Kính
gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP
ngày 10/11/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm
2021 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời
thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nhằm thực hiện các biện pháp chống
thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số công việc sau:
1. Tập trung
thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi
ro cao (đặc biệt các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch
liên kết, kinh doanh thương mại điện tử,...), các ngành nghề tăng trưởng mạnh,
có dư địa thu.
1.1. Về lĩnh vực hóa đơn:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử
dụng hóa đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của doanh nghiệp,
qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định.
1.2. Về lĩnh vực hoàn thuế:
Tăng cường công tác quản lý hoàn
thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định.
- Đánh giá rủi ro để có thể lựa chọn,
rà soát và kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao theo các văn bản hướng dẫn
nghiệp vụ của Tổng cục Thuế.
- Kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn
thuế GTGT. Phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để hoàn thuế
không đúng đối tượng, sai mục đích. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại
giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để
xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Tăng cường tổ chức thực hiện
thanh tra, kiểm tra chuyên đề chống gian lận trong hoàn thuế GTGT. Tiếp tục đẩy
mạnh công tác hoàn thuế điện tử.
1.3. Về lĩnh vực thương mại
điện tử:
- Tiếp tục tăng cường thực hiện các
biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm
tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc, đặc biệt
chú trọng tới các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp
nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và hoạt động thông
qua các sàn thương mại điện tử.
- Rà soát dữ liệu về các tổ chức,
cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook,
Youtube,... để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Trường hợp các tổ chức,
cá nhân cố ý không kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng
thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý
nghiêm theo quy định. Tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có loại hình kinh doanh
thương mại điện tử có rủi ro cao về thuế để thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế,
trường hợp cần thiết thì bổ sung vào kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra tại
trụ sở người nộp thuế.
- Chủ động chia sẻ, cung cấp thông
tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu
vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp
thời.
1.4. Về lĩnh vực kinh doanh,
chuyển nhượng bất động sản:
- Rà soát và thu thập thông tin từ
các phòng công chứng, ngân hàng để đối chiếu xác minh nguồn thu nhập của các cá
nhân có hoạt động giao dịch bất động sản;
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến
chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử
lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế
liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân,
doanh nghiệp được biết thực hiện.
- Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền
ở địa phương nhằm quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng
bất động sản một cách hiệu quả, đảm bảo chống thất thu thuế đối với hoạt động
này.
1.5. Về các lĩnh vực khác:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra,
ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá
bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng, mặt hàng tiêu dùng thiết
yếu, trang thiết bị vật tư y tế và thuốc chữa bệnh. Trong quá trình thanh tra,
kiểm tra, lưu ý kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách trong hoạt động ủng
hộ, tài trợ phòng chống dịch Covid 19 của người nộp thuế.
- Chấn chỉnh và tăng cường công tác
kiểm tra, kiểm soát đảm bảo dùng quy trình, thủ tục theo quy định, quy trình kiểm
tra thuế. Tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra
thuế nhằm đảm bảo việc chấp hành pháp luật, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế,
tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thuế và ý thức kỷ luật
của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.
- Rà soát, xác định các nguồn thu
tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Bám sát tình hình thu NSNN, đặc
biệt đối với 18 địa phương có số thu điều tiết về NSTW và những khoản thu thuộc
NSTW, tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong điều hành thu NSTW.
2. Đôn đốc thu
nộp đầy đủ, kịp thời số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và nợ đọng thuế
- Các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế
theo dõi, đẩy mạnh việc đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản tiền thuế, tiền phạt
qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách nhà nước.
- Triển khai quyết liệt các biện
pháp đôn đốc và cưỡng chế để thu hồi nợ thuế vào NSNN, đồng thời tập trung xử
lý miễn tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số
92/2021/NĐ-CP , khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không có khả năng thu
hồi theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Thông tư số 69/2020/TT-BTC đúng quy định
pháp luật, không để nợ chờ xử lý kéo dài.
- Xây dựng kế hoạch làm việc với
các đơn vị có số tiền thuế nợ lớn để đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ. Rà soát các
dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án đầu tư mới phát sinh; đôn đốc thu hồi
đầy đủ các khoản thuế được gia hạn theo quy định, thực hiện truy thu theo kiến
nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ...Đồng thời kiên quyết
xử lý, áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế đối với những doanh nghiệp không thuộc
diện không được gia hạn nhưng vẫn cố tình chây ì không nộp kịp thời tiền thuế nợ
vào NSNN.
- Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà
nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư,... thực
hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.
3. Phối hợp với
các cơ quan, ban ngành trong công tác chống thất thu NSNN
- Cơ quan thuế các cấp tham mưu cấp
ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành
triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế,
gian lận thuế, tội phạm về thuế.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
ban ngành trong trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp
có rủi ro cao về chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế để tập trung thanh
tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm
về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng.
- Tăng cường hơn nữa trong việc phối
hợp với các cơ quan liên quan nội ngành; kết nối liên thông với các cơ quan
khác (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an; dữ liệu đăng ký kinh
doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dữ liệu quản lý đất đai
của các tỉnh, thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối với các ngân
hàng thương mại để phát hiện các giao dịch bất thường, Cơ quan công chứng, Ngân
hàng...) nhằm quản lý nguồn thu, xác định nghĩa vụ tài chính và kiểm tra, đôn đốc
nộp thuế.
- Cơ quan thuế các cấp phối hợp triển
khai thực hiện hiệu quả các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh
tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra nhà nước khác nhằm đôn đốc kịp thời số
tiền thuế theo kiến nghị vào NSNN.
- Tiếp tục phối hợp với cơ quan Hải
quan để có cơ sở dữ liệu nhận diện đánh giá mức độ rủi ro trong công tác hoàn
thuế GTGT và xác định nghĩa vụ kê khai nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào
Việt Nam.
4. Tiếp tục
hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường ứng dụng tin học trong Quản lý thuế
- Rà soát hệ thống Văn bản Quy phạm
pháp luật, tham mưu cơ quan thuế cấp trên để sửa đổi những bất cập về cơ chế,
chính sách góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, bao quát nguồn
thu.
- Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ
thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ
kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử để hỗ trợ NNT thực hiện
nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà
không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục
tạo thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ với thu NSNN.
- Tiếp tục đổi mới phương thức
thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình bình thường mới: Tăng cường giao dịch
điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh
trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng thông
tin điện tử của Tổng cục Thuế. Xây dựng phương án triển khai công tác thanh
tra, kiểm tra linh hoạt, trong đó tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ
quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro. Đồng thời, nâng cao việc áp dụng
công nghệ thông tin, phối hợp với người nộp thuế để thu thập đầy đủ các thông
tin, tài liệu liên quan; phân tích kỹ các rủi ro có trong hồ sơ khai thuế đã có
tại cơ quan thuế; tìm ra những dấu hiệu rủi ro, xác định nội dung trọng tâm, trọng
điểm trước khi tiến hành làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục
Thuế biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo TCT;
- Các Vụ/đơn vị thuộc TCT;
- Lưu: VT, TTKT.
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Chí Hùng
|