Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 8914/VPCP-KSTT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Ngô Hải Phan
Ngày ban hành: 04/12/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8914/VPCP-KSTT
V/v Tài liệu hướng dẫn họp, điều hành trực tuyến về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2024

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 715/TTg-KSTT ngày 24 tháng 9 năm 2024, Văn phòng Chính phủ gửi kèm theo công văn này “Tài liệu hướng dẫn tổ chức cuộc họp, điều hành trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” (Phụ lục gửi kèm theo).

Văn phòng Chính phủ trân trọng đề nghị Quý bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, áp dụng Tài liệu Hướng dẫn để chuẩn bị, phục vụ tốt nhất các cuộc họp, điều hành trực tuyến trong các tình huống, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn sự tham gia, phối hợp của Quý bộ, cơ quan, địa phương./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các PTTgCP (để b/c);
- Văn phòng UBQG ứng phó sự cố TT&TKCN;
- Văn phòng TT BCĐ quốc gia về PCTT;
- Các Tập đoàn, TCty: Viettel, VNPT, EVN, PVN;
- VPCP: BTCN, PCN Cao Huy, PCN Mai Thị Thu Vân (để b/c). Các Vụ, Cục, đơn vị: KHTC, CN, NN, NC, TKBT, KTTH, KGVX, QHĐP, TH, QT, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KSTT (2).ĐTN.

TL. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
CỤC TRƯỞNG CỤC KIỂM SOÁT
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH




Ngô Hải Phan

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CUỘC HỌP, ĐIỀU HÀNH TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TẠI TRUNG TÂM THÔNG TIN, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

(Kèm theo công văn số /VPCP-KSTT ngày tháng năm 2024 của Văn phòng Chính phủ)

I. CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Cơ sở chính trị

- Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 với các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó có xây dựng đồng bộ hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và hậu quả chiến tranh; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh phải thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả trên các ngành, lĩnh vực.

2. Căn cứ pháp lý

- Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định tăng cường bảo đảm thông tin liên lạc cho các lực lượng ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa; chuẩn bị tiếp nhận nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố, thảm họa.

- Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 quy định các biện pháp cơ bản ứng phó thiên tai, trong đó bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều năm 2020 quy định Khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai, trong đó nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ công nghệ mới để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động có thể làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Luật Giao dịch điện tử quy định chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước là lĩnh vực được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử.

- Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, trong đó quy định về các Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước, các nhóm chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành, tương tác trực tuyến trong các tình huống khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các nhóm chỉ số theo yêu cầu đột xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin công nghệ cao và các ứng dụng, phần mềm phục vụ công tác đánh giá mức độ rủi ro và hỗ trợ chỉ huy điều hành ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương.

3. Căn cứ giao nhiệm vụ, cơ sở thực tiễn

- Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hoàn thành xây dựng các kịch bản điều hành trực tuyến về phòng thủ dân sự; ứng phó sự cố, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp…

- Văn bản số 715/TTg-KSTT ngày 24/9/2024 về việc lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giao Văn phòng Chính phủ: (i) Điều phối, sẵn sàng phục vụ tổ chức các cuộc họp, chỉ đạo, điều hành trực tuyến; (ii) phát triển, hoàn thiện các kịch bản chỉ đạo, điều hành trực tuyến

- Thông báo số 480/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp kiểm tra hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, trong đó giao nhiệm vụ: Trung tâm phải nâng cấp, phát triển để trở thành Trung tâm điều hành, chỉ huy thông minh cấp quốc gia, phục vụ tốt nhất cho lãnh đạo Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành về phòng, chống thiên tai, phòng thủ dân sự.

- Trước tình hình bão lũ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhằm ứng phó chủ động, linh hoạt và phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp, chỉ đạo, điều hành kịp thời về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới điểm cầu các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

- Phòng, chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính.

- Phòng, chống thiên tai trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến; kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

2. Mục tiêu

- Tổ chức các cuộc họp chỉ đạo, điều hành trực tuyến của lãnh đạo Chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm, cứu nạn tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới điểm cầu của bộ, ngành, địa phương và thực địa; ứng dụng công nghệ hiện đại trên môi trường điện tử nhằm tăng cường công tác tham mưu, tổ chức hoạt động và hỗ trợ ra quyết định của lãnh đạo Chính phủ trong các tình huống khẩn cấp; tối ưu hoá nguồn lực, thời gian, chi phí; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.

- Tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa quy trình cuộc họp, làm việc, thị sát trực tuyến bảo đảm thông tin, dữ liệu đầy đủ, cập nhật, chính xác, khoa học, trực quan và an toàn, bảo mật phục vụ lãnh đạo Chính phủ trong quá trình chỉ đạo điều hành, ra quyết định.

- Thúc đẩy số hóa, xây dựng cơ chế kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, cảnh báo, dự báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm tính sẵn sàng về nhân lực và cơ sở hạ tầng số trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

- Đánh giá tình hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dựa trên dữ liệu; đưa ra phương án phòng, chống và ứng phó linh hoạt, hiệu quả theo các loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai; hạn chế rủi ro, thiệt hại, bảo đảm an toàn trong quá trình triển khai thực hiện.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CUỘC HỌP, CHỈ ĐẠO TRỰC TUYẾN

1. Thời gian chuẩn bị: Sau khi có chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức cuộc họp chỉ đạo, điều hành trực tuyến về phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Thời gian chuẩn bị cuộc họp dự kiến khoảng từ 1-2 giờ.

2. Điểm cầu: Căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, tính chất, diễn biến, mức độ thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra, Văn phòng Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan kết nối các điểm cầu, thực địa, hiện trường với điểm cầu Chính phủ, cụ thể như sau:

a) Điểm cầu Chính phủ: Lãnh đạo Chính phủ chủ trì họp, điều hành trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Số 1 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).

b) Điểm cầu các bộ, ngành:

- Điểm cầu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai);

- Điểm cầu tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Khí tượng thủy văn);

- Điểm cầu tại Bộ Quốc phòng (Cục Cứu hộ - Cứu nạn);

- Căn cứ tình hình thực tế, cấp độ rủi ro thiên tai và yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, kết nối với các Bộ: Công an, Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục, Tài chính và một số cơ quan khác có liên quan.

c) Điểm cầu các địa phương:

- Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trường hợp cần thiết kết nối với trụ sở UBND cấp huyện, xã) trên địa bàn chịu ảnh hưởng;

- Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân và các vùng Hải quân, Sở chỉ huy Cảnh sát biển Việt Nam các vùng, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố; Sở chỉ huy các Quân khu, Quân đoàn, Sư đoàn, Trung đoàn; Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trung ương (theo yêu cầu);

- Trụ sở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trường hợp cần thiết kết nối với trụ sở Công an cấp huyện, xã) trên địa bàn chịu ảnh hưởng.

- Các đài khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh và các trạm quan trắc khí tượng thủy văn (theo yêu cầu);

d) Điểm cầu tại thực địa, hiện trường:

- Sở Chỉ huy tiền phương (theo yêu cầu).

- Địa điểm bão, lũ, thiên tai, sạt lở đất… (theo yêu cầu).

3. Kết nối với các hệ thống thông tin, dữ liệu

a) Thông tin, dữ liệu trực tuyến

- Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam, bao gồm thông tin, dữ liệu về đê điều, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; thông tin, dữ liệu tổng hợp về trồng trọt, chăn nuôi, diện tích rừng, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi Việt Nam, bao gồm thông tin, dữ liệu về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, quản lý khai thác công trình thủy lợi; camera giám sát hồ chứa thủy lợi. Hệ thống giám sát hành trình tàu cá.

- Hệ thống khí tượng thủy văn, bao gồm thông tin, dữ liệu về khí tượng, thủy văn, phân tích thời tiết, tin cảnh báo thiên tai, giám sát bão, áp thấp nhiệt đới, dự báo thiên tai (bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…).

- Hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất thời gian thực, bao gồm thông tin, dữ liệu về lượng mưa, mực nước sông, lưu lượng (theo thời gian thực); thông tin cảnh báo lũ quét và sạt lở đất.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu thủy điện Việt Nam, bao gồm thông tin, dữ liệu quan trắc (lưu lượng mưa, mực nước sông, dung tích hồ, lưu lượng xả, mực nước sông, hồ); cảnh báo mưa và xả lũ; hỗ trợ vận hành hồ đập; camera giám sát hồ thủy điện.

- Hệ thống thông tin về điều độ hệ thống điện, hồ chứa thủy điện (Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

- Và các hệ thống thông tin khác khi có yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ (như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạ tầng giao thông, dự trữ quốc gia…);

- Dữ liệu, hình ảnh từ các camera giám sát tại thực địa, hiện trường; các thiết bị quan trắc, cảm biến IoT tại địa phương gửi về Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khi có yêu cầu).

- Thông tin dữ liệu, âm thanh, hình ảnh được truyền trực tiếp tại thực địa từ Hệ thống đài phát thanh truyền hình VTV, địa phương về Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khi có yêu cầu).

b) Báo cáo, bản tin

- Bản tin hàng ngày về cảnh báo thiên tai của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bao gồm cảnh báo lũ, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún…;

- Bản tin hàng ngày về khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn;

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến về tình hình khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chuẩn bị, Tổng cục Khí tượng thủy văn);

- Báo cáo hàng ngày về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia (cập nhật 17h30 hàng ngày);

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến về công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn và huy động lực lượng cho phòng chống thiên tai và hỗ trợ cho người dân (Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia chuẩn bị - Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng);

- Báo cáo nhanh công tác trực ban phòng chống thiên tai hàng ngày (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai);

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai, tình hình an toàn hồ đập… (Bộ NN&PTNT);

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến về công tác bảo đảm cung ứng điện, khắc phục hậu quả và tình hình an toàn hồ đập thủy điện, xã lũ (Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam);

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến về công tác do các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu (như dân cư, giao thông, dự trữ quốc gia, thông tin và truyền thông…);

- Báo cáo phục vụ lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp, điều hành trực tuyến của các địa phương về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân… Đặc biệt là thông tin, dữ liệu về công tác “4 tại chỗ” [(i) Chỉ huy tại chỗ; (ii) Lực lượng tại chỗ; (iii) Phương tiện, vật tư tại chỗ; (iv) Hậu cần tại chỗ].

- Báo cáo, trao đổi giữa lãnh đạo địa phương (tại thực địa, hiện trường) với lãnh đạo Chính phủ tại điểm cầu chính.

c) Thông tin, dữ liệu khác

- Thông tin, dữ liệu cập nhật về giám sát thiên tai của các tổ chức quốc tế, các nước, vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Đài Khí tượng Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc… (khi có yêu cầu).

- Từ các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ chủ trì chuẩn bị Báo cáo thông tin, dữ liệu tổng hợp để phục vụ cho lãnh đạo Chính phủ (trình chiếu tại cuộc họp trên các ứng dụng của điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay, màn hình trình chiếu tại phòng họp và bản in giấy, bản in màu infographic khi có yêu cầu).

- Các địa phương cung cấp thông tin hiện trường, thực địa về tình hình thiên tai, mưa lũ, ngập úng trên các nền tảng ứng dụng, hệ thống thông tin của địa phương cho chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, các hệ thống có khả năng gửi thông tin, dữ liệu về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Công tác bảo đảm tổ chức họp, chỉ đạo điều hành trực tuyến

a) Về bảo đảm cơ sở vật chất điểm cầu tại Trụ sở Chính phủ:

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan bảo đảm các trang thiết bị hội nghị truyền hình tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng kết nối với các điểm cầu khác một cách nhanh chóng, thông suốt, chất lượng, hiệu quả và kết nối liền mạch.

b) Về bảo đảm cung cấp các báo cáo, bản tin

- Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm gửi các báo cáo, bản tin đầy đủ, kịp thời về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm, cứu nạn về Văn phòng Chính phủ qua đường văn thư, thư điện tử ([email protected]) và các kênh truyền thông tin cậy khác.

- Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, thu thập các báo cáo, bản tin điện tử về công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm, cứu nạn từ các bộ, ngành, địa phương về Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

c) Về bảo đảm đường truyền, kết nối trực tuyến

- Cục Bưu điện Trung ương - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp viễn thông xây dựng và bảo đảm vận hành các cuộc họp chỉ đạo, điều hành trực tuyến đáp ứng trên nhiều đường truyền (Internet, CPNET, vệ tinh…), nhiều nền tảng họp trực tuyến (nền tảng của Cục Bưu điện Trung ương, Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…) thông suốt, an toàn, hiệu quả; triển khai xe thông tin chuyên dùng bảo đảm thông tin liên lạc tại các điểm cầu thực địa, hiện trường cho các đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (khi có yêu cầu). Phạm vi từ điểm cầu Chính phủ tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương và thực địa, hiện trường…

- Các Tập đoàn VNPT, Viettel xây dựng phương án bảo đảm sẵn sàng trang, thiết bị liên lạc vệ tinh và kết nối Internet vệ tinh từ thực địa, hiện trường về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (khi có yêu cầu).

- Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bảo đảm đường truyền kết nối: (i) Qua hệ thống thông tin liên lạc dân sự với các dịch vụ hiện có (điện thoại cố định, di động; truyền hình, truyền số liệu chuyên dùng, Internet…); (ii) Qua hệ thống thông tin liên lạc quân sự từ các điểm cầu quân sự, thực địa, hiện trường, sở chỉ huy tiền phương (nếu sử dụng hệ thống quốc phòng); (iii) Triển khai một số thiết bị truyền dẫn, thông tin liên lạc tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm kết nối thông suốt với các điểm cầu quân sự, thực địa; (iv) Cấp phép bay cho thiết bị không người lái (khi có yêu cầu).

- Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị (Cục Cảnh sát phòng Cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động...) bảo đảm đường truyền kết nối từ trụ sở, thực địa, hiện trường và chia sẻ các hình ảnh từ hệ thống camera giám sát đang quản lý về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công Thương chỉ đạo Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam,Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Trung tâm Cấp cứu mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết nối các hệ thống thông tin điều hành, hệ thống camera giám sát (tại các trung tâm và giám sát các điểm quan trọng) về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không trực thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam; Các Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy của các cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam; kết nối các hệ thống chỉ huy, điều hành, camera giám sát về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm hạ tầng đường truyền, các hệ thống kết nối và an toàn thông tin, an ninh mạng.

- Tùy thuộc loại hình và cấp độ thiên tai, các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm việc kết nối tới thực địa, hiện trường về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo các phương án:

(i) Kết nối thực địa, hiện trường qua đường truyền Internet, kết hợp với các nền tảng họp trực tuyến thông dụng;

(ii) Sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam, drone…) thu thập hình ảnh, video trực tiếp (thu thập hình ảnh, video từ trước) từ thực địa, hiện trường; cung cấp dữ liệu, hình ảnh từ camera giám sát tại địa phương.

(iii) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, kết nối thực địa, hiện trường qua đường truyền quân sự, kết hợp với các nền tảng họp trực tuyến thông dụng;

(iv) Phối hợp với Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel kết nối thực địa, hiện trường (địa điểm, khu vực bị cô lập) qua sử dụng đường truyền vệ tinh, kết hợp với các nền tảng họp trực tuyến thông dụng.

d) Về bảo đảm thông tin, dữ liệu kết nối, tích hợp, chia sẻ

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm thông tin, dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác trên các hệ thống thông tin về phòng chống thiên tai và các dữ liệu liên quan (như đê điều, hồ chứa thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; giám sát tàu cá; camera giám sát đê điều; thông tin, dữ liệu tổng hợp về trồng trọt, chăn nuôi, diện tích rừng, nuôi trồng thủy sản…); kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm thông tin, dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác trên các hệ thống thông tin về khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai và các dữ liệu liên quan (như cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn, hải văn, dự báo bão, mưa lũ; dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu viễn thám, bản đồ số; cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo từ các hệ thống thông tin của các tổ chức quốc tế….); kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công Thương bảo đảm thông tin, dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác trên các hệ thống thông tin về điện lực, hồ chứa thủy điện và các dữ liệu liên quan như (điều độ điện lực quốc gia, vùng, địa phương; cảnh báo mực nước tại các hồ chứa thủy điện quan trọng quốc gia; cung cấp điện phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập; điều tiết hàng hóa thiết yếu, cung ứng xăng dầu…); kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm thông tin, dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn và các dữ liệu liên quan kết nối, tích hợp, chia sẻ (như dân cư, y tế, dự trữ quốc gia, cứu hộ, cứu nạn…) với Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương bảo đảm các thông tin, dữ liệu kịp thời, nhanh chóng, chính xác về dữ liệu quan trắc, camera giám sát thực địa tại địa phương.

đ) Về bảo đảm nhân sự vận hành phục vụ cuộc họp, điều hành trực tuyến của lãnh đạo Chính phủ:

Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan lên phương án nhân sự, cử cán bộ tham gia vận hành các hệ thống thông tin, phục vụ cuộc họp, điều hành trực tuyến tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm cán bộ phụ trách chuyên môn, số liệu và kỹ thuật, hệ thống…).

e) Về các vấn đề bảo đảm khác:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị phương án sử dụng bản đồ số và hình ảnh viễn thám để theo dõi tình hình thực địa, bao gồm toàn khu vực, các vị trí cần cứu trợ và diễn biến thiên tai. Đồng thời, xây dựng phương án chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.

- Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong đánh giá, dự báo tình hình thiên tai chính xác, kịp thời, nhất là thông tin, dữ liệu của các dòng sông, thủy điện của các nước có cùng lưu vực sông với Việt Nam.

- Giao Tập đoàn VNPT, Viettel sớm ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới vào phục vụ công tác họp, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Chính phủ về phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố tìm kiếm, cứu nạn (như ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR); trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan

- Tổ chức triển khai các cuộc họp, điều hành của lãnh đạo Chính phủ theo đúng kịch bản đề ra; rút kinh nghiệm, phát triển và hoàn thiện kịch bản chỉ đạo, điều hành trực tuyến về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự (bao gồm quá trình trước - trong - sau thiên tai).

- Xây dựng, tổ chức diễn tập, tập dượt với các kịch bản phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và phòng chống dịch bệnh

- Tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai để khảo sát, triển khai phương án kỹ thuật kết nối với thực địa.

2. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan

- Trình lãnh đạo Chính phủ quyết định tổ chức các cuộc họp;

- Bảo đảm các điều kiện trang thiết tại điểm cầu Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức triển khai công tác phục vụ lãnh đạo Chính phủ họp tại Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Lưu trữ, gỡ băng, lưu biên bản cuộc họp;

- Thông báo kết luận của lãnh đạo Chính phủ (nếu có)

- Đôn đốc tình hình triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ, báo cáo lãnh đạo Chính phủ kết quả thực hiện.

3. Các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai

- Thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu về phòng chống thiên tai (dự báo các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tình hình triển khai cứu hộ, cứu nạn, nhân lực, trang thiết bị, công tác 04 tại chỗ…) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai tại địa phương, nhất là phương án ứng phó thiên tai với bão, lũ lớn và đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn VNPT, Viettel bảo đảm đường truyền kết nối, thông tin liên lạc thông suốt giữa địa phương với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Nghiên cứu phương án bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng kết nối có thể chia thành các khu vực (bao gồm nhiều xã, phường, được trang bị cơ sở vật chất phù hợp) để tăng cường khả năng ứng phó linh hoạt và tập trung nguồn lực, hỗ trợ tại chỗ khi xảy ra thiên tai hoặc các tình huống khẩn cấp.

- Lên phương án, kịch bản phục vụ lãnh đạo địa phương chỉ đạo, điều hành trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các cấp độ, loại hình thiên tai và theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

4. Cung cấp đầu mối liên hệ phục vụ công tác họp, chỉ đạo điều hành trực tuyến về phòng chống thiên tai của lãnh đạo Chính phủ.

- Các bộ, ngành, cơ quan cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công tác phòng chống thiên tai và các hệ thống thông tin phục vụ phòng chống thiên tai (lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan; lãnh đạo, cán bộ, công chức quản lý, vận hành các hệ thống thông tin về phòng chống thiên tai và các vấn đề liên quan…).

- Các địa phương cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công tác phòng chống thiên tai (lãnh đạo tỉnh, thành phố, lãnh đạo quận, huyện, thị xã, lãnh đạo Văn phòng UBND cấp tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…); gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, liên hệ khi cần thiết.

- Tập đoàn VNPT, Viettel, Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công tác bảo đảm kết nối, đường truyền về phòng chống thiên tai (lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị quản lý hạ tầng tại trung ương, địa phương và hệ thống thông tin, dữ liệu…)./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 8914/VPCP-KSTT ngày 04/12/2024 về Tài liệu hướng dẫn họp, điều hành trực tuyến về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.254

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.147.12
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!