BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11784/BTC-TCT
V/v chính sách thuế đối với khoản thu phí vệ
sinh.
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 8 năm 2014
|
Kính
gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Bộ Tài chính nhận được vướng mắc của
một số Cục Thuế, doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế đối với khoản thu
phí vệ sinh. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
- Tại điểm c khoản 26
Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn
về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:
"26. Các hàng hóa, dịch vụ
sau:
...
c) Các hoạt động có thu phí, lệ
phí của Nhà nước theo pháp luật về phí và lệ phí".
- Căn cứ Nghị định số
57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh
Phí và lệ phí:
+ Tại Điều 4
quy định:
"1. Tổ chức, cá nhân được thu
phí, lệ phí, bao gồm:
a) Cơ quan thuế nhà nước; cơ quan
hải quan;
b) Cơ quan khác của Nhà nước, tổ
chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá
nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí,
lệ phí.
+ Tại Điều 11
quy định nguyên tắc quản lý số tiền phí, lệ phí thu được:
"1. Phí thu được từ các dịch
vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ
chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, là khoản
thu không thuộc ngân sách nhà nước, số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức,
cá nhân thu phí; tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện
hành của Nhà nước trên kết quả thu phí.
2. Phí thu được từ các dịch vụ do
Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, là khoản thu
của ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:
a) Trường hợp tổ chức thực hiện
thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo
dự toán hàng năm thì tổ chức thực hiện thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu
được vào ngân sách nhà nước;
b) Trường hợp tổ chức thực hiện
thu phí chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì
tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để
trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần
tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước;
c) Trường hợp tổ chức thực hiện
thu phí được ủy quyền thu phí ngoài chức năng nhiệm vụ thường xuyên, thì tổ chức
thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải
chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần tiền phí
còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
3. Mọi khoản lệ phí thu được đều
thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời
số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp ủy quyền thu thì tổ
chức được ủy quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để
trang trải chi phí cho việc thu lệ phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này;
phần lệ phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước"
+ Tại Điều 17 quy
định:
"1. Phí, lệ phí thuộc ngân
sách nhà nước theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này, không
phải chịu thuế.
2. Phí không thuộc ngân sách nhà
nước do các tổ chức, cá nhân thu theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định
này phải chịu thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước."
- Tại khoản 2 Điều
3 Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 quy định về quản lý chất thải rắn
như sau:
"Chất thải rắn phát thải
trong sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được gọi chung là chất thải
rắn sinh hoạt. Chất thải rắn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng
nghề, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác được gọi chung là chất thải rắn
công nghiệp".
- Tại Điều 22 Nghị
định số 59/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ nguồn thải
chất thải rắn:
"Các cá nhân, hộ gia đình có
nghĩa vụ nộp phí vệ sinh theo quy định của chính quyền địa phương.
Các cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch
vụ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề phải ký hợp đồng dịch vụ thu gom,
vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thanh toán toàn bộ kinh phí dịch vụ theo hợp đồng".
- Căn cứ Nghị định số
24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí:
+ Tại khoản 2 Điều
1 quy định Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
"Điều 5. Thẩm quyền quy định
đối với phí như sau:
1. Chính phủ quy định đối với một số
phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội
của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy
quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể
cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một
số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với
chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.
3. Bộ Tài chính quy định đối với
các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước...".
+ Tại Điểm 3 Mục X Phần A danh mục
chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 6/3/2006
của Chính phủ quy định:
"Phí vệ sinh"
- Căn cứ Thông tư số
02/2014/TT-BTC ngày 2/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm
quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
+ Tại khoản 6 Điều
1 quy định danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp
tỉnh: "Phí vệ sinh".
+ Tại điểm a.4 khoản
2 Điều 3 quy định:
"2. Tùy từng điều kiện, tình
hình cụ thể của địa phương nơi phát sinh hoạt động thu phí, lệ phí, cần lưu ý một
số điểm về nội dung và mức thu như sau:
a.4. Phí vệ sinh
- Phí vệ sinh là khoản thu nhằm bù
đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư cho hoạt động thu gom và vận chuyển
rác thải trên địa bàn địa phương, như: chi phí cho tổ chức hoạt động của đơn vị
thu gom, vận chuyển...
- Mức thu phí có thể được phân biệt
theo các loại đối tượng là cá nhân cư trú, hộ gia đình, đơn vị hành chính, sự
nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nơi có tổ chức hoạt động thu
gom và vận chuyển rác thải để quy định cho phù hợp."
Căn cứ các quy định trên, trường hợp
các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (ví dụ: Hạt giao thông, Phòng kinh tế và hạ tầng
do UBND huyện quản lý,...) được giao nhiệm vụ thu các khoản phí vệ sinh thuộc
Danh mục phí, lệ phí do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quyết định và thuộc ngân sách nhà nước theo quy định khoản 2,
khoản 3 Điều 11 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ thì
các khoản phí vệ sinh đó thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp các Công ty môi trường
đô thị tại các địa phương được Nhà nước (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) giao
cho việc thực hiện thu phí và các đơn vị này thực hiện theo nguyên tắc hạch
toán, tự chủ tài chính và là một khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước thì số
tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị và đơn vị phải kê khai, nộp thuế
GTGT, TNDN theo quy định
Bộ Tài chính trả lời để các Cục
Thuế được biết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|