Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công văn 4902/BCT-AP 2021 hướng dẫn luồng vận chuyển ưu tiên đối với nông sản xuất khẩu

Số hiệu: 4902/BCT-AP Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Trần Quốc Khánh
Ngày ban hành: 13/08/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4902/BCT-AP
V/v đề xuất ban hành hướng dẫn thực hiện luồng vận chuyển ưu tiên đối với nông sản xuất khẩu

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2021

 

Kính gửi: Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19

Trong bối cảnh nhiều tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và của các tỉnh phía Nam nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ khâu vận chuyển, lưu thông.

Hiện tượng ùn tắc phương tiện vận chuyển nông sản diễn ra ở một số chốt kiểm soát dịch làm cho thời gian vận chuyển kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, tăng chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu của nông sản Việt Nam.

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã ban hành hướng dẫn về thiết lập “luồng xanh” nhưng một số địa phương còn áp dụng và hướng dẫn khác nhau đối với việc kiểm soát phương tiện và vận chuyển hàng hóa qua địa bàn. Việc cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên sử dụng “luồng xanh” ở một số địa phương thực hiện còn chậm. Các phương tiện vận chuyển nông sản, dù được cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”, đôi lúc vẫn gặp khó khăn trong khi di chuyển qua các tỉnh trên đường đến cửa khẩu biên giới đường bộ hoặc cảng biển quốc tế. Bên cạnh đó, cũng chưa có hướng dẫn về “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, trong khi đây lại là phương thức vận chuyển quan trọng đối với lúa, gạo và nông sản tại các tỉnh phía Nam.

Nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt cho nông sản xuất khẩu, giảm ùn tắc tại các chốt kiểm dịch, giảm thời gian vận chuyển, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Bộ Công Thương đã tham khảo quy định của Bộ Giao thông vận tải về thiết lập “luồng xanh” cho vận chuyển hàng hóa để cập nhật, bổ sung và cụ thể hóa thành một bản Hướng dẫn thiết lập luồng vận tải ưu tiên cho nông sản xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 (dự thảo xin gửi kèm theo).

Bộ Công Thương trân trọng gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 xem xét, chuyển Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế nghiên cứu ban hành (cho cả vận chuyển đường thủy với một số sửa đổi cần thiết) để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc, tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản xuất khẩu./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg CP Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Giao thông vận tải;
- B
Y tế;
- Lưu: VT, AP (ĐNA).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Khánh

 

HƯỚNG DẪN

THIẾT LẬP LUỒNG VẬN TẢI ƯU TIÊN (“LUỒNG XANH”) CHO VẬN CHUYỂN NÔNG SẢN XUẤT KHẨU TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

1/ Mục tiêu

- Đảm bảo lưu thông thông suốt cho nông sản xuất khẩu và phương tiện chuyên chở nông sản xuất khẩu, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch.

- Tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên đường, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch khi kiểm tra các thông tin liên quan đến phương tiện, hành trình và thời gian vận chuyển.

2/ Đối tượng áp dụng

Hướng dẫn này áp dụng cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lực lượng chức năng trên đường, tại các điểm kiểm soát dịch; các đơn vị vận tải nông sản xuất khẩu bằng xe ô tô và người điều khiển phương tiện (lái xe, phụ xe).

3/ Yêu cầu đối với phương tiện, lái xe và phụ xe

a) Về phương tiện:

- Phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật an toàn theo các quy định hiện hành.

- Phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước trong và sau khi kết thúc hoạt động vận chuyển theo quy định của Bộ Y tế.

- Phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

b) Về lái xe, phụ xe:

- Phải có điện thoại thông minh, có cài đặt các phần mềm NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn.

- Phải khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

- Được ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 đủ hai mũi.

- Được xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR hoặc kháng nguyên.

c) Về hàng hóa vận chuyển: nông sản ở các vùng dịch trước khi được vận chuyển đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch.

d) Thông tin các đơn vị kinh doanh vận tải cần chuẩn bị: phương án vận chuyển (số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động...); danh sách phương tiện, lái xe, phụ xe; các điểm/khu vực bốc dỡ hàng hóa (vùng an toàn hoặc vùng dịch); thông tin về xét nghiệm hoặc tiêm phòng COVID-19 cho lái xe, phụ xe; các thông tin khác có liên quan (nếu thấy cần thiết).

4. Yêu cầu thành lập khu vực sản xuất nông sản an toàn trong vùng dịch

Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp dẫn đến phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi có vùng sản xuất nông sản tập trung ngay lập tức triển khai thành lập vùng sản xuất nông sản an toàn với các nội dung chính như sau:

- Lập chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào vùng sản xuất nông sản tập trung, bao gồm các công đoạn như: Kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào vùng sản xuất nông sản.

- Lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các vùng trồng nông sản, các trang trại, các tổ hợp tác, các hợp tác xã và lập danh sách và kiểm tra y tế đối với các cơ sở chế biến, đóng gói nông sản trên địa bàn để sàng lọc và đưa đi cách ly tập trung tất cả F0 và F1; theo dõi và giám sát chặt chẽ tại nhà các F2, F3, v.v...

- Các lái xe, người bốc dỡ hàng theo xe của địa phương được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, khi có kết quả âm tính với Covid-19 và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và cho lưu hành.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc xã tổ chức lập hồ sơ và xác nhận an toàn dịch bệnh đối với các hộ, vùng trồng nông sản; các cơ sở chế biến, đóng gói nông sản; các phương tiện tham gia vận chuyển nông sản trên địa bàn.

- Tổ chức truyền thông trong và ngoài nước về vùng sản xuất nông sản an toàn dịch bệnh.

5. Hướng dẫn về thiết lập “luồng xanh” trong vận chuyển nông sản xuất khẩu

5.1. Nguyên tắc thiết lập “luồng xanh” vận chuyển nông sản xuất khẩu

Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống điện tử trực tuyến cấp thẻ nhận diện phương tiện (mã QR) được ưu tiên lưu thông vào luồng xanh theo các nguyên tắc sau:

- Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên được sử dụng luồng xanh tích hợp thông tin về danh sách lái xe, phụ xe; kết quả xét nghiệm COVID-19 của lái xe, phụ xe; thông tin về phương tiện vận chuyển; phương án vận chuyển; hành trình; dự kiến ngày giờ phương tiện hoạt động; các thông tin khác có liên quan (nếu thấy cần thiết).

- Thẻ nhận diện (mã QR) được cấp ngay lập tức khi đơn vị kinh doanh vận tải khai báo và tải lên hệ thống bản sao của tất cả các văn bản theo yêu cầu (bao gồm đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe, đơn xin cấp thẻ nhận diện phương tiện, phương án vận chuyển, bản sao giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19, v.v...).

- Thời hạn hiệu lực của mã QR ít nhất phải bằng tổng thời gian đi và về dự kiến theo phương án vận chuyển mà đơn vị kinh doanh vận tải đã đăng ký trên hệ thống.

- Không thực hiện xét duyệt hồ sơ cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên sử dụng “luồng xanh” mà thực hiện hậu kiểm. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin khai báo. Nếu khai báo gian dối thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra lây nhiễm COVID-19.

- Các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra mã QR của phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu 02 lần. Lần thứ nhất là kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch trước khi ra khỏi địa bàn tỉnh nơi xuất phát. Lần thứ hai là kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch trước khi phương tiện đi vào tỉnh biên giới hoặc tỉnh có cảng biển quốc tế để xuất khẩu nông sản. Phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu được cấp thẻ nhận diện không phải chịu sự kiểm tra khi đi qua địa bàn các tỉnh/thành phố trên đường đi (không đi vào nội tỉnh).

- “Luồng xanh” không phải là luồng vận tải duy nhất đối với phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu. Nếu phương tiện được cấp mã QR thì được phép sử dụng “luồng xanh”. Nếu chưa được cấp mã QR thì phương tiện vẫn được lưu thông, vận chuyển nông sản xuất khẩu nhưng phải chịu sự kiểm tra của các lực lượng chức năng ở tất cả các chốt kiểm soát dịch trên đường đi.

- Lực lượng chức năng bố trí phân luồng ít nhất 3km trước các chốt kiểm soát dịch để tránh ùn tắc phương tiện.

5.2. Trước khi xe khởi hành

a) Lái xe, phụ xe: thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR hoặc kháng nguyên.

b) Đơn vị kinh doanh vận tải:

- Đăng nhập vào hệ thống điện tử “luồng xanh” để khai báo thông tin, tải lên các giấy tờ theo yêu cầu của hệ thống để xin cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên sử dụng “luồng xanh”.

- In mã QR ra giấy A4 và dán lên kính trước và cửa kính hai Bên.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện/xã/phường: xác nhận an toàn dịch bệnh đối với các hộ, vùng trồng nông sản; các cơ sở chế biến, đóng gói nông sản.

5.3. Kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch trước khi ra khỏi tỉnh nơi xuất phát

a) Lái xe, phụ xe:

Ngồi trên xe, không mở cửa, không xuống xe khi phương tiện đến chốt kiểm soát dịch trước khi ra khỏi tỉnh nơi xuất phát.

b) Lực lượng liên ngành tại chốt kiểm soát dịch:

Nhanh chóng dùng thiết bị để kiểm tra tính xác thực của mã QR dán trên kính phương tiện.

c) Kết quả kiểm tra và phương án xử lý

- Nếu xác thực mã QR còn hiệu lực thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt theo luồng ưu tiên.

- Khi phát hiện mã QR không còn hiệu lực thì phân luồng, kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra kết quả xác nhận xét nghiệm COVID-19. Nếu kết quả kiểm tra đạt thì cho phép phương tiện tiếp tục lưu thông qua chốt.

+ Nếu phát sinh các tình huống như thân nhiệt cao, chứng nhận âm tính không đảm bảo thời hạn 72h hoặc mất giấy chứng nhận thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh ngay tại chốt kiểm tra và do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương thực hiện (có thu phí).

+ Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, lái, phụ xe phải chờ trong xe hoặc tại khu vực riêng nơi đóng chốt kiểm soát dịch (xem như đối tượng cách ly tạm thời). Sau khi có kết quả âm tính thì được phép lưu thông tiếp.

+ Nếu kết quả là dương tính thì tiếp tục thực hiện xét nghiệm theo phương pháp PCR. Nếu xác nhận dương tính thì chốt kiểm soát dịch thông báo cho Trung tâm Y tế cấp huyện nơi đóng chốt để nhanh chóng đưa xe chuyên dụng đến chở đối tượng đi cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế.

5.4. Di chuyển qua các tỉnh trên đường đi

- Lái xe, phụ xe: di chuyển qua tỉnh bằng các tuyến đường tránh nội tỉnh (trừ trường hợp không có đường tránh); hạn chế dừng đỗ xe suốt hành trình qua mỗi tỉnh trên đường đi; không tiếp xúc với người khác.

- Các Sở Giao thông vận tải báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ tiến hành phân luồng giao thông đảm bảo các phương tiện vận chuyển nông sản xuất khẩu đi qua địa bàn không phải chịu sự kiểm tra của các chốt kiểm soát dịch nếu phương tiện đã được cấp mã QR và không đi vào nội tỉnh.

5.5. Đến chốt kiểm soát dịch trước khi vào tỉnh biên giới hoặc tỉnh có cảng biển quốc tế phục vụ xuất khẩu nông sản

Thực hiện 01 trong 02 phương án sau:

a) Phương án 1: đổi lái xe trước khi qua chốt kiểm soát dịch

- Lái xe, phụ xe: ở lại trong khu vực riêng trước chốt kiểm tra, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong thời gian chờ nhận lại xe.

- Lái xe cư trú tại địa phương: tiếp tục điều khiển phương tiện lên khu vực cửa khẩu để giao hàng.

b) Phương án 2: không đổi lái xe địa phương

- Lái xe, phụ xe:

Xuống xe khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, giấy chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 đủ 2 mũi hoặc xuất trình giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 theo phương pháp xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên (kết quả có giá trị 72h tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).

- Lực lượng liên ngành tại chốt kiểm soát dịch:

Nhanh chóng kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế của lái xe, phụ xe; kiểm tra các giấy tờ cần thiết khác như chứng nhận âm tính với COVID-19 hoặc chứng nhận tiêm phòng COVID; hợp đồng vận chuyển hàng hóa (nếu cần).

- Kết quả kiểm tra:

+ Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện thì lái xe và phương tiện tiếp tục lưu thông đi vào nội tỉnh để lên cửa khẩu biên giới hoặc cửa khẩu quốc tế đường biển (cảng biển quốc tế).

+ Nếu phát sinh các tình huống như thân nhiệt cao, chứng nhận âm tính không đảm bảo thời hạn 72h hoặc mất giấy chứng nhận thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh (test kháng nguyên) ngay tại chốt kiểm soát dịch và do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh biên giới thực hiện (có thu phí).

+ Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, lái, phụ xe phải chờ trong xe hoặc tại khu vực riêng nơi đóng chốt kiểm tra (xem như đối tượng cách ly tạm thời). Sau khi có kết quả âm tính thì được phép lưu thông vào nội tỉnh để đi lên cửa khẩu biên giới/cảng biển quốc tế.

+ Nếu kết quả cho dương tính thì tiếp tục thực hiện xét nghiệm theo phương pháp PCR. Nếu xác nhận dương tính thì chốt kiểm tra thông báo cho Trung tâm Y tế cấp huyện nơi đóng chốt kiểm tra để nhanh chóng đưa xe chuyên dụng đến chở đối tượng đi cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế.

5.6. Thông quan hàng xuất khẩu trong khu đệm tại cửa khẩu biên giới đường bộ

Tùy theo kết quả đàm phán, thống nhất với địa phương biên giới nước láng giềng, các lực lượng chức năng, lái xe, phụ xe thực hiện một trong các phương án sau đây.

a) Phương án 1: sử dụng đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng qua biên giới

- Lái xe, phụ xe: làm thủ tục thông quan và bàn giao xe cho đội lái xe chuyên trách, sau đó di chuyển đến khu vực cách ly tạm thời. Trong thời gian chờ nhận lại xe thùng rỗng, lái xe, phụ xe phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không được tự ý ra ngoài khu vực lưu trú, khu vực cửa khẩu. Trường hợp tự ý ra ngoài, bắt buộc cách ly tập trung theo quy định.

- Lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu: bố trí khu vực thông quan riêng cho hàng nông sản xuất khẩu.

- Đội lái xe chuyên trách: nhanh chóng điều khiển xe đi giao hàng bên cửa khẩu phía nước láng giềng.

b) Phương án 2: bàn giao xe cho lái xe nước láng giềng tại khu đệm

- Lái xe, phụ xe: làm thủ tục thông quan và bàn giao xe cho lái xe nước láng giềng, sau đó di chuyển đến khu vực cách ly tạm thời. Trong thời gian chờ nhận lại xe thùng rỗng, lái xe, phụ xe phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không được tự ý ra ngoài khu vực lưu trú, khu vực cửa khẩu. Trường hợp tự ý ra ngoài, bắt buộc cách ly tập trung theo quy định.

- Lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu: bố trí khu vực thông quan riêng cho hàng nông sản xuất khẩu.

5.7. Thông quan nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường biển

- Lái xe, phụ xe: chỉ được điều khiển phương tiện đến khu vực giao, nhận hàng hóa ở khu vực cửa khẩu quốc tế đường biển. Hạn chế rời khỏi phương tiện khi chờ lấy hàng hoặc chờ dỡ hàng. Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

- Nếu rời khỏi phương tiện vận chuyển, lái xe, phụ xe sẽ phải di chuyển ra khu lưu trú tạm thời trong khu vực cửa khẩu quốc tế đường biển để làm thủ tục kiểm dịch y tế theo quy định.

- Trường hợp người điều khiển phương tiện có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi trên đường đi hoặc phát hiện khi thực hiện kiểm dịch y tế phải thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.

6. Tổ chức thực hiện

6.1. Bộ Giao thông vận tải

- Chủ trì xây dựng và triển khai hướng dẫn sử dụng, phần mềm đăng ký, cấp Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "Luồng xanh" vận tải cho các Sở GTVT.

- Chỉ đạo Sở GTVT các địa phương xây dựng, tổng hợp và công bố các tuyến đường ưu tiên sử dụng làm “Luồng xanh” vận tải liên tỉnh và các tuyến đường tránh nội tỉnh.

- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ, các Cục Quản lý đường bộ bố trí lực lượng bám sát và phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các địa phương trên địa bàn quản lý để thực hiện điều tiết, phân luồng đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông.

6.2. Bộ Y tế

- Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí lực lượng xét nghiệm COVID-19 tại các chốt kiểm soát dịch.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các giải pháp số hóa kết quả xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả các cơ sở xét nghiệm trên toàn quốc, đồng bộ hóa kết quả xét nghiệm vào phần mềm cấp thẻ nhận dạng phương tiện ưu tiên sử dụng “luồng xanh” của Bộ Giao thông vận tải.

6.3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải địa phương lập danh sách các đơn vị kinh doanh vận tải hàng nông sản xuất khẩu, lái xe, phụ xe trên địa bàn để quản lý và hỗ trợ.

- Chỉ đạo Sở Y tế địa phương ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID-19 đủ 2 mũi cho lái xe, phụ xe theo danh sách được lập.

- Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp dẫn đến phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ngay lập tức triển khai thành lập vùng sản xuất nông sản an toàn như đã nêu tại mục 4 của Hướng dẫn này.

6.4. Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng tại địa phương và Cục Quản lý đường bộ khu vực thực hiện điều tiết, phân luồng đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ khu vực, Ủy ban nhân dân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tuyến đường ưu tiên sử dụng làm “Luồng xanh” vận tải liên tỉnh và các tuyến đường tránh nội tỉnh.

- Hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “Luồng xanh” vận tải cho các đơn vị vận tải trên địa bàn.

- Thực hiện hậu kiểm hoặc kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị vận tải, phương tiện vận tải đã được cấp Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “Luồng xanh” để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và các yêu cầu về an toàn, an ninh. Chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương xử lý nghiêm đối với các trường hợp cung cấp thông tin không trung thực hoặc không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế; thông báo ngay đến các chốt kiểm soát và các cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp quản lý.

6.5. Đơn vị vận tải, lái xe

- Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đã đăng ký cấp Thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “Luồng xanh” và các thông tin cung cấp cho các chốt kiểm soát liên ngành và các Sở GTVT trong quá trình vận chuyển.

- Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của phương tiện, lái xe để đảm bảo phương tiện hoạt động theo đúng hành trình trên “Luồng xanh” vận tải đã đăng ký./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 4902/BCT-AP ngày 13/08/2021 về đề xuất ban hành hướng dẫn thực hiện luồng vận chuyển ưu tiên đối với nông sản xuất khẩu do Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


604

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.188.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!