Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1579/BTTTT-VP Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông Người ký: Nguyễn Trọng Phát
Ngày ban hành: 21/06/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ưBỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1579/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của các Sở TTTT và các doanh nghiệp ngành TTTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi:

- Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh;
- Cơ quan Đại diện của Bộ tại Đà Nẵng;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC; Công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu; Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương; Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT.

 

Cuối năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được một số kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Sở, doanh nghiệp thông tin và truyền thông trong cả nước. Bộ đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trả lời. Bản tổng hợp nội dung trả lời được đăng tải trên website của Bộ tại địa chỉ: mic.gov.vn và gửi theo địa chỉ email của các Sở, các doanh nghiệp. Đề nghị các Sở, doanh nghiệp thông tin và truyền thông nghiên cứu. Nếu có vấn đề gì còn chưa rõ hoặc có những kiến nghị, đề xuất khác tiếp tục gửi về Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ xem xét, trả lời.

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để b/c);
- Trung tâm thông tin (để p/h);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Trọng Phát

 

TỔNG HỢP TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

CỦA SỞ TTTT CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ; CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
(Đính kèm Công văn 1579/BTTTT-VP ngày 21 tháng 6 năm 2012)

I. Lĩnh vực Báo chí, Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, Thông tin đối ngoại:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ tăng cường phân cấp và uỷ quyền cho các Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong công tác quản lý báo chí. Đối với việc quản lý các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí. Bộ cần có những chế tài quản lý chặt chẽ hơn dành cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, nhằm quản lý có hiệu quả hơn, xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra (Quảng Trị).

Trả lời:

Nội dung quản lý nhà nước (QLNN) và trách nhiệm của các cơ quan QLNN về báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Để hướng dẫn cụ thể các nội dung QLNN, Bộ Văn hoá Thông tin trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành nhiều văn bản như: Thông tư 16/2010/TT-BTTTT ngày 19/7/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san; Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; Thông tư 21/2011/TT-BTTTT ngày 13/7/2011 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 và Quyết định 28/2002/QĐ-BVHTT ngày 21/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin; Quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ban hành Quy chế xuất bản bản tin.

Thực hiện việc rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, lĩnh vực báo chí cũng như toàn bộ các lĩnh vực của Bộ TTTT đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính của Bộ, trong đó việc cấp giấy phép trong hoạt động báo chí cũng như thẩm quyền cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Báo chí. Vì vậy, việc phân cấp và uỷ quyền cho các Sở TTTT trong công tác quản lý báo chí sẽ thực hiện như các quy định hiện hành.

Đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú:

Việc thành lập, hoạt động, quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí được thực hiện theo Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008. Chế tài xử lý khi có các vi phạm xảy ra được thực hiện theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Câu hỏi 2: Hiện nay, hàng tuần tại Cơ quan đại diện có cuộc giao ban báo chí vào sáng thứ tư do đồng chí Lừng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Cục Báo chí và Cục Quản lý PTTH và TTĐT tại TP.HCM chủ trì với sự tham dự của đại diện các báo Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thành phần tham dự giao ban không đúng, hầu hết hiện nay là các đồng chí đã nghỉ hưu. Vì vậy, đề nghị Bộ nên thực hiện họp giao ban báo chí hàng tuần bằng phương thức trực tuyến cho đầu cầu TP.Hồ Chí Minh sẽ hợp lý và đúng tính chất, thành phần tham dự họp hơn (Cơ quan đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Việc tổ chức giao ban báo chí hàng tuần được thực hiện theo quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT và Hội Nhà báo Việt Nam. Tổ chức giao ban báo chí hàng tuần bằng phương thức trực tuyến là phương án cần có sự thống nhất ý kiến giữa Ban, Bộ và Hội trước khi báo cáo Ban Bí thư. Thành phần tham dự giao ban là lãnh đạo cơ quan báo chí (không có đối tượng khác), Ban tổ chức cần kiểm tra để đảm bảo đúng thành phần tham dự theo quy định.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về Báo chí, Xuất bản để phù hợp với thực tiễn phát triển của hoạt động thông tin, báo chí trong tình hình mới. Xây dựng các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chức năng nhằm giúp các địa phương, đơn vị có hành lang pháp lý phục vụ cho công tác QLNN trong lĩnh vực này, ban hành quy định sửa đổi, bổ sung về việc cấp phép xuất bản bản tin (Vĩnh Phúc, Nam Định).

Trả lời:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nội dung rất quan trọng của công tác QLNN. Quá trình thực hiện Luật Báo chí năm 1999 bên cạnh mặt tích cực, còn bộc lộ hạn chế như: Chưa điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh nhất là khi các loại hình báo chí phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, nhiều quy định của Luật Báo chí hiện hành đã không còn phù hợp. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XII, Bộ TTTT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Năm 2009, sau khi Bộ TTTT trình Chính phủ dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban cán sự Đảng Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình dự thảo Luật vào thời điểm thích hợp. Sau khi Luật Báo chí mới được ban hành thì sẽ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật về báo chí.

Về xuất bản bản tin hiện nay được điều chỉnh bởi quy định tại Quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ban hành Quy chế xuất bản bản tin và Quyết định 3865/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin về việc uỷ quyền cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin. Thực hiện chương trình xây dựng luật năm 2012, Bộ đang chỉ đạo xây dựng Thông tư về xuất bản bản tin để thay thế Quy chế được ban hành kèm theo quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT cho phù hợp với thực tế tình hình hoạt động báo chí. Dự kiến thông tư sẽ được Bộ ban hành trong quý III/2012.

Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ có chỉ đạo thống nhất, đồng bộ các giải pháp, biện pháp để khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý ngành như: thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thậm chí bịa đặt hoàn toàn... tạo điều kiện cho sở thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thực trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thậm chí bịa đặt hoàn toàn... diễn ra trong thời gian qua là những vấn đề cơ quan chỉ đạo, quản lý đặc biệt quan tâm. Những hạn chế nêu trên mặc dù đã được chấn chỉnh, xử lý nhưng vẫn chậm được khắc phục. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ sớm giải quyết những khó khăn cho các kênh truyền hình công ích VTC10, VTC14, VTC16 (Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC).

Trả lời:

Hiện nay, Bộ đang giao Cục Quản lý PTTH và TTĐT quản lý và thực hiện hợp đồng đặt hàng Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài VTC) cung ứng dịch vụ truyền hình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm hoạ phục vụ cộng đồng (kênh VTC14) giai đoạn 2010-2012. Dịch vụ truyền hình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng là dịch vụ công ích lần đầu được triển khai, nên việc quản lý dịch vụ gặp nhiều khó khăn, lúng túng do chưa có tiền lệ, các văn bản pháp lý hướng dẫn và điều chỉnh dịch vụ này chưa có hoặc chưa đầy đủ. Cụ thể:

Tháng 7/2008 Bộ trưởng Bộ TTTT phê duyệt Danh mục chương trình; tháng 11/2009 Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý về chủ trương hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của kênh truyền hình chuyên biệt này. Tháng 3/2010, Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch cung ứng dịch vụ truyền hình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm hoạ phục vụ cộng đồng (kênh VTC14) giai đoạn 2010 - 2012; tháng 5/2010 hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ mới được ký kết. Tháng 3/2011, Bộ TTTT ban hành đơn giá dịch vụ cho hợp đồng này. Tuy nhiên đến nay, Thông tư hướng dẫn thực hiện đặt hàng dịch vụ truyền hình công ích vẫn chưa được ban hành. Việc thiếu các văn bản pháp lý và cơ chế hướng dẫn thi hành khiến quá trình thực hiện dịch vụ này theo đơn đặt hàng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành khối lượng dịch vụ theo hợp đồng của Đài VTC, dẫn đến việc vi phạm hợp đồng (sản xuất không đủ sản lượng, sản xuất chương trình sai thể loại, phát lệch khung phát sóng so với quy định trong hợp đồng). Do đó, ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu, thanh quyết toán dịch vụ. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng đã cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các tồn tại để đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh quyết toán. Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu xong dịch vụ năm 2010, chuẩn bị nghiệm thu dịch vụ năm 2011. Cục Quản lý PTTH và TTĐT đang khẩn trương hoàn tất công tác thanh, quyết toán dịch vụ năm 2010. Riêng đặt hàng Đài VTC cung ứng dịch vụ Kênh VTC14, Cục PTTH và TTĐT mới tạm ứng 50% kinh phí được giao năm 2011 và hiện đang tiếp tục làm thủ tục nghiệm thu. Đồng thời Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung kinh phí cho Bộ TTTT để thực hiện nhiệm vụ này.

Năm 2012, Bộ trưởng đã có các quyết định phân bổ dự toán năm 2012 cho các đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời, Bộ đã có các quyết định phê duyệt dự toán chi tiết đối với đặt hàng kênh VTC14, VTC16. Các đơn vị đang làm thủ tục để giải ngân kinh phí tạm ứng cho Đài VTC. Đối với kênh VTC10, do dự toán chi tiết đang vượt kinh phí đã giao nên cần rà soát lại dự toán kinh phí để báo cáo Bộ phê duyệt theo quy định. Hiện nay các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Hợp đồng đặt hàng đang tổ chức nghiệm thu dịch vụ để tổng họp đề nghị Bộ phê duyệt quyết toán.

Câu hỏi 6: Đề nghị sớm xây dựng kênh truyền hình tiếng Khơme phục vụ đồng bào dân tộc Khơme khu vực ĐBSCL; Đài THVN có kế hoạch đưa một số kênh truyền hình thuộc đài truyền hình chính phủ Hoàng gia Campuchia vào mạng truyền hình cáp thuộc các tỉnh có đồng bào dân tộc Khơme (An Giang).

Trả lời:

* Về việc xây dựng kênh truyền hình tiếng Khơme: Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc cho ý kiến đối với việc xây dựng kênh truyền hình tiếng Khơme do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ làm chủ quản. Ngày 05/7/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1968/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi Văn phòng Chính phủ. Theo quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng kênh truyền hình tiếng Khơme để phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí của đồng bào Khơme và làm công cụ thông tin tuyên truyền để tăng cường an ninh chính trị, an sinh xã hội… là cần thiết.

Tuy nhiên, để khai thác và sử dụng có hiệu quả thế mạnh về điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có của các đài PTTH khu vực Tây Nam Bộ, tránh lãng phí trong việc đầu tư xây dựng mới hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, Bộ TTTT đề nghị Chính phủ xem xét, giao cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là đơn vị đặt hàng các đài PTTH trong khu vực sản xuất các chương trình truyền hình tiếng Khơme phục vụ công tác tuyên truyền và nhu cầu hưởng thụ thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số như Khơme, Chăm…Đến nay, Bộ TTTT chưa nhận được thêm ý kiến chỉ đạo nào của Chính phủ về vấn đề này.

* Về việc đưa một số kênh truyền hình thuộc Đài truyền hình Chính phủ Hoàng gia Campuchia vào mạng truyền hình cáp thuộc các tỉnh có đồng bào dân tộc Khơme.

Tháng 9/2011, Bộ TTTT nhận được văn bản 2606/UBND-VX ngày 15/9/2011 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thu, phát chậm chương trình truyền hình tiếng Khơme của Đài Truyền hình Chính phủ Campuchia. Bộ đã có văn bản số 2969/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 30/9/2011 gửi Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nghiên cứu nhu cầu xem kênh chương trình truyền hình tiếng Khơme của đồng bào Tây Nam bộ, kể cả kênh truyền hình của Đài Truyền hình Chính phủ Campuchia. Trường hợp cần thiết có thể tính đến phương án đặt hàng đơn vị có đủ năng lực thực hiện việc biên tập và phát sóng kênh chương trình truyền hình này theo các quy định của pháp luật về báo chí Việt Nam.

Câu hỏi 7: Đề nghị Bộ TTTT xem xét, phân cấp cho các Sở TTTT trực tiếp giải quyết thủ tục đăng ký quảng cáo trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng trong đăng ký quảng cáo, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử, đồng thời tạo nên sự đồng bộ xuyên suốt trong quản lý ở địa phương từ việc giải quyết đăng ký quảng cáo đến việc thanh tra quảng cáo trên mạng thông tin máy tính (Quảng Trị, Phú Yên).

Trả lời:

Bên cạnh Thông tư liên tịch 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT ngày 18/12/2008 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về cấp phép, đăng ký, thực hiện quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính, xuất bản phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hoạt động quảng cáo nói chung và hoạt động quảng cáo trên mạng thông tin máy tính nói riêng, hoạt động quảng cáo còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo và Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2003/NĐ-CP.

Hiện nay, Quốc hội đang xem xét chuẩn bị thông qua Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh Quảng cáo. Vì vậy, Bộ TTTT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn, phân cấp sau khi Luật Quảng cáo được ban hành.

Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ TTTT xem xét, phân cấp cho Đà Nẵng được cấp phép thành lập trang thông tin điện tử như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh (Đà Nẵng).

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 10, Thông tư 14/2010/TT-BTTTT ngày 29/6/2010 Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, Bộ TTTT đã thí điểm phân cấp cho Sở TTTT Hà Nội và Hồ Chí Minh thẩm định hồ sơ và cấp phép các trang thông tin điện tử tổng hợp cho các tổ chức trong nước, doanh nghiệp do cơ quan QLNN của địa phương cấp phép hoặc cấp đăng ký hoạt động.

Hiện nay, Bộ TTTT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP, theo đó Bộ dự kiến phân cấp thủ tục hành chính cho Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cấp giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp đối với các tổ chức trong nước, doanh nghiệp. Sau khi Nghị định chính thức có hiệu lực, Bộ TTTT sẽ xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 9: Đề nghị Bộ TTTT có biện pháp quản lý chặt hơn về nội dung game online (Quảng Nam, Quảng Trị, Điện Biên).

Trả lời:

Trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về trò chơi trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình trò chơi này, cụ thể:

- Tăng cường xử lý các trò chơi trực tuyến không phép, các trò chơi nhập lậu, phát hành bất hợp pháp tại Việt Nam.

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra các trò chơi trực tuyến đã được phép hoạt động và đang phát hành tại Việt Nam, hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đặc biệt là dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến tại các địa phương; xử lý nghiêm khắc các trường hợp cung cấp trò chơi không đúng với nội dung kịch bản được phê duyệt.

- Ngừng cung cấp dịch vụ Internet cho các đại lý Internet ngoài thời gian mở, đóng cửa hàng ngày theo quy định của chính quyền địa phương.

Hiện nay, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và quản lý thông tin điện tử trên Internet (dự thảo Nghị định) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 6/2012. Trong dự thảo Nghị định này cũng đưa những quy định cơ bản, mang tính nguyên tắc chung quản lý việc cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet và những nội dung chi tiết mang tính chất hướng dẫn về trò chơi trực tuyến sẽ được quy định cụ thể trong Thông tư hướng dẫn, ban hành ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định 97 có hiệu lực.

Theo đó, ngoài các quy định được kế thừa từ Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 của liên Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính - Viễn thông và Bộ Công an, dự thảo Nghị định quy định những nội dung mới về trò chơi điện tử trên mạng Internet, nhằm nâng cao hiệu qủa công tác quản lý trong lĩnh vực này cụ thể:

* Mở rộng phạm vi quản lý, đối tượng điều chỉnh.

Thông tư liên tịch 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 mới chỉ điều chỉnh nhóm trò chơi “có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trò chơi về mặt kỹ thuật không thuộc nhóm trò chơi nêu trên nhưng lại có tác động không nhỏ tới xã hội và cần được quản lý. Vì vậy, dự thảo Nghị định bổ sung 3 nhóm trò chơi như sau:

- Trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

- Trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

- Trò chơi được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

Các nhóm trò chơi nêu trên sẽ có biện pháp quản lý riêng đối với mỗi loại hình trò chơi.

* Phân loại trò chơi điện tử trên mạng Internet theo nội dung và kịch bản phù hợp với độ tuổi của người chơi. Việc phân loại trò chơi nhằm khuyến cáo tới người sử dụng, các bậc cha mẹ học sinh căn cứ vào nội dung nêu trên để có thể hướng dẫn cho con em mình lựa chọn các trò chơi phù hợp.

* Hạn chế tối đa về thời gian chơi: Đối với trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm quản lý tập trung tài khoản của người chơi, bảo đảm tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi của doanh nghiệp đối với mỗi người chơi trong một ngày không quá 180 phút.

* Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet trong việc quản lý chặt chẽ độ tuổi người chơi và giới hạn giờ chơi.

* Tách riêng Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, trong đó quản lý chặt chẽ hơn vgiới hạn thời gian cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 8h đến 22h hàng ngày; in và niêm yết danh sách phân loại trò chơi điện tử trên mạng mới nhất của các doanh nghiệp; tuân thủ các quy định về đảm bảo an ninh thông tin theo quy định của Bộ Công an;...

* Yêu cầu đối với người chơi: Dự thảo Nghị định quy định người chơi phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Công an và lựa chọn các trò chơi điện tử trên mạng phù hợp với độ tuổi theo quy định.

Trong khi chờ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP, hiện nay Bộ TTTT đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Câu hỏi 10: Đề nghị Bộ hướng dẫn một số nội dung liên quan đến cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp tại địa bàn (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Bộ ghi nhận ý kiến của Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh về những vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định tại Thông tư 14/2010/TT-BTTTT để xem xét, xử lý trong quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Đề nghị Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh có những ý kiến góp ý cụ thể, chi tiết đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Đối với đề nghị cung cấp bản sao giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (Cục quản lý PTTH và TTĐT cấp trước tháng 10/2010) và bản sao giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến (Cục đã cấp từ trước đến nay) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo quy định và trên thực tế, ngay sau khi cấp giấy phép hoặc cấp giấy đăng ký xác nhận, Cục quản lý PTTH và TTĐT đều gửi một bản Giấy phép, Giấy xác nhận cho Sở TTTT tỉnh, thành phố nơi có tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đóng trên địa bàn. Như vậy, các giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp mà Cục cấp trước tháng 10/2010 và giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều đã được gửi về Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi 11: Về quảng cáo của các doanh nghiệp đang quảng cáo cho hoạt động mua bán kinh doanh rượu (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Nội dung này đã được Cục quản lý PTTH và TTĐT trả lời Sở tại Công văn 246/PTTH&TTĐT ngày 27/3/2012.

Câu hỏi 12: Về việc cấp phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài; cấp phép sản xuất kênh chương trình truyền hình trả tiền (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

* Về cấp phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài:

- Điều 13, Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền (Quy chế) kèm theo Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 không quy định các kênh khoa học, giáo dục, kênh tổng hợp, kênh giải trí tổng hợp, kênh thể thao, ca nhạc phải dịch 100% các kênh chương trình này theo như cách hiểu của Sở.

- Cũng theo quy định của Quy chế, việc biên tập kênh chương trình nước ngoài đang được phát sóng trên truyền hình trả tiền phải được cấp phép lại trước ngày 15/5/2012.

Do có khó khăn trong vấn đề bản quyền và chuẩn bị hồ sơ, gần đây, một số cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh mới nộp hồ sơ lên Bộ TTTT đề nghị cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài. Việc này cho thấy các cơ quan, đơn vị đang nỗ lực thực hiện nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, sau khi được cấp phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài, các đài cần có thời gian để chuẩn bị đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất theo giấy phép được cấp. Do đó, để bảo đảm công tác chuẩn bị của các đài đạt chất lượng, hiệu quả theo quy định, Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn thực hiện việc cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài thêm 6 tháng; thời hạn cuối cùng phải thực hiện xong việc cấp phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài là ngày 15/11/2012 thay vì thời hạn 15/5/2012. Hiện Bộ TTTT đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

* Về cấp phép sản xuất kênh chương trình truyền hình trả tiền trong nước của các đài phát thanh, truyền hình: Quy chế không quy định phải cấp phép lại các kênh truyền hình trả tiền do các đài phát thanh, truyền hình trong nước sản xuất.

Câu hỏi 13: Đề nghị Bộ hướng dẫn triển khai hoạt động cấp phép TVRO (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

- Việc cấp đăng ký thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh (TVRO) không thuộc dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Như vậy, các Giấy phép TVRO đã cấp trước đây cho các đối tượng không thuộc đối tượng được quy định tại Điều 6 của Quy chế thì không còn hiệu lực pháp lý.

- Về đối tượng là cơ sở du lịch, khách sạn có người nước ngoài lưu trú có được cấp phép TVRO hay không?

Theo Điều 6 của Quy chế, việc được cấp phép đăng ký thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh TVRO phụ thuộc vào đối tượng và người sử dụng chứ không phụ thuộc vào đó là khách sạn hay cơ sở du lịch.

Câu hỏi 14: Về cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình/kênh chương trình liên kết (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Đối với phản ánh về việc cấp phép cung cấp kênh truyền hình không mang tên đơn vị của cơ quan báo chí (đài phát thanh, truyền hình) mà chỉ có tên đơn vị liên kết sản xuất chương trình truyền hình.

Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết được Cục Quản lý PTTH và TTĐT thực hiện theo đúng các quy định của Thông tư 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009. Trong Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết đã nêu cụ thể tên cơ quan báo chí, tên của đối tác liên kết, tên của chương trình/kênh chương trình liên kết. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng biểu tượng của đơn vị liên kết.

Theo các quy định của pháp luật về báo chí, các đài phát thanh, truyền hình là đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hoạt động của kênh chương trình liên kết, trong đó có nội dung thông tin được thể hiện trên màn hình, trừ biểu tượng (logo) của nhà cung cấp dịch vụ (theo điều 18 của Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền).

Đối với việc thông báo thông tin khi cấp giấy chứng nhận đăng ký chương trình/kênh chương trình liên kết cho các đài phát thanh, truyền hình các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương: Trong phần “nơi nhận” của các Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết đều có Sở TTTT địa phương nơi có đài phát thanh, truyền hình đó hoạt động

Câu hỏi 15: Đối với đề nghị Hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 85/2010/TTLT-BTTTT-BCA về cấp phép, đăng ký, thực hiện quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính, xuất bản phẩm và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Sở đề nghị Bộ TTTT sớm phối hợp với Bộ Công an ban hành hướng dẫn để các Sở TTTT có cơ sở thực hiện (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

- Thông tư liên tịch 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT ngày 18/5/2008 là Thông tư liên tịch giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không phải Thông tư liên tịch giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

- Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT, hoạt động quảng cáo nói chung và hoạt động quảng cáo trên mạng thông tin máy tính nói riêng còn được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo và Thông tư 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2003/NĐ-CP. Hiện nay, Quốc hội đang xem xét chuẩn bị thông qua Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh Quảng cáo. Vì vậy, Bộ TTTT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn sau khi Luật Quảng cáo được ban hành.

Câu hỏi 16: Về người chịu trách nhiệm chính trong Hồ sơ đăng ký cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Điểm c Khoản 1 Điều 8 Thông tư 14/2010/TT-BTTTT đã quy định cụ thể về các điều kiện mà người chịu trách nhiệm quản lý trang thông tin điện tử phải đáp ứng. Vì vậy, đề nghị Sở căn cứ vào quy định nêu trên để thực hiện.

* Trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, Cục quản lý PTTH và TTĐT đã có một số văn bản đề nghị Sở kiểm tra, xem xét, xử lý đối với các sai phạm trong hoạt động thông tin điện tử và có báo cáo kết quả xử lý để Cục được biết. Đề nghị Sở kiểm tra một số vụ việc sau:

- Vi phạm của báo điện tử Sài Gòn tiếp thị Media trong việc đặt đường link liên kết trực tiếp tới trang www.blog.swedenabroad.com trong bài: “Đằng sau việc Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đóng cửa” (công văn số 04/PTTH&TTĐT ngày 05/01/2011).

- Sai phạm Công ty TNHH Châu Á Mềm trong việc đăng quảng cáo trò chơi trực tuyến Kim Bình Mai tại trang thông tin điện tử của Công ty với tên miền www.playpark.vn khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi (công văn số 669/PTTH&TTĐT ngày 21/7/2011).

- Sai phạm của chủ thể tên miền www.saigontiepthi.com.vn trong việc hoạt động báo chí điện tử mạo danh báo điện tử Sài gòn tiếp thị Media (văn bản số 960/PTTH&TTĐT ngày 03/10/2011)

- Sai phạm của Công ty King Corp trong việc phát hành một số trò chơi trực tuyến trên website www.gameken.us và www.ken.vn chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép (công văn số 981/PTTH&TTĐT ngày 06/10/2011).

- Sai phạm của Công ty TNHHDV Tin học Khởi nghiệp trong việc hoạt động báo chí không phép trên trang www.baothitruong.com (văn bản số 62/PTTH&TTĐT ngày 17/01/2012).

- Sai phạm của Công ty cổ phần Yêu Thể thao trong việc cung cấp nhiều tin, bài kèm những hình ảnh dung tục, gây phản cảm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trên trang www.bongda.com.vn (công văn số 36/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2012).

Câu hỏi 17: Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn cụ thể cho Sở TTTT các tỉnh triển khai chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại tại địa phương (Lào Cai).

Trả lời:

Công tác QLNN về thông tin đối ngoại ở địa phương đã được Chính phủ, Bộ TTTT ban hành các văn bản hướng dẫn như sau:

+ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

+ Thông tư liên tịch số 34/2011/TTLT/BTTTT-BNG của Bộ TTTT và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc phối hợp thực hiện Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

+ Công văn số 1171/BTTTT-TTĐN của Bộ TTTT ngày 22/4/2011 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

Hiện nay, Cục Thông tin đối ngoại của Bộ TTTT đã và đang giúp các địa phương tổ chức tập huấn công tác QLNN về thông tin đối ngoại, đã mở được 17 lớp tại 17 tỉnh, thành trong cả nước. Cục đã có kế hoạch phối hợp với Sở TTTT tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại vào trung tuần tháng 6/2012. Đồng thời, Cục có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu dành cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trong cả nước.

II. Lĩnh vực Xuất bản:

Câu hỏi 1: Sau thời gian triển khai Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, nhu cầu xin cấp giấy phép hoạt động ngành in có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở in tư nhân ở Đà Nẵng đều không đủ vốn để đầu tư thiết bị dây chuyền công nghệ in để được cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm. đề nghị Bộ cho phép gia hạn thêm thời gian hoàn tất đầu tư thiết bị in (Đà Nẵng).

Trả lời:

Điều 11, Thông tư 22/2010/TT-BTTTT ngày 06/10/2010 của Bộ TTTT đã quy định cụ thể về thiết bị để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.

Câu hỏi 2: Trước thực trạng cơ sở in thủ công phát triển phức tạp, đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn quản lý hoạt động in thủ công: in lưới, in lụa (Đà Nẵng).

Trả lời:

Hiện nay, tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý đối tượng này, Bộ tiếp thu đề xuất của Sở TTTT Đà Nẵng để nghiên cứu và sớm đưa nội dung này vào sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật gần nhất.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ ban hành cơ chế chính sách và hướng dẫn cụ thể việc thẩm định nội dung xuất nhập khẩu xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh (Vĩnh Phúc).

Trả lời:

Việc thẩm định nội dung các xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh đã được quy định rõ trong Điều 12, Điều 13 của Thông tư 02/2010/TT-BTTTT ngày 11/01/2010 Quy định chi tiết thi hành một số quy định của Luật Xuất bản ngày 03/6/2008.

Câu hỏi 4: Công tác quản lý về vàng mã còn nhiều bất cập, khó kiểm soát ngay tại các quận huyện, thành phố, đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, có hướng dẫn cụ thể để công tác quản lý tại địa phương được thuận lợi (Thừa Thiên - Huế).

Trả lời:

Việc quản lý in vàng mã đã được quy định tại Nghị định 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ và Thông tư 22/2010/TT-BTTTT ngày 06/10/2010 của Bộ TTTT, cụ thể:

- Tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 105/2007/NĐ-CP quy định: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã, phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở TTTT) sở tại.

- Tiêu chí đăng ký vàng mã được quy định chi tiết tại Điều 8, Thông tư 22/2010/TT-BTTTT Sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục I Thông tư 04/2008/TT-BTTTT về in vàng mã.

Như vậy, quy định về in vàng mã đã được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Đề nghị Sở TTTT chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Quy định về xử lý vi phạm đối với in vàng mã được thể chế bằng Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động In.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ sớm xây dựng quy hoạch hoạt động xuất bản, in, phát hành và hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch xuất bản tại địa phương theo quy hoạch chung cả nước, nhất là những thành phố lớn có tính chất đặc thù trong hoạt động xuất bản (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thời gian qua, Bộ TTTT đã chủ động xây dựng Quy hoạch hoạt động xuất bản, in, phát hành đến năm 2020 và trình Thủ tướng Chính phủ theo Tờ trình 3118/TTr-BTTTT ngày 12/10/2011. Tuy nhiên, Luật Xuất bản đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi nên Văn phòng Chính phủ có Công văn 2447/VPCP-KGVX ngày 14/4/2012 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc yêu cầu Bộ TTTT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách đến năm 2020 trên cơ sở bám sát nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Xuất bản. Sau khi Luật Xuất bản (sửa đổi) được thông qua, Bộ sẽ hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch theo đúng trình tự, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành đến năm 2020 được phê duyệt, Bộ sẽ có hướng dẫn để các Sở TTTT xây dựng quy hoạch tại địa phương.

Câu hỏi 6: Xuất bản sách chuyên quảng cáo và việc xử lý xuất bản sách dưới dạng tạp chí (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

- Về việc xuất bản sách chuyên quảng cáo:

Tại Điều 29, Luật Xuất bản hiện hành quy định rõ việc quảng cáo trên xuất bản phẩm:

“1. Đối với sách chỉ được quảng cáo về tác giả, tác phẩm, nhà xuất bản trên bìa hai, ba và bốn, trừ sách chuyên về quảng cáo.

2. Đối với tài liệu không kinh doanh chỉ được quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu đó.

3. Không được quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật cấm quảng cáo.”

Như vậy, các nhà xuất bản được quyền xuất bản sách chuyên về quảng cáo với nội dung, hình ảnh giới thiệu một hoặc nhiều lĩnh vực, thực hiện đúng với các quy định của Pháp lệnh Quảng cáo.

- Về việc xuất bản sách dưới dạng tạp chí: Luật Xuất bản hiện hành không có quy định cụ thể về hình thức trình bày để phân biệt giữa sách và tạp chí như khuôn khổ, số trang, trình bày dạng cột... Điều 26 Luật Xuất bản chỉ quy định về các thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về xuất bản, khi thực hiện xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản, Cục Xuất bản luôn lưu ý các nhà xuất bản không được ghi các thông tin thuộc lĩnh vực báo chí trên xuất bản phẩm (như tạp chí, bản tin, tòa soạn, số/kỳ phát hành,..) và chuyển Thanh tra Bộ TTTT xử lý các xuất bản phẩm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 7: Xử lý xuất bản phẩm vi phạm pháp luật của nhà xuất bản (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Việc nhà xuất bản có quyết định tự thu hồi xuất bản phẩm vi phạm, thể hiện sự tự giác, khắc phục vi phạm. Đây là trách nhiệm của nhà xuất bản. Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, việc thông báo các xuất bản phẩm vi phạm tới các cơ quan chức năng tại địa phương biết để phối hợp xử lý xuất bản phẩm vi phạm thuộc thẩm quyền của Cục Xuất bản, phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, Cục Xuất bản không có văn bản nào với hình thức yêu cầu các Sở TTTT thực hiện quyết định thu hồi của nhà xuất bản mà chỉ có các văn bản thông báo về xuất bản phẩm vi phạm và đề nghị các Sở TTTT phối hợp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc trực tiếp thu hồi những xuất bản phẩm vi phạm đã có quyết định thu hồi của nhà xuất bản nhưng vẫn lưu hành trên thị trường là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố theo sự phân cấp của Chính phủ (trong đó có Sở TTTT các tỉnh, thành). Đồng thời, khi phát hiện xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi mà còn lưu hành trên thị trường tại địa bàn thì Sở TTTT hoàn toàn có trách nhiệm và thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 8: Có quy định rõ ràng quy trình, thẩm quyền đánh giá, kết luận nội dung xuất bản phẩm (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời

Tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xuất bản quy định rõ việc đọc xuất bản phẩm lưu chiểu:

“1. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đọc xuất bản phẩm lưu chiểu do mình cấp giấy phép xuất bản.

Trong trường hợp phát hiện xuất bản phẩm vi phạm quy định của Luật này thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản tổ chức thẩm định nội dung và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.”

Tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 111/2005/NĐ-CP ngày 26/8/2005 và Nghị định 11/2009/NĐ-CP ngày 10/2/2009 sủa đổi bổ sung Nghị định 111/2005/NĐ-CP có quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Khi xuất bản phẩm có nội dung phức tạp, nhạy cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng thì quy trình và thẩm quyền để đánh giá, kết luận như sau:

- Đối với xuất bản phẩm là tài liệu không kinh doanh do Sở TTTT cấp giấy phép xuất bản, nếu có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản, thì Sở TTTT thành lập Hội đồng thẩm định để có ý kiến tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có quyết định xử lý phù hợp và báo cáo việc xử lý về Bộ TTTT.

- Đối với xuất bản phẩm của nhà xuất bản tại địa phương, nếu có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản, thì Sở TTTT yêu cầu nhà xuất bản của địa phương tổ chức thẩm định để có ý kiến tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có quyết định xử lý phù hợp và báo cáo việc xử lý về Bộ TTTT.

- Trường hợp, Sở TTTT phát hiện xuất bản phẩm của các nhà xuất bản khác đang lưu hành trên địa bàn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo bằng văn bản để Bộ TTTT có biện pháp xử lý kịp thời. Để công tác xử lý vi phạm đảm bảo tính khách quan, chính xác, Cục Xuất bản chuyển xuất bản phẩm cho các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học, chuyên môn phù hợp đọc để lấy ý kiến tham vấn, hoặc cao hơn nữa là thành lập Hội đồng thẩm định nội dung. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, kết luận của Hội đồng thẩm định, Cục Xuất bản nghiên cứu để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ TTTT trong việc xử lý xuất bản phẩm, đúng đối tượng, đúng mức độ. Như vậy, kết luận về nội dung xuất bản phẩm vi phạm pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ TTTT.

Câu hỏi 9: Quy định cấp giấy phép số lượng lịch blốc và yêu cầu sử dụng tem chống giả của Cục Xuất bản (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Việc xuất bản lịch blốc là quyền của các nhà xuất bản và được thực hiện như các xuất bản phẩm khác. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến 2010, thực hiện xuất bản lịch blốc theo phương thức xã hội hóa đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Để khắc phục các hạn chế trong xuất bản và phát hành lịch blốc, các nhà xuất bản đã họp và thông qua Hội nghề nghiệp của mình (Hội Xuất bản Việt Nam) để đề xuất phương thức xuất bản lịch blốc trong tình hình mới. Hội Xuất bản Việt Nam đã có công văn số 19/CV-HXBVN ngày 20/5/2011 báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT về phương thức xuất bản lịch blốc, trong đó nêu rõ: Trên cơ sở dự báo tổng số lượng (căn cứ vào số lượng lịch blốc tiêu thụ hàng năm và số hộ gia đình Việt Nam) thực hiện bình đẳng về số lượng giữa tất cả các nhà xuất bản, thực hiện việc dán tem chống giả trên lịch blốc do cơ quan quản lý nhà nước ban hành để chống hàng giả, in lậu.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã có công văn 613-CV/BTGTW ngày 6/6/2011 thống nhất với đề xuất của Hội Xuất bản Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản xác định việc xuất bản lịch blốc trong giai đoạn hiện nay cần được quan tâm như một cơ chế đặc thù. Bộ TTTT đã có công văn 1974/BTTTT-CXB ngày 5/7/2011 thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và giao cho Cục Xuất bản thực hiện.

Việc dự báo số lượng, thực hiện các giải pháp góp phần điều tiết vĩ mô và thực hiện dán tem chống giả nhằm chống in lậu, hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất là việc làm cần thiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước và phù hợp với đề nghị của tất cả các nhà xuất bản. Phương thức xuất bản lịch blốc 2 năm qua đã đạt được hiệu quả xã hội (đảm bảo lịch phục vụ đối tượng đồng bào dân tộc, người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) và hiệu quả kinh tế cho các nhà xuất bản. Từ kết quả đạt được của việc xuất bản lịch blốc, tất cả nhà xuất bản thông qua Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT chỉ đạo thực hiện phương thức xuất bản trên.

Thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, Cục Xuất bản không cấp phép số lượng xuất bản lịch blốc mà thực hiện việc xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản lịch blốc trên cơ sở đăng ký của các nhà xuất bản đã được cơ quan chủ quan phê duyệt. Vì vậy, việc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ TTTT chỉ đạo Cục Xuất bản không tiếp tục thực hiện cấp phép số lượng lịch blốc được in là chưa chính xác.

III. Lĩnh vực Bưu chính:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ TTTT có chính sách duy trì hoạt động tại các Điểm Bưu điện - Văn hoá xã (BĐVHX) (Bắc Kạn, Thừa Thiên-Huế).

Trả lời:

Nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của cá Điểm BĐVHX, đầu tháng 01/2012, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về Điểm BĐVHX với sự tham gia của Lãnh đạo UBND, Sở TTTT các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành liên quan. Hội nghị đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó việc đưa ra nhiều giải pháp về công tác QLNN. Cụ thể:

- Về chính sách đất đai như: hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai tại các Điểm BĐVHX, tiếp tục duy trì cơ chế giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các Điểm BĐVHX đã được giao cho Bưu điện.

- Về chính sách nâng cấp cơ sở vật chất các Điểm BĐVHX như: xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các Điểm BĐVHX.

- Về chính sách phát triển cung cấp các dịch vụ bưu chính như: xây dựng cơ chế để sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp để phát triển hạ tầng viễn thông tại các Điểm BĐVHX và cung cấp các thiết bị đầu cuối, cơ chế chia sẻ chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích tại Điểm BĐVHX.

- Về chính sách phát triển nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin tại Điểm BĐVHX như: lồng ghép việc triển khai các chương trình, đề án thông tin truyền thông về nông thôn của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, lấy Điểm BĐVHX là nơi để triển khai các chương trình TTTT nông thôn, xây dựng các cơ chế liên ngành đảm bảo việc cung cấp các sách, báo miễn phí...

Ngoài các giải pháp chính sách nêu trên, doanh nghiệp bưu chính cũng phải thực hiện đổi mới trong hoạt động một cách đồng bộ, theo hướng:

- Chuyển đổi mô hình hoạt động: Xây dựng phương án chuyển đổi mô hình hoạt động các Điểm BĐVHX trên cơ sở tổng rà soát, sắp xếp lại các Điểm BĐVHX.

- Áp dụng chế độ khoán doanh thu nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nâng cao năng suất và hiệu quả lao động tại các Điểm BĐVHX.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ như tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân nông thôn; bổ sung, hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực tại các Điểm BĐVHX; ban hành quy định về nghiệp vụ quản lý Điểm BĐVHX và chuẩn hoá lao động làm việc tại Điểm BĐVHX; điều chỉnh cơ cấu tiền lương nhằm khuyến khích lao động yên tâm, ổn định làm việc. Bộ TTTT hiện đang từng bước triển khai thực hiện các giải pháp nêu trên, qua đó đảm bảo việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động tại các Điểm BĐVHX.

Câu hỏi 2: Việc thanh toán kinh phí hoạt động Bưu chính công ích cần dựa trên số liệu xác nhận sản lượng Bưu chính công ích của các sở TTTT để từ đó có căn cứ giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Đề nghị bộ hướng dẫn phương thức quản lý nhà nước đối với các chi nhánh bảo hiểm Bưu điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (Vĩnh Phúc).

Trả lời:

Tiền hỗ trợ hoạt động Bưu chính công ích (BCCI) cho Bưu chính Việt Nam (VNPost) là nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp một phần chi phí duy trì mạng bưu chính công cộng và chi phí cung ứng dịch vụ BCCI theo sản lượng và chất lượng mà nhà nước quy định. Việc xác định sản lượng dich vụ BCCI do VNPost cung ứng được thực hiện theo Thông tư 20/2009/TT-BTTTT ngày 25/5/2009 về báo cáo thống kê và điều tra thống kê dịch vụ BCCI, theo đó:

Sản lượng dịch vụ thư cơ bản trong nước và quốc tế được xác định trên cơ sở tính toán các số liệu từ báo cáo thống kê của VNPost, kết quả điều tra thống kê dịch vụ BCCI hàng năm. Việc điều tra thống kê dịch vụ BCCI được Bộ TTTT tổ chức thực hiện theo quy định của Thông tư 20/2009/TT-BTTTT với sự phối hợp của một số Sở TTTT được lựa chọn. Từ năm 2009 đến nay, ít nhất mỗi năm có 10 Sở TTTT phối hợp với Bộ TTTT thực hiện điều tra dịch vụ BCCI. Sản lượng dịch vụ phát hành báo được xác định dựa trên số liệu báo cáo thống kê của VNPost. Như vậy, việc xác định sản lượng dịch vụ BCCI đang được thực hiện theo quy định của pháp luật với sự tham gia của các cơ quan QLNN về bưu chính tại địa phương.

Kinh doanh dịch vụ bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh được điều chỉnh bởi pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do đó, các chi nhánh bảo hiểm Bưu điện mặc dù là các đơn vị thuộc ngành TTTT nhưng khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm thì phải tuân thủ các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính là cơ quan thực hiện chức năng QLNN về kinh doanh bảo hiểm. Do vậy, Bộ TTTT không thể hướng dẫn Sở về phương thức quản lý đối với các chi nhánh bảo hiểm Bưu điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Câu hỏi 3: Tổ chức tập huấn hoặc có văn bản hướng dẫn các sở TTTT thực hiện thẩm định các dự án Bưu chính, trên địa bàn và giúp các sở có hệ thống các văn bản liên quan phục vụ cho công tác thẩm định (Hưng Yên).

Trả lời:

Luật Bưu chính và Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Bưu chính đã có quy định chi tiết về hồ sơ cấp phép, xác nhận thông báo tại khoản 2 Điều 6, Điều 7 và các biểu mẫu trong phụ lục kèm theo. Các nội dung cần có đã được quy định cụ thể để trên cơ sở đó, cơ quan QLNN sẽ tiến hành thẩm tra và cấp giấy phép bưu chính tương ứng với loại hình, quy mô, phạm vi dịch vụ... mà doanh nghiệp dự kiến cung ứng.

Hệ thống văn bản liên quan phục vụ công tác thẩm định gồm: Luật Bưu chính, Nghị định 47/2011/NĐ-CP, Thông tư 15/2011/TT-BTTTT về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính (khoản 2 Điều 17).

Câu hỏi 4: Về công tác xử lý bưu gửi không có người nhận (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Sau khi Luật Bưu chính có hiệu lực (từ 01/01/2011), Bộ TTTT đã soạn thảo các văn bản QPPL hướng dẫn thi hành. Cụ thể: Năm 2011, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 47/2011/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung của Luật; Nghị định số 58/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính; Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg về việc chỉ định doanh nghiệp thực hiện duy trì quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ bưu chính quốc tế và Bộ đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn khác. Năm 2012, Bộ đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng các văn bản QPPL hướng dẫn Luật Bưu chính để hoàn thiện khung pháp lý về bưu chính, trong đó có Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận. Thông tư này dự kiến sẽ trình vào tháng 12/2012. Các ý kiến của Sở về vấn đề này, Vụ Bưu chính sẽ xem xét để đưa vào văn bản cho phù hợp.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ TTTT ban hành thống nhất quy chuẩn tối thiểu các biện pháp doanh nghiệp cần phải có để đảm bảo được anh ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính theo yêu cầu của pháp luật để tạo điều kiện cho các Sở TTTT trong công tác kiểm tra, thanh tra cũng như cấp phép bưu chính (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Trong phương án kinh doanh của doanh nghiệp khi lập Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính đều có các biện pháp riêng, phù hợp với khả năng và điều kiện của doanh nghiệp để đảm bảo an toàn trong bưu chính như an toàn con người (trang bị bảo hộ lao động ...), an toàn mạng lưới (công tác PCCC, …), an toàn bưu gửi (quy cách gói bọc, quy định về cấm gửi hoặc gửi có điều kiện …). Do vậy, việc quy định các tiêu chuẩn tối thiểu không cần thiết. Trong quá trình cấp phép, Cơ quan cấp phép sẽ có ý kiến trong trường hợp xét thấy các biện pháp doanh nghiệp nêu ra chưa hợp lý. Về an ninh thông tin, các doanh nghiệp cần phải có sự phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về an ninh để đảm bảo an ninh thông tin. Đối với các trường hợp cấp phép, cơ quan cấp phép bưu chính đều có phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về an ninh để cơ quan này theo thẩm quyền của mình chủ động làm việc với doanh nghiệp nhằm thực hiện quy định của pháp luật về an ninh theo hình thức tiền kiểm (nếu là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài) hoặc hậu kiểm (đối với các trường hợp còn lại).

Câu hỏi 6: Đề nghị Bộ hướng dẫn chi tiết và cung cấp bộ hồ sơ mẫu về cấp phép bưu chính và xác nhận thông báo hoạt động bưu chính để hỗ trợ Sở TTTT theo quy định của Luật Bưu chính. Đề nghị Bộ cung cấp bản sao các bộ hồ sơ xin cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát của các doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh đã được Bộ cấp phép để làm cơ sở và căn cứ khi thực hiện hậu kiểm, kiểm tra việc thực hiện theo các cam kết của doanh nghiệp trong hồ sơ xin phép (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

- Luật Bưu chính và Nghị định số 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật bưu chính đã có quy định chi tiết về hồ sơ cấp phép, xác nhận thông báo tại Khoản 2 Điều 6, Điều 7 và các biểu mẫu trong phụ lục kèm theo. Các nội dung cần có đã được quy định cụ thể để trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng hồ sơ tương ứng với loại hình, quy mô, phạm vi dịch vụ…mà doanh nghiệp dự kiến cung ứng. Luật Bưu chính không có quy định về việc xây dựng bộ hồ sơ mẫu. Do vậy, Sở chỉ cần căn cứ vào các nội dung yêu cầu đối với hồ sơ xin cấp phép để thẩm định.

- Hiện chưa có quy định của pháp luật cũng như tiền lệ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và các ngành, lĩnh vực khác về việc cơ quan cấp phép cung cấp bản sao hồ sơ cấp phép doanh nghiệp. Đối với đề nghị này của Sở, Bộ TTTT sẽ nghiên cứu, xem xét và có ý kiến trong thời gian tới.

Câu hỏi 7: Đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu, cân nhắc và hạn chế xét duyệt cấp phép bưu chính phạm vi liên tỉnh, quốc tế cho các doanh nghiệp bưu chính có quy mô nhỏ, chỉ đủ khả năng tự tổ chức thực hiện một công đoạn trong quy trình nhận, trung chuyển, phát...Việc cấp phép bưu chính nêu trên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng cũng như làm gia tăng lưu lượng xe bưu chính (xe ô tô) xin phép được lưu thông trong nội thành vào giờ cao điểm (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Luật Bưu chính và Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định điều kiện về đăng ký ngành nghề kinh doanh, điều kiện về tài chính, điều kiện về đảm bảo tính khả thi trong cung ứng dịch vụ và các điều kiện khác đối với các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường bưu chính, mà không có quy định về điều kiện hạn chế liên quan đến quy mô, phương thức cung ứng dịch vụ như đề nghị của Sở.

Với mục tiêu phát triển hiệu quả kinh doanh, trên cơ sở năng lực và điều kiện của mình, doanh nghiệp sẽ xác định quy mô, phương thức cung ứng dịch vụ (tự tổ chức hoặc hợp tác với doanh nghiệp khác). Do đó, can thiệp của cơ quan cấp phép mà không có sở cứ pháp luật là không thỏa đáng.

IV. Lĩnh vực Viễn thông và Tần số VTĐ:

Câu hỏi 1: Theo quy định khi xây dựng các trạm BTS, đất sử dụng để xây dựng trạm phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Với quy định như vậy, các trạm BTS đã được xây dựng trước đây cũng như việc xây dựng trạm BTS mới đang gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ nghiên cứu, sớm ban hành các hướng dẫn việc quản lý phát triển hạ tầng viễn thông thụ động (Điện Biên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa, Quảng Trị).

Trả lời:

Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS phải thực hiện theo các quy định pháp luật về Xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ TTTT và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11/12/2007 về việc hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xin cấp phép và triển khai xây dựng các trạm BTS, Bộ đang xây dựng Thông tư về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó có hướng dẫn địa phương quy hoạch hạ tầng cột ăng ten của trạm BTS, cột ăng ten phát sóng phát thanh, truyền hình, cột ăng ten dùng cho viễn thông, thông tin duyên hải, điều hành taxi và các lĩnh vực khác. Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, xây dựng và ban hành Thông tư về cấp phép hạ tầng viễn thông thụ động (trong đó có cấp phép xây dựng cột ăng ten của trạm BTS).

Câu hỏi 2: Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chấm dứt việc khuyến mại vào Sim mới kích hoạt (Vĩnh Phúc).

Trả lời:

Theo quy định của Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông thì không có quy định cấm các doanh nghiệp viễn thông khuyến mại với Sim mới kích hoạt. Điểm a khoản 6 Điều 37 Nghị định 25/2011/NĐ-CP có quy định Bộ TTTT có trách nhiệm: Quy định danh mục, đơn vị, hình thức khuyến mại, mức giá trị vật chất tối đa khuyến mại áp dụng cho từng đơn vị dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng, mức tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại.

Ngày 24/5/2012, tại cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông di động về phát triển thuê bao di động, Lãnh đạo Bộ đã có ý kiến chỉ đạo về mục tiêu, chính sách phát triển thuê bao di động trong thời gian tới nhằm phát triển thuê bao di động một cách bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, phù hợp với Quy hoạch viễn thông đến năm 2020. Cung cấp dịch vụ viễn thông di động với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng. Bảo đảm cân bằng lợi ích của các nhóm người sử dụng (giữa thuê bao trả trước với thuê bao trả sau, giữa thuê bao phát triển mới và thuê bao đã sử dụng lâu dài), đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên kho số viễn thông. Bộ sẽ kết hợp các biện pháp quản lý về kỹ thuật, kinh tế với hành chính, khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, ưu tiên các thuê bao đã sử dụng lâu dài, ổn định.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ hướng dẫn các Sở giải quyết về tình hình các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh khi khuyến mại các dịch vụ: gói cước di động và Internet (phân biệt cụ thể là có vượt ngưỡng quy định hay chưa theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP) (Bình Thuận).

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của Sở, trong thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo Cục Viễn thông tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý hoạt động khuyến mại trong lĩnh vực Viễn thông. Hiện tại, các Sở TTTT căn cứ vào quy định tại Khoản 3; 5; 6; 8 và 9 Điều 36, Nghị định 25/2011/NĐ-CP để xác định các khuyến mại có vi phạm quy định về khuyến mại hay không.

Hiện tại, Bộ đang giao Cục Viễn thông nghiên cứu, dự thảo Thông tư về xác định giá thành dịch vụ nội mạng viễn thông di động. Thông tư được ban hành sẽ là sở cứ để xem xét việc khuyến mại dịch vụ có vượt ngưỡng quy định hay không.

Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ cho phép Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn được tiếp cận với những dải số đầu 099 còn lại trong khi mạng MVNO của Indochina đến thời điểm này chưa triển khai cung cấp dịch vụ hoặc tạo điều kiện cho phép Công ty được tiếp cận với những đầu số 10 số khác khi các doanh nghiệp viễn thông nhà nước khác thực hiện việc hợp nhất (Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu).

Trả lời:

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ số thuê bao mạng thông tin di động mặt đất cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Mật) thì 50 % số thuê bao thuộc đầu số 099 (sau khi trừ số thuê bao đã phân bổ cho mạng VSAT của VNPT) sẽ được phân bổ cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu. Hiện nay, Bộ TTTTT đã phân bổ 4 triệu số thuê bao mạng thông tin di động đầu số 099 cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu, như vậy là đúng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc tạo điều kiện cho Công ty tiếp cận với những đầu số 10 số khác khi các doanh nghiệp viễn thông nhà nước khác thực hiện việc hợp nhất: Căn cứ theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thì toàn bộ tài nguyên viễn thông sẽ được điều chuyển và bàn giao nguyên trạng từ EVN Telecom sang Viettel. Vì vậy, đề nghị này của Công ty là không thực hiện được do các mã số di động 10 số đã được phân bổ hết cho các doanh nghiệp.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới và bán lại dịch vụ viễn thông (Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam).

Trả lời:

Hiện nay Bộ TTTT đang nghiên cứu, từng bước ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP trong đó có nội dung về cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới và bán lại dịch vụ viễn thông. Trong quá trình đó, Bộ TTTT rất mong nhận được ý kiến, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp về những nội dung trên để xác định đúng những nội dung cụ thể cần ban hành quy định hướng dẫn.

Câu hỏi 6: Các văn bản hướng dẫn của Bộ TTTT về dịch vụ Internet Phone được ban hành tạm thời từ năm 2003, đến nay công nghệ, thị trường đã có nhiều thay đổi. Để các doanh nghiệp chủ động trong việc hoạch định kế hoạch đầu tư, kinh doanh dịch vụ và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị sớm có văn bản thông báo định hướng về lộ trình, phạm vi (trong nước, quốc tế) cho phép cung cấp dịch vụ điện thoại Internet (Phone-to-Phone), chính sách quản lý giá cước của dịch vụ này. Chính sách quản lý Nhà nước đối với dịch vụ mới, các dịch vụ băng rộng không dây Wimax: VNPT đề nghị sớm có định hướng về lộ trình cấp phép, cơ chế quản lý dịch vụ, cơ chế quản lý giá cước để các doanh nghiệp chuẩn bị các phương án triển khai (VNPT).

Trả lời:

Bộ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT ngày 18/5/2012, Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2012 về phân loại dịch vụ viễn thông. Chính sách quản lý cấp phép, quản lý giá cước đối với các dịch vụ viễn thông đều đã được quy định rõ trong Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Riêng đối với dịch vụ Internet Phone: Bộ sẽ sớm có văn bản thông báo định hướng quản lý đối với dịch vụ này.

Câu hỏi 7: Đề nghị cho phép doanh nghiệp áp dụng các hình thức đăng ký, báo giá với một khung giá (VNPT).

Trả lời:

- Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này nhưng nguyên tắc chung trong thời kỳ này là đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ quy định dịch vụ quản lý tất cả doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp SMP như trước đây: tất cả các doanh nghiệp không được cung cấp giá cước cho khách hàng với giá quá thấp so với giá trung bình của thị trường, nhưng cũng có dịch vụ quản lý doanh nghiệp SMP không được bán dưới giá thành dịch vụ.

Giá cước thuê kênh cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông. Ví dụ VNPT là SMP về dịch vụ thuê kênh thì không được bán dưới giá thành…Dịch vụ thuê kênh trong thời gian qua có hiện tượng không minh bạch giá với khách hàng tạo điều kiện cho cạnh tranh không lành mạnh cần phải có điều chỉnh. Việc cho doanh nghiệp tự quyết định giá đối với từng khách hàng không thể hiện tính minh bạch cũng như công bằng cho khách hàng…

Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ sớm có văn bản thông báo định hướng quản lý giá cước các dịch vụ viễn thông hàng năm từ cuối năm trước liền kề hoặc trong quý I của năm sau nhằm phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp (VNPT).

Trả lời:

Bộ đang chỉ đạo Cục Viễn thông xây dựng Thông tư quản lý giá cước dịch vụ viễn thông và sẽ tham khảo ý kiến của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Câu hỏi 9: Quy chế tạm thời về kết nối mạng viễn thông được ban hành theo Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ ngày 03/09/1998 có một số điểm không còn phù hợp cần chỉnh sửa như căn cứ tính cước kết nối, vị trí điểm kết nối, giá cước thuê kênh riêng… đồng thời hiệu lực pháp lý của văn bản (văn bản được xây dựng trên nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ) đã hết hiệu lực…(VNPT).

Trả lời:

Bộ đang chỉ đạo Cục Viễn thông xây dựng Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông công cộng để thay thế Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ. Dự kiến sẽ ban hành trong năm 2012.

Câu hỏi 10: Cước kết nối mạng liên tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đáp ứng dung lượng kết nối trực tiếp và khả năng chi trả thanh toán của các doanh nghiệp. Đề nghị Bộ cho phép các doanh nghiệp tự đàm phán cước kết nối liên tỉnh trên cơ sở mức trần là cước kết nối liên tỉnh Bộ đã quy định (VNPT).

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP thì Bộ TTTT ban hành giá cước, khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước kết nối. Như vậy, giá cước kết nối do Bộ TTTT quyết định và doanh nghiệp không có quyền tự quyết định. Doanh nghiệp có thể tự đàm phán và trình Bộ ban hành mức cước theo doanh nghiệp đàm phán.

Câu hỏi 11: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới, đề nghị Bộ TTTT xem xét các đề án xin cấp phép cho Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương triển khai cung cấp các dịch vụ như: Dịch vụ đầu số 1800-1900, dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ băng rộng di động (Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương).

Trả lời:

Thời gian qua, Bộ đã có các quyết định phân bổ kho số cho Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương để cung cấp các dịch vụ như:

- Quyết định số 09/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ dải số số thuê bao cố định nội hạt cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương;

- Quyết định số 10/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ số dịch vụ gọi giá cao cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương (phân bổ dải số dịch vụ gọi giá cao đầu số 1900);

- Quyết định số 11/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ số dịch vụ gọi tự do cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương. (phân bổ dải số dịch vụ gọi tự do đầu số 1800).

Câu hỏi 12: Đề nghị Bộ TTTT thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp cập nhật thông tin, ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, tạo sân chơi bình đẳng lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương)

Trả lời:

Hiện nay, Cục Viễn thông có tổ chức các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua các hình thức: Hội nghị giao ban định kỳ với doanh nghiệp, chương trình phổ biến văn bản quy phạm pháp luật. Các hoạt động này sẽ tạo kênh thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp viễn thông, giúp cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động cũng như các đề xuất cụ thể của doanh nghiệp để kịp thời ban hành, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Câu hỏi 13: Đề nghị Bộ phối hợp với Bộ Công an có cơ chế xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân để quản lý việc đăng ký thông tin thuê bao điện thoại nói chung và các biện pháp quản lý thuê bao di động sử dụng kho số viễn thông hiệu quả hơn (An Giang).

Trả lời:

Bộ đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/04/2012 thay thế Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 về quy định quản lý thuê bao di động trả trước nhằm phát triển lành mạnh, bền vững thị trường viễn thông di động Việt Nam. Theo điều 14 của Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; tổ chức và phối hợp triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông và an ninh quốc gia. Hiện nay, Cục Viễn thông đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Hệ thống thu thập và quản lý số liệu viễn thông của cơ quan quản lý viễn thông nhằm kiểm tra, giám sát các số liệu báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý nghiệp vụ viễn thông trong đó có các thông tin liên quan đến thuê bao trả trước, khuyến mại, tài nguyên viễn thông... Ngoài ra, Bộ TTTT đã đề nghị Bộ Công an nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh nhân dân để phục vụ việc đối soát số liệu thông tin thuê bao di động trả trước nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước được chính xác.

Câu hỏi 14. Hiện nay, chưa có Danh mục Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được Chính phủ quy định theo Nghị định 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (Quảng Trị).

Trả lời:

Căn cứ qui định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và qui định cụ thể tại Luật Viễn thông, Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, Bộ TTTT đã dự thảo và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp Viễn thông có hạ tầng mạng để xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí xác định các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Bộ TTTT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Câu hỏi 15: Đề nghị Bộ tổ chức tập huấn hoặc có văn bản hướng dẫn các Sở TTTT thực hiện thẩm định các dự án Bưu chính, Viễn thông, CNTT trên địa bàn và giúp các Sở có hệ thống các văn bản liên quan phục vụ cho công tác thẩm định (Hưng Yên).

Trả lời:

Trong một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ TTTT chủ trì xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành có quy định về phân cấp cho địa phương thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó có Sở TTTT tham gia thẩm định đề án, dự án. Tại các văn bản này (ví dụ: Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông v.v..) đều có các hướng dẫn cụ thể việc thẩm định đề án hoặc dự án theo thẩm quyền của địa phương. Trong Chương trình triển khai các văn bản QPPL, Bộ TTTT thường tổ chức các Hội nghị nhằm giới thiệu, giải thích, trong đó có tập huấn, hướng dẫn các quy trình, thủ tục có liên quan thuộc các văn bản đó hoặc ban hành các công văn hướng dẫn, giải thích các văn bản QPPL. Do đó, đối với kiến nghị của Sở, Bộ TTTT sẽ tiếp tục xem xét, rà soát, tổ chức tập huấn hướng dẫn các quy trình thủ tục trong các văn bản QPPL, trong đó có sự tham gia thẩm định của Sở TTTT đối với các đề án, dự án trên địa bàn, hoặc tổ chức hướng dẫn, tập huấn theo các đề xuất của Sở TTTT.

Câu hỏi 16: Đề nghị cơ cấu lại việc phân bổ băng tần, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu được tiếp cận với băng tần 900 MHz khi một số doanh nghiệp viễn thông nhà nước thực hiện việc hợp nhất (Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu).

Trả lời:

Theo Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ TTTT, đoạn băng tần 900 MHz (880-915MHz/ 925-960MHz) được Quy hoạch và cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động (Công ty Viễn thông Hà nội-Vietnam Mobile, Công ty Vinaphone-Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Viễn thông Quân đội-Viettel, Công ty thông tin di động-VMS), các mạng này đang hoạt động ổn định. Do đó việc quy hoạch lại băng tần này phải dựa trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới, đảm bảo quyền lợi khách hàng và phải tiến hành từng bước tại thời điểm thích hợp.

Câu hỏi 17: Đề nghị Bộ phân cấp cho các Sở TTTT quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn như thiết bị truyền thanh không dây, bộ đàm... ( Lào Cai).

Trả lời:

Do sóng vô tuyến điện truyền lan không phụ thuộc địa giới hành chính nên tại mỗi địa điểm trên trái đất luôn luôn có vô số sóng vô tuyến điện từ các nguồn khác nhau truyền đến. Điều đó làm cho hoạt động quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện có những đặc điểm sau đây:

- Đòi hỏi phải thực hiện nhiều công việc kỹ thuật, bằng các phương tiện hiện đại để tính toán ấn định tần số, kiểm soát, định vị chính xác các phát xạ vô tuyến điện, đồng thời, yêu cầu các hoạt động đó luôn sẵn sàng bất kể thời gian và điều kiện địa hình, thời tiết, giải quyết dứt điểm can nhiễu để đảm bảo cho các hệ thống thông tin vô tuyến cả dân sự và an ninh quốc phòng hoạt động bình thường mọi lúc, mọi nơi.

- Đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với thủ tục chi tiết, phức tạp trong việc quản lý, sử dụng phổ tần số vô tuyến điện để tránh can nhiễu lẫn nhau. Trên thế giới, yêu cầu phải có hoạt động hợp tác quốc tế trực tiếp và thường xuyên để bảo vệ chủ quyền về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Tại mỗi quốc gia, yêu cầu phải quản lý tập trung, thống nhất để giảm thiểu các thủ tục phối hợp tần số vốn rất chi tiết, phức tạp, đồng thời hạn chế đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại rất tốn kém. Vì những lí do trên, quản lý chuyên ngành về tần số VTĐ cần tập trung, thống nhất tại một đầu mối (Cục Tần số vô tuyến điện) mang tính quốc gia và không thể phân cấp. Bộ giao cho các Sở phối hợp trong một số hoạt động như hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính như quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV, ngày 30/6/2008.

Đối với trường hợp cụ thể về việc cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình, thiết bị cự ly ngắn (thiết bị truyền thanh không dây, bộ đàm...), hiện tại Bộ TTTT đã có các quy định như sau:

- Đối với các thiết bị vô tuyến có công suất thấp, cự ly ngắn đáp ứng được yêu cầu tại Thông tư 03/2012/TT-BTTT ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông sẽ được miễn cấp giấy phép.

- Đối với các thiết bị vô tuyến không đáp ứng được các yêu cầu trên thì phải làm thủ tục cấp phép theo hướng dẫn tại Thông tư 24/2010/TT-BTTT. Các thiết bị phát thanh, truyền hình thông thường đều có mức công suất lớn hơn so với các nghiệp vụ khác. Tùy vào vị trí lắp đặt, các đài này có thể có vùng phủ và khả năng gây can nhiễu vượt quá phạm vi hành chính một tỉnh. Do vậy, việc phân cấp cho Sở quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn là không khả thi. Như vậy, điều kiện kỹ thuật và sở cứ pháp lý không cho phép phân cấp cho các Sở TTTT quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn.

Câu hỏi 18: Đề nghị Bộ sớm triển khai và có hướng dẫn kịp thời kế hoạch cung ứng dịch vụ Viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 (Lào Cai, Bình Thuận).

Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015, ngay sau khi các văn bản hướng dẫn được ban hành, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị hướng dẫn triển khai Chương trình này.

Câu hỏi 19: Đề nghị Bộ có các biện pháp phối hợp với các bộ, ngành khác sớm ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các chủ đầu tư có cơ sở thu hồi chi phí đầu tư để khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị tập trung đầu tư hạ ngầm cáp viễn thông (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Căn cứ Khoản 6, Điều 43, Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông: Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật công để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông được xác định trên cơ sở giá thành nhằm thúc đẩy dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, viễn thông và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Điều 18 về Giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung có nêu: Nguyên tắc xác định giá thuê được xác định trên cơ sở các chi phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý; Thẩm quyền định giá do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và phương pháp xác định giá thuê; Quy định khung giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; Quy định việc miễn, giảm giá phục vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do nhà nước đầu tư trên địa bàn theo khung giá thuê do Bộ Tài chính ban hành.

Về hạ tầng cáp treo, Bộ TTTT cũng đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Thông tư liên tịch quy định việc treo cáp trên cột điện. Bộ TTTT cũng đề nghị đưa vào thông tư liên tịch này quy định nguyên tắc và cơ chế kiểm soát giá trên cơ sở giá thành.

Với các nghị định và thông tư trên được ban hành thì sẽ có khung giá cho thuê hạ tầng viễn thông thụ động, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động.

Câu hỏi 20: Đề nghị Bộ TTTT xem xét và có ý kiến hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc về điều kiện tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống phủ sóng thông tin di động trong các công trình nhà cao tầng, tầng hầm, đường hầm để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông trên địa bàn (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Việc phủ sóng thông tin di động trong các công trình nhà cao tầng, tầng hầm, đường hầm đã được các doanh nghiệp thông tin di động thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng In-building. Bộ TTTT không cấp giấy phép đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng In-building và khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư lắp đặt và sử dụng chung các hệ thống IBTS (In-Building Telecommunications System) để đẩy nhanh việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động.

Câu hỏi 21: Đề nghị Bộ TTTT sớm ban hành các nội dung hướng dẫn việc thực hiện bảo trì công trình viễn thông đối với các công trình viễn thông (Điều 26 Nghị định 114/2010/NĐ-CP), gồm một nội dung dung chính như: Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình; yêu cầu danh mục công trình, bộ phận công trình buộc phải quan trắc theo quy định…Hướng dẫn việc đóng góp chi phí để bảo trì công trình; tổ chức lập, công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì công trình,

Trả lời:

Hiện nay, Bộ đang giao Cục Viễn thông làm việc với Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình tháp ăng ten của Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Bộ sẽ có văn bản trả lời Sở sau khi có kết quả làm việc với Bộ Xây dựng.

Câu hỏi 22: Quản lý trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động, đề nghị Bộ có hướng dẫn thống nhất quản lý trên toàn quốc và có các biện pháp xử lý kiên quyết các vi phạm. Đề nghị Bộ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến và các ISP phải thực hiện, triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho các đại lý Internet từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Đối với các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng trò chơi trực tuyến sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 23: Về kiến nghị tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, góp phần hạn chế và khắc phục những mặt trái của việc chưa quản lý chặt chẽ được thông tin thuê bao di động trả trước (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

- Bộ TTTT đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 thay thế Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 về quy định quản lý thuê bao di động trả trước nhằm phát triển lành mạnh, bền vững thị trường viễn thông di động Việt Nam. Việc tổ chức thực hiện tốt Thông tư 04/2012/TT-BTTTT sẽ hạn chế được việc lợi dụng dịch vụ di động trả trước vào các hoạt động gây mất an ninh và trật tự xã hội; tăng cường hiệu quả việc sử dụng kho số thuê bao di động; tăng cường độ chính xác, tin cậy của thông tin thuê bao; chấm dứt việc mua bán, lưu thông các SIM trả trước đã kích hoạt sẵn khi chưa đăng ký thông tin thuê bao hoặc đăng ký thông tin không theo quy định; chấm dứt việc sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao; các điểm đăng ký thông tin thuê bao phải đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý, địa điểm mặt bằng và trang thiết bị tối thiểu; quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, đại lý phân phối SIM thuê bao, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao, chủ thuê bao di động trả trước trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng các thông tin thuê bao di động trả trước.

Thủ tục đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 quy định: Các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành. Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu để lưu giữ, bản gốc để đối chiếu; sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với các điểm đăng ký thông tin thuê bao tại các phường thuộc các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); kiểm tra và đối chiếu với thông tin trong “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước”. Trong trường hợp phát hiện bản khai thông tin thuê bao không đúng với chứng minh nhân dân, hộ chiếu xuất trình; hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu không hợp lệ thì nhân viên giao dịch không được chấp nhận thông tin đăng ký và phải thông báo cho chủ thuê bao biết.

Bộ sẽ tổ chức hướng dẫn Thông tư 04/2012/TT-BTTTT cho các Sở TTTT và các doanh nghiệp viễn thông. Cục Viễn thông sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc quản lý thuê bao di động trả trước của các doanh nghiệp Viễn thông và các điểm đăng ký thông tin thuê bao tại một số tỉnh thành, sau đó sẽ hướng dẫn các Sở TTTT thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra quản lý thuê bao di động trả trước. Trong phạm vi quyền hạn trách nhiệm của mình, việc thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm quy định thuê bao di động trả trước trên địa bàn TP. HCM do Sở TTTT TP. HCM chủ động tiến hành.

Theo Điều 14 Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; tổ chức và phối hợp triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông và an ninh quốc gia. Cục Viễn thông đang triển khai xây dựng trung tâm CSDL. Bộ TTTT đã đề nghị Bộ Công an nhanh chóng xây dựng CSDL điện tử về CMND để phục vụ việc đối soát số liệu thông tin thuê bao di động trả trước nhằm xây dựng CSDL thông tin thuê bao di động trả trước được chính xác. Cục Viễn thông đang xây dựng Đề án và trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt Đề án cho phép các thuê bao chuyển đổi mạng di động mà không cần đổi số thuê bao.

Câu hỏi 24: Về kiến nghị quy hoạch mã số viễn thông dành cho dịch vụ tiếp nhận, thông báo sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Cục Viễn thông đã có công văn số 677/CVT-HTKN ngày 27/12/2011 trả lời Sở TTTT TP. HCM về vấn đề này.

V. Lĩnh vực Công nghệ thông tin:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ hỗ trợ về kinh phí và chuyên môn để hoàn thiện các phần mềm dùng chung nguồn mở (Bắc Giang).

Trả lời:

Bộ đang triển khai Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2011 cho Bộ TTTT để hỗ trợ các địa phương có giải pháp triển khai phần mềm nguồn mở hiệu quả trên máy chủ, có kế hoạch xây dựng phần mềm lõi có thể chuyển giao sử dụng cho các địa phương khác. Hiện tại, Bộ đang tiến hành các thủ tục lựa chọn sản phẩm, giải pháp phần mềm nguồn mở và các địa phương để tham gia triển khai thực hiện Quyết định nêu trên. Trong bối cảnh chi ngân sách tiết giảm, kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ hạn chế, Bộ TTTT đề nghị các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy, phát triển phần mềm nguồn mở theo Quyết định 50/2009/QĐ-TTg ngày 03/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu hỏi 2: Đề nghị Bộ hướng dẫn việc thẩm định đề cương và dự toán chi tiết các hạng mục ứng dụng CNTT do Sở TTTT làm chủ đầu tư (Cần Thơ).

Trả lời:

1. Về thẩm quyền thẩm định:

Khoản 2 Điều 4 Thông tư 21/2010/TT-BTTTT ngày 08/9/2010 của Bộ TTTT quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án quy định:

“Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết là cơ quan trực tiếp giao dự toán ngân sách cho đơn vị sử dụng ngân sách hoạt động ứng dụng CNTT. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan trực tiếp giao dự toán ngân sách có thể ủy quyền cho đơn vị trực thuộc hoặc đơn vị sử dụng ngân sách phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết.

Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết có thể phân công, phân cấp, ủy quyền cho đơn vị chuyên môn trực thuộc tiến hành thẩm định trước khi phê duyệt. Nội dung, quy trình thẩm định, phê duyệt thực hiện theo quy định tại Thông tư này.”

Do đó, tùy theo tình hình từng địa phương mà thẩm quyền phê duyệt, thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết là khác nhau. Ví dụ cơ quan trực tiếp giao dự toán ngân sách là UBND tỉnh mà UBND tỉnh không ủy quyền thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán là UBND tỉnh; đơn vị thẩm định là đơn vị chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh (có thể là Sở Tài chính, Sở KH&ĐT). Trong trường hợp UBND tỉnh ủy quyền (ví dụ như ủy quyền cho Sở TTTT) thì đơn vị phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết là đơn vị được ủy quyền (Sở TT&TT), đơn vị thẩm định sẽ là đơn vị giúp việc cho đơn vị được ủy quyền (ví dụ như phòng Kế hoạch – Tài chính).

2. Về nội dung thẩm định:

Điều 8 Thông tư 21/2010/TT-BTTTT đã có quy định về thời gian thẩm định, nội dung thẩm định đề cương và dự toán chi tiết. Đơn vị thẩm định đề cương và dự toán chi tiết căn cứ Điều 8 Thông tư 21/2010/TT-BTTTT nêu trên để tiến hành thẩm định theo đúng quy định của pháp luật.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ tăng cường chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT của các địa phương, chỉ đạo triển khai chứng thư số, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng (Bắc Giang).

Trả lời:

Thời gian qua, Bộ TTTT đã có những hoạt động cụ thể nhằm hướng dẫn, thúc đẩy ứng dụng CNTT tại các địa phương. Cụ thể: Bộ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015. Đến nay, Bộ đã thẩm định kế hoạch của 24 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 08 tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ TTTT, 16 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 08 tổ chức chính trị, chính trị - xã hội đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015. Hàng năm, Bộ TTTT đều có các văn bản hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT. Năm 2011, Bộ TTTT đã có văn bản số 1804/BTTTT-ƯDCNTT ngày 20/6/2011 hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2012. Tiếp thu ý kiến của địa phương, Bộ TTTT sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác thúc đẩy ứng dụng CNTT của các địa phương.

- Liên quan đến Mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD):

Bộ TTTT đề nghị các Sở TTTT thúc đẩy triển khai các ứng dụng và hệ thống thông tin trên Mạng TSLCD để tận dụng cơ sở hạ tầng đã đầu tư. Thống nhất sử dụng Mạng TSLCD là hạ tầng cốt lõi trong việc kết nối và truyền dẫn thông tin giữa các mạng nội bộ tại các đơn vị trong tỉnh. Tích cực triển khai thực hiện Thông tư 23/2011/TT-BTTTT ngày 11/8/2011 về quy định quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên Mạng TSLCD, công văn hướng dẫn số 944/BTTTT-ƯDCNTT ngày 19/4/2012 về hướng dẫn đăng ký dịch vụ Mạng TSLCD. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tổ chức và chỉ đạo VNPT trong việc ban hành quy hoạch địa chỉ IP và tên miền trên toàn Mạng TSLCD nhằm tạo điều kiện quản lý địa chỉ, tên miền thống nhất để trao đổi thông tin giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước trên toàn quốc; đề xuất, quy định danh mục các ứng dụng, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu cần triển khai trên Mạng TSLCD.

- Về việc triển khai chứng thư số:

Việc triển khai chứng thư số hiện nay được thực hiện theo lộ trình gồm 05 bước: (1) Đặt mục tiêu ứng dụng chữ ký số căn cứ vào nhu cầu, chương trình ứng dụng CNTT và Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”; (2) Tổ chức đào tạo chung và đào tạo nhóm cán bộ chuyên trách về pháp lý và công nghệ liên quan đến chữ ký số và ứng dụng chữ ký số; (3) Nhóm cán bộ chuyên trách xây dựng kế hoạch triển khai chữ ký số; (4) Lãnh đạo duyệt kế hoạch và kinh phí; (5) Triển khai các dự án cụ thể về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho hệ thống chính trị hay công cộng, chú trọng đến các nội dung tích hợp chữ ký số vào các ứng dụng sẵn có, xây dựng văn bản pháp lý cần thiết. Đến nay, để có căn cứ pháp lý triển khai chứng thư số, Bộ TTTT đã ban hành và trình Chính phủ ban hành các văn bản sau: Nghị định 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2007/NĐ-CP; Thông tư 37/2009/TT-BTTTT và Thông tư 08/2011/TT-BTTTT quy định về hồ sơ và thủ tục liên quan đến cấp phép, đăng ký, công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 73/2007/NĐ-CP về quy chuẩn kỹ thuật và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm mật mã dân sự. Để được hướng dẫn chi tiết về công nghệ và dịch vụ đào tạo, đề nghị Sở TTTT Bắc Giang làm việc với Trung tâm chứng thực chữ ký số quốc gia, Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TTTT.

Câu hỏi 4: Thực hiện Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong các CQNN giai đoạn 2011-2015, các Sở đã xây dựng một số chương trình triển khai ứng dụng theo ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, đề nghị có cơ chế hỗ trợ để triển khai thực hiện chương trình (Quảng Nam, Trà Vinh, Hà Nam).Đề nghị Bộ ưu tiên dành kinh phí hỗ trợ cho những địa phương còn khó khăn trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN theo các đề án được duyệt và vốn từ các chương trình khác (Quảng Trị, Điện Biên, Hà Nam, Nghệ An, Bình Thuận, An Giang, Lào Cai).

Trả lời:

Tại mục C Điều 1 Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 quy định “Ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác bảo đảm thực hiện các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động thuộc phạm vi của địa phương. Trong kế hoạch ngân sách hàng năm của các địa phương phải bảo đảm kinh phí cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN”“Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với một số địa phương khó khăn để bảo đảm kinh phí triển khai các nội dung xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các địa phương nhằm bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các cơ quan nhà nước khi triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn có quy mô quốc gia. Các cơ quan chủ trì triển khai các hệ thống này có trách nhiệm đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế, bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cụ thể hàng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Như vậy, kinh phí chi ứng dụng CNTT cho các địa phương là do ngân sách địa phương bảo đảm. Đề nghị các địa phương cần đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình theo đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Quyết định 1605/QĐ-TTg. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của liên bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Về hỗ trợ của ngân sách Trung ương: ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ các địa phương để đảm bảo sự kết nối, liên thông giữa các CQNN, việc hỗ trợ này do các cơ quan chủ trì triển khai các dự án quy mô quốc gia đề xuất, Bộ TTTT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hiện nay, Bộ TTTT đang tiến hành tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Quyết định 1605/QĐ-TTg của các bộ, ngành, địa phương và thời gian tới sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nhằm đảm bảo kinh phí thực hiện các dự án lớn, quy mô quốc gia và hỗ trợ một phần đối với các địa phương còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thực hiện Quyết định số 1605/QĐ-TTg thời gian qua, Bộ TTTT nhận thấy để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho địa phương là rất khó khăn.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ xây dựng phần mềm chuyên ngành vừa có tính tương thích cao để tích hợp lên Cổng giao dịch điện tử của tỉnh và Chính phủ, vừa có giá rẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các điạ phương sớm đưa các phần mềm vào ứng dụng, nâng cao hiệu suất công việc. Cần có sự phối hợp hướng dẫn với các Bộ xây dựng phần mềm chuyên ngành và triển khai theo ngành dọc nâng cao tính chuyên nghiệp và đồng bộ (Quảng Trị).

Trả lời:

Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, Quyết định 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2009-2010, Quyết định 1605/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015. Trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài các nội dung, định hướng lớn được xác định rõ trong Quyết định 1605/QĐ-TTg, Phụ lục I của Quyết định 1605/QĐ-TTg đã xác định Danh mục nhóm các dịnh vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tại các tỉnh, thành phố, Phụ lục II đã xác định danh mục nhóm các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Phụ lục III xác định Danh mục các dự án, nhiệm vụ quy mô quốc gia, trong đó chỉ rõ các dự án, nhiệm vụ đối với phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu, Phụ lục III đã chỉ rõ các ứng dụng chuyên ngành mà từng Bộ phải thực hiện và triển khai theo ngành dọc. Để thực hiện ứng dụng CNTT trong CQNN, đối với các Cổng thông tin điện tử, ngày 13/6/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của CQNN; Bộ TTTT đã ban hành công văn và Thông tư hướng dẫn các cơ quan trong việc phát triển các phần mềm ứng dụng như: Công văn 1725/BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/6/2010 về việc hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống một cửa điện tử; Công văn 3386/BTTTT-ƯDCNTT ngày 23/10/2009 về việc bổ sung, điều chỉnh một số điểm tại Công văn 1654/BTTTT-ƯDCNTT, 1655/BTTTT-ƯDCNTT ngày 27/5/2008 của Bộ TTTT về việc hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho các dự án dùng chung theo Quyết định 43/2008/QĐ-TTg; Công văn 269/BTTTT-ƯDCNTT ngày 06/02/2012 về việc giải thích việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật chính sử dụng cho hệ thống cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử; Công văn 310/BTTTT-ƯDCNTT ngày 10/02/2012 về việc hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí đánh giá cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 04/01/2011 của Bộ TTTT Công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, để phản ánh tình hình và phối hợp triển khai ứng dụng CNTT trong toàn quốc, Bộ TTTT đã thành lập Hội đồng Giám đốc CNTT của cơ quan nhà nước (Quyết định 1235/QĐ-BTTTT ngày 03/8/2011), Hội đồng giám đốc CNTT của CQNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Quyết định số 1972/QĐ-BTTTT ngày 24/11/2011).

Câu hỏi 6: Bộ TTTT đã có Công văn số 3489/BTTTT-ƯDCNTT ngày 21/11/2011 về việc đề nghị cấp vốn thanh toán ứng dụng CNTT theo Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ TTTT tiếp tục hỗ trợ để Sở TTTT (Chủ đầu tư) thực hiện chi trả và quyết toán các công trình (Nghệ An).

Trả lời:

Trong thời gian sắp tới, Bộ TTTT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể về việc thanh toán vốn ứng trước cũng như quyết toán các dự án ứng dụng CNTT theo Quyết định 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Câu hỏi 7: Đề nghị Bộ tham mưu, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia kết nối dữ liệu ngành dọc theo hệ thống đến tỉnh, huyện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ phục vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành (Vĩnh Phúc).

Trả lời:

Ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1605/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015, Phụ lục III của Quyết định 1605/QĐ-TTg đã xác định Danh mục các dự án, nhiệm vụ quy mô quốc gia, trong đó chỉ rõ các dự án, nhiệm vụ đối với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Trong năm 2011, Bộ TTTT đã góp ý để hoàn chỉnh thiết kế sơ bộ và đã tích cực phối hợp với các Bộ như: Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường…để triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư đối với các dự án, cơ sở dữ liệu theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg. Hiện nay, Bộ TTTT đã thành lập Hội đồng giám đốc CNTT của CQNN (Quyết định 1235/QĐ-BTTTT ngày 03/8/2011) để phối hợp với các Bộ trong việc đẩy nhanh các nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 1605/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2011-2015. Tiếp thu ý kiến của Sở, trong thời gian tới Bộ TTTT sẽ tích cực phối hợp với các Bộ để đẩy nhanh việc phát triển các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành.

Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ tổ chức lấy ý kiến và điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 102/2009/NĐ-CP nhằm phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT có thể mở rộng phát triển và đẩy nhanh tốc độ phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của các lĩnh vực kinh tế (Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT).

Trả lời:

Hiện tại Bộ TTTT đang thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2012. Do đó, sau khi có Dự thảo Nghị định, Bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong đó có Công ty FPT.

Câu hỏi 9: Đề nghị Bộ ban hành các quy định cụ thể phục vụ việc xây dựng, quản lý các dự án, hạng mục CNTT nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng khi xây dựng một dự án hoặc đề cương, dự toán: từ khâu lập dự án, đề cương dự toán đến trình thẩm định, phê duyệt và thanh quyết toán, chẳng hạn: đề cương, dự toán do chủ đầu tư lập nhưng chủ đầu tư không có cơ sở để thanh toán mục chi đó (Bình Thuận).

Trả lời:

Hiện tại, Bộ TTTT đã ban hành 09 văn bản hướng dẫn Nghị định 102/2009/NĐ-CP và 3 bộ định mức theo các quyết định: Quyết định 993/QĐ-BTTTT, 1595/QĐ-BTTTT, 1601/QĐ-BTTTT). Như vậy, cơ bản Bộ đã hướng dẫn khá đầy đủ các nội dung cần thiết để thực hiện các dự án đầu tư ứng dụng CNTT.

Đồng thời, Bộ đã tổ chức 04 đợt tập huấn trên phạm vi toàn quốc về Nghị định 102/2009/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn để phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các cơ quan, đơn vị. Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn và tiến hành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định này; sửa đổi, thay thế các thông tư, văn bản hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai dự án đầu tư ƯDCNTT.

VI. Công tác Tổ chức cán bộ:

Câu hỏi 1: Để triển khai thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo năm 2011, đề nghị Bộ làm việc với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính bố trí nguồn nhân lực thông tin và truyền thông ở cơ sở. Vì hiện nay, theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ thì chỉ có chức danh “Văn hóa-xã hội” cho công chức cấp xã, chưa có chức danh cán bộ thông tin và truyền thông cấp xã (Quảng Trị, Phú Yên).

Trả lời:

Căn cứ các qui định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP; đồng thời thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư về tuyên truyền viên cơ sở và để triển khai chế độ chính sách đối với các cán bộ thông tin và truyền thông cấp xã, Bộ TTTT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở TTTT đề nghị quan tâm đến đội ngũ này, gồm các văn bản sau:

- Công văn 3599/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 27/10/2010 về việc hướng dẫn quy định các chức danh và mức phụ cấp hoạt động không chuyên trách Đài truyền thanh xã;

- Công văn số 1512/BTTTT-TCCB ngày 23/5/2011 về việc bố trí biên chế cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở.

Đề nghị các Sở TTTT chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn nhân lực này.

Câu hỏi 2: Đề nghị Bộ hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn quản lý nhà nước chuyên ngành TTTT cho đội ngũ cán bộ cấp huyện. Đề nghị Bộ tổ chức các Hội thảo, khóa tập huấn nhằm giúp Sở TTTT các tỉnh nâng cao trình độ QLNN và chuyên môn nghiệp vụ ngành TTTT (Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bình Thuận).

Trả lời:

Việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra và hướng dẫn triển khai các văn bản QPPL mới cho cán bộ, công chức của các Sở TTTT (kể cả cho cán bộ làm công tác về thanh tra cấp huyện) được Bộ tổ chức hàng năm. Từ năm 2006 đến nay, Bộ TTTT đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực QLNN cho cán bộ, công chức của các Sở theo Đề án 3 năm (2006-2009) do Bộ Tài chính cấp ngân sách. Đồng thời hàng năm Bộ cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của Sở tham gia các đoàn đi khảo sát, học tập, bồi dưỡng của Bộ ở nước ngoài; tham gia các khóa bồi dưỡng về CIO ở trong nước từ nguồn kinh phí dự án Ngân hàng Thế giới, tham gia học tập theo Đề án 165 và bồi dưỡng học tập bằng các nguồn tài trợ khác.

Hiện nay việc sử dụng kinh phí đào tào, bồi dưỡng từ nguồn ngân sách nhà nước được cấp trực tiếp cho các cơ quan chủ quản để phân bổ trong ngành dọc theo quy định (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho Sở TTTT của địa phương mình). Vì vậy các Sở cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và chủ động tham mưu với Lãnh đạo UBND để quan tâm, tạo điều kiện nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Trong thời gian tới nếu các Sở TTTT có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trong công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ, Bộ sẽ hỗ trợ giảng viên tham gia giảng dạy, các Sở thu xếp các điều kiện vật chất và các điều kiện cần thiết khác. Các Sở có thể liên hệ trực tiếp với Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý TTTT của Bộ để tìm hiểu và đăng ký các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ ngành TTTT.

Câu hỏi 3: Đề nghị hướng dẫn, phân định rõ về trách nhiệm và phạm vi quản lý của các tổ chức, cơ quan hiện tại có chức năng TTTT như: Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh; hệ thống thư viện (Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Hiện nay, Bộ TTTT đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để trình Chính phủ ban hành (Thay thế Nghị định 187/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ). Khi Nghị định mới được ban hành, Bộ sẽ đưa nội dung quản lý nhà nước về thông tin cơ sở vào Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TTTT.

Câu hỏi 4: Bộ TTTT xem xét và hỗ trợ nâng cao đời sống cho cán bộ trực tiếp làm công tác thông tin và truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo (Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Căn cứ các quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; để hỗ trợ nâng cao đời sống cho cán bộ làm công tác thông tin truyền thông, ngày 27/10/2010 Bộ đã có văn bản số 3599/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn các chức danh và mức phụ cấp hoạt động không chuyên trách Đài truyền thanh xã, trong đó có nêu cụ thể mức phụ cấp cho các chức danh này:

- Trưởng Đài truyền thanh xã hưởng mức phụ cấp hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung;

- Các chức danh khác hưởng mức phụ cấp không quá 80% mức phụ cấp của Trưởng Đài truyền thanh xã;

- Người phụ trách Đài truyền thanh thôn, bản hưởng mức phụ cấp không quá 50% mức phụ cấp của Trưởng Đài truyền thanh xã.

Đề nghị các Sở TTTT nghiên cứu, chủ động tham mưu cho Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết các chế độ cho cán bộ.

Câu hỏi 5: Theo Quyết định 1253/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TTTT, Cơ quan Đại diện có nhiệm vụ “Tham gia đề xuất việc xét khen thưởng thành tích hàng năm và đột xuất theo đề nghị của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản trên địa bàn”. Nhưng hiện nay, Bộ chưa có quy chế cụ thể để phân cấp cho Cơ quan đại diện về việc này. Đề nghị Bộ sớm ban hành quy chế phân cấp để Cơ quan đại diện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đã được Bộ trưởng phân công (Cơ quan đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Hiện nay Bộ TTTT đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác Thi đua-Khen thưởng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Thông tư sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị (trong đó có Cơ quan đại diện) về tham gia đề xuất khen thưởng thành tích hàng năm và đột xuất.

Câu hỏi 6: Cơ quan Đại diện hiện nay đã có đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Hỗ trợ phát triển thông tin và truyền thông, đề nghị Bộ phân cấp giao cho Cơ quan Đại diện phối hợp với đơn vị chủ trì (là Bộ hay các đơn vị trực thuộc Bộ) được tổ chức thực hiện các “sự kiện, hội nghị, hội thảo, tập huấn, chuyên ngành thông tin và truyền thông”(Cơ quan Đại diện tại TP Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Khi Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TTTT được ban hành, Bộ sẽ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và sẽ xem xét đề nghị của đơn vị.

Câu hỏi 7: Đề nghị Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, căn cứ Chỉ thị của Bộ trưởng cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời có định hướng, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng và đăng ký thi đua hàng năm đối với Sở TTTT các tỉnh (Bình Định).

Trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 9 và khoản 2, khoản 3 Điều 10 của Quy chế Thi đua - Khen thưởng của Bộ TTTT đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc phát động, chỉ đạo phong trào thi đua và tổ chức phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị mình. Mặt khác, trong các Chỉ thị phát động phong trào thi đua của Bộ trưởng hàng năm đều có quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cụ thể hóa các nội dung phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của đơn vị mình.

Căn cứ các quy định nói trên của Bộ TTTT về tổ chức phong trào thi đua, đề nghị Quý đơn vị tổ chức phong trào thi đua, xây dựng chỉ tiêu thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của đơn vị mình, đồng thời thực hiện việc đăng ký thi đua và gửi đăng ký thi đua về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) đúng thời gian quy định.

Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ TTTT kéo dài thời gian gửi thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng đúng theo Quyết định 876/QĐ-BTTTT ngày 29/6/2009 của Bộ trưởng Bộ TTTT. Vì theo hướng dẫn của UBND tỉnh Bình Định công tác đánh giá cán bộ và xét thi đua khen thưởng thực hiện vào tháng 12 hàng năm, đề nghị khen thưởng vào quý I năm sau nên việc xét thi đua, khen thưởng tại Sở triển khai còn chậm và không đáp ứng thời gian theo quy định của Bộ (Bình Định).

Trả lời:

Thời hạn quy định nộp hồ sơ đề nghị tặng Cờ thi đua của Bộ chậm nhất là ngày 10 tháng 12 của năm khen thưởng (điểm b khoản 1 Điều 50 của Quy chế Thi đua - Khen thưởng của Bộ TTTT) như hiện nay là phù hợp để đảm bảo việc tổng hợp, thẩm định thành tích, trình khen thưởng được kịp thời nhằm tuyên dương các đơn vị trong toàn ngành TTTT trong dịp hội nghị triển khai kế hoạch và tổ chức phong trào thi đua của năm tiếp theo.

Câu hỏi 9: Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tuy nhiên hàng năm UBND tỉnh chỉ giao 01 Cờ thi đua cho toàn ngành là quá ít. Đề nghị Bộ TTTT có cơ chế khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (Bình Định).

Trả lời:

Để tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực TTTT, Bộ đang thực hiện việc xét khen thưởng như sau:

- Khen thưởng đối với khối các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình.

- Khen thưởng đối với khối các cơ quan xuất bản, in và phát hành sách.

- Khen thưởng đối với khối các doanh nghiệp Bưu chính-Viễn thông thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Đối với việc xét khen thưởng các doanh nghiệp khác, trong thời gian tới Bộ sẽ nghiên cứu để có các hình thức quy định khen thưởng phù hợp.

Câu hỏi 10: Đề nghị sớm sáp nhập Cơ quan Đại diện Cục Báo chí tại TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan Đại diện Cục Xuất bản tại TP. Hồ Chí Minh vào Cơ quan Đại diện Bộ tại TP. Hồ Chí Minh để dễ dàng trong công tác QLNN, việc phối kết hợp hoạt động cũng như kiện toàn tổ chức bộ máy trên địa bàn (Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ sẽ xem xét khi sửa đổi hoặc xây dựng Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí, Cục Xuất bản, Cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.

Câu hỏi 11: Tổ chức tập huấn hoặc có văn bản hướng dẫn các sở TTTT thực hiện thẩm định các dự án Viễn thông, CNTT trên địa bàn và giúp các Sở có hệ thống các văn bản liên quan phục vụ cho công tác thẩm định (Hưng Yên).

Trả lời:

- Các văn bản hướng dẫn thực hiện thẩm định các dự án hiện nay gồm có: Văn bản hướng dẫn về xây dựng các công trình, trong đó có các công trình viễn thông do Bộ xây dựng trình Chính phủ ban hành (Nghị định 12/2009/NĐ-CP); văn bản hướng dẫn về Ứng dụng công nghệ thông tin (Nghị định 102/2009/NĐ-CP) và Luật Đầu tư.

- Về tổ chức tập huấn: Hiện nay Bộ không được phân bổ kinh phí để tổ chức tập huấn cho các Sở. Tuy nhiên, Bộ có thể hỗ trợ cử chuyên gia để truyền đạt tại các lớp tập huấn do Sở tổ chức. Hiện nay và trong thời gian tới Bộ có tổ chức các lớp tập huấn nhưng kinh phí phải do nơi cử người đi học chi trả (theo nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương). Sở có thể liên hệ với các đơn vị của Bộ đang thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng này như: Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin hay Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nếu có những vướng mắc cụ thể, Sở có thể liên hệ với Vụ Kế hoạch Tài chính hoặc BQL các dự án CNTT thuộc Bộ để được hướng dẫn.

VII. Công tác Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ trong công tác quản lý thuê bao trả trước, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Thanh tra Bộ với các địa phương (Đà Nẵng).

Trả lời:

Thời gian qua, Thanh tra Bộ luôn phối hợp và hỗ trợ nghiệp vụ cho các Sở TTTT trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm và giải đáp các vấn đề liên quan. Đối với kiến nghị của Sở, Thanh tra Bộ sẽ tiếp thu và tiếp tục nâng cao công tác phối hợp, hỗ trợ nghiệp vụ cho các Sở TTTT.

Câu hỏi 2: Đề nghị Bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 28 về các chế tài xử phạt đối với hoạt động của đại lý Internet nhất là đối với quản lý trò chơi trực tuyến (Đà Nẵng).

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ TTTT sớm ban hành quy định, chế tài xử phạt vi phạm về hoạt động trang thông tin điện tử để địa phương có cơ sở xử lý (Đà Nẵng).

Trả lời:

Các nội dung kiến nghị này đã được đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009.

Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ bổ sung các điều khoản xử phạt đối với việc in hoá đơn và sử dụng các thiết bị thu phát sóng trực tiếp từ vệ tinh vào Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (Bình Thuận).

Trả lời:

Việc bổ sung các điều khoản xử phạt đối với việc in hoá đơn và sử dụng các thiết bị thu phát sóng trực tiếp từ vệ tinh vào Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, Bộ tiếp thu và sẽ nghiên cứu đưa vào chương trình xây dựng, sửa đổi văn bản QPPL trong thời gian tới sau Khi Luật Xuất bản mới và Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP được ban hành.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ cần sớm có quy định uỷ quyền cho các Sở TTTT xử lý những vi phạm của báo chí Trung ương mà địa phương đã phát hiện (Quảng Trị).

Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và quyết định. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trong quá trình xây dựng và dự thảo, vì vậy việc uỷ quyền cho các Sở TTTT xử lý vi phạm của báo chí Trung ương mà địa phương phát hiện cần được thực hiện theo lộ trình và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Câu hỏi 6: Đề nghị Bộ TTTT tổ chức đánh giá kết quả một năm thực hiện Nghị định 02/2011/NĐ-CP về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản của các Văn phòng đại diện cơ quan báo chí, chi nhánh các Nhà xuất bản của Thanh tra Bộ TTTT, của các Sở TTTT để sơ kết về hiệu quả trong công tác phân cấp xử lý và không phân cấp xử lý. Trong Nghị định này có nội dung khoản 6 Điều 30 là không phù hợp với Điều 25 Luật Thanh tra; Điều 38, 41, 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Bộ rà soát, điều chỉnh theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Bộ thống nhất với kiến nghị của Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh về việc xem xét, tổ chức sơ kết, đánh giá một năm thực hiện Nghị định số 02/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Trên cơ sở đó, đánh giá, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với hoạt động thực tiễn và quy định của pháp luật liên quan.

Câu hỏi 7: Đề nghị Bộ TTTT xử lý công bằng, nghiêm minh các trường hợp vi phạm do Thanh tra Sở TTTT chuyển. Hiện nay còn có tình trạng xử lý thiếu nghiêm minh, không công bằng của các cơ quan thuộc Bộ TTTT và Sở TTTT địa phương về cùng hành vi vi phạm đối với cơ quan Báo chí - Xuất bản trực thuộc Trung ương và cơ quan Báo chí - Xuất bản trực thuộc tỉnh, thành địa phương (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thời gian qua, Bộ đã giao cho Thanh tra là đơn vị thay mặt Bộ giải quyết xử lý các vi phạm từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyển giải quyết theo thẩm quyền, phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Các vụ việc vi phạm đều được Thanh tra Bộ xử lý khách quan, công bằng đúng quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá tổng hợp điều kiện, hoàn cảnh vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Câu hỏi 8: Hiện nay, trong công tác QLNN, các Sở TTTT phải thực hiện quản lý nhiều đơn vị có tính chất hoạt động và phạm vi hoạt động liên quan đến nhiều tỉnh, thành như: quản lý thuê bao di động trả trước, xuất bản – in – phát hành, trò chơi trực tuyến, quảng cáo trên các đài truyền hình, tuy nhiên việc vi phạm của một đơn vị có khi lại xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong khi thẩm quyền của Thanh tra Sở TTTT lại hạn chế, không thể xử lý các đối tượng thuộc địa bàn của các tỉnh, thành khác. Đề nghị Bộ TTTT tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ tiến hành tại các tỉnh, thành phố. Đây là biện pháp tổ chức thanh tra hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm có quy mô rộng lớn, phức tạp, kéo dài. Thanh tra Bộ nên hạn chế tổ chức thanh tra riêng lẻ trong phạm vi một địa bàn khi các Sở TTTT địa phương vẫn chủ động xử lý được (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Bộ nhất trí với kiến nghị của Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh và sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra các đơn vị có quy mô hoạt động lớn, phạm vi hoạt động liên quan đến nhiều địa phương để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Tuy nhiên với mục đích hoạt động của Thanh tra Bộ, việc tổ chức các Đoàn thanh tra một đối tượng, trên một địa bàn là một trong những hoạt động cần thiết để đánh giá khách quan, toàn diện cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật trong hoạt động thông tin và truyền thông, trên cơ sở đó kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Mặt khác không gây ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương của các Sở

VIII. Công tác Kế hoạch tài chính:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2011 cho các dự án Ngân sách Nhà nước theo đề xuất tại công văn số 1282/VTC-ĐTPT ngày 08/11/2011 của Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC (Tổng Công ty VTC).

Trả lời:

Theo đề nghị của Tổng Công ty VTC, Bộ đã ban hành văn bản số 3423/BTTTT-KHTC ngày 11/11/2011 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2011. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ TTTT đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2011 theo đề nghị của đơn vị.

Câu hỏi 2: Về việc điều chỉnh, bổ sung các chế độ báo cáo ban hành kèm theo Thông tư 24/2009/TT-BTTTT ngày 23/7/2009 (Bình Thuận).

Trả lời:

Bộ đang xem xét việc cho phép điều chỉnh chế độ báo cáo ban hành kèm theo Thông tư 24/2009/TT-BTTTT và Thông tư 25/2009/TT-BTTTT.

Hướng dẫn điều chỉnh dự kiến rà soát tất cả các mẫu biểu quảng cáo (trong đó có nhóm biểu mã số 04 về hoạt động bưu chính, chuyển phát). Nội dung rà soát dự kiến chủ yếu là các chỉ tiêu của biểu mẫu, phân bổ độ chi tiết, kỳ báo cáo. Đối với chỉ tiêu số lượng thuê bao điện thoại trả trước chia theo cấp tỉnh. Dự kiến sẽ bổ sung trong chế độ báo cáo sửa đổi.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát hoàn thiện trình Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản sửa đổi chế độ báo cáo.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ sớm xây dựng cơ chế phối hợp về vốn đối ứng Trung ương và địa phương để triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2011-2015 (Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2012-2015 và Quyết định 512/QĐ-TTg ngày 29/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG năm 2012, Quyết định 540/QĐ-BKHĐT ngày 03/5/2012, ngày 18/5/2012 về giao mục tiêu, nhiệm vụ và vốn thực hiện Chương trình MTQG năm 2012, ngày 18/5/2012 Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở năm 2012 và công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình giai đoạn 2013 - 2015.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý cho các dự thảo văn bản hướng dẫn, Bộ TTTT có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình năm 2012 và xây dựng các dự án để chuẩn bị thực hiện Chương trình các năm 2013-2015. Tại các văn bản này, Bộ TTTT đã đề nghị các bộ ngành tăng cường lồng ghép, bổ sung vốn cho việc thực hiện các dự án của Chương trình. Tại Hội nghị triển khai văn bản hướng dẫn, Bộ đề nghị ngân sách địa phương bổ sung khoảng 1/3 vốn đối ứng để thực hiện Chương trình tại địa phương. Trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình, Bộ sẽ có nội dung đề cập đến trách nhiệm bổ sung kinh phí thực hiện Chương trình của các địa phương.

Câu hỏi 4: Đề nghị trang bị thêm xe ôtô cho Cơ quan đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh.

Trả lời:

Về hiện trạng ôtô hiện có của Cơ quan đại diện của Bộ: Cơ quan Đại diện đang quản lý 05 xe ôtô, trong đó có 03 xe do VNPT cho mượn; 02 xe Bộ trang bị, bao gồm: 01 xe 5 chỗ phục vụ công tác chung trang bị theo định mức tiêu chuẩn và 1 xe chuyên dùng 16 chỗ.

Theo quy định tại Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 thì các đơn vị trực thuộc Bộ thành lập sau ngày Quyết định 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực mà có các chức danh có hệ số phụ cấp từ 0,7 đến dưới mức 1,25 thì được trang bị 01 xe ôtô phục vụ công tác; Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh là đơn vị được thành lập theo Nghị định 187/2007/NĐ-CP này 25/12/2007, sau thời điểm Quyết định 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực do đó chỉ được trang bị 01 xe ôtô phục vụ công tác chung; Như vậy hiện nay đơn vị đã đủ tiêu chuẩn trang bị xe ôtô phục vụ công tác.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện dịch vụ Truyền hình Internet 2011 theo thông báo ngày 31/5/2011 của Văn phòng Chính phủ (Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC).

Trả lời:

Thực hiện Công văn 3532/VPCP-HTQT ngày 31/5/2012, Bộ đã phê duyệt kế hoạch điều chỉnh, phê duyệt tạm tính giá trị Hợp đồng và đã giao Cục Quản lý PTTH và TTĐT gia hạn hợp đồng với Tổng Công ty VTC, báo cáo dự toán thực hiện kế hoạch điều chỉnh. Cục Quản lý PTTH và TTĐT đã ký phụ lục bổ sung hợp đồng làm căn cứ cho Tổng Công ty VTC triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ năm 2011. Trong năm 2011 Cục đã tạm ứng 17,8 tỷ đồng.

Để giải quyết khó khăn cho Tổng Công ty VTC, ngày 15/6/2011 Bộ đã có văn bản số 1184/BTTTT-KHTC đề nghị Cục Quản lý PTTH và TTĐT trên cơ sở số kinh phí đã được Bộ giao, tiến hành các thủ tục giải ngân ứng tiếp kinh phí cho VTC. Hiện nay, Bộ đang tổ chức thuê thẩm định giá để làm căn cứ cho việc quyết toán năm 2010 và 2011.

Trong khi chờ Đề án Cung ứng dịch vụ sau năm 2011 được phê duyệt, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép Tổng Công ty VTC tiếp tục cung ứng dịch vụ cho đến khi Đề án được duyệt và đấu thầu chọn được nhà cung cấp dịch vụ mới. Đề xuất của Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Bộ đã giao Cục Quản lý PTTH và TTĐT triển khai.

Về xây dựng đề án thực hiện cung ứng dịch vụ cho giai đoạn sau năm 2011: Bộ đã giao cho Viện Chiến lược CNTT và TT xây dựng các đề án: Đề án cung ứng dịch vụ PTTH trên mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài; Đề án quy hoạch PTTH đối ngoại đến năm 2020. Các đề án này Viện đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và đang trình Lãnh đạo Bộ xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 1579/BTTTT-VP ngày 21/06/2012 trả lời kiến nghị của Sở và doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.182

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.152.251
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!