Kính
gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT)
nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Văn phòng Chính phủ chuyển đến
theo Công văn số 6230/VPCP-QHĐP ngày 07/9/2021, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh: Hiện nay, tình trạng
các sản phẩm dược liệu, thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng đang quảng cáo tràn
lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng Internet. Cử tri
kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động quảng
cáo và tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chất lượng thuốc, giá thuốc trước
khi cho quảng cáo để giúp người dân không bị lợi dụng lòng tin và lãng phí chi
phí chữa bệnh.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến
trả lời như sau:
Bộ TTTT là cơ quan thực hiện các nhiệm
vụ về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, thời gian
qua Bộ đã thực hiện một số giải pháp sau:
1. Quảng cáo trên
môi trường mạng
Việc quảng cáo vi phạm tập trung xuất
hiện trên 02 nền tảng xuyên biên giới là Facebook và Youtube. Nội dung quảng
cáo vi phạm chủ yếu là: (1) Đối với Facebook: quảng cáo hàng hóa chất lượng thấp,
hàng giả, game cờ bạc; (2) Đối với Youtube: quảng cáo thuốc, thực phẩm chức
năng không rõ nguồn gốc, nội dung quảng cáo sai sự thật, không đúng các quy định
về quảng cáo; quảng cáo khám chữa bệnh không phép.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ TTTT
đã khẩn trương triển khai các giải pháp:
- Bổ sung quy định để siết chặt quản
lý hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới:
Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành
Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới, trong đó bổ sung
các quy định mới đáng chú ý như: (1) Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ
quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo
yêu cầu của Bộ TTTT; (2) Các báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử, người
quảng cáo có quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước
phải cung cấp giải pháp kỹ thuật kiểm tra, loại bỏ quảng cáo vi phạm; (3) Yêu cầu
các báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử, đại lý quảng cáo trong nước
không hợp tác quảng cáo với các trang tin/nền tảng quảng cáo không tuân thủ luật
pháp Việt Nam.
- Tăng cường rà quét và yêu cầu các nền
tảng xuyên biên giới ngăn chặn các quảng cáo vi phạm. Thực hiện phương án kỹ
thuật chặn tên miền đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới có sai phạm
nhưng không hợp tác ngăn chặn theo yêu cầu của Bộ TTTT.
Kết quả ngăn chặn quảng cáo vi phạm từ
năm 2018 đến nay: Facebook đã gỡ bỏ 484 fanpages liên quan đến quảng cáo game cờ
bạc, game đổi thưởng trên Facebook; 72 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng
cáo buôn bán vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; 2.444 link quảng cáo có hoạt động
buôn bán các dịch vụ bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật
hoang dã, vũ khí, tiền giả...; Google đã ngăn chặn 632 video quảng cáo mua bán,
săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ.
- Yêu cầu người phát hành quảng cáo
trong nước (báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp) và đại
lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo xuyên biên
giới; Triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung; thận
trọng trong việc lựa chọn mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới để hợp tác; cân
nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý
chuyên ngành như Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế... để rà soát, chấn chỉnh
các nội dung quảng cáo sai phạm, nhất là nội dung quảng cáo liên quan đến thuốc,
thực phẩm chức năng, cơ sở khám chữa bệnh...Không cho phép quảng cáo trên
Youtube và các dịch vụ của Google các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ
phẩm, cơ sở khám chữa bệnh... chưa được Bộ Y tế cấp phép.
- Phối hợp với các bộ, ban, ngành và
các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận
với các thông tin quảng cáo về các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm,
cơ sở khám chữa bệnh.
2. Đối với quảng
cáo trên truyền hình:
Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp
sau:
+ Bộ TTTT đã tổ chức các đoàn thanh
tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo tại một số đài phát thanh, truyền hình (Đài
THVN[1]); tăng cường giám sát và nhắc
nhở kịp thời các đài PTTH về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng
cáo.
+ Bộ TTTT đã yêu cầu các đài PTTH chủ
động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo bán hàng trên hệ thống truyền
hình trả tiền, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm cho
người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của pháp
luật về quảng cáo và báo chí.
+ Bộ TTTT cũng đã có văn bản gửi các
cơ quan có liên quan (Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế; Cục Quản
lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa - Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị kiểm tra,
rà soát các thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt kịch bản quảng cáo, nội
dung giấy chứng nhận đối với sản phẩm và giới hạn của việc sử dụng thông tin
trên giấy chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để quảng cáo trên truyền
hình; loại bỏ những nội dung thông tin quảng cáo gây hiểu nhầm cho người xem.
- Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức
năng (Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT) thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan chức năng liên quan của Bộ Y tế (Cục Quản lý dược, Cục an toàn thực phẩm)
xử lý các vi phạm về quảng cáo hàng kém chất lượng, quảng cáo hàng gây nhầm lẫn,
bán hàng giả, hàng kém chất lượng vi phạm pháp luật liên quan đến các sản phẩm
dược liệu, thuốc trị bệnh, thực phẩm chức năng trên phương tiện thông tin đại
chúng và môi trường mạng Internet.
- Về việc tăng cường công tác kiểm
soát, giám sát chất lượng thuốc, giá thuốc trước khi cho quảng cáo, Bộ Y tế đã
có những giải pháp cụ thể như sau:
+ Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội,
Chính phủ ban hành: (1) Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016; (2) Nghị định
số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Dược. Theo đó, trước khi tiến hành hoạt động quảng cáo
thuốc, nội dung quảng cáo phải được Bộ Y tế xác nhận; hồ sơ, thủ tục tiếp nhận,
thẩm định và xác nhận nội dung quảng cáo thuốc cũng được quy định chi tiết tại
Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Luật Dược cũng đã quy định
nghiêm cấm thông tin, quảng cáo có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn
đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể
người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế và chỉ được
quảng cáo thuốc thuộc Danh mục thuốc không kê đơn.
+ Về quảng cáo giá thuốc được doanh
nghiệp thực hiện khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường theo quy định tại
Khoản 3 Điều 103 Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016 (Các biện pháp quản
lý giá thuốc) và Điều 131 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, cụ thể: Thuốc
trước khi được đưa ra lưu hành trên thị trường Việt Nam phải thực hiện kê khai
giá. Giá thuốc do doanh nghiệp kê khai được cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận,
rà soát và công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược
- Bộ Y tế. Trong quá trình lưu hành, khi có nhu cầu tăng giá thuốc so với giá
kê khai đã được công bố, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai lại giá (Theo Quy
định tại điểm b Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 131 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP).
Giá thuốc kê khai lại được tiếp nhận, rà soát và công bố trên trang thông tin
điện tử của Cục Quản lý Dược. Như vậy, trước khi quảng cáo, giá thuốc được cơ
quan quản lý nhà nước về giá thuốc kiểm soát bằng việc kê khai, kê khai lại,
công bố công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan
có thể tra cứu.
Để tăng cường tính công khai, minh bạch,
Bộ Y tế đã triển khai thực hiện cập nhật thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo
thuốc trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối với Cổng thông
tin một cửa Quốc gia. Để phục vụ công tác thanh kiểm tra, Bộ Y tế đã công bố
toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc đã được cấp giấy xác nhận trên Trang thông tin
điện tử của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế để cơ quan chức năng giám sát hậu mãi hoạt
động quảng cáo thuốc.
* Các giải pháp Bộ TTTT và Bộ Y tế sẽ
triển khai trong thời gian tới:
- Bộ TTTT tiếp tục tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó có sự phối
hợp, tham gia của Sở TTTT các địa phương. Trong đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm được quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
- Bộ TTTT đang phối hợp với Bộ Y tế
xây dựng quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch
vụ thuộc lĩnh vực y tế; đề xuất Bộ Y tế tổ chức cuộc thanh tra liên ngành diện
rộng về quảng cáo để đánh giá thực trạng và đề xuất biện pháp để kịp thời chấn
chỉnh hành vi vi phạm, làm lành mạnh hóa hoạt động quảng cáo.
Hiện nay, Bộ TTTT và Bộ Y tế đang xây
dựng quy chế phối hợp trong việc xử lý các tổ chức cá nhân quảng cáo kinh doanh
bất hợp pháp các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng trên môi trường mạng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|
[1] Bộ TTTT (Cục PTTH&TTĐT) đã có Quyết định số
24/QĐ-XPVPHC ngày 5/3/2021 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo
trên truyền hình đối với Đài Truyền hình Việt Nam về hành vi quảng cáo thực phẩm
bảo vệ sức khỏe Viên khớp Tâm Bình trên Kênh chương trình truyền hình VTV1
không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 3134/2020/XNQC-ATTP ngày
6/10/2020 do Cục An toàn thực phẩm cấp.