BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1789/BTNMT-TCMT
V/v hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học
năm 2014
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 05 năm 2014
|
Kính
gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Cơ quan TW của các ban, ngành, đoàn thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
|
Ngày 22 tháng 5 đã được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày
quốc tế Đa dạng sinh học, với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về đa
dạng sinh học, Năm 2014 với chủ đề “Đa dạng sinh học đảo” đã được chọn làm chủ
đề chính cho Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm nay. Nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế
Đa dạng sinh học năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Quý
Cơ quan chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thực hiện một số hoạt động sau:
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng
của Trung ương và địa phương tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng đa dạng
sinh học nói chung và đa dạng sinh của các đảo cũng như các quy định về bảo tồn
đa dạng sinh học;
- Tổ chức và phát động các phong trào: bảo vệ môi
trường; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, rừng ngập mặn ven biển, rạn san hô,
thảm cỏ biển; bảo vệ đa dạng sinh học các đảo; tăng cường các hoạt động tuyên
truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nội dung không buôn bán, tiêu thụ
các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ góp phần bảo
tồn tài nguyên đa dạng sinh học;
- Lồng ghép hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào
kế hoạch hoạt động của cơ quan, địa phương;
- Tùy điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động
truyền thông thích hợp: mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh học vào
ngày 22 tháng 5; tổ chức các cuộc thi,
triển lãm, xây dựng phim phóng sự với chủ đề về đa dạng sinh học nói chung và
đa dạng sinh học các đảo nói riêng; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và
các hoạt động tuyên truyền khác tại cơ quan, địa phương. Đề nghị đài truyền
hình của địa phương phát sóng đoạn phim ngắn tuyên truyền pháp luật bảo vệ động
vật hoang dã; tham khảo các tờ rơi thông tin, áp phích, băng rôn, phướn về bảo
vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong đĩa CD-ROM gửi kèm theo
công văn này. Thông tin chi tiết về Ngày
quốc tế Đa dạng sinh học tham khảo tại http://www.cbd.int/idb/2014.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị Quý
Cơ quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế Đa dạng sinh
học và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo địa chỉ số
10 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, Hà Nội để tổng hợp, báo cáo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn và
mong nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Quý Cơ quan./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang (để báo cáo);
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCMT (02), HV140.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Cách Tuyến
|
Thông tin Ngày
Quốc tế Đa dạng sinh học 2014 - Đa dạng sinh học đảo
(Kèm theo Công
văn số 1789/BTNMT-TCMT ngày 14 tháng 5 năm 2014)
Đa dạng sinh học trên các đảo không chỉ quan trọng
đối với cư dân đảo, mà còn là ngân hàng thông tin di truyền cho hàng triệu năm
tiến hóa của các loài sinh vật trên trái đất. Chính vì vậy mà Ngày đa dạng sinh
học quốc tế năm 2014 chọn chủ đề: Đa dạng sinh học đảo (Island biodiversity).
Chủ đề này cũng trùng với các chủ đề ưu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm
2014 là Năm quốc tế về đảo nhỏ đang phát triển. Ngoài ra, chủ đề này cũng phù
hợp với Quyết định tại COPXI/15 về "Tăng cường việc thực hiện Chương trình
làm việc về đa dạng sinh học đảo".
Việt Nam là nước có bờ biển dài với nhiều quần đảo
và đảo lớn nhỏ. Lê Đức An (1996) thống kê được 2.773 đảo ven bờ với tổng diện
tích là 1,720,8754 km2, phân bố chủ yếu ở ven bờ biển vùng Đông Bắc
(2.321 đảo). Trong khi đó, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần
đảo xa bờ. Theo thống kê sơ bộ của Lê Đức An (1999), hai quần đảo này có 41 đảo
nhưng có tới 331 rạn san hô và 16 bãi ngầm. Đây là những hệ sinh thái có giá
trị bảo tồn và nơi nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật biển. Bảo vệ đa dạng sinh học
đảo chính vì vậy có ý nghĩa to lớn đối với môi trường và phát triển kinh tế của
Việt Nam nói chung và các đảo của nước ta nói riêng
Tầm quan trọng của đa dạng sinh học đảo
Các đảo và vùng nước ven đảo chứa đựng các hệ sinh
thái đặc thù và thường có nhiều loài động, thực vật đặc hữu mà không thể tìm
thấy bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Trải qua quá trình tiến hóa trong lịch
sử, những hệ sinh thái này là những tài sản không có gì thay thế được, có vai
trò then chốt đối với sinh kế, nền kinh tế, sức khỏe và văn hóa của hơn 600
triệu người dân trên đảo, tương đương một phần mười dân số thế giới.
Đối với các đảo, các thành phần của đa dạng sinh
học và các dịch vụ hệ sinh thái có vai trò đặc biệt quan trọng. Các hệ sinh
thái đảo, từ hệ sinh thái núi cao đến các hệ sinh thái đất ngập nước, cung cấp
cho con người thực phẩm, nước ngọt, gỗ, dược liệu, nhiên liệu, công cụ và các
nguyên liệu thô; thêm vào đó các hệ sinh thái đảo đem lại các giá trị thẩm mỹ,
tinh thần, giáo dục và giải trí, sự phong phú, đa dạng này còn hỗ trợ cho sinh
kế, kinh tế và văn hóa của người dân đảo. Hệ sinh thái đảo cũng góp phần vào
việc duy trì chức năng sinh thái: chúng góp phần ngăn ngừa các thảm họa tự
nhiên, hỗ trợ chu trình dinh dưỡng, góp phần hình thành đất; điều hòa khí hậu
và giảm thiểu bệnh tật. Đặc biệt, đối với các đảo nhỏ cô lập hoặc các đảo nhỏ
đang trong quá trình phát triển thì đa dạng sinh học là một yếu tố sống còn đối
với an ninh lương thực. Đảo nhỏ thường có tỷ lệ biển và đới bờ lớn so với diện
tích, điều này đem lại nguồn thu quan trọng. Thềm lục địa và hệ sinh thái ven
biển của nhiều đảo nhỏ đang trong quá trình phát triển có vai trò to lớn giải
quyết các vấn đề đối với nền kinh tế, sinh kế, thương mại nông nghiệp, thủy sản
và du lịch.
Các hệ sinh thái ven biển cũng đảm bảo vai trò sinh
thái khác nhau như bảo vệ bờ biển, tạo ra các vùng đệm đối với các hoạt động
gây ô nhiễm từ đất liền, tạo bãi đẻ và nuôi dưỡng cho nhiều loài sinh vật biển.
Theo một ước tính, các hàng hóa và dịch vụ mà rạn san hô cung cấp cho thế giới
có giá trị tương đương 375 tỷ đô la, bao gồm cả việc hỗ trợ nghề cá biển, cung
cấp nguồn protein chính cho dân sống trên các đảo, đặc biệt là các đảo nhỏ đang
phát triển.
Vì sao lại là các đảo? Tại sao cần hành động
ngay?
Chưa bao giờ các đảo lại bị đe dọa nhiều như hiện
nay. Người dân, văn hóa, biển và các hệ sinh thái đảo có mối liên hệ chặt chẽ
với nhau và đang bị đe dọa bởi các thảm họa tự nhiên, sinh vật ngoại lai xâm
hại, sự phát triển không bền vững và các vấn đề toàn cầu khác. Những thách thức
này càng trở nên nghiêm trọng khi cộng hưởng với các mối đe dọa hiện hữu của
biến đổi khí hậu. Trong khi diện tích các đảo chỉ chiếm ít hơn 5% bề mặt trái
đất chúng lại là nơi cư trú của 40% các loài sinh vật thuộc danh sách các loài
bị đe dọa. Hơn 80% các trường hợp tuyệt chủng của các loài sinh vật xảy ra trên
các đảo. Chúng ta cần hành động khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu để ngăn chặn và
đảo ngược các xu thế này nhằm cứu lấy các hệ sinh thái đảo quý giá. Đây là thời
điểm để hành động cho các nhà lãnh đạo, cho các cam kết và hợp tác giữa các
ngành, lĩnh vực nhằm xây dựng một tương lai bền vững cho hành tinh của chúng ta.
Điểm sáng: Hãy đầu tư vào những việc làm hiệu quả
Các đảo đã và đang thực hiện nhiều hành động để bảo
vệ hiệu quả đa dạng sinh học và phát triển sinh kế bền vững. Trước tính dễ bị
tổn thương của các đảo, Lãnh đạo các quốc đảo và các nước có đảo đã đưa ra
những cam kết dài hạn ở cấp khu vực, quốc gia và toàn cầu. Đặc biệt là, các
chính quyền các đảo và các chính phủ đang phối hợp cùng nhau trong các sáng
kiến liên minh với cộng đồng và các đối tác tư nhân để cùng nhau đạt được các
mục tiêu cam kết. Những hành động này là điểm sáng minh họa cho việc chung tay
hành động chúng ta có thể tạo ra các kết quả thiết thực nhằm bảo tồn và sử dụng
bền vững tài nguyên thiên nhiên vô giá, góp phần đạt được các mục tiêu Aichi.
Chúng ta có thể làm gì:
- Thể hiện tính lãnh đạo: Xây dựng, tăng cường và
triển khai các cam kết cấp cao dài hạn
- Đầu tư vào những dự án/hoạt động hiệu quả: Xác
định loại hình, quy mô và mô hình phù hợp để nhân rộng
- Hỗ trợ Liên minh đảo toàn cầu (www.glispa.org): góp phần xây dựng cộng đồng các đảo
phát triển bền vững thông qua các sáng kiến về quan hệ đối tác.
Các hành động ưu tiên đối với các đảo:
1. Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại
Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại là mối đe dọa
lớn nhất đối với đa dạng sinh học đảo. Khoảng 80% các trường hợp tuyệt chủng
được ghi nhận thì 1500 trường hợp được ghi nhận trên các đảo có nguyên nhân
chính là do sinh vật ngoại lai xâm hại. Sinh vật xâm hại có đã gây ra những ảnh
hưởng nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái biệt lập và độc đáo của các đảo và
tiếp tục tạo ra các mối nguy cơ lớn đối với các hệ sinh thái đảo và các dịch vụ
hệ sinh thái.
2. Thành lập các khu bảo tồn trên cạn và khu bảo
tồn biển
Các khu bảo tồn không chỉ quan trọng trong việc hỗ
trợ các hệ sinh thái và các loại bị đe dọa mà còn cung cấp các lợi ích cho
người dân và nền kinh tế các đảo. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu các khu bảo
tồn tạo ra mạng lưới an toàn cho các quốc đảo. Các khu bảo tồn cũng hỗ trợ các
loài thích ứng với biến đổi khí hậu bằng việc cung cấp nơi trú ẩn và hành lang
di cư hay bảo vệ con người thông qua việc giảm thiểu các tổn thất từ các thiên
tai như lốc xoáy, sóng thần, lũ lụt, hạn hán. Các khu bảo tồn cũng hỗ trợ trực
tiếp cho nền kinh tế thông qua các việc cung cấp các nguồn tài nguyên du lịch
và gián tiếp thông qua việc giảm các phí tổn gây ra bởi các ảnh hưởng bất lợi
của biến đổi khí hậu.
3. Lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu dựa
vào hệ sinh thái
Tính chất đặc biệt của các đảo (vị trí địa lý cô
lập, thường xuyên xảy ra thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan, sinh
kế và điều kiện kinh tế-xã hội phụ thuộc vào tự nhiên) làm chúng trở nên rất
nhạy cảm với các biến động và thay đổi của khí hậu. Đa dạng sinh đảo nhạy cảm
với biến đổi khí hậu là do mức độ đa dạng cao của các loài sinh vật đặc hữu
phân bố hẹp. Ngoài ra, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đối với các rạn san
hô, loài các và các nguồn tài nguyên biển khác. Dự báo về nước biển dâng tạo ra
những rủi ro đối với các vùng đảo nằm dưới mực nước biển và các nguồn tài
nguyên ven biển của các đảo này. Một hệ sinh thái khỏe mạnh và có khả năng đàn
hồi là một phương pháp hiệu quả về mặt chi phí nhằm quản lý các tác động bất
lợi của biến đổi khí hậu.