Kính gửi:
|
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện;
- Hiệu trưởng các trường cao đẳng, TCCN;
- Hiệu trưởng các trường THPT;
- Giám đốc các Trung tâm GDTX;
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.
|
Thực hiện Công văn số 4498/BGDĐT-PC ngày 03 tháng 9
năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2015 -
2016 về công tác pháp chế;
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thủ trưởng các đơn
vị thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế năm học 2015 - 2016 như sau:
I. Nhiệm vụ chung
1. Tập trung nâng cao vai trò của đội ngũ làm công
tác pháp chế, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, kế hoạch công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ngành Giáo dục và Đào tạo và Chỉ thị số
3131/CT-BGDĐT ngày 25/8/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm
năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường
xuyên.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số
1145/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về
ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai Đề án 1928 “Nâng cao chất lượng công tác
PBGDPL trong nhà trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” giai đoạn 2013 -
2016; Kế hoạch số 985/QĐ-UBND ngày 6/3/2015 của UBND Thành phố về công tác pháp
chế năm 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tăng cường thực hiện các Chương trình hành động
của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về Nghị quyết số 29-NQ/TW
ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế;
3. Tiếp tục rà soát, bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, nghiệp vụ,
phương pháp giảng dạy pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn Pháp luật, môn Giáo dục
công dân, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL và chuẩn hóa đội ngũ này theo quy định
của pháp luật.
II. Nhiệm vụ cụ thể
1. Kiện toàn nhân lực làm công tác
pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện và
thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở (đặc biệt là các cơ sở giáo dục
ngoài công lập) có trách nhiệm chỉ đạo, bố trí cán bộ
chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác pháp chế đạt chuẩn theo
quy định hiện hành.
Phòng Tổ chức Cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo,
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện và thủ trưởng các trường TCCN, cao đẳng
trực thuộc Sở quan tâm, bố trí đầy đủ số lượng giáo viên, giảng viên môn Pháp
luật, môn Giáo dục công dân tại đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ PBGDPL trong
năm học 2015 - 2016.
b) Hoàn thiện, nâng cao kiến thức về pháp luật, kỹ
năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế, đồng thời bổ sung kiến thức
chuyên sâu, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm
công tác pháp chế. Các đơn vị cử giáo viên, giảng viên môn pháp luật, môn giáo
dục công dân, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL tham gia đầy đủ các lớp tập huấn,
bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác pháp chế, PBGDPL do Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở
Tư pháp và các cơ quan chuyên môn khác tổ chức.
2. Hoạt động pháp chế
a) Về công tác xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật
- Các cơ sở giáo dục: Lập đề nghị xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân quận - huyện liên quan đến lĩnh vực giáo
dục và đào tạo ở địa phương; phối hợp Phòng Tư pháp lập dự kiến chương trình
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Ủy ban nhân dân quận - huyện.
- Các phòng, ban của Sở Giáo dục và Đào tạo: Lập đề
nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
Thành phố liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phối hợp Sở Tư pháp lập dự
kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở địa phương, đề nghị Phòng Tư pháp
thẩm định, trình Ủy ban nhân dân quận - huyện ký, ban hành.
- Soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự
phân công; có ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị
khác soạn thảo.
b) Về công tác kiểm tra, xử
lý; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị
có liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy
phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo do Ủy ban nhân dân quận - huyện
ban hành và kiến nghị Ủy ban nhân dân quận - huyện công bố văn bản hết hiệu lực
toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại Điều 11, Điều 20 và Điều 22 Nghị định số
16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa
văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực
giáo dục và đào tạo ở địa phương do Ủy ban nhân dân quận - huyện ban hành và tự
kiểm tra văn bản hành chính do Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Xây dựng báo cáo gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban
nhân dân quận - huyện về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh
vực giáo dục và đào tạo; đề xuất phương án xử lý những văn bản quy phạm pháp luật
mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.
- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở có
trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản hành chính do cơ quan,
đơn vị ban hành.
- Các phòng, ban của Sở Giáo dục và Đào tạo thường
xuyên tự kiểm tra, rà soát văn bản hành chính do mình tham mưu ban hành; Phòng
Pháp chế rà soát các văn bản hành chính tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
c) Công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch
công tác PBGDPL năm học 2015 - 2016 trong đó
lồng ghép việc triển khai, tuyên truyền Quyết định số 580/QĐ-BGDĐT ngày
26/02/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường giai đoạn 2013 - 2016”
được ban hành kèm theo Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA ngày 29/3/2013 của Trưởng Ban điều hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật trong nhà trường”.
- Tổ chức phổ biến kịp thời,
thường xuyên các quy định pháp luật mới về giáo dục và các quy định pháp luật
phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý của
đơn vị.
- Đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng
dạy các kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa; tăng cường nội dung,
hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhẹ nhàng, phù hợp với từng đối tượng
trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đổi mới
phương pháp dạy lồng ghép tích hợp, đưa tiết học chính khoá ra ngoài nhà trường
bằng nhiều hình thức tổ chức sinh động, thực tế cho học sinh dễ tiếp thu các kiến
thức pháp luật.
- Chỉ đạo tổ
chức hội thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi môn giáo dục công dân, báo cáo viên
pháp luật giỏi cấp trường; tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến góp ý Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo Quyết định
số 2631/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bổ sung, nâng cao chất lượng tủ sách pháp luật và
các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật. Xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang
thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục, thực hiện sổ tay phổ biến, giáo dục
pháp luật đầy đủ theo quy định. Chú trọng đánh
giá, nhân rộng điển hình các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của cơ sở về
công tác tuyên truyền, PBGDPL tại đơn vị.
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc Sở có trách nhiệm báo cáo công tác xây dựng kế hoạch triển
khai PBGDPL năm 2015 - 2016 về Phòng pháp chế trước ngày 10/10/2015 .
d) Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện
pháp luật
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận
- huyện và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở địa phương và
xây dựng Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật theo
quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của
Chính phủ.
- Kết hợp chặt chẽ
giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với tăng cường hoạt động kiểm tra việc
thực hiện pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các văn bản
quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật;
- Phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp
luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
- Xây dựng báo
cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện
pháp luật trong lĩnh vực giáo dục ở địa phương gửi Sở Giáo
dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân quận - huyện.
đ) Về công tác bồi thường của Nhà
nước
- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo phối
hợp Phòng Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện quản lý
nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
tại địa phương; Ban công tác bồi thường của Nhà nước tại cơ quan Sở Giáo
dục và Đào tạo tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
- Trưởng các phòng, ban của Sở
Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện
và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở có trách nhiệm thường
xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên
thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ khi giải quyết công việc của nhân dân nhằm hạn chế phát sinh trường hợp
bồi thường của Nhà nước, bồi thường dân sự.
Định kỳ sáu tháng (Trước ngày
15/11/2015) và hàng
năm (Trước ngày 29/4/2016), thống kê, tổng kết,
đánh giá việc thực hiện bồi thường nhà nước trong trong lĩnh vực giáo dục và
đào tạo ở địa phương gửi Phòng Tư pháp và Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện và Ủy ban
nhân dân Thành phố.
e) Công tác cải cách thủ tục
hành chính
Triển khai việc
thực hiện thủ tục hành chính: công bố các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản
lý; niêm yết đầy đủ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết
theo quy định của pháp luật tại nơi giải quyết thủ tục hành chính; niêm yết,
công khai nội dung và địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định
hành chính của cá nhân, tổ chức; giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng thời
hạn;
Rà soát, đánh giá
thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết theo kế hoạch hoặc theo sự chỉ đạo
của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện.
g) Về công tác thi đua,
khen thưởng
Quyết định khen thưởng theo thẩm
quyền hoặc đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân quận - huyện khen
thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế,
PBGDPL.
III. Tổ chức thực
hiện
1. Trưởng phòng Giáo dục và
Đào tạo quận - huyện và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở tổ chức quán triệt hướng dẫn này đến cán bộ quản lý,
giảng viên, giáo viên, nhân viên và người lao động,
chỉ đạo cán bộ làm công tác pháp chế xây dựng
chương trình, kế hoạch công tác pháp chế, phê
duyệt kế hoạch công tác pháp chế năm học 2015 - 2016, tạo điều kiện
cho việc triển khai thực hiện công tác pháp chế tại địa phương, đơn vị.
2. Cán bộ làm công tác pháp chế xây dựng
chương trình, kế hoạch thực hiện công tác pháp chế năm học 2015 - 2016, trình Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận
- huyện và thủ trưởng các cơ sở giáo dục phê duyệt và
gửi về Phòng Pháp chế- Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10/2015. Giúp Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện và thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên
quan trong công tác pháp chế.
3. Ngoài những báo cáo đột xuất theo
yêu cầu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận - huyện và thủ trưởng các cơ sở
giáo dục trực thuộc Sở báo cáo tổng kết công tác pháp
chế năm học và kết quả thực hiện các chỉ tiêu công
tác pháp chế năm học 2015 - 2016 trước ngày 03 tháng
5 năm 2016 để Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tổng hợp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo
và Ủy ban nhân dân Thành phố.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện nhiệm
vụ năm học 2015 - 2016 về công tác pháp chế. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị liên hệ Phòng
Pháp chế của Sở Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở Tư pháp;
- UBND quận - huyện;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Bùi Thị Diễm Thu
|