SỞ Y TẾ TP.HỒ CHÍ MINH
TRUNG
TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1073/TTKSBT-SKMT-YTTH
V/v hướng
dẫn vệ sinh và sử dụng các nguồn nước trong cơ sở giáo dục.
|
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 3 năm 2023
|
Kính gửi:
|
- Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM.
|
Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ
Y Tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác YTTH; Thông tư số
33/2021/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác YTTH
trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Thông tư số
41/2018/TT- BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Y tế về Ban hành quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho
mục đích sinh hoạt,
Qua theo dõi kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại một
số trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, gồm mẫu nước sạch qua bồn chứa, mẫu nước
uống qua hệ thống lọc, mẫu nước uống đóng bình nhận thấy có tình trạng mẫu
nhiễm vi sinh vật. Việc sử dụng nước không đạt tiêu chuẩn quy định có thể ảnh
hưởng đến sức khỏe từ đó ảnh hưởng đến việc học
tập của người học. Nhằm bảo vệ
sức khỏe của người học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật thành phố kính đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội triển khai trong hệ thống cơ sở giáo dục các nội dung như
sau:
I. Đối với nguồn nước sinh hoạt:
1.1. Nước sinh hoạt sử dụng trực tiếp từ mạng lưới cấp
nước qua hệ thống đường ống (nước máy trực tiếp): không cần giám sát chất lượng
nước định kỳ.
1.2. Nước sinh hoạt qua bể/bồn chứa:
a. Quy cách bể/bồn
chứa nước: Bể/bồn chứa nước nên chọn vật
liệu có độ bền cao, không bị thôi
nhiễm khi chứa nước. Màu sắc bên trong của bể/bồn chứa nước nên sử dụng vật liệu
sáng màu để dễ quan sát chất lượng nước bên trong. Nắp bể/bồn chứa phải kín, có
khóa chắc chắn để tránh bị bụi bẩn, sinh vật bên ngoài xâm nhập vào.
b. Vị trí đặt bể/bồn chứa nước:
- Trường hợp bể ngầm thì nắp bể phải cao hơn mặt đất, tránh bị ngập nước khi mưa hoặc
khi ảnh hưởng triều cường.
- Trường hợp bể/bồn chứa được đặt trên mặt đất: phải
đặt nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, đảm bảo an toàn, thông thoáng, xa nguồn ô nhiễm
(nhà chứa chất thải rắn, nhà vệ sinh...), thuận tiện cho việc vệ sinh định kỳ.
- Trường hợp bể/bồn chứa được đặt trên cao hoặc trên
mái nhà: vị trí đặt bể/bồn chứa phải kiên cố, thuận tiện cho việc kiểm tra, vệ
sinh bên trong và súc xả định kỳ.
c. Chế độ vệ sinh:
- Kiểm tra định kỳ: ít nhất 1 tháng/lần kiểm tra vệ
sinh xung quanh bể/bồn chứa, kiểm tra cặn lắng bên trong bể/bồn chứa. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường,
cặn lắng... thì tiến hành súc xả ngay.
- Súc xả bể/bồn chứa nước: khuyến cáo định kỳ 06
tháng/lần, nên thực hiện trước mỗi đợt lấy mẫu xét nghiệm hoặc khi cần thiết.
- Quy trình súc xả bể/bồn chứa nước: Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật thành phố đề xuất quy trình vệ sinh bể/bồn chứa nước như sau:
Lưu ý: nếu bể/bồn chứa nước có thể tích lớn, bể/hồ kín hoặc sâu thì cần chú ý đến các điều kiện
an toàn cho người súc xả, phòng ngạt
khí trong khi súc rửa.
d. Xét nghiệm định kỳ:
- Số lượng và vị trí lấy mẫu thử nghiệm như sau: lấy
ít nhất 02 mẫu gồm 01 mẫu tại bể chứa nước tập trung và 01 mẫu ngẫu nhiên tại
vòi sử dụng. Nếu có từ 02 bể chứa nước tập trung trở lên thì mỗi bể lấy ít nhất 01 mẫu tại bể và 01
mẫu ngẫu nhiên tại vòi sử dụng (quy định tại khoản 3 điều 6 Quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt).
- Chỉ tiêu xét nghiệm:
+ Đối với nước được cung cấp từ các đơn vị cấp nước
(nước máy): xét nghiệm 02 thông số vi sinh vật nhóm A.
+ Đối với nước giếng khoan tự khai thác: xét nghiệm
toàn bộ thông số chất lượng nước sạch được
quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục
đích sinh hoạt. Tần suất xét nghiệm: thông số chất lượng nước sạch nhóm A:
không ít hơn 01 lần/1 tháng, thông số chất lượng nước sạch nhóm B: không ít hơn 01 lần/6 tháng (quy định tại khoản 5 điều
5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh
hoạt).
II. Đối với nước uống đóng bình:
Cơ sở giáo dục khi lựa chọn nước uống đóng bình để
cung cấp nước uống cho người học cần lưu ý các vấn đề
sau:
- Lựa chọn các đơn vị cung cấp có đầy đủ hồ sơ pháp lý của lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh về nước uống đóng bình: Giấy phép đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các hồ sơ tương đương khác quy định tại
điểm k khoản 1 điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật an toàn thực phẩm; Hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm.
- Chất lượng nước uống đóng bình: Phải đạt chất lượng nước uống trực tiếp đúng với chất lượng cơ
sở đã công bố trong hồ sơ tự công
bố chất lượng sản phẩm.
- Bảo quản: Các bình nước chưa sử dụng cần được để
nơi khô, thoáng, không để trực tiếp trên sàn nhà hoặc theo hướng dẫn của cơ sở
sản xuất.
III. Đối với nước qua hệ thống lọc:
Cơ sở giáo dục khi lắp đặt hệ thống lọc nước để cung
cấp nước uống cho người học cần lưu ý các vấn đề sau:
- Nguồn nước đầu vào: Sử dụng nước đạt tiêu chuẩn nước
sạch theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT .
- Vệ sinh lõi lọc: Cần vệ sinh bộ lọc định kỳ theo
khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên, thời gian này cũng có thể thay đổi, phụ
thuộc vào khối lượng nước đi qua bộ lọc, hoặc khi nước đầu vào có nhiều cặn. Do
đó, bất kỳ thời điểm nào phát hiện sự khác biệt trong nước như màu sắc, mùi vị
lạ thì đó là dấu hiệu cho thấy bộ lọc
của hệ thống lọc nước cần được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ.
- Thay lõi lọc: Việc vệ sinh lõi lọc nước chỉ có thể
làm sạch tạm thời qua các lõi, đôi khi có thể gây ra nhiễm khuẩn hay bị hư lõi
lọc trong quá trình vệ sinh. Do đó, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của máy cũng như độ an
toàn của nguồn nước đầu ra, việc thay thế các lõi lọc định kỳ nên thực hiện
theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Giám sát chất lượng nước uống sau hệ thống lọc nước:
Do hiện nay chưa có quy định về chất lượng nước uống qua hệ thống lọc. Do đó, nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng cho việc uống nước trực
tiếp sau lọc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo nước sau hệ thống
lọc nên xét nghiệm các thông số vi sinh vật theo QCVN 6-1:2010/BYT Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai. Sau khi
lắp đặt hệ thống lọc cần thực hiện kiểm tra chất lượng nước uống sau hệ thống lọc
trước khi đưa vào sử dụng hoặc sau mỗi lần vệ sinh lõi lọc, thay thế lõi lọc mới./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- BS.Nguyễn Hữu Hưng-PGĐ SYT;
- Phòng NVY SYT;
- BGD TTKSBT
- Lưu: VT, SKMT-YTTH (NTST-6b).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Lê
Hồng Nga
|