BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1855/BTP-PBGDPL
V/v hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 5 năm 2023
|
Kính gửi:
|
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Hội Luật gia Việt Nam;
- Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
|
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục
pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua 10 năm tổ chức hưởng ứng
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt
Nam) trên phạm vi cả nước, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, cơ quan, tổ
chức ở trung ương, địa phương và đông đảo Nhân dân hưởng ứng, thực hiện nghiêm
túc, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, góp phần khơi
dậy ý thức công dân, xây dựng lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng
cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật trong xã hội, văn hóa pháp
lý cho mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm
2023 tiếp tục được thực hiện sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Bộ Tư pháp trân trọng
đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương căn cứ điều kiện thực
tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt
Nam với định hướng sau đây:
1. Quan điểm,
yêu cầu
a) Bám sát các định hướng lãnh
đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ
pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các văn bản về công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật (PBGDPL), trọng tâm là Luật PBGDPL, Kết luận số 80-KL/TW
ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của
Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý
thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày
06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số
80-KL/TW. Quán triệt đầy đủ, sâu rộng về các định hướng triển khai Ngày Pháp luật
Việt Nam theo ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.
b) Thông qua các hoạt động hưởng
ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật
của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân,
góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh,
xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
c) Việc tổ chức các hoạt động cần
thiết thực, gắn với hoạt động cụ thể trong xây dựng, tổ chức thi hành và bảo vệ
pháp luật theo định hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở.
2. Về nội dung
a) Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục,
nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập
trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân,
doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm
2023; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi
ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; pháp luật về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực, lãng phí; quốc phòng và an ninh; công tác thu hồi tài sản bị thất
thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phòng, chống
tội phạm; dân chủ ở cơ sở; dịch bệnh, thiên tai; phòng, chống bạo lực gia đình,
bạo lực học đường; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản
hóa thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác
thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm
hoặc cần định hướng dư luận xã hội…; thông tin về hoạt động điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa
thuận quốc tế liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là các
điều ước quốc tế về nhân quyền, các Hiệp định Thương mại tự do, các thỏa thuận
với các nước có chung đường biên giới...
b) Tăng cường công tác truyền thông
dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có
tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
giai đoạn 2022-2027”, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, chương
trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất là các dự án Luật
có vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh
doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở
(sửa đổi); dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)... góp phần củng cố
niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
c) Đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, xuyên tạc nội
dung các Luật đang có hiệu lực thi hành và trong quá trình Quốc hội thảo luận
cho ý kiến đối với các dự án Luật, nhất là những dự án Luật có ảnh hưởng sâu rộng
đến đời sống Nhân dân.
d) Gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp
luật Việt Nam với tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tổ chức
Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở
cơ sở;
e) Thông tin, phản ánh, tôn
vinh gương người tốt việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ
pháp luật.
3. Về hình thức
Đề nghị lựa chọn hình thức hưởng
ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính
trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết
thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể; đẩy mạnh thông tin pháp luật,
PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử,
mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa
đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp
lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép
trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở...
Hưởng ứng, tham gia và tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc
lần thứ IV. Phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam giai
đoạn 2023-2028.
4. Về khẩu hiệu
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở
trung ương và địa phương chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về
Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
mình. Có thể tham khảo và sử dụng một số khẩu hiệu sau:
- Sống và làm việc theo pháp luật
là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp
luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng,
thi hành và bảo vệ pháp luật.
- Đẩy mạnh truyền thông chính
sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực
thi pháp luật.
- Tăng cường năng lực phản ứng
chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật tạo môi trường pháp lý
thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu
tuân theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động.
- Hiểu biết và chấp hành pháp
luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh.
- Nâng cao hiệu quả thi hành
pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng công tác
xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo lập môi trường thuận lợi
cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Tích cực cải cách hành chính,
phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật
góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt công tác truyền
thông, phản ứng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,
góp phần hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh.
5. Thời gian thực hiện
Các hoạt động hưởng ứng Ngày
Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập
trung vào 02 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11/2023.
6. Tổ chức thực hiện
Các bộ, cơ quan, tổ chức ở
trung ương và địa phương tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực
hiện trong phạm vi quản lý và tổng hợp tình hình trong Báo cáo công tác tư pháp
năm 2023; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực tham
gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, mọi
thông tin đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,
số 58-60 Trần Phú, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội; số điện thoại: 024.6273.9480)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL
TW (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổ chức pháp chế, đơn vị tham mưu công tác PBGDPL các bộ, cơ quan, tổ chức ở
trung ương (để thực hiện);
- Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, PBGDPL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Tịnh
|