BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 553/BTC-CST
V/v thuế BVMT đối với dầu gốc
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2022
|
Kính
gửi: Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai
Trả lời công văn số 2026/HQĐNa-TXNK
ngày 05/11/2021 của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai báo cáo vướng mắc về đối tượng
chịu thuế, kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng dầu gốc,
Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về đối tượng chịu thuế
Tại công văn số 1809/BTC-CST ngày
14/02/2019 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về đối tượng chịu thuế BVMT và
trường hợp không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT.
Do đó, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Đồng
Nai căn cứ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại công văn số
1809/BTC-CST ngày 14/02/2019 của Bộ Tài chính để thực hiện đảm bảo đúng quy định
của pháp luật.
2. Về khai thuế và hoàn thuế
2.1. Về khai nộp thuế BVMT
- Theo quy định tại điểm
e khoản 1 Điều 3 Luật thuế BVMT thì “dầu nhờn” thuộc nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn
(gọi chung là xăng dầu) và thuộc đối tượng chịu thuế BVMT.
- Tại khoản 1 và khoản
2 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh
doanh xăng dầu quy định:
“1. Xăng dầu là tên chung để
chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng
động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và
các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại
khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.
2. Kinh doanh xăng dầu bao gồm các
hoạt động: Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu,
nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu,
gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân
phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp
nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.”.
- Khoản 2 Điều 1 Nghị
định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định
số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực
thi hành từ ngày 02/01/2022) quy định:
“1. Xăng dầu là tên chung để chỉ
các sản phẩm của quá trình công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, chất thải và các
nguyên vật liệu khác để tạo ra các sản phẩm dùng làm nhiên liệu, bao gồm:
xăng, nhiên liệu diezen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu
sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu, không bao gồm các loại
khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.
...11. Thương nhân đầu mối
bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất
xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh
xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy sản xuất, pha chế
xăng dầu (hoặc từ doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu
của nhà máy trong trường hợp nhà máy sản xuất không trực tiếp bán xăng dầu
thành phẩm) hoặc nhập khẩu xăng dầu để cung ứng xăng dầu cho hệ thống của mình,
bán cho thương nhân kinh doanh xăng dầu khác và xuất khẩu xăng dầu.
Doanh nghiệp được giao quyền bao
tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu được quyền xuất khẩu, nhập
khẩu xăng dầu thành phẩm để bảo đảm cân đối nguồn xăng dầu cung cấp cho các
thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Thương nhân đầu mối sản xuất
xăng dầu là thương nhân thực hiện quá trình
công nghệ chưng cất, chế biến dầu thô, sản phẩm xăng dầu, bán thành phẩm xăng dầu,
chất thải và các nguyên vật liệu khác thành các sản phẩm xăng dầu.”
- Tại điểm b khoản 4
Điều 15 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 quy định:
“b) Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (sau
đây gọi chung là xăng dầu)
...- Tổ chức khác trực tiếp nhập
khẩu, sản xuất, chế biến xăng dầu (trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có
đăng ký kinh doanh xăng dầu) thực hiện kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế địa
phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng khi xuất, bán xăng dầu.”
- Điểm a khoản 4 Điều
11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020) quy
định:
"a) Đối với xăng dầu:
a.1) Thương nhân đầu mối trực tiếp
nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng dầu nộp hồ sơ khai thuế đến cơ quan thuế quản
lý trực tiếp đối với lượng xăng dầu do các thương nhân đầu mối trực tiếp xuất,
bán bao gồm xuất để tiêu dùng nội bộ, xuất để trao đổi sản phẩm hàng hóa khác,
xuất trả hàng nhập khẩu ủy thác, bán cho tổ chức, cá nhân khác không phải là
các đơn vị phụ thuộc, công ty con theo quy định tại Luật Doanh nghiệp của
thương nhân đầu mối; trừ lượng xăng dầu xuất bán và nhập khẩu ủy thác cho
thương nhân đầu mối khác.
Các công ty con theo quy định tại
Luật Doanh nghiệp của thương nhân đầu mối hoặc các đơn vị phụ thuộc của các
công ty con, các đơn vị phụ thuộc của thương nhân đầu mối nộp hồ sơ khai thuế đến
cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với lượng xăng dầu xuất, bán cho tổ chức, cá
nhân khác không phải là công ty con theo quy định tại Luật Doanh nghiệp của
thương nhân đầu mối và đơn vị phụ thuộc của công ty con.
a.2) Thương nhân đầu mối hoặc công
ty con theo quy định tại Luật Doanh nghiệp của thương nhân đầu mối có đơn vị phụ
thuộc kinh doanh tại địa phương khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với
nơi thương nhân đầu mối, công ty con của thương nhân đầu mối đóng trụ sở mà đơn
vị phụ thuộc không hạch toán kế toán để khai riêng được thuế bảo vệ môi trường
thì thương nhân đầu mối, công ty con của thương nhân đầu mối thực hiện khai thuế
bảo vệ môi trường đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp; tính thuế, phân bổ nghĩa
vụ thuế phải nộp cho từng địa phương nơi có đơn vị phụ thuộc đóng trụ sở theo
quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
- Tại điểm 2 công văn
số 1809/BTC-CST ngày 14/02/2019 của Bộ Tài chính đã căn cứ theo quy định tại
điểm c khoản 2 Điều 4, khoản 3 Điều 10 Luật thuế BVMT và điểm b khoản 4 Điều 15 Thông tư số 156/2013/TT-BTC để hướng dẫn
như sau:
“Trường hợp tổ chức (không phải là
các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo pháp luật về kinh doanh xăng dầu nhưng
trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư có đăng
ký kinh doanh xăng dầu) trực tiếp nhập khẩu dầu gốc (mã số HS 27.10.19.41
và 27.10.19.89) làm nguyên liệu để sản xuất, pha chế ra dầu nhờn (mã số HS
27.10.19.43) thì:
- Thực hiện kê khai, nộp thuế BVMT
đối với lượng dầu nhờn khi xuất, bán tại Việt Nam tại cơ quan thuế địa phương
nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.
- Không phải nộp thuế BVMT đối với
lượng dầu nhờn được tổ chức trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh
doanh xuất khẩu để xuất khẩu.”
Pháp luật về thuế và pháp luật về
kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ về hoạt động kinh doanh xăng dầu và việc
khai nộp thuế BVMT. Do đó, đề nghị Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai căn cứ theo quy định
của pháp luật và hồ sơ cụ thể của từng Công ty để thực hiện đảm bảo đúng quy định
của pháp luật.
2.2. Về hoàn thuế BVMT
Pháp luật quản lý thuế đã quy định rõ
các trường hợp hoàn thuế, thủ tục hoàn thuế. Đề nghị Cục hải quan tỉnh Đồng Nai
căn cứ theo quy định của pháp luật quản lý thuế và hồ sơ cụ thể của từng Công
ty để thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Bộ Tài chính trả lời để Cục Hải quan
tỉnh Đồng Nai được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, TCT, TCHQ;
- Lưu: VT, Vụ CST (TSTN).
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Thành Hưng
|