Kính gửi:
|
- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố;
- Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu.
|
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của
Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật
và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; Quyết định số
131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn
2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”1, Bộ Giáo dục
và Đào tạo (BGDĐT) hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong cơ sở giáo dục
Tiểu học như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo
viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương
trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học; thống nhất nội dung, phương pháp, hình
thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM; bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý,
tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho giáo viên trong các cơ sở giáo dục Tiểu học.
2. Thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM
nhằm hỗ trợ, tăng cường giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Tin học
và Nghệ thuật; tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám
phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực
sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn
cuộc sống.
3. Tổ chức các hoạt động giáo dục STEM bám sát mục tiêu,
yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan, phù hợp với đặc
điểm tâm sinh lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh và điều kiện của
nhà trường; thúc đẩy tổ chức dạy học tích hợp, không gây áp lực, quá tải cho học
sinh và giáo viên.
II. Nội dung và các hình thức tổ
chức giáo dục STEM
1. Nội dung giáo dục STEM
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa
trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ
năng thuộc các lĩnh vực Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật
(Engineering) và Toán học (Mathematics) để phát triển phẩm chất, năng lực và giải
quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Khi thực hiện giáo dục STEM, khuyến khích tích hợp thêm
yếu tố nghệ thuật, nhân văn (Art) ở một số môn học/hoạt động giáo dục có trong
chương trình nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của giáo dục thực hành, hợp tác
theo nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tính sáng tạo, thẩm mỹ, trí tò mò và sự
thấu cảm của học sinh (thực hiện giáo dục STEAM)2.
2. Các hình thức tổ chức giáo
dục STEM
a) Bài học STEM
Dạy học các môn học theo bài học STEM là hình thức
tổ chức dạy học thực hiện tích hợp nội môn hoặc liên môn. Đây là hình thức triển
khai giáo dục STEM chủ yếu trong nhà trường nhằm thực hiện hiệu quả Chương
trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học STEM bám
sát yêu cầu cần đạt của các môn học/hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo
dục phổ thông cấp Tiểu học. Thời lượng tổ chức thực hiện bài học STEM được xây
dựng dựa trên thời lượng các môn học/hoạt động giáo dục có liên quan đến bài học
STEM một cách khoa học, linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh,
không gây quá tải đối với học sinh và giáo viên và được thể hiện trong kế hoạch
giáo dục nhà trường theo quy định.
Tiến trình thực hiện bài học STEM dựa trên quy
trình thiết kế kỹ thuật hoặc quy trình khám phá khoa học với các hoạt động học
phù hợp với đối tượng học sinh và sử dụng các thiết bị dạy học cấp Tiểu học
theo quy định của Bộ GDĐT đã ban hành3 cùng các đồ
dùng học tập của học sinh trong các môn học/hoạt động giáo dục, các vật tư, vật
liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh. Khuyến khích sử dụng các nguồn
tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm, có thể dễ dàng truy cập
sử dụng trong và ngoài lớp học để giúp học sinh chủ động trong học tập.
Đánh giá học sinh trong bài học STEM được thực hiện
như quy định về kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu
học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học STEM, giáo viên thực hiện đánh giá
học sinh dựa trên các phương pháp chủ yếu như quan sát, vấn đáp, đánh giá qua hồ
sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh. Khi đánh giá, cần coi trọng
đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên) động viên sự tiến bộ của học sinh, tạo
sự tự tin và hứng thú học tập cho học sinh.
b) Hoạt động trải nghiệm STEM
Hoạt động trải nghiệm STEM là hình thức tổ chức các
hoạt động giáo dục STEM thông qua câu lạc bộ STEM, ngày hội STEM, dự án học tập
STEM hoặc hoạt động trải nghiệm STEM trong thực tế tại các địa điểm phù hợp
theo mục tiêu, sở thích, năng khiếu và nguyện vọng của học sinh nhằm tạo hứng
thú và động lực học tập, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất và bồi dưỡng
đam mê, năng khiếu cho học sinh. Hoạt động trải nghiệm STEM được xây dựng trong
kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục và thực
tế tại địa phương.
Hoạt động trải nghiệm STEM được thiết kế dựa trên dạy
học tích hợp liên môn, nội dung đề cập đến nhiều lĩnh vực đòi hỏi học sinh huy
động tổng hợp kiến thức, kỹ năng để đề xuất giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề
thực tiễn một cách hiệu quả, linh hoạt và sáng tạo.
Không gian, thời gian tổ chức thực hiện hoạt động
trải nghiệm STEM có thể vượt ra ngoài không gian nhà trường (cơ sở sản xuất,
trường đại học, viện nghiên cứu,...), ngoài thời gian môn học/hoạt động giáo dục.
c) Làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật
Làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là hình
thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM dành cho những học sinh có năng khiếu,
có sở thích, hứng thú bước đầu tìm tòi, tiếp cận với nghiên cứu khoa học, kỹ
thuật để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Thông qua quá trình tổ chức dạy học các bài học
STEM và hoạt động trải nghiệm STEM, giáo viên phát hiện các học sinh có năng
khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em làm quen với nghiên cứu
khoa học, kỹ thuật.
Các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục
STEM để học sinh có cơ hội làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dưới hình
thức một đề tài/dự án nghiên cứu cá nhân hoặc nhóm học sinh, với sự hướng dẫn của
một giáo viên, nhóm giáo viên hoặc phối hợp với các lực lượng xã hội khác có
liên quan đến nội dung nghiên cứu (như gia đình, cơ sở sản xuất, trường đại học,
viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, chuyên gia, nghệ nhân, nhà khoa học...).
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cơ sở giáo dục
có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM, ngày hội giao lưu về nghiên cứu
khoa học, kỹ thuật tại đơn vị làm cơ sở để lựa chọn các đề tài/dự án nghiên cứu
tham gia các sân chơi về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phù hợp với học sinh cấp
Tiểu học.
III. Tổ chức thực hiện
1. Đối với Sở GDĐT
Xây dựng kế hoạch thực hiện giáo dục STEM cấp Tiểu
học tại địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao hiệu quả thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học, cụ thể:
- Đối với các tỉnh, thành phố đã tham gia thí điểm
năm học 2022-2023 gồm: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Cần
Thơ và Đồng Tháp xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai thực
hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục Tiểu học trên địa bàn bảo đảm chất lượng và
yêu cầu theo quy định.
- Đối với các tỉnh, thành phố còn lại xây dựng kế
hoạch triển khai theo lộ trình từng giai đoạn trên địa bàn, mỗi tỉnh chọn ít nhất
05 đơn vị cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn ít nhất 05 cơ sở giáo dục Tiểu học
để tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện, tổ chức hội nghị chuyên đề, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đến
năm học 2024-2025 triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục Tiểu học
trên địa bàn bảo đảm chất lượng và yêu cầu theo quy định.
Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa
phương cấp huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất (CSVC)
để bảo đảm thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục Tiểu học
trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định; thực hiện hiệu
quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên,
cha mẹ học sinh, học sinh về vai trò của giáo dục STEM; tăng cường giáo dục
Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM) tích hợp một số môn học/hoạt động
giáo dục có trong chương trình vào STEM giúp mở rộng, nâng cao hiệu quả của
giáo dục thực hành và hợp tác theo nhiều cách khác nhau, thúc đẩy tính sáng tạo,
trí tò mò và sự thấu cảm của học sinh.
Ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục Tiểu
học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học/hoạt động
giáo dục thực hiện giáo dục STEM bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện thực
tiễn của nhà trường, địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng
thuận, huy động nguồn lực của cộng đồng triển khai thực hiện hiệu quả giáo dục
STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương
có thể sử dụng nguồn học liệu gồm: tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên;
các chủ đề/bài học STEM do các chuyên gia và giáo viên xây dựng qua các đợt tập
huấn đã được Bộ GDĐT đưa lên địa chỉ website https://stemtieuhoc.edu.vn để tổ
chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng trong quá trình thực hiện.
2. Đối với Phòng GDĐT
Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo
viên, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình xây dựng và tổ chức thực
hiện giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn; tổ chức sơ kết,
tổng kết việc triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học trên địa bàn; kịp thời có
hình thức khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời
phát hiện khó khăn và có các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để thực hiện
hiệu quả; tổng hợp ý kiến của các cơ sở giáo dục tiểu học về các nội dung liên
quan và báo cáo Sở GDĐT trong quá trình thực hiện.
3. Đối với các cơ sở giáo dục
Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giáo dục STEM
trong kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động
giáo dục theo hướng dẫn tại Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 06/7/2021 với hình
thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường; xây dựng chuẩn hóa
phòng Khoa học và Công nghệ theo quy định, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất,
thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục STEM.
Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý,
giáo viên thực hiện giáo dục STEM; đẩy mạnh tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo
chuyên đề về thực hiện nội dung giáo dục STEM để nâng cao chất lượng đội ngũ thực
hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc xây dựng và thực
hiện kế hoạch; kịp thời phát hiện khó khăn và có các biện pháp xử lý phù hợp,
linh hoạt, tổng hợp ý kiến của các tổ chuyên môn và báo cáo Phòng GDĐT trong
quá trình thực hiện tại đơn vị.
Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo Phòng GDĐT và
các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình cấp Tiểu học triển khai thực
hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ
GDĐT (Vụ Giáo dục Tiểu học, email: vugdth@moet.gov.vn) trước ngày 30 tháng 6
hàng năm./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h c/đ);
- Các Cục, Vụ, Viện KHGDVN (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ GDTH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|
1 Quyết định số
131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công
nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 -
2025, định hướng đến năm 2030” trong đó quy định “triển khai mô hình giáo dục
tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục
STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học
máy tính phù hợp; đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các
nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để
hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số”
2 Art (Nghệ thuật,
nhân văn) trong ngữ cảnh giáo dục STEAM không chỉ đơn giản là âm nhạc và hội hoạ,...
Nghệ thuật còn bao gồm việc khám phá và giải quyết vấn đề thực tế một cách khéo
léo, khoa học, nhân văn trong việc khám phá, giải quyết các vấn đề thực tiễn;
việc trình bày, diễn đạt thông tin một cách mạch lạc, dễ hiểu để giúp học sinh
có cơ hội thể hiện, phát triển các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của
chương trình.
3 Thông tư số
37/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 về Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp Tiểu
học.