Kính
gửi:
|
- Viện trưởng VKS quân sự trung
ương;
- Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ
4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 8, Vụ 12, Vụ 13, Cục 1, Văn phòng, Thanh tra, Trường
Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp
vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh;
- Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
|
Qua thực tiễn công tác thực hành quyền
công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, kiểm sát thi hành án hình sự,
VKSND tối cao nhận được ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng
một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sau
đây viết tắt là BLHS năm 2015), Bộ luật Tố tụng hình sự
năm 2015 (sau đáy viết tắt là BLTTHS năm 2015); khó
khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành án hình sự. Để thống
nhất nhận thức các quy định này trong ngành Kiểm sát nhân dân, tạo điều
kiện thuận lợi cho việc áp dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác, VKSND tối cao có ý kiến như sau:
I. Một số khó
khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015
1. Khi đã có quyết
định khởi tố bị can thì có tiếp tục tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
hay không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 27 BLHS
năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm
tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thời hiệu
truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm
quyền truy cứu (xác định) trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện
hành vi phạm tội và theo quy định của BLTTHS, khi có đủ căn cứ xác định
thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định
khởi tố bị can. Quyết định khởi tố bị can chính là bước xác định trách nhiệm
hình sự của người bị buộc tội, căn cứ vào đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng sẽ tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ để truy tố, xét xử
người phạm tội, làm rõ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Do vậy, sau
khi có quyết định khởi tố bị can, quá trình điều tra, truy tố, xét xử sẽ không
tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (bao gồm cả trường hợp vụ án bị hủy
đi hủy lại nhiều lần để xét xử lại hoặc để điều tra lại hoặc trả hồ sơ để điều
tra bổ sung nhiều lần...).
Trong quá trình điều tra, truy tố,
xét xử, nếu tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can và các hoạt
động tố tụng bị tạm dừng (trừ trường hợp tạm đình chỉ do không xác định được bị
can đang ở đâu và đã có quyết định truy nã) thì thời gian tiến hành các hoạt động
nhằm khắc phục lý do tạm đình chỉ như: bắt buộc chữa bệnh, giám định tư pháp,
tương trợ tư pháp... sẽ phải được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình
sự và nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà không chứng minh được tội
phạm thì Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra, đình
chỉ vụ án.
Đối với trường hợp sau khi khởi tố bị
can, nếu người phạm tội thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015: (1) Người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm
tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy
trên 01 năm tù; (2) Người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có
quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được tính
lại kể từ ngày người đó thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc kể từ khi
người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
2. Việc miễn
trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 có phải là căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án hình
sự hay không?
Trả lời:
Chế định miễn trách nhiệm hình sự quy
định tại Điều 29 BLHS năm 2015 chỉ xem xét, áp dụng đối
với người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là đã có quyết định
khởi tố bị can đối với họ. Mặt khác, theo quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015, trong 08 căn cứ
không khởi tố vụ án hình sự thì không có căn cứ là miễn trách nhiệm hình sự
cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29
BLHS năm 2015. Do vậy, miễn trách nhiệm hình sự
cho người thực hiện tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 29
BLHS năm 2015 không phải là căn cứ để ra quyết định không khởi tố vụ án
hình sự. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ ra
quyết định không khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015.
Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án,
quyết định khởi tố bị can, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu xác định
người thực hiện tội phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 3
Điều 29 BLHS năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét,
quyết định và thực hiện các thủ tục để miễn trách nhiệm hình sự đối với họ theo
quy định của pháp luật.
3. Tình tiết tăng
nặng trách nhiệm hình sự “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”
quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS
năm 2015 có áp dụng đối với trường hợp người xúi giục
cũng là người dưới 18 tuổi không?
Trả lời:
Điều 90 BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương
XII; theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 mà không trái với
quy định của Chương này”. Phần thứ nhất và Chương XII
của BLHS năm 2015 không có quy định loại trừ việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi
giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi. Do vậy, nếu
người dưới 18 tuổi có hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội thì vẫn có
thể bị xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”. Tuy
nhiên, khi áp dụng tình tiết này, cần bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới
18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS năm 2015.
4. Công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên có phải là pháp nhân thương mại không? Trường hợp
có 02 pháp nhân thương mại trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì có được
xác định là đồng phạm không?
Trả lời:
4.1. Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Pháp
nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”.
Theo Điều 1 và khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014
thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là 01 loại hình doanh nghiệp. Do
vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là pháp nhân thương mại.
Theo quy định tại khoản
23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Thành viên công ty là cá nhân,
tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn..”.
Như vậy, pháp luật không đòi hỏi pháp nhân thương mại phải có từ 02 thành viên
trở lên. Do đó, việc quy định điều kiện “lợi nhuận được chia cho các thành
viên” của pháp nhân thương mại tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật
Dân sự năm 2015 cần được hiểu là trong trường hợp pháp nhân thương mại có từ
02 thành viên trở lên thì lợi nhuận được chia cho các thành viên tương ứng với
tỷ lệ góp vốn của thành viên tại pháp nhân; trường hợp pháp nhân thương mại chỉ
có 01 thành viên thì thành viên đó được hưởng toàn bộ phần lợi nhuận từ hoạt động
kinh doanh.
4.2. Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm
tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo
quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của
Chương này”. Điều 17
Chương III quy định về đồng phạm không trái với quy định của Chương
XI BLHS năm 2015. Do vậy, trường hợp có 02 pháp nhân thương mại trở lên cố
ý cùng thực hiện một tội phạm thì được xác định là đồng phạm.
5. Người từ đủ 14
tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì có thể áp dụng biện
pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không?
Trả lời:
Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
quy định tại Điều 96 BLHS năm 2015 là biện pháp do Tòa án
áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm
trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà
cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
Khoản 4 và khoản 6 Điều
91 BLHS năm 2015 quy định:
“4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng
hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách
nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc
áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục,
phòng ngừa.
…
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt
tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp
giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa”.
Khoản 1 Điều 430
BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Khi xét thấy không
cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc
áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo
dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Như vậy, căn cứ vào: (1) tính chất
nghiêm trọng của hành vi phạm tội, (2) nhân thân và (3) môi trường sống; nếu
xét thấy việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng vẫn bảo đảm hiệu
quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa thì Tòa án vẫn có thể xem xét để áp dụng biện
pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
phạm tội, không phụ thuộc vào loại tội phạm mà người đó thực hiện.
6. “Người
khác” trong tình tiết “gây thiệt hại cho người khác” quy định tại Điều 264 BLHS năm 2015 về Tội
giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường
bộ là người nào? Có bao gồm người được giao điều khiển phương tiện tham gia
giao thông đường bộ hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
1 Điều 264 BLHS năm 2015 thì: “Người nào giao cho người mà
biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc
hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích
thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều
khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một
trong các trường hợp sau đây...”.
Chủ thể của tội phạm này là người có
hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao
thông. Do đó, “người khác” trong tình tiết “gây thiệt hại cho người
khác” quy định tại Điều 264 BLHS năm 2015 là tất cả
những người khác so với chủ thể của tội phạm (người giao cho người
không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), tức là
bao gồm cả người được giao điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Về vấn đề này có thể tham khảo Công
văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả
giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, hành
chính và dân sự.
7. Trường hợp nhiều
lần đánh bạc với hình thức chơi số đề, có lần đánh bạc dưới 5.000.000 đồng, có
lần trên 5.000.000 đồng, có lần trên 50.000.000 đồng thì tổng số tiền, hiện vật
dùng để đánh bạc được xác định như thế nào? Có áp dụng tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” trong trường hợp này hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS thì:
“2. Khi xác định trách nhiệm hình
sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số
tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần
đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để
xem xét. Cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị
hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu
trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp
khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định
tại Điều 249 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm)
thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị
hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ
2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự
về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
c) Trường hợp đánh bạc từ hai lần
trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng
hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở
lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với
tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại
điểm g khoản 1 Điều 48 của BLHS”.
Như vậy, vận dụng tinh thần của Nghị
quyết nêu trên, trường hợp nhiều lần đánh bạc thì không được tính tổng số tiền,
giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ
vào từng lần đánh bạc để xem xét; nếu có lần đánh bạc dưới 5.000.000 đồng thì
không xác định trách nhiệm hình sự của làn đánh bạc đó mà xử lý
theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với lần đó; đối với lần đánh bạc từ
5.000.000 đồng trở lên thì người đánh bạc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội
đánh bạc đối với lần đánh bạc đó; nếu đánh bạc từ 02 lần trở lên mà số tiền,
giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc từ 5.000.000 đồng trở lên
thì người đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết
tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”.
Trong trường hợp trên, có 02 lần đánh
bạc từ 5.000.000 đồng trở lên (trong đó có 01 lần trên 50.000.000 đồng) nên người
đánh bạc phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm
b khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015 và phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm
g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
8. Có áp dụng
tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 đối
với những phạm nhân đã thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 phút ngày
01/01/2018 không?
Trả lời:
So với quy định tại Điều
58 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), khoản 1 Điều
63 BLHS năm 2015 đã bổ sung 01 điều kiện để được giảm mức hình phạt đã
tuyên đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc
phạt tù chung thân, đó là: đã bồi thường được một phần
nghĩa vụ dân sự. Tức là, theo quy định của BLHS năm 2015, muốn được giảm mức
hình phạt đã tuyên thì người bị kết án phải có thêm điều kiện là đã bồi thường
được một phần nghĩa vụ dân sự; mà theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ
sung năm 2009) thì không cần phải có điều kiện này. Như vậy, điều kiện “đã
bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 là quy định không
có lợi cho người phạm tội so với Điều 58 BLHS năm 1999 (sửa đổi,
bổ sung năm 2009).
Căn cứ khoản 2 Điều 7
BLHS năm 2015 thì “Điều luật quy định một tội phạm mới,...,
miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các
quy định khác không có lợi cho người
phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành
vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”;
đồng thời, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều
2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được
sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và
về hiệu lực thi hành của BLTTHS số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức
Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm
giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 thì “... các điều luật quy định hạn chế phạm
vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích
và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội
xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình
phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn
áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu
lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết”.
Do đó, không áp dụng tình tiết “đã
bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định
tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 đối với những người đã thực
hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
9. Tình tiết tăng
nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 được áp dụng như thế nào đối với trường hợp một người thực
hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng theo quy định tại Điều
201 BLHS năm 2015? Có áp dụng án phí dân sự có
giá ngạch trong vụ án hình sự đối với loại tội này không?
Trả lời:
9.1. Tình
tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại các khoản,
điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị
truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng theo quy định
tại Điều 201 BLHS năm 2015, để áp dụng tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” thì cần thỏa mãn các điều kiện
sau:
- Mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu
thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015,
tức là cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định
trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên.
- Trong số các lần phạm tội chưa có lần
nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Theo đó:
(1) Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà tổng
số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 30 triệu đồng đến dưới 100
triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên và trong những lần
phạm tội đó có số tiền thu lợi bất chính của ít nhất hai lần
phạm tội mà mỗi lần từ 30 triệu đồng trở lên, nếu các lần
phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu
trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng
số tiền thu lợi bất chính, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm
hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại
điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
(2) Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà tổng
số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 30 triệu đồng đến dưới 100
triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà trong những lần đó, số tiền thu lợi
bất chính chưa lần nào đủ 30 triệu đồng trở lên hoặc chỉ có một lần đủ 30 triệu
đồng trở lên, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chỉ áp dụng
khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, không áp dụng được
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định
tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015.
9.2. Điều 21 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy
ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng
án phí và lệ phí Tòa án (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 326) quy định các loại
án phí trong vụ án hình sự gồm:
“1. Án
phí hình sự sơ thẩm.
2. Án
phí hình sự phúc thẩm.
3. Án
phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.
4. Án
phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án
hình sự”.
Theo quy định tại điểm
a và điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 2015 thì: “Tịch thu vật, tiền trực
tiếp liên quan đến tội phạm” và “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường
thiệt hại; buộc công khai xin lỗi” là 02 biện pháp tư pháp mà pháp luật quy
định cho Tòa án áp dụng đối với người phạm tội. Như vậy, (1) việc
tịch thu số tiền gốc do người phạm tội sử dụng để cho vay (tịch thu công cụ phạm
tội, phương tiện phạm tội); (2) việc tịch thu số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% (tịch thu tài sản
phát sinh do tội phạm mà có); (3) việc trả lại tài sản vượt quá mức
lãi suất 20% cho người vay - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trả lại phần
tài sản mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay; người vay không được
xác định là bị hại nên khoản tiền này không được xác định là khoản bồi thường
thiệt hại dân sự) đều là việc Tòa án áp dụng các biện pháp tư pháp, không
phải là việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự. Ngoài ra, theo
quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326 thì “Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với
yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không
phải chịu án phí sơ thẩm”.
Như vậy, trong các vụ án hình sự, nếu
Tòa án không giải quyết phần dân sự trong vụ án đó (không
có yêu cầu của đương sự) thì không áp dụng án phí dân sự sơ thẩm (bao gồm án
phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch).
Trong trường hợp này, bị cáo chỉ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định
tại điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326 nêu trên.
10. Đối với rừng
đã quy hoạch cho mục đích khác nhưng chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng
rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cần xác định là loại rừng nào để
truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 232, Điều 243 BLHS năm 2015?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại các điều 18, 27 và 28 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, trường
hợp chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác phải được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền tại khoản 2 Điều 28 Luật Bảo vệ và phát
triển rừng năm 2004 quyết định. Do vậy, đối với trường hợp rừng đã quy hoạch
cho mục đích khác nhưng chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng sang mục
đích khác thì khi xác định loại rừng cần xác định theo loại đang được xác lập tại
thời điểm xác định đó.
11. Xử lý như thế
nào đối với hành vi vận chuyển trái phép chân của cá thể Gấu ngựa?
Trả lời:
11.1. Gấu
ngựa có tên khoa học là Ursus Thibetanus, thuộc Phụ lục I
Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định
số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài nguy
cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do đó, hành vi của người nào vi phạm quy định
về bảo vệ Gấu ngựa mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có
thể bị xử lý theo quy định tại Điều 244 BLHS năm 2015.
11.2.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP
ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng
Điều 234 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang
dã và Điều 244 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật
nguy cấp, quý, hiếm của BLHS thì:
“Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật
nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ:
thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế,
chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật
hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương
động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã)”.
Như vậy, chân của cá thể Gấu ngựa là
sản phẩm của động vật. Vì vậy, người nào có hành vi vận chuyển trái
phép chân của cá thể Gấu ngựa thì có thể bị xử lý theo điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015.
12. Khoảng 22 giờ
ngày 19/5/2019, Công an huyện T bắt quả tang A (15 tuổi) đang bán cho N (17 tuổi)
0,0565 gam Methamphetamine (ma túy đá) với giá 200.000 đồng. Tại Cơ quan điều
tra, A còn khai nhận trong khoảng thời gian từ ngày 21/3-03/5/2019, A còn bán 03
lần ma túy cùng loại, cùng giá tiền như trên cho N. Tổng 04 lần A bán ma túy
cho N có tổng khối lượng là 0,226 gam. Xử lý hành vi của A như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
2 Điều 12 BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (trong đó có
tội Mua bán trái phép chất ma túy quy định tại khoản 2 Điều 251
BLHS năm 2015).
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 phần I Thông tư liên tịch số
17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số
quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS
năm 1999 thì: “Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản
2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là
đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở
lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma
túy trở lên...) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng
thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình
sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Theo quy định tại tiểu mục 10.1 mục 10 Nghị quyết số
01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn một số quy định của BLHS thì: “Người chưa thành niên từ đủ 14
tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy từ hai lần trở lên, nếu tổng trọng lượng chất ma túy
của các lần cộng lại dưới mức tối thiểu hoặc không xác định được tổng trọng lượng
chất ma túy của tất cả các lần đã đến mức tối thiểu quy định tại điểm g, h, i, k, l, m, n hoặc o khoản 2 Điều 194 của BLHS thì
họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tình tiết “phạm tội nhiều lần”
quy định tại điểm b khoản 2 Điều 194 BLHS năm 1999 với tình
tiết “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm b khoản
2 Điều 251 BLHS năm 2015 về bản chất là giống nhau. Mặt khác, đường lối xử
lý đối với người dưới 18 tuổi phạm các tội về ma túy của BLHS năm 2015 so với
BLHS năm 1999 cũng không có sự thay đổi. Do vậy, có thể vận dụng hướng dẫn tại
Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Nghị quyết số
01/2006/NQ-HĐTP nêu trên để xử lý đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy
của A.
Như vậy, có thể thấy:
- A không thuộc trường hợp “phạm tội
02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 251
BLHS năm 2015 vì mỗi lần thực hiện hành vi mua bán
trái phép chất ma túy của A chưa có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại
khoản 1 điều luật tương ứng (do A dưới 16 tuổi);
- Tổng khối lượng ma túy của 04 lần A
bán cho N là 0,226gam dưới mức tối thiểu quy định tại điểm i
khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 (05 gam);
- A không bán ma túy cho người dưới
16 tuổi (N 17 tuổi).
Do đó, không có căn cứ để truy cứu
trách nhiệm hình sự của A về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại
Điều 251 BLHS năm 2015.
13. B làm thuê tại
nước ngoài. Ngày 06/11/2018, B mua 21 viên hồng phiến. Ngày 07/11/2018, B về Việt
Nam và mang theo số hồng phiến đã mua với mục đích để sử dụng, khi làm thủ tục
nhập cảnh tại cửa khẩu thì bị phát hiện và bắt giữ. Qua giám định, xác định số
hồng phiến thu giữ của B là Methamphetamine có tổng khối lượng là 2,1625 gam.
Hành vi của B phạm tội Vận chuyển trái phép chất ma túy với tình tiết “qua biên
giới” hay phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy?
Trả lời:
Căn cứ Điều 249 BLHS
năm 2015 thì người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không
nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy, đồng thời thỏa mãn các cấu thành cơ bản khác của Điều này thì phạm tội
Tàng trữ trái phép chất ma túy. Căn cứ Điều 250 BLHS năm 2015
thì người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục
đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, đồng thời
thỏa mãn các cấu thành cơ bản khác của Điều này thì phạm tội Vận chuyển trái
phép chất ma túy.
Theo đó, hành vi của B mang theo số
ma túy đã mua với mục đích để sử dụng, không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy; tổng khối
lượng ma túy là 2,1625 gam; do vậy, đã phạm vào tội Tàng trữ trái phép chất ma
túy theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015.
14. D bị bắt quả
tang có hành vi bán 01 ống thủy tinh, 01 ống nhựa dùng để sử dụng ma túy đá;
tàng trữ tổng số 141 ống thủy tinh, 32 chai ga, 32 bật lửa các loại, 15 bình thủy
tinh, 55 ống nhựa màu trắng, 03 bịch ống hút, 63 bịch nilon trong suốt để bán
cho những người sử dụng trái phép chất ma túy đá thu lời bất chính. Vậy hành vi
của D có dấu hiệu của tội gì? Cơ quan có thẩm quyền có phải trưng cầu giám định
các đồ vật thu giữ được hay không?
Trả lời:
Đối chiếu với quy định tại Điều 254 BLHS năm 2015, hành vi của D có dấu hiệu của tội Mua
bán dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định tại Điều
206 BLTTHS năm 2015 thì trường hợp các dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái
phép chất ma túy không phải là trường hợp bắt buộc phải giám định. Trong quá
trình giải quyết, nếu thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu
giám định.
15. X có ý định
mua 65,2 gam thuốc phiện về cất giữ để sử dụng. X đã chuyển đủ 4.000.000 đồng
cho T để mua 65,2 gam thuốc phiện. T đã nhận đủ 4.000.000 đồng của X. Tuy
nhiên, khi T mang thuốc phiện đem giao cho X thì bị bắt quả tang cùng tang vật.
X có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Trả lời:
Việc T bị bắt khi chưa kịp giao 65,2
gam thuốc phiện cho X dẫn đến X chưa nhận được 65,2 gam thuốc phiện như đã thỏa
thuận là nằm ngoài ý muốn chủ quan của T và X. X đã cố ý
thực hiện tội phạm tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng không thực hiện được đến
cùng vì nguyên nhân ngoài ý muốn của X. Như vậy, X có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
16. Trường hợp
người nghiện ma túy có hành vi cho người nghiện ma túy khác hoặc để mặc cho người
nghiện ma túy 02 lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều
người nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu,
chiếm hữu hoặc quản lý của mình, thì có phạm tội Chứa chấp việc sử dụng trái
phép chất ma túy hay không? Ngoài hành vi nêu trên, người nghiện ma túy còn có
hành vi cung cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác (không xác định được
khối lượng số ma túy này vì các đối tượng đã sử dụng hết) thì xử lý như thế
nào?
Trả lời:
16.1. Khoản 1 Điều 256 BLHS năm 2015 quy định bất kể người nào đủ
năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất
kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể
của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy. Do vậy,
trong trường hợp người nghiện ma túy có hành vi cho người nghiện ma túy khác sử
dụng ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình
thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chứa chấp việc sử dụng trái
phép chất ma túy.
16.2. Khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 quy định: “Người
nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt
tù từ 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm
hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội
phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy. Ngoài ra, tham khảo
hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày
30/6/2020 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số
vướng mắc trong xét xử thì “...hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của
BLHS”. Do vậy, người nghiện ma túy có hành vi cung
cấp chất ma túy cho người nghiện ma túy khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở
hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
17. Tình tiết “để
cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc” quy định điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 có thể bao gồm cả người đứng ra tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
trái phép hay không? Xử lý thế nào đối với A có hành vi cho 09 người khác tham
gia đánh bạc tại địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình để thu lợi bất chính
600.000 đồng của những người này; đồng thời A tham gia đánh bạc cùng 09 người
này trong cùng 1 lúc với tổng số tiền dùng đánh bạc là 15.045.000 đồng?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì:
“1.
Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền
từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở
hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một
lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị
giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà
tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá
5.000.000 đồng trở lên”.
Như vậy, BLHS năm 2015 không có quy định
loại trừ việc để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc là không bao
gồm chính người thực hiện hành vi. Do đó, tình tiết “để cho 10 người đánh bạc trở lên” quy định tại điểm
b khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 được hiểu là bao gồm cả người đứng ra tổ
chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép. Tức là: (1) nếu một người
không tham gia đánh bạc nhưng sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý
của mình để cho 9 người khác đánh bạc trong cùng một lúc thì số lượng người
đánh bạc ở đây chỉ là 9 người (không bao gồm người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc);
(2) nếu một người vừa sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình
để cho 9 người khác đánh bạc, vừa tham gia đánh bạc thì số lượng người đánh bạc
phải được xác định là 10 người (bao gồm cả người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc).
Do vậy, trường hợp A có hành vi cho
09 người khác tham gia đánh bạc tại địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình để thu
lợi bất chính 600.000 đồng của những người này; đồng thời A tham gia đánh bạc
cùng 09 người này trong cùng 1 lúc với tổng số tiền dùng đánh bạc là 15.045.000
đồng thì A có thể bị xử lý về 02 tội: Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
II. Một số khó khăn, vướng mắc
liên quan đến quy định của BLTTHS năm 2015
1. Cần tiến
hành việc cho bị can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa
liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc
bào chữa như thế nào để vừa bảo đảm quyền của bị can, vừa bảo đảm việc giải quyết
vụ án của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng?
Trả lời:
“Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc
tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ
tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa” là một trong những quyền của bị can được quy định tại điểm
i khoản 2 Điều 60 BLTTHS năm 2015, nhằm bảo đảm quyền tự bào chữa của bị
can theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 và
được thực hiện sau khi kết thúc điều tra (khoản 1 Điều 82
BLTTHS năm 2015). Đồng thời, Thông tư liên tịch số
02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 quy định về trình tự, thủ tục,
thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa
liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc
bào chữa (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2018) đã điều chỉnh vấn đề
này. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2018
thì khi cho bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại
thực hiện việc đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên
quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc
bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng “phải bảo đảm các yêu cầu
về giữ bí mật theo quy định của pháp luật, không gây cản trở và bảo đảm thời hạn
của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”.
Khi yêu cầu (bằng văn bản) được đọc, ghi chép tài liệu, bị can hoặc
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội phải nêu rõ
các tài liệu cần đọc, ghi chép để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng xem xét, giải quyết. Cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi nhận được yêu cầu đọc, ghi chép
tài liệu phải căn cứ vào quy định về thời hạn tố tụng và các tài liệu cần đọc,
ghi chép để chuẩn bị ngay bản sao tài liệu hoặc tài liệu
được số hóa và thông báo bằng văn bản, trong đó ghi rõ địa điểm, khoảng thời
gian hợp lý để bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại
phạm tội có thể đọc, ghi chép tài liệu. Thời gian cho bị can hoặc người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội được đọc, ghi chép tài liệu mỗi
lần không quá 03 giờ, trong 01 ngày không quá 02 lần (Điều 7
Thông tư liên tịch số 02/2018). Các quy định này nhằm bảo đảm quyền của bị
can, vừa bảo đảm yêu cầu giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp
chỉ có duy nhất lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không có bất kỳ chứng cứ nào
khác chứng minh tội phạm thì có căn cứ để xử lý đối với hành vi phạm tội đó hay
không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
2 Điều 98 BLTTHS năm 2015, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được
coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án; không được dùng
lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Do
vậy, ngoài lời khai, cần phải căn cứ vào những chứng cứ
khác để chứng minh tội phạm; nếu chỉ có duy nhất lời nhận tội của bị can, bị
cáo mà không có bất kỳ chứng cứ nào khác chứng minh tội phạm thì không có căn cứ để xử lý đối với hành vi phạm tội
đó.
3. VKS thực hiện
việc đóng dấu bút lục theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 từ khi
nào? Trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra thì có phải
đóng dấu bút lục của VKS vào biên bản, tài liệu đó hay không?
Trả lời:
3.1. Theo
quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 thì “Trong
thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập,
nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp
kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản,
tài liệu này cho VKS để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án...”. Điểm a khoản 1 Điều 35 Thông
tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 về phối hợp giữa
Cơ quan điều tra và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS (sau
đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 04/2018) quy định: “Trước
khi chuyển cho VKS biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà VKS không
trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để VKS kiểm sát việc lập hồ
sơ vụ án hoặc hồ sơ đề nghị VKS xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan
điều tra thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số
thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều
tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản,
tài liệu”. Như vậy, VKS thực hiện việc đóng dấu
bút lục theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 đối
với các biên bản, tài liệu thu thập được từ khi khởi tố vụ án hình sự.
Nếu ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển biên bản,
tài liệu sang cho VKS thì VKS có thể đóng dấu bút lục của VKS vào các biên bản,
tài liệu này để thực hiện kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. Việc
đóng dấu bút lục được thực hiện tương tự như từ sau khi khởi tố vụ án.
3.2. Trường
hợp Kiểm sát viên đã trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra thì Cơ quan điều tra
không phải chuyển biên bản sang VKS để đóng dấu bút lục của VKS theo quy định tại
khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015.
4. Sau khi giữ
người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, nếu
không ra quyết định tạm giữ thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
ra quyết định trả tự do hay lập biên bản trả tự do cho người bị bắt?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 114
BLTTHS năm 2015 quy định: “Sau khi giữ người trong
trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải
lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết
định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt... ”.
Trường hợp không ra quyết định tạm giữ
thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định trả
tự do cho người bị bắt (việc trả tự do cho người bị bắt phải được xác lập
bằng 01 văn bản quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền để ghi nhận 01 sự
kiện và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng). Quyết định trả
tự do cho người bị bắt được thực hiện theo Mẫu số 48 ban hành kèm theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của
Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự.
5. Khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 quy định: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày
trùng của tháng sau”. Vậy thời hạn
theo tháng được tính đến 24 giờ của ngày trùng của tháng sau hay được tính đến
24 giờ của ngày liền kề trước ngày trùng của tháng sau?
Trả lời:
Quy định “Khi tính thời hạn theo
tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau” tại khoản
1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 cần được hiểu là thời hạn theo tháng được tính đến
24 giờ của ngày trùng của tháng sau (tức là đến 24 giờ của ngày đó mới hết thời
hạn), không phải được tính đến 24 giờ của ngày liền kề trước ngày trùng của
tháng sau.
Ví dụ: vụ án đặc biệt nghiêm trọng,
khởi tố ngày 08/02/2019, thời hạn điều tra là 04 tháng, kể từ ngày 08/02/2019
thì thời hạn hết là đến 24 giờ ngày 08/6/2019. Trường hợp gia hạn điều tra thêm
04 tháng thì thời điểm tính gia hạn là kể từ ngày 09/6/2019, thời hạn hết là đến
24 giờ ngày 09/10/2019.
6. VKS có thẩm
quyền trực tiếp kiểm sát đối với việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội
phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
2 Điều 160 BLTTHS năm 2015 thì khi kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội
phạm, VKS có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm
sát, kiểm sát việc kiểm tra xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về
tội phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành hoạt động điều
tra. Bộ luật không quy định VKS kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm
sát, kiểm sát việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường,
thị trấn, Đồn Công an nên VKS không có thẩm quyền trực tiếp kiểm sát đối
với việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường,
thị trấn, Đồn Công an. Trường hợp cần thiết, thông qua việc thực hành
quyền công tố, kiểm sát hoạt động khởi tố, điều tra của Cơ
quan điều tra thì Viện kiểm sát có thể đề nghị với Cơ quan điều tra để có thể
phối hợp kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công
an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an.
7. Khoản 4 Điều 123 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can là không
quá thời hạn điều tra. Theo quy định tại Điều 232 BLTTHS
năm 2015 thì trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày
ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ cho VKS truy tố. Vậy
trong thời hạn 02 ngày này, cơ quan nào có thẩm quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi
cư trú đối với bị can? Nếu trong thời gian này, bị can vi phạm nghĩa vụ đã cam
đoan thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
Trả lời:
Điều 31 Thông tư liên
tịch số 04/2018 quy định về chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án, theo đó: “Chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng
và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án
đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc
điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều
tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu
và các thủ tục tố tụng của vụ án, nếu thấy có đủ căn cứ kết thúc điều
tra thì thống nhất để Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan
điều tra kết thúc điều tra vụ án; nếu thấy cần phải tiếp tục điều tra thì báo
cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng
VKS để gia hạn thời hạn điều tra, tạm giam bị can theo quy định của BLTTHS”. Như vậy, trước khi kết thúc điều tra hoặc trước khi hết thời hạn điều
tra, trong thời hạn nêu trên, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp đánh
giá các thủ tục tố tụng của vụ án, trong đó, có việc quyết định, áp dụng, hủy bỏ
hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn. Để bảo đảm tính liên tục của việc áp dụng biện
pháp ngăn chặn đối với bị can, Cơ quan điều tra và VKS cần phối hợp để việc
giao nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra được thực hiện khi vẫn còn thời
hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
nêu trên.
8. Giải quyết
như thế nào đối với các vụ án tạm đình chỉ do bị can bị bệnh tâm thần, qua thời
gian theo dõi, giám sát nhận thấy đối tượng không có khả năng phục hồi?
Trả lời:
Đối với vụ án tạm đình chỉ do bị can
bị bệnh tâm thần, theo quy định tại Điều 454 BLTTHS năm 2015
và Điều 139 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì việc chữa
bệnh bắt buộc đối với bị can bị bệnh tâm thần chỉ chấm dứt khi bị can đã khỏi bệnh
(có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về việc khỏi bệnh) và có quyết định
đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan tiến hành tố
tụng có thẩm quyền. Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt
buộc chữa bệnh, các hoạt động tố tụng đã bị tạm đình chỉ
có thể được phục hồi theo quy định của BLTTHS.
Trường hợp qua thời gian theo dõi,
giám sát nhận thấy bị can không có khả năng phục hồi, Cơ quan điều tra cần
trưng cầu giám định tâm thần, nếu kết quả xác định bị can vẫn chưa khỏi bệnh
thì cần tiếp tục chữa bệnh. Trường hợp việc bắt buộc chữa bệnh kéo dài đến thời
điểm hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì thực hiện theo quy định tại
khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số
01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy
định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ
án, vụ việc tạm đình chỉ, theo đó, cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng
văn bản với VKS trước khi ra quyết định đình chỉ điều tra mà không phải ra quyết
định phục hồi điều tra.
9. Trong quá
trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai
người làm chứng và thu thập chứng cứ đầy đủ. Vậy sau khi khởi tố vụ án có cần lấy
lại lời khai của người làm chứng hay không?
Trả lời:
Lời khai của người
làm chứng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là một nguồn chứng cứ,
có giá trị pháp lý nếu được thu thập, đánh giá sử dụng đúng theo quy định của
BLTTHS và sẽ được sử dụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
BLTTHS và các văn bản pháp luật khác
không có quy định hạn chế số lần lấy lời khai của người làm chứng. Do vậy, mặc
dù trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra đã lấy lời
khai người làm chứng và thu thập chứng cứ đầy đủ nhưng sau khi khởi tố vụ án,
Cơ quan điều tra vẫn có thể lấy lại lời khai người làm chứng để khẳng định, củng
cố chứng cứ hoặc để làm rõ thêm những nội dung mới, tình tiết mới phát sinh
trong quá trình điều tra vụ án.
10. Khi giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có
quyền tiến hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói hay không?
Trường hợp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra được tiến hành các hoạt động trên thì Kiểm sát viên có phải tham gia để
kiểm sát hay không?
Trả lời:
10.1. Khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:
“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo
về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu,
đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn
tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định
giá tài sản”.
Như vậy, ngoài 04 hoạt động cụ thể
(khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, yêu cầu định
giá tài sản) thì khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành hoạt động mang tính
chất chung (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác,
người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.
Theo quy định tại khoản
2 Điều 14 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công
an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân thì “Khi
thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm
được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ
thể như sau: ....2. Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói
và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của
Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình
theo sự phân công của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)”.
Trước đây, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số
06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi
hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì Điều tra viên được phân công
giải quyết tố giác, tin báo về
tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiệm vụ và quyền hạn tiến hành khám nghiệm
hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng.
Do vậy, mặc dù không được quy định cụ
thể tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến
hành hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói.
Tuy nhiên, đây là những biện pháp để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội
phạm và kiến nghị khởi tố, không phải là biện pháp điều tra được quy định tại
BLTTHS năm 2015.
10.2. Do
là những biện pháp được tiến hành để kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội
phạm và kiến nghị khởi tố, không phải là biện pháp điều tra được quy định tại
BLTTHS năm 2015 nên việc tham gia của Kiểm sát viên để kiểm sát các hoạt động
này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 160 BLTTHS năm
2015, theo đó, Kiểm sát viên có thể tham gia hoặc không tham gia trực tiếp
vào các hoạt động kiểm tra, xác minh trên.
11. A bị khởi
tố về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, thời hạn điều
tra là 04 tháng. Cơ quan điều tra ra lệnh bắt bị can A để tạm giam trong thời hạn
04 tháng, thời hạn tạm giam được tính từ ngày bắt được bị can, tuy nhiên khi
thi hành lệnh bắt A, phát hiện A bỏ trốn khỏi địa phương, 20 ngày sau Cơ quan
điều tra mới bắt được A. Vậy, trong trường hợp này, Cơ quan điều tra ra lệnh tạm
giam mới hay tiếp tục sử dụng lệnh bắt A để tạm giam trước đó?
Trả lời:
Trong trường hợp nêu trên cần căn cứ
vào việc Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã bị can A hay chưa. Theo đó:
(1) Trường
hợp Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã thì lệnh bắt bị can để tạm giam sẽ
không còn hiệu lực, việc bắt A được thực hiện theo quy định tại khoản
1 Điều 112 BLTTHS năm 2015. Sau khi bắt được bị can A, Cơ quan điều tra sẽ
ra lệnh tạm giam mới.
(2) Trường
hợp chưa có đủ căn cứ xác định bị can A bỏ trốn để ra quyết định truy nã bị
can, đang trong quá trình xác minh, truy bắt thì bắt được A thì Cơ quan điều
tra tiếp tục sử dụng lệnh bắt bị can để tạm giam trước đó vì: (1)
Lệnh bắt bị can để tạm giam được thi hành kể từ khi VKS phê chuẩn; thời hạn tạm
giam được tính từ khi bắt được bị can; (2) Sau khi hết thời hạn
điều tra 04 tháng, Cơ quan điều tra hoặc tiếp tục đề nghị gia hạn thời hạn điều
tra hoặc kết thúc điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố. Do thời hạn tạm giam
trong lệnh bắt bị can để tạm giam vẫn còn so với thời hạn điều tra (20 ngày sau
mới bắt được bị can) nên nếu cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tạm giam đối với bị
can thì theo quy định tại khoản 2 Điều 172 BLTTHS năm 2015,
Điều 18 Thông tư liên tịch số 04/2018, khoảng thời hạn tạm
giam dài hơn được sử dụng tiếp trong trường hợp gia hạn điều tra hoặc trong
giai đoạn truy tố của VKS.
12. Người nào
có thẩm quyền tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng trong trường
hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí
và các đồ vật, tài liệu có liên quan khi phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm
tội quả tang hoặc người đang bị truy nã hoặc khi tiếp nhận tố giác, tin báo về
tội phạm?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
3 Điều 146, khoản 3 Điều 111, khoản 3 Điều 112 BLTTHS năm 2015 thì trường hợp
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an thu giữ, tạm giữ
vũ khí, hung khí và các đồ vật, tài liệu có liên quan khi phát hiện, bắt giữ,
tiếp nhận người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy
nã hoặc khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì cần bàn giao cho Cơ quan
điều tra có thẩm quyền để tiến hành thủ tục xác định có phải là vật chứng hay
không. Nếu là vật chứng của vụ án thì theo quy định tại Điều 6
Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết
việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng (sau đây viết tắt là Nghị định số
127/2017/NĐ-CP) thì những người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật
chứng gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Cấp trưởng,
cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra; người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ
án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án.
13. Cụm từ “(nếu
có)” tại điểm a khoản 2 Điều
7 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP chỉ gắn với “đại
diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng
được niêm phong” hay gắn với cả “người liên quan”? “Người liên
quan” theo quy định tại điểm này gồm những người nào?
Trả lời:
13.1. Điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP quy định: người
tham gia mở niêm phong vật chứng gồm: người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức
có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu
có). Cụm từ “nếu có” ở đây cần được hiểu bao gồm đối với cả người liên quan và đại diện cơ
quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong.
Khoản 3 Điều 11 Nghị
định số 127/2017/NĐ-CP cũng quy định: khi kết thúc mở
niêm phong: “Trường hợp người liên quan (nếu có);... không ký vào
biên bản mở niêm phong vật chứng, thì người
tổ chức mở niêm phong vật chứng lập biên bản ghi rõ lý do với sự chứng kiến của
đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở
niêm phong vật chứng. Trong những trường hợp: Người liên quan... không có mặt
hoặc không đến, không có lý do chính
đáng theo yêu cầu của cơ quan, người tổ chức thực
hiện mở niêm phong vật chứng... thì phải lập biên bản ghi rõ lý do và yêu cầu
những người tham gia mở niêm phong ký vào biên bản”.
Như vậy, trường hợp xác định có người
liên quan thì việc mở niêm phong vật chứng bắt buộc phải có mặt người liên
quan. Trong trường hợp này, nếu người liên quan không có mặt hoặc không đến mà
không có lý do chính đáng thì người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng
phải lập biên bản ghi rõ lý do về việc đó, yêu cầu những
người tham gia mở niêm phong ký vào biên bản và tiến hành việc mở niêm phong vật
chứng.
13.2. Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP quy định: “Trường
hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong là bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì khi mở niêm
phong, người tổ chức thực hiện mở niêm phong mời người thân thích của họ hoặc
người bào chữa của họ (nếu có) hoặc đại diện
chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tổ chức mở
niêm phong vật chứng chứng kiến”.
Khoản 3 Điều 11 Nghị
định số 127/2017/NĐ-CP quy định: Trong những trường
hợp: Người liên quan; đại diện cơ
quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được
niêm phong (hoặc người thân thích, đại diện hợp pháp của họ), người bào chữa
không có mặt hoặc không đến, không có lý do chính
đáng theo yêu cầu của cơ quan, người tổ chức thực hiện mở niêm phong vật chứng; vật chứng không có chủ sở hữu hoặc chưa xác định được chủ sở hữu,
người quản lý hợp pháp thì phải lập biên bản, ghi rõ lý do và yêu cầu những
người tham gia mở niêm phong ký vào biên bản.
Như vậy, từ những quy định nêu trên,
có thể hiểu “người liên quan” tham gia mở
niêm phong vật chứng gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ, trách
nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong, như: bị can, bị cáo, chủ sở hữu
hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng được niêm phong...
14. Quá trình
điều tra về hành vi trộm cắp tài sản của A xảy ra vào ngày 02/12/2019, phát hiện
A chính là người đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản xảy ra vào ngày
01/01/2015. Vậy còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của A đối với hành
vi trộm cắp tài sản xảy ra vào ngày 01/01/2015 không? Nếu Cơ quan điều tra đã
đình chỉ điều tra đối với vụ án này rồi thì xử lý như thế nào?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 27 BLHS
năm 2015 quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm
hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực
hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình
phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời
hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới”. Như vậy, ngày 01/01/2015, A đã thực hiện hành vi phạm tội và vẫn
trong thời hạn 5 năm (ngày 02/12/2019) A lại thực hiện hành vi phạm tội mới (mức
cao nhất của khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản thỏa mãn điều kiện
trên 01 năm tù). Do đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của A đối với
hành vi phạm tội thực hiện ngày 01/01/2015 được tính lại kể từ ngày thực hiện
hành vi phạm tội mới - ngày 02/12/2019.
Trường hợp Cơ quan điều tra đã đình
chỉ điều tra vụ án trộm cắp tài sản xảy ra vào ngày 01/01/2015 vì lý do cho rằng
đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì VKS yêu cầu Cơ quan điều tra
hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra đối với vụ án để phục hồi điều tra và nhập
vào vụ án mới để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
15. Hội đồng định
giá theo vụ việc được thành lập ở những cấp nào? Thẩm quyền thành lập Hội đồng
định giá theo vụ việc cấp bộ? Hội đồng định giá cấp bộ bao gồm những thành phần
nào? Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ được thành lập để thực hiện định giá
trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày
07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng
định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sau
đây viết tắt là Nghị định số 30/2018/NĐ-CP) và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày
23/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
30/2018/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 97/2019/NĐ-CP) thì:
15.1. Hội
đồng định giá theo vụ việc được thành lập ở 04 cấp gồm:
- Hội đồng định giá theo vụ việc được
thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung
là cấp huyện);
- Hội đồng định giá theo vụ việc được
thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
- Hội đồng định giá theo vụ việc được
thành lập ở bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là cấp
bộ);
- Hội đồng định giá theo quyết định của
Thủ tướng Chính phủ.
15.2. Hội
đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá
theo quy định của pháp luật quyết định thành lập.
15.3.
Thành phần của Hội đồng định giá cấp bộ bao gồm:
- Một lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc
bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là Chủ tịch Hội đồng;
- Một cán bộ cơ quan chuyên môn thuộc
bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá là thành viên Thường trực Hội
đồng;
- Thành viên Hội đồng bao gồm: đại diện
các cơ quan, tổ chức chuyên môn có liên quan thuộc bộ, cơ
quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá; đại diện các cơ quan, tổ chức khác
có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có). Đối với vụ án có nhiều loại tài
sản khác nhau nhưng không thể phân loại được tài sản, thành viên của Hội đồng định
giá bao gồm thêm đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại theo yêu cầu cử
người của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá quy định tại
điểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP.
Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản,
lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định
giá quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số
97/2019/NĐ-CP đề xuất các thành viên phù hợp với đặc điểm của tài sản cần định
giá cho từng vụ việc
15.4. Hội
đồng định giá theo vụ việc cấp bộ được thành lập để thực hiện định giá trong
các trường hợp sau:
- Thực hiện định giá lại trong các
trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định số
30/2018/NĐ-CP và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP .
- Thực hiện định giá lần đầu đối với
tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan
tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Đối với vụ án có nhiều loại tài sản
khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm căn cứ vào đặc
điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản, yêu cầu của vụ án để phân loại tài sản và
thực hiện yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá phù hợp với
chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao theo các trường hợp
sau:
+ Trường hợp phân loại được tài sản để
tách riêng thực hiện định giá đối với từng nhóm tài sản thì cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá
đối với từng nhóm tài sản.
+ Trường hợp không thể phân loại được
tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành lĩnh vực đối với một loại tài sản
trong số các tài sản của vụ án chủ trì thành lập Hội đồng định giá; riêng trường
hợp trong số các tài sản cần định giá có tài sản là đất,
quyền sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương chủ trì
thành lập Hội đồng định giá (không phân biệt quyền sở hữu tài sản). Các bộ, cơ
quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với
các tài sản khác còn lại có trách nhiệm cử đại diện tham gia làm thành viên Hội
đồng định giá theo yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng
định giá.
16. Theo quy định
tại khoản 1 Điều 274 BLTTHS
năm 2015 thì “khi vụ án không thuộc thẩm quyền
xét xử của mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho VKS đã truy tố để chuyển đến VKS
có thẩm quyền truy tố”. Vậy VKS có thẩm
quyền truy tố có phải ban hành cáo trạng mới thay thế cáo trạng cũ hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
1 Điều 274 BLTTHS năm 2015 thì: “...VKS đã truy tố phải ra quyết định
chuyển hồ sơ vụ án đến VKS có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền”.
Theo quy định tại Điều
72 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và
truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện
trưởng VKSND tối cao thì:
“1.
Sau khi kết thúc điều tra vụ án, nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố
của mình, thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra
quyết định chuyển vụ án cho VKS có thẩm quyền truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS. VKS có
thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ phải phân công
Kiểm sát viên nghiên cứu và báo cáo, đề xuất lãnh đạo
đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
a) Nếu đồng ý với bản kết luận
điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì ban hành
Cáo trạng truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền xét xử. Nếu Tòa án trả hồ sơ
cho VKS để điều tra bổ sung thì VKS đã truy tố phải chuyển hồ sơ cho VKS đã thực
hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục trả hồ sơ cho cơ quan đã
điều tra và ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
b) Nếu không đồng ý với bản kết luận
điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì chuyển lại hồ
sơ cho VKS đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục chuyển
vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Như vậy, sau khi Tòa án trả hồ sơ để
truy tố theo thẩm quyền, trường hợp thấy thuộc thẩm quyền truy tố của mình, nếu
đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều
tra thì VKS có thẩm quyền truy tố ban hành cáo trạng mới (thay thế cáo trạng
cũ) để truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền xét xử; nếu không đồng ý với bản
kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì VKS có
thẩm quyền truy tố chuyển lại hồ sơ cho VKS đã thực hành quyền công tố, kiểm
sát điều tra để làm thủ tục chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
17. Khiếu nại,
tố cáo liên quan đến lực lượng Công an xã trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo
về tội phạm có phải là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều
145 BLTTHS năm 2015, hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt
động tư pháp. Công an xã cũng có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội
phạm. Theo quy định tại Điều 470 BLTTHS năm 2015, các quyết
định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại trong tố tụng hình sự, giải quyết
theo quy định của Chương XXXIII BLTTHS là những quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người có thẩm
quyền, người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, theo quy
định tại Điều 35 BLTTHS năm 2015 và Điều
9 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Công an xã không phải là
cơ quan, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nên khi
có khiếu nại, tố cáo thì việc giải quyết không theo quy định của pháp luật tố tụng
hình sự mà theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
III. Thi hành án
hình sự
1. Ngoài hình
phạt chính là hình phạt tù có thời hạn, A còn bị hình phạt bổ sung là cấm đảm
nhiệm chức vụ, thời hạn là 03 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Do mức
hình phạt tù bằng thời hạn đã tạm giữ, tạm giam nên Tòa án không ra quyết định
thi hành án mà chỉ ra thông báo cho các cơ quan có liên quan về việc cấm A đảm
nhiệm chức vụ trong thời hạn trên. Việc Tòa án chỉ ra thông báo như vậy có đúng
không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
1 Điều 22 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung được ghi rõ tại quyết định thi hành án phạt tù. Mặc dù,
theo quy định tại khoản 5 Điều 328 và Điều 363 BLTTHS năm
2015 thì trường hợp này người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù Tòa án
đã tuyên, thuộc trường hợp bản án được thi hành ngay, pháp luật cũng không có
quy định cụ thể bắt buộc trường hợp này phải ra quyết định thi
hành án phạt tù. Tuy nhiên, để có cơ sở cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình
phạt tù, thi hành hình phạt bổ sung, xóa án tích..., trong trường hợp nêu trên
Tòa án vẫn phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều
21 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, theo đó, Tòa án vẫn ra quyết định thi
hành án phạt tù đối với A.
2. A được tha
tù trước thời hạn có điều kiện, thời gian thử thách là 03 năm. Hết 03 năm, cơ
quan thi hành án hình sự mới có đề nghị hủy bỏ quyết định này đối với người được
tha tù trước thời hạn có điều kiện. Vậy, Tòa án có mở thủ tục xem xét đề nghị
này nữa không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản
1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều
106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện thì: “Trong thời
gian thử thách, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền,
Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể hủy bỏ quyết
định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc họ phải
chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành, nếu họ cố ý vi phạm nghĩa vụ
02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên”. Như vậy, nếu
sau khi hết thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền
mới có đề nghị Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện hủy bỏ
quyết định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì Tòa án
không xem xét đề nghị hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với
người đó.
3. Các trường hợp
đã và đang thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn nghĩa vụ cấp dưỡng mà đến thời điểm
xét, có đơn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định
thì có được xem xét để lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện
không?
Trả lời:
Về nguyên tắc, xét tha tù trước thời
hạn có điều kiện, ngoài việc đủ điều kiện về thời gian chấp hành án, thuộc trường
hợp phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, được xếp loại cải tạo khá, tốt thì
người được xét tha tù phải thỏa mãn điều kiện “đã chấp hành xong hình phạt bổ
sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí”
theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS
năm 2015.
Trường hợp có nghĩa vụ bồi thường là
cấp dưỡng cho người mà bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, phải có tài liệu xác nhận
đã thực hiện việc cấp dưỡng đúng thời hạn, đầy đủ theo quyết định của bản án
tuyên và có đơn cam kết sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp
dưỡng theo đúng quy định thì được coi là đã chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường
thiệt hại.
Do vậy, các trường hợp đã và đang thực
hiện đầy đủ và đúng thời hạn nghĩa vụ cấp dưỡng đến thời điểm xét, có đơn cam kết
sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định thì cơ quan có thẩm
quyền thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị, xem xét và quyết định tha tù trước thời
hạn có điều kiện khi có đủ điều kiện khác theo quy định của BLHS.
4. Khi quyết định
rút ngắn thời gian thử thách của án treo, cơ quan có thẩm quyền có cần xem xét
điều kiện chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
không?
Trả lời:
Điểm b khoản 1 Điều
8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều
65 của BLHS về án treo quy định người được hưởng án treo có thể được Tòa án
nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử
thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau: “b)
Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được
hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành
án hình sự; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành
tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền khen thưởng”.
Điểm b khoản 1 Điều
89 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định người được
hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây: “Trong thời gian thử
thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học
tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an
ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng”.
Khoản 2 Điều 87 Luật
Thi hành án hình sự năm 2019 quy định nghĩa vụ của người
được hưởng án treo: “Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết
trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công
dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ
hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do
khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.
Như vậy, khi quyết định rút ngắn thời
gian thử thách của án treo, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét điều kiện: chấp
hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Trên đây là giải đáp một số khó khăn,
vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 và thi hành
án hình sự. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần trao đổi,
đề nghị phản ánh về VKSND tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản
lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Các Đ/c PVT VKSTC (để b/cáo);
- Các Kiểm sát viên VKSNDTC;
- Lưu: VT, V14.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP CHẾ VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC
Hoàng Thị Quỳnh Chi
|