BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
611/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL
V/v lập dự toán, sử dụng
và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi
hành pháp luật
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2015
|
Kính gửi: Các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Nhằm áp dụng
thống nhất Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014 hướng
dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo
đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Thông tư
liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP) trong việc lập dự toán, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật,
Bộ Tư pháp đề nghị Quý Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi
chung là các Bộ) lưu ý một số nội dung sau đây:
I. Về nội
dung chi và mức chi
1. Về nội
dung chi
Các hoạt động
theo dõi thi hành pháp luật được hướng dẫn quyết toán kinh phí theo Thông tư
liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP bao gồm: (1) Tập hợp, rà soát, hệ thống
hóa, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp các hoạt động theo
dõi thi hành pháp luật[1]; (2) Điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình
thi hành pháp luật; (3) Xây dựng báo cáo về tình hình thi hành pháp luật; (4)
Đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (5) Trả thù lao cho
chuyên gia tư vấn, phản biện độc lập báo cáo theo dõi thi hành pháp luật; (6) Tổ
chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị, nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ
trực tiếp hoạt động theo dõi thi hành pháp luật và (7) Công tác phí.
2. Về mức
chi
2.1. Hoạt động tập hợp, rà soát, hệ thống hóa, đánh giá
văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành pháp luật (điểm
e khoản 10 Điều 4)
Mức chi cho hoạt
động rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành
pháp luật được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP
ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà
soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
2.2. Hoạt động điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học
phục vụ hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (điểm c khoản 10 Điều
4)
- Mức chi cho
hoạt động điều tra, khảo sát, điều tra xã hội học về tình hình thi hành pháp luật
được được thực hiện theo quy định của Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011
của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện
các cuộc điều tra thống kê.
- Mức chi cho
việc tổ chức các hoạt động khảo sát ở nước ngoài thực hiện theo quy định của
Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công
tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp
công lập.
2.3. Hoạt động xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi
hành pháp luật (điểm d khoản 3, khoản 5, khoản 6 Điều 4)
- Báo cáo theo
dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hàng năm của các Bộ, ngành: Mức chi tối
đa 8.000.000 đồng/báo cáo;
- Báo cáo theo
dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề: Mức chi tối đa 5.000.000 đồng/báo
cáo;
- Báo cáo theo
dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất: Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/báo
cáo;
- Chỉnh lý
hoàn thiện đề cương báo cáo: Mức chi tối đa 500.000 đồng/lần chỉnh lý;
- Chỉnh lý dự
thảo báo cáo: Mức chi tối đa 600.000 đồng/lần chỉnh lý.
2.4. Hoạt động lấy ý kiến chuyên gia tư vấn, phản biện
độc lập (khoản 9 Điều 4)
Trường hợp,
khi xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xây dựng văn bản xử
lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật (văn bản xử lý, kiến nghị xử lý kết quả
theo dõi thi hành pháp luật) cần phải lấy ý kiến chuyên gia tư vấn, phản biện độc
lập thì mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/báo cáo.
2.5. Hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuyên đề (điểm đ khoản 10 Điều 4)
Đối với hoạt động
nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi
hành pháp luật, mức chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số
44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ
về hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự
án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
2.6. Chế độ họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị và họp báo
(khoản 7 Điều 4)
Mức chi cho cá
nhân tham gia họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ công tác điều tra, khảo
sát tình hình thi hành pháp luật như sau:
- Chủ trì cuộc
họp: 150.000 đồng/người/cuộc họp;
- Các thành
viên tham dự: 100.000 đồng/người/cuộc họp;
- Ý kiến tham
luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi tối đa 500.000 đồng/văn bản.
2.7. Công tác phí (điểm a khoản 10 Điều
4)
Khoản chi công
tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước phục vụ việc kiểm tra, điều tra, khảo
sát, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tọa đàm, sơ kết, tổng kết được thực hiện
theo quy định tại Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định
chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với cơ quan nhà nước và
đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Hoạt động đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản
quy phạm pháp luật (điểm m khoản 1 Điều 3)
Đối với hoạt động
đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại
Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện
pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì căn cứ nội dung, mức
chi quy định tại Thông tư số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP và tham khảo nội dung hướng
dẫn từ điểm 2.1 tới điểm 2.7 Mục này để thực hiện.
4. Đối với nội dung chi và mức chi cho các hoạt động
chưa liệt kê trong Công văn này thì được thực hiện theo quy định tại Thông tư số
92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
II. Lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác theo dõi
tình hình thi hành pháp luật
Theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP thì kinh phí bảo đảm cho
công tác theo dõi thi hành pháp luật do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp
chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Việc bố trí
kinh phí bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật tại cơ quan, đơn vị
được thực hiện theo chương trình, kế hoạch chính thức và chương trình, kế hoạch
bổ sung trong năm, bảo đảm phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ và trong phạm
vi ngân sách đã được giao.
1. Việc lập
dự toán, quản lý kinh phí bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật (khoản 1 Điều 6)
Căn cứ nhiệm vụ
hàng năm, trên cơ sở nội dung chi quy định tại Điều 3 và mức
chi quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số
92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP, các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi tiết kinh
phí bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tổng hợp chung
trong dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi Bộ Tài chính thẩm định và
tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước.
2. Việc sử
dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình thi hành
pháp luật (khoản 2 Điều 6)
2.1. Việc thanh toán kinh phí bảo đảm cho công tác theo
dõi tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo phương thức khoán trên sản
phẩm hoàn thành kèm theo bảng kê chi tiết các nội dung chi, mức chi theo quy định
tại Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP , không cần kèm theo hóa
đơn, chứng từ.
2.2. Trường hợp cuối năm nhiệm vụ theo dõi thi hành
pháp luật chưa hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền đồng ý chuyển tiếp sang
năm sau thực hiện thì được chuyển kinh phí tương ứng sang sử dụng và quyết toán
vào năm sau.
Trên đây là một
số nội dung cần lưu ý trong quá trình lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh
phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư
pháp trân trọng đề nghị các Bộ quan tâm, bố trí đủ kinh phí và chỉ đạo Tổ chức
pháp chế, các đơn vị có liên quan thực hiện lập dự toán, sử dụng và quyết toán
kinh phí đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả trong hoạt động theo dõi
thi hành pháp luật./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đơn vị thuộc Bộ (để biết);
- Tổ chức pháp chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
(để tham mưu thực hiện);
- Lưu: VT, Cục QLXLVPHC&TDTHPL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thúy Hiền
|