BỘ XÂY DỰNG
-----
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 1521/BXD-VP
V/v: Trả
lời một số
vướng mắc, kiến nghị của Sở Xây dựng Tiền Giang.
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2008
|
Kính gửi: Sở Xây dựng Tiền Giang.
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 470/SXD-KH ngày 04/7/2008 của Sở Xây dựng
Tiền Giang về một số vướng mắc, kiến nghị về quy hoạch, phát triển nhà ở và quản
lý đầu tư xây dựng. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
I. VỀ QUẢN LÝ ĐẦU
TƯ XÂY DỰNG:
1. Về các kiến nghị
của Sở về cơ chế chính sách:
Theo quy định của
Nghị định 16/2005/NĐ-CP và Nghị định 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ, dự án đầu tư
xây dựng công trình được phân thành 3 nhóm A, B, C. Trình tự, thủ tục lập, thẩm
định, phê duyệt dự án đã được quy định cụ thể; theo đó các dự án nhóm A phải
trình các Bộ có xây dựng chuyên ngành để thẩm định thiết kế cơ sở; còn lại các
dự án nhóm B, C trình các Sở có xây dựng chuyên ngành ở địa phương thẩm định.
Đối với những công trình quy mô nhỏ, có mức vốn dưới 7 tỷ đồng thì không cần thiết phải lập dự án mà chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật, theo
đó chủ đầu tư không phải lập thiết kế cơ sở mà chỉ cần lập một bước thiết kế đó
là thiết kế bản vẽ thi công. Đối với những công trình này chủ đầu tư không phải
trình để thẩm định thiết kế cơ sở như đối với công trình yêu cầu phải lập dự
án, mà chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, trước khi
trình người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án. Vì chỉ có một bước thiết
kế nên khi thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, chủ đầu tư phải thuê tư vấn thẩm
tra để bảo đảm an toàn công trình; nếu thiết kế không đảm bảo yêu cầu, chủ đầu
tư có quyền yêu cầu tổ chức tư vấn sửa thiết kế và thẩm định lại.
Những công trình
quy mô nhỏ thì trình tự thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cũng khác so với
các công trình quy mô lớn, cụ thể đối với công trình quy mô nhỏ thì không thực
hiện bước sơ tuyển mà gộp bước sơ tuyển và bước đấu thầu vào một. Bộ Xây dựng
đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
Trong tháng 8/2008 sẽ hoàn thiện để ban hành Thông tư này.
Nghị định số
58/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu, một số nội dung liên quan đến sự không
thống nhất về ngôn từ giữa Luật Đấu thầu và Nghị định số 99/2007/NĐ-CP đã được
Bộ Xây dựng hướng dẫn trong Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007. Mục 2.6 Thông tư số 06/2007/TT-BXD đã quy định chi tiết các loại
giá hợp đồng, trong đó có giải thích giá hợp đồng trọn gói trong Nghị định số
99/2007/NĐ-CP tương ứng với hình thức trọn gói và hình thức theo tỷ lệ phần
trăm quy định trong Luật Đấu thầu; giá hợp đồng theo đơn giá cố định trong Nghị
định số 99/2007/NĐ-CP tương ứng với hình thức theo đơn giá và hình thức theo thời
gian quy định trong Luật Đấu thầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để ban
hành thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
2. Về cơ chế thu
thập thông tin năng lực nhà thầu: Bộ Xây dựng đã ban hành Quy định quản lý
thông tin về năng lực của các tổ chức hoạt động xây dựng qua Trang thông tin điện
tử của Bộ kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BXD ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng.
3. Về sắp xếp lại
các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và chi phí cho quản lý dự án:
Tại Thông tư
02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 và văn bản số 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007 đã hướng
dẫn cụ thể việc chuyển đổi các Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc khu vực do
các địa phương đã thành lập trước đây. Trong đó nêu rõ nguyên tắc Ban QLDA là
không làm chủ đầu tư. Ban quản lý dự án là do chủ đầu tư thành lập giao nhiệm vụ
và quyền hạn. Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư giao, Ban QLDA có thể
thuê tổ chức tư vấn hoặc cá nhân để thực hiện một phần công việc và phải được
chủ đầu tư chấp thuận.
Khi chuyển đổi
các ban QLDA thành đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp, về nguyên tắc là phải
đánh giá, xác định giá trị các tài sản do các Ban QLDA đang quản lý để giao cho
doanh nghiệp mới.
Về nguyên tắc
quản lý dự án là phải có chi phí, chi phí cho quản lý dự án được lấy từ chi phí
cho dự án trong tổng mức đầu tư. Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu
tư xây dựng công trình được Bộ Xây dựng công bố kèm theo văn bản số 1751/BXD-VP
ngày 14/8/2007.
Tuy nhiên, theo
Thông tư 118/2007/TT-BTC ngày 02/10/2007 của Bộ Tài chính thì Ban QLDA được
phân thành nhóm I và nhóm II, theo đó các Ban QLDA nhóm II không được hưởng chi
phí từ dự án là mâu thuần với pháp luật về xây dựng. Về vấn đề này Bộ Xây dựng
đã có ý kiến với Bộ Tài chính. Hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sửa đổi.
Về xác định chủ
đầu tư: Tại khoản 21 Điều 3 Luật Xây dựng đã quy định rõ:
chủ đầu tư xây dựng công trình là người chủ sở hữu vốn hoặc là người được giao
quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Pháp luật về xây dựng
không quy định điều kiện năng lực của chủ đầu tư. Đối với dự án sử dụng vốn
ngân sách nhà nước, việc xác định chủ đầu tư đã được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 112/CP, hướng dẫn tại Thông tư
02/2007/TT-BXD và giải thích rõ hơn tại văn bản 1394/BXD-PC ngày 28/6/2007 của
Bộ Xây dựng, theo đó về nguyên tắc chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công
trình. Trường hợp đơn vị quản lý sử dụng công trình không đủ điều kiện về tổ chức,
nhân lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác thì người quyết định đầu tư
giao cho đơn vị có đủ điều kiện nêu trên làm chủ đầu tư. Đơn vị quản lý, sử dụng
phải cử người tham gia với chủ đầu tư để quản lý dự án và tổ chức tiếp nhận
công trình đưa vào khai thác sử dụng.
4. Về hướng dẫn
lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng:
Chính phủ đã
ban hành Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu
và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. Bộ Xây dựng đang soạn thảo
Thông tư hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng,
thi công xây dựng, các hình thức tổng thầu và sẽ ban hành trong tháng 8/2008.
II. VỀ QUY
HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở:
1. Về tổ chức lập
quy hoạch: Việc quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng thì
chịu trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng không có gì
mâu thuẫn với phân cấp về quản lý quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng. Cơ
quan được phân cấp phê duyệt sẽ tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
2. Theo quy định
tại điểm 5 Điều 32 của Luật Xây dựng đối với quy hoạch chi tiết
trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố mà chưa triển khai thực hiện thì phải
có biện pháp khắc phục như điều chỉnh, công bố huỷ bỏ... Về ngyên tắc, quy hoạch
xây dựng phải đi trước một bước để đảm bảo quản lý xây dựng và cung cấp thông
tin cho nhà đầu tư. Quy định của Luật Xây dựng nhằm đảm bảo việc các cơ quan quản
lý Nhà nước có trách nhiệm định kỳ rà soát các quy hoạch đã phê duyệt sau 3 năm
kể từ ngày công bố. Qua rà soát đánh giá sẽ xác định các quy hoạch còn phù hợp
thì tiếp tục thực hiện, nếu phát hiện không còn phù hợp thì ra quyết định điều
chỉnh. Tuy nhiên, nếu chưa hết thời hạn 3 năm nhưng nếu xuất hiện những yếu tố
mới do nhu cầu của nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền cũng xem xét và nếu chấp
thuận thì ra quyết định điều chỉnh.
3. Theo chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6626/VPCP-KTTH ngày 15/11/2007, vốn cho
công tác quy hoạch được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của các địa phương,
riêng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của các dự án được bố trí từ vốn
đầu tư của dự án. Uỷ ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm lập kế hoạch và cân
đối nguồn vốn cho công tác quy hoạch tuỳ theo nhu cầu phát triển của địa
phương. Do đó các tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc lập kế hoạch vốn cho công
tác quy hoạch trên địa bàn.
Thông tư số
07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 đã hướng dẫn chi tiết về các loại đồ án quy hoạch
xây dựng và đối tượng của từng loại quy hoạch. Riêng đối với các khu công nghiệp,
khu chế xuất... hiện nay Bộ Xây dựng đang soạn Thông tư hướng dẫn về quản lý
xây dựng các khu công nghiệp, dự kiến trong đó sẽ làm rõ các nội dung này.
4. Về quản lý
đô thị:
a. Góc vát công
trình tại nơi giao nhau của đường trong đô thị: Quy định này nhằm đảm bảo an
toàn giao thông trong đô thị, góc vát các công trình được xác định căn cứ cấp
đường trong đô thị gắn với công trình và tầm nhìn tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng
20m, do vậy tổ chức tư vấn lập quy hoạch chi tiết đô thị hoặc thiết kế đô thị sẽ
nghiên cứu và xác định về góc vát cụ thể đối với mỗi công trình ở mỗi vị trí
khác nhau đảm bảo phù hợp với quy định tại mục 4.3.4 của Quy chuẩn xây dựng Việt
Nam về Quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD
ngày 3/4/2008. Do đó quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị được cấp có thẩm
quyền phê duyệt là căn cứ để thực hiện.
b. Cửa sổ tầng
lầu không quy định trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng nên
rất khó xử lý khi xảy ra tranh chấp và trong việc thẩm tra hồ sơ cấp phép xây dựng:
Khoản 2.8.10 đã quy định “Trong khoảng không từ mặt vỉa hè lên tới độ cao
3,5 m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô quá chỉ giới đường đỏ, trừ các
trường hợp sau:...”. Như vậy nếu cửa sổ tầng lầu của các công trình hiện tại
nằm trong độ cao đã quy định như trên thì khi cải tạo, chỉnh trang hoặc xây dựng
lại phải thực hiện theo quy định tại khoản 2.8.10 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về
Quy hoạch xây dựng.
c. Theo quy định
tại khoản 2.8.10 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng thì không
cho phép bậc, cấp của nhà ở được nhô ra ngoài chỉ giới đường đỏ: Đây là quy định
nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, do vậy khi đầu tư xây dựng hoặc cải tạo công trình
cần lưu ý về sự hợp lý giữa cao độ nền công trình và cao độ mặt vỉa hè.
d. Trường hợp
quy hoạch cải tạo các khu vực cũ, đối với trường hợp lô đất đứng riêng lẻ có diện
tích nhỏ hơn 50 m2: Khoản 2.10.2 đã quy định đối với lô đất đứng riêng
lẻ có diện tích lớn hơn 50 m2 với chiều rộng và chiều sâu lô đất lớn
hơn 5m, đối với trường hợp có diện tích nhỏ hơn 50 m2 với chiều rộng
và chiều sâu lô đất lớn hơn 5m, mà chủ hộ có yêu cầu hợp khối với lô đất liền kế
thì việc sử dụng đất đã phù hợp với quy định tại khoản 2.10.2.
6. Về giá thuê
nhà ở xã hội:
Theo quy định tại
Điều 56 của Luật Nhà ở và Điều 27 của Nghị
định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật
Nhà ở, thì cơ sở để xác định giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện
theo các nguyên tắc sau (4 nguyên tắc):
- Tính đủ chi
phí đảm bảo thu hồi vốn đầu tư xây dựng, quản lý vận hành quỹ nhà ở xã hội.
- Không tính tiền
sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Giá cho thuê,
thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trên
nguyên tắc đảm bảo phù hợp với khung giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại
Phụ lục số 1 của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP.
- Khung giá
thuê, thuê mua nhà ở xã hội được xem xét, điều chỉnh 5 năm một lần phù hợp điều
kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Khung giá này bao gồm
giá cho thuê nhà ở xã hội áp dụng đối với loại nhà ở thấp tầng tại khu vực nông
thôn, khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội áp dụng đối với loại nhà chung
cư tại đô thị...
Do phải đảm bảo
các nguyên tắc trên với thời hạn khấu hao là 30 năm có tính lãi suất vay vốn,
nên trên thực tế giá thuê theo khung giá của Nghị định số 90/2006/NĐ-CP có thể
cao hơn so với mức thu nhập của các đối tượng xã hội và giá thuê nhà trên thị
trường. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để điều chỉnh cho
phù hợp với đặc thù trên địa bàn.
6. Về phát triển
nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, chính sách hỗ trợ người có công với
cách mạng về nhà ở:
- Cho đến nay
đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách ưu đãi khi
đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân làm việc tại các
khu công nghiệp tập trung nói riêng được ban hành (Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật
Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…). Song việc đầu tư xây dựng nhà ở xã
hội vẫn chưa có chuyển biến. Nguyên nhân cơ bản của việc chậm triển khai xây dựng
các dự án nhà ở xã hội là do chi phí đầu tư xây dựng lớn, thời gian thu hồi vốn
dài, nên chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư,
trong khi nguồn vốn ngân sách của các địa phương lại hạn chế. Để thúc đẩy
chương trình phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng hai
đề án: Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nguồn vốn nhà nước cho những đối
tượng xã hội tại đô thị thuê, thuê mua; Chính sách phát triển nhà ở cho công
nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, để trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý III năm 2008 để các địa phương có cơ sở
thực hiện.
- Về chính sách
hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở đã được quy định tại nhiều
văn bản như: Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về
việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở; Quyết định số
20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt
động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 cải thiện nhà ở; Quyết định
số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ
sung một số điều của Quyết định số 118/TTg và Điều 3 Quyết định
số 20/2000/QĐ-TTg.
Theo các văn bản
nêu trên thì người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở thông qua
nhiều hình thức khác nhau như: giao đất không thu tiền sử dụng đất; miễn giảm
tiền sử dụng đất, giảm tiền nhà khi mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định
số 61/CP; hỗ trợ kinh phí khi xây dựng nhà, bằng tiền với các mức từ 25 đến 50
triệu đồng tuỳ theo từng đối tượng khác nhau.
7. Về xây dựng
cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ ĐBSCL:
Xây dựng cụm,
tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ nhằm đảm bảo cho người dân trong vùng thường
xuyên bị ngập lũ ĐBSCL có cuộc sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền
vững là một trong những nội dung chủ yếu trong chiến lược phát triển kinh tế –
xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến
dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 1) đã có trên 120.000 hộ dân
trong vùng đã có chỗ ở an toàn và ổn định. Với vị trí thuận lợi, nhiều cụm, tuyến
dân cư có khả năng phát triển kinh tế gia đình tốt, phát triển thành các đô thị
trong tương lai.
Mặc dù các địa
phương đã có nhiều cố gắng trong thực hiện Chương trình (giai đoạn 1), tuy
nhiên do số hộ dân sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ rất lớn nên trong
giai đoạn 1 của Chương trình chưa thể giải quyết hết số hộ dân nói trên vào ở
trong cụm, tuyến dân cư. Mặt khác trong vùng có rất nhiều hộ dân đang sinh sống
trong các khu vực sạt lở nguy hiểm. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ
Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan đi khảo sát thực tế
ở các địa phương, lập đề án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các
dự án đầu tư xây dựng Chương trình giai đoạn 2 (208 dự án) để đảm bảo chỗ ở an
toàn, ổn định cho khoảng 52.356 hộ dân trong khu vực sạt lở và số hộ dân chưa
được giải quyết hết trong giai đoạn 1 của Chương trình. Trong đó đã nghiên cứu
đề xuất các cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế và có tính
khả thi cao.
III. VỀ CÔNG
TÁC THANH TRA XÂY DỰNG:
Về năng lực hành
nghề đối với cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng: Được quy định tại Luật Xây dựng,
Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005, Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày
29/9/2006 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các
Thông tư hướng dẫn.
Về thẩm quyền tổ
chức thực hiện cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp xã và Trưởng công an xã theo Nghị
định số 180/2007/NĐ-CP: Chủ tịch UBND xã tổ chức thực hiện cưỡng chế; lực lượng
tham gia thực hiện cưỡng chế gồm nhiều thành phần; Trưởng Công an cấp xã phải tổ
chức lực lượng công an để thi hành quyết định cưỡng chế theo quy định./.
Nơi nhận:
Như trên;
Bộ trưởng (để báo cáo);
Cục QLN, PTĐT;
Vụ HĐXD, KTQH, KHCN;
Thanh tra XD;
Trung tâm tin học;
Lưu: VP(01).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Liên
|