Kính
gửi:
|
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
- Y tế các bộ, ngành;
- Hiệp hội Bệnh viện tư nhân.
(Sau đây gọi chung là các Đơn vị)
|
Căn cứ Luật BHYT và các văn bản hướng
dẫn;
Căn cứ điểm a Khoản 7 Điều
1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về chi phí
cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch
COVID-19;
Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời việc thanh
toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là KCB) bảo hiểm y tế (sau
đây gọi tắt BHYT) đối với người có thẻ BHYT trong thời gian cách ly y tế tập
trung và một số trường hợp khác trong thời gian dịch bệnh do COVID-19, thay thế
nội dung hướng dẫn tại Khoản 3 Công văn 3100/BYT-BH ngày 20 tháng
4 năm 2021 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:
“I. Đối với người
bệnh điều trị ngoại trú hoặc điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú
khi mắc các bệnh, nhóm bệnh được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm dương lịch
(Quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của
Bộ Y tế quy định đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT) đã được cơ sở
KCB điều trị và cấp Giấy hẹn khám lại hoặc Sổ khám bệnh hoặc Sổ Y bạ hẹn khám lại
(sau đây gọi chung là Giấy hẹn khám lại), nhưng do dịch bệnh, người bệnh không
đến cơ sở KCB đó để khám lại được, trong các trường hợp sau:
- Cơ sở KCB bị phong tỏa, cách ly y tế
hoặc nằm trong vùng thực hiện việc giãn cách xã hội hoặc thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống dịch bệnh, không tiếp nhận được người bệnh;
- Người bệnh cư trú, sinh sống, làm
việc, học tập tại nơi bị phong tỏa hoặc bị cách ly y tế, hoặc thực hiện giãn
cách xã hội không đến cơ sở KCB theo đúng giấy hẹn khám lại được; hoặc sau khi
đến cơ sở KCB, địa phương nơi người bệnh cư trú, sinh sống, làm việc, học tập
yêu cầu người bệnh cách ly.
Cơ sở KCB nơi cấp giấy hẹn có thể lựa
chọn thực hiện theo một hoặc đồng thời các hình thức như sau:
1. Cơ sở KCB nơi
cấp Giấy hẹn khám lại cho người bệnh (đang cư trú, sinh sống, công tác, học tập
trên địa bàn tỉnh khác) thực hiện chuyển thuốc, vật tư y tế đến cơ sở KCB nơi
tiếp nhận điều trị người bệnh:
1.1. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi cấp
Giấy hẹn khám lại thực hiện chuyển thuốc, vật tư y tế (VTYT) đến cơ sở KCB nơi
tiếp nhận điều trị bệnh nhân (gọi chung là cơ sở KCB chuyển thuốc, VTYT):
a) Căn cứ điều kiện thực tế để xem
xét lựa chọn cơ sở KCB phù hợp, thuận tiện trong việc điều trị cho người bệnh
(gọi chung là cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT) để chuyển thuốc, VTYT;
b) Phối hợp với cơ sở KCB nơi nhận
thuốc, VTYT xác định số lượng, chủng loại một số mặt hàng thuốc, VTYT cần thiết
để điều trị cho người bệnh mà không sẵn có tại cơ sở KCB nơi nhận thuốc;
c) Thông tin, hướng dẫn người bệnh lựa
chọn cơ sở KCB quy định tại điểm a Mục này phù hợp với địa bàn cư trú, sinh sống,
công tác, học tập để được khám lại, cấp thuốc, VTYT, đáp ứng việc KCB của người
bệnh;
d) Thực hiện chuyển thuốc, VTYT đến
cơ sở KCB nơi được lựa chọn:
- Việc vận chuyển, giao nhận thuốc và
VTYT giữa cơ sở KCB nơi chuyển và cơ sở KCB nơi nhận thuốc thực hiện theo thỏa
thuận giữa hai bên.
Việc thỏa thuận được lập thành văn bản
có xác nhận của hai bên, trong đó có một số nội dung cơ bản như sau: Tên cơ sở;
Địa chỉ; Địa chỉ thư điện tử; Điện thoại; số tài khoản; Người đại diện của cơ sở
nơi chuyển và nơi nhận thuốc, VTYT; Tên danh mục thuốc, VTYT; số lượng thuốc,
VTYT; Đơn giá thuốc, VTYT; Thông tin đấu thầu, mua sắm thuốc
VTYT (gồm: số Quyết định trúng thầu; Ngày, tháng, năm ban hành Quyết định; Cơ
quan ban hành quyết định); Hình thức giao nhận, chuyển trả; Địa điểm, thời gian
giao nhận;
- Đảm bảo chất lượng thuốc, VTYT
trong quá trình vận chuyển, giao nhận.
- Kinh phí vận chuyển thuốc, VTYT sử
dụng nguồn ngân sách nhà nước được giao để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nguồn
thu sự nghiệp hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác;
đ) Hướng dẫn cơ sở KCB nơi nhận thuốc,
VTYT và tiếp nhận người bệnh để khám lại, cấp thuốc, VTYT, điều trị cho người bệnh;
e) Thông tin và phối hợp với Sở Y tế
trên địa bàn người bệnh cư trú, sinh sống, làm việc học tập để được hỗ trợ
trong việc thực hiện các trách nhiệm quy định tại điểm d và đ Mục này;
g) Khi có thể tiếp nhận người bệnh trở
lại, cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT có trách nhiệm tiếp nhận người bệnh theo
Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT để KCB cho người bệnh tại
cơ sở KCB của mình;
Các trường hợp quy định tại Mục 1.1 Khoản
này được xác định là KCB BHYT đúng tuyến.
1.2. Trách nhiệm của người bệnh:
a) Trường hợp địa bàn cư trú, sinh sống,
làm việc, học tập của người bệnh bị phong tỏa hoặc người bệnh bị cách ly y tế,
không đi KCB theo giấy hẹn khám lại được, người bệnh thông báo cho cơ sở KCB
nơi cấp giấy hẹn về tình trạng bị phong tỏa để cơ sở KCB nơi cấp giấy hẹn khám
lại biết;
b) Người bệnh được sử dụng Giấy hẹn
khám lại của cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT để đến cơ sở KCB nơi nhận thuốc,
VTYT theo hướng dẫn của Sở Y tế trên địa bàn người bệnh cư trú, sinh sống, làm
việc, học tập và hướng dẫn của cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT để được KCB;
c) Khi có thể quay trở lại được cơ sở
KCB nơi cấp thuốc, VTYT, người bệnh được sử dụng Giấy hẹn khám lại của cơ sở
KCB nơi nhận thuốc, VTYT để đi KCB tại cơ sở KCB nơi cấp thuốc (nơi trước đó đã
điều trị và cấp Giấy hẹn khám cho người bệnh);
Các trường hợp quy định tại Mục 1.2 Khoản
này được xác định là KCB BHYT đúng tuyến.
1.3. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi nhận
thuốc, VTYT và thực hiện khám, cấp thuốc, VTYT để KCB cho người bệnh:
a) Thực hiện tiếp nhận thuốc, VTYT;
chuyển trả thuốc, VTYT trong trường hợp không sử dụng hết từ cơ sở KCB nơi chuyển
thuốc;
- Việc tiếp nhận, chuyển trả thuốc và
VTYT thực hiện theo thỏa thuận với cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT quy định tại
điểm d Mục 1.1 Khoản này;
- Đảm bảo chất lượng thuốc, VTYT
trong quá trình vận chuyển trả lại thuốc, VTYT không sử dụng hết (nếu có);
b) Trước khi thực hiện tiếp nhận, KCB
đối với người bệnh, cơ sở KCB gửi văn bản thông báo gồm các thông tin quy định
tại điểm d Mục 1.1 Khoản này đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) nơi ký hợp đồng
KCB BHYT với cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT để bảo đảm việc trích chuyển dữ liệu
điện tử và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT;
c) Lập, lưu trữ hồ sơ KCB, cấp thuốc,
VTYT theo quy định, tổng hợp gửi cho cơ quan BHXH nơi đã ký hợp đồng KCB BHYT với
cơ sở KCB đó;
d) Tạo lập, trích chuyển dữ liệu điện
tử chi phí KCB, thuốc, VTYT lên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin
giám định BHYT của BHXH Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 4210/QĐ-BYT
ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định chuẩn và định dạng
dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT,
trong đó:
- Tại Bảng 1: Trường số 17 (MA_NOI_CHUYEN) ghi mã cơ sở KCB
nơi cấp Giấy hẹn khám lại; tại Trường số 13 (TENBENH) ghi nội dung: “Khám bệnh,
chữa bệnh, cấp thuốc theo Giấy hẹn khám lại và hướng dẫn điều trị của cơ sở KCB
(ghi tên cơ sở KCB đã cấp Giấy hẹn khám lại)”.
Ví dụ: Bệnh viện Bạch Mai có mã cơ sở
KCB BHYT là 01929, là cơ sở KCB đã cấp Giấy hẹn khám lại nhưng do dịch bệnh,
người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh A để KCB, tại trường số 17 (MA_NOI_CHUYEN) ghi: 01929; tại trường số 13 (TENBENH) Bệnh viện Đa
khoa tỉnh A ghi: “Khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc theo Giấy hẹn khám lại và hướng
dẫn điều trị của Bệnh viện Bạch Mai”.
- Tại Bảng 2:
+ Trường số 3 (MA_THUOC) được mã hóa: MA_THUOC.K.XXXXX
(trong đó XXXXX là mã cơ sở KCB nơi chuyển thuốc).
Ví dụ: Bệnh viện Bạch Mai có mã cơ sở
KCB BHYT là 01929, là cơ sở KCB đã cấp Giấy hẹn khám lại có chuyển thuốc chống
thải ghép Ciclosporin (có mã: 40.405) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh A, tại trường
số 3 (MA_THUOC) Bệnh viện Đa khoa tỉnh A mã hóa như sau: “40.405.K.01929”;
+ Trường số 11 (TT_THAU): Cơ sở KCB ghi thông tin đấu thầu của thuốc theo thông tin tại cơ
sở KCB nơi thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc đó.
- Tại Bảng 3:
+ Trường số 4 (MA_VAT_TU) được mã hóa: MA_VAT_TU.K.XXXXX (trong đó XXXXX là mã cơ sở KCB nơi
chuyển VTYT);
+ Trường số 13 (TT_THAU): Cơ sở KCB ghi thông tin đấu thầu của VTYT theo thông tin tại cơ
sở KCB nơi thực hiện đấu thầu, mua sắm VTYT đó.
đ) Thu tiền cùng chi trả và chi phí tự
chi trả của người bệnh đối với thuốc, VTYT (nếu có) nhận từ cơ sở KCB nơi chuyển
thuốc, VTYT tính trên số lượng thực tế đã sử dụng cho người bệnh (nếu có);
e) Thanh toán chi phí thuốc, VTYT cho
cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT theo giá mua vào của cơ sở KCB nơi chuyển thuốc,
VTYT, bao gồm cả số tiền cùng chi trả, chi phí tự chi trả của người bệnh đối với
thuốc, VTYT đó (nếu có);
g) Khi người bệnh có thể quay trở lại
được cơ sở KCB nơi cấp thuốc, VTYT, cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT cấp giấy hẹn
khám lại hoặc cấp Giấy chuyển tuyến và hướng dẫn người bệnh tiếp tục đến KCB tại
cơ sở KCB nơi trước đó đã điều trị. Trường hợp này được xác định là KCB BHYT
đúng tuyến.
1.4. Trách nhiệm của Sở Y tế trên địa
bàn người bệnh cư trú, sinh sống, làm việc, học tập:
a) Phối hợp, hỗ trợ cơ sở KCB nơi cấp
Giấy hẹn khám lại cho người bệnh lựa chọn cơ sở KCB trên địa bàn phù hợp, thuận
tiện để tiếp nhận người bệnh, thuốc, VTYT, đáp ứng việc KCB cho người bệnh;
b) Phối hợp, hỗ trợ cơ sở KCB nơi cấp
Giấy hẹn khám lại thông tin, hướng dẫn người bệnh lựa chọn cơ sở KCB phù hợp tại
điểm a Mục 1.1 Khoản này để được KCB, cấp thuốc, VTYT, bảo đảm quá trình điều
trị cho người bệnh;
1.5. Trách nhiệm của cơ quan BHXH cấp
tỉnh trên địa bàn người bệnh cư trú, sinh sống, làm việc, học tập:
Thực hiện thanh toán hoặc chỉ đạo các
đơn vị BHXH trực thuộc (nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB BHYT nơi nhận và
sử dụng thuốc, VTYT cho người bệnh) thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT cho
cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT. Các chi phí KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán
bao gồm:
a) Chi phí thuốc, VTYT trong phạm vi
quyền lợi và mức hưởng đã sử dụng cho người bệnh mà cơ sở KCB đã nhận từ cơ sở
KCB nơi chuyển thuốc, VTYT;
b) Các chi phí KCB BHYT khác ngoài
quy định tại điểm a Mục 1.5 Khoản này (nếu có) mà cơ sở KCB nơi nhận thuốc đã
thực hiện, sử dụng cho người bệnh.
2. Cơ sở KCB nơi
cấp Giấy hẹn khám lại cho người bệnh (đang cư trú, sinh sống, công tác, học tập
trên địa bàn tỉnh khác) thực hiện chuyển thuốc, VTYT đến Sở Y tế trên địa bàn
nơi người bệnh cư trú, sinh sống, làm việc, học tập (sau đây gọi tắt là Sở Y tế
nơi nhận) để Sở Y tế làm nhiệm vụ điều tiết chuyển thuốc, VTYT đến cơ sử KCB được
lựa chọn trên địa bàn tỉnh:
2.1. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi cấp
Giấy hẹn khám lại thực hiện chuyển thuốc, VTYT đến Sở Y tế nơi nhận (gọi chung
là cơ sở KCB chuyển thuốc, VTYT):
a) Rà soát, tổng hợp và gửi danh sách
người bệnh đến Sở Y tế nơi nhận để phối hợp thực hiện;
b) Căn cứ điều kiện thực tế, phối hợp
với Sở Y tế nơi nhận xem xét lựa chọn danh mục thuốc, VTYT cần chuyển nhằm đáp ứng
nhu cầu điều trị của người bệnh trên địa bàn;
c) Phối hợp với Sở Y tế nơi nhận để lựa
chọn cơ sở KCB phù hợp, thuận tiện trong việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh;
d) Thực hiện chuyển thuốc, VTYT đến Sở
Y tế nơi nhận: Áp dụng nguyên tắc được quy định tại điểm d Mục 1.1 Khoản 1 Phần
I Công văn này;
đ) Khi có thể tiếp nhận người bệnh trở
lại, cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT có trách nhiệm tiếp nhận người bệnh theo
Giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT để KCB cho người bệnh tại
cơ sở KCB của mình;
Các trường hợp quy định tại Mục 2.1 Khoản
này được xác định là KCB BHYT đúng tuyến.
2.2. Trách nhiệm của Sở Y tế nơi nhận
thuốc, VTYT:
a) Chỉ định đơn vị trên địa bàn làm đầu
mối để tiếp nhận thuốc, VTYT từ cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT;
b) Căn cứ danh sách người bệnh, số lượng,
mặt hàng thuốc, VTYT nhận từ cơ sở KCB nơi chuyển thuốc, VTYT và tình hình thực
tế tại địa phương, Sở Y tế lập danh sách cơ sở KCB phù hợp, thuận tiện trong việc
tiếp nhận, điều trị cho người bệnh (sau đây gọi là cơ sở KCB nơi nhận) và danh mục
thuốc, VTYT được chuyển cho từng cơ sở KCB nơi nhận để điều trị cho người bệnh;
c) Chỉ đạo việc điều tiết, chuyển thuốc,
VTYT đã nhận từ cơ sở KCB nơi chuyển đến cơ sở làm đầu mối tiếp nhận thuốc,
VTYT và cơ sở KCB nơi nhận thuốc, VTYT để điều trị cho người bệnh. Việc vận
chuyển, giao nhận thuốc áp dụng nguyên tắc quy định tại điểm d Mục 1.1 Khoản 1
Phần I Công văn này;
d) Thông tin, hướng dẫn người bệnh lựa
chọn cơ sở KCB quy định tại điểm a Mục này phù hợp với địa bàn cư trú, sinh sống,
làm việc, học tập để được khám lại, cấp thuốc, VTYT, đáp ứng việc KCB của người
bệnh;
đ) Thông báo bằng văn bản đến cơ quan
BHXH tỉnh về việc chuyển thuốc, VTYT giữa cơ sở KCB nơi chuyển và cơ sở KCB nơi
nhận và danh sách quy định tại điểm a Mục này để có căn cứ thực hiện thanh toán
BHYT;
e) Giao đơn vị trên địa bàn hoặc đơn
vị làm đầu mối tiếp nhận thuốc, VTYT để tổng hợp chi phí thuốc, VTYT đã sử dụng
từ các cơ sở KCB nơi nhận thuốc theo giá mua vào của cơ sở KCB nơi chuyển thuốc,
VTYT (bao gồm cả số tiền cùng chi trả, chi phí tự chi trả của người bệnh đối với
thuốc, VTYT đó (nếu có)), để chuyển kinh phí về cơ sở KCB nơi chuyển thuốc,
VTYT.
2.3. Trách nhiệm của cơ quan BHXH cấp
tỉnh:
Thực hiện thanh toán hoặc chỉ đạo các
đơn vị BHXH trực thuộc thực hiện thanh toán chi phí KCB nơi nhận thuốc như quy
định tại Mục 1.5 Khoản 1 Phần I Công văn này.
2.4. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi nhận
thuốc:
a) Thực hiện các trách nhiệm như quy
định tại các điểm a, b, c, d, đ, g Mục 1.3 Khoản 1 Phần I Công văn này;
b) Chuyển trả chi phí thuốc, VTYT cho
Sở Y tế hoặc cho đơn vị trên địa bàn làm đầu mối tiếp nhận và tổng hợp chi phí
thuốc, VTYT đã sử dụng theo phân công của Sở Y tế theo giá mua vào của cơ sở
KCB nơi chuyển thuốc, VTYT, bao gồm cả số tiền cùng chi trả, chi phí tự chi trả
của người bệnh đối với thuốc, VTYT đó (nếu có);
c) Trường hợp cơ sở KCB là trạm Y tế
tuyến xã, trước khi thực hiện nhiệm vụ nhận và cấp thuốc, VTYT cho người bệnh
thì phải thông báo với cơ sở KCB (nơi ký hợp đồng với cơ quan BHXH để tổ chức
KCB BHYT cho người bệnh tại trạm y tế cấp xã đó) để cơ sở KCB này thực hiện
thanh toán với cơ quan BHXH nơi đa ký hợp đồng KCB BHYT;
2.5. Trách nhiệm của người bệnh:
Thực hiện các trách nhiệm như quy định
Mục 1.2 Khoản 1 Phần I Công văn này.
3. Cơ sở KCB cấp
giấy khám lại cho người bệnh đang cư trú, sinh sống, công tác, học tập trên địa
bàn tỉnh đó
a) Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với
các cơ sở KCB địa bàn để hướng dẫn, lựa chọn cơ sở KCB phù hợp và thuận tiện
trong việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh; chủ trì, thông báo và hướng dẫn
các cơ sở KCB nơi chuyển và nơi nhận thuốc, VTYT để biết và thực hiện theo
nguyên tắc quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Phần I Công văn này; gửi thông báo
đến cơ quan BHXH tỉnh để có căn cứ thanh toán BHYT. Việc hướng dẫn, lựa chọn,
thông báo được thực hiện bằng văn bản.
b) Cơ quan BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo các đơn vị BHXH trực thuộc thực hiện thanh toán chi phí KCB nơi nhận
thuốc như quy định tại Mục 1.5 Khoản 1 Phần I Công văn này.
4. Người bệnh ủy
quyền cho người đại diện đến nhận thuốc:
4.1. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi điều
trị cho người bệnh:
a) Thực hiện kiểm tra cơ sở dữ liệu
(check) thẻ BHYT của người bệnh trên Hệ thống quản lý thông tuyến của BHXH Việt
Nam;
b) Kiểm tra và lưu giữ giấy ủy quyền
của người bệnh cho người đại diện mà người bệnh ủy quyền (sau đây gọi tắt là
người được ủy quyền) để làm căn cứ thanh toán BHYT;
c) Thực hiện cấp thuốc đến cho người
được ủy quyền theo đúng chỉ định chuyên môn;
d) Lập, lưu trữ hồ sơ KCB, cấp thuốc
theo quy định, tổng hợp gửi cho cơ quan BHXH (nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở
KCB đó);
đ) Trích chuyển dữ liệu điện tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt
Nam, trong đó:
- Cơ sở KCB điền thông tin thẻ BHYT của
người bệnh vào Hệ thống quản lý thông tuyến của BHXH Việt Nam;
- Tại Bảng 1: Trường MA_LOAI_KCB ghi số 7 (Nhận thuốc theo hẹn; không khám
bệnh);
e) Thu tiền đồng chi trả đối với thuốc
cấp cho người bệnh từ người được ủy quyền (nếu có);
4.2. Trách nhiệm của người bệnh:
a) Lập giấy ủy quyền có xác nhận của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND cấp xã/phường nơi cư trú, sinh sống hoặc
Thủ trưởng đơn vị nơi đang làm việc, học tập) để ủy quyền cho người được ủy quyền
đại diện để nhận thuốc từ cơ sở KCB;
b) Gửi thẻ BHYT cho người được ủy quyền
để xuất trình với cơ sở KCB khi đến nhận thuốc;
c) Gửi số tiền đồng chi trả cho người
được ủy quyền để nộp cho cơ sở KCB (nếu có).
4.3. Trách nhiệm của người được ủy
quyền:
a) Thực hiện đến nhận thuốc theo đúng
nội dung trách nhiệm trong giấy ủy quyền;
b) Xuất trình thẻ BHYT của người bệnh
cho cơ sở KCB để kiểm tra;
c) Nộp giấy ủy quyền của người bệnh
cho cơ sở KCB;
d) Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc
căn cước công dân;
đ) Ký xác nhận vào Bảng kê chi phí
KCB do cơ sở KCB lập theo mẫu Bảng kê chi phí KCB ban hành kèm Quyết định số
6556/QĐ-BYT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Riêng đối với trường
hợp HIV/AIDS thì cơ sở KCB ẩn trường chẩn đoán, chỉ ghi mã bệnh;
e) Thực hiện nộp tiền cùng chi trả của
người bệnh đối với phần cùng chi trả của chi phí thuốc (nếu có).
4.4. Trách nhiệm của cơ quan BHXH
(nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB BHYT nơi nhận và sử dụng thuốc, VTYT
cho người bệnh):
a) Tiếp nhận, giám định dữ liệu đề
nghị thanh toán;
b) Hướng dẫn, thực hiện thanh toán
chi phí thuốc, VTYT cho cơ sở KCB BHYT như theo quy định đối với trường hợp nhận
thuốc theo hẹn; không thanh toán tiền công khám bệnh.
5. Trường hợp người
bệnh đang được cấp phát thuốc định kỳ để điều trị HIV/AIDS hoặc điều trị bệnh
lao:
5.1. Cơ sở KCB, người bệnh được áp dụng
thực hiện theo các quy định tại các Khoản 1, 2, 3 hoặc Khoản 4 Phần I Công văn
này; hoặc thực hiện theo hình thức cấp thuốc, chuyển thuốc trực tiếp đến người
bệnh, như cử cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên hoặc thỏa thuận với đơn vị
làm nhiệm vụ vận chuyển, giao thuốc đến cho người bệnh. Việc lựa chọn hình thức
giao thuốc do người đứng đầu cơ sở KCB đó quyết định.
Trường hợp thuê đơn vị làm nhiệm vụ
nhận chuyển giao thuốc đến cho người bệnh thì chi phí vận chuyển thuốc do người bệnh tự chi trả hoặc do nguồn ngân sách nhà nước phục
vụ phòng chống dịch COVID-19 chi trả hoặc nguồn thu sự nghiệp hoặc từ nguồn
ngân sách hợp pháp khác chi trả.
5.2. Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi điều
trị cho người bệnh:
a) Lựa chọn hình thức phù hợp để chuyển
thuốc đến cho người bệnh theo quy định tại Mục 5.1 Khoản này;
b) Thực hiện cấp thuốc, chuyển thuốc
đến người bệnh để sử dụng theo đúng chỉ định chuyên môn;
c) Lập, lưu trữ hồ sơ KCB, tổng hợp gửi
cho cơ quan BHXH (nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB đó với cơ sở KCB đó);
d) Trích chuyển dữ liệu điện tử lên cổng
tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, trong
đó:
- Cơ sở KCB tự kiểm tra thông tin thẻ
BHYT của người bệnh trên Hệ thống quản lý thông tuyến của BHXH Việt Nam;
- Tại Bảng 1: Trường MA_LOAI_KCB ghi số 7 (Nhận thuốc theo hẹn; không khám
bệnh), trường MA_LDO_VVIEN ghi số 7
(Lĩnh thuốc ngoài viện do trường hợp bất khả kháng).
đ) Thu tiền đồng chi trả đối với thuốc
cấp cho người bệnh (nếu có).
5.3. Trách nhiệm của người bệnh có thẻ
BHYT nhận thuốc:
a) Ký xác nhận
vào Bảng kê chi phí KCB do cơ sở KCB lập từ trước khi đến giao thuốc cho người
bệnh, theo mẫu Bảng kê chi phí KCB ban hành kèm Quyết định số 6556/QĐ-BYT.
Riêng đối với trường hợp người bệnh HIV/AIDS thì cơ sở KCB ẩn trường chẩn đoán,
chỉ ghi mã bệnh;
b) Trường hợp thực hiện chuyển thuốc qua
đơn vị nhận giao thuốc thì người bệnh hoặc người nhận thuốc ký vào phiếu nhận
hàng (nếu có);
Trường hợp người bệnh không nhận thuốc
trực tiếp hoặc không ký nhận vào các giấy tờ quy định tại các điểm a, b Mục này
được thì người nhận thuốc cho người bệnh ký nhận thay, trong đó ghi rõ họ và
tên, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người nhận thay và ghi rõ
lý do người bệnh không nhận thuốc trực tiếp và không ký được.
c) Nộp tiền cùng chi trả của người bệnh
đối với phần cùng chi trả của chi phí thuốc (nếu có) và các giấy tờ quy định tại
các điểm a, b Mục này cho cơ sở KCB thông qua người giao thuốc hoặc đơn vị vận
chuyển thuốc.
5.4. Trách nhiệm của cơ quan BHXH
(nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB BHYT nơi nhận và sử dụng thuốc, VTYT
cho người bệnh):
a) Tiếp nhận, giám định dữ liệu đề
nghị thanh toán;
b) Hướng dẫn, thực hiện thanh toán
chi phí thuốc cho cơ sở KCB BHYT như theo quy định đối với trường hợp nhận thuốc
theo hẹn; không thanh toán tiền công khám bệnh.
II. Đối với người
bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở KCB được giao nhiệm vụ phòng, chống dịch,
phân luồng, cách ly bệnh nhân, hoặc tại các cơ sở KCB khác có chỉ định chuyển
tuyến nhưng do tình hình dịch bệnh không chuyển được người bệnh lên tuyến trên
1. Khi người bệnh cần sử dụng thuốc
theo hướng dẫn về chuyên môn chẩn đoán, điều trị thì được quỹ BHYT thanh toán
khi thuốc được cơ sở KCB mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, mà
không phụ thuộc vào hạng của bệnh viện theo quy định tại Thông tư số
30/2018/TT-BYT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục
và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ
và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, Thông tư số
01/2020/TT-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số
30/2018/TT-BYT , Thông tư số 20/2020/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2020 và Thông
tư 05/2015/TT-BYT ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục
thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi
thanh toán của quỹ BHYT.
2. Trách nhiệm thực hiện:
2.1 Trách nhiệm của Sở Y tế:
a) Căn cứ năng lực chuyên môn của cơ
sở KCB và tình hình thực tế tại địa phương để xác định danh mục thuốc vượt hạng
được sử dụng tại cơ sở KCB đó;
b) Gửi văn bản thông báo với cơ quan
BHXH cấp tỉnh về danh mục cơ sở KCB và danh mục thuốc vượt hạng được sử dụng tại
các cơ sở KCB đó.
2.2 Trách nhiệm của cơ sở KCB nơi điều
trị cho người bệnh:
a) Trước khi sử dụng thuốc cho người
bệnh, cơ sở KCB phải tiến hành hội chẩn và lập biên bản hội chẩn.
b) Ánh xạ danh mục thuốc được sử dụng
vượt hạng mà Sở Y tế đã cho phép sử dụng tại cơ sở đến cơ quan BHXH nơi ký hợp
đồng làm cơ sở giám định, thanh toán BHYT;
c) Lập, lưu trữ hồ sơ KCB, cấp thuốc
theo quy định, tổng hợp gửi cho cơ quan BHXH (nơi ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở
KCB đó);
d) Trích chuyển dữ liệu điện tử lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt
Nam như sau: Trên Bảng XML2, trường số 3 (MA_THUOC) được
mã hóa: MA_THUOC.SC2 (trong đó SC2 là viết tắt của
SARS-CoV-2).
Ví dụ: Bệnh viện A, là cơ sở KCB hạng
II. Theo quy định của Thông tư 30/2018/TT-BYT , Bệnh viện A không được thanh
toán BHYT đối với thuốc Cetuximab (Cetuximab chỉ được thanh toán tại Bệnh viện hạng
đặc biệt, hạng I và bệnh viện chuyên khoa ung bướu hạng II). Tuy nhiên, trường
hợp Bệnh viện A được giao nhiệm vụ phòng chống dịch, đang điều trị người bệnh mắc
ung thư đại trực tràng di căn, thuộc type RAS tự nhiên, cần sử dụng thuốc
Cetuximab (có mã 40.349), Bệnh viện A được quỹ BHYT thanh toán đối với thuốc
Cetuximab khi đã thực hiện đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định. Bệnh viện sẽ
thực hiện chuyển dữ liệu thuốc Cetuximab lên hệ thống giám định BHYT theo mã
“40.349.SC2.”
2.3 Trách nhiệm của cơ quan BHXH nơi
ký hợp đồng KCB BHYT với cơ sở KCB nơi điều trị cho người bệnh:
a) Tiếp nhận, giám định dữ liệu đề
nghị thanh toán;
b) Thanh toán chi phí KCB BHYT cho cơ
sở KCB nơi điều trị cho người bệnh theo đúng quy định hiện hành, bao gồm cả phần
chi phí của thuốc vượt hạng mà cơ sở KCB được phép sử dụng.
Lưu ý: Việc
xác định quỹ định suất và tổng mức thanh toán đối với chi phí các chi phí thuốc,
vật tư y tế và các chi phí khác sử dụng cho người bệnh trong các trường hợp quy
định tại Phần I và II Công văn này sẽ được hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy
định về định suất và tổng mức thanh toán của Bộ Y tế”.
Công văn này thay thế Khoản
3 Công văn 3100/BYT-BH ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm
thời việc thanh toán chi phí KCB BHYT đối với người có thẻ BHYT trong thời gian
cách ly y tế tập trung và một số trường hợp khác trong thời gian dịch bệnh do
COVID-19 gây ra.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát
sinh bất cập, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo, phản ánh về Bộ Y
tế để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTgCP. Vũ Đức Đam (để b/c);
- Ban CĐQG về PC dịch COVID-19;
- Bộ trưởng (để b/cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VP, TTra Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Thuấn
|