BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 162/TCHQ-GSQL
V/v chấn chỉnh và xử lý vướng mắc về kho ngoại
quan
|
Hà Nội, ngày 09
tháng 01 năm 2013
|
Kính gửi: Cục
Hải quan các tỉnh, thành phố
Theo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động kho ngoại
quan của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và qua kiểm tra công tác quản lý, làm
thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan tại các tỉnh,
thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh
cho thấy: công tác quản lý kho ngoại quan đã được các đơn vị đảm bảo và thường
xuyên chịu sự giám sát của cơ quan hải quan (giám sát bằng camera, niêm phong
hoặc trực tiếp của công chức hải quan), không phát hiện các trường hợp buôn lậu,
gian lận thương mại hoặc thẩm lậu hàng hóa vào nội địa thông qua hoạt động kho
ngoại quan, nhiều kho ngoại quan hoạt động hiệu quả đã góp phần làm đa dạng hóa
các loại hình dịch vụ logistics của Việt Nam và giúp doanh nghiệp chủ động
trong việc cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hoặc xuất khẩu, các chủ
kho ngoại quan đều chấp hành tốt chính sách, pháp luật hải quan.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối
với hoạt động kinh doanh kho ngoại quan, giám sát chặt chẽ hàng hóa vận chuyển
từ cửa khẩu đến kho ngoại quan và ngược lại, Tổng cục Hải quan có ý kiến như
sau:
I. Các nội dung cần chấn chỉnh:
Yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện
việc chấn chỉnh công tác quản lý kho ngoại quan theo nội dung sau:
1. Về giám sát hàng chuyển cửa khẩu:
- Khi lập Biên bản bàn giao hàng hóa chuyển cửa khẩu
từ cửa khẩu nhập đến kho ngoại quan và ngược lại, chỉ đạo Chi cục hải quan nơi
lập Biên bản bàn giao ghi đầy đủ các thông tin về tuyến đường, thời gian vận
chuyển (thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc) làm cơ sở để Chi cục Hải quan
nơi tiếp nhận biên bản bàn giao theo dõi xử phạt vi phạm hành chính về hải quan
(nếu có) theo quy định.
- Việc phối hợp, theo dõi hồi báo, yêu cầu Chi cục
hải quan trực thuộc thực hiện nghiêm túc theo quy trình quản lý nghiệp vụ hải
quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
2. Hồ sơ hải quan
- Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập, xuất kho
ngoại quan đã được quy định cụ thể tại Điều 55 Thông tư số
194/2010/TT-BTC, đề nghị thực hiện theo đúng hướng dẫn trên, không yêu cầu
doanh nghiệp nộp các chứng từ ngoài quy định, như: Invoice, hợp đồng mua bán,
công văn đề nghị thanh khoản, không lập thêm Phiếu bàn giao nhiệm vụ giám sát
hàng hóa từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất (vì đã có Biên bản bàn giao),....
- Trường hợp hợp đồng thuê kho không thể hiện nội
dung ủy quyền của chủ hàng cho chủ kho đứng ra làm thủ tục hải quan, thì yêu cầu
doanh nghiệp phải nộp giấy ủy quyền trong bộ hồ sơ hải quan theo hướng dẫn tại Điều 55 Thông tư 194/2010/TT-BTC.
- Theo quy định tại Điều 23 Nghị định
154/2005/NĐ-CP thì chỉ có chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện
hoặc ủy quyền cho chủ kho ngoại quan thực hiện các dịch vụ đối với hàng hóa gửi
kho ngoại quan. Do vậy, việc ủy quyền của chủ hàng cho một doanh nghiệp khác để
ký hợp đồng thuê kho ngoại quan với chủ kho ngoại quan là không đúng quy định.
3. Về việc thanh khoản tờ khai:
Đề nghị thực hiện đúng theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 55 Thông tư 194/2010/TT-BTC, trường hợp
quá thời hạn thì phải xử phạt theo quy định.
4. Về việc thu nộp lệ phí hải
quan:
Đề nghị thực hiện theo quy định tại Thông tư
172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu,
nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, đối với hàng
hóa gửi kho ngoại quan chỉ thu một lần khi làm thủ tục nhập kho, khi xuất kho
không thu.
5. Về hoạt động của kho ngoại quan
a) Tạm dừng hoạt động kho ngoại quan:
- Đối với các kho ngoại quan hoạt động kém hiệu quả,
trong thời gian dài không có hàng hóa gửi kho ngoại quan, đề nghị Cục Hải quan
các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, nếu chủ kho có văn bản đề nghị tạm dừng
hoạt động của kho ngoại quan trong thời gian không quá 6 tháng thì Cục Hải quan
tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để xem xét tạm dừng hoạt động. Trong
thời gian tạm dừng hoạt động, kho ngoại quan không chịu sự giám sát của cơ quan
hải quan.
- Sau khi hết thời hạn tạm dừng, nếu chủ kho ngoại
quan có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục hoạt động thì Cục Hải quan các tỉnh,
thành phố kiểm tra điều kiện hoạt động của kho ngoại quan, nếu đáp ứng điều kiện
thì báo cáo Tổng cục Hải quan chấp nhận cho hoạt động trở lại. Trường hợp không
đáp ứng điều kiện thì báo cáo Tổng cục ra quyết định chấm dứt hoạt động theo
quy định.
b) Hệ thống camera giám sát phải đảm bảo theo đúng
quy định tại mục 5 khoản II phần hai quy định về yêu cầu nghiệp
vụ và kỹ thuật đối với hệ thống camera giám sát tại các khu vực cửa khẩu, khu vực
ngoài cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan ban hành kèm Quyết định số
953/QĐ-TCHQ ngày 02/6/2011 của Tổng cục Hải quan. Đối với các kho ngoại
quan chưa được trang bị hệ thống camera giám sát, phần mềm quản lý kho kết nối
với cơ quan hải quan và chưa đảm bảo các điều kiện giám sát hải quan, đề nghị Cục
Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu các chủ kho ngoại quan lắp đặt, hoàn thiện bổ
sung trước ngày 31/3/2013, trường hợp chủ kho ngoại quan không thực hiện thì
báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định chấm dứt hoạt động theo quy định;
II. Xử lý các vướng mắc, kiến nghị:
1. Về thủ tục chuyển cửa khẩu:
a) Nội dung vướng mắc:
Đề nghị chỉ sử dụng Bảng kê danh mục hàng hóa (mẫu
02/DMHXK/KNQ/2011) hoặc Biên bản bàn giao (mẫu 21/BBBG-CCK/2010) khi làm thủ tục
chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất:
b) Trả lời:
Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu (mẫu
21/BBBG-CCK/2010) ban hành kèm Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của
Bộ Tài chính và do Chi cục Hải quan cửa khẩu lập; Bảng kê danh mục hàng hóa
chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất (mẫu 02/DMHXK/KNQ/2011) ban
hành kèm Quyết định số 209/QĐ-TCHQ ngày 29/01/2011 của Tổng cục Hải quan và do
chủ hàng hoặc chủ kho ngoại quan lập. Do vậy, khi làm thủ tục chuyển cửa khẩu
hàng hóa từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất đề nghị thực hiện theo hướng dẫn tại
điểm 2 khoản II mục I phần II Quy trình nghiệp vụ quản lý hải
quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu ban hành kèm Quyết định
số 209/QĐ-TCHQ nêu trên.
2. Về đăng ký hợp đồng thuê kho
ngoại quan:
a) Nội dung vướng mắc: Theo quy định tại Điều 55 Thông tư 194/2010/TT-BTC thì khi làm thủ tục hải quan,
doanh nghiệp phải nộp hợp đồng thuê kho ngoại quan đã đăng ký với cơ quan hải
quan, nhưng thực tế các hợp đồng này đều được doanh nghiệp nộp khi đăng ký tờ
khai hải quan.
b) Trả lời: Tổng cục Hải quan nghiên cứu tiếp thu
báo cáo Bộ Tài chính khi sửa đổi Điều 55 Thông tư
194/2010/TT-BTC.
3. Về việc đóng dấu trên tờ khai hải quan:
a) Nội dung vướng mắc:
Theo hướng dẫn trên tờ khai hải quan, người khai hải
quan phải khai và ký tên đóng dấu trên tờ khai và phần theo dõi hàng hóa nhập,
xuất kho. Thực tế chủ hàng chỉ thực hiện ký tên, đóng dấu trên phần nhập kho;
phần xuất kho thông thường chủ hàng sẽ ký trước và sẽ căn cứ vào lượng hàng thực
tế khi xuất để kê khai sau, vì các kho ngoại quan thường không cùng nằm chung
trụ sở với doanh nghiệp, mặt khác tờ khai hải quan (bản lưu hải quan) đã được
lưu tại cơ quan hải quan, chủ hàng không thể lấy lại để đưa về trụ sở đóng dấu
được.
b) Trả lời:
Trường hợp trụ sở doanh nghiệp không gắn liền với
kho ngoại quan, khi kê khai hàng hóa xuất kho ngoại quan, Cục Hải quan tỉnh,
thành phố hướng dẫn chủ kho ngoại quan sử dụng pháp nhân của đơn vị quản lý kho
ngoại quan (có thể là chi nhánh) trực thuộc doanh nghiệp để kê khai, đóng dấu
trên ô 33 tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan, nhưng phải có văn bản
thông báo việc ủy quyền (kèm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đơn vị quản
lý kho ngoại quan) gửi Cục Hải quan nơi quản lý kho ngoại quan về việc sử dụng
con dấu, pháp nhân để theo dõi, quản lý.
4. Về hướng dẫn việc thanh khoản tờ khai nhập, xuất
kho ngoại quan:
Việc thanh khoản tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho
ngoại quan thực hiện theo hướng dẫn tại điểm d khoản 8 Điều 55
Thông tư 194/2010/TT-BTC; khi làm thủ tục thanh khoản, công chức hải quan
phải căn cứ vào tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan (bản lưu người khai
hải quan), Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu (mẫu 21/BBBG-CCK/2010) và Bảng
kê danh mục hàng hóa chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất (mẫu
02/DMHXK/KNQ/2011) có xác nhận của hải quan cửa khẩu để xác nhận thanh khoản.
5. Về thời hạn hợp đồng thuê kho:
a) Nội dung vướng mắc: Theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 154/2005/NĐ-CP thì thời hạn hợp đồng
thuê kho ngoại quan không quá 365 ngày kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho,
nhưng việc gia hạn hợp đồng lại tính từ ngày hợp đồng thuê kho hết hạn, thực tế
ngày ký hợp đồng thuê kho và ngày hàng gửi kho là khác nhau.
b) Trả lời: Thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan
được tính không quá 365 ngày kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho, trường hợp hợp
đồng thuê kho ngoại quan hết hạn thì hàng hóa gửi kho ngoại quan được gia hạn
thêm 180 ngày kể từ ngày hết hạn gửi kho ngoại quan (ngày thứ 366 kể từ ngày
hàng hóa được gửi vào kho).
6. Về đề nghị cho hàng tiêu dùng được gửi kho ngoại
quan để chờ nhập khẩu vào nội địa: Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ
Tài chính khi sửa đổi Điều 55 Thông tư 194/2010/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan các tỉnh,
thành phố biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (3b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Ngọc Anh
|