal and response from each bidder, the bidding documents at the first stage shall be modified in terms of instructions to bidders, evaluation criteria, technical requirements, conditions of contract, and other contents deemed necessary to constitute the bidding documents for the second stage, including bidders’ technical deviations and proposed alternatives which have been accepted;

c) A bidder shall submit their bid, including the technical proposal and the financial proposal contained in two separate envelopes, in accordance with the requirements laid down in the bidding documents for the second stage, which also include the bid price and bid security. Prices quoted in the financial proposal must correspond to items included in the primary technical plan proposed by the bidder. If an alternative technical plan is proposed, the financial proposal must also include prices quoted according to this plan. There are two bid opening sessions to be conducted. Technical proposals shall be opened immediately after the deadline for submission of bids. Only financial proposals of bidders whose technical proposals were considered responsive shall be opened for further evaluation.

Section 3. INVESTOR SELECTION METHODS AND PROCEDURES

Article 34. Investor selection methods

1. Competitive bidding:

Competitive bidding applies to investment projects that have no limit on the number of participating investors.

2. Limited bidding:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Investor selection procedures

1. Single-stage one-envelope procedure:

a) Single-stage one-envelope procedure shall be adopted in the case of competitive bidding or limited bidding;

b) An investor shall submit their bid, including both the technical proposal and the financial proposal contained in one envelope, in accordance with the requirements laid down in the bidding documents;

c) All bids shall be opened at the same bid opening.

2. Single-stage two-envelope procedure:

a) Single-stage two-envelope procedure shall be adopted in the case of competitive bidding for investment projects involving valuable architectural structures as prescribed by the Law on architecture;

b) An investor shall simultaneously submit the technical proposal and the financial proposal in two separate envelopes in accordance with the requirements laid down in the bidding documents;

c) There are two bid opening sessions to be conducted. Technical proposals shall be opened immediately after the deadline for submission of bids. Only financial proposals of investors whose technical proposals were considered responsive shall be opened for further evaluation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Two-stage one-envelope procedure shall be adopted in the case of competitive bidding for investment projects which have specific sectoral, regional or local socio-economic development requirements but of which specific technical, social, economic and environmental standards are not yet determined.

4. The Government shall elaborate this Article.

Chapter III

CONTRACTOR SELECTION PLAN

Article 36. Contractor selection master plan for projects

1. Depending on the scale and nature of bidding activities of the project, the employer or the body that prepares the project shall request the competent person to consider and decide the preparation and approval of the contractor selection master plan.

2. The contractor selection master plan may be prepared as the same time as or independently of the feasibility study report but shall only be approved after the feasibility study report has been approved.

3. A contractor selection master plan shall, inter alia, include the following information:

a) Consideration of the context of the project with bidding activities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Market analysis and determination of risks in bidding;

d) Specific objectives of the bidding;

dd) Proposals included in the contractor selection master plan, including: division of the project into multiple packages; contractor selection method and procedure; type of contract; risk management rules; schedule for executing the main tasks and the package; other contents to be put into consideration during the drafting of the bidding documents, management of contract execution.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 37. Rules for preparing contractor selection plan

1. A contractor selection plan shall cover the entire project or procurement cost estimate. In case of a procurement cost estimate, the contractor selection plan may be prepared on the basis of the procurement cost estimate of the current budget year and expected procurement cost estimates of the following budget years. If there are not sufficient grounds for preparing a contractor selection plan for the entire project or procurement cost estimate, the contractor selection plan shall be prepared for one or some packages.

2. If a package is to be executed within duration of exceeding 01 year, the contractor selection plan must clearly indicate the package execution duration and the package’s price determined for the entire execution duration.

3. The number of packages and contents of each package must be specified in the contractor selection plan.

4. Approval of the contractor selection plan shall be given on the basis of technical properties and execution process, and in a manner that ensures the uniformity of the project or procurement cost estimate, and must be conformable with the approved contractor selection master plan (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 38. Preparing contractor selection plan

1. Basis for preparation of the contractor selection plan for a project:

a) The project approval decision and relevant documents, except packages which need to be executed before the project is approved. In case a package needs to be executed before the project is approved, the decision issued by the head of the entity acting as the project employer or the head of the unit tasked with preparing the project, if the project employer is not yet identified, shall be used;

b) The contractor selection master plan (if any);

c) The project included in the assigned medium-term public investment plan, except urgent public investment projects defined in the Law on public investment;

d) The fund disbursement plan or sources of funding for the project other than the one specified in Point c of this Clause;

dd) The international convention or loan agreement, if the project is funded by ODA or concessional loans, except the cases of bidding in advance prescribed in Article 42 of this Law;

e) Other relevant legislative documents.

2. Basis for preparation of the contractor selection plan for a procurement cost estimate:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The procurement cost estimate;

c) Other relevant legislative documents.

Article 39. Contents of contractor selection plan

1. Name of the package:

Name of the package must reflect the nature, contents and scope of tasks of the package. If a package is divided into smaller parts, each of them must have a suitable name.

2. Package price:

a) The package price is the value of the package defined in the contractor selection plan to be approved. The package price includes all costs for execution of the package, including contingencies, fees, charges and taxes. The package price may be updated at least 28 days before the bid opening date if deemed necessary;

b) If a package is divided into smaller parts, the package price and the estimated price of each part shall be specified;

c) Regarding a package with additional purchase option as prescribed in Clause 8 of this Article, the package price excludes the additional purchase value.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Funding sources:

Determined or approved sources of funding for each package must be specified. If a package is funded by ODA or concessional loan of a foreign donor, name of the donor and capital structure, including funding allocated by the donor and reciprocal capital from Vietnamese party, shall be specified. In case a package is to be executed within duration of exceeding 01 year under a procurement cost estimate, the funding sources may be determined on the basis of the procurement cost estimate of the current budget year and expected procurement cost estimates of the following budget years.

4. Contractor selection method and procedure:

a) Specific contractor selection method and procedure must be determined for each package: domestic or international contractor selection; whether or not online contractor selection is employed;

b) If a project is to be executed under a contractor selection master plan, contractor selection method and procedure must be specified in conformity with the contractor selection master plan.

5. Contractor selection duration:

The contractor selection plan must clearly indicate the duration and the time of initiating contractor selection. The contractor selection process shall begin from the month or quarter in which bidding documents or RFP is issued. In case of competitive bidding that employs the shortlisting procedure, contractor selection process shall begin when the EOI request or prequalification document is issued.

6. Type of contract:

a) The specific type of contract must be determined as prescribed in Article 64 of this Law and used as the basis for preparation of the EOI request, prequalification document, bidding documents and RFP, and signing of the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Package execution duration:

The package execution duration starts on the effective date of the contract till the date of acceptance of completed works, goods (including related services, if any), consulting or non-consulting service. The package execution duration is expressed as a number of days, weeks, months or years, excluding the warranty period and designer's supervision period in respect of a consulting service package (if any).

8. Additional purchase option (if any):

a) Additional purchase option allows the employer to purchase an amount of goods, consulting or non-consulting services of the package in addition to the original amount specified in the contract;

b) The contractor selection plan for a package with additional purchase option must clearly indicate the volume, quantity and estimated value of additional purchase;

c) The additional purchase option may be applied if: the bidding has won the bid through competitive bidding or price negotiation; the volume of additional purchase does not exceed 30% of that of the corresponding item specified in the contract; there is an approved cost estimate for the additional purchase; the unit price of goods or services additionally purchased shall not be higher than that of corresponding goods or services specified in the contract; the additional purchase option is exercised during the validity period of the contract.

9. Supervision of bidding activities (if any).

Article 40. Approving contractor selection plan for a project

1. An application for approval of the contractor selection plan includes the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Tasks to which neither of the prescribed contractor selection methods can apply;

c) Tasks included in the contractor selection plan, including tasks and corresponding values constituting the packages to which one of the contractor selection methods specified in Articles 21 through 29 of this Law is applied;

d) Tasks which cannot be included in the contractor selection plan (if any), specific tasks and their values must be specified;

dd) Total value of the tasks stated in Points a, b, c and d of this Clause. This total value must not exceed the total investment of the project;

e) Other related contents.

2. Power to approve the contractor selection plan:

a) The employer shall organize preparation and approval of the contractor selection plan in case the contractor selection master plan has been approved;

b) The competent person shall consider approving the contractor selection plan for a project which is not covered by the contractor selection master plan or authorize the employer or his/her subordinate to do so, except the case specified in Point c of this Clause;

c) The employer or the head of the unit tasked with preparing the project, if the project employer is not yet identified, shall consider approving the contractor selection plan for the package for which the bidding is conducted in advance as prescribed in Article 42 of this Law or which needs to be executed before the project is approved.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 41. Approving contractor selection plan for a procurement cost estimate

1. An application for approval of the contractor selection plan includes the following contents:

a) Completed tasks, including tasks of packages to be executed in advance with corresponding value and legal grounds thereof;

b) Tasks to which neither of the prescribed contractor selection methods can apply;

c) Tasks included in the contractor selection plan, including tasks and corresponding values constituting the packages to which one of the contractor selection methods specified in Articles 21 through 29 of this Law is applied;

d) Tasks which cannot be included in the contractor selection plan (if any), specific tasks and their values must be specified;

dd) Total value of the tasks stated in Points a, b, c and d of this Clause. This total value shall not exceed total funding in the procurement cost estimate;

e) Other related contents.

2. The competent person shall consider approving the contractor selection plan or authorize the employer or his/her subordinate to do so.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 42. Bidding in advance

1. Bidding in advance for selecting contractors for projects funded by ODA or concessional loans of foreign donors shall comply with the provisions of a concluded international convention or agreement on ODA or concessional loans.

Before concluding an international convention or agreement on ODA or concessional loan, the following tasks may be performed, including: preparation, submission for approval, appraisal and approval of contractor selection plan, EOI request, prequalification document, bidding documents, RFP, and drawing up of the shortlist.

2. The tasks mentioned in Clause 1 of this Article shall be performed in accordance with the provisions of Point a Clause 1 Article 43 of this Law.

Chapter IV

CONTRACTOR AND INVESTOR SELECTION PROCESS

Section 1. CONTRACTOR SELECTION PROCESS

Article 43. Contractor selection process

1. The contractor selection process in case of competitive bidding or limited bidding includes the following steps:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Organization of contractor selection;

c) Bid evaluation;

d) Contract negotiation for a consulting service package.

With regard to procurement, construction or non-consulting service package to be executed adopting the international bidding method or a package with high technical requirements, the procuring entity may conduct contract negotiation with the first-ranked bidder if it is deemed necessary;

dd) Submission, appraisal, approval and disclosure of contractor selection result and provision of explanations for bidders as to why they were not successful (if any);

e) Completion, signing and management of execution of contract.

2. The contractor selection process in case of direct contracting includes the following steps:

a) Preparation for contractor selection;

b) Organization of contractor selection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Submission, appraisal, approval and disclosure of contract selection result;

dd) Completion, signing and management of execution of contract;

In the case specified in Point m Clause 1 Article 23 of this Law, the competent person may decide to adopt the simplified process, consisting of the following steps: preparing and sending the draft contract to the successful bidder; submitting for approval, approving and disclosing the contractor selection result; signing the contract and managing the contract execution.

3. The contractor selection process in case of shopping includes the following steps:

a) Preparation for contractor selection;

b) Organization of contractor selection;

c) Bid evaluation;

d) Submission, appraisal, approval and disclosure of contractor selection result and provision of explanations for bidders as to why they were not successful (if any);

dd) Completion, signing and management of execution of contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Preparation for contractor selection;

b) Organization of contractor selection;

c) Evaluation of proposals and negotiation on the proposal of the selected bidder;

d) Submission, appraisal, approval and disclosure of contract selection result;

dd) Completion, signing and management of execution of contract.

5. The contractor selection process in case of self-execution includes the following steps:

a) Preparation of the self-execution plan, including drafting of the written assignment of tasks;

b) Completion of the self-execution plan;

c) Approval and disclosure of contractor selection result;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Individual consultants may be employed in case the tasks of a package can be performed by one or some capable and experienced experts without the participation of any organizations and without imposing execution conditions as those imposed on institutional contractors. Process of individual consultant selection includes the following steps:

a) Preparation for contractor selection;

b) Organization of contractor selection;

c) Evaluation of scientific CVs of bidders that are individual consultants;

d) Contract negotiation;

dd) Submission, approval and disclosure of contract selection result;

e) Signing and management of execution of contract.

7. The contractor selection process in case of community participation includes the following steps:

a) Preparation of the plan for selection of residential community, group or team of local skilled workers to execute the package;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Approval and disclosure of selection result;

d) Completion, signing and management of execution of contract.

8. The Government shall elaborate this Article.

Article 44. Bidding documents used for contractor selection

1. Bidding documents include:

a) Instructions to bidders, additional purchase option (if any);

b) Bidding Data Sheet (BDS);

c) Criteria for evaluation of validity of bids; capacity and experience of bidders; technical proposals; financial - commercial proposals; bidders’ reputation acquired from participation in bidding and execution of previous similar contracts, and quality of used similar goods.

If specialist contractors are employed, bidding documents must also indicate the scope of tasks and capacity and experience requirements to be satisfied by specialist contractors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Scope of supply, technical requirements, terms of reference;

e) Conditions of contract and contract forms;

g) Documents, drawings and other contents (if any).

2. Bidding documents may impose requirements regarding countries or territories of origin. In the case of a package prescribed in Point dd Clause 1 Article 23 where all direct contracting requirements laid down in Clause 3 Article 23 of this Law are satisfied but the competent person decides to apply the competitive bidding, limited bidding or shopping method to the contractor selection, bidding documents may impose requirements regarding origin and brands of goods.

3. Bidding documents shall not impose any conditions that limit the participation of a bidder or give advantage for one or some bidders resulting in unfair competition.

4. In case the bidding documents contain any contents in breach of the provisions of Clause 3 of this Article, these contents shall be considered invalid and shall not be used as the basis for bid evaluation.

Article 45. Contractor selection duration

1. The contractor selection duration shall be subject to the following provisions:

a) The minimum period between the first date on which the EOI request or prequalification document is issued and the deadline for submission of bids which is given for bidders to prepare their EOIs or prequalification applications shall be 09 days for domestic bidding or 18 days for international bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) In case of shopping, the minimum period between the first date on which the bidding documents are issued and the deadline for submission of bids which is given for bidders to prepare their bids shall be 05 days;

d) Where a competent person decides to apply the competitive bidding method to the selection of contractor for a package which satisfies the direct contracting requirements laid down in Points a, b and c Clause 1 Article 23 of this Law, the minimum period between the first date on which the bidding documents are issued and the deadline for submission of bids which is given for bidders to prepare their bids shall be 09 days;

dd) The amendment of bidding documents must be made at least 10 days before the deadline for submission of bids. In case of a construction or mixed package whose price does not exceed VND 20 billion or a procurement or non-consulting service package whose price does not exceed VND 10 billion, bidding documents may be amended at least 03 days before the deadline for submission of bids. The amendment of EOI request or prequalification document must be made at least 03 days before the deadline for submission of bids.

2. EOI request, prequalification document and bidding documents shall be issued as the same time as the invitation for EOIs, invitation for prequalification applications and invitation for bid respectively.

3. The period for performing the tasks other than those specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall be decided by the competent person or employer in a manner that ensures the project or package execution schedule.

Section 2. INVESTOR SELECTION PROCESS

Article 46. Investor selection process

1. Investor selection process includes the following steps:

a) Public disclosure of the investment project;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Organization of bidding activities, including: invitation for bid; issuance, amendment and clarification of bidding documents; preparation, submission, receipt, management, modification, withdrawal and substitution of bids;

d) Bid evaluation, including: bid opening; examination and evaluation of validity of bids; detailed evaluation of bids;

dd) Submission, appraisal, approval and disclosure of investor selection result; provision of explanations for investors as to why they were not successful (if any);

e) Negotiation, completion and signing of contract.

2. In case there are 02 or more investors showing interest in a project and thus the investor selection must be conducted through bidding as prescribed by the Law on land or a specialized law, in addition to the steps specified in Clause 1 of this Article, the competent authority shall prepare the EOI request, send invitation for EOIs, organize evaluation of applications for project execution, and approve EOI selection result before preparing for bidding as prescribed in Point b Clause 1 of this Article.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 47. Public disclosure of investment projects

1. Competent authorities shall make information on investment projects publicly available on VNEPS which shall be used as the basis for organization of investor selection.

2. Project details to be publicly disclosed include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Project’s name; investment objectives and scale; total investment;

c) Location of the project; current use of land, land area used for executing the project; land use purposes; approved planning indicators;

d) Project execution duration and schedule; preliminary plan for investment phasing or division of component projects (if any); execution schedule of each stage of the project (if any);

dd) Name of the procuring entity; investor selection method and procedure;

e) Other related contents.

Article 48. Bidding documents used for investor selection

1. Bidding documents include:

a) Instructions to investors;

b) Bidding Data Sheet (BDS);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Methods and criteria for evaluation of capacity and experience of investors; investment plan; efficiency in land use or investment efficiency, sectoral development;

dd) Invitation for bid and bidding forms;

e) Investment project-related information and execution requirements;

g) Draft contract and contract form;

h) Other related contents.

2. Bidding documents shall not impose any conditions that limit the participation of an investor or give advantage for one or some investors resulting in unfair competition.

Article 49. Investor selection duration

1. In case of domestic bidding, the minimum period between the first date on which the bidding documents are issued and the deadline for submission of bids which is given for investors to prepare their bids shall be 45 days;

2. In case of international bidding, the minimum period between the first date on which the bidding documents are issued and the deadline for submission of bids which is given for investors to prepare their bids shall be 60 days;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 3. ONLINE BIDDING

Article 50. Online contractor and investor selection

1. Domestic competitive bidding, limited bidding and shopping must be conducted on VNEPS according to the following roadmap:

a) From the effective date of this Law to December 31, 2024 inclusively, the Government shall decide whether to adopt online bidding method or not;

b) From January 01, 2025, the online bidding method shall apply to all packages, except cases where the bidding is not conducted on VNEPS as prescribed in Clause 5 of this Article.

2. Contractor/investor selection contents to be conducted on VNEPS:

a) Publishing of information on contractor/investor selection;

b) Preparation, appraisal and approval of prequalification document, EOI request, bidding documents or RFP;

c) Preparation and submission of prequalification applications, EOIs, applications for project execution, bids or proposals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Evaluation of prequalification applications, EOIs, bids or proposals, invitation for contract negotiation, appraisal and approval of contractor selection result;

e) Consortium agreement, electronic bid security, electronic contract performance;

g) Clarification of bidding-related contents;

h) Submission and receipt of petitions;

i) Electronic contract;

k) Electronic payment.

3. Electronic documents on VNEPS shall be valid in accordance with regulations of the Law on electronic transactions and used as the basis for comparing, verifying and authenticating information serving performance of evaluation, appraisal, inspection, supervision, auditing and disbursement tasks.

4. Costs incurred in online bidding include: costs of registration for participation in VNEPS; costs of publishing of bidding information as prescribed in Point c Clause 1 and Point c Clause 2 Article 15 of this Law, participation in bidding, signing of contract, and other costs associated with the bidding process on VNEPS.

5. The Government shall stipulate the connection and information sharing as prescribed in Clause 6 Article 51 of this Law; online bidding techniques which should be suitable for features and development of VNEPS; online bidding procedures and costs; online investor selection roadmap; cases where the bidding is not conducted on VNEPS.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Information published on VNEPS must be made publicly available and accessed without limitation.

2. Time source of VNEPS shall comply with regulations of law on national standard time source.

3. VNEPS must be operated in a continuous, uniform, stable and safe manner and is capable of user authentication, and data confidentiality and integrity.

4. Information on transactions conducted on VNEPS must be sufficiently recorded and can be easily tracked.

5. VNEPS must be operated in a manner ensuring that bidders/investors cannot send their EOIs, prequalification applications, bids or proposals to procuring entities after deadlines for submission of bids.

6. Information on contractors/investors may be obtained from the national enterprise registration information system, tax administration information system, budget and treasury management information system and other systems. VNEPS shall be connected with web portals and other information systems for the purposes of sharing data and information used in online bidding and serving state management of bidding activities.

Article 52. Responsibilities of VNEPS operating unit

1. Ensure information security, cybersecurity and data confidentiality of VNEPS.

2. Ensure the integrity of documents on VNEPS, and prevent unauthorized access to and unlawful replacement of documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Build VNEPS which should be compatible with other systems; have a user-friendly interface and meet relevant standards in the field of information technology.

5. Manage information security and cybersecurity risks to VNEPS.

6. Do not use information on projects, investment projects, packages, employers, procuring entities, contractors, investors and other information available on VNEPS for any purposes other than performance of its functions and tasks.

7. Ensure that hardware systems are capable of performing bidding activities.

8. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Chapter V

CENTRALIZED PROCUREMENT; PROCUREMENT OF DRUGS, CHEMICALS, MEDICAL DEVICES, TEST EQUIPMENT; SUPPLY OF PUBLIC GOODS AND SERVICES

Article 53. Centralized procurement

1. Centralized procurement shall apply if the following requirements are met:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In case a rare drug needs to be procured in a small quantity, the centralized procurement method may also be employed to ensure the supply of sufficient drugs for medical examination and treatment activities;

b) Goods or services to be procured are included in the list of goods and services to be procured through centralized procurement in Clause 2 of this Article.

2. Power to issue lists of goods and services to be procured through centralized procurement:

a) The Minister of Health of Vietnam shall issue the list of drugs to be procured through national centralized procurement; the list of medical devices and test equipment to be procured through national centralized procurement in case of need;

b) The Minister of Finance of Vietnam shall issue the list of goods and services to be procured through national centralized procurement, except those included in lists issued by the Minister of Health of Vietnam as prescribed in Point a of this Clause;

c) Ministers, heads of ministerial agencies, governmental agencies, and other central-government agencies, Chairpersons of provincial People’s Committees, heads of state-owned enterprises and wholly state-owned enterprises shall issue lists of goods and services to be procured through centralized procurement (including lists of drugs, medical device and test equipment) within their jurisdiction, except those included in lists of drugs, goods and services to be procured through national centralized procurement issued by the Minister of Health of Vietnam or the Minister of Finance of Vietnam as prescribed in Points a and b of this Clause.

3. Centralized procurement must be conducted through competitive bidding. Direct contracting method may apply to procurement of a good which is included in a list of goods and services to be procured through centralized procurement but needs to be purchased immediately to serve epidemic and disease prevention and combat as prescribed in Point c Clause 1 Article 23 of this Law. The price negotiation method may apply to procurement of a good which is included in a list of goods and services to be procured through centralized procurement may be procured through if the price negotiation requirements laid down in Clause 1 Article 28 of this Law are satisfied.

4. Centralized procurement shall be conducted by the national centralized procurement unit or centralized procurement units of ministries, central-government agencies, local governments or enterprises adopting one of the following methods:

a) The centralized procurement unit shall conduct contractor selection and directly sign contract with the selected supplier;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. If regulatory authorities, organizations and/or units have need for the same good or service which is not included in the list of goods and services to be procured through centralized procurement, they shall aggregate their quantities of good or service in need to form a procurement package and appoint one of them or a qualified centralized procurement unit to execute this procurement package.

6. Centralized procurement units shall conduct contractor selection within the ambit of their assigned tasks or under contracts signed with entities in need of procurement of goods or services.

7. The Government shall elaborate this Article and stipulate the aggregation of procurement demands of private health facilities.

Article 54. Framework agreement

1. Framework agreement on centralized procurement means an agreement made between a centralized procurement unit and one or some selected suppliers for an undivided package or a part of a divided package.

2. Contents and conditions of the framework agreement shall be used as the basis for entering into each specific procurement contract.

3. The validity period of a framework agreement is specified in the contractor selection plan but shall not exceed 36 months. The selected supplier's bid must still remain valid at the time of signing the framework agreement.

4. In case of a consortium bidder, the framework agreement must bear signatures and seals (if any) of all members of the consortium.

Article 55. Selection of suppliers of drugs, chemicals, test equipment and medical devices

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Selection of chemical or test equipment supplier whereby the selected supplier shall also provide medical devices serving the use of their supplied chemical or test equipment at the request of the employer; the supplier shall only transfer the rights to use medical devices to the health facility but retain ownership thereto;

b) Selection of supplier by quantity of technical services:

The selected supplier shall only supply chemicals, test equipment, medical devices, spare parts, accessories and relevant services serving the operation or use of medical devices in the quantity of technical services specified in the bidding documents or RFP issued by the employer or procuring entity, without providing personnel in charge of operating such medical devices.

The supplier shall only transfer the rights to use medical devices to the employer but retain ownership thereto. The package and bid price shall be determined on the basis of the quantity of technical services to be supplied. Duration of a contract shall not exceed 05 years;

c) Selection of supplier of medical devices, chemicals and test equipment: The selected supplier shall transfer the ownership to medical devices and chemicals, test equipment to the employer after the contract signed by and between the two parties becomes effective;

d) Selection of medical device supplier in accordance with regulations of law on bidding;

dd) Selection of supplier of chemicals and test equipment used for operating existing medical devices;

e) Selection of technical service supplier in accordance with the Law on Medical Examination and Treatment.

2. Regarding the procurement of drugs which are not covered by the health insurance fund or procurement of vaccines used in providing on-demand vaccination services, health facilities shall themselves decide the procurement of such drugs or vaccines in a manner that ensures openness, transparency, economic efficiency and accountability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Government shall elaborate this Article.

Article 56. Incentives in drug procurement

1. Incentives in drug procurement shall comply with Article 10 of this Law and the following provisions:

a) The employer shall decide whether to require inclusion of a domestic drug in bids if such drug can be manufactured by at least 03 domestic manufacturers satisfying technical requirements imposed by the Ministry of Health of Vietnam, and other quality and price requirements.

b) If a drug can be manufactured by at least 03 domestic manufacturers that fulfill EU-GMP requirements or EU-GMP-equivalent requirements as announced by the Ministry of Health of Vietnam, and also meet technical requirements imposed by the Ministry of Health of Vietnam, and other quality, price and supply capacity requirements, the inclusion of a domestic drug in bids shall be a requirement laid down in bidding documents or RFP.

2. The Ministry of Health of Vietnam shall announce the list of drugs mentioned in Point b Clause 1 of this Article.

Article 57. Selection of contractors for supply of public products and services

1. Public products and services are products and services which are essential for socio-economic development of a country or residential community or for assurance of national defense and security, and thus have to be maintained by the State in the following fields: education and training; vocational education and training; health; culture, sports and tourism; information and communications; science and technology; natural resources and environment; transport; agriculture and rural development; industry and trade; construction; labour, war invalids and social affairs; justice and other fields as prescribed by laws.

Public products and services include public utilities and public services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In addition to the contractor selection methods prescribed in Chapter II of this Law, the selection of contractors for supply of public products and services may also be conducted in the forms of order placement or task assignment according to the Government's regulations.

Chapter VI

METHODS OF BID EVALUATION AND CONSIDERATION FOR CONTRACT AWARD

Section 1. METHODS OF BID EVALUATION AND CONSIDERATION FOR CONTRACT AWARD IN CONTRACTOR SELECTION

Article 58. Bid evaluation methods applied to non-consulting service, procurement, construction or mixed packages

1. Least-cost method:

a) The least-cost method applies to packages in which technical, financial and commercial proposals are regarded to be on the same level if they meet the requirements of the bidding documents;

b) The bidder that has a bid meeting technical requirements and the lowest bid price after error correction and deviation adjustment (if any), and deducting the value of discounts (if any), shall be ranked first.

2. Evaluated-price method:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The evaluated-price method applies to packages where costs can be converted to the same level in terms of technical, financial and commercial factors for the entire life cycle of goods, works or non-consulting services;

c) One or some factors converted into the same level for determining the evaluated price include: operating and maintenance costs, and other costs associated with loan interests, supply schedule and quality of goods, services or works of the package; capacity or output; statistical and assessment reports on performance of previous contracts, including consideration of origin of goods; sustainable bidding and other factors;

d) The bidder that has the lowest evaluated price shall be ranked first.

3. Combined technique and price-based method:

a) The combined technique and price-based method applies to IT, telecommunications or insurance packages; procurement and/or construction packages with specific or high technical requirements to which the evaluated-price method cannot apply; or packages where technical and price factors should be taken into consideration;

b) The combined score shall be calculated on the basis of the technical score and the price score. The bidder that has the highest combined score shall be ranked first.

4. Responsiveness to the capacity and experience requirements shall be evaluated on pass/fail basis. Responsiveness to the technical requirements shall be evaluated on either scoring or pass/fail basis. Where the combined technique and price-based method prescribed in Clause 3 of this Article applies, technical criteria shall be evaluated on the basis of a scoring system. When the evaluation is based on a scoring system, the minimum technical qualifying score shall be at least 70% of total technical score.

Article 59. Bid evaluation methods applied to consulting service packages

1. Least-cost method:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The bidder that has a bid meeting technical requirements and the lowest bid price after error correction and deviation adjustment (if any), and deducting the value of discounts (if any), shall be ranked first.

2. Fixed-price method:

a) The fixed-price method applies to simple consulting service packages where the exact scope of tasks is defined and the rational, specific and fixed costs for executing the package are specified in the bidding documents;

b) The bidder that has a bid meeting technical requirements, the bid price after error correction and deviation adjustment (if any), and deducting the value of discounts (if any), not exceeding the package price, and the highest technical score shall be ranked first.

3. Combined technique and price-based method:

a) The combined technique and price-based method applies to consulting service packages where both quality and costs for executing the package are critical;

b) The combined score shall be calculated on the basis of the technical score and the price score. The scoring system must follow the rule that the technical score accounts for 70% - 80% of total score and the price score accounts for 20% - 30% of total score; the sum of technical score and price score shall be 100%. The bidder that has the highest combined score shall be ranked first.

4. Technique-based method:

a) The technique-based method applies to consulting service packages with specific or high technical requirements;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 60. Contract award for consulting service packages

1. A consultant that is an organization shall be considered successful and awarded the contract if the consultant:

a) has a substantially responsive bid or proposal;

b) has a technical proposal meeting the requirements of the bidding documents or RFP;

c) has the lowest bid price after error correction and deviation adjustment, and deducting the value of discounts (if any), if the least-cost method applies; or has the lowest bid price after deducting discounts (if any), in case of a lump sum contract; or has the highest technical score, if either the fixed-price method or technique-base method applies; or has the highest combined score, if the combined technique and price-based method applies; and

d) has a proposed successful bid price not exceeding the approved package price.

2. A consultant that is an individual shall be considered successful and awarded the contract if the consultant:

a) has a scientific CV and technical proposal (if any) which are considered the most advantageous one conforming to the requirements laid down in terms of reference; and

b) has a proposed successful bid price not exceeding the approved package price.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 61. Contract award for non-consulting service, procurement, construction or mixed packages

1. A bidder shall be considered successful and awarded the contract for non-consulting services, procurement of goods, construction or mixed package if the bidder:

a) has a substantially responsive bid or proposal;

b) meets capacity and experience requirements laid down in the bidding documents or RFP;

c) has a technical proposal meeting the requirements of the bidding documents or RFP;

d) has the negative value of deviations not exceeding 10% of the bid price;

dd) has the lowest bid price after error correction and deviation adjustment, and deducting the value of discounts (if any), if the least-cost method applies; or has the lowest evaluated price, if the evaluated-price method applies; or has the highest combined score, if the combined technique and price-based method applies; and

e) has a proposed successful bid price not exceeding the approved package price.

2. The notice of contractor selection result sent to an unsuccessful bidder must provide the reason(s) their bid was unsuccessful.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 62. Bid evaluation methods

1. The investor’s capacity and experience, and efficiency of the investment plan proposed by the investor, including efficiency in land use and investments in sectoral or local development, shall be evaluated adopting the social and state benefits-based evaluation method.

2. Bids submitted by investors shall be evaluated according to the following criteria:

a) Criteria for evaluation of the investor’s capacity, including financial and funding arrangement capacity, and experience in executing similar investment projects;

b) Criteria for evaluation of the investor’s investment plan, including technical, social and environmental criteria;

c) Criteria for evaluation of efficiency in land use and investments in sectoral or local development.

3. Regarding investment projects with specific business investment, sectoral management and development conditions as prescribed by the Law on investment or specialized laws, the bidding documents must clearly specify bid evaluation criteria which include one or some of the criteria specified in Clause 2 of this Article.

4. Bid evaluation criteria shall be scored on a scale of 100 or 1.000 points. The combined score shall be determined on the basis of capacity and experience score, investment plan score and score of efficiency in land use and investments in sectoral/local development. The investor that has achieved the minimum qualifying score for each of the criteria specified in Clauses 2 and 3 of this Article and the highest combined score shall be ranked first.

5. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An investor shall be considered successful and awarded the contract if the investor:

a) has a substantially responsive bid;

b) meets capacity and experience requirements;

c) meets requirements regarding the investment plan;

d) meets the requirements regarding the efficiency in land use and investments in sectoral or local development; and

dd) has the highest combined score of capacity and experience, investment plan, and efficiency in land use and investments in sectoral/local development criteria.

2. The notice of investor selection result sent to an unsuccessful investor must provide the reason(s) their bid was unsuccessful.

Chapter VII

CONTRACTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 64. Types of contract

1. Lump sum contract:

a) Lump sum contracts are used for packages where the scope of tasks, technical requirements and the package execution duration are well defined at the time of contractor selection and changes in quantity or technical requirements or encountering unforeseen conditions is unlikely; or for packages where the quantity and unit price cannot be defined but the contracting parties’ ability to manage risks and substantial variations or the physical and qualitative characteristics of output products are well defined, including EPC contracts and turnkey contracts;

b) In case of a lump sum contract, the package price which is used as the basis for bid evaluation and contract award shall include contingencies determined for risks associated with quantities and price escalation which may occur during the contract execution in proportion to the risk management liability to be undertaken by the contractor. The bid price should include all contingencies determined for risks associated with quantities and price escalation which may occur during the contract execution in proportion to the contractor’s liability for the package;

c) The contract price is unchanged throughout the contract duration in respect of the scope of tasks, technical requirements and terms and conditions specified in the contract, except force majeure events or changes in the scope of tasks resulting in change in the contract price;

d) The payment shall be made according to the percentage of the contract price or the price of works, work item or quantity of tasks in proportion to the agreed-upon payment schedule specified in the contract. The payment is made without requiring certification of completed quantities.

2. Fixed unit price contract:

a) Fixed unit price contracts are used for packages where the physical characteristics are well defined at the time of contractor selection but the exact quantity or volume of tasks to be actually completed by the contractor cannot be determined. The contract price shall initially be determined on the basis of quantity or volume of tasks and fixed unit price specified in the contract and contingencies for additional tasks determined in accordance with regulations of law;

b) Unit prices specified in the fixed unit price contract shall remain unchanged throughout the performance of entire tasks specified in the contract. Payment shall be made according to the quantity or volume of tasks completed and accepted, and the fixed unit prices specified in the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Adjustable unit price contracts are used for packages with long execution duration where input price fluctuations may occur during the contract execution and the application of fixed unit prices may negatively affect the package execution. Unit prices and the contract price of an adjustable unit price contract may be adjusted according to specified agreements specified in the contract in respect of any tasks of the contract. The contract price shall initially be determined on the basis of quantity or volume of primary tasks and base unit price specified in the contract and contingencies for additional tasks and price escalation. Methods for calculation of price escalation and contingencies for price escalation must be specified in the contract;

b) Payment shall be made according to the quantity or volume of tasks completed and accepted, and the unit prices specified in the contract or adjusted unit prices (if any).

4. Time-based contract:

Time-based contracts may be used for emergency situations; repair or maintenance of works, machinery and equipment; or supply of consulting services when it is difficult to define the scope and length of services. The contract price is based on the unit price per amount of time, agreed hourly, daily, weekly or monthly salary rates specified in the contract and reasonable reimbursable expenses.

5. Cost plus fee contract:

Cost plus fee contracts are used for tasks or services when the scope of tasks or input factors or costs necessary for performing estimated tasks of the contract cannot be properly defined at the time of contractor selection. At the time of signing contract, the parties shall reach specific agreements on administrative and overhead expenses, profits, direct costs-based calculation method; method for determining direct costs, and other contents necessary for executing the contract.

6. Performance-based contract:

Performance-based contracts are used for tasks or services for which the payment is based on the contract execution outcomes with accepted quality and quantity, and other factors. The contract must clearly indicate the quantity and quality of outputs, methods for inspecting, evaluating and measuring the achievement of output quality standards, reduction of payments, price adjustment provisions (if any) and other contents necessary for executing the contract.

7. Percentage-based contract:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Mixed contract:

A mixed contract means a contract whose scope comprises different types of contract specified in Clauses 1 through 7 of this Article. The mixed contract must clearly define the scope of tasks to be performed under each type of contract and relevant modifications made when different types of contract are applied to the same task or service. Provisions on payment for each type of contract shall apply to payment for the scope of tasks of the mixed contract.

Article 65. Contract documents signed with contractor

1. The contract documents signed with a contractor shall include:

a) Contract agreement;

b) Contract appendices, including the activity schedule, price schedules, and execution schedule (if any);

c) Decision on approval of contractor selection result.

2. Depending on the scale and nature of each package, the contract documents may, in addition to the documents specified in Clause 1 of this Article, include one or some of the following documents:

a) Contract completion record;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Written agreement made by the parties on conditions of the contract, including general conditions of contract and special conditions of contract;

d) Bid or proposal of the successful bidder and clarifications thereof;

dd) Bidding documents or RFP and addenda thereto;

e) Other relevant documents.

Article 66. Conditions for signing of contract

1. The bid or proposal of the successful bidder must still remain valid at the time of signing the contract. In case of centralized procurement with use of the framework agreement, the framework agreement must still remain valid at the time of signing the contract.

2. At the time of signing the contract, the successful bidder must meet all technical and financial requirements for executing the package in accordance with the requirements laid down in the bidding documents or RFP.

3. The employer is requested to provide funding for making advances and payments, premises and other conditions necessary for ensuring the package execution schedule.

Article 67. Signing of contract with successful bidder

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Only a single contract will be signed for executing a package. A contract may be prepared applying one or some types of contract prescribed in Article 64 of this Law. A centralized procurement package or a package which is divided into smaller parts may be executed under several contracts. Each contract shall cover one or some parts of the package. If different types of contract are employed, the type of contract for each task must be specified;

2. Contents of the contract signed by and between the parties must be conformable with contents of the bidding documents, RFP, bids or proposals, contract negotiation results (if any), decision on approval of contractor selection result. The contract should clearly indicate the scope of tasks to be undertaken by specialist subcontractors (if any) and maximum value of tasks to be subcontracted. The maximum value of tasks to be subcontracted shall not include the value of tasks to be undertaken by specialist subcontractors;

3. In case of a consortium bidder, the contract agreement must bear signatures and seals (if any) of all members of the consortium. In case of centralized procurement with use of framework agreement, all members of the consortium shall directly append their signatures and seals (if any) to the contract agreement with the entity in need of goods or services or a member of the consortium shall be authorized to do so under terms and conditions of the consortium agreement;

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 68. Performance security

1. The successful bidder shall be required to choose one of the following options for ensuring their execution of the contract, including:

a) Pay a deposit;

b) Submit a letter of guarantee issued by a domestic credit institution or foreign bank branch lawfully established under the law of Vietnam; or

c) Submit a certificate of surety bond insurance issued by a domestic non-life insurer or branch of a foreign non-life insurer duly established under the law of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Consulting service supplier;

b) The contractor that is selected adopting the self-execution or community participation method;

c) The bidder to be contracted for executing a package whose price does not exceed the price limit prescribed in Point m Clause 1 Article 23 of this Law.

3. The successful bidder shall furnish the required performance security before or when the contract becomes effective.

4. Depending on the scale and nature of each package, the value of the performance security equaling 2% - 10% of the contract price shall be specified in the bidding documents or RFP.

5. The validity period of the performance security begins on the effective date of the contract until all contractual obligations are fulfilled by the parties or warranty obligations, if specified in the contract, are taken on. If the duration of the contract needs to be extended for a specified period, the contractor shall be requested to extend the validity of their furnished performance security for a corresponding additional period before the contract is granted extension.

6. The performance security shall be forfeited if the successful bidder:

a) refuses to perform the contract that is still effective;

b) violates terms and conditions of the contract; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 69. Contract execution rules

1. Parties to a contract are responsible to comply with terms and conditions of their signed contract.

2. Honesty, cooperation and lawfulness.

3. No infringement upon the interests of the State and community as well as legitimate interests of other organizations and individuals.

Article 70. Modification of contract

1. A contract may be modified:

a) in cases agreed upon by the parties and specified in the signed contract in conformity with regulations of law;

b) when circumstances for executing the contract fundamentally change as prescribed by the Civil Code; or

c) at the request of a competent authority that affects the execution of contract with no fault of the employer’s fault.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. During the contract execution, the parties are allowed to modify the intended completion dates of tasks specified in the contract in the following circumstances:

a) A force majeure event or unexpected situation arises and hinders the contractor from executing the contract without fault or negligence of any party to the contract;

b) There are changes in the project, scope of tasks, scope of supply, primary construction solutions, designs or supply methods due to objective reasons resulting in changes in the contract execution schedule;

c) One or both parties to the contract propose initiatives for executing the contract which require changes in the contract execution schedule with the aim of generating considerable interests to the employer;

d) The contract execution schedule is affected due to the employer's failure to provide the site as agreed upon in the contract or suspension of the contract through no fault of the contractor;

dd) The performance of tasks is suspended at the request of a competent authority due to the fault of neither of the employer and the contractor.

4. Any modification to the contract resulting in changes in the contract execution schedule or an increase in the approved package price (including contingencies) shall require an approval from the competent person. However, any increase in price shall not make the contract price exceed the total investment or total funding in the procurement cost estimate. In case a project or procurement cost estimate comprises multiple packages, any increase in price shall not make the sum of contract prices exceed the total investment or total funding in the procurement cost estimate.

5. In case of changes in the contract price, quantities and other contents as agreed upon in the contract, the signing of contract appendices shall not be required if the following conditions are met:

a) Any change shall not make the contract price exceed the package price specified in the contractor selection plan; if the package cost estimate is approved after the approval of the contractor selection plan, total funding in the package cost estimate shall not be exceeded;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Methods, formula, items and other contents necessary for making such changes are available in the contract.

6. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. INVESTMENT PROJECT CONTRACTS IN CASE OF INVESTOR SELECTION

Article 71. Signing of contract and rules for executing investment project contracts

1. An investment project contract shall be signed if the following conditions are met:

a) The bid of the selected investor must still remain valid at the time of signing the contract;

b) At the time of signing contract, the selected investor is required to meet technical and financial requirements for executing the investment project as laid down in the bidding documents.

2. Contents of the signed contract must be conformable with contents of the bidding documents, the investor’s bid, decision on approval of investor selection result, and contract negotiation and completion record.

3. The contract shall be signed by and between a competent authority or the procuring entity (if authorized) and the selected investor. In case of a consortium, the contract agreement must bear signatures and seals (if any) of all members of the consortium.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 72. Investment project contract documents

The documents constituting an investment project contract consist of:

1. Contract agreement;

2. Contract appendices (if any);

3. Contract negotiation and completion record;

4. Decision on approval of investor selection result;

5. The selected investor’s bid and clarifications thereof;

6. Bidding documents and addenda thereto;

7. Other relevant documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An investment project contract shall, inter alia, have the following primary contents:

a) Particulars of the contracting parties, effective date and duration of the contract;

b) Details of the investment project, including: objectives, location, and execution schedule; scale and total investment; conditions for use of land and other resources (if any); compensation and relocation measures and requirements, and construction of auxiliary works (if any); safety and environmental protection requirements; force majeure events and actions taken;

c) Responsibility to follow compensation and relocation procedures and organize construction of auxiliary works (if any); allocation or lease of land (if any);

d) The investor's obligations to fulfill commitments proposed in their bid; establishment of enterprise in charge of managing the investment project (if any);

dd) Performance security; rules and conditions for modification and termination of contract; transfer of rights and obligations by the parties;

e) Governing law and dispute settlement mechanism.

2. The Government shall elaborate this Article.

Article 74. Duration of investment project contract

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Duration of an investment project contract begins on the effective date of the contract until the investor fulfills their commitments specified in their bid and other obligations as agreed upon by the parties in the contract.

3. When the contract expires, the investor shall execute the investment project in accordance with regulations of the Law on investment and relevant laws.

Article 75. Security for performance of investment project contract

1. The investor is required to adopt one of the following performance security options for ensuring their fulfillment of responsibility to execute the investment project before or when the contract becomes effective:

a) Submit a letter of guarantee issued by a domestic credit institution or foreign bank branch lawfully established under the law of Vietnam; or

b) Submit a certificate of surety bond insurance issued by a domestic non-life insurer or branch of a foreign non-life insurer duly established under the law of Vietnam.

2. Depending on the scale and nature of the investment project, the value of the performance security equaling 1% - 3% of the total investment shall be specified in the bidding documents.

3. The validity period of the performance security begins on the official signing date of the contract until the contract is terminated. If the duration of the contract needs to be extended for a specified period, the investor shall be requested to extend the validity of their furnished performance security for a corresponding additional period.

4. The performance security shall be forfeited if the investor:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) violates terms and conditions of the contract; or

c) refuses to extend the validity period of the performance security, in case failure to meet the contract execution schedule is at the investor’s fault.

Article 76. Modification of investment project contract

1. An investment project contract may be modified in the following cases:

a) The investment project which is subject to approval of investment guidelines is modified in accordance with regulations of the Law on investment resulting in changes in contents of the project contract.

Modifications to the contract shall only be made after the modified investment guidelines have been approved by a competent authority. The investor must meet technical and financial requirements for executing the modified investment project;

b) The investment project is transferred in accordance with regulations of the Law on investment and relevant laws;

c) In other cases as agreed upon by the parties in the contract in conformity with regulations of law.

2. The transfer of an investment project specified in Point b Clause 1 of this Article must meet the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The investor that receives the transfer (transferee) meets technical and financial requirements for executing the investment project;

c) The transferee commits to inherit all rights and obligations of the transferor as defined in the signed investment project contract.

Chapter VIII

RESPONSIBILITIES OF PARTIES IN BIDDING

Article 77. Responsibilities of competent persons

1. Consider approving the contractor selection master plan as prescribed in Article 36 of this Law.

2. Consider approving contractor selection plans as prescribed in Articles 40 and 41 of this Law.

3. Organize appraisal of the contents specified in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. Suspend bidding process, refuse to recognize contractor/investor selection results, and impose penalties for violations in bidding sector in accordance with the provisions of this Law and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Settle petitions arising during the contractor/investor selection as prescribed in this Law.

7. Organize inspection and supervision of bidding activities and contract execution.

8. In case of contractor selection, in addition to the responsibilities specified in Clauses 1 through 7 of this Article, a competent person shall also discharge the following:

a) Adjust tasks and powers of the employer in case of failure to satisfy the conditions laid down in this Law and requirements of the project or package;

b) Request the employer or the procuring entity to provide documents used in inspection, supervision, settlement of petitions, handling of violations in bidding sector and fulfillment of the tasks specified in Clauses 4, 5 of this Article;

c) Give opinions about complicated situations at the request of the employer as prescribed in Point a Clause 3 Article 88 of this Law.

9. In case of investor selection, in addition to the responsibilities specified in Clauses 4, 5, 6 and 7 of this Article, a competent person shall also discharge the following:

a) Act on behalf of the competent authority to decide the organization of investor selection;

b) Decide to appoint a unit whose personnel are qualified to perform investor selection tasks as the procuring entity; employ qualified consultant to perform certain tasks of the procuring entity in case qualified personnel are not available;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Consider approving EOI selection result and investor selection result;

dd) Make decisions on handling of situations in bidding;

e) Conclude contracts on the basis of approval given by a competent authority; organize the management of the contract signed with the successful investor;

g) Request the procuring entity to provide documents used in inspection, supervision, settlement of petitions, handling of violations in bidding sector and fulfillment of the tasks specified in Clauses 4, 5 of this Article.

10. Explain the fulfillment of responsibilities specified in this Article at the request of superior authorities, inspecting authorities and bidding authorities.

11. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 78. Responsibilities of employers

1. Consider approving the following contents:

a) The contractor selection plan in case the package is executed before the project is approved or the bidding is executed in advance; the contractor selection plan for a project covered by an approved contractor selection master plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Bidding documents, RFP;

d) Contractor selection result.

2. Organize the appraisal of the contents specified in Clause 1 of this Article.

3. Sign, or give authorization to sign, contract with the successful bidder, and manage the contract execution; sign and manage framework agreement in case of centralized procurement with use of framework agreement; make payment for contractors under terms and conditions of the signed contract.

4. Decide to establish the procuring entity with personnel that are qualified to perform investor selection tasks; employ qualified consultant to act as the procuring entity or to perform certain tasks of the procuring entity in case qualified personnel are not available. Decide to establish the expert team meeting the requirements laid down in Article 19 of this Law in case no consultant is employed to act as the procuring entity.

5. Make decisions on handling of situations in bidding.

6. Settle petitions arising during the contractor selection.

7. Protect confidentiality of information and documents concerning the contractor selection.

8. Retain relevant information obtained during the contractor selection in accordance with regulations of law on archives and this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. Cancel bidding process in the cases specified Point a Clause 1 Article 17 of this Law.

11. Provide relevant information and documents and explanations about the fulfillment of responsibilities specified in this Article at the request of the competent person, inspecting authorities and bidding authorities.

12. Assume responsibility before the law and the competent person for the contractor selection.

13. Discharge the responsibilities specified in Article 79 of this Law if the employer is also the procuring entity.

14. Provide information technology infrastructure facilities meeting online bidding requirements.

15. Assume legal responsibility for the accuracy and truthfulness of information which is registered and published on VNEPS using the employer’s digital certificate.

16. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 79. Responsibilities of procuring entities

1. In case of contractor selection, the procuring entity shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Decide to establish an expert team in case the procuring entity is a consultant that is employed by the employer;

c) Request bidders to provide clarifications to their EOIs, prequalification applications, bids or proposals during evaluation process;

d) Submit prequalification document, EOI request, RFP, bidding documents, shortlist and contractor selection result for approval;

dd) Conduct negotiation (if any) and completion of contract with the successful bidder, and manage the execution of the signed contract (if any);

e) Conduct negotiation (if any) and completion of framework agreement with the successful bidder, and manage the execution of the signed framework agreement (if any) in case of centralized procurement with use of the framework agreement;

g) Protect confidentiality of information and documents concerning the contractor selection;

h) Publish information on VNEPS; provide relevant information and documents and explanations about the fulfillment of responsibilities specified in this Clause at the request of the competent person, employer, inspecting authorities and bidding authorities;

i) Assume responsibility before the law and the employer for the performance of assigned tasks as prescribed in this Clause.

2. In case of investor selection, in addition to the responsibilities specified in Point h Clause 1 of this Article, the procuring entity shall also:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Decide to establish an expert team;

c) Request investors to provide clarifications to their bids during evaluation process;

d) Submit bidding documents and investor selection result for approval; consider approving bidding documents if authorized;

dd) Conduct contract negotiation with the successful investor; sign and manage the contract signed with the successful investor if authorized;

e) Cancel bidding process in the cases specified Point a Clause 2 Article 17 of this Law;

g) Protect confidentiality of information and documents concerning the investor selection;

h) Retain relevant information obtained during the investor selection in accordance with regulations of law on archives and this Law;

i) Settle petitions arising during the investor selection;

k) Submit reports on performance of annual bidding tasks;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Provide information technology infrastructure facilities meeting online bidding requirements.

4. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 80. Responsibilities of expert teams

1. Prepare EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP.

2. Organize evaluation of EOIs, prequalification applications, applications for project execution, bids or proposals; propose measures for handling situations arising during bidding process (if any) to the procuring entity.

3. Protect confidentiality of information and documents concerning the contractor/investor selection.

4. Provide relevant information and documents and explanations about the fulfillment of responsibilities specified in this Article at the request of the competent person, employer, procuring entity, inspecting authorities and bidding authorities.

5. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 81. Responsibilities of appraising teams

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Request the employer/procuring entity to provide adequate relevant documents.

3. Protect confidentiality of information and documents obtained during appraisal process.

4. Provide relevant information and documents and explanations about the fulfillment of responsibilities specified in this Article at the request of the competent person, employer, inspecting authorities and bidding authorities.

5. Assume responsibility before the law, the competent person and employer for performance of appraisal tasks and other assigned tasks as prescribed in this Article.

6. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 82. Responsibilities of contractors, investors

1. Request the procuring entity to clarify their EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP.

2. Provide relevant information and documents and explanations about the fulfillment of responsibilities specified in this Article at the request of the competent person, employer, procuring entity, inspecting authorities and bidding authorities.

3. In addition to the responsibilities specified in Clauses 1 and 2 of this Article, when participating in bidding through VNEPS, bidder or investor shall also:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Assume legal responsibility for the accuracy and truthfulness of information which is registered and published on VNEPS.

4. Comply with terms and conditions of the signed contract.

5. Discharge other responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Chapter IX

STATE MANAGEMENT OF BIDDING ACTIVITIES

Section 1. STATE MANAGEMENT OF BIDDING

Article 83. Contents of state management of bidding activities

1. Promulgate and organize the implementation of legislative documents on bidding.

2. Review, assess and submit reports on the implementation of bidding activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Supervise, inspect and settle bidding-related complaints, denunciations and petitions, and take actions against violations in bidding sector within the jurisdiction and scope of responsibility prescribed in this Law and relevant laws.

5. Provide professional training and retraining courses in bidding activities.

6. Carry out international cooperation in bidding.

Article 84. Responsibility for state management of bidding

1. The Government shall carry out uniform state management of bidding activities nationwide.

2. The Ministry of Planning and Investment of Vietnam shall act as a focal point in charge of assisting the Government in carrying out uniform state management of bidding activities, and have the following powers and responsibilities:

a) Formulate and promulgate, within its jurisdiction, or request competent authorities to promulgate, legislative documents on bidding;

b) Build and manage VNEPS and press products on bidding to serve online bidding, and public disclosure of information on contractor/investor selection as prescribed in this Law;

c) Build and manage national database on contractors and investors, containing information on contract execution results and quality of supplied goods according to the Government’s regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Carry out inspection of bidding activities;

e) Perform other powers and responsibilities to carry out state management of bidding activities as assigned by the Government or the Prime Minister in accordance with this Law and relevant laws.

Article 85. Responsibilities of ministries, ministerial agencies and people’s committees of all levels

1. Perform state management of bidding activities within their jurisdiction.

2. Organize professional training and retraining courses in bidding for officials and public employees in charge of bidding tasks.

3. Inspect and settle complaints, denunciations and petitions and take actions against violations in bidding sector.

4. Review, assess and submit reports on the implementation of bidding activities.

5. Perform other powers and responsibilities as prescribed by this Law and relevant laws.

Article 86. Inspection and supervision of bidding activities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organizations and individuals involved in bidding activities as prescribed in this Law shall be subject to inspection under the Law on inspection;

b) Organization and operation of inspection agencies in bidding sector shall comply with provisions of the Law on inspection.

2. General inspection of bidding activities:

a) General inspection of bidding activities shall be carried out on a periodical or ad hoc basis which is decided by heads of authorities competent to carry out inspection;

b) The general inspection of bidding activities covers one or some of the following contents: promulgation of guidelines and instructions on performance of bidding tasks; submission, appraisal and approval of contractor selection plans; preparation for contractor/investor selection; organization of contractor/investor selection; management and execution of contracts; other bidding activities;

c) General inspection of bidding activities may be carried out adopting either direct inspection or written reporting method;

d) Inspection process: preparing for inspection; organizing the inspection; reaching inspection conclusions; monitoring the implementation of inspection conclusions.

3. Supervision of bidding activities:

a) Competent persons and bidding authorities shall take charge of supervising bidding activities performed by employers and procuring entities with the aim of ensuring the compliance of contractor/investor selection with the provisions of this Law and relevant laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Bidding authorities affiliated to Ministries, central-government regulatory authorities and local governments shall carry out regular supervision of bidding activities in respect of packages of projects, investment projects or procurement cost estimates in their provinces or within their jurisdiction;

d) Competent persons shall carry out supervision of bidding activities in respect of projects, investment projects or procurement cost estimates within their jurisdiction;

dd) Supervision of bidding activities covers one or some of the following contents: prequalification document, bidding documents, RFP, evaluation of bids or proposals; contractor/investor selection process;

e) Process of supervision of bidding activities by competent persons: preparing for supervision; carrying out supervision; reporting supervision results.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 87. Handling of violations

1. Organizations and individuals that commit violations against regulations of law on bidding shall, depending on the nature and severity of their violations, be disciplined, face administrative penalties or criminal prosecution, and make compensation for any damage in accordance with regulations of law.

2. In addition to penalties prescribed in Clause 1 of this Article, depending on the nature and severity of each violation, the organization or individual that commits any of the prohibited acts prescribed in this Law shall be prohibited from participating in bidding activities for a period from 06 months to 05 years.

3. Power to decide prohibition from participating in bidding activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Ministers, heads of ministerial agencies, Governmental agencies, and other central-government agencies, and Chairperson of provincial People’s Committees shall issue decisions on prohibition from participating in bidding activities within their jurisdiction;

c) The Minister of Planning and Investment of Vietnam shall issue decisions on prohibition from participating in bidding activities within his/her jurisdiction and nationwide.

4. A decision on prohibition from participating in bidding activities must be sent to the violating organization or individual and relevant authorities and organizations; and also be sent to the Ministry of Planning and Investment of Vietnam and published on VNEPS.

5. The Government shall elaborate Clauses 2, 3 and 4 of this Article.

Section 2. HANDLING SITUATIONS AND PETITIONS ARISING FROM BIDDING ACTIVITIES

Article 88. Handling certain situations in bidding

1. If a situation which is not specifically and clearly prescribed in the contractor selection plan, EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP or other tasks of the bidding process occurs, the competent person or employer shall make decision, and assume legal responsibility for their decision, to handle the situation on the basis of ensuring competitiveness, fairness, transparency, economic efficiency and accountability.

2. Situations shall be handled on the basis of the contractor selection plan; EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP; EOIs, prequalification applications, applications for project execution, bids or proposals; contractor/investor selection result; the contract signed with the selected bidder or investor; actual execution of the package, project or investment project.

3. Power to handle situations arising in bidding:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) In case of investor selection, situations shall be handled according to decisions of competent persons.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 89. Settlement of petitions in bidding

1. If there are grounds for presuming that their legitimate rights and interests are affected, bidders, investors, authorities and organizations are entitled to submit petitions to competent persons, employers or procuring entities for review or consideration of issues concerning the contractor/investor selection process and/or result as prescribed in Articles 90, 91 and 92 of this Law.

2. Bidders, investors, authorities or organizations shall only have their petitions put into consideration if they have not yet filed any other complaints, denunciations or lawsuits. If a bidder, investor, authority or organization is found to have filed a lawsuit, complaint or denunciation during the settlement of their petition, the settlement process shall be terminated immediately.

3. A petition may be withdrawn during its settlement process.

Article 90. Conditions for settlement of petitions

1. In order to be put into consideration, petitions for review of issues that arise before the publishing of contractor/investor selection result must meet the following conditions:

a) Petitions for review of bidding documents may be submitted by authorities or organizations having interest in the package or investment project; petitions for review of other issues concerning the contractor/investor selection process shall only be filed by bidders or investors participating in the bidding;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The petition must be submitted to the entity in charge of settling the petition prescribed in Clause 1 Article 91 and Clause 1 Article 92 of this Law before the contractor/investor selection result is published.

2. In order to be put into consideration, petitions for review of the contractor/investor selection result must meet the following conditions:

a) The petition must be filed by the bidder or investor participating in the bidding (petitioner);

b) The petition must bear signature and seal (if any) of the petitioner’s lawful representative or be digitally signed and submitted through VNEPS;

c) The issue in the petition has not been included in any other lawsuit, complaint or denunciation filed by the petitioner;

d) The issue in the petition must directly concern the petitioner's bid evaluation results;

dd) The petition settlement fee is paid by the petitioner to the standing assistance section of the chairperson of the petition settlement advisory board (hereinafter referred to as “standing section”) before or at the same time when the petition is submitted;

e) The bidder and the investor must submit their petitions to the employer/competent person and the procuring entity/competent person respectively within the time limit specified in Clause 2 Article 91 of this Law.

3. The person in charge of settling the petition shall inform the petitioner in writing in case their petition is rejected because the conditions specified in Clauses 1 and 2 of this Article are not fulfilled.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Settlement of petitions for review of issues that arise before the notice of contractor selection result is published shall be subject to the following provisions:

a) The bidder, authority or organization (petitioner) shall send their petition to the employer before the contractor selection result is published on VNEPS;

b) The employer shall send a written response to the petitioner within 07 working days from the receipt of the petition;

c) In case the petitioner disagrees with the petition settlement result or does not receive any response from the employer upon the expiration of the time limit specified in Point b of this Clause, the petitioner shall be entitled to send their petition to the competent person within 05 working days from the prescribed deadline for petition settlement or from the day on which the employer’s response is received;

d) The competent person shall send a written response to the petitioner within 05 working days from the receipt of the petition.

2. Petitions for review of the issues that arise after the notice of contractor selection result is published shall be settled according to one of the following processes:

a) The bidder (petitioner) shall send their petition to the employer within 10 days from the day on which the contractor selection result is published on VNEPS. The employer shall send a written response to the petitioner within 07 working days from the receipt of the petition.

In case the petitioner disagrees with the petition settlement result or does not receive any response from the employer upon the expiration of the time limit specified in this Clause, the petitioner shall be entitled to send their petition to the competent person through the standing section within 05 working days from the prescribed deadline for petition settlement or from the day on which the employer’s response is received. The competent person shall issue a decision on settlement of the petition for review of the contractor selection result within 05 working days from the receipt of the written opinion from the petition settlement advisory board;

b) The bidder (petitioner) shall send their petition to the competent person through the standing section within 10 days from the day on which the contractor selection result is published on VNEPS. The competent person shall issue a decision on settlement of the petition for review of the contractor selection result within 05 working days from the receipt of the written opinion from the petition settlement advisory board.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Where necessary, the petition settlement advisory board shall, based on the received petition, request the competent person to consider suspending the signing or execution of the contract. If the request of the petition settlement advisory board is accepted, within 05 working days from its receipt, the competent person shall provide the employer with a written notice of suspension of contract signing or execution in which the suspension duration must be clearly stated.

5. A written response shall contain conclusions on the issue in the petition. If the petition is found to be true, remedial measures and implementation time limit (if any) must also be specified in the written response. The petitioner shall have their paid petition settlement fee reimbursed. If the petition is found to be false, the written response shall contain detailed explanations. In this case, the paid petition settlement fee shall not be reimbursed.

6. If the petitioner disagrees with the decision on petition settlement issued by the competent person or employer, they shall be entitled to initiate Court proceedings.

Article 92. Procedures for settlement of petitions arising from investor selection

1. Settlement of petitions for review of issues that arise before the investor selection result is published shall be subject to the following provisions:

a) The investor, authority or organization (petitioner) shall send their petition to the procuring entity before the investor selection result is published;

b) The procuring entity shall send a written response to the petitioner within 15 working days from the receipt of the petition;

c) In case the petitioner disagrees with the petition settlement result or does not receive any response from the procuring entity upon the expiration of the time limit specified in Point b of this Clause, the petitioner shall be entitled to send their petition to the competent person within 05 working days from the prescribed deadline for petition settlement or from the day on which the procuring entity’s response is received;

d) The competent person shall send a written response to the petitioner within 05 working days from the receipt of the petition.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The investor (petitioner) shall send their petition to the procuring entity within 10 days from the day on which the investor selection result is published. The procuring entity shall send a written response to the petitioner within 15 working days from the receipt of the petition.

In case the petitioner disagrees with the petition settlement result or does not receive any response from the procuring entity upon the expiration of the time limit specified in this Point, the petitioner shall be entitled to send their petition to the competent person through the standing section within 05 working days from the prescribed deadline for petition settlement or from the day on which the procuring entity’s response is received. The competent person shall issue a decision on settlement of the petition for review of the investor selection result within 10 working days from the receipt of the written opinion from the petition settlement advisory board;

b) The investor (petitioner) shall send their petition to the competent person through the standing section within 10 days from the day on which the investor selection result is published. The competent person shall issue a decision on settlement of the petition for review of the investor selection result within 10 working days from the receipt of the written opinion from the petition settlement advisory board.

3. The time limit for settling a petition prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article starts on the day on which the administrative section of the person in charge of settling the petition receives the petition or when the petition is sent through VNEPS.

4. Where necessary, the petition settlement advisory board shall, based on the received petition, request the competent person to consider suspending the signing or execution of the contract. If the request of the petition settlement advisory board is accepted, within 10 working days from its receipt, the competent person shall issue a written notice of suspension of contract signing or execution in which the suspension duration must be clearly stated.

5. A written response shall contain conclusions on the issue in the petition. If the petition is found to be true, remedial measures and implementation time limit (if any) must also be specified in the written response. The petitioner shall have their paid petition settlement fee reimbursed. If the petition is found to be false, the written response shall contain detailed explanations. In this case, the paid petition settlement fee shall not be reimbursed.

6. If the petitioner disagrees with the decision on petition settlement issued by the competent person or the procuring entity, they shall be entitled to initiate Court proceedings.

Article 93. Composition, responsibilities and operation of petition settlement advisory board

1. The petition settlement advisory board (hereinafter referred to as “advisory board”) includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Advisory boards established by Ministers or heads of ministerial agencies, Governmental agencies or other central-government agencies;

c) Advisory boards established by Directors of Provincial Departments of Planning and Investment.

An advisory board shall be established within 05 working days from the receipt of a petition from the bidder or investor.

2. Composition and standing section of the advisory board:

a) An advisory board is composed of a chairperson, deputy chairperson(s) (if deemed necessary) and other members who are representatives of the competent person and relevant authorities, and may also be representatives of trade associations, experts and/or scientists.

The advisory board shall not have any member who is a family relative, as defined in the Law on enterprises, of the petitioner, any member of the expert team or appraising team or the person approving the contractor/investor selection result;

b) The chairperson of the advisory board specified in Point a Clause 1 of this Article is a representative of the Ministry of Planning and Investment of Vietnam. The chairperson of the advisory board established by an authority mentioned in Point b Clause 1 of this Article is a representative of its affiliated unit tasked with managing bidding activities. The chairperson of the advisory board specified in Point c Clause 1 of this Article is a representative of the Provincial Department of Planning and Investment;

c) The standing section is the unit tasked with managing bidding activities. Its members do not include any member of the expert team or appraising team of the package or project. The standing section shall perform administrative tasks assigned by the chairperson of the advisory board; receive and manage fees paid by petitioners.

3. Responsibilities of an advisory board:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) An advisory board specified in Point b Clause 1 of this Article shall give advice on settlement of petitions relevant to all packages of projects, procurement cost estimates or investment projects which are subject to the jurisdiction of, or whose competent person is, the Minister or head of ministerial agency, Governmental agency or another central-government agency establishing that advisory board, except the packages and projects specified in Point a of this Clause;

c) An advisory board specified in Point c Clause 1 of this Article shall give advice on settlement of petitions relevant to all packages of projects, procurement cost estimates or investment projects located in the province or central-affiliated city, except the packages and projects specified in Points a and b of this Clause.

4. Operation of an advisory board:

a) The advisory board shall work on a case-by-case basis and on the principle of collectives, and make decision under the majority rule. All members have the right to express and are legally responsible for their opinions;

b) The advisory board shall have the right to request the bidder, investor, employer, procuring entity and relevant authorities to provide information concerning the package, project or investment project and other information necessary for performing its tasks;

c) The competent person must be provided with the petition settlement result within 25 days, for petitions filed by bidders, or 35 days, for petitions filed by investors, from the establishment date of the advisory board.

Article 94. Right to file a lawsuit and request the Court to grant interim injunctions

1. Initiating Court proceedings shall comply with regulations of the Code of Civil Procedures.

2. When filing a lawsuit or while the Court proceedings are running, concerned parties shall have the right to request the Court to suspend the bid closing; approval of the shortlist; approval of the contractor/investor selection result; signing of the contract; execution of the contract and issue other interim injunctions in accordance with regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION

Article 95. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2024.

2. The Law on Bidding No. 43/2013/QH13, as amended by the Law No. 03/2016/QH14, the Law No. 04/2017/QH14, the Law No. 40/2019/QH14, the Law No. 64/2020/QH14 and the Law No. 03/2022/QH15, (hereinafter referred to as “Law on Bidding No. 43/2013/QH13") shall cease to have effect from the effective date of this Law, except provisions of Article 96 of this Law.

3. Contracts signed according to the provisions of Point a Clause 1 Article 55 of this Law shall be valid for a validity period specified therein which shall not exceed 05 years from the effective date of this Law.

Article 96. Transition

1. In case the contractor selection plan for a package has been approved and EOI request, prequalification document, bidding documents or RFP has been issued before the effective date of this Law, the shortlisting, contractor selection, signing of contract and management of contract execution shall be continued in accordance with the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 and its guiding documents.

2. In case an investment project has been approved and bidding documents have been issued before the effective date of this Law, the investor selection, signing of contract and management of contract execution shall be continued in accordance with the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 and its guiding documents. The Government shall elaborate the application of transitional provisions to investment projects.

3. From January 01, 2024 to the effective date of the amended Law on land, the selection of investors for executing investment projects with land use shall continue to be carried out in accordance with the Law on Bidding No. 43/2013/QH13 and its guiding documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Law is ratified by the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam during its 5th session held on June 23, 2023.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Vuong Dinh Hue

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Đấu thầu 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.564.955

DMCA.com Protection Status
IP: 18.189.194.44
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!