Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 149/2001/QĐ-BTC bốn (04) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1) Hàng tồn khoTài sản cố định hữu hình; vô hình;Doanh thu nhập khác

Số hiệu: 149/2001/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 31/12/2001 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149/2001/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ149/2001/QĐ-BTC NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH VÀ CÔNG BỐ BỐN (04) CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM (ĐỢT 1)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Kế toán và Thống kê công bố theo Lệnh số 06-LCT/HĐNN ngày 20/5/1988 của Hội đồng Nhà nước và Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính, nâng cao chất lượng thông tin kế toán cung cấp trong nền kinh tế quốc dân và để kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác kế toán;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Chánh Văn phòng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành bốn (04) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1) có số hiệu và tên gọi sau đây:

1 - Chuẩn mực số 02 - Hàng tồn kho;

2 - Chuẩn mực số 03 - Tài sản cố định hữu hình;

3 - Chuẩn mực số 04 - Tài sản cố định vô hình;

4 - Chuẩn mực số 14 - Doanh thu và thu nhập khác.

Điều 2: Bốn (04) Chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, các thành phần kinh tế trong cả nước.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002. Các chế độ kế toán cụ thể phải căn cứ vào bốn chuẩn mực kế toán được ban hành kèm theo Quyết định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 4: Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Quyết định này.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 02 HÀNG TỒN KHO
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho, gồm: Xác định giá trị và kế toán hàng tồn kho vào chi phí; Ghi giảm giá trị hàng tồn kho cho phù hợp với giá trị thuần có thể thực hiện được và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán hàng tồn kho theo nguyên tắc giá gốc trừ khi có chuẩn mực kế toán khác quy định cho phép áp dụng phương pháp kế toán khác cho hàng tồn kho.

03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Hàng tồn kho: Là những tài sản:

(a) Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường;

(b) Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang;

(c) Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.

Hàng tồn kho bao gồm:

- Hàng hóa mua về để bán: Hàng hóa tồn kho, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa gửi đi gia công chế biến;

- Thành phẩm tồn kho và thành phẩm gửi đi bán;

- Sản phẩm dở dang: Sản phẩm chưa hoàn thành và sản phẩm hoàn thành chưa làm thủ tục nhập kho thành phẩm;

- Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho, gửi đi gia công chế biến và đã mua đang đi trên đường;

- Chi phí dịch vụ dở dang.

Giá trị thuần có thể thực hiện được: Là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

Giá hiện hành: Là khoản tiền phải trả để mua một loại hàng tồn kho tương tự tại ngày lập bảng cân đối kế toán.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ HÀNG TỒN KHO

04. Hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được.

GIÁ GỐC HÀNG TỒN KHO

05. Giá gốc hàng tồn kho bao gồm: Chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.

Chi phí mua

06. Chi phí mua của hàng tồn kho bao gồm giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc mua hàng tồn kho. Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua do hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ (-) khỏi chi phí mua.

Chi phí chế biến

07. Chi phí chế biến hàng tồn kho bao gồm những chi phí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm sản xuất, như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên liệu, vật liệu thành thành phẩm.

Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị, nhà xưởng,... và chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng sản xuất.

Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí nguyên liệu, vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp.

08. Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường.

- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

09. Trường hợp một quy trình sản xuất ra nhiều loại sản phẩm trong cùng một khoảng thời gian mà chi phí chế biến của mỗi loại sản phẩm không được phản ánh một cách tách biệt, thì chi phí chế biến được phân bổ cho các loại sản phẩm theo tiêu thức phù hợp và nhất quán giữa các kỳ kế toán.

Trường hợp có sản phẩm phụ, thì giá trị sản phẩm phụ được tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được và giá trị này được trừ (-) khỏi chi phí chế biến đã tập hợp chung cho sản phẩm chính.

Chi phí liên quan trực tiếp khác

10. Chi phí liên quan trực tiếp khác tính vào giá gốc hàng tồn kho bao gồm các khoản chi phí khác ngoài chi phí mua và chi phí chế biến hàng tồn kho. Ví dụ, trong giá gốc thành phẩm có thể bao gồm chi phí thiết kế sản phẩm cho một đơn đặt hàng cụ thể.

Chi phí không tính vào giá gốc hàng tồn kho

11. Chi phí không được tính vào giá gốc hàng tồn kho, gồm:

(a) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường;

(b) Chi phí bảo quản hàng tồn kho trừ các khoản chi phí bảo quản hàng tồn kho cần thiết cho quá trình sản xuất tiếp theo và chi phí bảo quản quy định ở đoạn 06;

(c) Chi phí bán hàng;

(d) Chi phí quản lý doanh nghiệp.

Chi phí cung cấp dịch vụ

12. Chi phí cung cấp dịch vụ bao gồm chi phí nhân viên và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ, như chi phí giám sát và các chi phí chung có liên quan.

Chi phí nhân viên, chi phí khác liên quan đến bán hàng và quản lý doanh nghiệp không được tính vào chi phí cung cấp dịch vụ.

PHƯƠNG PHÁP TÍNH GIÁ TRỊ HÀNG TỒN KHO

13. Việc tính giá trị hàng tồn kho được áp dụng theo một trong các phương pháp sau:

(a) Phương pháp tính theo giá đích danh;

(b) Phương pháp bình quân gia quyền;

(c) Phương pháp nhập trước, xuất trước;

(d) Phương pháp nhập sau, xuất trước.

14. Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng đối với doanh nghiệp có ít loại mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.

15. Theo phương pháp bình quân gia quyền, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo thời kỳ hoặc vào mỗi khi nhập một lô hàng về, phụ thuộc vào tình hình của doanh nghiệp.

16. Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua trước hoặc sản xuất trước thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.

17. Phương pháp nhập sau, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là hàng tồn kho được mua sau hoặc sản xuất sau thì được xuất trước, và hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trước đó. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập sau hoặc gần sau cùng, giá trị của hàng tồn kho được tính theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ còn tồn kho.

GIÁ TRỊ THUẦN CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC VÀ LẬP DỰ PHÒNG GIẢM GIÁ HÀNG TỒN KHO

18. Giá trị hàng tồn kho không thu hồi đủ khi hàng tồn kho bị hư hỏng, lỗi thời, giá bán bị giảm, hoặc chi phí hoàn thiện, chi phí để bán hàng tăng lên. Việc ghi giảm giá gốc hàng tồn kho cho bằng với giá trị thuần có thể thực hiện được là phù hợp với nguyên tắc tài sản không được phản ánh lớn hơn giá trị thực hiện ước tính từ việc bán hay sử dụng chúng.

19. Cuối kỳ kế toán năm, khi giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho nhỏ hơn giá gốc thì phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập là số chênh lệch giữa giá gốc của hàng tồn kho lớn hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được thực hiện trên cơ sở từng mặt hàng tồn kho. Đối với dịch vụ cung cấp dở dang, việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được tính theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt.

20. Việc ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho phải dựa trên bằng chứng tin cậy thu thập được tại thời điểm ước tính. Việc ước tính này phải tính đến sự biến động của giá cả hoặc chi phí trực tiếp liên quan đến các sự kiện diễn ra sau ngày kết thúc năm tài chính, mà các sự kiện này được xác nhận với các điều kiện hiện có ở thời điểm ước tính.

21. Khi ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được phải tính đến mục đích của việc dự trữ hàng tồn kho. Ví dụ, giá trị thuần có thể thực hiện được của lượng hàng tồn kho dự trữ để đảm bảo cho các hợp đồng bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ không thể hủy bỏ phải dựa vào giá trị trong hợp đồng. Nếu số hàng đang tồn kho lớn hơn số hàng cần cho hợp đồng thì giá trị thuần có thể thực hiện được của số chênh lệch giữa hàng đang tồn kho lớn hơn số hàng cần cho hợp đồng được đánh giá trên cơ sở giá bán ước tính.

22. Nguyên liệu, vật liệu và công cụ, dụng cụ dự trữ để sử dụng cho mục đích sản xuất sản phẩm không được đánh giá thấp hơn giá gốc nếu sản phẩm do chúng góp phần cấu tạo nên sẽ được bán bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất của sản phẩm. Khi có sự giảm giá của nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mà giá thành sản xuất sản phẩm cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được, thì nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho được đánh giá giảm xuống bằng với giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng.

23. Cuối kỳ kế toán năm tiếp theo phải thực hiện đánh giá mới về giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho cuối năm đó. Trường hợp cuối kỳ kế toán năm nay, nếu khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập thấp hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối kỳ kế toán năm trước thì số chênh lệch lớn hơn phải được hoàn nhập (Theo quy định ở đoạn 24) để đảm bảo cho giá trị của hàng tồn kho phản ánh trên báo cáo tài chính là theo giá gốc (nếu giá gốc nhỏ hơn giá trị thuần có thể thực hiện được) hoặc theo giá trị thuần có thể thực hiện được (nếu giá gốc lớn hơn giá trị thuần có thể thực hiện được).

GHI NHẬN CHI PHÍ

24. Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận. Tất cả các khoản chênh lệch giữa khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối niên độ kế toán năm nay lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối niên độ kế toán năm trước, các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho, sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, và chi phí sản xuất chung không phân bổ, được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập ở cuối niên độ kế toán năm nay nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối niên độ kế toán năm trước, thì số chênh lệch lớn hơn phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

25. Ghi nhận giá trị hàng tồn kho đã bán vào chi phí trong kỳ phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa chi phí và doanh thu.

26. Trường hợp một số loại hàng tồn kho được sử dụng để sản xuất ra tài sản cố định hoặc sử dụng như nhà xưởng, máy móc, thiết bị tự sản xuất thì giá gốc hàng tồn kho này được hạch toán vào giá trị tài sản cố định.

TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH

27. Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày:

(a) Các chính sách kế toán áp dụng trong việc đánh giá hàng tồn kho, gồm cả phương pháp tính giá trị hàng tồn kho;

(b) Giá gốc của tổng số hàng tồn kho và giá gốc của từng loại hàng tồn kho được phân loại phù hợp với doanh nghiệp;

(c) Giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

(d) Giá trị hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

(e) Những trường hợp hay sự kiện dẫn đến việc trích lập thêm hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho;

(f) Giá trị ghi sổ của hàng tồn kho (Giá gốc trừ (-) dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đã dùng để thế chấp, cầm cố đảm bảo cho các khoản nợ phải trả.

28. Trường hợp doanh nghiệp tính giá trị hàng tồn kho theo phương pháp nhập sau, xuất trước thì báo cáo tài chính phải phản ánh số chênh lệch giữa giá trị hàng tồn kho trình bày trong bảng cân đối kế toán với:

(a) Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo phương pháp nhập trước, xuất trước (nếu giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo phương pháp nhập trước, xuất trước nhỏ hơn giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo phương pháp bình quân gia quyền và giá trị thuần có thể thực hiện được); hoặc

Với giá trị hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo phương pháp bình quân gia quyền (nếu giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo phương pháp bình quân gia quyền nhỏ hơn giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo phương pháp nhập trước, xuất trước và giá trị thuần có thể thực hiện được); hoặc

Với giá trị hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được (nếu giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá trị hàng tồn kho tính theo phương pháp nhập trước, xuất trước và phương pháp bình quân gia quyền); hoặc

(b) Giá trị hiện hành của hàng tồn kho cuối kỳ tại ngày lập bảng cân đối kế toán (nếu giá trị hiện hành của hàng tồn kho tại ngày lập bảng cân đối kế toán nhỏ hơn giá trị thuần có thể thực hiện được); hoặc với giá trị thuần có thể thực hiện được (nếu giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá trị hàng tồn kho cuối kỳ tính theo giá trị hiện hành tại ngày lập bảng cân đối kế toán).

29. Trình bày chi phí về hàng tồn kho trên báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh được phân loại chi phí theo chức năng.

Phân loại chi phí theo chức năng là hàng tồn kho được trình bày trong khoản mục "Giá vốn hàng bán" trong báo cáo kết quả kinh doanh, gồm giá gốc của hàng tồn kho đã bán, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, các khoản hao hụt mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, chi phí sản xuất chung không được phân bổ.

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 03TÀI SẢN CỐ ĐỊNH HỮU HÌNH
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình, gồm: Tiêu chuẩn TSCĐ hữu hình, thời điểm ghi nhận, xác định giá trị ban đầu, chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu, xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu, khấu hao, thanh lý TSCĐ hữu hình và một số quy định khác làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán TSCĐ hữu hình, trừ khi có chuẩn mực kế toán khác quy định cho phép áp dụng nguyên tắc và phương pháp kế toán khác cho TSCĐ hữu hình.

03. Trường hợp chuẩn mực kế toán khác quy định phương pháp xác định và ghi nhận giá trị ban đầu của TSCĐ hữu hình khác với phương pháp quy định trong chuẩn mực này thì các nội dung khác của kế toán TSCĐ hữu hình vẫn thực hiện theo các quy định của chuẩn mực này.

04. Doanh nghiệp phải áp dụng chuẩn mực này ngay cả khi có ảnh hưởng do thay đổi giá cả, trừ khi có quy định liên quan đến việc đánh giá lại TSCĐ hữu hình theo quyết định của Nhà nước.

05. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Tài sản cố định hữu hình: Là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.

Nguyên giá: Là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Khấu hao: Là sự phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của TSCĐ hữu hình trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.

Giá trị phải khấu hao: Là nguyên giá của TSCĐ hữu hình ghi trên báo cáo tài chính, trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản đó.

Thời gian sử dụng hữu ích: Là thời gian mà TSCĐ hữu hình phát huy được tác dụng cho sản xuất, kinh doanh, được tính bằng:

(a) Thời gian mà doanh nghiệp dự tính sử dụng TSCĐ hữu hình, hoặc:

(b) Số lượng sản phẩm, hoặc các đơn vị tính tương tự mà doanh nghiệp dự tính thu được từ việc sử dụng tài sản.

Giá trị thanh lý: Là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, sau khi trừ (-) chi phí thanh lý ước tính.

Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

Giá trị còn lại: Là nguyên giá của TSCĐ hữu hình sau khi trừ (-) số khấu hao luỹ kế của tài sản đó.

Giá trị có thể thu hồi: Là giá trị ước tính thu được trong tương lai từ việc sử dụng tài sản, bao gồm cả giá trị thanh lý của chúng.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC GHI NHẬN TSCĐ HỮU HÌNH

06. Tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình:

Các tài sản được ghi nhận là TSCĐ hữu hình phải thỏa mãn đồng thời tất cả bốn (4) tiêu chuẩn ghi nhận sau:

(a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

(b) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;

(c) Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm;

(d) Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.

07. Kế toán TSCĐ hữu hình được phân loại theo nhóm tài sản có cùng tính chất và mục đích sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm:

(a) Nhà cửa, vật kiến trúc;

(b) Máy móc, thiết bị;

(c) Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn;

(d) Thiết bị, dụng cụ quản lý;

(e) Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm;

(f) TSCĐ hữu hình khác.

08. TSCĐ hữu hình thường là bộ phận chủ yếu trong tổng số tài sản và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp, vì vậy, việc xác định một tài sản có được ghi nhận là TSCĐ hữu hình hay là một khoản chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

09. Khi xác định tiêu chuẩn thứ nhất (quy định tại mục a đoạn 06) của mỗi TSCĐ hữu hình, doanh nghiệp phải xác định mức độ chắc chắn của việc thu được lợi ích kinh tế trong tương lai, dựa trên các bằng chứng hiện có tại thời điểm ghi nhận ban đầu và phải chịu mọi rủi ro liên quan.

Những tài sản sử dụng cho mục đích đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh hoặc bảo vệ môi trường mặc dù không trực tiếp đem lại lợi ích kinh tế như các TSCĐ khác nhưng chúng lại cần thiết cho doanh nghiệp trong việc đạt được các lợi ích kinh tế nhiều hơn từ các tài sản khác. Tuy nhiên, các tài sản này chỉ được ghi nhận là TSCĐ hữu hình nếu nguyên giá của chúng và các tài sản có liên quan không vượt quá tổng giá trị có thể thu hồi từ các tài sản đó và các tài sản khác có liên quan. Ví dụ, một nhà máy hóa chất có thể phải lắp đặt các thiết bị và thực hiện quy trình chứa và bảo quản hóa chất mới để tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với việc sản xuất và lưu trữ hóa chất độc. Các tài sản lắp đặt liên quan đi kèm chỉ được hạch toán là TSCĐ hữu hình nếu không có chúng doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động và bán sản phẩm hóa chất của mình.

10. Tiêu chuẩn thứ hai (quy định tại mục b đoạn 06) cho việc ghi nhận TSCĐ hữu hình thường đã được thỏa mãn vì nguyên giá tài sản được xác định thông qua mua sắm, trao đổi, hoặc tự xây dựng.

11. Khi xác định các bộ phận cấu thành TSCĐ hữu hình, doanh nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn TSCĐ hữu hình cho từng trường hợp cụ thể. Doanh nghiệp có thể hợp nhất các bộ phận riêng biệt không chủ yếu, như khuôn đúc, công cụ, khuôn dập và áp dụng các tiêu chuẩn TSCĐ hữu hình vào tổng giá trị đó. Các phụ tùng và thiết bị phụ trợ thường được coi là tài sản lưu động và được hạch toán vào chi phí khi sử dụng. Các phụ tùng chủ yếu và các thiết bị bảo trì được xác định là TSCĐ hữu hình khi doanh nghiệp ước tính thời gian sử dụng chúng nhiều hơn một năm. Nếu phụ tùng và thiết bị bảo trì chỉ được dùng gắn liền với TSCĐ hữu hình và việc sử dụng chúng là không thường xuyên thì chúng được hạch toán là TSCĐ hữu hình riêng biệt và được khấu hao trong thời gian ít hơn thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình liên quan.

12. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể phân bổ tổng chi phí của tài sản cho các bộ phận cấu thành của nó và hạch toán riêng biệt cho mỗi bộ phận cấu thành. Trường hợp này được áp dụng khi từng bộ phận cấu thành tài sản có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau, hoặc góp phần tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn quy định khác nhau nên được sử dụng các tỷ lệ và các phương pháp khấu hao khác nhau. Ví dụ, một thân máy bay và động cơ của nó cần được hạch toán thành hai TSCĐ hữu hình riêng biệt, có tỷ lệ khấu hao khác nhau, nếu chúng có thời gian sử dụng hữu ích khác nhau.

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ BAN ĐẦU

13. TSCĐ hữu hình phải được xác định giá trị ban đầu theo nguyên giá.

XÁC ĐỊNH NGUYÊN GIÁ TSCĐ HỮU HÌNH TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP

TSCĐ hữu hình mua sắm

14. Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, như: Chi phí chuẩn bị mặt bằng; Chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu; Chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử); Chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Đối với TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng theo phương thức giao thầu, nguyên giá là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng, các chi phí liên quan trực tiếp khác và lệ phí trước bạ (nếu có).

15. Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải được xác định riêng biệt và ghi nhận là TSCĐ vô hình.

16. Trường hợp TSCĐ hữu hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, nguyên giá TSCĐ đó được phản ánh theo giá mua trả ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán và giá mua trả ngay được hạch toán vào chi phí theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán "Chi phí đi vay".

17. Các khoản chi phí phát sinh, như: Chi phí quản lý hành chính, chi phí sản xuất chung, chi phí chạy thử và các chi phí khác... nếu không liên quan trực tiếp đến việc mua sắm và đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng thì không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình. Các khoản lỗ ban đầu do máy móc không hoạt động đúng như dự tính được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự chế

18. Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự chế là giá thành thực tế của TSCĐ tự xây dựng, hoặc tự chế cộng (+) chi phí lắp đặt, chạy thử. Trường hợp doanh nghiệp dùng sản phẩm do mình sản xuất ra để chuyển thành TSCĐ thì nguyên giá là chi phí sản xuất sản phẩm đó cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Trong các trường hợp trên, mọi khoản lãi nội bộ không được tính vào nguyên giá của các tài sản đó. Các chi phí không hợp lý, như nguyên liệu, vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường trong quá trình tự xây dựng hoặc tự chế không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình.

TSCĐ hữu hình thuê tài chính

19. Trường hợp đi thuê TSCĐ hữu hình theo hình thức thuê tài chính, nguyên giá TSCĐ được xác định theo quy định của chuẩn mực kế toán "Thuê tài sản".

TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi

20. Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về.

21. Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong cả hai trường hợp không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi. Ví dụ: Việc trao đổi các TSCĐ hữu hình tương tự như trao đổi máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, các cơ sở dịch vụ hoặc TSCĐ hữu hình khác.

TSCĐ hữu hình tăng từ các nguồn khác

22. Nguyên giá TSCĐ hữu hình được tài trợ, được biếu tặng, được ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý ban đầu. Trường hợp không ghi nhận theo giá trị hợp lý ban đầu thì doanh nghiệp ghi nhận theo giá trị danh nghĩa cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

CHI PHÍ PHÁT SINH SAU GHI NHẬN BAN ĐẦU

23. Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu các chi phí này chắc chắn làm tăng lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó. Các chi phí phát sinh không thỏa mãn điều kiện trên phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

24. Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu chúng thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản đó, như:

(a) Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng;

(b) Cải tiến bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng đáng kể chất lượng sản phẩm sản xuất ra;

(c) Áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của tài sản so với trước.

25. Chi phí về sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình nhằm mục đích khôi phục hoặc duy trì khả năng đem lại lợi ích kinh tế của tài sản theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

26. Việc hạch toán các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và khả năng thu hồi các chi phí phát sinh sau. Khi giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đã bao gồm các khoản giảm về lợi ích kinh tế thì các chi phí phát sinh sau để khôi phục các lợi ích kinh tế từ tài sản đó sẽ được tính vào nguyên giá TSCĐ nếu giá trị còn lại của TSCĐ không vượt quá giá trị có thể thu hồi từ tài sản đó. Trường hợp trong giá mua TSCĐ hữu hình đã bao gồm nghĩa vụ của doanh nghiệp phải bỏ thêm các khoản chi phí để đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng thì việc vốn hóa các chi phí phát sinh sau cũng phải căn cứ vào khả năng thu hồi chi phí. Ví dụ khi mua một ngôi nhà đòi hỏi doanh nghiệp phải sửa chữa trước khi sử dụng thì chi phí sữa chữa ngôi nhà được tính vào nguyên giá của tài sản nếu giá trị đó có thể thu hồi được từ việc sử dụng ngôi nhà trong tương lai.

27. Trường hợp một số bộ phận của TSCĐ hữu hình đòi hỏi phải được thay thế thường xuyên, được hạch toán là các TSCĐ độc lập nếu các bộ phận đó thỏa mãn đủ bốn (4) tiêu chuẩn quy định cho TSCĐ hữu hình. Ví dụ máy điều hòa nhiệt độ trong một ngôi nhà có thể phải thay thế nhiều lần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của ngôi nhà đó thì các khoản chi phí phát sinh trong việc thay thế hay khôi phục máy điều hòa được hạch toán thành một tài sản độc lập và giá trị máy điều hoà khi được thay thế sẽ được ghi giảm.

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ SAU GHI NHẬN BAN ĐẦU

28. Sau khi ghi nhận ban đầu, trong quá trình sử dụng, TSCĐ hữu hình được xác định theo nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại. Trường hợp TSCĐ hữu hình được đánh giá lại theo quy định của Nhà nước thì nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại phải được điều chỉnh theo kết quả đánh giá lại. Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ hữu hình được xử lý và kế toán theo quy định của Nhà nước.

KHẤU HAO

29. Giá trị phải khấu hao của TSCĐ hữu hình được phân bổ một cách có hệ thống trong thời gian sử dụng hữu ích của chúng. Phương pháp khấu hao phải phù hợp với lợi ích kinh tế mà tài sản đem lại cho doanh nghiệp. Số khấu hao của từng kỳ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi chúng được tính vào giá trị của các tài sản khác, như: Khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho các hoạt động trong giai đoạn triển khai là một bộ phận chi phí cấu thành nguyên giá TSCĐ vô hình (theo quy định của chuẩn mực TSCĐ vô hình), hoặc chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho quá trình tự xây dựng hoặc tự chế các tài sản khác.

30. Lợi ích kinh tế do TSCĐ hữu hình đem lại được doanh nghiệp khai thác dần bằng cách sử dụng các tài sản đó. Tuy nhiên, các nhân tố khác, như: Sự lạc hậu về kỹ thuật, sự hao mòn của tài sản do chúng không được sử dụng thường dẫn đến sự suy giảm lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp ước tính các tài sản đó sẽ đem lại. Do đó, khi xác định thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình phải xem xét các yếu tố sau:

(a) Mức độ sử dụng ước tính của doanh nghiệp đối với tài sản đó. Mức độ sử dụng được đánh giá thông qua công suất hoặc sản lượng dự tính;

(b) Mức độ hao mòn phụ thuộc vào các nhân tố liên quan trong quá trình sử dụng tài sản, như: Số ca làm việc, việc sửa chữa và bảo dưỡng của doanh nghiệp đối với tài sản, cũng như việc bảo quản chúng trong những thời kỳ không hoạt động;

(c) Hao mòn vô hình phát sinh do việc thay đổi hay cải tiến dây truyền công nghệ hay do sự thay đổi nhu cầu của thị trường về sản phẩm hoặc dịch vụ do tài sản đó sản xuất ra;

(d) Giới hạn có tính pháp lý trong việc sử dụng tài sản, như ngày hết hạn hợp đồng của tài sản thuê tài chính.

31. Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình do doanh nghiệp xác định chủ yếu dựa trên mức độ sử dụng ước tính của tài sản. Tuy nhiên, do chính sách quản lý tài sản của doanh nghiệp mà thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản có thể ngắn hơn thời gian sử dụng hữu ích thực tế của nó. Vì vậy, việc ước tính thời gian sử dụng hữu ích của một TSCĐ hữu hình còn phải dựa trên kinh nghiệm của doanh nghiệp đối với các tài sản cùng loại.

32. Ba phương pháp khấu hao TSCĐ hữu hình, gồm:

- Phương pháp khấu hao đường thẳng;

- Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần; và

- Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm.

Theo phương pháp khấu hao đường thẳng, số khấu hao hàng năm không thay đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Theo phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, số khấu hao hàng năm giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm dựa trên tổng số đơn vị sản phẩm ước tính tài sản có thể tạo ra. Phương pháp khấu hao do doanh nghiệp xác định để áp dụng cho từng TSCĐ hữu hình phải được thực hiện nhất quán, trừ khi có sự thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản đó.

Doanh nghiệp không được tiếp tục tính khấu hao đối với những TSCĐ hữu hình đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

XEM XÉT LẠI THỜI GIAN SỬ DỤNG HỮU ÍCH

33. Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình phải được xem xét lại theo định kỳ, thường là cuối năm tài chính. Nếu có sự thay đổi đáng kể trong việc đánh giá thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thì phải điều chỉnh mức khấu hao.

34. Trong quá trình sử dụng TSCĐ, khi đã xác định chắc chắn là thời gian sử dụng hữu ích không còn phù hợp thì phải điều chỉnh thời gian sử dụng hữu ích và tỷ lệ khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo và được thuyết minh trong báo cáo tài chính. Ví dụ: Thời gian sử dụng hữu ích có thể được kéo dài thêm do việc cải thiện trạng thái của tài sản vượt trên trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của nó, hoặc các thay đổi về kỹ thuật hay thay đổi nhu cầu về sản phẩm do một máy móc sản xuất ra có thể làm giảm thời gian sử dụng hữu ích của nó.

35. Chế độ sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình có thể kéo dài thời gian sử dụng hữu ích thực tế hoặc làm tăng giá trị thanh lý ước tính của tài sản nhưng doanh nghiệp không được thay đổi mức khấu hao của tài sản.

XEM XÉT LẠI PHƯƠNG PHÁP KHẤU HAO

36. Phương pháp khấu hao TSCĐ hữu hình phải được xem xét lại theo định kỳ, thường là cuối năm tài chính, nếu có sự thay đổi đáng kể trong cách thức sử dụng tài sản để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp thì được thay đổi phương pháp khấu hao và mức khấu hao tính cho năm hiện hành và các năm tiếp theo.

NHƯỢNG BÁN VÀ THANH LÝ TSCĐ HỮU HÌNH

37. TSCĐ hữu hình được ghi giảm khi thanh lý, nhượng bán.

38. Lãi hay lỗ phát sinh do thanh lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình được xác định bằng số chênh lệch giữa thu nhập với chi phí thanh lý, nhượng bán cộng (+) giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình. Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hay chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH

39. Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại TSCĐ hữu hình về những thông tin sau:

(a) Phương pháp xác định nguyên giá TSCĐ hữu hình;

(b) Phương pháp khấu hao; Thời gian sử dụng hữu ích hoặc tỷ lệ khấu hao;

(c) Nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại vào đầu năm và cuối kỳ;

(d) Bản Thuyết minh báo cáo tài chính (Phần TSCĐ hữu hình) phải trình bày các thông tin:

- Nguyên giá TSCĐ hữu hình tăng, giảm trong kỳ;

- Số khấu hao trong kỳ, tăng, giảm và luỹ kế đến cuối kỳ;

- Giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đã dùng để thế chấp, cầm cố cho các khoản vay;

- Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang;

- Các cam kết về việc mua, bán TSCĐ hữu hình có giá trị lớn trong tương lai.

- Giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình tạm thời không được sử dụng;

- Nguyên giá của TSCĐ hữu hình đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng;

- Giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đang chờ thanh lý;

- Các thay đổi khác về TSCĐ hữu hình.

40. Việc xác định phương pháp khấu hao và ước tính thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình là vấn đề hoàn toàn mang tính chất xét đoán. Vì vậy, việc trình bày các phương pháp khấu hao áp dụng và thời gian sử dụng hữu ích ước tính của TSCĐ hữu hình cho phép người sử dụng báo cáo tài chính xem xét mức độ đúng đắn của các chính sách do ban lãnh đạo doanh nghiệp đề ra và có cơ sở để so sánh với các doanh nghiệp khác.

41. Doanh nghiệp phải trình bày bản chất và ảnh hưởng của sự thay đổi ước tính kế toán có ảnh hưởng trọng yếu tới kỳ kế toán hiện hành hoặc các kỳ tiếp theo. Các thông tin phải được trình bày khi có sự thay đổi trong các ước tính kế toán liên quan tới giá trị TSCĐ hữu hình đã thanh lý hoặc đang chờ thanh lý, thời gian sử dụng hữu ích và phương pháp khấu hao.

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 04 TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÔ HÌNH
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán tài sản cố định (TSCĐ) vô hình, gồm: Tiêu chuẩn TSCĐ vô hình, thời điểm ghi nhận, xác định giá trị ban đầu, chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu, xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu, khấu hao, thanh lý TSCĐ vô hình và một số quy định khác làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán TSCĐ vô hình, trừ khi có chuẩn mực kế toán khác quy định cho phép áp dụng nguyên tắc và phương pháp kế toán khác cho TSCĐ vô hình.

03. Một số TSCĐ vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất. Ví dụ như đĩa compact (trong trường hợp phần mềm máy tính được ghi trong đĩa compact), văn bản pháp lý (trong trường hợp giấy phép hoặc bằng sáng chế). Để quyết định một tài sản bao gồm cả yếu tố vô hình và hữu hình được hạch toán theo quy định của chuẩn mực TSCĐ hữu hình hay chuẩn mực TSCĐ vô hình, doanh nghiệp phải căn cứ vào việc xác định yếu tố nào là quan trọng. Ví dụ phần mềm của máy vi tính nếu là một bộ phận không thể tách rời với phần cứng của máy đó để máy có thể hoạt động được, thì phần mềm này là một bộ phận của máy và nó được coi là một bộ phận của TSCĐ hữu hình. Trường hợp phần mềm là bộ phận có thể tách rời với phần cứng có liên quan thì phần mềm đó là một TSCĐ vô hình.

04. Chuẩn mực này quy định về các chi phí liên quan đến hoạt động quảng cáo, đào tạo nhân viên, thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu và triển khai. Các hoạt động nghiên cứu và triển khai hướng tới việc phát triển tri thức, có thể tạo thành một tài sản thuộc dạng vật chất (ví dụ vật mẫu), nhưng yếu tố vật chất chỉ có vai trò thứ yếu so với thành phần vô hình là tri thức ẩn chứa trong tài sản đó.

05. TSCĐ vô hình thuê tài chính sau khi được ghi nhận ban đầu, bên thuê phải kế toán TSCĐ vô hình trong hợp đồng thuê tài chính theo chuẩn mực này. Các quyền trong hợp đồng cấp phép đối với phim ảnh, chương trình thu băng video, tác phẩm kịch, bản thảo, bằng sáng chế và bản quyền thuộc phạm vi của chuẩn mực này.

06. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Tài sản: Là một nguồn lực:

(a) Doanh nghiệp kiểm soát được; và

(b) Dự tính đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp.

Tài sản cố định vô hình: Là tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

Nghiên cứu: Là hoạt động tìm kiếm ban đầu và có kế hoạch được tiến hành nhằm đạt được sự hiểu biết và tri thức khoa học hoặc kỹ thuật mới.

Triển khai: Là hoạt động ứng dụng những kết quả nghiên cứu hoặc tri thức khoa học vào một kế hoạch hoặc thiết kế để sản xuất sản phẩm mới hoặc được cải tiến một cách cơ bản trước khi bắt đầu sản xuất hoặc sử dụng mang tính thương mại các vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, các quy trình, hệ thống hoặc dịch vụ mới.

Nguyên giá: Là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.

Khấu hao: Là việc phân bổ có hệ thống giá trị phải khấu hao của TSCĐ vô hình trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.

Giá trị phải khấu hao: Là nguyên giá của TSCĐ vô hình ghi trên báo cáo tài chính, trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản đó.

Thời gian sử dụng hữu ích: Là thời gian mà TSCĐ vô hình phát huy được tác dụng cho sản xuất, kinh doanh, được tính bằng:

(a) Thời gian mà doanh nghiệp dự tính sử dụng TSCĐ vô hình; hoặc

(b) Số lượng sản phẩm, hoặc các đơn vị tính tương tự mà doanh nghiệp dự tính thu được từ việc sử dụng tài sản.

Giá trị thanh lý: Là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, sau khi trừ (-) chi phí thanh lý ước tính.

Giá trị còn lại: Là nguyên giá của TSCĐ vô hình sau khi trừ (-) số khấu hao luỹ kế của tài sản đó.

Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

Thị trường hoạt động: Là thị trường thỏa mãn đồng thời ba (3) điều kiện sau:

(a) Các sản phẩm được bán trên thị trường có tính tương đồng;

(b) Người mua và người bán có thể tìm thấy nhau vào bất kỳ lúc nào;

(c) Giá cả được công khai.

TÀI SẢN CỐ ĐỊNH VÔ HÌNH

07. Các doanh nghiệp thường đầu tư để có các nguồn lực vô hình, như: Quyền sử dụng đất có thời hạn, phần mềm máy vi tính, bằng sáng chế, bản quyền, giấy phép khai thác thuỷ sản, hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, giấy phép nhượng quyền, quan hệ kinh doanh với khách hàng hoặc nhà cung cấp, sự trung thành của khách hàng, thị phần và quyền tiếp thị...

08. Để xác định nguồn lực vô hình quy định trong đoạn số 07 thỏa mãn định nghĩa TSCĐ vô hình cần phải xem xét các yếu tố: Tính có thể xác định được, khả năng kiểm soát nguồn lực và tính chắc chắn của lợi ích kinh tế trong tương lai. Nếu một nguồn lực vô hình không thoả mãn định nghĩa TSCĐ vô hình thì chi phí phát sinh để tạo ra nguồn lực vô hình đó phải ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước. Riêng nguồn lực vô hình doanh nghiệp có được thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại được ghi nhận là lợi thế thương mại vào ngày phát sinh nghiệp vụ mua (Theo quy định tại Đoạn 46).

Tính có thể xác định được

09. TSCĐ vô hình phải là tài sản có thể xác định được để có thể phân biệt một cách rõ ràng tài sản đó với lợi thế thương mại. Lợi thế thương mại phát sinh từ việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại được thể hiện bằng một khoản thanh toán do bên đi mua tài sản thực hiện để có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.

10. Một TSCĐ vô hình có thể xác định riêng biệt khi doanh nghiệp có thể đem TSCĐ vô hình đó cho thuê, bán, trao đổi hoặc thu được lợi ích kinh tế cụ thể từ tài sản đó trong tương lai. Những tài sản chỉ tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai khi kết hợp với các tài sản khác nhưng vẫn được coi là tài sản có thể xác định riêng biệt nếu doanh nghiệp xác định được chắc chắn lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó đem lại.

Khả năng kiểm soát

11. Doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát một tài sản nếu doanh nghiệp có quyền thu lợi ích kinh tế trong tương lai mà tài sản đó đem lại, đồng thời cũng có khả năng hạn chế sự tiếp cận của các đối tượng khác đối với lợi ích đó. Khả năng kiểm soát của doanh nghiệp đối với lợi ích kinh tế trong tương lai từ TSCĐ vô hình, thông thường có nguồn gốc từ quyền pháp lý.

12. Tri thức về thị trường và hiểu biết chuyên môn có thể mang lại lợi kinh tế trong tương lai. Doanh nghiệp có thể kiểm soát lợi ích đó khi có ràng buộc bằng quyền pháp lý, ví dụ: Bản quyền, giấy phép khai thác thuỷ sản.

13. Doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên lành nghề và thông qua việc đào tạo, doanh nghiệp có thể xác định được sự nâng cao kiến thức của nhân viên sẽ mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai, nhưng doanh nghiệp không đủ khả năng kiểm soát lợi ích kinh tế đó, vì vậy không được ghi nhận là TSCĐ vô hình. Tài năng lãnh đạo và kỹ thuật chuyên môn cũng không được ghi nhận là TSCĐ vô hình trừ khi tài sản này được bảo đảm bằng các quyền pháp lý để sử dụng nó và để thu được lợi ích kinh tế trong tương lai đồng thời thoả mãn các quy định về định nghĩa TSCĐ vô hình và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

14. Doanh nghiệp có danh sách khách hàng hoặc thị phần nhưng do không có quyền pháp lý hoặc biện pháp khác để bảo vệ hoặc kiểm soát các lợi ích kinh tế từ các mối quan hệ với khách hàng và sự trung thành của họ, vì vậy không được ghi nhận là TSCĐ vô hình.

Lợi ích kinh tế trong tương lai

15. Lợi ích kinh tế trong tương lai mà TSCĐ vô hình đem lại cho doanh nghiệp có thể bao gồm: Tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, hoặc lợi ích khác xuất phát từ việc sử dụng TSCĐ vô hình.

NỘI DUNG CỦA CHUẨN MỰC GHI NHẬN VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ BAN ĐẦU

16. Một tài sản vô hình được ghi nhận là TSCĐ vô hình phải thỏa mãn đồng thời:

- Định nghĩa về TSCĐ vô hình; và

- Bốn (4) tiêu chuẩn ghi nhận sau:

+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do tài sản đó mang lại;

+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy;

+ Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm;

+ Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.

17. Doanh nghiệp phải xác định được mức độ chắc chắn khả năng thu được lợi ích kinh tế trong tương lai bằng việc sử dụng các giả định hợp lý và có cơ sở về các điều kiện kinh tế tồn tại trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.

18. TSCĐ vô hình phải được xác định giá trị ban đầu theo nguyên giá.

XÁC ĐỊNH NGUYÊN GIÁ TSCĐ VÔ HÌNH TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP MUA TSCĐ VÔ HÌNH RIÊNG BIỆT

19. Nguyên giá TSCĐ vô hình mua riêng biệt, bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

20. Trường hợp quyền sử dụng đất được mua cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì giá trị quyền sử dụng đất phải được xác định riêng biệt và ghi nhận là TSCĐ vô hình.

21. Trường hợp TSCĐ vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, nguyên giá của TSCĐ vô hình được phản ánh theo giá mua trả ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán và giá mua trả ngay được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán "Chi phí đi vay".

22. Nếu TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị, nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn.

MUA TSCĐ VÔ HÌNH TỪ VIỆC SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

23. Nguyên giá TSCĐ vô hình hình thành trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại là giá trị hợp lý của tài sản đó vào ngày mua (ngày sáp nhập doanh nghiệp).

24. Doanh nghiệp phải xác định nguyên giá TSCĐ vô hình một cách đáng tin cậy để ghi nhận tài sản đó một cách riêng biệt.

Giá trị hợp lý có thể là:

- Giá niêm yết tại thị trường hoạt động;

- Giá của nghiệp vụ mua bán TSCĐ vô hình tương tự.

25. Nếu không có thị trường hoạt động cho tài sản thì nguyên giá của TSCĐ vô hình được xác định bằng khoản tiền mà doanh nghiệp lẽ ra phải trả vào ngày mua tài sản trong điều kiện nghiệp vụ đó được thực hiện trên cơ sở khách quan dựa trên các thông tin tin cậy hiện có. Trường hợp này doanh nghiệp cần cân nhắc kết quả của các nghiệp vụ đó trong mối quan hệ tương quan với các tài sản tương tự.

26. Khi sáp nhập doanh nghiệp, TSCĐ vô hình được ghi nhận như sau:

(a) Bên mua tài sản ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu tài sản đó đáp ứng được định nghĩa về TSCĐ vô hình và tiêu chuẩn ghi nhận quy định trong đoạn 16, 17, kể cả trường hợp TSCĐ vô hình đó không được ghi nhận trong báo cáo tài chính của bên bán tài sản;

(b) Nếu TSCĐ vô hình được mua thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại, nhưng không thể xác định được nguyên giá một cách đáng tin cậy thì tài sản đó không được ghi nhận là một TSCĐ vô hình riêng biệt, mà được hạch toán vào lợi thế thương mại (Theo quy định tại Đoạn 46).

27. Khi không có thị trường hoạt động cho TSCĐ vô hình được mua thông qua việc sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại, thì nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị mà tại đó nó không tạo ra lợi thế thương mại có giá trị âm phát sinh vào ngày sáp nhập doanh nghiệp.

TSCĐ VÔ HÌNH LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CÓ THỜI HẠN

28. Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có thời hạn khi được giao đất hoặc số tiền trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác, hoặc giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn liên doanh.

29. Trường hợp quyền sử dụng đất được chuyển nhượng cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì giá trị của nhà cửa, vật kiến trúc phải được xác định riêng biệt và ghi nhận là TSCĐ hữu hình.

TSCĐ VÔ HÌNH ĐƯỢC NHÀ NƯỚC CẤP HOẶC ĐƯỢC TẶNG, BIẾU

30. Nguyên giá TSCĐ vô hình được nhà nước cấp hoặc được tặng, biếu, được xác định theo giá trị hợp lý ban đầu cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

TSCĐ VÔ HÌNH MUA DƯỚI HÌNH THỨC TRAO ĐỔI

31. Nguyên giá TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ vô hình nhận về hoặc bằng với giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về.

32. Nguyên giá TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong cả hai trường hợp không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ vô hình nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đem trao đổi.

LỢI THẾ THƯƠNG MẠI ĐƯỢC TẠO RA TỪ NỘI BỘ DOANH NGHIỆP

33. Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản.

34. Chi phí phát sinh để tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng không hình thành TSCĐ vô hình vì không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận trong chuẩn mực này, mà tạo nên lợi thế thương mại từ nội bộ doanh nghiệp. Lợi thế thương mại được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định, không đánh giá được một cách đáng tin cậy và doanh nghiệp không kiểm soát được.

35. Khoản chênh lệch giữa giá trị thị trường của doanh nghiệp với giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp ghi trên báo cáo tài chính được xác định tại một thời điểm không được ghi nhận là TSCĐ vô hình do doanh nghiệp kiểm soát.

TSCĐ VÔ HÌNH ĐƯỢC TẠO RA TỪ NỘI BỘ DOANH NGHIỆP

36. Để đánh giá một tài sản vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được ghi nhận vào ngày phát sinh nghiệp vụ đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình, doanh nghiệp phải phân chia quá trình hình thành tài sản theo:

(a) Giai đoạn nghiên cứu; và

(b) Giai đoạn triển khai.

37. Nếu doanh nghiệp không thể phân biệt giai đoạn nghiên cứu với giai đoạn triển khai của một dự án nội bộ để tạo ra TSCĐ vô hình, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ toàn bộ chi phí phát sinh liên quan đến dự án đó.

Giai đoạn nghiên cứu

38. Toàn bộ chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu không được ghi nhận là TSCĐ vô hình mà được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

39. Ví dụ về các hoạt động trong giai đoạn nghiên cứu:

(a) Các hoạt động nghiên cứu, phát triển tri thức mới và hoạt động tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn các phương án cuối cùng;

(b) Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hoặc các tri thức khác;

(c) Việc tìm kiếm các phương pháp thay thế đối với các vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, quy trình, dịch vụ;

(d) Công thức, thiết kế, đánh giá và lựa chọn cuối cùng các phương pháp thay thế đối với các vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, quy trình, hệ thống, dịch vụ mới hoặc cải tiến hơn.

Giai đoạn triển khai

40. Tài sản vô hình tạo ra trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu thỏa mãn được bảy (7) điều kiện sau:

(a) Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

(b) Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

(c) Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

(d) Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;

(e) Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

(g) Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;

(f) Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho TSCĐ vô hình.

41. Ví dụ về các hoạt động triển khai:

(a) Thiết kế, xây dựng và thử nghiệm các vật mẫu hoặc kiểu mẫu trước khi đưa vào sản xuất hoặc sử dụng;

(b) Thiết kế các dụng cụ, khuôn mẫu, khuôn dẫn và khuôn dập liên quan đến công nghệ mới;

(c) Thiết kế, xây dựng và vận hành xưởng thử nghiệm không có tính khả thi về mặt kinh tế cho hoạt động sản xuất mang tính thương mại;

(d) Thiết kế, xây dựng và sản xuất thử nghiệm một phương pháp thay thế các vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, quy trình, hệ thống và dịch vụ mới hoặc được cải tiến.

42. Các nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là TSCĐ vô hình.

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp

43. TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được đánh giá ban đầu theo nguyên giá là toàn bộ chi phí phát sinh từ thời điểm mà tài sản vô hình đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình quy định trong các đoạn 16, 17 và 40 đến khi TSCĐ vô hình được đưa vào sử dụng. Các chi phí phát sinh trước thời điểm này phải tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

44. Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp bao gồm tất cả các chi phí liên quan trực tiếp hoặc được phân bổ theo tiêu thức hợp lý và nhất quán từ các khâu thiết kế, xây dựng, sản xuất thử nghiệm đến chuẩn bị đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp bao gồm:

(a) Chi phí nguyên liệu, vật liệu hoặc dịch vụ đã sử dụng trong việc tạo ra TSCĐ vô hình;

(b) Tiền lương, tiền công và các chi phí khác liên quan đến việc thuê nhân viên trực tiếp tham gia vào việc tạo ra tài sản đó;

(c) Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra tài sản, như chi phí đăng ký quyền pháp lý, khấu hao bằng sáng chế phát minh và giấy phép được sử dụng để tạo ra tài sản đó;

(d) Chi phí sản xuất chung được phân bổ theo tiêu thức hợp lý và nhất quán vào tài sản (Ví dụ: phân bổ khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị, phí bảo hiểm, tiền thuê nhà xưởng, thiết bị).

45. Các chi phí sau đây không được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp:

(a) Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chí phí sản xuất chung không liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng;

(b) Các chi phí không hợp lý như: nguyên liệu, vật liệu lãng phí, chi phí lao động, các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường;

(c) Chi phí đào tạo nhân viên để vận hành tài sản.

GHI NHẬN CHI PHÍ

46. Chi phí liên quan đến tài sản vô hình phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc chi phí trả trước, trừ trường hợp:

(a) Chi phí hình thành một phần nguyên giá TSCĐ vô hình và thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình (Quy định từ đoạn 16 đến đoạn 44).

(b) Tài sản vô hình hình thành trong quá trình sáp nhập doanh nghiệp có tính chất mua lại nhưng không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình thì những chi phí đó (nằm trong chi phí mua tài sản) hình thành một bộ phận của lợi thế thương mại (kể cả trường hợp lợi thế thương mại có giá trị âm) vào ngày quyết định sáp nhập doanh nghiệp.

47. Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp nhưng không được ghi nhận là TSCĐ vô hình thì được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ các chi phí được quy định trong đoạn 48.

48. Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên và chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm.

49. Chi phí liên quan đến tài sản vô hình đã được doanh nghiệp ghi nhận là chi phí để xác định kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ trước đó thì không được tái ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ vô hình.

CHI PHÍ PHÁT SINH SAU GHI NHẬN BAN ĐẦU

50. Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện sau thì được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình:

(a) Chi phí này có khả năng làm cho TSCĐ vô hình tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu;

(b) Chi phí được đánh giá một cách chắc chắn và gắn liền với một TSCĐ vô hình cụ thể.

51. Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi các chi phí này gắn liền với một TSCĐ vô hình cụ thể và làm tăng lợi ích kinh tế từ các tài sản này.

52. Chi phí phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự về bản chất (kể cả trường hợp mua từ bên ngoài hoặc tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp) luôn được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ SAU GHI NHẬN BAN ĐẦU

53. Sau khi ghi nhận ban đầu, trong quá trình sử dụng, TSCĐ vô hình được xác định theo nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại.

KHẤU HAO THỜI GIAN TÍNH KHẤU HAO

54. Giá trị phải khấu hao của TSCĐ vô hình được phân bổ một cách có hệ thống trong suốt thời gian sử dụng hữu ích ước tính hợp lý của nó. Thời gian tính khấu hao của TSCĐ vô hình tối đa là 20 năm. Việc trích khấu hao được bắt đầu từ khi đưa TSCĐ vô hình vào sử dụng.

55. Khi xác định thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình làm căn cứ tính khấu hao cần phải xem xét các yếu tố sau:

(a) Khả năng sử dụng dự tính của tài sản;

(b) Vòng đời của sản phẩm và các thông tin chung về các ước tính liên quan đến thời gian sử dụng hữu ích của các loại tài sản giống nhau được sử dụng trong điều kiện tương tự;

(c) Sự lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ;

(d) Tính ổn định của ngành sử dụng tài sản đó và sự thay đổi về nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm hoặc việc cung cấp dịch vụ mà tài sản đó đem lại;

(e) Hoạt động dự tính của các đối thủ cạnh tranh hiện tại hoặc tiềm tàng;

(f) Mức chi phí cần thiết để duy trì, bảo dưỡng;

(g) Thời gian kiểm soát tài sản, những hạn chế về mặt pháp lý và những hạn chế khác về quá trình sử dụng tài sản;

(h) Sự phụ thuộc thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình với các tài sản khác trong doanh nghiệp.

56. Phần mềm máy vi tính và các TSCĐ vô hình khác có thể nhanh chóng bị lạc hậu về kỹ thuật thì thời gian sử dụng hữu ích của các tài sản này thường là ngắn hơn.

57. Trong một số trường hợp, thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình có thể vượt quá 20 năm khi có những bằng chứng tin cậy, nhưng phải xác định được cụ thể. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải:

(a) Khấu hao TSCĐ vô hình theo thời gian sử dụng hữu ích ước tính chính xác nhất; và

(b) Trình bày các lý do ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản trên báo cáo tài chính.

58. Nếu việc kiểm soát đối với các lợi ích kinh tế trong tương lai từ TSCĐ vô hình đạt được bằng quyền pháp lý được cấp trong một khoảng thời gian xác định thì thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình không vượt quá thời gian có hiệu lực của quyền pháp lý, trừ khi quyền pháp lý được gia hạn.

59. Các nhân tố kinh tế và pháp lý ảnh hưởng đến thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình, gồm: (1) Các nhân tố kinh tế quyết định khoảng thời gian thu được lợi ích kinh tế trong tương lai; (2) Các nhân tố pháp lý giới hạn khoảng thời gian doanh nghiệp kiểm soát được lợi ích kinh tế này. Thời gian sử dụng hữu ích là thời gian ngắn hơn trong số các khoảng thời gian trên.

PHƯƠNG PHÁP KHẤU HAO

60. Phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình được sử dụng phải phản ánh cách thức thu hồi lợi ích kinh tế từ tài sản đó của doanh nghiệp. Phương pháp khấu hao được sử dụng cho từng TSCĐ vô hình được áp dụng thống nhất qua nhiều thời kỳ và có thể được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Chi phí khấu hao cho từng thời kỳ phải được ghi nhận là chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ khi chi phí đó được tính vào giá trị của tài sản khác.

61. Có ba (3) phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình, gồm:

Phương pháp khấu hao đường thẳng;

Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần;

Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm.

- Theo phương pháp khấu hao đường thẳng, số khấu hao hàng năm không đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình.

- Theo phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, số khấu hao hàng năm giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.

- Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm dựa trên tổng số đơn vị sản phẩm ước tính tài sản có thể tạo ra.

GIÁ TRỊ THANH LÝ

62. TSCĐ vô hình có giá trị thanh lý khi:

(a) Có bên thứ ba thỏa thuận mua lại tài sản đó vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản; hoặc

(b) Có thị trường hoạt động vào cuối thời gian sử dụng hữu ích của tài sản và giá trị thanh lý có thể được xác định thông qua giá thị trường.

Khi không có một trong hai điều kiện nói trên thì giá trị thanh lý của TSCĐ vô hình được xác định bằng không (0).

63. Giá trị phải khấu hao được xác định bằng nguyên giá trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản.

64. Giá trị thanh lý được ước tính khi TSCĐ vô hình được hình thành đưa vào sử dụng bằng cách dựa trên giá bán phổ biến ở cuối thời gian sử dụng hữu ích ước tính của một tài sản tương tự và đã hoạt động trong các điều kiện tương tự. Giá trị thanh lý ước tính không tăng lên khi có thay đổi về giá cả hoặc giá trị.

XEM XÉT LẠI THỜI GIAN KHẤU HAO VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẤU HAO

65. Thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình phải được xem xét lại ít nhất là vào cuối mỗi năm tài chính. Nếu thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản khác biệt lớn so với các ước tính trước đó thì thời gian khấu hao phải được thay đổi tương ứng. Phương pháp khấu hao TSCĐ vô hình được thay đổi khi có thay đổi đáng kể cách thức ước tính thu hồi lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Trường hợp này, phải điều chỉnh chi phí khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo, và được thuyết minh trong báo cáo tài chính.

66. Trong suốt thời gian sử dụng TSCĐ vô hình, khi xét thấy việc ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản không còn phù hợp thì thời gian khấu hao cần phải thay đổi. Ví dụ: Thời gian sử dụng hữu ích có thể tăng lên do đầu tư thêm chi phí làm tăng năng lực của tài sản so với năng lực hoạt động được đánh giá ban đầu.

67. Trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ vô hình, có thể thay đổi cách thức ước tính về lợi ích kinh tế trong tương lai mà doanh nghiệp dự tính thu được, do đó có thể thay đổi phương pháp khấu hao. Ví dụ: Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần phù hợp hơn phương pháp khấu hao đường thẳng.

NHƯỢNG BÁN VÀ THANH LÝ TSCĐ VÔ HÌNH

68. TSCĐ vô hình được ghi giảm khi thanh lý, nhượng bán hoặc khi xét thấy không thu được lợi ích kinh tế từ việc sử dụng tiếp sau.

69. Lãi hay lỗ phát sinh do thanh lý, nhượng bán TSCĐ vô hình được xác định bằng số chênh lệch giữa thu nhập với chi phí thanh lý, nhượng bán cộng (+) giá trị còn lại của TSCĐ vô hình. Số lãi, lỗ này được ghi nhận là một khoản thu nhập hoặc chi phí trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.

TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH

70. Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày theo từng loại TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp và TSCĐ vô hình được hình thành từ các nguồn khác, về những thông tin sau:

(a) Phương pháp xác định nguyên giá TSCĐ vô hình;

(b) Phương pháp khấu hao; Thời gian sử dụng hữu ích hoặc tỷ lệ khấu hao;

(c) Nguyên giá, khấu hao luỹ kế và giá trị còn lại vào đầu năm và cuối kỳ;

(d) Bản Thuyết minh báo cáo tài chính (Phần TSCĐ vô hình) phải trình bày các thông tin:

- Nguyên giá TSCĐ vô hình tăng, trong đó giá trị TSCĐ tăng từ hoạt động trong giai đoạn triển khai hoặc do sáp nhập doanh nghiệp;

- Nguyên giá TSCĐ vô hình giảm;

- Số khấu hao trong kỳ, tăng, giảm và luỹ kế đến cuối kỳ;

- Lý do khi một TSCĐ vô hình được khấu hao trên 20 năm (Khi đưa ra các lý do này, doanh nghiệp phải chỉ ra các nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thời gian sử dụng hữu ích của tài sản);

- Nguyên giá, số khấu hao luỹ kế, giá trị còn lại và thời gian khấu hao còn lại của từng TSCĐ vô hình có vị trí quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của doanh nghiệp;

- Giá trị hợp lý của TSCĐ vô hình do Nhà nước cấp (Quy định tại Đoạn 30), trong đó ghi rõ: Giá trị hợp lý khi ghi nhận ban đầu; Giá trị khấu hao luỹ kế; Giá trị còn lại của tài sản.

- Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đã dùng để thế chấp cho các khoản nợ phải trả;

- Các cam kết về mua, bán TSCĐ vô hình có giá trị lớn trong tương lai.

- Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình tạm thời không sử dụng;

- Nguyên giá TSCĐ vô hình đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng;

- Giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đang chờ thanh lý.

- Giải trình khoản chi phí trong giai đoạn nghiên cứu và chi phí trong giai đoạn triển khai đã được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

- Các thay đổi khác về TSCĐ vô hình.

71. Kế toán TSCĐ vô hình được phân loại theo nhóm tài sản có cùng tính chất và mục đích sử dụng trong các hoạt động của doanh nghiệp, gồm:

(a) Quyền sử dụng đất có thời hạn;

(b) Nhãn hiệu hàng hóa;

(c) Quyền phát hành;

(d) Phần mềm máy vi tính;

(e) Giấy phép và giấy phép nhượng quyền;

(f) Bản quyền, bằng sáng chế;

(g) Công thức và cách thức pha chế, kiểu mẫu, thiết kế và vật mẫu;

(h) TSCĐ vô hình đang triển khai.

HỆ THỐNG

CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM CHUẨN MỰC SỐ 14 DOANH THU VÀ THU NHẬP KHÁC
(Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY ĐỊNH CHUNG

01. Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán doanh thu và thu nhập khác, gồm: Các loại doanh thu, thời điểm ghi nhận doanh thu, phương pháp kế toán doanh thu và thu nhập khác làm cơ sở ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.

02. Chuẩn mực này áp dụng trong kế toán các khoản doanh thu và thu nhập khác phát sinh từ các giao dịch và nghiệp vụ sau:

(a) Bán hàng: Bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra và bán hàng hóa mua vào;

(b) Cung cấp dịch vụ: Thực hiện công việc đã thỏa thuận theo hợp đồng trong một hoặc nhiều kỳ kế toán;

(c) Tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia.

Tiền lãi: Là số tiền thu được phát sinh từ việc cho người khác sử dụng tiền, các khoản tương đương tiền hoặc các khoản còn nợ doanh nghiệp, như: Lãi cho vay, lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán...;

Tiền bản quyền: Là số tiền thu được phát sinh từ việc cho người khác sử dụng tài sản, như: Bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, bản quyền tác giả, phần mềm máy vi tính...;

Cổ tức và lợi nhuận được chia: Là số tiền lợi nhuận được chia từ việc nắm giữ cổ phiếu hoặc góp vốn.

(d) Các khoản thu nhập khác ngoài các giao dịch và nghiệp vụ tạo ra doanh thu kể trên (Nội dung các khoản thu nhập khác quy định tại đoạn 30).

Chuẩn mực này không áp dụng cho kế toán các khoản doanh thu và thu nhập khác được quy định ở các chuẩn mực kế toán khác.

03. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Doanh thu: Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.

Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.

Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.

Giá trị hàng bán bị trả lại: Là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán.

Chiết khấu thanh toán: Là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.

Thu nhập khác: Là khoản thu góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu từ hoạt động ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu.

Giá trị hợp lý: Là giá trị tài sản có thể trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá.

NỘI DUNG CHUẨN MỰC

04. Doanh thu chỉ bao gồm tổng giá trị của các lợi ích kinh tế doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được. Các khoản thu hộ bên thứ ba không phải là nguồn lợi ích kinh tế, không làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ không được coi là doanh thu (Ví dụ: Khi người nhận đại lý thu hộ tiền bán hàng cho đơn vị chủ hàng, thì doanh thu của người nhận đại lý chỉ là tiền hoa hồng được hưởng). Các khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu làm tăng vốn chủ sở hữu nhưng không là doanh thu.

XÁC ĐỊNH DOANH THU

05. Doanh thu được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được.

06. Doanh thu phát sinh từ giao dịch được xác định bởi thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên mua hoặc bên sử dụng tài sản. Nó được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu được hoặc sẽ thu được sau khi trừ (-) các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại.

07. Đối với các khoản tiền hoặc tương đương tiền không được nhận ngay thì doanh thu được xác định bằng cách quy đổi giá trị danh nghĩa của các khoản sẽ thu được trong tương lai về giá trị thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu theo tỷ lệ lãi suất hiện hành. Giá trị thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu có thể nhỏ hơn giá trị danh nghĩa sẽ thu được trong tương lai.

08. Khi hàng hóa hoặc dịch vụ được trao đổi để lấy hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự về bản chất và giá trị thì việc trao đổi đó không được coi là một giao dịch tạo ra doanh thu.

Khi hàng hóa hoặc dịch vụ được trao đổi để lấy hàng hóa hoặc dịch vụ khác không tương tự thì việc trao đổi đó được coi là một giao dịch tạo ra doanh thu. Trường hợp này doanh thu được xác định bằng giá trị hợp lý của hàng hóa hoặc dịch vụ nhận về, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu thêm. Khi không xác định được giá trị hợp lý của hàng hóa hoặc dịch vụ nhận về thì doanh thu được xác định bằng giá trị hợp lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu thêm.

NHẬN BIẾT GIAO DỊCH

09. Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch trong chuẩn mực này được áp dụng riêng biệt cho từng giao dịch. Trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn nhận biết giao dịch cần áp dụng tách biệt cho từng bộ phận của một giao dịch đơn lẻ để phản ánh bản chất của giao dịch đó. Ví dụ, khi trong giá bán một sản phẩm có một khoản đã định trước cho việc cung cấp dịch vụ sau bán hàng thì khoản doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ sau bán hàng sẽ được dời lại cho đến khi doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đó. Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch còn được áp dụng cho hai hay nhiều giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Trường hợp này phải xem xét chúng trong mối quan hệ tổng thể. Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng và đồng thời ký một hợp đồng khác để mua lại chính các hàng hóa đó sau một thời gian thì phải đồng thời xem xét cả hai hợp đồng và doanh thu không được ghi nhận.

DOANH THU BÁN HÀNG

10. Doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn tất cả năm (5) điều kiện sau:

(a) Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua;

(b) Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

(c) Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

(d) Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

(e) Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

11. Doanh nghiệp phải xác định thời điểm chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa cho người mua trong từng trường hợp cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, thời điểm chuyển giao phần lớn rủi ro trùng với thời điểm chuyển giao lợi ích gắn liền với quyền sở hữu hợp pháp hoặc quyền kiểm soát hàng hóa cho người mua.

Trường hợp doanh nghiệp vẫn còn chịu phần lớn rủi ro gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa thì giao dịch không được coi là hoạt động bán hàng và doanh thu không được ghi nhận. Doanh nghiệp còn phải chịu rủi ro gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa dưới nhiều hình thức khác nhau, như:

(a) Doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm để đảm bảo cho tài sản được hoạt động bình thường mà việc này không nằm trong các điều khoản bảo hành thông thường;

(b) Khi việc thanh toán tiền bán hàng còn chưa chắc chắn vì phụ thuộc vào người mua hàng hóa đó;

(c) Khi hàng hóa được giao còn chờ lắp đặt và việc lắp đặt đó là một phần quan trọng của hợp đồng mà doanh nghiệp chưa hoàn thành;

(d) Khi người mua có quyền huỷ bỏ việc mua hàng vì một lý do nào đó được nêu trong hợp đồng mua bán và doanh nghiệp chưa chắc chắn về khả năng hàng bán có bị trả lại hay không.

13. Nếu doanh nghiệp chỉ còn phải chịu một phần nhỏ rủi ro gắn liền với quyền sở hữu hàng hóa thì việc bán hàng được xác định và doanh thu được ghi nhận. Ví dụ doanh nghiệp còn nắm giữ giấy tờ về quyền sở hữu hàng hóa chỉ để đảm bảo sẽ nhận được đủ các khoản thanh toán.

14. Doanh thu bán hàng được ghi nhận chỉ khi đảm bảo là doanh nghiệp nhận được lợi ích kinh tế từ giao dịch. Trường hợp lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng còn phụ thuộc yếu tố không chắc chắn thì chỉ ghi nhận doanh thu khi yếu tố không chắc chắn này đã xử lý xong (ví dụ, khi doanh nghiệp không chắc chắn là Chính phủ nước sở tại có chấp nhận chuyển tiền bán hàng ở nước ngoài về hay không). Nếu doanh thu đã được ghi nhận trong trường hợp chưa thu được tiền thì khi xác định khoản tiền nợ phải thu này là không thu được thì phải hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ mà không được ghi giảm doanh thu. Khi xác định khoản phải thu là không chắc chắn thu được (Nợ phải thu khó đòi) thì phải lập dự phòng nợ phải thu khó đòi mà không ghi giảm doanh thu. Các khoản nợ phải thu khó đòi khi xác định thực sự là không đòi được thì được bù đắp bằng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi.

15. Doanh thu và chi phí liên quan tới cùng một giao dịch phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Các chi phí, bao gồm cả chi phí phát sinh sau ngày giao hàng (như chi phí bảo hành và chi phí khác), thường được xác định chắc chắn khi các điều kiện ghi nhận doanh thu được thỏa mãn. Các khoản tiền nhận trước của khách hàng không được ghi nhận là doanh thu mà được ghi nhận là một khoản nợ phải trả tại thời điểm nhận tiền trước của khách hàng. Khoản nợ phải trả về số tiền nhận trước của khách hàng chỉ được ghi nhận là doanh thu khi đồng thời thỏa mãn năm (5) điều kiện quy định ở đoạn 10.

DOANH THU CUNG CẤP DỊCH VỤ

16. Doanh thu của giao dịch về cung cấp dịch vụ được ghi nhận khi kết quả của giao dịch đó được xác định một cách đáng tin cậy. Trường hợp giao dịch về cung cấp dịch vụ liên quan đến nhiều kỳ thì doanh thu được ghi nhận trong kỳ theo kết quả phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng Cân đối kế toán của kỳ đó. Kết quả của giao dịch cung cấp dịch vụ được xác định khi thỏa mãn tất cả bốn (4) điều kiện sau:

(a) Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

(b) Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;

(c) Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng Cân đối kế toán;

(d) Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

17. Trường hợp giao dịch về cung cấp dịch vụ thực hiện trong nhiều kỳ kế toán thì việc xác định doanh thu của dịch vụ trong từng kỳ thường được thực hiện theo phương pháp tỷ lệ hoàn thành. Theo phương pháp này, doanh thu được ghi nhận trong kỳ kế toán được xác định theo tỷ lệ phần công việc đã hoàn thành.

18. Doanh thu cung cấp dịch vụ chỉ được ghi nhận khi đảm bảo là doanh nghiệp nhận được lợi ích kinh tế từ giao dịch. Khi không thể thu hồi được khoản doanh thu đã ghi nhận thì phải hạch toán vào chi phí mà không được ghi giảm doanh thu. Khi không chắc chắn thu hồi được một khoản mà trước đó đã ghi vào doanh thu (Nợ phải thu khó đòi) thì phải lập dự phòng nợ phải thu khó đòi mà không ghi giảm doanh thu. Khoản nợ phải thu khó đòi khi xác định thực sự là không đòi được thì được bù đắp bằng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi.

19. Doanh nghiệp có thể ước tính doanh thu cung cấp dịch vụ khi thỏa thuận được với bên đối tác giao dịch những điều kiện sau:

(a) Trách nhiệm và quyền của mỗi bên trong việc cung cấp hoặc nhận dịch vụ;

(b) Giá thanh toán;

(c) Thời hạn và phương thức thanh toán.

Để ước tính doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phải có hệ thống kế hoạch tài chính và kế toán phù hợp. Khi cần thiết, doanh nghiệp có quyền xem xét và sửa đổi cách ước tính doanh thu trong quá trình cung cấp dịch vụ.

20. Phần công việc đã hoàn thành được xác định theo một trong ba phương pháp sau, tuỳ thuộc vào bản chất của dịch vụ:

(a) Đánh giá phần công việc đã hoàn thành;

(b) So sánh tỷ lệ (%) giữa khối lượng công việc đã hoàn thành với tổng khối lượng công việc phải hoàn thành;

(c) Tỷ lệ (%) chi phí đã phát sinh so với tổng chi phí ước tính để hoàn thành toàn bộ giao dịch cung cấp dịch vụ.

Phần công việc đã hoàn thành không phụ thuộc vào các khoản thanh toán định kỳ hay các khoản ứng trước của khách hàng.

21. Trường hợp dịch vụ được thực hiện bằng nhiều hoạt động khác nhau mà không tách biệt được, và được thực hiện trong nhiều kỳ kế toán nhất định thì doanh thu từng kỳ được ghi nhận theo phương pháp bình quân. Khi có một hoạt động cơ bản so với các hoạt động khác thì việc ghi nhận doanh thu được thực hiện theo hoạt động cơ bản đó.

22. Khi kết quả của một giao dịch về cung cấp dịch vụ không thể xác định được chắc chắn thì doanh thu được ghi nhận tương ứng với chi phí đã ghi nhận và có thể thu hồi.

23. Trong giai đoạn đầu của một giao dịch về cung cấp dịch vụ, khi chưa xác định được kết quả một cách chắc chắn thì doanh thu được ghi nhận bằng chi phí đã ghi nhận và có thể thu hồi được. Nếu chi phí liên quan đến dịch vụ đó chắc chắn không thu hồi được thì không ghi nhận doanh thu, và chi phí đã phát sinh được hạch toán vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Khi có bằng chứng tin cậy về các chi phí đã phát sinh sẽ thu hồi được thì doanh thu được ghi nhận theo quy định tại đoạn 16.

DOANH THU TỪ TIỀN LÃI, TIỀN BẢN QUYỀN, CỔ TỨC VÀ LỢI NHUẬN ĐƯỢC CHIA

24. Doanh thu phát sinh từ tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia của doanh nghiệp được ghi nhận khi thỏa mãn đồng thời hai (2) điều kiện sau:

(a) Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch đó;

(b) Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn.

25. Doanh thu từ tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia được ghi nhận trên cơ sở:

(a) Tiền lãi được ghi nhận trên cơ sở thời gian và lãi suất thực tế từng kỳ;

(b) Tiền bản quyền được ghi nhận trên cơ sở dồn tích phù hợp với hợp đồng;

(c) Cổ tức và lợi nhuận được chia được ghi nhận khi cổ đông được quyền nhận cổ tức hoặc các bên tham gia góp vốn được quyền nhận lợi nhuận từ việc góp vốn.

26. Lãi suất thực tế là tỷ lệ lãi dùng để quy đổi các khoản tiền nhận được trong tương lai trong suốt thời gian cho bên khác sử dụng tài sản về giá trị ghi nhận ban đầu tại thời điểm chuyển giao tài sản cho bên sử dụng. Doanh thu tiền lãi bao gồm số phân bổ các khoản chiết khấu, phụ trội, các khoản lãi nhận trước hoặc các khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ ban đầu của công cụ nợ và giá trị của nó khi đáo hạn.

27. Khi tiền lãi chưa thu của một khoản đầu tư đã được dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư đó, thì khi thu được tiền lãi từ khoản đầu tư, doanh nghiệp phải phân bổ vào cả các kỳ trước khi nó được mua. Chỉ có phần tiền lãi của các kỳ sau khi khoản đầu tư được mua mới được ghi nhận là doanh thu của doanh nghiệp. Phần tiền lãi của các kỳ trước khi khoản đầu tư được mua được hạch toán giảm giá trị của chính khoản đầu tư đó.

28. Tiền bản quyền được tính dồn tích căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng (ví dụ như tiền bản quyền của một cuốn sách được tính dồn tích trên cơ sở số lượng sách xuất bản từng lần và theo từng lần xuất bản) hoặc tính trên cơ sở hợp đồng từng lần.

29. Doanh thu được ghi nhận khi đảm bảo là doanh nghiệp nhận được lợi ích kinh tế từ giao dịch. Khi không thể thu hồi một khoản mà trước đó đã ghi vào doanh thu thì khoản có khả năng không thu hồi được hoặc không chắc chắn thu hồi được đó phải hạch toán vào chi phí phát sinh trong kỳ, không ghi giảm doanh thu.

THU NHẬP KHÁC

30. Thu nhập khác quy định trong chuẩn mực này bao gồm các khoản thu từ các hoạt động xảy ra không thường xuyên, ngoài các hoạt động tạo ra doanh thu, gồm:

- Thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ;

- Thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng;

- Thu tiền bảo hiểm được bồi thường;

- Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí kỳ trước;

- Khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi tăng thu nhập;

- Thu các khoản thuế được giảm, được hoàn lại;

- Các khoản thu khác.

31. Khoản thu về thanh lý TSCĐ, nhượng bán TSCĐ là tổng số tiền đã thu và sẽ thu được của người mua từ hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ. Các chi phí về thanh lý, nhượng bán TSCĐ được ghi nhận là chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ.

32. Thu được các khoản nợ phải thu đã xóa sổ tính vào chi phí của kỳ trước là khoản nợ phải thu khó đòi, xác định là không thu hồi được, đã được xử lý xóa sổ và tính vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong các kỳ trước nay thu hồi được.

33. Khoản nợ phải trả nay mất chủ là khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ hoặc chủ nợ không còn tồn tại.

TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH

34. Trong báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải trình bày:

(a) Chính sách kế toán được áp dụng trong việc ghi nhận doanh thu bao gồm phương pháp xác định phần công việc đã hoàn thành của các giao dịch về cung cấp dịch vụ;

(b) Doanh thu của từng loại giao dịch và sự kiện:

- Doanh thu bán hàng;

- Doanh thu cung cấp dịch vụ;

- Tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức và lợi nhuận được chia.

(c) Doanh thu từ việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ theo từng loại hoạt động trên.

(d) Thu nhập khác, trong đó trình bày cụ thể các khoản thu nhập bất thường.

THE MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 149/2001/QD-BTC

Hanoi, December 31, 2001

 

DECISION

ON THE PROMULGATION AND ANNOUNCEMENT OF FOUR (4) ACCOUNTING STANDARDS OF VIETNAM (PHASE 1)

THE MINISTER OF FINANCE

Pursuant to the Accounting and Statistics Ordinance promulgated by Order No. 06-LCT/HDNN of May 20, 1988 of the State Council and the Statute of the State Accounting Organization issued together with Decree No. 25/HDBT of March 18, 1989 of the Council of Ministers (now the Government);
Pursuant to the Government
s Decree No. 15/CP of March 2, 1993 on the tasks, powers and State management responsibilities of the ministries and ministerial-level agencies;
Pursuant to the Government
s Decree No. 178/CP of October 28, 1994 on the tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;
In order to satisfy the requirements of renewing the economic and financial management regimes, raise the quality of accounting information provided in the national economy, and supervise and control the quality of the accounting work;
At the proposal of the director of the Department of Accounting Regime and the director of the Office of the Ministry of Finance,

DECIDES:

Article 1.- To promulgate four (4) Vietnamese accounting standards (phase 1) with the following codes and names:

1. Standard No. 02 - Inventories

2. Standard No. 03 - Tangible fixed assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Standard No. 14 - Turnover and other incomes

Article 2.- The four (4) Vietnamese accounting standards issued together with this Decision shall apply to all enterprises of all branches and economic sectors across the country.

Article 3.- This Decision takes implementation effect from January 1, 2002. The specific accounting regimes must be revised and supplemented to comply with the four accounting standards issued together with this Decision.

Article 4.- The director of the Department of Accounting Regimes, the director of the Office of the Ministry and the heads of the concerned units of and attached to the Ministry of Finance shall have to guide, inspect and implement this Decision.

 

 

MINISTER OF FINANCE




Nguyen Sinh Hung

 

THE SYSTEM OF VIETNAMESE ACCOUNTING STANDARDS
Standard No. 2

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and method of accounting the inventories, including: determination of the value of inventories and accounting it as expense; the marking-down of inventories to suit the net realizable value and the method of calculating the value of inventories to serve as basis for recording accounting books and making financial statements.

02. This standard shall apply to accounting inventories on the original price principle, except when other prescribed accounting standards permit the application of other accounting methods to inventories.

03. For the purposes of this standard, the terms used herein are understood as follows:

Inventories: are assets which are:

a/ held for sale in the normal production and business period;

b/ in the on-going process of production and business;

c/ raw materials, materials, tools and instruments for use in the process of production and business or provision of services.

Inventories consist of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Finished products in stock and finished products sent for sale;

- Unfinished products: uncompleted products and completed products not yet going through the procedures for being put into stores of finished products;

- Raw materials, materials, tools and instruments in stock, sent for processing, and already purchased but being transported en route;

- Costs of unfinished services.

Net realizable value means the estimated selling price of inventories in a normal production and business period minus (-) the estimated cost for completing the products and the estimated cost needed for their consumption.

Current price means a sum of money payable for the purchase of a similar kind of inventory on the date the accounting balance sheet is made.

CONTENTS OF THE STANDARD
DETERMINATION OF THE VALUE OF INVENTORIES

04. Inventories are valued according to their original prices. Where the net realizable value is lower than the original price, they must be valued according to the net realizable value.

Original prices of inventories

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Purchasing cost

06. The purchasing cost of inventories consists of the buying price, non-refundable taxes, transportation cost, loading and unloading cost, preservation cost incurred in the buying process and other costs directly related to the purchase of the inventories. Trade discounts and reductions in the prices of purchased goods due to their wrong specifications and/or inferior quality, shall be deducted from the purchasing cost.

Processing cost

07. The processing costs of inventories consist of those directly related to the manufactured products, such as cost of direct labor, fixed and variable general production costs incurred in the process of turning raw materials and materials into finished products.

Fixed general production costs means indirect production costs, which are often invariable regardless of the volume of manufactured products, such as depreciation cost, maintenance cost of machinery, equipment, workshops and administrative management cost at production workshops.

Variable general production costs means indirect production costs, which often change directly or almost directly according to the volume of manufactured products, such as costs of indirect raw materials and materials, cost of indirect labor.

08. Fixed general production costs shall be allocated into the processing cost of each product unit on the basis of the normal production capacity of machinery. Normal capacity is the average quantity of products turned out under normal production conditions.

- Where the quantity of actually-manufactured products is higher than the normal capacity, the fixed general production costs shall be allocated to each product unit according to actually incurred costs.

- Where the quantity of actually-manufactured products is lower than the normal capacity, the fixed general production costs shall be allocated into the processing cost of each product unit only according to the normal capacity. The unallocated amount of general production costs shall be recognized as production and business expense in the period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



09. Where various kinds of products are manufactured in a single production process in the same duration of time and the processing cost of each kind of product is not separately expressed, the processing cost shall be allocated to those kinds of products according to appropriate and consistent norms in all accounting periods.

Where by-products are turned out, their value shall be calculated according to the net realizable value and subtracted from the processing cost already calculated for the principal products.

Other directly-related costs

10. Other directly-related costs shall be incorporated into the original prices of inventories, including costs other than the purchasing cost and processing cost of inventories. For example, the original price of finished products may consist of the product-designing cost for a particular order.

Costs not permitted to be incorporated in the original price of inventories

11. Costs not permitted to be incorporated into the original price of inventories, are:

a/ Costs of raw materials, materials, labor and other production and business costs incurred at a level higher than normal;

b/ Costs of inventories preservation minus the inventories preservation cost needed for subsequent production processes and the preservation cost prescribed in paragraph 06;

c/ Sale cost;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Service provision cost

12. Service provision cost consists of personnel costs and other costs directly related to the service provision, such as supervision cost and related general costs.

Personnel costs and other costs related to goods sale and enterprise management shall not be included in the service provision cost.

METHOD OF CALCULATING THE VALUE OF INVENTORIES

13. The value of inventories shall be calculated according to one of the following methods:

a/ Specific identification method;

b/ Weighted average method;

c/ First-in, First-out method;

d/ Last-in, First-out method.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



15. By the weighted average method, the value of each kind of inventories shall be calculated according to the average value of each similar kind of goods at the beginning of the period and the value of each kind of inventories purchased or manufactured in the period. The average value may be computed either according to periods or the time when a goods lot is warehoused, depending on the enterprises situation.

16. The First-in, First-out method shall apply upon the assumption that the first inventories purchased or manufactured is the first inventories delivered, and the inventories left at the end of the period are those purchased or produced at a time close to the end of the period. By this method, the value of the delivered goods shall be computed according to the price of the lot of goods warehoused at the beginning of the period or at a time shortly after the beginning of the period, the value of the inventories shall be computed according to the price of the goods warehoused at the end of the period or at a time shortly before the end of the period.

17. The Last-in First-out method shall apply upon the assumption that the most recently purchased or manufactured inventories are delivered first, and the inventories left at the end of the period are those which are purchased or produced earlier. By this method, the value of the delivered goods shall be computed according to the price of the lot of goods warehoused most recently or shortly earlier; the value of the inventories shall be computed according to the price of the goods warehoused at the beginning of the period or shortly after the beginning of the period, which still remain in stock.

NET REALIZABLE VALUE AND SETTING UP OF THE INVENTORY PRICE DECREASE RESERVE

18. The value of inventories cannot be fully recovered when they become damaged, outmoded, their selling prices fall or the finishing and/or sale costs rise. The marking-down of inventories to the level equal to the net realizable value is compliant with the principle that assets must not be shown at a value higher than the realized value estimated from their sale or use.

19. At the end of the accounting period of the year, when the net realizable value of inventories is lower than their original price, the reserve for inventory price decrease must be set up. The amount of the to be-set up inventory price decrease reserve is the difference between the original price of inventories and their net realizable value. The inventory price decrease reserve shall be set up for each kind of inventories. For services incompletely provided, the inventory price decrease reserve shall be set up for each type of service with different charges.

20. The estimation of the net realizable value of inventories must be based on reliable evidences gathered at the time of estimation. Such estimation must take into account price fluctuations or costs directly related to events occurring after the ending day of the fiscal year, which have been anticipated through conditions existing at the time of estimation.

21. When estimating the net realizable value, the purpose of the storage of inventories must be taken into account. For example, the net realizable value of the inventories reserved to ensure the performance of uncancellable sale or service provision contracts must be based on the values inscribed in such contracts. If the volume of inventories is bigger than that of goods needed for a contract, the net realizable value of the difference between these two volumes shall be appraised on the basis of the estimated selling price.

22. Raw materials, materials, tools and instruments reserved for use in the manufacture of products must not be valued lower than their original price if the products which have been manufactured with their contributions are to be sold at prices equal to or higher than their production costs. Where there appear decreases in the prices of raw materials, materials, tools and/or instruments but the production costs of products are higher than their net realizable value, the raw materials, materials, tools and instruments left in stock may have their value lowered to be equal to their net realizable value.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



RECOGNITION OF COSTS

24. When selling inventories, the original price of goods sold shall be recognized as production and business expense in the period in consistence with the recognized turnover related thereto. All the difference between the higher inventory price decrease reserve to be set up at the end of the current years accounting period and the lower inventory price decrease reserve already set up at the end of the previous years accounting period, volumes of damaged and lost inventories, after subtracting the compensations paid by individuals due to their liabilities, and unallocated general production costs, shall be recognized as production and business expense in the period. Where the inventory price decrease reserve to be set up at the end of the current years accounting period is lower than the inventory price decrease reserve already set up at the end of the previous years accounting period, the difference thereof must be added and recorded as decrease in production and business expense.

25. Recognition of the value of goods sold as expense incurred in the period must ensure the expense - turnover matching principle.

26. Where some kinds of inventories are used for manufacture of fixed assets or use like self-manufactured workshops, machinery and/or equipment, the original price of these inventories shall be accounted into the fixed asset value.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

27. In their financial statements, the enterprises must present:

a/ Accounting policies applied in the appraisal of inventories, including the method of computing the value of inventories;

b/ The original prices of the total inventories and of each kind of inventories classified in a way suitable to the enterprise;

c/ The value of the inventory price decrease reserve;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Cases or events resulting in the addition to or re-inclusion from the inventory price decrease reserve;

f/ The book value of inventories (the original price minus (-) the inventory price decrease reserve) already mortgaged or pledged for payable debts.

28. Where the enterprises compute the value of inventories by the Last-in, First-out method, their financial statements must show the difference between the value of inventories presented in the accounting balance sheet and:

a/ The period-end value of inventories, which is calculated by the First-in, First-out method (if this value is lower than the period-end value of inventories calculated by the weighted average method as well as the net realizable value); or

And the period-end value of inventories which is calculated by the weighted average method (if this value is lower than the period-end value of inventories calculated by the First-in, Fist-out method as well as the net realizable value); or

And the period-end value of inventories which is calculated according to the net realizable value (if this value is lower than the value of inventories calculated by the First-in, First-out method and the weighted average method); or

b/ The period-end current value of inventories on the date the accounting balance sheet is made (if this value is lower than the net realizable value); or, and the net realizable value (if the period-end value of inventories which is calculated according to the net realizable value is lower than the period-end value of inventories which is calculated according to the current value on the date the accounting balance sheet is made).

29. Presentation of inventories costs in the reports on the production and business results, which are classified functionally.

30. Functional classification of costs means that inventories are presented in the section "Original price of goods sold" in the business result reports, including the original price of goods sold, the inventory price decrease reserve, damaged and lost volumes of inventories after subtracting the compensations paid by individuals due to their liabilities, and unallocated general production costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



TANGIBLE FIXED ASSETS
(Issued and publicized together with Decision No. 149/2001/QD-BTC of December 31, 2001 of the Minister of Finance)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the accounting principles and methods applicable to tangible fixed assets, including criteria of tangible fixed assets, the time of recognition and determination of initial value, costs incurred after initial recognition, determination of value after initial recognition, depreciation, liquidation of tangible fixed assets and some other regulations serving as basis for recording accounting books and making financial statements.

02. This standard applies to the accounting of tangible fixed assets, except where other accounting standards permit the application of other accounting principles and methods to tangible fixed assets.

03. Where other accounting standards prescribe methods of determining and recognizing the initial value of tangible fixed assets other than the methods defined in this standard, other contents of tangible fixed asset accounting shall still comply with the regulations of this standard.

04. Enterprises must apply this standard even when they are affected by price changes, except otherwise prescribed by State decisions related to the re-appraisal of tangible fixed assets.

05. For the purpose of this standard, the terms used herein are construed as follows:

Tangible fixed assets means assets in physical forms which are possessed by the enterprises for use in production and business activities in conformity with the recognition criteria of tangible fixed assets.

Historical cost means all the costs incurred by the enterprises to acquire tangible fixed assets as of the time of putting such assets into the ready-for-use state.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Depreciable value means the historical cost of tangible fixed assets recorded on financial statements, minus (-) the estimated liquidation value of such assets.

Useful life means the duration in which the tangible fixed assets produce their effect on production and business, calculated by:

a/ The duration the enterprise expects to use the tangible fixed assets, or:

b/ The volume of products, or similar calculating units which the enterprise expects to obtain from the use of assets.

Liquidation value means the value estimated to be obtained at the end of the useful life of the assets, after subtracting the estimated liquidation cost.

Reasonable value means the value of assets, which may be exchanged among knowledgeable parties in the par value exchange.

Residual value means the historical cost of tangible fixed assets after subtracting the accumulated depreciation thereof.

Recoverable value means the value estimated to be obtained in future from the use of the assets, including their liquidation value.

CONTENTS OF THE STANDARD

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



06. Criteria for recognition of tangible fixed assets:

To be recognized as tangible fixed assets, assets must meet simultaneously all the following four (4) recognition criteria:

a/ Future economic benefits will surely be obtained;

b/ Their historical cost has been determined in a reliable way;

c/ Their useful life is estimated at more than one year;

d/ They meet all value criteria according to current regulations.

07. Tangible asset accounting is classified by groups of assets of the same nature and use purposes in the enterprises production and business operations, including:

a/ Houses and architectural objects;

b/ Machinery and equipment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Managerial equipment and instruments;

e/ Perennial tree garden, animals reared to labor for humans and to yield products.

f/ Other tangible fixed assets.

08. Tangible fixed assets often constitute a key component in the total assets and play an important role in the reflection of the financial situation of enterprises. Therefore, the determination of an asset whether or not to be recognized as tangible fixed asset or a production or business expense in the period shall greatly affect the reporting of the enterprises operation and business results.

09. When determining the first criterion (prescribed in Section a, paragraph 06) of each tangible fixed asset, the enterprises must determine the degree of certainty of the acquisition of future economic benefits, on the basis of evidences available at the time of initial recognition, and must bear all related risks.

Though being unable to directly yield economic benefits like other tangible fixed assets, those assets used for the purposes of ensuring production and business safety or protecting the environment are necessary for enterprises to achieve more economic benefits from other assets. However, only if their historical cost and that of related assets do not exceed the total value recoverable from them and other related assets shall these assets be recognized as tangible fixed assets. For example, a chemical plant may have to install equipment and carry out new chemical-storing and-preserving processes in order to comply with the environmental protection requirements in the production and storage of toxic chemicals. Any related installed accompanying fixed assets shall only be accounted as tangible fixed assets if without them the enterprises would not be able to operate and sell their chemical products.

10. The second criterion (prescribed in Section b, paragraph 06) for recognizing tangible fixed assets is often satisfied since the historical cost of the fixed assets has been already determined through procurement, exchange, or self-construction.

11. When determining components of tangible fixed assets, the enterprises must apply the criteria of tangible fixed asset on a case-by-case basis. The enterprises may consolidate secondary, separate parts, such as molds, tools, swages, and apply the criteria of tangible fixed asset to such aggregate value. Accessories and auxiliary equipment are often seen as movables and thereby accounted into use costs. Major accessories and maintenance equipment shall be determined as tangible fixed assets when the enterprises estimate that their useful life would last for over one year. If they are only used in association with tangible fixed assets irregularly, they shall be accounted as separate tangible fixed assets and depreciated over a period shorter than the useful life of related tangible fixed assets.

12. In each specific case, the total cost of assets may be allocated to their components and separately accounted for each component. This case shall apply when each component of an asset has a different useful life, or contributes to creating for the enterprise economic benefits which are assessed according to different prescribed criteria so it may use different depreciation rates and methods. For example, an aircraft body and engine should be accounted as two separate tangible fixed assets with different depreciation rates if they have different useful lives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. Tangible fixed assets must have their initial value determined according to their historical cost

DETERMINATION OF HISTORICAL COST OF TANGIBLE FIXED ASSETS ON A CASE-BY-CASE BASIS

Procured tangible fixed assets

14. The historical cost of a procured tangible fixed asset consists of the buying price (minus (-) trade discounts and price reductions), taxes (excluding reimbursed tax amounts) and expenses directly related to the putting of the assets into the ready-for-use state, such as ground preparation expense; initial transportation, loading and unloading expense; installation and trial operation expense (minus (-) amounts recovered from products and wastes turned out from trial operation); expert cost and other directly-related expenses.

For tangible fixed assets formed from construction investment by contractual mode, their historical costs are the settled costs of the invested construction projects, other directly-related expenses and registration fee (if any).

15. Where procured tangible fixed assets are houses, architectural objects associated with the land use right, the land use right value must be separately determined and recognized as intangible fixed asset.

16. Where procured tangible fixed assets are paid by deferred payment mode, their historical cost shall be shown at the buying price promptly paid at the purchase time. The difference between the payable total amount and the promptly-paid buying price shall be accounted as expense in the payment period, except where such difference is included into the historical cost of tangible fixed assets (capitalization) according to the regulations of the accounting standard "Borrowing expenses."

17. Incurred costs, such as administrative management cost, general production costs, trial operation cost and other costs, if not directly related to the procurement and the putting of fixed assets into the ready-for-use state, shall not be included into the historical cost of tangible fixed assets. Initial losses caused by the machinerys failure to operate as planned shall be accounted into production and business expenses in the period.

Self-constructed or self-made tangible fixed assets

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Financial-leasing tangible fixed assets

19. Where tangible fixed assets are leased in the form of financial lease, their historical cost shall be determined according to the regulations of the accounting standard "Asset lease."

Tangible fixed assets purchased in the exchange form

20. The historical cost of a tangible fixed asset purchased in the form of exchange for a dissimilar tangible fixed asset or other assets shall be determined according to the reasonable value of the received tangible fixed assets, or that of the exchanged ones, after adjusting the cash amounts or cash equivalents which are additionally paid or received.

21. The historical cost of a tangible fixed asset purchased in the form of exchange for similar one, or possibly formed through its sale in exchange for the right to own similar ones (similar assets are those with similar utilities, in the same business field and of equivalent value). In both cases no profit or loss is recognized in the exchange process. The historical cost of the received fixed asset shall be the residual value of the exchanged one. For example, the exchange of tangible fixed assets is similar to exchange of machinery, equipment, means of transport, service establishments or other tangible fixed assets.

Tangible fixed assets augmented from other sources

22. The historical cost of a tangible fixed asset which is donated or presented shall be initially recognized according to the initial reasonable value. Where it is not recognized according to the initial reasonable value, the enterprises may recognize it according to the nominal value plus (+) the expenses directly related to the putting of the assets into the ready-for-use state.

COSTS INCURRED AFTER INITIAL RECOGNITION

23. The costs incurred after the initial recognition of tangible fixed assets shall be recorded as increase in their historical cost if these costs are certain to augment future economic benefits obtained from the use of these assets. Those incurred costs which fail to meet this requirement must be recognized as production and business expenses in the period.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Replacing parts of the tangible fixed assets, thereby prolonging their useful life or increasing their use capacity;

b/ Renovating parts of the tangible fixed assets, thereby considerably improving the quality of manufactured products;

c/ Applying new technological production processes, thereby reducing the operational costs of the assets.

25. The repair and maintenance costs of tangible fixed assets for the purpose of restoring or sustaining their capability to bring about economic benefits as in their original operating conditions shall be included into production and business expenses in the period.

26. The accounting of the costs incurred after the initial recognition of tangible fixed assets must be based on each particular case and the recoverability of these costs. When the residual value of the tangible fixed assets has already been composed of reductions in economic benefits, those costs incurred afterwards to restore economic benefits from these fixed assets shall be included in the historical cost of the fixed assets if their residual value does not exceed their recoverable value. Where the buying price of a tangible fixed asset has already covered the enterprises obligation to incur those costs for putting the assets into the ready-for-use state, the capitalization of the costs incurred afterwards must be also based on the recoverability of these costs. For example, an enterprise buys a house which needs some repair before it can be used. The house repair cost shall be included in the historical cost of the asset if such cost is recoverable from the future use of the house.

27. Where some parts of tangible fixed assets need to be replaced on a regular basis, they shall be accounted as independent fixed assets if they satisfy all the four (4) criteria of a tangible fixed asset. For example, air-conditioners in a house may be replaced many times throughout the useful life of the house. The costs incurred in the replacement or restoration of these air-conditioners shall be accounted as an independent asset and the value of the replaced air-conditioners shall be recorded as a decrease.

DETERMINATION OF VALUE AFTER INITIAL RECOGNITION

28. After initial recognition, during their use process, tangible fixed assets shall be determined according to their historical costs, accumulated depreciation and residual values. Where they are re-appraised according to the States regulations, their historical cost, accumulated depreciation and residual value must be adjusted according to the re-appraisal results. The difference resulting from the re-valuation of tangible fixed assets shall be handled and accounted according to the States regulations

DEPRECIATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



30. Economic benefits yielded by tangible fixed assets shall be gradually exploited by the enterprises through the use of these assets. Nevertheless, other factors, like technical backwardness, wear-and-tear of these fixed assets due to their non-use, often cause reductions in the economic benefits which the enterprises expect these assets would bring about. Therefore, when determining the useful life of tangible fixed assets, the following factors must be taken into account:

a/ The extent of use of such asset, estimated by the enterprise. The extent of use is assessed according to the estimated capacity or output;

b/ The extent of wear-and-tear, depending on the related elements in the assets use process, such as the number of working shifts, the enterprises repair and maintenance of the asset as well as its upkeep when not in operation;

c/ Invisible wear-and-tear arising from the replacement or renovation of the technological chain or changes in the market demand for the products or service turned out by the asset;

d/ Legal constraints in the asset use, such as the date of expiry of the contract of financial-leasing fixed assets.

31. The useful life of tangible fixed assets shall be determined by the enterprises mainly on the expected use extent of the assets. However, due to the asset management policy of the enterprises, the estimated useful life of fixed assets may be shorter than their actual useful life. Therefore, the estimation of the useful life of a tangible fixed asset must be also based on the enterprises experiences on assets of the same type.

32. Three methods of depreciation of tangible fixed assets are:

- Straight-line depreciation method;

- Declining-balance depreciation method; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



By the straight-line depreciation method, the annual depreciation amount is kept unchanged throughout the useful life of assets. By the declining-balance depreciation method, the annual depreciation amount gradually declines throughout the useful life of assets. The units-of-output depreciation method is based on the estimated total quantity of product units the assets may turn out. The depreciation method applied by the enterprises to each tangible fixed asset must be implemented consistently, except where appear changes in the mode of its use.

The enterprises must not continue depreciating tangible fixed assets which have been entirely depreciated but still used for production and business operations.

RECONSIDERATION OF USEFUL LIFE

33. The useful life of tangible fixed assets must be reconsidered periodically, usually at the end of the fiscal year. If there is any considerable change in the estimation of the useful life of assets, the depreciation rate must be adjusted.

34. In the process of using fixed assets, once it has been determined with certainty that the useful life is no longer suitable, it must be adjusted together with the depreciation rate for the current year and subsequent years, which shall be expounded in the financial statements. For example: The useful life may be extended as a result of the improvement of the assets conditions as compared with their initial standard conditions; technical modifications or changes in the demands for products produced by a machine may also shorten the useful life of the assets.

35. The tangible fixed asset repair and maintenance regime may help prolong the actual useful life or increase the estimated liquidation value of assets but the enterprises must not change the depreciation rate of these assets.

RECONSIDERATION OF THE DEPRECIATION METHOD

36. The method of depreciation of tangible fixed assets must be reconsidered periodically, usually at the end of the fiscal year; if there is any change in the way of using the assets, which brings about benefits for the enterprises, the depreciation method and rate may be changed for the current year and subsequent years.

SALE AND LIQUIDATION OF TANGIBLE FIXED ASSETS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



38. Profits or losses arising from liquidation or sale of tangible fixed assets shall be determined as differences between incomes and liquidation or sale costs plus (+) the residual value of the tangible fixed assets. These profits or losses shall be recognized as an income or an expense on the reports on the business results in the period.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

39. In their financial statements, the enterprises must present the following information on each type of tangible fixed asset:

a/ Method of determination of the historical cost of the tangible fixed asset;

b/ Method of depreciation, the useful life or depreciation rate;

c/ The historical cost, accumulated depreciation and residual value at the beginning of the year and at the end of the period;

d/ A written explanation of the financial statement (the section Tangible Fixed Assets) must cover the following information:

- The historical cost of the tangible fixed asset, any increase and/or decrease in the period;

- The depreciated amount in the period, any increase, decrease and the accumulated amount by the end of the period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Investment costs of unfinished capital constructions;

- Commitments to the future purchase or sale of tangible fixed assets of big value;

- The residual value of tangible fixed assets temporarily not in use;

- The historical cost of fully-depreciated tangible fixed assets which are still in use;

- The residual value of tangible fixed assets awaiting liquidation;

- Other changes in tangible fixed assets.

40. The determination of the depreciation method and the estimation of the useful life of tangible fixed assets bear a purely presumptive nature. Therefore, the presentation of the applied depreciation methods and the estimated useful life of tangible fixed assets permits the users of financial statements to examine the correctness of the policies set out by the enterprise management and have basis for comparison with other enterprises.

41. The enterprises must present the nature and impact of the changes in accounting estimation which bear a crucial influence in the current accounting period or subsequent periods. The information must be presented when there arise changes in the accounting estimates related to the already liquidated or to be-liquidated tangible fixed assets, their useful life and depreciation methods.

Standard No. 04

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods of accounting intangible fixed assets, including: criteria of intangible fixed assets, time of recognition and determination of the initial value, costs incurred after initial recognition, determination of the value after initial recognition, depreciation, liquidation of intangible fixed assets and some other regulations serving as basis for recording accounting books and making financial statements.

02. This standard applies to the accounting of intangible fixed assets, except where other standards permit the application of other accounting principles and methods to intangible fixed assets.

03. A number of intangible fixed assets may be contained within or on physical objects like compact discs (in cases where computer software is recorded in compact discs), legal documents (in cases of licenses or invention patents). In order to determine whether or not an asset containing both intangible and tangible elements is accounted according to the regulations of the tangible fixed asset standard or intangible fixed asset standard, the enterprises must base themselves on the determination of which elements being important. For example, if computer software is an integral part of the hardware of a computer, without it the computer cannot operate, such software is a part of the computer and thus it is considered a part of tangible fixed asset. In cases where software is a part detachable from the related hardware, it is an intangible fixed asset.

04. This standard prescribes the expenses related to the advertisement, personnel training, enterprise establishment, research and development. Research and development activities oriented at the knowledge development may create an asset in a physical form (i.e. models) but the physical element only plays a secondary role as compared with the intangible component being knowledge embedded in such asset.

05. Once the financial-leasing intangible fixed assets have been initially recognized, the lessees must account them in the finance-leasing contracts according to this standard. The rights under licensing contracts to films, video programs, plays, manuscripts, patents and copyright shall fall within the scope of this standard.

06. For the purpose of this standard, the terms used herein are construed as follows:

Asset is a resource which is:

a/ controllable by the enterprise; and

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Intangible fixed assets mean assets which have no physical form but the value of which can be determined and which are held and used by the enterprises in their production, business, service provision or leased to other subjects in conformity with the recognition criteria of intangible fixed assets.

Research means a planned initial survey activity carried out to obtain new scientific or technical understanding and knowledge.

Development means an activity of applying research results or scientific knowledge to a plan or design so as to make products of a new kind or to substantially renovate materials, tools, products, processes, systems or new services before their commercial production or use.

Historical cost means all costs incurred by the enterprises to acquire intangible fixed assets as of the time of putting these assets into use as expected.

Depreciation means the systematic allocation of the depreciable value of intangible asset throughout their useful life.

Depreciable value means the historical cost of an intangible asset recorded in the financial statement minus (-) the estimated liquidation value of the asset.

Useful life means the duration in which intangible fixed assets promote their effects on production and business, calculated by:

a/ The time for which the enterprise expects to use the intangible asset; or

b/ The quantity of products, or similar calculating units which the enterprise expects to obtain from the use of the assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Residual value means the historical value of an intangible fixed asset after subtracting (-) the accumulated depreciation of the asset.

Reasonable value means the value of assets which may be exchanged between the knowledgeable parties in the par value exchange.

Operating market means a market which meets simultaneously all the following three (3) conditions:

a/ Products sold on the market are homogenous;

b/ Purchaser and seller may find each other at any time;

c/ Prices are made public.

INTANGIBLE FIXED ASSETS

07. The enterprises often make investment in order to acquire intangible resources such as the right to use land for a definite term, computer software, patent, copyright, aquatic resource exploitation permit, export quota, import quota, right concession permit, business relations with customers or suppliers, customers loyalty, market shares, the marketing right

08. In order to determine whether or not intangible resources specified in paragraph 07 meet the definition of an intangible fixed asset, the following factors shall be considered: Identifiability, resource controllability and certainty of future economic benefits. If an intangible resource fails to satisfy the intangible fixed asset definition, the costs incurred in the formation of such intangible resource must be recognized as production and business expenses in the period or as pre-paid expenses. Particularly for those intangible resources the enterprises have acquired through enterprise merger of re-purchase character, they shall be recognized as goodwill on the date of arising of the purchase operation (under the regulations in paragraph 46).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



09. Intangible fixed assets must be separately identifiable so that they can be clearly distinguished from goodwill. Goodwill arising from the enterprise merger of re-purchase character is shown with a payment made by the asset purchaser in order so as to possibly obtain future economic benefits.

10. An intangible fixed asset is considered identifiable when the enterprises may lease, sell or exchange it or acquire concrete future economic benefits therefrom. Those assets which can only generate future economic benefits when combined with other assets shall be still seen as separately identifiable if the enterprises can determine with certainty future economic benefits to be brought about by such assets.

Controllability

11. An enterprise is in control of an asset if it has the right to acquire future economic benefits yielded by such asset and, at the same time, is able to limit other subjects access to these benefits. The enterprises controllability of future economic benefits from intangible fixed assets, often derives from legal rights.

12. Market knowledge and expertise may bring about future economic benefits. The enterprise may control these benefits if they have legal right, for example: Copyright, aquatic resource exploitation permit.

13. If an enterprise has a contingent of skilled employees and through training, it may ascertain that improvement of their employees knowledge would bring about future economic benefits, but it is unable to control these economic benefits, therefore the enterprise cannot recognize such as an intangible fixed asset. Leadership talent and professional techniques shall not be recognized as intangible fixed assets except where these assets are secured with legal rights to use them and acquire future economic benefits and, at the same time, meet all the requirements of the intangible fixed asset definition and recognition criteria.

14. For enterprises which have customers name lists or market shares, if they have neither legal rights nor other measures to protect or control economic benefits from the relations with customers and their loyalty, they must not recognize these as intangible fixed assets.

Future economic benefits

15. Future economic benefits yielded by intangible fixed assets for the enterprises may include: Turnover increase, saved costs, or other benefits originating from the use of intangible fixed assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



RECOGNITION AND DETERMINATION OF INITIAL VALUE

16. To be recognized as intangible fixed asset, an intangible asset must simultaneously satisfy:

- The definition of an intangible fixed asset; and

- Four (4) recognition criteria below:

+ The certainty to acquire future economic benefits brought about by the asset;

+ The assets historical cost must be determined in a reliable way;

+ The useful life is estimated to last for over one year;

+ All value criteria prescribed by current regulations are met.

17. The enterprises must determine the degree of certainty to acquire future economic benefits through using reasonable and grounded assumptions on the economic conditions which will exist throughout the useful life of the assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



DETERMINATION OF HISTORICAL COST OF INTANGIBLE FIXED ASSETS IN EACH CASE

Purchase of separate intangible fixed assets

19. The historical cost of a separately-purchased intangible fixed asset consists of the buying price (minus (-) trade discounts or price reductions), taxes (excluding reimbursed tax amounts) and expenses directly related to the putting of the asset into use as planned.

20. Where the land use right is purchased together with houses and architectural objects affixed on the land, its value must be separately determined and recognized as intangible fixed asset.

21. Where a procured intangible asset is paid by deferred payment mode, its historical cost shall be shown at the purchasing price which should have been promptly paid at the time of purchase. The difference between the total amount payable and the promptly-paid purchase price shall be accounted into the production and business expense according to the payment period, except where such difference is included in the historical cost of the intangible asset (capitalization) under the regulations of the accounting standard "Costs of borrowing."

22. If an intangible fixed asset is formed from the exchange involving payment accompanied with vouchers related to the capital ownership of the establishment, its historical cost is the reasonable value of vouchers issued in relation to capital ownership.

Purchase of intangible fixed assets through enterprise merger

23. The historical cost of an intangible fixed asset formed from the process of enterprise merger of re-purchase character is the reasonable value of such asset on the date of purchase (the date of enterprise merger).

24. The enterprises must determine the historical cost of intangible fixed assets in a reliable way for separate recognition of these assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The price posted up on the operating market;

- The price of the operation of trading in similar intangible fixed assets.

25. If the operating market for assets does not exist, the historical costs of intangible fixed assets shall be equal to the amounts the enterprises should have paid on the date of purchase of the fixed assets under the condition that such operation is carried out objectively on the basis of available reliable information. In this case, the enterprises should consider carefully the results of these operations in correlation with similar assets.

26. Upon enterprise merger, intangible fixed assets shall be recognized as follows:

a/ The purchaser shall recognize assets as intangible fixed assets if they meet the intangible fixed asset definition and recognition criteria specified in paragraphs 16 and 17, even if such intangible fixed assets were not recognized in the financial statements of the asset seller;

b/ If an intangible asset is purchased through enterprise merger of re-purchase character but its historical cost cannot be determined reliably, the asset shall not be recognized as a separate intangible fixed asset but accounted as goodwill (under the regulations in paragraph 46).

27. Where no operating market exists for intangible fixed assets purchased through enterprise merger of re-purchase character, the historical cost of intangible fixed assets shall be the value at which they do not create negative-value goodwill which arises on the date of enterprise merger.

Intangible fixed assets being the right to use land for a definite term

28. The historical cost of an intangible fixed asset is the right to use land for a definite term when the land is allocated or the payment made when receiving the land use right lawfully transferred from other persons, or the land use right value contributed to joint-venture capital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Intangible fixed assets allocated by the state or donated or presented

30. The historical cost of an intangible fixed asset which is allocated by the State, donated or presented, is determined according to the initial reasonable value plus (+) the expenses directly related to the putting of the assets into use as planned.

Intangible fixed assets purchased in the form of exchange

31. The historical cost of an intangible fixed asset purchased in the form of exchange for a dissimilar intangible or another asset is determined according to the reasonable value of the received intangible fixed asset or equal to the reasonable value of the exchanged asset, after adjusting the cash amounts or cash equivalents additionally received or paid.

32. The historical cost of an intangible fixed asset purchased in the form of exchange for a similar intangible fixed one, or possibly formed through its sale in exchange for the right to own a similar assets (similar asset are those with similar utilities, in the same business field and of equivalent value). In both cases, no profit or loss is recognized in the exchange process. The historical cost of the received intangible fixed asset is equal to the residual value of the exchanged intangible fixed asset.

Goodwill created from within the enterprises

33. Goodwill created from within the enterprises shall not be recognized as assets.

34. Costs incurred to generate future economic benefits but not form intangible fixed assets because they fail to satisfy the definition and recognition criteria in this standard but to create goodwill within the enterprises. The goodwill created within the enterprises shall not be recognized as assets since they are not identifiable resources, nor appraisable in a reliable way nor controllable by the enterprises.

35. The difference between the market value of an enterprise and the value of its net asset value recorded on the financial statement, which is determined at a certain point of time, shall not be recognized as an intangible fixed asset controlled by the enterprise.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



36. In order to assess whether or not an intangible asset created from within an enterprise on the date of arising of the operation meets the intangible fixed asset definition and recognition criteria, the enterprise must divide the asset-forming process into:

a/ The research stage; and

b/ The development stage.

37. If the enterprise cannot distinguish the research stage from the development stage of an internal intangible asset-creating project, it must account all incurred costs related to such project as expenses so as to determine the business results in the period.

Research stage

38. All costs incurred in the research stage shall not be recognized as intangible fixed assets but as production and business expenses in the period.

39. Examples of activities in the research stage:

a/ Activities of researching into and developing new knowledge, and activities of exploring, evaluating and selecting final options;

b/ The application of research results, or other knowledge;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Formulas, designs, evaluation and final selection of alternative methods for materials, tools, products, processes, systems, services, new or further improved.

Development stage

40. Intangible assets created in the development stage shall be recognized as intangible fixed assets if they meet all the following seven (7) conditions:

a/ Their technical feasibility assures the finishing and putting of the intangible assets into use as planned or for sale;

b/ The enterprises intend to finish the intangible assets for use or sale;

c/ The enterprises are capable of using or selling the intangible assets;

d/ The intangible assets must generate future economic benefits;

e/ There are adequate technical, financial and other resources for completion of the development stage, sale or use of such intangible assets;

f/ Being capable of determining with certainty all costs in the development stage for creating the intangible assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



41. Examples of development activities:

a/ Designing, constructing and experimenting prototypes or models before they are put into production or use;

b/ Designing tools, molds, jigs and swages related to new technologies;

c/ Designing, constructing and operating economically infeasible trial workshops for commercial production operations;

d/ Designing, developing and manufacturing on a trial basis substitute materials, tools, products, processes, systems and services, new or improved.

42. Trademarks, distribution right, customers name list and similar items formed from within the enterprises shall not be recognized as intangible fixed assets.

Historical costs of intangible fixed assets created from within the enterprises

43. Intangible fixed assets created from within the enterprises shall be initially appraised according to their historical costs consisting of all costs incurred from the time the intangible assets satisfy the intangible fixed asset definition and recognition criteria prescribed in paragraphs 16, 17 and 40 until they are put into use. The costs incurred before this point of time must be included in production and business expenses in the period.

44. The historical cost of an intangible fixed asset created from within an enterprise consists of all directly related expenses or allocated according to rational and consistent norms at all stages from designing, construction, trial production to preparation for putting the asset into use as planned.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Costs of raw materials, materials or services already used in the creation of the intangible fixed assets;

b/ Salaries, wages and other expenses related to the hiring of employees personally involved in the creation of such asset;

c/ Other expenses directly related to the creation of the asset, such as expenses for registration of legal rights, depreciation of patent and license used in the creation of such asset;

d/ General production costs allocated into the asset according to rational and consistent norms (for example: allocation of the depreciation of workshops, machinery, equipment, insurance premiums, and rents of workshops and equipment).

45. The following costs must not be included in the historical cost of intangible fixed assets created from within the enterprises:

a/ Sale cost, enterprise management cost and general production costs not directly related to the putting of the assets into use;

b/ Unreasonable expenses such as those for wasted raw materials and materials, labor and other expenses in excess of the normal level;

c/ Cost of training of employees to operate the assets.

RECOGNITION OF COSTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Costs of creating part of the historical cost of an intangible fixed asset satisfying the intangible fixed asset definition and recognition criteria (prescribed from paragraph 16 to 44).

b/ Intangible assets formed from the process of enterprise merger of re-purchase character, which fail to satisfy the intangible fixed asset definition and recognition criteria, these costs (included in the asset re-purchase expenses) shall form part of the goodwill (including cases where goodwill bear a negative value) on the date of decision of enterprise merger.

47. Those costs incurred to yield future economic benefits for the enterprises but not recognized as intangible fixed assets, shall be recognized as production and business expenses in the period, excluding those costs specified in paragraph 48.

48. Those costs incurred to generate future economic benefits for the enterprises, including enterprise establishment cost, personnel-training cost and advertising cost incurred before the newly-set up enterprises start to operate, costs for the research stage, relocation cost, shall be recognized as production and business expenses in the period or gradually allocated into production and business expenses in the maximum period of three years.

49. Costs related to intangible assets, which have been recognized by the enterprises as costs of determining the business operation results in the previous period, shall not be re-recognized as part of the historical cost of intangible fixed assets.

COST INCURRED AFTER INITIAL RECOGNITION

50. Costs related to intangible fixed assets, which are incurred after initial recognition, must be recognized as production and business expenses in the period; if they meet simultaneously the two following conditions, they shall be included into the historical costs of intangible fixed assets:

a/ These costs can help intangible fixed assets generate more future economic benefits than the original operation evaluation;

b/ These costs are appraised in a certain way and associated with a specific intangible asset.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



52. Those costs which are incurred after the initial recognition and related to trademarks, distribution right, customers name list and items of similar nature (including those purchased from outside or created from within the enterprise) shall be always recognized as production and business expenses in the period.

DETERMINATION OF VALUE AFTER INITIAL RECOGNITION

53. After initial recognition, in their use process, the intangible fixed assets shall be determined according to their historical cost, accumulated depreciation and residual value.

DEPRECIATION

Depreciation period

54. The depreciable value of an intangible fixed asset must be systematically allocated throughout its estimated reasonable useful life. The depreciation period of an intangible asset shall not exceed 20 years. Depreciation shall start from the time the intangible fixed asset is put into use.

55. When determining the useful life of an intangible fixed asset as basis for calculating depreciation, the following factors must be taken into account:

a/ The estimated usage of the asset;

b/ The life circle of products and general information on the estimates related to the useful life of identical types of fixed assets which are used under similar conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Stability of the sector using this asset and the change in the market demand for products or the provision of services brought about by such asset;

e/ Projected activities of existing or potential competitors;

f/ Necessary maintenance cost;

g/ The asset control period, legal constraints and other constraints in the process of using the asset;

h/ The dependence of the useful life of the intangible fixed asset on other assets in the enterprise.

56. For computer software and other intangible fixed assets which may become technically obsolete rapidly, their useful life is often shorter.

57. In some cases, the useful life of intangible fixed assets may exceed 20 years upon reliable evidences but must be specified. In this case, the enterprises must:

a/ Depreciate the intangible fixed assets according to their most accurately-estimated useful life;

b/ Justify the reasons for the estimation of the assets useful life in the financial statements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



59. Economic and legal factors affecting the useful life of intangible fixed assets include: (1) Economic factors decisive to the period in which future economic benefits are obtained; (2) Legal factors restricting the period during which the enterprise controls these economic benefits. The useful life is a period shorter than the above-said periods.

Depreciation methods

60. The depreciation methods applicable to intangible fixed assets must reflect the mode of recovering economic benefits from such intangible fixed assets of the enterprises. The depreciation method used for each intangible fixed asset shall apply uniformly in many periods and may be changed when there appears a significant change in the enterprises mode of recovering economic benefits. The depreciation cost for each period must be recognized as a production and business expense, unless it is included in the value of other assets.

61. There are three (3) depreciation methods for intangible fixed assets, including:

Straight-line depreciation method;

Declining-balance depreciation method;

Units-of-output depreciation method.

- By to the straight-line depreciation method, the annual depreciated amount is kept unchanged throughout the intangible fixed assets useful life.

- According to the declining-balance method, the annual depreciated amount gradually declines throughout the assets useful life.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Liquidation value

62. An intangible fixed asset has a liquidation value when:

a/ There is a third party agreeing to re-purchase the asset at the end of its useful life; or

b/ There is an operating market at the end of the assets useful life and the liquidation value may be identified through the market price.

When none of the above-mentioned two conditions exists, the liquidation value of an intangible fixed asset is determined as zero (0).

63. The depreciable value is determined as equal to the historical cost minus (-) the estimated liquidation value of the asset.

64. The liquidation value is estimated when an intangible fixed asset is created and put into use on the basis of the prevailing selling price at the end of the useful life of a similar asset which has been operating under similar conditions. The estimated liquidation value shall not rise when there appear changes in price or value.

Reconsideration of the depreciation period and depreciation method

65. The period and methods of depreciation of intangible fixed assets must be reconsidered at least at the end of every fiscal year. If the estimated useful life of an asset sees a big difference from the previous estimates, the depreciation period must be modified accordingly. The method of depreciation of intangible fixed assets may be changed when there emerges a significant change in the way of estimating the economic benefits recoverable for the enterprises. In this case, the depreciation cost in the current year and subsequent years must be adjusted, which must be justified in the financial statements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



67. Throughout the useful life of intangible fixed assets, the way of estimating future economic benefits which the enterprises expect to obtain may be changed, and so the method of depreciation need to be changed accordingly. For example, the declining balance depreciation method proves more suitable than the straight-line depreciation method.

SALE AND LIQUIDATION OF INTANGIBLE FIXED ASSETS

68. Intangible fixed assets shall be recorded as decrease when they are liquidated, sold or deemed to generate no economic benefits in subsequent use.

69. Profits or losses arising from the liquidation or sale of intangible fixed assets shall be the difference between incomes and liquidation or sale costs plus (+) the residual value of the intangible assets. Such profits or losses shall be recognized as an income or a cost on the in the business result report in the period.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

70. In financial statements, the enterprises must present the following information on each type of intangible fixed assets created from within the enterprises and each type of intangible fixed assets formed from other sources:

a/ Method of determining the historical cost of the intangible fixed asset;

b/ Depreciation method; the useful life or depreciation rate;

c/ The historical cost; accumulated depreciation and residual value at the beginning of the year and at the end of the period;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Increase in the historical cost of intangible fixed assets, of which the value of intangible fixed assets increases from activities in the development stage or enterprise merger;

- Decrease in the historical cost of intangible fixed assets;

- Depreciation in the period, any increase, decrease and accumulated amount at the end of the period;

- Reasons for an intangible fixed asset to be depreciated in over 20 years (when giving these reasons, the enterprises must point out the important factors in the determination of the useful life of the asset).

- The historical cost, accumulated depreciation, residual value and remaining depreciation duration of each intangible fixed asset holding an important position or representing a large proportion in the enterprises fixed assets;

- Reasonable value of the intangible fixed assets allocated by the State (as stipulated in paragraph 30), explicitly stating the reasonable value upon initial recognition; accumulated depreciation value; residual value of the fixed assets;

- Residual value of intangible fixed assets already mortgaged for payable debts;

- Commitments to future sale and purchase of intangible fixed assets of big value ;

- Residual value of intangible fixed assets temporarily not in use;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Residual value of intangible fixed assets awaiting liquidation;

- Justification of the costs incurred in the research and development stages, which have been recognized as production and business expenses in the period;

- Other changes concerning intangible fixed assets.

71. Accounting of intangible fixed assets which are classified by groups of fixed assets of the same nature and use purposes in the enterprises operations, including:

a/ The right to use land for a definite term;

b/ Trademarks;

c/ Distribution rights;

d/ Computer software;

e/ Licenses and right concession permits;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Preparation formulas and methods, models, designs and prototypes;

h/ Intangible fixed assets being developed.

Standard No. 14

TURNOVER AND OTHER INCOMES
(Issued and publicized together with Decision No. 149/2001/QD-BTC of December 31, 2001
of the Minister of Finance)

GENERAL PROVISIONS

01. This standard aims to prescribe and guide the principles and methods of accounting turnover and other incomes, including turnover of different kinds, time of recognition of turnover, methods of accounting turnover and other incomes as basis for recording accounting books and making financial statements.

02. This standard applies to accounting turnover amounts and other incomes arising from the following transactions and operations:

a/ Goods sale: Selling products manufactured by the enterprises and bought-in goods;

b/ Provision of services: Performing the work agreed upon in the contracts in one or many accounting periods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Interests mean sums of money earned from letting other persons use cash, cash equivalents or debts owed to the enterprises such as loan interest, deposit interest, securities investment profit, payment discount;

Royalty means a sum of money earned from letting other persons use one’s fixed assets such as patent, trademark, copyright, computer software;

Distributed dividends and profits mean profits distributed from the stock holding or capital contribution.

d/ Other incomes not arising from the above turnover-generating transactions and operations (the contents of other incomes are stipulated in paragraph 30).

This standard does not apply to accounting other turnover and incomes prescribed in other accounting standards.

03. For the purpose of this standard, the terms used herein are construed as follows:

Turnover means the total value of economic benefits gained by an enterprise in an accounting period, which arise from the enterprises normal production and business operations, contributing to increasing the owners capital.

Trade discount means a reduction of the listed price granted by the selling enterprises to the buyers of large volumes of goods.

Reduction of the price of goods sold means a price reduction granted to the buyers due to the goods inferior quality, wrong specifications or old-fashionedness.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Payment discount means a sum of money reduced by the sellers for the buyers who make full payment for the goods before the contractual deadline.

Other incomes mean revenues contributing to increasing the owners capital, which are generated from operations other than turnover-generating operations.

Reasonable value means the value of an asset exchangeable or the value of a debt voluntarily paid between the knowledgeable parties in par value exchange.

CONTENTS OF THE STANDARD

04. Turnover shall consist of only the total value of economic benefits the enterprises have gained or will gain. Amounts collected for a third party, which do not constitute a source of economic benefits nor increase the owners capital of the enterprises, shall not be considered turnover (for example: Where an agent collects proceeds from goods sale for the goods owner, his/her turnover shall only be earned commissions). Shareholders or owners capital contributions which help increase owners capital shall not be turnover.

DETERMINATION OF TURNOVER

05. Turnover is determined according to the reasonable value of received or receivable amounts.

06. Turnover arising from transactions is determined under the agreement between the enterprise and the buyer or the asset user. It is determined as the reasonable value of received or receivable amounts minus (-) trade discount, payment discount, reductions in the price of goods sold and value of returns of goods sold.

07. For cash amounts or cash equivalents not yet immediately received, turnover shall be determined by converting the nominal value of amounts receivable in future into the actual value at the time of turnover recognition at the current interest rates. The actual value at the time of turnover recognition may be smaller than the nominal value receivable in future.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When goods or services are exchanged for goods or services of dissimilar nature and value, such exchange shall be regarded as a turnover-generating transaction. In this case, turnover shall be determined as reasonable value of the received goods or services after adjusting cash amounts or cash equivalents additionally paid or received. Where it is impossible to determine the reasonable value of the received goods or services, turnover shall be determined as equal to the reasonable value of the exchanged goods or services, after adjusting cash amounts or cash equivalents additionally paid or received.

RECOGNITION OF TRANSACTIONS

09. The transaction recognition criteria in this standard shall apply separately to each transaction. In a number of cases, the transaction recognition criteria should apply separately to each component of a single transaction in order to reflect the nature of such transaction. For example, when the selling price of a product already covers a pre-set amount for the post-sale service provision, turnover from the post-sale service provision shall be postponed until the enterprise performs such service. The transaction recognition criteria shall also apply to two or many transactions which are commercially interrelated. In this case they must be examined in an overall relationship. For example, if an enterprise sells the goods and at the same time signs another contract for re-purchase of the same goods after some time, these two contracts must be examined simultaneously and turnover therefrom shall not be recognized.

Sale turnover

10. Sale turnover shall be recognized if it simultaneously meets the following five (5) conditions:

a/ The enterprise has transferred the majority of risks and benefits associated with the right to own the products or goods to the buyer;

b/ The enterprise no longer holds the right to manage the goods as the goods owner, or the right to control the goods;

c/ Turnover has been determined with relative certainty;

d/ The enterprise has gained or will gain economic benefits from the good sale transaction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. The enterprises must determine the time of transfer of the majority of risks and benefits associated with the right to own the goods to the buyers in each specific case. In most cases, this time shall coincide with the time of transfer of the benefits associated with the lawful ownership right or the goods-controlling right to the buyers.

12. Where the enterprises still bear the majority of risks associated with the right to own the goods, the concerned transactions shall not be regarded as good sale operations nor shall turnover therefrom be recognized. The enterprises must also bear any risks associated with the right to own the goods in different forms such as:

a/ The enterprises shall be also responsible for ensuring the normal operation of the fixed assets, which is not included in normal warranty provisions.

b/ When the payment for the sale of goods remains uncertain as it depends on the buyer of such goods;

c/ When the delivered goods are to be installed and such installation is an important part of the contract which the enterprise has not yet completed;

d/ When the buyer is entitled to cancel the goods purchase for some reason already stated in the purchase and sale contract and the enterprise is not sure whether or not the goods shall be returned.

13. If the enterprises have to bear only minor risks associated with the right to own the goods, the goods sale shall be determined and turnover therefrom recognized. For example, the enterprises still hold papers pertaining to the goods ownership only to ensure receipt of full payments.

14. Sale turnover shall be recognized only when there is assurance that the enterprises will receive economic benefits from the transactions. Where the economic benefits from the goods sale transactions still depend on uncertain factors, turnover therefrom shall be recognized only after these uncertain factors have been dealt with (for example, when the enterprise is not sure whether or not the Government of the host country would permit the remittance of money earned from the goods sale therein). If turnover has been recognized in cases where money has not yet been collected, once such debt is determined irrecoverable, it must be accounted into the production and business expense in the period but not recorded as a decrease in turnover. When a receivable amount is determined unlikely to be received (bad debts) it must not be recorded as a decrease in turnover, and a bad debt reserve must be set up. Bad debts, once actually determined as irrecoverable, shall be offset with the bad debt reserve.

15. Turnover and cost related to the same transaction must be simultaneously recognized according to the matching principle. The costs, including those incurred after the goods delivery date (such as warranty and other costs), are often determined with certainty when the turnover recognition conditions are met. Those sums of money prepaid by the customers shall not be recognized as turnover but as a payable debt at the time of receipt thereof from the customers. The payable debts for the sums of money prepaid by the customers shall be recognized as turnover if they simultaneously satisfy all the five conditions specific in paragraph 10.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



16. Turnover from service provision transactions shall be recognized when the results of these transactions are determined in a reliable way. Where a service provision transaction relates to many periods, turnover shall be recognized in each period according to the results of the work volume finished on the date of making of such periods accounting balance sheet. The result of a service provision transaction shall be determined only when it satisfies all the four (4) conditions below:

a/ Turnover is determined with relative certainty;

b/ It is possible to obtain economic benefits from the service provision transaction;

c/ The work volume finished on the date of making the accounting balance sheet can be determined;

d/ The costs incurred from the service provision transaction and the costs of its completion can be determined.

17. Where the service provision transaction is carried out over many accounting periods, the determination of service turnover in each period shall be made by the percentage-of-completion method. By this method, turnover recognized in the accounting period shall be determined as a percentage of the completed work portion.

18. Turnover from the provision of services shall be recognized only when there is assurance that enterprises shall receive economic benefits from the transactions. If a recognized turnover cannot be recovered, it must be accounted as expense but not recorded as decrease in turnover. When it is uncertain to recover an amount which was already recorded into turnover (bad debts), such amount must not be recorded as decrease in turnover and a bad debt reserve must be set up therefor. When a bad debt is actually determined as irrecoverable, it shall be offset with the bad debt reserve source.

19. The enterprises may estimate turnover from the provision of services if they can negotiate with their transaction counterparts the following conditions:

a/ Liabilities and rights of each party in the provision or receipt of services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Payment deadline and mode;

In order to estimate turnover from the service provision, the enterprises must keep an appropriate financial planning and accounting system. When necessary, they may consider and modify the way of estimating turnover in the service-providing process.

20. The completed work portion shall be determined according to one of the following methods, depending on the nature of services:

a/ Evaluation of the completed work portion;

b/ Comparison of the percentage (5) of the completed work portion with the total work volume to be completed;

c/ The percentage (%) of the incurred costs against the estimated total cost needed for completion of the whole service-providing transaction.

The completed work portion does not depend on the periodic payments or advances of the customers.

21. Where services are provided through different but indivisible activities and over many certain accounting periods, the turnover in each period shall be recognized according to the average method. When there is a basic activity compared with other activities, the turnover recognition shall be effected according to such basic activity.

22. When the result of a service-providing transaction cannot be determined with certainty, turnover therefrom shall be recognized corresponding to the recognized and recoverable costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Turnover from interests, royalties, distributed dividends and profits

24. Turnover arising from interests, royalties, distributed dividends and profits of the enterprises shall be recognized if they simultaneously satisfy the two (2) conditions below:

a/ It is possible to obtain economic benefits from the concerned transactions;

b/ Turnover is determined with relative certainty.

25. Turnover from interests, royalties, distributed dividends and profits of the enterprises shall be recognized on the basis of:

a/ Interests recognized on the basis of the actual time and interest rates in each period;

b/ Royalties recognized on the basis of accruement in compliance with the contracts.

c/ Distributed dividends and profits shall be recognized when shareholders are entitled to receive dividends or the capital-contributing parties are entitled to receive profits from the capital contribution.

26. Actual interest rates are interest rates used in the conversion of sums of money receivable in future throughout the duration in which fixed assets are used by other parties into the initially-recognized value at the time the fixed assets are handed over to the users. Interest turnover consists of the allocated amounts of assorted discounts, additional amounts, pre-paid interests or differences between the initial book value of debt tools and their value upon maturity.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



28. Royalties may be accrued under the provisions of the contracts (for example, the royalty of a book is accrued on the basis of the quantity of copies per publication and on the publication times) or calculated on the basis of each contract.

29. Turnover shall be recognized when there is assurance that the enterprises shall receive economic benefits from the transactions. When an amount which has been recorded as turnover becomes irrecoverable, such irrecoverable or uncertainly recoverable amount must be accounted as expense incurred in the period, but not recorded as turnover decrease.

Other incomes

30. Other incomes prescribed in this standard include revenues from irregular- activities other than turnover-generating activities, including:

- Revenues from the asset liquidation and sale;

- Fines paid by customers for their contract breaches;

- Collected insurance compensation;

- Collected debts which had been written off and included in the preceding periods expenses;

- Payable debts now recorded as revenue increase as their owners no longer exist;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Other revenues.

31. Revenue from the asset liquidation and sale is the total amount received and receivable from the buyers through asset liquidation and sale. The asset liquidation and sale costs shall be recognized as expenses so as to determine the business results in the period.

32. Collected debts which had been written off and included in the preceding periods expenses are bad debts which had been determined as irrecoverable, written-off and included in the expenses so as to determine the business results in the preceding periods, but now recovered.

33. Payable debts whose owners no longer exist are payable debts whose owners are unidentifiable or no longer exist.

PRESENTATION OF FINANCIAL STATEMENTS

34. In the financial statements, the enterprises must present:

a/ Accounting policies applied in the turnover recognition, including the method of determining the completed work portions of service-providing transactions;

b/ Turnover of each type of transaction and events:

- Sale turnover;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Interests, royalties, distributed dividends and profits.

c/ Turnover from the exchange of goods or services according to each type of activity mentioned above.

d/ Other incomes, irregular incomes presented in detail.-

 

 

THE MINISTRY OF FINANCE
 
 
 
 
Nguyen Sinh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 ban hành và công bố bốn (04) chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


99.817

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.108.224
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!