BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC GIÁO DỤC
NGHỀ NGHIỆP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 589/TCGDNN-ĐTCQ
Về việc đẩy mạnh hợp tác giữa
cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
|
Hà Nội,
ngày 29 tháng 03 năm 2018
|
Kính
gửi: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN về việc gắn kết
giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp gửi các Bộ, ngành Trung ương và Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan
chuyên môn, các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý triển khai đồng bộ một số nhiệm
vụ, giải pháp tăng cường gắn kết với doanh nghiệp.
Để giúp các cơ sở GDNN thực tốt việc
gắn kết với doanh nghiệp theo chỉ đạo nêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
hướng dẫn các cơ sở GDNN triển khai, thực hiện một số hoạt động sau:
1. Về công tác tổ chức, kết nối với
doanh nghiệp
- Kiện toàn hoặc thành lập bộ phận chức
năng làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thiết lập kênh
thông tin tiếp nhận nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; triển khai
nhiệm vụ đào tạo theo đặt hàng;
- Chủ động tiếp cận và tìm đến các
doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng
liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác
khác.v.v...); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường
xuyên;
- Tăng cường truyền thông để thu hút
sự quan tâm của doanh nghiệp, người học và xã hội về GDNN; thông tin về chính
sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, nhất là các chính sách thuế cho doanh
nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN (tham khảo Phụ lục kèm theo); thiết lập kênh
thông tin (website, email, điện thoại.v.v...) về hợp tác với các doanh nghiệp của
cơ sở GDNN;
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế
hoạch đấy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong năm 2018; báo cáo kết quả thực hiện
ban đầu cùng các kiến nghị đề xuất về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Địa chỉ:
37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội; email: daotaocq@molisa.gov.vn), Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương và các Bộ, ngành chủ quản.
2. Về thực hiện các chương trình hợp
tác với doanh nghiệp
a) Liên kết đào tạo với doanh nghiệp
- Liên kết đào tạo với doanh nghiệp
là sự phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp
bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ sơ cấp và các chứng chỉ đào tạo
khác thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Cơ sở GDNN là đơn vị chủ trì liên kết
đào tạo, doanh nghiệp là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo;
- Hợp đồng liên kết đào tạo với doanh
nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung sau:
+ Quyền, trách nhiệm của các bên (nhà
trường, doanh nghiệp, người dạy, người học);
+ Thống nhất nội dung chương trình
đào tạo theo chuẩn đầu ra (theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời
gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp), kế hoạch tiến độ đào tạo, thời gian
đào tạo tại doanh nghiệp và thời gian đào tạo tại cơ sở GDNN (doanh nghiệp có
thể đảm nhận tới 40% chương trình đào tạo, nhất là phần đào tạo thực hành);
+ Hình thức tổ chức kiểm tra, đánh
giá;
+ Phụ cấp hoặc tiền lương cho nhà
giáo, người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực
tập tại doanh nghiệp;
+ Phụ cấp hoặc tiền lương của cơ sở
GDNN trả cho người hướng dẫn của doanh nghiệp (nếu có);
+ Những nội dung khác liên quan đến
quyền và trách nhiệm của các bên.
- Việc tổ chức liên kết đào tạo với
doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo được thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ
trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết chương trình
đào tạo; Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo
trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích
lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; Thông
tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và các văn bản quy phạm pháp
luật khác có liên quan.
b) Đào tạo theo đặt hàng của doanh
nghiệp
- Cơ sở GDNN tổ chức việc đào tạo theo
hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp để đào tạo nhân lực lao động cho
doanh nghiệp;
- Hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh
nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung tương tự như Hợp đồng liên kết đào
tạo với doanh nghiệp và có điều khoản quy định việc tiếp nhận người học sau quá
trình đào tạo nếu đạt yêu cầu của doanh nghiệp;
- Việc tổ chức đào tạo theo đặt hàng
được áp dụng theo hình thức đào tạo chính quy hoặc thường xuyên theo quy định của
Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm đáp ứng
theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
c) Các chương trình hợp tác khác
Ngoài hai chương trình hợp tác chính
nêu trên, cơ sở GDNN cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp thông qua các thỏa
thuận hợp tác giữa các bên trong các hoạt động sau:
- Hợp tác trong việc rà soát và điều
chỉnh các chương trình, giáo trình đào tạo của cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu của
thị trường lao động;
- Hợp tác tổ chức cho nhà giáo đi thực
hành, thực tập tại doanh nghiệp; mời cán bộ kỹ thuật, chuyên gia đến từ doanh
nghiệp để giảng dạy, tham gia vào hội đồng trường của các trường cao đẳng, trường
trung cấp công lập, hội đồng quản trị trường cao đẳng, trường trung cấp tư thục
và các hội đồng chuyên môn khác của cơ sở GDNN;
- Hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng
dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho nhà giáo của các cơ sở GDNN và người
dạy của doanh nghiệp tham gia giảng dạy;
- Hợp tác trong việc đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN.
3. Về nhà giáo, người dạy trong
các chương trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác đào tạo
khác
- Nhà giáo giảng dạy trong các chương
trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác đào tạo khác với
doanh nghiệp là nhà giáo của cơ sở GDNN có tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng
dẫn thi hành Luật. Cơ sở GDNN cần bố trí nhà giáo tham gia hướng dẫn, quản lý
người học trong các chương trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình
hợp tác khác khi người học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp;
- Người dạy của doanh nghiệp trong
các chương trình liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác
đào tạo khác với doanh nghiệp là cử nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân,
người có tay nghề cao.v.v...có đủ tiêu chuẩn theo quy định về chuẩn nhà giáo
GDNN tại từng cấp trình độ đào tạo tương ứng, được người đứng đầu doanh nghiệp
cử tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho người học trong các
chương trình liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác
khác. Người dạy của doanh nghiệp được sinh hoạt chuyên môn với đơn vị tham gia
giảng dạy của cơ sở GDNN.
Trên đây là một số hướng dẫn về đẩy mạnh
hợp tác với doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc
đề nghị các cơ sở GDNN liên hệ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để được hỗ trợ1./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Các Sở LĐTB&XH (để biết);
- Lưu: VT, TCGDNN.
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Minh
|
PHỤ LỤC
THÔNG
TIN VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
NGHỀ NGHIỆP
(Kèm theo Công văn số 589/TCGDNN-ĐTCQ ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Tổng Cục
trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Theo quy định của Bộ luật Lao động,
Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất, nhập khẩu,
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa .v.v.. và các văn bản hướng dẫn thi hành, các doanh nghiệp khi tham
gia hoạt động GDNN được hưởng một số chính sách ưu đãi như sau:
1. Chính sách thuế thu nhập doanh
nghiệp
a) Chi phí được trừ khi xác định
thu nhập chịu thuế
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các văn
bản hướng dẫn (Thông tư số 11/VBHN-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính về hợp
nhất hướng dẫn một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp...), doanh nghiệp
khi tham gia hoạt động GDNN thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với
những khoản chi sau:
- Chi phí trả cho người dạy; chi phí
cho biên soạn tài liệu học tập; chi phí cho mua sắm thiết bị dùng để hoạt động
GDNN, vật liệu thực hành;
- Chi phí xây dựng cơ sở vật chất,
chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động GDNN
được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;
- Các chi phí khác hỗ trợ cho người học
và các khoản chi khi tham gia hoạt động GDNN theo quy định.
- Chi phí đào tạo của doanh nghiệp
cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp;
- Chi tài trợ cho các cơ sở GDNN công
lập, tư thục mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong
các cơ sở GDNN;
- Chi tài trợ cơ sở vật chất phục vụ
giảng dạy, học tập và hoạt động thường xuyên của cơ sở GDNN;
- Chi tài trợ học bổng cho học sinh,
sinh viên của các cơ sở GDNN; tài trợ cho các cuộc thi tay nghề mà đối tượng
tham gia dự thi là người học.
- Chi tài trợ để thành lập các Quỹ
khuyến học giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo;
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành
riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện,
người nhiễm HIV/AIDS;
b) Thuế suất ưu đãi
- Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời
gian hoạt động áp dụng đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động
trong lĩnh vực GDNN;
- Doanh nghiệp thành lập mới hoạt động
trong lĩnh vực GDNN được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế
phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo tại địa bàn có điều kiện kinh tế -
xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn
2. Chính sách thuế giá trị gia
tăng
Theo quy định của Luật Thuế giá trị
gia tăng và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013
của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng....), các đối tượng
không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:
- Dạy học, dạy nghề theo quy định của
pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học .... và dạy các nghề khác nhằm đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp;
- Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo,
tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách giáo khoa, giáo trình, sách khoa học-kỹ thuật.
3. Chính sách thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu
Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu năm 2016 và các văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp được miễn thuế
nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được
phục vụ trực tiếp cho GDNN.
Ngoài các chính sách nêu trên, doanh
nghiệp còn được hưởng các chính sách xã hội hóa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ, vừa và một số chính sách ưu đãi về thuế khác khi tham gia hoạt động
GDNN./.
1 Mọi chi tiết đề nghị liên hệ:
- Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào
tạo chính quy, số điện thoại: 0983.752.225, email: hung.vdtn@molisa.gov.vn;
- Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, số điện
thoại: 0903.411.568, email: tiendv@molisa.gov.vn)