Kính
gửi: Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.
Thực hiện nội dung Công văn số
1163/VPCP-DMDN ngày 23/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo tổng hợp
phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội Doanh nghiệp tháng 12/2020 của
Ban IV, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu và giải đáp các nội dung kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu tại
mục I báo cáo tổng hợp kèm theo công văn số 35/Ban IV ngày
29/12/2020 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (chi tiết tại Phụ lục kèm theo). Tổng cục Hải quan đề nghị Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phổ
biến nội dung này tới cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong
quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã thiết lập đường
dây nóng, hộp thư điện tử hỗ trợ và các thư mục trên Trang
thông tin điện tử hải quan (Website), đề nghị doanh nghiệp liên hệ để được giải
đáp. Cụ thể:
- Số điện thoại đường dây nóng:
19009299
- Hộp thư điện tử hỗ trợ thủ tục Hải
quan điện tử và Cổng thông tin một cửa quốc gia:
[email protected].
- Website: customs.gov.vn (vào mục "Dịch vụ công" và lựa chọn các thư mục
hỗ trợ phù hợp để phản ánh vướng mắc, kiến nghị, như : "tiếp nhận phản
ánh-kiến nghị" ; "Tư vấn - Hỗ trợ về CSPL Hải quan"; "Tiếp
nhận thông tin vi phạm pháp luật hải quan",...
Xin trân trọng
cám ơn sự phối hợp của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng BTC Vũ Thị Mai;
- Văn phòng Chính phủ;
- Website Tổng cục Hải quan;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, PC (02b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Mai Xuân Thành
|
PHỤ LỤC
TRẢ LỜI PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP, HIỆP HỘI
DOANH NGHIỆP THÁNG 12/2020
(Kèm theo Công văn số 2083/TCHQ-PC ngày 05/5/2021 của Tổng cục Hải quan)
Một
số bất cập trong việc thực hiện các thủ tục Hải quan và kiến nghị chuyên ngành
Câu hỏi 1: Các vấn
đề về công nghệ thông tin và C/O
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin là
tiến bộ trước đây của ngành hải quan, nhưng giờ phát sinh rất nhiều hệ thống phải xử lý cùng lúc, lại thiếu đồng bộ và thiếu kết
nối, đồng thời còn thiếu quy trình dự phòng để xử lý
công việc giữa hải quan và các cơ quan chuyên ngành; hoặc
giữa các bộ phận của hải quan với nhau khi các hệ thống điện tử bị trục trặc
nên Doanh nghiệp phải gánh rất nhiều áp lực. Một số
tình huống cụ thể Doanh nghiệp nêu:
- Bên nước xuất khẩu bảo đã gửi
C/O điện tử nhưng hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống, hoặc khi
Tổng cục Hải quan đã nhìn thấy C/O trên hệ thống nhưng Cục Hải quan lại không nhìn thấy thì Doanh nghiệp rất mất thời gian
chờ đợi để được chấp nhận C/O.
- Hệ thống của hải quan trục trặc
khiến tín hiệu thông quan tự động không được truyền
từ hải quan làm thủ tục ra hải quan giám sát hoặc bộ phận dịch vụ Cảng, cán bộ
hải quan từng bộ phận sẽ yêu cầu Doanh nghiệp chạy đi chạy lại kiểm tra, không
tự liên hệ và xử lý với nhau.
- Doanh nghiệp đã nhận kết quả
kiểm tra chuyên ngành trên Cổng 1 cửa quốc gia (nhập thức ăn chăn nuôi) nhưng
phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc, hải quan yêu cầu
Doanh nghiệp phải cung cấp bản giấy có dấu để thay thế bản trên Cổng 1 cửa quốc gia nếu muốn giải phóng hàng; tuy
nhiên cơ quan chuyên ngành từ chối cấp vì họ không thể bố trí nhân lực “làm gấp đôi quy trình” sau khi đã hoàn thành xong việc cấp điện tử và
Doanh nghiệp ở giữa rất vất vả để xin các kênh, mất thời gian công sức và chi
phí lưu kho bãi.
Cán bộ hải quan cùng lúc phải
tương tác trên nhiều hệ thống với quá nhiều chứng từ và thông số chi tiết để làm thủ tục thông quan cho Doanh nghiệp, Hệ thống 1 cửa quốc gia (NSW); Hệ thống VNACC/VCIS; Hệ thống V5; Hệ thống giám sát tự động. Ngoài ra: còn Hệ
thống kế toán, hệ thống quản lý dữ liệu giá, hệ thống mã HS, chương trình xử lý vi phạm, chương trình xử lý rủi
ro, đôi khi có thủ tục làm trên hệ thống DVC trực
tuyến riêng của ngành hải quan...
Do đó,
để thông quan cho Doanh nghiệp thì các hệ thống này phải thông suốt đồng thời. Nhưng nếu 1 trong các hệ thống (chính) xảy ra trục
trặc thì cán bộ hải quan cho biết “cũng không có đầu
mối cụ thể nào để liên hệ với các cơ quan liên
quan”, chỉ có thể yêu cầu Doanh nghiệp là đối tượng
đang trực tiếp làm việc đáp ứng các hồ sơ giấy tờ cần thiết, dẫn tới một số tình
trạng như Doanh nghiệp phản ánh.
Đề xuất:
Cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan liên quan
đặt ra các quy trình xử lý dự phòng khi các hệ thống
trục trặc; đồng thời rà soát để đảm bảo tính pháp lý cho các hình thức văn bản
không phải bản giấy có đóng dấu, hoặc không phản
ánh trên NSW (ví dụ hình thức gửi kết quả qua email công vụ giữa các bên, hình
thức Doanh nghiệp in bản kết quả điện tử ra mà không cần đi xin dấu...).
Trả lời:
- Đối với phản ánh bên nước xuất khẩu
báo đã gửi C/O nhưng Hải quan Việt Nam chưa thấy được ngay trên hệ thống gồm
các nguyên nhân sau:
+ Do nội tại hệ thống của nước xuất
khẩu hoặc lỗi kết nối giữa 02 nước gây ra tình trạng nước xuất khẩu báo đã gửi
C/O điện tử nhưng thực tế C/O điện tử chưa ra khỏi hệ thống của nước xuất khẩu.
Doanh nghiệp báo đối tác liên hệ cơ quan liên quan của nước xuất khẩu để kiểm
tra.
+ Một số trường hợp bị lỗi trong việc
đồng bộ từ Cổng thông tin một cửa quốc gia sang Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải
quan. Đối với các trường hợp này, Tổng cục Hải quan đã thực hiện hỗ trợ đồng bộ
lại dữ liệu để cán bộ hải quan tra cứu trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ và hỗ
trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục.
Căn cứ các nguyên nhân nêu trên,
trong trường hợp C/O form D điện tử hàng nhập khẩu không tìm thấy trên Hệ thống
thông tin nghiệp vụ hải quan, đề nghị doanh nghiệp, các đơn vị liên quan phản
ánh đến Bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2
và gửi email về: [email protected] để được hỗ trợ và xử lý.
- Đối với phản ánh Hệ thống của hải quan trục trặc khiến tín hiệu thông quan tự động bị
ảnh hưởng: Đề nghị đơn vị cung cấp thông tin về số tờ khai
cụ thể để Tổng cục Hải quan có căn cứ kiểm tra. Hiện tại hệ
thống CNTT của cơ quan hải quan hoạt động bình thường.
Trong trường hợp nếu có vướng mắc,
doanh nghiệp, các đơn vị liên quan phản ánh đến Bộ phận hỗ trợ Tổng cục Hải
quan tại số điện thoại 19009299 bấm phím 2 và gửi email về:
[email protected] để được hỗ trợ và xử lý.
- Đối với phản ánh Doanh nghiệp đã nhận
kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng 1 cửa quốc gia
nhưng phía hải quan không nhìn được kết quả này do mạng trục trặc: Về mặt kỹ
thuật, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, ngành kết
nối hệ thống doanh nghiệp và hệ thống của các Bộ, ngành sang Cơ chế một cửa quốc
gia. Đối với các thủ tục hành chính đã triển khai qua Cơ chế một cửa quốc gia,
Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố
không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản giấy đối với giấy phép, kết quả thủ tục hành chính đã được các Bộ, ngành cấp thông qua
Cơ chế một cửa quốc gia.
Câu hỏi 2: Các vấn
đề về Mã HS
- Rủi ro của Doanh nghiệp trong quá
trình hậu kiểm của hải quan/
thuế:
Hiện Doanh nghiệp phải đối mặt với
nhiều rủi ro rất lớn liên quan tới thuế Xuất nhập khẩu. Điều này xuất
phát từ việc các mô tả hàng hóa gắn với mã HS hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa giúp người thực thi có thể phân định thuận
lợi, nên 1 mã hàng (Mã HS) có thể áp cho vài mặt
hàng hoặc nhiều mã hàng có thể áp cho 1 mặt hàng trong thực tế, dẫn đến tình trạng, ở thời điểm nhập khẩu, Doanh nghiệp được cơ quan hải quan ấn định 1 mã, sau vài năm khi kiểm tra sau thông quan thì lại yêu cầu áp mã khác
và truy thu thuế.
- Rủi ro của Doanh nghiệp khi khai
mã HS khác với mã do hải quan áp, dẫn tới phạt vi phạm hành chính trong một số
tình huống:
Doanh nghiệp cho biết, trong thực
tế, rất nhiều trường hợp mặt hàng “lưỡng tính” có thể áp các mã HS khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan hải quan. Khi Doanh nghiệp
khai báo, Doanh nghiệp xác định một mã HS và theo
mã đó mặt hàng không thuộc diện phải xin giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi cơ
quan hải quan xem xét hồ sơ, ấn định một mã HS khác thì mặt hàng lại rơi vào trường
hợp phải có giấy phép nhập khẩu. Chiếu theo quy định tại Thông tư
39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, Doanh nghiệp phải có giấy phép nhập khẩu theo hồ
sơ khai báo hải quan, nếu thiếu sẽ bị xử phạt hành chính. Điều này rất khó khăn cho Doanh nghiệp khi nhập
khẩu các mặt hàng lần đầu.
Quy định về Mã HS vẫn tạo ra các
cách áp dụng, cách hiểu khác nhau.
Theo Điều 16
Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài
chính thì mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép thì phải
xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục, nếu
khi làm thủ tục chưa có giấy phép xuất nhập khẩu sẽ
bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan theo Khoản
7 và 8 Điều 14 Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016
của Chính phủ.
Do (1)
sự thiếu nhất quán trong các phán quyết trước hoặc
sau; (2) thiếu hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ,
công chức, tạo nên tâm lý hay đẩy rủi ro cho bên khác; (3) thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể từng bên khiến Doanh nghiệp
là bên duy nhất phải gánh chịu rủi ro dù nhiều tình
huống không phải của Doanh nghiệp.
Đề xuất: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo
các Bộ ngành cùng Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải quan rà soát các mô tả HS để xác định
những trường hợp còn gây nhầm lẫn, chồng lấn trong cách hiểu cách áp dụng để sửa
đổi, điều chỉnh. Giao Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải
quan chủ trì phối hợp cùng các Bộ ngành rà soát các quy định pháp luật nhằm
phân định rõ trách nhiệm các cơ quan, cán bộ công chức trong từng tình huống, bổ
sung cả quy định bảo vệ cán bộ công chức khi cần thiết để tạo sự yên tâm cho người thi hành công vụ nhưng
cũng bổ sung các quy định để giảm thiểu tối đa tình trạng đẩy rủi ro cho Doanh
nghiệp.
Trả lời:
Về mã HS, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải
quan) đang tiếp tục thực hiện các nội dung sau để phân loại, xác định mã số HS
được thuận lợi thống nhất:
- Tích cực phối hợp với các nước đàm
phán xây dựng Danh mục HS, Danh mục
Biểu thuế ASEAN, đưa các mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại vào Danh mục với các tiêu chí phân biệt rõ ràng để thực hiện thống nhất, tránh gây
nhầm lẫn, chồng lấn trong cách hiểu.
- Ban hành công văn hướng dẫn thống nhất đối với các mặt hàng khó, phức tạp, các mặt hàng có ý kiến
của Tổ chức Hải quan thế giới để đảm
bảo việc áp dụng Danh mục HS tuân thủ đúng mô tả và cách
hiểu thống nhất với các nước ASEAN và các thành viên WTO.
- Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng
các Danh mục quản lý chuyên ngành, thống nhất việc áp dụng
mã số đối với hàng hóa quản lý chuyên ngành, phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, các tiêu
chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, và đảm bảo đủ tiêu chí để phân loại
hàng hóa.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập
trung để tra cứu, thống nhất trong thực hiện phân loại. Hệ thống đang tiếp tục
được nâng cấp/ xây dựng mới để tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp có thể sử dụng
tra cứu, tham khảo trong quá trình khai báo mã số HS, đồng thời để thống nhất
trong thực hiện phân loại.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn cho
cán bộ Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong
lĩnh vực phân loại hàng hóa.
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) ghi
nhận ý kiến của doanh nghiệp để nghiên cứu, rà soát để sửa đổi bổ sung hoàn thiện
các quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho
doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Câu hỏi 3: Các vấn
đề giấy phép, kiểm tra chuyên ngành liên quan hàng phi mậu dịch, thương mại điện
tử
Quy định và giải thích về “hàng
phi mậu dịch” còn rất bất cập, dẫn tới thực trạng là: hàng nhập về đơn chiếc hoặc
số lượng rất ít không nhằm mục tiêu kinh doanh
trong nước, hàng mua lẻ theo hình thức thương mại điện tử (một khách mua lẻ nhiều
mặt hàng qua các trang thương mại điện tử nước ngoài), khi về Việt Nam vẫn yêu
cầu làm kiểm tra chuyên ngành thì mới được thông quan.
- Doanh nghiệp nhập khẩu một sản
phẩm về làm mẫu để tiếp thị hoặc để tự sử dụng, phải kiểm tra chất lượng theo
QCVN 4:2009 và SĐ 1:2016. Nhưng sau khi thực hiện kiểm tra chất lượng (thử nghiệm
và hợp quy) thì sản phẩm mẫu đã bị phá hủy trong quá trình thử nghiệm.
- Khách hàng mua hàng lẻ trên các
trang thương mại điện tử nước ngoài, làm thủ tục nhập về Việt Nam qua các công
ty dịch vụ logistics. Một số mặt hàng khách mua cũng bị yêu cầu làm kiểm tra chất
lượng mặc dù chỉ mua lẻ một sản phẩm dẫn tới việc hạn
chế loại hình thương mại điện tử tại Việt Nam và xu
hướng nhập lậu lại ngày một gia tăng.
- Hiện nay chi phí thử nghiệm và
chứng nhận hợp quy là tương đối cao, trong một số
trường hợp thì chi phí kiểm tra chất lượng có thể gấp
nhiều lần giá trị sản phẩm, dẫn tới các đơn hàng
mua lẻ, số lượng ít, trị giá thấp rất khó khăn trong việc làm thủ tục đưa về Việt Nam.
- Bên cạnh thủ tục kiểm tra chất
lượng nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu, các thủ
tục, giấy phép dưới đây cũng không được miễn đối với hàng hóa nhập khẩu không
nhằm mục đích thương mại hoặc tự sử dụng, Doanh nghiệp
phải đáp ứng mới được thông quan: Kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu; Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin
mạng; Giấy phép nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Một số máy móc đặc thù nhập nguyên chiếc từ nước ngoài, khi phát sinh nhu cầu nhập một số thiết bị chuyên dụng để thay thế thì rất vướng các thủ tục trên.
Theo Khoản 3
Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của
Chính phủ quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa, trong đó bao gồm trường hợp “p) Các loại
hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại
hình phi mậu dịch) theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, việc thực hiện/ áp dụng quy định nêu trên từ phía các Bộ và cơ quan
hải quan lại phát sinh một số vướng mắc sau đây:
Về phía hải quan: Thông tư số
112/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm
tra, giám sát hải quan có quy định chi tiết về hàng
hóa “phi mậu dịch” và loại hình “tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch”. Tuy nhiên
Thông tư này đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Thông tư 80/2019/TT-BTC ngày
15/11/2019 của Bộ Tài chính - không có quy định về “hàng hóa phi mậu dịch” hoặc
“loại hình nhập khẩu phi mậu dịch”.
Do đó, xảy ra tình trạng lúng túng
khi Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 có quy định hàng hóa thuộc “loại
hình phi mậu dịch” được miễn kiểm tra chất lượng
nhà nước về hàng hóa nhập khẩu, nhưng không có văn bản luật hoặc dưới luật nào
khác (còn hiệu lực) định nghĩa hoặc hướng dẫn chi tiết về loại hình này để thực hiện theo và dẫn tới tình huống mỗi Cục Hải quan lại áp dụng một kiểu trong thời gian dài.
Đề xuất: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật
nhằm thống nhất cách hiểu và giải thích cũng như
quan điểm quản lý đối với
“hàng phi mậu dịch”. Trong quá trình đó, cân nhắc các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển thương mại
điện tử cũng như các hoạt động nhập khẩu với số lượng
ít, không có mục đích kinh doanh.
Trả lời:
1. Theo Đề án quản lý hoạt động
thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt và hiện đang được Tổng cục Hải quan xây dựng dự thảo Nghị định
quy định chi tiết để thực hiện, liên quan đến giải pháp để
cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, dự thảo quy định
theo hướng: Miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra
chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm
tra chuyên ngành trong trường hợp:
- Có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng
trở xuống, trừ trường hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng
cục Hải quan hàng hóa không được phép miễn giấy phép, điều
kiện, kiểm tra chuyên ngành.
- Có trị giá hải quan trên 1.000.000
đồng nhưng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa được miễn giấy
phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo số lượng/ định
lượng nhất định thì được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm
tra chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu
chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của
các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua thương mại điện
tử khác. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
2. Trước mắt việc miễn kiểm tra
chuyên ngành đã được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản
3, Điều 22 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP; điểm p, khoản 7, Điều 3 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ
sung tại khoản 1, Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày
15/5/2018).
Câu hỏi 4: Các vấn
đề bất cập và rủi ro trong hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt
Nam
Doanh nghiệp logistics Việt Nam nhận
vận chuyển hàng quá cảnh bằng đường bộ sang nước thứ 3 qua các cửa khẩu, khi làm thủ tục quá cảnh, nếu cơ quan hải quan và các lực lượng chức
năng phát hiện hàng hóa trong container là hàng giả,
hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ thì không phạt chủ
hàng (người gửi hàng/ người nhận hàng) mà phạt Doanh nghiệp vận chuyển rất nặng,
thậm chí tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Việc này đi
ngược lại với chủ trương của Chính phủ về tạo điều
kiện thuận lợi phát triển hàng quá cảnh qua lãnh thổ
Việt Nam sang Lào/ Campuchia nói riêng và không thể
hiện rõ quan điểm với việc phát triển dịch vụ cho
hàng quá cảnh nói chung. Nếu hải quan tiếp tục cách
thức kiểm tra thực tế hàng hóa, kết luận hàng vi phạm
sở hữu trí tuệ rồi xử phạt công ty vận chuyển thì dịch vụ chuyên chở hàng quá
cảnh sẽ không thể phát triển tại Việt Nam.
Thêm vào đó, rất nhiều tình huống
thực tiễn, khi hải quan tháo gỡ hàng hóa ra kiểm tra thì lại không phát hiện
các hàng hóa vi phạm. Trường hợp này Doanh nghiệp thường bị phạt một lỗi hành chính nào đó với mức xử phạt rất nhỏ nhưng tổn thất của Doanh
nghiệp vô cùng lớn bởi mất chi phí do thời gian chở hàng, hàng hóa bị cắt niêm
phong để kiểm tra dẫn tới bị chủ hàng phạt, mất các đơn hàng kế tiếp... Những
tình huống rủi ro như này hiện không có cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi của
Doanh nghiệp. Đồng thời, nếu tình trạng này liên tục diễn ra, các đối tác sẽ chuyển tuyến quá cảnh không tiếp tục đi qua Việt Nam và sẽ giảm
sút mạnh cơ hội kinh doanh của Doanh nghiệp, đồng thời gây thiệt hại cho cả một
lĩnh vực tiềm năng.
Hiện các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến lĩnh vực hải quan và vận chuyển quá
cảnh (như Luật Hải quan) đều không có chế tài cụ thể đối với
việc này. Khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan chỉ quy định: “các quy định về việc tạm dừng
làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Luật này không áp dụng đối với hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn
trừ, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế và hàng hóa quá
cảnh”.
Tuy nhiên, Điều
12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính
phủ lại có một số quy định liên quan và các cơ quan quản lý nhà nước đang vận dụng
để xử phạt Doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó việc
vận chuyển hàng hóa quá cảnh phải tuân theo những điều ước quốc tế về hàng quá cảnh mà Việt Nam ký
kết và trong đó có xác định việc xử phạt chủ hàng. Ví dụ: Điều 11 Hiệp định về Quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam - Lào cũng quy định rõ: “Bất cứ hành vi của chủ hàng hoặc người chuyên chở
vi phạm pháp luật của nước cho quá cảnh trong quá
trình quá cảnh sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật
có liên quan của nước cho quá cảnh”. Đồng thời, tại điểm c, khoản 1, Điều 5 Luật số
15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 Xử lý vi phạm hành chính
thì chủ hàng phải là bên chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật
Việt Nam khi phát hiện hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ chứ không phải đơn vị vận
chuyển.
Đề xuất: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải
quan) nhanh chóng xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan tới vận chuyển
hàng hóa quá cảnh theo đúng quy định của Hiệp định
hàng hóa quá cảnh giữa Việt Nam và các nước, trên quan điểm tạo thuận lợi cho thương mại và giảm chi phí logistics, tăng nguồn thu
cho nhà nước, đặc biệt có chủ trương rõ đối với việc
thu hút, đẩy mạnh nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và các nước qua Việt Nam.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 73 Luật Hải quan, các quy định về
việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu
hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với hàng hóa quá cảnh. Tuy
nhiên, trường hợp lô hàng quá cảnh có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật khác bị cơ quan hải quan kiểm tra và không áp dụng
quy định về tạm dừng làm thủ tục hải quan nêu trên, nếu phát hiện vi phạm về sở
hữu trí tuệ sẽ xử phạt theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày
29/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu
công nghiệp.
Liên quan đến việc kiểm tra thực tế
hàng hóa quá cảnh để kiểm soát về sở hữu trí tuệ, Tổng cục
Hải quan đã có giải đáp tại công văn số 7396/TCHQ-ĐTCBL ngày 20/11/2020 về việc
trả lời công văn số 05/2020/CV-HH ngày 23/10/2020 của Hiệp hội kinh doanh hàng
hóa quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn (đính kèm), đồng thời tham mưu cho Bộ Tài chính
báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của Hiệp hội kinh doanh hàng hóa
quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn và một số đề xuất, kiến nghị tại công
văn số 1524/BTC-TCHQ ngày 18/02/2021 (đính
kèm).
Câu hỏi 5: Các vấn
đề liên quan đến quy định xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính
(VPHC) trong lĩnh vực hải quan đang gây phản ứng mạnh và tức thì từ phía Doanh
nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và đặc biệt các Doanh nghiệp logistics nói
riêng do bất cập ở cả khâu quy định và thực thi liên quan đến Điều 8, Điều 9 Nghị định này.
Cụ thể Doanh nghiệp cho rằng “Việc
phạt theo quy định tại điểm a, b, c khoản 4, Điều 8 và
điểm d khoản 6, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là
chưa phù hợp với hoạt động thực tế.
1. Mức phạt liên quan tới lỗi sai trong khai báo bản lược khai hàng
hóa (Manifest) trên cổng thông tin một cửa quốc gia (VNSW) trước khi tàu cập cảng đích chưa hợp lý.
Từ trước đến nay, việc khai báo muộn vận đơn và sửa vận đơn trên E-Manifest đã từng xảy ra do nhiều
nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan
và chủ quan (do thời gian khai E-Manifest, do cùng
lúc có quá nhiều mã vận
đơn mà Doanh nghiệp phải nhập thủ công nên xảy ra sai sót, do múi giờ làm việc
các nước khác nhau ...). Việc triển khai thực hiện
Nghị định 128/2020/NĐ-CP hiện gây áp lực rất lớn
cho Doanh nghiệp và gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động ở vị trí nhân
viên khai báo. Hiện nay, chi phí phát sinh khi
nhập sai hồ sơ hoặc nộp muộn hồ sơ đều do chính người lao
động chịu trách nhiệm và chi trả. Mức lương trung bình Doanh nghiệp trả cho
nhân viên khai báo chứng từ dao động từ 6 đến 7 triệu
đồng. Nếu thực hiện mức phạt như khoản 4, Điều 8 Nghị định
128/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng
một lần khai sai thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn vì đối diện mức phạt cao hơn một tháng lương của bản thân.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính
khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu không phân biệt giữa
xuất nhập khẩu lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý
...
Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP
thì thực hiện sửa tờ khai và bị phạt cho dù việc sửa đổi không làm thay đổi về thuế hay bản chất tên hàng, chủng loại mà chỉ là sửa lỗi chính tả, hoặc thêm các thông tin phụ khác nhằm làm rõ nội dung khai báo cũng đều bị phạt.
Trong thực tế, việc sửa tờ khai có rất nhiều nguyên nhân, cũng có nguyên nhân
khách quan và chủ quan (do Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm lần đầu, do lỗi đánh máy của nhân viên khai báo...).
Ngoài ra, tại điểm a, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định rất rõ việc khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng,
giá trị hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, mức
thuế, xuất xứ chỉ bị xử phạt trong trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ
500.000 đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do cá nhân thực hiện, từ
2.000.000 đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do tổ chức thực hiện. Điều này không thống nhất với quy định tại Điều 8.
Đề xuất: Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài
chính (Tổng cục Hải quan):
- Xem xét lại mức phạt đối với vi
phạm do cá nhân thực hiện tại Điều
9 Nghị định để phù hợp với
thu nhập của người lao động hiện nay.
- Xem xét lại quy định tại Điều 8 của Nghị định, cho phép nếu Doanh
nghiệp khai báo cho mặt hàng lần đầu hoặc việc sửa đổi không ảnh hưởng đến
thuế thì sẽ không bị phạt.
- Có văn
bản hướng dẫn chi tiết cho cán bộ Hải quan ở tất cả
các Chi cục Hải quan thống nhất khi thực thi các
quy định tại Nghị định 128 và có góc nhìn hợp lý về hành vi vô tình hay cố ý để có mức xử phạt hợp lý.
Trả lời:
1. Kiến nghị quy định mức phạt phù hợp
với hành vi vô ý và cố ý:
Khoản 1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm
hành chính quy định “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do
cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước
mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm
hành chính”.
Theo quy định này, việc xử phạt vi phạm
hành chính được thực hiện khi cá nhân, tổ chức có lỗi, không phân biệt là lỗi cố
ý hay vô ý. Do đó, việc quy định chế tài xử phạt, mức tiền phạt vi phạm hành
chính thực hiện theo nguyên tắc trên.
2. Kiến nghị xem xét quy định lại mức
tiền phạt:
Về kiến nghị xem xét quy định mức phạt
tại khoản 4, Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Tổng cục Hải quan ghi nhận sẽ xem xét thực tiễn quá trình thi hành
quy định này để có đánh giá cụ thể và sẽ nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Nghị định
128/2020/NĐ-CP đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế
áp dụng.
3. Về kiến nghị áp dụng mức phạt của
cá nhân cho tổ chức vi phạm:
Khoản 2, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm
hành chính; điểm a, khoản 3, Điều 5
Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy mức phạt tiền đối với cá nhân
bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy
định tại Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức. Việc xác định mức tiền phạt đối với
cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định nêu trên, do đó đề nghị của các
Công ty, các Hiệp hội chỉ áp dụng mức tiền phạt của cá nhân tại Điều 8 là trái quy định của pháp luật trên và
không có cơ sở xem xét.
4. Về phân loại hàng hóa và kiến nghị
không xử phạt vi phạm hành chính:
- Về việc không xử phạt vi phạm hành
chính:
Điểm c, khoản 2, Điều 18 Luật Hải
quan quy định nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc chịu
trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ
đã nộp, xuất trình.
- Để đảm bảo nghĩa vụ nêu trên của
người khai hải quan, Luật Hải quan đã quy định các quyền của người khai hải
quan:
+ Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng
hóa, sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của tổ chức giám định (điểm c, khoản 1, Điều 18 Luật Hải quan; khoản 3, Điều 3 Thông tư 14/2015/TT-BTC).
+ Yêu cầu cơ quan hải quan xác định
trước mã số hàng hóa (Điểm b, khoản 1, Điều 18 Luật Hải
quan; Điều 23, Điều 24 Nghị định
08/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số
59/2018/NĐ-CP)).
Do đó, doanh nghiệp có thể căn cứ quy
định nêu trên để chủ động sử dụng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính chính xác trong việc khai hải quan.
Tránh sai sót khi lần đầu khai báo và làm thủ tục hải quan.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 6 Nghị định 128/2020/NĐ-CP thì trường hợp
vi phạm lần đầu không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Do đó,
kiến nghị về việc không xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm xảy
ra do vi phạm lần đầu là không có cơ sở xem xét.