BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5032/TCT-CS
V/v chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19
của chuyên gia nước ngoài.
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 11 năm 2020
|
Kính gửi:
|
- Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
|
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 8901/CT-TTHT ngày
01/10/2020 của Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và công văn số 24289/CT-TTHT
ngày 28/10/2020 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương vướng mắc về việc xác định chi phí
được trừ và thuế TNCN đối với khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19
của Chuyên gia nước ngoài. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Tại Điều 4 Thông tư số
96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính
hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được
trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại
Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều
kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến
hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo
quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch
vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh
toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế bao gồm:
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người
lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
…
- Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động
với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả
cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có
đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi
xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
…
2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo
quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí
đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn,
chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Trường
hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi
công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh
nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở,
tiền phụ cấp.
Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công
tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi
phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này
được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh
toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện
sau:
- Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp
hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
- Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử
người lao động đi công tác.
- Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh
nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phi, mua vé
máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được
doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website
thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được
trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh
toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận
chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao
động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử,
quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán
không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.
…
2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu
tính thuế, trừ các khoản chi sau:
…
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho
người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi
nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở
đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa,
tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong
học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm
tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản
chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm
hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những
khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu
trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế
của doanh nghiệp.
…”
2. Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số
111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số
65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế
Thu nhập cá nhân quy định:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người
lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
…
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí,
điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán
chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc
trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán
chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các
tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với
mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng
dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các
tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực
hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước
ngoài.
…
đ.7) Các khoản lợi ích khác.
Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động
chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư
vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp
việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia
đình theo hợp đồng...
…”
3. Tại Điểm a Điều 1 công văn số
7038/VPCP-KTTH ngày 24/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về chi phí cách ly, chi
phí điều trị Covid-19 quy định như sau:
“a) Về chi phí cách ly tập trung
- Đối với các trường hợp thực hiện cách ly tại các
doanh trại quân đội, các trường của quân đội: Tiếp tục thực hiện chế độ đối với
người bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày
29 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch
Covid -19. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ một phần
từ nguồn kinh phí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng
hộ cho phòng, chống dịch Covid-19.
- Đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và
bị áp dụng biện pháp cách ly tập trung có nhu cầu thực hiện cách ly tại khách
sạn, resort, cơ sở khác được chọn làm nơi cách ly tập trung: Cá nhân tự chi trả
các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt trong những ngày cách ly cho khách sạn, resort,
cơ sở khác theo mức giá do khách sạn, resort, cơ sở khác quy định; đồng thời,
phải chấp hành việc chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn của cơ quan y
tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế
hiện hành.....”
Căn cứ các quy định trên:
- Về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế TNDN:
+ Đối với chi phí cách ly tại khách sạn cho chuyên gia
nước ngoài, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong
đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì
khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định
thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và
thanh toán theo quy định.
+ Đối với khoản chi phí mua vé máy bay công tác cho
chuyên gia nước ngoài, nếu khoản chi phí được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014
của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số
96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) thì được tính vào chi phí
được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ
hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
+ Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho chuyên gia nước
ngoài được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao
động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm
2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính
(được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày
22/6/2015 cua Bộ Tài chính) thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu
nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh
toán theo quy định.
- Về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN:
Trường hợp người lao động nước ngoài được Công ty chi
trả khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam
thì khoản chi này là lợi ích dược hưởng của người lao động. Do đó, khoản chi
nêu trên được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền
công của người lao động.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tình Bà Rịa - Vũng
Tàu, Cục Thuế tỉnh Bình Dương biết và hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Vụ CST, PC-BTC;
- Vụ PC, DNNCN-TCT;
- Lưu VT, CS (3b).
|
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
Lưu Đức Huy
|