CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
772/2003/QĐ-BTM
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0772/2003/QĐ-BTM NGÀY 24 THÁNG 06 NĂM 2003 VỀ VIỆC
BAN HÀNH NỘI QUY MẪU VỀ CHỢ
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
Căn cứ Nghị định của Chính phủ
số 95/CP ngày 04 tháng 12 năm 1995 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ
chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 về
phát triển và quản lý chợ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương nghiệp trong nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy mẫu về chợ để áp dụng
thống nhất cho tất cả các chợ thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Nghị định của
Chính phủ số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/ 01/2003 về phát triển và quản lý chợ.
Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có
trách nhiệm quy định cụ thể các khoản trong Nội quy mẫu về chợ để phù hợp với
tình hình thực tiễn của địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Điều 3. Đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, kinh doanh khai thác chợ,
thương nhân kinh doanh tại chợ, người đến chợ mua, bán, giao dịch, tham quan,
thi hành công vụ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nội quy chợ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
đăng Công báo của Chính phủ.
Điều 5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và Giám đốc Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lịch (Du lịch - Thương mại)
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
NỘI QUY
MẪU VỀ CHỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 0772/2003/QĐ-BTM ngày 24 tháng 06 năm
2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
NỘI
QUY CHỢ... (tên chợ)...
Để đảm bảo hoạt động của chợ...
(tên chợ)... an toàn - văn minh - hiệu quả, cán bộ, nhân viên quản lý chợ(*),
thương nhân và người đến mua, bán, giao dịch, tham quan, thi hành công vụ tại
chợ phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định sau:
Điều 1. Thời
gian hoạt động của chợ
1. Chợ mở cửa từ... giờ... phút
đến... giờ... phút hàng ngày (ngày lễ, ngày Tết và các ngày nghỉ khác sẽ có
thông báo riêng).
2. Mọi người phải thực hiện đúng
giờ giấc quy định về mở, đóng cửa chợ hàng ngày. Thời gian hoạt động của từng điểm
kinh doanh (gồm quầy hàng, sạp hàng, cửa hàng, ki-ốt...) trong phạm vi chợ phải
phù hợp với thời gian hoạt động chung của chợ (*).
3. Ngoài giờ quy định trên, người
không có nhiệm vụ, không được vào và ở lại trong chợ. Hộ kinh doanh nào có nhu
cầu vào chợ phải được sự đồng ý của người phụ trách đơn vị quản lý - khai thác
và phải có sự giám sát của bảo vệ trong ca trực.
Điều 2.
Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ
1. Thương nhân kinh doanh tại chợ
(*) được bảo vệ mọi quyền lợi hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh tại
chợ; được hướng dẫn, thông tin rõ ràng về chế độ, quy định của Nhà nước về các
vấn đề liên quan; được tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội do đơn vị quản lý -
khai thác chợ tổ chức; được đề xuất ý kiến với đơn vị quản lý - khai thác chợ về
những biện pháp tổ chức và quản lý chợ; được khiếu nại, tố cáo những tổ chức,
cá nhân (kể cả cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý - khai thác chợ) có hành vi vi
phạm pháp luật, vi phạm Nội quy chợ đến đơn vị quản lý - khai thác chợ và/hoặc
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Quy định đối với thương nhân
kinh doanh thường xuyên, cố định tại chợ:
2.1. Phải ký hợp đồng sử dụng điểm
kinh doanh hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với đơn vị quản lý - khai
thác chợ. Phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng. Không được tự ý sang
nhượng, thay đổi chủ kinh doanh khi chưa làm thủ tục sang nhượng theo quy định.
Nghiêm cấm việc tự ý sử dụng điểm kinh doanh vào mục đích khác ngoài nội dung
ghi trong hợp đồng, như làm nơi lưu trú, ăn ở và sinh hoạt khác như hộ gia
đình. Không được tự ý trao đổi chỗ bán hàng, không cho người khác vào kinh
doanh tại điểm kinh doanh của mình.
2.2. Phải có Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cấp và kinh
doanh theo đúng nội dung đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với
mặt hàng, ngành nghề yêu cầu có Giấy phép kinh doanh thì phải có Giấy phép kinh
doanh; mặt hàng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo các điều kiện
quy định hoặc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mọi sự thay đổi
về nội dung đăng ký kinh doanh phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật
về đăng ký kinh doanh(*). Ngành nghề, mặt hàng kinh doanh của thương
nhân phải phù hợp với phạm vi ngành nghề, mặt hàng kinh doanh của chợ.
2.3. Phải đúng là người có tên
trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hợp đồng sử dụng, thuê điểm kinh
doanh; nếu sử dụng lao động giúp việc phải lập danh sách trích ngang đăng ký với
đơn vị quản lý - khai thác chợ. Người đứng tên trên đăng ký kinh doanh phải
hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình và mọi hành vi của lao động giúp
việc có tên trong danh sách đăng ký với đơn vị quản lý - khai thác chợ tại điểm
kinh doanh.
2.4. Nộp đầy đủ, đúng hạn các loại
tiền thuê, sử dụng điểm kinh doanh (tiền thuê mặt bằng, hoa chi), các loại thuế,
phí chợ (và lệ phí thu qua đơn vị quản lý - khai thác chợ) cũng như thực hiện
các nghĩa vụ khác theo hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật (*).
2.5. Khi tạm nghỉ kinh doanh phải
thông báo cho đơn vị quản lý - khai thác chợ và niêm yết thời gian tạm nghỉ tại
điểm kinh doanh. Nếu nghỉ kinh doanh từ... ( )... ngày trở lên, hoặc chấm dứt
kinh doanh phải có đơn gửi đơn vị quản lý - khai thác chợ và cơ quan thuế ít nhất
trước ...( )... ngày (hay từ ngày.... đến ngày... đầu tháng), đồng thời phải
thanh toán các khoản thuế, tiền thuê sử dụng điểm kinh doanh, phí và lệ phí nợ
đọng trước khi xác nhận đơn xin nghỉ kinh doanh (*).
3. Đối với người kinh doanh
không thường xuyên (*) vào bán hàng trong chợ phải nộp phí chợ (mua
vé vào chợ hay nộp hoa chi) theo số lượng và loại hàng mang vào chợ và tuân thủ
sự sắp xếp của đơn vị quản lý - khai thác chợ, nghiêm chỉnh chấp hành Nội quy
chợ, không được kinh doanh ở khu vực dành riêng cho người bán hàng cố định;
không tự ý vận chuyển - để vật liệu trong chợ, dựng lều quán, che phên, dựng cọc,
căng dây bừa bãi... làm ảnh hưởng đến mỹ quan và quy hoạch chung của chợ.
4. Một số quy định chung đối với
thương nhân kinh doanh tại chợ:
4.1. Phải chấp hành nghiêm các
quy định của Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Không được: nâng
giá - ép giá, đầu cơ - lũng đoạn thị trường, buôn lậu, bán phá giá... gây mất ổn
định kinh doanh tại chợ và ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng...
4.2. Khi có nhu cầu sử dụng điện,
nước, dịch vụ thông tin... phải đăng ký và được sự đồng ý của đơn vị quản lý -
khai thác chợ mới được tiến hành lắp đặt, sử dụng, đồng thời phải trả tiền đầy
đủ, thực hiện tiết kiệm và đảm bảo an toàn đúng quy định.
4.3. Có quyền và trách nhiệm
giám sát việc thu tiền của cán bộ nhân viên đơn vị quản lý - khai thác chợ, khi
giao nộp tiền phải nhận được vé hoặc biên lai thu tiền theo quy định.
4.4. Phải tạo điều kiện thuận lợi
cho cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý - khai thác chợ, các cơ quan chức năng của
Nhà nước đến làm việc, kiểm tra theo đúng thẩm quyền; chuẩn bị để sẵn sàng xuất
trình các văn bản, giấy tờ biên lai... liên quan đến đăng ký kinh doanh, thuê,
sử dụng điểm kinh doanh, thu nộp thuế, phí, lệ phí... khi có yêu cầu.
4.5. Định kỳ, đột xuất báo cáo
tình hình hoạt động kinh doanh... theo yêu cầu của đơn vị quản lý - khai thác
chợ và/hoặc cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 3.
Quy định về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ
1. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh
tại chợ (kể cả mang vào chợ, sử dụng, cất trữ tại chợ) 1à hàng hoá, dịch vụ
không thuộc danh mục pháp luật cấm kinh doanh và không thuộc các loại sau đây:
1.1. Hàng hóa có chứa chất phóng
xạ và thiết bị phát bức xạ i-on hóa
1.2. Các loại vật liệu nổ, các
loại chất lỏng dễ gây cháy nổ như xăng dầu (trừ dầu hoả thắp sáng), khí đất hóa
lỏng (gai), các loại khí nén.
1.3. Các loại thuốc bảo vệ thực
vật thuộc danh mục hạn chế kinh doanh
1.4. Các loại hóa chất độc hại
thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện
2. Không kinh doanh hàng nhái,
hàng giả, hàng lậu, hàng gian (hàng trộm cắp), hàng không rõ nguồn gốc, hàng
quá hạn sử dụng, hàng không bảo đảm chất lượng (hàng mất phẩm chất, hàng kém chất
lượng, nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh), hàng gây ô nhiễm môi trường,
hàng không đúng quy định về tem, nhãn mác. Thương nhân, người kinh doanh không
thường xuyên tại chợ phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, nguồn gốc
hàng hóa, dịch vụ bán ra. Trường hợp kinh doanh hàng thứ phẩm, kém chất lượng,
hàng đã qua sử dụng phải được phép của cơ quan chức năng và phải ghi rõ tình trạng
chất lượng trên từng mặt hàng kinh doanh.
3. Hàng hóa kinh doanh tại chợ cần
phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo ngành hàng, nhóm hàng, theo tính chất
và yêu cầu phòng chống hỏa hoạn, thiên tai; không bố trí gần nhau các loại hàng
hóa có ảnh hưởng xấu lẫn nhau... bảo đảm mỹ quan và văn minh thương mại theo sự
hướng dẫn của đơn vị quản lý - khai thác chợ
Điều 4.
Quy định về người đến giao dịch, mua bán, tham quan, thi hành công vụ tại chợ
1. Mọi người đến chợ giao dịch,
mua bán, tham quan, thi hành công vụ phải chấp hành các quy định của Nội quy chợ
và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Người đến mua hàng hóa, dịch
vụ tại chợ được quyền mua hoặc không mua hàng hoá, dịch vụ; từ chối mọi sự ép
buộc dưới bất cứ hình thức nào của người kinh doanh; kiểm tra nhãn hàng, giá cả,
chất lượng hàng hóa, cân, đong, đo, đếm các loại hàng hóa định mua hoặc đã mua;
yêu cầu người bán cấp hóa đơn hợp pháp và giấy bảo hành nếu thấy cần thiết; góp
ý về tác phong, thái độ phục vụ của người bán hàng và các bộ, nhân viên đơn vị
quản lý khai thác chợ.
3. Người đến chợ để tham quan và/hoặc
mua hàng hóa, dịch vụ không phải trả phí vào chợ nhưng phải có nghĩa vụ thanh
toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại chợ một cách đầy đủ, đúng thời gian theo thỏa
thuận.
4. Cán bộ, nhân viên cơ quan nhà
nước vào chợ để thi hành nhiệm vụ phải thông báo, xuất trình chứng minh thư và
các giấy tờ liên quan đến việc thi hành nhiệm vụ với đơn vị quản lý - khai thác
chợ.
Điều 5.
Quy định đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ (*)
1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của đơn vị; thực
hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, có tác phong đúng mực, thái độ
hòa nhã, khiêm tốn khi giao tiếp và giải quyết công việc. Hướng dẫn tận tình
cho mọi người trong chợ hiểu rõ và chấp hành theo đúng Nội quy chợ và pháp luật
của Nhà nước.
2. Có trách nhiệm giải quyết kịp
thời, đúng thẩm quyền các kiến nghị của thương nhân, người đến chợ giao dịch,
mua, bán, tham quan, thi hành công vụ; báo cáo kịp thời với Thủ trưởng đơn vị
quản lý - khai thác chợ hoặc người được ủy quyền những vụ có liên quan đến công
tác chợ vượt thẩm quyền giải quyết hoặc vụ việc đã giải quyết xong.
3. Thu tiền thuê sử dụng điểm
kinh doanh (hoa chi), các loại phí, lệ phí đúng mức quy định và phải sử dụng
phiếu thu, vé... theo quy định của Nhà nước.
4. Nghiêm cấm mọi biểu hiện tiêu
cực, gian lận, sách nhiễu gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh và các
hoạt động hợp pháp khác tại chợ. Không uống rượu, bia và các chất kích thích
khác trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.
5. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
nhắc nhở thương nhân thực hiện nghiêm Nội quy chợ, các quy định về phòng cháy
chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thu nộp hoa
chi, thuế, các loại phí, lệ phí trong phạm vi chợ; kịp thời phát hiện và ngăn
chặn các loại tội phạm, tệ nạn... hoạt động, xảy ra trong phạm vi chợ.
6. Nếu công việc cần giải quyết
với thương nhân hoặc người đến chợ có tính chất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời
gian thì phải mời đương sự vào trụ sở đơn vị quản lý - khai thác chợ để giải
quyết, tránh gây cản trở hoạt động kinh doanh chung của chợ.
Điều 6. Quy
định về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai (*)
1. Mọi người phải có trách nhiệm
và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy
(PCCC), phòng chống thiên tai; chấp hành sự phân công, điều động của đơn vị quản
lý - khai thác chợ khi có sự cố xẩy ra; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng hỏa hoạn,
thiên tai để xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể và của công dân.
2. Nghiêm cấm mua bán, tàng trữ,
vận chuyển, sử dụng các chất, vật liệu, dụng cụ dễ cháy nổ trong phạm vi chợ;
không được lập bàn thờ, thắp hương (nhang), xông trầm; đốt nến, hóa vàng mã, đốt
các loại giấy tờ, chất liệu khác...; không đun nấu (kể cả việc sử dụng bếp gas,
bếp điện để đun nấu), xông đốt, sử dụng lửa trần và không sử dụng bàn là ở điểm
kinh doanh cũng như trong phạm vi chợ (*).
3. Khu vực được phép sử dụng bếp
đun nấu (như ở nơi bán hàng ăn), sử dụng bàn là (như cửa hàng may mặc, giặt là)
trong phạm vi chợ phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về PCCC và an toàn điện; bếp
đun phải đảm bảo không khói, không gây ô nhiễm môi trường; khi nghỉ kinh doanh
mọi bếp đun nấu phải dập tắt lửa hoàn toàn (*), phải ngắt bàn là, bếp
điện khỏi nguồn điện...
4. Không treo hàng, bày hàng vào
hành lang an toàn, hệ thống dây điện, thiết bị điện, đường cản lửa (dưới đất,
trên không), lấn chiếm đường đi lại, đường thoát nạn, cửa ra vào, cửa thoát nạn.
5. Phải chấp hành các quy định
an toàn về điện (*), chỉ được sử dụng các thiết bị, vật liệu điện được
đơn vị quản lý - khai thác chợ cho phép và/hoặc đã ghi trong hợp đồng...;
nghiêm cấm sử dụng thiết bị, vật liệu điện tự tạo (như dùng giấy bạc hoặc dây
kim loại khác không phù hợp để thay thế cầu chì bị đứt, áp tô mát bị hỏng...)
hoặc tự ý sửa chữa, mắc thêm dây điện, ổ cắm, công tắc (lắp bảng điện), các thiết
bị tiêu thụ điện... ngoài thiết kế có sẵn; cấm sử dụng điện để đun nấu...;
không được tự ý đưa các nguồn điện khác và thiết bị phát điện vào sử dụng trong
phạm vi chợ. Trường hợp hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng điện cho máy chuyên
dùng hay sử dụng tăng công suất đã quy định trong hợp đồng phải đăng ký và được
phép của đơn vị quản lý - khai thác chợ mới được sử dụng. Thực hiện tự kiểm tra
an toàn điện ở điểm kinh doanh; không sử dụng thiết bị, vật liệu điện hư hỏng,
không bảo đảm an toàn. Khi mất điện hoặc nghỉ bán hàng, phải ngắt tất cả các
thiết bị tiêu thụ diện (ngắt cầu giao, công tắc điện...) ở điểm kinh doanh ra
khỏi nguồn điện, phải bảo đảm thực sự an toàn trước khi ra về.
6. Mỗi hộ kinh doanh thường
xuyên, cố định trong chợ phải tự trang bị từ 1 đến 2 bình cứu hỏa đúng tiêu chuẩn
cho phép để bảo đảm chữa cháy tại chỗ kịp thời; khi hết hạn sử dụng hoặc không
còn tác dụng chữa cháy phải thay bình cứu hỏa mới (*).
7. Các phương tiện, biển báo
cháy nổ, thoát hiểm, cảnh báo, đề phòng nguy hiểm... phải được giữ gìn và bảo
quản, không được làm hư hại, không được tự ý tháo dỡ, di chuyển, sử dụng vào mục
đích khác; không để hàng hóa, vật cản che lấp thiết bị, dụng cụ chữa cháy...
8. Bộ phận phụ trách về phòng chống
hỏa hoạn, thiên tai của chợ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các hộ kinh doanh
thực hiện tốt các quy định về phòng chống hỏa hoạn thiên tai. Khi có sự cố xảy
ra phải chủ động xử lý, cử người báo ngay cho lãnh đạo đơn vị quản lý - khai
thác chợ, Công an PCCC và cơ quan phòng chống thiên tai địa phương, đồng thời tổ
chức huy động mọi người cùng tham gia cứu chữa, hạn chế tối đa mọi thiệt hại do
cháy nổ, thiên tai gây ra.
9. Thương nhân, cán bộ, nhân
viên quản lý chợ phải thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng an toàn PCCC tại
điểm đang kinh doanh, nơi đang làm việc. Nếu có biểu hiện bất thường phải báo
ngay cho người có trách nhiệm của đơn vị quản lý - khai thác chợ để kịp thời xử
lý. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, phải bình tĩnh (tri) hô báo động và tìm cách
báo ngay với người có trách nhiệm của đơn vị quản lý - khai thác chợ hoặc Công
an PCCC theo số điện thoại 114, đồng thời mọi người phải chủ động sử dụng các
phương tiện cứu hỏa tích cực dập tắt, khắc phục cháy nổ, nhanh chóng sơ tán người
và tài sản ra khỏi khu vực bị cháy nổ. Nếu để xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại về
người và tài sản do không thực hiện quy định về PCCC, phòng chống thiên tai...
thì đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 7. Quy
định về đảm bảo an ninh, trật tự tại chợ
1. Mọi người phải bảo vệ, giữ
gìn trật tự - an toàn xã hội, an ninh chính trị trong phạm vi chợ. Cấm mọi hành
vi gây rối trật tự trị an trong phạm vi
1.1. Không được tổ chức và tham
gia: cờ bạc, đề, hụi, cá cược, huy động vốn để lừa đảo bạn hàng, trộm cắp; bói
toán mê tín dị đoan dưới bất cứ hình thức nào; không kinh doanh, phổ biến các
loại văn hóa phẩm phản động, đồi trụy.
1 .2. Không phao tin và nghe đồn
nhảm dưới mọi hình thức; không được tự ý tổ chức các trò chơi không lành mạnh;
không uống rượu, bia say, gây gỗ đánh nhau hay có hành vi, cử chỉ thô bạo làm mất
an ninh, trật tự trong phạm vi chợ. Trường hợp gây tranh chấp không tự hòa giải
được phải báo ngay cho người có trách nhiệm của đơn vị quản lý - khai thác chợ
giải quyết.
1.3. Người đang mắc bệnh truyền
nhiễm mà không áp dụng các biện pháp chống lây lan, người đang say rượu, bia,
người đang mắc bệnh tâm thần không được vào chợ.
2. Mọi người có ý thức bảo vệ
tài sản công; tự bảo quản tiền, hàng, tài sản riêng của mình; cảnh giác đề
phòng mất cắp, có trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội
(tiêm chích, hút hít sử dụng ma tuý...) trong phạm vi chợ; có trách nhiệm phát
hiện và báo cáo cho đơn vị quản lý - khai thác chợ về các hành vi vi phạm Nội
quy chợ và các quy định của pháp luật trong phạm vi chợ...
3. Hoạt động kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ trong chợ không được để gây ra tiếng ồn quá mức cho phép ảnh hưởng
xấu đến sức khỏe con người và hoạt động chung của chợ. Không được dùng phương
tiện loa, máy phóng thanh để quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Không mở loa đài to
gây mất trật tự...
4. Mọi người ra vào chợ phải
theo đúng cửa và trong thời gian quy định; phải dừng, đậu, gửi xe đạp, xe máy
và các phương tiện chuyên chở, đi lại khác đúng nơi quy định (*).
5. Các lực lượng vào làm dịch vụ
trong chợ phải được phép và tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý - khai
thác chợ.
6. Không được mang vác hàng hóa
cồng kềnh đi lại làm ảnh hưởng đến hoạt động chung trong phạm vi chợ. Không tự
ý họp chợ ngay ngoài phạm vi chợ và trước cổng, trên trục đường ra vào chợ làm
ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động trong phạm vi chợ.
7. Đối với các phương tiện vận
chuyển, bốc xếp hàng hóa khi ra vào chợ, xếp dỡ (lên xuống) hàng trong chợ đều
phải tuân theo sự hướng dẫn, sắp xếp và phải nộp các loại phí theo quy định của
đơn vị quản lý - khai thác chợ (*).
8. Trong thời gian chợ hoạt động,
các chủ hộ kinh doanh tự bảo vệ hàng hóa, đồ dùng... của mình. Hàng hóa, đồ
dùng... gửi qua đêm phải ký hợp đồng với đơn vị quản lý - khai thác chợ. Hàng
ngày khi sắp đến giờ chợ đóng cửa chợ, thương nhân phải tự kiểm tra kỹ lưỡng
hàng hóa, đồ dùng... ở điểm kinh doanh của mình. Trước khi ra về phải cất giữ
hàng hóa, đồ dùng... vào trong dụng cụ bảo quản (thùng, hòm...) hoặc kho chứa
riêng có khóa an toàn, niêm phong và bàn giao cho lực lượng bảo vệ chợ. Không để
tiền, hàng quý hiếm qua đêm. Khi chợ mở cửa, thương nhân trở lại kinh doanh phải
xem xét kỹ các dấu niêm phong trước đó; nếu phát hiện có dấu hiệu khác thường
(như có hiện tương xé niêm phong, cạy ổ khóa hoặc có dấu hiệu hàng hóa, đồ
dùng... bị mất cắp), phải giữ nguyên hiện trường và báo ngay cho đơn vị quản lý
- khai thác chợ để có biện pháp xử lý thích hợp (*).
9. Lực lượng bảo vệ chợ trong ca
trực có trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng hóa gửi lại chợ như đã nhận bàn giao với
thương nhân và hợp đồng đã ký.
Điều 8. Quy
định về đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm
1. Mọi người hoạt động, đi lại
trong phạm vi chợ phải giữ gìn vệ sinh chung, không phóng uế, vứt (xả) rác, đổ
nước, chất thải, xác động vật chết, hàng hóa kém phẩm chất, thức ăn ôi thiu bừa
bãi trong phạm vi chợ.
2. Không đưa đồ vật bẩn, động vật
vào trong nhà lồng chợ, trừ những loại nhốt trong lồng để kinh doanh. Không chứa
chấp, lưu giữ trong phạm vi chợ những đồ vật gây ô nhiễm, mất vệ sinh, là mầm bệnh...
3. Từng điểm kinh doanh (hay khu
vực tổ ngành hàng) phải tự trang bị dụng cụ đựng rác riêng; hàng ngày trước khi
nghỉ bán hàng hay dọn hàng về phải quét dọn sạch sẽ điểm kinh doanh; việc đổ
rác, chất thải, đi vệ sinh cá nhân (đại tiểu tiện) phải đúng nơi quy định
4. Tham gia tổng vệ sinh chung
theo lịch do đơn vị quản lý - khai thác chợ quy định (*).
5. Các điểm kinh doanh hàng thực
phẩm, ăn uống phải bảo đảm luôn sạch sẽ, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước
về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm: phải có thiết bị, tủ kính che đậy thức
ăn, thiết bị chuyên dùng để bảo quản thức ăn và dụng cụ đựng rác, chất thải có
nắp đậy kín; phải đổ rác, chất thải hàng ngày; dùng nước sạch để đun nấu, ngâm
rửa thực phẩm và đồ dùng; dụng cụ phải sạch sẽ và thường xuyên làm vệ sinh;
dùng bao gói sạch để gói, đựng hàng cho khách; làm vệ sinh sạch sẽ nơi bày hàng
trước và sau bán hàng...(*)
6. Nghiêm cấm người kinh doanh
(kể cả người giúp việc) hoạt động kinh doanh khi tự phát hiện hoặc bị phát hiện
đang bị mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định của ngành y tế.
Điều 9. Yêu
cầu về xây dựng chợ văn minh thương mại (*)
1. Duy trì và phát huy truyền thống
dân tộc, thực hiện văn minh thương mại; ăn mặc gọn gàng, lịch sự; lịch thiệp, hòa
nhã trong giao tiếp, ứng xử với bạn hàng, khách hàng và mọi người; thực hiện khẩu
hiệu: "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
2. Thuận mua vừa bán, trung thực
trong kinh doanh, không nói thách; không tranh giành, lôi kéo khách hàng, không
tranh mua, tranh bán, không nài ép (không ép khách, ép giá), lừa dối (lừa gạt)
khách mua hàng, không bán hàng giả nói hàng thật làm mất lòng tin đối với khách
hàng, làm mất trật tự hoặc gây ra tranh chấp trong quan hệ mua bán. Thực hiện
niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh; bán, thu tiền đúng giá
niêm yết. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng, phải
trung thực trong niêm yết giá.
3. Các dụng cụ đo lường sử dụng
tại chợ phải đảm bảo tiêu chuẩn và được kiểm định theo quy định của pháp luật;
dụng cụ đo lường phải được đặt tại chỗ bán hàng để người mua hàng có thể dễ
dàng theo dõi quá trình cân, tính tiền và nhận hàng. Thực hiện cân, đo, đong, đếm
chính xác (*).
4. Không tự ý sửa chữa, cơi nới,
đào bới nền chợ làm thay đổi, biến dạng và làm hư hại cấu trúc công trình,
trang thiết bị của chợ. Các công trình, trang thiết bị của chợ như hệ thống
PCCC, điện nước, cáp thông tin... phải được giữ gìn và bảo quản theo đúng quy định,
không được dịch chuyển, tháo gỡ, tẩy xóa... Khi có nhu cầu cải tạo, sửa chữa,
thay đổi, lắp đặt mới... phải ký hợp đồng hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của
đơn vị quản lý - khai thác chợ.
5. Việc thiết kế quầy, sạp, ki ốt,
cửa hàng, biển hiệu, quảng cáo... trong phạm vi chợ phải thực hiện theo quy định
của đơn vị quản lý - khai thác chợ và không trái với các quy định của pháp luật.
Không treo, móc, dán các loại pa nô, áp phích, bảng hiệu quảng cáo hàng hóa, dịch
vụ cản trở tầm nhìn, lối đi trong chợ. Các quầy, sạp, ki ốt, cửa hàng phải có bảng
ghi rõ tên, địa chỉ, số đăng ký kinh doanh của thương nhân theo mẫu thống nhất
của đơn vị quản lý - khai thác chợ.
6. Nghiêm chỉnh chấp hành phương
án, quy định về bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh của đơn vị quản lý - khai
thác chợ. Không bày hàng hóa, bao bì bừa bãi, quá phạm vi quy định của điểm
kinh doanh được quyền sử dụng; không lấn chiếm khoảng không, diện tích công và
lối đi trong chợ, không che chắn, gây cản trở việc đi lại, lưu thông trong chợ;
không bôi vẽ, kẻ bừa bãi, không vứt thùng, hộp bao bì lên nóc quầy, sạp, ki ốt,
cửa hàng... làm mất mỹ quan chợ...
7. Thực hiện đoàn kết, tương trợ
trong ngành hàng và những hộ kinh doanh lân cận.
Điều 10.
Yêu cầu về tổ chức, tham gia các hoạt động văn hoá, xã hội tại chợ
1. Thương nhân kinh doanh thường
xuyên, cố định tại chợ, cán bộ, nhân viên quản lý chợ có quyền và nghĩa vụ tham
gia các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện do Nhà nước,
địa phương và đơn vị quản lý khai thác chợ tổ chức, phát động trong phạm vi chợ.
2. Cán bộ, nhân viên quản lý chợ,
thương nhân kinh doanh thường xuyên, cố định tại chợ có trách nhiệm tham gia đầy
đủ các buổi sinh hoạt do đơn vị quản lý - khai thác chợ, tổ ngành hàng và các
đoàn thể tổ chức trong phạm vi chợ.
3. Những vấn đề cần tham gia,
góp ý... mọi người có thể đến gặp trực tiếp người phụ trách đơn vị quản lý -
khai thác chợ vào (buổi...) thứ... hàng tuần hoặc gửi bằng văn bản qua hòm thư
góp ý được đặt tại...
4. Đơn vị quản lý - khai thác chợ
có trách nhiệm thông tin tới các hộ kinh doanh và mọi người kịp thời biết và thực
hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan...
(thông qua hệ thống loa truyền thanh của chợ, tổ chức họp phổ biến trực tiếp hoặc
gửi văn bản tới tay những người có liên quan).
Điều 11.
Quy định về xử lý các vi phạm tại chợ (*)
1. Cán bộ, nhân viên quản lý chợ,
thương nhân kinh doanh thường xuyên, cố định và người kinh doanh không thường
xuyên tại chợ, người đến chợ mua, bán, tham quan, thi hành công vụ... nếu vi phạm
pháp luật trong phạm vi chợ và/hoặc Nội quy chợ, tùy theo tính chất, mức độ vi
phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật (xử lý về hành chính, nếu vi phạm
nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật) hoặc bị xử lý theo quy định của Nội
quy chợ.
2. Xử lý vi phạm pháp luật trong
phạm vi chợ
2.1. Đối với các hành vi vi phạm
liên quan đến pháp luật Nhà nước, đơn vị quản lý - khai thác chợ có trách nhiệm
lập biên bản và chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý
theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện thương nhân
kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không bảo đảm chất
lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... trong phạm vi chợ, đơn vị quản lý - khai
thác chợ được quyền lập biên bản tạm giữ (hoặc niêm phong tại hiện trường)
trong vòng 24 giờ, đồng thời liên hệ ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm
tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
2.2. Trường hợp vi phạm gây thiệt
hại đến lợi ích của Nhà nước, của đơn vị quản lý - khai thác chợ cũng như đến lợi
ích của tổ chức, cá nhân khác... thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của
pháp luật.
3. Xử lý vi phạm Nội quy chợ
Các đối tượng vi phạm Nội quy chợ,
tùy theo tính chất mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử lý (được
thể hiện bằng văn bản, có hoặc không có thông báo công khai) sau đây:
3.1 . Đối với thương nhân kinh
doanh tại chợ.
3.1.1. Phê bình, áp dụng trong
trường hợp vi phạm lần đầu đối với hành vi vi phạm một trong các quy định thuộc
các khoản hay điểm sau: khoản 3 Điều 1, điểm 4.4 và 4.5 khoản 4 Điều 2, khoản 3
Điều 3, khoản 3 Điều 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 9 Điều 6, điểm 1.2 khoản 1,
khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 6 Điều 7, Điều 8, khoản 2, khoản 3, khoản 5,
khoản 6 và khoản 7 Điều 9, khoản 1 và 2 Điều 10.
3.1.2. Cảnh cáo, áp dụng trong
trường hợp:
3.1.2.1. Tái phạm lần đầu đối với
vi phạm quy định ở điểm 3.1.1 khoản này;
3.1.2.2. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định thuộc các khoản hay điểm sau: khoản 2
(trừ điểm 2.2), điểm 4.1 và 4.2 khoản 4 Điều 2, khoản 1 và 2 Điều 3, khoản 1, 2,
3, 4 và 5 Điều 6; điểm 1.1 khoản 1 Điều 7, khoản 4 Điều 9;
3.1.2.3. Không thực hiện các biện
pháp khắc phục hậu quả và/hoặc bồi thường thiệt hại khi bị xử lý theo quy định
của pháp luật.
3.1.3. Đình chỉ tối đa (7) ngày
hoạt động kinh doanh tại điểm kinh doanh đang thuê, sử dụng tại chợ, áp dụng
trong các trường hợp tái phạm đối với vi phạm quy định ở điểm 3.1.2 khoản này.
3.1.4. Rút (cắt - hủy bỏ) hợp đồng
thuê, sử dụng điểm kinh doanh và thu hồi lại điểm kinh doanh, áp dụng trong các
trường hợp sau:
3.1.4.1. Vi phạm hợp đồng đến mức
phải hủy hợp đồng như đã quy định trong hợp đồng;
3.1.4.2. Đã bị đình chỉ hoạt động
kinh doanh tại điểm kinh doanh từ... (4)... lần hay... (20)... ngày trở lên
trong một năm.
3.2. Đối với người đến chợ giao
dịch, mua bán (kể cả người kinh doanh không thường xuyên), người vào tham quan,
thi hành công vụ tại chợ:
3.2.1. Phê bình, áp dụng trong
trường hợp:
3.2.1.1. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định liên quan như áp dụng đối với thương
nhân tại điểm 3.1.1;
3.2.1.2. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định thuộc khoản 3 Điều 2 (áp dụng riêng đối
với người kinh doanh không thường xuyên).
3.2.2. Cảnh cáo, áp dụng trong
trường hợp:
3.2.2.1. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định liên quan như áp dụng đối với thương
nhân tại điểm 3.1.2 khoản này;
3.2.2.2. Tái phạm đối với vi phạm
quy định ở điểm 3.2.1 khoản này.
3.3. Đối với cán bộ, nhân viên
quản lý chợ.
3.3.1. Phê bình, áp dụng trong
trường hợp:
3.3.1.1. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định liên quan như áp dụng đối với thương
nhân tại điểm 3.1.1 khoản này.
3.3.1.2. Vi phạm lần đầu với
hành vi vi phạm một trong các quy định thuộc các khoản sau: khoản 1, khoản 2
khoản 5 và khoản 6 Điều 5, khoản 4 Điều 10.
3.3.2. Cảnh cáo, áp dụng trong
trường hợp:
3.3.2.1. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định liên quan như áp dụng đối với thương
nhân tại điểm 3.1.2 khoản này;
3.3.2.2. Vi phạm lần đầu đối với
hành vi vi phạm một trong các quy định thuộc các khoản sau: khoản 3 và khoản 4 Điều
5, khoản 8 Điều 6, khoản 9 Điều 7;
3.3.2.3. Tái phạm đối với vi phạm
quy định ở điểm 3.3.1 khoản này.
3.3.3. Buộc thôi việc, áp dụng đối
với người do đơn vị quản lý - khai thác chợ tuyển dụng trong thường hợp:
3.3.3.1. Tái phạm đối với vi phạm
quy định ở điểm 3.3.2 khoản này;
3.3.3.2. Vi phạm khác (theo quy
định trong Nội quy hay Quy chế làm việc của đơn vị quản lý - khai thác chợ).
4. Hình thức xử lý áp dụng chung
cho các đối tượng vi phạm và/hoặc không tuân thủ Nội quy chợ.
3.4.1. Bị đơn vị quản lý - khai
thác chợ lập biên bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính (như phạt cảnh cáo, phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng
để vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề; và/hoặc
bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...) nếu việc xử lý vi phạm Nội quy
chợ vượt thẩm quyền của đơn vị quản lý - khai thác chợ.
3.4.2. Không cho vào trong phạm
vi chợ (nếu xét thấy có thể gây nguy hiểm đến an ninh, trật tự, an toàn cho người
và tài sản... trong phạm vi chợ).
3.4.3. Không được vào chợ để thực
hiện các hoạt động giao nhận hàng hóa, thi hành công vụ hay làm dịch vụ... hoặc
phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm nếu không tuân thủ các quy định có liên quan
trong Nội quy chợ.
3.4.4. Ngoài ra, các đối tượng
vi phạm còn có thể bị buộc phải thực hiện một hoặc các biện pháp để khắc phục hậu
quả (như buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi hay thực hiện các biện
pháp khắc phục hậu quả khác) do vi phạm Nội quy chợ gây ra và/hoặc bồi thường
thiệt hại phát sinh theo quy định của pháp luật.
4. Thẩm quyền xử lý vi phạm Nội
quy chợ
Thủ trưởng đơn vị quản lý - khai
thác chợ được quyền:
4.1. Quyết định việc áp dụng các
hình thức và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm Nội quy chợ như quy định tại
khoản 3 Điều này;
4.2. Quyết định việc có thông
báo hay không thông báo công khai, hình thức và phạm vi thông báo việc xử lý vi
phạm Nội quy chợ;
4.3. Chỉ đạo việc lập và ký biên
bản chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý đối hành vi
vi phạm pháp luật trong phạm vi chợ và vi phạm Nội quy chợ vượt thẩm quyền của
đơn vị quản lý - khai thác chợ.
Điều 12.
Các quy định khác
Do đơn vị quản lý - khai thác chợ
đề nghị và chính quyền địa phương phê duyệt theo phân cấp (*)
Điều 13. Tổ
chức thực hiện
1. Bản Nội quy này có hiệu lực từ
ngày được UBND (tỉnh, thành phố hay huyện, quận theo phân cấp...) phê duyệt.
2. Toàn bộ Nội quy này được phổ
biến đến mọi đối tượng hoạt động kinh doanh, làm việc thường xuyên, ổn định tại
chợ. Bản tóm tắt những điểm chính, cần thiết của Nội quy này được niêm yết công
khai, rõ ràng trong phạm vi chợ (*).
3. Ngoài việc phải nghiêm chỉnh
chấp hành Nội quy chợ và các quy định pháp luật hiện hành, thương nhân, hộ kinh
doanh không thường xuyên, người đến chợ giao dịch, mua, bán, tham quan, thi
hành công vụ... còn phải tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên đơn vị quản
lý - khai thác chợ.
,
ngày... tháng... năm 200
Phê
duyệt của UBND...
(Theo
phân cấp quản lý chợ)
(Ký
tên, đóng dấu)
|
,
ngày... tháng... năm 200
Đơn
vị quản lý - khai thác chợ
Thủ
trưởng
(Ký
tên, đóng dấu)
|
(*). Xem thêm phụ lục kèm theo
PHỤ LỤC
(Kèm
theo Nội quy mẫu về chợ)
1. Giải thích
từ ngữ
1.1. Đơn vị quản lý - khai
thác chợ là tên gọi chung cho Ban Quản lý chợ, các loại hình doanh nghiệp
(kể cả hợp tác tác xã) kinh doanh khai thác và quản lý chợ, hay các hình thức tổ
chức quản lý chợ khác (như tổ quản lý chợ...).
1.2. Cán bộ, nhân viên quản
lý chợ là cán bộ, nhân viên của đơn vị quản lý - khai thác chợ.
1.3. Thương nhân kinh doanh tại
chợ là thương nhân (theo Luật Thương mại) có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng
thuê điểm kinh doanh tại chợ với đơn vị quản lý - khai thác chợ và thực hiện
kinh doanh thường xuyên, ổn định trong phạm vi chợ.
1.4. Người kinh doanh không
thường xuyên tại chợ là những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản
phẩm của mình (nông dân, thợ thủ công...) và những người buôn bán nhỏ, hàng
rong, quà vặt trong phạm vi chợ.
1.5. Phạm vi chợ: là khu
vực được quy hoạch dành cho hoạt động chợ, bao gồm diện tích để bố trí các điểm
kinh doanh, khu vực dịch vụ (như: bãi để xe, kho hàng, khu ăn uống, vui chơi giải
trí và các dịch vụ khác) và đường bao quanh chợ.
2. Một số quy
định, hướng dẫn có thể nghiên cứu bổ sung khi xây dựng Nội quy chợ.
2.1. Thời gian hoạt động của chợ
(Điều 1)
Tùy theo đặc thù từng địa phương
cũng như từng loại hình tổ chức kinh doanh..., có thể quy định giờ mở, đóng cửa
chợ khác nhau theo mùa Đông, mùa Hè; quy định thời gian hoạt động ban đêm cho
những ngành hàng bán buôn (bán sỉ) hay cho các khách sạn, nhà hàng, khu vực, cửa
hàng, ki ốt... khác nhau nằm trong phạm vi chợ; hay quy định giờ cho phương tiện
vận chuyển, bốc xếp, đi lại được phép ra vào, hoạt động trong chợ.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của
thương nhân kinh doanh tại chợ (Điều 2)
- Những đối tượng không thuộc diện
phải đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh thường xuyên trong phạm vi
chợ đều phải đăng ký nội dung kinh doanh với đơn vị quản lý - khai thác chợ và
chịu sự sắp xếp, kiểm tra của đơn vị quản lý - khai thác chợ.
- Có thể quy định khoảng thời
gian cụ thể ngay trong Nội quy chợ về việc thu nộp các loại tiền thuê, sử dụng điểm
kinh doanh (hoa chi), các loại thuế, phí và lệ phí chợ (như tiền vệ sinh môi
trường, bảo vệ, điện nước...)
2.3. Quy định về hàng hóa, dịch
vụ kinh doanh tại chợ (Điều 3)
- Mặt hàng cụ thể theo quy định
trong "Danh mục chi tiết hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực
hiện; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện" ban
hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 0088/2000/QĐ-BTM ngày
18/01/2000.
- Tùy chợ (như chợ đầu mối, chợ
loại 1, chợ cửa khẩu...) có thể quy định thêm về việc mua bảo hiểm cho hàng hóa
kinh doanh trong phạm vi chợ...
2.4. Quy định đối với cán bộ,
nhân viên quản lý chợ (Điều 5)
Tùy theo đặc thù của từng địa
phương, có thể quy định về trang bị và bắt buộc đeo phù hiệu, thẻ ghi tên, chức
danh (bảng tên), mặc đồng phục... đối với cán bộ, nhân viên đơn vị quản lý -
khai thác chợ trong khi thi hành nhiệm vụ.
2.5. Quy định về đảm bảo an toàn
PCCC, phòng chống thiên tai (Điều 6)
- Đề nghị nghiên cứu, vận dụng bản
"Tiêu chuẩn về Phòng cháy chữa cháy chợ và trung tâm thương mại - Yêu cầu
an toàn trong khai thác (tiêu chuẩn TCN 58 - 1997" ban hành kèm theo Quyết
định số 0487-TM-KHKT ngày 25/6/1997 của Bộ trưởng Bộ Thương mại để đề ra các
quy định ở Điều này cho phù hợp.
- Đối với các chợ có hộ kinh
doanh vàng, có thể quy định mỗi hộ chỉ được sử dụng không quá... (1/4)... lít
xăng để thử vàng, khi nghỉ bán hàng phải mang ra khỏi chợ.
- Nếu cho phép hút thuốc lá
trong phạm vi chợ... thì phải lưu ý quy định việc hút thuốc lá và vứt đầu mẩu
thuốc lá còn lại đúng nơi quy định, phải dụi tắt đầu mẩu thuốc lá trước khi vứt
đi...
- Đối với các chợ đã có điện thắp
sáng thì quy định không được đốt đèn dầu đèn cầy...; có thể quy định là ở những
nơi không có điện hoặc khi mất điện chỉ được dùng đèn ắc quy, đèn pin để chiếu
sáng, nếu cho phép đốt đèn dầu, bán và dự trữ dầu hoả thì phải có quy định
riêng (tham khảo tiêu chuẩn TCN 58-1997).
- Tùy theo đặc thù từng địa
phương..., có thể quy định bắt buộc mỗi hộ bán hàng ăn có đun nấu phải thường
xuyên dự trữ cạnh nơi đun nấu một lượng nước tối thiểu (khoảng 20 lít) dành cho
chữa cháy.
- Tùy theo chợ, có thể chỉ bắt
buộc các hộ kinh doanh loại hàng dễ gây cháy nổ mới phải tự trang bị bình chữa
cháy và cần phải quy định rõ số lượng, chủng loại bình chữa cháy. Đối với các
chợ loại 3 ở vùng nông thôn, chợ họp một buổi... có thể không bắt buộc các hộ
kinh doanh phải tự trang bị bình chữa cháy, nhưng đơn vị quản lý - khai thác chợ
phải có phương án và trang bị phương tiện PCCC chung để kịp thời xử lý khi có
tình huống xây ra.
- Đối với các chợ không sử dụng
điện thì trong Nội quy chợ cần lược bớt quy định liên quan đến việc sử dụng và
bảo đảm an toàn về điện.
- Đối với chợ loại 1, loại 2 cần
xây dựng bản quy định riêng cụ thể về công tác PCCC ngoài những điểm chủ yếu
trong Nội quy chợ chung.
2.6. Quy định về đảm bảo an
ninh, trật tự tại chợ (Điều 7)
- Đối với các chợ cho xe vào thì
cần quy định rõ phải tắt máy nổ, dắt xe... Tùy theo đặc thù từng loại chợ, có
thể chỉ quy định khoảng thời gian (vào giờ cao điểm) không được cho xe vào chợ,
hay chỉ quy định cấm ôtô, xe tải... còn xe đạp, xe máy... được phép vào chợ...
- Để không bị ách tắc, ảnh hưởng
đến hoạt động chung của chợ, có thể quy định giờ ra vào đối với các phương tiện
vận chuyển, bốc xếp tránh vào giờ cao điểm - đông khách ra vào; hay trường hợp
xe vận chuyển hàng vào chợ phải nhanh chóng giải phóng hàng và đưa xe ra ngoài
chợ; hoặc quy định việc đưa hàng vào để bán trong chợ phải được thực hiện trước
giờ chợ mở cửa (Đối với chợ đầu mối bán buôn, đơn vị quản lý - khai thác chợ cần
có quy định riêng, cụ thể về trường hợp này).
- Tùy đặc thù từng chợ, có thể đối
với một số loại hàng hóa để trên mặt quầy, sạp, trước khi ra về, thương nhân chỉ
cần gói buộc cẩn thận rồi bàn giao cụ thể cho bảo vệ...
- Về hàng hóa, đồ dùng... gửi
qua đêm, có thể chỉ cần quy định ngắn gọn lại là: Mọi vấn đề liên quan đến hàng
hóa, đồ dùng... gửi qua đêm phải thực hiện theo đúng quy định trong hợp đồng gửi
hàng qua đêm.
- Tùy chợ, để bảo đảm an toàn và
có cơ sở giải quyết khi xẩy ra tranh chấp, có thể phải làm bản quy định riêng,
cụ thể về việc "Khóa, niêm phong quầy sạp, hòm hàng... và chế độ giao nhận
giữa hộ kinh doanh - tổ ngành hàng với bảo vệ chợ".
- Đối với chợ loại 1, loại 2 cần
xây dựng quy định riêng về công tác bảo vệ, trật tự tại chợ, nội quy cơ quan.
2.7. Quy định về đảm bảo vệ sinh
môi trường và an toàn thực phẩm (Điều 8)
- Đề nghị nghiên cứu, vận dụng
Thông tư số 18/1999/TT-BTM, ngày 19/5/1999 của Bộ Thương mại "Hướng dẫn điều
kiện kinh doanh nhà hàng ăn uống, quán ăn uống bình dân" để quy định việc đảm
bảo các điều kiện về trang thiết bị, yêu cầu về vệ sinh đối với thương nhân
kinh doanh hàng ăn uống trong phạm vi chợ cho phù hợp.
- Tùy chợ, nếu đơn vị quản lý -
khai thác chợ bố trí thùng để rác chung ở gần các điểm kinh doanh thì không nhất
thiết phải yêu cầu từng hộ kinh doanh... phải tự trang bị dụng cụ đựng rác
riêng. Có thể quy định việc đổ rác và chất thải vào một thời điểm tập trung nhất
định hoặc khi có xe thu gom rác đến lấy... Ngoài ra, có thể ghi rõ ngày, giờ thực
hiện tổng vệ sinh hàng tuần ngay trên Nội quy chợ...
2.8. Yêu cầu về xây dựng chợ văn
minh thương mại (Điều 9).
- Tùy theo từng loại chợ, có thể
quy định phải có dụng cụ đo lường chuẩn (do đơn vị quản lý - khai thác chợ quản
lý) đặt ở nơi thuận tiện để khách hàng tự kiểm tra...
- Các địa phương có thể ban hành
"Quy ước xây dựng chợ văn minh" áp dụng chung cho các chợ.
2.9. Quy định về xử lý các vi phạm
tại chợ (Điều 11)
- Các địa phương cần nghiên cứu
cụ thể Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn hiện hành về
việc xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực liên quan đến hoạt động chợ để
vận dụng đề ra những quy định xử lý vi phạm Nội quy chợ cho phù hợp với điều kiện
địa phương, đặc thù của từng chợ nhưng không trái với pháp luật Nhà nước.
2.10. Các quy định khác (Điều
12)
Như quy định về khen thưởng: Các
tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc chấp hành nội quy chợ, đảm bảo thu nộp
đầy đủ, đúng hạn các loại tiền thuê điểm kinh doanh, các loại phí, lệ phí cũng
như các khoản đóng góp khác; kịp thời phát giác kẻ gian, phát giác những người
buôn bán hàng phi pháp hay có công trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi
vi phạm Nội quy chợ; gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào của chợ, có
tinh thần trách nhiệm đóng góp xây dựng chợ ngày một phát triển tốt đều được
khen thưởng kịp thời theo quy định của Nhà nước.
3. Áp dụng
xây dựng Nội quy chợ cụ thể
Nội quy mẫu về chợ này áp dụng
chung cho các loại chợ. Khi xây dựng Nội quy chợ cụ thể, các địa phương có thể
lược bớt hay bổ sung quy định mới nếu xét thấy cần thiết, nhưng phải thể hiện đầy
đủ các nội dung chính của Nội quy chợ như quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và không
được trái với pháp luật hiện hành, đồng thời có thể kết cấu lại các điều, khoản
cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.