Kính gửi: Hiệp
hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Bộ Tài chính nhận được Báo cáo số 4909/BC-VPCP ngày
03/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình
cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu
năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm. Tại mục X.2 và XI Phụ
lục I kèm theo Báo cáo, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp các đề xuất, kiến nghị
của Hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và có ý kiến trả lời đề xuất, kiến nghị của
Hiệp hội, doanh nghiệp (Nội dung chi tiết tại Phụ lục kèm theo Công văn).
Bộ Tài chính có ý kiến để Hiệp hội, doanh nghiệp được
biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi (để b/c);
- TCT; TCHQ;
- Cục QLCS; Cục TCDN;
- Cục QLKTKT;
- Vụ TCNH; Vụ CST;
- Lưu: VT, VP (30b).
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
Trần Nam Trung
|
PHỤ LỤC
NỘI DUNG TRẢ LỜI ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA HIỆP HỘI, DOANH
NGHIỆP TẠI BÁO CÁO SỐ 4909/BC-VPCP
(Kèm theo Công văn số 9494/BTC-VP ngày 06 tháng 9 năm 2023 của Bộ Tài chính)
1. Về kiến nghị số thứ tự 24 Phụ
lục X.2
(i) Nội dung kiến nghị
Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn
cho phép không hồi tố thời gian chậm nộp thuế GTGT khi tái nhập hàng xuất khẩu
đã được hoàn thuế GTGT bị trả về.
(ii) Nội dung trả lời
Liên quan đến vướng mắc của Hiệp hội, Tổng cục Thuế
đã có công văn số 1176/TCT-KK ngày 19/4/2021 gửi Hiệp hội hướng dẫn như sau:
“Căn cứ các quy định nêu trên, cơ sở kinh doanh
trong kỳ tính thuế có hàng hóa xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu
trừ từ 300 triệu đồng trở lên, đã lập, gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế và được cơ
quan thuế giải quyết hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định.
Cơ sở kinh doanh đã được nhận tiền hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Trường hợp hàng hóa đó không còn là hàng hóa xuất
khẩu, không được hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu, cơ sở kinh doanh thực
hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả, nộp lại
số tiền thuế GTGT đã được hoàn trả tương ứng với giá trị hàng hóa không đủ điều
kiện, hoàn thuế và nộp tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 59
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14”.
Theo đó, kiến nghị của Hiệp hội với Bộ Tài chính hiện
nay là không phù hợp vì quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế hiện
hành được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật quản lý thuế.
2. Về kiến nghị số thứ tự 208
Phụ lục XI
(i) Nội dung kiến nghị
Đề nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều
5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa
ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp
doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN; sửa đổi
quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại điểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức
tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, ... để các doanh
nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ
khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
(ii) Nội dung trả lời
Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của
một số doanh nghiệp, Hiệp hội về vấn đề này. Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị, đề
xuất của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam về việc xác định các
bên có quan hệ liên kết trong trường hợp vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Bộ Tài
chính đang thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP và
sẽ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, các doanh nghiệp để
nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 132/2020NĐ-CP trong thời gian tới.
3. Về kiến nghị số thứ tự 210
Phụ lục X.2
3.1. Kiến nghị về hoàn thuế GTGT
(i) Nội dung kiến nghị
Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn
thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm,
gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết
2023.
(ii) Nội dung trả lời
Trong 03 năm 2020-2022, trước ảnh hưởng của dịch
Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình
cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực
tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất,
trong đó có quy định về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế GTGT, thuế
TNDN, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất.
Năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, đồng
thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên
cứu, trình Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia
tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong
năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ. Theo đó,
cho phép gia hạn 06 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng
5 năm 2023 và quý I năm 2023, gia hạn 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng
của tháng 6 năm 2023 và quý II năm 2023, gia hạn 04 tháng đối với số thuế giá
trị gia tăng của tháng 7 năm 2023, gia hạn 03 tháng đối với số thuế giá trị gia
tăng của tháng 8 năm 2023; gia hạn 03 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp
tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023; hộ kinh
doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá
nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền
thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban
hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 của Chính phủ về gia hạn thời hạn
nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, theo
đó gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát
sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô
tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2023 và Nghị định
số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ về chính sách giảm thuế GTGT theo
Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ
ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, theo đó giảm thuế GTGT đối với các nhóm
hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch
vụ được quy định chi tiết tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số
44/2023/NĐ-CP .
Ngoài ra, nội dung nêu trên đã được Bộ Tài chính trả
lời tại công văn số 7210/BTC-CST ngày 11/7/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về
báo cáo kết quả triển khai Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023.
Do vậy, đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tham
khảo nội dung tại công văn.
3.2. Kiến nghị về giảm thuế nhập khẩu
(i) Nội dung kiến nghị
Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề
nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2%
xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.
(ii) Nội dung trả lời
Hiện hành việc quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu
ưu đãi 2% đối với mặt hàng khô dầu đậu tương đã đảm bảo nguyên tắc ban hành Biểu
thuế, thuế suất, khuyến khích ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất
trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp thức
ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, năm 2021, để hỗ trợ ngành chăn nuôi
trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số
101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 trong đó giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt
hàng lúa mì xuống 0%, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng ngô từ 5%
xuống 2%. Ngoài ra, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng thức ăn chăn
nuôi khác (thuộc chương 23) hầu hết đã là 0% trừ chế phẩm dùng trong chăn nuôi
(nhóm 23.09) cho một số loài có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%, qua đó
đã góp phần tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi trong nước.
Thời gian qua, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam và Tập
đoàn Dabaco cũng có kiến nghị về việc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khô
dầu đậu tương, tuy nhiên, sau đó, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam và Tập đoàn
Dabaco đều có công văn rút lại kiến nghị và đề nghị duy trì mức thuế suất thuế
nhập khẩu ưu đãi 2% đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành. Theo đó,
trước mắt đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu hiện hành.
Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số
58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động
thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023, trong đó, giao Bộ
Tài chính: “... tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội rà soát trình
Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với
nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP , trong thời gian tới, Bộ
Tài chính sẽ rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu
ưu đãi đối với các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và
trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để đề xuất phương án
điều chỉnh cho phù hợp.
3.3. Kiến nghị liên quan đến chính sách thuế đối
với hoạt động chế biến
(i) Nội dung kiến nghị
Đề nghị Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp
luật nhằm xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực
hiện chính sách thuế TNDN theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021
của Bộ Tài chính để thực hiện thống nhất & hiệu lực, hiệu quả.
(ii) Nội dung trả lời
Đối với nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính
ghi nhận ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để
nghiên cứu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách.
4. Về kiến nghị số thứ tự 211
Phụ lục XI
(i) Nội dung kiến nghị
Kiến nghị Bộ Tài chính cải tiến quy trình kiểm tra
sau thông quan cho các doanh nghiệp trong đó giảm thiểu việc kiểm tra đối với
những doanh nghiệp có quá trình vận hành tốt và không có lịch sử vi phạm các
quy định về hoạt động xuất nhập khẩu.
(ii) Nội dung trả lời
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục
Kiểm tra sau thông quan và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thống kê và báo cáo
tình hình kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp thủy sản trong thời gian
từ 01/01/2021 đến trước 14/7/2023.
Kết quả, có 12/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và
các đơn vị của Cục Kiểm tra sau thông quan phát sinh số liệu, cụ thể:
- Tổng số doanh nghiệp được kiểm tra là 46 doanh
nghiệp, trong đó: có 28 doanh nghiệp thực hiện kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)
tại trụ sở người khai hải quan, 18 doanh nghiệp thực hiện KTSTQ tại cơ quan hải
quan.
- Tổng số doanh nghiệp bị ấn định thuế là 25 doanh
nghiệp với số tiền thuế là 7,651,244,893 đồng.
- Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp gồm:
+ Công ty đã vi phạm quy định về quản lý nguyên liệu,
vật tư (NLVT) nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu dẫn đến hành hoá thực tế
tồn kho thiếu (âm) so với hồ sơ hải quan.
+ Hành vi cung cấp các tài liệu, chứng từ không
đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận
xuất xứ hàng hóa.
+ Khai sai mã số hàng hóa.
+ Khai báo sai đối tượng miễn thuế đối với hàng hóa
nhập khẩu.
+ Lập báo cáo quyết toán không đúng so với sổ.
+ Khai sai về thuế suất dẫn đến thiếu số tiền thuế
phải nộp.
+ Sử dụng đối tượng miễn thuế không đúng với mục
đích mà không khai báo với cơ quan hải quan.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính nhận thấy:
- Số cuộc KTSTQ đối với doanh nghiệp thủy sản (46
cuộc kiểm tra) trên tổng số doanh nghiệp hoạt động XNK thủy sản (trên 2900
doanh nghiệp) chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1.6% trong thời gian hơn 2 năm trên toàn
quốc.
- Tỷ lệ doanh nghiệp bị ấn định thuế và xử phạt vi
phạm hành chính sau kiểm tra là hơn 54% số cuộc kiểm tra.
Do vậy, Bộ Tài chính thấy chưa có cơ sở xem xét kiến
nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam về công tác kiểm tra
sau thông quan đối với doanh nghiệp thủy sản.