BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3979/TCT-TTr
V/v tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
lĩnh vực hoàn thuế và lĩnh vực kinh doanh nhà ở xã hội
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 09 năm 2015
|
Kính gửi: Cục
Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian gần đây, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản
chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể: Công
văn số 1967/TCT-TTr ngày 21/5/2015 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra thuế; Công văn số 10492/TCT-BTC ngày 30/7/2015 về việc tăng cường công tác
quản lý hoàn thuế GTGT; Công văn số 2937/TCT-TTr ngày 22/7/2015 về việc tăng cường
quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Cục Thuế các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương bước đầu đã tổ chức triển khai thực hiện công
tác thanh tra, kiểm tra thuế trên địa bàn theo quy định. Tuy nhiên qua tổng hợp
báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra và kết
quả kiểm tra sau hoàn thuế GTGT của các Cục thuế địa phương cho thấy tỷ lệ
thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên số
doanh nghiệp đang quản lý thuế của một số Cục Thuế đạt thấp; công tác kiểm tra
hoàn thuế còn hạn chế, các Cục Thuế chưa chủ động phát hiện và phòng ngừa những
hành vi vi phạm của người nộp thuế trong
việc hoàn thuế GTGT dẫn đến thất thoát
NSNN.
Kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi gian lận mới
để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, hành vi, thủ đoạn gian lận về thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước
trong năm 2015, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế triển khai thực hiện một số
nội dung sau:
1. Đối với chỉ tiêu kế hoạch thanh
tra, nhiệm vụ kiểm tra năm 2015.
1.1. Yêu cầu các Cục Thuế tập trung nguồn nhân lực,
đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế phấn đấu năm 2015 đạt 17% số doanh nghiệp thuộc
diện quản lý thuế; tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp thuộc
các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận
thuế cao như: dầu khí; xăng dầu; hàng không; điện lực; viễn thông và kinh doanh
vật tư, thiết bị viễn thông; ôtô; y tế, dược phẩm và thực phẩm chức năng; kinh
doanh thiết bị y tế; chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, căn hộ cao
cấp, kinh doanh bất động sản có phát sinh hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội; quảng
cáo truyền hình; kinh doanh qua mạng; trò chơi điện tử; các tập đoàn bán buôn,
bán lẻ; các tập đoàn đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; các
doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế...
1.2. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra các doanh
nghiệp kinh doanh bất động sản có phát sinh hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội:
Tổng hợp báo cáo của các Cục Thuế đối với các doanh
nghiệp kinh doanh bất động sản có phát sinh hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội
theo công văn số 2937/TCT-TTr ngày 22/7/2015 của Tổng cục Thuế cho thấy phát
sinh một số dấu hiệu rủi ro trong việc kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN đối với hoạt
động kinh doanh nhà ở xã hội như:
- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có phát sinh
nhà ở xã hội theo quy định được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng vẫn
kê khai doanh số tiền sử dụng đất theo đó
cần kiểm tra việc xác định đây có phải là doanh số tiền sử dụng đất hay là
doanh số của hoạt động kinh doanh bất động sản từ đó làm tăng số thuế GTGT,
TNDN phải nộp;
- Theo báo cáo, doanh nghiệp hiện nay mới chủ yếu
kê khai thuế thu nhập tạm tính theo tỷ lệ 1%; 2% trên doanh số do công trình
chưa hoàn thành. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại trường hợp doanh nghiệp có thu
tiền của khách hàng mà xác định được chi phí tương ứng với doanh thu đã ghi nhận
(bao gồm cả chi phí trích trước của phần dự toán hạng mục công trình chưa hoàn
thành tương ứng với doanh thu đã ghi nhận) thì doanh nghiệp kê khai nộp thuế
thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu trừ chi phí.
- Do một số dự án phát sinh từ năm 2010, nên việc
kê khai thuế GTGT vừa áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với nhà ở xã hội vừa
không áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với nhà ở xã hội (cả 10% và 5% trong
cùng dự án), theo đó, việc xác định số thuế GTGT 5%, 10%; thuế thu nhập doanh
nghiệp thuế suất 10% theo từng thời điểm, từng dự án cần phải thực hiện rà soát
để đảm bảo đúng quy định.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh,
thành phố có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát sinh hoạt động kinh
doanh nhà ở xã hội thực hiện rà soát việc kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN và phân
tích rủi ro, lựa chọn điểm một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát
sinh hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội trên địa bàn để bổ sung kế hoạch thanh tra,
kiểm tra năm 2015; báo cáo kết quả lựa chọn doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra và
báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, đối với doanh nghiệp này gửi về Tổng cục
Thuế trước ngày 10/11/2015.
2. Đối với công tác kiểm tra,
thanh tra hoàn thuế
2.1. Đối tượng và trường hợp kiểm tra, thanh tra
sau hoàn thuế:
- Hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước kiểm
tra sau theo quy định của Luật quản lý thuế nhưng thuộc loại có rủi ro cao theo
hướng dẫn tại Điểm 5 Công văn số 10492/BTC-TCT ngày
30/7/2015 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế GTGT
thì phải thực hiện kiểm tra, thanh tra
sau hoàn;
- Kiểm tra, thanh tra 100% hồ sơ hoàn thuế đối với
hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền; cửa khẩu chính, phụ, đường
mòn, lối mở biên giới đất liền.
- Kiểm tra, thanh tra toàn bộ các hồ sơ hoàn thuế
có chứng từ thanh toán bằng hối phiếu.
- Doanh nghiệp hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu cho dự án đầu tư.
2.2. Nội dung thanh tra, kiểm tra cần chú trọng:
2.2.1. Kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của tờ khai
Hải quan:
Tờ khai hải quan xuất khẩu phải đảm bảo thủ tục quy
định của hải quan như: Tờ khai xuất khẩu phải có xác nhận của lãnh đạo cơ quan
Hải quan; ghi ngày hàng đã qua khu vực giám sát; phải có phiếu ghi kết quả chứng
từ giấy và phiếu ghi kết quả kiểm tra hàng hóa; phải ghi đầy đủ thông tin về
phương tiện vận tải chuyên chở hàng xuất khẩu...
2.2.2. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của hóa đơn
mua vào:
- Tính hợp lý giữa hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa
đơn mua vào với việc nhập kho hàng hóa.
- Kiểm tra tính hợp lý của việc cân đối nhập, xuất,
tồn kho.
- Kiểm tra việc thanh toán hàng hóa mua vào thông
qua các tài khoản ngân hàng, đặc biệt chú ý các tài khoản cá nhân của công ty
có phát sinh giao dịch dễ dẫn đến khả năng tạo chứng từ thanh toán qua ngân
hàng để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế đối với hàng hóa mua vào.
2.2.3. Kiểm tra
hồ sơ, chứng từ liên quan đến vận chuyển hàng hóa:
- Kiểm tra
tính hợp lý, hợp lệ về thời gian nhận và vận chuyển hàng hóa. Trường hợp cần
thiết phải thực hiện xác minh thông tin vận chuyển.
- Kiểm tra tính hợp lý về thời gian ghi trên hợp đồng
vận chuyển, hóa đơn vận chuyển và phiếu nhập kho.
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của chứng từ thanh
toán chi phí vận chuyển.
2.2.4. Kiểm tra về dòng tiền thanh toán theo hướng
dẫn tại Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính về một số biện
pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua
biên giới đất liền.
2.2.5. Đối với hàng hóa nhập khẩu:
- Đối với tờ khai nhập khẩu bị hủy thay thế bằng tờ
khai nhập khẩu mới cần kiểm tra thuế GTGT nộp cho tờ khai hủy đã chuyển sang
cho tờ khai mới thay thế chưa và việc thực hiện kê khai điều chỉnh và nộp số
thuế GTGT chênh lệch phát sinh của đơn vị.
- Đối với máy móc thiết bị, dụng cụ, linh kiện, phụ
kiện, hàng hóa ... nhập khẩu để thay thế
những hàng hóa, máy móc thiết bị, dụng cụ, linh kiện, phụ kiện, ... của các lô
hàng bị hỏng trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, vận hành, thi công mà các nhà
cung cấp nước ngoài phải chịu trách nhiệm chuyển lại cho đơn vị trong nước để thay thế và nhà cung cấp nước ngoài là đối tượng chịu thuế GTGT khâu
nhập khẩu. Cần kiểm tra việc kê khai, khấu trừ, hoàn thuế đối với số thuế GTGT
này của đơn vị trong nước.
- Kiểm tra, đối chiếu và phát hiện những mặt hàng
có cùng tên gọi, có cùng mã hàng hóa trên các tờ khai Hải quan nhập khẩu, trên hóa đơn thương mại, nhưng giá cả
khác nhau để ngăn chặn việc nâng giá trị hàng hóa ngay từ khâu thông quan và kiểm
tra sau thông quan của cơ quan Hải quan.
- Phối hợp với cơ quan Hải quan để lấy dữ liệu trên tờ khai Hải quan nhập khẩu, xuất
khẩu để đối chiếu với số liệu đơn vị cung cấp để phát hiện sai phạm.
3. Thực hiện tổng hợp báo cáo kết
quả thanh tra, kiểm tra hoàn thuế đầy đủ chỉ tiêu, đúng thời gian quy định theo
mẫu số 11/QTKT ban hành kèm theo Quyết định số 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 về việc ban hành quy trình kiểm
tra thuế; mẫu số 17/QTTTr ban hành kèm theo Quyết định số 1404/QĐ-TCT ngày
28/7/2015 về việc ban hành quy trình thanh tra thuế; lưu ý cần bổ sung báo cáo
nội dung thực hiện kết quả kiểm tra hoàn thuế theo hướng dẫn tại Công văn này
vào các mẫu báo cáo nêu trên.
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để b/c);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để chỉ đạo);
- Các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT; TTr (3b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Phi Vân Tuấn
|