Kính gửi: Sở
Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/9/2009;
Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày
14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề
và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế hướng dẫn
một số nội dung quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề như
sau:
1. Cấp chứng chỉ hành nghề đối với thợ trồng răng,
nhân viên y tế thôn bản:
Thợ trồng răng, nhân viên y tế thôn bản không thuộc
đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 17 Luật
khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy không cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Xác nhận quá trình thực hành
trước ngày 01/01/2012 đối với người hành nghề làm việc trong tổ chức hoặc cơ
quan không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại phòng khám chuyên khoa
tư nhân quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 41/2011/TT - BYT
ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau:
Đối với tổ chức hoặc cơ quan không phải là cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh, nhưng có phòng y tế hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (ví dụ:
Phòng y tế Cục Quản trị A Văn phòng TW Đảng hoặc phòng y tế Trung tâm sức khỏe
nghề nghiệp thuộc Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động hoặc phòng
y tế Trung tâm y tế Bách Khoa...) việc xác nhận thời gian thực hành đối với người
đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có xác nhận của tổ chức hoặc cơ quan đó
kèm theo quyết định thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan có thẩm
quyền. Đối với người hành nghề y tư nhân chỉ có một người làm việc tại phòng
khám chuyên khoa thì có xác nhận thời gian thực hành của Sở Y tế hoặc Phòng y tế
quận, huyện (nếu Sở Y tế ủy quyền cho Phòng y tế quận, huyện) nơi cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh hoạt động kèm theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân
và chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y, dược
tư nhân.
3. Công nhận bác sỹ được hành nghề
khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nếu có thời gian khám bệnh, chữa bệnh trước
ngày 01/01/2012 như sau:
- Bác sỹ đã thực hành khám bệnh, chữa bệnh ít nhất
05 năm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có 03 năm thực hành khám bệnh, chữa
bệnh chuyên khoa.
- Bác sỹ có thời gian thực hành ít nhất 05 năm
chuyên khoa X quang hoặc CT - Scanner hoặc siêu âm hoặc nội soi hoặc xét nghiệm
tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Bác sỹ có thời gian thực hành ít nhất 05 năm
trong đó có 03 năm thực hành chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và có thêm chứng chỉ
chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ hoặc giấy chứng nhận chuyên khoa phẫu thuật thẩm
mỹ hoặc giấy chứng nhận, chứng chỉ sơ bộ sau đại học về phẫu thuật tạo hình.
4. Quy định phạm vi hoạt động
chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo
Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau:
- Bác sỹ chuyên khoa nội tổng hợp, bác sỹ gia đình:
Khám bệnh, chữa bệnh nội khoa, không làm thủ thuật chuyên khoa.
- Bác sỹ chuyên khoa thuộc hệ nội: Khám bệnh, chữa
bệnh chuyên khoa nội tim mạch, nội hô hấp...
- Bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm, kỹ thuật viên xét
nghiệm (tốt nghiệp đại học): Chuyên khoa xét nghiệm.
- Bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc X
quang hoặc siêu âm..: Chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc X quang hoặc siêu
âm...
- Bác sỹ chuyên khoa ngoại, chuyên khoa thuộc hệ
ngoại: Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại hoặc khám bệnh, chữa bệnh chuyên
khoa ngoại tiêu hóa, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp...
- Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên, y sỹ đa khoa, y sỹ
sản nhi, y học cổ truyền... có thời gian hành nghề điều dưỡng ít nhất là 12
tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01/01/2012 thì thực hiện phạm
vi hoạt động chuyên môn theo quy định tại Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ngày
22/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch
viên chức y tế điều dưỡng.
- Hộ sinh:
Thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định
tại Thông tư số 12/2011/TT-BYT ngày 15/3/2011 của Bộ Y tế Quy định tiêu chuẩn
nghiệp vụ các ngạch viên chức hộ sinh.
- Kỹ thuật viên:
Kỹ thuật viên gây mê hồi sức; kỹ thuật viên vật lý
trị liệu - phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên
chuyên khoa khác.
- Bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền,
lương y: Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
- Người hành nghề bằng bài thuốc gia truyền: Thực
hiện khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền.
- Người hành nghề bằng phương pháp chữa bệnh gia
truyền: Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng dinh dưỡng,
tiết chế: Khám bệnh, chữa bệnh bằng dinh dưỡng, tiết chế.
- Người hành nghề chuyên khoa y học hạt nhân: Khám
bệnh, chữa bệnh bằng y học hạt nhân.
- Người làm việc tại khoa hoặc đơn vị kiểm soát nhiễm
khuẩn đồng thời trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh thì phạm vi hoạt động chuyên môn
trong chứng chỉ hành nghề ghi khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đó (VD: nếu trực
tiếp khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội thì ghi khám bệnh, chữa bệnh chuyên
khoa nội).
- Người hành nghề có chứng nhận, chứng chỉ các kỹ
thuật điện tim, điện não đồ, lưu huyết não, siêu âm, nội soi chẩn đoán …: không
ghi nội dung nêu trên trong phạm vi hoạt động chuyên môn của chứng chỉ hành nghề,
mà được ghi trong phạm vi hoạt động chuyên môn của giấy phép hoạt động đối với
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Người hành nghề chuyên khoa gây mê hồi sức: Khám
bệnh, chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức hoặc khám bệnh, chữa bệnh nội khoa.
- Bác sỹ y khoa hành nghề tại bệnh viện huyện, trạm
xá, trạm y tế cấp xã: Phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép phù hợp với bằng cấp
chuyên khoa đào tạo và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với công việc được
phân công.
- Cá nhân có bằng y sỹ y học cổ truyền đồng thời có
bằng bác sỹ chuyên khoa nội hoặc cá nhân có bằng bác sỹ chuyên khoa ngoại đồng
thời có bằng, giấy chứng nhận chuyên khoa nội nếu có đủ thời gian thực hành quy
định tại điểm a Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 41/2011/TT-BYT
ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế: Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền
và nội khoa hoặc khám bệnh, chữa bệnh nội khoa, ngoại khoa.
- Y sỹ trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện
huyện, trạm xá, trạm y tế cấp xã: Khám bệnh, chữa bệnh đa khoa. Nếu là người phụ
trách chuyên môn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ thì chỉ được thực hiện dịch
vụ tiêm (chích) thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp.
5. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập mới,
nếu có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực (trường
hợp cá nhân trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ
hành nghề nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề ) thì Sở Y tế tiến hành thẩm
định, khi có đủ chứng chỉ hành nghề sẽ cấp giấy phép hoạt động.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị
phản ánh lập thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) để nghiên cứu, giải
quyết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Lưu: VT, KH&ĐT, PC, YDCT, TCCB, TTB-CTYT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuyên
|