TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12427/CT-TTHT
V/v thuế
TNCN
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2018
|
Kính gửi: Bệnh viện Đại học y Hà Nội
(Địa chỉ: Số
1 Tôn Thất Tùng, Phường Trung Tự, Quận Đống Đa,
TP Hà Nội
- MST: 0102251531)
Trả lời công văn số 82/BVĐHYHN đề ngày 18/01/2018 của Bệnh viện Đại học y Hà Nội (Cục
Thuế TP Hà Nội nhận ngày 05/3/2018) hỏi về vướng mắc thuế TNCN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày
15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân:
“Điều 3 các khoản thu nhập được miễn thuế:
“i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm,
làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày,
làm việc trong giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1)
Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ
được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
Ví dụ 2: Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc
bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động
là 40.000 đồng/giờ.
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá
nhân được trả 60.000
đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
60.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ
- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc
ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:
80.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh
rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm
thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất
trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.””
- Căn cứ Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa
đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày
12/02/2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và
sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế:
+ Tại khoản 2 Điều 11 sửa đổi,
bổ sung Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng
dẫn về các khoản thu nhập chịu thuế:
“…
2. Sửa đổi,
bổ sung tiết đ.1 điểm đ khoản
2 Điều 2
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền
ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi
hình thức:
đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có),
không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động
xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu
công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn
có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc
biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập
chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và
các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích
cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm
theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập
chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh
(chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.”
+ Tại khoản 3 Điều 11 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ
Tài chính hướng dẫn về các khoản thu nhập chịu thuế:
“…
3. Sửa đổi, bổ sung tiết đ.2 điểm đ khoản 2 Điều 2
“đ.2) Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm
không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện
hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động
sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và
không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm
không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại
Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế
thu nhập cá nhân của người
lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm
như: bảo hiểm sức khỏe,
bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm
bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí),... mà người tham
gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài
khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.” ”
Căn cứ các hướng dẫn trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn nguyên tắc như
sau:
1. Trường hợp Bệnh viện Đại học y Hà Nội chi trả tiền
lương, tiền công cho nhân viên thì phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải
làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công
thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính
theo ngày làm việc bình thường. Bệnh viện Đại học y Hà Nội phải lập bảng kê phản
ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã
trả cho người lao động, bảng kê lưu tại đơn vị và xuất trình khi có yêu cầu của
cơ quan thuế.
2. Trường hợp Bệnh viện Đại học y Hà Nội mua cho người
lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm
thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế
thu nhập cá nhân của người lao động theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 11 Thông tư
số 92/2015/TT-BTC.
Trường hợp Bệnh viện Đại học y Hà Nội trả hộ khoản tiền
thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) thì tính vào thu nhập chịu
thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế
phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Trường hợp còn vướng mắc theo hồ sơ cụ thể, đề nghị
Quý Bệnh viện liên hệ với Phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế để được hướng
dẫn, giải đáp.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Bệnh viện Đại học y Hà
Nội được biết và
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng Kiểm tra thuế số 3;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|