BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 6642/BTC-CST
V/v hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp bị tổn thất.
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 05 năm 2014
|
Kính gửi:
|
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương;
- Các Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan.
|
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông
báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc
phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục
Thuế, Cục Hải quan các tỉnh thành phố nơi có doanh nghiệp bị thiệt hại do hành
vi vi phạm pháp luật của một số người biểu tình để phản đối việc Trung Quốc hạ
đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, thực hiện một số
nội dung sau:
1. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan:
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ phần đầu mối do UBND tỉnh
chỉ định (Bộ phận đầu mối) để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành
chính; cung cấp hồ sơ thuế, hồ sơ hải quan và tài liệu, chứng từ lưu giữ tại cơ
quan thuế, cơ quan hải quan liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi
có yêu cầu của Bộ phần đầu mối và đề nghị của doanh nghiệp bị thiệt hại; hỗ trợ
các doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn,
giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế…), hồ sơ hải quan (Tờ khai hải
quan, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế...) và các tài liệu, chứng từ phục
vụ cho việc xác định giá trị bị thiệt hại của doanh nghiệp.
- Cử cán bộ làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp
bị thiệt hại và phối hợp với Bộ phận đầu mối để nắm tình hình thiệt hại thực tế
của từng doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chính sách, chế độ
cũng như thực hiện các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại,
sớm trở lại sản xuất kinh doanh theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, gia hạn
thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp NSNN của doanh nghiệp bị thiệt hại:
a) Về số thuế được gia hạn nộp thuế:
- Số thuế được gia hạn: là toàn bộ số tiền thuế
phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 chưa nộp ngân sách của doanh nghiệp liên quan
đến cơ sở bị thiệt hại nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa
xác định được giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp để thực
hiện việc gia hạn nộp thuế.
- Thời gian gia hạn nộp thuế là hai năm kể từ ngày
hết thời hạn nộp thuế. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế không tính tiền chậm
nộp tiền thuế đối với số tiền thuế được gia hạn.
b) Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm có:
+ Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của doanh nghiệp;
+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận
của Bộ phận đầu mối (bản chụp). Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê xác nhận
giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp về giá trị thiệt hại
để xác định số thuế được gia hạn.
c) Về thời gian nộp hồ sơ gia hạn nộp hồ sơ khai
thuế, khai hải quan:
- Đối với các hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế
tháng 4/2014 thực hiện gia hạn thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 20/6/2014.
Căn cứ danh sách các doanh nghiệp bị thiệt hại do Bộ
phận đầu mối tiếp nhận cung cấp, cơ quan thuế xác định các doanh nghiệp thuộc đối
tượng được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và thông báo cho doanh nghiệp, không yêu
cầu doanh nghiệp phải làm văn bản đề nghị.
- Thực hiện gia hạn thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản
đối với hợp đồng gia công, hồ sơ không thu thuế hàng sản xuất xuất khẩu, tạm nhập
- tái xuất đã đến hạn thanh khoản của các doanh nghiệp bị thiệt hại. Cục trưởng
Cục Hải quan căn cứ thực tế từng trường hợp quyết định thời gian gia hạn nộp hồ
sơ thanh khoản 90 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh khoản.
d) Thẩm quyền gia hạn nộp thuế: Thủ trưởng cơ quan
thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành quyết định gia hạn nộp thuế,
Thời hạn giải quyết: chậm nhất không quá 2 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp bị thiệt hại, cơ quan
thuế quản lý trực tiếp ban hành Quyết định về việc gia hạn nộp thuế theo mẫu số
02/GHAN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ
Tài chính.
3. Về miễn, giảm, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu:
a) Về miễn, giảm và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu:
- Số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được miễn, giảm
tương ứng số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị
thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với
hàng hóa bị thiệt hại thì được hoàn tiền thuế đã nộp của hàng hóa bị thiệt hại.
- Hồ sơ miễn, giảm và hoàn thuế thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu gồm có:
+ Công văn đề nghị miễn, giảm và hoàn thuế nhập khẩu
cho hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại, trong đó nêu rõ giá trị hàng hóa bị thiệt
hại và số tiền thuế đề nghị được miễn, giảm và hoàn.
+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận
của Bộ phận đầu mối tiếp nhận (bản chụp). Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê
xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp về giá trị
thiệt hại để xác định số thuế được gia hạn.
+ Hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều
12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về
thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: 01 bản chụp.
Trường hợp hồ sơ chứng từ, sổ sách kế toán...bị
cháy, thất lạc thì sử dụng hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan hoặc dựa trên cam kết
của doanh nghiệp để làm cơ sở xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp.
- Thẩm quyền miễn, giảm thuế: Cục trường Cục Hải
quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thực hiện miễn, giảm
thuế nhập khẩu. Trường hợp nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khác nơi xảy ra
tổn thất thì cơ quan hải quan nơi xảy ra tổn thất có trách nhiệm phối hợp với
cơ quan hải quan nơi nhập khẩu để thực hiện miễn, giảm thuế nhập khẩu.
Sau khi ra quyết định miễn thuế cơ quan hải quan thực
hiện hoàn thuế nhập khẩu đã nộp cho doanh nghiệp tương ứng với số thuế nhập khẩu
được miễn hoặc thực hiện bù trừ tiền thuế theo yêu cầu của doanh nghiệp.
b) Về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
Cơ quan Hải quan thực hiện việc thông quan đối với
các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế.
Trường hợp chưa có Biên bản xác nhận thiệt hại thì căn cứ cam kết của doanh
nghiệp để cho thông quan.
5. Về khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng:
Thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào
của hàng hóa, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường bảo hiểm. Trường hợp
doanh nghiệp không còn chứng từ, hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện sử dụng chứng
từ, tờ khai có liên quan lưu giữ ở cơ quan thuế để giải quyết cho doanh nghiệp.
- Đối với trường hợp hóa đơn, chứng từ doanh nghiệp
đã kê khai, gửi cơ quan thuế: Cơ quan thuế căn cứ trên tờ khai thuế GTGT (kèm Bảng
kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào) để giải quyết khấu trừ, hoàn thuế GTGT
cho doanh nghiệp theo quy định.
- Đối với trường hợp hóa đơn, chứng từ mua vào chưa
kê khai nhưng bị mất, cháy, hỏng:
+ Doanh nghiệp lập bảng kê những đơn vị (bên bán)
cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa kê khai khấu
trừ đầu vào mà bị mất, cháy, hỏng hóa đơn. Doanh nghiệp cam kết về tính chính
xác của các thông tin tại bảng kê.
+ Cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp đề nghị các đơn
vị bán hàng (trong nước) cung cấp bản chụp các hóa đơn này gửi doanh nghiệp để
doanh nghiệp kê khai, khấu trừ. Đối với chứng từ nộp thuế ở khâu nhập khẩu bị mất,
cháy, hỏng, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Hải quan cung cấp bản chụp hoặc xác nhận
số thuế đã nộp làm căn cứ kê khai, khấu trừ.
+ Cơ quan thuế quản lý trực tiếp liên hệ với cơ
quan thuế quản lý bên bán để xác định nếu bên bán đã kê khai đầu ra đối với những
hóa đơn này thì doanh nghiệp được kê khai đầu vào tương ứng để khấu trừ, hoàn
thuế theo quy định.
6. Về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Doanh nghiệp được kê khai vào chi phí được trừ khi
xác định thu nhập tỉnh thuế TNDN đối với phần giá trị thiệt hại không được bồi
thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả lãi vay góp vốn điều lệ
cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại. Đối với phần chi phí thiệt hại không được
bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường, thực hiện cụ thể như sau:
- Căn cứ trên giá trị thiệt hại do đơn vị bảo hiểm
xác nhận (hoặc Bộ phận đầu mối trong trường hợp không có bảo hiểm) sau khi trừ
đi phần được bảo hiểm bồi thường (nếu có) và giá trị thu hồi (nếu có), doanh
nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN. Riêng đối
với tài sản cố định (TSCĐ) bị hư hỏng, đã được sửa chữa để sử dụng tiếp thì chi
phí doanh nghiệp chi ra để sửa chữa TSCĐ được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ
đó để trích khấu hao (không tính vào chi phí được trừ).
- Hồ sơ xác định giá trị thiệt hại bao gồm:
+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận
của Bộ phận đầu mối tiếp nhận (bản chụp). Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê
xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp.
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm
chấp nhận bồi thường (nếu có).
+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
phải bồi thường (nếu có).
7. Về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt:
Thực hiện giảm 30% số thuế TTĐB phải nộp trong năm
2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.
- Số thuế TTĐB phải nộp của năm 2014 để làm căn cứ
xác định số thuế được giảm là số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB bị thiệt
hại đã kê khai thuế TTĐB.
- Hồ sơ đề nghị giảm thuế thực hiện theo hướng dẫn
tại Điều 46 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của
Bộ Tài chính. Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại do đơn vị bảo hiểm
xác nhận (hoặc Bộ phận đầu mối trong trường hợp không có bảo hiểm). Trường hợp
chưa có Biên bản xác nhận thiệt hại thì căn cứ cam kết của doanh nghiệp để thực
hiện việc giảm thuế TTĐB và thực hiện hậu kiểm sau khi có Biên bản xác nhận thiệt
hại.
8. Về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng:
Trên cơ sở Biên bản xác nhận thiệt hại, Cục Thuế phối
hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương quyết định việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp
bị thiệt hại.
Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại thuê hạ tầng gắn
với quyền sử dụng đất thì Cục Thuế làm việc với công ty kinh doanh hạ tầng,
doanh nghiệp bị thiệt hại để xác định số tiền thuê hạ tầng mà doanh nghiệp bị
thiệt hại phải trả cho công ty kinh doanh hạ tầng; số tiền thuê đất được miễn,
giảm của công ty kinh doanh hạ tầng tương ứng với số tiền thuê hạ tầng mà doanh
nghiệp bị thiệt hại được miễn, giảm.
Công ty kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm khấu trừ
số tiền thuê hạ tầng của doanh nghiệp bị thiệt hại tương ứng với số tiền thuê đất
được miễn, giảm.
9. Định kỳ hàng tháng, Cục Thuế, Cục Hải quan có
trách nhiệm báo cáo kết quả đã thực hiện Thông báo số 207/TB-VPCP ngày
20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ trong tháng gửi Bộ Tài chính, UBND tỉnh,
thành phố, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trước ngày thứ 10 của tháng sau liền
kề.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, đề
nghị các cơ quan liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời được giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo)
- TCT, TCHQ; Vụ PC;
- Lưu: VT, CST (TN)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|