Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 4123TM/KHTK Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Thương mại Người ký: Phan Thế Ruệ
Ngày ban hành: 10/10/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4123 TM/KHTK
V/v Báo cáo Tình hình thương mại 2002 và kế hoạch 2003

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2002

 

Kính gửi: Uỷ ban kinh tế và Ngân sách Quốc hội khoá XI

Theo yêu cầu của Uỷ ban kinh tế và Ngân sách, Quốc hội khoá XI tại công văn số 46/UBKTNS ngày 1/10/2002, Bộ Thương mại xin gửi tới Uỷ ban Tài liệu Báo cáo Tình hình Thương mại năm 2002 và Kế hoạch thành phố thương mại năm 2003./.

 

 

KT/ BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Phan Thế Ruệ

 

BỘ THƯƠNG MẠI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2002

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI NĂM 2002 VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NĂM 2003
(Tài liệu phục vụ Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội họp ngày 15/10/2002)

phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI NĂM 2002

I. LƯU THÔNG HÀNG HÓA TRONG NƯỚC

1. Kết quả

(1) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ

9 tháng: ước đạt 204,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó hầu hết các địa phương so với cùng kỳ năm 2001, trừ Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn của lũ lụt.

Dự báo cả năm: đạt 276 ngàn tỷ đồng tăng 12,6% so với năm 2001 (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng khoản 8%).

(2) Giá cả

9 tháng: so với cùng kỳ năm 2001, đến hết tháng 9, giá cả trên thị trường tăng 4,1%, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,3%, nhiều nông sản (cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đậu xanh...) tiếp tục tăng giá, góp phần cải thiện thu nhập của nông dân. Khu vực nông thôn giá tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2001 và tăng 3% so với tháng 12/2001.

Dự báo cả năm: đến tháng 12, ước chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2001.

(3) Bán hàng trợ giá, trợ cước ở các tỉnh miền núi:

- Muối iốt: 9 tháng ước bán 45.088 tấn, bằng 60% kế hoạch năm và bằng 98% cùng kỳ năm 2001. Có nhiều tỉnh đã tăng mức bán so với cùng kỳ năm 2001 là: Đắc Lắc, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên.

- Dự báo cả năm: bán 105.200 tấn, tăng 0,1% so với năm 2001.

Dầu hỏa: 9 tháng ước bán 15.000 tấn, bằng 69% kế hoạch năm và bằng 98% so với cùng kỳ năm 2001. Có nhiều tỉnh mức bán tăng so với cùng kỳ năm 2001 là: Bắc Giang, Yên Bái, Đắc Lắc, Lào Cai, Hoà Bình, Quảng Ninh, Sơn La...

Dự báo cả năm: bán 23.500 tấn, tăng 10% so với năm 2001.

(4) Quản lý thị trường

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện yêu cầu của Chính phủ tại Công điện số 1254/VPCP-VI, ngày 14/3/2002 của Văn phòng Chính phủ, Phương án số 0993/BCĐ 127 ngày 20/3/2002 của Ban chỉ đạo 127 TW về chống buôn lậu và gian lận thương mại; Chỉ thị số 03/2002/CT-BTM ngày 8/3/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Chỉ đạo các lực lượng triển khai phương án kiểm tra, kiểm soát vải và thuốc lá nhập lậu trên địa bàn toàn quốc; xử lý thuốc tân dược tại TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh...

Nhìn chung tình hình vẫn chưa chuyển biến rõ rệt và không đồng đều ở các địa phương; thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn: buôn lậu vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến; hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn; sự chống trả người thi hành công vụ trắng trợn và quyết liệt hơn.

9 tháng đã xử lý khoảng 52,1 nghìn vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập khẩu; sản xuất buôn bán hàng giả, kém chất lượng; kinh doanh trái phép...; tổng số tiền thu được 94,146 tỷ đồng.

2. Một số nhận xét

(1) Từ đầu năm đến nay thị trường ổn định, không có những biến động xấu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và tiêu dùng. Lưu thông hàng hóa phát triển ở tất cả các địa phương trong nước, góp phần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và nâng cao mức sống của dân cư. Thị trường nông thôn nói chung và miền núi nói riêng có dấu hiệu sôi động hơn.

(2) Giá cả trên thị trường nội địa đang có xu hướng tăng, trong đó nông sản tăng khá nhanh so với các nhóm hàng khác, vì vậy so với năm 2001: cánh kéo giá nông sản và hàng công nghiệp đã thu hẹp.

Riêng về mua gạo, cà phê cho xuất khẩu, năm nay khác với những năm trước là giá xuất khẩu tuy có tăng nhưng giá mua trong nước lại tăng nhanh hơn, làm xuất khẩu gặp khó khăn và không có hiệu quả.

Thép, xi măng, gas và một số mặt hàng khác, giá tăng nhưng do Nhà nước có biện pháp ứng phó kịp thời (tăng khối lượng nhập khẩu phôi thép, giảm phụ thu clinker...) nên giá vẫn ở biên độ thị trường chấp nhận, không gây "sốt giá".

(3) Nhiều mặt hàng bán ra có khối lượng và tốc độ lưu chuyển tăng hơn cùng kỳ năm 2001 như: thép, xi măng, gạo, thực phẩm, hàng ăn uống giải khát, hàng mỹ phẩm, hàng may mặc, giày, dép... những mặt hàng năm 2001 chậm tiêu thụ nay cũng đã tiêu thụ được như: vải, quần áo sản xuất trong nước...

(4) Cơ cấu hàng hóa: nhiều loại có giá trị lớn như đất, nhà ở loại kiên cố, ô tô, xe máy... đang tăng dần tỷ trọng quỹ hàng hóa của dân cư, không còn hạn hẹp như trước đây.

(5) Vệ sinh và an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp ảnh hưởng tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Nhiều loại bao bì, nhãn, mác hàng hóa chưa phù hợp yêu cầu của người tiêu dùng.

(6) Công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức, người tiêu dùng thường không được bảo đảm quyền lợi khi có tranh chấp với người bán, người cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

3. Nguyên nhân

a. Nguyên nhân hạn chế lưu thông hàng hóa và dịch vụ là:

- Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có mạng lưới bán hàng không ổn định.

- Hàng nhập lậu, hàng gải, hàng nhái nhãn mác vẫn còn nhiều, đã cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa kinh doanh bình thường.

- Vướng mắc trong triển khai các chính sách thương mại chậm được phát hiện và xử lý (quy định về mặt hàng kinh doanh có điều kiện đối với cơ sở đã tồn tại và hoạt động kinh doanh từ trước, nay không đủ điều kiện theo quy định mới; thuế nhập khẩu xăng dầu...).

- Tình hình thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đã hạn chế tới kết quả kinh doanh: doanh nghiệp nghiêm túc, nộp sớm, nhận được thoái thu chậm, phát sinh lãi ngân hàng; còn không ít doanh nghiệp không nghiêm túc lại được thoái thu sớm, thậm chí gian lận trong khai báo để xin thoái thu, đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và nhiều hiện tượng tiêu cực trên thị trường.

b. Nguyên nhân làm tăng lưu thông hàng hóa và dịch vụ là:

- Sức mua ở khu vực nông thôn sau một thời gian dài không tăng, nay  đã tăng (đến tháng 9 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2001), do giá nông sản tăng (gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, lạc nhân...).

- Chất lượng nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước được nâng cao, giá rẻ hơn hàng nhập khẩu (bánh, kẹo, thực phẩm chế biên, xe đạp, một số sản phẩm từ cao su...), đã kích thích tiêu dùng, nhất là tiêu dùng của dân cư.

- Sản xuất trong nước và xuất,nhập khẩu đã có sự phối hợp và bảo đảm đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng trên thị trường nội địa và xuất khẩu (gạo, xăng dầu, phân bón...).

- Việc mua gom hàng hóa của các doanh nghiệp đã dần dần hình thành mạng lưới tương đối ổn định; các vùng tập trung, việc mua gom nông sản đã bắt đầu thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, giúp người sản xuất chủ động đầu tư và thâm canh, nâng cao   năng suất, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

- Về bán hàng: các doanh nghiệp ngày càng tổ chức thêm nhiều cửa hàng, điểm bán hàng; mở rộng mạng lưới tiêu thụ thông qua hình thức đại lý... Hình thức đại lý bán hàng của các doanh nghiệp đã góp phần làm cho thị trường nông thôn phát triển. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã mở các cửa hàng mẫu để giới thiệu và tiếp cận người tiêu dùng; xây dựng hệ thống cửa hàng, siêu thị (bao gồm cả cửa hàng tự chọn), để tăng khả năng bán hàng, phục vụ tiêu dùng của dân cư.

- Thương nghiệp nhà nước đã chủ động hơn trong việc tổ chức lưu thông các mặt hàng thiết yếu; củng cố và phát triển mạng lưới bán lẻ, nhất là ở khu vực miền núi, bảo đảm lưu thông các mặt hàng chính sách tới các cụm xã; đi đầu thực hiện văn minh thương nghiệp và nâng cao chất lượng trong khâu bán lẻ.

- Thương nghiệp tư nhân và cá thể, vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khâu bán lẻ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư; là lực lượng quan trọng trong quá trình mua gom, tiêu thụ nông sản.

II. XUẤT NHẬP KHẨU

1. Xuất khẩu

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X, đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2002 là 10 - 13%. Tại Quyết định số 196/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2002 là 16,6 tỷ USD. Tình hình thực hiện như sau:

(1) Kết quả

9 tháng đầu năm:

- Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,858 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2001 và bằng 71,4% kế hoạch năm (nếu không kể dầu thô thì tăng 7,3%).

So với cùng kỳ năm 2001 đáng lưu ý là kim ngạch một số mặt hàng đã tăng: chè (68,4%), cao su (43,7%), lạc nhân (42,9%), hàng thủ công mỹ nghệ (41,6%), than đá 930,6%), nhân điều (28,6%), hàng dệt may (23,3%), giày dép (19,6%), gạo (17,6%), thủy sản (7,8%), hạt tiêu (5,4%); một số mặt hàng vẫn giảm là: cà phê, rau quả, dầu thô, hàng điện tử và linh kiện máy tính (riêng các mặt hàng này làm giảm 654 triệu USD).

- Xuất khẩu dịch vụ: ước đạt 2.003 triệu USD, tăng 6,8% so  với cùng kỳ năm 2001 và bằng 74,2% kế hoạch năm

- Xuất khẩu lao động: 9 tháng đầu năm 2002 xuất khẩu 32.130 lao động, nâng tổng số lao động và chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên trên 310 ngàn lao động tại 40 nước và vùng lãnh thổ với 30 nhóm nghề thuộc nhiều lĩnh vực như xây dựng, cơ khí, điện tử, dệt, may, chế biến thủy sản, vận tải biển, đánh bắt hải sản, dịch vụ, chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp...

Dự báo cả năm:

- Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16.100 triệu USD, bằng 97% kế hoạch năm và tăng 7,1% so với năm 2001.

Về mặt hàng, so với năm 2001, kim ngạch một số mặt hàng tăng trường bằng và cao hơn là: gạo, thủy sản, cao su, lạc nhân, hạt tiêu, hạt điều nhân, chè, than đá, hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ; một số mặt hàng không bằng là: dầu thô, cà phê, rau quả, linh kiện điện tử và máy tính.

- Xuất khẩu dịch vụ ước đạt 2.700 triệu USD, bằng kế hoạch năm và tăng 8,2% so với năm 2001. Đáng lưu ý là:

+ Dịch vụ viễn thông: ước đạt 300 triệu USD, tăng 10% (chủ yếu là dịch vụ điện thoại và fax).

+ Dịch vụ vận tải hàng không: cả năm ước đạt 321 triệu USD, bằng 100%.

+ Dịch vụ vận tải đường thủy: ước đạt 165 triệu USD, tăng 14% (chủ yếu là dịch vụ vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu; tàu biển chiếm 80%, trong đó của nước ta chiếm  13%).

+ Dịch vụ Ngân hàng - Tài chính: ước đạt 600 triệu USD, tăng 1%.

+ Dịch vụ Du lịch: ước đạt 2,5 - 2,6 triệu lượt khách, tăng 7,3%; kim ngạch đạt 1.040 triệu USD, tăng 8%.

+ Dịch vụ khác: ước đạt 324 triệu USD, tăng 24%.

- Xuất khẩu lao động: ước đưa được khoảng 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 111,1% so với kế hoạch năm và tăng 8,1% so với năm 2001. Thu nhập ròng của người lao động làm việc ở nước ngoài chuyển về ước khoảng 1,3 tỷ USD tăng 4% so với năm 2001, trong đó lượng tiền chuyển qua ngân hàng gần 1 tỷ USD, số còn lại chuyển qua người thân và bè bạn.

(2) Nhận xét

a. Đến giữa tháng 9 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt bằng cùng kỳ năm 2001 và hết tháng 9 đã tăng 2,8%, trong đó do khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 4% và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,4%.

b. Khối lượng hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2001; riêng 15 nhóm, mặt hàng, do khối lượng tăng 8,4%, tăng được 736 triệu USD. Dự báo cả năm khối lượng tăng 7,6%, làm tăng 1.148 triệu USD.

c. Giá xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2001; riêng 15 nhóm, mặt hàng chủ yếu giảm 4,1%, làm giảm 395 triệu USD; dự báo cả năm giá xuất khẩu giảm 3,6%, làm giảm 575 triệu USD.

d. Tăng trưởng theo nhóm hàng: 9 tháng nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 16,2%; nông, lâm, thủy sản tăng 4,2% và nhiên liệu, khoáng sản giảm 11,6%; nhóm hàng hóa khác vẫn giảm 0,6%.

Dự báo cả năm: nhóm công nghiệp và tiểu thủ tăng 18,2%; nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 5,3% và nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 3,4%.

(3) Nguyên nhân

Năm 2002 xuất khẩu tăng chậm do:

Một là kinh tế, thương mại thế giới tuy đã có sự phục hồi so với năm 2001, nhưng nhìn chung vẫn chậm và chứa đựng nhiều nhân tố khó lường; thị trường Hoa Kỳ tuy mở ra những triển vọng mới, nhưng còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề mới thâm nhập được (như chất lượng hàng hóa, khả năng sản xuất cho các đơn đặt hàng lớn, các rào cản thương mại...).

Một số đồng tiền như USD, JPY, EURO... giảm giá, nên sức mua của nhiều thị trường giảm sút, nhất là những thị trường mặt hàng chủ lực của ta.

Thiên tai (hạn hán, bão lụt, cháy rừng...), sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất đã ảnh hưởng đến sản lượng một số nông sản chủ yếu (trong khi chưa tạo ra được sản phẩm mới);

Hai là, giá cả trên thị trường thế giới biến động hơn so với năm 2001, không lợi cho xuất khẩu, nhất là với: dầu thô, sản phẩm từ dầu mỏ, nông sản (cà phê, hạt tiêu, cao su...).

Ba là, khối lượng xuất khẩu tăng chậm, nhất là các mặt hàng chủ yếu.

Bốn là, môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn, do cơ cấu sản phẩm của ta trùng với các nước trong khu vực; một số sản phẩm của Trung Quốc cạnh tranh mạnh với ta như: dệt may, giày dép, hàng điện tử... chất lượng hàng hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Năm là, xuất hiện nhiều rào cản thương mại đối với hàng Việt Nam, trong khi ta chưa nhiều kinh nghiệm ứng phó, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế; xúc tiến thương mại chưa mạnh...

2. Nhập khẩu

Tại Quyết định số 196/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch kim ngạch nhập khẩu năm 2002 là 17,5 tỷ USD. Tình hình thực hiện như sau:

(1) Tổng kim ngạch

9 tháng đầu năm 2002

- Kim ngạch hàng hóa ước đạt 13.533 triệu USD tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2001 và bằng 77% kế hoạch năm.

Về mặt hàng, so với năm 2001: phần lớn các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất tăng khối lượng nhập khẩu.

- Kim ngạch dịch vụ ước đạt 1.765 triệu, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2001 và bằng 71% kế hoạch năm.

Dự báo cả năm:

- Kim ngạch hàng hóa ước đạt 17.900 triệu USD tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2001 và tăng 2,3% so với kế hoạch năm.

So với cùng kỳ năm 2001, đáng lưu ý một số mặt hàng tăng khối lượng là: ô tô dạng bộ linh kiện, thép, phoi thép, phân bón, xăng dầu, giấy các loại, chất dẻo nguyên liệu, sợi, máy móc, thiết bị, phụ tùng; một số mặt hàng giảm khối lượng là: ô tô nguyên chiếc, xe máy dạng bộ linh kiện, linh kiện điện tử và máy tính, phụ liệu dệt may.

- Kim ngạch dịch vụ ước đạt 2.300 triệu USD tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2001 và bằng kế hoạch năm.

(2) Nhận xét

a. Tốc độ nhập khẩu hàng hóa các tháng đầu năm liên tục tăng trưởng nhanh hơn tốc độ xuất khẩu, trong đó: khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, từ tháng 6 đến nay liên tục tăng hơn cùng kỳ năm 2001.

b. Năm 2002, nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, trong đó dự kiến: máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 15,5%; khu chế xuất tăng 34% so với năm 2001.

c. Cơ cấu hàng nhập khẩu năm 2002 so với năm 2001:

- Nhóm hàng hóa chủ yếu chiếm 68,5%, giảm 0,3% và nhóm hàng hóa khác chiếm 31,5%, tăng 0,3%.

- Nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng chiếm 69,2%, tăng 3,7%; hàng tiêu dùng (không kể ô tô, xe máy) chiếm 3%, tăng 1%.

- Hàng gia công của doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm 8,8%, giảm 0,3%; của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 10,4%, giảm 2,6%.

- Doanh nghiệp 100% vốn trong nước 66,9%, giảm 1,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 33,1%, tăng 1,6%.

(3) Nguyên nhân

Năm 2002 nhập khẩu tăng nhanh do:

- Giá nhập khẩu của nhiều mặt hàng (giấy, phân bón, máy móc, thiết bị, phụ tùng...) giảm so với cùng kỳ năm 2001 (riêng 9 tháng đầu năm, nhóm hàng chủ yếu giảm 3,6%) và rẻ hơn hàng trong nước sản xuất, các doanh nghiệp tăng khối lượng nhập khẩu.

-  Tăng nhu cầu vật tư, nguyên liệu, phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

- Khu chế xuất tăng nhập khẩu (9 tháng đầu năm tăng 32,6%).

phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NĂM 2003

I. BỐI CẢNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI NĂM 2003

1. Ngoài nước

Từ giữa năm 2002, nhìn chung kinh tế thế giới đã thoát khỏi tình trạng suy giảm mạnh như năm 2001, bắt đầu hồi phục. Quỹ tiền tệ thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2002 đạt 2,9%, nhưng mức độ phục hồi ở các nước và khu vực không đồng đều.

Kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng trở lại, OECD dự báo năm 2002 tăng 2,5%, tác động tích cực đến kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á; sự phụ thuộc của kinh tế thế giới vào kinh tế Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.

Kinh tế EU, cũng đang phục hồi, nhưng chậm hơn Hoa Kỳ, do bị chi phí vào việc thống nhất thị trường, đưa đồng EURO vào lưu hành; chính sách kinh tế chưa tác động và hiệu quả bằng Hoa Kỳ; OECD dự báo năm 2002 tăng 1,3%.

Kinh tế Nhật Bản, bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng chậm, OECD dự báo năm 2002 tăng 0,7%.

Các nước Đông á (trừ Nhật Bản), đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn dự đoán, mở ra cơ hội cho các nước trong khu vực thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích tiêu dùng và bảo đảm ổn định kinh tế.

Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vừa tạo thời cơ cho các nước thâm nhập thị trường rộng lớn này, vừa tạo ra những thách thức cho các nwocs trong cạnh tranh hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.

Kinh tế, thương mại thế giới tuy đã có sự phục hồi so với năm 2001, nhưng nhiều lĩnh vực chưa có sự cải thiện (như linh kiện điện tử và máy tính...) đồng thời chứa đựng nhiều nhân tố khó lường.

Các rào cản thương mại đang ngày càng được các nhập khẩu áp dụng.

2. Trong nước

Thuận lợi

- Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, thực hiện quá trình hội nhập kinh tế - thương mại thế giới và khu vực. Việt làm này đã và đang có tác dụng tích cực đối với chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế.

- Cơ cấu kinh tế nói chung và trong nông nghiệp nói riêng đã có chuyển biến và bước đầu đã phát huy tích cực, tạo được nhiều sản phẩm thị trường cần.

- GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,7% và ước cả năm đạt 7,5%.

- Nhiều biện pháp, chính sách mới đã được Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các vấn đề về lĩnh vực thị trường, giá thành sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm...

Khó khăn

Thiên tai (hạn hán, bão lụt, cháy rừng...), sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất đã ảnh hưởng đến sản lượng một số nông sản chủ yếu (trong khi chưa tạo ra được sản phẩm mới); chất lượng hàng hóa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Giả cả trên thị trường thế giới biến động không lợi cho xuất khẩu, giá vẫn trong xu thế giảm, trong khi đó giá trong nước vẫn duy trì xu hướng tăng, nhất là dầu thô, sản phẩm từ dầu mỏ, nông sản (cà phê, hạt tiêu, cao su, gạo...).

Môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn, do cơ cấu sản phẩm của ta trùng với các nước trong khu vực; một số sản phẩm của Trung Quốc cạnh tranh mạnh với sản phẩm của ta như dệt may, giày dép, hàng điện tử....

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ MỤC TIÊU KẾ HOẠCH THƯƠNG MẠI NĂM 2003

Thực hiện Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ IX và căn cứ vào mục tiêu kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 được Đại hội thông qua, căn cứ vào các dự báo phát triển kinh tế - thương mại, dự kiến kế hoạch phát triển thương mại năm 2003 như sau:

1. Lưu thông hàng hóa trong nước

a. Định hướng

Chuyển dịch cơ cấu lưu thông hàng hóa, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và nền kinh tế quốc dân (phát triển sản xuất, hướng về xuất khẩu).

Phát triển phương thức kinh doanh, trong đó chú trọng đầu tư cho: đại lý mua gom nông sản và bán hàng công nghiệp.

Không để xảy ra biến động giá trên phạm vi cả nước vượt quá biên độ thị trường cho phép.

Bảo đảm bán các mặt hàng chính sách phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, theo kế hoạch của Nhà nước.

b. Mục tiêu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước dự kiến đạt 306 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2002; chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% so với năm 2002.

2. Xuất khẩu

a. Định hướng

Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu hàng đã qua chế biến, phấn đấu đến năm 2005 đạt 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chú trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đồng thời đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng như: dầu ăn, đồ gỗ, sản phẩm sữa, đồ nhựa, đồ chơi trẻ em, sản phẩm cao su, đồ điện, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm...

Chuyển dịch cơ cấu thị trường theo hướng đa phương hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng; củng cố giữ vững thị trường truyền thống, đồng thời tích cực mở rộng thị trường mới; chú trọng phát triển có dung lượng lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

Tăng cường xuất khẩu biên mậu với Trung Quốc, Lào và Cămpuchia.

Đẩy mạnh xuất khẩu các loại dịch vụ mà nước ta có tiềm năng như: du lịch, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, xuất khẩu lao động...

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao dần tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thu hẹp dần khoảng cách tốc độ xuất khẩu và nhập khẩu để giảm nhập siêu, bằng cách tăng nhanh xuất khẩu.

Về xuất khẩu lao động: tập trung mở thêm thị trường ảrập Saudi (hiện đã đưa thí điểm hơn 20 lao động) và xúc tiến mở rộng khu vực lao động trên biển tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nauy, Đài Loan...).

b. Mục tiêu

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ phấn đấu đạt 19.750 triệu USD, tăng 7,5% so với năm 2002, trong đó: hàng hóa 16.900 triệu USD, tăng 7%; dịch vụ 3.025 triệu USD, tăng 10%.

Đưa khoảng 45.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập của người lao động chuyển về nước ước khoảng 1,4 - 1,5 tỷ USD.

3. Nhập khẩu

a. Định hướng

Thỏa mãn về nhập khẩu vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, chưa đáp ứng chất lượng, để sử dụng sản xuất hàng xuất khẩu (bao gồm cả gia công hàng xuất khẩu).

Giảm tối đa nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và hàng tiêu dùng.

Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ nguồn từ các nước có nền công nghiệp hiện đại như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

b. Mục tiêu

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 21.850 triệu USD, tăng 7,1% so với năm 2002, trong đó hàng hóa 19.100 triệu USD, tăng 6,7%.

4. Nhập siêu

a. Định hướng

Phấn đấu giảm tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu bằng cách tăng mạnh xuất khẩu, nhất là ở những thị trường ta nhập siêu lớn; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng đã sản xuất được và hàng tiêu dùng.

b. Mục tiêu

Hàng hóa và dịch vụ nhập siêu 2.095 triệu USD, trong đó hàng hóa 2.370 triệu USD, bằng 14,2% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

phần thứ ba

MỘT SỐ GIẢI PHÓNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THƯƠNG MẠI 2003

I. CHÍNH SÁCH

1. Nhóm giải pháp về chính sách chung

1.1. Chính sách đã ban hành cần tiếp tục triển khai

(1) Triển khai các biện pháp khuyến khích phát triển hình thức mua gom nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, theo tinh thần của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ (ví dụ như quy định các qn tham gia xuất khẩu theo hợp đồng Chính phủ, phải có hợp đồng với người sản xuất về tiêu thụ sản phẩm).

(2) Bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với danh mục mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thay bằng quy định các điều kiện kinh doanh đối với các nhóm mặt hàng.

(3) Triển khai các chính sách trong Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 3/1/2002 của Chính phủ về bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/3/1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

(4) Tiếp tục thực hiện cơ chế miễn thu lệ phí hạn ngạch xuất khẩu hàng hóa và lệ phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, theo tinh thần Nghị quyết số 05/2002/QĐ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ.

(5) Thưởng xuất khẩu: mở rộng diện mặt hàng (hiện nay có 13 nhóm mặt hàng, trong đó có 11 nhóm, mặt hàng là sản phẩm nông nghiệp), theo tinh thần động viên, khích lệ doanh nghiệp tăng kim ngạch và nâng cao hiệu quả xuất khẩu (nhất là giá xuất khẩu cao hơn giá trung bình). Giải pháp thực hiện: xây dựng bảng định mức thưởng cho các nhóm mặt hàng.

(6) Mở rộng đối tượng vay vốn tín dụng ngăn hạn hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm tất cả các thương nhân xuất khẩu các mặt hàng: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá, dệt may, giày dép vào tất cả các thị trường.

1.2. Chính sách cần sửa đổi, ban hành bổ sung.

(1)  Sửa Luật Doanh nghiệp theo hướng áp dụng chung với một thành phần kinh tế.

(2) Sửa đổi và hoàn thiện Quy hoạch phát triển thương mại cả nước và các tỉnh/TP trực thuộc trung ương.

(3) Xây dựng chính sách khuyến khích mở rộng quy mô xuất khẩu đối với những mặt hàng thuộc nhóm hàng khác, có tốc độ tăng trưởng trên 20% và với các thị trường giảm trên 15% so với cùng kỳ năm 2001.

(4) Xây dựng  các chính sách và biện pháp ứng phó thích hợp trước tình hình thế giới đã xuất hiện ngày càng nhiều rào cản thương mại và hàng hóa của Việt Nam: nhãn, mác hàng hóa, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa...; rà soát, điều chỉnh, các rào cản của Việt Nam để hạn chế  sự xâm nhập của hàng hóa nước ngoài.

(5) Về thuế

- Sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng yêu cầu mọi hành vi mua, bán giữa các doanh nghiệp đều thông qua Ngân hàng để xác định chênh lệch gia tăng tính thuế. Quy định thống nhất VAT với hàng công nghiệp là 5%; hàng nông sản 0%; miền VAT với hàng xuất khẩu.

- áp dụng hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp...

- Tiếp tục kiện toàn quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng đối với nông sản xuất khẩu.

- áp dụng thuế giá trị gia tăng băng 0% đối với mặt hàng là vật tư, nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước phụ vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

- Hướng dẫn thu thuế giá trị gia tăng, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Quy định cụ thể các ưu đãi thuế trong lĩnh vực gia công và sản xuất hàng xuất khẩu đối với các doanh nghiệp vệ tinh.

- áp dụng thống nhất một mức thu thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp  FDI và doanh nghiệp 100% vốn trong nước.

1.3. Chính sách mới

(1) Ban hành Nghị định về: một số chính sách phát triển thương mại, dịch vụ thời kỳ  đến 2010; Nghị định về hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng.

(2) Nghiên cứu, hình thức hỗ trợ cho các đại lý bán hành, để phát triển hình thức này, nhất là ở khu vực nông thôn (có thể bằng cách cho các đại lý vay vốn với lãi suất ưu đãi để thế chấp, khi nhận làm đại lý).

(3) Xây dựng cơ chế bảo hiểm sản xuất một số mặt hàng nông sản, trước hết đối với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn (trên 100 triệu USD/năm).

(4) Nghiên cứu thành lập Ngân hàng xuất, nhập khẩu để hỗ trợ cho vay sản xuất hàng xuất khẩu, bán chịu, trả chậm.

2. Nhóm giải pháp về chính sách thị trường và xúc tiến thương mại

(1) Nghiên cứu, chấn chỉnh hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng để tăng cường vai trò của Hiệp hội trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, bảo đảm quyền lợi của các Hội viên và lợi ích quốc gia.

(2) Phát triển hoạt động biên mậu với Trung Quốc, Lào, Cămpuchia. Đàm phán với Trung Quốc để có thể tăng xuất khẩu cao su và rau, quả và khả năng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

(3) Cải tiến chế độ chi hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, theo hướng dành cho các chương trình trọng điểm, nhất là khuyếch trương mặt hàng mới và phát triển thị trường mới.

(4) Các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai (đối với các tỉnh chưa triển khai) thành lập Quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, thưởng xuất khẩu cho một số mặt hàng; xây dựng cơ sở hạ tầng kho tàng, bến bãi, các trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm, tư vấn thương mại, đầu tư và phổ cập thông tin, trên cơ sở sử dụng Ngân hàng địa phương.

(5) áp dụng các giải pháp của Ban chỉ đạo 127/TW tại báo cáo số 2642/BCĐ-TW, ngày 9/7/2002, về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

3. Nhóm giải pháp về chính sách mặt hàng

Ngoài những giải pháp về chính sách chung, mỗi mặt hàng chủ yếu cần lưu ý thêm là:

Thủy sản: tăng cường hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc thú ý, thủy sản được phép sử dụng và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với các rào cản thương mại từ các thị trường nhập khẩu.

Gạo, cà phê, phân bón: Tiếp tục thực hiện như năm 2002.

Rau, quả: quy hoạch lại vùng nguyên liệu cho chế biến hàng xuất nhập khẩu, theo hướng hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tạo sự tập trung, thống nhất trong xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng.

Cao su: khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm và giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tăng cường xuất khẩu vào EU, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga.

Điều nhân: nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để đẩy mạnh xuất khẩu như: mở rộng diện tích, cải tạo giống, nâng cao sản lượng; nhập khẩu điều thô hỗ trợ việc đáp ứng nguyên liệu xuất khẩu.

Hạt tiêu: đẩy mạnh xuất khẩu vào Hà Lan, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc.

Giày dép: có biện pháp để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Hiệp định chống gian lận thương mại đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và EU.

Hàng dệt may: từng bước áp dụng các tiêu chuẩn ISO: 9001, 14000, SA 8000 để nâng cao uy tín, chất lượng hàng hóa; tổ chức liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao khả năng thực hiện đơn hàng lớn, để đẩy mạnh sản xuất vào Hoa Kỳ; coi trọng yếu tố vệ sinh công nghiệp và môi trường giữ vững thị trường truyền thống; đàm phán với EU để tăng thêm hạn ngạch và bãi bỏ đối với một số mặt hàng mà EU không áp dụng hạn ngạch đối với thành viên của WTO từ 1/1/2002; đổi mới cơ chế điều hành hạn ngạch.

Hàng điện tử và linh kiện máy tính: xem xét lại điều chỉnh thuế suất nhập khẩu đối với linh kiện để sản xuất và lắp ráp, thấp hơn sản phẩm nguyên chiếc. Sản phẩm  phần cứng chế tạo trong nước và mang thương hiệu Việt Nam, được miễn thuế nhập khẩu; miễn thuế giá trị gia tăng trong 3 năm đầu và 50% trong 2 năm tiếp theo.

Xăng dầu: tiếp tục thực hiện như năm 2002, riêng hạn ngạch tăng 10% so với năm 2002.

Thép và phôi thép: tiếp tục thực hiện như năm 2002; xử lý thuế suất đối với phôi thép nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu sản xuất, theo nhu cầu tiêu dùng.

Ô tô, xe máy, xi măng: nhập khẩu tự do không phải xin giấy phép của Bộ Thương mại, đối với xi măng, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi loại mới và bộ linh kiện xe máy dạng CKD.

4. Giải pháp cho một số ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng

(1) Dịch vụ Bưu chính - viễn thông

- Xây dựng quy chế xuất khẩu dịch vụ bưu chính, viễn thông và chính sách ưu đãi đầu tư trong nước đối với xuất khẩu dịch vụ bưu chính, viễn thông.

- Khẩn trương triển khai thực hiện Pháp lệnh bưu chính - viễn thông để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

- Xây dựng chính sách thương quyền về bưu chính, viễn thông đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; chú ý xây dựng chính sách điều tiết đầu tư phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các dịch vụ công ích khác.

- Đổi mới chính sách giá cước đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông

(2) Vận tải hàng không

- Thực hiện chính sách điều tiết vận tải hàng không, chủ động hội nhập quốc tế theo hướng tự do hóa, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam.

- Khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài khai thác các chuyến bay đến/đi từ Việt Nam.

- Khuyến khích các hình thức hợp tác giữa các hãng hàng không nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế bao gồm cả thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

- Tiếp tục thực hiện lộ trình hòa đồng giá cước vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

(3) Vận tải biển

- Có chính sách tài chính thích hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đóng tàu viễn dương trong nước để nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh của ngành đóng tàu Việt Nam.

- Giảm thuế suất giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp vận tải tàu biển. Hỗ trợ các công ty vận tải biển thuê, mua và vay mua tài và đóng mới tàu trong nước. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mua tàu của nước ngoài.

- Khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam mua theo giá FOB, bán theo giá CIF hoặc C&F.

- Hỗ trợ giá cước vận tải hàng hóa xuất khẩu cho đội tầu biển Việt Nam trong thời gian nhất định.

(4) Dịch vụ tài chính - ngân hàng

a. Bảo hiểm:

- Nhà nước có chính sách đầu tư vốn, đi đôi với sắp xếp lại các doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước theo hướng hình thành các tập đoàn tài chính lớn.

- Khuyến khích thành lập công ty bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần để phù hợp với thông lệ quốc tế và nâng cao khả năng huy động vốn.

- Xây dựng tỷ lệ chi hoa hồng bảo hiểm phù hợp với khả năng khai thác đối với từng nghiệp vụ bảo hiểm.

- Công bố danh mục chi tiết các sản phẩm bảo hiểm và bảo vệ đăng ký tên hiệu thương mại của các sản phẩm.

- Tập trung phát triển Công ty Tái bảo hiểm quốc gia thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm.

- Đối với bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bước đầu có thể lựa ra một số rủi ro có lần suất thấp dể chấp nhận bảo hiểm.

- Có hỗ trợ nhất định để phát triển các loại hình bảo hiểm trong nông nghiệp và nông thôn.

- Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam mở rộng hf kinh doanh ra nước ngoài thông qua việc thành lập các công ty liên doanh ở nước ngoài.

b. Dịch vụ ngân hàng:

- Tiếp tục cải tiến và hoàn thiện các phương thức huy động vốn, cho vay và thanh toán.

- Có chính sách phát triển các dịch vụ ngân hàng, chú trong phát triển các dịch vụ mới: phát triển dịch vụ cho thuê tài chính; đối với dịch vụ chứng khoán, xem xét cho nước ngoài tham gia với tỷ lệ hợp lý.

- Thành lập một tổ chức tín dụng xuất khẩu cung ứng dịch vụ lại hoặc bảo lãnh các khoản thanh toán chậm của các doanh nghiệp.

- Dành nhiều quyền hơn cho các ngân hàng thương mại trong việc cho vay không cần tài sản thế chấp, để giảm dần hình thức cho vay đảm bảo thế chấp mà có thể được quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định tính khả thi của dự án.

(5) Du lịch

- Sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, thành lập các công ty, tổng công ty đủ mạnh.

- Ưu tiên thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị du lịch mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa cơ sở du lịch bằng mức thuế nhập khẩu tư liệu sản xuất;

- Cho phép kinh doanh du lịch quốc tế được hưởng  các chế độ ưu đãi, khuyến khích xuất khẩu để tăng cường xuất khẩu tại chỗ qua du lịch.

- Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh đối với người và hành lý của khách du lịch phù hợp với khả năng quản lý của nước ta và thông lệ quốc tế.

- Tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch. Tiến hành thiết lập các Văn phòng xúc tiến du lịch ở những nước có đầu mối giao lưu quốc tế và thị trường trọng điểm.

5. Giải pháp đối với xuất khẩu lao động

- Hoàn thiện cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, phân cấp quản lý và tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

- Xúc tiến xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động.

- Chấn chỉnh và sắp xếp lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tập trung đầu tư xây dựng một số doanh nghiệp mạnh đủ sức cạnh tranh và đấu thầu quốc tế.

- Đầu tư nghiên cứu, khai thác mở thêm một số thị trường Trung Đông, Châu Phi; tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng để tìm hiểu và mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài.

- Đầu tư cho đào tạo nguồn lao động xuất khẩu, tổ chức đổi mới công tác cung cấp nguồn, tuyển chọn người lao động trước khi đi...

II. ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG NGÀNH THƯƠNG MẠI

1. Thông tin thị trường thương mại

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước hoạt động thương mại.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thương mại quốc gia.

- Kiện toàn tổ chức và sớm ổn định hoạt động của Trung tâm (phòng) thông tin và xúc tiến thương mại ở các Sở Thương mại/Thương mại - Du lịch.

2. Phát triển hệ thống Thương vụ và chi nhánh Thương vụ.

(1) Quy hoạch lại hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

(2) Thực hiện thí điểm việc  cử Tham tán kinh tế chuyên trách ngành, hàng để tăng cường công tác xúc tiến thương mại.

(3) Mở thêm thương vụ tại một số thị trường tiềm năng, nhất là ở châu Phi. Mở thêm Chi nhánh của Thương vụ ở 10 thị trường có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất, trước hết là: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga.

(4) Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Thương vụ và cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

3. Mạng lưới kinh doanh (siêu thị, trung tâm thương mại, kho hàng, chợ, sàn giao dịch).

(1) Xây dựng dự án và tổ chức kinh doanh kho chứa hàng tại các cửa khẩu, chợ nông sản ở khu vực đường biên.

(2) Xúc tiến nhanh việc thành lập các kho ngoại quan, kho tàng, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài.

(3) Hướng dẫn sắp xếp lại hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.

4. Về đào tạo nguồn nhân lực

(1) Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là lộ trình thực hiện các cam kết về thuế.

(2) Thực hiện dự án nâng cao năng lực Bộ Thương mại.

III. MỘT SỐ DỰ ÁN DO BỘ THƯƠNG MẠI QUẢN LÝ

1. Dự án tiếp tục triển khai

- Dự án: Hỗ trợ nâng cao năng lực Bộ Thương mại, do Phần Lan tài trợ (thực hiện giai đoạn II).

- Dự án: Chương trình Hỗ trợ chính sách thương mại đa biên, do EU tài trợ.

2. Dự án đã được phê duyệt và đang triển khai, dự án mới.

a. Dự án đã được phê duyệt và đang triển khai

+ Dự án Tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đến 2005.

+ Dự án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước của Bộ Thương mại giai đoạn 2002 - 2005.

+ Dự án nghiên cứu lộ trình và nhu cầu cần hỗ trợ cho quá trình hội nhập kinh tế.

+ Dự án Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu (đang triển khai).

+ Dự án xây dựng trụ sở cơ quan Bộ Thương mại tại số 21 Ngô Quyền, Hà Nội.

b. Dự án mới

- Dự án đang trong quá trình xây dựng báo cáo:

+ Dự án xây dựng hệ thống chợ.

+ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực thể chế, giúp Việt Nam gia nhập WTO.

+ Tiểu dự án Tăng cường khả năng cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của VN trên thị trường quốc tế thuộc dự án "Nâng cao năng lực nghiên cứu một số chính sách thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010".

- Dự án đang dự kiến.

+ Dự án Xây dựng các trung tâm thương mại Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Trung Quốc.

+ Dự án Xây dựng sàn giao dịch gạo, cà phê, chè.

+ Dự án xây dựng kho xăng dầu (kho tiếp nhận đầu mối, kho trung chuyển, kho dự trữ  quốc gia, kho phân phối kinh doanh).

+ Dự án phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong cả nước.

+ Dự án phát triển dịch vụ thương mại tại các khu kinh tế mở, kinh tế cửa khẩu./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn số 4123 TM/KHTK ngày 10/10/2002 của Bộ Thương mại về việc báo cáo tình hình thương mại 2002 và kế hoạch 2003

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.455

DMCA.com Protection Status
IP: 3.136.154.103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!