Kính gửi:
Các chủ đầu tư, tư vấn, doanh nghiệp xâydựng và vật liệu xây dựng hoạt động
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Nhằm phổ biến và hướng dẫn các văn bản quy phạm
pháp luật thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) đến các chủ đầu tư, các tư vấn,
các doanh nghiệp hoạt động xây dựng và sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn
TPHCM; ngày càng quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng VLXD do các tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và đưa vào sử dụng trong
công trình xây dựng theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND ngày
12/7/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố;
Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hoạt
động trong lĩnh vực xây dựng và VLXD hiểu rõ ý nghĩa và các nội dung cần thực
hiện trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD và sử dụng trong
công trình xây dựng theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là đối với các loại
VLXD thuộc danh mục quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng
hóa VLXD và các loại vật liệu xây không nung (VLXKN); đồng thời, để đẩy mạnh ứng
dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn thành phố theo hướng phát triển bền vững;
Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung chủ yếu
liên quan đến công tác quản lý chất lượng và sử dụng VLXD trong công trình xây
dựng phù hợp với quy định trên địa bàn thành phố:
A. Phần giới thiệu:
I. Giải thích từ ngữ:
1. Sản phẩm là kết quả của quá trình sản
xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng (khoản 1
Điều 3 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
2. Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị
trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị (khoản 2 Điều 3 – Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
3. Sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất
an toàn (sau đây gọi là sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2) là sản phẩm, hàng
hóa VLXD trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng
có tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung
quanh (khoản 3 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD ngày 16/11/2010 của Bộ
Xây dựng).
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD, mã số QCVN 16:2011/BXD, bao gồm 06
nhóm sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Nhóm sản phẩm clanhke xi măng và xi măng; nhóm
sản phẩm kính xây dựng; nhóm sản phẩm phụ gia cho xi măng và bê tông; nhóm sản
phẩm vật liệu xây dựng chứa sợi vô cơ, sợi hữu cơ tổng hợp, sản phẩm hợp kim
nhôm và sản phẩm trên cơ sở gỗ; nhóm sản phẩm sơn, vật liệu chống thấm, vật liệu
xảm khe; nhóm sản phẩm gạch ốp lát.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông QCVN 7:2011/BKHCN.
4. Sản xuất là các phương thức để tạo ra hàng
hóa bao gồm khai thác, …, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp (khoản 9
Điều 3 – Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ).
Một số công đoạn gia công, chế biến giản đơn
không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa như: Sơn, chia cắt ra từng phần,
lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh,
trộn đơn giản các sản phẩm, kể cả các thành phần khác nhau, nếu một hay nhiều
thành phần cấu thành của hỗn hợp không đáp ứng điều kiện đã quy định để có thể
được coi như có xuất xứ tại nơi thực hiện việc này (Điều 9 – Nghị định số
19/2006/NĐ-CP).
5. Lô sản phẩm là tập hợp một loại sản phẩm
có cùng thông số kỹ thuật và được sản xuất cùng một đợt trên cùng một dây chuyền
công nghệ (mục 3 – QCVN 16:2011/BXD).
6. Lô hàng hóa là tập hợp một loại sản phẩm
được xác định về số lượng, có cùng nội dung ghi nhãn, do một tổ chức, cá nhân sản
xuất, nhập khẩu tại cùng một địa điểm được phân phối, tiêu thụ trên thị trường (mục
3 – QCVN 16:2011/BXD).
7. Mẫu điển hình của sản phẩm, hàng hóa
là mẫu đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất
theo cùng một thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật
liệu (điểm 1.1 khoản 1 mục I Phụ lục II – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày
12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
8. Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ
thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng
hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh
tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn
bản để tự nguyện áp dụng (khoản 1 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật).
9. Tiêu chuẩn cơ sở là tiêu chuẩn do tổ
chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp
và các cơ quan, tổ chức khác công bố để áp dụng trong các hoạt động của tổ chức
đó (điểm 3.7 khoản 3 mục I – Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của
Bộ Khoa học và Công nghệ).
10. Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức
giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,
quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải
tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực
vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu
dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng (khoản 2 Điều 3 – Luật
Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
11. Công bố tiêu chuẩn áp dụng là việc tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng hoặc các đặc
tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường của mình (khoản
1 Điều 21 – Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ).
12. Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận sản
phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt
buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật (khoản 1 Điều
3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD).
13. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá
nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc
tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được chuyển thành các quy chuẩn kỹ
thuật (khoản 2 Điều 3 – Thông tư số 21/2010/TT-BXD).
14. Tổ chức chứng nhận hợp quy là tổ chức
thực hiện việc đánh giá, xác nhận sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với các yêu cầu
của quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa được
chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật (khoản 4 Điều 3 – Thông tư số
21/2010/TT-BXD).
15. Chứng nhận hợp chuẩn là việc xác
nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn
tương ứng (khoản 6 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
16. Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá
nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với
tiêu chuẩn tương ứng (khoản 8 Điều 3 – Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
17. Phương thức đánh giá sự phù hợp:
Việc đánh giá sự phù hợp được thực hiện theo một
trong các phương thức sau đây:
a) Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình;
b) Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và
đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
c) Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và
đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản
xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
d) Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và
đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản
xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
đ) Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và
đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản
xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
e) Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống
quản lý;
g) Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm,
hàng hóa;
h) Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn
bộ sản phẩm, hàng hóa.
(Khoản 1 Điều 5 – Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN).
18. Dấu hợp quy là dấu hiệu chứng minh sự
phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Dấu hợp quy được
cấp cho sản phẩm, hàng hóa sau khi sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận hợp quy
và công bố hợp quy (khoản 3 Điều 43 - Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).
19. Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa
bao gồm kết quả đánh giá sự phù hợp, tài liệu quảng cáo, giới thiệu tính năng,
công dụng, đặc tính, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (khoản 17 Điều 3 –
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
Và một số thuật ngữ khác quy định trong QCVN
16:2011/BXD.
II. Các lợi ích của việc thực
hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy:
Trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, ngoại
trừ tuân thủ các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, các sản phẩm, hàng hóa
VLXD sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng
so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Các sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 phải bảo
đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật.
Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và
công bố hợp quy mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh, cho người tiêu dùng và cho cả cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể:
1. Lợi ích của doanh nghiệp:
- Khi sản phẩm được công bố tiêu chuẩn áp dụng
rõ ràng và công bố hợp quy có nghĩa là sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng,
vệ sinh an toàn đảm bảo phù hợp với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật. Điều này
tạo nên lòng tin của khách hàng đối với người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu;
góp phần nâng cao uy tín của người sản xuất, người nhập khẩu. Vì thế, giúp cho
người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu dễ dàng trong việc mở rộng thị trường
và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm.
- Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp
quy khẳng định và thể hiện sự tuyên bố với cộng đồng về trách nhiệm của người sản
xuất và kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa.
- Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục công bố
tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy nghĩa là tuân thủ và chấp hành quy định
pháp luật trong lĩnh vực mà đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Sản phẩm có ưu thế cạnh tranh đối với những sản
phẩm cùng loại nhưng chưa được công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy.
Chính vì vậy mà việc công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy trở thành
công cụ tiếp thị hữu hiệu cho người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu.
- Doanh nghiệp được cơ quan quản lý Nhà nước quảng
bá nhãn hiệu, sản phẩm của đơn vị thông qua kênh thông tin của Sở Xây dựng (Sở
Xây dựng công bố danh sách các đơn vị thực hiện đăng ký Bản công bố hợp quy trên
trang web của Sở Xây dựng). Đồng thời những sản phẩm, hàng hóa này có điều kiện
tham gia vào Bảng công bố giá vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng ban hành định kỳ
hàng tháng. Bảng công bố giá này là cơ sở để các đơn tư vấn xây dựng, thi công
xây dựng và chủ đầu tư tham khảo để lập dự toán công trình xây dựng.
- Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp
quy tạo điều kiện cạnh tranh một cách công khai, minh bạch giữa các nhà sản xuất,
kinh doanh về chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.
- Đây còn là một cách thức làm chủ và kiểm soát
việc sản xuất và kinh doanh, trên cơ sở đó sẽ giúp nhà sản xuất duy trì ổn định
chất lượng; cải tiến năng suất; giảm sự lãng phí và giảm tỉ lệ sản phẩm phế phẩm
thông qua quá trình duy trì sản xuất, nhập khẩu đảm bảo chất lượng đã công bố.
2. Lợi ích của người tiêu
dùng:
- Người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm
phù hợp nhu cầu và yên tâm sử dụng vì sản phẩm, hàng hóa được sản xuất hoặc
kinh doanh trong điều kiện đảm bảo chất lượng.
- Ngoài ra, người tiêu dùng còn dễ tiếp cận và
làm quen với sản phẩm do nhận được thông tin công khai về chất lượng sản phẩm
và những nội dung về hướng dẫn sử dụng, bảo quản, các thông tin cảnh báo khi sử
dụng… và nhận biết sản phẩm đạt chất lượng nhanh chóng do có gắn dấu hợp quy.
3. Lợi ích của cơ quan quản
lý nhà nước:
- Việc yêu cầu doanh nghiệp chứng nhận hợp quy,
công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy là một trong những giải pháp
quan trọng trong việc hạn chế nhập siêu thông qua ban hành các hàng rào kỹ thuật
trong thương mại, hạn chế một cách hữu hiệu hàng hóa kém chất lượng của các nước
nhập vào Việt Nam và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tiêu
thụ hàng hóa. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để quản lý, kiểm tra và
giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.
- Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước có nền tảng
và thông tin để xây dựng cơ chế và chính sách điều tiết thị trường, tạo điều kiện
khuyến khích những sản phẩm, hàng hóa cần được định hướng phát triển và có giải
pháp hạn chế những sản phẩm, hàng hóa không phù hợp…
B. Quản lý chất lượng sản
phẩm, hàng hóa VLXD lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng:
I. Nội dung quản lý chất lượng
sản phẩm, hàng hóa VLXD:
VLXD là bộ phận cấu thành, góp phần xây dựng các
công trình phục vụ cho các mục đích cư trú, trụ sở làm việc, văn hóa, y tế,
giáo dục…, đồng thời kiến tạo mỹ quan đô thị và thúc đẩy sự phát triển kinh tế
xã hội của thành phố. Do đó, việc quản lý chất lượng VLXD có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng, gắn liền với công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo
sự ổn định và bền vững của công trình. Việc quản lý chất lượng VLXD còn tạo điều
kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu VLXD
trên địa bàn thành phố hiểu rõ và thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm,
hàng hóa của đơn vị mình cho phù hợp quy định.
Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng
hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD được phân chia theo quá trình tạo
nên sản phẩm, hàng hóa: Quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất; xuất khẩu,
nhập khẩu; lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng.
1. Quản lý chất lượng sản
phẩm VLXD trong quá trình sản xuất:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 28 – Luật Chất
lượng sản phẩm, hàng hóa, người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý
chất lượng sản phẩm trong sản xuất như sau:
- Áp dụng hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng
sản phẩm do mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng.
- Công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo
quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Lựa chọn chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn
đối với sản phẩm thuộc nhóm 1.
- Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến
quá trình sản xuất, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm thuộc
nhóm 2 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD mã số QCVN
16:2011/BXD được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2011/TT-BXD ngày 30/8/2011 của
Bộ Xây dựng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông QCVN 7:2011/BKHCN
được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ Khoa
học và Công nghệ, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày
12/4/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Các nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng sản
phẩm VLXD trong sản xuất được quy định tại Điều 5 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
ngày 31/12/2008 của Chính phủ.
2. Quản lý chất lượng hàng
hóa VLXD xuất khẩu:
Theo quy định tại Điều 32 – Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa, người xuất khẩu hàng hóa phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất
lượng hàng hóa như sau:
- Phải bảo đảm hàng hóa xuất khẩu phù hợp với
quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế
thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ có
liên quan.
- Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong
quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm bảo đảm
chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
Các nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Điều 10 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
3. Quản lý chất lượng hàng
hóa VLXD nhập khẩu:
Theo quy định tại Điều 34 – Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa:
- Hàng hóa nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn
áp dụng và ghi nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được công
bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (QCVN
16:2011/BXD) liên quan đến quá trình sản xuất, sản phẩm cuối cùng bởi tổ chức
chứng nhận được Bộ Xây dựng chỉ định.
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm 2 phải được kiểm
tra chất lượng khi nhập khẩu.
Các nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 8 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
4. Quản lý chất lượng hàng
hóa VLXD lưu thông trên thị trường:
Theo quy định tại Điều 38 – Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa và khoản 1, Điều 32 – Nghị định số 124/2007/NĐ-CP của Chính phủ,
hàng hóa VLXD lưu thông trên thị trường phải được người bán hàng thực hiện các
yêu cầu về quản lý chất lượng sau đây:
- Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng
trong quá trình lưu thông hàng hóa hoặc tự áp dụng các biện pháp kiểm soát chất
lượng nhằm duy trì chất lượng của hàng hóa do mình bán. Sản phẩm VLXD phải đạt
tiêu chuẩn đã công bố. Đối với sản phẩm thuộc danh mục phải tuân theo quy chuẩn
kỹ thuật QCVN 16:2011/BXD thì phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật.
- Nhà sản xuất phải có trách nhiệm công bố tiêu
chuẩn áp dụng và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất.
- Sản phẩm VLXD có nhãn và nhãn phải bảo đảm ghi
đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
- Chịu sự kiểm tra chất lượng hàng hóa theo quy
định.
Các nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu
thông trên thị trường được quy định tại Điều 12 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
và Thông tư số 16/2009/TT-BKHCN ngày 02/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
5. Quản lý chất lượng hàng
hóa VLXD trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng:
- Theo quy định tại Điều 42 – Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa và Điều 14 – Nghị định số 132/2008/NĐ-CP:
+ Hàng hóa VLXD phải được sử dụng, vận chuyển,
lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất. Người
sử dụng, người sở hữu hàng hóa có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện quy định tại
Điều 42 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa
trong quá trình sử dụng.
+ Hàng hóa VLXD phải được kiểm định theo quy định
trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban
hành.
+ Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm định
trong quá trình sử dụng sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định mới được
phép đưa vào sử dụng.
- Theo quy định tại Điều 7, Điều 24 – Nghị định
số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ và Điều 6 – Thông tư số
10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng:
+ Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt chỉ dẫn kỹ
thuật (bắt buộc đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II), thể hiện rõ
những yêu cầu kỹ thuật mà nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện; trong đó
nêu rõ các yêu cầu kỹ thuật và quy trình kiểm tra đối với vật liệu được sử dụng,
lắp đặt vào công trình, quy định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm
thu công trình xây dựng.
+ Kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng,
thiết bị lắp đặt vào công trình; thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng khi cần
thiết.
- Các nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa
trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng được quy định tại Điều 16 –
Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Điều 14 – Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày
31/7/2009 của Bộ Xây dựng (kể từ ngày 09/9/2013, sẽ bị thay thế bằng Điều 17 –
Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng).
- Một số nội dung hướng dẫn chi tiết về công tác
quản lý chất lượng VLXD trong công trình được trình bày cụ thể tại mục V, phần
B.
II. Công bố tiêu chuẩn áp dụng:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của
Chính phủ về nhãn hàng hóa.
- Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của
Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy
chuẩn kỹ thuật.
- Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất
động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình
hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
- Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo
lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (kể từ ngày 15/9/2013, bị thay thế bởi
Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ).
- Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007 của
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
2. Nội dung công bố tiêu
chuẩn áp dụng:
Tất cả sản phẩm, hàng hóa VLXD, kể cả VLXD thuộc
danh mục QCVN 16:2011/BXD phải được người sản xuất, người nhập khẩu thực hiện
công bố tiêu chuẩn áp dụng trước khi đưa ra thị trường theo quy định
tại Điều 28 và Điều 34 - Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo quy định tại Điều 23 - Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa, người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản,
thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các
phương tiện sau đây:
- Bao bì hàng hóa;
- Nhãn hàng hóa;
- Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa.
Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không được
trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
ban hành.
3. Cơ sở để công bố tiêu
chuẩn áp dụng:
- Theo quy định tại Điều 20 - Luật Tiêu chuẩn và
Quy chuẩn kỹ thuật, người sản xuất, người nhập khẩu công bố tiêu chuẩn áp dụng
trên cơ sở sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực,
tiêu chuẩn nước ngoài hoặc xây dựng mới và công bố tiêu chuẩn cơ sở của đơn vị.
- Tiêu chuẩn cơ sở không được trái với quy chuẩn
kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan.
- Trình tự, thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn
cơ sở:
+ Tùy theo quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh
của cơ sở, trình tự, thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) có thể
bao gồm những bước như sau:
Bước 1: Lập kế hoạch xây dựng TCCS;
Bước 2: Biên soạn dự thảo TCCS;
Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo TCCS;
Bước 4: Tổ chức hội nghị chuyên đề về dự thảo
TCCS;
Bước 5: Xử lý ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCCS;
Bước 6: Lập hồ sơ dự thảo TCCS;
Bước 7: Thẩm tra dự thảo TCCS;
Bước 8: Công bố TCCS;
Bước 9: In ấn TCCS.
+ Công bố TCCS: Người đứng đầu cơ sở xem xét và quyết
định bằng văn bản về việc công bố TCCS. Hồ sơ dự thảo TCCS được lưu trữ tại cơ
sở.
4. Nghĩa vụ của tổ chức,
cá nhân sau khi công bố tiêu chuẩn áp dụng:
- Sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa bảo đảm
các điều kiện về chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng trước khi
đưa ra thị trường, theo quy định tại Điều 28 và Điều 34 - Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, nhập
khẩu.
- Ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định
số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ.
- Kịp thời ngừng sản xuất, nhập khẩu thông báo
cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm,
hàng hóa gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn
công bố áp dụng, theo quy định tại khoản 8, Điều 10 và khoản 9, Điều 12 - Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm
chất lượng. Trong trường hợp phải tiêu huỷ hàng hóa thì phải chịu toàn bộ chi
phí cho việc tiêu huỷ hàng hóa và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tiêu huỷ
hàng hóa theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 9, Điều 10 và khoản
11, khoản 12, Điều 12 - Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với hàng nhập
khẩu, người nhập khẩu có nghĩa vụ tái xuất hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với
quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng khi chưa
được chuyển thành các quy chuẩn kỹ thuật.
- Bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc
người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập
khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa và các nghĩa vụ liên quan khác của người
sản xuất, người nhập khẩu theo quy định tại Điều 10, Điều 12 và Điều 61 - Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
5. Các hành vi vi phạm và
xử phạt về công bố tiêu chuẩn áp dụng:
Theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP:
a) Hành vi vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn
áp dụng:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng
đối với hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất
hoặc nhập khẩu.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa
không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;
+ Nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không
phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
b) Vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên
thị trường:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến
1.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng
theo quy định.
- Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần tổng giá trị sản
phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng
hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
- Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần tổng giá trị sản
phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi thay thế, đánh
tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất
lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
c) Hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn và
chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng
sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại
chúng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây: Giả mạo kết quả thử nghiệm hoặc kết quả
kiểm tra hoặc kết quả giám định hoặc kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm,
hàng hóa.
Tùy theo hành vi vi phạm, doanh nghiệp phải thực
hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc công bố tiêu chuẩn áp dụng; buộc
thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế sản phẩm, hàng hóa; buộc thu hồi sản phẩm,
hàng hóa có chất lượng không phù hợp đang lưu thông trên thị trường hoặc buộc
thay đổi mục đích sử dụng hoặc buộc tái chế hoặc buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng
hóa hoặc buộc tái xuất sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu…
III. Công bố hợp quy và đăng
ký bản công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của
Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa.
- Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất
động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ
thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
- Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo
lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (kể từ ngày 15/9/2013, bị thay thế bởi
Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ).
- Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của
Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng
(kể từ ngày 09/9/2013, sẽ bị thay thế bằng Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày
25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng
công trình xây dựng).
- Thông tư số 21/2010/TT-BXD ngày 16/11/2010 của
Bộ Xây dựng về hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm,
hàng hóa VLXD.
- Thông tư số 11/2011/TT-BXD ngày 30/8/2011 của
Bộ Xây dựng về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD.
- Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt
bê tông”; Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 12/4/2013 của Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN,
Thông tư số 10/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ.
- Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và
phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND ngày 12/7/2011 của Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
VLXD trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Công văn số 192/BXD-KHCN ngày 03/7/2013 của Bộ
Xây dựng về việc hướng dẫn giải quyết vướng mắc khi kiểm tra chất lượng VLXD
lưu thông trên thị trường và đăng ký công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành.
2. Đối tượng sản phẩm,
hàng hóa nhóm 2 phải công bố hợp quy:
- Trong lĩnh vực VLXD, đến thời điểm hiện nay,
các loại sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn bao gồm 06 nhóm thuộc
danh mục QCVN 16:2011/BXD và thép làm cốt bê tông thuộc QCVN 7:2011/BKHCN.
- Một số nguyên liệu đầu vào có tên trong
QCVN 16:2011/BXD thường dùng để sản xuất VLXD (ví dụ xi măng, phụ gia hóa học
cho bê tông... là các nguyên liệu dùng để sản xuất bê tông thương phẩm) phải
có chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy theo quy
định.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng hiện hành
được viện dẫn trong QCVN 16:2011/BXD là các tiêu chuẩn quốc gia bao gồm nhiều
chỉ tiêu chất lượng, nhưng chỉ tiêu chất lượng làm căn cứ để kiểm tra chất lượng
sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 phục vụ cho việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp
quy được Bộ Xây dựng giới hạn lại trong một số chỉ tiêu cụ thể (xem chi tiết
trong QCVN 16:2011/BXD).
3. Trình tự thực hiện công
bố hợp quy:
Theo quy định tại Điều 13 – Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN, việc công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh và nhập khẩu VLXD được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công
bố hợp quy với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (sau đây viết tắt là đánh giá hợp
quy).
+ Việc đánh giá hợp quy có thể do tổ chức chứng
nhận được chỉ định (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên
thứ nhất) thực hiện.
Việc đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương
thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của
tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước
ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền chỉ định;
+ Kết quả đánh giá hợp quy là căn cứ để tổ chức,
cá nhân công bố hợp quy.
- Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ
quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chỉ định (sau đây viết tắt là cơ quan chuyên ngành).
Theo đó, việc công bố hợp quy VLXD thuộc QCVN
16:2011/BXD của doanh nghiệp chỉ hoàn tất khi đã đăng ký bản công bố hợp quy tại
Sở Xây dựng nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động (thép làm cốt bê tông thuộc QCVN
7:2011/BKHCN được đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường
và Chất lượng thành phố).
4. Các cơ quan cần liên hệ
trong quá trình thực hiện công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy:
Để thực hiện chứng nhận hợp quy (trường hợp đánh
giá hợp quy do tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định (bên thứ ba) thực hiện),
công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy, doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh hoặc nhập khẩu cần liên hệ với các cơ quan sau:
a) Đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng
hóa VLXD nhóm 2:
- Tổ chức thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp:
+ Trường hợp doanh nghiệp sản xuất tự đánh giá hợp
quy (bên thứ nhất), đơn vị phải thực hiện việc thử nghiệm tại phòng thử nghiệm
của tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Xây dựng chỉ định.
+ Trường hợp đánh giá hợp quy do bên thứ ba thực
hiện, doanh nghiệp sản xuất chọn một tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Xây dựng
chỉ định chứng nhận hợp quy. Danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Xây
dựng chỉ định có đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng theo địa
chỉ http://www.moc.gov.vn.
- Sở Xây dựng nơi đơn vị đăng ký hoạt động sản
xuất, kinh doanh: Sau khi có kết quả đánh giá hợp quy, doanh nghiệp tự công bố
hợp quy theo mẫu do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định và đăng ký bản công bố hợp
quy.
+ Tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ
kinh doanh do Ủy ban nhân dân quận – huyện cấp liên hệ đăng ký bản công bố hợp
quy sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 do đơn vị sản xuất tại Sở Xây dựng TPHCM.
+ Tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do các tỉnh khác cấp
thì liên hệ đăng ký bản công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 do đơn vị
sản xuất tại Sở Xây dựng tỉnh đó.
- Công ty in ấn để in dấu hợp quy: Doanh nghiệp
có trách nhiệm tự in dấu hợp quy theo mẫu do tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp
(trường hợp đánh giá hợp quy do bên thứ ba thực hiện) hoặc theo mẫu tại Thông
tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (trường hợp doanh nghiệp tự
đánh giá) trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm,
hàng hóa VLXD trong nước mà doanh nghiệp mua nguyên liệu dùng để sản xuất:
Doanh nghiệp phải yêu cầu các tổ chức, cá nhân nêu trên cung cấp tài liệu công
bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định. Trường hợp nguyên liệu là sản phẩm, hàng
hóa VLXD nhóm 2 (nguyên liệu sản xuất bê tông thương phẩm là xi măng và phụ gia
hóa học cho bê tông), doanh nghiệp phải yêu cầu các tổ chức, cá nhân nêu trên
cung cấp bổ sung bản công bố hợp quy và Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy
của Sở Xây dựng nơi tổ chức, cá nhân nêu trên đăng ký hoạt động sản xuất, kinh
doanh để xác định nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và điều kiện được phép lưu
thông của nguyên liệu sử dụng, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 8 –
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ví dụ: Doanh nghiệp A mua phụ gia hóa học cho bê
tông do công ty B sản xuất để làm bê tông tươi. Doanh nghiệp A phải yêu cầu
công ty B cung cấp tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng, bản công bố hợp quy của
công ty B và Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy của Sở Xây dựng nơi công
ty B đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh cho sản phẩm phụ gia hóa học cho bê
tông đó.
b) Đối với doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm, hàng
hóa VLXD nhóm 2:
Doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa VLXD
nhóm 2 cần liên hệ các cơ quan sau:
- Tổ chức sản xuất sản phẩm, hàng hóa tại nước
ngoài. Vì theo quy định của QCVN 16:2011/BXD, nhà sản xuất sản phẩm VLXD nhóm 2
(bao gồm xi măng, phụ gia cho bê tông) ở nước ngoài phải có xác nhận đạt chứng
chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 (theo văn bản số
448/BXD-KHCN ngày 26/3/2012 của Bộ Xây dựng, tạm thời chưa yêu cầu cần phải có
chứng chỉ hệ thống quản lý môi trường phù hợp với ISO 14001:2004 của nhà sản xuất
ở nước ngoài).
- Cơ quan hải quan tại cửa khẩu: Thực hiện thủ tục
hải quan để nhập khẩu hàng hóa theo quy định pháp luật.
- Tổ chức thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp; Sở
Xây dựng nơi đơn vị đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và công ty in ấn dấu
hợp quy: Thực hiện tương tự như đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước tại điểm
a mục này.
c) Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa
nhóm 2 mà không sản xuất, không nhập khẩu:
Các doanh nghiệp chỉ kinh doanh sản phẩm, hàng
hóa nhóm 2 mà không sản xuất, không nhập khẩu thì phải yêu cầu các tổ chức, cá
nhân sản xuất hoặc nhập khẩu cung cấp các tài liệu liên quan đến bản công bố hợp
quy và Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy của Sở Xây dựng nơi tổ chức, cá
nhân sản xuất hoặc nhập khẩu đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu trữ
tài liệu theo quy định.
5. Tổ chức đánh giá sự phù
hợp được Bộ Xây dựng chỉ định:
Căn cứ sự đáp ứng các yêu cầu về hệ thống quản
lý và năng lực của các phòng thí nghiệm theo quy định tại Thông tư số 21/2010/TT-BXD
và QCVN 16:2011/BXD, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định chỉ định các tổ chức chứng
nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa VLXD. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 04 đơn vị:
STT
|
Tên tổ chức
|
Địa chỉ
|
Được chỉ định
chứng nhận sản phẩm, hàng hóa VLXD
|
1
|
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
3 - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ
(Quyết định chỉ định số 1161/QĐ-BXD ngày
30/12/2011 của Bộ Xây dựng)
|
Số 49 đường Pasteur, quận 1, TPHCM
|
Cả 06 nhóm của QCVN 16:2011/BXD
|
2
|
Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng
(Quyết định chỉ định số 1066/QĐ-BXD ngày
20/12/2011 của Bộ Xây dựng)
|
Trụ sở chính: Số 235, đường Nguyễn Trãi, quận
Thanh Xuân, Hà Nội.
Chi nhánh: Số 129A đường Trần Não, quận 2,
TPHCM.
|
Cả 06 nhóm của QCVN 16:2011/BXD
|
3
|
Công ty CP Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định
Xây dựng – CONINCO
(Quyết định chỉ định số 1065/QĐ-BXD ngày
20/12/2011 và số 1031/QĐ-BXD ngày 13/11/2012 của Bộ Xây dựng)
|
Trụ sở chính: Số 4, Phố Tôn Thất Tùng, quận Đống
Đa, Hà Nội.
Chi nhánh: Số 34, Đường Phổ Quang, Quận Tân
Bình, TPHCM.
|
Kính xây dựng và gạch gốm ốp lát
|
4
|
Trung tâm chứng nhận sự phù hợp – Quacert
(Quyết định chỉ định số 445/QĐ-BXD ngày
17/5/2012 của Bộ Xây dựng)
|
Trụ sở chính: Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy,
Hà Nội.
Chi nhánh: Số 40 Nguyễn Hiến Lê, P.13, Q.Tân
Bình, TPHCM.
|
Nhóm clanhke xi măng và xi măng: Clanhke xi
măng poóc lăng thương phẩm, xi măng poóc lăng, xi măng poóc lăng hỗn hợp, xi
măng poóc lăng trắng, xi măng Alumin, xi măng poóc lăng bền sun phát, xi măng
poóc lăng hỗn hợp bền sun phát, xi măng poóc lăng xỉ lò cao, xi măng xây
trát, xi măng nở, xi măng đóng rắn nhanh.
Nhóm phụ gia cho xi măng và bê tông: Phụ gia
khoáng cho xi măng, xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng, phụ gia công nghệ
cho xi măng, phụ gia khoáng hoạt tính dạng tự nhiên và nhân tạo, phụ gia đầy
cho bê tông, phụ gia hóa học cho bê tông.
|
6. Thành phần hồ sơ đăng ký
bản công bố hợp quy tại Sở Xây dựng TPHCM và lệ phí:
a) Thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố hợp quy
tại Sở Xây dựng TPHCM:
Theo quy định tại Điều 14 – Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN, thành phần hồ sơ như sau:
* Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng
nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận (bên thứ ba):
- Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định
tại Phụ lục III – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN);
- Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc
thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (Giấy đăng
ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy
chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của
pháp luật);
- Bản sao y bản chính giấy chứng nhận phù hợp
quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp kèm theo mẫu
dấu hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu cần thiết sẽ
xem xét, đối chiếu với bản gốc hoặc yêu cầu bổ sung bản sao có công chứng.
* Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự
đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (bên thứ nhất):
- Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định
tại Phụ lục III – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN);
- Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc
thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (Giấy đăng
ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy
chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của
pháp luật);
- Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy
chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn
về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP...), thì hồ sơ công bố hợp quy
của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất
lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III -
Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được
tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống
quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP...), thì hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức,
cá nhân phải có bản sao y bản chính giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống
quản lý còn hiệu lực;
- Bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu
trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức thử
nghiệm đã đăng ký;
- Báo cáo đánh giá hợp quy (theo Mẫu 5. BCĐG quy
định tại Phụ lục III - Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) kèm theo mẫu dấu hợp quy
và các tài liệu có liên quan.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu cần thiết sẽ
xem xét, đối chiếu với bản gốc hoặc yêu cầu bổ sung bản sao có công chứng.
Lệ phí đăng ký: 150.000 đồng (theo quy định tại
Thông tư số 231/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 của Bộ Tài chính).
7. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân công bố hợp quy:
Theo quy định tại Điều 16 - Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN, sau khi công bố hợp quy, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm
thực hiện các công việc sau:
- Thông báo trên các phương tiện thông tin thích
hợp về việc công bố hợp quy của mình đảm bảo người sử dụng sản phẩm, hàng hóa
đó dễ dàng tiếp cận.
- Duy trì liên tục và chịu trách nhiệm về sự phù
hợp của các sản phẩm, hàng hóa đã công bố hợp quy; duy trì việc kiểm soát chất
lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ.
- Sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa
đã được công bố hợp quy theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này trước
khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lập sổ theo dõi và định kỳ hàng năm báo
cáo việc sử dụng dấu hợp quy cho tổ chức chứng nhận được chỉ định.
- Khi phát hiện sự không phù hợp của sản phẩm,
hàng hóa đã công bố hợp quy trong quá trình lưu thông hoặc sử dụng, tổ chức, cá
nhân phải:
+ Kịp thời thông báo bằng văn bản về sự không
phù hợp với cơ quan chuyên ngành;
+ Tạm ngừng việc xuất xưởng và tiến hành thu hồi
các sản phẩm, hàng hóa không phù hợp đang lưu thông trên thị trường trong trường
hợp sản phẩm, hàng hóa không phù hợp có rủi ro cao gây mất an toàn cho người sử
dụng; ngừng vận hành, khai thác các quá trình, dịch vụ, môi trường liên quan
khi cần thiết;
+ Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù
hợp;
+ Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên
ngành về kết quả khắc phục sự không phù hợp trước khi tiếp tục đưa các sản phẩm,
hàng hóa vào sử dụng, lưu thông, khai thác, kinh doanh.
- Lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy làm cơ sở
cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như sau:
+ Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng
nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba), lưu giữ hồ sơ
công bố hợp quy bao gồm các bản chính, bản sao các giấy tờ theo quy định tại
khoản 1 Điều 14 và Hồ sơ đánh giá giám sát của tổ chức chứng nhận được chỉ định;
+ Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự
đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất), lưu giữ hồ
sơ công bố hợp quy bao gồm các bản chính, bản sao các giấy tờ theo quy định tại
khoản 2 Điều 14 và Hồ sơ tự đánh giá giám sát của tổ chức, cá nhân theo kế hoạch
giám sát.
- Cung cấp tài liệu chứng minh việc đảm bảo sự
phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi có yêu cầu
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Cung cấp bản sao y bản chính giấy chứng nhận hợp
quy, Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân kinh doanh
sản phẩm, hàng hóa.
- Thực hiện việc công bố lại khi có bất kỳ sự
thay đổi nào về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có bất kỳ sự
thay đổi nào về tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa đã công bố
hợp quy.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2 còn có các nghĩa vụ khác liên quan đến chất lượng
sản phẩm, hàng hóa do đơn vị sản xuất, nhập khẩu tương tự như nghĩa vụ của các
tổ chức, cá nhân sau khi công bố tiêu chuẩn áp dụng đã nêu tại khoản 4, mục III
của văn bản này.
8. Các hành vi vi phạm và xử
phạt về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy thuộc
trách nhiệm của doanh nghiệp:
Theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP:
a) Vi phạm quy định về hợp quy:
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định
về công bố hợp quy, dấu hợp quy trong buôn bán sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện
công bố hợp quy như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến
400.000 đồng trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến
10.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến
20.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến
40.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 40.000.000 đồng đến
80.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 80.000.000 đồng đến
200.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị trên 200.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định
về công bố hợp quy, dấu hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng
hóa phải chứng nhận hợp quy hoặc sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ
thuật tương ứng như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000
đồng;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến
20.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến
40.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 40.000.000 đồng đến
80.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 80.000.000 đồng đến
160.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng
trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 160.000.000 đồng đến
320.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 300.000.000
đồng trong trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 320.000.000 đồng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm,
hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật
tương ứng:
+ Không lập và lưu giữ hồ sơ công bố hợp quy
theo quy định;
+ Không thông báo bằng văn bản và gửi cho cơ
quan có thẩm quyền các tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa
theo quy định;
+ Không thông báo trên các phương tiện thông tin
về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận;
+ Không cung cấp bản sao giấy chứng nhận hợp
quy, thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy theo quy định cho tổ chức, cá nhân
bán sản phẩm, hàng hóa.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm,
hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật
tương ứng:
+ Không thực hiện công bố hợp quy;
+ Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ
quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký kinh doanh;
+ Không duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử
nghiệm và giám sát định kỳ theo quy định;
+ Không sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm,
hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị
trường;
+ Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp
thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có
chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
+ Không thực hiện lại việc công bố khi có sự
thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về
tính năng, công dụng, đặc điểm của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp
quy;
+ Sử dụng hóa chất, chất phụ gia chưa đăng ký tại
cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
đối với hành vi không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu
sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy hoặc sử dụng giấy chứng
nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.
b) Vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên
thị trường:
- Áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định
này để xử phạt các hành vi vi phạm về hợp quy trong hoạt động bán buôn, bán lẻ
hàng hóa lưu thông trên thị trường.
- Phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần tổng giá trị sản
phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi sau
đây:
+ Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù
hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
+ Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc
chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với
quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
c) Hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng
sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại
chúng.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Giả mạo dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy hoặc chứng
nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy để
ghi, gắn lên sản phẩm, hàng hóa hoặc các tài liệu kèm theo;
+ Giả mạo kết quả thử nghiệm hoặc kết quả kiểm
tra hoặc kết quả giám định hoặc kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng
hóa.
Tùy theo hành vi vi phạm, doanh nghiệp phải thực
hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có chất
lượng không phù hợp đang lưu thông trên thị trường hoặc buộc thay đổi mục đích
sử dụng hoặc buộc tái chế hoặc buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa hoặc buộc tái
xuất sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu…
IV. Các vấn đề cần lưu ý đối
với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh VLXD:
1. Về Quy hoạch phát triển
VLXD TPHCM đến năm 2020:
- Căn cứ theo quy hoạch tổng thể phát triển VLXD
Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg
ngày 29/8/2008, dựa trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành
ủy tại Thông báo kết luận số 45-TB/TU ngày 29/11/2010, Ủy ban nhân dân thành phố
đã ban hành Quyết định số 2491/QĐ-UBND ngày 21/5/2011 duyệt quy hoạch phát triển
VLXD TPHCM đến năm 2020 (Quy hoạch).
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã khẳng định
một trong các quan điểm và mục tiêu phát triển là: “Tập trung các cơ sở sản
xuất VLXD vào các khu công nghiệp để thuận lợi trong phát triển sản xuất và đảm
bảo về môi trường; từng bước chuyển đổi hoặc loại bỏ các cơ sở sản xuất có công
nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, không phù hợp với
quy hoạch chung của thành phố... đến năm 2020, hoàn tất phương án di dời các
nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi Thành phố đến những địa phương
có quy hoạch phù hợp; di dời các cơ sở sản xuất VLXD khác nằm ngoài khu, cụm
công nghiệp ra khỏi Thành phố đến những địa phương có quy hoạch phù hợp hoặc
vào các khu công nghiệp của Thành phố”.
- Do đó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất
VLXD trong khu dân cư, không nằm trong khu công nghiệp phải lưu ý chủ trương
trên để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tổ chức di dời
theo quy hoạch.
2. Về Quy định khu vực, đường
phố, địa điểm kinh doanh VLXD, nơi đổ phế thải VLXD trên địa bàn quận – huyện:
- VLXD không thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh
doanh, hạn chế kinh doanh. Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 – Nghị định
số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ và khoản 1, mục II – Thông tư số
11/2007/TT-BXD ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng, kinh doanh VLXD là ngành nghề
kinh doanh có điều kiện nhưng không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh như mặt hàng xăng, dầu, chất đốt… Địa điểm đặt cơ sở kinh doanh phải phù
hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh hàng hóa kinh doanh có điều
kiện; cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán hàng hóa
phải bảo đảm các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề
nghiệp và sức khỏe theo quy định của pháp luật.
- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các loại VLXD
theo quy định tại khoản 1, mục II – Thông tư số 11/2007/TT-BXD phải nghiêm túc
chấp hành Quy định khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh VLXD, nơi đổ phế thải
VLXD do Ủy ban nhân dân quận – huyện ban hành. Các tổ chức, cá nhân sản xuất
VLXD tại địa điểm không phù hợp với quy hoạch phát triển VLXD TPHCM, quy hoạch
của quận - huyện và Quy định này của quận - huyện phải có kế hoạch di dời vào
các Khu công nghiệp hoặc đến các địa phương khác có quy hoạch phù hợp.
- Theo quy định tại Điều 36 – Nghị định số
23/2009/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức,
cá nhân đặt địa điểm kinh doanh không đúng quy định của chính quyền địa phương.
Ngoài hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức
có hành vi vi phạm còn bị áp dụng một hoặc các biện pháp: Buộc thực hiện theo
đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh VLXD; tước giấy phép kinh doanh
VLXD từ một năm đến ba năm hoặc không thời hạn…
3. Một số nội dung khác:
- Nhằm đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm nhập khẩu) VLXD trong giai đoạn xử lý chuyển
tiếp của QCVN 16:2011/BXD, tại văn bản số 448/BXD-BKHCN ngày 26/3/2012 về
việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại QCVN 16:2011/BXD, Bộ
Xây dựng đã cho phép: Đối với sản phẩm, hàng hóa VLXD có tên trong QCVN
16:2011/BXD (trong đó có mặt hàng kính cốt lưới thép) nhưng chưa có tên tại các
Thông tư số 11/2009/TT-BXD ngày 18/6/2009 Quy định công tác quản lý chất lượng
sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng; Thông tư số 01/2010/TT-BXD ngày 08/01/2010
Quy định công tác quản lý chất lượng clanhke xi măng poóc lăng thương phẩm;
Thông tư số 14/2010/TT-BXD ngày 20/8/2010 Quy định công tác quản lý chất lượng
sản phẩm, hàng hóa VLXD gạch ốp lát, đã hoàn tất thủ tục thông quan và đưa
ra lưu thông trên thị trường khi nhập về kể từ ngày 15/10/2011 đến ngày
31/3/2012, cho phép được miễn thủ tục về công bố hợp quy, chứng nhận hợp
quy và sử dụng dấu hợp quy CR.
- Đối với sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2, doanh
nghiệp chỉ được phép lưu thông sản phẩm, hàng hóa trên thị trường khi đã công bố
tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký bản công bố hợp
quy theo quy định. Như vậy, khi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa VLXD
nhóm 2, doanh nghiệp vừa phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng vừa phải
công bố hợp quy theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 5 – Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa. Việc công bố hợp quy không thay thế cho việc công bố tiêu chuẩn
áp dụng.
- Trong một số trường hợp, tổ chức đánh giá sự
phù hợp do Bộ Xây dựng chỉ định chứng nhận hợp quy trên cơ sở thử nghiệm không
đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng theo quy định mà không có cơ sở pháp lý được cơ
quan có thẩm quyền cho phép, về nguyên tắc doanh nghiệp vẫn phải công bố hợp
quy đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng theo quy định tại mục đặc trưng kỹ thuật
trên cơ sở yêu cầu tổ chức chứng nhận hợp quy cung cấp thông tin bổ sung hoặc dựa
trên yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng
tương ứng.
- Doanh nghiệp cần công bố hợp quy cho từng kiểu,
loại sản phẩm, hàng hóa cụ thể vì yêu cầu chất lượng theo quy định cho từng kiểu,
loại sản phẩm, hàng hóa là khác nhau và theo quy định tại Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN, kết luận về sự phù hợp có giá trị đối với kiểu, loại sản phẩm,
hàng hóa đã được lấy mẫu thử nghiệm. Đồng thời, kết quả đánh giá sự phù hợp là
một trong những tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại khoản
17, Điều 3 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
V. Nội dung cụ thể về quản lý
chất lượng hàng hóa VLXD trong quá trình sử dụng trong công trình xây dựng:
1. Thực trạng:
Hiện nay việc bảo quản và sử dụng VLXD trong các
công trình còn nhiều chỗ bất hợp lý, vì vậy đã gây ra nhiều hiện tượng lãng phí
vật liệu một cách nghiêm trọng hoặc dẫn đến chất lượng vật liệu giảm so với yêu
cầu. Bảo quản VLXD là phải bảo đảm về số lượng và chất lượng vật liệu, không để
vật liệu hư hỏng, biến chất, dơ bẩn, thất lạc, mất mát. Thực trạng hiện nay,
các đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc xuất nhập vật liệu, bảo quản, phân
chia thành các khu vực khác nhau trên công trường, vệ sinh công trường chưa được
thực hiện tốt…
Đặc biệt, nội dung yêu cầu về quy chuẩn, tiêu
chuẩn chất lượng VLXD sử dụng cho công trình chưa được xác định cụ thể từ khâu
thiết kế, dẫn đến khi nghiệm thu đưa vào công trường cũng chưa có chuẩn mực
chính xác để làm căn cứ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, những nội dung
phải kiểm tra theo quy định nhằm đảo bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng VLXD
chưa được các chủ đầu tư, tư vấn quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn
giám sát tổ chức thực hiện tốt, không có kết quả kiểm tra thể hiện bằng văn bản
để xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Các đơn vị thường chỉ kiểm tra
và tin tưởng các loại VLXD đã có thương hiệu, thông dụng trên thị trường mà ít
quan tâm đến bản chất mức độ đáp ứng về mặt chất lượng của vật tư so với yêu cầu
của thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật. Các biên bản nghiệm thu chất lượng
vật tư, vật liệu thường thiếu nhiều thông tin: căn cứ nghiệm thu; nguồn gốc
cung cấp; chứng chỉ xuất xứ; hồ sơ chất lượng VLXD; quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm
tra chất lượng; phương pháp kiểm tra ; thậm chí thiếu hẳn quy cách và số
lượng VLXD được nghiệm thu… Phiếu chấp thuận mẫu vật liệu thường thiếu các chi
tiết quy cách; mô tả chi tiết; ký hiệu của mẫu; một số hồ sơ chưa thể hiện đầy
đủ chữ ký của các cá nhân được phân công thực hiện nhiệm vụ.
2. Kiểm tra vật liệu trước
khi sử dụng vào công trình:
2.1. Nguyên tắc:
- Công tác kiểm tra, giám sát và nghiệm thu chất
lượng vật liệu trong thi công là hoạt động chính của công tác quản lý chất lượng
công trình xây dựng ban hành kèm Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của
Chính phủ (trước đây là Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính
phủ) và Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31/7/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một
số nội dung về Quản lý chất lượng công trình xây dựng (kể từ ngày 09/9/2013, sẽ
bị thay thế bởi Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng). Quản
lý chất lượng thi công xây dựng công trình bao gồm các hoạt động quản lý chất
lượng của nhà thầu thi công xây dựng; nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây
dựng công trình; chủ đầu tư; nhà thầu thiết kế xây dựng công trình (giám
sát tác giả).
- Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có
hệ thống quản lý chất lượng để thực hiện nội dung quản lý chất lượng thi công
xây dựng công trình được quy định tại Điều 25 - Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
- Chủ đầu tư phải tổ chức:
+ Lập và phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật.
+ Giám sát thi công xây dựng công trình theo nội
dung quy định tại Điều 24 - Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Trường hợp chủ đầu tư
không có tổ chức tư vấn giám sát đủ điều kiện năng lực thì phải thuê tổ chức tư
vấn giám sát thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thực
hiện. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định.
- Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình thực hiện
giám sát tác giả theo quy định tại Điều 28 - Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
2.2. Các bước kiểm tra, giám sát:
a) Giai đoạn sau khi thương thảo hợp đồng:
Kiểm tra danh mục, quy cách, chủng loại và tính
năng của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị sẽ sử dụng trong công
trình do nhà thầu thi công xây dựng thiết lập.
Các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp,
giao thông, thủy lợi… đều liên quan đến vật liệu. Hiện nay vật liệu ngày càng
đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã nên chất lượng có nhiều cấp độ khác nhau, làm
cho người sử dụng khó khăn trong lựa chọn. Trong lĩnh vực xây dựng, VLXD chiếm
một tỉ trọng lớn trong giá trị công trình, quyết định chất lượng và tuổi thọ của
công trình xây dựng. Do đó hiểu biết về VLXD đã trở thành yêu cầu quan trọng đối
với đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án,
nhà thầu thi công. Cán bộ kỹ thuật của các tổ chức này cần nắm bắt được những
kiến thức cơ bản về VLXD nói chung, các tính năng và phạm vi sử dụng của từng
nhóm vật liệu nói riêng và các quy định của pháp luật về điều kiện lưu hành của
vật liệu, từ đó có thể lựa chọn đúng loại vật liệu cần thiết sử dụng cho mục
đích cụ thể, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và kinh tế mong muốn cũng như cung cấp
đầy đủ các chứng từ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng
và nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm khi tiếp nhận từ nhà cung cấp.
Sau khi nhà thầu xây dựng thương thảo hợp đồng với
chủ đầu tư, chủng loại vật liệu đã được xác định thì nhà thầu xây dựng phải chọn
lựa người cung ứng có năng lực và uy tín để thỏa thuận giao dịch với điều kiện
về số lượng, chủng loại, phương thức giao hàng và các quy định đính kèm để bảo
đảm chất lượng VLXD đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật. Theo quy định Điều 26
– Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, nhà thầu thi công phải yêu cầu người kinh doanh
VLXD cung cấp các hồ sơ, chứng từ và thông tin liên quan đến VLXD được đưa đến
công trường.
Vì vậy, mà mọi hàng hóa vật liệu cung ứng đưa
vào công trình phải có các chỉ tiêu chất lượng đáp ứng với yêu cầu của công
tác. Trước khi đưa vật tư, thiết bị vào lắp đặt trong công trình, tạo nên sản
phẩm xây dựng nhà thầu phải đưa mẫu vật liệu kèm các chỉ tiêu cho chủ đầu tư hoặc
người được chủ đầu tư giao nhiệm vụ (tư vấn giám sát) ký duyệt và mẫu vật liệu
này cũng như các chỉ tiêu phải lưu trữ tại nơi làm việc của chủ đầu tư ở công
trường. Chỉ tiêu kỹ thuật (tính năng) cần được in thành văn bản như là chứng chỉ
xuất xưởng của nhà cung ứng và thường yêu cầu là bản in chính thức của nhà cung
ứng; khi dùng bản sao thì đại diện nhà cung ứng phải ký xác nhận, có dấu đóng
xác nhận có sự chấp thuận của chủ đầu tư bằng văn bản; mọi sự thay đổi trong
quá trình thi công cần được chủ đầu tư duyệt lại trên cơ sở xem xét của tư vấn
bảo đảm chất lượng. Nhà cung ứng vật liệu và nhà thầu phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về sự bảo đảm chất lượng của hàng hóa vật liệu mà mình cung cấp có
các chỉ tiêu đạt yêu cầu kỹ thuật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ
sơ chất lượng của sản phẩm này theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật; Luật Chất lượng, sản phẩm, hàng hóa.
Cán bộ kỹ thuật được chủ đầu tư giao nhiệm vụ kiểm
tra, giám sát chất lượng là người có trách nhiệm duy nhất giúp chủ đầu tư kết
luận rằng sản phẩm do nhà thầu cung ứng là các loại vật liệu phù hợp có chỉ
tiêu chất lượng phù hợp với yêu cầu tại hồ sơ của tư vấn thiết kế, phù hợp với
hồ sơ khi thương thảo hợp đồng; cán bộ kỹ thuật này thay mặt chủ đầu tư trong
việc đề xuất chấp nhận sử dụng chủng loại vật tư phù hợp với thiết kế, đạt tiêu
chuẩn kỹ thuật, các tài liệu về chất lượng được nhà thầu thi công và người cung
ứng cung cấp đủ trước khi lập phiếu chấp thuận đưa vật tư vào sử dụng trong
công trình.
Nhà thầu phải xem xét các chủng loại vật liệu
nào thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 để có thể yêu cầu người cung ứng cung cấp
các tài liệu liên quan đến loại vật liệu này để chứng minh rằng sản phẩm, hàng
hóa đạt chất lượng trước khi lưu thông trên thị trường; đến thời điểm hiện nay
các loại VLXD thuộc danh mục nhóm 2 nhà thầu cần phải biết:
+ Thông tư số 11/2011/TT-BXD
ngày 30/8/2011 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm,
hàng hóa VLXD.
+ Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN
ngày 22/9/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về thép làm cốt bê tông”: Thép cốt bê tông; thép cốt bê tông dự ứng lực;
thép cốt bê tông phủ epoxy.
+ Các loại vật liệu thuộc danh mục nhóm 2 của
các Bộ ngành khác (ví dụ: dây và cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp
danh định đến và bằng 450/750V…).
b) Giai đoạn tổ chức thi công:
Chủ đầu tư kiểm tra chất lượng VLXD trước khi lắp
đặt vào công trình theo quy định tại Điều 17 – Thông tư số 10/2013/TT-BXD (trước
đây là Điều 14 – Thông tư số 27/2009/TT-BXD).
Chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải kiểm soát chất
lượng vật tư, vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình và thiết
bị công nghệ được sử dụng, lắp đặt vào công trình phải phù hợp tiêu chuẩn theo
yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và yêu cầu thiết
kế kỹ thuật; đồng thời các loại vật tư này phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp
với tiêu chuẩn nhà sản xuất đã công bố áp dụng; các loại vật tư phải phù hợp với
chủng loại vật tư khi được chủ đầu tư thương thảo hợp đồng với đơn vị thi công;
mọi việc thay đổi chủng loại vật tư phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư và
đơn vị thụ hưởng bằng văn bản cụ thể.
Những vật tư phải được nhà sản xuất công bố tiêu
chuẩn kỹ thuật áp dụng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Chủ đầu tư kiểm tra các thông tin chung về sản
phẩm, hàng hóa VLXD, xuất xứ hàng hóa được sử dụng trong công trình xây dựng (vật
liệu phải có nguồn gốc, thể hiện đơn vị, địa chỉ của nhà sản xuất, kèm tên quốc
gia hay vùng lãnh thổ sản xuất ra loại vật liệu đó).
Hình thức kiểm tra sự phù hợp về chất lượng được
phân thành 02 trường hợp như sau:
* Đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp
và đã là hàng hóa trên thị trường:
Chủ đầu tư và bên mua sản phẩm kiểm tra:
- Nhãn mác hàng hóa theo quy định tại Nghị định
số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ. Nội dung bắt buộc phải thể hiện
trên nhãn hàng hóa VLXD được quy định tại Điều 11, khoản 45 Điều 12 - Nghị định
số 89/2006/NĐ-CP:
+ Tên hàng hóa;
+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách
nhiệm về hàng hóa;
+ Xuất xứ hàng hóa;
+ Định lượng;
+ Thông số kỹ thuật;
+ Tháng sản xuất;
+ Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Đối với một số loại VLXD (gạch, ngói, vôi, cát,
đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm) không có bao bì và
bán trực tiếp theo thỏa thuận với người tiêu dùng thì không bắt buộc ghi nhãn.
Tuy nhiên, cần xác định rõ nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các loại VLXD này (chứng
chỉ xuất xưởng, chất lượng kèm theo). Đặc biệt đối với các loại VLXD là khoáng
sản, cần có giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền
cấp.
- Công bố sự phù hợp về chất lượng của nhà sản
xuất, nhà nhập khẩu:
+ Công bố tiêu chuẩn áp dụng (đối với tất cả các
loại VLXD) theo quy định tại khoản 1, Điều 23 – Luật Chất lượng sản phẩm, hàng
hóa.
+ Công bố hợp quy (đối với VLXD nhóm 2) theo quy
định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và thông báo tiếp nhận hồ sơ công
bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định theo quy định tại Điều
14 – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
+ Công bố hợp chuẩn và thông báo tiếp nhận hồ sơ
công bố công bố hợp chuẩn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nếu có),
theo quy định tại Điều 9 – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
- Chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được
cơ quan có thẩm quyền chỉ định (đối với VLXD nhóm 2) theo quy định tại quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia tương ứng.
- Dấu hợp quy (đối với VLXD nhóm 2) theo quy định
tại khoản 2 Điều 4 – Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.
- Chứng nhận hợp chuẩn (nếu có).
- Chủ đầu tư hoặc bên mua có thể tiến hành kiểm
tra cơ sở sản xuất hàng hóa hoặc yêu cầu thí nghiệm kiểm chứng, kiểm định chất
lượng hàng hóa khi cần thiết theo thỏa thuận trong hợp đồng. Cơ sở sản xuất,
cung ứng hàng hóa, sản phẩm có trách nhiệm cung cấp các chứng chỉ, chứng nhận
và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định cho bên mua nhằm chứng minh xuất
xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa.
* Đối với các sản phẩm được sản xuất, chế tạo
riêng cho công trình xây dựng theo yêu cầu của thiết kế:
- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo tại
các cơ sở sản xuất công nghiệp thì chủ đầu tư hoặc bên mua kiểm tra chất lượng
như đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp và đã là hàng hóa trên thị
trường, kết hợp với việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất.
- Trường hợp sản phẩm được sản xuất, chế tạo trực
tiếp tại công trường, chủ đầu tư hoặc tổng thầu tổ chức kiểm tra giám sát công
tác sản xuất, chế tạo như các công việc xây dựng khác theo quy định tại Nghị định
số 15/2013/NĐ-CP.
* Đối với các VLXD được khai thác tại mỏ:
Chủ đầu tư và nhà thầu cung ứng vật liệu tổ chức
điều tra khảo sát chất lượng và trữ lượng của mỏ theo yêu cầu của thiết kế, quy
chuẩn và các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; kiểm tra định kỳ, đột xuất trong
quá trình khai thác;
* Các bên có liên quan phải thực hiện thí nghiệm,
kiểm định chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn
kỹ thuật áp dụng cho công trình. Phòng thí nghiệm phải là phòng thí nghiệm hợp
chuẩn được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Chủ đầu tư nên yêu cầu phòng thí
nghiệm cung cấp cả quyết định công nhận phòng thí nghiệm hợp chuẩn của cơ quan
có thẩm quyền để có cơ sở xác định chính xác về việc phòng thí nghiệm này có
năng lực thực hiện phép thử phù hợp với yêu cầu của chủ đầu tư và tư vấn thiết
kế.
c) Giai đoạn hoàn thành xây dựng công trình:
- Kiểm tra, tập hợp toàn bộ hồ sơ pháp lý và tài
liệu quản lý chất lượng đối với công trình.
- Nhiệm vụ của tư vấn giám sát là phải có ý kiến
và kết luận cho mỗi đợt tiếp nhận vật liệu, xem xét tính pháp lý của hồ sơ đính
kèm. Thông thường các văn bản xác nhận chấp thuận chất lượng vật liệu ghi rất
chung chung, thiếu các thông tin cần thiết. Tất cả những hồ sơ này đóng thành tập
theo trình tự thi công để thuận tiện khi tra cứu.
- Các ý kiến của những tổ chức, cá nhân liên
quan đến công tác thi công khi có ý kiến về việc thay đổi chủng loại, mẫu mã vật
liệu, những ý kiến đề nghị, đề xuất sử dụng và ý kiến giải quyết của tư vấn, ý
kiến của tư vấn giám sát, của nhà thầu… Tất cả những hồ sơ này dùng làm cơ sở
cho việc thanh toán khối lượng hoàn thành và cơ sở để lập biên bản tổng nghiệm
thu, bàn giao công trình cho sử dụng.
- Tóm lại, tư vấn giám sát là người thay mặt chủ
đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật liệu phải thường xuyên, liên tục
có mặt tại công trường để chứng kiến quá trình thi công và quá trình kiểm tra của
nhà thầu thi công. Trong trường hợp có nghi ngờ thì tư vấn giám sát yêu cầu nhà
thầu thi công thuê đơn vị thử nghiệm có phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo quy định
để tiến hành thử nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu và phòng
thí nghiệm có nghĩa vụ thông báo kết quả kiểm tra cho tư vấn giám sát và nhà thầu
thi công để tư vấn kết luận việc vật liệu này đạt hay không đạt yêu cầu kỹ thuật
theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất công bố. Để tránh tranh chấp, tư vấn giám sát
không nên trực tiếp kiểm tra mà chỉ nên chứng kiến sự kiểm tra của nhà thầu và
tiếp nhận số liệu để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận chất lượng loại vật
liệu đang đưa vào công trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những vi
phạm về quy trình của đơn vị thử nghiệm hoặc năng lực thiết bị, nhân sự, tư vấn
giám sát sẽ lập biên bản và đề nghị chỉ định thay thế đơn vị thử nghiệm và nhà
thầu phải thực hiện yêu cầu này.
2.3. Nghiệm thu vật tư, vật liệu trước khi
đưa vào sử dụng:
Theo quy định tại Điều 20 – Thông tư số
10/2013/TT-BXD:
a) Căn cứ nghiệm thu:
- Quy trình kiểm tra, giám sát, nghiệm thu đã được
thống nhất giữa chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan;
- Phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu;
- Biên bản kiểm tra, nghiệm thu nội bộ của nhà
thầu (nếu có);
- Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và những thay đổi
thiết kế đã được chủ đầu tư chấp thuận liên quan đến đối tượng nghiệm thu;
- Phần chỉ dẫn kỹ thuật có liên quan;
- Các kết quả quan trắc, đo đạc, thí nghiệm có
liên quan;
- Nhật ký thi công xây dựng công trình.
- Các văn bản khác có liên quan đến đối tượng
nghiệm thu.
b) Nội dung và trình tự nghiệm thu:
- Kiểm tra vật tư, vật liệu đưa đến công trường;
- Kiểm tra các số liệu quan trắc, đo đạc thực tế,
so sánh với yêu cầu của thiết kế;
- Kiểm tra các kết quả thí nghiệm, đo lường;
- Đánh giá sự phù hợp so với yêu cầu của thiết kế;
- Kết luận về việc nghiệm thu để chuyển sang bước
tiếp theo. Trường hợp không nghiệm thu được, người giám sát thi công xây dựng của
chủ đầu tư hoặc của tổng thầu phải nêu rõ lý do bằng văn bản hoặc ghi vào nhật
ký thi công xây dựng công trình.
c) Thành phần trực tiếp nghiệm thu:
- Người giám sát thi công xây dựng công trình của
chủ đầu tư hoặc của tổng thầu đối với hình thức hợp đồng tổng thầu thi công xây
dựng;
- Người trực tiếp phụ trách thi công của nhà thầu
thi công xây dựng công trình hoặc của nhà thầu phụ đối với hợp đồng tổng thầu
thi công xây dựng;
- Đối với các hợp đồng tổng thầu thi công xây dựng,
người giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư có thể chứng kiến công
tác nghiệm thu hoặc trực tiếp tham gia nghiệm thu khi cần thiết.
d) Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng:
- Nội dung biên bản nghiệm thu bao gồm: Đối tượng
nghiệm thu (ghi rõ tên công việc được nghiệm thu); thành phần trực tiếp nghiệm
thu; thời gian và địa điểm nghiệm thu; kết luận nghiệm thu (chấp nhận hay không
chấp nhận nghiệm thu, đồng ý cho triển khai các công việc xây dựng tiếp theo;
yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện công việc đã thực hiện và các yêu cầu khác, nếu
có); chữ ký, họ và tên, chức vụ của những người trực tiếp nghiệm thu;
- Biên bản nghiệm thu có thể kèm theo các phụ lục,
nếu có;
Biên bản nghiệm thu có thể được lập cho từng
công việc xây dựng hoặc lập chung- cho nhiều công việc xây dựng của một hạng mục
công trình theo trình tự thi công.
e) Người có trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc của
tổng thầu phải tổ chức nghiệm thu kịp thời, tối đa không quá 24 giờ kể từ khi
nhận được yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu thi công xây dựng, hoặc thông báo lý
do từ chối nghiệm thu bằng văn bản cho nhà thầu thi công xây dựng.
Trong trường hợp quy định chủ đầu tư chứng kiến
công tác nghiệm thu của tổng thầu đối với nhà thầu phụ, nếu người giám sát của
chủ đầu tư không tham dự nghiệm thu và không có ý kiến bằng văn bản thì tổng thầu
vẫn tiến hành nghiệm thu công việc xây dựng của nhà thầu phụ. Biên bản nghiệm
thu trong trường hợp này vẫn có hiệu lực pháp lý.
3. Các mẫu biểu:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 – Thông tư số
10/2013/TT-BXD, biểu mẫu các biên bản nghiệm thu do chủ đầu tư và nhà thầu thi
công thống nhất trước khi thi công xây dựng, là một trong các nội dung về hệ thống
quản lý chất lượng của chủ đầu tư và của nhà thầu; kế hoạch và biện pháp kiểm
soát chất lượng trên cơ sở chỉ dẫn kỹ thuật và các đề xuất của nhà thầu.
Các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi
công có thể nghiên cứu, tham khảo các mẫu biểu tại TCXDVN 371:2006 “Nghiệm thu
chất lượng thi công công trình xây dựng” được ban hành kèm theo Quyết định số
371/2006/QĐ-BXD ngày 29/12/2006 của Bộ Xây dựng.
4. Các hành vi vi phạm và
xử phạt liên quan đến sử dụng VLXD trong công trình:
Theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP:
a) Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định
về giám sát thi công xây dựng công trình:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi: Không kiểm tra sự phù hợp năng lực
của nhà thầu thi công xây dựng với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng như: hệ
thống quản lý chất lượng; chất lượng vật tư vật liệu và thiết bị lắp đặt vào
công trình.
b) Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định
về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình xây dựng
đối với những công trình sử dụng vốn nhà nước:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
đối với chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu sai quy định.
c) Xử phạt chủ đầu tư có hành vi vi phạm quy định
về quản lý chất lượng công trình xây dựng:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng
đối với chủ đầu tư thi công xây dựng công trình sai quy chuẩn xây dựng, tiêu
chuẩn xây dựng được quy định trong hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
d) Xử phạt nhà thầu có hành vi vi phạm quy định
về quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng, sử dụng số liệu, tài liệu không hợp
lệ trong hoạt động xây dựng:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
đối với nhà thầu sử dụng kết quả thí nghiệm của phòng thí nghiệm chưa được hợp
chuẩn hoặc thiếu các kết quả thí nghiệm theo quy định.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
đối với nhà thầu sử dụng số liệu, tài liệu không có nguồn gốc, thiếu căn cứ
pháp lý, không chính xác hoặc sử dụng số liệu không phù hợp với địa điểm khảo
sát.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng
đối với nhà thầu áp dụng sai quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng được quy định.
e) Xử phạt nhà thầu thiết kế xây dựng công trình
có hành vi vi phạm quy định về thiết kế xây dựng công trình:
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
đối với nhà thầu thiết kế xây dựng công trình lập hồ sơ thiết kế xây dựng không
đúng quy định.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
đối với nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có một trong các hành vi: Không
đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng sử dụng của thiết bị, vật tư, cấu kiện
vào hồ sơ thiết kế.
f) Xử phạt nhà thầu thi công xây dựng công trình
có hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
đối với nhà thầu xây dựng không kiểm tra vật liệu xây dựng hoặc cấu kiện xây dựng
theo quy định hoặc sử dụng kết quả kiểm tra của các phòng thí nghiệm chưa được
hợp chuẩn.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
đối với nhà thầu xây dựng có một trong các hành vi: sử dụng vật liệu xây dựng,
cấu kiện xây dựng, thiết bị công nghệ không có chứng chỉ xuất xứ, chứng nhận đủ
tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
g) Xử phạt nhà thầu giám sát thi công xây dựng
công trình có hành vi vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng công
trình:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
đối với nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình không thực hiện công việc
giám sát thi công xây dựng đúng hợp đồng đã ký kết; ký hợp đồng với nhà thầu
thi công xây dựng để thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng do mình
giám sát.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
đối với nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình làm sai lệch kết quả
giám sát.
h) Xử phạt hành vi vi phạm của nhà thầu, tổ chức,
cá nhân khác:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
đối với phòng thí nghiệm có một trong các hành vi sau đây:
+ Hoạt động thí nghiệm không đủ điều kiện năng lực
theo quy định;
+ Thực hiện các thí nghiệm, cung cấp các số liệu,
kết quả thí nghiệm không đúng quy định;
+ Không lưu giữ hồ sơ trong quá trình thí nghiệm,
phiếu nhận mẫu và phiếu kết quả thí nghiệm theo quy định.
C. Hướng dẫn lựa chọn
phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có đủ năng lực theo quy định để thực hiện
thí nghiệm kiểm tra chất lượng VLXD:
I. Thực trạng:
Trong năm 2012, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm
tra chất lượng VLXD đưa vào sử dụng cho công trình của các chủ đầu tư. Qua kiểm
tra, Sở Xây dựng nhận thấy việc lựa chọn đơn vị thử nghiệm chất lượng VLXD và
đánh giá kết quả thử nghiệm so với yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và tiêu chuẩn
kỹ thuật của các chủ đầu tư và nhà thầu thi công chưa được quan tâm đúng mức,
còn rất nhiều tồn tại như:
- Hồ sơ năng lực của đơn vị thử nghiệm quá cũ,
không cập nhật, thậm chí có các chủ đầu tư không yêu cầu đơn vị thử nghiệm cung
cấp hồ sơ năng lực.
- Thiết bị thử nghiệm đã hết hạn hiệu chuẩn.
- Địa điểm đặt phòng thí nghiệm không phù hợp với
giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học
và công nghệ.
- Quy trình khảo sát, lấy mẫu và thí nghiệm kiểm
tra chất lượng chưa được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn phương pháp thử
của từng loại VLXD tương ứng hoặc không rõ ràng.
- Không có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 hoặc ISO/IEC 17025.
- Người phụ trách phòng thí nghiệm có bằng cấp
không phù hợp. Một số thí nghiệm viên chưa có chứng chỉ đào tạo nhân viên thí
nghiệm cho sản phẩm, hàng hóa VLXD tương ứng đang thử nghiệm của cơ quan
có chức năng đào tạo do Bộ Xây dựng công bố.
- Đặc biệt là phiếu kết quả thí nghiệm vật liệu
đưa vào sử dụng cho công trình không thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định,
cũng không được nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án và chủ
đầu tư đánh giá, so sánh, đối chiếu mức độ đáp ứng so với yêu cầu của thiết kế,
quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật đã được duyệt áp dụng cho công trình.
II. Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của
Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của
Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất
động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ
thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
- Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01/7/2008 của
Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí
nghiệm chuyên ngành xây dựng.
- Quyết định số 11/2003/QĐ-BXD ngày 12/5/2003 của
Bộ Xây dựng về việc ban hành tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 297:2003
“Phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng - Tiêu chuẩn công nhận”.
- Thông tư số 18/2010/TT-BXD ngày 15/10/2010 của
Bộ Xây dựng quy định việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng.
- Thông tư số 21/2010/TT-BXD ngày 16/11/2010 của
Bộ Xây dựng hướng dẫn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm,
hàng hóa VLXD.
- Thông tư số 06/2011/TT-BXD ngày 21/6/2011 của
Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong
lĩnh vực xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số
55/NQ-CP ngày 14/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính
thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
- Thông tư số 11/2011/TT-BXD ngày 30/8/2011 của
Bộ Xây dựng về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD.
- Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt
bê tông”; Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 12/4/2013 của Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN,
Thông tư số 10/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ.
- Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và
phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của
Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình
xây dựng.
- Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND ngày 12/7/2011 của Ủy
ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
VLXD trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
III. Các vấn đề cần lưu ý
khi lựa chọn phòng thí nghiệm và đánh giá sự phù hợp của kết quả thí nghiệm:
Để lựa chọn phòng thí nghiệm hợp chuẩn có đầy đủ
năng lực theo quy định và kiểm soát sự phù hợp của các kết quả thử nghiệm do
phòng thí nghiệm cấp so với các yêu cầu của công trình, chủ đầu tư và các đơn vị
liên quan cần lưu ý các nội dung sau:
1. Kiểm tra sự phù hợp của
các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được chỉ định áp dụng cho công trình:
Chủ đầu tư phải có năng lực xác định sự phù hợp
của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được tư vấn thiết kế chỉ định áp dụng
cho công trình, làm căn cứ yêu cầu thử nghiệm chất lượng VLXD. Qua kết quả kiểm
tra chất lượng VLXD sử dụng trong công trình, đa phần các đơn vị tư vấn thiết kế
áp dụng các tiêu chuẩn cũ đã bị thay thế và không còn phù hợp.
Theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BXD:
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến sản
xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa VLXD là bắt buộc áp dụng
trong các hoạt động xây dựng.
- Tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu
chuẩn xây dựng nước ngoài được áp dụng trong hoạt động xây dựng theo nguyên tắc
tự nguyện, ngoại trừ các tiêu chuẩn được trích dẫn trong quy chuẩn hoặc văn bản
quy phạm pháp luật.
- Việc áp dụng tiêu chuẩn phải đảm bảo các yêu cầu
sau:
+ Đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi của hệ thống
các tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án trong toàn bộ quá trình khảo sát, thí
nghiệm, thiết kế, sản xuất và chế tạo, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng;
+ Phải phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về xây dựng và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của
pháp luật;
+ Trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu
được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng do các bộ, ngành quy định.
+ Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân
sách nhà nước, ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn quốc gia.
+ Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia,
người quyết định đầu tư có thể xem xét, chấp thuận tiêu chuẩn nước ngoài. Đối với
tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn của nước ngoài, cần có:
* Toàn văn tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn dưới dạng bản
mềm (files) hoặc bản in, kèm theo bản dịch tiếng Việt hoặc tiếng Anh cho phần nội
dung sử dụng;
* Thuyết minh sự đáp ứng của các tiêu chuẩn so với
các yêu cầu đã nêu tại khoản 2 và 3 Điều 3 - Thông tư số 18/2010/TT-BXD. Đối với
các chỉ dẫn kỹ thuật (technical guidelines) hoặc các tài liệu hướng dẫn
(recommendations) của các tổ chức nước ngoài cho các giải pháp công nghệ mới
khi chưa được ban hành thành các tiêu chuẩn, cần phải giải trình về: tên giải
pháp kỹ thuật - công nghệ; các kết quả nghiên cứu và thực nghiệm; các công
trình đã áp dụng các chỉ dẫn kỹ thuật hoặc tài liệu hướng dẫn; bản quyền tác giả
về giải pháp kỹ thuật - công nghệ; tính khả thi trong điều kiện kinh tế - kỹ
thuật và công nghệ của Việt Nam.
+ Khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn với phiên bản
mới nhất.
+ Phải được người quyết định đầu tư xem xét, lựa
chọn và chấp thuận trong dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tổ chức thử nghiệm chỉ chịu trách nhiệm thí nghiệm
chất lượng VLXD theo tiêu chuẩn phương pháp thử được chủ đầu tư ấn định trước.
Do đó, điều kiện tiên quyết là quy chuẩn, tiêu chuẩn theo yêu cầu của dự án phải
phù hợp với quy định và điều kiện kỹ thuật thực tế của công trình, được xác định
ở giai đoạn đầu khi lập thiết kế.
2. Lựa chọn phòng thí nghiệm
hợp chuẩn có năng lực:
Chủ đầu tư cần yêu cầu phòng thí nghiệm cung cấp
các hồ sơ năng lực cơ bản như sau:
- Quyết định công nhận năng lực phòng thí nghiệm
với mã số LAS-XD của Bộ Xây dựng: Chủ đầu tư phải kiểm tra, đối chiếu thông tin
phòng thí nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về năng lực; có thể kiểm
tra thông tin trên website Bộ Xây dựng theo địa chỉ http://www.xaydung.gov.vn (gõ tên phòng thí nghiệm vào mục Tìm
kiếm). Nội dung quan trọng là kiểm tra sự phù hợp của nhu cầu thử nghiệm với
các phép thử đã được công nhận.
- Quy trình khảo sát, lấy mẫu và thí nghiệm kiểm
tra chất lượng của loại VLXD tương ứng hiện đang yêu cầu thử nghiệm, kèm theo
các tiêu chuẩn phương pháp thử, các hướng dẫn kỹ thuật: Việc yêu cầu nội dung
này nhằm hiểu rõ cách thức, quy trình thực hiện của phòng thí nghiệm so với quy
định của tiêu chuẩn phương pháp thử và điều kiện thực tế của công trình.
- Danh sách thiết bị thí nghiệm sử dụng để thử
nghiệm các chỉ tiêu chất lượng VLXD theo yêu cầu của chủ đầu tư, kèm theo chứng
chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn còn hiệu lực; danh sách thí nghiệm viên trực
tiếp thực hiện thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng VLXD theo yêu cầu của chủ đầu
tư, kèm theo chứng chỉ đào tạo nhân viên thí nghiệm cho loại VLXD đó của cơ
quan có chức năng đào tạo do Bộ Xây dựng công bố: Việc yêu cầu nội dung
này nhằm đảm bảo độ tin cậy của thao tác và kết quả thử nghiệm.
- Báo giá chi phí thử nghiệm: Nhằm xem xét, đối
chiếu, so sánh chi phí giữa các bên có cùng năng lực.
Trong quá trình gửi mẫu thử nghiệm, chủ đầu tư
phải tổ chức giám sát, chứng kiến việc thử nghiệm để đảm bảo tính chính xác và
khách quan của kết quả do phòng thí nghiệm thực hiện.
3. Đánh giá sự phù hợp của
các kết quả thử nghiệm do phòng thí nghiệm cấp so với các yêu cầu của công
trình:
Theo quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BXD, một
trong các nội dung cơ bản và quan trọng nhất khi tổ chức nghiệm thu chất lượng
VLXD đồng ý đưa vào sử dụng cho công trình là việc kiểm tra các kết quả thí
nghiệm, đo lường, đánh giá sự phù hợp so với yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn và
tiêu chuẩn liên quan. Hiện nay, tại công trường, nội dung này thường chỉ được
xem xét lướt qua, chủ yếu tin tưởng vào thương hiệu của các loại VLXD thông dụng
trên thị trường và đồng ý nghiệm thu. Do đó, các chủ đầu tư phải quan tâm các vấn
đề sau:
a) Sự đầy đủ thông tin theo yêu cầu của phiếu kết
quả thử nghiệm:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 6 – Thông tư số
06/2011/TT-BXD, phiếu kết quả thí nghiệm do phòng thí nghiệm thiết lập theo yêu
cầu của các phép thử, nhưng phải có các thông tin và nội dung cơ bản sau:
- Tên cơ sở quản lý phòng thí nghiệm;
- Tên và địa chỉ phòng thí nghiệm, mã số LAS-XD
(ghi theo quyết định công nhận);
- Số hợp đồng kinh tế hoặc văn bản yêu cầu của
đơn vị yêu cầu thí nghiệm;
- Tên dự án/công trình/hạng mục công trình được khảo
sát, lấy mẫu, thí nghiệm. Đối với các thí nghiệm phục vụ nghiên cứu/tự kiểm tra
chất lượng của nhà sản xuất thì ghi rõ mục đích thí nghiệm.
- Tên cán bộ giám sát của Chủ đầu tư trong quá
trình lẫy mẫu, thí nghiệm;
- Loại mẫu thí nghiệm;
- Tiêu chuẩn và thiết bị thí nghiệm;
- Kết quả thí nghiệm;
- Thời gian lập phiếu kết quả thí nghiệm;
- Chữ ký của: nhân viên thí nghiệm và trưởng
phòng thí nghiệm;
- Chữ ký của người có thẩm quyền và dấu pháp
nhân của cơ sở quản lý phòng thí nghiệm.
Trường hợp nhận được phiếu kết quả thử nghiệm
chưa đầy đủ các thông tin nêu trên, chủ đầu tư phải yêu cầu phòng thí nghiệm rà
soát, kiểm tra lại để cung cấp kết quả cho đầy đủ theo quy định, đảm bảo tính hợp
pháp và chính xác của kết quả thử nghiệm, là căn cứ để nghiệm thu VLXD đưa vào
công trình.
Đối với một số loại VLXD đã là hàng hóa sản xuất
công nghiệp được bán rộng rãi trên thị trường, một số chủ đầu tư không yêu cầu
thử nghiệm lại và chấp thuận phiếu kết quả thử nghiệm do nhà sản xuất cung cấp
theo lô sản phẩm, hàng hóa. Phiếu kết quả thử nghiệm này phải đảm bảo của phòng
thí nghiệm hợp chuẩn, đầy đủ thông tin để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng
hóa và trong vòng tối đa không quá 12 tháng (theo quy định tại Thông tư số
28/2012/TT-BKHCN, việc đánh giá giám sát định kỳ tại nơi sản xuất được thực hiện
tùy theo phương thức đánh giá sự phù hợp và tối đa tần suất đánh giá không quá
12 tháng/lần).
b) Sự phù hợp về chất lượng VLXD so với thiết kế,
quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật:
Hiện nay, sản phẩm, hàng hóa VLXD có tên trong QCVN
16:2011/BXD (06 nhóm: clanhke xi măng và xi măng; kính xây dựng; phụ gia cho xi
măng và bê tông; VLXD chứa sợi vô cơ, sợi hữu cơ tổng hợp, sản phẩm hợp kim
nhôm và sản phẩm trên cơ sở gỗ; sơn, vật liệu chống thấm, vật liệu xảm khe; gạch
ốp lát) và thép làm cốt bê tông được quy định tại QCVN 7:2011/BKHCN là VLXD
nhóm 2. Theo đó, các loại VLXD này bắt buộc phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng
theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Do đó, cán bộ phụ
trách công tác nghiệm thu vật tư, vật liệu của chủ đầu tư phải theo dõi, giám
sát quá trình lấy mẫu thử nghiệm tại công trường đảm bảo thao tác, quy trình, số
lượng mẫu và tính đại diện cho lô sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu của tiêu chuẩn
kỹ thuật bắt buộc áp dụng được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đối
chiếu, so sánh từng chỉ tiêu chất lượng theo kết quả thử nghiệm với yêu cầu của
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chấp thuận hoặc không chấp thuận nghiệm thu đưa
vào sử dụng.
Các nội dung khác cần kiểm tra trước khi nghiệm
thu vật tư, vật liệu đã trình bày tại mục V, phần B của văn bản này.
c) Sự phù hợp về chất lượng VLXD so với tiêu chuẩn
do người sản xuất, người nhập khẩu công bố áp dụng:
Theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng
hóa, tất cả sản phẩm, hàng hóa (bao gồm VLXD) đều phải được người sản xuất, người
nhập khẩu công bố tiêu chuẩn áp dụng và đảm bảo chất lượng so với nội dung đã
công bố.
Do đó, chủ đầu tư phải tổ chức đối chiếu, so
sánh từng chỉ tiêu chất lượng theo kết quả thử nghiệm với tiêu chuẩn do người sản
xuất, người nhập khẩu công bố áp dụng, để chấp thuận hoặc không chấp thuận nghiệm
thu đưa vào sử dụng.
D. Việc sử dụng VLXKN
trong công trình xây dựng:
Việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung
truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu do loại sản phẩm này có nhiều yếu
tố vượt trội:
- Không dùng nguyên liệu đất sét để sản xuất. Vì
đất sét chủ yếu khai thác từ đất nông nghiệp và đây là nguồn nguyên liệu không
thể tái tạo. Việc sản xuất gạch xây nung từ đất sét biến đất canh tác thành ao
hồ, biến đồng ruộng thành vùng đất trũng và sâu, ngập nước, làm giảm diện tích
sản xuất cây lương thực, đe dọa về an ninh lương thực quốc gia. Để sản xuất 01
tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu
m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2 m) và
150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng
nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Năm 2020 nhu cầu
vật liệu xây của cả nước khoảng 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu
này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 đến 60 triệu m3 đất sét, tương
đương 2.800 đến 3.000 ha đất nông nghiệp. Đồng thời tiêu tốn 5,3 đến 5,6 triệu
tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2. Đây là một con số quá lớn, đe dọa
đến sự phát triển bền vững của ngành xây dựng và VLXD của cả nước. Ngoài ra, đất
sét nên dùng vào việc sản xuất các sản phẩm trang trí cao cấp, thẩm mỹ hơn hoặc
gạch đặc chủng mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành công nghiệp VLXD, đồng thời
giảm được một khoảng ngoại tệ dùng cho nhập khẩu các loại sản phẩm cao cấp này…
- Có thể tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần
bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu (như than, củi, dầu DO). Theo quy hoạch
phát triển ngành điện và luyện kim, lượng tro, xỉ phát thải hằng năm tăng
nhanh, dự kiến đến năm 2020 sẽ khoảng 45 triệu tấn và sẽ cần khoảng 1.100 ha mặt
bằng để chứa phế thải. Việc tận dụng phế thải công nghiệp để sản xuất VLXKN
đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
- Có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt,
bền, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm thời gian thi công, một số loại gạch nhẹ
có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng…
Tổng hợp các ưu điểm nêu trên, VLXKN được xem
như loại VLXD thân thiện với môi trường và hiện đang được nhà nước khuyến khích
sản xuất và sử dụng để thay thế gạch đất sét nung truyền thống.
1. Chương trình phát triển
VLXKN:
a) Chương trình phát triển VLXKN theo Quyết định
số 567/QĐ-TTg:
Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến
năm 2020. Theo đó, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN đến năm 2020
được quy định tại Quyết định số 567/QĐ-TTg như sau:
- Về chủng loại sản phẩm:
+ Gạch xi măng - cốt liệu: Tỷ lệ gạch xi măng -
cốt liệu trên tổng số VLXKN khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
+ Gạch nhẹ: Tỷ lệ gạch nhẹ trên tổng số VLXKN
khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020. Gạch nhẹ có 2 loại sản phẩm chính
sau:
* Gạch từ bê tông khí chưng áp (AAC): Tỷ lệ gạch
AAC trên tổng số VLXKN khoảng 16% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020;
* Gạch từ bê tông bọt: Tỷ lệ gạch từ bê tông bọt
trên tổng số VLXKN khoảng 5% từ năm 2015.
+ Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, VLXKN từ đất đồi
và phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát...) đạt tỷ lệ khoảng
5% từ năm 2015 trên tổng số VLXKN.
- Về công nghệ và quy mô công suất: Phát triển
các cơ sở sản xuất VLXKN bằng công nghệ tiên tiến với quy mô công suất phù hợp
với từng vùng, khu vực.
- Sử dụng VLXKN:
+ Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9
tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn
hơn 1000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây;
+ Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng
VLXKN khác có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ.
b) Nội dung cơ bản của Chỉ thị tăng cường sử dụng
VLXKN số 10/CT-TTg:
Ngày 16/4/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban
hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất,
sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội
dung chủ yếu như sau:
- Khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng
VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường thạch cao và tấm 3D (loại sản phẩm này chưa
được quy định rõ trong Quyết định số 567/QĐ-TTg).
- Các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở
làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN. Các công trình
nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXKN, đặc biệt là
VLXKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây. Khi phê duyệt
dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng VLXKN. Việc
này sẽ được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành các cơ chế chính sách một cách đồng bộ.
- Giao Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ báo
cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất của thuế tài nguyên đối
với đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa (15%). Đồng thời, giao UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương rà soát trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng
mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối
đa.
- Một số biện pháp cụ thể khác nhằm đẩy mạnh việc
chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò
vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thu hồi tro, xỉ và thạch cao đảm bảo chất
lượng để làm nguyên liệu cho sản xuất VLXKN…
c) Triển khai thực hiện Chương trình phát triển
VLXKN tại TPHCM:
- Trong Quy hoạch phát triển VLXD TPHCM đến năm
2020, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã đề ra định hướng phát triển VLXKN để
thay thế gạch đất sét nung truyền thống.
- Theo đó, thành phố xác định rõ định hướng phát
triển đối với vật liệu xây như sau:
+ Không khai thác đất sét sản xuất gạch xây
nung, không đầu tư các cơ sở sản xuất gạch xây nung trên địa bàn Thành phố.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở
sản xuất gạch không nung trong các khu công nghiệp để phục vụ cho nhu cầu của
thành phố.
+ Phát triển sản xuất các loại vật liệu nhẹ,
siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu
cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới…
- Trong năm 2011, thành phố đã tổ chức và thực
hiện thành công việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ
công trên địa bàn (305 lò gạch thủ công của 94 cơ sở tại quận 9 và Thủ Đức).
- Sở Xây dựng đã phối hợp với Vụ Vật liệu Xây dựng
của Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu Xây dựng, Hiệp hội Xây dựng và VLXD thành phố tổ
chức một số hội thảo liên quan nhằm khuyến khích phát triển VLXKN; phối hợp với
các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong vùng TPHCM tổ chức hội nghị giao ban, liên kết,
hợp tác trong nhiều lĩnh vực của ngành xây dựng, trong đó có lĩnh vực VLXD, nhằm
tạo điều kiện cho các doanh nghiệp VLXD có thể phát triển mạnh tại các tỉnh.
- Sở Xây dựng hiện đang trình Ủy ban nhân dân
thành phố Chỉ thị tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng trên địa
bàn TPHCM, trong đó tham mưu các công việc cụ thể của các Sở ngành và đơn vị có
liên quan, nhằm triển khai thực hiện chương trình một cách có hiệu quả tại TPHCM.
2. Thông tư số
09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng:
Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng mới ban hành Thông
tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Theo
quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD, tại TPHCM các công trình xây dựng được
đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng
100% VLXKN kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 15/01/2013). Các công
trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015
phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại
nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây). Khuyến khích sử dụng
VLXKN trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, không phân biệt
khu vực đô thị, không phân biệt số tầng.
VLXKN bao gồm: Gạch xi măng - cốt liệu; Vật liệu
nhẹ (gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông khí không chưng áp, gạch từ
bê tông bọt, tấm Panel từ bê tông khí chưng áp); Tấm tường thạch cao, tấm 3D; Gạch
khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng,
phế thải công nghiệp, gạch silicát...).
Thông tư số 09/2012/TT-BXD cũng quy định rõ
trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc sử dụng VLXKN đối
với công trình xây dựng (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế,
nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
khi thẩm tra, thẩm định các dự án).
Một số công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng
VLXKN thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận
(Bộ Xây dựng đối với các công trình cấp đặc biệt và cấp I; Bộ Quốc phòng và Bộ
Công an đối với các công trình an ninh, quốc phòng có yêu cầu đặc biệt về việc
sử dụng vật liệu xây;các Bộ chuyên ngành đối với các công trình đặc thù của
ngành; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình còn lại).
Các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được
cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực
hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích
chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung.
3. Chỉ thị số
04/2013/CT-UBND ngày 28/01/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố:
Ngày 28/01/2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã
ban hành Chỉ thị số 04/2013/CT-UBND về tăng cường sử dụng vật liệu xây không
nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong Chỉ
thị số 04/2013/CT-UBND, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở - ban - ngành,
Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực
xây dựng và VLXD trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung liên
quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLXKN theo quy định. Các công trình đã
được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, báo cáo
kinh tế kỹ thuật trước ngày 15 tháng 01 năm 2013 thì thực hiện như giấy phép đã
được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt; khuyến khích chủ đầu tư thay đổi
thiết kế để sử dụng vật liệu xây không nung. Trường hợp vượt quá thời gian thực
hiện dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật được duyệt, hoặc sau 12 tháng kể từ ngày
được cấp phép xây dựng mà chưa thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ
chức thực hiện việc sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình theo tỷ lệ
quy định của Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ đạo
tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ sử dụng VLXKN
trong các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước và các công trình xây dựng từ
9 tầng trở lên trên địa bàn thành phố cho phù hợp với các quy định.
4. Các tiêu chuẩn quốc gia
hiện hành về mức yêu cầu kỹ thuật của các loại VLXKN:
- Quyết định số 3628/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2011 của
Bộ Khoa học & Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có
các tiêu chuẩn liên quan đến VLXKN:
+ TCVN 6477:2011 - Gạch bê tông.
+ TCVN 7959:2011 - Bê tông nhẹ - Gạch bê tông
khí chưng áp (AAC).
+ TCVN 9029:2011 - Bê tông nhẹ - Gạch bê tông bọt,
khí không chưng áp – Yêu cầu kỹ thuật.
+ TCVN 9028:2011 - Vữa cho bê tông nhẹ.
- Quyết định số 1676/QĐ-BKHCN ngày 14/8/2007 của
Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có tiêu
chuẩn tấm 3D:
+ TCVN 7575-1: 2007 - Tấm 3D dùng trong xây dựng
– Phần 1: Quy định kỹ thuật.
+ TCVN 7575-3: 2007 - Tấm 3D dùng trong xây dựng
– Phần 3: Hướng dẫn lắp dựng.
- Quyết định số 3099/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2010 của
Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó có tiêu
chuẩn TCVN 8256:2009 Tấm thạch cao - Yêu cầu kỹ thuật.
5. Các định mức, đơn giá
VLXKN đã được cơ quan có thẩm quyền công bố:
- Công văn số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ
Xây dựng về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Xây dựng
và công văn số 1299/SXD-QLKTXD ngày 29/2/2008 của Sở Xây dựng về việc công bố
đơn giá xây dựng cơ bản (phần xây dựng và phần lắp đặt) khu vực TPHCM: AK.77400
Làm vách bằng tấm thạch cao.
- Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/2011 của
Bộ Xây dựng về việc Công bố Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng
(bổ sung):
+ AE.81000 Xây gạch block bê tông rỗng.
+ AE.85000 ÷ AE.87000 Xây gạch bê tông khí chưng
áp (AAC) bằng vữa xây bê tông nhẹ.
+ AE.88100 Xây gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng
vữa thông thường.
+ AG.22100 Lắp dựng tấm tường V-3D.
+ AG.22400 Lắp dựng lưới thép V-3D tăng cường
góc tường, sàn, ô cửa, ô trống, cạnh tấm, cầu thang.
- Trường hợp định mức, đơn giá xây dựng chưa có
trong hệ thống định mức, đơn giá đã được công bố hoặc những định mức, đơn giá
đã được công bố nhưng chưa phù hợp với biện pháp, điều kiện thi công, yêu cầu kỹ
thuật của công trình: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP
ngày 14/12/2009 của Chính Phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình,
Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và
quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
6. Quản lý chất lượng sản
phẩm, hàng hóa VLXKN sử dụng trong công trình xây dựng:
Việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXKN
sử dụng trong công trình xây dựng thực hiện tương tự như các nội dung tại mục
V, phần B nêu trên.
Tóm lại, các loại VLXKN thông dụng hiện nay chưa
phải là VLXD nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, trong điều
kiện vận chuyển, lưu giữ, sử dụng trong công trình xây dựng có tiềm ẩn nguy cơ
gây hại cho người và công trình xây dựng, cho môi trường xung quanh). Do đó, việc
kiểm soát chất lượng của VLXKN được sử dụng vào công trình chủ yếu dựa vào việc
so sánh, đối chiếu mức chất lượng của vật liệu được cung cấp đến công trình so
với tiêu chuẩn chất lượng do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu công bố áp dụng.
Trường hợp nhà sản xuất hoặc nhập khẩu không công bố tiêu chuẩn áp dụng thì sản
phẩm, hàng hóa đó không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường và sử dụng trong
công trình xây dựng. Tiêu chuẩn áp dụng có thể là tiêu chuẩn Việt Nam (như một
số tiêu chuẩn TCVN đã nêu tại khoản 2.1, mục 2 nêu trên), hoặc tiêu chuẩn nước
ngoài (trường hợp nhà sản xuất tự nhận thấy có năng lực duy trì hoạt động sản
xuất đáp ứng mức yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn nước ngoài), hoặc tiêu chuẩn
cơ sở do nhà sản xuất tự xây dựng.
Sở Xây dựng phổ biến, hướng dẫn một số nội dung
cơ bản nêu trên để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và
VLXD tổ chức quản lý chất lượng, sử dụng VLXD trong công trình thật sự hiệu quả
và phù hợp với quy định hiện hành./.
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Phan Đức Nhạn
|