BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số: 4229/TCT-TNCN
V/v xác định tình trạng cư trú của người Việt
Nam đi lao động ở nước ngoài
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2010
|
Kính
gửi: Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh
Văn phòng đại diện
Adidas tại Việt Nam có công văn số 0710/adidas ngày 21/07/2010 về việc xác định
tình trạng cư trú của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Về vấn đề này, Tổng
cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại điểm 1, điểm 2, Mục I, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày
30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập
cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn:
“1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1.1. Có mặt tại
Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng
liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó, ngày đến được tính
là một ngày và ngày đi cũng được tính là một ngày. Ngày đến và ngày đi được xác
định căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc
giấy thông hành) của cá nhân đó khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp nhập cảnh
và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Cá nhân có mặt tại
Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh
thổ Việt Nam.
1.2. Có nơi ở
thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
a) Có nơi ở đăng
ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú:
- Đối với công
dân Việt Nam: nơi ở đăng ký thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn
định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký cư trú theo quy định
của Luật cư trú.
- Đối với người
nước ngoài: nơi ở thường xuyên của người nước ngoài là nơi đăng ký và được ghi
trong Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an
cấp.
b) Có nhà thuê để
ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của hợp đồng
thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
- Cá nhân chưa
hoặc không có nơi ở được đăng ký thường trú, hoặc không được cấp Thẻ thường
trú, Thẻ tạm trú theo hướng dẫn nêu trên, nhưng có tổng số ngày thuê nhà theo hợp
đồng thuê từ 90 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng thuộc đối tượng là cá
nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê ở nhiều nơi.
- Nhà thuê để ở
bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc,
ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động
thuê cho người lao động.
2. Cá nhân không
cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1 nêu trên.”
- Tại điểm 1, điểm 3 Mục I, Phần A Thông tư số 133/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004
hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế
đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại
Việt Nam hướng dẫn: “1. Theo Hiệp định, thuật ngữ “đối tượng cư trú của một Nước
ký kết” là đối tượng mà theo luật của một Nước ký kết là đối tượng chịu thuế tại
nước đó do:
1.1. Có nhà ở,
có thời gian cư trú tại nước đó hoặc các tiêu thức có tính chất tương tự trong
trường hợp đối tượng đó là một cá nhân; hoặc
1.2. Có trụ sở điều
hành, trụ sở đăng ký, hoặc được thành lập tại nước đó hoặc các tiêu thức có
tính chất tương tự trong trường hợp đối tượng đó là một tổ chức…
3. Trường hợp
căn cứ vào quy định tại điểm 1.1 và 1.2 trên đây, nếu một đối tượng vừa là đối
tượng cư trú của Việt Nam vừa là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với
Việt Nam thì căn cứ vào các tiêu thức theo thứ tự ưu tiên dưới đây để xác định
đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam.
3.1. Đối với cá
nhân:
3.1.1. Nếu cá
nhân đó có nhà ở thường trú ở Việt Nam (nhà thuộc sở hữu hoặc nhà thuê thuộc
quyền sử dụng của đối tượng đó) thì cá nhân đó được coi là đối tượng cư trú của
Việt Nam.
3.1.2. Nếu cá
nhân đó có nhà ở thường trú tại cả hai nước nhưng cá nhân đó có quan hệ kinh tế
chặt chẽ hơn tại Việt Nam như việc làm, có địa điểm kinh doanh, nơi quản lý tài
sản cá nhân, hoặc có quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn tại Việt Nam như quan hệ gia
đình, xã hội (ví dụ: hội viên các đoàn thể xã hội, hiệp hội nghề nghiệp…),… thì
cá nhân đó được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam.
3.1.3. Nếu không
xác định được cá nhân đó có quan hệ kinh tế, quan hệ cá nhân tại nước nào chặt
chẽ hơn hoặc nếu cá nhân đó không có nhà ở thường trú ở nước nào, nhưng cá nhân
đó có thời gian có mặt tại Việt Nam nhiều hơn trong năm tính thuế thì cá nhân
đó được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam.
3.1.4. Nếu cá
nhân đó thường xuyên có mặt cả ở Việt Nam và Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam
cũng như không có mặt thường xuyên ở cả hai nước nhưng cá nhân đó mang quốc tịch
Việt Nam thì cá nhân đó được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam.
3.1.5. Nếu cá
nhân đó mang quốc tịch của cả Việt Nam và Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hoặc
không mang quốc tịch của cả hai nước thì Nhà chức trách có thẩm quyền của Việt
Nam sẽ giải quyết vấn đề này thông qua thủ tục thỏa thuận song phương với Nhà
chức trách có thẩm quyền của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.”
Căn cứ quy định
trên, theo pháp luật Việt Nam những nhân viên Việt Nam ký hợp đồng lao động với
Công ty nước ngoài, làm việc ở nước ngoài (chỉ ở Việt Nam dưới 183 ngày) nhưng
vẫn duy trì nơi ở đăng ký thường trú tại Việt Nam thuộc đối tượng cá nhân cư
trú tại Việt Nam. Trường hợp, nếu các nhân viên người Việt Nam đi làm việc cho
Công ty ở nước ngoài là đối tượng cư trú đôi của Việt Nam và của nước ký hiệp định
với Việt Nam thì sẽ áp dụng Hiệp định thuế để xác định nơi cư trú duy nhất của
các cá nhân đó.
Tổng cục Thuế
thông báo để Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh được biết và tham khảo nội dung trên để
hướng dẫn Văn phòng đại diện Adidas tại Việt Nam được biết. Trong quá trình thực
hiện nếu còn có vấn đề gì chưa rõ, chưa thỏa đáng đề nghị phản ánh về Tổng cục
để được giải đáp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng đại diện Adidas tại Việt Nam;
- Vụ Pháp chế (TCT(2b));
- Lưu: VT, TNCN (2b).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Phạm Duy Khương
|