Kính
gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo1
Năm học 2022-2023, các cơ sở
giáo dục trung học tiếp tục thực hiện đồng thời Chương trình giáo dục phổ thông
ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo (Chương trình GDPT 2018) đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10 và
Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số
16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chương
trình GDPT 2006) đối với các lớp còn lại. Để triển khai thực hiện hiệu quả
chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và
Đào tạo (GDĐT) đề nghị các Sở GDĐT triển khai thực hiện một số nội dung sau:
I. Xây dựng kế hoạch giáo dục của
nhà trường
1. Đối với lớp 6, lớp 7, lớp
10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực
hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây
dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các
phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế
hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch
giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).
2. Đối với các lớp còn lại: Tiếp
tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017
hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng
lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu
thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất,
năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và
giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế
hoạch bài dạy của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ
chuyên môn, kế hoạch bài dạy đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).
II. Tổ chức thực hiện Chương
trình giáo dục phổ thông 2018
Chương trình GDPT 2018 được xây
dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi
môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế
hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính
khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; lưu ý việc tổ chức triển
khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục sau:
1. Đối với lớp 6, lớp 7
1.1. Môn Lịch sử và Địa lí
a) Chương trình môn Lịch sử và Địa
lí bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo
mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần
nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội
dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch
sử. Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công
giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn
của giáo viên. Nhà trường, Phòng GDĐT, Sở GDĐT cần chủ động xây dựng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy
học toàn bộ chương trình môn học.
b) Kế hoạch dạy học môn học được
xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được bố
trí dạy học đồng thời trong từng học kì. Đối với các chủ đề chung ở lớp 7, hiệu
trưởng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề
chung.
c) Việc kiểm tra, đánh giá thường
xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra,
đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa
lí theo tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn và chủ
đề chung đến thời điểm kiểm tra, đánh giá. Giáo viên được phân công dạy học chủ
đề chung, chịu trách nhiệm việc kiểm tra, đánh giá chủ đề chung (gồm đánh giá
thường xuyên và định kì).
1.2. Môn Khoa học tự nhiên
a) Chương trình môn Khoa học tự
nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và
sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic
tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một
số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của
thế giới tự nhiên. Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng
phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo
viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên
đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ
chương trình môn học.
b) Kế hoạch dạy học môn học được
xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều
kiện tổ chức dạy học của nhà trường.
c) Việc kiểm tra, đánh giá thường
xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế
hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề
đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỉ lệ phù hợp với nội dung và thời
lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
1.3. Nội dung giáo dục của địa
phương
a) Nội dung giáo dục của địa
phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội,
môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa
phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực
của giáo viên.
b) Kế hoạch dạy học Nội dung
giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ
chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo
thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong
các môn học với thực tiễn tại địa phương.
c) Giáo viên dạy học chủ đề nào
thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch.
Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của
nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học
đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
1.4. Hoạt động trải nghiệm, hướng
nghiệp
a) Chương trình Hoạt động trải
nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài
nhà trường với các hình thức hoạt động Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động
giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của
nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức
thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.
b) Kế hoạch tổ chức các hoạt động
được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp
với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan
để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
c) Cán bộ quản lí, giáo viên được
phân công tổ chức hoạt động nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên
đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng
phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao
gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
1.5. Môn Tin học và Ngoại ngữ 1
Tổ chức dạy học môn Tin học,
Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018 đối với những học sinh có khả năng học
tập và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường. Đối với các trường
chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018, ti ếp
tục thực hiện môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2006, trong đó
lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình GDPT 2018 để chuẩn bị
cho học sinh học các môn học này theo Chương trình GDPT 2018 ở cấp trung học phổ
thông.
1.6. Môn Nghệ thuật
a) Chương trình môn Nghệ thuật
gồm 02 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật. Việc tổ chức dạy học cần lưu ý bố trí dạy học
đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ.
b) Kế hoạch dạy học môn học được
xây dựng phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch giáo
dục của giáo viên.
c) Việc kiểm tra, đánh giá: mỗi
nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên
trong từng học kì; khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua
bài thực hành, sản phẩm học tập hoặc dự án học tập. Bài kiểm tra, đánh giá định
kì bao gồm hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội
dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh
giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả hai nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được
đánh giá mức Đạt.
2. Đối với lớp 10
2.1. Xây dựng các tổ hợp môn học
và cụm chuyên đề học tập lựa chọn
Mỗi trường trung học phổ thông
xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn
học lựa chọn trong chương trình2
(mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm
phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của
nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ
giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà trường công khai các tổ hợp
môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng
nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.
Xây dựng các cụm chuyên đề học
tập lựa chọn phải phù hợp với định hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm
chuyên đề trong các môn học bắt buộc và các môn học đã lựa chọn.
Đối với các môn học có nội dung
lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng
các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn.
Trường hợp đặc biệt, học sinh
có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng
xem xét quyết định và báo cáo Sở GDĐT.
2.2. Môn Ngoại ngữ 1
Đối với các lớp chưa thực hiện
dạy môn Ngoại ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2018, tiếp tục thực hiện môn Ngoại
ngữ 1 theo Chương trình GDPT 2006.
2.3. Môn học tự chọn
Khuyến khích các cơ sở giáo dục
trung học triển khai dạy học các môn tự chọn khi nhà trường có điều kiện về đội
ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
2.4. Nội dung giáo dục của địa
phương và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp thực hiện như mục 1.3 và 1.4 của
phần II.
III. Tổ chức thực hiện
1. Tiếp tục triển khai tập huấn
cán bộ quản lý và giáo viên các mô đun triển khai CT GDPT 20183, bảo đảm cho cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ hơn
về CT GDPT 2018.
2. Chỉ đạo trường trung học phổ
thông phối hợp với Phòng GDĐT tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa
chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 nếu các em được vào học lớp 10.
Trên cơ sở nhu cầu học tập của học sinh và điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở
vật chất, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp. Tăng cường công tác
tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ giúp học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học.
3. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục
phổ thông làm tốt công tác thông tin truyền thông để học sinh, cha mẹ học sinh
hiểu rõ quy định về chương trình giáo dục trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp
ở cấp trung học phổ thông.
4. Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và kịp thời khắc phục
những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện CT GDPT 2018; đổi mới
công tác quản lý; giảm hồ sơ, sổ sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
và tạo môi trường làm việc sáng tạo cho giáo viên.
Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT triển
khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần
báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn, giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng;
- Các trường phổ thông trực thuộc;
- Các Cục, Vụ, Viện KHGDVN;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|
1
Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu
2
Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm
môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ
thuật: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
3
Các mô đun tập huấn ban hành kèm theo Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT ngày
04/12/2019 ban hành danh mục các mô đun bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện công tác bồi dưỡng thường
xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.