Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 số 05/2007/QH12 áp dụng 2024

Số hiệu: 05/2007/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 21/11/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 05/2007/QH12

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2007

LUẬT

CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

QUỐC HỘI KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 2,

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.

2. Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.

3. Sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1) là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

4. Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

5. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

6. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất (sau đây gọi là người sản xuất), nhập khẩu (sau đây gọi là người nhập khẩu), xuất khẩu (sau đây gọi là người xuất khẩu), bán hàng, cung cấp dịch vụ (sau đây gọi là người bán hàng).

7. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa là người tiêu dùng, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan kiểm tra và cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

9. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật này và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố danh sách để tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.

10. Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật nhằm xác định một hay nhiều đặc tính của sản phẩm, hàng hóa theo một quy trình nhất định.

11. Giám định là việc xem xét sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa so với hợp đồng hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng bằng cách quan trắc và đánh giá kết quả đo, thử nghiệm.

12. Chứng nhận là việc đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ với tiêu chuẩn công bố áp dụng (gọi là chứng nhận hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (gọi là chứng nhận hợp quy).

13. Kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

14. Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp do tổ chức đánh giá sự phù hợp của quốc gia, vùng lãnh thổ khác thực hiện.

15. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa) là việc cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá lại chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ đã được đánh giá chất lượng bởi các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc đã được áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng khác của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

16. Cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa) là cơ quan được phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

17. Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa bao gồm kết quả đánh giá sự phù hợp, tài liệu quảng cáo, giới thiệu tính năng, công dụng, đặc tính, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa là công trình xây dựng, dịch vụ, hàng hóa đã qua sử dụng không thuộc diện phải kiểm định; sản phẩm, hàng hóa chuyên phục vụ quốc phòng, an ninh và sản phẩm, hàng hóa đặc thù khác phải tuân thủ các nguyên tắc chung của Luật này và được điều chỉnh cụ thể bằng văn bản pháp luật khác.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Căn cứ vào khả năng gây mất an toàn, sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sau:

a) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;

b) Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

2. Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

3. Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Điều 6. Chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, hàng hóa và công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.

2. Xây dựng chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

3. Đầu tư, phát triển hệ thống thử nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, vì quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.

6. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Mở rộng hợp tác với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức và cá nhân nước ngoài trong hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tăng cường ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.

Điều 7. Giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm Giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng của tổ chức, cá nhân.

2. Điều kiện, thủ tục xét tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia do Chính phủ quy định.

3. Điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất sản phẩm, nhập khẩu, mua bán hàng hóa đã bị Nhà nước cấm lưu thông.

2. Sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng.

4. Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng.

5. Dùng thực phẩm, dược phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc đã hết hạn sử dụng làm từ thiện hoặc cho, tặng để sử dụng cho người.

6. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

9. Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.

10. Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa đối với ng­ười, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

11. Sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa bằng nguyên liệu, vật liệu cấm sử dụng để sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa đó.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

13. Lợi dụng hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa để gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Chương 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Mục 1:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 9. Quyền của người sản xuất

1. Quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp.

2. Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

3. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trường hợp chứng nhận hợp quy, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quản lý nhà nước thì người sản xuất lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

4. Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo quy định của pháp luật.

5. Yêu cầu người bán hàng hợp tác trong việc thu hồi và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

6. Khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 10. Nghĩa vụ của người sản xuất

1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm trước khi đưa ra thị trường theo quy định tại Điều 28 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

2. Thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.

5. Thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

6. Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho người mua, người tiêu dùng.

7. Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại.

8. Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

9. Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.

10. Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

12. Trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 31; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.

13. Chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.

Điều 11. Quyền của người nhập khẩu

1. Quyết định lựa chọn mức chất lượng của hàng hóa do mình nhập khẩu.

2. Yêu cầu người xuất khẩu cung cấp hàng hóa đúng chất lượng đã thoả thuận theo hợp đồng.

3. Lựa chọn tổ chức giám định để giám định chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu.

4. Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho hàng hóa nhập khẩu theo quy định.

5. Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng sản phẩm, hàng hóa do mình nhập khẩu.

6. Yêu cầu người bán hàng hợp tác trong việc thu hồi và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

7. Khiếu nại kết luận của kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Nghĩa vụ của người nhập khẩu


1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 34 của Luật này.

2. Chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu.

3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Tổ chức và kiểm soát quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản để duy trì chất lượng hàng hóa.

5. Thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản hàng hóa theo quy định của pháp luật.

6. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng.

7. Cung cấp thông tin về việc bảo hành và thực hiện việc bảo hành hàng hóa cho người bán hàng, người sử dụng.

8. Sửa chữa, hoàn lại hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người bán hàng trả lại.

9. Kịp thời ngừng nhập khẩu, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

10. Tái xuất hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

11. Tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng nhưng không tái xuất được; chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.

12. Thu hồi, xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

13. Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

14. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

15. Trả chi phí, lệ phí phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 37; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.

Điều 13. Quyền của người xuất khẩu

1. Quyết định lựa chọn mức chất lượng của hàng hóa xuất khẩu.

2. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu.

3. Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng hàng hóa cho đến thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa đó cho người nhập khẩu.

4. Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho hàng hóa xuất khẩu theo quy định.

5. Yêu cầu người nhập khẩu hàng hóa hợp tác trong việc thu hồi và xử lý hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo thoả thuận.

6. Khiếu nại quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Nghĩa vụ của người xuất khẩu

1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 32 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

2. Thực hiện các biện pháp xử lý hàng hóa xuất khẩu không phù hợp theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ hàng hóa theo quy định của pháp luật.

3. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 31, chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41 và chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.

Điều 15. Quyền của người bán hàng

1. Quyết định cách thức kiểm tra chất lượng hàng hóa.

2. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, giám định hàng hóa.

3. Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng hàng hóa.

4. Được giải quyết tranh chấp theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này và yêu cầu người sản xuất, người nhập khẩu đã cung cấp hàng hóa bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật này.

5. Khiếu nại kết luận của kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

6. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 16. Nghĩa vụ của người bán hàng

1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định tại Điều 38 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

2. Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa.

3. Thông tin trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Áp dụng các biện pháp để duy trì chất lượng hàng hóa trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản.

5. Thông báo cho người mua điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng hàng hóa.

6. Cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa cho người mua.

7. Cung cấp tài liệu, thông tin về hàng hóa bị kiểm tra cho kiểm soát viên chất lượng, đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa cho người mua khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu.

9. Kịp thời dừng bán hàng, thông tin cho người sản xuất, người nhập khẩu và người mua khi phát hiện hàng hóa gây mất an toàn hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

10. Hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người mua trả lại.

11. Hợp tác với người sản xuất, người nhập khẩu thu hồi, xử lý hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

12. Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

13. Tuân thủ các quy định, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

14. Trả chi phí lấy mẫu, thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; chi phí lấy mẫu, thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.

Mục 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 17. Quyền của người tiêu dùng

1. Được cung cấp thông tin trung thực về mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

2. Được cung cấp thông tin về việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo từ người sản xuất, người nhập khẩu.

3. Yêu cầu người bán hàng sửa chữa, hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật.

4. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương V của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa thực hiện trách nhiệm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 18. Nghĩa vụ của người tiêu dùng

1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

2. Tuân thủ quy định và hướng dẫn của người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng về việc vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

3. Tuân thủ quy định về kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sử dụng sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định.

4. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm, hàng hóa.

Mục 3:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP, TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 19. Quyền của tổ chức đánh giá sự phù hợp

1. Tiến hành thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

2. Được thanh toán chi phí theo thoả thuận với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nhu cầu đánh giá sự phù hợp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Cung cấp kết quả thử nghiệm cho đối tượng được đánh giá sự phù hợp tương ứng.

4. Cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp, quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy đã cấp cho các đối tượng được giám định hoặc chứng nhận tương ứng.

5. Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho bên thứ ba, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

6. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật.

7. Thu chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo quy định tại Điều 31; thu chi phí, lệ phí phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 37; thu chi phí thử nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 41; thu chi phí thử nghiệm, giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật này.

Điều 20. Nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp

1. Đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật này.

2. Không được từ chối cung cấp dịch vụ khi không có lý do chính đáng.

3. Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức được đánh giá sự phù hợp, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

4. Bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Bảo đảm trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

6. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.

7. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động đánh giá sự phù hợp.

8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá sự phù hợp.

9. Trả tiền phạt cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá trong trường hợp cung cấp sai kết quả đánh giá sự phù hợp. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá, trường hợp các bên không thoả thuận được thì mức phạt do trọng tài hoặc toà án quyết định, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá.

10. Bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nghề nghiệp

1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc áp dụng pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng ý thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, vì quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nâng cao nhận thức xã hội về tiêu dùng, xây dựng tập quán tiêu dùng văn minh.

2. Hỗ trợ, nâng cao nhận thức và vận động tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Đào tạo, bồi dưỡng về phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Khiếu nại, khởi kiện trong tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại cho thành viên, tổ chức nghề nghiệp.

Điều 22. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Đại diện cho người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi nhận được khiếu nại, phản ánh về chất lượng hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, định lượng ghi trên nhãn hoặc không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng.

2. Nhận thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa không phù hợp, mức độ không phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và cung cấp thông tin này cho các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp theo quy định của pháp luật.

3. Kiến nghị cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc giải quyết các vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

5. Tổ chức hướng dẫn, tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chương 3:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRONG SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, LƯU THÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG VÀ TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG

Mục 1:

QUY ĐỊNH CHUNG VỀ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 23. Công bố tiêu chuẩn áp dụng

1. Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các phương tiện sau đây:

a) Bao bì hàng hóa;

b) Nhãn hàng hóa;

c) Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa.

2. Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 24. Công bố sự phù hợp

1. Người sản xuất thông báo sản phẩm của mình phù hợp với tiêu chuẩn (sau đây gọi là công bố hợp chuẩn) hoặc với quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi là công bố hợp quy).

2. Việc công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 25. Đánh giá sự phù hợp

1. Việc thử nghiệm được quy định như sau:

a) Thử nghiệm phục vụ hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo thoả thuận với tổ chức thử nghiệm;

b) Thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định.

2. Việc giám định được quy định như sau:

a) Giám định phục vụ mục đích thương mại do tổ chức giám định thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu giám định;

b) Việc giám định phục vụ quản lý nhà nước do tổ chức giám định được chỉ định thực hiện.

3. Việc chứng nhận được quy định như sau:

a) Chứng nhận hợp chuẩn được thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận;

b) Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.

4. Việc kiểm định được quy định như sau:

a) Kiểm định bao gồm kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường;

b) Việc kiểm định phải do tổ chức kiểm định được chỉ định thực hiện.

5. Tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;

b) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng;

c) Đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 26. Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp

1. Việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa tổ chức, cá nhân tại Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài, vùng lãnh thổ do các bên tự thoả thuận.

2. Việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thoả thuận quốc tế mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.

Điều 27. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất bao gồm các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra việc áp dụng yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng trong sản xuất;

b) Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm cần kiểm tra;

c) Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.

2. Kiểm tra chất lượng hàng hóa trong nhập khẩu, lưu thông trên thị trường bao gồm các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa cần kiểm tra;

b) Thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.

3. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều 45 của Luật này tiến hành.

4. Việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Mục 2:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM TRONG SẢN XUẤT

Điều 28. Điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường

1. Người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm trong sản xuất như sau:

a) Áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

b) Công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

c) Lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm thuộc nhóm 1.

d) Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm thuộc nhóm 2.

2. Việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trước khi đưa ra thị trường được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Điều 29. Kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

1. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được tiến hành theo một trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm chất lượng quy định tại Điều 32 của Luật này;

b) Hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 40 của Luật này.

2. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được thực hiện dưới hình thức đoàn kiểm tra quy định tại Điều 48 của Luật này.

3. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất được quy định như sau:

a) Xuất trình quyết định kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;

c) Lập biên bản kiểm tra;

d) Thông báo cho người sản xuất và báo cáo cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa về kết quả kiểm tra;

đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 30 của Luật này.

Điều 30. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

1. Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, khi phát hiện người sản xuất không thực hiện đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm và điều kiện liên quan đến quá trình sản xuất thì việc xử lý được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đoàn kiểm tra yêu cầu người sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục, sửa chữa để bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường;

b) Sau khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra mà người sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của người sản xuất, tên sản phẩm không phù hợp và mức độ không phù hợp của sản phẩm;

c) Sau khi bị thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà người sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, mà kết quả thử nghiệm khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tạm đình chỉ sản xuất sản phẩm không phù hợp và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy

Người sản xuất phải trả chi phí thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy theo thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Mục 3:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Điều 32. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu

1. Người xuất khẩu hàng hóa phải bảo đảm hàng hóa xuất khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ có liên quan.

2. Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.

Điều 33. Biện pháp xử lý hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm điều kiện xuất khẩu

Hàng hóa không bảo đảm điều kiện xuất khẩu quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này mà không xuất khẩu được hoặc bị trả lại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa áp dụng một hoặc các biện pháp xử lý sau đây:

1. Thực hiện biện pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 27, trình tự thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này đối với hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia.

2. Cho lưu thông trên thị trường nếu chất lượng hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của Việt Nam.

3. Yêu cầu người sản xuất khắc phục, sửa chữa để hàng hóa được tiếp tục xuất khẩu hoặc được lưu thông trên thị trường Việt Nam sau khi đã đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

4. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tiêu huỷ.

Mục 4:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

Điều 34. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu

1. Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 của Luật này và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

2. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này.

3. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định tại Điều 26 của Luật này giám định tại cửa khẩu xuất hoặc cửa khẩu nhập.

4. Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 35 của Luật này.

Điều 35. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

1. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu gồm bản đăng ký kiểm tra chất lượng, bản sao chứng chỉ chất lượng có chứng thực, tài liệu kỹ thuật khác liên quan, bản sao hợp đồng mua bán và danh mục hàng hóa kèm theo hợp đồng;

b) Xem xét tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra ngay khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu;

c) Tiến hành kiểm tra theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;

d) Thông báo kết quả kiểm tra cho người nhập khẩu, xác nhận hàng hóa đã đáp ứng yêu cầu chất lượng để được làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa với cơ quan hải quan;

đ) Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 36 của Luật này.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi được phân công quản lý quy định tại khoản 5 Điều 68, khoản 4 Điều 69 và khoản 2 Điều 70 của Luật này.

Điều 36. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

1. Hàng hóa có giấy chứng nhận kết quả đánh giá sự phù hợp nhưng không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa yêu cầu người nhập khẩu khắc phục trước khi xác nhận để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan.

2. Trường hợp hàng hóa đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận kết quả đánh giá sự phù hợp thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa yêu cầu người nhập khẩu lựa chọn một trong số tổ chức giám định đã được chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện việc đánh giá và cấp giấy chứng nhận nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu xuất.

3. Trong trường hợp kết quả thử nghiệm, giám định chất lượng hàng hóa xác định hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của Việt Nam, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm yêu cầu quản lý chất lượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc tái chế hàng hóa, đồng thời thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp xử lý và người nhập khẩu biết để thực hiện.

4. Hàng hóa nhập khẩu sau khi được thông quan được phép lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra chất lượng theo quy định tại Mục 5 Chương này.

Điều 37. Chi phí, lệ phí phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu

1. Người nhập khẩu trả chi phí thử nghiệm, giám định theo thoả thuận với tổ chức thử nghiệm, tổ chức giám định chất lượng.

2. Người nhập khẩu nộp lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

3. Bộ Tài chính quy định mức, việc thu và quản lý lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Mục 5:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LƯU THÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG

Điều 38. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Hàng hóa lưu thông trên thị trường phải được người bán hàng thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sau đây:

1. Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình lưu thông hàng hóa hoặc tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng của hàng hóa do mình bán;

2. Chịu sự kiểm tra chất lượng hàng hóa theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27; trình tự, thủ tục kiểm tra quy định tại Điều 39; xử lý vi phạm pháp luât quy định tại Điều 40 của Luật này.

Điều 39. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

1. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Xuất trình quyết định kiểm tra trước khi kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;

c) Lập biên bản kiểm tra;

d) Thông báo kết quả kiểm tra cho người bán hàng và báo cáo cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 40 của Luật này.

2. Kiểm soát viên chất l­ượng tiến hành kiểm tra độc lập theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Xuất trình thẻ kiểm soát viên trước khi kiểm tra;

b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này;

c) Lập biên bản kiểm tra;

d) Thông báo kết quả kiểm tra cho người bán hàng và báo cáo cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

đ) Xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 40 của Luật này.

Điều 40. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

1. Trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, khi phát hiện hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các biện pháp quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với hàng hóa và yêu cầu về điều kiện liên quan đến quá trình sản xuất thì xử lý theo các bước sau:

a) Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng yêu cầu người bán hàng tạm dừng việc bán hàng hóa và trong thời hạn không quá 24 giờ phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xử lý theo thẩm quyền;

b) Yêu cầu người bán hàng liên hệ với người sản xuất, người nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa;

c) Trường hợp người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm thì theo đề nghị của đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và mức độ không phù hợp của hàng hóa;

d) Sau khi thông báo công khai, người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

a) Niêm phong hàng hóa, không cho người bán hàng được phép tiếp tục bán hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và trong thời hạn không quá 24 giờ phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xử lý theo thẩm quyền;

b) Yêu cầu người bán hàng liên hệ với người sản xuất, người nhập khẩu để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa;

c) Trường hợp người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm hoặc hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông báo công khai trên ph­ương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, tên hàng hóa không phù hợp và mức độ không phù hợp của hàng hóa;

d) Sau khi thông báo công khai mà người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.

Điều 41. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng và giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất và hàng hóa trên thị trường do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định việc lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chi trả. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Căn cứ kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết luận người sản xuất, người bán hàng vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất, người bán hàng phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa bị khiếu nại, tố cáo về chất lượng mà cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết luận việc khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đúng thì người khiếu nại, tố cáo phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Mục 6:

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG

Điều 42. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa trong quá trình sử dụng

1. Hàng hóa phải được sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất.

2. Hàng hóa phải được kiểm định theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 43. Xử lý kết quả kiểm định

1. Hàng hóa sau khi được kiểm định, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì được phép tiếp tục sử dụng trong thời gian quy định tại quy chuẩn kỹ thuật đó.

2. Hàng hóa sau khi được kiểm định không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì người sở hữu hàng hóa phải có biện pháp khắc phục; sau khi khắc phục mà kết quả kiểm định vẫn không đạt yêu cầu thì tổ chức kiểm định không cấp giấy chứng nhận kiểm định và hàng hóa đó không được phép tiếp tục sử dụng.

Điều 44. Lệ phí kiểm định hàng hóa trong quá trình sử dụng

1. Việc kiểm định hàng hóa trong quá trình sử dụng phải trả lệ phí kiểm định.

2. Bộ Tài chính quy định mức, việc thu và quản lý lệ phí kiểm định hàng hóa trong quá trình sử dụng.

Chương 4:

KIỂM TRA, THANH TRA VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Mục 1:

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 45. Phân công trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật này và hàng hóa trong xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại khoản 5 Điều 68 và khoản 2 Điều 70 của Luật này.

2. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật này và hàng hóa trong nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng thuộc phạm vi được phân công theo quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật này.

3. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi của địa phương theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

4. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan khác có liên quan trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 46. Quyền hạn của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có các quyền sau đây:

1. Quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoặc phân công kiểm soát viên chất lượng thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất;

2. Cảnh báo các nguy cơ không bảo đảm chất lượng của sản phẩm, hàng hóa;

3. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại các điều 30, 36 và 40 của Luật này;

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyết định của đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng, hành vi của thành viên đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 47. Nhiệm vụ của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa có nhiệm vụ sau đây:

1. Xác định chủng loại hàng hóa cụ thể để tiến hành kiểm tra chất lượng;

2. Xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

3. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người nhập khẩu;

4. Xác nhận điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu;

5. Lập và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xây dựng đội ngũ kiểm soát viên chất lượng, trang bị phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

6. Ra quyết định xử lý trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn kiểm tra hoặc kiểm soát viên chất lượng về việc tạm đình chỉ sản xuất, niêm phong, tạm dừng bán hàng;

7. Bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

8. Bảo mật kết quả kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức và thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được kiểm tra;

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra và các kết luận liên quan.

Điều 48. Đoàn kiểm tra

1. Đoàn kiểm tra do thủ trưởng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định thành lập trên cơ sở chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra đột xuất.

2. Đoàn kiểm tra phải có ít nhất năm mươi phần trăm số thành viên là kiểm soát viên chất lượng.

Điều 49. Nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn kiểm tra

Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đoàn kiểm tra có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất trình các tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa theo nội dung kiểm tra quy định tại Điều 27 và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 30 và Điều 40 của Luật này; khi cần thiết, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp bản sao các tài liệu quy định tại khoản này;

2. Lấy mẫu để thử nghiệm khi cần thiết;

3. Niêm phong hàng hóa, tạm dừng bán hàng hóa không phù hợp trong quá trình kiểm tra trên thị trường;

4. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có biện pháp khắc phục, sửa chữa;

5. Kiến nghị cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 46 của Luật này.

6. Bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử khi tiến hành kiểm tra;

7. Bảo mật kết quả kiểm tra và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được kiểm tra;

8. Báo cáo chính xác và kịp thời kết quả kiểm tra cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

9. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận và xử lý vi phạm của mình.

Điều 50. Kiểm soát viên chất lượng

1. Kiểm soát viên chất lượng là công chức được bổ nhiệm vào ngạch kiểm soát viên chất lượng thuộc cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Tiêu chuẩn, chế độ và việc bổ nhiệm kiểm soát viên chất lượng do Chính phủ quy định.

Điều 51. Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng

Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát viên chất lượng có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất trình các tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa theo nội dung kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều 27 và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra theo quy định tại Điều 40 của Luật này; khi cần thiết, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cung cấp bản sao các tài liệu quy định tại khoản này;

2. Niêm phong, tạm dừng bán hàng hóa không phù hợp trong quá trình kiểm tra trên thị trường;

3. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có biện pháp khắc phục, sửa chữa;

4. Kiến nghị cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xử lý theo thẩm quyền quy định tại Điều 46 của Luật này;

5. Bảo đảm nguyên tắc khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử khi tiến hành kiểm tra;

6. Bảo mật kết quả kiểm tra và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được kiểm tra;

7. Báo cáo chính xác và kịp thời kết quả kiểm tra cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

8. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận và xử lý vi phạm của mình.

Mục 2:

THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 52. Thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là thanh tra chuyên ngành.

2. Việc thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 53. Nhiệm vụ và đối tượng thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Đối tượng của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chương 5:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Mục 1:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 54. Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm:

1. Tranh chấp giữa người mua với người nhập khẩu, người bán hàng hoặc giữa các thương nhân với nhau do sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc thỏa thuận về chất lượng trong hợp đồng.

2. Tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng và các bên có liên quan do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Điều 55. Hình thức giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Thương lượng giữa các bên tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thoả thuận chọn làm trung gian.

3. Giải quyết tại trọng tài hoặc toà án.

Thủ tục giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại trọng tài hoặc toà án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng trọng tài hoặc tố tụng dân sự.

Điều 56. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Thời hiệu khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa người mua với người bán hàng được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo quy định của Luật thương mại.

3. Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường do sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường là 2 năm, kể từ thời điểm các bên được thông báo về thiệt hại với điều kiện thiệt hại xảy ra trong thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa có ghi hạn sử dụng và 5 năm kể từ ngày giao hàng đối với sản phẩm, hàng hóa không ghi hạn sử dụng.

Điều 57. Kiểm tra, thử nghiệm, giám định để giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp chỉ định hoặc các bên đương sự thoả thuận đề nghị cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Căn cứ kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hóa tranh chấp bao gồm:

a) Thoả thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong hợp đồng;

b) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm, hàng hóa.

Điều 58. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định trong giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Người khiếu nại, khởi kiện phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa tranh chấp.

2. Trong trường hợp kết quả thử nghiệm hoặc giám định khẳng định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải trả lại chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa tranh chấp cho người khiếu nại, khởi kiện.

Mục 2:

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 59. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

2. Thiệt hại được bồi thường là thiệt hại được quy định tại Điều 60 của Luật này, trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác.

Điều 60. Các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng

1. Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại.

2. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người.

3. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.

4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Điều 61. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.

2. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.

Điều 62. Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại

1. Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây:

a) Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

d) Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;

g) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

2. Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng trong các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;

b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;

c) Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;

d) Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;

e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.

Điều 63. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cung cấp kết quả sai

1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá sự phù hợp có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Mục 3:

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 64. Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền về quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân cho là trái pháp luật hoặc về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

3. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về khiếu nại, tố cáo của mình.

Điều 65. Giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Mục 4:

XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 66. Xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được ấn định ít nhất bằng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá năm lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ; tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cách xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm.

Điều 67. Khởi kiện hành chính

Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tại toà án về quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 68. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

5. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đối với sản phẩm, hàng hóa chưa được quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này.

Điều 69. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

3. Thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật này.

4. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng liên quan đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, thiết bị đo lường và hàng hóa khác trừ hàng hóa thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật này.

5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng, quy chế quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp, quy chế chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm trong sản xuất và hàng hóa trong xuất khẩu, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Chủ trì tổ chức đánh giá, đề xuất các hình thức tôn vinh, khen thưởng cấp quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định điều kiện, thủ tục xét tặng giải thưởng của tổ chức, cá nhân về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong cả nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, phổ biến kiến thức, thông tin về chất lượng và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

8. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực được phân công.

Điều 70. Trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực

1. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được phân công, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành;

c) Tổ chức và chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất;

d) Chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

đ) Thanh tra việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

e) Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn pháp luật; hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tìm hiểu thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

g) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp.

2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn được quy định như sau:

a) Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công trình thuỷ lợi, đê điều;

c) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đối với phương tiện giao thông vận tải, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông;

d) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển;

đ) Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật;

e) Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm đối với phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, khí tài, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng;

g) Bộ Công an chịu trách nhiệm đối với trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, khí tài, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 71. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, các cơ quan được Chính phủ phân công, phân cấp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 7, Điều 24, Điều 25, Điều 30, Điều 36, Điều 40, Điều 45, khoản 2 Điều 50, Điều 52, Điều 61, Điều 62, Điều 66, khoản 4 và khoản 5 Điều 68, Điều 69, Điều 70 và những nội dung cần thiết khác của Luật này theo yêu cầu quản lý nhà nước.

Điều 72. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2008.

Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24 tháng 12 năm 1999 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

THE NATIONAL ASSEMBLY

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence Freedom Happiness

 

No. 05/2007/QH12

Hanoi, November 21, 2007

 

LAW

ON PRODUCT AND GOODS QUALITY
(No. 05/2007/QH12)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam with a number of articles already amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10;
The National Assembly promulgates the Law on Product and Goods Quality.

Chapter 1

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope

This Law provides for the rights and obligations of organizations and individuals producing or trading in products or goods as well as organizations and individuals conducting activities related to product and goods quality; and the management of product and goods quality.

Article 2. Subjects of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 3. Interpretation of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Product means the output of a production or service provision process for a commercial or consumption purpose.

2. Goods means products put on the market or for consumption through exchange, sale or marketing.

3. Products and goods incapable of causing unsafe (below referred to as group-1 products and goods) mean those products and goods which, under rational conditions of transportation, storage, preservation and use for proper purposes, cause no harms to humans, animals, plants, assets or the environment.

4. Products and goods capable of causing unsafe (below referred to as group-2 products and goods) mean those products and goods which, under rational conditions of transportation, storage, preservation and use for proper purposes, can latently cause harms to humans, animals, plants, assets or the environment.

5. Product and goods quality means the product and goods properties extent of satisfaction of the requirements under announced applicable standards or relevant technical regulations.

6. Production and business organizations and individuals mean organizations and individuals that organize and conduct production (below referred to as producers), import (below referred to as importers), export (below referred to as exporters), sale or service provision activities (below referred to as sellers).

7. Organizations and individuals involved in product and goods quality-related activities mean consumers, conformity evaluation organizations, professional organizations, consumer interest-protecting organizations, supervision agencies and state management agencies in charge of product and goods quality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. Designated conformity evaluation organization means an organization which meets the conditions set in Clause 5, Article 25 of this Law and is considered and put on a list promulgated by a competent state agency for production and business organizations and individuals to select and use its conformity evaluation services to meet state management requirements.

10. Test means to conduct technical manipulations to identify one or properties of products and goods according to a certain process.

11. Inspect means to examine the conformity of products and goods with contracts or announced applicable standards or relevant technical regulations through observation and appraisal of measurement and test results.

12. Certify means to evaluate and attest the conformity of products, production or service provision processes with announced applicable standards (referred to as standard conformity certification) or with technical regulations (referred to as regulation conformity certification).

13. Verify means to conduct technical operations in a certain process aimed at assessing and attesting the products or goods satisfaction of the requirements of relevant technical regulations.

14. Recognition of conformity evaluation results means that a competent state agency, organization or individual operating in Vietnam recognizes conformity evaluation results given by a conformity evaluation organization of another nation or territory.

15. State examination of product and goods quality (below referred to as product and goods quality examination) means that a state agency reconsiders and reevaluates the quality of products, goods or production or service provision processes which have been evaluated in terms of quality by conformity evaluation organizations or to which other quality control measures have been applied by production and business organizations or individuals.

16. Agency in charge of state examination of product quality and goods (below referred to as product and goods quality examination agency) means an agency assigned or decentralized to perform the state control of product and goods quality under a line ministry or a specialized agency of the provincial/municipal Peoples Committee.

17. Documents accompanying products or goods include conformity evaluation results, documents for advertising, introducing properties, utilities or use instructions of products or goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Production and business activities as well as product and goods quality-related activities must comply with this Law and relevant provisions of law.

2. Production and business activities as well as activities related to the quality of products and goods being construction works, services or used goods not subject to verification; products and goods used exclusively for defense or security and other particular ones must comply with general principles of this Law and be specifically governed by other legal documents.

3. When a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Law, the provisions of that treaty prevail.

Article 5. Principles for product and goods quality control

1. Product and goods quality shall be controlled on the basis of announced applicable standards and relevant technical regulations. Depending on their capability of causing unsafe, products and goods are controlled as follows:

a/ The quality of group-1 products and goods shall be controlled on the basis of applicable standards announced by producers;

b/ The quality of group-2 products and goods shall be controlled on the basis of relevant technical regulations promulgated by competent state management agencies and applicable standards announced by producers.

The Government shall specify the promulgation of a list of group-2 products and goods.

2. Product and goods quality control is the responsibility of producers and traders, aimed to ensure safety for humans, animals, plants, assets and the environment and raise the productivity, quality and competitiveness of Vietnams products and goods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Activities of state control of product and goods quality must ensure transparency, objectivity, no discrimination based on goods origin and organizations and individuals involved in product and goods quality-related activities, conformity with international practice, and protection of lawful rights and interests of production and business organizations and individuals as well as consumers.

Article 6. State policies on product and goods quality-related activities

1. To encourage organizations and individuals to formulate and apply advanced standards to products and goods as well as the management and administration of production and business.

2. To formulate national programs on raising the productivity, quality and competitiveness of products and goods.

3. To invest in and develop the testing system to meet the requirements of production, business and state control of product and goods quality.

4. To enhance training and retraining of human resources for product and goods quality control.

5. To propagate and disseminate policies and laws on product and goods quality; to form a sense of producing and trading in quality products and goods for consumers interest, which save energy and are environment-friendly; to raise social awareness about consumption and build civilized consumption habits.

6. To encourage and create conditions for domestic and foreign organizations and individuals to invest and participate in testing, inspecting, verifying and certifying product and goods quality.

7. To expand cooperation with other nations, territories, international organizations, regional organizations as well as foreign organizations and individuals in activities related to product and goods quality; to enhance the conclusion of treaties and agreements between Vietnam and other countries, territories, international or regional organizations on mutual recognition of conformity evaluation results; to encourage Vietnamese conformity evaluation organizations to sign agreements on recognition of conformity evaluation results given by corresponding organizations of other countries or territories so as to facilitate the development of trade between Vietnam and those countries or territories.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Product and goods quality prizes include national prizes and prizes awarded by organizations or individuals.

2. Conditions and procedures for consideration and award of national quality prizes are provided for by the Government.

3. Conditions and procedures for consideration and award of product and goods quality prizes of organizations and individuals are provided for by the Ministry of Science and Technology.

Article 8. Prohibited acts

1. Manufacturing products, importing, selling or purchasing goods banned from circulation by the State.

2. Manufacturing products, importing, exporting, selling, purchasing, exchanging or marketing products or goods which fail to comply with relevant technical regulations.

3. Importing, exporting, selling or purchasing goods of unclear origin.

4. Importing, exporting, selling, purchasing goods, exchanging or marketing products or goods of which the use duration has expired.

5. Using foods or pharmaceuticals of poor quality or with expired use duration for charity purposes or donation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Forging or illegally using standard- or regulation-conformity stamps or other signs of product and goods quality.

8. Replacing, fraudulently exchanging, adding or reducing ingredients or additives of, or mixing impurities with products and goods, thus reducing their quality compared with announced applicable standards or relevant technical regulations.

9. Giving untruthful information or advertisement or committing fraudulent acts related to product and goods quality or goods origin.

10. Concealing information on the products and goods capability of causing unsafe to humans, animals, plants, assets or the environment.

11. Manufacturing or processing products and goods with raw materials or materials banned from use for the production or processing of those products and goods.

12. Abusing ones positions or powers or the state control of product and goods quality to illegally obstruct, trouble or harass production and business activities of organizations and individuals or cover up acts of violation of the law on product and goods quality.

13. Abusing product and goods quality control activities to cause harms to national interests, social order and safety.

Chapter 2

RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS TOWARDS PRODUCT AND GOODS QUALITY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 9. Rights of producers

1. To decide on and announce the quality of products they manufacture or supply.

2. To decide on internal control measures in order to ensure product quality.

3. To select appropriate evaluation organizations for testing, verifying, inspecting and certifying product and goods quality.

In case of certification of regulation conformity, examination of product quality according to state management requirements, producers shall select designated conformity evaluation organizations.

4. To use standard- or regulation- conformity stamps and other signs for products according to law.

5. To request sellers to cooperate in the withdrawal and handling of goods of poor quality.

6. To complain about conclusions of examination teams or decisions of examination agencies or competent state management agencies.

7. To be entitled to compensation under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To observe the conditions for ensuring the quality of products before they are put on the market according to Article 28 of this Law and take responsibility for products they manufacture.

2. To display quality information on goods labels, packing or in documents accompanying goods in accordance with legal provisions on goods labeling.

3. To supply truthful information on product and goods quality.

4. To warn about the products capability of causing unsafe and notify preventive methods to sellers and consumers.

5. To announce the requirements on transportation, storage, preservation and use of products and goods.

6. To supply purchasers and consumers with information on warranty and warranty services for products and goods.

7. To repair, refund money or exchange for new goods or receive back defective ones which are returned by sellers or consumers.

8. To promptly stop production, notify such to, concerned parties and take remedies when detecting that products or goods cause unsafe or fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations.

9. To withdraw and handle products and goods of poor quality. If the goods must be destroyed, to bear all costs of goods destruction and be liable for its consequences in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. To observe competent state agencies regulations and decisions on inspection and supervision.

12. To pay costs of testing, standard- or regulation- conformity certification according to Article 31; sample-taking and testing costs according to Article 41; sample-taking, testing and inspection costs according to Article 58 of this Law.

13. To prove wrong results and faults of conformity evaluation organizations according to Clause 2. Article 63 of this Law.

Article 11. Rights of importers

1. To decide to select the level of quality of goods they import.

2. To request exporters to supply goods of proper quality as agreed upon in contracts.

3. To select inspection organizations to inspect the quality of goods they import.

4. To use standard- or regulation-conformity stamps and other signs for imported goods according to regulations.

5. To decide on internal control measures in order to maintain the quality of products and goods they import.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To complain about conclusions of quality controllers or examination teams, or decisions of examination agencies or competent state management agencies.

8. To be entitled to compensation under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

Article 12. Obligations of importers

1. To observe the conditions for ensuring the quality of imported goods according to Article 34 of this Law.

2. To take responsibility for the quality and labeling of goods they import in accordance with law.

3. To supply truthful information on product and goods quality.

4. To organize and control the process of transportation, storage and preservation in order to maintain goods quality.

5. To announce conditions which must be complied with during the transportation, storage and preservation of goods in accordance with law.

6. To warn sellers and consumers about the goods capability of causing unsafe and notify them of preventive measures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To repair, refund money or exchange for new goods or receive back defective ones returned by sellers or consumers.

9. To promptly stop the import, notify such to concerned parties and take remedies when detecting that the goods cause unsafe or fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations.

10. To re-export imported goods which fail to conform to relevant technical regulations.

11. To destroy imported goods which fail to conform with relevant regulations but cannot be re-exported; to bear all costs of goods destruction and be liable for its consequences in accordance with law.

12. To withdraw and handle goods of poor quality.

13. To pay compensation under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

14. To observe competent state agencies regulations and decisions on inspection and supervision.

15. To pay goods quality examination costs and fees according to Article 37; sample-taking and testing costs according to Article 41; sample-taking, testing and expertise costs according to Article 58 of this Law.

Article 13. Rights of exporters

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To select appropriate conformity evaluation organizations in order to test, inspect and certify the quality of export goods.

3. To decide on internal control measures in order to maintain the quality of goods till the time of transfer of ovnership of those goods to importers.

4. To use standard- or regulation-conformity stamps and other signs for exported goods according to regulations.

5. To request importers to cooperate in withdrawing and handling goods which fail to ensure the quality as agreed upon.

6. To complain about decisions of examination agencies or competent state management agencies.

7. To be entitled to compensation under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

Article 14. Obligations of exporters

1. To observe the conditions for ensuring the quality of exported goods according to Article 32 of this Law and take responsibility for goods quality.

2. To take measures for handling exported goods which fail to comply with Article 33 of this Law. If the goods must be destroyed, to bear all costs of goods destruction and take responsibility for its consequences in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To pay costs of testing and standard- or regulation-conformity certification according to Article 31; sample-taking and testing costs according to Article 41 and sample-taking, testing and inspection costs according Article 58 of this Law.

Article 15. Rights of sellers

1. To decide on modes of examination of goods quality.

2. To select appropriate evaluation organizations for testing and inspecting goods.

3. To decide on internal control measures in order to maintain goods quality.

4. To settle disputes under the provisions of Section 1, Chapter V of this Law and request producers or importers that have supplied goods to pay compensation for damage according to Clause 1, Article 61 of this Law.

5. To complain about conclusions of quality controllers, examination teams and decisions of examination agencies or competent state management agencies.

6. To be entitled to compensations under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of. law.

Article 16. Obligations of sellers

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To check the origin of goods, goods labels, standard- or regulation-conformity stamps and documents related to goods quality.

3. To supply truthful information on product and goods quality.

4. To apply measures to maintain the quality of goods during their transportation, storage and preservation.

5. To notify purchasers of conditions to be ensured during the transportation, storage, preservation and use of goods.

6. To supply purchasers with information on goods warranty.

7. To supply documents and information on goods subject to examination to quality controllers, and product and goods quality examination teams and agencies.

8. To promptly supply purchasers with information on the goods capability of causing unsafe and preventive measures upon receiving warnings from producers or importers.

9. To promptly stop selling goods and notifying producers, importers and purchasers when detecting unsafe goods or goods which fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations.

10. To refund money or exchange goods for new ones or receive back defective goods returned by purchasers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. To pay compensation under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

13. To comply with competent state agencies regulations and decisions on inspection and supervision.

14. To pay sample-taking and testing costs according to Article 41, and sample-taking and inspection costs according Article 58 of this Law.

Section 2. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF CONSUMERS

Article 17. Rights of consumers

1. To be supplied with truthful information on the safety and quality of products and goods and provided with instructions on their transportation, storage, preservation and use.

2. To be supplied with information on warranty for goods, their capability of causing unsafe and preventive measures upon receiving warnings from producers or importers.

3. To request sellers to repair, refund money for. exchange or receive back defective goods.

4. To be entitled to compensations under the provisions of Section 2, Chapter V of this Law and relevant provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To request consumer interest-protecting organizations to protect their lawful interests according to the law on protection of consumer interests.

Article 18. Obligations of consumers

1. To observe the conditions for assurance of good quality in the course of using goods according to Article 42 of this Law.

2. To comply with producers, importers and sellers regulations and instructions on the transportation, storage, preservation and use of products and goods.

3. To comply with regulations on verification of the quality of products and goods quality in the process of using those on the lists issued by line ministries.

4. To observe legal provisions on environmental protection in the process of using products and goods.

Section 3. RIGHTS AND OBLIGATIONS OF CONFORMITY EVALUATION ORGANIZATIONS AND CONSUMER INTEREST-PROTECTING ORGANIZATIONS

Article 19. Rights of conformity evaluation organizations

1. To test, inspect, verify and certify product and goods quality on the basis of contracts signed with organizations and individuals requesting conformity evaluation in their registered operation domain or under designation by competent state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To supply testing results to corresponding subjects of conformity evaluation.

4. To grant, re-grant, expand, narrow the scope or suspend and withdraw conformity evaluation certificates, the right to use standard - or regulation-conformity stamps already granted to corresponding subjects of verification or certification.

5. To refuse to supply information related to goods-quality test, inspection, verification and certification results to third parties, unless it is requested by a competent state agency.

6. To have their conformity evaluation results recognized by competence state agencies in accordance with law.

7. To collect costs of test and certification of standard or regulation conformity according to Article 31; charges and fees for examination of the quality of imported goods according to Article 37; testing costs according to Article 41; and testing and inspection costs according to Article 58 of this Law.

Article 20. Obligations of conformity evaluation organizations

1. To meet the conditions set in Clause 5. Article 25 of this Law.

2. Not to refuse to supply services unless they can give plausible reasons.

3. To keep secret conformity evaluation information, data and results of organizations subject to conformity evaluation, unless they are requested by competent state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To ensure the conformity evaluation order and procedures according to the law on standards and technical regulations.

6. To announce on the mass media the grant, re-grant, expansion, narrowing down of the scope, suspension or revocation of conformity certificates and the right to use standard - or regulation-conformity stamps.

7. To be subject to supervision or inspection of their conformity evaluation activities by competent state agencies.

8. To take responsibility before law for conformity evaluation results.

9. To pay fines to organizations and individuals with evaluated products and goods in case of supplying wrong conformity evaluation results. Fine levels shall be agreed upon by concerned parties but must not exceed 10 times the evaluation cost; if concerned parties cannot reach agreement, fine levels shall be decided by arbitration or a court but must not exceed 10 times the evaluation cost.

10. To pay compensation according to Clause 1, Article 63 of this Law.

Article 21. Rights and obligations of professional organizations

1. To propagate and disseminate to production and business organizations and individuals knowledge about the application of the law on product and goods quality: to form a sense of responsibility for producing and trading in quality-products and goods for consumer interests, which save energy and are environment-friendly; to raise social awareness about consumption, form civilized consumption habits.

2. To support, and raise the awareness of, production and business organizations and individuals about and encourage them to apply the law on product and goods quality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To comment on draft legal documents on product and goods quality.

5. To lodge complaints or initiate lawsuits concerning disputes over product and goods quality which cause harms to their or their members interests.

Article 22. Rights and obligations of consumer interest-protecting organizations

1. To represent consumers in protecting their lawful rights and interests when receiving complaints or reports on the quality of goods which fail to conform to announced applicable standards, relevant technical regulations, the quantity indicated on goods labels or the quality prescribed in contracts.

2. To receive information relating to organizations and individuals producing unconformable products or trading in unconformable goods, the degree of the goods non-conformity with announced applicable standards or corresponding technical regulations, and supply this information to mass media agencies, and concurrently take responsibility for their supplied information.

3. To propose supervision and inspection agencies or competent state agencies to handle production and business organizations for their violations related to product and goods quality.

4. To lodge complaints or initiate lawsuits about the quality of products or goods which cause harms to consumers.

5. To provide guidance and advise on consumer interests related to product and goods quality.

Chapter 3

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 1. GENERAL PROVISIONS ON MEASURES FOR PRODUCT AND GOODS QUALITY CONTROL

Article 23. Announcement of applicable standards

1. Producers and importers shall announce fundamental properties, warning information and standard codes on goods on one of the following:

a/ Goods packing;

b/ Goods labels;

c/ Documents accompanying products or goods.

2. Contents of announced applicable standards must not be contrary to the requirements under technical regulations promulgated by competent state agencies.

Article 24. Announcement of conformity

1. Producers shall announce their products conformity with the set standards (below referred to as standard-conformity announcement) or with technical regulations (below referred to as regulation-conformity announcement).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 25. Conformity evaluation

1. Test is prescribed as follows:

a/ Test in service of operations of production and business organizations and individuals is conducted according to agreements with testing organizations:

b/ Test in service of state management is conducted at designated laboratories.

2. Inspection is prescribed as follows:

a/ Inspection for commercial purposes is conducted by inspection organizations according to agreements with organizations or individuals that request inspection:

b/ Inspection in service of state management is conducted by designated inspection organizations.

3. Certification is prescribed as follows:

a/ Standard-conformity certification is conducted according to agreements between organizations or individuals requesting certification and certification organizations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Verification is prescribed as follows:

a/ Verification includes periodical and extraordinary verification.

b/ Verification must be conducted by designated verification organizations.

5. Conformity evaluation organizations must meet the following conditions:

a/ Being duly organized and capable to meet general requirements under relevant national or international standards;

b/ Establishing and maintaining an appropriate management system conforming to requirements under relevant national or international standards;

c/ Registering the field of conformity evaluation with a competent state agency.

Article 26. Recognition of conformity evaluation results

1. Recognition of conformity evaluation results between organizations and individuals in Vietnam and others in foreign countries or territories shall be agreed upon by concerned parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 27. Examination of product and goods quality

1. Examination of product quality in production covers the following contents:

a/ Examining the application of requirements under technical regulations related to conditions of production processes and measures for state control of production quality;

b/ Examining conformity evaluation results, goods labels, standard - or regulation-conformity stamps and documents accompanying products subject to examination:

c/ Testing samples according to announced applicable standards or relevant technical regulations, when necessary.

2. Examination of goods quality in import or circulation on the market covers the following contents:

a/ Examining conformity evaluation results, goods labels, standard - or regulation-conformity stamps and documents accompanying products or goods subject to examination;

b/ Testing samples according to announced applicable standards or relevant technical regulations when necessary.

3. Examination of product and goods quality is conducted by product and goods quality examination agencies specified in Article 45 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. CONTROL OF PRODUCT QUALITY IN PRODUCTION

Article 28. Conditions for ensuring the quality of products in production before they are put on the market

1. Producers must abide by requirements on product quality control in production as follows:

a/ To apply control systems in order to ensure that the quality of their products conform to announced applicable standards or relevant technical regulations;

b/ To announce applicable standards according to Article 23 of this Law and label goods according to the law on goods labeling;

c/ To opt for conformity certification and announce standard conformity for group-1 products:

d/ To comply with technical regulations related to the production process, certification of regulation conformity and announcement of regulation conformity according to relevant technical regulations applicable to group-2 products.

2. The assurance of quality of products of small-sized production and business before they are put on the market complies with regulations of line ministries.

Article 29. Examination of product quality in production

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Exported goods fail to ensure the quality as prescribed in Article 32 of this Law;

b/ Goods circulated on the market fail to conform to announced applicable standards or relevant technical criteria specified in Clause 3, Article 40 of this Law.

2. Examination of product quality in production shall be conducted by product and goods quality examination agencies in the form of inspection team according to Article 48 of this Law.

3. The order and procedures for examination of product quality in production are prescribed as follows:

a/ Producing the examination decision;

b/ Conducting examination according to the contents specified in Clause 1. Article 27 of this Law;

c/ Making an examination minutes:

d/ Notifying producers and reporting to product and goods quality examination agency of the examination results;

e/ Handling violations according to Article 30 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Through the examination of product quality in production, if a producer is detected to fail to comply with requirements of announced applicable standards or relevant technical regulations for products and conditions related to the production process, the producer shall be handled as follows:

a/ The examination team shall ask the producer to take remedies or repair the products to ensure their quality before they are put on the market:

b/ If the producer continues committing violations despite the examination teams request, the product and goods quality examination agency shall, within 7 working days after making conclusions on violations of the production and business organization or individual, announce on the mass media the name and address of the producer, the appellations of unconformable products and the extent of their unconformity:

c/ If the producer still commits violations after his/her/its name is announced on the mass media, the goods and product quality examination agency shall propose a competent state agency to handle violations in accordance with law.

2. During the examination of product quality in production, if testing results show that products are unconformable with announced applicable standards or relevant technical regulations, threatening the safety of people, animals, plants, assets or the environment, the goods and product quality examination agency shall announce those results on the mass media, suspend the production of unconformable products and propose a competent state agency to handle violations in accordance with law.

Article 31. Costs of testing and certification of standard or regulation conformity

Producers shall pay costs of testing and certification of standard or regulation conformity under agreements with testing organizations or organizations certifying standard or regulation conformity.

Section 3. CONTROL OF EXPORTED GOODSQUALITY

Article 32. Conditions for ensuring exported goods quality

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Producers must apply relevant technical regulations to the production process or form and apply by themselves control systems in order to ensure the quality of their products.

Article 33. Measures to handle exported goods which fail to meet export conditions

For goods which fail to meet the export conditions specified in Clause 1, .Article 32 of this Law, and therefore, cannot be exported or are returned, the goods and product quality examination agency shall, depending on the nature and severity of violations, apply one or several of the following handling measures:

1. Taking measures to examine product quality in production according to the contents specified in Clause 1 of Article 27 and the order and procedures specified in Clause 3, Article 29 of this Law with regard to export goods which fail to ensure their quality, thus affecting the national interests and prestige.

2. Allowing the circulation of goods on the market if their quality conforms to relevant technical regulations of Vietnam.

3. Requesting producers to remedy or repair goods so that they may continue to be exported or circulated on the Vietnamese market after satisfying relevant technical regulations.

4. Proposing competent state agencies to issue destruction decisions.

Section 4. CONTROL OF IMPORTED GOODSQUALITY

Article 34. Conditions for ensuring imported goods quality

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Imported group-2 goods must be announced in terms of regulation conformity and certified in terms of conformity with relevant technical regulations related to the production process and end products by designated or accredited certification organizations according to Article 26 of this Law.

3. When imported, group-2 goods which fail to comply with Clause 2 of this Article must be inspected at the border gates of export or import by designated or accredited inspection organizations.

4. When imported, group-2 goods must have quality examined according to the contents specified in Clause 2 of Article 27 and the order and procedures specified in Article 35 of this Law.

Article 35. Order and procedures for examination of imported goods quality

1. Product and goods quality examination agencies shall conduct examination according to the following order and procedures:

a/ Receiving importers dossiers of registration for quality examination, each comprising a written registration of quality examination, a copy of the authenticated quality certificate, related technical documents, a copy of the sale and purchase contract and a list of goods accompanying the contract;

b/ Considering the validity and completeness of examination registration dossiers upon their receipt from importers;

c/ Conducting examination according to the contents specified in Clause 2, Article 27 of this Law;

d/ Notifying examination results to importers, certifying that the goods meet the quality requirements so that they can proceed with import procedures at customs agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Based on the provisions of Clause 1 of this Article, line ministries shall specify the order and procedures for examination of imported goods which fall within their assigned management competence defined in Clause 5 of Article 68, Clause 4 of Article 69, and Clause 2 of Article 70 of this Law.

Article 36. Handling of violations during examination of imported goods quality

1. For goods having certificates of conformity evaluation results but failing to meet the requirements on labeling, standard - or regulation-conformity stamps, product and goods quality examination agencies shall request importers to remedy them before making certification for those importers to carry out import procedures at customs agencies.

2. If goods meet labeling requirements but having no certificates of conformity evaluation results, product and goods quality examination agencies shall request importers to select one of designated or accredited inspection organizations to conduct evaluation and grant import certificates at the border gates of import or export.

3. If goods quality testing or inspection results show that the goods fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations of Vietnam, product and goods quality examination agencies shall report and propose handling measures to competent state agencies; depending on the nature and severity of violations of quality control requirements, competent state agencies shall decide on compulsory re-export, destruction or reprocessing of the goods, and at the same time, notify such to customs agencies for coordinated handling and to importers for implementation.

4. After customs clearance, imported goods may be circulated on the market and subject to quality examination under the provisions of Section 5 of this Chapter.

Article 37. Costs and fees of examination of import goods quality

1. Importers shall pay testing and inspection costs as agreed upon with quality testing or inspection organizations.

2. Importers shall pay fees for Inspection of imported goods quality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 5. CONTROL OF QUALITY OF GOODS CIRCULATED ON THE MARKET

Article 38. Conditions for ensuring the quality of goods circulated on the market

Sellers of goods circulated on the market must meet the following requirements on management of goods quality:

1. To observe relevant technical regulations in the process of circulation of goods or apply by themselves quality control measures in order to maintain the quality of goods they sell.

2. To submit to goods quality examination according to contents specified in Clause 2 of Article 27; the order and procedures specified in Article 39; and the handling of violations of law specified in Article 40 of this Law.

Article 39. Order and procedures for examination of the quality of goods circulated on the market

1. An inspection team shall conduct examination according to the following order and
procedures:

a/ Producing the examination decision before examination;

b/ Conducting examination according to the contents specified in Clause 2, Article 27 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Notifying examination results to the seller and reporting thereon to product and goods quality examination agency;

e/ Handling violations according to Article 40 of this Law.

2. A quality controller shall conduct independent examination according to the following order and procedures:

a/ Producing the controllers card before examination:

b/ Conducting examination according to the contents specified in Clause 2, Article 27 of this Law;

c/ Making an examination record;

d/ Notifying examination results to the seller and reporting thereon to product and goods quality examination agency;

e/ Handling violations under the provisions of Article 40 of this Law.

Article 40. Handling of violations during the examination of quality of goods circulated on the market

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Requesting sellers to suspend the sale of goods and report thereon within 24 hours to product and goods quality examination agencies for handling according to their competence;

b/ Requesting sellers to contact producers or importers in order to take remedies, or repair the goods;

c/ If the sellers continue violations, at the request of examination teams or quality controllers, product and goods quality examination agencies shall, within 7 working days after obtaining conclusions on violations of production and business organizations or individuals, announce on the mass media the names of the sellers, addresses of goods selling places, appellations of goods, and extent of their unconformity with the set regulations or standards:

d/ If the sellers continue violations despite the public announcement, product and goods quality examination agencies shall propose competent state agencies to handle them in accordance with law.

2. If the goods sample-testing results do not conform to announced applicable standards or relevant technical regulations, depending on the nature and severity of violations, examination teams or quality controllers shall apply the following handling measures:

a/ Sealing the goods, not permitting the sellers to continue selling the goods and, within 24 hours, reporting to product and goods quality examination agencies for handling according to their competence;

b/ Requesting sellers to contact producers or importers in order to take remedies or repair the goods;

c/ If sellers continue violations or the goods which are unconformable to announced applicable standards or relevant regulations threaten the safety of humans, animals, plants, assets or the environment, product and goods quality examination agencies shall announce on the mass media the names and addresses of business organizations or individuals, appellations of the goods, and extent of their unconformity with the set regulations or standards;

d/ If sellers continue violations despite the public announcement, product and goods quality examination agencies shall propose competent state agencies to handle violations in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41. Costs of sample taking and testing for quality examination and settlement of complaints and denunciations about product and goods quality

1. Costs of sample taking and testing for examination of the quality of products in production and goods circulated on the market shall be paid by product and goods quality examination agencies which decide on sample taking and testing of product and goods quality. Sample taking and testing costs shall be included in operation fund estimates of product and goods quality examination agencies.

2. Based on testing results, if product and goods quality examination agencies conclude that producers or sellers violate regulations on product and goods quality, those producers or sellers shall pay costs of sample taking and testing of product and goods quality to product and goods quality-examination agencies.

3. Incase of complaints or denunciations about the quality of products or goods but product and goods quality examination agencies conclude that those complaints or denunciations are wrong, the complainants or denouncers shall pay costs of sample taking and testing of product and goods quality to product and goods quality examination agencies.

Section 6. CONTROL OF GOODS QUALITY IN THE USE PROCESS

Article 42. Conditions for ensuring the quality of goods in the use process

1. Goods must be used, transported, stored, preserved, maintained and cared for in accordance with producers instructions.

2. Goods must be verified according to relevant technical regulations promulgated by competent state management agencies.

Article 43. Handling of verification results

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. If the verification shows that goods fail to satisfy relevant technical regulations, their owners shall take remedies; if after remedies have been applied, verification results still show that the goods are unconformable, verifying organizations will not grant verification certificates and the goods must not be used any more.

Article 44. Fee of goods verification in the use process

1. The verification of goods in the use process is liable to a fee.

2. The Ministry of Finance shall specify the levels, collection and management of fees for goods verification in the use process.

Chapter 4

EXAMINATION, INSPECTION OF PRODUCT AND GOODS QUALITY

Section 1. EXAMINATION OF PRODUCT AND GOODS QUALITY

Article 45. Assignment of responsibilities among product and goods quality examination agencies

1. Product and goods quality examination agencies under line ministries shall examine the quality of products in production within their assigned scope defined in Clause 1, Article 70 of this Law and goods in import, export, circulation on the market or use process within their assigned scope defined in Clause 5, Article 18, and Clause 2, Article 70 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Product and goods quality examination agencies under provincial/municipal Peoples Committees shall examine product and goods quality in their respective localities according to regulations of line ministries.

4. Product and goods quality examination agencies defined in Clauses 1 and 2 of this Article shall coordinate with product and goods quality examination agencies under provincial/municipal Peoples Committees and concerned agencies in examining product and goods quality.

Article 46. Powers of product and goods quality examination agencies

Within the scope of their tasks and powers, product and goods quality examination agencies have the following powers:

1. To decide on setting up examination teams or assign quality controllers to conduct regular or extraordinary examination.

2. To warn about the failure to ensure product and goods quality.

3. To handle violations during the examination according to Articles 30, 36 and 40 of this Law.

4. To settle complaints and denunciations about decisions of examination teams or quality controllers in accordance-with the law on complaints and denunciations.

Article 47. Tasks of product and goods quality examination agencies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To identify specific categories of goods in order to examine their quality.

2. To work out annual examination plans to be submitted to competent state agencies for decision.

3. To receive importers dossiers of registration for quality examination.

4. To certify conditions for ensuring the quality of imported goods.

5. To make and submit to competent state agencies decision on building a contingent of quality controllers and equipping technical facilities to meet the requirements of product and goods quality examination.

6. To issue handling decisions within 3 working days after receiving reports from examination teams or quality controllers on production suspension, sealing of goods or sale suspension.

7. To ensure objectivity, accuracy, publicity, transparency and non-discrimination in the examination of product and goods quality.

8. To keep secret inspection results pending the release of official conclusions, information and documents related to inspected production and business organizations or individuals.

9. To take responsibility before law for examination results and related conclusions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Examination teams are set up under decisions of heads of product and goods quality examination agencies, based on the examination programs or plans already approved by competent state agencies or upon extraordinary examination request.

2. An examination team must have at least 50% of its members who are quality controllers.

Article 49.Tasks and powers of examination teams

During the examination of product and goods quality, an examination team has the following tasks and powers:

1. To request production and business organizations or individuals to produce documents related to products and goods according to examination contents specified in Article 27 and handle violations during the examination according to Articles 30 and 40 of this Law; when necessary, to request production and business organizations or individuals to supply copies of documents specified-in this Clause.

2. To take samples for testing when necessary.

3. To seal goods and suspend the sale of unconformable goods on the market in the process of examination.

4. To request organizations or individuals producing and/or trading in goods which fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations to take remedies or repair the goods.

5. To propose the product and goods quality examination agency to handle violations according to their competence prescribed in Article 46 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. To keep secret examination results and information related to inspected production and business organizations or individuals.

8. To report accurately and promptly examination results to the product and goods quality examination agency.

9. To take responsibility before law for examination results, conclusions and the handling of violations.

Article 50. Quality controllers

1. Quality controllers are public employees appointed to the rank of quality controller in product and goods quality examination agencies.

2. Criteria, mechanisms for and appointment of quality controllers shall be prescribed by the Government.

Article 51. Tasks and powers of quality controllers

During the examination of product and goods quality, quality controllers have the following tasks and powers:

1. To request production and business organizations or individuals to produce documents related to products and goods according to examination contents specified in Clause 2 of Article 27 and handle violations during the examination according to Article 40 of this Law; when necessary, to request production and business organizations of individuals to supply copies of documents specified in this Clause.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To request organizations and individuals that produce and/or trade in products or goods which fail to conform to announced applicable standards or relevant technical regulations to take remedies or repair the goods.

4. To propose product and goods quality examination agencies to handle violations according to their competence defined in Article 46 of this Law.

5. To ensure the principles of objectivity, accuracy and non-discrimination while conducting examination.

6. To keep secret examination results and information related to inspected production and business organizations or individuals.

7. To report accurately and promptly examination results to product and goods quality examination agencies.

8. To take responsibility before law for examination results, conclusions and handling of violations.

Section 2. PRODUCT AND GOODS QUALITY INSPECTORATE

Article 52. Product and goods quality inspectorate

1. The product and goods quality inspectorate is a specialized inspectorate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall specify the organization and operation of the product and goods quality inspectorate.

Article 53. Tasks and subjects of product and goods quality inspection

1. The product and goods quality inspectorate is tasked to inspect the observance of law by organizations and individuals producing and/or trading in products and goods and organizations and individuals conducting product and goods quality-related activities.

2. Subject to product and goods quality inspection are production and business organizations and individuals, consumers, conformity evaluation organizations, professional organizations, consumer interest-protecting organization and product and goods inspection agencies.

Chapter 5

SETTLEMENT OF DISPUTES, COMPENSATION FOR DAMAGE, SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS, AND HANDLING OF VIOLATIONS OF THE LAW ON PRODUCT AND GOODS QUALITY

Section 1. SETTLEMENT OF DISPUTES OVER PRODUCT AND GOODS QUALITY

Article 54. Disputes over product and goods quality

Disputes over product and goods quality include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Disputes between production and business organizations or individuals and consumers and concerned parties due to products or goods poor quality, which causes harms to humans, animals, plants, properties or the environment.

Article 55. Forms of settlement of disputes over product and goods quality

1. Negotiation on product and goods quality between disputing parties.

2. Conciliation between the parties by an intermediary agency, organization or individual agreed upon by the parties.

3. Settlement by arbitration or a court.

Procedures for settlement of disputes over product and goods quality by arbitration or courts comply with legal provisions on arbitration or civil procedures.

Article 56. Statute of limitations for complaint and initiation of lawsuits on product and goods quality

1. The statute of limitations for initiation of lawsuits on product and goods quality between purchasers and sellers complies with the Civil Code.

2. The statute of limitations for complaint and initiation of lawsuits on product and goods quality between production and business organizations or individuals comply with the Commercial Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57. Examination, test, inspection for settlement of disputes over product and goods quality

1. Designated dispute-settling agencies or organizations or involved parties shall reach agreement on requesting professional agencies or organizations to examine, test or inspect products and goods whose quality is under dispute.

2. Bases for examination, test and inspection of products and goods under dispute include:

a/ Contractual agreements on product and goods quality;

b/ Announced standards and relevant technical regulations applied to those products and goods.

Article 58. Sample-taking, testing or inspection costs in the settlement of disputes over product and goods quality

1. Complainants or initiators of lawsuits shall pay costs of sample taking, testing or inspection of product and goods quality.

2. If the testing or inspection results show that organizations or individuals producing and/or trading in products and goods commit violations on product and goods quality, those organizations or individuals shall pay to complainants or lawsuit initiators costs of sample taking and testing or inspection of the quality of products and goods under dispute.

Section 2. COMPENSATION FOR DAMAGE CAUSED BY PRODUCT AND GOODS QUALITY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Damage caused by violations of regulations on product and goods quality must be compensated wholly and promptly.

2. Damage to be compensated is specified in Article 60 of this Law, unless otherwise agreed upon by disputing parties.

Article 60. Damage to be compensated due to goods poor quality

1. Damage in terms of value of broken or destroyed goods or assets.

2. Damage in terms of human life or health.

3. Damage in terms of interests associated with the use or exploitation of goods or assets.

4. Reasonable expenses for prevention, mitigation and overcoming of damage.

Article 61. Compensation liabilities

1. Producers and importers shall pay compensation to sellers or consumers when their goods cause harms to the latter due to their failure to ensure the goods quality, except for cases specified in Clause 1, Article 62 of this Law. Compensation shall be paid according to agreements between involved parties-or court decisions or arbitral awards.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62. Cases in which compensation needs not be paid

1. Producers and importers need not pay compensation in the following cases:

a/ Sellers sell or users use goods of which the use duration has expired;

b/ The statute of limitations for complaint or initiation of lawsuits has expired;

c/ The withdrawal of defective goods has been notified to sellers and users before the goods cause harms;

d/ Products or goods are defective due to their compliance with regulations of competent state agencies;

e/ The worlds scientific and technological level is not high enough to detect that products may be unsafe by the time they cause harms:

f/ The damage is caused at the sellers fault;

g/ The damage is caused at the purchasers or consumers fault.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Consumers use goods of which the use duration has expired;

b/ The statute of limitations for complaint or denunciation has expired;

c/ That the goods are defective has been notified to purchasers or consumers but they still purchase or use those goods;

d/ The goods are defective because the producers or importers comply with regulations of competent state agencies;

e/ The worlds scientific and technological level is not high enough to detect that the goods may be unsafe by the time they cause harms;

f/ The damage is caused at the purchasers or consumers fault.

Article 63. Compensation liability of conformity evaluation organizations which supply wrong results

1. Conformity evaluation organizations which supply wrong results shall pay compensation for damage caused to evaluation-requesting organizations or individuals according to the civil law.

2. Organizations and individuals with products or goods evaluated in terms of conformity are obliged to prove the wrong results given by and the faults of conformity evaluation organizations specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 64. Complaints and denunciations about violations of the law on product and goods quality

1. Organizations and individuals may lodge complaints with state agencies or competent persons about administrative decisions or acts of state agencies or competent persons which they consider illegal or about acts in infringement of their lawful rights and interests in the domain of product and goods quality.

2. Individuals may denounce to state agencies or competent persons acts in violation of the law on product and goods quality in accordance with the law on complaint and denunciation.

3. Organizations and individuals are responsible for their complaints or denunciations.

Article 65. Settlement of complaints and denunciations about violations of the law on product and goods quality

State agencies and persons competent to settle complaints and denunciations shall consider and settle violations of the law on product and goods quality in accordance with the law on complaints and denunciations.

Section 4. HANDLING OF VIOLATIONS OF THE LAW ON PRODUCT AND GOODS QUALITY

Article 66. Handling of violations of the law on product and goods quality

1. Individuals committing acts of violating the law on product and goods quality shall, depending on the nature and severity of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability and. if causing damage., pay compensation in accordance with law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The fine level imposed on administrative violations specified in Clauses 1 and 2 of this Article must be at least equal to the value of consumed products or goods in violation but must not exceed five times that value; money gained from violations shall be confiscated in accordance with law.

The Government shall specify administrative violations, forms of sanctioning and levels of fine imposed on those violations in the domain of product and goods quality and ways of determining the value of products and goods in violation.

Article 67. Initiation of administrative lawsuits

Organizations and individuals may initiate lawsuits against state agencies or competent persons at courts regarding administrative decisions or acts related to product and goods quality in accordance with the law on procedures for settlement of administrative cases.

Chapter 6

RESPONSIBILITIES FOR STATE CONTROL OF PRODUCT AND GOODS QUALITY

Article 68. Responsibilities for state control of product and goods quality

1. The Government shall exercise the unified state control of product and goods quality throughout the country.

2. The Ministry of Science and Technology shall take responsibility before the Government for unified control of product and goods quality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Peoples Committees at all levels shall exercise the state control of product and goods quality in their localities under the Governments decentralization.

5. Based on the socio-economic development situation and state control requirements for product and goods quality in each period, the Government shall specify state control responsibilities of each line ministry for products and goods which are not yet specified in Clause 2, Article 70 of this Law.

Article 69. State management responsibilities of the Ministry of Science and Technology

1. To formulate and promulgate or submit to the Government for promulgation, and organize the implementation of, policies, strategies, planning, plans and legal documents on product and goods quality.

2. To-assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial/ municipal Peoples Committees in, elaborating and submitting to competent authorities for approval and organize the implementation of a national program on raising the productivity, quality and competitiveness of products and goods.

3. To exercise the state control of product quality in production according to Clause 1, Article 70 of this Law.

4. To organize and direct activities of state control of the quality of goods imported, exported or circulated on the market in the use process related to radiation safety, nuclear safety, measuring equipment, and other goods, except for goods falling within responsibilities of line ministries defined in Clause 2, Article 70 of this Law.

5. To assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries in, formulating and organizing the application of measures for state control of quality, regulations on management or designation of conformity evaluation organizations, with regard to products in production and goods imported, exported or circulated on the market; organize international cooperation on product and goods quality.

6. To assume the prime responsibility for organizing evaluation, propose forms of honoring or rewarding at the national level products and goods of organizations and individuals with outstanding achievements in terms of product and goods quality; provide conditions and procedures for awarding product and goods quality prizes to organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. To supervise the observance of the law on product and goods quality; to settle complaints and denunciations about, and handle violations of the law on, product and goods quality in the assigned domains.

Article 70. State control responsibilities of line ministries

1. Line ministries shall exercise the state control of product and goods quality in their assigned domains, having the following responsibilities:

a/ Formulating, promulgating or submitting to the Government for promulgation, and organizing the implementation of, policies, strategies, planning, plans or development programs on raising product and goods quality;

b/ To formulate, promulgate, and organize the implementation of, legal documents on product and goods quality in conformity with specific requirements and tasks of ministries and branches;

c/ To organize and direct activities of state control of product and goods quality;

d/ To designate and manage operations of conformity evaluation organizations to meet the requirements of state control of product and goods quality;

e/ To inspect the observance of the law on product and goods quality; to settle complaints and denunciations about, and handle violations of the law on, product and goods quality within the scope of their tasks and powers;

f/ To monitor, make statistics and review the situation of product and goods quality control; to propagate, disseminate and guide the law on product and goods quality; to assist production and business organizations and individuals in getting information on product and goods quality;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Responsibilities for state control of the quality of imported, exported or marketed products and goods which are capable of causing unsafe in their use process, are defined as follows:

a/ The Ministry of Health shall take responsibility for foods, pharmaceuticals, vaccines, medical bio-products, cosmetics, drug materials, drugs for human use. domestic chemicals, insecticides, disinfectants and medical equipment and facilities;

b/ The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take responsibility for plants, animals, fertilizers, animal feeds, plant protection drugs, veterinary drugs, bio-products for use in agriculture, forestry or aquaculture, irrigation works. and dykes:

c/ The Ministry of Transport shall take responsibility for means of transport, loading and unloading means and equipment, specialized transport equipment for construction, marine exploration and exploitation equipment, and traffic works;

d/ The Ministry of Industry and Trade shall take responsibility for pressure equipment, lifting equipment for industrial use. chemicals, industrial explosives, oil and gas mining equipment, except for marine exploration and exploitation equipment and facilities:

e/ The Ministry of Construction shall take responsibility for civil works, industrial works and technical infrastructure works;

f/ The Ministry of Defense shall take responsibility for military equipment and facilities, ammunitions, weapons and products in service of defense, and defense works;

g/ The Ministry of Public Security shall take responsibility for fire prevention and fighting equipment; technical equipment, ammunitions, weapons, support instruments, except for those specified at Point f of this Clause.

Chapter 8

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 71. Implementation effect

This Law takes effect on July 1, 2008.

The December 24, 1999 Ordinance on Goods Quality ceases to be effective on die effective date of this Law.

Article 72. Implementation guidance

The Government shall detail and guide the implementation of this Law.

This Law was passed on November 21, 2007. by the XlIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 2nd session.

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY





Nguyen Phu Trong

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


199.493

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.2.191
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!