Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công văn 1765/TTg-NN 2020 khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất phòng chống thiên tai tại miền Trung

Số hiệu: 1765/TTg-NN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 13/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1765/TTg-NN
V/v tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai tại miền Trung

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 8585a/BNN-PCTT ngày 08 tháng 12 năm 2020 về việc thúc đẩy, phục hồi sản xuất và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:

Vừa qua, bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm họng đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân. Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả; lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến kiểm tra, chia sẻ khó khăn, thăm hỏi các địa phương, các gia đình bị thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ động ứng phó và kịp thời huy động các nguồn lực cho khắc phục hậu quả.

Với sự tập trung chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cùng với sự chủ động của người dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, thiên tai khốc liệt, dồn dập nên thiệt hại vẫn rất nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét với 249 người chết và mất tích; trên 239.000 ngôi nhà bị tốc mái, 1.531 nhà bị đổ sập, nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở; ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỷ đồng.

Ngay sau thiên tai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, trong đó đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa nhà ở bị tốc mái, hư hại, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà sập, trôi chờ tái định cư, xây dựng lại, xử lý vệ sinh môi trường, hỗ trợ sách vở, thiết bị, đồ dùng dạy và học để học sinh được trở lại trường; cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bước đầu được khắc phục; sản xuất và đời sống người dân từng bước khôi phục.

Tuy nhiên, qua đợt bão, lũ lịch sử vừa xảy ra cho thấy công tác phòng ngừa, dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được kịp thời khắc phục để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân và tài sản của xã hội, trong đó cần nhận thức đầy đủ, quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác quản lý rủi ro, phòng ngừa thiên tai, chủ động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ vừa qua tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất theo chỉ đạo tại các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, trong đó tập trung bảo đảm lương thực, hỗ trợ các hộ bị mất nhà cửa xây dựng lại nhà trước tết Nguyên đán Tân Sửu, khẩn trương khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, đê điều.

2. Rà soát kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá toàn diện về tình hình thiên tai, rủi ro do thiên tai, tác động đến dân sinh, kinh tế xã hội; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình, từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng.

3. Rà soát, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao năng lực cơ quan phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao tính chuyên nghiệp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp trước tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tình hình thiên tai và yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống thiên tai ở nước ta để đề xuất mô hình tổ chức cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

4. Nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai đối với nhà ở của người dân và công trình hạ tầng, nhất là công trình hạ tầng thiết yếu như công trình phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền... Hướng dẫn người dân xây dựng nhà ở an toàn phòng, tránh bão, lũ; rà soát các chính sách xã hội, dân tộc và nhà ở, có chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở an toàn; tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

5. Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, nhất là công trình giao thông miền núi, hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; hạn chế tối đa tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.

6. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy định về quy trình thủ tục hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai (nhất là hỗ trợ gạo cứu đói, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất), vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện cứu trợ sau thiên tai,...

7. Tăng cường công tác truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thông với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, bão lũ tới người dân; nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng.

8. Tăng cường nguồn lực cho phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng phòng chống thiên tai, trong đó tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực xung yếu; chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gắn với sinh kế bền vững. Chủ động lồng ghép đầu tư công trình phòng chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng địa phương.

9. Một số nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành và địa phương:

a) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan tổng hợp đề xuất hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương bị thiệt hại nặng do bão, lũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai tại cơ quan tham mưu cấp trung ương, cấp tỉnh để phục vụ hoạt động chỉ đạo ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp. Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, đẩy nhanh việc cấp giống cho các địa phương hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực hiện có để phục hồi sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với thiên tai. Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Nghị định về Quỹ phòng chống thiên tai. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 (về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh) và Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai) để đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai được kịp thời, phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Chỉ đạo tăng cường quản lý, trồng, bảo vệ rừng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn; sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, hồ đập bị sự cố, không bảo đảm an toàn; đầu tư hệ thống theo dõi giám sát chuyên dùng và công trình phòng chống thiên tai; đẩy nhanh xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa, ngập lụt do nước biển dâng; hoàn thành lắp đặt thiết bị theo dõi giám sát tàu cá trên biển; khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia; rà soát các khu dân cư ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực đã xảy ra hoặc nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động di dời, bảo đảm an toàn. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vận động các nhà tài trợ (ADB, WB, JICA,...) và lập đề xuất một số dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án cấp bách khắc phục bão, lũ (khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai tại các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên; tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển; tư vấn đánh giá toàn diện tình hình thiên tai, các tác động đến Việt Nam,...).

c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ hướng dẫn địa phương kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở; theo dõi chặt chẽ tình hình thiếu đói tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão, lũ, nhất là trong thời điểm tết Nguyên đán để kịp thời báo cáo, đề xuất hỗ trợ theo quy định.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; bổ sung nâng cao mật độ trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nhất là quan trắc mưa, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để bổ sung hệ thống trạm quan trắc. Khẩn trương xây dựng bản đồ phân vùng, cảnh báo rủi ro thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các khu dân cư, khu vực trọng điểm với tỷ lệ phù hợp, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, chủ động di dời dân cư khỏi khu vực nguy hiểm; tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước.

đ) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát các doanh trại, điểm đóng quân để có phương án bảo đảm an toàn; rà soát năng lực cứu hộ, cứu nạn, lập Đề án tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng, phù hợp (đặc biệt là máy bay trực thăng, tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng) để đáp ứng yêu cầu công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong các điều kiện địa hình phức tạp như vùng cửa sông, khu vực ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét diện rộng, vùng sâu, vùng biển xa, hóa chất độc xạ,... Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các vị trí trọng điểm để kịp thời hỗ trợ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, đào tạo, huấn luyện, diễn tập để xử lý kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống thiên tai.

e) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính; chủ động rà soát, có giải pháp hạn chế khắc phục tình trạng sạt lở, cản trở thoát lũ của công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường mở mới.

g) Bộ Công Thương chỉ đạo công tác điều phối, cung ứng nguồn hàng, nhất là vật tư, hàng hóa phục vụ khắc phục thiên tai và hàng hóa thiết yếu khác, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai tăng giá. Rà soát quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng hồ dập thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, xây dựng công cụ tính toán, giám sát phục vụ vận hành hồ và cảnh báo lũ cho vùng hạ du, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo nghiên cứu các phương án nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại đối với hệ thống điện tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

h) Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn các mô hình nhà ở an toàn cho người dân vùng thường xuyên bị bão, lũ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh, bão, lụt khu vực miền Trung.

i) Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ. Rà soát, đề xuất điều chỉnh đơn giản hóa quy trình thủ tục hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn dự trữ quốc gia nhằm bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp khi thiên tai. Ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách cho khắc phục hậu quả thiên tai.

k) Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 -2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời huy động các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bổ sung nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái thiết sau bão lũ.

l) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ, cơ cấu lại nợ cho các hộ bị thiệt hại, tiếp tục cho vay vốn để tái sản xuất.

m) Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình di dời dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lồng ghép với di dời dân cư tại các khu vực ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung vừa qua.

n) Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với địa phương chỉ đạo khắc phục các công trình hạ tầng thuộc lĩnh vực quản lý, có phương án nâng cao mức bảo đảm an toàn đối với các công trình hạ tầng ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai.

o) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp cụ thể để khắc phục hậu quả bão, lũ; ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương, các nguồn hỗ trợ, cứu trợ khác để hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân và khắc phục hậu quả bão lũ; cân đối, cung cấp đủ các loại giống phù hợp hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất nông nghiệp, đảm bảo kịp thời mùa vụ (trong đó tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu có phương án bảo đảm an toàn cho hồ Kẻ Gỗ, tăng cường khả năng thoát lũ, hạn chế ngập lụt vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ; tỉnh Quảng Bình nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn dân cư vùng ngập sâu tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch; tỉnh Quảng Trị khẩn trương rà soát, tái định cư cho các hộ bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở tại các huyện Hướng Hóa, Đăk rông, nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn dân cư vùng ngập sâu Hải Lăng, khôi phục hạ tàng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng; tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu để bảo đảm an toàn cho người dân; tỉnh Quảng Nam tập trung tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng do sạt lở tại các xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, khôi phục hạ tầng giao thông vào các khu vực bị sạt lở; tỉnh Quảng Ngãi tập trung tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở, sập đổ nhà tại huyện Sơn Tây và khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi), về lâu dài cần tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ quan tham mưu về phòng, chống thiên tai ở địa phương theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hiện có; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư di dời dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, sửa chữa, nâng cấp công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhất là hồ đập, đê điều, trường học, trạm y tế, tuyến giao thông trọng yếu; tăng cường đầu tư cho công tác quản lý rủi ro, phòng ngừa thiên tai, chủ động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ. Thực hiện lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hành động, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, giám sát công tác vận động quyên góp ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ủy ban QG ứng phó sự cố thiên tai và TKCN;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, KTTH, CN, QHĐP, QHQT, KGVX;
- Lưu: VT, NN (2), Tuynh.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 1765/TTg-NN ngày 13/12/2020 về tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai tại miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.338

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.96.135
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!