Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 6051 TM/CSTNTN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Thương mại Người ký: Phan Thế Ruệ
Ngày ban hành: 29/12/2003 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6051 TM/CSTNTN
Về thị trường trong nước năm 2003 và dự báo QI/2004

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2003

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, tham gia cuộc họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga và đại diện các Tổng Công ty ngành hàng trọng yếu cùng các thành viên của Tổ để đánh giá tổng quan thị trường trong nước năm 2003, dự báo thị trường quý I/2004 và công tác chuẩn bị phục vụ Tết; tiếp theo văn bản số 5910 TM/CSTNTN ngày 19 tháng 12 năm 2003, trên cơ sở báo cáo chính thức của các thành viên, Bộ Thương mại xin tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:

I- TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA NĂM 2003

Năm 2003, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước như chiến tranh Irắc, dịch bệnh SARS, hạn hán, úng lụt kéo dài, giá cả thị trường thế giới có nhiều biến động bất thường. Nhưng sản xuất hàng hóa và xuất khẩu vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng; hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ về số lượng cho nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt khoảng 310.000 tỷ đồng (bình quân khoảng 320.000 đ/người/tháng), tăng 12,1% so với năm 2002. Như vậy, sức mua tiếp tục được duy trì ở mức tăng trưởng khá trong các năm gần đây, nhưng không đồng đều giữa các vùng, giữa các ngành và nhóm hàng. Đặc biệt, khu vực nông thôn, miền núi sức mua tuy có tăng nhưng còn chậm... Thị trường trong nước đã từng bước được chú trọng sắp xếp và mở rộng, lưu thông hàng hoá gắn kết được với sản xuất, với tiêu dùng và với thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại, đặc biệt là mạng lưới thu gom, bán lẻ ở khu vực nông thôn phát triển chưa mạnh, chưa ổn định, chưa được tổ chức tốt theo hướng liên kết chặt chẽ với nông dân, thực hiện các phương thức đại lý mua bán và ký hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế; hệ thống thương nhân phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng cạnh tranh còn yếu do khả năng tích luỹ thấp, quy mô đầu tư nhỏ và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng của hoạt động thương mại còn yếu kém, nhất là hệ thống chợ ở nông thôn xuống cấp nghiêm trọng, các trung tâm thương mại ở các thị tứ, thị xã và các thành phố chưa được quan tâm đầu tư phát triển có hiệu quả.

Tình hình chiến tranh Irắc xảy ra đã làm cho cung - cầu, giá cả hàng hóa trong nước đối với các mặt hàng nhập khẩu diễn biến phức tạp. Cuối tháng 2 và tháng 3/2003 giá của khoảng 16/32 nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng 7 - 30%, kéo theo giá trong nước của một số hàng hóa, dịch vụ như xăng dầu, thép, phân bón, nhựa, cước vận chuyển... tăng ở mức cao; sau đó giá cả thế giới dịu hơn, nhưng những tháng cuối năm giá thị trường thế giới lại tăng dần, có những mặt hàng giá còn cao hơn lúc xảy ra chiến tranh Irắc. Vì vậy, hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Hiệp định thuế quan có hiệu lực chung trong các nước ASEAN (AFTA) giai đoạn 2003 - 2006, Bộ Tài chính đã chính thức công bố gần 8.000 mặt hàng cắt giảm thuế nhập khẩu từ 1/7/2003. Việc tham gia AFTA đã và sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội gia nhập và khai thác triệt để một khu vực thị trường thế giới rộng mở; cơ hội tiếp xúc với thị trường hàng hóa, vốn, tài chính, công nghệ, khoa học kỹ thuật, kinh nghiện quản lý... song những thách thức phải đương đầu cũng rất lớn. Thị trường các hàng hóa trong diện giảm thuế có xu hướng giảm giá nhẹ, không gây xáo động mạnh tâm lý cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Mức giá thấp đã "kích" người sản xuất kinh doanh quan tâm hơn đến các giải pháp kỹ thuật và quản lý để giảm chi phí đầu vào, đồng thời quan tâm hơn đến chất lượng và các dịch vụ sau bán hàng; do đó đã "kích cầu" tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2003 tăng 3% so với tháng 12 năm 2002, trong đó chỉ số giá nhóm dược phẩm, y tế tăng cao nhất 20,9%, tiếp đến nhóm hàng giáo dục tăng 4,9%, đồ dùng và dịch vụ khác tăng 4,3%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,1%, đồ uống và thuốc lá tăng 3,5%, nhóm lương thực và thực phẩm tăng 2,8% (lương thực tăng 2,9%, thực phẩm tăng 2,9%) chỉ có nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 2%, nhóm văn hoá thể thao giải trí giảm 1,3%. So với tháng 12/2002, chỉ số giá vàng tăng 26,6%, chỉ số giá USD tăng 2,2%. Tổng cục Thống kế dự báo chỉ số giá tháng 1/2004 tăng khoảng 1,5% và các tháng 2 và tháng 3/2004 mỗi tháng tăng khoảng 1% so với tháng trước.

Trước những biến động của thị trường năm 2003 đã khẳng định thị trường nội địa tuy chịu ảnh hưởng ngày càng sâu sắc với thị trường nước ngoài, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Hiệp hội, các doanh nghiệp và các địa phương nên đã vượt qua được những khó khăn, đặc biệt là trong việc ổn định giá cả và quan hệ cung - cầu về những mặt hàng trọng yếu, từng bước định hình các kênh lưu thông, mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển mạng lưới kinh doanh, đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, phát triển các mô hình thương mại văn minh, hiện đại nhằm phục vụ tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

II- MỘT SỐ MẶT HÀNG TRỌNG YẾU:

1. Lúa gạo

Năm 2003, mặc dù diện tích giảm do chuyển sang nuôi trồng các cây con khác, sản lượng lúa cả nước ước đạt 34,53 triệu tấn, tăng trê 80 ngàn tấn so với năm 2002; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Cụ thể, cộng với tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 800.000 tấn lúa, sau khi trừ cân đối tiêu dùng trong nước khoảng 27 triệu tấn, còn lại khoảng trên 8 triệu tấn lúa dành cho xuất khẩu.

Lượng gạo xuất khẩu năm 2003 ước đạt 4 triệu tấn, đưa Việt Nam trở lại vị trí thứ 2 sau Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 189 USD/tấn. Những tháng cuối năm giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, hiện nay giá gạo Việt Nam đang được chào bán ở mức 196 - 197 USD/tấn (loại 5% tấm - mức thấp nhất trong năm là 167 - 170 USD/tấn) và 186 - 187 USD/tấn (loại 25% tấm - mức thấp nhất trong năm là 156 - 158 USD/tấn). Tháng 12/2003 lượng gạo xuất khẩu khoảng dưới 100.000 tấn - là mức thấp nhất trong năm.

Giá lúa trong nước thường xuyên được duy trì trên mức 1.500 - 1.600 đ/kg (mức giá lúa thấp nhất năm 2002 là 1.250 - 1.350 đ/kg). Giữa tháng 12/203 phổ biến ở mức 2.100 - 2.400 đ/kg ở vùng ĐBSH và 1.900 - 2.050 đ/kg ở ĐBSCL. So với cùng kỳ giá lúa gạo hiện nay tăng 300 - 350 đ/kg. Giá lúa gạo cao góp phần làm cho thu nhập và sức mua của người nông dân được cải thiện.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, đến nay đã ký được hợp đồng xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo của năm 2004. Hiện nay, lượng lúa gạo lưu thông trên thị trường rất ít vì ĐBSCK đang thời kỳ giáp hạt, lượng lúa hàng hóa trong dân ít và yêu cầu tiêu dùng nội địa cao nên khó có đủ nguồn hàng phục vụ các hợp đồng xuất khẩu cho những tháng đầu năm 2004. Giá lúa gạo thế giới và trong nước tháng 1&2 năm 2004 khả năng còn tăng nhẹ và đứng ở mức cao, sau đó cùng vụ thu hoạch lúa Đông Xuân sớm sẽ giảm dần.

2- Phân bón

Thị trường phân bón thế giới năm 2003 diễn biến phức tạp, nguồn cung phân bón không ổn định, giá cả tăng cao. Giá nhập khẩu phân Ure cả năm 003 là 155 USD/tấn, tăng 45% so với năm trước (BQ 118 USD/tấn Ure). Tháng 3/2003, giá nhập Ure lên 173 USD/tấn (tăng hơn 43 USD/tấn so với đầu năm), sau đó giá phân bón giảm nhưng vẫn ở mức cao. Từ đầu tháng 7/2003 đến nay, giá phân bón thế giới nhích dần và tăng cao. Hiện nay, giá Ure Trung Quốc khoảng 195 USD/tần CF. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu và cước phí vận chuyển tăng cao.

Chịu ảnh hưởng của giá thế giới, giá phân bón trong nước cũng tăng. Tháng 3/2003 giá bán buôn Ure khoản 3.000 đ/kg, sau đó giảm xuống còn 2.650 đ/kg, giữa tháng 10/2003 lên dần ở mức khoảng 2.760 - 2.800 đ/kg. Đến nay, giá bán buôn lên mức bình quân 3.100 đ/kg đã đẩy giá bán lẻ phổ biến ở mức 3.300 đ/kg (một vài nơi lên 3.400 - 3.500 đ/kg). Do giá lương thực - nông sản năm 2003 luôn ở mức cao nên việc tăng giá phân bón không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân.

Năm 2003, tổng nguồn cung phân bón các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 6,95 triệu tấn (trong đó có gần 4 triệu tấn phân nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu và gối đầu năm 2004. Riêng Ure gần 2,1 triệu tấn, trong đó nhập khẩu ước gần 2 triệu tấn. Vì vậy, nhu cầu phân bón cho các vụ sản xuất cây trồng nhìn chung được cung ứng đầy đủ. Theo thực tế tồn kho, nhập khẩu và tiêu dùng phân bón tháng 11&12/2003 thì hiện còn gần khoảng 300.000 tấn Ure gối đầu chuyển sang 2004. Giá phân bón quý I/2004 còn xu hướng tăng nhưng không gây đột biến. Nhằm đảm bảo kinh doanh phân bón và giữ giá bán ở mức hợp lý Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp như cho phép giãn thời gian thu thuế VAT, xây dựng quy chế kinh doanh phân bón 2004 - 2005, xem xét mức thuế suất thuế VAT hiện hành.

3- Muối

Năm 2003, diện tích muối cả nước là 14.6 ngàn ha, giảm so với năm 2002 do chuyển đổi diện tích sang nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng muối cả năm 2003 đạt khoảng 750.000 tấn. Như vậy, nguồn cung ứng muối năm 2003 khoảng 950.000 tấn (bao gồm cả dự trữ lưu thông năm trước chuyển sang gần 100.000 tấn và nhập khẩu hơn 100.000 tấn phục vụ công nghiệp hoá chất) đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản xuất và dân cư trong nước, kể cả lượng gối đầu cho năm 2004.

Do cung đủ cầu nên giá muối năm 2003 tuy ở mức thấp nhưng nhìn chung vẫn ổn định hơn so với năm 2002. Giá muối bình quân cả năm ước đạt 350 - 380 đ/kg (Miền Bắc), 260 đ/kg (Miền Trung) và trên 300 đ/kg (Nam Bộ). Giá cả muối đầu năm 2004 nhìn chung ổn định vì cung - cầu muối tiếp tục được giữ vững.

Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ muối còn nhiều bất cập cả trong tổ chức và điều hành, thiếu sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, giữa người sản xuất và kinh doanh, việc xuất khẩu muối còn gặp nhiều khó khăn về chất lượng và giá cả (cả năm 2003 chỉ xuất được 10.000 tấn muối).

4- Mía đường

Niên vụ 2002/2003 diện tích mía cả nước đạt 315.000 ha, trong đó diện tích vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy đạt 258.700 ha; sản lượng mía cây đạt 15.7 triệu tấn. Sản lượng mía ép công nghiệp đạt 11,5 triệu tấn, tăng 35.3% so với vụ trước. Chất lượng mía tốt hơn vụ trước với trữ đường bình quân cả nước là 9,9 CCS. Tình trạng mất cân đối giữa vùng nguyên liệu với các nhà máy đã dần được khắc phục nên đã nâng tổng công suất của 44 nhà máy đường lên 82.950 TMN. Sản lượng đường niên vụ 2002/2003 đạt 1,2 triệu tấn (có 1,058 triệu tấn đường công nghiệp và 150 ngàn tấn đường thủ công). Nhiều sản phẩm sau đường và bên cạnh đường như bánh kẹo, nha, cồn công nghiệp... đạt sản lượng lớn và có chất lượng cao hơn trước đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của sản xuất và xã hội.

Niên vụ 2003/2004 đã bắt đầu đi vào sản xuất, đến nay đã có 40/44 nhà máy đi vào sản xuất. Dự kiến niên vụ này tổng sản lượng đường cả nước chỉ khoảng 1,1 triệu tấn (thấp hơn vụ trước).

Mức tiêu dùng nội địa năm 2003 khá cao, bình quân đạt 90.000 tấn/tháng (chủ yếu do tăng nhu cầu sản xuất bánh kẹo và nước giải khát), trong năm đã xuất khẩu được 50.600 tấn đường. Tồn kho cuối năm 2003 khoảng 120.000 tấn, với tiến độ sản xuất tăng dần, bảo đảm đủ nguồn cung ứng cho những tháng tới.

Đầu vụ 2002/2003, giá bán đường trắng tại các nhà máy từ 4.200 - 4.300 đ/kg, đến cuối vụ chỉ còn 3.500 - 3.600 đ.kg. Giá đường thấp, các cơ sở thủ công sản xuất cầm chừng nên các nhà máy phải kéo dài thời gian sản xuất để tiêu thụ hết mía cho dân; do khó khăn về vốn, nhiều nhà máy phải bán "đường non" với giá thấp để thanh toán cho dân nên sức ép bị lỗ càng lớn. Đầu niên vụ 2003/2004, giá bán đường tại các nhà máy bình quân ở mức 4.000 đ/kg ở miền Bắc, 4.200 đ/kg tại miền Trung và 4.400 đ/kg tại Nam Bộ. Trên thị trường đã xuất hiện đường nhập lậu. Đến nay, do nhiều nhà máy vào vụ nên giá bán đường giảm, không còn đường nhập lậu. Giá bán hiện nay của các nhà máy ở mức 3.700 đ/kg ở miền Bắc, 3.800 đ/kg ở miền Trung và 3.900 đ/kg ở Nam Bộ, nơi cao nhất là 4.050 đ/kg ở Cần Thơ. Giá bán lẻ đường RE hiện phổ biến ở mức 5.200 - 6.000 đ/kg. Thời gian tới giá đường khả năng còn giảm do nguồn cung tăng, nhưng không giảm xuống mức thấp như vụ đường 2002/2003 do giá mía cây vụ này cao hơn.

5- Xăng dầu

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước năm 2003 khoảng 9,8 triệu tấn (xăn 1,8 triệu tấn, dầu Diezel 4,2 triệu tấn, Mazút 2,5 triệu tấn...). Do nguồn xăng dầu phụ thuộc vào cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới nên giá nhập khẩu xăng dầu năm 2003 khá cao. Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Chính phủ đã có những chính sách nhằm đảm bảo nguồn cung và hạn chế tối đa sự tác động đến giá cả trong nước, đảm bảo sản xuất ổn định như điều chỉnh thuế nhập khẩu linh hoạt phù hợp với biến động của thị trường, điều chỉnh giá trần ở mức hợp lý, có chính sách bù lỗ cho doanh nghiệp...

Năm 2004, việc kinh doanh xăng dầu sẽ được tổ chức thực hiện theo Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2003 về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động tổ chức kinh doanh, tăng sức cạnh tranh chủ yếu bằng chất lượng hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý thông qua hệ thống đại lý. Giá cả xăng dầu trong nước tháng 1/2004 sẽ ổn định như mức giá trần hiện hành. Hiện nay, giá cả xăng dầu thế giới đang ở mức khá cao (Xăng A92 khoảng 36 - 38 USD/thùng...).

6- Xi măng

Sản lượng xi măng năm 2003 đạt khoảng 23,263 triệu tấn, tăng 15,5% so với 2002, lượng tiêu thụ ước đạt 23,193 triệu tấn, lượng nhập khẩu Clinker là 3,5 triệu tấn. Năm 2003, trước những biến động phức tạp của thị trường (giá đầu vào luôn tăng) nhưng giá bán xi măng trong nước do được điều hành chặt chẽ, đảm bảo cung ứng tốt giữa các vùng, miền, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phấn đấu giảm giá thành... nên cả năm luôn ổn định ở mức 730 - 790 đ/kg (phía Bắc) và 860 - 920 đ/kg (ở phía Nam).

Dự kiến lượng tiêu thụ xi măng quý I/2004 khoảng 5,4 - 5,6 triệu tấn, với lượng tồn kho khoảng 1,335 triệu tấn (485.000 tấn xi măng và 850.000 tấn clinker) và tiến độ sản xuất đảm bảo đáp ứng đủ xi măng cho nhu cầu tiêu dùng với giá ổn định như năm 2003. Hiện nay, giá nhập clinker đang có xu hướng tăng (giá FOB clinker Thái Lan đã tăng lên 21,5 - 22 USD/tấn; cộng với cước phí vận tải tăng lên 7,5 - 8 USD/tấn và rất khó thuê) nên xu hướng tới khó có khả năng giữ mãi sự ổn định giá bán xi măng trong nước khi các chi phí đầu vào luôn tăng.

7. Thép

Năm 2003, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép cán trong nước diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tác động của việc giá phôi thép thế giới tăng cao và tiêu thụ chậm trong suốt thời gian dài (quí II&III/2003).Ước cả năm toàn ngành thép đạt sản lượng khoảng 2,7 triệu tấn (tăng 13% so với năm 2002). Sản xuất phôi trong nước đạt 700.000 tấn. Nhập 2,2 triệu tấn phôi và 2,3 triệu tấn thép các loại. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ thép các loại năm 2003 khoảng trên 5,8 triệu tấn (lượng tồn đầu năm lớn). Tồn kho cuối năm khoảng trên 120.000 tấn.

Giá thép nói chung và giá phôi thép thế giới năm 2003 diễn biến phức tạp và luôn ở mức cao, hiện giá phôi thép đã lên đến đỉnh điểm, đạt mức 350 USD/tấn. Giá bán lẻ thép xây dựng trong nước tháng 2/2003 đã ở mức 6.100 - 6.500đ/kg. Dự kiến quý I/2004 giá bán thép phải tăng lên mức 7.000 đ/kg mới ĐBKD.

8. Giấy

Năm 2003, sản lượng giấy toàn ngành đạt khoảng 515.000 tấn, trong đó riêng Tổng công ty giấy đạt khoảng 181.000 tấn. Ước nhập khẩu năm 2003 là 450.000 tấn. Thị trường giấy các loại trong nước chịu ảnh hưởng nhiều của lượng giấy nhập khẩu cao hơn dự kiến và giá cả thế giới giảm nên giấy trong nước tiêu thụ khó khăn trong thời gian dài, sau đó tiêu thụ khá hơn và giá cả tương đối ổn định ở mức thấp hơn năm 2002.

Dự kiến quý I/2004: sản xuất trong nước 192.000 tấn, nhập khẩu 127.000 tấn, tiêu dùng khoảng 292.000 tấn với giá cả ổn định như quý IV/2003.

9. Thuốc chữa bệnh

Năm 2003, tổng giá trị sản xuất thuốc trong nước khoảng 3.773 tỷ đồng, tăng 20% so với 2002, tổng giá trị nhập khẩu thuốc thành phẩm khoảng 358 triệu USD, nguyên liệu khoảng 103,3 triệu USD. Như vậy, giá trị thuốc tiêu thụ bình quân đầu người khoảng 7 USD.

Thị trường thuốc năm 2003 diễn biến phức tạp, chỉ số giá nhóm thuốc y tế năm 2003 có mức tăng cao nhất là 20,9%, trong đó có 2 đợt tăng đột biến là tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9/2003. Giá của thuốc nội tăng không đáng kể, nhưng giá thuốc ngoại tăng trung bình 7 - 15%, trừ trường hợp đặc biệt. Sang tháng 12/2003 giá thuốc đã tương đối ổn định, nhưng thuốc ngoại vẫn đứng ở mức cao, đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm hạn chế sự độc quyền phân phối của các hãng dược phẩm đa quốc gia trên thị trường Việt Nam.

Năm 2004, dự báo giá thuốc ổn định hơn do sẽ được quan tâm quản lý tốt hơn và sự tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước. Nhu cầu tiêu dùng thuốc chữa bệnh năm 2004 bình quân khoảng 8 USD/người.

III. KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÂN

Thực hiện công văn số 5273/TM-CSTNTN ngày 18/11/2003 v/v phục vụ Tết Giáp Thân 2004 của Bộ Thương mại, các Sở Thương mại tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chỉ đạo các doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (đến nay đã có gần 40 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Bộ) tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:

1- Về hàng hóa

Các doanh nghiệp trực thuộc các Sở đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa bao gồm hàng Tết và các hàng hóa khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đủ về lượng và đa dạng về chủng loại trong dịp Tết. Các mặt hàng gồm:

- Hàng lương thực - thực phẩm.

- Hàng công nghệ phẩm, quần áo may sẵn, mỹ phẩm...

- Cùng các ngành chuẩn bị đầy đủ lượng vật tư phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2003 - 2004, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

- Đối với các mặt hàng chính sách (muối Iốt, Dầu lửa), các Sở Thương mại đã giao nhiệm vụ cho Công ty Thương mại chuyên trách, tổ chức vận chuyển hàng đến điểm bán hàng theo kế hoạch, đảm bảo phục vụ nhu cầu của đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trước, trong và sau Tết.

Cụ thể:

- Bộ Công nghiệp: năng lực sản xuất các mặt hàng Tết của ngành trong dịp tết ổn định và tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bánh kẹo Hải Hà: 4.000 tấn, tăng 200 tấn so với năm trước.

Bia các loại tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Rượu tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Thuốc lá dự kiến 332,7 triệu bao, tăng 8,15% so cùng kỳ năm trước.

Năm nay, ngành công nghiệp đã điều chỉnh cơ cấu mặt hàng, đưa ra thị trường nhiều mặt hàng mới, chất lượng cao, trong đó có nhiều loại lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, đồng thời cải tiến bao bì, mẫu mã, tổ chức các chương trình quảng cáo, khuyến mại, tham gia phối hợp với Ban quản lý thị trường địa phương nhằm chống hàng giả, hàng nhập lậu (đặc biệt là rượu), góp phần ổn định thị trường Tết.

- Hà Nội: Doanh thu dự kiến từ 270 - 300 tỷ đồng, tăng 5% - 10% so với thực Tết Quý Mùi. Về lực lượng hàng hóa: Dự kiến lợn hơi 350 tấn, giò các loại 50 tấn, thực phẩm chế biến 150 tấn, dầu ăn 300.000 lít, mì chính 70 tấn, đường kính 200 tấn, bánh mứt kẹo 300 tấn, rượu các loại trên 3 triệu lít, bia, nước ngọt 300.00 lon - chai, thuốc lá trên 2 triệu bao, rau quả 350 tấn, xăng - dầu hoả 3.000 tấn.

Công ty Lương thực HN: dự kiến sẽ cung ứng 1000 tấn gạo thông dụng, 500 tấn gạo ngon, 1200 tấn bột mỳ. Một số loại gạo mới như Bông Sữa, Bông Lài sẽ được đưa ra phục vụ cùng với các loại Tám thơm, Nàng thơm, Chợ Đào, Bắc hương, Dự hương. Giá bán gạo cũng không chênh lệch so với thị trường, hiện giá gạo ngon từ 5800 đến 8000 đ/kg.

- Thành phố Hồ Chí Minh: Từ đầu tháng 11 đến nay, 28 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã tập trung triển khai lo nguồn hàng phục vụ Tết Giáp Thân 2004 với tổng giá trị hàng hóa 343 tỷ đồng. Trong đó, VISSAN đặt chỉ tiêu bán ra trong dịp Tết 130 tỷ đồng, chiếm 40% doanh số bán ra của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Công ty sẽ cung ứng khoảng 2300 tấn thịt heo. Trong vòng từ 1 đến 25 tháng chạp âm lịch, công ty dự trù mỗi ngày khoảng 114 con heo và ngày 26 tháng chạp sẽ chuẩn bị khoảng 440 tấn thịt heo để bán. Lượng thịt trâu bò năm nay sẽ tăng 86% và các loại thực phẩm chế biến tăng 18% với gần 1700 tấn. Công ty chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre dự kiến phục vụ Tết với 2,6 tỷ đồng hàng hóa, tăng 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó gần 50% hàng hóa bán ra là hàng thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, thuỷ sản và rau quả. Công ty kinh doanh Thuỷ sản có kế hoạch chế biến hàng vạn lít nước mắm ngon, khô cá, mực, 3000 tấn cá tươi.

- Cà Mau: Tổng giá trị hàng hóa dự kiến phục vụ Tết năm nay khoảng 195,5 tỷ đồng, tang 1,08% so với thực hiện năm trước. Về lực lượng hàng hóa: dự kiến lợn hơi 150 tấn; đường 245 tấn; bia các loại 19.900 két; thuốc lá các loại 190.000 cây; bánh mứt kẹo 2,2 tỷ đồng; thực phẩm đóng hộp 400 triệu..

- Hải Phòng: Dự kiến tổng lượng hàng hóa dự trữ và lưu thông trên địa bàn thành phố trong dịp Tết ước trị giá 1.500 tỷ đồng. Về lực lượng hàng hóa: gạo tẻ 10.000 tấn; gạo nếp 1.000 tấn; đỗ xanh 500 tấn; thịt lợn, thịt gia cầm 1.700 tấn; cá và các loại hải sản 1.500 tấn; rau quả 5.000 tấn. Bia 4 triệu lít; rượu các loại 1,5 triệu lít; bánh kẹo 1.000 tấn; dầu ăn 500.000 lít; thuốc lá 6 triệu bao...

- Đà Nẵng: Dự kiến trị giá hàng hóa bán trong dịp Tết khoảng 40 tỷ, gồm các mặt hàng sau: mì ăn liền, hạt dưa, bánh kẹo, rượu bia, đường, thực phẩm chế biến, nước giải khát... Tính đến nay, các DN đã thực hiện dự trữ khoảng 32 tỷ đồng (Bánh kẹo các loại 10.000 thùng, hạt dưa 30 tấn, đường 90 tấn, mì ăn liền 50.000 thùng, nước giải khát các loại 4.000 thùng, dầu ăn 40 tấn...). Sở Thương mại chỉ đạo các DN có phương án tổ chức bán hàng lưu động không những phục vụ dân thành phố mà phục vụ dân vùng nông thôn, miền núi. Để bù đắp chi phí (vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa, phục vụ...) cho các doanh nghiệp, Sở TM đã có công văn đề nghị UBND. TP hỗ trợ mỗi DN 30 triệu đồng.

2- Về công tác chỉ đạo và quản lý thị trường

Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127/TW (công văn số 5212/BCĐ-TW ngày 12/11/2003), các Sở đã tiến hành chỉ đạo doanh nghiệp trong ngành phổ biến cho cán bộ, công nhân viên quán triệt tinh thần phục vụ, cam kết không bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng Nhà nước cấm kinh doanh; các mặt hàng phục vụ phải đảm bảo chất lượng, giá cả được niêm yết rõ ràng, đảm bảo phục vụ thuận tiện, văn minh.

Về hoạt động dịch vụ: Các Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, khách sạn, các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách... sửa sang phòng ngủ, vệ sinh, trang trí nhà hàng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi, du lịch, lễ hội trong dịp đón xuân mới.

Về công tác quản lý thị trường, theo tinh thần công văn số 5212/BCĐ-TW ngày 2/11/2003, các Chi cục quản lý thị trường đã lập kế hoạch và xây dựng phương án chống hàng nhập lậu, vận chuyển hàng cấm, đặc biệt là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết (pháo, đồ chơi trẻ em, rượu...) trên thị trường địa phương. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng Nhà nước quy định dán tem nhập khẩu, các hành vi gian lận thương mại.

3- Dự báo tình hình thị trường Tết Giáp Thân 2004

Qua tổng hợp báo cáo của địa phương, tình hình thị trường Tết Giáp Thân 2004 sẽ sôi động; sức mua dự kiến tăng từ 10 - 16% so với Tết Quý Mùi. Nguyên nhân khách quan là:

- Trong Tết nhu cầu vui chơi, giải trí, đi lại và nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng đáng kể vì thời gian nghỉ Tết Giáp Thân kể cả ngày nghỉ bù là 7 ngày.

- Cuối năm 2003, giá một số mặt hàng nông sản tăng so với cùng kỳ làm cho thu nhập và sức mua của thị trường khu vực nông thôn được cải thiện.

- Tiền lương và tiền thưởng năm 2003 cao hơn những năm trước.

Về giá, hiện nay giá thóc gạo đang tăng nhẹ trong phạm vi cả nước, riêng gạo nếp do nhu cầu tăng có thể tăng từ 100 đ đến 200 đ/kg. Các sản phẩm có khả năng tăng giá trong dịp Tết là bia và nước giải khát, nhất là những loại bia có tiếng, bánh kẹo ngoại nhập khẩu...

Theo quy luật, xu hướng sức mua sẽ tăng chủ yếu vào những ngày áp Tết và tập trung vào một số mặt hàng thực phẩm công nghệ: đồ uống, bánh kẹo cao cấp (cả hàng nội và hàng nhập khẩu). Nhu cầu về hàng thực phẩm (giò, thịt các loại, gia cầm, bánh chưng, mứt hộp), hàng may mặc... được cung ứng đầy đủ, sẽ không có hiện tượng thiếu hàng.

Như vậy, giá một số mặt hàng có khả năng tăng nhẹ so với Tết Quý Mùi, nhưng nhìn chung thị trường hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Giáp Thân phong phú, đa dạng và sẽ ổn định, không xảy ra những đột biến xấu.

Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng Chính phủ.

 

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Phan Thế Ruệ

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn số 6051 TM/CSTNTN ngày 29/12/2003 của Bộ Thương mại về việc thị trường trong nước ngày 29/12/2003 và dự báo quý I/2004

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.490

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.162.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!