Kính gửi:
|
- Các đại học, học viện, trường
đại học;
- Các trường sĩ quan có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;
- Các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ.
|
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính
phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp
bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê
duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm
2030, định hướng đến năm 2050” (Chương trình 1017). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 về việc đẩy mạnh
đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành ngành công nghệ
số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại các quyết định
trên về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp
bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các đại học, học viện, trường đại
học, các trường sĩ quan có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, các viện
nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo)
trên cơ sở năng lực thực tế và định hướng phát triển về đào tạo và nghiên cứu
trong ngành công nghiệp bán dẫn khẩn trương, nghiêm túc quán triệt thực hiện tốt
các nhiệm vụ sau đây:
1. Khẩn
trương xây dựng đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017
Cơ sở đào tạo (CSĐT) xây dựng đề
án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển ngành công
nghiệp bán dẫn với những nội dung yêu cầu cụ thể như sau:
a) Về chương trình đào tạo
(CTĐT): Đề nghị nêu rõ các ngành đào tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp
bán dẫn. Đề xuất cần nêu rõ CTĐT “tài năng” hay CTĐT “chuẩn”.
- Xác định rõ tên CTĐT, tên
ngành đào tạo, mã ngành đào tạo, trình độ đào tạo và mô tả tóm tắt về CTĐT (Đối
tượng tuyển sinh, điều kiện đầu vào, chuẩn đầu ra,…). CSĐT gửi kèm theo đề án
CTĐT (hoặc dự thảo CTĐT).
- Thuyết minh sự phù hợp với mục
tiêu, đối tượng, phạm vi của Chương trình 1017 và làm rõ phục vụ công đoạn nào
trong ngành công nghiệp bán dẫn.
b) Về kế hoạch tuyển sinh và
đào tạo: Xây dựng kế hoạch quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo theo CTĐT; thống
kê số lượng tuyển sinh đầu vào qua các năm vừa qua (trong 03 năm gần nhất) và dự
kiến số lượng tuyển mới, số lượng tốt nghiệp theo từng năm tới hết năm 2030.
c) Về năng lực, kinh nghiệm hiện
có của CSĐT và các kế hoạch phát triển:
- Mô tả hiện trạng đội ngũ giảng
viên, nghiên cứu viên và kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên
cứu viên (tuyển dụng mới, đào tạo trong nước/ngoài nước, đào tạo bồi dưỡng ngắn
hạn/dài hạn, dự kiến mời giảng viên, chuyên gia nước ngoài). Nhiệm vụ phát triển
đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cần bám sát các nhiệm vụ và giải pháp được
nêu trong Chương trình 1017.
- Mô tả cơ sở vật chất, phòng
thí nghiệm hiện có và đề xuất đầu tư mới (đề xuất các dự án, các phòng thí nghiệm
dự kiến đầu tư trong đó mô tả sơ bộ, dự kiến quy mô đầu tư mức độ nào, danh mục
trang thiết bị trong phòng thí nghiệm để xác định tổng mức đầu tư). Đề nghị xác
định rõ nguồn đầu tư (từ ngân sách nhà nước, từ nguồn tự có của CSĐT, từ hợp
tác với tổ chức, doanh nghiệp,…).
- Về hoạt động khoa học và công
nghệ: Mô tả năng lực nghiên cứu gắn với đổi mới sáng tạo, các thành tích hiện
có và dự kiến trong thời gian tới trong ngành công nghiệp bán dẫn.
- Về hợp tác doanh nghiệp và quốc
tế: Mô tả các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong đào tạo và
nghiên cứu phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
- Mô tả cơ chế, chính sách hỗ
trợ đào tạo đối với CTĐT của CSĐT (đối với giảng viên, với người học như hỗ trợ
học phí/học bổng, hỗ trợ gắn kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế,…).
- Đội ngũ quản lý triển khai:
xác định rõ đầu mối phụ trách việc triển khai thực hiện đề án; đầu mối phụ
trách từng CTĐT (nếu có).
d) Các đề xuất, kiến nghị (nếu
có).
đ) Kèm theo các phụ lục chi tiết/minh
chứng: CTĐT, danh sách đội ngũ giảng viên, thống kê mô tả cơ sở vật chất, phòng
thí nghiệm, mô tả kỹ hơn các dự án chuẩn bị/hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu (nếu
có), các công trình/thành tích nghiên cứu; cơ chế chính sách đã ban hành (VD: hỗ
trợ học phí/học bổng; hợp tác doanh nghiệp,…).
2. Các CSĐT
tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, cụ thể như sau:
a) Về xây dựng, phát triển
CTĐT
- Chủ động rà soát, xây dựng và
phát triển các CTĐT các trình độ của giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực
chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo hướng
hội nhập, đạt chuẩn quốc tế.
- Nghiên cứu xây dựng các CTĐT
có chuyên ngành hoặc định hướng đào tạo kỹ sư chuyên sâu về bán dẫn đối với những
ngành đào tạo đang được phép hoạt động đào tạo có liên quan hoặc tập trung nguồn
lực xây dựng kế hoạch mở mới các ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển
công nghiệp bán dẫn Việt Nam ở 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp
bán dẫn (thiết kế, sản xuất và kiểm thử, đóng gói) phù hợp với thế mạnh, năng lực
thực tế, mục tiêu, chiến lược phát triển của CSĐT.
- Trường hợp cần thiết mở mã
ngành đào tạo thí điểm về bán dẫn, cơ sở đào tạo tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị
các tài liệu, minh chứng bảo đảm đáp ứng điều kiện quy định tại Điều
6 Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT[1] làm cơ sở để
Bộ GDĐT xem xét, bổ sung mã ngành đào tạo thí điểm về bán dẫn vào danh mục
ngành thí điểm.
b) Về phát triển đội ngũ giảng
viên
- Ưu tiên xét tuyển cử giảng
viên đi học tiến sĩ, sau tiến sĩ các ngành chuyên sâu về bán dẫn tại các CSĐT
có uy tín trên thế giới theo Đề án 89[2]. Ưu tiên sử dụng kinh phí để đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực
đội ngũ giảng viên chuyên môn về ngành công nghiệp bán dẫn.
- Có chính sách thu hút giảng
viên, chuyên gia là người nước ngoài, Việt kiều đang làm việc ở các CSĐT, cơ sở
nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn ở nước
ngoài về làm việc cho CSĐT.
- Chủ động trao đổi giảng viên
trong ngành công nghiệp bán dẫn với các CSĐT nước ngoài; ưu tiên cử cán bộ quản
lý, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng, học tập và làm việc tại các CSĐT, các
doanh nghiệp về bán dẫn tại các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển.
c) Về phát triển cơ sở vật
chất, học liệu
- Tập trung huy động tối đa nguồn
lực của nhà nước, doanh nghiệp và của CSĐT để phát triển học liệu, phòng thí
nghiệm, phòng thực hành về bán dẫn; tăng cường hợp tác giữa các CSĐT, giữa các
CSĐT với doanh nghiệp đặc biệt trong chia sẻ, dùng chung và sử dụng hiệu quả
nguồn lực đầu tư và cơ sở vật chất sẵn có.
- Học tập kinh nghiệm của CSĐT
và doanh nghiệp nước ngoài có nền công nghiệp bán dẫn phát triển trong việc đầu
tư, xây dựng, phát triển các phòng thí nghiệm về bán dẫn.
- Các CSĐT có truyền thống và
uy tín về đào tạo bán dẫn hình thành các liên minh, phối hợp xây dựng học liệu
số và khóa học trực tuyến dùng chung.
d) Về tổ chức tuyển sinh và
đào tạo
- Nghiên cứu thành lập các đơn
vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn,...) để ưu tiên tập trung đào tạo
và nghiên cứu về bán dẫn.
- Xây dựng phương án tuyển sinh
bảo đảm số lượng và chất lượng; cân đối, ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu đào tạo
cho các ngành đào tạo/CTĐT có chuyên ngành hoặc định hướng chuyên sâu về bán dẫn.
- Triển khai các hoạt động bảo
đảm chất lượng đào tạo bên trong và kiểm định chất lượng CTĐT. Khuyến khích lựa
chọn kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn quốc tế.
đ) Về các giải pháp hỗ trợ
người học
- Có chính sách ưu tiên, gồm học
bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu
đãi, hỗ trợ khác dành cho người học CTĐT về bán dẫn.
- Tăng cường hợp tác với các
doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong việc tìm kiếm hỗ trợ
kinh phí hoặc cấp học bổng từ phía doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hành, thực
tập cho sinh viên và tuyển dụng, sử dụng những người tốt nghiệp các CTĐT về bán
dẫn.
e) Về gắn kết các hoạt động
đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
- Đẩy mạnh hợp tác giữa các
CSĐT trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu để hình thành mạng lưới các CSĐT về
đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt
Nam.
- Có chính sách khuyến khích,
ưu tiên các giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh hình thành các
nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học đối với các
đề tài trong ngành công nghiệp bán dẫn; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các nhóm
nghiên cứu có hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành
công nghiệp bán dẫn.
- Chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc
tế với các CSĐT có thế mạnh, uy tín về bán dẫn trong nước và quốc tế.
- Chủ động tích cực tổ chức hoặc
tham gia các hội thảo, tọa đàm, các phiên họp về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ
ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế.
- Tăng cường hợp tác với các
doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn về phát triển CTĐT , học
liệu và xây dựng, khai thác các phòng thí nghiệm, phòng thực hành phục vụ hoạt
động đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Trên cơ sở các nội dung hướng dẫn
nêu trên, CSĐT phát huy quyền tự chủ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực
phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn của CSĐT, phối hợp với Bộ GDĐT và các
bên có liên quan để triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Trước 25/12/2024, CSĐT báo cáo
Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học) các công việc triển khai theo các nội dung
nêu trên và Đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017 (nếu có).
Các CSĐT chủ động phối hợp với
Bộ GDĐT, các bộ, ngành có liên quan, cơ quan quản lý trực tiếp CSĐT, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở để triển khai
thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chương trình 1017./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (để b/c);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Ban Chỉ đạo QG về phát triển ngành CNBD (để b/c);
- Bộ KHĐT, Bộ TC, Bộ TTTT (để p/h);
- Các cơ quan quản lý trực tiếp CSĐT (để p/h c/đ);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để p/h c/đ);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Cổng TTĐT của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, GDĐH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Minh Sơn
|
[1] Thông tư số
09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học
[2] Đề án “Nâng cao
năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng
yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030”