Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3542/BKHCN-PTTTDN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Hoàng Minh
Ngày ban hành: 18/09/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3542/BKHCN-PTTTDN
V/v đề nghị cung cấp thông tin, báo cáo về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2024

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) trong thời gian qua đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ trên cả nước và đạt được nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng trong nước, quốc tế đánh giá cao. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ giao về phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/6/2023, để nắm bắt thực trạng, bức tranh toàn cảnh hệ sinh thái KNST, làm cơ sở kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Quý Cơ quan phối hợp:

1. Báo cáo tình hình ban hành chính sách, kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp sáng tạo do Quý Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện; Cung cấp thông tin, dữ liệu về hoạt động KNST tại địa phương đến nay (tháng 8/2024).

2. Nghiên cứu, góp ý và bổ sung thông tin xây dựng Đề cương báo cáo kết quả Đề án 844 giai đoạn 2016 - 2024 trình Thủ tướng Chính phủ.

(Biểu mẫu thu thập thông tin, dự thảo Đề cương báo cáo tại phụ lục kèm theo).

3. Tham gia, đồng hành cùng chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST), dự kiến vào ngày 26 - 28/11/2024 tại thành phố Hải Phòng (thư mời chính thức sẽ gửi đến Quý Cơ quan sau).

Thông tin, tư liệu xin gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội và qua thư điện tử [email protected] trước ngày 26/9/2024 để tổng hợp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c)
- Lưu VT, PTTTDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Minh

Đầu mối liên hệ: Đồng chí Vũ Thu Trang, chuyên viên phòng Khởi nghiệp sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, số điện thoại: 039.422.6621.

PHỤ LỤC I

BIỂU MẪU THU THẬP VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN DÀNH CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Công văn số 3542/BKHCN-PTTTDN ngày 18 tháng 09 năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ)

Phần A. THÔNG TIN CHUNG

A. Thông tin về cơ quan và người trả lời

A1. Tên đơn vị:................................................................................................................

A2. Địa chỉ:.......................................................................................................................

A3. Số điện thoại: ............................................................................................................

A4. Email:.........................................................................................................................

A5. Lãnh đạo phê duyệt thông tin

A5.1. Họ và tên:.........................................................................................................

A5.2. Chức vụ: ..........................................................................................................

A5.3. Số điện thoại:...................................................................................................

A5.4. Email: ..............................................................................................................

A6. Thông tin về người điền phiếu

A6.1. Họ và tên:.........................................................................................................

A6.2. Chức vụ/vị trí:..................................................................................................

A6.3. Số điện thoại (cố định):...................................................................................

A6.4. Số điện thoại (di động):...................................................................................

A6.5. Email:...............................................................................................................

Phần B. BÁO CÁO TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI, KẾT QUẢ NỔI BẬT HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

(Từ ngày... tháng…năm… đến ngày…tháng…năm…)

I. Tình hình triển khai, kết quả hoạt động KNST

I.1. Tình hình tổ chức triển khai và kết quả đạt được

- Hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách;

- Hoạt động nâng cao năng lực, huấn luyện, đào tạo, ươm tạo;

- Hoạt động truyền thông về KNST;

- Hoạt động tổ chức cuộc thi về KNST;

- Hoạt động hợp tác quốc tế về KNST;

- Hoạt động kết nối đầu tư và gọi vốn cho KNST;

- Hình thành và phát triển các tổ chức hỗ trợ, trung tâm hỗ trợ KNST;

- Tình hình sử dụng kinh phí cho hoạt động KNST;

- Các hoạt động khác.

II.2. Hiệu quả, tác động của các hoạt động KNST

- Hiệu quả, tác động về kinh tế - xã hội;

- Hiệu quả thu hút vốn đầu tư cho KNST;

- Hiệu quả hình thành và phát triển cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNST;

- Hiệu quả hình thành và phát triển cá nhân, tổ chức hỗ trợ KNST;

- Hiệu quả, tác động khác.

II. Nhận xét, đánh giá

II.1. Thuận lợi

- Về bối cảnh kinh tế - xã hội;

- Về cơ chế chính sách;

- Về nguồn lực;

- Về công tác phối hợp tổ chức thực hiện;

- Các nội dung khác.

II.2. Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc

- Về bối cảnh kinh tế - xã hội;

- Về cơ chế chính sách;

- Về nguồn lực;

- Về công tác phối hợp tổ chức thực hiện;

- Các nội dung khác.

II.3. Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan

- Nguyên nhân chủ quan

III. Đề xuất, kiến nghị

1. Đề xuất

- Về mặt cơ chế, chính sách

- Về nguồn lực hỗ trợ, hoạt động

- Về đội ngũ nhân lực

- Những nội dung đề xuất khác

2. Kiến nghị

Phần C. CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Lưu ý:

+ Nêu số hiệu, tên văn bản, cơ quan ban hành, thời gian ban hành và thời hạn hiệu lực.

+ Tất cả văn bản đều phải kèm theo tài liệu minh chứng. Khi cung cấp dữ liệu trực tuyến, tài liệu minh chứng cần tập hợp thành một thư mục và đặt tên file và tải lên ở cuối phiếu.

+ Đối với các văn bản không quy định thời hạn hiệu lực, địa phương sẽ điền “-“ vào ô “Thời gian hiệu lực”.

+ Đối với các văn bản có thời gian theo giai đoạn và định hướng, ghi nhận thời hạn hiệu lực theo giai đoạn. Ví dụ: Nghị quyết về Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2030 -> thời hạn hiệu lực là 2025.

C1. Liệt kê các chương trình, kế hoạch, quy định, chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện đang được thực hiện ở địa phương (đang có hiệu lực thực thi, tính đến ngày 31/8/2024):

C1.1. Văn bản do Tỉnh ủy/Thành ủy ban hành

TT

Số hiệu văn bản

Tên văn bản

Cơ quan ban hành

Thời gian ban hành

Thời hạn hiệu lực

Ví dụ

Chương trình số 36- Ctr/TU

Chương trình Triển khai thực hiện Chuyên đề Phát triển công nghiệp CNC, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao

Thành ủy thành phố Đà Nẵng

13/01/2020

--

1

2

C1.2. Văn bản do Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố ban hành

TT

Số hiệu văn bản

Tên văn bản

Cơ quan ban hành

Thời gian ban hành

Thời hạn hiệu lực

Ví dụ

Nghị quyết số 328/2020/ NQ-HĐND

NQ quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Tp. Đà Nẵng đến năm 2025

HĐND thành phố Đà Nẵng

09/12/2020

2025

1

2

C1.3. Văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành

TT

Số hiệu văn bản

Tên văn bản

Cơ quan ban hành

Thời gian ban hành

Thời hạn hiệu lực

Ví dụ

Kế hoạch số 216/KH- UBND

Kế hoạch Thực hiện đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025

UBND thành phố Đà Nẵng

21/12/2021

2025

1

2

C1.4. Liệt kê các chương trình, kế hoạch, quy định, chính sách khác có liên quan tới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển tài sản trí tuệ…) hiện đang được thực hiện ở địa phương (đang có hiệu lực thực thi, tính đến ngày 31/8/2024):

TT

Số hiệu văn bản

Tên văn bản

Cơ quan ban hành

Thời gian ban hành

Thời hạn hiệu lực

Ví dụ

Nghị quyết số 11/NQ-TU

Nghị quyết về phát triển, ứng dụng KH,CN và ĐMST phục vụ phát triển KT-XH

Tỉnh ủy Phú Yên

18/8/2021

-

1

2

Phần D. BẢNG TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO TẠI ĐỊA PHƯƠNG

 (Từ ngày... tháng…năm… đến ngày…tháng…năm…)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

2023

2024

I

Tổ chức, cá nhân có hoạt động, hỗ trợ, đầu tư KNST[1]

1

Cá nhân, nhóm cá nhân, dự án KNST[2]

Người/Nhóm Dự án

2

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo[3]

Doanh nghiệp

3

Cơ sở ươm tạo[4]

Tổ chức

4

Tổ chức thúc đẩy kinh doanh[5]

Tổ chức

5

Khu làm việc chung[6]

Tổ chức

6

Cố vấn, huấn luyện viên KNST[7]

Người

7

Nhà đầu tư cá nhân cho KNST[8]

Người

8

Nhà đầu tư tổ chức (quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư)[9]

Tổ chức

9

Tổ chức hỗ trợ khác[10]

Tổ chức

II

Hoạt động, kết quả xây dựng hệ sinh thái KNST

1

Sự kiện, hội thảo, hội nghị kết nối

Sự kiện

2

Thỏa thuận hợp tác được ký kết

Thỏa thuận

3

Khóa đào tạo, tập huấn được tổ chức

Khóa

4

Chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh được tổ chức

Chương trình

5

Cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức

Cuộc thi

6

Điều tra khảo sát

Hoạt động

7

Chương trình thăm quan, học tập, tìm hiểu thị trường, kết nối trong nước

Chương trình

8

Chương trình thăm quan, học tập, tìm hiểu thị trường, kết nối nước ngoài

Chương trình

9

Số lượt dự án, doanh nghiệp KNST được tư vấn, hỗ trợ

Lượt tư vấn, hỗ trợ

10

Số cá nhân, dự án, doanh nghiệp KNST được hỗ trợ tham gia tìm hiểu thị trường nước ngoài

Cá nhân/doanh nghiệp

11

Tổng vốn đầu tư cho doanh nghiệp KNST

Triệu đồng[11]

12

Số thương vụ đầu tư cho doanh nghiệp KNST

Thương vụ

13

Kinh phí từ nguồn ngân sách chi cho hoạt động KNST trên địa bàn

Triệu đồng

PHỤ LỤC II

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO KẾT QUẢ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025” GIAI ĐOẠN 2016 – 2024
 (Kèm theo Công văn số 3542/BKHCN-PTTTDN ngày 18 tháng 09 năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Mục đích, ý nghĩa của Đề án 844

1.1. Bối cảnh và sự ra đời của Đề án 844

Trong bối cảnh công nghệ, tri thức và sáng tạo trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta đã có tốc độ tăng trưởng cao, cơ sở hạ tầng bước đầu phát triển, đời sống cải thiện, vị trí trên trường quốc tế nâng cao. Tuy nhiên, đất nước cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như già hóa dân số, thách thức của bẫy thu nhập trung bình, thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, ... đòi hỏi cấp thiết phải tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng dựa trên năng suất và tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo (KNST), kinh doanh dựa trên ý tưởng mới, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh đột phá được minh chứng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội[12].

Doanh nghiệp KNST thường được thành lập với mục đích đột phá các thị trường hiện có hoặc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới dựa trên công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. KNST có tiềm năng phát triển và mở rộng nhanh chóng, chấp nhận rủi ro cao để đổi lại cơ hội tăng trưởng nhanh. Cũng chính vì rủi ro cao nên hoạt động KNST cần những hỗ trợ đặc thù về cơ sở vật chất - kỹ thuật và nâng cao năng lực, kỹ năng, về cơ sở vật chất, thiết bị, về nguồn vốn mạo hiểm và các thiết chế tài chính, về chính sách, cơ chế ưu đãi, đặc thù, thị trường, ... Vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tiếp cận theo hướng xây dựng hệ sinh thái tổng thể hỗ trợ KNST[13], trong đó bao gồm hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các chương trình tài trợ, cho vay, đầu tư, đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất, thị trường, văn hóa, ... Tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2015-2016, đã hình thành một số doanh nghiệp trẻ, khai thác các nền tảng công nghệ và phát triển tương đối mạnh mẽ như VNG, Coccoc, Foody, Lozi, … tạo ra giá trị vượt trội so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác. Do vậy, việc tiếp tục phát triển thế hệ doanh nghiệp KNST này là nhiệm vụ hết sức cần thiết và quan trọng, khẳng định tiềm năng về KNST của Việt Nam, đóng góp cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng cho quốc gia, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên cơ sở một số hoạt động hợp tác, triển khai thí điểm về ươm tạo doanh nghiệp KNST với các đối tác trong nước, nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2009-2016[14], Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (Đề án 844) nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ.

Năm 2021, Đề án 844 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 844/QĐ-TTg , với việc bổ sung thêm mục tiêu và điều chỉnh một số nội dung tổ chức hoạt động.

Đề án giao Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, đồng thời, giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, dựa trên nhu cầu thực tế của lĩnh vực quản lý để xây dựng kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hằng năm và 5 năm trên cơ sở Đề án.

1.2. Mục tiêu của Đề án 844

Mục tiêu chung của Đề án 844 hướng tới khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (sau đây gọi tắt là khởi nghiệp sáng tạo - KNST), thiết lập được Cổng thông thông tin KNST quốc gia và hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 1000 tỷ đồng.

Năm 2021, Đề án 844 được sửa đổi, bổ sung với mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm Đổi mới sáng tạo (Trung tâm ĐMST) hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, vận hành thành công các Trung tâm; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cùng các Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tại các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp ĐMST; phát triển mạng lưới khởi nghiệp ĐMST quốc gia; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 05 hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có uy tín trên thế giới. Mục tiêu tầm nhìn cho phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia đến năm 2030 là đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái KNST mới nổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

II. Kết quả triển khai Đề án 844

2.1. Các mục tiêu đặt ra và tình hình thực hiện

Đề án 844 đặt ra mục tiêu tổng quát tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cụ thể những kết quả đạt được bao gồm:

2.1.1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ KNST:

Bộ KH&CN tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong đề xuất, ban hành các hành lang pháp lý hỗ trợ KNST, đặc biệt là:

a) Hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp KNST trong hệ thống luật pháp về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP , Nghị định số 39/2018/NĐ-CP , Nghị định số 80/2021/NĐ-CP , …); trong hệ thống luật pháp về đầu tư và đấu thầu (Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP), Luật Đấu thầu, Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu 2024), …

b) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động đầu tư KNST trong hệ thống luật pháp về chuyển giao công nghệ (Luật Chuyển giao công nghệ, Nghị định số 76/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn);

c) Xây dựng được chính sách phát triển hệ sinh thái KNST trong trường đại học trong hành lang pháp lý về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học (Nghị định số 109/2022/NĐ-CP);

2.1.2. Thiết lập Cổng thông thông tin KNST quốc gia :

Bộ KH&CN đã xây dựng Cổng thông tin KSNT quốc gia nhằm tăng cường tương tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái thông qua cung cấp các nguồn thông tin về hành lang pháp lý, chính sách công nghệ, thông tin sáng chế, dịch vụ hỗ trợ, ý tưởng sáng tạo, cũng như thông tin về các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, Cổng thông tin đã có gần 2 triệu lượt truy cập, với khoảng 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái KNST. Năm 2020, Bộ KH&CN giao Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (NSSC) thuộc Cục PTTTDN tiếp tục vận hành và thiết lập cơ chế phát triển Cổng cùng các đơn vị đang vận hành các nền tảng kết nối khác cho KNST trong hệ sinh thái.

Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có 13 địa phương đã xây dựng và vận hành cổng thông tin KNST của địa phương. Điển hình, cổng thông tin hỗ trợ KNST thành phố Hải Phòng đến nay trung bình một ngày có khoảng 1.500 lượt người truy cập tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, các địa phương khác cũng tích cực có những nội dung thông tin về KNST hàng tháng, hàng quý trên website của UBND, Sở KH&CN, các báo điện tử và kênh thông tin truyền thông địa phương, nhằm tuyên truyền và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn. Một số tỉnh/thành phố đã xây dựng các phóng sự, chuyên mục về KNST đăng trên đài phát thanh truyền hình địa phương như TP.HCM, Điện Biên, Hải Phòng, Hòa Bình, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế.

2.1.3. Hỗ trợ doanh nghiệp KNST, dự án KNST, gọi vốn đầu tư

Thông qua các hoạt động, đã hỗ trợ được khoảng 2000 dự án, 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ 100 doanh nghiệp KNST gọi được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 1800 tỷ đồng, đạt khoảng 90% so với chỉ tiêu đặt ra.

2.1.4. Xây dựng, phát triển các trung tâm KNST, ĐMST

Tên mục tiêu theo Quyết định số 844/QĐ-TTg và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 188/QĐ-TTg: Xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 03 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ KH&CN đã và đang hình thành hệ thống Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, trong đó Trung tâm tại Hà Nội đã đi vào hoạt động và đóng góp tích cực vào việc liên kết các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước, điều tiết các nguồn lực trong nước, quốc tế từ cả khu vực công và khu vực tư nhân cho khởi nghiệp sáng tạo. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1760/QĐ- UBND ngày 21/5/2021 về việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ KNĐMST Đà Nẵng. UBND thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 đã khởi công xây dựng Tòa nhà Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều địa phương khác cũng đã hình thành các không gian, cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo từ nguồn lực của nhà nước hoặc thông qua các hình thức hợp tác công - tư, như: Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang...

2.1.5. Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Tên mục tiêu theo Quyết định số 844/QĐ-TTg và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 188/QĐ-TTg: Phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 05 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới.

Bộ KH&CN đã chủ trì, kết nối với nhiều đối tác trên thế giới nhằm khẳng định vị trí của hệ sinh thái KNST Việt Nam. Tới nay, đã tổ chức được hoạt động kết nối Techfest Quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Úc. Thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng phát triển hệ sinh thái với nhiều đối tác quan trọng tại các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như: Enterprise Singapore (Singapore), KOSME, KOTRA, INNOPOLIS (Hàn Quốc), Business Finland (Phần Lan); … Đồng thời, phát triển được nhiều mạng lưới kết nối chặt chẽ trong và ngoài nước, cụ thể như: Mạng lưới 100 Innovation Network (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Mạng lưới Hội trí thức, kiều bào hỗ trợ KNST (Bộ Ngoại Giao), Mạng lưới Vietchallenge (Hội du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ), Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm (phối hợp với quỹ mạo hiểm tư nhân lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện nay: Thinkzone), Cộng đồng cố vấn KNST quốc gia (VCCI), Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Network - GEN) cùng với VCCI, Startup Worldcup.

2.2. Về đối tượng hỗ trợ

Thông qua triển khai Đề án 844, Bộ KH&CN đã hỗ trợ khoảng 2000 dự án, 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ 100 doanh nghiệp KNST gọi vốn đầu tư. Hỗ trợ khoảng 170 tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hình thức tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ.

2.3. Về tổ chức các hoạt động của Đề án 844

2.3.1. Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Bộ KH&CN đã xây dựng Cổng thông tin KSNT quốc gia tại địa chỉ startup.gov.vn nhằm tăng cường tương tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái thông qua cung cấp các nguồn thông tin về hành lang pháp lý, chính sách công nghệ, thông tin sáng chế, dịch vụ hỗ trợ, ý tưởng sáng tạo, cũng như thông tin về các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, Cổng thông tin đã có gần 2 triệu lượt truy cập, với khoảng 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái KNST.

Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có 13 địa phương đã xây dựng và vận hành cổng thông tin KNST của địa phương. Điển hình, cổng thông tin hỗ trợ KNST thành phố Hải Phòng đến nay trung bình một ngày có khoảng 1.500 lượt người truy cập tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, các địa phương khác cũng tích cực có những nội dung thông tin về KNST hàng tháng, hàng quý trên website của UBND, Sở KH&CN, các báo điện tử và kênh thông tin truyền thông địa phương, nhằm tuyên truyền và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn. Một số tỉnh/thành phố đã xây dựng các phóng sự, chuyên mục về KNST đăng trên đài phát thanh truyền hình địa phương như TP.HCM, Điện Biên, Hải Phòng, Hòa Bình, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế.

2.3.2. Xây dựng và hỗ trợ phát triển các trung tâm KNST

Nhiệm vụ xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (hỗ trợ phát triển các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi quốc gia, vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực, tại các tổ chức có tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).

2.3.3. Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia (TECHFEST) với quy mô quốc tế

Techfest là sự kiện thường niên lớn nhất cho cộng đồng KNST quốc gia, do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức cùng các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Techfest được tổ chức ở nhiều quy mô như địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Qua đó, Bộ KH&CN đã chuyển giao được kiến thức, cách làm, cách huy động nguồn lực phát triển hệ sinh thái KNST cho các địa phương, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái cho cán bộ địa phương, hình thành lực lượng theo ngành dọc hỗ trợ khởi nghiệp từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Techfest quốc tế được tổ chức với định hướng chính là quảng bá hệ sinh thái KNST Việt Nam tới quốc tế; thu hút sự quan tâm, đầu tư của các quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ KNST quốc tế cho doanh nghiệp KNST Việt Nam.

Trải qua 9 năm tổ chức, Techfest đã trở thành một sự kiện uy tín, thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế. Techfest hàng năm có sự gia tăng về số lượng người tham dự, đạt khoảng 7000 người vào năm 2022, trong đó tỷ lệ chuyên gia, khách quốc tế tham dự duy trì trên 40%. Techfest đã trở thành mô hình được chuyển giao và tổ chức một cách có hệ thống từ địa phương, vùng, quốc gia đến quốc tế. Đã có gần 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Techfest địa phương, vùng, giúp đóng góp vào con số 60 địa phương đã ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương. Nhiều Bộ, ngành đã đồng hành, phối hợp tổ chức Techfest như: Bộ Ngoại Giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam…Sau 9 năm tổ chức Techfest đã thu hút được hơn 70 triệu USD cam kết đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo sân chơi tìm kiếm các tài năng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và hỗ trợ tham gia sân chơi toàn cầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã thể hiện được năng lực và vị thế, đạt nhiều giải cao trên trường quốc tế, như Abivin quán quân Techfest 2018 đã vô địch Startup Worldcup… Đồng thời với chuỗi sự kiện Techfest, văn hoá khởi nghiệp sáng tạo đã được lan toả và thấm nhuần hơn trong nhiều tầng lớp nhân dân và các hệ thống các cơ quan quản lý.

Bảng 1: Thống kê số liệu TECHFEST quốc gia các năm.

Techfest là một sự kiện kết nối hệ sinh thái trong nước và kết nối quốc tế, qua đó đưa văn hoá KNST lan tỏa và thấm nhuần hơn trong nhiều tầng lớp xã hội và các hệ thống các cơ quan quản lý. Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, TECHFEST - WHISE 2023 được tổ chức với mục tiêu vừa thúc đẩy KNST trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và chứng tỏ được sự thu hút đầu tư như: công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ y tế (medtech), công nghệ tài chính (fintech)... đồng thời nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái KNST mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.

2.3.4. Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hóa công nghệ với quy mô dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2020 (Hình thành và hỗ trợ phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia )

Ban Điều hành Đề án 844 giao cho các đơn vị có năng lực triển khai nhiệm vụ liên quan tới hình thành mạng lưới cố vấn viên/huấn luyện viên KNST; mạng lưới nhà/quỹ đầu tư mạo hiểm, thiên thần; mạng lưới cán bộ đầu mối hỗ trợ KNST tại các cơ quan ở Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở nghiên cứu và đào tạo; mạng lưới các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ uy tín cho doanh nghiệp KNST; mạng lưới các chuyên gia truyền thông cho KNST.

Đề án 844 trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ việc ra đời và hoạt động của các mạng lưới lớn như Mạng lưới truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, Mạng lưới tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST khu vực Miền Trung-Tây nguyên, Mạng lưới cố vấn thuộc tổ chức Sáng kiến cố vấn Việt Nam (VMI), Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần thuộc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Mạng lưới nhà đầu tư trong lĩnh vực ICT thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần gắn với tổ chức thúc đẩy kinh doanh Vietnam Silicon Valley (VSV), Mạng lưới du học sinh người Việt tại Mỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, … Các mạng lưới hình thành với vai trò kết nối tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở trong nước với nước ngoài; thu hút nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước thông qua hoạt động tổ chức sự kiện, hành trình khởi nghiệp sáng tạo ở trong nước, nước ngoài.

Với vai trò kết nối, tổng hợp thông tin, kiến nghị, Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia sẽ là đầu mối cung cấp thông tin giúp cho công tác hoạch định, kiến nghị chính sách được hiệu quả hơn. Đồng thời, đề xuất các sáng kiến, giải pháp mới hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa hoặc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp. Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2022, đã diễn ra tọa đàm công bố Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam In2spire Network) - sáng kiến do làng Công nghệ Giải trí và Truyền thông (E&M Village) chủ trì. Ngoài ra, giai đoạn 2021-2022 cũng ghi nhận sự ra đời của một số mạng lưới khác, điển hình như: Mạng lưới trung tâm ĐMST&KN các trường đại học và cao đẳng; Mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư khởi nghiệp và không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng; Mạng lưới ĐMST VN tại Hàn Quốc (VINK); Mạng lưới ĐMST VN tại Châu Âu (VINEU) …

2.3.5. Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nhóm nhiệm vụ hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái, từ người sáng lập, cố vấn, huấn luyện viên đến các cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách khởi nghiệp của các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội. Cùng với đó, đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên cũng là một hoạt động trọng tâm nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực có hiểu biết về khởi nghiệp để tham gia xây dựng hệ sinh thái;

Sau gần 09 năm triển khai Đề án, nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho các chủ thể trong HST khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 844. Tới nay có hơn 50 nhiệm vụ đào tạo được giao cho các đơn vị triển khai, trong đó số lượng đơn vị mới tham gia thực hiện nhiệm vụ tăng lên theo từng năm, thành phần các đơn vị triển khai là các trường Đại học tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành miền Trung; các đơn vị thuộc khối nhà nước; các đơn vị còn lại là các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và các tổ chức hỗ trợ khác cho KNST.

Nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ được Đề án triển khai dưới 2 góc độ: (i) chủ trì triển khai, tập trung hỗ trợ các đơn vị, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp; (ii) thông qua những đơn vị, tổ chức trung gian ấy để phối hợp, gián tiếp đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc những chuyên gia/huấn luyện viên/cố vấn/giảng viên đầu nguồn.

Đến hết năm 2022, Đề án 844 đã hỗ trợ tổ chức tổng cộng hơn 300 khóa đào tạo, tập huấn về KNST cho gần 25,000 người nằm trong chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chiếm 40% tổng số chủ thể tham gia khóa đào tạo; lực lượng cán bộ quản lý địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo chiếm 30%; còn lại là đội ngũ các huấn luyện viên, cố vấn KNST. Qua đó, nhiệm vụ đã tạo ra những tác động lan tỏa trong toàn xã hội: kiến thức và tư duy về KNST được nâng cao; cố vấn/huấn luyện viên đã trở thành một lực lượng không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; …

Bên cạnh mục tiêu chính là đào tạo, nhiệm vụ còn góp phần trong việc chuẩn hóa các tài liệu, nguồn tin về KNST. Cụ thể, trong giai đoạn đã có tổng cộng 68 bộ giáo trình/tài liệu đào tạo và hướng dẫn thực hành về KNST được xuất bản thông các khóa đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực và dịch vụ. Từ đó giúp các chủ thể khác được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy.

2.3.6. Phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:

Mục tiêu của nhóm nhiệm vụ nhằm hướng đến: (1) thúc đẩy hoạt động của các cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, cung cấp dịch vụ khởi nghiệp ĐMST; (2) giúp các tổ chức này mở rộng quy mô và kết nối với các đối tác tiềm năng như chuyên gia cố vấn, nhà/quỹ đầu tư uy tín và (3) tuyển chọn được doanh nghiệp KNST phù hợp tham gia chương trình. Sau khi tham gia nhiệm vụ, các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh được kỳ vọng sẽ tổng hợp các hoạt động, tạo thành bài học kinh nghiệm và mô hình hỗ trợ chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu;

2.3.7. Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam:

Mục tiêu của nhóm nhiệm vụ nhằm lan truyền tinh thần khởi nghiệp cho người dân thông qua các bài viết, video, phóng sự về các điển hình khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp thành công. Đồng thời, hoạt động truyền thông cũng nhằm mục đích hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm của doanh nghiệp KNST.

Đề án 844 triển khai các nhiệm vụ truyền thông hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức xã hội; thu hút các nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và lan tỏa hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra khu vực và thế giới. Từ đó tạo lập mạng lưới truyền thông khởi nghiệp, xây dựng sự thống nhất trong tư tưởng, hạn chế việc thông tin không chính xác đến cộng đồng, đồng thời sử dụng truyền thông như một kênh để quảng bá các điển hình khởi nghiệp và điển hình hỗ trợ khởi nghiệp, với sự tham gia của các kênh, đài uy tín như VTV2, VTC, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ...

Điển hình, trong năm 2022, trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ thu hút nguồn lực quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Công ty Cổ phần công nghệ và truyền thông VTC NetViet đã thực hiện 3 nội dung: (1) Các bộ sản phẩm truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; (2) Tổ chức chuỗi tọa đàm “Kết nối khởi nghiệp Việt Nam - Toàn cầu”; (3) Tổ chức Hội nghị thúc đẩy mạng lưới kết nối khởi nghiệp Việt nam - Toàn cầu.

Về hoạt động truyền thông nhằm mục đích nâng cao năng lực pháp lý cho các chủ thể trong HST Khởi nghiệp sáng tạo, đã có 8 quyển sổ tay về pháp lý khởi nghiệp (mỗi sổ tay tập trung vào một lĩnh vực), 4 bản tin hỗ trợ online cho doanh nghiệp trên nền tảng Vietnam Startup Ecosystem, các chương trình truyền hình với thời lượng 10-15 phút về cùng chủ đề trên các kênh truyền hình/truyền thanh/báo điện tử như Truyền hình pháp luật, VOV/VTV/TTX/VTC/Quốc hội/Vietnamnet… cùng với nhiều hội thảo lớn nhỏ đã được hoàn thiện triển khai bởi Công ty CP Truyền thông Thiên Lộc, phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư Pháp, trong khuôn khổ nhiệm vụ truyền thông của Đề án 844. Bên cạnh kênh truyền hình, Báo VnExpress - trang tin có nhiều người đọc nhất tại Việt Nam, hay Cổng thông tin Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia cũng đã tham gia sản xuất và đăng tải hàng trăm tin bài về chủ đề KNST, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực này.

Cùng với đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN), Công ty cổ phần truyền thông NETVIET và Báo Công thương đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông bằng tiếng Anh để tiếp cận các đối tượng nhà đầu tư, chuyên gia, các trí thức gia và doanh nhân người Việt tại nhiều nơi trên thế giới, cụ thể là đăng tải thông qua Kênh truyền hình đối ngoại VTC10, Báo tiếng anh Vietnam Economic News, Báo tiếng anh Vietnamnews, Mạng thông tin người Việt Hải ngoại, ...

Đáng chú ý, trong công tác truyền thông về Techfest Vietnam 2022 có gần 150 bài viết, thông tin về TECHFEST 2022 được đăng tải trên website và các fanpage của TECHFEST, phát hành hơn 30 email cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến sự kiện cho các đối tượng quan tâm, trong đó đã thu hút gần 500 đăng ký tham dự cho các hội thảo chuyên đề (stage) tại TECHFEST 2022 và tạo và gần 100 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về sự kiện. Đã có tổng số khoảng 500 tin, bài, phóng sự truyền hình về tổng thể các sự kiện về TECHFEST trong năm 2022. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ truyền thông của Đề án 844, các nội dung ngày càng chất lượng và chuyên sâu hơn, nhiều đơn vị thông tin báo chí truyền thống đã có chuyên trang, chuyên mục dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo và mức độ lan tỏa thông tin trong cộng đồng ngày càng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hình thành văn hoá khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

2.3.8. Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài:

Nhóm nhiệm vụ hướng đến mục tiêu hình thành mạng lưới các chủ thể trong hệ sinh thái, bao gồm mạng lưới cố vấn viên/huấn luyện viên KNST; mạng lưới nhà/quỹ đầu tư mạo hiểm, thiên thần; mạng lưới cán bộ đầu mối hỗ trợ KNST tại các cơ quan ở Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở nghiên cứu và đào tạo; mạng lưới các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ uy tín cho doanh nghiệp KNST; mạng lưới các chuyên gia truyền thông cho KNST; mạng lưới các nhà khoa học, v.v nhằm mục tiêu tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm chủ thể có cùng mục tiêu, hoạt động và mong muốn phát triển hệ sinh thái KNST;

Nhóm nhiệm vụ này nhằm hướng tới tập trung hợp tác theo chiều sâu với các đối tác quốc tế, kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tư vấn công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước. Cụ thể, thông qua khuôn khổ chuỗi sự kiện Techfest các năm, các cơ quan của Bộ KH&CN đã thiết lập các chương trình trao đổi và hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) thuộc Bộ KH&CN và các đối tác nước ngoài như: Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore (ESG), Cộng đồng hành động vì khởi nghiệp (ACE) và tập đoàn Temasek từ Singapore, Trung tâm khởi nghiệp Thái Lan - Cơ quan ĐMST quốc gia (Startup Thailand - National Innovation Agency) từ Thái Lan, Trung tâm phát triển khởi nghiệp và ĐMST toàn cầu Malaysia (MaGIC) từ Malaysia, World Startup Festival (WSF), Ai20x, Đại học Draper, Republic từ Hoa Kỳ, Seoul Venture Incubator tại Hàn Quốc và German Accelerator Southeast Asia (GASEA) từ Đức…

Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo mạnh trong hệ sinh thái, một số chương trình kết nối dịch vụ, đào tạo tập huấn cho khởi nghiệp sáng tạo ở nước ngoài cũng đã được thực hiện như: Chương trình Runway to the world do Trung tâm Sáng tạo Sài Gòn (SIHUB) triển khai từ năm 2018 đến năm 2020, trao đổi và tập huấn cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Hàn Quốc, Singapore và Malaysia; Cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu Vietchallenge do Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ và Thành đoàn Hà Nội tổ chức với sự hỗ trợ của Đề án 844 đã triển khai các chương trình kết nối đầu tư và giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thông qua chương trình, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã được tham gia tập huấn tại với các chuyên gia tại Boston, Hoa Kỳ để được hỗ trợ về mặt pháp lý, kết nối đối tác để mở rộng thị trường và kêu gọi được gần 800.000 đô-la Mỹ đầu tư.

2.3.9. Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện khoa học và công nghệ, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận thị trường nước ngoài

2.3.10. Khuyến khích sử dụng các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

2.3.11. Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hệ thống các nhiệm vụ KH&CN được Bộ KH&CN tổ chức triển khai nhằm nghiên cứu và tạo lập nền tảng căn cứ cho việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách. Cụ thể là:

Giai đoạn 2017-2020: giao thực hiện 03 nhiệm vụ, bao gồm:

- Nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết về: đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để xây dựng cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy môi trường KNST.

- Nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp thí điểm tại các địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động KNST, cụ thể là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, bao gồm tất cả các lĩnh vực: từ hệ thống pháp lý, cơ chế vận hành, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đến khuyến khích đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực địa phương nhằm hỗ trợ hiệu quả KNST.

Giai đoạn 2021 - tới nay, giao thực hiện 03 nhiệm vụ, bao gồm:

- Nhiệm vụ nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp để kết nối vào hệ sinh thái KN ĐMST các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ,… có hoạt động hỗ trợ KNST;

- Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá thực trạng và định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương;

- Nghiên cứu, rà soát cơ sở pháp lý để thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

2.4. Việc tổ chức thực hiện Đề án (Điều 2 Quyết định số 844/QĐ-TTg):

2.4.1. Nhiệm vụ của Bộ KH &CN:

a) Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Điều hành Đề án thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và quy trình xử lý hồ sơ tham gia Đề án:

- Ban Điều hành Đề án 844 là đơn vị có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ KH&CN định hướng triển khai, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án 844. Ban Điều hành Đề án 844 do Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định thành lập (Quyết định số 2898/QĐ-BKHCN ngày 07/10/2016 của Bộ trưởng Bộ KHCN về việc thành lập Ban điều hành đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025") và quy định chức năng, nhiệm vụ (Quyết định số 1874/QĐ-BKHCN ngày 18/07/2017 của Bộ trưởng Bộ KHCN về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"). Bộ KH&CN cũng thường xuyên cập nhật thành viên Ban Điều hành Đề án, tổ chức Họp Ban Điều hành Đề án hàng năm (trừ giai đoạn Covid vì lý do khách quan). Hiện nay, Ban Điều hành Đề án 844 có 35 thành viên, với thành phần gồm lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương lớn (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng), đại diện tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn lớn có uy tín.

Các đơn vị khác trực thuộc Bộ KH&CN có liên quan trực tiếp đến công tác triển khai Đề án 844 bao gồm:

(1) Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ là đơn vị quản lý chuyên môn các nhiệm vụ do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng;

(2) Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trực thuộc Bộ KH&CN có trách nhiệm quản lý kinh phí các nhiệm vụ hằng năm, định kỳ thuộc Đề án 844;

(3) Vụ Kế hoạch - Tài chính trực thuộc Bộ KH&CN có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 do Bộ KH&CN đặt hàng;

(4) Văn phòng Đề án 844 là đơn vị giúp việc chuyên môn cho Ban Điều hành Đề án.

- Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 01/2018/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về việc quy định tổ chức quản lý Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” quy định các nhiệm vụ thuộc Đề án 844, thẩm quyền xác định danh mục nhiệm vụ hằng năm, định kỳ; quy trình tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hằng năm, định kỳ và đánh giá, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ; trách nhiệm của chủ nhiệm và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844.

- Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2019/TT- BTC của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý tài chính thực hiện Đề 844 quy định về nguồn vốn, kinh phí thực hiện, các nguyên tắc hỗ trợ và sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; nguyên tắc huy động các nguồn tài chính cho Đề án 844.

b) Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý Đề án; xây dựng và vận hành Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia;

Hình thành và phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 03 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Bộ KH&CN đã có Công văn số 3701/BKHCN-PTTTDN hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo căn cứ theo tình hình thực tiễn, nghiên cứu tính khả thi tiến tới triển khai hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, sau khi Quyết định 188/QĐ-TTg ra đời, hệ thống Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo/Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được hình thành ở 1 số địa phương. Các trung tâm này được hình thành thông qua việc tổ chức lại hoặc bổ sung chức năng cho các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, với mục tiêu tận dụng các nguồn lực trong quản lý KH&CN trong nhiều khía cạnh như: (1) Ứng dụng phát triển công nghệ; (2) Thông tin khoa học công nghệ; (3) Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; (4) Sở hữu trí tuệ phát triển thị trường KH&CN.

Đối với việc phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 03 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay Bộ KHCN đưa vào quy hoạch mạng lưới các tổ chức KHCN công lập trực thuộc Bộ và đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Các trung tâm công lập này hoạt động theo mô hình là hạt nhân đầu mối triển khai các hoạt động kết nối thúc đẩy phát triển HST khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn địa phương hoặc quốc gia. Các các trung tâm tại địa phương dự kiến sẽ là các đơn vị triển khai chức năng hỗ trợ các chính sách, hoạt động thí điểm để đưa các công nghệ mới vào thử nghiệm; đồng thời giúp đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thế mạnh của từng địa phương hoặc sản phẩm quốc gia.

2.4.2. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính

2.4.3. Nhiệm vụ của Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp

2.4.3.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2.4.3.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

2.4.3.3. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

2.4.3.4. Bộ Ngoại giao

2.4.3.5. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

2.4.3.6. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

2.4.3.7. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

2.4.3.8. Hội Nông dân

2.4.3.9. Các bộ, ngành khác

2.4.3.10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2.4.4. Nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

(Đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ theo các hoạt động đã triển khai bổ sung nội dung báo cáo)

2.5. Kết quả đạt được

- Về mặt tổng thể: Việc triển khai Đề án cho phép nắm bắt được kinh nghiệm quốc tế, thực trạng hoạt động, khó khăn vướng mắc từ nhiều các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, từ đó có sự tổng hợp, kiến nghị xây dựng, sửa đổi bổ sung hành lang pháp lý, quy định quản lý cho nhiều đối tượng, hành vi hoạt động KNST. Thông qua việc triển khai Đề án 844, Bộ KH&CN tiên phong dẫn dắt và có vai trò đầu mối trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trong giai đoạn qua, tạo ra giá trị vượt trội cho hệ sinh thái.

- Về tác động cộng hưởng từ cộng đồng: Đề án 844 được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao và hưởng ứng tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD … đã tích cực phối hợp, đồng hành, và chia sẻ khuyến nghị về việc tiếp tục tăng cường triển khai Đề án tại các diễn đàn, hội nghị, báo cáo của mình[15]. Đã có 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 40 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ KNST. Nhiều Chương trình, Đề án quốc gia khác cũng đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua, vừa bổ trợ, vừa cộng hưởng tạo ra những giá trị mới cho hệ sinh thái[16].

III. Thuận lợi, khó khăn

3.1. Thuận lợi

- Sự đồng lòng và ủng hộ của cộng đồng KNST trong và ngoài nước: Đề án 844 được cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế biết đến rộng rãi và hưởng ứng tích cực thông qua các hoạt động liên kết hệ sinh thái KNST ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Tại các diễn đàn, hội nghị, báo cáo công bố toàn cầu, chuyên gia từ các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng thế giới, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đã tích cực phối hợp, đồng hành và khuyến nghị cần thiết tăng cường tác động của Đề án, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực đang hướng tới phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững[17].

- Sự tham gia đồng bộ, có hiệu quả từ trung ương tới địa phương: Đến năm 2024, đã có 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai Đề án tại địa phương; 40 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ KNST. Hiệu quả, tác động lan tỏa của Đề án thể hiện qua cách thức huy động nguồn lực xã hội để khuyến khích và lan tỏa giải pháp sáng tạo giải quyết thách thức cụ thể của địa phương, nhân rộng mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ và tài sản trí tuệ. Các nhiệm vụ của Đề án 844 luôn gắn kết và đồng hành cùng các sáng kiến, chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác hướng tới những đối tượng cụ thể, tạo ra tác động cộng hưởng để phát triển nhanh và bền vững hệ sinh thái KNST quốc gia[18].

3.2. Khó khăn, vướng mắc

- Giai đoạn 2020-2022 trong bối cảnh của dịch Covid-19 diễn ra, các hoạt động triển khai Đề án 844 bị hạn chế do giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch. Đây là thời kỳ khó khăn cho triển khai hoạt động hỗ trợ KNST kết nối, gọi vốn, tiếp cận thị trường ở phạm vi quốc tế cũng như ở Việt Nam. Điển hình là, số lượng vốn gọi được trong hệ sinh thái KNST Việt Nam vẫn đang đà giảm chung với xu hướng quốc tế[19]. Do đó, một số chỉ tiêu về hỗ trợ gọi vốn cho doanh nghiệp KNST đạt khoảng 90% so với chỉ tiêu đặt ra, còn cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành.

- Giai đoạn hậu Covid-19 với bối cảnh địa chính trị phức tạp, thị trường quốc tế bị chia cắt, hậu quả từ biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho KNST, nhiều doanh nghiệp KNST mặc dù đã gọi được vốn hay đạt được những thành công nhất định cũng đã phải tái cấu trúc, thu hẹp quy mô, thậm chí còn phải tuyên bố phá sản, đóng cửa[20].

Do vậy, nhằm tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động, các kết quả về KNST đã hình thành và phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua, đồng thời để có thời gian khắc phục tồn tại, khó khăn nói trên, tại Việt Nam, rất cần thiết phải tiếp tục duy trì nguồn lực để tăng cường khả năng chống chịu và tạo đà cho sự phát triển của hệ sinh thái KNST trong giai đoạn tới.

IV. Bài học kinh nghiệm

- Trong quá trình triển khai Đề án 844, việc có chính sách khuyến khích, thúc đẩy kèm theo nguồn lực hỗ trợ và từ phía nhà nước là nhân tố hết sức quan trọng để duy trì và tiếp tục nuôi dưỡng, thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái KNST của Việt Nam.

- Việc phát triển các trung tâm các trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia, trung tâm hỗ trợ KNST làm đầu mối xây dựng, hỗ trợ hệ sinh thái KNST tại các địa phương cần phải có nguồn lực hỗ trợ hoạt động, bên cạnh việc bố trí cơ sở, địa điểm, nhân lực, như cách chính phủ các quốc gia đã và đang đầu tư cho hệ thống các trung tâm tương tự trong khu vực[21].

- Để giúp cho hệ sinh thái vượt qua giai đoạn khó khăn hậu Covid, cũng như để thực hiện sứ mệnh về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo việc làm và phát triển kinh tế xã hội, kinh nghiệm quốc tế cho thấy giai đoạn này, chính phủ của các quốc gia đều tăng cường các chương trình, nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động KNST từ nguồn ngân sách[22].

V. Bối cảnh và yêu cầu đặt ra cho hệ sinh thái KNST quốc gia trong giai đoạn tới đây

5.1. Bối cảnh và yêu cầu đặt ra

5.2. Nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện

5.3. Giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNST quốc gia

VI. Đề xuất, kiến nghị



[1] Việc xác định, thống kê các tổ chức, cá nhân có hoạt động KNST do cơ quan quản lý thực hiện.

[2] Cá nhân, nhóm cá nhân, dự án KNST là người hoặc một nhóm người cùng hợp tác xây dựng và tổ chức triển khai một sáng kiến/ý tưởng kinh doanh mới trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng nhanh với mục tiêu tạo ra một công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới để giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tham khảo: Quyết định số 844/QĐ-TTg .

[3] Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Tham khảo: Thông tư 01/2018/TT-BKHCN ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị dịnh 94/2020/NĐ-CP (Điều 3); Nghị quyết 98/2023/QH15 (Điều 3):

[4] Cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cơ sở cung cấp các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết cho các tổ chức, cá nhân hoàn thiện ý tưởng công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn mới thành lập. Tham khảo: Luật Hỗ trợ DNNVV (Điều 3); Luật CGCN (Điều 2); Thông tư 16/2014/TT-BKHCN (Điều 2);

[5] Tổ chức thúc đẩy kinh doanh là tổ chức hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn đầu tư thông qua các khóa huấn luyện tập trung và các ngày hội đầu tư. Tham khảo: Thông tư 01/2018/TT-BKHCN (khoản 3 Điều 2);

[6] Khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp KNST (gọi tắt là khu làm việc chung) là khu vực cung cấp không gian làm việc tập trung, không gian trưng bày sản phẩm, cung cấp các tiện ích để hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp KNST; Tham khảo: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

[7] Cố vấn, huấn luyện viên, chuyên gia KNST là người có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, quản lý hoặc các lĩnh vực liên quan khác, được chỉ định hoặc tự nguyện hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho các cá nhân và doanh nghiệp KNST; Tham khảo: Thông tư 01/2018/TT-BKHCN (khoản 5 Điều 2).

[8] Nhà đầu tư cá nhân cho KNST là cá nhân có tài sản và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, kinh doanh hoặc đầu tư, thực hiện hoạt động cung cấp vốn cho cá nhân, nhóm cá nhân để triển khai các dự án khởi nghiệp sáng tạo hoặc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

[9] Nhà đầu tư tổ chức (quỹ đầu tư hoặc công ty đầu tư): là các pháp nhân được đăng ký, thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật để thực hiện hoạt động kinh doanh, bao gồm: góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp KNST. Tham khảo: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

[10] Trung tâm KNST, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm hỗ trợ KNST, các đơn vị có tên gọi khác có chức năng, nhiệm vụ về hỗ trợ KNST, ĐMST và các hoạt động có liên quan, …

[11] Hoặc đô-la Mỹ tương đương

[12] Báo cáo "The State of Startup Investing in 2023" của Startup Genome cho biết KNST đóng góp 3,5 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu và tạo ra 60 triệu việc làm. Theo báo cáo Measuring job creation by start-ups and young firms (OECD, 2021) cũng cho thấy, trung bình trong khối các quốc gia thuộc OECD, các doanh nghiệp KNST tạo ra từ 22% - 53% số lượng việc làm mới. Trong số 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thế giới hiện tại, thì có đến 8 doanh nghiệp công nghệ, và trong đó, 5 doanh nghiệp xuất phát với mô hình KNST (Google, Facebook, Amazon, …).

[13] Có thể kể đến những chương trình như: Startup Thái Lan, Startup Chile, Startup Ấn Độ, Startup SG (Singapore), hay các đạo luật như: Startup Act của Hoa Kỳ, Act on Special measures for the Promotion of Venture businesses (Hàn Quốc), …

[14] Chương trình Hợp tác Đổi mới sáng tạo Phần Lan - Việt Nam (IPP giai đoạn 1, giai đoạn 2), Đề án Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), Chương trình BIPP, …

[15] World Bank, Báo cáo Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Góc tiếp cận hệ sinh thái (2024); UN ESCAP, Chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (2024); UNDP, Báo cáo khuyến nghị Chiến lược hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (2023); ADB, Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam (2022);

[16] Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665); Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; ...

[17] Báo cáo Thúc đẩy KNST ở Việt Nam: Góc tiếp cận hệ sinh thái (2024) (World Bank); Chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (2024) (UN ESCAP); Báo cáo khuyến nghị Chiến lược hoạt động hỗ trợ KNST quốc gia (2023) (UNDP); Báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam (2022) (ADB).

[18] Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665); Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), Chương trình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; ...

[19] Theo báo cáo của Do Ventures và NIC về đầu tư cho KNST, năm 2022, tổng vốn đầu tư KNST tại Việt Nam đạt 634 triệu USD, năm 2023 đạt 529 triệu USD.

[20] https://cuoituan.tuoitre.vn/buc-tranh-start-up-2023-het-tien-het-bac-het-thoi-gian-20231229115805702.htm.

[21] Điển hình như: Tại Singapore, cải cách kinh tế và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp KNST bắt đầu tư những năm 1990, với hàng loạt chương trình như: thành lập Quỹ Nghiên cứu Phát triển (RDF), chương trình hỗ trợ SEEDS từ 2001, chương trình SPRING từ năm 1996, ACE Startup từ 2011 và sau này được đổi tên thành Chương trình tổng thể Startup SG với hàng chục cấu phần nhỏ hơn như: Tài trợ, Đào tạo, Ươm tạo và Thúc đẩy kinh doanh, Mạng lưới GIA, … từ năm 2017, với số vốn đầu tư hàng năm lên tới vài trăm triệu đô-la. Chính phủ Singapore cũng đã hỗ trợ việc sự hình thành tổ hợp hỗ trợ KNST Block71 vốn là một nhà máy cũ được hỗ trợ cải tạo từ năm 2010. Đến nay tổ hợp này đã phát triển thành một khu tổ hợp One North Launchpad rộng hơn 56 nghìn m2 với 10 tổ hợp hỗ trợ KNST, thu hút sự tham gia của 50 nghìn chuyên gia, 400 doanh nghiệp lớn và hàng nghìn doanh nghiệp KNST trong nước và quốc tế.

Tại Hàn Quốc, từ những năm 1990, Chính phủ cũng có hàng chục chương trình cũng như các cơ quan hỗ trợ cho KNST vi dụ như:hình thành Bộ Doanh nghiệp NVV và KNST với rất nhiều cơ quan trực thuộc như KVIC (Quỹ đầu tư), KIF (Quỹ ĐMST), KOSME (Cơ quan hỗ trợ), KISED, KOTRA, … hay như chương trình TIPS (Chương trình ươm tạo và đầu tư với ngân sách khoảng 100 triệu đô-la Mỹ mỗi năm), phát triển hệ thống 19 trung tâm CCEI hỗ trợ KNST, …

[22] Ví dụ: tại Thái Lan, Cục Xúc tiến Kinh tế số (DEPA) có các chương trình tài trợ cho các doanh nghiệp KNST từ 20 nghìn tới 120 nghìn đô-la Mỹ (dVenture, Digital Startup Fund, BOI Startup Grant), Tại Hàn Quốc có các chương trình như đầu tư và ươm tạo TIPS (theo mô hình cùng đầu tư với các Quỹ đầu tư tư nhân), hỗ trợ phát triển thị trường quốc tế qua chương trình K-Global, K-Startup Challenge, thiết lập các đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp KNST tại thị trường quốc tế K-Startup Center (KSC).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 3542/BKHCN-PTTTDN ngày 18/09/2024 đề nghị cung cấp thông tin, báo cáo về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


435

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.138.171
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!