BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
713/TC/TCT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2002
|
CÔNG VĂN
CỦA
BỘ TÀI CHÍNH SỐ 713/TC/TCT NGÀY 22 THÁNG 1 NĂM 2002 VỀ VIỆC ÁP DỤNG HIỆP ĐỊNH
TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI QUỐC TẾ
Kính gửi:
|
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương
- Hiệp hội đại lý hàng hải
- Các đại lý hàng hải
|
Trong quá trình áp dụng các Hiệp
định tránh đánh thuế hai lần đối với hoạt động vận tải quốc tế giai đoạn từ năm
2000 đến 2001 có một số vước mắc liên quan đến thủ tục áp dụng Hiệp định. Để
tháo gỡ những khó khăn trong thực tế áp dụng Hiệp định, Bộ Tài chính hướng dẫn
một số quy định tạm thời về thủ tục áp dụng Hiệp định riêng cho lĩnh vực hoạt động
vận tải quốc tế như sau:
1. Liên quan đến Điều 8 của các
Hiệp định về hoạt động vận tải quốc tế được hướng dẫn tại Điểm
3.2 Phần II Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12 năm 1997 và Điểm 5 Thông tư số 37/2000/TT/BTC ngày 5 tháng 5 năm 2000 của Bộ
Tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
"Các quy định tại Điều 8 chỉ
áp dụng đối với phần thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại là 1% ấn định trên tiền
cước vận chuyển hàng hoá, hành khách tính thuế đối với tàu chở hành khách, hàng
hoá thông thường cho tuyến đường giữa cảng biển Việt Nam và nước ngoài, hoặc
0,4% trên tổng số tiền cước vận chuyển đối với tàu chở dầu thô xuất khẩu của Việt
Nam cho tuyến đường giữa cảng biển Việt Nam và nước ngoài quy định tại Thông tư
số 16/1999/TT/BTC ngày 4 tháng 2 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của
các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải".
2. Trình tự, thủ tục áp dụng Điều
8 đối với hoạt động vận tải quốc tế:
Trường hợp tổ chức, cá nhân cư
trú của nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu
biển giữa cảng biển Việt Nam và nước ngoài được hưởng các quy định miễn thuế
hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Hiệp định thì:
a. Đối tượng phải làm đơn gửi cơ
quan thuế tỉnh, thành phố nơi đại lý tàu biển của đối tượng đó đăng ký nộp thuế
cước để xin được miễn, giảm thuế theo quy định của Hiệp định. Đối tượng có thể
uỷ quyền cho đại lý tàu biển hay một đối tượng đại diện hợp pháp thay mặt đối
tượng nộp thuế xin miễn, giảm thuế cho đối tượng nộp thuế đó theo quy định tại
Hiệp định. Hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo Hiệp định bao gồm:
i. Giấy chứng nhận cư trú do cơ
quan thuế nước ngoài cấp trong đó xác nhận đối tượng liên quan là đối tượng cư
trú và có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập tại nước đó (ghi rõ là đối tượng nộp thuế
của năm thuế nào) theo quy định của Hiệp định với Việt Nam;
ii. Bản sao hợp đồng vận chuyển
do đối tượng xin miễn, giảm xác nhận sao y bản chính;
iii. Bản sao đăng ký kinh doanh
tại nước cư trú hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp;
iv. Bản gốc chứng từ nộp thuế tại
Việt Nam (bao gồm cả tờ khai nộp thuế và thông báo thuế của cơ quan thuế) trong
trường hợp đã nộp thuế và phải xin hoàn thuế;
v. Trường hợp đối tượng nộp thuế
uỷ quyền cho bên đại lý tàu biển thì bên đứng tên xin miễn, giảm thuế cho đối
tượng nộp thuế trong đó không quy định việc thu phí dịch vụ hay trách nhiệm bồi
thường theo hợp đồng thì bên đại lý phải có giấy uỷ quyền hợp lệ của đối tượng
nộp thuế theo quy định tại khoản 3 của Thông tư này;
vi. Đơn xin miễn, giảm thuế theo
Hiệp định theo quy định tại điểm (vii), khoản 2.1 Phần V Thông
tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12.
Giấy tờ quy định tại điểm này phải
thực hiện việc hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định tại điểm 3 của Công văn này.
b. Cơ quan thuế tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương căn cứ hồ sơ xin miễn giảm thuế và các điều khoản của từng
Hiệp định cụ thể để xem xét và quyết định trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm
nhận đủ hồ sơ nêu tại điểm a trên đây:
i. Đối với các hãng tàu định tuyến,
quyết định miễn, giảm sẽ được áp dụng cho toàn bộ giai đoạn 12 tháng của năm
dương lịch ra quyết định;
ii. Đối với các hãng tàu phi định
tuyến, quyết định miễn, giảm của một Cục Thuế tỉnh, thành phố sẽ được áp dụng
cho toàn bộ giai đoạn 12 tháng của năm dương lịch ra quyết định trên tất cả các
cảng biển quốc tế tại Việt Nam;
c. Các tổ chức đại lý tàu biển
được uỷ nhiệm thu thuế cước thực hiện việc thu đủ thuế cước 3% theo quy định của
Thông tư số 16/1999/TT/BTC và chỉ thực hiện việc miễn, giảm thuế cước theo Hiệp
định khi đã có quyết định miễn giảm của cơ quan thuế tỉnh hoặc thành phố quy định
tại điểm b trên đây.
d. Trường hợp phải thoái trả tiền
thuế trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước, hồ sơ sẽ được gửi đến Tổng cục Thuế (Bộ
Tài chính) để làm thủ tục thoái trả tiền thuế theo quy định hiện hành tại khoản 2 mục II Thông tư 52/TC/TCT ngày 16 tháng 8 năm 1997 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam
và các nước (với những sửa đổi tương ứng về hồ sơ theo quy định tại điểm a trên
đây).
3. Việc hợp pháp hoá lãnh sự
theo điểm 8 Thông tư số 37/2000/TT/BTC ngày 5 tháng 5 năm 2000
của Bộ Tài chính được thực hiện như sau:
"3.1. Chữ ký, con dấu trên
giấy tờ, tài liệu sau đây của các cơ quan nhà nước của các nước ký Hiệp định với
Việt Nam phải được hợp pháp hoá lãnh sự, tức là phải có dấu hợp pháp hoá lãnh sự
của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Thông
tư số 01/1999/TT-NG ngày 3 tháng 6 năm 1999 của Bộ Ngoại giao:
i. Giấy chứng nhận cư trú do cơ
quan thuế nước ngoài cấp;
ii. Bản sao đăng ký kinh doanh tại
nước cư trú hoặc giấy chứng nhận đăng ký thuế do nước cư trú cấp.
3.2. Các hợp đồng kinh tế, hợp đồng
cung cấp dịch vụ, hợp đồng đại lý, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng vận chuyển hàng
hoá (theo các quy định tại phần V Thông tư số 95/1997/TT/BTC ngày 29 tháng 12
năm 1997 của Bộ Tài chính) không cần phải hợp pháp hoá lãnh sự.
3.3. Các giấy tờ, tài liệu từ
các nước sau đây đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam không phải hợp
pháp hoá lãnh sự:
i. Cộng hoà Ba Lan;
ii. Cộng hoà Séc;
iii. Cộng hoà Hung-ga-ri;
iv. Cộng hoà Bun-ga-ri;
v. Cộng hoà dân chủ nhân dân
Lào;
vi. Cộng hoà Liên bang Nga"
Bộ Tài chính hướng dẫn để các Cục
Thuế và các đại lý hàng hải biết và thực hiện. Công văn này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn
vị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết và hướng dẫn bổ sung kịp thời.